Showing posts with label Giáo dục. Show all posts
Showing posts with label Giáo dục. Show all posts

Friday, February 9, 2018

JOHN DEWEY, GIÁO DỤC CHÍNH LÀ CUỘC SỐNG


JOHN DEWEY, GIÁO DỤC CHÍNH LÀ CUỘC SỐNG

Những cuốn sách về triết lý giáo dục thường có xu hướng quy về việc nghiên cứu tư tưởng giáo dục cụ thể của một số nhà triết học-giáo dục học. Việc này có thật sự có cơ sở hay không? Ảnh hưởng của cá nhân các nhân vật đó lúc sinh thời, cho dù họ là những vĩ nhân, không phải bao giờ cũng lớn đến mức có thể định hình cả một nền giáo dục. Trong nhiều trường hợp, những ảnh hưởng đó chỉ là sự hư cấu của những thế hệ sau, vốn bị tách rời khỏi bối cảnh lịch sử và suy nghĩ bằng một lô gích khác. 
Câu trả lời của tôi là, không phải tình cờ mà những nhà giáo dục lớn thường cũng là những nhà triết học lớn. Socrates, Platon, Aristotle, Khổng Tử, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Kant là những ví dụ điển hình. Tất cả những con người khổng lồ này đều đứng ở cội nguồn của những nền giáo dục vĩ đại. Lý do thật ra rất đơn giản. Bất kỳ nền giáo dục nào đáng gọi là một nền giáo dục đều phải bắt đầu từ một triết lý giáo dục mà ba câu hỏi quan trọng nhất là:
1. Bản chất con người là gì? 2. Chúng ta muốn con người trở thành như thế nào? 3. Phải làm gì để có con người chúng ta mong muốn? Để trả lời những câu hỏi này, người ta cần đến triết học.
Ảnh hưởng của các nhà triết học lúc sinh thời có thể không lớn, nhưng điều đó không hề làm giảm tính đại diện của họ đối với một truyền thống triết lý, trong đó có triết lý giáo dục. Lý do là những độc giả của các thế hệ sau có thể bị tách rời khỏi bối cảnh lịch sử của thời đại khi các tác phẩm triết học được viết ra, nhưng tác giả của những tác phẩm ấy thì gắn liền với bối cảnh đó. Về bản chất, các nhà tư tưởng cũng là sản phẩm của thời đại họ sống. Vì thế, ngay cả trong trường hợp tác phẩm của họ chưa thật sự được phổ biến lúc sinh thời, nó vẫn phản ánh ít ra là mầm mống của xu hướng, hay một trong những xu hướng, trí tuệ của thời đại. 
Những điều này rất đúng với John Dewey, với Thực dụng luận, trong đó có Công cụ luận (instrumentalism) do Dewey phát triển, và với triết lý giáo dục của ông.
John Dewey (1859-1952), tác giả của cuốn sách “Dân chủ và giáo dục” là một nhà giáo dục vĩ đại đồng thời là triết gia xuất sắc như vậy. Là một trong ba nhà sáng lập Thực dụng luận1, gia tài tư tưởng triết học và giáo dục đồ sộ của ông bao trùm đời sống trí tuệ của nước Mỹ suốt thế kỷ 20 và ông thực sự trở thành thần tượng của những trí thức Hoa Kỳ lỗi lạc nhất. Richard Rorty tuyên bố: “Triết gia tôi ngưỡng mộ nhất, người tôi được coi mình là học trò nhất, là John Dewey”2. Noam Chomsky, người hồi nhỏ từng theo học rồi về sau dạy học ở một trường theo đường lối của Dewey, cũng thừa nhận thường xuyên trích dẫn John Dewey như một người có ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời mình. 
Thực dụng luận, nền triết học đặc biệt Hoa Kỳ, là sản phẩm của một xã hội kỳ lạ. Xã hội ấy được đặc trưng không chỉ bởi tính dân chủ (cho dù khi đó mới chỉ áp dụng với người da trắng), bởi một nền kinh tế tự do chưa từng có trong lịch sử3 với mạng lưới phức tạp của những quan hệ xã hội, và trên hết là bởi một mặc cảm không quá khứ vô tiền khoáng hậu dẫu nền tảng tư tưởng của nó vẫn gắn liền với truyền thống duy lý phương Tây. Chính những đặc điểm này, bằng cách nào đó, đã thúc đẩy Charles Peirce và William James, và sau đó là John Dewey, từ bỏ Siêu hình học và đề cao sự hữu ích cũng như tính hiệu quả - những ý tưởng chính của Thực dụng luận. Các nhà Thực dụng luận cho rằng tri thức của chúng ta không hề có một nền tảng khách quan tuyệt đối nào, vì thế, thay vì đánh giá tri thức qua sự tương ứng của nó với chân lý khách quan, chúng ta chỉ có thể đánh giá tri thức qua khả năng ứng dụng để lý giải và dự báo thực tại trong những hoàn cảnh cụ thể. Nói theo cách của Công cụ luận, chân lý chỉ là một thứ công cụ để chúng ta giải quyết các vấn đề của thực tại. Khi thực tại thay đổi, các vấn đề cũng thay đổi, các công cụ bắt buộc cũng phải thay đổi theo. Về điểm này, họ chính là những tiền bối của chủ nghĩa Hậu hiện đại.
