Showing posts with label Nhật ký. Show all posts
Showing posts with label Nhật ký. Show all posts

Wednesday, March 14, 2018

Đào Tấn: Linh Phong Ký Sự

Lời dẫn: Hôm nay ngày 24 tháng Giêng cũng là ngày Lễ Hội Chùa Ông Núi - Linh Phong Thiền Tự xin đăng lại bài viết của nhà văn hóa Đào Tấn: Linh Phong Ký Sự. (Trí Nguyễn)



L.T.S: Đào Tấn - nhà văn hoá lớn của nước ta, không chỉ là nhà soạn tuồng kiệt xuất, nhà thơ tài ba, ông còn để lại nhiều áng văn hay. Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của ông về Chùa Linh Phong, một ngôi chùa đẹp nổi tiếng ở Bình Định trước đây. Bài dịch trích trong tập bản thảo "Văn Tế Ở Bình Định" của Lộc Xuyên Đặng Quý Địch.


Cách thành Đồ Bàn hơn ba mươi dặm vê hướng đông bắc, quanh các thôn Phương Phi Phương Thái thuộc vùng biển đều là núi non cả (trong quần sơn này) nổi lên một ngọn núi cao chót vót, xinh xắn, đứng một mình, đó là ngọn núi có chùa Linh Phong. (Nơi này) rừng suối cây đá có vẻ đẹp kín đáo và thanh cao không đâu bằng. Có thể nói đây là ngọn núi đẹp nhất tỉnh ta.

Vào năm thứ mười một đời vua Hiếu Minh (Quốc chúa, Minh Vương, Nguyễn Phúc Chu) ở triều trước nước ta, nhằm năm thứ 23 niên hiệu Chánh Hoà nhà Lê, tức năm Nhâm Ngọ (1702) có Mộc Y Sơn, ông tu tại núi này. Kết vỏ cây làm áo, mùa đông mùa hè vẫn mặc như thế, ung dung sống bên sườn núi, trong hang đá, ra vào không ai định trước được. Người trong vùng chẳng biết họ tên ông (nhân thấy ông ở trong núi, gọi ông là Sơn Ông (Ông Núi). Khảo tự phổ riêng của chùa (Linh Phong) cùng bài vị các đời trụ trì thờ tại chùa, thấy có ghi ông họ Lê tên Ban, người ở kinh đô Trung Quốc. Gọi Sơn Ông là Lê Ban chưa biết đúng không hoặc ông là người giấu tên trốn đời, sống hoà mình vào đám người chằm nón đốn củi dệt chiếu câu cá cũng chưa biết chừng! Ông ở núi này được vài năm thì chọn lưng chừng núi chỗ có con suối sâu và dài, phát cây hoang, vác đá lớn xếp chỗ nọ, lắp chỗ kia, lấy thanh tre làm một cái am nhỏ (công việc xây dựng nhanh chóng như có quỷ thần dị vật ngầm giúp). Am cất xong, đặt tên là: "Dũng Tuyển Tự" (Chùa Dũng Tuyển" gối đầu vào ngọn núi rất cao, cạnh con suối trong luôn có nước chảy, hai bên có mây già đá lạ, cây kỳ, hoa nổi tiếng, chỗ cao chỗ thấp chứa sẵn cái vẻ rất yên tĩnh và rất sạch sẽ. Cảnh trí này đều do tay ông sắp đặt lấy với tâm hồn của người thợ, lập riêng thành thế giới cỏn con giữa cõi trời và cõi người. Phía tả chùa có gian nhà đá, nóc bằng như trần nhà, hai bên thẳng như vách, giữa như giường nằm, ngoài như bậc thềm, như sân. Trên mặt sân đá về phía hữu có chỗ lõm xuống, có truyền thuyết cho rằng đây là cối giã gạo của Sơn Ông. Hoặc cho rằng: "Ông chứa nước nơi này để đổ vào nghiên khi mài mực". Thiên nhiên sắp đặt, nghiễm nhiên thành một ngôi nhà nhỏ. Lúc rảnh rỗi ông thường đến chơi trong nhà đá, một mình ngồi niệm kinh, nay do chỗ này mà tưởng tượng được cách sinh hoạt của ông. Tương truyền ban ngày ông ở trong núi đốn củi, bó thành bó lớn, phải sức của hai người khiên nổi, vậy mà chỉ một mình ông vác xuống chân núi, đặt bên đường. Người qua lại đều biết là chỉ của Sơn Ông, bèn đem rau gạo mà đổi. Ông hoặc đồng tử xuống núi lấy gạo rau rồi đi, chưa từng đối đáp một ai về việc đổi chác nhiều ít thế nào. Ngày khác cũng vậy như thế được mười mấy năm không thể biết được tung tích. Núi nhiều cọp chỉ một mình ông ở với một đồng tử, người với cọp beo như quen biết nhau, quên vật quên mình. Xưa có ông Đồng Cảnh Đạo ẩn trong núi Thương Lạc, mặc áo lá cây, gảy đàn ca hát, tự lấy thế làm vui, trùng độc và thú dữ qua lại bên cạnh. Như Sơn Ông đây là nhà sư (mà hành tung có khác gì bậc ẩn giả kia. Ôi (nếu không phải thế thì) sao dạo biển chơi mây rồi cuối cùng thì gửi dấu nơi núi này?

