Showing posts with label Huỳnh Kim Quang. Show all posts
Showing posts with label Huỳnh Kim Quang. Show all posts

Monday, May 21, 2018

Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Châu, Nghĩ Về Con Đường Giáo Dục Của Phật Giáo Việt Nam

Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Châu, Nghĩ Về Con Đường Giáo Dục Của Phật Giáo Việt Nam
Tâm Huy - Huỳnh Kim Quang

Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu, Nguyên Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, viên tịch tại Thiền Viện Vạn Hạnh, Sài Gòn, Việt Nam, vào lúc 9 giờ sáng ngày 1 tháng 9 năm 2012. Trong niềm tiếc thương vô hạn đối với sự ra đi của bậc ân sư khả kính mà người viết bài này đã từng thọ ân giáo dục, bài viết này xin được viết ra để tưởng niệm công đức lớn lao của Ngài đối với sự nghiệp giáo dục và qua đó xin trình bày một vài cảm nghĩ về con đường giáo dục của Phật Giáo Việt Nam.
Trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam nhiều thế kỷ trở lại đây, Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu là một trong những nhà giáo dục xuất sắc nhất đã kiên trì và tận tụy cả đời cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục thế học trong tinh thần của Phật Giáo Việt Nam mà tiêu biểu cao nhất cho sự thành tựu nền giáo dục theo hướng ấy là Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Viện Đại Học Vạn Hạnh đã được chính thức cho phép hoạt động với tư cách pháp nhân và pháp lý của một đại học tư thục vào ngày 17 tháng 10 năm 1964, và vị Viện Trưởng là Thượng Tọa Thích Minh Châu. Việc thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh là do chủ trương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất để đáp ứng nhu cầu mở rộng công cuộc hoằng pháp vào xã hội. Giai đoạn đầu, chờ xây dựng cơ sở chính thức, Đại Học Vạn Hạnh đã mượn cơ sở của Chùa Xá Lợi và Chùa Pháp Hội để giảng dạy với 2 phân khoa Phật Học và Văn Học & Nhân Văn. Đến năm 1966 thì Đại Học Vạn Hạnh dời về cơ sở mới được xây cất xong trên đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn. Năm 1967, Viện mở thêm Phân Khoa Khoa Học Xã Hội. Năm 1970, Viện mở Phân Khoa Giáo Dục và năm 1973 thêm Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng, với cơ sở mới tại Quận Phú Nhuận mà nay là Thiền Viện Vạn Hạnh. Niên khóa 1971-72, Viện mở Trung Tâm Ngôn Ngữ để giúp sinh viên học các ngoại ngữ. Ngoài ra Viện còn có Thư Viện, với khoảng 25,000 đầu sách, là một trong những thư viện lớn và hiện đại nhất vùng Đông Nam Á thời bấy giờ, (theo www.wikipedia.org ). Năm 1967, Viện cho ra đời Tạp Chí Tư Tưởng là cơ quan ngôn luận dẫn đạo về mặt tư tưởng, triết lý, giáo dục và văn hóa hàng đầu của Phật Giáo Việt Nam, mà mãi đến nay (2012) vẫn chưa có tạp chí Phật Giáo nào, trong và ngoài nước, có thể vượt qua được uy tín và ảnh hưởng lớn rộng của nó.
Chỉ hơn 10 năm, từ tháng 10 năm 1964 đến tháng 4 năm 1975, Đại Học Vạn Hạnh đã phát triển thành một trong những đại học tư thục nổi tiếng và uy tín hàng đầu trên cả nước. Đó là một kỳ công hãn hữu, một đóng góp lớn lao cho nền giáo dục trong bối cảnh bất an của xã hội Việt Nam thời chiến tranh lúc bấy giờ.
Nói như vậy để thấy rằng, vào những năm của thập niên 1960 và 1970, khi cuộc chiến khốc liệt đang xảy ra trên mọi miền đất nước, khói lửa điêu linh tang tóc diễn ra từng ngày từng giờ và trong từng gia đình người dân Việt Nam, tuổi trẻ phải lên đường ra chiến trận mà không hẹn ngày về, không còn thấy tương lai tươi sáng, Hòa Thượng Thích Minh Châu đã nỗ lực và kiên trì trong công tác giáo dục tuổi trẻ thanh niên Việt Nam, để họ còn có chỗ dựa gửi gấm niềm tin vào tương lai. Vào thời điểm đó, vì vậy, Đại Học Vạn Hạnh không chỉ là trường sở giáo dục đào tạo nhân tài với bằng cấp học vị, mà còn là biểu tượng của niềm tin và hy vọng vào tương lai của đất nước cho thế hệ tuổi trẻ Việt Nam. Chính vì thế, Tạp Chí Tư Tưởng của Đại Học Vạn Hạnh cũng trở thành biểu tượng, thậm chí một thứ mode tri thức của sinh viên thời bấy giờ.
Rồi mấy chục năm sau, từ năm 1975 đến trước khi viên tịch, cũng thế, Hòa Thượng Thích Minh Châu vẫn tiếp tục con đường giáo dục với sự kham nhẫn vô bờ trước mọi chướng duyên và nghịch cảnh của xã hội để đào tạo nhiều thế hệ tăng, ni cho Phật Giáo Việt Nam. Nếu không có những nhà giáo dục tận tụy hy sinh đời mình cho lý tưởng “Duy tuệ thị nghiệp” như Cố Hòa Thượng Thích Thích Trí Thủ, Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu thì Phật Giáo Việt Nam đến hôm nay đã phải trả giá rất đắt cho sự mất mát nhân sự lớn lao để thừa kế sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh của thầy tổ.
Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu ngay từ đầu đã chọn cho Ngài định hướng giáo dục và Ngài đã đem hết tâm huyết một đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ấy đến hơi thở cuối cùng. Có thể hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giáo dục chắc chắn Hòa Thượng Thích Minh Châu đã ý thức và nhận chân được vai trò và ảnh hưởng của giáo dục đối với công cuộc chuyển hóa con người và xây dựng xã hội. Ý thức đó đã được Hòa Thượng Thích Minh Châu bày tỏ nơi Chương 13 “Một Môi Trường Giáo Dục Tốt Phải Được Khởi Nguồn Xây Dựng Bởi Những Người Có Ý Thức và Trách Nhiệm,” trong tác phẩm “Đạo Đức Phật Giáo và Hạnh Phúc Con Người,” của Ngài được xuất bản vào năm 2002 tại Việt Nam (Nguồn: www.thuvienhoasen.org ). Trong đó có đoạn Hòa Thượng Thích Minh Châu viết rằng:
