Showing posts with label NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG. Show all posts
Showing posts with label NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG. Show all posts

Wednesday, July 12, 2017

Nhật ký Giáo dưỡng: NHỚ BÁC, NHỚ CHÙA XƯA, NHỚ MẸ!

Thư Pháp: Võ Việt Tuấn

Nhật ký Giáo dưỡng: 
NHỚ BÁC, NHỚ CHÙA XƯA, NHỚ MẸ!

* Yết đế, yết đế. Ba la yết đế, Ba la tăng yết đế. Bồ đề Tát bà ha
            Gate gate. Pàragate, Pàrasaṃgate. Bodhi svàhà
            Gone, gone. Gone beyond, gone far beyond. Awaken, Rejoice.



Ngày 18 tháng 6, 2017, anh bạn già, bác sỹ Trần Quang Sơn, nhắn tin: “Khoẻ ơi, Bác Lộc mới ra đi sáng nay rồi. Buồn quá.” Không buồn sao được, chúng tôi giữ bình tĩnh, thở sâu và niệm danh hiệu Phật A Di Đà để nguyện cầu cho Bác Trần Phú Lộc, người mà chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm thuở ban đầu khi còn sinh hoạt tại GĐPT Linh Quang tại Chùa Linh Quang, Lincoln, Nebraska. Anh Sơn và tôi là những người mới định cư ở Hoa Kỳ vào đầu thập niên 1990’s. Gia đình hai chúng tôi bắt đầu từ bàn tay trắng, làm lại từ đầu như bao gia đình Việt Nam tỵ nạn hoặc di cư khác. Anh Sơn thành nhân và thành danh, sau khi đi học ra bằng Bác sỹ và làm thực tập chuyên khoa thận tại trường Đại học Tulane ở New Orleans, LA, và Đại học UCSF tại Cựu Kim Sơn, anh trở về lại Lincoln để lập nghiệp gần gũi với gia đình. Còn tôi, thì ở lại California nuôi dưỡng Ba Mẹ già sau khi học xong.

Lúc bác Trần Phúc Lộc ra đi, đương nhiên chúng tôi nhớ lại căn nhà 2737 Dudley St, Lincoln, NE 68503. Lúc đó, có những lúc chị Phượng tôi, chị Thuỳ, anh Sơn và nguyên cả gia đình, bạn bè mới qua hát nghêu ngao với chiếc đàn thùng guitar, vô tư lự.  Đây là căn nhà đầu tiên gia đình chúng tôi, 6 người, ở khi qua Mỹ. Bên trong có một phòng thờ Phật của Cộng đồng Người Việt tại thành phố Lincoln, NE.  Phòng thờ này là tiền thân của Chùa Linh Quang. Sau đó Cộng đồng PG Lincoln, trong đó có những người đồng thành lập, cụ Đặng Tuyết Mai, cụ Trần Phú Lộc, v.v... nay đã mãn phần, mua một căn nhà ở 216 West F street để 'Cải gia vi tự' thành Chùa Linh Quang bấy giờ lấy tên tiếng Anh là Linh Quang Buddhist Center (Buddhist Community of Lincoln). Sau một thời gian nữa, Linh Quang Buddhist Center dời qua một vị trí mới ở gần Công Viên Pioneer của thành phố. Còn ngôi chùa ở đường F trở thành chùa An Lạc. 


(This is a very small house that our family used to live in when we first arrived in the US in 1991. Inside the home we shared, there was a main room which served as the Buddha Hall for the Vietnamese Buddhist community. That was the original altar of Linh Quang Buddhist Temple. In the early 1990s, the late co-founders Mrs. Mai Tuyet Dang, Mr. Loc Phu Tran, etc., and many Vietnamese families who had just immigrated to Lincoln bought a house on West F Street and turned that house into Linh Quang Buddhist Temple, also known as Linh Quang Buddhist Center. Now that a co-founder, Mr. Loc Tran, has passed away recently, I wrote this poem in his honor).


       Nhớ căn nhà này, rồi nhớ sang bàn thờ Phật trong nhà, tiền thân của Chùa Linh Quang và Chùa An Lạc, rồi nhớ đến Bác vô vàn. Nên chúng tôi, có viết bài thơ này để tưởng niệm Bác.


TÌNH BÁC KHÔNG PHAI

    Kính tiễn đạo hữu Trần Phú Lộc. 


Bác đã đi rồi thật thế sao?

Lincoln nhớ mãi tự thuở nào 

Linh Quang cõi tịnh ai xây đắp

Cánh nhạn qua đồi gió lao xao


Bác đã đi rồi, bác đã đi

Nhẹ nhàng thanh thoát bất lâm ly

Người đi để lại bao tiếc nuối

Về với Niết Bàn, cõi Từ Bi


             ***


Thế danh Trần Phú Lộc

Quảng Phước là Pháp danh

Thanh nhàn và quý tộc

Đời Bác tựa bức tranh.


