Showing posts with label Giới Thiệu. Show all posts
Showing posts with label Giới Thiệu. Show all posts

Thursday, March 19, 2020

Tôi Đặt Hết Lòng Tin Nơi Các Bạn - The 14th Dalai Lama/Hoang Phong chuyển ngữ

Tôi Đặt Hết Lòng Tin Nơi Các Bạn

14th Dalai Lama/Hoang Phong chuyển ngữ


Hỡi các anh chị em thân mến, hỡi những người bạn trẻ của tôi!
Các bạn sinh ra vào đầu thiên niên kỷ thứ ba này. Các bạn quả là tuổi trẻ của thế giới. Thế kỷ này chưa được hai mươi tuổi, do đó còn rất trẻ, trẻ như chính các bạn hôm nay. Thế giới sẽ lớn lên cùng các bạn, và sẽ trở thành đúng với những gì mà các bạn đang tạo ra cho nó.
Sở dĩ tôi đưa ra những lời kêu gọi này vì tôi đã từng theo dõi các bạn và đặt hết lòng tin nơi các bạn. Từ nhiều năm nay tôi vẫn luôn dành ưu tiên trong việc tiếp xúc với các bạn, dù là trên đất Ấn, hay trong các dịp du hành tại các xứ sở xa xôi, dù là ở Âu Châu, Hoa kỳ, Gia Nã Đại, Úc Châu hay Nhật Bản. Qua các cuộc trao đổi đó, tôi đã đạt được một niềm tin thật vững chắc là thế hệ của các bạn sẽ có đủ khả năng biến thế kỷ mới sinh này thành một thế kỷ của hòa bình và hợp tác. Các bạn thừa sức hòa giải nhân loại đang rách nát này với chính nó và cả với môi trường thiên nhiên.
Các bạn là hiện thân của một sự đổi mới đang bị bủa vây bởi những cảnh u tối của một thế giới già nua, những sự hỗn loạn đầy mờ ám, đau thương và nước mắt. Các bạn là các chiến sĩ tiên phong trước một đêm tối đầy hiểm nguy, hận thù, ích kỷ, hung bạo, tham lam và quá khích, tác hại đến cả sự sống trên Địa cầu này. Thế nhưng tôi vẫn tin rằng tuổi trẻ của các bạn với tấm lòng quả cảm không hề nao núng, sẽ sớm san bằng mọi sự mờ ám lưu lại từ quá khứ.
Hỡi các bạn trẻ của tôi, các bạn là niềm hy vọng của tôi trước sự tồn vong của nhân loại. Tôi muốn cất tiếng thật cao và thật mạnh để các bạn đều nghe thấy thông điệp của tôi và hãy quan tâm đến nó. Tôi luôn tin vào tương lai, bởi vì tôi đoan chắc rằng các bạn sẽ biến nó trở nên thân thiện, công bằng và đoàn kết hơn.
Tôi nói chuyện với các bạn qua kinh nghiệm của bản thân tôi ở tuổi 82 này. Năm 16 tuổi (đối với người Tây Tạng vừa sinh ra là đã được 1 tuổi – ghi chú trong sách/gcts), ngày 17 tháng 11 năm 1950, tôi mất hết tự do, không được ngồi lên chiếc ngai ở kinh đô Lhassa để nhận lãnh trọng trách tối thượng, trên cả hai phương diện thế tục và tín ngưỡng của xứ Tây Tạng. Năm 25 tuổi, vào tháng 3, 1959, tôi mất cả quê hương. Bằng vũ lực, quê hương tôi đã bị sáp nhập vào nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Sinh năm 1935, tôi từng biết đến những nỗi đau thương của thế kỷ XX, một thế kỷ với những cuộc đại chiến đẫm máu nhất trong lịch sử. [Quả đáng tiếc], trí thông minh tuyệt vời của con người thay vì được sử dụng vào việc phục vụ, yêu thương và bảo vệ sự sống, thì lại bị lèo lái để hủy diệt sự sống, bằng một thứ vũ lực mà chính mặt trời cũng phải vay mượn để tạo ra sức mạnh cho mình (ý nói trí thông minh của con người đã bị lợi dụng để sáng chế ra bom hạt nhân). Các bạn sinh ra trong một thế giới mà các kho vũ khí hạt nhân của một số cường quốc nguyên tử có thể hủy diệt đồng loạt hàng chục hành tinh như thế này.
Ông bà và cha mẹ các bạn từng biết đến các cuộc đại chiến thế giới và vô số các cuộc xung đột khác, thiêu đốt và làm ngập máu thế giới của chúng ta, khiến 231 triệu người đã bị thiệt mạng trong thế kỷ vừa qua. Một cơn sóng thần hung hãn chưa từng thấy đã cuốn trôi cả nhân loại. Cơn sóng đó được nuôi dưỡng bởi các thứ chủ nghĩa quốc gia thật khắc nghiệt, sự kỳ thị chủng tộc, bài do thái (anti-semitism) và sự nhồi sọ ý thức hệ. Tôi từng sống trong thời đại xảy ra thảm họa holocaust (thảm họa thiêu người tập thể) gây ra bởi chủ nghĩa phát xít tại Âu Châu, với trận hỏa hoạn hạt nhân tại Nhật Bản, với chiến tranh lạnh, với các cuộc thảm sát thường dân tại Triều Tiên, Việt Nam, Kampuchea, với cuộc Cách mạng Văn hóa và nạn đói kém làm thiệt mạng 70 triệu người tại Trung Quốc và Tây Tạng.
Các bạn và cả tôi đều trông thấy xứ Afghanistan và vùng Trung Đông bốc cháy trong lửa đỏ, gây ra bởi những cuộc xung đột đang tàn phá những xứ sở mà trước kia từng là chiếc nôi của [nền văn minh] nhân loại. Hôm nay lại hiện lên với chúng ta từ Địa Trung Hải hình ảnh thây người lềnh bềnh trên sóng, thây của trẻ thơ, vị thành niên, phụ nữ và cả đàn ông, họ là những người đã mang sinh mạng mình thách đố một lần cuối cùng với sự sống còn, với hy vọng rồi đây sẽ có phương tiện giúp đỡ những người thân sống sót.
Các bạn và tôi cùng chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống môi sinh trên Địa cầu. sự đa dạng sinh học (biodiversity) đang sút giảm ở mức độ kinh hoàng, cứ mỗi 20 phút lại có một loài thực vật hay động vật bị tuyệt chủng. Chúng ta đang chứng kiến nạn phá rừng hàng loạt tại các vùng Amazon, xé nát lá phổi cuối cùng của hành tinh này. Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng acid hóa trong tất cả các đại dương, sự hóa trắng của các mảng san hô (san hô chết hàng loạt), các tảng băng ở Bắc cực và Nam cực tan thành nước. Ở mức độ thứ ba là xứ Tây Tạng, nơi mà 46.000 băng hà đang hết tuyết, khiến nguồn nước của các con sông lớn của toàn thể Á Châu bị khô cạn, thế nhưng nguồn nước ấy cũng là nguồn sống của một tỉ rưỡi người trong các vùng chung quanh.
Các bạn thừa biết những chuyện trên đây. Thật vậy các bạn sinh ra và lớn lên trong cơn lốc của các sự tàn phá mang tầm cỡ của cả hành tinh này: chiến tranh, khủng bố, phung phí tài nguyên thiên nhiên.