Kịp đến năm thứ 8 đời vua Hiến Ninh (Ninh Vương, Nguyễn Phúc Chú) nước ta, nhằm cuối năm Vĩnh Khánh thứ 4, đầu năm Long Đức nguyên niên nhà Lê, tức cuối năm Nhâm Tý đầu năm Quí Sửu (1732) vua khen ông là bậc chân tu, sai trùng tu chùa. Chùa tranh thành chùa ngói bắt đầu từ đây. Vua ban tên chùa là: "Linh Phong Thiền Tự" bên tả khắc "Vĩnh Khánh Quí Sửu xuân vương chính nguyệt = tháng giêng năm Quí Sửu Vĩnh Khánh nhà Lê", bên hữu khắc: "Quốc chúa ngự đề = chính tay Quốc chúa" và ban ngự liễn: 
"Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ.
Linh Phong ngưng thụy khí, tường vân biến địa ấm nhân gian!"

(Bờ biển dấy nhân hay, mưa khắp trời nhuần Phật thổ;

Núi Linh ngưng khí tốt, mây lành rợp đất hộ nhân gian!)

Bên tả khắc "Quí Sửu cốc đán = Buổi sáng tốt năm Quí Sửu". Bên hữu khắc "Quốc chúa ngự đề". Dưới bốn chữ "Quốc chúa ngự đề" ở tấm biển và ở câu liễn này đều có khắc "Thần ngự bửu tỉ = ấn báu" "Thần ngự" của nhà vua. Vua còn ban cho Sơn Ông hiệu Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền Sư.

Vào năm thứ 3 đời vua Hiếu Võ (Võ Vương Khúc Khoát) nước ta, nhằm năm thứ nhì niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê, tức năm Tân Dậu (1741), vua sắc triệu Sơn Ông về kinh để hỏi về giáo lý đạo Phật. Ông chống gậy tầm xích đến chơi nơi vua đóng đô, chưa đầy tháng thì đã từ tạ xin về. Vua ban một bộ áo cà sa có vòng ngọc móc vàng làm pháp phục, ân sủng thật hiếm có. Trong loạn lạc thời Tây Sơn chùa bị đổ nát, chính là lúc ông qua đời, tăng chúng các chùa họp lại lo việc mai táng cho ông, tháp xây bên hữu chùa. Tại tháp có câu liễn:

"Quyển Thạch tiệm thành sơn, thản thản u trinh Thường Lạc thổ.
Chúng lưu nan vi thuỷ, mang mang không tế Động Đình Thiên!"


(Góp đá dần thành non, u nhã phẳng phiu đất Thường Lạc;
Họp dòng khó nên nước, hư vô man mác trời Động Đình!)


Bên hữu viết: "Ngụy Thái Đức bát niên = Năm thứ 8 hiệu Thái Đức (1785) nhà Tây Sơn", nay vẫn còn. Do đó biết ông viên tịch thời Tây Sơn.

Sau khi Thế tổ Cao Hoàng Đế nhà Nguyễn ta định rồi. Triều đình vâng mệnh hỏi han đến tình trạng chùa Linh Phong. Năm Gia Long thứ 7 Mậu Thìn (1808), triều đình phụng mệnh truyền ý chỉ của Thánh Mẫu Hiếu Khương Hoàng Hậu rằng: "Vật thường trụ của Chùa Linh Phong (đã đổ nát) không ai được lấy càn, để đợi trùng tu". Năm Minh Mệnh thứ 7, Bính Tuất (1826) vua sắc trấn thần đệ tương pháp phục triều trước đã ban cho Sơn Ông để vua xem, rồi ra lệnh theo cách thức cũ chế một bộ cà sa mới có móc vàng và vòng (kim loại) tạc hình voi, ban cho Chùa Linh Phong làm vật để thờ ông. Vua còn lệnh xuất kho trong cung một trăm hai mươi lạng bạc, sai Trấn thần trùng tu chùa, nên đài giảng kinh ấy, ghế ngồi nói Pháp ấy trang nghiêm không đâu bằng, cỏ non thông lớn đều thấm nhuần ơn mưa móc mà Sơn Ông chưa kịp thấy. Có thuyết nói rằng: "Khoảng niên hiệu Minh Mệnh (một đêm) vua không được khoẻ, vừa chợp mắt thì mộng thấy được một nhà sư già mặc áo vỏ cây, đứng bên giường ngọc mà quạt hầu. Rạng sáng hôm sau mình rồng khoẻ khoắn, vua đem điều chiêm bao nói cho quan chấp chánh biết, nhân đó nhớ chuyện Mộc y Ông ở Chùa Linh Phong về triều trước, vua làm lấy lạ (cho sự linh dị của Sơn Ông) bèn ra lệnh trùng tu chùa. Ôi! Ông cũng lạ lùng thay! Mặc áo vỏ cây làm sư, cửa vàng yết chúa, nhà đá niệm kinh, giường ngọc hiển mộng, qua lại cõi trần sắc tướng không không, nay tên ông cùng tên núi đều truyền, đáng làm thắng tích ở tỉnh ta.

