Wednesday, September 4, 2013

THỬ BÀN VỀ Ý NGHĨA CÁI LU



Oanh Vu Day for GDPT Kim Quang, Photos: BXK
THỬ BÀN VỀ Ý NGHĨA CÁI LU
Viết tặng Lu và các em ngành thanh thiếu GĐPT

            Khi còn ở Việt Nam, ai trong chúng ta cũng biết về cái Lu đựng nước. Cái Lu có những tác dụng rất hay của nó.  Trong bài viết ngắn này, chúng ta hãy thử bàn về ý nghĩa cái Lu. Đối với tôi, cái Lu rất thân thiện và đầy kỷ niệm một thời thơ ấu.  Khi qua Mỹ, hình ảnh này không còn thấy nữa. Tuy nhiên tôi có quen biết và kết thân với  gia đình anh chị Thu Tỵ, và họ đặt tên cho con trai út của mình là Nguyễn Sanh Duy, đặc biệt tên ở nhà của em là Lu. Vì thế, mỗi lần nhìn thấy Lu là tôi như có được cơ hội để suy ngẫm về hình ảnh cái Lu thân thuộc ở quê nhà.

Chúng tôi biết Lu và yêu quý em từ thuở nhỏ. Ở Lu, tôi cũng học hỏi được nhiều điều.  Khi em còn là một Oanh Vũ nam cỏn con, có lần tôi hỏi em, tại sao em đi Chùa và tham dự Gia Đình Phật Tử.  Em trả lời rằng: "Em đi Chùa là để học làm người lãnh đạo".  Câu trả lời thoạt đầu ngỡ là ngây thơ, dễ thương nhưng nó có một chiều sâu vô hạn mà chúng tôi vẫn thầm học hỏi ở em từ đó đến giờ.  Khi em lên trung học, em chuyển lên học ở trường Mira Loma High, nơi tôi đang dạy hoá học, và tôi tình nguyện đưa đón em đi học trong suốt 2 năm đầu. Có thể nói rằng thời gian đó em đang lớn dần trong xe của tôi, chân cẳng của em ngày mỗi dài thêm, và em cao hẳn ra. Nay, nhân dịp em ra trường Trung Học và sắp lên Đại học, tôi mong được lần nữa gọi tên Lu và viết về cái Lu để tặng em cũng như các em ngành Thanh, Thiếu trong GĐPT như là món quà khuyến tấn các em trên con đường học vấn và sự nghiệp tương lai.

            Lu là một cái hủ lớn đựng nước - Ví như cái bụng của đức Phật Di Lặc. Nó bự và 'trống rỗng'. Hồi xưa, lúc điều kiện sinh hoạt còn thô sơ, nhà nào cũng phải gánh nước từ giếng làng về nhà. Ở quê tôi, có khi phải đi rất xa nếu giếng nước gần nhà bị cạn. Nhiều khi phải đi vào sâu trong những khe đá hoặc xuống biển, khoét sâu xuống lòng đất, để lấy nước ngọt về dùng. Tất cả những nguồn nước quý có được đều đỗ vào một cái Lu thật to trước nhà để chứa trữ. Chuyện xưa, có một người Thầy dẫn đệ tử của mình vào trong một Đền thờ và chỉ cho thấy một cái Lu đang có nước trong đó. Người dạy học trò, khi cái Lu quá đầy nước bị tròng trành, nghiêng ngã về một bên thì nước dể bị đổ. Khi ít nước quá, thì nó cũng Lu dể bị ngã nghiêng. Rồi người dạy các học trò rằng, hễ mà mạnh quá thì cũng không ổn mà yếu quá thì cũng không xong.  Cho nên phải biết cái 'vừa phải' mà làm chuẩn; tựa như Con đường Trung Đạo của nhà Phật.

            Để có một cái Lu tốt, nó phải trải qua nhiều giai đoạn. Thứ nhất là những người thợ nắn ra nó. Họ phải biết cách làm khuôn, xây thành, vun đúc, hoàn chỉnh để có một cái Lu đẹp và tròn trịa. Lu của em thật quý vì có đến hai người thợ nặng ra Lu, chăm sóc, kiên nhẫn, trí tuệ, nghệ thuật, và đặc biệt là đầy tình thương yêu đối với chiếc Lu. Kế đến, phải trải qua một giai đoạn nung nấu. Nhiệt độ càng cao, càng nóng thì sự bền chắc của cái lu càng tăng. Thật vậy, những trải nghiệm trong cuộc sống của một con người với đời càng nhiều thì sự chín chắn và đức tính đáng quý trong con người đó càng cao. Sau khi thành hình rồi, thì việc sử dụng nó lại càng không kém phần quan trọng.