Âu Châu là tấm gương hòa bình cho toàn thế giới

Nếu nói theo các người bạn Anglo-saxon của chúng ta (Anglo-saxon là những người gốc Đức, di trú sang hòn đảo Anh Quốc ngày nay từ thế kỷ thứ V trước khi nơi này được Ki-tô giáo hóa từ thế kỷ thứ VII, sau đó dần dần họ trở thành dân địa phương của nước Anh ngày nay) các bạn không nên để cho các “ý nghĩ bệnh hoạn về một thế giới xấu xa” tràn ngập tâm hồn mình (quan điểm này là dựa vào một giả thuyết thuộc lãnh vực văn hóa của giáo sư George Gerbner (1919-2008) cho rằng những hình ảnh hung bạo trên các màn hình sẽ dự phần đưa đến các hành động hung bạo, sự nơm nớp lo sợ và các cảm tính không an toàn trên thực tế – gcts). Điều này có thể khiến các bạn bị tràn ngập bởi thất vọng, không ý thức được rằng tinh thần yêu chuộng hòa bình cũng có thể nẩy nở được bằng cách ý thức về giá trị của các thể chế dân chủ và nhân quyền. Vâng, sự hòa giải có thể thực hiện được, các bạn ạ! Các bạn cứ nhìn vào nước Đức và nước Pháp thì sẽ rõ. Khoảng hai mươi cuộc xung đột đã từng xảy ra giữa hai nước này từ thế kỷ XVI, sự man rợ trong hai trận thế chiến vừa qua đã được đẩy đến mức độ tột đỉnh. Vào các năm 1914 và 1939, các đoàn xe nối đuôi nhau đưa các đoàn lính trẻ ra trận. Họ ở vào lứa tuổi của các bạn đấy, không một chút ý niệm gì về những sự tàn bạo đang chờ đợi mình nơi chiến tuyến, trong các hầm hố ngập bùn hay trong các trại giam [tù binh] thật kinh hoàng. Cả một thế hệ trẻ bị tàn sát, biết bao nhiêu gia đình phải chịu cảnh tang tóc, hàng triệu trẻ mồ côi, xứ sở tan hoang, cả một nền văn minh ngã gục.
Thế nhưng nơi xứ sở của những kẻ hiếu chiến ngày xưa, nguyện vọng hòa bình đã loại bỏ được chủ nghĩa quốc gia theo kiểu “xung phong ra trận tuyến”. Konrad Adenauer (1876-1967, nguyên thủ quốc gia của Đức) và Robert Schuman (1886-1963, nguyên thủ quốc gia của Pháp) là các nhà lãnh đạo thấy xa, một lòng vì tình huynh đệ và sự đoàn kết đã cùng nhau xây dựng Liên minh Âu châu. Sau họ các nhà chính trị khác đã tiếp tục công trình hòa giải đó để hàn gắn lại những vết thương của cả hai dân tộc từng chịu đựng những cảnh tang thương.
Trường hợp của Âu châu đã mang lại cho tôi cả một niềm hy vọng đối với thế hệ của các bạn. Sự hăng say vì hòa bình đang bùng lên thật phù hợp với hiện thực của thế kỷ mới mẻ này. Quả là một phong trào thật cần thiết khi chủ nghĩa quốc gia trong một số các nước thành viên [của Liên minh Âu châu] vẫn chưa biết dừng lại là gì.
Thiết nghĩ các bạn cũng đã nhận thấy, hiện nay nhiều nơi đã bắt chước theo mô hình của Âu châu, và nhờ đó nhiều tổ chức đã được hình thành khắp nơi trên toàn thế giới (chẳng hạn như Liên bang Nam Phi, ASEAN (Đông Nam Á), ALENA, MERCASUR, AEA, CARICOM (Bắc Mỹ và Nam Mỹ))… Danh sách đầy đủ trên trang mạng  www.wikipedia.org/wiki/Liste_d%27organisations_internationales – gcts). Các bạn nên cải thiện thêm các tổ chức này để đưa đến các hình thức hợp tác sâu rộng hơn, nhằm tránh bớt các nguy cơ xung đột có thể xảy ra, và để nêu cao các giá trị dân chủ và tự do căn bản đang bị chà đạp tại những nơi vô-luật-pháp trên khắp các lục địa. Tôi khuyên các bạn nên phát động lý tưởng của mô hình Liên minh Âu châu trên toàn thế giới.
Hỡi những người trẻ của Phi châu, các bạn hãy thiết lập Liên minh Phi châu liên kết các quốc gia trên lục địa rộng lớn của các bạn. Hỡi những người trẻ của Gia Nã Đại và các công dân nước Mỹ (trong nguyên bản là chữ Étatsuniens, một thuật ngữ dùng để chỉ người dân của Hiệp Chủng Quốc Mỹ / american). Hỡi những người trẻ trong các nước Châu Mỹ la-tinh (Mễ- tây-cơ và các nước Trung và Nam Mỹ, nói các thứ tiếng có nguồn gốc La-mã chẳng hạn như các tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) hãy thành lập Liên minh các nước Châu Mỹ La-tinh; và các người trẻ Châu Á hãy thành lập các Liên minh các nước Á Châu. Trên phương diện quốc tế các liên minh này sau khi đã được thành lập sẽ giúp cho Liên Hiệp Quốc mở đầu bản tuyên cáo thành lập tổ chức của mình bằng những dòng tuyệt đẹp: “Chúng ta, các dân tộc của Hiệp Chủng Quốc…”

Bá-linh, tháng 11 năm 1989: tuổi trẻ, hòa bình và dân chủ

Tôi muốn chia sẻ cùng các bạn một kỷ niệm thật khó quên, xảy ra vào tháng 11 năm 1989. Có thể các bạn không còn nhớ (vì còn quá trẻ) là vào thời bấy giờ nước Đức bị chia cắt thành hai quốc gia thù nghịch nhau, phân cách bởi một bức tường bê tông, cao ba thước sáu và dài khoảng 150 thước mà người ta gọi là “Bức tường ô nhục”. Với các chòi canh sừng sững bức tường này đã chia đôi một dân tộc và giữa các gia đình với nhau.
Vào đúng lúc đó tôi đang ở tại Bá-linh, hàng chục ngàn người trẻ biểu tình thật hăng say, với hai bàn tay không họ đã phá thủng Bức tường và hạ các ụ canh tiền tuyến từng ụ một, nhưng tuyệt nhiên không xảy ra một sự hung bạo nào. Toàn thế giới đã phải nín thở. Lịch sử đã xoay chiều trước sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cả phía Tây lẫn phía Đông, thế hệ mới không chấp nhận sự kình chống ý thức hệ nữa mà chỉ quyết tâm thống nhất dân tộc Đức. Sự kết hợp đó sở dĩ được thành hình là nhờ vào chủ trương minh bạch (glasnost / ngay thẳng và lương thiện) do người bạn của tôi là Mikhaïl Gorbatchev chủ xướng từ năm 1986, lúc đó ông đang lãnh đạo cựu Liên bang Xô-viết. Chính ông đã ra lệnh không được phép bắn vào những người trẻ tuổi và sau đó ông cũng cho biết thêm là Bức tường bị sụp đã tránh được cuộc Thế chiến thứ Ba.
Tôi vẫn nhớ mãi ngày hôm đó, với một ngọn nến trên tay và thật nhiều xúc động trong lòng tôi tiến đến dưới chân Bức tường sụp đổ. Đám đông vụt hoan hô, nhấc bổng và đặt tôi đứng trên một đống gạch vụn. Trong một thoáng thật lạ lùng, bỗng dưng tôi cảm thấy ngọn gió hòa bình và tự do đang thổi vào thế giới. Đám đông thúc dục tôi đưa ra một lời tuyên bố. Tôi liền khẳng định với họ là ngày hôm qua nào ai có thể tưởng tượng được Bức tường sẽ sụp đổ ngày hôm nay, thế nhưng đấy là một sự thật, [cũng vậy] xứ Tây Tạng [rồi đây] cũng sẽ tìm lại được sự tự do.
Biến cố trên đây đối với tôi càng mang nhiều ý nghĩa hơn nữa khi tôi nghĩ đến các cảnh đàn áp dã man không sao chịu đựng nổi đối với những người biểu tình ôn hòa tại Lhassa vào tháng ba cùng trong năm đó. Ba tháng sau, tức là vào tháng sáu, tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh sinh viên biểu tình bị xe tăng nghiền nát. Thế nhưng sự sụp đổ của Bức tường Bá-linh vào tháng 9 năm 1989 thì lại cho tôi thấy sự chiến thắng của tuổi trẻ và tinh thần phi-bạo-lực cũng có thể mang lại chiến thắng trước các chế độ độc tài nghiền nát tự do. Hôm nay khi hồi tưởng lại thì biến cố đó (Bức tường sụp đổ) hiện lên với tôi như những lời kết thúc của thế kỷ XX với những thảm kịch đau thương của nó. Những lời kết thúc ấy cũng chẳng khác gì như một tấm vải lọc gạn bỏ những vết thương của Thế chiến thứ Hai và báo trước sự chấm dứt của chế độ cộng sản tại các nước Đông Âu. Sự sụp đổ đó của các chế độ độc tài đã củng cố lòng tin của tôi đối với sự ý thức của tuổi trẻ trước các giá trị toàn cầu về dân chủ và sự đoàn kết. Các hậu quả lưu lại từ cuộc cách mạng đẫm máu năm 1917 (Cộng sản Nga lên nắm chính quyền sau khi lật đổ Nga hoàng) đã làm tê liệt định mệnh của Liên bang Xô-viết suốt 70 năm dài, sự nổi dậy của tuổi trẻ yêu chuộng hòa bình đã quét sạch 70 năm đó mà không làm đổ một giọt máu nào.

Hãy làm sụp đổ những bức tường ô nhục cuối cùng!