Giữa niên hiệu Kiến Phúc, Hàm Nghi, Tấn tôi bỏ quan về nhà ở phía nam kinh đô, gửi thân nơi cửa thiền để tránh loạn, kiệu chàm gặp trúc thường qua lại núi này chùa này. Người xưa một năm ở núi quá nửa. Tấn tôi lúc bấy giờ cũng tương tự như thế. Lúc ở núi, nhân hứng có đề mấy câu vụng về, nay ghi lại đây vài câu liễn:
"Thập niên hồ hải qui lai mộng 
Nhất kỉnh yên hoa tự tại thiên!" 

(Một cảnh khói hoa trời tự tại,

Mười năm hồ hải giấc qui lai!) 


"Giai sĩ từ bi ninh thị Phật,

Sơn Ông danh tự bán nghi tiên !"
(Đây học trò lành âu cũng Phật,
Đó Ông Núi gọi nửa ngờ tiên!)


Lại đề một câu liễn nhỏ tại nơi ở là ngôi nhà nhỏ cạnh ngôi chùa:
"Thạch thất niên thiên huỳnh hổ ngoạ,
Hoạ trì thập nguyệt bạch liên khai"


(Nhà đá cọp vàng nằm ngàn thuở
Ao hoa sen trắng nở đầu đông)


Đó là tả cảnh thật. Ở núi rỗi việc, bèn sưu cầu di tích của Sơn ông, chẳng có văn bia làm chứng, chỉ tìm được giấy rách sách nát có đề năm ghi tháng, tham khảo sách Đại Việt Sử Ký cùng thực lục tiền biên của bản triều (đối chiếu với tàng chỉ tệ biên) để tìm chứng cứ đích xác, được điều nào ghi điều nấy. Lại được hơn 200 tấm ván khắc trọn một bộ "Pháp hoa kinh giải" cùng con dấu riêng bằng đá quí, khắc: "Bán sơn trung tự = chùa ở lưng chừng núi" khắc "Khai sơn Dũng Tuyển tự = lập nên chùa Dũng Tuyển". Khắc: "Nhân hiệu sơn Ông = người có tên hiệu là Sơn Ông", khắc: "Thạch trung kiến ngã = tìm ra trong đá", khắc: "Tĩnh phương = nơi yên tĩnh", khắc: "Tịnh tính = tính vắng lặng", khắc: "Thạch thất = nhà đá". 

Tất cả được 7 cái, lối chữ triện rất xưa. Tấn tôi lau sạch bụi, đặt vào tráp nhỏ cùng một bản hộ "Pháp hoa kinh giải" giao cho tự tăng cất giữ cẩn thận. Cũng có đôi ba tờ giấy có dấu chữ Sơn Ông để vịnh như tự tăng chẳng biết đã lấy bồi bức mà vẽ tượng! Tấn tôi lật bề lưng bức tượng mà xem, phần lớn chữ hiện rõ nhưng không hiểu, thật đáng tiếc! Năm Ất vị niên hiệu Thành Thái (1895) Tấn tôi thư Thượng thư bộ công, đem chuyện chùa Linh phong tâu lên Tây Cung để cầu xin ấn chỉ Tây Cung lệnh xuất kho trong cung 70 lạng bạc, sai tỉnh thành quyên thêm người trong tỉnh được bao nhiêu thì gộp chung với số bạc đã ban mà đốc thúc việc trùng tu chùa. 

Tháng tám năm Đinh Dậu, nhằm năm thứ 9 niên hiệu Thành Thái thì lạc thành. Tấn tôi chưa thể về thăm nhưng theo lời người làng ra, ai cũng nói: "Quang cảnh chùa Linh Phong nay trở nên sáng sủa và mới mẻ!" Đáng mừng! Đáng yên tâm! Nhân rỗi việc sổ sách tại bộ lược thuật những nét chính, sai các con là Thoại Thạch Nhữ Tuyên ghi lấy, vì chùa Linh Phong là phương tiện nhỏ đưa người đến giác ngộ (nên phải viết) để sự tích chùa khỏi bị vùi lấp chứ chẳng phải làm văn vậy.

