Showing posts with label Nguyên giác. Show all posts
Showing posts with label Nguyên giác. Show all posts

Saturday, January 25, 2020

Từ Nhà Sư Chí Hiên Tới Nhà Thơ Nguyễn Du

Tranh hai chị em Thuý Kiều - Photo: Bui Thuy Dao Nguyen - Wikipedia

Từ Nhà Sư Chí Hiên Tới Nhà Thơ Nguyễn Du  
Nguyên Giác

Thi hào Nguyễn Du (1766–1820) mang trong tâm rất nhiều nỗi buồn sâu thẳm… Đó là điểm nổi bật hiện ra khi đọc lại thơ Nguyễn Du, nơi đó từng trang sách, từng câu văn là những suy nghĩ rất buồn. Hình ảnh Nguyễn Du trong văn học Việt Nam  đã trở thành một đỉnh cao ngôn ngữ, một tượng đài thi ca cho muôn đời sau, tuy tuổi thọ của cụ chỉ 54 tuổi (ghi nhận, một số sách cũ ghi rằng Nguyễn Du sinh năm 1765, nhưng các sách mới ghi theo Nguyễn tộc gia phả viết rằng Nguyễn Du sinh năm 1766).
Như thế, năm nay, năm 2020, là 200 năm tính từ năm cụ khuất núi. Nguyễn Du từng có thời xuất gia… Nếu cụ ẩn trong chùa, sống suốt một đời tăng sĩ, hẳn là chúng ta sẽ thấy sự nghiệp văn học của cụ mang ngôn phong khác; có thể sẽ là một Thiền sư để lại nhiều bài thơ Thiền và một số sách luận giải kinh điển. Nhưng khói lửa thời ly loạn đã kéo Nguyễn Du về với nội chiến phân tranh, và tâm hồn lãng mạn đã dẫn cụ về những những hình bóng giai nhân trong thơ (và cả trong đời thường). 
Trong thời đất nước điêu linh, gia tộc Nguyễn và bằng hữu chia nhiều phe – một phần theo phò nhà Lê, một phần theo nhà Tây Sơn dựng nghiệp, một phần theo Nguyễn Ánh, người sau này thống nhất đất nước và trở thành Vua Gia Long (sử ghi: năm 1796, Nguyễn Du trốn vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh nhưng bị Quận công Nguyễn Thận bắt giam ba tháng ở Nghệ An, sau án tù được tha về quê sống ở Tiên Điền)  – nhà thơ Nguyễn Du từng trực tiếp tham dự cuộc chiến phân tranh, rồi do cơ duyên lưu lạc (nói theo chữ bây giờ: làm du tăng? hay tỵ nạn? hay lưu vong?) nhiều năm trên đất Trung Hoa. Rồi cũng có một thời kỳ nhà thơ nho sĩ Nguyễn Du dấy binh nổi dậy, thua trận và rồi trốn về quê vợ, ăn rau nhiều năm tới xanh cả mặt... Khi Tây Sơn bị tận diệt, Nguyễn Du ra làm quan cho Vua Gia Long, nhưng thơ ông cho thấy một tấm lòng muốn lui về ẩn cư nơi quê nhà Hồng Lĩnh. Nỗi buồn sâu thẳm tới mức khi bệnh nặng, Nguyễn Du không uống thuốc, nói người nhà sờ vào tay chân xem; khi người thân nói lạnh rồi, Nguyễn Du chỉ nói, “Được” – và từ trần, không lời nào trăn trối để lại. 
Nỗi buồn đó không chỉ ẩn trong Truyện Kiều với những câu như:
Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng...

Nỗi buồn đã hiển lộ rất mực đa dạng trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du, trong nhiều bài viết và nhiều đề tài. Thơ buồn tới mức có thể nói rằng Nguyễn Du đang tuyên thuyết Khổ Đế của nhà Phật.
Một điểm cho thấy rằng ngay cả khi trong cõi nhân gian, có mối tình lãng mạn với Hồ Xuân Hương khoảng ba năm, Nguyễn Du từng làm 2 bài thơ tặng nữ sĩ họ Hồ với bút hiệu Chí Hiên (và như thế, Nguyễn Du từng làm thơ tặng cô với một hay nhiều bút hiệu khác)… Tại sao làm thơ tặng nữ sĩ lại ký bút hiệu bằng pháp hiệu Chí Hiên thời còn là một tăng sĩ? Hay là, có ai trùng tên Chí Hiên? Hay là, Nguyễn Du làm thơ tặng nàng họ Hồ nhưng không muốn nhiều người biết, nên dùng pháp danh khi còn là tăng sĩ Chí Hiên trong thời lưu lạc bên Trung Hoa? 
Trong khi đó, Nguyễn Du trong thi tập “Nam trung tạp ngâm” có 5 bài thơ nhan đề Mộng đắc thái liên (từ kỳ 1 tới kỳ 5), lời rất lãng mạn, được học giả Hoàng Xuân Hãn và Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích (trong sách Lưu Hương Ký do NNB dịch và chú) suy đoán là Nguyễn Du làm tặng Hồ Xuân Hương.
Nơi đây, sẽ trích  các bản dịch nghĩa của Thivien.net để thấy chất thơ rất lãng mạn của Nguyễn Du. Để dễ đối chiếu các văn bản, sẽ viết như văn xuôi.
--- Mộng đắc thái liên kỳ 1 (Mộng thấy hái sen kỳ 1): Khẩn thúc giáp điệp quần / Thái liên trạo tiểu đĩnh. / Hồ thuỷ hà xung dung / Thuỷ trung hữu nhân ảnh.
Dịch nghĩa: Buộc chặt váy cánh bướm / Chèo thuyền con hái sen / Nước hồ sao lai láng / Trong nước có bóng người.
--- Mộng đắc thái liên kỳ 2: Thái thái Tây Hồ liên / Hoa thực câu thướng thuyền / Hoa dĩ tặng sở uý / Thực dĩ tặng sở liên.
Dịch nghĩa: Hái, hái sen Hồ Tây / Hoa và gương sen đều để trên thuyền / Hoa để tặng người mình trọng / Gương để tặng người mình thương.
--- Mộng đắc thái liên kỳ 3: Kim thần khứ thái liên / Nãi ước đông lân nữ / Bất tri lai bất tri / Cách hoa văn tiếu ngữ.
Dịch nghĩa: Sớm nay đi hái sen / Nên hẹn với cô láng giềng / Chẳng biết đến lúc nào không biết / Cách hoa nghe tiếng cười.
--- Mộng đắc thái liên kỳ 4: Cộng tri liên liên hoa / Thuỳ giả liên liên cán / Kỳ trung hữu chân ti / Khiên liên bất khả đoạn.
Dịch nghĩa: Mọi người đều biết yêu hoa sen / Nhưng ai là kẻ yêu thân sen / Trong thân cây sen thật có tơ sen / Vương vấn không đứt được.
--- Mộng đắc thái liên kỳ 5: Liên diệp hà thanh thanh / Liên hoa kiều doanh doanh / Thái chi vật thương ngẫu / Minh niên bất phục sinh.
Dịch nghĩa: Lá sen sao mà xanh xanh / Hoa sen đẹp đầy đặn / Hái sen chớ làm tổn thương ngó sen / Sang năm sen không mọc lại được.
Làm tới 5 bài thơ lãng mạn tuyệt vời, chỉ để tặng một cô hái sen vô danh? Hiển nhiên là tặng ai đó, nhiều phần hẳn là nữ sĩ họ Hồ.