Vào đầu thế kỷ XXI này, hỡi các bạn trẻ của các nước trên thế giới hãy xô sập các Bức tường ô nhục cuối cùng, kể cả các bức tường dựng lên bên trong tâm thức các bạn! Đấy là các bức tường của sự ích kỷ, của sự thu mình phía sau tập thể, của chủ nghĩa cá nhân, của sự ngạo mạn và tham lam… Tất cả mọi sự chia rẽ sẽ đi vào quá khứ. Những gì phân chia, loại trừ sẽ không thể nào cưỡng lại được trước sức mạnh hòa bình, hiện thân của thế hệ các bạn.
Trên phương diện thực hành, đôi khi cũng cần đến sự hung bạo. Chẳng qua vì người ta vẫn hy vọng nhờ sức mạnh sẽ giải quyết được mọi vấn đề nhanh chóng hơn. Thế nhưng các sự thành công đó cũng chỉ có thể thực hiện được bằng cách bất chấp đến quyền hạn và sự an vui của kẻ khác. Chính vì thế nên các vấn đề chỉ tạm thời bị bóp ngạt, và trên thực tế thì vẫn còn nguyên, và nhất định chúng sẽ bùng lên trở lại. Lịch sử đã chứng minh điều đó trên phương diện quân sự: chiến thắng hay chiến bại tất cả cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Điều đó cũng đúng với cuộc sống thường nhật của các bạn, kể cả trong lãnh vực gia đình hay bạn hữu (thương ghét chẳng mấy hồi). Nếu không được che chở bởi các luận cứ vững chắc các bạn sẽ bị tràn ngập bởi sự giận dữ và hung bạo, và đấy cũng là các dấu hiệu của sự yếu đuối. Vậy hãy sử dụng trí thông minh giúp mình theo dõi các sự chuyển động bên trong tâm thức của chính mình. Trong lúc nổi nóng, các bạn bị chi phối bởi một thứ năng lực mù quáng phủ lấp khả năng tuyệt vời giúp mình phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Một người bạn của tôi là nhà phân tâm học Aaron Beck cho tôi biết là trong lúc tức giận tất cả những gì tiêu cực mà mình gán cho bất cứ một người nào hay một vật gì, thì 90% chỉ đơn giản là các phóng tưởng tâm thần của mình mà thôi. Vậy hãy phân tích thật cẩn thận những gì hiện lên bên trong chính mình hầu không để cho chúng nhận chìm mình. Hiểu biết cũng có nghĩa là một sự vượt thoát nhằm mang lại sự an bình cho mình. Lý trí có thể giới hạn hoặc loại bỏ hoàn toàn sự giận dữ cũng như các sự hung hãn và bạo lực do nó tạo ra.
Điều chủ yếu hơn cả là các bạn phải luôn phân tích các động cơ thúc đẩy thật sâu kín của mình, của những kẻ chống đối mình và cả kẻ thù của mình. Đối khi các bạn cũng khó tránh khỏi do dự trước bạo-lực và phi-bạo-lực. Thế nhưng các bạn cũng cần hiểu rằng một động cơ thúc đẩy tiêu cực luôn đưa đến một hành động gây tổn thương và tàn phá, kể cả trường hợp bề ngoài của hành động ấy mang tính cách nhân từ cũng vậy. Ngược lại nếu động cơ thúc đẩy chân thật và vị tha thì hành động tất sẽ phải là một hành động phi-bạo-lực và mang lại lợi ích. Duy nhất chỉ có lòng từ bi sáng suốt mới có thể bào chữa cho việc sử dụng bạo lực, trong trường hợp không còn một giải pháp nào khác hơn (vì tình thương thật sâu xa mà đành phải làm như thế mà thôi).
Người Tây phương chủ trương một cách tiếp cận khác hẳn. Theo họ phi-bạo-lực và sự kháng cự ôn hòa chỉ thích hợp với văn hóa Đông phương. Người Tây phương có khuynh hướng nghiêng về hành động nhiều hơn, do đó họ chỉ muốn đạt được kết quả cụ thể và ngay tức khắc, dù là trong bất cứ hoàn cảnh nào. Cung cách hành xử đó dù mang lại hiệu quả trước mắt, thế nhưng trong lâu dài thì thường chỉ là một sự tàn phá, trái lại phi-bạo-lực dù đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và quyết tâm nhưng sẽ luôn mang lại sự xây dựng. Sự sụp đổ của Bức tường Bá-linh và các phong trào giải phóng tại các nước Đông Âu là các bằng chứng cụ thể cho thấy tính cách xây dựng đó. Tôi cũng nhận thấy trong biến cố xảy ra vào mùa xuân năm 1989, các sinh viên Trung Quốc dù được sinh ra và lớn lên dưới ngọn roi của cộng sản, nhưng đã bùng lên và kháng cự trong ôn hòa, đó cũng là thái độ mà Mahatma Gandhi từng nêu cao. Họ luôn giữ vững cung cách hành xử ôn hòa dù phải đối đầu với sự tàn bạo và đàn áp. Thật vậy, bất chấp mọi hình thức nhồi sọ, tuổi trẻ vẫn bước theo con đường phi-bạo-lực.

Chiến tranh đã hoàn toàn lỗi thời

Phi-bạo-lực là một giải pháp thực tế trước các sự xung đột trong thời đại của chúng ta. Dù trước đây phải chịu cảnh chiến tranh trên quê hương tôi, và đã từ 60 năm nay công an dưới lệnh của Bắc Kinh không ngừng gieo rắc sự sợ hãi và bóp ngạt chưa từng thấy mọi sự tự do của người dân trên quê hương tôi, thế nhưng tôi vẫn cương quyết làm kẻ xướng ngôn cho hòa bình thế giới (một vị Phật không vì một quê hương mà vì nhân loại). Trong bất cứ một diễn đàn nào cũng vậy, tôi luôn giải thích cách phải làm thế nào để tạo ra các nguyên nhân và các điều kiện cần thiết hầu mang lại hòa bình, từ bên trong chính mình và cả chung quanh mình. Nếu không vững tin hòa bình là một thứ gì đó có thể thực hiện được thì tôi đưa ra những lời kêu gọi trên đây để làm gì?
Ngày nay chiến tranh đã hoàn toàn lỗi thời. Trên phương diện pháp lý cũng vậy, người ta không còn tuyên bố chiến tranh như trước đây nữa, hơn nữa trong một số quốc gia mỗi khi điều động quân sự cũng phải xin phép Quốc hội. Ý thức hệ cổ lỗ nêu cao sự hiếu chiến đã hoàn toàn lỗi thời, bất cứ một cuộc xung đột vũ trang nào cũng đều bị các đoàn biểu tình nổi lên chống đối tại các thủ đô lớn trên thế giới. Tôi sẽ rất vui mừng khi trông thấy các bạn cùng họp nhau hàng chục ngàn người để nêu cao sự hòa giải, tình huynh đệ và nhân quyền. Các cuộc vận động cứu trợ vì nhân đạo quy tụ được đông đảo các bạn đã mang lại hơi ấm cho con tim tôi. Nhờ kỹ thuật tin học, thế hệ của các bạn là thế hệ toàn cầu hóa đầu tiên. Vậy hãy sử dụng thật cẩn thận các mạng lưới thông tin nào có thể mang lại cho mình những sự ý thức đúng đắn, không nên vướng vào những việc tìm tòi vô bổ trên mạng, hoặc các trò chơi trực tuyến khiến mình trở thành nghiện ngập, không thoát ra được nữa! Hãy chuyển cho nhau các tin tức độc lập và giá trị, phục vụ cho sự thật và đạo đức! Phải thật cảnh giác để không phổ biến các fake news (trong nguyên bản là tiếng Anh, có nghĩa là: “tin bịa”). Các bạn thuộc thế hệ “digital native” (“digital native” là thành ngữ tiếng Anh, chỉ định một thế hệ trẻ lớn lên cùng với sự phát triển của mạng lưới Internet) do đó các bạn sinh ra với danh nghĩa là công dân của thế giới, bởi vì nền văn hóa kỹ thuật số không có một biên giới nào cả. Bên trong tâm thức các bạn, tất cả những người trẻ tuổi trong các quốc gia trên toàn thế giới chẳng phải đều là bạn hữu, đồng thuyền, đồng đội – nhưng không hề là những kẻ cạnh tranh, chống đối và thù nghịch với các bạn – hay sao? Thật vậy hiếu chiến là thành phần của tính khí con người (hiếu chiến phát sinh từ bản năng sinh tồn, loại bỏ được các sự thúc đẩy của nó thì lòng từ bi sẽ tự động bùng lên biến mình thành một con người khác hẳn), thế nhưng những cảnh diệt chủng trong thế kỷ vừa qua đã đánh thức lương tâm của đàn anh các bạn. Bậc cha mẹ của các bạn cũng từng thốt lên: “Không bao giờ để xảy ra như thế nữa!”. Và chính họ cũng đã chứng minh cho chúng ta thấy là các cuộc xung đột có thể dàn xếp được bằng đối thoại và phi-bạo-lực, bên trong một đại gia đình nhân loại.
Tất nhiên là các bạn có thể bác bỏ những lời tôi nói, đúng vậy dù chúng ta đã bước sang thế kỷ XXI nhưng các cuộc xung đột vẫn cứ tiếp diễn ào ạt và các cường quốc vẫn cứ cố tình giải quyết mọi khó khăn bằng sức mạnh. Thể chế quân sự vẫn còn hợp pháp, một số người vẫn chấp nhận chiến tranh, không chịu hiểu rằng đấy cũng chỉ là một tổ chức sát nhân. Một sự tẩy não tối đa nào đó đã không cho phép họ hiểu được là bất cứ một cuộc chiến tranh nào cũng đều kinh tởm như nhau. Đấy là sự nghịch lý trong thời đại chúng ta: dù chiến tranh không còn mang một ý nghĩa nào nữa trên phương diện pháp lý, thế nhưng các cuộc khủng hoảng và tàn sát vẫn cứ tiếp diễn. Các bạn là các tấm bia cho các cuộc mưu sát đẫm máu. Paris, tháng 11, 2015; Manchester, 22 tháng 5, 2017… Các biến cố ấy đã làm tôi thương tổn thật sâu xa, và cả con tim tôi phải rướm máu. Những người trẻ này sát hại những người trẻ khác! Không thể hình dung được! Cũng không thể chịu đựng được! Những kẻ hành xử hung hăng với các bạn không hề sinh ra là những kẻ khủng bố. Họ chỉ trở thành những kẻ khủng bố mà thôi, họ bị nhồi sọ bởi sự cuồng tín cổ lỗ và thô bạo, khiến họ tin rằng mình sẽ gặt hái được vinh quang bằng các hành động tàn phá, trừng phạt và khủng bố.
Mong rằng những thứ ấy sẽ không làm cho các bạn thất vọng! Bổn phận của các bạn là rút tỉa các bài học của quá khứ, đồng thời phát động chung quanh các bạn lòng khoan dung và sự đối thoại. Khi phải đối đầu với bạo lực mù quáng thì các bạn chớ sợ hãi, bởi vì sự sợ hãi sẽ tạo ra oán hận, giận dữ và thèm khát được trả thù. Hãy nhìn vào tấm gương của thủ tướng Na Uy ngay sau cuộc khủng bố đẫm máu (khủng bố xảy ra tại Oslo và đảo Uroya tháng 7, 2011 – gcts), đã tuyên bố rằng chính phủ mà mình đang lãnh đạo sẽ đáp lại sự hung bạo bằng dân chủ, sự cởi mở và lòng khoan dung. Hãy đè nén những mối hận thù huynh đệ vì đấy là cách giúp mình trở  thành những con người kiến tạo hòa bình. Đã đến lúc mà thế hệ của các bạn vứt bỏ chiến tranh vào sọt rác của Lịch sử. Chắc hẳn các bạn vẫn còn nhớ những gì tôi từng nói với các bạn cách nay vài năm.