Monday, January 1, 2018

ĐI THĂM DHARAMSALA -- SỰ VI DIỆU CỦA THÁNH ĐỊA TÂM LINH

ĐI THĂM DHARAMSALA -- 
SỰ VI DIỆU CỦA THÁNH ĐỊA TÂM LINH

       Chúng tôi được cơ duyên trường Đại học Gautam Buddha University mời thuyết giảng với đề tài Đem Chân Thiện Mỹ qua Hình thức Chánh Niệm đến với Giáo viên, Học sinh và Học đường trong Hội nghị quốc tế về "Phật giáo: Các truyền thống, tư tưởng và bất đồng" từ ngày 7-9 tháng 9 năm 2017 tại Đại học Gautam Buddha. Trong dịp này chúng tôi có cơ duyên làm quen với một số Tăng Ni Việt Nam đang du học tại trường Đại học này. Chúng tôi có nhã ý mời quý Thầy Cô đi thăm viếng những thánh tích Phật Giáo nơi này, thế là sau buổi chia sẻ của mình. Chúng tôi được thuận duyên đi thăm Dharamsala, xứ sở của người Tây Tạng tỵ nạn tại Ấn Độ mà Ngài Dalai Lama, người đã định cư ở đây từ năm 1959 khi phải ly hương cố Quốc.
       Từ ký túc xá của Đại học Gautam Buddha, Thầy Nhật Hoà thuê một chiếc xe Uber để đến trạm xe Buýt để đi Dharamsala. Chúng tôi được hân hạnh và diễm phúc được đi cùng với Thầy Đồng Lai, Thầy Nhật Hoá, Sư Cô Thích Nữ Phước Tuệ, Sư Cô Thích Nữ Minh Thức và dĩ nhiên là chúng tôi rất tiếc Sư cô Thích Nữ Liên Trúc không thể đi cùng. Chiếc xe Uber từ từ rời ký túc xá; đúng giờ cao điểm, nên bị kẹt xe như những thành phố lớn khác trên thế giới. Tôi tưởng giao thông ở New York và LA kinh hồn rồi, ở đây còn kinh khiếp hơn nữa vì ai nấy chen chúc dành đường mà đi. Nó từa tựa như ở Việt Nam vậy, nhưng thay vì xe honda thì ở Ấn Độ toàn là xe hơi và đủ loại xe cộ khác. Tới nơi thì cũng đã chạm tối, bãi xe đông người chen chúc và dơ bẩn. Chúng tôi cũng tìm đến được chuyến xe Bus luxury theo những tấm vé mà Thầy Nhật Hoà đã mua trên mạng để đi Dharamsala. Trên chiếc xe du lịch cấp cao này, đa phần là khách du lịch thập phương, Đông Tây đầy đủ--có cả một cặp tình nhân đến từ Do Thái.
       Từ New Delhi đến Dharamsala tốn khoảng 10 tiếng đồng hồ. Chúng tôi lên xe lúc 6:30 và 7:00 tối thì họ rời bến. Xa dần những đường phố đông đúc và bụi bặm của New Delhi, vừa ra thủ phủ hoàng hôn cũng vừa tắt, nhưng khung cảnh ngoại ô thanh bình và im ả. Đường xá ngoại thành và không gian cũng giống như ở Việt Nam, buồn và tẻ nhạc. Thấp thoáng những quán cóc bên đường. Xe chạy tới tấp qua những làng mạc nhỏ hẻo lánh và chúng tôi cũng thiếp dần trong giấc ngủ. Hơn 3 giờ sau, thì chúng tôi vừa tỉnh giấc để được nghỉ ngơi và dùng cơm tối trước khi tiếp tục. Tự nhiên trong đầu, mình mường tược là sẽ có những cái quán nhỏ như bên Việt Nam vậy; nhưng không, đây là một nơi nghỉ thoáng mát và sang trọng. Xuống xe thì có nhạc Ấn Độ mở to như nhạc Mễ Tây Cơ, tự nhiên cũng hết buồn ngủ luôn. Ở đây, người ta bán quán, quà lưu niệm và thức ăn v.v... như các nước Tây phương. Chúng tôi chọn một nhà hàng yên lặng vào ăn để vơi đi tiếng nhạc. Ở Ấn Độ, đa phần thức ăn là những món chay thuần tuý, ít có thịt như những nơi khác. Nên rất hợp vị, chỉ có điều là họ không có đậu hủ như ở nước ta.
        Sau khi buổi cơm chay thanh tịnh và đạm bạc. Chúng tôi chơi với nhau vài trò chơi nhỏ của Gia đình Phật tử trước khi lên xe. Đâu đó pha lẫn tiếng cười trong điệu nhạc phấn khởi ở xứ Ấn. Hành trình 6 tiếng đồng hồ kế tiếp trong đêm khuya nên chúng tôi cũng chập chờn trong giấc ngủ.
        Trời đã sáng thì xe cũng đang trên con đèo quanh co. Nhìn xuống là thấy những hố xấu, cảnh vậy xanh um tùm và không khí thì dễ chịu. Mới đó, mà xe cũng đã đến thị trấn DHARAMSALA. Sau đó chúng tôi đến với nơi Ngài Đạt Lai Lạt Ma thường trú, rất tiếc là hôm đó Ngài phải đi Âu Châu để giảng pháp. Ngồi chờ phái đoàn Thầy đi qua là lòng cũng hoan hỷ. Nếu được vào diện kiến Ngài và được Ngài thuyết giảng, tôi tin chắc là Ngài cũng ngắn nhủ cho mình và hàng Phật tử Việt Nam như những lời của anh Tâm Diệu viết trong Bài Pháp Tuyệt Vời Của Đức Đạt Lai Lạt Ma Dành Cho Phật Tử Việt Nam Trên Đỉnh Dharamsala như sau:
 Khoảng 12 giờ trưa, Ngài ra trước dinh đón gặp và tự tay trao tặng cho từng người, mỗi người một bức hình tôn trượng đức Phật thờ tại Đại tháp Bồ Đề Đạo Tràng. Sau đó chụp hình chung lưu niệm với từng nhóm trong đoàn do đoàn quá đông, và cuối cùng ngài nói một bài pháp ngắn khoảng năm phút.
 Sau lời chào mừng ngắn gọn với đoàn Phật tử Việt Nam, ngài nói ngay rằng: Đức Phật không phải là đấng tạo hóa (Creator). Ngài là một con người bình thường, đã tu hành và đã giác ngộ viên mãn, và đối với đạo Phật, mọi sự mọi vật đều do nhân duyên sinh khởi, do tác động của định luật nhân quả: Law of Cause and Effect”. Ngài nói tiếp rằng “muốn đạt được hạnh phúc chân thật thì cần phải có một tinh thần an lạc, và muốn có tinh thần an lạc, cần phải có tình thương và lòng từ bi (love and compassion)[1], làm sao để chúng ta phát triển được tình thương và lòng từ? Chỉ nghĩ đến cũng chưa đủ, chúng ta cần phải làm sao để chuyển hóa tâm niệm và hành động của mình trong đời sống hàng ngày. Chìa khóa cho một thế giới hòa bình, hạnh phúc và an lạc bản thân chính là phát triển tình thương và lòng từ bi.” Ngài cũng nhắc nhở “mỗi người chúng ta đều có Phật tánh và cần nỗ lực thực hành để trờ thành vị giác ngộ như Phật đã thành”. Ngài cũng không quên nhắc nhở Phật tử Việt Nam“nên đọc và thực hành kinh Đại Bát Nhã (Mahà Prajnàpàramità Sùtra), nhất là những phẩm nói về Từ Bi, Trí Tuệ, Ba La Mật Đa (paramitas) và Tánh Không (emptiness)…”
        Về với cái nôi của người Tỵ nạn Tây Tạng tại Ấn Độ, lòng mình chùn xuống và những nói năng hay suy nghĩ mông lung bổng trở thành vô nghĩa. Thôi thì, chúng tôi đã ngồi yên, tĩnh lặng và quán chiếu.

