Saturday, November 25, 2017

TƯỞNG NHỚ ANH BẠCH XUÂN THẢO

Hình anh Thảo năm nào!

TƯỞNG NHỚ ANH BẠCH XUÂN THẢO

Mây trắng ngang trời
Ung dung tự tại
Thương anh xa vời!

Thursday, November 23, 2017

Tạ Ơn Trong Ý Thiền

Lời chúc Lễ Tạ Ơn - Htr. Nguyên Từ Nguyễn Quốc Hưng.
Tạ Ơn Trong Ý Thiền
Nguyên Giác

Trong tuần lễ mùa Tạ Ơn tại Hoa Kỳ, ý nghĩa ban đầu cũng đã nhạt dần. Và nhiều phần đã biến đổi. Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại Hoa Kỳ thực hiện vào tháng 10/1621, tức là cách nay 396 năm. Lúc đó, bữa tiệc Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên kéo dài 3 ngày, với 90 thổ dân da đỏ (chữ bây giờ, gọi lịch sự là Người Mỹ Bản Xứ, Native American) và 53 người Pilgrims (những người  Châu Âu chạy sang Hoa Kỳ tỵ nạn, thuộc một hệ phái Ky tô bị truy bức). Bây giờ, hình ảnh này đã gấp nhiều lần đảo ngược. Lúc đó, dân da đỏ trong bữa tiệc đông gấp hai lần di dân từ Châu Âu, và bây giờ có thể gọi là, chưa bị diệt chủng là may rồi. Ngày xưa, có lẽ chỉ chừng vài mươi con gà tây lên bàn tiệc. Bây giờ, trung bình 46 triệu gà tây bị làm thịt cho các bữa tiệc Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ.
Trong bài này, chúng ta sẽ nhìn về một số hình ảnh tạ ơn trong nhà Phật. Nơi đây, sẽ không có bữa tiệc nào để làm vui khẩu vị, và cũng không có chúng sinh nào bị đưa lên bàn tiệc.
Cuối một khóa Thiền thất dài một tuần lễ, Thiền sư Tuyên Hóa (1918-1995) kết luận:
“Bây giờ, chúng ta đã hoàn mãn. Mời mọi người đứng dậy, chúng ta sẽ lạy Phật ba lần để tạ ơn Ngài. Chúng ta tạ ơn Đức Phật bởi vì, ngay cả nếu chúng ta chưa có chứng ngộ lớn, chúng ta đã có được chứng ngộ nhỏ. Và nếu chúng ta không có chứng ngộ nhỏ nào, ít nhất chúng ta đã không bệnh. Vâng, nếu chúng ta bệnh, ít nhất chúng ta đã không chết. Do vậy, hãy cùng nhau tạ ơn Đức Phật.”
Khi một nhà thơ nhìn về lý vô thường, một câu hỏi có thể nêu lên: Có cách nào để thâm cảm ngày tháng trôi qua chăng?
Thiền sư Nhật Bản Ryokan (1758–1831) có một bài thơ tuyệt vời như sau:
.
Hòa vào gió,
tuyết rơi;
hòa vào tuyết,
gió thổi.
Bên lò sưởi,
duỗi thẳng cẳng,
bất động với thời gian
trong căn lều này.
Đếm ngày trôi qua,
cũng thấy rằng tháng Hai
đã tới và đi
hệt như một giấc mơ.
.
Cũng nói về giấc mơ và lòng biết ơn, một nhà thơ Phật tử Hoa Kỳ thời đương đại không nói gì về những tháng ngày tuyết rơi gió thổi, nhưng nói về ngày hè nghĩ về lời Đức Phật dạy.