Tiến sĩ Phạm Trọng Chánh trong bài viết nhan đề “Tiểu Sử Nguyễn Du Qua Những Phát Hiện Mới” trên Việt Báo ngày 02 / 01 / 2016 ghi nhận như sau, trích:
“Từ khi tìm ra Lưu Hương Ký thơ Hồ Xuân Hương có chép hai bài thơ Chí Hiên tặng. Suy diễn từ tình cảm oán trách trong bài, tôi cho rằng đó là thơ Nguyễn Du, oán trách Hồ Xuân Hương đi lấy chồng Thầy Lang xóm Tây làng Nghi Tàm, khi Nguyễn Du bị tù tại Hồng Lĩnh năm 1796. Tôi cho rằng đó là bút hiệu Nguyễn Du dùng trước khi đổi thành bút hiệu Thanh Hiên. Cuối năm 1787 Nguyễn Du sang Vân Nam bị bệnh ba tháng xuân, sau đó Nguyễn Du xuất gia thành nhà sư Chí Hiên, để đi giang hồ đến Trường An và hẹn gặp lại Nguyễn Đại Lang tại Trung Châu. Thành nhà sư đi nhờ các thuyền buôn không mất tiền, đêm trú lại một ngôi chùa trên đường đi tụng Kinh Kim Cương làm công quả, ăn ngủ tại các chùa trên đường đi. Chí là danh hiệu Chí Thiện Thiền Sư Chưởng môn Thiếu Lâm Tự thời vua Càn Long. được người đương thời kính phục, đề tài của nhiều bộ tiểu thuyết. Nhà sư giỏi võ vác thanh trường kiếm trên vai, được các thuyền buôn tin tưởng và có thể nhờ làm lễ cầu phúc cầu may buôn bán tốt lành. Với phương tiện này Nguyễn Du có thể đi Giang Bắc Giang Nam cái túi không, Muôn dậm mũ vàng chiều nắng xế, (đi gần 5000 km) và Tụng Kinh Kim Cương nghìn lượt (1000: 365 ngày= khoảng 3 năm).” (1)
Đó là một giả thuyết cũng có thể khả tín. Tuy nhiên, không ai biết chính xác các chi tiết đó. Bởi vì, một Thiền sư hẳn là quan tâm về Thiền hơn tụng kinh, và  không chắc đã tụng kinh hàng ngày trong khi lưu lạc trên đất Trung Hoa. Một điểm nên thấy, Nguyễn Du (trong vai trò nhà sư Chí Hiên) có thể giỏi làm thơ, viết văn chữ Hán, nhưng để giao tiếp là phải nói, hẳn nhiên là giọng không phải là giọng nói của người bản xứ Trung Hoa, như thế chuyện “tụng kinh để làm lễ cầu phúc cầu may buôn bán tốt lành” thì đa số dân Trung Hoa có lẽ không thỉnh mời một nhà sư Việt Nam, với cách tụng kinh giọng người Hà Tĩnh như cụ. Hẳn là, cụ Nguyễn Du tụng ngàn biến Kinh Kim Cương nhiều phần là trong những khi ẩn cư ở Việt Nam. Có thể đoán rằng, trong bộ y phục nhà sư, Nguyễn Du chỉ cần viết thư pháp vài chữ là được Phật tử cúng tiền, thậm chí chỉ cần đứng chắp tay trước cửa nhà hay góc phố là được dân Trung Hoa bước tới cúng dường; đó là truyền thống của các Thiền sư Trung Hoa, tùy trường hợp: vấn đạo, thỉnh pháp, du hóa… Bởi vì, Nguyễn Du không lẽ chỉ mặc áo sư để có tiền đi bụi đời Giang Nam, Giang Bắc… 
Nhưng khát vọng sống đời xuất gia lúc nào cũng mang trong tâm Nguyễn Du (có thể, kể cả khi đã lấy vợ?)… Giọng thơ Nguyễn Du bàng bạc chất buồn của một người sống thâm sâu với ý thức về Khổ Đế, như trong bài thơ nhan đề Tự thán kỳ 2, trong tập Thanh Hiên Thi Tập viết trong thời kỳ Mười năm gió bụi (1786-1795), trích: 
Thư kiếm vô thành sinh kế xúc / Xuân thu đại tự bạch đầu tân / Hà năng lạc phát quy lâm khứ / Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân!
Bản dịch nghĩa trên Thuvien.net: Văn võ không thành sinh kế quẫn bách / Hết xuân lại thu, đầu cứ bạc thêm / Ước gì có thể gọt tóc vào rừng / Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây!
.
Hãy hình dung rằng Nguyễn Du tự biết mình có tài văn chương, tự tin có tài võ lược (Sử ghi: năm 1787, Nguyễn Du bốn năm trấn đóng Thái Nguyên, sau trận chiến với quân Tây Sơn, đi giang hồ không nhà không cửa cùng Nguyễn Đại Lang) nhưng cuộc nội chiến đã làm tan nát cả gia tộc nhà Nguyễn, và rồi Nguyễn Du phải bụi đời (tỵ nạn? lưu vong?) sang Trung Hoa – và trở thành nhà sư du tăng trong thời kỳ này.
Trong thời kỳ lưu lạc bên Trung Hoa (từ 1787 tới 1790), Nguyễn Du lúc nào cũng nghĩ tới quê nhà. Bài thơ nhan đề Bát Muộn (Xua Nỗi Buồn) trong tập Thanh Hiên Thi Tập có 4 dòng cuối như sau:
Tang tử binh tiền thiên lý lệ / Thân bằng đăng hạ sổ hàng thư / Ngư long lãnh lạc nhàn thu dạ / Bách chủng u hoài vị nhất sư.
Dịch nghĩa: Quê nhà trong cơn binh lửa hẳn đã tiêu điều / Ở xa muôn dặm nghĩ đến mà rơi nước mắt / Bạn bè, bà con chỉ còn lại mấy hàng thư dưới đèn / Đêm thu vắng, cá rồng lặng lẽ, trăm mối u hoài chưa dẹp được chút nào!
Nỗi buồn không chỉ là từ xa muôn dặm nghĩ về quê nhà, mà tự thấy là suốt đời không gỡ nổi. Trong bài thơ nhan đê “Thu Chí (II)” trong cùng tập thơ trên, có hai câu rất buồn, trích:
Trù trướng lưu quang thôi bạch phát / Nhất sinh u tứ vị tằng khai.
Dịch nghĩa: Thời gian thấm thoắt làm cho mái tóc chóng bạc / Nghĩ mà ngậm ngùi, suốt đời ta chưa hề gỡ được mối u sầu.
Nỗi buồn sâu thẳm tới mức Nguyễn Du không nói nên lời. Ngay cả khi làm quan cho Vua Gia Long cũng  giả vờ như ngu, như khờ, như sợ cung đình… Tại sao? Nguyễn Du là một nhà thơ tài năng tự biết hơn người, bản thân cũng đã từng vào sinh ra tử với đao kiếm, cũng từng là nhà sư và ý thức về vô thường, lẽ nào lại thực sự là ngu, thực sự là khờ, thực sự là sợ? Trong khi đó, theo gia phả, Nguyễn Du là chú vợ của Vua Gia Long Nguyễn Ánh (một cung tần của vua là bà Thị Uyên, con Nguyễn Trừ, anh thứ năm của Nguyễn Du).
Tự điển Bách khoa Mở viết về thái độ Nguyễn Du trong cung đình:
“Đại Nam thực lục chép về Nguyễn Du: 'Du là người Nghệ An, học rộng giỏi thơ, càng giỏi về Quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì.' Đại Nam liệt truyện chép: 'Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến, sợ hãi như không nói được.' Người đời sau, như ý kiến của các ông Trịnh Vân Định, Trần Nho Thìn cho đó là một cách khéo léo để giữ toàn mạng và thăng tiến trong thời loạn, mặc dù trong văn thơ của Nguyễn Du thường đề cao những anh hùng thời loạn, nhưng ông chọn cách sống khác, cống hiến nhưng "ẩn dật" trong chốn quan trường.”
Ngẫm lại, nỗi buồn sâu kín của Nguyễn Du kéo dài hơn một đời người. Ông nghĩ rằng ba trăm năm sau may ra mới có người thương tiếc ông… Bài thơ nhan đề “Độc Tiểu Thanh ký” trong Thanh Hiên Thi Tập) có hai câu cuối:
Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Dịch nghĩa: Chẳng biết ba trăm năm sau nữa / Thiên hạ có ai khóc Tố Như ta?
Buồn chi mà gửi tâm sự tới ba trăm năm sau? Hẳn là từ cuộc nội chiến binh đao… Anh vợ của Nguyễn Du theo nhà Tây Sơn, trong khi hai người anh / em của Nguyễn Du dự tính chạy theo Lê Chiêu Thống sang Tàu nhưng không kịp. 
Bài thơ nhan đề "Ngô gia đệ cựu ca cơ" trong thi tập Bắc Hành Tạp Lục, tương truyền là Nguyễn Du tặng cho em khác mẹ là Nguyễn Úc. Theo Wikisource:
“Gia đệ: Em, có thể là em cùng mẹ, mà cũng có thể là em khác mẹ. Đây có thể chỉ người em cùng mẹ là Nguyễn Úc được tập ấm là Hoàng Tín đại phu Trung Thành Môn Vệ Úy. Năm Kỷ Dậu (1789) vua Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, Nguyễn Úc chạy theo không kịp, về ngụ nơi quê vợ, làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Năm Tân Vị (1811), Gia Long nghe ông có tài khéo, xuống chiếu triệu vào kinh, bổ làm Thiêm Sự bộ Công, tước Hầu. Những miếu điện ở kinh thành đều do ông sáng chế kiểu thức.” (2)
Trong khi đó, sách Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Trần Văn Nhĩ, NXB Văn Nghệ, 2007) ghi rằng: “Anh của Nguyễn Du là Nguyễn Nễ (1761-1805) giữ chức Hiệp tán quân cơ Sơn Tây. Khi Lê Chiêu Thống sang Trung Quốc, ông theo không kịp, về quê mẹ ở Bắc Ninh. Sau có người tiến cử, ông theo Tây Sơn, giữ chức Hàn lâm thị thư, sau đó làm Phó sứ tuế cống sang Trung Quốc. Khi Gia Long lên ngôi, ông ra trình diện, làm quan vài năm rồi mất.”