NGỒI ĐÂY ĐẤT TỊNH
Ngồi thiền trên mãnh đất thiêng
Nghe đâu vạt nắng nghiêng nghiêng vô thường
Vai tròn còn đọng hạt sương
Hơi đều thở nhẹ tỏa hương ngát lòng

Để rồi, chúng tôi thấy được rằng, mọi thứ rồi cũng sẽ qua đi. Cái còn lại là gì nhỉ? Thôi thì uống nước, nóng lạnh tự biết vậy. Xin kính mời quý vị, đến DHARAMSALA thăm một lần trong đời cho biết. Chúng tôi xin kết chúc bằng bài thơ này.

KHÔNG KHÔNG – SUNYATA SUNYATA
Tưởng rằng cõi có là không
Cõi không là có có-không bạt ngàn
Bây chừ sông núi rõ ràng
An vui tự tại buộc ràng chi mô!
Kính chúc tất cả chúng ta luôn bình an trong sáu thời, ba cõi. Xin chia sẻ một số ảnh chụp trong khuôn viên tư dinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma và thị trấn DHARAMSALA

Tâm Thường Định

Tham khảo / Reference:
1.     Tâm Diệu, (2015). Bài Pháp Tuyệt Vời Của Đức Đạt Lai Lạt Ma Dành Cho Phật Tử Việt Nam Trên Đỉnh Dharamsala. Tải xuống từ https://thuvienhoasen.org/a9575/bai-phap-cua-duc-dat-lai-lat-ma-danh-cho-phat-tu-viet-nam

Notes: Bài này viết cho Chánh Pháp Số 74


Sunday, November 12, 2017

NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG - TU LÀ ĐỂ BIẾT CHÍNH MÌNH THEO TRUYỀN THỐNG THIỀN TÔNG VIỆT NAM

Buổi vấn đáp ngoài trời. Ảnh BXK
NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG – 
TU LÀ ĐỂ BIẾT CHÍNH MÌNH THEO TRUYỀN THỐNG THIỀN TÔNG VIỆT NAM


Thiền hành - ảnh lấy trên Nhà văn Trần Kiêm Đoàn's fb 
Cuối tuần qua, chúng tôi lại có duyên tham dự Khoá tu học mùa Thu hằng năm của Thiền Viện Diệu Nhân ở Rescue, CA. Khoá tu năm nay có chủ đề: Tu Là Biết Mình. Thiền viện này là một chi nhánh của Thiền Tông Việt Nam từ trong nước do Đại Lão Hoà Thượng Thích Thanh Từ dung hợp từ thập niên 70's. Có thể nói, pháp môn Thiền Tông Việt Nam cuối thế kỷ 20 xuất xứ từ Tu Viện Chân Không (1970-1986) và Thiền Viện Thường Chiếu từ năm (1974 cho đến nay) do Ngài chủ trương và hướng dẫn. Vì chúng tôi, chỉ được nhân duyên tu học có hai ngày mà lại bán trú nên có thể những gì chúng tôi viết và cảm nhận ở đây không đầy đủ. Vậy mong quý vị rộng lượng mà hoan hỷ.