“Ngày nay, với lối sống buông trôi theo dục lạc, con người hiện đại đang dần dần làm ô nhiễm và phá vỡ môi trường sống tốt đẹp của mình. Nhiều biểu hiện thiếu cân nhắc, thiếu phản tỉnh của con người ngày nay khiến chúng ta không khỏi lo ngại đến cuộc sống hiện tại và tương lai, nếu con người không thật sự quay về để tìm xem mình đang làm gì và có thái độ sống thích hợp như thế nào. Đứng trước sự thách thức to lớn của lối sống thiếu giác tỉnh, bất chấp các hậu quả của con người ngày nay, chúng ta – những người Phật tử – cần phải tỏ rõ hơn nữa nếp sống tự ý thức và tự chế ngự của mình, đồng thời cần phải nỗ lực xây dựng nhiều môi trường sinh hoạt mang tính giáo dục cao cả cho con người.”
Trong tác phẩm nói trên, Hòa  Thượng Thích Minh Châu còn nêu bật một yếu tính quan trọng mà suốt chiều dài lịch sử hai ngàn năm Phật Giáo Việt Nam đã cưu mang, đó là vai trò của ngôi chùa trong sứ mệnh giáo dục con người và xã hội. Hòa Thượng viết rằng:
“Những bước đi tiếp cận chân lý giác ngộ như đã nói ở trên gợi cho chúng ta hình ảnh một môi trường giáo dục thanh thoát, đầy trí tuệ và tình người do đức Phật xây dựng mà theo thời gian, với sự sáng của nó, môi trường ấy đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, luôn luôn được giữ gìn và được xây dựng bởi những người con Phật với mục đích đem lại hạnh phúc và an lạc cho con người. Quả vậy, mỗi một ngôi chùa Phật giáo luôn luôn là một môi trường giáo dục tốt và người Phật tử đến với ngôi chùa ấy không phải chỉ để học kiến thức về kinh điển Phật giáo, mà để tu học và đóng góp sức mình cho việc xây dựng và phát huy môi trường ngày càng tốt đẹp. Và, qua nếp sống đó, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đang nỗ lực hướng vào mục tiêu chung của xã hội Việt Nam cũng như ở thế giới ngày nay là làm trong sạch hóa môi trường sống của con người mà đạo đức là căn bản.”
Giáo dục trong nghĩa rộng là đem kiến thức và kinh nghiệm truyền trao cho người khác, hay cho thế hệ con em qua nhiều hình thái và mô thức như học đường, cơ sở tôn giáo, gia đình hay xã hội, v.v… Trong Chương Thứ 13 của Công Ước Quốc Tế Về Quyền Kinh Tế, Xã Hội Và Văn Hóa được công bố vào năm 1966, Liên Hiệp Quốc đã chính thức bảo đảm quyền giáo dục cho mọi người trên trái đất này. Giáo dục có 2 lãnh vực là chính thống và không chính thống. Giáo dục chính thống là các hệ thống giáo dục học đường công lập và tư thục được nhà nước công nhận. Giáo dục không chính thống là tất cả những công tác truyền trao kiến thức và kinh nghiệm từ người này sang người kia, từ thế hệ này sang thế hệ khác qua nhiều hình thái và hoàn cảnh khác nhau như trong gia đình và bên ngoài xã hội, v.v…
Đức Phật là một nhà giáo dục mẫu mực và ưu việt đã áp dụng phương thức giáo dục giác ngộ để chuyển hóa con người và xã hội. Đức Phật dạy rằng vì vô minh che khuất chân tánh nên chúng sinh bị vọng tâm điên đảo lôi kéo vào con đường tạo nghiệp và thọ khổ trong sanh tử luân hồi. Cho nên, con đường giải khổ là giác ngộ vô minh và trực nhận chân tánh. Đó là con đường của trí tuệ. Giáo dục vì vậy là giúp con người khai mở trí tuệ trong chính họ. Bốn mươi lăm năm giáo hóa độ sinh cũng chính là bốn mươi lăm năm Đức Phật thực hành công tác giáo dục để chuyển hóa con người và xã hội.
Trong việc chuyển hóa và xây dựng con người và xã hội, không có phương thức nào hữu hiệu và tác động lâu dài hơn giáo dục, nhất là giáo dục cho tuổi trẻ. Nhờ giáo dục, mỗi cá nhân con người có được kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn hay phổ thông về nhiều lãnh vực như khoa học, y học, văn học, triết lý, tôn giáo, đạo đức, luật pháp, công lý, điều đúng, điều sai, điều nên, điều hư, giả dối và chân thật, thiện và ác, v.v… Nói chung là mọi thứ trong cuộc sống để có thể tự mỗi người đem kiến thức đó ra áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Nhờ giáo dục mà mỗi con người trở thành một thành viên tốt trong gia đình và bên ngoài xã hội. Xã hội có nhiều cá nhân tốt như thế sẽ là một xã hội tốt. Cho nên, muốn xây dựng và phát triển xã hội căn bản và lâu dài thì điều tiên quyết cần làm là giáo dục. Chính giáo dục tạo ra những cá nhân toàn vẹn tài đức để ra giúp nước. Chính giáo dục đào tạo những nhà lãnh đạo ưu tú tận tụy hy sinh cho dân cho nước. Chính giáo dục dạy con người biết phục thiện để tránh điều ác làm điều lành và do đó giữ gìn kỷ cương cho pháp luật quốc gia và đạo đức xã hội.
