Showing posts with label Huỳnh Đức. Show all posts
Showing posts with label Huỳnh Đức. Show all posts

Tuesday, June 7, 2011

ĐỌC THƠ HIỂU NGƯỜI - Huỳnh Đức

ĐỌC THƠ HIỂU NGƯỜI
Viết tặng Bạch Xuân Khỏe

Tập thơ thứ hai của anh Bạch Xuân Phẻ đến với chúng ta khi thành phố Sacramento đã vào thu. Với tên gọi “Hương Lòng” (Perfume of the Heart), tập thơ như một đóa cúc vàng nở rộ, tỏa hương thơm dịu dàng trong tiết thu lành lạnh cùng với những giọt nắng vàng và những ngọn lá vàng; như tô điểm thêm bức tranh đẹp của mùa thu quyến rũ.

Hai nhà văn Trần Kiêm Đòan và Vĩnh Hảo đã cho chúng ta những nhận xét thật sâu sắc và thú vị về tập thơ của Phẻ. Tôi không phải là nhà văn hay nhà bình thơ, vì vậy tôi không dám “múa rìu qua mắt thợ”. Tôi chỉ là một độc giả đọc thơ anh và muốn chia sẻ với các bạn những cảm nghĩ của mình sau khi đọc Hương Lòng.

Tôi chỉ mới biết Phẻ khoảng 2 năm và ít có dịp gặp anh; tuy nhiên qua những việc làm anh đóng góp cho chùa Kim Quang và qua một số bạn bè, tôi biết Phẻ nhiều hơn và thực sự cảm mến tấm lòng thuần hậu của anh. Nhưng có lẽ chúng ta phải đọc thơ anh mới có thể hiểu được anh nhiều hơn vì thơ chính là người; thơ là máu thịt, là tâm tư tình cảm, là cuộc sống của thi sĩ.

 Tuy qua Mỹ từ lúc nhỏ rồi lớn lên, học, và làm việc ở đây, Phẻ vẫn không quên tiếng Việt. Trái lại, anh đã tự gọt dũa tiếng mẹ đẻ của mình để cho ra đời những vần thơ đầy xúc cảm. Đọc tập thơ “Hương Lòng”, ta bắt gặp một người đàn ông trẻ, tuy bên ngoài trầm tĩnh và nhẹ nhàng nhưng bên trong là cả một thế giới nội tâm với nhiều trăn trở. Qua thơ của anh, ta có thể tìm thấy ở anh một ngưòi con có hiếu, một người chồng yêu thương vợ con, một người dân khắc khỏai với những điều không hay của cả hai xã hội (quê người và quê mình) và của một người con của Phật, rung động trước ánh sáng quang minh của Đạo hiền.

        Phẻ yêu cha mẹ mình vô bờ bến. Anh đã bày tỏ lòng thương yêu đó với cha anh:
            Có bao giờ cha biết? Con yêu cha thiết tha?
            Có bao giờ con nói, cha thần tượng của con.
            ….
            Và bây giờ con nói, con mãi mãi thương cha!
                                                (Có bao giờ cha biết? trang 101)

Đối với mẹ, Phẻ vẫn luôn là đứa con còn bé. Anh thương mẹ lắm. Một người quen của tôi là nha sĩ có lần nói với tôi: “Cháu chưa từng thấy ai có hiếu như Phẻ. Mẹ đi nhổ răng mà cứ đứng một bên cầm tay dỗ dành và trấn an mẹ.” Tôi nghe vậy thật xúc động vô cùng;  mẹ của Phẻ thật may mắn có được một người con trai như anh vì trong xã hội nhiễu nhương này, biết bao người mẹ đã nhỏ những giọt nước mắt đau khổ vì những việc làm trái quấy của con trai mình. Người con trai này đã trưởng thành, đã có gia đình, ấy vậy mà vẫn cảm thấy thật nhỏ bé như trẻ thơ, vẫn bám víu mong chờ mẹ che chở trong cơn tuyệt vọng:
            Trong cơn đau ray rứt
Gọi tiếng Mẹ yêu thương
“Mẹ ơi…mẹ ơi, Mẹ”
Nghe nghẹn ngào trong tim.
                        (Mẹ, trang 94)

Khi mẹ ốm, Phẻ đã khuyến khích, cổ vũ tinh thần mẹ để bà mau mạnh vì anh cần mẹ biết dường nào:
            Mẹ ơi! mau bớt bệnh.
            mẹ là cuộc đời, là nguồn sống.
            …..
            Mẹ ơi! con thương mẹ.
                                    (Mẹ đang bệnh, trang 116)

Và anh đã thương mẹ hơn, hiểu sự hy sinh của mẹ hơn khi anh có con; anh nhận ra rằng :
            Thưa mẹ, con có thương thế nào cũng không đủ.
            Tình thương mẹ bao la như vũ trụ
            Mẹ là vĩnh hằng, bất diệt bất sinh.
                                    (Khi có con, con càng thương mẹ! trang 34)