Khác với những chi nhánh Thiền tông khác ở Trung Hoa (Ví dụ như Tào Ðộng, Lâm Tế, Quy Ngưỡng… Thiền tông Việt Nam mà Hoà thượng đề xướng có ba dòng tư tưởng hay 3 cái mốc thời gian lớn, đó là thời Ngài Nhị Tổ Huệ Khả thời Ngài Lục Tổ Huệ Năng, và dĩ nhiên cũng là quan trọng nhất đó là cái mốc cuối cùng, Đức Vua Trần Nhân Tông (1258-1308), Sơ Tổ Trúc Lâm. Lúc bấy giời Ngài dung hợp tinh hoa của các nhánh Thiền thiện hành như Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Ðường để thành lập phái thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Theo cuốn sách, Thiền Tông Việt Nam, Đại Lão Hoà Thượng Thích Thanh Từ cho biết sự dung hợp này từ ba vị tổ sư thiền, “Nơi Nhị Tổ, chúng tôi ứng dụng pháp an tâm. Nghĩa là biết rõ tâm suy tưởng lâu nay là hư ảo, không để nó đánh lừa, lôi dẫn chúng ta chạy theo trần cảnh, nên nói "Vọng tưởng không theo". Mỗi khi nó dấy lên đều biết rõ như vậy. Một khi hành giả nhận diện bản chất hư ảo của chúng thì chúng tự biến mất…” Rồi Ngài tiếp,
…Với Lục Tổ, chúng tôi ứng dụng sáu căn không dính mắc sáu trần làm hướng tiến tu. Ðó là câu "Bất ưng trụ sắc sanh tâm..." trong kinh Kim Cang được Ngũ Tổ giảng cho Lục Tổ. Nhưng làm sao căn không dính trần? Ðương nhiên phải dùng trí tuệ Bát-nhã quán chiếu, thấy các pháp duyên hợp hư dối như huyễn như hóa. Vì thế trong kinh Pháp Bảo Ðàn, sau phẩm Hành Do là đến phẩm Bát-nhã. Nhờ trí tuệ Bát-nhã soi rọi thấy rõ các pháp duyên sanh, không có chủ thể (vô ngã), không cố định (vô thường) nên tâm không nhiễm trước sắc... do đó căn, cảnh không dính mắc nhau. Căn, cảnh không dính mắc nhau là Vô Niệm, Vô Tướng, Vô Trụ, đó là chủ trương của Lục Tổ.
         Lại có một cách khác, nếu hành giả kiến tánh như Lục Tổ, hằng sống với thể tánh bất sanh bất diệt của mình thì còn gì bận bịu với vọng tưởng hư dối, với sáu trần giả hợp. Ði đứng nằm ngồi không lúc nào rời tự tánh chính mình. Ðược thế thì ung dung tự tại, nên nói "đói ăn khát uống".
        - Ðến Sơ Tổ Trúc Lâm, trong bài kệ "Câu Có Câu Không", đoạn thứ tư nói "Nón tuyết giày hoa, ôm cây đợi thỏ", là tinh thần Bát-nhã của Lục Tổ. Các pháp hư giả như nón tuyết, như đôi giày bằng hoa, tạm có rồi tan mất, mới thấy đẹp rồi héo xàu, có gì lâu bền. Nếu chấp giữ nó là người ngu, như kẻ "ôm cây đợi thỏ". Toàn thể pháp đối đãi đều không thật, do phương tiện bày lập, giống như dây sắn dây bìm, một phen cắt đứt chúng mới là an vui tự tại. Ðấy là tinh thần hai câu kết của bài kệ "Cắt đứt sắn bìm, đó đây vui thích". Vừa dấy niệm là đối đãi, vừa thốt lời là đối đãi, nếu dứt hết đối đãi thì còn niệm nào để khởi, còn lời gì để nói. Ðây là hằng sống thật với thiền.”
Nói tóm lại, Ngài chủ trương "Thiền, Giáo đồng hành" và nhấn mạnh rằng:
          “Ðể thấy rõ nét lối dung hợp pháp tu qua ba vị Tổ trên, chúng tôi cô đọng lại bằng những lối tu:
1. Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo. 
2. Ðối cảnh không tâm, vì nó là tướng duyên hợp giả dối tạm bợ. 
3. Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.
4. Hằng sống với cái thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát. 
            Khoá tu này được sự chứng minh và giảng dạy của Ni Trưởng Trụ trì Thích Nữ Như Đức và Ni Sư phó Trụ trì Thích Nữ Hạnh Phước của Thiền Viện Viên Chiếu tại Việt Nam, Ni sư viện chủ Thiền Viện Diệu Nhân và Ni sư Thích Nữ Thuần Bạch, nguyên là Viện chủ Thiền Viện Diệu Nhân. Ngoài những vị giáo thọ rừng cột của Thiền Viện Diệu Nhân, Ni Sư Thích Nữ Thuần Chánh và Ni Sư Thích Nữ Thuần Hậu là những vị giáo thọ thuyết giảng từ bên Việt Nam qua hệ thống webcam cùng hướng dẫn những Phật tử xa gần hành trình và ứng dụng bốn lối tu học của Thiền Tông Việt Nam thật khéo léo và linh động hướng dẫn.
            Trong hai ngày chúng tôi tinh chuyên tu học; nhận thấy ở đó năng lượng tu tập của Đại chúng rất là cao và sự hành trì một cách nghiêm mật. (Xin xem chương trình tu học ở phần phụ mục). Trong không gian và thời gian ấy, trong đó có buổi Phật pháp vấn đáp cũng như những buổi thọ trai, chúng tôi thấy lòng từ của quý Ni sư thật mênh mông và ai ai cũng hoan hỷ, cảm nhận được sự an lành, vững chải và thanh thoát. Riêng chúng tôi, không biết nói gì hơn chỉ chia sẻ một chùm thơ nho nhỏ như là dấu mốc thời gian trong sự trải nghiệm của khoá tu này.
            Sáng sớm lên Thiền viện, chúng tôi không những được buổi bình minh êm ả nhẹ nhàng đón tiếp mà có cả vầng trăng mỉm cười vô sự. Rồi chúng tôi viết:

HƠI THỞ NHẸ
Sáng nay Trăng qua núi
Vẫn thanh tao nhẹ nhàng
Nhìn Trăng không dính mắt
Hơi thở này nhẹ tan.

            Sau khoá ngồi thiền dài 1 tiếng đồng hồ là buổi ăn sáng và đi thiền hành. Dưới sự hướng dẫn của Ni sư Thuần Bạch, hãy về với tự tánh của mình. Đây là dịp Phản Quan Tự Kỷ. Ngoài việc nhìn ra chính mình, chúng tôi còn thấy những cái đẹp chung quanh.

VẺ ĐẸP QUANH TA
Con đường mới quanh co khúc khuỷu
Từng bước chân thanh thản điềm nhiên
Cây cao thấp giữa thiên nhiên
Có cùng vẻ đẹp triền miên bạt ngàn!

            Sau phần, thiền hành lại là phần thiền toạ trước khi dùng trưa cũng theo nghi thức Thiền Tông Việt Nam. Lần này, thú thật, ngồi lâu lúc đầu, thân cũng hơi bất an, nhưng sau đó khắc phục được cái thân. Cái tâm an dần, như lời chỉ dạy Biết vọng không theo, khởi lên bỏ xuống. Rồi sau buổi cơm trưa chay thật ngon và tinh khiết, là lúc chúng tôi có giờ tự do; thế là có thời gian và cơ hội cho chúng tôi thưởng thức không gian núi đồi yên tĩnh ở đây.

BỨC TRANH BAN TRƯA
Ngồi đây gió mát nắng hanh
Phong cầm sáu nhịp xanh xanh cõi này
Duy trì tỉnh thức quanh đây
Ô kìa thanh thoát áng mây qua đồi.

            Nhưng có lẽ hấp dẫn nhất là những buổi pháp thoại và những lúc hành thiền tự do dưới trời trăng mây gió.

NGỒI THIỀN DƯỚI TRĂNG

Ngồi Thiền gió mát trăng thanh
Lung linh ánh nguyệt 
Long lanh tâm mình.
Tâm lặng lẽ 
Giữa sinh linh
Rõ ràng thường biết 
Cõi tình 
Như Lai.

            Có những lúc, dường như chúng tôi cũng…

BẤT ĐỘNG

Trăng thanh vằng vặc sáng
Giữa núi đồi cỏn con
Tiếng côn trùng nỉ non
Phật ngồi yên bất động

Ta có đi trong mộng?
Hay thánh địa linh thiêng
Rõ ràng chốn thiền viên
Tâm bất sinh bất diệt

            Bất động để thấy gì bạn có biết…

NHÌN TRĂNG THẤY GÌ?

Nhìn trăng ánh sáng tám chiều
Tưởng gần, không phải, mỹ miều rất xa
Tịch lặng Phật tánh trong ta
Trở về tánh Phật rỗng rang nhiệm mầu

Thấy trăng tạp niệm trong đầu
Khởi lên, bỏ xuống dính đâu niệm này
Ánh trăng vằng vặc lung lay
Đều thân hơi thở mảy may nhẹ nhàng

Trăng vàng cùng gió mùa sang
Từ bi, tĩnh lặng bước ngang tâm mình
Rọi soi Phật tánh lung linh
Thường hằng thanh tịnh lặng thinh mỉm cười.