Phật Giáo Việt Nam ngay từ thời kỳ du nhập đã ý thức được vai trò và ảnh hưởng của giáo dục đối với công cuộc chuyển hóa con người và xã hội cho nên, các vị tăng ni  tự nguyện làm những nhà giáo dục, chùa chiền trở thành cơ sở giáo dục không chỉ cho tăng, ni mà cả quần chúng. Cho đến đời Vua Lý Thánh Tông vào thế kỷ thứ 11 mới mở Quốc Tử Giám để chính thức đảm trách việc đào tạo nhân tài ra giúp nước. Nhưng truyền thống giáo dục con người và xã hội của ngôi chùa vẫn còn mãi trong dân gian. Mỗi tu sĩ khi thi hành sứ mệnh truyền bá Phật Pháp cũng chính là đóng vai trò của nhà giáo dục. Chính trong ý nghĩa đó mà Đệ Nhất Tổ Trúc Lâm Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông đã xuất gia hành hạnh đầu đà đi khắp trong nhân gian để lập chùa, giảng giải ngũ giới và thập thiện cho dân chúng tu theo và ngài xem như đó là một trong những phương thức xây dựng con người và xã hội nền tảng nhất.
Trong các thập niên 1960 và 70 của thế kỷ trước, Phật Giáo Việt Nam đã thực hiện được hai chương trình giáo dục thành công lớn nhất trong lịch sử, đó là Viện Đại Học Vạn Hạnh và hệ thống trung tiểu học tư thục Bồ Đề. Cả hai đã đóng góp thật xứng đáng công đức vào việc giáo dục cho thế hệ thanh thiếu đồng niên Việt Nam. Và qua đó, Phật Giáo Việt Nam góp phần giáo dục và đào tạo các thế hệ tương lai cho đất nước.
Rất tiếc là từ sau năm 1975 đến nay, Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước đã không thực hiện được một chương trình giáo dục nào thành công lớn lao như vậy đối với con đường giáo dục thế học. Đây là điều mà tăng, ni và phật tử Việt Nam nói chung, những nhà lãnh đạo Phật Giáo Việt Nam nói riêng cần đặc biệt quan tâm.
Nếu vì hoàn cảnh chưa cho phép để thực hiện các chương trình giáo dục học đường chính thống từ cấp tiểu học lên đại học để dạy thế học cho các em, chúng ta có thể thi hành chương trình giáo dục không chính thống qua nhiều lãnh vực như mở lớp dạy kèm, lớp dạy văn hóa cho các em nghèo, các em ở vùng quê hẻo lánh hay vùng núi xa xôi thiếu trường học. Trong một số chương trình phóng sự đặc biệt trong nước mà người viết có lần xem thì thấy rằng có nhiều nơi ở miền quê và miền núi cũng như ở các buôn làng của người thiểu số, các em không được đi học, hay đi học mà phải đối diện với nhiều thiếu thốn về tiền bạc, về phương tiện đi lại, sinh sống, v.v… Gần đây sinh hoạt Gia Đình Phật Tử được khởi sắc lại ở khắp nơi, sự ra đời của các Câu Lạc Bộ Thanh Niên Phật Tử, việc hỗ trợ tinh thần và vật chất cho các em học sinh trong các mùa thi và dịp thi vào đại học nở rộ lên là một dấu hiệu tích cực đối với chương trình giáo dục không chính thống.
Tại hải ngoại, có hai chương trình giáo dục không chính thống, có nghĩa là không nằm trong hệ thống giáo dục được Bộ Giáo Dục công nhận, mà tăng, ni và phật tử Việt Nam cần gia tâm hỗ trợ:
– Đối với các tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam và thanh thiếu niên Phật Tử, đây là những tổ chức đã có nề nếp sinh hoạt từ trong nước ra hải ngoại và có sẵn chương trình giáo dục. Điều cần hỗ trợ cho họ là khuyến khích con em tham gia sinh hoạt trong các tổ chức này, tạo điều kiện thuận duyên cho các sinh hoạt của họ như cho phép họ sinh hoạt trong chùa, trong cơ sở hội đoàn và với lòng yêu thương bao dung lấy họ. Một điều nữa cũng không kém quan trọng là cố gắng đúng mức để dạy tiếng Việt cho các em đoàn sinh trong các tổ chức nói trên. Có thể nói dạy tiếng Việt phải được xem như là ưu tiên hàng đầu trong chương trình giáo dục cho các em thanh thiếu niên Phật Tử.
– Dạy tiếng Việt cho con em người Việt là chương trình giáo dục không chính thống mà tăng, ni và phật tử Việt Nam tại hải ngoại cần đặc biệt quan tâm và thực hiện nhiều hơn nữa. Dù biết đây là công tác giáo dục đã được nhiều tăng, ni và phật tử thực hiện trong nhiều thập niên qua với nhiều thành tựu rõ ràng, nơi đây người viết cũng không thể không nhắc đến để nhấn mạnh vai trò và tác động rất lớn của nó trong việc bảo vệ và phát huy nền văn hóa dân tộc và Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại. Dạy tiếng Việt cho con em còn có thể thực hiện thành công rất nhiều trong sinh hoạt gia đình với sự chủ tâm hướng dẫn của các bậc phụ huynh. Thực hiện việc chỉ nói tiếng Việt trong gia đình giữa tất cả các thành viên từ cha mẹ đến con cái là một trong những điều kiện tiên quyết dẫn tới thành công việc dạy tiếng Việt cho con em. Trong chiều hướng đó, cha mẹ cần phát tâm làm cho được việc này đối với con cái của mình để cống hiến vào công tác giáo dục tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại.
Phật Giáo Việt Nam nếu thực hiện đúng và phát huy trọn vẹn vai trò và chức năng của giáo dục chính thống cũng như không chính thống là đã góp phần rất lớn không những cho việc phát triển mà còn làm thay đổi hẳn nền tảng của xã hội và đất nước. Nếu thế hệ tuổi trẻ được giáo dục tới nơi tới chốn và đầy đủ phẩm chầt về trí tuệ và đức hạnh thì chẳng phải toàn xã hội và quốc gia đó sẽ có tương lai tươi sáng hay sao?
Đó chính là những gì Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu đã tận tụy suốt đời để thực hiện và vì thế, Ngài xứng đáng được xưng tụng như là nhà giáo dục kiệt xuất của Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam từ trước tới nay.