'Cộng biểu từ bi đức

Đồng dương hỷ xả tâm

Phật từ khai mạc lộ

Giáo thế giác mê tâm'


Đó là lời của Bác

Khi thành lập đạo tràng

Bao thế hệ xanh ngát

Đến Đi gió mùa sang.


Bác lại nhắc đạo tràng.

'Đáo thiền môn tĩnh tâm tầm Phật Pháp

Hoàn thế sự tu tánh giới phàm tâm.'

Từ Bi và Trí tuệ

Bác đi về thong dong!


Xin tiễn Người vô song

Nén hương lòng tấc dạ!

Trời bơ vơ nắng hạ

Đi về cõi tâm không!


          Cuộc đời Bác là thế, suốt đời tận tụy với gia đình, giúp đỡ và xây dựng cộng đồng Phật giáo, trong đó có tổ chức Gia đình Phật tử Linh Quang, mà chúng tôi là một trong những huynh trưởng thuở hàn vi.  Tưởng niệm Bác, nhìn lại căn nhà nhỏ ở đường Dudley, nhớ lại những chuỗi ngày chị em chúng tôi đạp xe đi chợ, lủng lẳng tòn ten những túi thực phẩm; và Mẹ ra tận dưới chân cầu chờ đón tụi mình về... Và nhớ luôn những ngày đầu tiếng xe cứu thương, xe cảnh sát & xe cứu hoả đến nhà mỗi khi anh Thảo lên cơn kinh phong, và phải gọi 911... Nói sao cho hết, thôi thì viết vài câu thơ vậy.


NHỚ MẸ


Nhìn căn nhà nhỏ năm xưa

Bao nhiêu kỷ niệm như mưa chợt về

Nhớ Mẹ ánh mắt đề huề

Nhớ Mẹ tần tảo lê thê giữa đời


Nuôi con giữa chốn chơi vơi

Mà Người hiền thục không lời kêu van

Thương con quý cả hơn vàng

Thương chồng quý cả giang san nhà chồng 


Mẹ đi giữa cõi sắc không

Thường-Lạc-Ngã-Tịnh thong dong Người về

Qua rồi Yết đế* kiếp mê

Mẹ về Cựu Lạc đề huề Chân như.


         Mẹ đó, Bác đó, cầu nguyện cho hương linh Bác và Mẹ đề huề về Quê hương Cực Lạc. Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật. Còn bạn, nếu còn Ba hay Mẹ thì xin hãy thương yêu, nâng đỡ và chăm sóc bạn nhé. Kính chúc người đi kẻ ở đều an lạc cát tường như sở nguyện.


Ngôi nhà Dudley do Cộng Đồng Phật Giáo mướn đầu tiên.
Chùa Linh Quang xưa, nay đổi tên thành Chùa An Lạc
Chùa Linh Quang mới tại Lincoln, NE.

Tuesday, January 31, 2017

TỨ TẤT ĐÀN - MỘT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG PHẬT GIÁO





Trại Huấn luyện Anoma - Ni Liên Tuyết Sơn - GĐPT MLQ. Photos: BXK

Nhật Ký Giáo Dưỡng: TỨ TẤT ĐÀN - MỘT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG PHẬT GIÁO

Trước tiên, sứ mệnh và mục đích của giáo dục luôn thay đổi theo không gian, thời gian, quốc độ và niềm tin của mỗi người. Nhưng quan trọng hơn, “Học để làm gì?” Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization - UNESCO), có Bốn trụ cột trong việc học (The Four Pillars of Learning)[1]. Học để biết; Học để làm; Học để tự khẳng định chính mình/học để làm người; và Học để cùng chung sống.

Riêng ở quốc độ này, “Mục đích chính trong trường học tại Hoa Kỳ là để cung cấp cho sự phát triển tiềm năng trọn vẹn của từng học sinh để sống đạo đức, sáng tạo, và có hiệu quả trong một xã hội dân chủ." (“The main purpose of the American school is to provide for the fullest possible development of each learner for living morally, creatively, and productively in a democratic society”)[2]. Còn thời Việt Nam Cộng Hoà thì triết lý giáo dục được đặc trên nền tảng: nhân bản, dân tộc, và khai phóng[3]. Ngày nay, không biết nền tảng Giáo dục Việt Nam của chúng ta đang đặc ở đâu?

