Showing posts with label GHPTVNTN. Show all posts
Showing posts with label GHPTVNTN. Show all posts

Monday, May 18, 2020

Thích Huyền Quang: Huấn Từ Của Đức Tăng Thống Nhân Mùa An Cư, PL. 2548

          GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VIỆN TĂNG THỐNG

_________________
Phật lịch 2548
Số 03/VTT/TT 
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính Thưa chư Đại Đức Tăng, cùng Bốn Chúng đệ tử.
2548 năm trôi qua kể từ khi hình ảnh của đấng Chí tôn khuất dấu vô thường giữa rừng Câu-thi-na u tịch. Từ đó cỗ xe chuyển dịch tuần hoàn vẫn tiếp tục lăn bánh, để lại sau nó những vết tích của phú cường và huỷ diệt, bạo lực và nhân ái; rải rác đó đây, trên những sa mạc khô cằn, trong những đô thị trù phú, loài người đã góp nhặt từng giọt máu đào, từng giọt nước mắt để tích luỹ thành kiến thức, tạo dựng thành văn minh; từ những giá trị cá biệt là căn nguyên xung đột giữa các cộng đồng tôn giáo, dân tộc, dần tiến tới những giá trị phổ quát phản ánh khát vọng và tâm nguyện muôn thuở của con người. Những giá trị phổ quát, những quyền cơ bản làm nên giá trị hiện hữu của con người càng lúc càng được thừa nhận trong các cộng đồng dị biệt của nhân loại, coi đó như là điều kiện thiết yếu tạo dựng một xã hội hoà bình, an lạc, hoá giải hận thù, xoá bỏ bất công, áp bức gây nên bởi tham vọng quyền lực, cuồng tín giáo điều. Thông điệp bao dung, hỷ xả mà đức Thích Tôn trao truyền cho các chúng Thanh văn và Bồ tát, tỏa sáng bằng các phẩm tính từ bi và trí tuệ của tuệ giác vô thượng, ngày nay dần dần được nhân loại đón nhận như là dấu hiệu chỉ đường cho một thế giới nội tâm an lạc trong một thế giới đầy sợ hãi vì bạo lực điên cuồng.
Thông điệp ấy được truyền vào đất nước Việt nam cũng đã 2000 năm. Đức tính bao dung và những giá trị phổ quát của phẩm giá con người được hàm chứa trong đó đã từng là nguồn lực sinh tồn tác động, hình thành ý thức dân tộc. Mỗi dân tộc, trong điều kiện địa lý và lịch sử cá biệt, bằng vô vàn đau thương và khổ luỵ của nhiều thế hệ tiếp nối, đã tạo dựng nên những giá trị truyền thống, có đủ sức mạnh ý chí để tự khẳng định sự tồn tại của mình bình đẳng với mọi dân tộc khác, dù lớn hay nhỏ. Đó là bài học lịch sử được viết bằng tâm nguyện hy sinh vô uý của lịch đại Tổ Sư, của nhiều thế hệ Phật tử anh hùng, mà ngày nay hết thảy chúng đệ tử Phật, xuất gia cũng như tại gia, cần phải tư duy chiêm nghiệm, tự trang bị cho mình nhận thức chân chính, để nhờ đó mà tăng trưởng tâm nguyện bồ đề, sức mạnh dũng cảm vô uý. Nếu không được như thế, cộng đồng Phật tử Việt nam sẽ chỉ hiện diện như những hội đoàn ô hợp đấu tranh theo quyền lợi thế tục, mà công phu hành trì, công việc Phật sự lại chỉ tập trung vào những hình thức bên ngoài và nghi lễ cúng bái.
2548 năm, giáo pháp của đức Thích Tôn được truyền bá lan dần từ Đông sang Tây, từ cận vùng Nam cực cho tới vành đai Bắc cực, bằng phương tiện duy nhất là thuyết giáo mà không bạo lực hận thù, chỉ thấm nhuần hương vị duy nhất là giác ngộ và giải thoát. 2000 năm lịch sử truyền thừa trên đất Việt, cũng thuần một hương vị duy nhất được hòa quyện bất khả phân bởi tinh hoa dân tộc và đạo pháp. Đó là ý nghĩa tồn tại, mà cũng là sứ mạng, của các cộng đồng Phật tử Việt nam trong đại khối cộng đồng dân tộc.
Năm nay, cũng như hằng nghìn năm trước, Tăng già và Phật tử Việt nam cúng dường ngày đản sinh của đức Từ phụ, đấng Đạo sư của chư thiên và nhân loại, bằng tín tâm thanh tịnh, bằng công hạnh tu trì được tích lũy, đốt nén tâm hương giới định huệ, cầu nguyện an lạc cho mình và cho nhiều người, ích lợi trong đời này và đời sau.
Kính thưa Chư liệt vị,
Ngay sau ngày Phật đản, là ngày Tăng già Việt nam, gồm cả hai bộ Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, kiết giới an cư theo truyền thống Bắc phương. Mặc dù do sự sai biệt phong thổ, lịch pháp và tập quán xã hội nên ngày tháng an cư của hai hệ truyền thừa Nam Bắc không đồng, nhưng tất cả đều dựa trên một nền tảng Tỳ-ni tạng, với những học xứ tương đồng của giới bổn Biệt giải thoát. Nhân dịp này, tôi kính gởi đến toàn thể Tăng già Viêt nam, chư Đại đức tỳ kheo và tỳ kheo ni; gởi đến toàn thể bốn chúng đệ tử Phật, lời thăm hỏi và chào mừng ngày mới của Mùa an cư 2548 như là lời chúc tụng đầu năm trong đời sống đạo hạnh.
Mùa an cư, các chúng Tỳ kheo và Tỳ kheo ni, trong từng trú xứ riêng biệt, cùng hòa hiệp và thanh tịnh trong đồng nhất trú xứ, và đồng nhất thuyết giới; là nền tảng phước điền cho các chúng đệ tử xuất gia cũng như tại gia, lấy đó làm y chỉ để tăng trưởng đạo lực, vun bồi gốc rễ phước lạc nhân thiên và đạo quả Niết bàn.
Cũng nhân đây, tôi xin nhắc lại bảy pháp bất thối mà đức Phật đã chỉ dạy mà chúng Tỳ kheo và tỳ kheo ni cần phải học tập, chấp hành; y chỉ trên đó mà tu trì để tăng trưởng đạo lực cho mình và đồng thời củng cố bản thể thanh tịnh và hòa hiệp của Tăng già, không bị lôi cuốn vào các sự nghiệp thế gian, không bị chi phối và sử dịch bởi các cộng đồng thế tục. Nguyên lai pháp bất thối được Phật công bố do bởi Đại thần Vũ Xá theo lệnh vua A-xà-thế thỉnh ý đức Phật về ý đồ xâm lược và trấn áp bộ tộc Bạt-kỳ, ỷ thị sức mạnh của Vương quốc Ma-kiệt-đà hùng cường. Nhân đó, Phật khiến A-nan tập họp tất cả chúng tỳ kheo trong phạm vi thành Vương xá để nghe đức Phật công bố bảy pháp bất thối. Cũng như một dân tộc không bị đánh bại và khuất phục, nếu dân tộc ấy có đầy đủ bảy pháp bất thối; cũng vậy, chúng Tỳ kheo sẽ không thể bị khống chế bởi bất cứ sức mạnh dẫu hung tàn như thế nào của thế lực cường quyền, nếu chúng Tỳ kheo sống hòa hiệp bằng bảy pháp bất thối. Bằng vào ý thức tự giác, chứ không bằng vào sự cưỡng chế pháp luật, đức Phật công bố bảy pháp bất thối, mà Tăng trong một trú xứ nếu không y giáo phụng hành, chúng tỳ kheo ở đó chỉ là một tập thể ô hợp, nghĩa là như bầy quạ khi có lợi thì cùng tụ nhau lại kêu la inh ỏi, khi hết lợi thì tan tác bay đi. Bảy pháp bất thối như sau:
  • Các tỳ kheo thường xuyên tập họp đúng theo các qui định bởi Luật tạng, để giảng luận Chánh pháp, chứ không phải tập họp để tuyên dương tán tụng sức mạnh quyền lực thế gian, khiến cho các tỳ kheo trong trú xứ cùng sinh hoạt hòa thuận.
  • Các tỳ kheo phải tụ họp trong tinh thần hòa hiệp không tranh chấp, giải tán trong tinh thần hòa hiệp không tị hiềm, nghi kỵ, và chấp hành các Tăng sự trong tình cảm nhiệt thành.
  • Chúng tỳ kheo không tùy tiện quy định và ban hành những luật lệ không đáng được ban hành, không thích hợp; cũng không được tự tiện sửa đổi, bải bỏ những luật lệ đã được ban hành từ trước; sống đúng theo giáo huấn của Phật, và tùy thuận những gì mà Tăng già đã quy định, được truyền thừa qua lịch đại Tổ Sư.
  • Các tỳ kheo phải luôn tôn trọng, kính lễ các tỳ kheo trưởng thượng, mà phẩm hạnh và trí tuệ do công phu tu tập và học hỏi, xứng đáng là hàng Trưởng lão trong Tăng; luôn luôn nhiệt thành nghe những lời khuyến giáo của các tỳ kheo trưởng thượng như thế.
  • Các tỳ kheo sống không bị lôi cuốn vào những tham ái, những bận rộn thế tục.
  • Trú xứ của chúng tỳ kheo là những nơi nhàn tĩnh, không phải là trú xứ tập họp để phục vụ các quyền lợi thế tục.
  • Các tỳ kheo sống an trú chánh niệm, tỉnh thức, tạo thành một cộng đồng thanh tịnh hòa hiệp, để cho các đồng phạm hạnh từ những nơi khác chưa đến thì muốn đến, đã đến thì muốn an trú lâu dài để tu tập, cùng sống hòa thuận và an lạc.
Tư duy chiêm nghiệm bảy pháp bất thối mà đức Thích Tôn đã trao truyền cho chúng đệ tử, những người Phật tử Việt nam không khỏi ngậm ngùi vì những mâu thuẫn bất hoà, tranh chấp, chia rẽ trong hàng đệ tử Phật. Sinh vào thời Pháp nhược Ma cường, hàng Thánh Tăng vắng bóng, Phật tử Việt nam cùng chung kết quả cộng nghiệp của dân tộc Việt nam, mà những dòng thác hung bạo của tranh chấp quyền lực quốc tế, của hận thù giai cấp, của đấu tranh ý thức hệ, đã ghi lại vô vàn vết tích đau thương trên đại khối dân tộc. Đức Phật đã dạy, chúng sinh là kẻ thừa tự của những nghiệp mà nó đã làm. Vậy, mỗi người trong chúng ta, Tăng cũng như tục, cần có thời gian lắng đọng tâm tư để thấy rõ trách nhiệm của từng cá nhân mình, vì đã không có đủ năng lực trí tuệ, không có đủ ý chí dũng mãnh, để cho ngọn đèn Chánh pháp được lịch đại Tổ Sư truyền trao qua 2000 nghìn năm lịch sử bỗng chốc bị lu mờ, khiến cho hầu hết những người con Phật không thấy rõ đường nào phải đi, không thể phân biệt đâu chánh đâu tà, đâu là sứ mạng của người tu học Phật và đâu là sử dịch nô lệ của thế gian.
Kính thưa Chư liệt vị,
Ngày Phật đản, Phật tử chúng ta dâng nén tâm hương cúng dường mười phương chư Phật. Hương thơm giới định huệ dâng lên, nhưng khói bụi trần lao ô trược cũng đồng thời rơi vãi xuống. Vì vậy, chúng ta không nên chỉ nhìn lên làn khói cuộn như mây lành năm sắc trong hư không mà quên không nhìn thấy bụi bẩn rơi vãi trên bàn thờ. Mỗi khi dâng hương cúng Phật, hãy nhớ đừng quên quét dọn bàn thờ Phật cho thanh tịnh trang nghiêm; cũng đừng tự trói tay mình lại, hay để cho người khác trói tay mình lại, mà nhìn bụi bám đài sen càng lúc càng dày.
Vật có tụ thì phải có tán. Tâm người có khi hiệp thì cũng có khi lìa. Tăng chúng nay hiệp mai lìa, một phần cũng là quy luật của tồn tại. Nhưng bản thể thanh tịnh và hòa hiệp tạo thành tồn tại của Tăng mà đức Phật thiết lập thì không hề dao động, không hề biến đổi. Khi duyên hội, các pháp tự thành. Nhưng duyên hội không hoàn toàn ngẫu nhiên mà không có cộng đồng giao hưởng bởi tâm tư hay ước vọng của chúng sinh. Cho nên, trong mùa an cư năm nay, tôi thành tâm cầu nguyện uy lực Tam bảo gia trì hộ niệm cho bốn chúng đệ tử hội đủ thiện duyên, bỏ bớt dần những vọng tưởng trần lao, xa dần những bôn ba thế tục, chuyên tu giới định huệ, hướng tâm nguyện đến sự tồn tại chói sáng của Tăng già từ bản thể thanh tịnh và hòa hiệp. Có như thế, Phật pháp mới là nguồn suối an lạc, Tăng-già là tiêu chí cho một xã hội đạo đức và trật tự. Bốn chúng đệ tử Phật như thế cùng góp công đức kiến tạo thế giới hòa bình, cho dân tộc an lạc và tăng tiến.
Cầu nguyện cho tất cả chúng đệ tử Phật cùng học cùng tu, cùng tôn thờ một đấng Đạo Sư, cùng sống hòa hiệp như nước với sữa, như thế mới tìm thấy sự an lạc trong Chánh pháp.
Nam Mô Trung Thiên Giáo Chủ Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Tu Viện Nguyên Thiều. Phật Đản Năm Giáp Thân
Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN
Tỳ Kheo Thích Huyền Quang