Friday, February 16, 2018

Vũ Điệu Thời Gian và Bước Nhảy Tâm Thức

Vũ Điệu Xuân - ảnh Uyên Nguyên

Vũ Điệu Thời Gian và Bước Nhảy Tâm Thức

Huỳnh Kim Quang



Nếu Trái Đất mỗi ngày không múa điệu nghê thường lả lướt quanh Vầng Thái Dương rực rỡ thì có lẽ con người cũng chẳng chiêm ngưỡng được vẻ đẹp kỳ diệu của xuân hạ thu đông.
Và nếu tâm thức con người không hòa điệu bước nhảy theo vũ khúc thiên thu của trời đất thì làm gì có cảnh rộn ràng vui tươi của ngày Tết theo truyền thống văn hóa Việt.
Xuân, vì vậy, là hương sắc tuyệt trần của sự phối ngẫu nhiệm mầu giữa tâm, cảnh và thời gian. Chả thế mà danh thần Nguyễn Trãi, trong bài thơ “Hải Khẩu Dạ Bạc Hữu Cảm,” đã từng có lần nhìn sắc xuân đến say đắm:


Nhãn biên xuân sắc huân nhân tuý
(Sắc mùa xuân xông vào mắt khiến cho lòng say đắm)


Xưa nay, tao nhân mặc khách đều mê say hương sắc của nàng xuân. Cho nên người ta mới phong tước cho nàng xuân là chúa xuân, biểu tượng cho cái đẹp mê hồn của thiên nhiên. Trong bốn mùa, xuân hạ thu đông, thì xuân không chỉ là vũ điệu khởi đầu của thời gian, mà còn là bước nhảy êm ả, đẹp đẽ, và tươi tắn nhất, với muôn ngàn thảo mộc nẩy mầm đơm hoa và trái đất như khoác lên chiếc xiêm y muôn sắc sặc sỡ.
Nhưng, tùy tâm và cảnh của mỗi người mà xuân mang dáng dấp khác nhau. Vị hoàng đế anh minh của Nhà Trần đã 2 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, là Trần Nhân Tông, có lần diễn tả cảm trạng về một chiều xuân trong bài Xuân Vãn:


Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng.


Chiều Xuân
Thuở nhỏ chưa thấu lẽ Sắc Không,
Xuân phơi trăm đóa gửi chuyện lòng.
Gương mặt chúa Xuân nay đã tỏ,
Nệm cỏ ngồi xem rụng cánh hồng.
(Bản dịch của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ)


Tâm sự của vị tị tổ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử có khác với cảm nhận của thế nhân khi thưởng xuân. Nhà tu liễu ngộ được lẽ sắc không của vạn pháp thì an nhiên tự tại mà ngắm xuân chứ không rộn ràng, động tâm như người đời.
Trong khi đó, thi hào Nguyễn Du dù đọc Kinh Kim Cang cả ngàn lần mà có lúc cũng rơi lệ trong đêm xuân khi cảm thân phận lữ khách tha hương ngàn dặm trong bài thơ Xuân Dạ của ông:


Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?
Tiểu song khai xứ liễu âm âm.
Giang hồ bệnh đáo kinh thì cửu,
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm.
Kỳ lữ đa niên đăng hạ lệ,
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm.
Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy,
Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kim).


