Showing posts with label Hạnh Viên. Show all posts
Showing posts with label Hạnh Viên. Show all posts

Friday, March 8, 2019

Viên Linh – Tuổi Trẻ Vạn Hạnh: Tuệ Sỹ

Viên Linh – Tuổi Trẻ Vạn Hạnh: Tuệ Sỹ

VANTUYEN_1Tuệ Sỹ Văn Tuyển 1: Tư Tưởng Phật Học. Hạnh Viên sưu tập.
Hương Tích Phật Việt xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ
IMG_3346Đã từ lâu và vài ba lần mỗi khi nói đến sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam, lúc phân chia các thời kỳ, niên biểu 1963 và những năm tiếp theo cho thấy sự chuyển hướng ngoạn mục cho tinh thần và sự sáng tạo bật lên lan tràn cho ít ra là một thế hệ thanh niên mà sự vận động của thời thế đã mang lại. Không có cuộc thay đổi quyền lực quyết liệt năm 1963 – ở đây tránh dùng chữ cách mạng – có thể dùng chữ đảo chánh – sẽ không có sự ngoạn mục vừa nói. Tinh thần Đông phương, sự hòa hài của nhân quần, Thiền tính và thiên nhiên xanh mát một sớm một chiều đã từ các mái chùa lan tỏa vào tuổi trẻ thành phố, các phường khóm, những con đường quê, tiếng chuông thu không, lời kinh niệm Phật, và trở thành thơ, thành nhạc, thành văn chương nghệ thuật miền Nam Việt Nam trong ít nhất là 10 năm sau đó [nó chỉ biến đổi năm 1973 với Hội Nghị Quốc Tế về ngưng bắn và vãn hồi hòa bình ở Paris, một vận động chính trị ở ngoài tầm tay của Sài Gòn]. Mười năm trước đó, với dấu mốc 1963, sách vở báo chí nay còn ghi lại cho đời sau: các trí thức thất thế dưới “chính quyền nhân vị” và dưới một bầu trời rợp ác điểu mây đen đã thấy lại Phương đông, dập dìu nơi mái trường Vạn Hạnh lại thấy thày xưa, vẻ cũ thân thuộc: những Nguyễn Đăng Thục, Thích Minh Châu, Thạch Trung Giả, Ngô Trọng Anh, Tam Ích một phía, phía khác những người trẻ tuổi tràn đầy sức sáng tạo trên tở tạp chí Tư Tưởng với các nhà xuất bản An Tiêm Lá Bối Ca Dao Hoàng Hạc và Ban Tu Thư Vạn Hạnh và cả trăm cả ngàn cuốn sách viết và dịch với Tuệ Sỹ, Phùng Khách Trí Hải, Phùng Thăng, Phạm Công Thiện, Chơn Pháp, Phước An, Lê Tôn Nghiêm, Chơn Hạnh, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng, Trúc Thiên, Hoài Khanh, Phạm Thiên Thư,… Hôm nay mục Thời Sự Nhân Văn sẽ nói về một trong nhưng người trẻ nhất trong những danh tính vừa kể: nhà thơ Tuệ Sỹ.