Mặt khác, Wkipedia kể về một người anh Nguyễn Du lui về quê dấy binh chống Tây Sơn, và các gia trang nhà Nguyễn đều bị đốt sạch:
“Tháng mười, năm Tân Hợi (1791), anh thứ tư cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh do chống Tây Sơn nên bị bắt và bị giết. Dinh cơ, từ đường họ Nguyễn ở Tiên Điền, Hà Tĩnh bị tướng Tây Sơn Lê Văn Dụ đốt cháy, phá hủy, làng Tiên Điền bị làm cỏ vì cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quýnh.”
Trong khi đó, Nguyễn Đề (anh của Nguyễn Du) và Đoàn Nguyễn Tuấn đều đã rời nhà Lê để theo Tây Sơn (nhưng Nguyễn Du hướng tâm về Nguyễn Ánh, người sau trở thành Vua Gia Long). Wikipedia viết, trích:
"Năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Du về thăm quê Tiên Điền và đến cuối năm ông vào kinh đô Phú Xuân thăm anh là Nguyễn Đề đang làm thái sử ở viện cơ mật và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn.
Năm Giáp Dần (1794), Nguyễn Đề được thăng Tả phụng nghi bộ Binh và vào Quy Nhơn giữ chức Hiệp tán nhung vụ. Nguyễn Du và Nguyễn Ức được Nguyễn Đề giao cho việc về Hồng Lĩnh xây dựng lại từ đường và làng Tiên Điền mà ông bận việc quan không thể trực tiếp trông coi.
Năm 1795, Nguyễn Đề đi sứ sang Yên Kinh dự lễ nhường ngôi của vua Càn Long nhà Thanh, đến năm 1796 trở về được thăng chức Tả đồng nghị Trung thư sảnh.
Mùa đông năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Du trốn vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh nhưng bị Quận công Nguyễn Thận bắt giam ba tháng ở Nghệ An. sau khi được tha ông về sống ở Tiên Điền. Trong thời gian bị giam ông có làm thơ My trung mạn hứng (Cảm hứng trong tù). Nguyễn Du ra Thăng Long, thì Hồ Xuân Hương đã được mẹ gả cho thầy Lang xóm Tây làng Nghi Tàm.” (hết trích)
Trong bài thơ làm trong tù đó, Nguyễn Du viết:
Tứ hải phong trần gia quốc lệ / Thập tuần lao ngục tử sinh tâm.
Dịch nghĩa: Khắp bốn bể đầy gió bụi, chuyện nhà chuyện nước nghĩ tới là rơi lệ / Mười tuần nằm trong lao tù, trong lòng băn khoăn chuyện sống chết.
Lúc đó là liều thân rồi: Nguyễn Du liều thân từ khi trốn vào Gia Định tìm theo Nguyễn Ánh, thì chuyện tù hay hy sinh thân mạng không còn  là điều quan tâm. Do vậy, băn khoăn chuyện sống chết có thể là nghĩ tới theo quan điểm nhà Phật, đặc biệt là với cựu tăng sĩ Chí Hiên (Nguyễn Du), cũng là người đã từng tụng tới một ngàn lần Kinh Kim Cương… Nghĩa là, chuẩn bị cho giây phút cận tử? Chúng ta chỉ có thể suy đoán thôi. 
Trong khi đó, lúc nào Nguyễn Du cũng ý thức về pháp ấn Vô Thường của nhà Phật, trong khi tâm vẫn giữ được an nhiên. Ngôn ngữ về pháp ấn Vô Thường rất minh bạch trong các trích thơ sau.
Tạp thi kỳ 2, trích: Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự / Tứ thì tâm kính tự như như.
Dịch nghĩa: Chuyện trước mắt đổi thay như hoa nở lá rụng / Quanh năm, cõi lòng vẫn thản nhiên như không.
Ký hữu (I), trích: Nhãn để phù vân khan thế sự / Yêu gian trường kiếm quải thu phong.
Dịch nghĩa: Mắt xem việc đời như một đám phù vân / Thanh kiếm đeo lưng trước làn gió thu.
Đặc biệt là hình ảnh chỉ có trong Kinh Luận, khi dùng trăng sáng để chỉ cho bản tâm, hiện lên minh bạch khi sóng lặng.
Đạo ý, trích: Minh nguyệt chiếu cổ tỉnh / Tỉnh thuỷ vô ba đào / Bất bị nhân khiên xả / Thử tâm chung bất dao / Túng bị nhân khiên xã / Nhất dao hoàn phục chỉ / Trạm trạm nhất phiến tâm / Minh nguyệt cổ tỉnh thuỷ.
Dịch nghĩa: Trăng sáng chiếu giếng xưa / Nước giếng không nổi sóng / Không bị người khuấy lên / Lòng này không xao động / Dù bị khuấy lên / Dao động một lúc lại lặng ngay / Tấm lòng trong vằng vặc / Như ánh trăng sáng chiếu giếng nước năm xưa.
Nỗi buồn sâu thẳm của Nguyễn Du hiển lộ minh bạch trong tác phẩm có tên quen thuộc với chúng ta là Truyện Kiều (nhan đề: Đoạn Trường Tân Thanh, dịch là “Tiếng kêu mới về nỗi đau đứt ruột.”). Hình ảnh Thúy Kiều bán mình chuộc cha có phải ám chỉ tự thân từng có những hành xử bất như ý nào đó? Thí dụ: muốn làm tăng sĩ trọn đời, nhưng rồi phải về cõi thế tục, vào cuộc nội chiến, rồi làm quan? Thí dụ: nhìn thấy gia tộc chia nhiều hướng trong cuộc binh lửa, và ông muốn giải thích rằng có rất nhiều lựa chọn không hoàn toàn như ý? Hiển nhiên, chúng ta không biết minh bạch.
Nhưng di hại chiến tranh luôn luôn là tan nát, chết chóc. Đó là lý do Nguyễn Du sáng tác Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh (Văn Tế Mười Loại Chúng Sinh), với 184 câu thơ song thất lục bát, mang tấm lòng từ bi của ông. Chúng ta có thể nêu giả thuyết rằng, nếu Nguyễn Du không phải cựu tăng sĩ Chí Hiên, văn phong không thể co giọng của người trong cửa Thiền như thế.
Trong đó, thấy rõ là nỗi đau hậu chiến. Trích Văn Tế, từ câu 21:
Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh / Chí những lăm cướp gánh non sông / Nói chi những buổi tranh hùng / Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau / 25. Bỗng phút đâu mưa sa ngói lở / Khôn đem mình làm đứa sất phu / Lớn sang giàu nặng oán thù / Máu tươi lai láng, xương khô rã rời / Đoàn vô tự lạc loài nheo nhóc / 30. Quỷ không đầu than khóc đêm mưa / Cho hay thành bại là cơ / Mà cô hồn biết bao giờ cho tan...
Nhìn theo mắt của người học Phật, một bài thơ nổi bật của Nguyễn Du là bài “Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài” (Đài đá chia kinh của thái tử Chiêu Minh nhà Lương). Ngôn phong của Nguyễn Du nơi đây không còn là thơ, mà thực sự chính là kinh, là luận, là lời của Bồ Đề Đạt Ma, là ngôn ngữ của Huệ Năng… Không phải người đã trực nhận bản tâm, sẽ không viết nổi như thế.
Thiền sư Đại Lãn (Hòa Thượng Thích Đức Thắng) ghi nhận: "Qua nội dung bài thơ này, Nguyễn Du tiên sinh đã cho chúng ta biết được sự thông hiểu về giáo lý Đại thừa nhà Phật nói chung và, nhất là Thiền Tông Phật giáo nói riêng của cụ, không những về mặt nghiên cứu học hỏi thâm hiểu thông suốt sâu xa không thôi, mà ngay cả đến vấn đề thực hành trong tu tập để đưa đến sự đạt ngộ về Thiền qua “Vô Tự” là chân kinh cũng được cụ thể hiện rốt ráo nữa." (2)
Nơi đây, chúng ta trích các câu thơ cuối bài “Phân Kinh Thạch Đài” như sau:
Nhân liễu thử tâm nhân tự độ / Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu / Minh kính diệc phi đài / Bồ Đề bản vô thụ / Ngã độc Kim Cương thiên biến linh / Kì trung áo chỉ đa bất minh / Cập đáo phân kinh thạch đài hạ / Chung tri vô tự thị chân kinh.