Riêng trong Phật Giáo, thiển ý của chúng tôi là sứ mệnh và mục đích tối hậu vẫn là “Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.” Nói cách khác là Tự mình tìm ra chân lý, giúp người thấy ra chân lý, và tất cả đều giác ngộ ra sự thật/chân lý. Còn tổ chức Gia Đình Phật Tử thì lấy Bi-Trí-Dũng làm nên tảng. Ngoài Đức dục, trí dục, và thể dục, chủng tử và huân tập là những phương tiện thiện xảo để giáo dục tuổi trẻ ngày nay. Tuy nhiên chúng tôi muốn đề cập đến Tứ Tất Đàn trong việc sự Giáo dục trong Phật Giáo. 

Theo Hoà thượng Thích Thái Hòa, trong bài Tứ Tất Đàn Và Sự Ứng Dụng Trong Cuộc Sống, Thầy giải thích như sau:
Tứ Tất Đàn, tiếng Phạn là catvari siddhanta; catvari có nghĩa là tứ và siddhanta phiên âm là tất đàn, có khi còn được phiên âm là “Tất Đàm”, và dịch là “Tác Thành Tựu”, có nghĩa là làm cho công việc thuyết pháp của Đức Phật được thành tựu. Chữ siddhanta, Hán dịch là "thành tựu", nghĩa là nhờ dựa vào bốn phương pháp này, mà Đức Phật thuyết pháp và thành tựu được sự nghiệp hoằng hóa, giáo hóa chúng sinh, đưa chúng sinh từ mê lầm đến giác ngộ, từ sinh tử đến Niết Bàn, từ phàm lên Thánh, từ mê lầm đến sự hiểu biết cao thượng.

Nội dung Tứ tất đàn gồm có: 1. Thế giới tất đàn; 2. Vị nhân tất đàn; 3. Đối trị tất đàn; và 4. Đệ nhất nghĩa tất đàn. Đây là bốn phương pháp mà Đức Phật đã tùy duyên và bất biến, giảng dạy và thành tựu viên mãn mà chúng ta có thể áp dụng ngày nay. Vì tính chất tùy duyên ở trong đạo Phật, chúng ta cũng tùy duyên sinh hoạt, giảng dạy, và hoằng Pháp cho thế hệ kế thừa những phép kỉnh sau:
1) Thế giới tất đàn: Vì sự an lạc và hạnh phúc của chúng sanh, đức Phật đã dùng phương tiện tùy thuận chúng sinh mà thuyết pháp và giảng dạy.

2) Vị nhân tất đàn: Ngài vì tùy vào căn cơ trình độ cao hay thấp, tâm lý, chủng tử của mỗi người mà dùng phương tiện này, phương tiện khác để họ dễ tiếp thu, mau tiến hóa hầu sống hài hoà an lạc.
3) Đối trị tất đàn: Ngài vì tùy thuận chỗ mê lầm và tâm bệnh của chúng sinh mà nói Pháp đối trị, như một vị Bác sỹ giỏi tùy bệnh cho thuốc để hồi phục.
4) Đệ nhất nghĩa tất đàn: Khác với 3 tất đàn trước, chỉ là phương tiện, thì Đệ nhất nghĩa tất đàn là cứu cánh và là mục đích giáo dục của đạo Phật. Khi đức Phật thấy cơ duyên của chúng sinh đã thuần thục Ngài không dùng phép tương đối mà khai thị con đường Trung đạo và Nhị đế (hai sự thật), thật tướng của các Pháp,  để thuyết cái thật tướng của vạn pháp để cho chúng sanh sớm giác ngộ. 
Như huynh trưởng Tâm Minh Vương Thuý Nga chia sẻ, “Đây là nét đặc sắc của Giáo dục Phật Giáo nói chung hay giáo dục của đức Thế Tôn nói riêng. Trong một thời Pháp của đức Thế tôn lúc Ngài còn tại thế, Ngài thường vận dụng 4 tiêu chuẩn hay 4 nguyên tắc để trình bày một vấn đề (một sự thật, một chân lý…)” Hoà thượng Thích Thái Hoà còn căn dặn:
Quý vị phải biết rằng, trong Thế gian tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn,  nên nói theo thế gian mà không sai với chính nghĩa; nói thuận theo với thế gian mà không sai với Niết bàn; ở trong sinh tử mà không sai với Niết bàn giải thoát.
Cũng vậy, trong Vị nhân tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn, trong Đối trị tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Chúng ta phải tùy căn cơ, tùy từng hoàn cảnh của con người, từng hoàn cảnh xã hội mà giáo hóa, chúng ta tùy thuận mà không tùy thuộc. Vì sao? Vì trong Đối trị tất đàn, trong Vị nhân tất đàn, trong Thế gian tất đàn, mỗi cái đều có Đệ nhất nghĩa tất đàn. Cho nên, trong cái tùy duyên có tính chất bất biến bên trong.
Đây là điều mà các anh/chị/em cần phải học tập, chiêm nghiệm để có thể hành đạo được ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Nói tóm lại, Tứ tất-đàn là bốn phương tiện thiện xảo trong giáo dục mà Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni đã thực hành và giảng dạy. Theo gót chân Ngài, chúng ta cũng nên tùy theo căn cơ trình độ và bối cảnh xã hội khác của đoàn sinh / học sinh / đối tượng v.v… để thích nghi làm lợi lạc cho quần sanh và xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ cho rằng sự ra đời của Đức từ phụ vẫn là mang lại sự giác ngộ và giải thoát cho tất cả chúng sanh. Mà muốn thành tựu được sự giác ngộ giải thoát này, chúng sanh, mà nhất là chúng ta, cần phải huân tập, tu dưỡng và chuyển hoá thân lẫn tâm từ khổ đau thành cuộc sống an vui, hạnh phúc và thanh thản cho mình và cho người, ngay bây giờ và cho cả tương lai.