Thực dụng luận được thể hiện một cách xuất sắc qua triết lý giáo dục của John Dewey với những tác phẩm như “Trường học và xã hội” (The School and Society ,1899), “Cách chúng ta nghĩ” (How We Think, 1910), “Kinh nghiệm và giáo dục” (Experience and Education, 1938), và “Dân chủ và giáo dục” (Democracy and Education, 1916)…, trong đó ông chủ trương một nền giáo dục gắn liền lý thuyết và thực tiễn.
Thật ra, học đi đôi với hành không phải là hoàn toàn mới, nhưng ở John Dewey, nó dựa trên một quan niệm độc đáo. Nếu như trước đây người ta quan niệm giáo dục như là quá trình truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm, hoặc là quá trình rửa tội và thanh lọc tâm hồn, hoặc nữa, một quá trình khai sáng nhằm giúp con người tự do sử dụng lý trí, thì với John Dewey, “giáo dục chính là bản thân cuộc sống” (Education is life itself). Dewey lập luận rằng trái với con vật chủ yếu sống bằng những bản năng bẩm sinh, con người sống chủ yếu bằng kinh nghiệm ứng xử với thế giới xung quanh.
Lý thuyết của John Dewey về kinh nghiệm dựa trên hai nguyên lý chính, đó là nguyên lý liên tục (continuity) và nguyên lý tương tác (interaction). Nguyên lý liên tục khẳng định rằng những kinh nghiệm mà con người tích luỹ được trong quá khứ sẽ ảnh hưởng đến tương lai của người đó, còn nguyên lý tương tác hàm ý rằng tương tác của kinh nghiệm quá khứ với hoàn cảnh hiện tại sẽ tạo ra kinh nghiệm mới, kinh nghiệm trong hiện tại.
Ứng dụng vào giáo dục, lý thuyết của John Dewey hàm ý rằng người thầy không thể không quan tâm đến những kinh nghiệm quá khứ của người học và kinh nghiệm quá khứ ấy cũng không nhất thiết phải là tiêu cực hay tích cực đối với quá trình giáo dục. Người thầy không thể kiểm soát quá khứ của người học, nhưng có thể tổ chức bối cảnh học tập phù hợp để tạo cho người học kinh nghiệm hiện tại thông qua tương tác giữa bối cảnh học tập với kinh nghiệm quá khứ của người học. “Giáo dục –John Dewey viết- là một hoạt động của cuộc sống, chứ không phải là sự chuẩn bị cho cuộc sống tương lai”.
Vì giáo dục chính là bản thân cuộc sống, nhà trường không thể tách khỏi hoạt động thực tiễn, và kiến thức không thể được áp đặt từ bên ngoài. Đây chính là cơ sở cho khẩu hiệu “Hãy phá bỏ hàng rào nhà trường” mà mục tiêu là đưa nhà trường hòa nhập với cuộc sống của toàn xã hội.
Vì giáo dục chính là bản thân cuộc sống, không thể có một thứ giáo dục chung cho tất cả mọi người. Người thầy phải ý thức rõ và tôn trọng sự khác biệt giữa các học sinh.
Vì giáo dục chính là bản thân cuộc sống, nó phải là quá trình của người học chứ không phải của người dạy. Giáo dục là quá trình mà người học là trung tâm.
Nói cách khác, giáo dục phải là một quá trình dân chủ sâu sắc./.
----------------
1 Ở Việt Nam, từ lâu từ “Chủ nghĩa thực dụng” đã bị hiểu theo nghĩa hẹp và tiêu cực, vì thế tôi chủ trương dùng từ “Thực dụng luận” để dịch từ “Pragmatism”. (N.T.L)

2 “The philosopher I most admire, and of whom I should most like to think of myself as a disciple, is John Dewey”. Habermas, Rorty and Kolakowski, “Debating the State of Philosophy”, Praeger Publishers, 88 Post Road West, Westport, 1996, tr. 32.
3 Xin đọc thêm bài “Về Hoa Kỳ như một đặc khu kinh tế tự do”, trong “Minh triết của giới hạn”, NXB. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2005.