Đại Lãn dịch:
Người tỏ tâm này người tự độ / Linh sơn chỉ tại tấm lòng ngươi / Gương sáng trong veo cũng không đài / Bồ-đề xưa nay vốn không cây / Ta đọc Kim Cương hơn nghìn biến / Áo chỉ trong kinh không tỏ nhiều / Cho đến dưới đài đá phân kinh / Cuối cùng “Vô tự” biết là chân kinh.
Than ôi, lấy đâu ra một nhà thơ viết được như thế? Người tự độ, tại tấm lòng ngươi, gương sáng không đài, Bồ-đề không cây, vô tự chân kinh… Không phải Thiền sư, không viết nổi như thế. 
Tụng kinh tới mức như thế, thấu rõ kinh luận như thế, viết rành mạch như thế, nhưng rồi vẫn trở về nơi gió bụi… để tới một ngày, ngồi xuống viết văn tế chiêu hồn cho những người bị chém đầu trong cuộc nội chiến: “Quỷ không đầu than khóc đêm mưa / Cho hay thành bại là cơ / Mà cô hồn biết bao giờ cho tan...”
Nỗi buồn nào sâu thẳm hơn… cho nhà sư Chí Hiên, người một hôm đã lang thang vào chợ để đóng vai nhà thơ Nguyễn Du.
GHI CHÚ:
(1) TS Phạm Trọng Chánh. "Tiểu Sử Nguyễn Du..." https: / / vietbao.com / a247531 / tieu-su-nguyen-du-qua-nhung-phat-hien-moi 
(2) Đại Lãn. Nguyễn Du Và Phân Kinh Thạch Đài. https: / / thuvienhoasen.org / a8357 / nguyen-du-va-phan-kinh-thach-dai 

PHOTO:
H 1:
Tượng đài nơi Khu lưu niệm Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (Photo: VietnamPlus)
H 2:
Tranh miêu tả cảnh Kim Trọng gặp chị em Thúy Kiều trong ngày Tết Thanh minh của họa sĩ Lê Chánh, được trưng bày tại lầu 3 của dinh Độc Lập. (Ảnh: Bùi Thụy Đào Nguyên, Wikipedia)






Monday, January 20, 2020

Đọc sách “Để Ngộ Tông Chỉ Phật” của Nguyên Giác

Đọc sách “Để Ngộ Tông Chỉ Phật”
của Nguyên Giác

Đây là cuốn sách thứ 14 của tác giả. Đối với một tu sĩ, nếu như một đời người mà có thể trước tác được mười bốn cuốn sách Phật thì đó đã là điều hy hữu. Ở đây, một cư sĩ đang sống tại Hoa Kỳ- một quốc gia mà nhu cầu hưởng thụ quay cuồng, biến đổi, thôi thúc từng giây từng phút. Nợ áo cơm và bận bịu gia đình phải nai lưng ra mà trả bởi vì có ai lại đem tiền bạc, đồ ăn, y phục cúng dường một cư sĩ Phật tử bao giờ? Muốn có phước báu thì phải đem cúng chùa hay cúng cho giảng sư thuyết pháp nổi tiếng chứ. Chuyện cúng dường cho cư sĩ là chuyện không bao giờ có -cho dù đó là một cư sĩ kiệt xuất như cụ Nguyễn Du, BS. Lê Đình Thám hay cụ Trần Trọng Kim, cụ Đoàn Trung Còn…. Do đó, cư sĩ có hết lòng vì Phật pháp chẳng qua cũng chỉ vì lời nguyện có từ kiếp trước là hoằng dương chánh pháp, hộ pháp mà không sở cầu bất cứ một lợi lạc nào. Thậm chí sách in ra rồi còn phải bỏ tiền mua sách từ nhà xuất bản Amazon rồi chi phí tem thư, ra nhà bưu điện gửi…để biếu không.
Điều đáng trân trọng nơi cư sĩ Nguyên Giác là tác giả bám chặt kinh điển và lời dạy của chư Tổ, không dám phóng túng cho nên nội dung có thể khô khan, nhưng “chắc ăn” và nó giúp độc giả ngộ được “Tông Chỉ Phật” mà không lạc vào đường tà. Xin nhớ cho ngày nay xuất hiện khá nhiều tà sư mê muội chúng sinh. Tu năm ba tháng đã thành Thánh hay sờ vào đầu là đã “truyền tâm ấn”, ôm nhau nhảy múa ca hát làm ô uế cửa Thiền…mà gọi đó là “phá chấp” hay “hiện đại hóa” Phật Giáo. Xin nhớ pháp Phật bao trùm lên pháp thế gian nhưng pháp thế gian không thể là pháp Phật. Thí dụ, pháp thế gian lấy ôm hôn, ca hát, nhảy múa, vui chơi, hò hét… là hạnh phúc. Nhưng pháp Phật thanh tịnh, không phiền não là hạnh phúc. Pháp thế gian lấy cầu nguyện, cúng tế để giải nghiệp. Còn pháp Phật lầy từ bi và tăng trưởng tâm lành, làm việc lành để giải nghiệp. Sách dày 275 trang, bao gồm 26 chương.
1) Hương Hoa Cúng Dường Chư Phật
         Trong chương này tác giả trích dẫn kinh nói rằng, “Trong Tăng Nhất A Hàm, có Kinh EA-20.3, bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ và Thầy Đức Thắng, có đoạn viết là khi nói về cúng dường, ghi rằng nên cúng Đức Phật hương hoa thay vì vàng bạc trân bảo. Kinh này trích như sau: “…Ông lại nghĩ như vầy: ‘Trong sách có ghi, Như Lai không nhận vàng bạc trân bảo, ta có thể đem năm trăm lạng vàng này, dùng mua hoa hương rải lên Như Lai.’ Lúc đó, bà-la môn liền vào trong thành tìm mua hương hoa.” (2) Khi nói nên cúng hương hoa thay vì vàng bạc trân bảo, có thể vì hương hoa mang ẩn nghĩa là hoa của giới, hoa của định, hoa của tuệ? Cũng có thể có ẩn nghĩa đó. Bởi vì Kinh AN 5.175, bản dịch của Thầy Minh Châu ghi lời Đức Phật rằng hoa sen còn tượng trưng Chánh tín của người cư sĩ.
         Qua việc trích dẫn những đoạn kinh nói trên, tôi có thể hiểu rằng người Phật tử không nên mặc cảm về số tiền nhiều ít cúng chùa. Tất cả phước báu đều như nhau.
2) Vượt Trên Cả Chư Thiên.
Chương này tác giả dịch nguyên một bài của Bhikkhu Bodhi từ Anh Ngữ. Ngài Bhikkhu Bodhi là một vị sư Theravada từ năm 1971. Là một dịch giả Kinh Tạng Pali sang tiếng Anh, sư cư ngụ và giảng dạy ở Chuang Yen tại Carmel, New York. Sư là nhà sáng lập và là Chủ tịch hội từ thiện Buddhist Global Relief. Bài này rất quan trọng cho hàng Phật tử “Bồ đề tâm chưa kiên cố” và thường bị chao đảo với lý luận của ngoại đạo. Theo tác giả, “Các tôn giáo độc thần tin rằng vũ trụ và nhân loại sinh ra từ một Đấng Sáng Tạo, một thời xưa cổ được hình dung như là một ông già tóc bạc râu dài đã sanh ra con người theo mô hình Thượng Đế. Khi khoa học cho biết không thể có một vị như thế, các lý thuyết gia độc thần mới xóa hình ảnh râu dài tóc bạc và diễn giải Thượng Đế Sáng Tạo như một định luật đã sanh ra loài người và quan phòng cho khắp thế giới. Một số tôn giáo Tây phương còn đồng nhất khái niệm Phật Tánh (Buddha-nature) với Đấng Sáng Tạo trong khi chiêu dụ Phật tử cải đạo. Thực ra, Phật Tánh không hề sanh ra gì hết.”