Tâm Thường Định

Reference:

1. Tâm Minh Vương Thuý Nga, Phương Pháp Truyền Đạt Trong Giáo Dục Phật Giáo Và Trong Môi Trường GĐPT, Trang nhà Thư Viện Hoa Sen.

2. Thích Hạnh Bình, Đạo Phật Xưa Và Nay, Trang nhà Quảng Đức.

3. Thích Thái Hoà, Tứ Tất Đàn Và Sự Ứng Dụng Trong Cuộc Sống, Trang nhà Thư Viện Hoa Sen. http://thuvienhoasen.org/a13153/tu-tat-dan-va-su-ung-dung-trong-cuoc-song




[1] The four pillars of learning,
http://www.unesco.org/new/en/education/networks/global-networks/aspnet/about-us/strategy/the-four-pillars-of-learning/
The four pillars of learning are fundamental principles for reshaping education:
Learning to know: to provide the cognitive tools required to better comprehend the world and its complexities, and to provide an appropriate and adequate foundation for future learning.
Learning to do: to provide the skills that would enable individuals to effectively participate in the global economy and society.
Learning to be: to provide self analytical and social skills to enable individuals to develop to their fullest potential psycho-socially, affectively as well as physically, for a all-round ‘complete person.
Learning to live together: to expose individuals to the values implicit within human rights, democratic principles, intercultural understanding and respect and peace at all levels of society and human relationships to enable individuals and societies to live in peace and harmony.
[3] Nguồn – Wikipedia.org.  Giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Chính sách văn hóa giáo dục, trang 5, Hội đồng Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng hòa (1972)

Friday, September 4, 2015

ĐEM CHÁNH NIỆM VÀ TÌNH THƯƠNG VÀO NHÀ TÙ TIỂU BANG CALIFORNIA


Nhà tù Folsom State Prison - ảnh từ CDCR on internet
NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG TUỔI TRẺ -