            Khi chúng ta có sự vắng lặng thanh thản ở tâm hồn, chúng ta có thể nhận chân ra nhiều điều. Phản quan tự kỷ cũng là vậy, không chạy theo những dục vọng bên ngoài, không bị dính mắt.  Khi chúng ta có khả năng biết vọng không theo (Let it be) thì chúng ta tăng tưởng thêm bước nữa đó là không dính mắt (Let it go) hay rõ ràng thường biết trong mỗi sát na vậy, thì chúng ta có thể trực chỉ chơn tâm. Ở đây, chúng tôi thấy Chơn Tâm đó là Phật tánh mà chúng tôi ví von là Mẹ. Có thể vì 'rứa', mà cuối cùng có lẽ chúng tôi thấy được Trăng là Mẹ và Mẹ là Phật; Tâm Mẹ là Tâm Phật và tất cả rồi cũng qua trời thái không mà thôi.

MẸ VẦNG TRĂNG THÁI KHÔNG

Mẹ vầng trăng sáng tỏ
Soi nẻo đường con đi
Càng ngày con càng rỏ
Tâm Mẹ luôn từ bi.

            Trở lại Thiền Tông Việt Nam tại hải ngoại, có hai cơ sở tiêu biểu mà chúng tôi thường quên biết ở California đó là. Chư Tăng ở Thiền Viện Đại Đăng ở Basall, nam California và Chư Ni ở Thiền Viện Diệu Nhân ở Rescue, bắc California. Sự hành trì nghiêm mật của những nơi như thế là tương lai và hoài bảo của Phật giáo Việt Nam. Xin mời các bạn hãy cùng chúng tôi tham dự những khoá tu học kế tiếp. Xin hãy vào trang nhà www.dieunhan.net để tiếp thêm chi tiết. Cầu chúc tất cả quý độc giả sáu thời an lành.

Tâm Thường Định



Thứ năm 5 tháng 10:                
4:45 AM                 THỨC CHÚNG
5:30 – 6:30              TỌA THIỀN
7:30                         ĐIỂM TÂM
9:00 – 9:45              KHAI MẠC KHÓA TU
                                KHÓA LỄ SÁM HỐI
10:00 – 11:00          HƯỚNG DẪN KHÓA TU: NS Thuần Tuệ
11:30                       THỌ TRAI
12:50 PM                CHỈ TỊNH
1:50 PM                  THỨC CHÚNG
2:00 – 3:00              TOẠ THIỀN
3:30 – 4:30              PHÁP THOẠI: NS Hạnh Phước - Giảng qua webcam
5:00                         DÙNG CHIỀU          
6:00 – 7:30              THAM VẤN
7:45 – 8:45              TOẠ THIỀN
9:30                         CHỈ TỊNH
Thứ sáu 6 tháng 10:  
4:45 AM                 THỨC CHÚNG
5:30–6:30                TỌA THIỀN
7:30                         ĐIỂM TÂM
8:30–9:30                THIỀN HÀNH TỰ DO
9:45–10:00              LỜI NHẮC
10:00–11:00            TỌA THIỀN
11:30                       THỌ TRAI
12:50 PM                CHỈ TỊNH
1:50 PM                  THỨC CHÚNG
2:00 – 3:00              TỌA THIỀN
3:30–4:30               PHÁP THOẠI: NS Thuần Hậu - Giảng qua webcam
5:00                         DÙNG CHIỀU
7:00                         SÁM HỐI
7: 45 -  8:45             TỌA THIỀN
9:30                         CHỈ TỊNH
        Thứ Bảy 7 tháng 10:   
                        4:45 AM                     THỨC CHÚNG
5:30 – 6:30              TỌA THIỀN
7:30                         ĐIỂM TÂM
8:30 – 9:00              THIỀN HÀNH: NS Thuần Bạch hướng dẫn
9:10 – 9:50              CÔNG TÁC
10:10 - 11:10           PHÁP THOẠI: NS Thuần Bạch
11:30                       THỌ TRAI
12:50 PM                CHỈ TỊNH
1:50 PM                  THỨC CHÚNG
2:00 – 3:00              PHÁP THOẠI: NS Thuần Chánh - Giảng qua webcam
3:30 - 4:30              TỌA THIỀN
5:30                         DÙNG CHIỀU
7:00                         SÁM HỐI
7:45 - 8:45               TỌA THIỀN
8:50 - 9:10               LỜI NHẮC CUỐI NGÀY
9:30                         CHỈ TỊNH
         Chủ Nhật 8 tháng 10:  
                     4:45 AM                         THỨC CHÚNG
5:30 – 6:30              TỌA THIỀN
7:30                         ĐIỂM TÂM
8:30 – 9:00              THIỀN HÀNH: NS Thuần Bạch hướng dẫn
9:10 – 9:50              CÔNG TÁC
10:10–11:10            PHÁP THOẠI: NS Thuần Tuệ
11:30                       THỌ TRAI
12:50 PM                CHỈ TỊNH
1:50 PM                  THỨC CHÚNG
2:00 – 3:15              THIỀN TRÀ
3:30 – 4:00              BẾ MẠC KHÓA TU

                               HOÀN MÃN