Đúng vậy. Phật tánh là tánh rỗng lặng. Nó chẳng sinh, chẳng diệt. Nó chẳng sinh ra con bò, con người hay cây cỏ vạn vật. Nó là Tánh chứ không phải là Vật cho nên Lục Tổ Huệ Năng mới nói rằng, “Bản lai vô nhất vật”. Xin đừng để lung lạc bởi lý luận của các tôn giáo thờ thần. Còn về Cõi Trời nơi chư thiên và thiên thần ở, “Thọ mạng của các chúng sinh này vượt xa chúng ta, từ hàng trăm ngàn năm cho tới hàng ngàn chu kỳ thế giới này. Tuy nhiên, giống hệt như tất cả các pháp sanh diệt, ngay cả các chúng sinh thần linh này cũng vô thường, sẽ chết khi nghiệp của họ đã mãn.”
3) Chánh Niệm Trong Thiền Việt Nam
Chương này trình bày sơ lược về cách mà các vị Thiền sư Việt Nam thời xưa đã truyền dạy đệ tử, trong đó nói rõ nội dung của chánh niệm là gì. Đó là: Tin sâu nhân quả, tinh tấn, nhận rõ Khổ Đế, giữ nghiêm giới luật, sáu thời sám hối, sám hối những gì mà sáu căn đã nhiễm ô. Cụ thể là Vua Trần Thái Tông đã dạy pháp sám hối sáu căn, phải tu Giới Định Huệ, niệm Phật và Thiền tập. Như vậy những ai nói là tu Thiền mà chưa qua tám cửa ải này thì đó chỉ là phàm phu thiền hay ngoại đạo thiền chứ chẳng phải là Thiền của chư Tổ ngày xưa hay còn gọi là Như Lai Tối Thượng Thừa Thiền.
4) Đoạn Tận Lậu Hoặc Lập Tức
         Trong chương này tác giả trả lời câu hỏi: Làm thế nào để các lậu (khổ đau, phiền não) hoặc đoạn tận lập tức? Nghĩa là, không cần trải qua thời gian lâu dài. Cũng không cần tu Tứ niệm xứ hay Tứ thiền bát định. Nghĩa là, tức khắc giải thoát, không chờ tới chuyện phải tìm một gốc cây để ngồi. Một lần, câu hỏi đó được Đức Phật trả lời. Đó là Kinh SN 22.81. Câu trả lời Đức Phật đưa ra là phải thấy các pháp là “vô thường, hữu vi, do duyên sanh” – và ý này Đức Phật lập lại trong Kinh tới 20 lần, và nhóm chữ “lậu hoặc được đoạn tận lập tức” được Đức Phật lập lại trong Kinh tới 12 lần.
5) Chỉ Một Phút Thôi
         Đây là bài viết có tên “Just One Minute” (Chỉ một phút thôi) của cô giáo Naomi Baer dạy toán tại trường trung học ở thành phố St. Paul, Minnesota. Bà học Thiền Vipassana năm 1991. Bà đã giải quyết nạn học sinh trong lớp ồn ào và phá như giặc bằng cách cho các em ngồi yên, theo dõi hơi thở trong vòng một phút. Cuối cùng bà đã thành công, lớp học êm ru, các em từ đó “ghiền” ngồi Thiền.
6) Đức Phật Dạy Pháp Niết Bàn Tức Khắc
         Nhân việc ngài Meghiya là vị thị giả trước ngài Anan không nghe lời Phật và nằng nặc đòi an trú một mình tại khu vườn xoài xinh tươi bên bờ Sông Kimikàlà, cuối cùng về bạch Đức Phật rằng khi ngồi Thiền ông thấy tâm khởi lên nhiều niệm: dục (tham dục), sân (bực dọc, giận), hại (nguy hại, bạo lực). Đức Phật nhân đó liệt kê ra 5 pháp cần có để tâm giải thoát thuần thục: (1) cần sống gần bạn thiện hữu tri thức, (2) cần giữ giới, (3) cần nghe kể các chuyện về ly tham và hướng tâm về giải thoát, (4) cần kiên trì rời tâm không lành và vun trồng tâm lành, (5) cần quán sát các pháp sanh khởi và biến diệt để hướng tới xa lìa sầu khổ.
7) Tâm Từ: Đọc Trong Mùa Vu Lan
         Theo truyền thuyết, một nhóm các vị sư vào rừng ngồi thiền, kinh hãi vì các chúng sinh phi nhân (không phải là người) quấy phá. Đức Phật dạy bài kinh Metta Sutta tức Kinh Từ Bi làm pháp đối trị sợ hãi. Các vị sư tụng kinh này và cảm thấy bình an, trong khi các chúng sinh cõi phi nhơn trong rừng cũng hoan hỷ. Thầy Thích Thiện Châu dịch về nguyên nhân giảng kinh như sau:
 “Các thầy tỳ kheo thường hành thiền dưới các cội cây to lớn. Ban đầu chư thiên cư ngụ trên cây rất vui mừng và để tỏ lòng kính trọng chư tăng, họ đã tạm dời xuống mặt đất. Nhưng sau một thời gian, cuộc sống dưới mặt đất rất bất tiện nên họ đâm ra bực bội. Biết không thể nào chịu đựng được như vậy trong ba tháng nên chư thiên đã tìm đủ mọi cách để xua đuổi các thầy tỳ kheo ra khỏi khu rừng. Họ đã biến hóa ra những hình ảnh ghê sợ, những âm thanh rùng rợn và các mùi hôi thối để làm nản lòng các thầy. Trước những cảnh tượng kinh hoàng, tâm của các thầy bắt đầu dao động, sợ hãi, và đâm ra mất ăn, mất ngủ, thân thể bệnh hoạn, ốm yếu, gầy mòn. Tinh thần không còn yên ổn để hành thiền. Do đó các thầy cùng nhau quay về Savatthi để xin đức Phật cho nhập hạ tại một nơi khác. Đức Phật hỏi nguyên do và nhận thấy không có chỗ nào thích hợp hơn khu rừng, nên ngài khuyên các thầy nên trở về chỗ cũ và dạy cho các thầy bài kinh Từ Bi để tự bảo vệ khỏi sự quấy phá của chư thiên. Các thầy tuân lời và học thuộc lòng bài kinh này trước khi trở lại khu rừng.
8) Ai Bố Thí Qua Bờ Bên Kia
         Một điểm thường gây tranh cãi là về chuyện tiền thân Đức Phật, khi ngài là vị Bồ tát có tên là Vessantara. Lúc đó, vị Bồ tát này bố thí cả vợ và hai con nhỏ cho một người Bà La Môn già, xấu xí, tham lam. Có thật Đức Phật kể chuyện cổ tích như một ẩn dụ, hay chuyện này đã xảy ra như thế trong một kiếp lâu xa nào đó?
Cuối cùng tác giả đã giải quyết chuyện này bằng cách giải thích rằng, “Khi nói bố thí cả vợ con chỉ có nghĩa là buông xả tâm niệm "có cái gì là cái của tôi" và bất cứ những gì tương tự như thế. Và “vợ con” chỉ có nghĩa là tâm tham hữu về vị lai. “
Đúng thế, khi “ngũ uẩn giai không” tức cái Tôi không có thì làm gì có Cái Của Tôi. Do đó bố thí cả vợ con có nghĩa là dứt sạch ý niệm hay vọng niệm chấp giữ những cái gì là của tôi.
9) Giữa Các Ngã Rẽ Phân Hóa
         Trên cương vị của một nhà báo, tác giả luôn luôn giữ sự kính trọng đối với các tu sĩ của các tôn giáo khác. Thế nhưng tác giả thấy mình đã rơi vào cái chỗ phải tranh cãi “khi nhìn thấy một số người muốn bóp méo lịch sử để tôn vinh ông Ngô Đình Diệm, tôi nghĩ là mình phải lên tiếng.” Thế nhưng tác giả lên tiếng bằng cách ôn hòa“Dịch các hồ sơ mới giải mật của chính phủ Mỹ về thời kỳ 1963. Đó là các điện văn trong năm 1963, giữa Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn và Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Huế gửi qua lại về Tổng Thống Mỹ, Bộ Ngoại Giao Mỹ và các cơ quan an ninh Mỹ. Đó là các thông tin trực tiếp, các báo cáo về những cuộc đàn áp của chính phủ Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo, và về cuộc đấu tranh bất bạo động của tứ chúng Phật Giáo để đòi bình đẳng tôn giáo. Đó là những thông tin mật gửi từ Việt Nam để Tổng Thống và nội các Hoa Kỳ có dữ liệu hoạch định chính sách. Các điện văn đó chỉ báo cáo cho người hoạch định chính sách Hoa Kỳ, không viết cho ai khác đọc. Các điện văn đó không có ý bôi nhọ hay tôn vinh ai, mà chỉ là thông tin ròng về các sự kiện đã xảy ra. Đó là cách tôi giải quyết học được từ nghề báo: mời gọi mọi người nhìn vào sự kiện, chưa cần phê phán hay nhận định. Mình không tranh cãi, mà tự động họ cãi không nổi.”