Friday, March 13, 2020

Sang Chấn Tâm Lý: Hiểu để chữa lành - The Body Keeps the Score: Brain, Mind, and Body in the Healing of Trauma


Sang Chấn Tâm Lý: Hiểu để chữa lành
The Body Keeps the Score: Brain, Mind, and Body in the Healing of Trauma 
Bác sỹ tâm thần Bessel van der Kolk
Dịch giả Lê Phan Như Quỳnh 
BS Lâm Hiếu Minh hiệu đính 
Công ty sách SaigonBooks xuất bản

Giới thiệu sách bên dưới - Tiến sĩ Lê Nguyên Phương

Hai nghìn bản bán chỉ trong hai tuần không phải là một con số kỷ lục cho một cuốn tiểu thuyết đáp ứng thị hiếu và trào lưu của đám đông nhưng lại là một con số đáng kinh ngạc nhưng mừng rỡ cho một cuốn sách học thuật dày trên 500 trang về một đề tài đang dần được xã hội Việt Nam quan tâm: cuốn Sang Chấn Tâm Lý: Hiểu để chữa lành [The Body Keeps the Score: Brain, Mind, and Body in the Healing of Trauma] của bác sỹ tâm thần Bessel van der Kolk.
Đây là một cuốn sách gối đầu giường không chỉ cho chuyên gia tâm lý chuyên về chấn thương tâm lý mà còn cho cả những sinh viên tâm lý học, kết tinh của hơn ba thập niên nghiên cứu và trải ngiệm cùng những nạn nhân chấn thương của tác giả. Đây là tác phẩm kinh điển vừa là sách gối đầu giường cho những ai quan tâm đến vấn nạn sức khỏe tâm thần này. Việc một cuốn sách không dễ đọc mặc dù công ty sách SaigonBooks đã bỏ bớt một số đoạn khá nặng về học thuật nhưng được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy xã hội Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung và chứng chấn thương tâm lý nói riêng.
Trong tác phẩm này, BS Van der Kolk đã lần lượt trình bày hậu quả nghiêm trọng của chấn thương tâm lý trên thân thể và đặc biệt não bộ của chúng ta, những phần não bộ dành cho lạc thú, nối kết, kiểm soát, và tin tưởng. Vì là một bác sỹ tâm thần, tác phẩm của Van Der Kolk đã trích dẫn nhiều nghiên cứu của chính tác giả và đồng nghiệp về những thay đổi về chức năng và cấu trúc cũa não bộ dưới ánh sáng của khoa học thần kinh.
Mặc dù là một tác phẩm mang tính học thuật, cuốn Sang Chấn Tâm Lý còn thể hiện tinh thần nhân bản của tác giả. Tác giả chống lại việc dán nhãn như “ngang ngạnh chống đối” [oppositional defiance] với những cáo buộc như căm thù, bốc đồng, liều lính cho những trẻ là nạn nhân chấn thương trong quá khứ. Việc thiếu hiểu biết về những ảnh hưởng của chấn thương đối với tâm trạng của một số trẻ vị thành niên từng trải nghiệm chấn thương khiến giới tâm lý và giáo dục dễ dàng quy chụp hay đưa ra một chẩn đoán hời hợt “hành vi lệch chuẩn.” Một tâm hồn run rẩy bị giam cầm trong một thể xác đau đớn sẽ thường xuyên bị kích hoạt gây ra ảo tưởng rằng cả thế giới đang sẵn sàng bạo hành tấn công khiến nạn nhân sẽ dễ dàng có những hành vi chống đối, ẩu đả, v.v… với những người chung quanh đặc biệt là những người trẻ xem là có khả năng áp đặt quyền lực vào bạo hành chúng.
Nhận diện mối tương quan giữa quá khứ bị bạo hành trong gia đình với những biểu hiệu rối loạn căng thẳng, tác giả cổ võ cho việc đưa chẩn đoán Rối loạn Chấn thương Phát triển vào cuốn Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần [Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th Edition] của Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ để tạo điều kiện cho việc chẩn đoán chính xác qua việc thăm dò tiền sử bị bạo hành của thân chủ lẫn kích thích các nghiên cứu về rối loạn này.
Trong những chương cuối của cuốn sách, Van Der Kolk đã đề ra định hướng và một số phương pháp chữa trị chứng rối loạn này. Tác giả cho rằng chúng ta không thể trực tiếp chữa chấn thương nhưng có thể giúp cho nạn nhân chú tâm chấp nhận một cách bình yên với những dư chấn của nó như hồi tưởng, ác mộng, ly cách, mất kiểm soát, v.v…khi chúng nổi lên. Để làm được điều này khả năng tự ý thức [self-awareness] và khả năng tự điều hòa cảm xúc [emotional regulation] nhằm phục hồi sự quân bình trong hệ viền [limbic system].
Vai trò của hệ thần kinh đối giao cảm [parasympathetic nervous system] cũng được nhắc đến như một phương tiện làm nạn nhân tìm được sự bình yên, thông qua những bài tập hô hấp, phản hồi thần kinh [neurofeedback], chánh niệm, và việc xây dựng một hệ thống người thân hỗ trợ tâm lý. Không chỉ giới hạn trong những phương pháp chính thống như phục dược hay tham vấn, tác giả còn hào phóng đề cập đến những tiếp cận khác như Yoga, EMDR, tự lãnh đạo bản thân, xây dựng cấu trúc, phản hồi thần kinh, nhịp điệu cộng đồng và kịch nghệ, mát-xa, v.v…
Điều thú vị nhất là tác giả tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của liệu pháp tâm lý phổ cập nhất là Nhận thức và Hành vi [Cognitive Behavioral Therapy] và Phân tâm học [Psychoanalysis]. Tác giả cho rằng việc tổng hợp những thông tin chấn thương là bất khả khi nhiều khu vực quan trọng của não hoàn toàn bị phân ly khi những thông tin chấn thương bị tái kích hoạt. Ngoài ra, theo tác giả, những khuyến cáo của các chuyên gia tâm lý tâm thần về việc sử dụng liệu pháp CBT như là phương pháp duy nhất để điều trị chấn thương tâm lý không hẳn là hoàn toàn khả tín khi các chuyên gia đề ra khuyến cáo đều có sự liên hệ với hai trường phái điều trị tâm lý này và các nghiên cứu về các phương pháp khác như Yoga hay EMDR còn ít ỏi mặc dù các nạn nhân của chấn thương đã liệt kê chúng như là các liệu pháp có hiệu quả.
Vì là một cuốn sách học thuật nhưng viết cho công chúng, độc giả có thể tiếp cận với cuốn sách một cách dễ dàng với những câu chuyện kể về hành trình nghiên cứu chấn thương của tác giả cũng như các câu chuyện về quá khứ bị bạo hành của nạn nhân. Độc giả gặp khó khăn với các nội dung khoa học có thể dễ dàng lướt qua những đoạn này để chỉ tập trung vào các câu chuyện, những phân tích, và khuyến cáo của tác giả. Độc giả cũng có thể tìm thấy và đồng tình những đoạn văn mang tính triết lý lẫn luân lý trong tác phẩm:
“Có lẽ việc cảm thấy an toàn với người khác chính là điều quan trọng nhất cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Những mối liên hệ an toàn là nền tảng để ta có được một cuộc sống ý nghĩa và hài lòng. Rất nhiều nghiên cứu về phản ứng của con người trước thiên tai trên khắp thế giới đã cho thấy sự hỗ trợ xã hội là lớp bảo vệ mạnh mẽ nhất giúp chúng ta chống lại những căng thẳng và sang chấn.” (trang 117 bản in)