Thursday, May 14, 2020

Thích Huyên Vi: Phật Giáo và Giáo Dục

Phật giáo và giáo dục là hai nguyên động lực lớn mạnh luôn luôn đóng một vai trò vô cùng quí giá cho sự tiến bộ và nền văn minh của nhân loại. Trong bài nầy, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một vài ý kiến làm thế nào sự học tập, nghiên cứu thiết thực của Phật giáo có thể giúp chúng ta giải quyết những chương trình đáng chú ý trong nền giáo dục tân tiến hiện đại.
Đã từ lâu, nền giáo dục giúp ích nhân loại trong nhiều địa hạt, đặc biệt nhất là những thành công về kỹ thuật, khoa học đã đưa con người đến sự kết hợp và đời sống tiến triển, kiểm soát được thiên nhiên, ngày nay người ta có thể lên cung trăng một cách dễ dàng, chớ không còn mơ mộng ảo huyền như trước nữa. Từ xưa lòng tin bị đặt theo truyền thống một cách quá đáng, nên sự tiến bộ về kiến thức cũng như khoa học kỹ thuật kỳ diệu không được lưu tâm, sự suy vi của các tôn giáo chánh thống ngày càng rõ ràng hơn. Ngoài ra chúng ta còn thấy có những sự phát hiện và thay đổi rộng lớn về chính trị cũng như về xã hội. Trong sự tương phản ấy, khoa học và kỹ thuật đã bị tổn thương; theo lòng tin cổ truyền, tôn giáo đã thắng thế một cách đáng chú ý, không còn nghi ngờ gì nữa. Ngày nay dân chúng rất sáng suốt và khôn ngoan, ít xu hướng và không dể bị lường gạt như trước. Đặc biệt là giới thanh thiếu niên, khi hỏi về tôn giáo thì thường đặt những câu hỏi thích đáng và yêu cầu được giải đáp bằng những chứng cứ cụ thể. Giới trẻ hiện nay rất thích nghiên cứu Phật giáo, vì những nguyên tắc căn bản của Phật giáo được đặt trên sự thực vĩnh viễn, Phật giáo không bao giờ xung đột với khoa học hay những phương pháp mới của các nhà giáo dục hay Tâm lý học.
Ngày nay chúng ta ai cũng nhận thấy rằng sự tiến bộ về tiện nghi vật chất của nền văn minh khoa học, đã đưa nhân loại đi trên con đường thoái bộ về đạo đức, khổ sở về tinh thần và sau cùng sẽ bị tiêu diệt oan uồng. Hiện nay có nhiều tình trạng bất an và xung đột gây lắm khổ đau cho nhân loại hơn thời kỳ đức Thế tôn giảng huấn thời pháp đầu tiên của Ngài cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm. Sự tiến bộ về kỹ thuật đã cung cấp cho nhân loại những lạc thú tạm bợ bên ngoài, không phải là sự an vui vĩnh viễn bên trong. Hạnh phúc chân thật, trường tồn phải đặt trên sự thỏa mãn về tinh thần. Đời sống là một sự tiến bộ nhứt thời, từ sự buồn phiền nầy đến sự khổ đau khác và ở khoảng giữa thì được gọi là những vui thú trần gian. Phật giáo không bao giờ chống lại sự tiến bộ về vật chất hay tinh thần, mà chỉ chủ trương con đường Trung đạo (Majjhima-patipadã) để tránh mọi cực đoan giữa các điều “thái quá” và “bất cập” của cuộc sống.
Sau đây chúng ta hãy xét lại vấn đề Phật giáo và giáo dục.
Theo thứ tự thuộc niên chế đại học, giáo dục dành quyền ưu tiên hơn Phật giáo. Từ xưa nhân loại đã phát minh nhiều kỹ thuật giáo dục cho thế hệ trẻ. Người xưa thường giáo dục con cháu về nghệ thuật sống. Trong thời gian qua, nhiều hệ thống giáo dục khác nhau đã được thi hành. Tại Ấn độ, sự giáo dục là một phương thức cứu vớt tâm hồn. Tại Trung hoa, nền giáo dục chú trọng về nhân văn và nhứt là những gì liên quan đến sự lợi ích trên thế giới như tính giao hữu giữa nhân loại, các tổ chức xã hội, ngoại giao. v.v… Trái lại ở Nhật bản thì phần lớn liên quan với chủ nghĩa quốc gia và truyền thống quân đội. Đồng thời các quốc gia Tây phương xuất hiện từ sự bảo thủ chủ nghĩa, đình đốn các sự nghiên cứu văn học và lịch sử thời Trung cổ (medisevalism). Khi đức Thích Ca Mâu Ni giảng huấn bài pháp đầu tiên cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, nhân loại đã bắt đầu chú ý đến bài học ấy vì tánh cách quan hệ về siêu thế giới (supra-mundanẹ). Cả hai Tây phương và Đông phương đều có sự tìm kiếm và khao khát về kiến thức liên quan đến đời sống hiện tại và tương lai. Đây là kết quả của sự giác tỉnh tinh thần. Những lý thuyết tương phản và sự suy nghĩ lầm lẫn do kiến thức mù quáng gây ra, là kết quả của nhiều sự rối loạn và mâu thuẫn. Trong thời gian đức Phật còn tại thế, Ngài phải dùng sức mạnh vô địch để chiến đấu những ý kiến bảo thủ và vô minh. Ngài đã hoàn thành sứ mệnh nầy bằng một phương pháp duy nhứt và siêu việt. Ngài đã phân tách cả hai đời sống và sự sống cho con người. Trong Phật giáo: Tôn giáo, triết học, đạo đức học, tâm lý học và xã hội học, tất cả đều hỗ trợ lẫn nhau, trở thành một hệ thống bao quát về tư tưởng, trong sự tương quan trực tiếp giữa nhu cầu và nguyện vọng tha thiết của nhân loại. Tóm lại, đây là một nền triết học ứng dụng đến mỗi trạng huống của nhân loại và đời sống xã hội. Một trong mục đích chính của Phật giáo là làm cho con người cố gắng thực hiện và tiến triển bằng khả năng cao nhứt của họ qua sự tiến bộ thức tỉnh bên trong. Mục đích nầy không bao giờ mâu thuẫn với đường hướng hay chủ đích của nền giáo dục tân tiến. Mục tiêu chính yếu của nền giáo dục nầy là sự tiến bộ hoàn hảo của nhưng khả năng tự nhiên, những năng lực sẵn có và những ảnh hưởng sâu xa của cả tính con người qua một trạng thái giàu kinh nghiệm khác nhau. Mặc dù các nhà giáo dục và các nhà tâm lý không nói làm thế nào chúng ta đạt được những khả năng và năng lực đó. Phật giáo cho biết rõ ràng kết quả của tất cả mọi việc đều do hành động tạo tác của chúng ta trong thời gian trước. Đức Phật thừa nhận luật tương quan tương duyên như là nguyên tắc chính yếu trong giáo lý của Ngài: “Khi sự vật nầy khởi, sự vật đó trở thành hiện hữu, khi sự vật nầy diệt, sự vật đó không còn hiện hữu”. (When this arises that comes into being, when this ceases that does not come into being). Giáo lý sâu sắc nầy được biết qua nhiêu danh từ khác nhau — Mối liên hệ thuộc về nguyên nhân (the causal nexus), căn nguyên tùy theo điều kiện (the conditional genesis), Luật duyên khởi (The law of dependant origination) v.v… cũng đồng ýniệm trên, Tôn giả Assaji đã nói: “Các sự vật do nhân duyên sanh, khi diệt cũng do nhân duyên diệt. Đức Thế tôn là bậc Đại Sa môn, thường thường giảng nói như thế “. (Ye dhamma hetuppabhavã, tesam hetum Tathãgata ãha, tesam ca yo nirodho, evain vãdi mahãsamano ti.Mg.trg.39.cf.Dh.A.I trg.59).