Nhà văn Mary Oliver (sinh năm 1935) đã có những tác phẩm thắng giải thưởng về sách hay National Book Award và giải Pulitzer Prize. Bài thơ sau đây của bà có nhan đề là DREAMS (NHỮNG GIẤC MƠ). Khi dịch sẽ giữ y cách viết chữ hoa như bài thơ nguyên tác tiếng Anh. Câu áp chót nói về chim cú màu trắng; thực tế, chim cú thường màu đen, hoặc xám, hoặc đốm nâu. Chim cú lại sống về đêm, không liên hệ gì tới ngày hè. Có lẽ muốn nói rằng sự tỉnh giác theo lời Đức Phật dạy sẽ biến đêm và dòng sông trở thành ngày hè và cánh đồng (chỉ suy đoán thôi). Bài thơ hiển nhiên là để bày tỏ lòng biết ơn Đức Phật.
.
NHỮNG GIẤC MƠ
Lòng Biết Ơn
Tôi Muốn Viết Một Điều Gì Rất Mực Đơn Sơ
Những Dòng Được Viết trong Những Ngày Bóng Tối Lan Ra
Có Thể Là
Tỉnh Thức
Đêm và Dòng Sông
Bài Thơ
Bài Thơ Bất Cẩn
Ngày Hè
Lời Dạy Cuối của Đức Phật
Chim Cú Trắng Bay Vào và Ra Cánh Đồng
Ngỗng Trời.
.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu (Aṅguttara Nikāya, XI. Phẩm Các Hy Vọng - 1–12. Hy Vọng), ghi lời Đức Phật dạy về lòng biết ơn như sau:
Có hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là hai? Người thi ân trước và người biết nhớ ơn đã làm. Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời...”
Cũng trong Kinh Tăng Chi Bộ, bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu (Aṅguttara Nikāya - IV. Phẩm Tâm Thăng Bằng - 1–11. Ðất), ghi lời  Đức Phật dạy về lòng biết ơn như sau:
Này các Tỷ-kheo, thế nào là địa vị bậc không phải Chân nhân? Người không phải Chân nhân, này các Tỷ-kheo, không biết ơn, không nhớ ơn. Ðối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỷ-kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Ðây hoàn toàn là địa vị kẻ không Chân nhân, này các Tỷ-kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Còn bậc Chân nhân, này các Tỷ-kheo, là biết ơn, là nhớ ơn. Ðối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỷ-kheo, tức là biết ơn, nhớ ơn. Ðây hoàn toàn là địa vị bậc Chân nhân, này các Tỷ-kheo, tức là biết ơn, nhớ ơn.
Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.”
Có một điểm độc đáo trong Phật Giáo là lòng biết ơn thiên nhiên.
Trong sách “Hành Hương Xứ Phật,” tác giả Phạm Kim Khánh kể rằng Đức Phật bày tỏ lòng biết ơn cây bồ đề đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu để thành đạt Đạo Quả, Ngài đứng cách một khoảng xa để chăm chú nhìn cội bồ đề trọn một tuần không nháy mắt. Về sau, nơi Đức Phật đứng trọn tuần lễ để nhìn cây bồ đề, Vua Asoka (A Dục) có cho dựng lên một bảo tháp kỷ niệm gọi là Animisalocana Cetiya.
Trong một tiền kiếp, Đức Phật khi mang thân một con chim két đã bày tỏ lòng biết ơn một vườn cây.
Tích truyện Kinh Pháp Cú kệ 32 kể về trưởng lão Thera Nigamavasi Tissa.
