Saturday, June 2, 2012

LỜI TÂM TÌNH

            Recognition of GDPT Kim Quang by the city of Sacramento, CA in 2008.


Sau những tuần bận rộn của mùa Phật Đản 2636, mình đang lắng đọng để nhìn về tổ chức GĐPT. Đọc lại bài viết cũ, thấy được những nỗi niềm riêng và chung.  Xin mạo muội chia sẻ cùng quý ACE để “chúng ta phải đầu tư trong sự nghiệp giác ngộ của mình” như lời Thầy Thích Minh Đạt thường dạy.  Kính chào tinh tấn. 

LỜI TÂM TÌNH CÙNG
HUYNH TRƯỞNG VÀ ĐOÀN SINH GĐPT KIM QUANG.


Kính thưa quý anh chị Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT Kim Quang thân mến.

Năm nay, chúng ta làm báo Chu Niên để kỷ niệm 30 năm thành lập GĐPT Kim Quang sớm hơn mọi năm.  Mình làm báo vào mùa Phật Đản Sanh thay vì mùa hè.  Chúng ta ai cũng rộn ràng và hòa vui trong niềm hân hoan của nhân loại đang đón chào Mùa Đấng từ phụ Thích ca Mâu ni ra đời. 

Nhân cơ hội này, xin được chia sẻ và “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương” cùng quý anh chị, những người cùng chung lý tưởng, chung niềm tin, chung sức sống một vài điều thô thiển.  Đây chỉ là những ý kiến xây dựng chung, nếu có gì không hợp nhỉ thì xin bỏ qua cho.

Kính thưa quý anh chị.

Chúng ta thừa biết rằng:  “Nhiều tay vỗ nên kêu” hay “Một cánh én không thể làm nổi một mùa Xuân”, tất cả những thành tựu mà GĐPT Kim Quang có được trong năm qua là do bàn tay, con tim, và khối óc của tất cả mọi người.  Thành đạt đó không thể là do một cá nhân hay một đoàn, một khối, hay một nhóm người, mà là tất cả từ đoàn sinh, phụ huynh, huynh trưởng đến quý Thầy cô.

Chúng ta là những người đang tiếp tay quý Ngài, quý vị tiền bối đem đạo vào đời và có nhiều lần trong những buổi họp, chúng ta đều nhấn mạnh Tu Học, sự trau dồi kiến thức của mỗi cá nhân, là vấn đề trọng đại cần lưu tâm.  Vì thế chúng ta cần phải chuẩn bị hành trang phụng sự cho chính mình.  Trong năm tới chúng ta nên tinh tấn hơn, dũng mảnh hơn để học hỏi và tu tập hầu góp phần xây dựng nền tảng hạnh phúc cho cá nhân, gia đình, và xã hội.  Nói như Ôn Minh Đạt là “chúng ta phải đầu tư trong sự nghiệp giác ngộ của mình”.  Xin mời tất cả quý anh chị, nhất là quý anh chị huynh trưởng “trẻ” chung cùng chuyên cần tu tập để mình có những gì mình muốn trao tặng các em.  Chúng ta không thể cho những gì mình không có.  Quý anh chị đến với đạo Phật là quý anh chị đang đứng trước một kho tàng từ bi và trí tuệ (tình thương và sự hiểu biết) khổng lồ, thì quý anh chị đừng có rời kho tàng vô giá này với bàn tay trắng.  Đây cũng là điều mà quý anh chị có thể chia sẻ và thử thách các đoàn sinh của mình.