Đêm Xuân
Đêm đen Xuân đến biết tìm đâu
Bóng liễu bên song chạnh nỗi sầu
Dừng bước giang hồ, thân ủ bệnh
Xót đời mưa gió, mệnh chìm sâu
Đèn khêu năm tháng bao nhiêu lệ
Mắt nuối quê hương mấy nỗi đau
Nam Đài tiếng sóng Long Giang gọi
Kim cổ lạnh tràn đưa tiễn nhau.
(Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dịch Việt)
Tâm trạng ngày xuân của thi hào Nguyễn Du lúc làm lữ khách tha hương ngày xưa sao nghe giống tâm trạng của người Việt tị nạn ly hương ngày nay quá! Nhưng biết làm sao, khi quê hương còn xa vời vợi. Quê xa không phải vì đường xa, mà vì lòng người hai bờ chính kiến xa cách nhau diệu vợi.
Mấy ngày cận Tết, mỗi đêm đi làm về khuya ngang qua những con đường đèn mờ vắng vẻ, lòng người tha hương bỗng nghe cô quạnh lạ thường. Nhớ những cái Tết năm xưa ở quê nhà rộn rịp và gia đình bà con sum vầy ấm áp.

Đèn khêu năm tháng bao nhiêu lệ
Mắt nuối quê hương mấy nỗi đau


Xuân về trên đất Mỹ lại nhằm vào mùa đông giá rét lạnh lùng. Cái giá rét của ngày xuân ở xứ người càng thấm thía hơn khi màn đêm phủ xuống thân phận cô liêu của kẻ tha hương. Thi sĩ Pierre Emmanuel của Pháp đã diễn tả triết lý cao siêu vi diệu đến khó hiểu của những đêm tối cô liêu qua bài thơ “Seuls Comprennent Les Fous” (Chỉ Những Người Điên Mới Hiểu) mà nhà thơ Phạm Công Thiện đã dịch xuất thần như sau:


Một chút tình thương trong máu
Một hạt chân lý trong hồn
Cũng như một chút hạt kê cho chim sẻ
Để sống trườn qua một ngày đông lạnh
Người có nghĩ rằng
Những bậc thánh cao siêu nhất lại cân nặng hơn?
Tại sao vĩnh cửu lại màu xanh lá cây?
Ôi đau đớn không lời
Cành dương xỉ còn khép lại…
Kẻ nào chưa cảm thấy trong lòng mình ru khẽ lên những chiếc lá đầu mùa
Thì không bao giờ biết được vĩnh cửu.
Ôi đêm tối
Mi là hương vị bánh mì trên lưỡi ta
Mi là cơn mát rượi hồn của quên lãng trên hình hài ta
Mi là dòng suối không hề cạn chảy về niềm im lặng của ta
Vào mỗi buổi chiều là rạng đông của nỗi chết trong ta.
Ca hát mi làm gì
Cầu nguyện mi làm gì
Bởi vì chỉ một giọt nước mắt cô liêu
Cũng chứa đọng mi trọn vẹn
Ôi đêm tối


Phải chăng “Những chiếc lá đầu mùa” của thi sĩ Emmanuel là những chiếc lá mùa xuân, biểu tượng của hy vọng và vĩnh cửu? Thì ra, trong cái u tối rợn người của đêm đen cũng còn “một chút tình thương trong máu,” hay “một hạt chân lý trong hồn.”
Đó cũng chính là hình ảnh đóa mai mùa xuân vừa nở sau đêm đông bão bùng giá rét của Thiền sư Mãn Giác đời Nhà Lý:


Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
(Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch)


Bởi thế, không có bước nhảy của tâm thức con người hòa cùng vũ điệu thời gian thì xuân chỉ là xuân của bốn mùa, xuân hạ thu đông, trơ cùng tuế nguyệt. Dù có lá xanh mơn mởn khoe sắc hay hoa vàng rực rỡ thắm tươi thì nào ai hay biết ẩn hiện trong đó là hương sắc gì, là nụ cười chưa tắt trên môi, hay ngấn lệ còn nóng hổi mới vừa rơi từ khóe mắt.
Vũ điệu mùa xuân đang tung tăng trên khắp nẻo đường của người Việt lưu cư. Xin mời mọi người mở ngỏ tâm thức để cùng nhảy với vũ điệu của mùa xuân Mậu Tuất đang về.


Tuesday, December 22, 2015

Vào Cõi ‘Tâm Trong’ (Huỳnh Kim Quang)