ĐEM CHÁNH NIỆM VÀ TÌNH THƯƠNG VÀO NHÀ TÙ TIỂU BANG CALIFORNIA



            Từ xa lộ cao tốc I-80 hướng về El Dorado Hill, chúng tôi rẽ trái trên Folsom Blvd, xuyên qua phố thị lẻ loi. Gần bờ hồ Folsom, một nhà tù rất lớn nằm dưới thung lũng của những ngọn đồi đẹp bao bọc, hàng trăm cây sồi California native oaks hiện ra thật vững chải nhưng buồn tẻ. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy những đàn gà Tây và những chú nai ngơ ngác bước nhẹ trên đồi. Cảnh trí bên ngoài ở đây thật bình yên đến vắng lặng.
Thế đấy mà đã hơn 4 năm rồi, chúng tôi vào tù để đem thông điệp chánh niệm và từ bi để chia sẻ cho những tù nhân, trong đó có những vị đồng hương Việt Nam, đa số là còn trẻ. Chúng tôi là những thiện nguyện viên của Buddhist Pathway Sangha (BP3) vào nhà tù an ninh tối đa Folsom State Prison (B-yard) của tiểu bang California.
Xin mở ngoặc, nhà tù Folsom State Prison, viết tắc là FSP, mở cửa vào năm 1880, là nhà tù an ninh tối đa maximum security prison, lớn thứ hai và lâu đời nhất trong tiểu bang, sau khi nhà tù SanQuentin. Nhà tù FSP nằm ở thành phố Folsom, CA, khoảng 20 dặm (30 km) về phía Đông Bắc của thủ phủ Sacramento. Nhà tù FSP khá nổi tiếng bởi vì nhạc sĩ Mỹ nổi tiếng Johnny Cash đã thu album live và năm 1968. Theo trang nhà California Department of Corrections and Rehabilitation (Sở Cải Huấn và Phục Hồi Chức Năng California,  http://www.cdcr.ca.gov/Facilities_Locator/FSP-Institution_Stats.html), theo thống kê năm 2013-2014, nhà tù FSP có 3023 tù nhân nam và có 307 tù nhân nữ (bị nhốt riêng ở nhà tù trong khu vực khác), tổng cộng là 3330 tù nhân và có 1058 nhân viên làm việc (Custody Staff: 562, Support Staff: 301, Healthcare Staff: 195. Annual Operating Budget, $130 million), không tính những người thiện nguyện viên như chúng tôi; và tốn 130 triệu Mỹ kim mỗi năm để hoạt động. Nghĩa là có 1 người chăm sóc 3 người tù nhân, trong khi đó chúng tôi là giáo viên trung học, 1 người phải chăm lo đến 165 học sinh mỗi ngày.  Với giá 130 triệu mỗi năm, để giữ 3330 tù nhân thì tốn đến $39,039 cho mỗi tù nhân, mỗi năm. Trong khi đó, theo thống kê ở tiểu bang California (http://www.governing.com/gov-data/education-data/state-education-spending-per-pupil-data.html), mỗi năm chỉ chi có $9,220 cho mỗi học sinh ở trường học công cộng, K-12 public school.
Từ năm 1997, dưới sự lãnh đạo và thiện nguyện tận tình của Bà Diane Wilde, Buddhist Pathway Sangha (BP3), một tổ chức bất vụ lợi, đưa những tình nguyện viên vào tù để mang triết lý Phật giáo, nghi lễ, đem phong trào chánh niệm và hướng dẫn thiền định cho các tù nhân đang ở trong những trại tù tiểu bang California. Đến nay, BP3 đã đưa chương trình này đến với 17 nhà tù lớn nhỏ ở tiểu bang California, từ sa mc high desert đến thị thành Sierra Conservation Center. Triết lý Phật giáo nhấn mạnh vào hành vi đạo đức và thực hành thiền định để có cái nhìn sâu sắc mà phát sanh lòng từ.  Thực tế là nhiều tù nhân có quá nhiều khổ đau của chính mình và đã gây đau khổ cho người khác. Thêm vào đó, những người tù nhân này đang sống trong một môi trường rất phức tạp, bạo động và đôi khi vô vọng. Nên chương trình này thành lập nhằm cung cấp cho các tù nhân phương tiện cần thiết, công cụ, tài nguyên và kỹ năng sống hầu thay đổi cuộc sống của họ khi còn bị giam giữ hoặc khi được thả ra.
            Khi vào tù làm thiện nguyện, thì chúng tôi thường đi chung, 2 hoặc 3 người vì những thủ tục rườm ra và an toàn cho mình. Trước khi vào đó, chúng tôi phải đi học về hệ thống nhà tù, các nhóm băng đảng, kiểm tra sức khoẻ, làm hồ sơ không bị phạm tội, chính ngừa ho lao, v.v… Chúng tôi phải lái xe gần 40 phút, rồi đậu xe và đến cổng để trình trước khi vào bên trong, những người canh tù bắt chúng tôi phải ghi tên và ngày giờ vào mới có lý do chánh đáng.  Chỉ có những người có trách nhiệm và nhân viên mới vào được cổng này. Tất cả mọi xe cộ và người ra vào đều phải được kiểm tra.  Sau đó, chúng tôi đến Sally Port, nơi có hai hàng lớp kẽm gai, chính giữa là luồng điện sống.  Trên tháp canh giác tù (observation tower) có những nhân viên an ninh vạm vỡ đang canh chừng với súng đạn và nhiều máy ghi hình (camera) bao vây. Cá nhân tôi đã thuộc lòng lời dặn của tiến sỹ Gus Koehler, người bạn Phật giáo cùng lý tưởng, dặn dò tôi vào tối đầu tiên là không bao giờ chạy trong bất cứ mọi hoàn cảnh khi ở bên trong nhà tù vì “khi chạy có thể mình bị bắn”.
            Mỗi khi vào, chúng tôi sắp đặt bàn thờ Phật, tụng kinh, tập yoga, ngồi thiền, và chia sẻ Phật pháp. Sau đó hồi hướng và tiễn đưa. Đã mấy năm rồi, vào ra nhà tù một cách thong dong tự tại như thế bỗng dưng lại thấy ‘bị nghiền’. Bận quá không vào chia sẻ thì tù nhân đợi chờ. Bên trong, những tù nhân cũng gọi mình là nhóm học Phật, tăng thân (Sangha) mỗi khi vào thì năng lượng tu học của mình lại có thêm. Đó là những cảm giác êm đềm, an nhiên và tự tại mà chúng tôi đã viết lần đầu tiên vào ra cửa tù FSP.