Trong tổ chức của đại học Vạn Hạnh, Tuệ Sỹ là khoa trưởng Phật học. Ông nổi tiếng với sự thấu suốt “Triết Học Về Tánh Không,” được coi là học giả xuất sắc về Long Thọ. Lúc ấy ông mới hơn hai mươi tuổi. Vào đời ngày 15 tháng 2, 1943 tại Paksé, Lào, nguyên quán Quảng Bình, tên khai sinh là Phạm Văn Thương, vào chùa tu năm 7 tuổi, tức “đồng nhi xuất gia.” Năm 21 tốt nghiệp cao đẳng Phật Học, năm 1965 học xong phân khoa Phật học đại học Vạn Hạnh, đến năm 1970 được hội đồng viện đặc cách phong giáo sư thực thụ. Năm 1972 chủ biên Tạp chí Tư Tưởng. Tác phẩm đầu tay là “Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng”, 1973. Ông đọc Tô Đông Pha từ nguyên tác chữ Hán. Ngoài sự uyên bác về Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo đại thừa, ông còn là một học giả về văn chương cổ Trung Hoa. Năm 1984 bị cộng Sản Việt Nam bắt giam do sự tranh đấu không ngừng đòi tự do tôn giáo, và ngày 30 tháng 9, 1988 bị tòa án của họ ở thành phố HCM tuyên án tử hình cùng thượng tọa Trí Siêu. Do áp lực của quốc tế, nhiều năm sau họ đổi bản án thành chung thân, cuối cùng trước dư luận chống đối không bớt giảm, họ đã phải để ông tự do sớm hơn hạn định. Hòa thượng Tuệ Sỹ từng là đệ nhất phó viện trưởng Viện Hóa Đạo Kiêm Tổng Thư Ký Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trước khi trở về chùa vùng Bảo Lộc. Cố Hòa Thượng Mãn Giác Phó Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh từng nói: “Tuệ Sỹ đã tu từ ngàn kiếp trước, Phật Giáo Việt Nam phải đợi tới 350 năm mới có một Thiền sư uyên bác như Tuệ Sỹ.”
VANTUYEN_2Tuệ Sỹ Văn Tuyển 2: Tiểu Luận Triết Học. Hạnh Viên sưu tập.
Hương Tích Phật Việt xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ
Trong mấy tháng gần đây một bộ sách 900 trang khổ lớn nhan đề là “Tuệ Sỹ Văn Tuyển” được Hương Tích xuất bản tại Hoa Kỳ. Trước khi đi vào Văn Tuyển này, về Tư Tưởng Phật học, tiểu luận triết học và về văn học, trước hết là những đề mục của cuốn I: Tư Tưởng Phật Học:
Tổng Thuyết Vũ Trụ Luận: Vũ trụ luận thần thoại, Vũ trụ luận cổ đại, Ý nghĩa thần thoại.
Dẫn vào Duy Thức học: Thức là gì? Tâm-ý-thức, Thức biến, Thành duy thức, Thành duy thức luận. Giá trị của Bồ tát hạnh. Thức ăn để tồn tại: đoàn thực hay đoạn thực, xúc thực, ý tư thực, thức thực.
Vấn đề ngữ pháp trong phiên dịch kinh tạng Phạn ngữ và Hán ngữ. Lý luận phiên dịch, Cấu tạo từ. Bát quan trai giới, tu giới, ý nghĩa bát quan trai, ý nghĩa thọ giới, nội dung tám giới, tăng trưởng thiện căn. Du già bồ tát giới. Và lễ Tháng Bảy cho những oan hồn phiêu bạt.
Xin trích một đoạn dẫn giải và quan điểm của Tuệ Sỹ vế vấn đề đã tốn nhiều giấy mực, đó là “vấn đề ngữ pháp trong phiên dịch.”