Ngài sinh trưởng trong một thị trấn nhỏ gần thành Savatthi. Sau khi trở thành một vị sư, ngài sống rất đơn sơ, rất ít nhu cầu. Khi đi khất thực, ngài thường tới ngôi làng nơi các thân nhân của ngài cư ngụ và nhận bất cứ thứ gì họ cúng cho ngài. Ngài tránh các sự kiện lớn. Ngay cả khi Trưởng giả Cấp Cô Độc và Quốc vương Pasenadi của Kosala làm các lễ cúng dường lớn, ngài cũng không tham dự.
Một số vị sư thắc mắc vì ngài ưa gần thân nhân và vì ngài không chịu tham dự các lễ cúng dường lớn do Trưởng giả Cấp Cô Độc và Quốc vương Pasenadi tổ chức. Khi chuyện kể tới Đức Phật, mới triệu ngài Nigamavasi Tissa tới và hỏi. Trưởng lão trình với Đức Phật rằng ngài tới làng các thân nhân chỉ để khất thực, nhưng khi thấy đủ thực phẩm là thôi, không đi thêm, và rằng ngài không bận tâm chuyện thực phẩm ngon hay dở.
Đức Phật ca ngợi ngài Nigamavasi Tissa trước hội chúng, và nói rằng sống hạnh ít muốn và biết đủ là hạnh của Đức Phật và các bậc Thánh, và nói rằng  tất cả các sư phải nên như thế. Rồi Đức Phật kể chuyện tiền thân.
Một thời, vua chim két sống trong một vườn cây sung bên bờ sông Hằng, với nhiều chim két thần dân. Khi trái cây bị ăn hết, tất cả các chim két rời bỏ vườn cây, chỉ trừ vua chim két tự biết đủ với bất cứ những gì còn trên cây, cho dù là chồi, mầm, lá hay vỏ cây. Đế thiên Sakka thấy như thế, mới thử xem giới hạnh của vua chim két, dùng thần lực làm cho cây héo rụi. Kế tiếp, Đế thiên Sakka hóa thân làm một con ngỗng bay tới hỏi vua chim két là vì sao không chịu rời bỏ cây khô, trong khi các chim khác đã bay đi hết, và tại sao không tìm các cây khác mang trái. Vua chim két trả lời, “Bởi vì lòng biết ơn đối với cây này, tôi không bỏ đi, và khi nào tôi còn có thể kiếm đủ ăn để sống, tôi sẽ không  rời bỏ cây đi. Tôi cảm thấy sẽ là vô ơn khi rời bỏ cây này, mặc dù cây đã mất sức sống.”
Thán phục, Đế thiên Sakka hiện lại thân vua trời, lấy nước sông Hằng tưới vào cây héo, và tức khắc cây tươi trở lại, cành xanh trở lại và đầy trái.
Vua chim két đó là tiền thân Đức Phật. Còn tiền thân của tỳ kheo Anuruddha là Đế thiên Sakka. Kế tiếp, Đức Phật đọc lên bài kệ 32 trong Kinh Pháp Cú, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu là:
32. “Vui thích không phóng dật,
Tỷ kheo sợ phóng dật,
Không thể bị thối đọa,
Nhất định gần Niết Bàn.”
Nghe như thế, Trưởng lão Tissa liền đắc quả A La Hán.
Trong bản chú giải ghi rằng “không bị thối đọa” (will not fall away) là vững vàng trong pháp Thièn Chỉ và Quán (Tranquillity and Insight Development).
Chúng ta nhìn thấy rằng, Đức Phật đã biết ơn một cội cây che mưa nắng cho ngài, và ngay tới một con chim cũng biết ơn một cây sung nơi chim một thời ăn trái.
Huống gì là, chúng ta đang mang bốn ơn vô cùng lớn: ơn ba mẹ, ơn thầy bạn, ơn đất nước, ơn chúng sanh…