Bàn về nghĩa rộng, giáo dục cũng phân biệt hai phương diện là đời sống và sự sống. Sự tiến triển của giáo dục bắt đầu từ khi phôi thai đến lúc trưởng thành hay từ thời thơ ấu đến khi sắp viếng mộ phần. Nền giáo dục bao gồm một tổng số kinh nghiệm của nhân sinh trong quá khứ, lẫn hiện tại với một viễn ảnh tương lai. Giáo dục là sự liên quan cơ bản của cá nhân và xã hội. Cuối cùng con người trở thành tiến bộ nhờ sự giáo dục. Tư tưởng, ý kiến, hành động của mỗi người đều tùy thuộc sự giáo dục mà họ đã tiếp nhận. Khả năng thiên tánh của họ vững chắc, tốt đẹp, hay khô héo cằn cỗi cũng do sự huấn luyện và kinh nghiệm của họ đã trải qua. Đức Phật cũng đã nhấn mạnh về trạng huống đời sống quan trọng nầy.
Trong kinh Mahã Mangala, đức Phật thiết định những điều kiện cần thiết cho sự an vui hạnh phúc của nhân loại và đưa ra những điều liên quan đến cảnh chung quanh và các sự liên kết tốt đẹp. Cảnh trạng chung quanh đặt một phần quan trọng trong sự giáo dục, nhưng rất ít được những người có trách nhiệm chú ý dùng làm tiêu chuẩn để thực hành. Phật giáo cũng như nền giáo dục tân tiến rất chú trọng đến các giáo sư, họ giảng huấn đặc biệt bằng những phương pháp gương mẫu. Nếu họ giảng dạy tầm thường thì sẽ không lợi ích thiết thực và có thể đưa nền giáo dục đến chỗ suy vong.
Phật giáo cũng như giáo dục phân chia hai ranh giới cá nhân và xã hội. Mặc dù xã hội đã thay đổi và đang liên tục thay đổi, nhưng những điều mà đức Phật đã giảng giải liên hệ đến Cá nhân và xã hội thì hãy còn đang thực hành và ứng dụng tối đa. Những động lực chính yếu thì được đặt trên nền tảng tự độ và độ tha. Đức Phật đã giảng giáo pháp là luật đạo đức của vũ trụ. Nhân loại có thể hướng dẫn đời sống trở thành an lành và hữu dụng bằng cách làm cho trong sạch tâm hồn, tránh các điều ác và siêng năng thực hành các việc lành (To avoid all evil, to cultivate good, to cleanse one’s mind — this is Teaching of the Buddhas. Dhammapada 183).
hông những xã hội mà nền giáo dục cũng đã thay đổi và đang thay đổi thường xuyên. Với mỗi khám phá mới trong nền giáo dục, mục đích, chương trình, phương pháp và tổ chức giáo dục đang thường xuyên thay đổi từ quốc gia nầy đến quốc gia khác và từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mặc dù có những khám phá và thay đổi mới, nhưng các chương trình liên quan đến cá nhân và xã hội vẫn bị thiếu sót, vì nền giáo dục tân tiến thiên về mục đích và giá trị vật chất nhiều hơn.
Trước nhất nền giáo dục tân tiến liên hệ với kiến thức và tinh xảo. Mặc dù hai động lực này cần thiết cho cá nhân và xã hội, nhưng các yếu tố đơn độc nầy không thể làm cho chúng ta an vui hạnh phúc và sáng suốt minh mẫn được. Một người có thể chất chứa một sự giàu có về kiến thức và tinh xảo, nhưng nếu người ấy hành động một cách mù quáng vì không có sự tiến bộ về tâm linh và sức mạnh về tinh thần thì đời sống của người ấy sẽ vô cùng khốn khổ.
Phải học tập và thực hành Phật giáo như thế nào để giúp chúng ta giải quyết một số chương trình chưa giải quyết trong nền giáo dục? Sự thành công hay thất bại của bất cứ hệ thống giáo dục nào cũng đều tùy thuộc một phần lớn vào các giáo sư. Sự nghiên cứu tỉ mỉ về đức Phật và các Thượng túc đệ tử của Ngài có thể đem lại nhiều lợi ích cho các giáo sư. Đức Phật quả là bậc Thầy vĩ đại của thế giới, Ngài được tôn xưng là “Sat-thã-Deva-Manussanam” nghĩa là “Thiên Nhân Sư”. Ngài đã hiểu và thực hành những điều Ngài đã giảng. Ngài đích thực là bậc Tâm lý gia đại tài, đã thông suốt mọi tâm hồn nhân loại, có nhiều điều trong Phật giáo gồm trong Tâm lý học tân tiến hiện đại. Tâm lý Phật tử được biểu lộ trong nhiều sự dự liệu của những lý thuyết phân tích Tâm lý mới. Đức Phật đã hiểu rõ và đánh giá mỗi cá nhân khi họ đến nghe giảng, Ngài đã xác nhận căn tánh của biết bao người đến với Ngài. Phương thức giảng huấn của Ngài rất dễ hiểu. Ngài lập đi lập lại nhiều lần, bằng những lời giải thích thiết thực, để gây sự chú ý và ghi sâu vào tâm trí mọi người.
Phẩm cách kỳ diệu của đức Phật có uy lực nhiều hơn là phương pháp và lời nói của Ngài. Sự điểm tĩnh của Ngài đã khiến bao nhiêu người thương mến và kính trọng. Lòng từ bi và chí lợi tha của Ngài đã làm mọi người hoan hỷ. Các đặc tính phẩm giá của Ngài bao trùm về đạo hạnh nhiều hơn. Về giáo dục cũng thế, ngoài kiến thức và khả năng chuyên môn, phẩm cách của giáo sư cũng hết sức quan trọng. Ngày nay tìm cho được giáo sư có phẩm cách đã là khó, mà vị giáo sư đó lại thành công trong ngành giáo dục lại càng khó hơn. Chúng tôi mong những chương trình tu nghiệp giáo sư viện đại học sẽ lưu ý tối đa về động lực cốt yếu này. Phật giáo và giáo dục đều cần tuyển chọn những giáo sư có phẩm hạnh và tài năng.
Phương pháp học cũng phải được đặt một vai trò quan trọng trong nền giáo dục. Thời gian đức Phật còn tại thế cũng như trong nhiều thế kỷ đã qua, phương pháp giáo dục được ứng dụng về khẩu vấn một cách thuần túy. Truyền thống khẩu vấn nay có lắm điều hay mà cũng có nhiều điều dở. Ngày nay chúng ta được nhiều điều kiện may mắn hơn xưa, nhờ những dụng cụ mới phát minh, giúp cho sự giảng dạy rất dễ dàng, thuận tiện cho cả giáo sư và sinh viên, nhưng kết quả lại không được như ý.
Kỹ thuật của Phật giáo có phần hữu hiệu hơn. Chúng ta được biết kiến thức chỉ là bước đầu của sự học. Chúng ta nghe những sự thật sống động, rồi suy nghĩ những điều đã nghe đã thâu thập. Sau đó suy nghiệm và cuối cùng chúng ta thấy có sự tiến triển trực giác một cách chân thật.
Trong sự tiến triển về các phương tiện giáo dục, phương pháp giáo dục, chúng ta cần chú ý đến bản chất giáo dục. Một nền giáo dục thiếu bản chất sẽ làm cho kẻ hấp thụ dễ vong bản, tăng tự tôn. Bản chất của nền giáo dục là tinh thần đạo đức của nền giáo dục đó. Một quốc gia có trình độ giáo dục cao nhưng tinh thần đạo đức kém, quốc gia ấy chẳng sớm thì muộn cũng bị suy vong vì kết quả của sự giáo dục ấy chỉ đúc kết nên những bộ óc tính toán mà không biết rung động. Một nhà giáo thiếu nền tảng ấy cũng chỉ là một cái vỏ rỗng nhiều màu sắc, không đủ điều kiện để truyền thụ thiêng liêng giữa Giáo sư và Sinh viên. Sự giáo dục vì vậy chỉ làm cách xa tình thầy trò.
Những cái học nếu chỉ bồi bổ cho nhu cầu trí thức không thôi, và nếu trí thức ấy không có đạo đức hướng dẫn, kết quả chỉ là một nền giáo dục nguy hại. Phật giáo, vì vậy, có đầy đủ yếu tố để hướng dẫn giáo dục và tạo một sinh khí mới trong nền giáo dục tân tiến hiện tại.
THÍCH HUYỀN VI(Trích Tạp Chí Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, số 48, 1975)