Lu là để chứa nước. Chứa quá nhiều nước hay quá ít nước đều không tốt, như câu chuyện kể trên. Điển hình là khi đựng nước ít quá, thì sẽ rất vất vả cho người dùng vì phải vói xuống sâu trong Lu để múc nước được; cũng như khi nước đầy quá thì áp lực nước trong Lu lớn, lâu ngày dễ gây bể Lu. Nên muốn để Lu được sử dụng và bảo tồn lâu đời, thì chỉ nên đựng nước vừa phải. Trong cuộc sống, con người ta thường sống theo bản năng của mình, luôn có những nhu cầu và đam mê về tài sắc, danh vọng, cũng như ăn ngon, mặc đẹp.  Nói chung họ luôn mưu cầu để có được hạnh phúc thế gian, mong cái Lu của mình luôn được đầy vơi. Kinh tế khá giả, mọi thứ dư giả và thoải mái, thì có lẽ sẽ làm cho họ toại nguyện.  Tuy nhiên, như cái Lu chúng ta đang đề cập, đầy quá cũng dễ tràn và có nguy cơ bị vở. Chính vì thế trong lý tưởng sống, mình cần có chánh kiến, chánh tư duy. Phải xây dựng nó bằng nền tảng của sự hiểu biết và thương yêu. Được sống một kiếp người đã khó, nhưng một kiếp người sống bao dung và vị tha lại càng khó hơn. Để giữ được cái Lu bền vững và có ý nghĩa, nước trong Lu phải luôn được luân chuyển, và nó phải không được đầy quá mà cũng không lưng quá. Cái không lưng quá đó là cả một nghệ thuật. Mà nói về nghệ thuật, thì như Thầy Viên Minh và Thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh có lần chia sẻ với chúng tôi tại Tu Viện Diệu Nhân rằng: "Nghệ thuật là biết bỏ bớt những gì không cần thiết."

            Cuộc sống vốn dĩ phù du và dâu bể, nên ta phải biết định hướng cái gì là không cần thiết hay là cần thiết. Muốn tránh cái phiền toái của sự vở Lu (cũng như của kiếp nhân sinh) thì cần buông bỏ, hỷ xả và mong tìm cho mình con đường giải thoát.  Hãy bỏ bớt bám víu, thanh tịnh tâm, vững chải thân, mà có mong cầu thì chỉ tìm sự "vừa đủ" và an lạc trong chính tâm hồn.

            Con đường giải thoát đó, trong Đạo Phật gọi là Trung Đạo.  Đạo nghĩa là đường; Trung có nghĩa là chính giữa. Là con đường phá bỏ đi thế giới nhị nguyên, hai đối lực là chánh tà, trắng đen, thiện ác và tốt xấu, hay dở, đúng sai v.v... trên con đường đi tìm về với Bản lai diện mục hay Phật tánh vi diệu của mỗi chúng ta. (Giác ngộ là sự vắng bóng của khổ đau.)

            Vì thế cái Lu cũng có thể là phương tiện để chúng ta nhìn thấy và gợi lại những gì mình đã học và hiểu. Cái thực dụng ở đây là đem ra mà hành thôi. Nói tóm lại, tất cả chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh. Nhưng nhờ phương tiện đó để đạt đến cứu cánh.

            Lời cuối, chúc Lu và các em ngành Thanh, Thiếu thành công, an nhàn và hạnh phúc trên con đường học hành, sự nghiệp, và tu tập của mình. Hãy đi bằng chính đôi chân vững chắc của các em. Hãy vào đời bằng "đôi mắt thương nhìn cuộc đời", hay "sáng cho người thêm niềm vui" và "chiều giúp người bớt khổ". Hãy mạnh dạn lên nhé các em. Hãy dùng con tim, khối óc và đôi bàn tay lành mạnh của mình mà cống hiến cho Đạo và Đời, em nhé!

Sacramento, Cuối mùa Hè, 2013.



2 comments:

  1. Một bài viết đầy thương yêu trìu mến nhưng không thể ví cái Lu như cái "bụng của Đức Phật Di Lặc. Nó bự và trống rỗng". Bởi vì bụng của Phật Di Lặc tuy "bự" nhưng không trống rỗng. Có một câu kệ tán tụng hạnh nguyện của Phật Di Lặc như sau: "Đại đỗ năng dung, dung khước nhân gian đa thiểu sự; tiểu khẩu thường khai, tiếu tận thiên hạ cổ kim sầu." Có nghĩa là: Bụng lớn có thể chứa, chứa đựng tất cả chuyện thế gian; miệng luôn tươi cười, cười sạch nỗi đau buồn xưa nay của thiên hạ"
    A Chiến

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hello anh Chiến,
      Dạ, cảm ơn anh đã đọc và chia sẻ bài kinh Pháp Cú này. Chữ 'trống rỗng' ở đây, em chỉ nói với các em là sự hỷ xả thôi. Chứ nghĩa sâu hơn như anh em mình biết sợ các em không hiểu. Cảm ơn anh đã nhắc nhở và động viên. Gởi lời thăm anh chị. Em

      Delete