“Theo định nghĩa chung ngày nay, phiên dịch là sự chuyển dịch một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác. Tất nhiên trong Hán văn hai từ ‘dịch’ trong đây cơ bản không đồng nghĩa. Chúng ta nói là chuyển dịch, vì quen với từ Anh ‘translation,’ mà gốc La-Tinh của nó, translatio là từ phát sinh từ phân từ thụ động quá khứ – translatus, của động từ transfere mà chúng ta tạm cho là tương đương với từ chuyển dịch. Nội hàm của từ ngữ như vậy cũng cho ta thấy rõ mục đích của công việc này và cách thức thực hiện. Về cơ bản, và có lẽ kể từ nguyên thủy, dịch là chuyển một vật từ ngôn ngữ này sang này sang ngôn ngữ khác để người nghe đồng nhất nội hàm của hai từ khác nhau. Như khi một Phạn tăng muốn chuyển từ ãmra-vana sang Hán, vì lúc bấy giờ đức Phật đang ở tại chỗ đó. Theo chứng kiến hiện trường, hay do mô tả chính xác, họ chuyển được từ vana sang từ viên là cái vườn, mặc dù nhiều khi họ phân vân giữa viên và lâm. Nhưng hiện trường không có vật gì đương với từ ãmra, và cũng không thể mô tả để người Hán hiểu, đành phải phiên âm là yêm-ma-la viên. Hoặc giả khi họ phiên dịch những điều Phật quy định về thức ăn cho tỳ kheo. Họ đưa ra từ khãdanĩya. Sự kiện được đề cập này có thể mô tả xác thực, mà cũng có thể chứng kiến hiện trường. Nhưng Hán văn không hề có từ tương đương, vì người Hán không bao giờ nghĩ đến thực phẩm theo cách đó. Vậy lại phải phiên âm khư-đà-ni, hay khư-xà-ni, hay tương tự, tất nhiên phát âm lơ lớ với nguyên ngữ.
VANTUYEN_3_FBTuệ Sỹ Văn Tuyển 3: Văn Học. Hạnh Viên sưu tập.
Hương Tích Phật Việt xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ
Đó là trường hợp phiên chuyển những từ cụ thể, sờ nắm được, mà vẫn vấp phải những điều bất khả. Trường hợp liên hệ đến ý tưởng, sự việc tất phải khó hơn. Nhưng cũng có thể dễ hơn. Vì người ta nói vẽ quỷ dễ hơn vẽ người.” (Tuệ Sỹ, Tư Tưởng Phật Học, tr. 183-184.)
Cuốn thứ hai là tiểu luận triết học. Cuốn thứ 3 là văn học. Người sưu tập lại các bài viết này, anh Hạnh Viên mà tôi đã có gặp, đã trích dẫn một số thơ tuyển của sư phụ anh, rồi viết một “Hậu Từ” ý vị. Tôi sẽ làm như thế, cũng trích dẫn một vài đoạn thơ của người bạn tôi, trên nửa thế kỷ qua, rồi dùng hậu từ của anh để tạm kết luận bài đọc sách này.
Thiên Lý Độc Hành
1
Ta về một cõi tâm không
Vẫn nghe quá khứ ngập trong nắng tàn
Còn yêu một thuở đi hoang
Thu trong đáy mẳt sao ngàn nửa khuya
2
Ta đi dẫm nắng bên đèo
Nghe đau hồn cỏ rủ theo bóng chiều
Nguyên sơ là dáng yêu kiều
Bỗng đâu đảo lộn tịch liêu bến bờ
Còn đây góc núi trơ vơ
Nghìn năm ta mãi đứng chờ đỉnh cao.
3
Bên đèo khuất miễu cô hồn
Lưng trời ảo ảnh chập chờn hoa đăng
Cây già bóng tối bò lan
Tôi ôm cỏ dại mơ màng chiêm bao.
4
Đã mấy nghìn năm đợi mỏi mòn
Bóng người cô độc dẫm hoàng hôn
Bởi ta hồn đã phơi màu nắng
Ôm trọn bờ lau kín nỗi buồn
Tuệ Sỹ
13226880_1162286673781475_5360730743411659643_nThầy Hạnh Viên (ảnh: Facebook Kelly Võ)