Tuesday, November 21, 2017

Cảm Ơn Em - THANK YOU, MY DEAR




CẢM ƠN EM
Cảm ơn em một loài trang thanh khiết
Rất đơn sơ, mộc mạc và thủy chung
Cảm ơn em một đời không kể xiết
Vì hai con và nhân loại, hãy ung dung!

THANK YOU, MY DEAR
My sincerest gratitude to you, a kind of purest flower
Simple, subtle, beauty and yet loyalty
Thank you my dear, this whole life
thanking you is just not enough!
Because of our two sons and for the greater good of humanity,
We must continue engage and construct this society
mindfully, constructively and positively
with compassion, wisdom and harmony of acting in the world
Thus, I thank you for walking with path with me, in a free-willing spirit.
Your support and love is endless, invaluable and precious.

So, CẢM ƠN EM. THANK YOU.

Sunday, November 19, 2017

TUỆ ĐĂNG - AI CŨNG DỄ THƯƠNG

Tuệ Đăng lên 10 - ảnh từ Tuan Vo's fb
TUỆ ĐĂNG - AI CŨNG DỄ THƯƠNG 
                             Chúc mừng 10 tuổi yêu đời.

Tuệ Đăng vừa mới lên mười
Thiền Ca nhạc kịch giúp đời an vui.
Tâm không thối chí thủi thui
Âm thầm góp sức thú vui cõi trần

Vơi tam độc, sống trong ngần
Rõ ràng thường biết muôn phần lợi sanh
Tuệ đăng thường chiếu long lanh
Đi thuyền Bát Nhã tinh anh cõi này!

Tuệ Đăng hiện hữu lành thay
Đem vui cứu khổ điềm may Ta bà!