Phẻ thương mẹ nhiều như vậy nên anh cũng là một người yêu qúy vợ nồng nàn vì vợ anh cũng đang mang thiên chức cao quý này.  Anh rất thông cảm cho những nhọc nhằn mà vợ anh phải trải qua khi nuôi con:        
Rạng đông
nghe tiếng thở dài
“có con khổ qúa”
có ai nào ngờ
                        (Có con, trang 65)

Tình yêu anh dành cho vợ hiền được thể hiện qua niềm hạnh phúc tìm được người bạn đời của mình:
            Nàng nhân phẩm của người phụ nữ Việt
            Gặp, cưới em, trọn vẹn cuộc đời anh.
                                    (Hun hút một tâm hồn, trang 53)

Và anh đã quay cuồng trong nỗi nhớ khi xa nàng:
            Nỗi nhớ càng quặn thắt
            Em hỡi em có hay?
            Những lúc mình âu yếm
            Nồng nàn thêm ngất ngây
(Đêm xa, trang 86)

            without you, without you, a day seems unbearably lonely.
            without you, without you, a night seems longer and colder. (Love, trang 173)

Phẻ còn là một người cha yêu thương con dù phải chịu nhiều cực nhọc khi nuôi con. Tuy vậy, anh vẫn lạc quan vì anh ý thức được sự thiêng liêng cao qúy của sự ra đời con trai anh :
            “có con khổ qúa” có ai nào ngờ
            nằm bên lặng lẽ ý thơ
            dẫu rằng khổ đó
            vẫn mơ
cội nguồn
(Có con, trang 65)

Và sự cực nhọc đó đã được đền bù bằng niềm vui sướng khi anh nhìn thấy những thay đổi ở đứa con trai:
            Thằng con vừa biết nói
            Tiếng “ba”, “ma” mập mờ
            Ngân nga như vần thơ.
                                    (Tiếng nói đầu tiên, trang 114)
Mặc dù Phẻ là một người nặng tình với gia đình, anh không vì thế mà làm kẻ bàng quan trong xã hội. Ngược laị, anh đã có những suy nghĩ, những ưu tư về nơi anh đang sống :
            Băng qua Luther Martin King Jr. blvd
            ….
            những đống rác
ngổn ngang
chồng chất
nối tiếp nhau nằm chình ình trên đường
thành phố không màn dọn dẹp.
                        (Rác Sacramento, trang 81)
và anh cũng nhìn ra thế giới, chia sẻ nỗi đau đớn của người phụ nữ mất chồng, mất con:
            Listening to an anguished cry of a Lebanese woman
            Who just lost her husband and kids to Israel’s bombs.
            …..
            and I cried with her
            Suddenly I found myself in that anguished cry of the young woman.
                                    (The cry of war, trang 152)

Khi về thăm quê hương, Phẻ đã day dứt trước những điều không hay của quê nhà:
Kênh xanh đẹp làm nơi rác đổ.
            …..
            Rác nhiều hơn sau cơn Đại Hồng Thủy Á Châu năm 2004.
            Rác ngổn ngang như tâm sự người mang.
            Mong rác đó hóa thành hoa trong mai một.
                                    (Đường về quê, trang 28)

Phẻ có được một trái tim nhân hậu như thế, một tấm lòng tử tế như thế có lẽ một phần nhờ vào sự hiểu biết, học hỏi Phật Pháp, và sự hướng dẫn dạy bảo của qúy Thầy.
Vì vậy chẳng lạ gì Phẻ đã viết những vần thơ mang ảnh hưởng triết lý Đạo Phật:
            bỏ không những danh vọng hảo huyền
            mang chi những phân biệt vị kỷ
            hợp nhất phúc lợi chung
            yêu thương và tha thứ.

Và anh cũng đã thấm thía ý nghĩa của việc tu học, để rồi nhìn cuộc đời một cách nhẹ nhàng thanh thản hơn:
Có tu học! cái đơn sơ bỗng trở thành thánh thiện.
            Hạt Bồ đề tìm trong lá dâu xanh.
            Cái mỏng manh trở nên bất diệt.
            Có diệt đâu hay bàng bạc muôn màu?
Trên đây chỉ là một vài ý nghĩ của cá nhân tôi cùng một số ví dụ tôi đan cử nhằm giải thích những điều mình muốn nói trong bài viết ngắn này. Vẫn còn quá nhiều điều chưa được đề cập đến.  Muốn hiếu thêm những tâm tư tình cảm của Phẻ, xin các bạn hãy tìm đọc tập thơ Hương Lòng để cùng chia sẻ những cảm nghĩ và rung động của anh.

Huỳnh Đức - Elk Grove, Mùa thu 2007.