         Còn chuyện về các giáo hội khác nhau ở hải ngoại, tác giả viết, “Khi đã giữ lòng tôn kính tất cả những người trong cộng đồng như thế, lòng tôi tất nhiên giữ hạnh rất mực tôn kính các giáo hội Phật giáo hải ngoại. Tôi đã chứng kiến những bước trưởng thành của cộng đồng mình, từ những năm chưa có bao nhiêu chùa tại Quận Cam, cho tới bây giờ chùa nhiều đếm không xuể. Trong cương vị nhà báo, tôi đã chứng kiến các cộng đồng tan vỡ, tách đôi và rồi tách ba. Về giáo hội Phật giáo mình cũng thế. Nghe chữ “tăng già hòa hợp” không có bao nhiêu thực nghĩa. Khi giáo hội phân hóa, các đơn vị Gia Đình Phật Tử cũng tương tự. “Thế nhưng tác giả tìm cách giải quyết như sau, “Nếu tất cả các đơn vị Gia Đình Phật Tử đi tìm tận gốc các lời dạy của Đức Phật trong các năm đầu hoằng pháp đó, cũng thực sự là di sản Thiền Trúc Lâm của Việt Nam, sẽ không còn ai băn khoăn chuyện phân biệt tông phái hay bộ phái nữa. Từ căn bản đó, là sẽ không lạc lối. Đó là tất cả những gì tôi muốn đề nghị các bạn giữ lấy mối dây Chánh pháp để không bị phân vân khi thấy các ngã rẽ phân hóa.”
10) Để Ngộ Tông Chỉ Phật
         Theo sự hiểu biết của tác giả, “Ngộ đây là ngộ tông chỉ Thiền…Trong kinh tạng Thanh Văn (Nikaya và A Hàm), Đức Phật gọi ngộ là Chánh kiến, có khi gọi là Chánh tri kiến.” Trong Trung A Hàm, Kinh MA 189 (Kinh Thánh Đạo), bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, “Thế nào gọi là chánh kiến? Đó là thấy rằng có bố thí, có trai tự, có chú thuyết, có thiện, ác nghiệp, có quả báo của thiện, ác nghiệp, có đời này đời sau, có cha có mẹ, có bậc chân nhân ở trên đời đi đến thiện xứ, khéo ra khỏi cõi này, khéo hướng đến cõi kia, trong đời này hay đời sau tự tri, tự giác, tự tác chứng, thành tựu an trụ. Như vậy gọi là chánh kiến.” (2)
11) Chánh Ngữ Trong Đời Và Đạo
Nơi đây, tác giả trích dẫn một số lời Đức Phật dạy về Chánh ngữ trong các Kinh do Thầy Thích Minh Châu dịch. “…Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. (Kinh SN 45.8) --- Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói với lời từ tâm. (Kinh AN 5.198)
Trong Trường A Hàm, Kinh DA 24 (Kinh Kiên Cố), bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, có ghi lời Đức Phật dạy: “Ta chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên tự mình bày tỏ.”
Thói thường của người đời, nếu có công đức thì khoe, còn lỗi lầm thì dấu nhẹm. Thế nhưng theo thánh đạo của Phật thì công đức nên dấu mà lỗi lầm nên bày tỏ để sửa chữa. Cho nên người giàu của ai cũng thấy, còn người giàu đức thì khó thấy.
12) Thiền Tông Như Bè Pháp Qua Sông
         Trong chương này tác giả nói rằng, “Khi nhận ra sợi chỉ đỏ xuyên suốt các lời Đức Phật dạy qua nhiều thời kỳ khác nhau, sẽ thấy tất cả đều tương thông, trong tận cùng là không dị biệt, không trái nghịch giữa các truyền thống, dù là Nam Tông hay Bắc Tông.” Và “Lời dạy thường nhật của Thiền Tông là nhận ra tự tánh các pháp vốn rỗng rang vô tự tánh.” Khi nhận biết tự tánh vốn không thì thần chết cũng thoái lui. Cho nên trong nhóm Kinh Tập, trả lời câu hỏi hỏi vị Có Mắt Tối Thượng nên nhìn thế giới như thế nào để Thần Chết không nhìn thấy mình? Đức Phật nói, “Hỡi Mogharaja, hãy luôn luôn tỉnh thức và nhìn thế giới như rỗng rang, với cái nhìn về tự ngã đã bứng gốc, người đó sẽ vượt qua sự chết. Thần Chết không thể thấy người đã nhìn thế giới này như thế.” Như vậy tu Thiền đạt tới trình độ như chư Tổ thì các ngài đã vượt qua bờ sinh-tử không sai.
13) Như Tranh Vẽ Trên Hư Không
         Theo tác giả, “Lời dạy như huyễn của Thiền Tông đã xuất hiện từ những năm đầu khi Đức Phật mới đi hoằng pháp. Mở đầu nhóm Kinh Tập là Kinh Sn 1.1 - Uraga Sutta. Kinh Sn 1.1 gồm 17 bài kệ, lập lại câu “tất cả thế giới này là không thật” tới 5 lần trong 5 bài kệ mang số từ 9 tới 13.” Vì thế giới này không thật cho nên Phật dạy phải buông bỏ. Và Đức Phật đã lập lại 17 lần nhóm chữ “rời bỏ được cả bờ này và bờ kia” trong 17 bài kệ của Kinh Sn 1.1. Như vậy bờ Mê cũng bỏ mà bờ Giác cũng bỏ đúng như một đoạn trong Bát Nhã Tâm Kinh, “Vô trí diệc vô đắc”. Như vậy tất cả những gì mà chúng sinh đang nhìn thấy đây đều do chúng sinh tự vẽ ra. Nó loạn sinh ra và loạn diệt mất giống như tranh vẽ giữa hư không.
14) Không Cửa Để Vào, Không Lời Để Nói
         Chương này “Viết về Thiền, phần lớn sẽ ghi một số lời dạy của Đức Phật trong pháp Thiền Tông, còn gọi là Thiền Đông Độ, hay Thiền Đạt Ma, hay Thiền Tổ Sư, và riêng tại Việt Nam còn gọi là Thiền Trúc Lâm.” Dù nói là không cửa (vô môn quan) nhưng vẫn lấy giới- định-huệ để lìa tam độc (tham, sân, si) và vẫn dạy niệm Phật. Vì “không cửa” cho nên một ông tăng không thể ôm một chồng kinh điển để vào cửa Thiền. Vì “không cửa” cho nên lối ngộ Thiền hoàn toàn khác nhau. Mỗi vị tăng ngộ Thiền một cách khác. Thế nhưng tuy “cách” thức hoàn cảnh có khác nhưng tất cả đều phải ngộ “tông chỉ Phật”.
15) Huệ Khả Cầu Pháp Đọc Từ Tạng Pali
         Trong chương này chúng ta cần biết người tu Thiền có thể đạt được Niết Bàn ngay bây giờ không? Hay phải đợi chết đi mới có? Tác giả trích dẫn lời dạy của Đức Phật để nói rằng, “Niết Bàn hữu dư là với các vị tuy đã đoạn tận lậu hoặc nhưng còn thấy có pháp để tu; trong khi đó, Niết Bàn vô dư là các vị vẫn sống trong đời này (chứ không phải đã chết) nhưng không thấy căn-trần-thức nào để tu nữa.”
Đây là sự khác biệt có tính quyết tử giữa đạo Phật với các đạo thờ thần là phải chết đi thì mới thấy Thiên Đàng. Trong khi theo Phật thì ngay bây giờ và tại nơi đây (here now) cũng có thể đạt tới Niết Bàn mà Niết Bàn thì còn cao tột hơn cả Thiên Đàng. Thiên Đàng vẫn còn Ái-Dục mà Ái-Dục lại sinh khổ đau. Còn Niết Bàn là đã tuyệt trừ mọi khổ đau, phiền não và sinh tử luân hồi.