“Hậu từ của người sưu tuyển:

Chuỗi thơ khép lại tập sách, lại mở ra một phương trời cô tịch. Hình ảnh trong thơ đọng thành những vì sao xa lấp lánh trong đêm dài.
Tập 3 này đến tay độc giả đã góp thành bộ ba tập Tuệ Sỹ Văn Tuyển, tạm chia theo ba chủ đề: Phật học, Triết học và Văn học, là bước đầu sưu tập những bài viết rải rác của tác giả còn lại sau quãng đường 50 năm xuôi ngược. Ba tập sách mỏng hẳn không thể tập thành đầy đủ các bài viết của tác giả trong gần nửa thế kỷ, với bao biến động của xã hội cũng như bản thân người viết không ngừng lưu chuyển; chúng tôi hy vọng trong tương lai, các bạn hữu có thể tình cờ tìm thấy, giúp chúng tôi sưu tập lại các bài viết mà vì nhiều hoàn cảnh đã thất lạc hay còn nằm đâu đó trong các ngăn tủ bị bỏ quên. Ở đây trong các tập sách này, chúng tôi chỉ đơn giản sưu tập và sắp xếp lại theo thời gian, còn lại tất cả đều được giữ nguyên, dù qua đó độc giả có thể thoáng thấy dấu vết ngang tàng sôi nổi của tuổi trẻ một thời xung thiên chí hay sự trầm mặc bao dung của tuổi già lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu, hay chuẩn mực nghiêm trang nơi giảng đường Phật học. Những vết tích trong từng dấu chân như vậy vẫn miệt mài để lại bên đường.
Nhớ chuyện xưa. Khi còn trẻ, trong một lần chán chường thất vọng, tác giả đã liều bỏ chùa đi hoang. Buổi tối nằm trong phòng trọ một bến xe tỉnh lẻ để chờ chuyến xe sáng hôm sau, ông tình cờ nghe được mẩu chuyện của hai cô gái phòng bên cạnh:
– Cả ngày chưa có thằng khách nào, xui thiệt! Kiểu này chắc tối nay húp cháo.
Im lặng một lúc, có tiếng trả lời:
– Hay mày làm bộ qua gõ cửa phòng kế bên thử. Tao thấy hồi chiều có thằng cha mới tới. Mặt mày coi cũng ngon lắm.
– Tao thấy rồi, thầy chùa đó bà. Ai lại…
– Thầy chùa thì cũng là đàn ông chớ mậy…
Ông nằm im không dám cử động, vờ như đã ngủ để cô nàng kia đừng có bạo gan tìm đến.
Ấy là thời chiến tranh, thời buổi nhiễu nhương, những số phận không may phải ngụp lặn trong một thực tế trần trụi và một lý tưởng xa xôi, mơ hồ.
Gần nửa thế kỷ sau, thời bình, với tuổi 70 ông còn phải giả ngủ lần nữa, tuy trên một cung bậc khác…” (Tuệ Sỹ Văn Tuyển, tr. 267-8).
Viên Linh

Monday, July 2, 2018

CƠ SỞ TƯ TƯỞNG MẬT TÔNG TÂY TẠNG Qua huyền nghĩa của Đại thần chú OṀ MAṆI PADME HŪṀ


CƠ SỞ TƯ TƯỞNG
MẬT TÔNG TÂY TẠNG
Qua huyền nghĩa của Đại thần chú
OṀ MAṆI PADME HŪṀ
Lama A. GOVINDA
dịch Việt: Hạnh Viên

OṀ - Con đường phổ quát tính
1.
MÃNH LỰC CỦA NGÔN THUYẾT
VÀ MA LỰC CỦA NGÔN TỪ

‘Cái có thể thấy bám vào cái không thể thấy,
Cái có thể nghe bám vào cái không thể nghe,
Cái có thể xúc bám vào cái không thể xúc:
Có lẽ, cái gì có thể tư duy bám vào cái bất khả tư duy.’
(Novalis)

Ngôn từ là những dấu ấn của tâm, những kết quả – hay đúng hơn, những trạm dừng – của một chuỗi vô tận các kinh nghiệm, vươn đến từ một quá khứ xa xôi mơ hồ cho đến hiện tại, và dò dẫm tiến vào một tương lai cũng xa xôi không kém. Chúng là cái nghe được bám vào cái không thể nghe, những hình thái và năng lực tiềm tàng của tư tưởng, lớn dần lên từ chỗ siêu việt tư tưởng.

Bản chất cốt lõi của ngôn từ do đó vừa không bị cạn kiệt vì ý nghĩa hiện tại của nó; tầm quan trọng của nó cũng không bị giới hạn trong tính hữu dụng hàng ngày như các phương tiện truyền đạt tư tưởng hay ý nghĩ – cũng như một giai điệu, tuy nó có thể được gắn kết với một ý nghĩa thuộc khái niệm, nhưng không thể diễn tả được bằng ngôn ngữ hay bất cứ hình thức truyền thông nào khác. Và chính phẩm chất phi lý này đã khơi nguồn các cảm nhận sâu sắc nhất của chúng ta, thăng hoa tính tồn tại thầm kín nhất trong chúng ta, và làm cho nó rung động trước các tồn tại khác. 