VÀO RA TỰ TẠI

Vào tù ra khám trong tự tại
Cảm giác nào thoải mái như vầy
Niềm an lạc giữa nơi tù tội
Hạt bồ đề đạo pháp nhiệm mầu

Những tử tội một lần dại dột
Nay ngồi tù hối hận trong lòng
Về cửa Phật tĩnh tâm thiền định
Gieo hạt lành ngay giữa long đong

Tối nay trong khám nhiều lợi lạc
Người canh tù cũng được bình yên
Kẻ tử tội tìm về bến giác
Bốn vách tường.  Độc Lập. Tự Do.

Tối nay ra khám bao vẻ đẹp
Con nai vàng ngơ ngác nhìn tôi
Vầng trăng sáng im lìm ngỏ hẹp
Nghe thênh thanh một lối đi về

Folsom State Prison, CA.

November, 2011.


IN and Out at Will
        To Gus, Jeff and Joette

I am in and out of the maximum-security state prison at will
What a release…
A comfortable feeling.
Finding peace, even bliss in this violent prison place
Even here Dharma seeds are sown
It is a miracle
The criminal elements, once foolish
Now show remorse and regret inside the prison
They come to the Buddha's door and join the meditation retreat,
Personally sowing their own fresh Dharma seed in the middle of stagnancy and uncertainty.
Tonight I see many benefits for the inmates
Even the prison guards are peaceful
The criminals look for ways to be transformed by finding
In the Chapel of cement cold walls true independence and freedom.
Tonight I came out of jail and found how beautiful things really are
The golden deer look at me bewildered
The crescent, Dormant, moon light is sparkling the night.
I listen to my footsteps on an immense footpath going home.

Folsom State Prison, CA.
November 2011.

            Hình ảnh và sự biểu hiện lợi lạc của những tù nhân cũng như người tiếp cận là động cơ để mình tiếp tục vào tù để chia sẻ mặc dù bận bịu với công ăn việc làm và đời sống hằng ngày. Đáng lý ra, chúng tôi sẽ không viết những loạt bài này, nhưng có những lời góp ý hữu lý từ những người anh khả kính, khuyên rằng chúng ta giúp những người trong tù thì tốt nhưng giúp những người ở ngoài tù thì càng tốt hơn.
Nói tóm lại, mặc dù tiểu bang California (CDCR - Sở Cải Huấn và Phục Hồi Chức Năng California) đã tốn rất nhiều tiền và nhân sự để cai quản tù, nhưng cuộc sống của tù nhân rất đơn lẻ, buồn tủi, phức tạp, bạo động và đôi khi là vô vọng, nên chúng tôi hy vọng là chúng ta hãy làm mọi cách để thiểu giảm (từ thuở ban đầu) đưa con người vào tù, nhất là con em Việt Nam của chúng ta.  Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có thêm nhân sự để vào tù hầu trao truyền thông điệp tỉnh thức của đấng Như Lai, giúp đời bớt khổ. Nếu quý độc giả, muốn biết thêm chi tiết, xin thăm trang nhà http://www.buddhistpathways.org/ hoặc liên lạc với chúng tôi ở trang nhà www.phebach.com.

Bạch X. Phẻ
Sacramento, ngày sinh nhật chị Sáu.


Monday, July 27, 2015

5 CÁCH THỰC HÀNH ĐỂ XOA DỊU NHỮNG CƠN GIẬN



NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG - 
5 CÁCH THỰC HÀNH ĐỂ XOA DỊU NHỮNG CƠN GIẬN

            Chúng ta đều biết giận là không lành mạnh, không nên và không đẹp thế mà chúng ta lại thường nổi giận. Ông Bà ta có dạy, "No mất ngon, giận mất khôn" là thế. Sau đây là 5 phương pháp thực tập để xoa dịu cơn giận và tận hưởng thời gian quý báu, quan trọng của mình với nhau.
            Trong cuộc sống có những điều rất nhỏ mà cũng có thể làm ta nổi giận và sự giận dữ
đó có thể đưa đến tan vỡ hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc gia đình. Thật ngạc nhiên là thông thường những điều nhỏ bé ấy có thể khiến chúng ta mất bình tỉnh hay nổi giận thiên đình. Mỗi khi sự giận dữ của bạn nổ tung, thật khó để kiểm soát hay lấy lại những gì mình đã nói và làm. Tức giận, cũng như những cảm xúc khác—vui buồn, thương ghét v.v...—không phải là một điều xấu. Đó là một cảm xúc cần thiết, nhưng nếu chúng ta không kiểm soát những cảm xúc, lời nói, hoặc hành động, nó sẽ đưa ta mất niềm vui, an lạc, hoặc tệ hơn là sự cải vả để rồi đưa đến bất hoà hay tan vỡ.

            Vì thế chúng tôi xin chia sẻ 5 phương thức hay chiến thuật xem như là biện pháp phòng ngừa để gìn giữ cơn tức giận đừng nổ tung trong cuộc sống của bạn giúp chúng ta có chánh niệm—nền tảng của sự an lành và hoà hợp.