Vào Cõi ‘Tâm Trong’
Huỳnh Kim Quang

Có chàng lãng tử lưu lạc giang hồ từ thuở thiếu thời, bỗng một hôm nghe hung tin người cha già rời bỏ trần gian, lòng bồi hồi nhớ đến lời dặn dò năm xưa của cha, lời rằng, “Dù vui, buồn giữ mãi cái tâm trong.” Chàng lãng tử đó là nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du, một trong mười nhà thơ -- gồm Bạch Xuân Phẻ, Hàn Long Ẩn, Huyền, Nguyên Lương, Nguyễn Hoàng Lãng Du, Nguyễn Phúc Sông Hương, Nguyễn Thanh Huy, Phan Thanh Cương, Trần Kiêm Đoàn, và Tuệ Lạc -- có mặt trong tuyển tập thơ Tâm Trong vừa mới được nhà sách lớn nhất thế giới Amazon phát hành vào trung tuần tháng 12 năm 2015.
Trên đời này, đối với những người con chí hiếu thì có gì linh thiêng và xác thật hơn lời cha dặn! Lời cha dặn là lời chứng của sự trải nghiệm đắng cay, ngọt bùi, thành bại, nên hư, được mất cả một cuộc đời. Tâm Trong là lòng sạch như băng tuyết trên đỉnh cao chót vót, là lòng trong sáng rạng ngời như nhật nguyệt trên tầng không bao la vô tận. Như mặt hồ trong và lặng có thể phản chiếu ánh trăng trong sáng tròn đầy, tâm trong lắng xuống những ô trược để phản chiếu tự tánh thanh tịnh hồn nhiên.
“Hồ tâm phẳng lặng lung linh trăng vàng.”
(Dưới Nhành Liễu Xanh, Huyền)
Nhà Phật gọi tâm đó là tâm chúng sinh, gồm có chân và vọng, thật và giả, Phật và chúng sinh. Cái tâm trong đó bao trùm tất cả các pháp, lớn thì như cõi thái hư mười phương pháp giới, nhỏ thì như một hạt bụi vi trần mắt phàm không thấy nổi. Từ tâm đó mà các pháp sinh. Từ tâm đó mà thơ ra đời. Tâm càng trong cảnh hiện càng rõ, càng nguyên sơ. Khi tâm cảnh hòa quyện lấy nhau, thơ sẽ là âm ba, là giai điệu oà vỡ trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất. Tâm càng trong, thơ càng vi diệu, mượt mà, sâu lắng, rung động lòng người.
“Ta lấy viết phết cuộc đời lên giấy
Nghe đất trời cuồn cuộn âm ba…”
(Nét Cọ Cuộc Đời, Hàn Long Ẩn)
Nhưng có lúc tâm trong cũng như một tờ giấy trắng. “Tâm yêu lặng như một tờ giấy trắng.” (Bồ Tát Xuống Trần, Trần Kiêm Đoàn)
Đó là lúc phiền não tan đi, cõi lòng yêu tịnh. Bởi thế, ngày xưa, tại Ấn Độ, có ông bồ tát cư sĩ Vimalakirti (Duy Ma Cật) một hôm nói trước những cao đồ bậc nhất của đức Phật rằng, “Tùy kỳ tâm tịnh, tức Phật độ tịnh,” (tùy tâm mình trong tới đâu, mà cõi Phật mình trong tới đó). Tâm trong ở trong nhà thì thấy cái nhà là cõi Phật. Tâm trong ở chợ thì thấy cái chợ là cõi Phật. Tâm trong ở chốn lầu xanh thì thấy lầu xanh là cõi Phật. Tâm trong ở địa ngục thì thấy địa ngục là cõi Phật. Cõi Phật là cõi trong sạch tột cùng không gì trong và sạch hơn.
“Bồ Ðề như chiếc cầu ngang,
Bắt qua văn tự bao hàng chữ “Như”:
Như không, như có, như từ...
Như lìa tâm cảnh thì “như” mới tròn!”
(Nhặt Lá Bồ Đề, Tuệ Lạc)
Tâm Trong là tuyển tập thơ của mười tác giả gồm khoảng trên 120 bài thơ, dày 240 trang, do Trung Đạo xuất bản tháng 12 năm 2015. Khi chọn hình bìa là những căn nhà ổ chuột mọc trên con nước đen, các tác giả muốn nói lên ý nghĩa “tâm trong” ngay chính nơi hiện thực xã hội Việt Nam khi con người sống “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn,” và cũng để mong ước sự vượt thoát, vươn lên của con người trong thế giới khổ đau, đen tối đó. 
Đọc từng trang của tuyển tập thơ Tâm Trong, tôi thấy như mình đang bước vào một vườn hoa văn học với vô số những kỳ hoa dị thảo đang khoe sắc thắm tươi và tỏa hương ngào ngạt. Đọc từng câu thơ của Tâm Trong lòng tôi cũng nhẹ bớt đi phiền não lao xao của cuộc sống đời thường, và thấy tâm mình cũng trong theo với những vần thơ trong vắt của mười tác giả. Điều may mắn của tôi là có thể đọc được những bài thơ hay của mười tác giả trong một tuyển tập mà không cần phải mất công tìm tòi ở đâu xa để đọc và thưởng thức. Quả tình, nếu không đọc được Tâm Trong thì chưa chắc tôi đã có duyên để đọc thơ của tất cả những nhà thơ có mặt trong tuyển tập thơ này.
Đọc Tâm Trong mang lại cho tôi nhiều thú vị quý báu. Một trong những điều làm tôi thú vị nhất khi đọc Tâm Trong là ở đây tôi có thể tìm được những vần thơ chuyên chở hầu như tất cả những sắc thái, trạng huống, thực trạng, và ý nghĩa của cuộc đời, từ tình yêu, đạo lý, triết lý, tôn giáo, Phật, Chúa, chiến tranh, cái chết, sanh ly tử biệt, đến quê hương, dân tộc, lịch sử, phong tục, tập quán, xuân, hạ, thu, đông, Tết Tây, Tết Ta, v.v… Nói chung là mọi chuyện trên đời đều được mười nhà thơ cảm nhận bằng cái tâm trong một cách tinh tế và sâu sắc rồi thổi chúng vào chữ, họa chúng thành hình và phối khí thành giai điệu để cho người đọc tha hồ thưởng thức.
Mượn đôi chân trần của Bạch Xuân Phẻ để dạo quanh một vòng cõi Tâm Trong, tôi đã có ngay cảm giác lâng lâng nhẹ bay như mây:
“Chân trần gót ngọc hôn trên lá
Bỏ lại lợi danh hạt sương gầy
Chiều đâu xao xuyến vàng sông lạ?
Nhịp thở nhẹ hìu bóng chân mây.”
(Đôi Nhịp Chân, Bạch Xuân Phẻ)
Nhờ xem lợi danh mong manh giả tạo như giọt sương đầu cành sáng có chiều không mới nhận ra cuộc đời chỉ là “cuộc thế eo xèo,” như nhà thơ Hàn Long Ẩn đã vẽ ra trong Nét Cọ Cuộc Đời:
“…
Từ điểm khởi ta sổ dài kiếp sống
Như đường gươm vun vút lao nhanh
Rồi đứng yên ngó lại cuộc vi hành
Tâm ta đó, nét nhòe đậm nhạt.
Đã mang kiếp phong trần phiêu bạt
Thì sá chi cuộc thế eo xèo
Hơn thua nhau tảng đá nặng còn đeo?!
Chấm thêm mực ta phẩy dài lần nữa.
…”