Cũng nhờ phẩm chất này, kết hợp với tiết nhịp của nó, mà thi ca có được cái ma lực kỳ diệu đối với chúng ta. Nó mạnh hơn những gì từ ngữ chuyển tải một cách khách quan – mạnh hơn cả lý trí với tất cả tính lôgic của nó mà ta tin tưởng một cách chắn chắn. Thành công của những diễn giả lớn không chỉ vì cái họ nói, mà còn ở cách họ nói. Nếu mọi người có thể dễ dàng bị chinh phục bởi tính lôgic và các chứng minh khoa học, thì các triết gia đã thành công từ lâu trong việc thu hút phần lớn nhân loại ngã về các quan điểm của họ rồi.

Trên bình diện khác, các thánh điển của những tôn giáo quy mô toàn cầu sẽ chẳng bao giờ gây ra được ảnh hưởng rộng lớn đến vậy, vì những điều chúng chuyển tải dưới hình thức tư tưởng là rất ít so với các tác phẩm của những học giả và triết gia lỗi lạc. Do vậy chúng ta có quyền nói rằng, sức mạnh của các thánh điển này nằm ở cái ma lực kỳ diệu của ngôn ngữ, tức cái sức mạnh thiêng liêng của nó, vốn là cái được khải thị cho Hiền triết của quá khứ, những người vẫn còn gần cận với cội nguồn của ngôn ngữ.

Sự khai sinh ngôn ngữ cũng chính là sự khai sinh nhân loại. Mỗi từ là phần đồng thanh tương ứng của một kinh nghiệm, nối liền với một tác nhân nội hay ngoại tại. Quá trình này đòi hỏi một nỗ lực sáng tạo vĩ đại trải qua khoảng thời gian vô cùng; và chính nhờ nỗ lực này mà con người đã có thể vượt lên trên loài vật.

Nếu nghệ thuật có thể được gọi là sự tái sáng tạo, sự diễn đạt hình thức về thực tại bằng phương tiện truyền đạt kinh nghiệm nhân loại, thì sự sáng tạo ra ngôn ngữ có thể gọi là thành tựu vĩ đại nhất của nghệ thuật. Mỗi từ nguyên ủy là một tiêu điểm các năng lực, ở đó sự chuyển biến thực tại thành các rung động của tiếng nói con người – sự thể hiện sinh động của tâm hồn – diễn ra. Bằng các sáng tạo thanh âm này mà con người đã chiếm hữu thế giới, và hơn thế: nó còn khám phá một chiều kích mới, cái thế giới bên trong chính nó, mở ra viễn cảnh về một hình thái sống cao cấp hơn, vượt xa hiện trạng của nhân loại cũng như ý thức của một người văn minh vượt xa ý thức của một con vật.

Linh cảm về một tình trạng tồn tại cao cấp hơn có liên quan với một số kinh nghiệm nhất định, hết sức cơ bản đến mức không thể giải thích hay miêu tả. Các kinh nghiệm này tinh tế đến mức không gì có thể so sánh với chúng, không có gì để tư tưởng hay trí tưởng tượng có thể bám vào. Tuy thế những kinh nghiệm như vậy lại thực hơn bất cứ gì chúng ta có thể nhìn thấy, nghĩ đến, chạm xúc, nếm, nghe hay ngữi được, vì chúng có liên quan đến cái diễn ra trước đó và bao hàm toàn bộ các cảm xúc khác, cái mà vì thế không thể đồng nhất với bất cứ lý trí nào. Do đó chỉ có thể dùng các biểu tượng để diễn tả hàm nghĩa của các kinh nghiệm này, và các biểu tượng này đến phiên chúng không thể được sáng tạo một cách tùy hứng, mà là các diễn đạt tự phát, bùng vỡ ra từ những miền sâu thẳm của tâm thức nhân loại...

HẠNH VIÊN
[Mời xem toàn bài trong Hương Tích - Phật học Luận tập 4, đã phát hành tại thư quán Hương Tích và một số nhà sách bạn]
* Cũng xin mời quý cộng tác viên & tác giả vui lòng ghé qua thư quán nhận sách biếu.