Một số đoạn khác không ít thì nhiều có thể khiến cho độc giả nhớ lại những đau khổ của tuổi thơ mình:
“. . . phản ứng phổ biến nhất khi ta đang đau khổ chính là tìm đến những người ta thích và tin cậy để những người này giúp đỡ và cho ta dũng khí để tiếp tục tiến lên. Chúng ta cũng có thể bình tĩnh lại bằng cách tham gia vào hoạt động thể dục thể thao như chạy xe đạp hoặc tập thể dục. Chúng ta bắt đầu học những cách này để điều khiển cảm xúc của mình ngay từ giây phút đầu tiên ai đó cho chúng ta ăn khi đói, che chắn cho ta khi lạnh, hoặc đong đưa ta trong vòng tay khi chúng ta bị tổn thương hoặc sợ hãi.
Nhưng nếu không có ai dành cho bạn ánh mắt yêu thương, không ai nở nụ cười khi nhìn thấy bạn, không ai vội vã đến giúp bạn, thay vào đó họ chỉ nói: “Nín ngay, nếu không tao sẽ cho mày lý do thực sự để khóc bây giờ!”, thì sau đó bạn cần phải tìm ra những cách khác để chăm sóc bản thân. Bạn có xu hướng thử mọi cách để khiến mình thấy đỡ hơn phần nào, từ xài ma túy, uống rượu bia, ăn không ngừng, hay tự cắt người mình.”

Cũng là một điều đáng tiếc là Van Der Kolk đã không nhắc đến một tác giả đã có những trước tác cũng về chấn thương trước ông là Tâm lý gia nữ Alice Miller. Chính TS Alice Miller đã nối kết những bệnh lý chấn thương với quá khứ bị bạo hành thuở ấu thơ như bà đã viết vào năm 1985, “Đã 20 năm tôi quan sát người ta phủ nhận những chấn thương thuở ấu thời, thần tượng hóa cha mẹ, và kháng cự lại sự thật về tuổi thơ của họ.” Tên một cuốn sách của Alice Miller, “Thể Xác Chẳng Hề Dối Lừa” [The Body Never Lies, 2005] cũng có thể là niềm hứng cảm cho tên cuốn sách của Van Der Kolk, “Thể Xác Lưu Dấu Khổ Đau [The Body Keeps the Score, 2014]. Và chính TS Miller trong cuốn “Tù Nhân của Tuổi Thơ” [Prisons of Childhood, 1979] có thể cũng đã nhắc đến quan điểm nòng cốt của các liệu pháp vận dụng chánh niệm sau này như Chấp nhận và Cam kết [Acceptance and Commitment Therapy]: “Kinh nghiệm đã dạy chúng ta rằng chúng ta chỉ có một vũ khí lâu dài chống lại bệnh tâm thần: qua cảm xúc khám phá và chấp nhận sự thật trong cá nhân mình và lịch sử độc đáo của tuổi thơ chúng ta.”
Quả thật chúng ta phải cám ơn Công ty sách SaigonBooks, cũng như dịch giả Lê Phan Như Quỳnh và người hiệu đính BS Lâm Hiếu Minh đã dành công sức cho một cuốn sách không dễ dịch và kén người đọc như cuốn the Body Keeps The Score này. Hy vọng cuốn sách này sẽ mở đường cho nhiều cuốn sách và các liệu pháp điều trị chấn thương tâm lý trong những ngày sắp đến.
Chỉ có một xã hội được chữa lành chấn thương trong quá khứ mới có thể là một xã hội lành mạnh, nhẹ nhàng, và bình yên đi đến tương lai.

Lê Nguyên Phương

Sunday, March 1, 2020

Giới-thiệu trang Artshare

Hoa hướng dương - Ảnh từ: Artshare.

Giới-thiệu trang Artshare


Lại thêm một người anh Yên Hà, Pháp danh Tâm Diệu Nguồn, âm thâm làm việc giáo dục và văn hoá. Chúng tôi là những người bơi ngược dòng, và nếu không có sự động viên, vỗ về và nâng đở cho nhau thì lâu lắm mới đến bến bờ Chân Thiện Mỹ. Tôi biết hoài bão của anh chị, cũng như rất nhiều người Việt tại hải ngoại, là làm sao giúp người Việt tha hương và nhất là con cháu chúng ta đừng bao giờ quên mình dòng giống Lạc Hồng, trang blog Artshare của anh chị Yên Hà & Thuỵ Uyên, vẫn còn ít người biết đến, nên chúng tôi xin mạng phép giới thiệu ở đây. Rất mong quý đọc giả và các bạn bè thân hữu trang nhà Tâm Thường Định (phebach.com) hãy tận tình chiếu cố bằng cách đọc và chia sẻ trang mạng này. Xin thành thật cảm ơn.

Địa chỉ trang nhà Artshare là:

Chủ-trương của Artshare là:
Chia sẻ bài vở về lịch-sử, văn-hoá Việt-Nam cũng như về nghệ-thuật (văn, thơ, nhạc, ảnh).
Qua những trang Mục-lục, các bạn có thể chọn bài theo thứ-tự đề-tài và theo mẫu-tự :

Mục-lục : Tham-Khảo : Lịch-sử Việt-Nam, Ngôn-ngữ Việt-Nam, âm-nhạc cổ-điển, ...

Index VN-VN : Lịch-sử, văn-hoá Việt-Nam viết 3 thứ tiếng (Việt-Mỹ-Pháp) để con cháu chúng ta không bao giờ quên cội-nguồn mình.

Mục-lục : Văn Yên Hà với những chủ-đề : Âm nhạc, Kinh-nghiệm sống, Quê-hương tôi, Tản mạn, Truyện, Tự-thuật, Văn hài-hước, ...