Nhà thơ Nguyễn Thanh Huy đã trải nghiệm cuộc thế eo xèo, vô thường và khổ đau nên mới tìm về chùa cũ để gặp sư ông mà vấn đạo cho cuộc sống an lạc. Vừa bước chân vào cõi tịnh (trong) của thiền môn, chưa kịp gặp sư ông, còn đi lang thang trong sân chùa thì nhà thơ đã chợt ngộ ra rằng Phật tại tâm.  
“…
Vào chùa tìm lại sư ông,
Lời kinh ngày cũ trong lòng còn in,
Ngẩn ngơ một thoáng đứng nhìn,
Hỏi tâm mới thấy bóng hình Như Lai.
Từ lang thang giữa trần ai,
Tử sinh mấy độ trải dài cuộc chơi,
Lang thang góc bể chân trời,
Rồi mai cõi tạm xa rời xác thân.
(Vẫn Trắng Tay Đời, Nguyễn Thanh Huy)
Tử sinh từ đó đã thành vấn nạn của cuộc đời, còn khổ đau như nghiệp dĩ cứ dai dẳng bám theo kiếp người từ thuở lạc vào bến mê. Nhờ tâm trong mà con người nghĩ đến con đường giác ngộ để giải thoát khổ đau. Vì vậy, nhà thơ Tuệ Lạc đã dẫn ta đi “Nhặt Lá Bồ Đề.” Bồ đề là giác ngộ, nhặt lá bồ đề là nhặt lấy giác ngộ.
“Tôi đi nhặt lá Bồ Ðề,
Treo lên để nhớ lối về của tâm.
Mỗi chiều nghe tiếng chuông ngân,
Loang đi như dẫn xa dần bến mê…
…”
Nhờ nhặt lá bồ đề mới nhớ lối về của tâm. Lối về của tâm chính là con đường thực hành bồ tát hạnh. Hạnh bồ tát là sống không chấp ngã, không chấp pháp, không vị kỷ tham sân, luôn luôn làm lợi lạc cho người khác, cho chúng sinh, giúp họ giác ngộ vô minh và giải thoát đau khổ, từ vật chất đến tinh thần, từ thể xác đến tâm thức. Thực hành hạnh bồ tát vì vậy, không chấp ở hình danh sắc tướng mà cốt là ở tâm từ bi vô lượng và trí tuệ sáng suốt vô biên.
Nhà thơ Trần Kiêm Đoàn đã kể cho chúng ta nghe về hình ảnh một vị bồ tát vô danh đang có mặt ở trần gian này như con người bằng xương bằng thịt mà ông đã một lần tận mắt thấy. Đó là một cựu sĩ quan cấp bậc đại tá không quân trong quân đội Hoa Kỳ từng tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam, nay đã về hưu và mỗi ngày đi lượm lon đem bán để lấy tiền nuôi trẻ mồ côi.
“…
tôi đi loanh quanh gặp một bồ tát trên góc phố
hiện thân thành một ông già Mỹ trắng cực khổ
tôi hỏi ông đi đâu quá sớm thế
trời lạnh kiểu này bên ngoài âm độ
Ông già nói ta đi lượm lon và chai không
sợ đợi hơi trưa xe vệ sinh hốt mất
tôi hỏi sao ông không xin tiền trợ cấp
tiền tuổi già tiền tàn tật nước Mỹ thiếu gì
ông già nói xin làm chi ta dư tiền hưu trí
huy chương đầy mình xưa ta là đại tá không quân
trưởng phi hành trong chuộc chiến việt nam
cuộc chiến đã tàn ta làm từ thiện
nuôi lũ trẻ mồ côi bên đó hay ở đâu cũng được
ta lượm lon mỗi tuần hai lần
bán đủ tiền cơm nuôi ba mươi đứa nhỏ
dăm bảy chục nghìn đô la sá chi mà chẳng có
nhưng ta muốn nuôi bằng tâm huyết của mình
như thân xác nầy cần nuôi một trái tim
…”
(Bồ Tát Xuống Trần, Trần Kiêm Đoàn)
Trong truyền thống Phật Giáo Đại Thừa, vị bồ tát được nhiều người biết đến vì lòng từ bi bao la rộng lớn thương yêu và cứu giúp chúng sinh như mẹ hiền thương con là Bồ Tát Quán Thế Âm, hay Quan Âm, mà chúng ta thường thấy tượng ngài được tôn trí trong nhiều chùa. Nhà thơ Huyền kể cho chúng ta nghe về công hạnh của Bồ Tát Quan Âm:
“…
Mắt Người thăm thẳm uy nghi
Từ quang soi khắp nẻo đi lối về.
Xua tan cơn mộng cõi mê
Độ người thoát khỏi bốn bề bão giông
Ngàn tay trải rộng hư không
Ngàn mắt soi thấu tận cùng khổ đau.
Quan Âm Bồ Tát nhiệm màu
Hiển linh giữa chốn trần lao độ đời
Hữu thân trong nẻo luân hồi
Tâm hương một nén xin Người chứng tri.
…”
(Dưới Nhành Liễu Xanh, Huyền)
Trong cõi Tâm Trong chắc chắn không thể thiếu hình bóng quê hương, nơi mà những nhà thơ đã một thời được sinh ra và lớn lên với đầy ắp tình nhà, tình người, tình quê hương dân tộc. Đặc biệt với những chàng lãng tử xa quê đã lâu có dịp về lại quê nhà thì cảm xúc thật khó tả giữa ký ức tình tự thơ mộng và hiện thực xa lạ ngại ngùng.
“Chạm êm ái da chân lên sỏi cát
Từng bước ngập ngừng, thong thả đường quê
Nắng nhiệt đới múa reo trên ruộng lúa
Con cò ngóng nhìn kẻ lạ trên bờ đê
Hít thở ngất ngây mùi bùn đen rạ mục
Mắt lạ lùng nhìn ruộng mía trổ hoa
Mấy năm xa cau dừa lên cao ngọn
Đâu cành che trời rợp bóng tuổi thơ
…”
Xưa gối quê hương trong từng giấc ngủ
Giờ nhìn quê hương ánh mắt xa xăm
…”
(Nhìn Lại Quê Hương, Nguyên Lương)
Với nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du, hình bóng quê hương vẫn còn trong ký ức nhưng đó là hình ảnh tang thương khói lửa ngút trời của thời chiến tranh khốc liệt.
“…
Rồi quê hương đêm ngút trời khói lửa.
Viên đạn đồng tàn-nhẫn đã bay qua.
Em nhắm mắt.. Đường mình chia hai ngả.
Anh lang thang, mưa gió, mãi không nhà.
…”
(Trên Giòng Sông Trắng, Nguyễn Hoàng Lãng Du)
Trong ký ức về chiến tranh trên quê hương của nhà thơ Nguyễn Phúc Sông Hương không có cảnh máu đổ thịt rơi trong hận thù chất ngất, mà có chút tình người quý giá như bếp lửa đêm đông của người lính Miền Nam thương cho những người du kích đói lạnh nơi sa trường.
“Ta biết người chờ đêm xuống núi
Kiếm vài túi gạo vác lên rừng.
Ta biết mùa mưa rừng lạnh lắm
Ngươi mò về kiếm tấm nilong.
Người đi cho khéo đừng lay động
Lau lách đôi bờ đang ngủ yên.
Đừng để đầu thôn vang tiếng sủa,
Ta đây nổ súng xé lòng đêm.
….’
(Bên Sông, Nguyễn-Phúc Sông Hương)
Nói đến quê hương và chiến tranh Việt Nam, không ai không nhớ tới những ngày tháng 4 năm 1975, thời điểm đánh dấu sự kết thúc trận chiến và mở ra những hệ lụy đau thương sau đó với tù đây, khổ nhục, vượt biên, tị nạn, v.v…
“tháng tư úp bàn tay anh
dưới bàn tay ấy những vàng – xanh.
anh theo cây rừng mười năm lá rụng
em và trời cũ có thiên thanh?