Quý anh chị phải cho việc tu học, sự rèn luyện của mình là một ưu tiên trên hết. Cái đặc biệt của người huynh trưởng GĐPT là sự phát nguyện: Phát Bồ Đề Tâm, thừa hành Bồ Tát hạnh, hay sự phát tâm hành trì.  Sự giữ gìn và trì giới của chúng ta cần phải có.  Chúng ta nên nhắc nhở và khuyến tấn cho nhau.  Chúng ta cũng thường nghe: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn”, đôi khi đi học Phật pháp mà có leo teo vài người thì buồn lắm, cả Thầy lẫn trò.  Chúng ta thường thấy những du ngoạn, giải trí thì tham dự đầy đủ, mà hội thảo hay tu học thì hơi “bận”.  Buồn lắm khi chúng ta chỉ có số ít tham dự và rất vui khi nhiều người tham gia. Việc xây sân khấu làm điển hình, tất cả các anh em rất vui khi thấy có sự cộng tác của tất cả, nhất là sự có mặt của quý anh chị vắng mặt thường xuyên.  Hay lấy việc ăn chay chẳng hạn, thật là vui khi chúng ta ăn chay cùng ngày hoặc giả ăn chung cùng mùa Phật Đản hay Vu Lan.  Nhưng nếu chúng ta không làm được điều đó, thì ít nhất người huynh trưởng như chúng ta nên ăn chay (sự trì giới) 4 ngày mỗi tháng. Nếu quý anh chị thấy khó quá hoặc hay quên, thì ăn mỗi tuần một lần như gia đình chị huynh trưởng Nguyên Nhơn vào mỗi thứ Tư hay hai lần một tuần như gia đình anh Thanh Quang để dễ nhớ.  Quý anh chị “trẻ” nghĩ sao?  Mình làm được chứ.  Phật pháp và giữ gìn giới luật là nên tảng căn bản của người huynh trưởng.  Nếu chúng ta thiếu những hạt giống này, thì mình sẽ dễ bị lung lay và “cuốn theo chiều gió”

Thưa quý anh chị và các em thân mến.

Trong năm qua, có hai câu hỏi luôn đặt ra cho quý anh chị và các em.  Hướng nào anh/chị/em đang đi? (What direction are you going?) và anh/chị/em là sự giải đáp hay là sự bế tắc, một vấn đề? (Are you part of the problems or part of the solutions?), quý anh chị em có cơ hội để quán chiếu chưa.  Nếu chưa, thì vẫn còn chưa muộn.  Dù đó là hướng đi về tâm linh, tình cảm, tài chánh, hay sự nghiệp, nếu quý anh chị có thời gian dừng lại và quán chiều thì có lẽ quý anh chị em sẽ tự tìm cho mình một lối đi.  Chúng ta cũng cần thực tế, ngoài con tim và khối óc không cũng chưa đủ, mình cần phải giải quyết cái vế thứ ba là “bao tử” nữa.   Chẳng hạn như mình muốn ủng hộ chùa hay là hiến dâng ba mẹ một vật gì mà không có khả năng tài chánh thì cũng hơi kẹt.  Cho nên việc học vấn, sự nghiệp tương lai của các em, cũng phải là một sự ưu tiên hạng nhất cần được trông nom và tưới tẩm.  Xin nhớ nhé quý anh chị trẻ và các em: Con tim, khối óc, và bao tử là những bộ phận quan trọng.  Còn câu hỏi thứ hai, dĩ nhiên là sự mong muốn chung: chúng ta là một thành phần của câu trả lời, là một sự giải đáp, mà không phải là một câu hỏi, một tệ hại, hay một vấn đề. 

Thưa quý anh chị và các em thân mến.

Trong năm qua, ai cũng muốn là làm việc ít lại mà thực tế công việc lại nhiều ra và chúng ta làm việc như một guồng máy, cứ chạy theo “events”.  Đó là điều cần được cảm thông và chia sẻ.  Chùa chúng ta đang xây đựng, một cơ sở sinh hoạt văn hóa và giáo dục lớn trong cộng đồng người Việt tại Sacramento, nên có rất nhiều việc cần được sự tiếp tay đóng góp của tất cả chúng ta.  Âu đó cũng là một thành quả không nhỏ của tất cả huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT Kim Quang.  Chúng ta đang góp tâm lực, tài lực, trí lực, và nguyện lực để hoài bảo chung được thành tựu. Nói là niềm vui chung.  Ôn Minh Đạt thường dạy:  “Một cục đắng mà có một người ngậm thì sẽ đắng lắm, nhưng có nhiều người chia xẻ thì sẽ không đắng lắm và mình ngậm được.”  Thành ra, mọi khó khăn như việc tái kiến thiết của chùa hay những Phật sự của gia đình mình, cần được tán thành, chia sớt, và thông cảm.  Sự việc ở đây là làm sao chúng ta có sự an lạc trong khi mình làm việc.  Quý Ngài thường dạy: “Hạnh phúc là con đường, không phải là nơi chốn” (There is no way to happiness, happiness is the way), cho nên chúng ta cần phải “an” mới có lạc.  Vả lại những việc chúng ta làm là những việc “đàng hoàng” như cố Hoà Thượng Ân Sự của chúng ta thường dạy:   Chúng ta nên tự hào và cần phải hiểu để thông cảm cho nhau vì đó là lợi ích chung.  Vậy thì chúng ta hoan hỷ góp hết sức mình các bạn và các em nhé.