Ngô Tự Lập

Tuesday, January 31, 2017

TỨ TẤT ĐÀN - MỘT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG PHẬT GIÁO





Trại Huấn luyện Anoma - Ni Liên Tuyết Sơn - GĐPT MLQ. Photos: BXK

Nhật Ký Giáo Dưỡng: TỨ TẤT ĐÀN - MỘT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG PHẬT GIÁO

Trước tiên, sứ mệnh và mục đích của giáo dục luôn thay đổi theo không gian, thời gian, quốc độ và niềm tin của mỗi người. Nhưng quan trọng hơn, “Học để làm gì?” Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization - UNESCO), có Bốn trụ cột trong việc học (The Four Pillars of Learning)[1]. Học để biết; Học để làm; Học để tự khẳng định chính mình/học để làm người; và Học để cùng chung sống.

Riêng ở quốc độ này, “Mục đích chính trong trường học tại Hoa Kỳ là để cung cấp cho sự phát triển tiềm năng trọn vẹn của từng học sinh để sống đạo đức, sáng tạo, và có hiệu quả trong một xã hội dân chủ." (“The main purpose of the American school is to provide for the fullest possible development of each learner for living morally, creatively, and productively in a democratic society”)[2]. Còn thời Việt Nam Cộng Hoà thì triết lý giáo dục được đặc trên nền tảng: nhân bản, dân tộc, và khai phóng[3]. Ngày nay, không biết nền tảng Giáo dục Việt Nam của chúng ta đang đặc ở đâu?

Riêng trong Phật Giáo, thiển ý của chúng tôi là sứ mệnh và mục đích tối hậu vẫn là “Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.” Nói cách khác là Tự mình tìm ra chân lý, giúp người thấy ra chân lý, và tất cả đều giác ngộ ra sự thật/chân lý. Còn tổ chức Gia Đình Phật Tử thì lấy Bi-Trí-Dũng làm nên tảng. Ngoài Đức dục, trí dục, và thể dục, chủng tử và huân tập là những phương tiện thiện xảo để giáo dục tuổi trẻ ngày nay. Tuy nhiên chúng tôi muốn đề cập đến Tứ Tất Đàn trong việc sự Giáo dục trong Phật Giáo. 

Theo Hoà thượng Thích Thái Hòa, trong bài Tứ Tất Đàn Và Sự Ứng Dụng Trong Cuộc Sống, Thầy giải thích như sau:
Tứ Tất Đàn, tiếng Phạn là catvari siddhanta; catvari có nghĩa là tứ và siddhanta phiên âm là tất đàn, có khi còn được phiên âm là “Tất Đàm”, và dịch là “Tác Thành Tựu”, có nghĩa là làm cho công việc thuyết pháp của Đức Phật được thành tựu. Chữ siddhanta, Hán dịch là "thành tựu", nghĩa là nhờ dựa vào bốn phương pháp này, mà Đức Phật thuyết pháp và thành tựu được sự nghiệp hoằng hóa, giáo hóa chúng sinh, đưa chúng sinh từ mê lầm đến giác ngộ, từ sinh tử đến Niết Bàn, từ phàm lên Thánh, từ mê lầm đến sự hiểu biết cao thượng.

Nội dung Tứ tất đàn gồm có: 1. Thế giới tất đàn; 2. Vị nhân tất đàn; 3. Đối trị tất đàn; và 4. Đệ nhất nghĩa tất đàn. Đây là bốn phương pháp mà Đức Phật đã tùy duyên và bất biến, giảng dạy và thành tựu viên mãn mà chúng ta có thể áp dụng ngày nay. Vì tính chất tùy duyên ở trong đạo Phật, chúng ta cũng tùy duyên sinh hoạt, giảng dạy, và hoằng Pháp cho thế hệ kế thừa những phép kỉnh sau:
1) Thế giới tất đàn: Vì sự an lạc và hạnh phúc của chúng sanh, đức Phật đã dùng phương tiện tùy thuận chúng sinh mà thuyết pháp và giảng dạy.