tháng tư xưa, ngày đang chạy,
ngang qua nhau không kịp vẫy tay chào.
may cho em về trường nối lại những xôn xao,
có dẫm dấu chân anh ngày hôm trước?
…”
 (Tháng Tư, Phan Thanh Cương)
Trong Tâm Trong còn có những mối tình đẹp và mơ mộng nữa. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du gợi nhớ hình ảnh những mối tình chân quê lãng mạn trong dân ca và thi ca Việt Nam non thế kỷ trước, mà ở đó những gã thanh niên si tình tán tỉnh cô gái quê gánh rượu trên đồi.
“Hỡi cô gánh rượu trên đồi;
Dáng xuân yểu-điệu, cho tôi gánh cùng.
Gánh Trời, gánh cả Non Sông.
Cô đi, tôi gánh cùng chung đường về.”
(Mơ, Nguyễn Hoàng Lãng-Du)
Hay:
“Khi anh về chiều vàng trên phố nhỏ,
Hàng phượng hồng rực-rỡ đã theo em.
Trường khóa cổng nhưng tình không bỡ-ngỡ,
Ngõ ve sầu như động bước chân quen.”
(Thuở Vỡ Lòng Yêu, Nguyễn Hoàng Lãng-Du)
Và có lúc nhà thơ tưởng chừng trái tim mình đã khô héo, nhưng không! Nó chỉ ngủ yên đâu đó để rồi một hôm:
“Lang thang sân chùa nắng đọng
Ngõ hồn buốt ngọn thu phong
Trăm năm rã rời cuộc mộng
Vẫn chưa kịp chết cõi lòng...
(Hồn Thu, Huyền)
Đó chỉ là một vài cái góc nhỏ của vườn thơ Tâm Trong. Vì thích quá không thể giữ trong lòng nên người viết xin giới thiệu với người đọc một vài cảm nghĩ về tuyển tập thơ Tâm Trong để cùng chia xẻ. Nhưng, tự mình đọc Tâm Trong độc giả sẽ cảm nhận thấm hơn, trọn vẹn hơn gấp bội phần vài điều giới thiệu sơ sài ở đây. Hãy đặt mua một cuốn Tâm Trong trên trang nhà www.amazon.com như món quà đầu năm mới.
Đọc Tâm Trong lòng mình sẽ lắng trong và bình an hơn. Khi cõi lòng lặng yên sẽ thấy thế giới và cuộc đời đáng yêu hơn.
Xin cảm ơn mười nhà thơ trong tuyển tập Tâm Trong. 
                                                               Huỳnh Kim Quang

Tập sách mua đây.