Thưa quý anh chị và các em thân mến.

Nhìn về tương lai, xin được khuyến tấn các anh chị và các em thực hành và thí nghiệm 3 việc này trong năm tới cho chính mình, cho tổ chức mình, và cho cộng đồng của mình.

1. “Think globely, act locally.” Điều này rất logic và rất Phật – sự an lành và hạnh phúc bắt đầu từ bên trong, từ một người rồi đến nhiều người.  Như để có một thế giới an bình, thì mình là người bình an, gia đình mình bình an, rồi mới đến cộng đồng, quốc gia và thế giới.  (Xin mời các anh chị em đọc Peace is Every Step – An Lạc Từng Bước Chân của sư ông Nhất Hạnh)    


2. Change your Perspective – thay đổi cái nhìn của mình, đặt mình trong vị trí của người khác.  Nếu mình nhìn sự việc qua nhiều khía cạnh khác nhau và đặt mình trong cương vị khác nhau, mình sẽ dễ hiểu, thông cảm, tha thứ cho nhau và làm cho cuộc sống của mình và mọi người xung quanh nhẹ nhàng hơn và thoải mái hơn.  (Xin mời quý anh chị em đọc The Art of Living của Ngài Dalai Lama)

3.  Trust – Tin tưởng.  Chúng ta nên tin tưởng lẫn nhau, giúp đỡ cho nhau.  Tin là yếu đố đầu tiên trong sự thành công. Tin vào khả năng của chính mình.  Tin vào khả năng của đồng sự của mình, chia bớt những công việc cho các bạn, các em của mình.  Đừng quá ôm đồm mà mình sẽ mệt.  Tin tưởng vào người khác.  Tin cũng một trong 13 đức tính tốt của con người “Highly Effective” (Xin mời quý anh chị em đọc 7 Habbits of Highly Effective People của Stephen Covey), hay là một trong 5 đức tính tốt của người Trung Hoa. (Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín).  Tin này cũng là chữ Tín trong Tín Hạnh Nguyện của Tịnh Độ.

Thưa quý anh chị và các em thân mến.

Đạo Phật của chúng ta là đạo để thực hành, chứ không phải đạo để tin. (Buddhism is a religion to practice, not a religion to believe in).  Tuổi trẻ như chúng ta phải chú trọng vào điều đó.  Chúng ta phải tự độ mới được độ tha, tự giác để rồi giác tha.  Chúng ta phải trải nghiệm, mới biết được.  Quý Ôn có dạy:  “uống nước, nóng lạnh tự biết” là vậy đó.  Vậy xin mời tất cả chúng ta cùng lên đường tu tập, sửa đổi những cái sai, những vụng về, những lầm lỗi, để cuộc sống của mình được hoàn thiện hơn, gần với Chân Thiện Mỹ hơn, và gần với Phật hơn.  Dĩ nhiên là chúng ta đã biết: mình nghiêng hướng nào thì sẽ ngã chiều đó.  Cái cây nghiêng bên phải sẽ không bao giờ ngã chiều bên trái.  Đó là chân lý của nhà Phật mà mình phải tự thực nghiệm thì mới biết.  Vậy xin mời quý anh chị và các em hãy nghiêng về bên thiện, bên “gần đèn thì sáng”, bên bờ giác ngộ, bên Phật để mình được ngã trong vòng tay từ bi vô biên của Đấng Từ Phụ.

Thưa quý anh chị và các em thân mến.

Nhân mùa Phật Đản, cầu Phật gia hộ cho tất cả quý anh chị và các em một năm an lành, có niềm vui mới, trong sáng, thảnh thơi tự tại để thưởng thức những hoa trái trên con đường Bi-Trí-Dũng.

Cẩn bút.

Tâm Thường Định - Bạch Xuân Khỏe
Sacramento, CA - Mùa Phật Đản 2632 

Trích từ Đặc San Chu Niên 30 năm GĐPT Kim Quang (2008) trang 16-18.

No comments:

Post a Comment