Mục-lục : Ecrits Yên Hà : Văn thơ viết tiếng Pháp

Mục-lục : Dịch-thuật : Pháp > Việt và Việt > Pháp









Sunday, January 26, 2020

Lời bạt: Đọc sách Thầy Phước An, xin ghi lại vài ý thơ

Nguyên Giác Phan Tấn Hải: Lời bạt: Đọc sách Thầy Phước An, xin ghi lại vài ý thơ


HIU HẮT QUÊ HƯƠNG BẾN CỎ HỒNG
Tác giả: Thích Phước An
Lời giới thiệu: Nguyên Không Nguyễn Tuấn Khanh
Lời bạt: Nguyên Giác Phan Tấn Hải
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
Lotus Media và Bodhi Media
xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2020
ISBN: 978-1-79489-959-9
(Xin ghi vài ý thơ, sau khi đọc Tuyển tập “Hiu Hắt Quê Hương Bến Cỏ Hồng” của HT Thích Phước An gồm các bài tùy bút viết về các nhà thơ Huyền Không (HT Mãn Giác), Quách Tấn, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Tuệ Sỹ, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn và nhà văn Võ Hồng.)
THẦY PHƯỚC AN
Theo mẹ một thời chạy loạn
bốn ơn nghe nặng hai vai
tuổi thơ vào chùa học đạo
thức nghe sanh tử đêm dài.
Thơ đọc chen vào kinh tụng
thấy đời như có như không
nước mắt ngập tràn ba cõi
đêm dài kể chuyện quê hương.
THẦY HUYỀN KHÔNG
Hiện thân làm con suối nhỏ
vượt núi thác ghềnh vào sông
bình bát cơm đời muôn dặm
một hôm xa mấy đại dương.
Gửi thơ theo lời chim hót
chân trời vọng nhớ trường xưa
thỉnh chuông thức hồn dân tộc
về nghe pháp dưới mái chùa.
QUÁCH TẤN
Lời thơ ướp hương cổ sử
ủ thơm gió núi rừng cây
ngợi ca trùng trùng sông núi
biển giăng chùa ẩn trong mây.
Cọp nằm nghe sư kinh tụng
đưa người tới cõi bình an
chép thơ gởi vào thiên cổ
trầm hương một cõi mây ngàn.
BÙI GIÁNG
Rừng sim tím, em mọi nhỏ
anh bụi đời, thơ hắt hiu
một đời lạc vào phố thị
phụng hiến nắng sớm mưa chiều.
Thơ anh mù sương cố quận
múa may rực nắng chiêm bao
nói cười ẩn tàng Kinh Phật
cầm hoa lên hỏi trăng sao.
VÕ HỒNG
Bỏ quê tịch mịch ra phố
nhớ bờ cỏ ướt sương đêm
nhớ nắng trên đồng lúa chín
nhớ chùa kinh tụng êm đềm.
Chép vào giấy hồn tháp cổ
nâng bút, dòng mực rất buồn
nỗi cô quạnh như đọng lại
hỏi nơi đâu là suối nguồn.
PHẠM CÔNG THIỆN
Có ai nghe trên phố lạ
nắng rơi rạn vỡ đìu hiu
anh lên đồi xem cây khế
trổ bông và khóc trong chiều.
Ngựa hú hai ngàn năm trước
phả hồn thơ khói vô thường
anh lôi Bồ Đề Tâm dậy
hoa quỳnh chợt nở mười phương.
TUỆ SỸ
Đưa sư về thôn Vạn Giã
thác ghềnh lạnh buốt dòng thơ
mở mắt nhìn xuyên cõi tử
rừng khuya u uẩn trăng mờ.
Sư đợi gì mà tóc trắng
tàn canh khắp cõi mù khơi
Sư dịch ba ngàn kinh luận
ngẩng đầu thương nước, lệ rơi.
HOÀI KHANH
Anh tìm gì trong lục bát
khi trời dậy khắp phong ba
dòng thơ bên dòng nước mắt
thế gian không thấy đâu nhà.
Tìm em giữa miền cát bỏng
lạc đà anh cỡi về Phi
phải em có mùi cây lá
để anh thức mãi xuân thì.
NGUYỄN ĐỨC SƠN
Một thời nghe lời ẩn mật
trốn học ra ngồi đảo xa
anh thấy mây rừng cô tịch
một ngàn năm em đi qua.
Theo nắng rừng thông chỉ lối
đưa em vào núi sương mù
hú thơ vào mưa, vào gió
gửi về ngàn sau hoang vu.
NGUYÊN GIÁC
Phan Tấn Hải

Lời Giới Thiệu cho “Hiu Hắt Quê Hương Bến Cỏ Hồng” của Hòa Thượng Thích Phước An

Nguyên Không Nguyễn Tuấn Khanh: Lời Giới Thiệu cho “Hiu Hắt Quê Hương Bến Cỏ Hồng” của Hòa Thượng Thích Phước An



Có một câu chuyện kể về vị thiền sư vô danh ở Nhật ở thế kỷ thứ 16, văn bản xưa trong đền cổ ghi lại rằng dân chúng thời đó trong vùng Tokai, miền Trung Nhật Bản, ít người nào có thể hiểu được ngài. Mặc dù được kính trọng nhưng ông cũng bị nhiều người coi là một kẻ tu hành khùng điên.
Trong một lần đi ra sông lấy nước, người dân nhìn thấy ông đột nhiên dừng lại, cúi xuống và hốt từ thinh không lên cái gì đó, nhìn ngắm một cách tần ngần, rồi phất tay bỏ đi.
Vì tò mò, nhiều người cũng đã chạy đến và quan sát xem thiền sư đã tìm thấy điều gì nơi đó. Nhưng rồi mọi thứ chỉ là sỏi đá trơ trọi. Có người có đuổi theo thiền sư và hỏi rằng “ngài vừa nhặt gì đấy?”. Con người bị coi là điên khùng đó im lặng một lát rồi trả lời “thời gian”. Dân chúng ngơ ngác nhìn quanh, rồi lại hỏi “thời gian ở đâu, của ai?”. Vị thiền sư đáp nhanh rồi quay lưng bỏ đi “thời gian của ta và các ngươi, nhưng chỉ là những loại thời gian đáng vứt đi”.
Khi gấp lại những trang cuối của Quê hương hiu hắt bến cỏ hồng của tác giả Thích Phước An, bất giác tôi nghĩ đến hình ảnh ông như một con người cô đơn và lặng lẽ giữa thế gian này, dành trọn cả một đời để luôn nhìn ngắm lại bức tranh thời gian, nhặt nhạnh lại những điều đẹp nhất, tô điểm và nhẹ nhàng khắc cẩn gửi vào bảo tàng của ký ức cho người Việt về sau.
Đã từng có người hỏi rằng vì sao một tu sĩ lại nói về thơ văn nhiều đến vậy. Nhưng với tác giả Thích Phước An, ông ôm cái đẹp vào lòng và cầu nguyện cho nó.
Lặng lẽ như vị thiền sư bị coi là điên khùng ở nước Nhật xa xôi, cũng có một vị tu sĩ ở Việt Nam rảo bước qua cõi nhân sinh, luôn cúi nhặt trên đường đi của mình những mảnh vụn của thời gian. Chắp nối nhẫn nại và đầy yêu thương để dựng thành một tấm gương xưa, đủ để mọi người soi lại chính mình, soi lại cõi sống của mình, soi để biết rõ những loanh quanh kiếm tìm hữu hạn của chúng ta và cái đẹp vô hạn của trần thế.
Với Thầy Phước An, Pleiku, 2019 (Ảnh: Vũ)
Quyển bút ký Hiu hắt Quê hương  Bến Cỏ Hồng nhắc nhiều đến Quách Tấn, Tuệ Sỹ, Võ Hồng, Nguyễn Đức Sơn, Hoài Khanh… Những tri kỷ của núi sông đã vận dụng mọi từ ngữ cao quý nhất của mình, để mô tả vẻ đẹp của quê hương Việt Nam, đời Việt Nam. Từ trang đầu đến cuối, quyển sách mở ra những con đường làng thơ mộng, những khó khăn hữu duyên đến rồi đi qua và trở thành thi vị, những kí ức đẹp nhất về mẹ, về thời gian sống giản đơn… mà đôi khi ngoái nhìn lại, có thể rơi nước mắt vì thương nhớ khôn cùng.
Nhưng không chỉ vậy, trong tấm gương xưa mà tác giả Thích Phước An dựng lại, có đủ các chân dung của rất thường dễ bị quên lãng bởi thời gian, và cả thời thế. Các trích dẫn được ông đưa ra, chứa ngồn ngộn những biến động của lịch sử, thúc giục tầm nguyên. Chẳng hạn như đọc lại hai câu thơ của Tuệ Sỹ mà ngẩn ngơ:
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Năm tháng bỗng vụt hiện về, can qua lại mịt mờ trong tâm trí, nhưng từ đó, hiển lộ đức năng uy vũ bất năng khuất của một người học Phật, một chí sĩ luôn ngạo nghễ trước mọi nguy nan.
Với nhà thơ trác tuyệt Nguyễn Đức Sơn, tác giả mô tả tài tình một nhà thơ say cuồng trí tuệ, thách thức mọi sự tăm tối của đồng loại, nhưng ẩn trong ngôn từ và hành xử là sự khắc khoải bất tận trước cái tôi yếu đuối giữa vũ trụ này. Khắc khoải đến hiu quạnh.
Chúng ta giờ ước mong gì
Văn minh gửi cát bụi về mai sau
Đọc mà nghe như giữa cuộc chiến khốc liệt, bỗng vang vọng tiếng cười kiêu bạc. Mọi mưu mô thâm hiểm cho đến những khát vọng vĩ đại của thời đại, đều vô nghĩa.
Người Việt đã từng hay đến vậy. Trí tuệ Việt đã từng vời vợi như vậy. Chúng ta từng có tất cả đó thôi. Đọc sách, mà bật lên tiếng lòng xao xuyến. Từng lời kể giản đơn trong Quê hương hiu hắt bến cỏ hồng cứ thấm dần qua từng trang giấy. Sột soạt như đôi giày cỏ thầm lặng bước ở ven đường. Chậm rãi và an nhiên như một lữ khách đi qua địa cầu, tác giả ghi chép kỹ lưỡng những gì mình nhìn thấy, vì biết rõ chỉ còn lại một ít thời gian ở kiếp máu đỏ da vàng này như duyên nghiệp.
Những niên kỷ được trao lại, với sự da diết và tụng ca, là khoảng không giữa những nhịp tim mỗi người: còn không, chúng ta có còn những điều đẹp đẽ đó không, hay đã phai nhạt dần trong ký ức từng ngày? Đọc những dòng soi vào thời gian và trao lại từ bậc trí giả im lặng, thấy sấm động đâu đó trong trái tim mình.
À, hóa ra quê hương hiu hắt là như vậy, khi kho báu của người đi trước để lại bị quên lãng. Bên bến cỏ hồng, rất nhiều người đã bước ra đi, nhưng dường như ít người ngoảnh lại.
À, hóa ra quê hương hiu hắt là như vậy, khi chỉ là bến tiễn những đứa con ra đi, tiễn những điều đẹp nhất đi vào sương khói.
NGUYÊN KHÔNG - Nguyễn Tuấn Khanh