Vị Ni Sư Giữa Trời Đông-Tây

Photo: http://www.emmaslade.com

Vị Ni Sư Giữa Trời Đông-Tây
Nguyên Giác

Khó hình dung rằng một phụ nữ Anh đang phụ trách về kế toán trong một công ty quản trị quỹ đầu tư đa quốc bỗng nhiên trở thành một vị ni sư theo truyền thống Tây Tạng, và rồi lên những rặng núi Hy Mã Lạp Sơn để giúp cho trẻ em nghèo và khuyết tật xứ Bhutan.
Cơ duyên vào đạo của vị Ni sư cũng độc đáo: ngay từ khi chưa tới với Phật giáo, khi rơi vào cương vị nạn nhân của một tay súng, bị bắt cóc, bị cướp, nhưng lòng không hề dấy lên căm thù mà chỉ ý thức về một nỗi khổ trần gian sâu thẳm của đời này để rồi rời bỏ lĩnh vực ngân hàng, để sống bằng nghề dạy yoga và Thiền bên trời Tây phương, cho tới khi sang thăm Bhutan và gặp một vị Lạt ma, được khuyến khích xuất gia.
Khi xuất gia xong, mới nhận ra rằng nếu bà sinh tại xứ Bhutan, hẳn là đã trở thành ni cô từ thuở bé... nhưng vì sinh tại Anh quốc, nên mới trở thành một chuyên gia ngành kế toán ngân hàng để đi khắp thế giới cho công ty và rồi say mê sưu tập các bộ trang phục thời trang cho giới nữ trí thức của khắp trời Tây phương.
Vị ni sư có thế danh là Emma Slade đã không quay nhìn trở lại những ngày tháng cũ của cuộc sống sang trọng từ khi buông hết để chọn lấy nếp sống đơn sơ và an lạc, theo lời bà nói với báo The Independent khi kể về khoảnh khắc biến đổi cuộc đời của bà.
Vào tháng 9/1997, bà Emma Slade hoàn toàn tự biến đổi cuộc đời. Là một kế toán tài chánh tại một công ty quản trị đầu tư làm việc ở Hong Kong – và trước đó là làm việc ở New York và London – thế rồi một chuyến đi công việc cho công ty ở Jakarta đã làm đời bà biến đổi.
Trong khi nghỉ ngơi giữa hai buổi họp tại một khách sạn 4 sao, bà Slade mở cửa phòng ra, bỗng trực diện với một người đàn ông cầm súng. Hung thủ dí súng vào ngực bà, đẩy bà vào phòng, rồi lục soát khắp đồ đạc và nữ trang của bà. Bà trở thành con tin, suốt  ba giờ ở chung phòng với một hung thủ vũ trang, và nghĩ rằng cuộc đời kể như là xong. Cuối cùng, cảnh sát vũ trang xông vào cứu bà. Từ đó, mọi chuyện thay đổi.
Bà kể với báo The Independent rằng từ đó bà bị hội chứng tâm thần hậu chấn, lẫn lộn quá khứ và hiện tại, không phân biệt gì ra được. Bà nói, “Nhưng phần chính lại là, tôi cảm thấy lòng mình từ bi và buồn cho người đàn ông đã bắt tôi làm con tin, bởi vì y đã sống trong một hoàn cảnh tệ hại hơn tôi nhiều, thực thế… ảnh hưởng lớn nhất chính là cảm giác về quan tâm và từ bi đối với hung thủ.”
Sau vụ cướp đó, cảnh sát Indonesia đưa cho bà xem một tấm ảnh chụp hình hung thủ, một phần áo quần xốc xếch nằm giữa một vũng máu lớn, và hình ảnh này khắc sâu vào tâm bà nhiều năm sau đó.
Bà nói, “Tôi không thấy giận dữ hay căm ghét nào đối với y. Tôi chỉ cảm thấy một nỗi buồn lớn cho sự khổ đau trong hoàn cảnh này.”
Báo South China Morning Post (SCMP) hôm 10 tháng 11/2017 cũng viết về bà qua bản tin nhan đề “Một chuyên gia ngân hàng Hong Kong trở thành ni sư, kể về chuyện bị chĩa súng bắt giữ ở Indonesia đã biến đổi cuộc đời của bà.”
SCMP nói rằng bà sinh năm 1966 tại thành phố Whitstable, phía đông nam Anh quốc, là chị cả với hai em. Thời thơ ấu trôi qua bình lặng, với cha đi làm và mẹ nội trợ ở nhà. Năm 16 tuổi, bà chuyển vào trường nội trú. Cuối năm thứ ba ngành mỹ thuật ở đại học Goldsmiths tại London, bà được mẹ báo tin là cha bị chẩn đoán ung thư phổi.
Bà cảm thấy khủng hoảng. Cú chấn động đầu tiên là cái chết của thân phụ khi bà 26 tuổi.  Bà nhớ là hồi mới 10 hay 11 tuổi, thân phụ có nói rằng ông thấy rằng bà có thể nên vào làm trong ngành ngân hàng đầu tư. Cho tới khi thân phụ bệnh, bà vẫn nghĩ là bà sẽ là một họa sĩ hay người giám định nghệ thuật. Nhưng vì thân phụ từ trần, bà nghĩ rằng bà phải thực tế và không dựa vào thân mẫu. Do vậy, bà lần đầu tới Hong Kong là năm 1995, một phần của chương trình hậu cử nhân của một ngân hàng quốc tế.