Thích Minh Châu: Sứ Mệnh Của Viện Cao Đẳng Phật Học


* Diễn văn Khai mạc Lễ nhậm chức Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức
của Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Giáo Dục Ngày 28-11-1974.
Kính thưa Quí liệt vị,
Với sự thành lập Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha trang này Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất có được hai Viện Cao đẳng Phật học, hai cơ sở giáo dục Phật giáo thượng thặng nhất Việt nam, hai tổ chức giáo dục Tăng Ni sinh, nhằm đào tạo những vị quán thông Tam tạng Giáo điển và những cán bộ lãnh đạo ưu tú và nồng cốt cho Giáo hội trong hiện tại cũng như trong tưong lai. Sự thành hình và có mặt của Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha trang này nói lên được sự sáng suốt, lòng quyết lâm trì chí và sự hy sinh của các vị lãnh đạo đã luôn luôn nghĩ đến tương lai của Giáo hội và thế hệ trẻ Tăng Ni hiện tại. Và hôm nay, trong khung cảnh tưng bừng và trang nghiêm của lễ Khai mạc Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức Nha trang, với sự hiện diện và chứng minh của Viện Tăng thống và Viện Hóa đạo, với sự quy tụ của Chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni các Tỉnh Giáo hội, với sự vân tập tụ hội của chư vị Nhân sĩ, Quan khách và Phật tử địa phương, lễ Tấn phong và lễ Khai giảng hôm nay nói lên được sự hân hoan cao độ của Giáo hội và của Tăng Tín đồ, và sự tán thành và hỗ trợ của tất cả những nhân sĩ ưu thời mẫn thế, lo nghĩ đến tiền đồ của Giáo hội và đất nước.
Kính thưa Quí liệt vị,
Trong hoàn cảnh phi hòa phi chiến hiện tại của đất nước, trong những rối loạn xã hội thường xuyên và những khó khăn kinh tế triển miên, sự hiện diện của Viện Cao đẳng Phật học này là cả một thử thách rất lớn đối với những vị sáng lập và điều hành cơ sở giáo dục tối cao này.
Sự thử thách thứ nhất là sự thử thách về kinh tế tài chánh. Viện Cao đẳng Phật học này phải có đủ tài chánh để lo kiến thiết các cơ sởtrường ốc, thư viện, lớp học khang trang cho hơn 80 Tăng sinh trong năm đầu, ngoài ra còn lo về chi phí giảng huấn, di chuyển cho các giáo sư và phạn phí cho số Tăng sinh nội trú. Những đòi hỏi tài chánh này là cả một thử thách rất lớn cho những vị điều hành cơ sở này và cả cho Tỉnh Giáo hội Khánh hòa.
Ngày xưa, cách khoảng 5, 10 năm, một Viện Cao đẳng có thể bằng lòng với một số Kinh điển chữ Hán, một vài vị giáo thọ thâm nho là đủ điều kiện để mở một Phật học viện. Ngày nay, một sự thử thách mới chờ đợi một Viện Cao đẳng, là chương trình giảng huấn phải như thế nào để Tăng sinh phải thấu hiểu Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo các Học phái và Phật giáo Đại thừa, không những phải thấu hiểu những tổng quát đại cương về triết thuyết, lịch sử, phương pháp hành trì, mà còn phải đi sâu vào những chuyên ban Kinh học, Luật học, Luận học, Thiền học của từng học phái. Nói một cách khác, chương trình giảng huấn phải giúp cho Tăng sinh quán thông ba Tạng Giáo điển. Nhưng vì ba Tạng Giáo điển quá dồi dào và phong phú nên chương trình giảng dạy phải được soạn thảo, vừa đặt nặng về phần quán thông, vừa đi sâu vào phần chuyên khoa nghiên cứu. Dung hòa được hai đòi hỏi trên là cả một thử thách lớn lao cho ban Học vụ của Viện Cao đẳng Phật học.
Chính từ sự thử thách chương trình này đưa đến một sự thử thách khác liên hệ, đó là sự thử thách về ngôn ngữ danh từ. Nếu chương trình Phật học muốn cho được đầy đủ phải bao gồm cả Tạng Sanskrit, Tạng Pãli, Hán Tạng, Tạng Tây tạng, thời một Tăng sinh ở Viện Cao đẳng phải học những cổ ngữ như Sanskrit, Pãli, Tây tạng, Hán văn, cộng thêm các sinh ngữ liên hệ đến nghiên cứu Phật học như Nhật ngữ, Hoa ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ, Đức ngữ v.v… và cũng vì sự nghiên cứu Phật học đòi hỏi một số cổ ngữ, sinh ngữ phức tạp như vậy, phương pháp mới, một hình thức mới. Nếu xưa kia cách đây 10 năm, chúng ta có quyền để 10 năm để học Hán tự, và học cũng chỉ đọc được hiểu được mà thôi. Ngày nay, thời gian không cho phép chúng ta làm như vậy. Chúng ta chỉ có quyền để dành tối đa là 4 năm để học một cổ ngữ hay sinh ngữ, và học ở đây đòi hỏi phải học được, nghe được, hiểu được, nói được và viết được. Sự thử thách phải áp dụng một phương pháp dạy mới và học mới để tiết kiệm thời gian và kiện toàn vấn đề nghiên cứu, cũng là một thử thách nan giải, đòi hỏi rất nhiều thiện chí và phương tiện.
Chắc một số Quý vị có thể hỏi, làm gì phải học nhiều và phiền phức như vậy. Khổ hải thời vô biên thật, nhưng «Hồi đầu là thị ngạn» có học cho nhiều không bằng học được câu thơ này của một Thiền sư Việt nam:
«Kinh điển lưu truyền tám vạn tư.
Học hành không thiếu cũng không dư.
Năm nay tính lại chừng quên hết.
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ».
Câu nói trên trong khung cảnh một cốc thiền, một am tranh, dựa vào một đồi thông gần núi Ngự sông Hương có thể phác họa lên một bức tranh giải thoát tuyệt đẹp. Nhưng trong khung cảnh của một Cao đẳng Phật học, lấy học Phật làm căn bản, nhất là so sánh với trình độ nghiên cứu của các Trung tâm Phật học Quốc tế, và các Đại học Quốc tế, sự thử thách này không cho phép chúng ta tô bồi lên những màu sắc vừa đẹp vừa thơ, mà bắt buộc chúng ta phải áp dụng những kỹ thuật học sinh ngữ, cổ ngữ tối tân, có thể khô khan và phiền toái, nhưng rất có hiệu năng và thiết thực.
Từ nơi sự thử thách về phương pháp học và chương trình học, chúng ta bước qua một sự thử thách khác quan trọng hơn, một sự thử thách về chánh kiến mà chính đức Phật đã tự thân đối mặt và khắc phục trong thời kỳ Ngài còn tại thế. Như tập Trường Bộ Kinh (Digha-Nikàya) và Trung Bộ Kinh (Majjhima- Nikàya) đã ghi nhận, đức Phật đã đối mặt với 02 tà thuyết trong kinh Phạm Võng (Brahmajalasutta), với lục sư ngoại đạo như Pũrana Kassapa, Makkhali Gosala trong kinh Sa Môn Quả (Sãmannaphalasutta), với chủ trương bốn giai cấp của Bà la môn giáo trong kinh Ambatthasutta, với lòng tin tưởng nghi lễ tế đàn cũng của Bà La Môn giáo trong kinh Kutadantasutta. Ngoài ra chúng ta được biết lập trường của đức Phật đối với phương pháp khổ hạnh của Ni kiền tử Nãtaputta trong kinh Kassapasihanada v.v… Trong các kinh trên đức Phật đã phân tích và phân biệt giữa các tà giáo với giáo lý chính. Ngài phát huy, cùng nêu rõ giáo pháp tu hành của mình đối với các phương pháp tu hành ngoại đạo. Ngày nay, Viện Cao đẳng Phật học phải đối mặt với sự thách thức về chánh kiến và pháp môn với các chủ nghĩa duy vật, duy linh, hiện sinh, các triết thuyết tôn giáo, Đông, Tây, Kim, Cổ, và cũng vì sự đối mặt về chánh kiến này mà một Viện Cao đẳng Phật học không thể bỏ qua môn Tỷ giảo học và phương pháp phân tích, để nêu rõ đâu là chánh kiến, đâu là tà kiến, đâu là chánh đạo, đâu là tà đạo, như đã được đề cập trong kinh Kãlamasutta và kinh Đại Bát Niết Bàn (Trường Bộ Kinh). Ngoài ra một Viện Cao đẳng Phật học cần phải khai thác những môn học rất đặc biệt trong Phật giáo như Luận Lý học của các tập Nhơn minh, Tâm lý học, Phân tâm học của các tập A tỳ đàm, các quan điểm về Chính trị học, Xã hội học, Nhân chủng học, Y học v.v… của đức Phật được tìm thấy rải rác trong những kinh điển. Đó là những môn học mà một Viện Cao đẳng cần phải khai thác, để chúng ta giới thiệu kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, vô cùng thiết thực của Phật pháp, sự đóng góp của Phật giáo vào gia tài văn hóa nhân loại, và cũng để chứng minh rằng:
«Phật pháp tại thế gian,
Bất ly thế gian giác,
Ly thế mịch Bồ Đề,
Diệc như cầu thố giác».
Hơn thế nữa, chúng ta cần phải ý thức được vị trí của Phật giáo Việt nam trong cộng đồng các nước Phật giáo ở Đông nam á và Á châu và vai trò mà Phật giáo Việt nam có thể đóng góp cho Phật giáo nhơn loại nói chung. Không ai có thể phủ nhận sắc thái đặc biệt của Phật giáo Việt nam và những đóng góp của Phật giáo đời Lý đời Trần vào đời sống văn hóa xã hội Việt nam. Nhưng chúng ta không thể chỉ biết có tán thán, đề cao mà không có những chứng minh văn hóa cụ thể. Do vậy một trong những trách nhiệm của Viện Cao đẳng Phật học là xây dựng một Tam tạng Giáo điển Việt nam và một tủ sách Phật giáo Việt nam, trong ấy chúng ta phải sưu tầm lại các dịch phẩm, các tác phẩm chữ Hán hay chữ Nôm của các Thiền sư Việt nam, phiên dịch, giới thiệu và phê bình. Chúng ta không có thể nói «lấp lửng con cá vàng» mà phải có những chứng minh cụ thể và thiết thực để mọi người đều thấy và đều biết. Một sắc thái đặc biệt nữa của Phật giáo Việt nam là sự dung hòa và thống nhất các Phật giáo Nam tông, Bắc tông, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo các Học phái. Chúng ta có thể nói nước Việt nam là quốc gia độc nhất, trong đó, cả Phật giáo Bắc tông và Nam tông được tôn trọng, hành trì và thống nhất trong ý chí và hành động. Do vậy Phật giáo Việt nam nói chung và Cao đẳng Phật học viện nói riêng có thể đóng một vai trò vô cùng quan trọng, vai trò hướng tìm một chân đứng thống nhất cho tất cả học phái, một căn bản giáo lý và giáo pháp nguyên thủy đồng nhất cho tất cả xu hướng Nam tông và Bắc tông, và chỉ có vậy Sự thành lập Phật giáo Việt nam Thống nhất và Viện Cao đẳng Phật học mới thật sự có ý nghĩa tốt đẹp.
Kính thưa Quý vị,
Chúng tôi vừa đề cập đến một vài thử thách và một vài trách nhiệm để đặt rõ mục tiêu và vị trí của một Viện Cao đẳng Phật học trong cộng đồng Phật giáo Việt nam và Phật giáo Quốc tế; và nhờ vậy chúng ta sẽ tránh được những mục tiêu lệch lạc và những thế đứng sai lầm làm giảm thiểu hiệu năng đóng góp vào gia tài văn hóa Việt nam và nhân loại của Viện Cao đẳng Phật học. Trong lễ Tấn phong và Khai giảng trang trọng hôm nay, chúng tôi tha thiết trông mong rằng cơ sở giáo dục Cao đẳng Phật học này làm tròn sứ mệnh cao cả, và đứng vào vị thế chính đáng của mình, để góp phần xây dựng thế hệ Tăng Ni tương lai cho Giáo hội và cho xứ sở. Thay mặt cho Hội đồng Tổng vụ Giáo dục, chúng tôi xin chân thành tán thán tất cả Quý vị đã trực tiếp hay gián tiếp xây dựng cơ sở giáo dục thượng thặng này và giúp cho cơ sở được khai giảng trong khung cảnh tưng bừng và trang trọng hôm nay. Chúng tôi hy vọng rằng lễ Tấn phong và Khai giảng này sẽ mở đầu những trang sử mới cho truyền thống Phật học viện của Giáo hội chúng ta và đáp ứng được những nguyện vọng chân thành và tha thiết nhất của toàn thể Tăng Tín đồ Việt nam.
Xin trân trọng kính chào Quý vị.
T.T. THÍCH MINH CHÂU