2) Vị nhân tất đàn: Ngài vì tùy vào căn cơ trình độ cao hay thấp, tâm lý, chủng tử của mỗi người mà dùng phương tiện này, phương tiện khác để họ dễ tiếp thu, mau tiến hóa hầu sống hài hoà an lạc.
3) Đối trị tất đàn: Ngài vì tùy thuận chỗ mê lầm và tâm bệnh của chúng sinh mà nói Pháp đối trị, như một vị Bác sỹ giỏi tùy bệnh cho thuốc để hồi phục.
4) Đệ nhất nghĩa tất đàn: Khác với 3 tất đàn trước, chỉ là phương tiện, thì Đệ nhất nghĩa tất đàn là cứu cánh và là mục đích giáo dục của đạo Phật. Khi đức Phật thấy cơ duyên của chúng sinh đã thuần thục Ngài không dùng phép tương đối mà khai thị con đường Trung đạo và Nhị đế (hai sự thật), thật tướng của các Pháp,  để thuyết cái thật tướng của vạn pháp để cho chúng sanh sớm giác ngộ. 
Như huynh trưởng Tâm Minh Vương Thuý Nga chia sẻ, “Đây là nét đặc sắc của Giáo dục Phật Giáo nói chung hay giáo dục của đức Thế Tôn nói riêng. Trong một thời Pháp của đức Thế tôn lúc Ngài còn tại thế, Ngài thường vận dụng 4 tiêu chuẩn hay 4 nguyên tắc để trình bày một vấn đề (một sự thật, một chân lý…)” Hoà thượng Thích Thái Hoà còn căn dặn:
Quý vị phải biết rằng, trong Thế gian tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn,  nên nói theo thế gian mà không sai với chính nghĩa; nói thuận theo với thế gian mà không sai với Niết bàn; ở trong sinh tử mà không sai với Niết bàn giải thoát.
Cũng vậy, trong Vị nhân tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn, trong Đối trị tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Chúng ta phải tùy căn cơ, tùy từng hoàn cảnh của con người, từng hoàn cảnh xã hội mà giáo hóa, chúng ta tùy thuận mà không tùy thuộc. Vì sao? Vì trong Đối trị tất đàn, trong Vị nhân tất đàn, trong Thế gian tất đàn, mỗi cái đều có Đệ nhất nghĩa tất đàn. Cho nên, trong cái tùy duyên có tính chất bất biến bên trong.
Đây là điều mà các anh/chị/em cần phải học tập, chiêm nghiệm để có thể hành đạo được ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Nói tóm lại, Tứ tất-đàn là bốn phương tiện thiện xảo trong giáo dục mà Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni đã thực hành và giảng dạy. Theo gót chân Ngài, chúng ta cũng nên tùy theo căn cơ trình độ và bối cảnh xã hội khác của đoàn sinh / học sinh / đối tượng v.v… để thích nghi làm lợi lạc cho quần sanh và xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ cho rằng sự ra đời của Đức từ phụ vẫn là mang lại sự giác ngộ và giải thoát cho tất cả chúng sanh. Mà muốn thành tựu được sự giác ngộ giải thoát này, chúng sanh, mà nhất là chúng ta, cần phải huân tập, tu dưỡng và chuyển hoá thân lẫn tâm từ khổ đau thành cuộc sống an vui, hạnh phúc và thanh thản cho mình và cho người, ngay bây giờ và cho cả tương lai.

Tâm Thường Định

Reference:

1. Tâm Minh Vương Thuý Nga, Phương Pháp Truyền Đạt Trong Giáo Dục Phật Giáo Và Trong Môi Trường GĐPT, Trang nhà Thư Viện Hoa Sen.

2. Thích Hạnh Bình, Đạo Phật Xưa Và Nay, Trang nhà Quảng Đức.

3. Thích Thái Hoà, Tứ Tất Đàn Và Sự Ứng Dụng Trong Cuộc Sống, Trang nhà Thư Viện Hoa Sen. http://thuvienhoasen.org/a13153/tu-tat-dan-va-su-ung-dung-trong-cuoc-song




[1] The four pillars of learning,
http://www.unesco.org/new/en/education/networks/global-networks/aspnet/about-us/strategy/the-four-pillars-of-learning/
The four pillars of learning are fundamental principles for reshaping education:
Learning to know: to provide the cognitive tools required to better comprehend the world and its complexities, and to provide an appropriate and adequate foundation for future learning.
Learning to do: to provide the skills that would enable individuals to effectively participate in the global economy and society.
Learning to be: to provide self analytical and social skills to enable individuals to develop to their fullest potential psycho-socially, affectively as well as physically, for a all-round ‘complete person.
Learning to live together: to expose individuals to the values implicit within human rights, democratic principles, intercultural understanding and respect and peace at all levels of society and human relationships to enable individuals and societies to live in peace and harmony.
[3] Nguồn – Wikipedia.org.  Giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Chính sách văn hóa giáo dục, trang 5, Hội đồng Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng hòa (1972)