Thế rồi, trong chuyến đi tới Jakarta vì công việc cho sở hồi tháng 9/1997. Lúc đó, hung thủ xuất hiện, bắt cóc bà. Khi thoát ra, bà bị khủng hoảng hậu chấn (còn gọi là hội chứng PTSD).  Suốt ba tháng sau đó, bà vẫn sống trong cảm giác như đang bị bắt cóc. Thế rồi bà dọn về Anh, và rồi từ nhiệm.
Bà du lịch tới Hy Lạp, nơi đây khám phá ra yoga và Thiền tập. Và rồi bà khám phá ra Phật pháp, chính thức trở thành Phật tử ở Scotland vào năm 2003. Lần đầu tiên bà tới thăm Bhutan là năm 2011, và trở thành phụ nữ Tây phương đầu tiên thọ giới tỳ kheo ni. Như thế (tính tới 2017) bà đã trở thành ni sư được 5 năm.
Trang web của bà, kể rằng từ khi rời ngành tài chánh và say mê với yoga và Thiền, bà đã dạy yoga và Thiền trong hơn 15 năm và say mê nghiên cứu về Phật giáo. Trong chuyến đi đầu tiên tới Bhutan năm 2011, bà gặp một vị sư trong thuyền thống PG Tây Tạng và sau một thời gian học đạo, bà được thọ giới Tỳ kheo ni với pháp danh Pema Deki – có nghĩa là Hoa Sen An Lạc.
Năm 2015, bà thiết lập hội từ thiện có trụ sở bản doanh ở Anh quốc, với tên là “Opening Your Heart to Bhutan” (OYHB)  với mục tiêu giúp trẻ em miền núi hẻo lánh và trẻ em khuyết tật ở Bhutan. Bà tiếp tục tới Bhutan thường xuyên để thực hiện các dự án từ thiện  và để tiếp tục học về Phật giáo.
Cuốn sách đầu tiên bà viết có nhan đề “Set Free: A Life-Changing Journey from Banking to Buddhism in Bhutan” (Giải Thoát: Một Chuyến Đi Đổi Đời từ Ngành Ngân Hàng Tới Phật Giáo tại Bhutan) – kể về những bước đi tới Phật giáo của bà, xuất bản tháng 4/2017, để giúp lợi tức cho hội; sách có thể mua qua mạng Amazon UK.
Bà nói với báo SCMP rằng bà thấy chuyện đi tu rất là tự nhiên: nếu bà sinh ra tại Bhutan, bà tin chắc chắn rằng bà sẽ là ni cô từ thời rất trẻ. Nhưng vì sinh ra tại Anh quốc, nên chuyện cầu kinh y hệt như nghe giọng thân phụ đang hát.  Bà nói, bây giờ ở tuổi 51, bà tin rằng cầu kinh là việc hữu ích nên làm, không hề xưa cổ hay phi lý gì.
Lúc đầu bà do dự: là mẹ đơn thân, có một đứa con chưa trưởng thành, còn cần chăm sóc, làm sao bà có thể xuất gia làm ni được. Tuy nhiên, chính vị Lạt ma khuyến khích bà nên xuất gia. Bà nói, người ta thường nghĩ rằng tu sĩ là phải ở trong tu viện, không gia đình, không tài sản vật chất gì, không liên hệ gì với đời thường. Bà nói như thế không thiệt sự đúng. Bà nói, có nhiều tu sĩ có con, nhưng thường là đàn ông, họ xuất gia, vào tu viện và để con lại cho quý bà mẹ của các đứa trẻ chăm sóc.
Bà kể, bà còn phải chăm sóc đứa con trai tên là Oscar, phải lo giặt đồng phục nhà trường cho cậu nhóc, cũng như phải làm món điểm tâm Weetabix buổi sáng cho cậu nhóc ăn. Bà có cảm giác là nếu làm song song được cả vai trò ni sư, đồng thời là bà mẹ đơn thân như thế, bà mới trở thành một người thực sự tu tập tuyệt vời.
Bà kể, sẽ không có lợi cho Bhutan nếu bà ở toàn thời gian nơi đó; bà phải sống một cuộc đời hai phương trời, đứng một chân ở Tây phương, và đứng một chân ở Đông phương. Bởi vì bà đang sống trong một kiểu đa phương: vừa điều hành một hội từ thiện quốc tế, vừa dạy yoga, vừa nuôi con nhỏ, và vừa là nữ tu sĩ Phật giáo. Rồi còn phải làm việc trên mạng xã hội nữa, đâu có phải như thời 100 năm về trước đâu.
Bà nói, có lẽ cuối cùng rồi cũng sẽ về luôn ở Bhutan. Con trai bà đã tới Bhutan ba lần, và cậu nhóc ưa thích vùng núi này; nhưng thực sự cậu bé vẫn là một cậu bé, và cứ ưa thích phóng chạy, tập dợt với quả bóng đá.
Hiển nhiên, Ni sư Pema Deki là một trường hợp cực kỳ độc đáo trong hàng ni giới thế giới.
Các bản tường trình, hình ảnh và các dự án từ thiện của ni sư hiện lưu trên hai trang web sau:

Phật Giáo đang có những bước đi nhập thế trong thời đại toàn cầu hóa, và Ni sư Pema Deki là một trong các hiện thân như thế.