Monday, June 11, 2018

Thư gởi chủ trang fb 'Thầy Tuệ Sỹ của mọi thời đại' - Hạnh Viên


Trang này không phải là tiếng Nói của Thầy Tuệ Sỹ 

Thư gởi chủ trang Facebook 
'Thầy Tuệ Sỹ của mọi thời đại'


Thầy Pb, 
Từ lâu nay đã có nhiều người hỏi tôi về trang fb của thầy mạo danh ‘Thầy TS của mọi thời đại’, với tấm hình của thầy TS [vốn có rất nhiều trên mạng] không biết được lượm ở đâu để gắn vô làm Avatar, khiến người đọc lầm tưởng đó là trang của thầy TS. Nhưng họ hỏi, nghĩa là đã nghi, và họ không lầm tưởng, vì nội dung các bài toàn chuyện thị phi, chê người khen ta, với cơ tâm lộ rõ, toàn là những việc quá xa với tính cách của người mà thầy đã mượn danh, thầy không nhận thấy thế sao?! Đừng đem sông hồ đặt tên cho vũng nước chân trâu, làm trò cười cho thiên hạ.

Tôi viết mấy dòng này gởi thầy, và còn gọi thầy là THẦY, vì còn nghĩ rằng thầy cũng có tự trọng và sĩ diện tối thiểu của một vị ‘thầy’. Nghĩa là không lấy cái gì của người khác mà mình chưa được cho. Vì vậy, nếu sự nghĩ của tôi là đúng, thầy hãy gỡ bỏ cái tên ‘thầy TS’ và cái ảnh của thầy TS ra khỏi trang fb của thầy, và nên hiên ngang tìm một cái tên nào khác xứng hợp với nó hơn. Bởi vì không phải tôi không biết thầy là ai, trước đây mang tên gì, ở đâu và làm gì, bây giờ ở đâu, lấy tên gì, v.v…

Trước khi hết lời, xin phép kể hầu thầy cũng như qu‎í bạn đọc trên fb câu chuyện “ngày xưa”…

Ngày xưa có vị tỳ-kheo hàng ngày hay đến bên một ao sen ngồi tĩnh tọa, cảm nhận hương thơm dễ chịu của hoa sen làm cho tinh thần ông phấn chấn, thoải mái. Tưởng là việc không có gì để nói. Nhưng một hôm khi ra về, vị thổ thần bên ao sen hiện ra trách ông tỳ-kheo đã làm việc phi pháp, phi giới hạnh. Vị tỳ-kheo kinh ngạc nói, ông chỉ ngửi hương sen, cảm nhận sự thoải mái rồi ra về, sao lại nói ông như thế! Thổ thần bảo, hương sen là của hoa sen, hoa sen là của người chủ cái ao sen này, ông chưa được cho, sao lại hưởng dụng của người ta! Vị tỳ-kheo giật mình, chống chế rằng người đời ai cũng có thể làm vậy mà không ai bị quy tội là ăn cắp. Thổ thần bảo, người đời họ có luật của thế gian, cái gì không cấm là họ được làm. Ông có giới bổn của thầy tỳ-kheo, như tờ giấy trắng, chỉ một gợn bụi nhơ cũng thấy rõ, ông nên khéo giữ mình. Vị tỳ-kheo cúi đầu cảm ơn thổ thần và ra đi.

Hạnh Viên

Friday, June 16, 2017

THONG DONG - FREE AT WILL


THONG DONG
     Kính tặng Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Hạnh Viên

Thị Ngạn Am ẩn hiện
Mây trắng bay ngang đồi
Tinh mơ sương còn đọng
Côn trùng thay tiếng kinh

Thầy mặc nhiên thiền định
Hương khói tỏa muôn phương
Trang nghiêm đây cõi tịnh 
Vạt nắng trong giọt sương


FREE AT WILL
           For the Most Venerable Thích Tuệ Sỹ and Venerable Hạnh Viên

Thị Ngạn hermitage looms in the distance
White clouds leisurely float across the hill
At dawn, the gentle breeze whispers and dew forms
The singing of insects replaces the chanting 

In the stillness, the master impeccably meditates
The perfume of incense spreads in all directions
Solemnly this is the Pure Land in this earthy realm
To see the sunshine in a drop of dew.


Cùng Thầy ung dung - Photos: Lương Huỳnh.