16) Tin Phật, Tin Pháp, Tin Tăng
         Trong chương này tác giả nhận định về thời đại cách mạng truyền thông và điện tử như sau,”Những lời bình luận ngắn và ác ý trên mạng xã hội cũng có sức mạnh đẩy một số ca sĩ nổi tiếng vào trầm cảm, có khi tới mức tự sát. Những hình ảnh sửa đổi, giả mạo, gán ghép khi phóng lên mạng đã trở thành vũ khí bôi nhọ mới. Những lời quy chụp vô căn cứ đưa lên YouTube lại được nhiều người tin tưởng và hùa theo chửi mắng. Không chỉ là quân đội nước này với nước kia, chính người đời thường với kỹ năng công nghệ cũng có thể gài bẫy nhau, hại nhau cả trăm đường. Chỉ một vài bản tin nhỏ, có khi được viết một chiều và không nói hết sự thực, ngay hôm sau đã trở thành những cú xì căng đan chấn động xã hội. Nạn nhân có thể là cả một dân tộc, như khi bản đồ Biển Đông bị vẽ lại và phổ biến khắp thế giới mạng. Nạn nhân cũng có khi là nữ ca sĩ Nhật Bản hay Đài Loan, có khi là chư tăng Việt Nam hay Nam Hàn, và rất nhiều trường hợp tương tự. Trong một thế giới khắp trời là mưa bom, mưa đạn, mưa bàn phím… như thế, nhiều người trong chúng ta thấy bất an.” Và trong đời sống của Phật tử và tăng ni, “Một số Phật tử kém kỹ năng gạn lọc sự thực, lại tin vào các tà sư đang thuyết tà giáo trên YouTube, và TV. Nhiều Phật tử không bận tâm gì tới pháp nghĩa, trong khi bị “hút hồn” vì các phương tiện phim ảnh đang làm cho hình ảnh các Thầy đẹp hơn, làm cho giọng nói các Thầy truyền cảm hơn, làm cho các bản nhạc Thiền ca dễ làm say đắm lòng người hơn.”
         Trước sự thực quay cuồng của thời kỳ mạt pháp như vậy chúng ta phải làm sao? Theo tác giả thì không còn cách nào hơn là an trụ ngay chính tâm mình bằng chánh kiến, chánh tư duy và chánh ngữ, “Hãy giữ lòng kiên cố thanh tịnh, tin vào Phật, tin vào Pháp, tin vào Tăng. Hãy thấy rằng ngay trong khoảnh khắc này, khi chúng ta tỉnh thức, quan sát và nhìn thấy tâm mình không tham-sân-si, đó chính là đang Thấy Phật, là đang sống trong thời Chánh Pháp.”
17) Phụ Nữ Trong Chánh Pháp
            Trong chương này tác giả bàn tới chuyện phụ nữ có thể chứng quả, có thể tu thành Phật được không. “Đối với một người đã giác ngộ, sẽ không còn thấy nữ tính và nam tính nữa. Với một số vị thường quán bạch cốt, sẽ thấy thân mình và người chỉ là một nhóm xương khô đang đi đứng nằm ngồi. Khái niệm nữ tính và nam tính biến mất được nêu ra trong Kinh SN 5.2, khi nữ A La Hán Soma trả lời Ma Vương bằng bài kệ: “Nữ tính không tạo ra chút gì khác biệt, khi tâm định tĩnh, khi tri kiến hiển lộ không ngưng đối với người nhìn đúng được Chánh Pháp. Đối với người có thể khởi tâm ‘Tôi là một người nữ’ hay ‘Tôi là một người nam’ hay ‘Tôi là bất cứ gì’ – thì chỉ thích nghi cho Ma Vương nói chuyện.
 Các luận sư Đại Thừa nói rằng người nữ có thể tu thành Phật. Tuy nhiên, Kinh Tạng Pali nói rằng người nữ không thể thành Phật, cụ thể là trong Kinh MN 115, bản Việt ngữ là Kinh Đa Giới do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch. Nhưng Đại sư Anālayo tin rằng Kinh MN 115 trong Tạng Pali đã bị chư tăng đời sau chèn thêm ý kỳ thị nam nữ vào. Kinh Tạng Pali, bản Việt ngữ do HT Minh Châu là Kinh Rắn Đen AN 5.230, so sánh loài rắn đen với phụ nữ. Kinh này như sau: “Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này trong con rắn đen.Thế nào là năm? Phẫn nộ, hiềm hận, có nọc độc, lưỡi chia hai, làm hại bạn. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nọc độc của nữ nhân là như sau: Này các Tỷ kheo, nữ nhân phần lớn hay tham đắm. Ở đây, này các Tỷ-kheo, lưỡi chia hai của nữ nhân là như sau: Này các Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn nói hai lưỡi. Ở đây, này các Tỷ-kheo, nữ nhân làm hại bạn như sau: Này các Tỷ-kheo, nữ nhân phần lớn ngoại tình!”
Trong chương này tác giả trích dẫn một công án Thiền liên hệ tới một Thiền sư ni Nhật Bản. Thiền sư ni tên là Kakuzan Shido (1252- 1306). Bà là người sáng lập ngôi chùa Tokeiji, nơi này cũng đón nhận và chăm sóc phụ nữ bị bạo lực, nơi này được mệnh danh là nơi tạm trú đầu tiên cho phụ nữ bị lạm dụng trên thế giới.
18) Khi Thiền Ni Chiyono Chứng Ngộ
         Chương này tác giả dịch nguyên bài viết “The Enlightenment of Chiyono” của Anne Dutton, của sách “Zen Sourcebook: Traditional Documents from China, Korea, and Japan. Đây là cuộc đời ly kỳ và gian khổ của một cô gái con nhà quý tộc quyết tâm học Phật và chứng ngộ. Về sau, Chiyono được gọi là Ni trưởng Nyodai. Khi người ta tới hỏi pháp, Thiền ni này luôn luôn trả lời, “Đức Phật người có khuôn mặt là mặt trăng.” Thiền ni Chiyono đã gặp Thiền sư Wu-hsueh và đã nhận ấn khả truyền tâm, trở thành người nối pháp. Pháp danh của Thiền ni là Mujaku Nyodai. Thiền ni là người tài trợ cho ngôi Chùa Rokuon-ji tại thị trấn Kitayama ở kinh đô Kyoto, trong tinh Yamashiro, nơi bây giờ được gọi là Kinkakujoi. Bài thơ của Thiền ni Chiyono khi bừng ngộ là:
Với này và kia, tôi đã tận lực.
Và rồi đáy thùng bể văng ra.
Khi nước chảy tuôn trào.
Mặt trăng không nơi để trụ.
         Bài kệ này, với trí tuệ lu mờ, nhưng tôi có thể hiểu là khi vô minh tan vỡ (đáy thùng bể văng ra) thì vạn hữu đều giả dối, cũng giống như mặt trăng nơi đáy thùng chẳng còn.
19) Tỉnh Thức Rực Rỡ: Đọc sách “Vivid Awareness”
Chương này tác giả giới thiệu và tóm lược tác phẩm “Vivid Awareness: The Mind Instructions of Khenpo Gangshar” của đại sư Khenchen Thrangu, dựa vào bản Anh dịch của David Karma Choephel, ấn bản 2011, nhà xuất bản Shambhala. Sách này nói về một Thiền pháp của Kim Cang Thừa. Lý do chọn sách này vì qua đây có thể hiểu được và vào được Thiền Tông, tức là Thiền Trúc Lâm của Việt Nam. Pháp thiền của Đại Sư Khenchen bao gồm cả Thiền Mahamudra (Đại Ấn) và Dzogchen (Đại Viên Mãn). Muốn vào được pháp môn này, “Trước tiên, phải tin vào nghiệp, tức là tiến trình nhân quả. Có bốn loại nghiệp. Thứ nhất, là nghiệp gặp ngay trong kiếp này. Thứ nhì, là nghiệp gặp khi tái sinh ở kiếp kế tiếp. Thứ ba, nghiệp gặp trong nhiều kiếp sau. Thứ tư, nghiệp có thể xảy ra và cũng có thể không xảy ra trong tương lai, tùy vào nhân duyên. Do vậy, phải biết phân biệt thiện pháp và bất thiện pháp để làm lành, lánh dữ; cách đơn giản là, cần giữ giới luật. Có nghĩa là giữ cả ba nghiệp – thân, khẩu, ý – đều thanh tịnh.”
20) Kinh Phật Nói Gì Về Vong Linh?
         Mở đầu chương này, tác giả nói rằng, “Trong nước đang sôi nổi về chuyện thỉnh vong, giải trừ oan gia trái chủ tại ngôi Chùa Ba Vàng, tỉnh Quảng Ninh. Bài này không có ý trực tiếp góp tiếng thảo luận về những sự kiện người viết không theo dõi đầy đủ. Chủ đề bài này nêu ra là: Kinh Phật trong Tạng Pali nói gì về chuyện vong linh? Đây là một đề tài gây sôi nổi, được nhiều học giả tôn túc tìm hiểu, thảo luận.”