1. Nhận chân cơn giận của mình.

             Cơn giận có hình tướng (anatomy) và mục đính chính của nó, cũng như cái ngã (ego), là làm cho nó càng ngày càng to và cuối cùng là làm nổ tung ra. (Anger happens spontaneously, build up and explode). Trong giai đoạn đầu, cơn giận thường có mồi để bộc phát. Ví dụ như sự căng thẳng, bực bội, không ưa thích gì đó, khó chịu trong cơ thể, mệt mỏi, ngã mạn, kêu ca, v.v... đây là bước đầu, là ngòi nổ. Rồi, cơn giận thường tự phát, dồn dập và bùng nổ. Sự nóng nảy của chúng ta thường có những dấu hiệu cảnh báo như bực mình, tức tối, một cảm giác thất vọng, gia tăng nhịp thở, đỏ mặt, run rẩy v.v... 

Khi mình có sự thực tập, thì mình nhận ra cơn giận của chính mình ở trong giai đoạn nào. Khi giận mình biết là mình đang giận. Chúng ta phải đủ bình tĩnh và can đảm để nhận ra cảm xúc của mình và của đối phương. Hãy thở sâu và chậm vài hơi. Chút thời gian ít ỏi đó có thể giúp ta khám phá cảm xúc và quan điểm của mình.
            Hãy thở sâu và chậm ba hơi; dài biết dài, ngắn biết ngắn. (Hơi thở ra thông thường dài hơn hơi thở vào). Thở chánh niệm như vậy một vài hơi, bạn sẽ nhận thấy sự thay đổi cảm giác cơ thể. Lắng nghe những suy nghĩ của mình mà không cần thêm bớt các cuộc đối thoại nội tâm hay ít nhất là để cho nó lắng đọng.

            Mình đang suy nghĩ gì? Hãy kiên nhẫn vì những cảm giác khó chịu có thể trỗi dậy, nhưng hãy quan sát, quán chiếu cơn giận dữ của mình với sự từ bi cho chính mình (self-compassion). Bạn có thể sẽ ngạc nhiên khám phá rằng cơn tức giận của mình có để dạy cho mình những điều cần thiết.

2. Biết rằng chúng ta có nhiều lựa chọn.
            Trong tất cả những tình huống, nhận chân rằng chúng ta có lựa chọn để giải quyết. Thông thường thì chúng ta phản ứng tức khắc khi một việc gì xảy ra; với sự thực tập chánh niệm, chuyện gì xảy ra, hãy bình tĩnh và thực hành chánh niệm, rồi đáp ứng cho hợp lệ. Xin hãy xem hình vẽ minh hoạ sau đây:

Trong thời gian thử thách này, hãy nhắc nhở mình: "Ta đang có một sự lựa chọn" và xin đừng chọn lựa hay giải quyết trong sự thiếu bình tĩnh hoặc nóng giận, làm lãng phí thời gian và năng lượng của bạn trong những lúc có cảm xúc tiêu cực. Điều đó có thể hại mình hại người lúc bây giờ và cả tương lai. Những quyết định hay sự chọn lựa của ta đều phải đặc trên nền tảng lợi mình, lợi người, ngay bây giờ và cả tương lai.

3. Hành Thiền!
            Thực tập thiền hành. Thiền đã có từ ngàn xưa và có nhiều đạo thực tập Thiền, không riêng gì Phật giáo. Thiền giúp chúng ta thư giãn, nhẹ nhàng và lắng đọng. Theo những nhà nghiên cứu hàng đầu ở Hoa Kỳ trong lãnh vực Thiền Chánh Niệm như Jon-Kabat-Zin, Thiền làm nhịp tim chậm lại, giảm huyết áp, giảm sự lo lắng, và, kết quả là làm giảm stress. Trong một thử nghiệm tham gia vào một chương trình giảm stress thiền chánh niệm tám tuần có mức giảm đáng kể trong báo cáo kích thích hàng ngày (24%) và căng thẳng tâm lý (44%), và những lợi ích đã được duy trì ba tháng sau đó.

            Các nhà nghiên cứu như Kabat-Zinn (1990) và Thompson và Gauntlett-Gilbert (2008) cũng tiết lộ rằng hành thiền và thực tập chánh niệm tăng cường cải thiện sự tự nhận thức và tình trạng bệnh tật mãn tính cũng như làm tăng trưởng hạnh phúc nói chung. Ngoài ra, Martins (2012) phát hiện ra rằng những người lớn tuổi hành thiền, đạt được khả năng chánh niệm, tăng trưởng lòng từ bi, sự hiện diện, và sự chú tâm và ảnh hưởng về nhận thức của họ về cuộc sống, tuổi tác, sự sống chết, và mất mát của họ. Khi về già hành giả an nhiên và ít giận hờn, dễ dàng yêu thương và tha thứ hơn. Gần đây, Time Magazine cũng tường thuật là học sinh tiểu học tập thiền thi cao điểm hơn trong toán học so với những em khác. Vì thế, chúng ta có thể tập thiền cùng các em khoảng 5 đến 10 phút mỗi ngày nếu thời gian cho phép.