Saturday, October 19, 2019

Sách Mới Của Tâm Thường Định: ‘Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo VN’

Sách Mới Của Tâm Thường Định:
‘Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo VN’
Nguyên Giác

Người viết hân hạnh được tác giả Tâm Thường Định (Bạch Xuân Phẻ) mời giới thiệu tác phẩm “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” mới ấn hành, đúng ra là tái bản với nhiều hiệu đính và bổ sung. Không tham dự được Hội Sách “Có Mặt Cho Nhau 2” tại San Jose ngày 19/10/2019, do vậy bài này được viết ra để trân trọng cảm ơn và để hỗ trợ các sinh hoạt hoằng pháp rất mực quý giá như thế.
Tác phẩm viết bằng song ngữ Anh-Việt, ấn hành lần đầu là năm 2017, lần tái bản này năm 2019 với nhiều bổ sung. Bìa là tranh vẽ Thầy Tuệ Sỹ của họa sĩ Đỗ Trung Quân. Đang phát hành trên mạng Amazon ở địa chỉ: https://www.amzn.com/1087801222/.
Duyên khởi để hình thành tác phẩm là, theo Tâm Thường Định viết nơi Lời Nói Đầu: “Nhân dịp sinh nhật của Thầy, chúng tôi mạo muội làm việc nho nhỏ này như một món quà từ phương xa để kính dâng một vị Thầy lớn của Phật giáo Việt Nam, người đang âm thầm hành đạo trong kiên trì và nhẫn nại với tấm lòng từ bi rộng lớn. Trí tuệ của Người là ngọn hải đăng của nhiều thế hệ, trong đó có chúng con.”
Được biết, Thầy Tuệ Sỹ sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943. 
Có thể hiểu dễ dàng duyên khởi về sách này, nếu chúng ta biết rõ về tác giả Tâm Thường Định, một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tại California. Tác giả đã trải qua nhiều năm đọc các bài viết của Thầy Tuệ Sỹ, do vậy từng trang sách đều hiển lộ tấm lòng rất mực tôn kính với Thầy. Bản thân Tiến Sĩ Tâm Thường Định cũng là một giáo viên dạy Hóa học tại một trường trung học ở Sacramento, đồng thời đang dạy về Thiền Chánh Niệm (Mindfulness Meditation) tại nhiều học khu California. Đồng thời, tác giả Tâm Thường  Định cũng hoạt động trong nhóm một số Phật tử thiện nguyện vào hướng dẫn Thiền tập và giáo pháp trong nhà tù Folsom State Prison (B-yard) – nơi giam 3.300 tù nhân hình sự.
Người viết không dám bình luận gì về tiếng Anh của tác phẩm “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” vì trình độ tiếng Anh của người viết phần lớn là tự học, không thể bằng tác giả Tâm Thường Định. Một số bản dịch và bài viết của Tâm Thường Định trong bản tiếng Anh lại có hỗ trợ từ Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Thái, do vậy người viết không dám bàn về phần tiếng Anh (ngay cả, khi có thắc mắc).
Lý do phải viết song ngữ chỉ vì giới trẻ, ngay cả trong các đơn vị Gia Đình Phật Tử VN, cũng không đọc được tiếng Việt. Và như thế, các em này hoàn toàn bị đứt lìa với PGVN, không thấy được công trình của các nhân vật đã đóng góp lớn cho PGVN, trong đó có Thầy Tuệ Sỹ.
Nơi đầu sách có Lời Giới Thiệu bằng tiếng Anh của Tiến Sĩ W. Edward Bureau, và phần này do cư sĩ Doãn T. Kim Khánh dịch ra tiếng Việt. Lời này chủ yếu là nhận định của GS Bureau về công việc đi dạy Thiền Chánh Niệm của Tâm Thường Định (Phe Bach) tại các học khu California.
Tiến sĩ Bureau viết, nơi đây trích bản Việt dịch như sau:
Phương cách lãnh đạo có chánh niệm hiện hữu ngay trong thiên nhiên, vừa đúng lúc vừa vượt thoát được khái niệm thời gian. Đó là cốt lõi của phương pháp lãnh đạo luôn có mặt ở hiện tại và chia sẻ hiện tại với người khác. Khái niệm này chính là tâm huyết mà Phẻ trao truyền cho những nhà giáo dục khắp California trong những buổi huấn luyện việc đưa chánh niệm vào lớp học. Làm được như vậy rõ ràng là đem lại cho cả nhà giáo dục lẫn người học sức khoẻ về cả tinh thần lẫn thể chất, đồng thời phương pháp dạy và học trong chánh niệm cũng tạo bối cảnh cho tâm từ bi và an lành.
Tiếp theo, là Lời Giới Thiệu của Thầy Thích Nguyên Siêu (từ San Diego, California), chủ yếu nói về nội dung sách. 
Trong này, Thầy Thích Nguyên Siêu viết về sách của Tâm Thường Định, trích:
Tác phẩm này gồm có hai bài của Ôn Tuệ Sỹ. Bài thứ nhất có tựa đề “Tâm Thư Gởi Tăng Sinh Huế”, nhưng người đọc sẽ thấy rõ ý của Ôn muốn nhắn gởi đến cả thế hệ Tăng Ni trẻ đang sống trong một hoàn cảnh đất nước: “Bị cắt đứt với mạch nguồn quá khứ, bị che chắn khuất tầm nhìn tương lai.” Từ đó, Ôn tha thiết nhắn nhủ: “Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình, tự xác định hướng đi cho chính mình…
Bài thứ hai có tựa đề “Suy Nghĩ Về Hướng Giáo Dục Đạo Phật Cho Tuổi Trẻ.” Bằng cái nhìn và nhận định về một thế hệ, Ôn đã đánh thức những tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam: “Tuổi trẻ Việt Nam đang bị bật rễ, do đó có nguy cơ mất hướng, hay thực sự đã mất hướng. Tuổi trẻ của Đạo Phật Việt Nam cũng không ngoại lệ, và không dễ dàng vượt qua tình trạng mất hướng này. Ở đây, tôi nói mất hướng là nhìn từ điểm đứng dân tộc….
Bước qua phần hai là thơ của Ôn Tuệ Sỹ… Qua phần thứ ba là thơ của anh Tâm Thường Định…: Và phần thứ tư cũng là cuối cùng của tác phẩm, đó là bài viết: “Mắt Biếc Trong Thơ Tuệ Sỹ” của Tâm Thường Định, muốn tìm cái nghĩa ẩn dụ của từ “Mắt Biếc” trong bài thơ “Một Thoáng Chiêm Bao”…”
.
Tuyển tập song ngữ “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” của Tâm Thường Định như thế rất đa dạng. Trong đó, hai bài viết của Thầy Tuệ Sỹ viết cho giới trẻ Việt Nam đều có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ mời gọi định hướng cho thế hệ trẻ xuất gia và tại gia về thái độ tu học trong cương vị mỗi người tự nhìn bằng đôi mắt của mình, mà cũng mời gọi nhìn từ điểm đứng dân tộc để có những hành hoạt tương lai.
Dịch sang tiếng Anh, đặc biệt khi dịch thơ Thầy Tuệ Sỹ, là một nghệ thuật rất mực gian nan. Thí dụ, Thầy Tuệ Sỹ trong bài thơ "Một Thoáng Chiêm Bao" khởi đầu với câu: Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn... Tác giả Tâm Thường Định và GS Nguyễn Văn Thái nhận định rằng chữ “mắt biếc” rất khó dịch, vì không thuần chỉ màu sắc, mà còn mang ẩn nghĩa “trinh nguyên và ngây thơ.” Thơ của Thầy Tuệ Sỹ hay là một chuyện, nhưng hàm nhiều nghĩa mới là gian nan cho người dịch. Bản Anh dịch đưa ra trong sách này sẽ giúp giới trẻ tại Hoa Kỳ tiếp cận với một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam đương thời, cũng là một nhà sư đi giữa những gian nan lịch sử với tâm hồn trong trắng như câu thơ Thầy viết, “Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận.”