Friday, May 8, 2020

Thích Nguyên Siêu (2006): Chứng Nhân của Chặng Đường Lịch Sử Hiện Đại

Sau biến cố 1975, Viện Cao đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang phải đóng cửa. Ban Giáo sư tự động giải tán. Anh em học Tăng, một số trở về chùa Thầy Tổ; một số hoàn tục kiếm kế sinh nhai. Một số không chấp nhận chính sách đảng trị của cộng sản Việt Nam nên bất chấp hiểm nguy để rồi bị tù đày và ra đi vĩnh viễn. Một số còn lại tại Viện thì đi lao động sản xuất trong các hợp tác xã cho qua ngày tháng. Đây là một thực trạng mà ai trong chúng ta đã sống trong những tháng năm của thời gian đó đều thấu rõ.
Để hòa mình vào cộng đồng xã hội của một đất nước trong bối cảnh lịch sử đen tối, Thầy cũng không ngoại lệ, cũng phải lên rừng làm rãy, cuốc đất, đào mương để trồng khoai, tỉa bắp, chăm sóc ruộng vườn cho qua ngày tháng. Nhưng chí nguyện của kẻ sỹ, lý tưởng của người xuất gia không cho phép Thầy chôn chân, cày sâu cuốc bẫm nơi rừng sâu, núi thẳm để ẩn cư mà quên đi hạnh nguyện độ sinh, hay tiếp tay xây dựng để vực dậy một quê hương, dân tộc đang bị đọa đày lầm than cơ cực. Vì thế, cho dù ngô khoai đang tươi tốt, bí cà đang đơm bông, mạch sống của rẫy vườn đang đâm chồi nảy lộc, cũng không đủ sức mạnh giữ chân Thầy nơi chốn núi rừng thiên nhiên, u tịch đó. Thầy tiếp tục đi theo chí nguyện bình sinh, mộng kiêu hùng của phương trời viễn mộng. Để rồi từ đó, tự thân Thầy cũng nổi trôi theo vận nước suốt 30 năm qua.
Chặng đường lịch sử đó đã ghi tên tuổi Thầy đậm nét trên các hệ thống truyền thông báo chí, các diễn đàn chính trị quốc tế, Liên Hiệp Quốc, Hội Ân Xá Quốc Tế… rằng, người tù mang bản án tử hình của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Bản tin ấy đã truyền đi khắp nơi, từ trong nước đến hải ngoại làm mọi người bàng hoàng, sửng sốt. Có lý nào, một thiên tài của đất nước, một Tăng sĩ uyên thâm Phật pháp nơi chốn thiền môn lại lãnh một bản án tử hình như vậy? Người người như đồng cảm, nhất tâm đứng dậy, đồng loạt đấu tranh đòi tự do và lẽ sống cho Thầy. Ngay cả 10 ngàn dân vượt biên tị nạn của trại Palawan, Phi Luật Tân, cũng được vận động đứng lên trương biểu ngữ chống án lệnh tử hình của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Tất cả các Hội đoàn, Đoàn thể người Việt quốc gia, các Tự viện, các cơ quan bảo vệ nhân quyền, tự do, dân chủ trên khắp năm châu bốn bể đều lên tiếng can thiệp. Nhà nước cộng sản Việt Nam đã phải lùi bước trước áp lực quốc tế, giảm bản án tử hình xuống 20 năm tù ở.
Ngày tháng âm thầm lặng lẽ trôi qua, Thầy như người ngồi đếm thời gian, chứng kiến bao hoang tàn đổ nát đang từng ngày diễn ra trên quê hương. Nỗi oan khiên, nghiệt ngã giáng xuống đầu người dân vô tội, từ những em bé thơ ngây trong trắng cho đến những cụ già gầy ốm hom hem. Là nạn nhân của chế độ khắc nghiệt, người dân thấp cổ bé miệng đành câm nín mỏi mòn trong tủi nhục.
Ngồi bên trong chắn song tù, nhưng Thầy không ngừng theo dõi mọi Phật sự của Giáo Hội và lo lắng cho tiền đồ đạo pháp ở bên ngoài. Thầy tự đặt mình trong trách nhiệm dấn thân phụng sự đạo pháp; cứu nguy Giáo Hội trong lúc nguy nan, phò trì dân tộc trong thời nhiễu nhương, khốn đốn.
Từ trại giam Xuân Phước, Thầy gởi Tâm thư đến Hòa thượng Thích Huyền Quang, Viện trưởng Viện Hóa Đạo, GHPGVNTN, nêu lên những nhận định và lập trường của Thầy trong hiện tình Giáo Hội đang bị vây khổn. Thầy đề nghị Đại Hội VIII tập trung thảo luận vào hai chủ đề chính:
  1. Pháp lý tồn tại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong truyền thống dân tộc và trong cộng đồng thế giới.
  2. Sứ mệnh hiện tại của Phật Giáo Việt Nam trước sự sinh tồn và tiến bộ của dân tộc và trong nền văn minh dân chủ của nhân loại.
Đây là hai chủ đề trọng đại liên quan đến vận mệnh của đạo pháp trên quê hương và cộng đồng thế giới. Ưu tư lo lắng cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Thầy đã nêu lên 4 điểm để Chư Tăng Ni và các đại biểu Phật tử cùng gia tâm thảo luận hầu mang lại kết quả tốt đẹp cho Đại Hội:

THƯ CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH TUỆ SỸ VIẾT TỪ TRẠI GIAM XUÂN PHƯỚC

Kính gởi: Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN
Kính bạch Hòa Thượng,
Dưới sự kiểm soát và can thiệp trực tiếp vào nội bộ Tăng Già, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đang là công cụ đắc lực cho sách lược thống trị của những
người cộng sản Việt Nam. Sách lược đó đã từng được ông Nguyễn Văn Linh, nguyên Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam vạch rõ. Phật Giáo Việt Nam là chỗ dựa cho những người Cộng Sản Việt Nam làm cách mạng. Và đó cũng là sách lược mà Lenin đã chỉ thị: Đảng phải thông qua tôn giáo để tập hợp quần chúng.
Trước tình trạng vong thân đó, chúng con vô cùng hoan hỷ được biết Hòa Thượng thay mặt Hội Đồng Lưỡng Viện quyết định triệu tập Đại Hội VIII Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; kêu gọi toàn thể Tăng già và Phật tử hãy hiến dâng tâm tư và nguyện vọng của mình cho Đại Hội VIII, bằng cách tham luận, khảo cứu, hội thảo, tọa đàm… Đó là những Phật sự cần thiết; là thuận duyên để Phật tử Việt Nam bằng tiếng nói trung thực của chính mình xác định vị trí của Phật Giáo Việt Nam trong lòng dân tộc và Nhân loại.
Chúng con mặc dù đang sống dưới sự giam cầm khắc nghiệt, nhưng bất chấp mọi nguy hiểm trực tiếp đe dọa tính mệnh, cố vượt qua mọi chướng ngại, kính trình lên Hòa Thượng và Chư tôn Trưởng lão Hội Đồng Lưỡng Viện một số đề nghị sau đây, gọi là dâng cả tâm nguyện chí thành cho Đại Hội.
Đề nghị Đại Hội VIII sẽ tập trung thảo luận trên hai chủ đề chính:
  1. Pháp lý tồn tại của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong truyền thống dân tộc và trong cộng đồng thế giới.
  2. Sứ mệnh hiện tại của Phật Giáo Việt Nam trước sự sinh tồn và tiến bộ của dân tộc và trong nền văn minh dân chủ của nhân loại.
Để chuẩn bị đầy đủ cơ sở dữ kiện cho Đại Hội, xin đề nghị 4 điểm mà toàn thể Tăng già và Phật tử có thể tham gia thảo luận trong quá trình chuẩn bị Đại Hội:
  1. Việc nhà nước chuẩn y và phong tặng các phẩm hàm Hòa Thượng, Thượng Tọa cho các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni là một xúc phạm đối với Giáo chế của Đức Phật được truyền thừa trong Luật tạng. Việc làm đó còn bộc lộ ý đồ rằng vị ngọt của Danh và Lợi biến một số Tỳ kheo và Tỳ kheo ni biến chất phải trung thành với Đảng Cộng Sản Việt Nam hơn là lý tưởng phụng sự Chánh Pháp.
  2. Luật điển Ba La Đề Mộc Xoa cấm các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni tham gia các cơ cấu quyền lực; nói theo ngôn ngữ hiện đại, đó là đại biểu Quốc hội. Các vị ấy như thế đang tự mình làm môi giới nối dài cánh tay quyền lực lung lạc Giáo Hội, khoa trương chính sách mị dân và củng cố chế độ độc tài đảng trị.
  3. Nhà nước Cộng sản bằng cái gọi là Pháp chế Xã Hội Chủ Nghĩa đặt Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam làm một thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Như thế, chỉ công nhận Giáo Hội tồn tại như một hội đoàn thế tục ngang hàng với các hội đoàn khác dưới quyền lãnh đạo của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam. Về mặt pháp lý, Phật Giáo Việt Nam đang bị đặt trở lại đạo dụ số 10 của chính quyền Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Phật tử Việt Nam đã hy sinh thân mình để đốt cháy đạo dụ ấy. Đó là nỗi đau của dân tộc và đạo pháp.
  4. Bằng lý tưởng Tịnh độ dân gian, bằng giáo lý Phật tính bình đẳng. Phật tử Việt Nam bằng tinh thần hy sinh vô úy, khẳng định minh bạch sứ mệnh của mình trong thời đại văn minh dân chủ; Giáo Hội phải nêu cao ngọn đuốc từ bi và trí tuệ, lãnh đạo Phật tử tiến tới và xây dựng một xã hội an lạc, bình đẳng và nhân ái.
Cầu nguyện Đại Hội thành tựu viên mãn.
Kính chúc Hòa Thượng và Chư Tôn Trưởng Lão Hội Đồng Lưỡng Viện Pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ.
Phật lịch 2537
Trại tù Xuân Phước ngày 15 tháng Giêng, 1994
Tuệ Sỹ
Kính bạch
Từ bản án tử hình còn 20 năm tù ở, Thầy đã đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi cùng với anh em bạn tù của chế độ. Dù thân mình bị giam hãm trong sự tù túng, thiếu ăn, thiếu ngủ nhưng thâm tâm Thầy vẫn lao lung cùng đạo pháp và quê hương.
Hòn Ngọc Viễn Đông Việt Nam, đang lùi dần, tụt hậu, nghèo nàn, đất đai bị cắt bán. Miền Tây là vựa lúa trù phú nuôi sống cả Miền Nam nước Việt, nhưng nay đã không còn trù phú như xưa. Các tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại vì đói kém, rừng cây gỗ quý bị chặt đốn, xuất cảng bừa bãi, cho những lợi nhuận riêng tư. Vì không còn cây rừng ngăn chận nguồn nước thượng ngàn nên tạo thành những trận lụt hàng năm cuốn trôi nhà cửa, dân làng, thiệt hại biết bao nhiêu tài sản của người dân vốn đã nghèo khó lại thêm nghèo khó hơn.
Từ ngàn xưa, tiền nhân đã tốn bao công khó, bao xương máu để mở mang bờ cõi tiến dần về phương Nam, để bảo vệ giang sơn gấm vóc, cho đồng lúa thêm xanh tươi, cho quốc gia dân tộc được phú cường thịnh vượng. Quê hương Việt Nam đã nuôi lớn bao anh hùng liệt nữ, mong xây dựng một đất nước thái hòa ngõ hầu theo kịp đà văn minh phát triển cùng các quốc gia trên giới. Ai ai trong chúng ta cũng mong muốn bảo vệ quê hương đất nước của Cha Ông để lại. Thế nhưng, nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa đã không màng đến công sức tiền nhân, mà cắt đất bán biển cho ngoại nhân.
Sống trong một quê hương với bao nỗi thăng trầm, điêu linh, Thầy cũng lênh đênh theo vận nước:
“Tiếng trẻ khóc ngân vang lời vĩnh cửu
Từ nguyên sơ sông máu thắm đồng xanh
Tôi là cỏ trôi theo giòng thiên cổ
Nghe lời ru nhớ mãi buổi bình minh.”
(Bình Minh – Tuệ Sỹ)
Từ thuở khai sơn phá thạch, từ thời mở nước hơn 4000 năm trước của dân tộc đến nay, tất cả hình ảnh ấy vẫn như còn hiển hiện trong tâm tư mỗi người con nước Việt. Sự kiện lịch sử hôm nay, luôn đánh thức chúng ta nhớ về tinh thần bất khuất quật cường, anh dũng của giống nòi. Tiếng nấc, uất nghẹn trào tuôn của ai đâu đó thầm tưởng về cái buổi ban sơ. Đó là tình tự được nối kết suốt theo dòng lịch sử mà chưa một thời nào bị lãng quên, lạt phai của tính mệnh và sử mệnh quê hương. Thầy luôn mang tự tình đó, luôn cất cao lời kêu gọi tất cả mọi người dân hãy nhớ đến quê hương, bảo vệ quê hương và cùng sống chết cho quê hương, mà không quay lưng trốn tránh, chối từ nhiệm vụ:
“Người đi đâu bóng hình mòn mỏi
Nẻo tới lui còn dấu nhạt mờ Đường lịch sử
Bốn ngàn năm dợn sóng
Để người đi không hẹn bến bờ.”
(Tĩnh Thất 24 – Tuệ Sỹ)
Cho một quê hương, là nỗi thao thức miệt mài trong tâm tưởng, trong ký ức muôn đời của dân tộc, là giải trừ nỗi khốn cùng của quốc nạn để xây dựng lại thời vàng son của đất nước trong cảnh thanh bình thịnh trị, có được như vậy, quê hương không thể thiếu vắng các vị khai quốc công thần, các vị hứng chịu đầu tên mũi đạn, các vị quên thân mình để hy sinh cho đất nước, đại cuộc:
“Từ những ngày Thái Bình Dương dậy sóng
Quê hương mình khô quặn máu thù chung
Nàng không mơ những chiều phơi áo lục
Mơ Trường Sơn vời vợi bóng anh hùng.”
(Cô Gái Trường Sơn – Tuệ Sỹ)
Ấy là cho một quê hương hôm nay.
Còn dân tộc thì sao? Có lẽ quá ư là thiếu thốn và hầu như mất tất cả. Mất đi một nền văn hóa dân tộc:
Phủ nhận giá trị đạo đức, lương tâm giữa người với người. Cấm đoán tình tự viếng thăm giữa Thầy với trò, tông môn, làng nước, qua những ngày lễ lộc của dân tộc. Phá hủy và triệt tiêu hầu hết tất cả các chứng tích lịch sử: Đền đài, miếu mạo, đình làng, chùa viện để biến thành các công trình có tính cách thời thượng xã hội hiện nay. Thay tên các đường phố mang danh các vị anh hùng liệt nữ của một thời chống giặc ngoại xâm giữ yên bờ cõi. Từ những chủ trương thâm độc của người cộng sản, cố tình tẩy não người dân để không còn nhớ tưởng về quá khứ, không còn lưu lại một hình ảnh kiêu hùng mang nét đặc thù của giống nòi Đại Việt.
Người cộng sản Việt Nam chủ trương chế độ quản lý hộ khẩu, kinh tế buộc bụng. Đảng san bằng đẳng cấp người dân để chỉ còn: giai cấp lãnh đạo và quần chúng. Giai cấp lãnh đạo đảng viên thì giàu có, quan liêu, thụ hưởng vật chất dư thừa, trong khi đại đa số người dân thì buôn gánh bán bưng, nghèo khó, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bán máu nuôi gia đình, để từ đó sanh ra mọi tệ nạn xã hội: Buôn người ra ngoại quốc, xuất cảng lao động, đủ các loại bệnh tật giết hại đời sống con người. Văn hóa suy đồi, vong thân…
Giáo dục học đường suy kém, thiếu thực tiễn, dân trí thấp kém không theo kịp đà văn minh tiến bộ của thế giới mà được gọi là nền giáo dục tẩy não, nhồi sọ với khẩu hiệu: “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” để đi theo con người của xã hội chủ nghĩa. Sinh viên tốt nghiệp ra trường đa phần không có việc làm, nếu không phải là con cháu đảng viên, không có chỗ ứng dụng và từ đó vùi mình trong nếp sống thị thành, với bóng đêm, với những xa hoa phù phiếm bên ngoài.
Nền giáo dục bao cấp, ưu tiên cho con cháu cán bộ cắp sách đến trường, trong khi con dân thì lang thang đầu đường xó chợ, nhặt lon, ve chai, bao nhựa… sống đời lam lũ; nhưng nào ai có màng đến đời sống của người dân cùng khổ đó. Vừa không được cắp sách đến trường, vừa không có công ăn việc làm, vừa bị đẩy lùi ra khỏi thành phố, lang thang bên lề xã hội không chút tình thân. Mọi việc đều do nhà nước cai quản, người dân chỉ còn biết nuốt tủi nhục vào lòng.
Cuộc sống đầy những khó khăn thiếu thốn, có làm nhưng không được hưởng theo công sức, chỉ những người may mắn có gia đình ở hải ngoại thì đời sống tương đối không đến nỗi thiếu trước hụt sau. Nguồn ngoại tệ từ nước ngoài gửi về giúp thân nhân đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam cũng như giúp cho các cấp lãnh đạo của nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam có đời sống vật chất hoang phí, mặc cho dân khốn khó.
30 năm đã qua, đất nước Việt Nam vẫn yếu kém, tụt hậu, các ngành khoa học, kỹ thuật, công nghệ, công nghiệp… ngay cả nghành nông nghiệp cũng không được phát triển đúng mức mặc dù Việt Nam là nước nông nghiệp, vì thế đại đa số quần chúng vẫn đói nghèo.
30 năm sống trên quê hương cùng chia sẻ những nỗi khó khăn với dân tộc, Thầy đã chứng kiến những khuôn mặt tái xanh vì thiếu ăn suy dinh dưỡng của những em bé lang thang đầu đường xó chợ. Những khuôn mặt măng sữa ngơ ngác khi bị bán ra ngoại quốc, bán thân để nuôi sống gia đình. Đó chính là một trong những thảm trạng của xã hội trên chặng đường lịch sử quê hương hôm nay.