4. Hãy tập dừng lại và quán chiếu

            Nếu trong cơn giận bùng nổ, thì hãy nhận diện nó. Bảo rằng, tôi biết tôi đang giận. Hít thở thật sâu vài hơi. Nếu không có thời gian, thì chỉ một hơi thật dài. (Hơi thở ra dài hơn hơi thở vào). Hãy đi bộ (Take a walk) hay lấy mình ra khỏi không gian (timeout)
Chúng ta phải nhận thức và nhắc nhở rằng chúng ta không thể kiểm soát của bất cứ lối suy nghĩ, cảm xúc, hành động của ai cả, những gì chúng ta có thể điều khiển là của chúng ta.  Bác sỹ Amy Saltzman đã trình bày kỷ năng sống và cách thực tập qua phương pháp PEACE (Pause, Exhale, Acknowledge, Choice, Engage – Dừng lại, Thở ra, Nhận diện, Lựa cho, Hành động) cũng không ngoài mục đích này.

5. Ăn và ngủ đều độ!

Có 4 loại thức ăn mà những nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ gọi là 4 thức ăn thầm lặng giết người (four silent food killers), đó là chất muối, đường, mỡ/chất béo,
và bột/gạo). Những chất này đưa gần một nửa dân số Mỹ có một hoặc nhiều bệnh mãn tính, trong đó có bệnh hen suyễn, bệnh gan nhiễm mỡ, sâu răng (đặc biệt là ở trẻ em), bệnh tiểu đường loại 2, việc ung thư, mất trí nhớ, suy gan, và bệnh tim mạch dẫn đến các cơn đau tim đột quỵ. Ngoài ra, nếu uống bia rượu nhiều cũng không ổn vì bị say sỉn. Thậm chí càfe cũng vậy, lượng caffeine có thể thay thế một đêm ngon giấc. Có thể về lâu dài, tăng thiếu ngủ và có nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường. Hãy tránh cà phê và rượu mạnh khoảng 2-3 giờ trước khi đi ngủ. Nói tóm lại, nếu ăn uống không đều độ, sẽ đưa chúng ta đến những bệnh tật và thảm cảnh này. Chúng ta phải ăn uống cẩn trọng, nhất là cần nạp năng lượng vào buổi sáng. Nếu cơ thể bất an hay khó chịu, thì tâm trí của mình cũng không được thoải mái và có thể đưa đến sự nóng giận. Vì thế ăn uống và ngủ nghỉ đều hoà sẽ giúp chúng ta sống vui và sống khoẻ, ít giận hờn vu vơ.

            Nói tóm lại, giận là một trong những cảm xúc tự nhiên mà chúng ta có thể nhận chân và chuyển hoá được.
Nếu chúng ta thực tập chuyên cần những phương thức trên, chúng ta có thể nhận chân được sự chuyển hoá của nội tâm. Trong cuộc sống, chúng ta cần phải cởi mở, lạc quan, nhẹ nhàng và uyển chuyển để mình có cuộc sống an lạc và lành mạnh hơn hầu làm cho thế giới 
này ngày càng tốt đẹp.


Bạch X. Phẻ


Tài liệu tham khảo / Reference:



1. Bach, P. X. (2014). Mindful Leadership–A Phenomenological Study of Vietnamese Buddhist Monks in America with Respect to their Spiritual Leadership Roles and Contributions to Society (Doctoral dissertation, Drexel University).
2. Gazella, K. A. (2005). Jon kabat-zinn, phd bringing mindfulness to medicine. Alternative Therapies in Health and Medicine, 11(3), 56-64.
3. Kabat-Zinn, J. (1990). Full catastrophe living: Using the wisdom of your body and mind to face stress, pain and illness. New York: Delacorte.
4. Martins, C. A. R. (2012). Silent healing: Mindfulness-based stress reduction program for older adults. Available from Proquest Dissertations and Theses database. (UMI No. 3522535)


5. Meiklejohn, J., Phillips, C., Freedman, M. L., Griffin, M. L., Biegel, G., Roach, A., ... & Saltzman, A. (2012). Integrating mindfulness training into K-12 education: Fostering the resilience of teachers and students. Mindfulness3(4), 291-307.
6. Saltzman, A. (2011). Mindfulness: A guide for teachers. The Center for Contemplative Mind in Society.
7. Thompson, M., & Gauntlett-Gilbert, J. (2008). Mindfulness with children and adolescents: Effective clinical application. Clinical Child Psychology and Psychiatry, 13, 395-407.