Như thế, tuyển tập song ngữ về Thầy Tuệ Sỹ do Tâm Thường Định chuyển ngữ là một công trình lớn, đã thực hiện cẩn trọng qua nhiều năm, và bây giờ tuyển lại để ấn hành. Tác phẩm này cần có trong tủ sách những người quan tâm về Phật Giáo VN nói chung, và về Thầy Tuệ Sỹ nói riêng.
Người viết khâm phục tác giả Tâm Thường Định là chuyện tất nhiên, đương nhiên và hiển nhiên. Chỉ thêm nơi đây, xin đề nghị bạn Tâm Thường Định trong lần tái bản tương lai, nên chiếu rọi thêm một phương diện lớn khác của Thầy Tuệ Sỹ: một vị Bồ Tát xuất gia, và là người tích cực quảng bá Bồ Tát Đạo. Đề tài này sẽ đặc biệt thích nghi với giới trẻ Việt Nam, dù tại Hoa Kỳ hay tại Việt Nam.
Người viết nhận thấy rằng Thầy Tuệ Sỹ là một người ưa sống trầm lặng, xa rời các náo nhiệt thế gian, nhưng lòng luôn luôn thương xót chúng sinh.  
Thí dụ, có lúc nghe tin Thầy Tuệ Sỹ ra ẩn tu ở Khánh Hòa, có lúc nghe tin Thầy về ẩn nơi Bảo Lộc; và ngay khi ở Sài Gòn, Thầy cũng giữ hạnh ẩn tu. Vào năm 2005, khi Thầy Nhất Hạnh tới Chùa Già Lam (Sài Gòn) thăm, mới biết rằng Thầy Tuệ Sỹ đang nhập thất, đã gõ cửa nhưng cũng không thấy ra gặp được. Nghĩa là, Thầy Tuệ Sỹ giữ hạnh ẩn tu, ngay nơi náo nhiệt như Sài Gòn mà vẫn tịch lặng cõi riêng. Dù vậy, khi theo dõi các sách và các bài viết của Thầy Tuệ Sỹ, mới biết rằng Thầy hoằng pháp, quảng bá chánh pháp theo cách riêng.
Thầy Tuệ Sỹ như thế đã sống theo lời dạy của Đức Phật. Cụ thể là lời dạy trong Kinh Trung A Hàm MA-77. Nghĩa là ẩn tu, nhưng luôn luôn thương xót chúng sinh đời sau. Đọc kỹ kinh này, cho thấy Đức Phật cũng khuyên chúng sanh “học theo Như Lai” – phải chăng đó là “học theo Bồ Tát Đạo”? Nếu nghĩ như thế, là từ trong Kinh A Hàm, Đức Phật đã khuyên chúng sinh nên theo hạnh Bồ Tát, tức là theo hạnh Đại Thừa. Thầy Tuệ Sỹ là một nhà sư như thế.
Kinh MA-77 qua bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, trích như sau:
Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì hai mục đích sau đây nên mới sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Một là, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Hai là, vì thương xót chúng sanh đời sau. Đời sau hoặc có chúng sanh học theo Như Lai, sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, vì những mục đích ấy mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa”. (1)
Nghĩa là, Đức Phật nói rõ, một vị sư đi tu không phải để riêng tự giải thoát, mà cần nghĩ tới (và thương xót) chúng sanh đời sau, và nếu có ai đời sau học theo Như Lai thì… tự quân bình, vừa ẩn tu, vừa thương xót chúng sanh. Chỗ này có thể nghĩ là, không lẽ Đức Phật tu qua 3 a tăng kỳ kiếp, giúp vô lượng chúng sanh, bây giờ thành Phật, rồi vào Niết Bàn để biến mất luôn? Trong khi hạnh Bồ Tát là không bao giờ rời bỏ chúng sanh. Tuy nhiên, nếu nói rằng có một vị nào mang nguyện Bồ Tát để đời đời tái sanh nhằm cứu chúng sanh là dễ rơi vào chấp Có, nhưng nếu nói biến hẳn luôn là dễ rơi vào chấp Không – đây là nơi, nếu không có Trí Tuệ Bát Nhã là sẽ hỏng cả hai đầu biên kiến.
.
Có một tác phẩm của Thầy Tuệ Sỹ ít được nghe tới (nhiều phần, có lẽ, vì hoản cảnh ẩn tu của Thầy) là cuốn “Du Già Bồ Tát Giới” (Hương Tích Phật Việt ấn tống, 2017) – trong sách này, nơi Chương 1, nói về các “Bồ Tát Tại Gia thời Ðức Phật”… ghi nhận về một số vị cư sĩ Bồ Tát Tại Gia.
Trong Tạng Thanh Văn (Nikaya và A Hàm), hình ảnh Cư sĩ Úc Già (Ugga) hiện ra khác với hình ảnh Cư sĩ Úc Già trong Tạng Bồ Tát.  
Chỉ ngay trong một câu nói của Úc-già Trưởng giả (theo Kinh Đại Bảo tích, quyển 82, hội 19 “Úc-già trưởng giả”) nêu lên để thỉnh vấn Đức Phật cũng cho thấy suy nghĩ cách biệt một trời một vực giữa một ngài Úc Già trong Tạng Thanh Văn và ngài Úc Già trong Tạng Bồ Tát.
Thầy Tuệ Sỹ viết nơi Chương 1, sách Du Già Bồ Tát Giới, trích:
Bản kinh Úc-già Trưởng giả của Đại thừa, để xác nhận chí nguyện của ông Trưởng giả, đã gắn cho ông những lời thỉnh vấn Phật:
“Những thiện nam tử, thiện nữ nhân, vì ích lợi của hết thảy chúng sinh, muốn đưa tất cả vào Niết-bàn an lạc cứu cánh, muốn duy trì Tam bảo tồn tại thế gian không gián đoạn… những vị ấy cần phải làm gì? Giới đức hành xử của Bồ-tát tại gia là thế nào? Làm thế nào mà tuy vẫn sống đời tại gia những vẫn tùy thuận tu hành những điều Như Lai giáo huấn mà không tổn hoại các bồ-đề phần?”…” (2)
Đó là hạnh nguyện Bồ Tát: đưa tất cả chúng sinh vào Niết Bàn, duy trì Tam bảo tồn tại thế gian không gián đoạn… Tư tưởng này hình như không có, hoặc không thấy rõ, trong Tạng Thanh Văn.
Cũng trong Chương 1 đó, Thầy Tuệ Sỹ phân tích về trường hợp Cư sĩ Thiện Sinh và hai bản kinh Thiện Sinh dị biệt trong hai tạng kinh. Tương tự, với một số Cư sĩ khác.
Xin nhắc lại rằng, dịch ra Anh văn các bài viết của Thầy Tuệ Sỹ là một công việc cực kỳ gian nan, không dễ tí nào. Nhất là khi muốn dịch các lý luận phức tạp của Thầy Tuệ Sỹ (như trong sách Du Già Bồ Tát Giới nêu trên) thì lại trăm phần khó hơn nhiều. Nơi đây, người viết (trong cương vị tự xem như học trò của Thầy Tuệ Sỹ) muốn nhắc dịch giả Tâm Thường Định (một học giả uyên bác mà người viết có cơ duyên là bạn thân) rằng, nếu bạn tái bản cuốn sách tuyệt vời này trong tương lai, xin dịch thêm (hoặc dịch tóm lược) các phân tích của Thầy Tuệ Sỹ về Bồ Tát Hạnh. Đó cũng là những phân tích rất mực trí tuệ, chỉ thấy được từ một người đọc kinh với tâm rất mực từ bi, như Thầy Tuệ Sỹ. 
Trân trọng cảm ơn tác giả Tâm Thường Định: tuyển tập song ngữ “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” là một công trình lớn, về một vị Thầy lớn. Rất mực hy hữu. Xin chúc mừng.
GHI CHÚ:
(2) Chương 1, Du Già Bồ Tát Giới: https://gdptvietnam.org/tue-sy-bo-tat-tai-gia-thoi-duc-phat.gdpt