Tuesday, May 5, 2020

CHÚC NGUYỆN THƯ PHẬT ĐẢN 2564


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG


CHÚC NGUYỆN THƯ
PHẬT ĐẢN 2564


NAM-MÔ LÂM-TÌ-NI VIÊN VÔ ƯU THỌ HẠ THỊ HIỆN ĐẢN SINH THÍCH-CA MÂU-NI PHẬT

Ngưỡng bạch Chư Tôn Trưởng Lão,
Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng-già,

       Trận đại dịch đang gieo rắc hoang mang và kinh sợ cho toàn thể nhân loại, đang làm đảo lộn trật tự thế giới, thách thức trí năng và quyền lực của con người trong một vũ trụ bao la và trong những thế giới cực kỳ vi tế; trong cơn khủng hoàng toàn cầu này, Phật tử Việt Nam, mùa Phật đản năm nay, cúng dường ngày Đức Thích Tôn giáng đản bằng những công đức gom góp hằng ngày trong ánh sáng soi đường hành đạo bằng từ bi và trí tuệ của Đấng Đại Giác, để cùng chia sẻ đau khổ chung của dân tộc và nhân loại, cầu nguyện kẻ trí cũng như người ngu, từ những kẻ quyền lực tột đỉnh cho đến những hạng cùng đinh khốn khổ, thức tỉnh trước thảm họa nhân sinh này mà nhận thấy rõ nguyên nhân chân thật của khổ và con đường diệt khổ. Chính trong hiện thực thống khổ này, người Phật tử dâng hoa cúng Phật, tư duy chiêm nghiệm chân lý hiện thực trong lời dạy của Đức Thế Tôn, chân lý ấy hiện thực suốt mọi thời gian và không gian, cảnh báo sự diệt vong của loài người báo hiệu bằng tai họa ôn dịch, nạn đói, và đao binh trong chu kỳ thành-trụ-hoại-không của vũ trụ: "Những kẻ kia không biết rằng nơi đây ta sẽ bị hủy diệt nên phí công tranh chấp hơn thua."

        Đấu tranh sinh tồn bằng bạo lực là quy luật của một bộ phận chúng sinh trong Dục giới. Mâu thuẫn tranh chấp trong cộng đồng đệ tử Phật sẽ dẫn đến sự tan vỡ của khối hòa hiệp Tăng-già, là nguyên nhân khiến Chánh pháp bị lu mờ và cuối cùng biến mất trong bóng tối của điên đảo vọng tưởng.

        Trước mùa xuân Canh Tý, Phật giáo Việt Nam bị mất đi bóng cây cổ thụ đã từng làm nên lịch sử của Đạo Pháp trong lòng Dân tộc. Sau mùa xuân Canh Tý, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất lại mất đi thạch trụ kiên cường tiêu biêu phẩm đức vô úy của bậc xuất trần thượng sỹ, nêu cao ngọn đèn Chánh pháp không dao động trước sóng gió của hư danh và lợi dưỡng, không khuất phục trước bạo lực cường quyền. Đức Đệ Ngũ Tăng Thống khuất bóng, Phật giáo Việt Nam không còn đồng vọng dư âm những lời cảnh sách chúng đệ tử trước cám dỗ của thế lợi phù hoa, nhắc nhở kẻ sĩ không vì lợi lộc hư vinh mà bẻ cong ngòi bút.

        Sự viên tịch của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN đã để lại khoảng trống lớn lao trong Giáo Hội. Những năm cuối cùng tại thế, Ngài đã đơn thân, bằng những phương tiện khả thi, hóa giải những mâu thuẫn tế toái trong các chúng đệ tử. Nhưng trong một đất nước hòa bình đã trên nữa thế kỷ, mà ngọn lửa hận thù dân tộc chưa được dập tắt, pháp hữu lậu thế tục đã khơi dậy hoài nghi và đố kỵ, những phiền não vụn vặt có nguy cơ làm rạn nứt khối hòa hiệp Tăng. Trong những năm tháng cuối đời, Đức Tăng Thống đã ban hành quyết định ngưng mọi hoạt động của Viện Hóa Đạo, chỉ còn một mình Ngài đứng đầu Viện Tăng Thống, và đã viết nhiều Tâm thư kêu gọi cộng đồng đệ tử hòa hiệp. Trong khi Tăng-già chưa hòa hiệp trọn vẹn, dù trong ngôi vị Tăng Thống, đứng đầu Giáo Hội, Ngài cũng không thể đề nghị một vị nào kham năng kế thừa vai trò lãnh đạo tối cao, thay vào đó, Ngài quyết định ủy thác người tin tưởng trao nhiệm vụ bảo trì ấn tín của Giáo Hội, làm tín hiệu châu tri sinh mệnh Giáo Hội vẫn tồn tại, mạng mạch Chánh pháp vẫn được duy trì, cho đến khi hội đủ thuận duyên, thỉnh cầu Chư tôn Trưởng Lão hòa hiệp suy cử chư tôn đức tái lập và kiện toàn Hội đồng Lưỡng Viện, kế thừa sứ mệnh hoằng dương Chánh pháp, vì lợi ích và an lạc của các cộng đồng đệ tử trong cộng đồng dân tộc.

         Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão,

       Khâm thừa ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, tôi tự xét bản thân, lão lai tài tận, đức mỏng chướng dày, khó có thể đơn độc chu toàn sứ mệnh cao cả ấy trong muôn một. Vậy nên, cúi đầu kính lễ Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Đại đức thanh tịnh Tăng-già, vì sự nghiệp tu trì Chánh Đạo, vì an lạc của muôn dân đang chìm đắm trong dòng khổ lụy nhân sinh, thỉnh cầu Chư Tôn vận tâm bình đẳng, y Luật hành trì, thể hiện bản thệ thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già, nêu cao ngọn đèn Chánh Pháp trong một thế giới tối tăm nguy hiểm vì những tham sân điên đảo. Bằng tâm nguyện chí thành khẩn thiết này, cầu nguyện chúng đệ tử Phật, trong mùa Phật đản 2564 này, nhiếp tâm thanh tịnh lắng nghe đồng vọng trong hư không Pháp âm vi diệu hân hoan đón mừng Đức Thích Tôn thị hiện đản sinh:
  Hạnh phúc thay Chư Phật xuất thế.
Hạnh phúc thay Chánh pháp tuyên dương.
Hạnh phúc thay Tăng-già hòa hiệp.
Hạnh phúc thay bốn chúng đồng tu.

       Ngưỡng nguyện Chư Tôn Trưởng Lão, Chư Đại Đức thanh tịnh Tăng-già, đồng chứng tri.
Phật lịch 2564.
Mùa Phật đản tháng Tư, năm Canh Tý
Khâm thừa ủy thác,


Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ
__________________
Nguồn văn bản: HT Thích Nguyên Lý.

Thursday, June 7, 2018

BẢN LÊN TIẾNG VỀ DỰ LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÁNH – KINH TẾ ĐẶC BIỆT VÂN ĐỒN, BẮC VÂN PHONG VÀ PHÚ QUỐC


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

VĂN PHÒNG ĐIỀU HỢP LIÊN CHÂU
Chánh Văn Phòng: HT. Thích Tánh Thiệt
Parc aux Lièvres, 8, rue François Mauriac, 91000 Évry, France
Phone: +33 1 64 93 55 56
_________________



BẢN LÊN TIẾNG
VỀ DỰ LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÁNH – KINH TẾ ĐẶC BIỆT VÂN ĐỒN, BẮC VÂN PHONG VÀ PHÚ QUỐC


Qua báo chí truyền thông, trong và ngoài nước, chúng tôi được biết quý vị đại biểu Quốc hội đang chuẩn bị ký thông qua Dự luật về “Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” (tức Dự luật về “Đặc khu kinh tế,” xin viết tắt ở đây là ĐKKT) vào ngày 15 tháng 6 năm 2018, và nếu được thông qua, luật sẽ “có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 9 năm 2018” (Điều 85, Chương VI, Điều khoản thi hành – Dự thảo Luật trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV).
Dự luật ĐKKT cho phép thành lập ba đặc khu Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) với những đặc miễn lao động, miễn thuế hay giảm thuế tối đa, cho phép nước ngoài đầu tư hàng ngàn ki-lô-mét vuông đất liền và rừng núi, cũng như hàng chục ngàn ki-lô-mét vuông mặt biển, thềm lục địa thuộc lãnh hải Việt Nam. Dự luật ĐKKT cũng cho phép các nhà đầu tư kinh doanh thiết bị, quân trang, quân dụng cho lực lượng vũ trang, vũ khí quân dụng, phương tiện chuyên dùng quân sự, v.v... (thứ tự số 4 trong 131 ngành nghề, trong “Danh mục kèm theo dự thảo Luật trình Quốc hội kỳ 4 và 5”). Ngoài ra, dự luật cũng sẽ tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức nước ngoài thủ đắc quyền sử dụng đất và biển dài hạn đến 99 năm với quyền chuyển nhượng dễ dàng cho cá nhân, tổ chức thuộc bất cứ quốc gia nào khác (Điều 32, Mục 2, Chương III).

Theo phân tích và cảnh báo từ nhiều chuyên gia về kinh tế, an ninh quốc phòng, cũng như hàng ngàn nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước, cùng ý kiến phản đối của hàng vạn người dân trên các mạng xã hội, chúng tôi hết sức quan ngại về những mối nguy cho đất nước và nhân dân chắc chắn sẽ xảy ra một khi các đặc khu được chính thức ký ban hành.

Ý kiến chung của giới sĩ phu và đồng bào, đồng hương trong và ngoài nước, xin chia sẻ với quý vị đại biểu Quốc Hội và Chính phủ Nước CHXHCNVN như sau:
1) Đảng Cộng Sản Trung quốc từ nhiều thập niên qua đã cố tình lấn chiếm lãnh hải, lãnh thổ nước ta; gần đây đã công khai thực hiện việc quân sự hóa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, tạo sự căng thẳng nghiêm trọng với nguy cơ chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào tại Biển Đông; chúng ta nhất định phải ngày đêm nghiêm nhặt, lo củng cố, bảo vệ biên thùy, biển đảo, chứ không lý nào lại tình nguyện tự hiến 3 trọng điểm hiểm yếu của an ninh quốc phòng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam cho họ. 
2) Với việc miễn thị thực dài hạn lên đến 180 ngày/một năm, các đặc khu kinh tế sẽ dễ dãi cho phép triệu người nước ngoài tràn vào để du lịch, đầu tư, lao động, sinh sống; khuyến khích việc tìm đất di dân của hàng trăm triệu người láng giềng Trung quốc, tạo điều kiện thuận lợi (qua ngõ đầu tư đất đai, bất động sản) để họ định cư lâu dài, tiến hành kế sách tàm thực, di dân và đồng hóa dân tộc Việt như trong lịch sử nghìn năm Bắc thuộc của nước ta.
3) Cho phép người nước ngoài đầu tư vào ĐKKT quyền sử dụng đất, biển đến 99 năm chính là bán nước, bán từng phần đất phần biển của Tổ quốc do tiền nhân bao đời để lại.

Với 3 nhận định trên, có thể thấy trước rằng dự luật về Đơn vị Hành chánh – Kinh tế Đặc biệt sẽ ảnh hưởng tai hại và trường kỳ lên cả 4 yếu tố mà bất cứ một quốc gia độc lập nào cũng phải quan tâm: chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng, môi trường và người dân.
Vì vậy, trước vấn đề nghiêm trọng của nhân dân và đất nước, trong nguy cơ tiềm ẩn một cuộc xâm lăng bằng di dân và đồng hóa của Cộng Sản Trung Quốc, Văn Phòng Điều Hợp Liên Châu thuộc các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, GHPGVNTN Hoa Kỳ, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, và GHPGVNTN Hải Ngoại tại Canada đồng thanh
LÊN TIẾNG:
1/ Kêu gọi quý vị đại biểu Quốc Hội dứt khoát không biểu quyết thông qua Dự luật Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc;

2/ Trong những ngày sắp tới, nếu không thể tổ chức trưng cầu dân ý để lấy quyết định về Luật ĐKKT, yêu cầu Quốc Hội và Chính phủ nước CHXHCNVN triệt để tôn trọng quyền biểu tình đã được hiến định trong Hiến Pháp nước CHXHCNVN qua Điều 25: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định;” không ngăn cản, bắt bớ, bỏ tù những người biểu tình để đạo đạt ý dân, nêu cao nguyện vọng bảo vệ chủ quyền đất nước.

3/ Kêu gọi Nhà Nước CHXHCHVN triệt để tôn trọng tự do nhân quyền, lập tức trả tự do cho những nhà hoạt động xã hội, những người bất đồng chính kiến, và những người tù lương tâm; vì chính những tiếng nói đối lập mới có thể phản ảnh trung thực tình trạng xã hội và nguyện vọng chung của toàn dân;

4/ Thiết tha kêu gọi Tăng Ni và Phật tử Việt Nam trong nước cũng như hải ngoại, tùy theo khả năng và hoàn cảnh, nhân danh các tổ chức Phật giáo, hoặc nhân danh tư cách là người con Phật đầy đủ Bi-Trí-Dũng, mạnh dạn cất lên tiếng nói của lương tri và công bằng trước những hiểm họa và nguy vong của đất nước.

Hải ngoại, ngày 08 tháng 6 năm 2018
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Văn Phòng Điều Hợp Liên Châu

Chánh Văn Phòng
Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt
Đệ nhất Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu
(ấn ký)

Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa
Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hoa Kỳ
(ấn ký)

Hòa Thượng Thích Bảo Lạc
Hội Chủ Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi—Tân Tây Lan
(ấn ký)

Hòa Thượng Thích Bổn Đạt
Chủ tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Hải Ngoại tại Canada
(ấn ký)