         Tác giả trích dẫn Kinh Châu Báu (Ratana Sutta). Kinh này có trong Kinh Tập (ký số Sn 2.1) hiện có nhiều bản Anh dịch. Theo đó, thành phố Vesali bị nạn dịch, gây chết chóc, đặc biệt với người nghèo. Vì xác chết nằm la liệt, các vong hung dữ bắt đầu quậy phá thành phố; kế tiếp là bệnh truyền nhiễm chết người. Vì gặp cả ba nỗi lo về đói, về vong dữ, và về dịch bệnh, cư dân tìm tới, xin Đức Phật, lúc đó ngài đang ở Rajagaha, cứu giúp.”Tại nơi đây, Đức Phật đọc bài Kinh Châu Báu cho ngài Ananda, dạy ngài về cách nên hướng dẫn và cùng với cư dân Vesali đi quanh thành phố, tụng kinh này để dùng như oai lực bảo vệ cư dân Vesali. Ngài Ananda làm theo lời dạy, rải nước tịnh thủy từ bình bát riêng của Đức Phật. Do vậy, các ác vong được nhẹ nghiệp, nạn dịch bệnh giảm.” Như vậy theo Kinh Châu Báu thật có vong linh không siêu thoát và cũng cần phải cứu độ vong linh.
Tác giả còn dẫn chứng thêm Nhóm Chuyện Petavatthu bao gồm 51 bài, kể về các trường hợp khác nhau, cho thấy ác nghiệp sẽ dẫn tới tái sanh vào cõi “quỷ đói” (ngạ quỷ peta). Đó là trường hợp mẹ của ngài Indacanda, “Này cô nàng lòi cả xương sườn, gầy guộc, nàng là ai mà đứng ở nơi đây, lõa lồ, có vóc dáng xấu xí, ốm o, nổi đầy gân?”
Nàng quỷ đói trả lời, “Tôi là mẹ của ngài trong những kiếp sống khác trước đây, đã bị sanh vào cảnh giới ngạ quỷ, bị gánh chịu sự đói khát.” Rồi chuyện của cô vợ của ngài Nandasena trong kiếp trước, làm nhiều điều ác, thác sinh vào cõi ngạ quỷ với thân hình đen đủi, có vóc dáng xấu xí, thô kệch, có dáng vẻ ghê rợn, có mắt đỏ ngầu, có răng hô, không phải loài người. Cuối cùng, nhờ chư thánh tăng hiệp lực cầu xin mà các ngạ quỷ này thoát sinh lên một cõi khác đẹp đẽ và an lành hơn.
21) Sống, Chết, Tái Sinh, Trung Ấm
Theo tác giả, sinh và tử, tái sinh và trung ấm, cách nào để cúng vong… đó là các quan tâm lớn của Phật tử Việt Nam. Bài viết này sẽ dựa vào Kinh để khảo sát những vấn đề đang được Phật tử quan tâm và thảo luận. Thế nhưng trí thức phương Tây (Hoa Kỳ và Châu Âu) tin theo Phật giáo, nhiều người chọn thái độ xem Phật giáo đa dạng như món ăn trên bàn tiệc, tùy ý lựa chọn. Thậm chí, nhiều vị tự nhận lập trường thế tục (secular), xem Phật giáo chỉ như triết lý sống, gạt bỏ cả chuyện tái sinh, bất kể Đức Phật nói trong kinh rất nhiều về luân hồi. Trong khi đó, một số trí thức phương Tây chỉ chọn Thiền như để bổ sung vào tôn giáo đã có của họ. Các câu hỏi được đặt ra:
-Hỏi: Có nên cúng tế, làm các nghi lễ bố thí cho người chết hay không?
-Phật đáp: “Này Bà-la-môn, nếu có tương ưng xứ, thời có lợi ích, không có lợi ích nếu không có tương ưng xứ.”
-Hỏi: Cúng tế người chết có phải vô ích?
-Phật đáp: “Này Bà-la-môn. Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sanh vào trong chốn ngạ quỷ và lại cũng không có những người quen biết khác sanh vào chốn ngạ quỷ, thì việc bố thí do lòng tin, tự mình sẽ được phước.”
-Hỏi: Có bao giờ gặp lại người đã chết như khi họ còn sống?
-Phật đáp: Không gặp lại được. Đức Phật luôn luôn hối thúc tu hành khẩn cấp và chớ nên giữ nỗi buồn xa lìa người thân. (Kinh Snp 3.8)
-Hỏi: Có phải khi đã chết, không ai làm hồi sinh được?
-Phật đáp: Đúng vậy. Khi đã chết, không ai làm hồi sinh lại được. Đức Phật dạy rằng thân người là quý và quan tâm lớn nhất là phải tu giải thoát. Kinh Pháp Cú viết: “Sống 100 năm trong đời mà không nhận ra Niết Bàn, không bằng một ngày trong đời của người nhận ra Niết Bàn.
-Hỏi: Có trung ấm (giữa đời này và đời sau) không và cách nào để vượt dòng sanh tử?
-Phật đáp: Có trung ấm, tức khoảng giữa đời này và đời sau, gọi là giữa hai đời, nhưng kinh không nói thời lượng trung ấm. Cách vượt thoát sanh tử là lìa chấp trước, không dính mắc. (Mà tu theo Tịnh Độ gọi là “nhất tâm bất loạn”, hay chuyên chú niệm Phật.)
-Hỏi: Có phải chúng sanh trong cõi trung ấm lang thang vất vưởng như văn học dân gian thường nói?
-Phật đáp: Không nhất thiết, bởi vì tất cả đều từ hạnh nghiệp mà ra.
22) Nghiệp Và Giải Nghiệp Theo Chánh Pháp
         Trong chương này tác giả đặt vấn đề, “Xây nhiều chùa lớn, dựng nhiều tượng Phật khổng lồ có thể giải nghiệp hay không? Cầu nguyện siêng năng, cúng tiền nhiều cho đại tăng có thể giải nghiệp hay không? Đó là những câu hỏi đang được nhiều Phật tử quan tâm. Kinh Phật dạy có nhiều cách giải nghiệp. Sau đây là trích dịch một số kinh liên hệ tới nghiệp và giải nghiệp.”
         Cầu nguyện chỉ là vô ích. Nghiệp lành, phước đức không thể tới từ kinh cầu nguyện hay ước muốn. Kinh AN 5.43 viết: “Năm phước này được chờ đón, ưa chuộng, vui thích, và khó đạt được trong cõi này. Năm phước nào? Trường thọ… nhan sắc… vui sướng… vị thế (xã hội)…tái sanh vào cõi trời… Bây giờ, ta nói với các ngươi, năm điều đó không đạt được qua cầu nguyện hay ước nguyện.” Vậy thì làm sao để giải nghiệp? Con đường rốt ráo để giải nghiệp là tu theo Bát Chánh Đạo. Đức Phật dạy rằng, “Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt? Đây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt.”
         Còn việc xây chùa khổng lồ cho chư tăng có công đức lớn ra sao? Kinh sắp dẫn sau đây có vẻ như Đức Phật muốn nói cho hoàn cảnh hiện nay tại Việt Nam, nơi nhiều chùa lớn đang xây. Đức Phật nói, xây chùa khổng lồ cho chư tăng bốn phương cũng không thể có công đức bằng khởi tâm tịnh tín quy y Phật Pháp Tăng.
Theo tôi hiểu, xây chùa, cúng dường chư tăng/ni mà mình chẳng khởi tín tâm, chẳng khởi tâm lành, chẳng thực hành hạnh bố thí cho tất cả các chúng sinh khác…thì công đức cũng chẳng bao nhiêu. Trong Kinh Kinh AN 9.20 bản dịch của HT Thích Minh Châu nói rằng, “Có ai với tâm tịnh tín quy y Phật, Pháp Tăng, và có ai với tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu... Và có ai với tâm tịnh tín, chấp nhận học pháp... từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu, và ai tu tập từ tâm giải thoát, cho đến trong khi khoảnh khắc vắt sữa bò, bố thí này quả lớn hơn vị bố thí  84,000 con voi, giường nằm loại sang, 84,000 thiếu nữ xinh đẹp và 84,000 con bò sữa…”
Nói tóm lại theo tôi hiểu, chuyển hóa tâm lành là cách giải nghiệp hay nhất. Chứ nếu phải có tài sản cúng dường thì mới giải được nghiệp thì những người nghèo đời đời kiếp kiếp bị nghiệp đeo đuổi mãi sao?
23) Xây Chùa Và Xây Đạo Tràng
Trong chương này tác giả có cái nhìn thực tiễn, nghĩ đến cuộc sống của người dân ở những vùng xa xôi không có gì hấp dẫn du khách, dù là người trong nước. Tác giả viết, “Các làng xã nơi góc núi vắng, người dân có thể đang mong đợi các ngôi chùa lớn để có thể tạo ra việc làm cho nhiều người, kể cả anh chạy xe ôm, chị bán nước mía… Không cần bao nhiêu kỹ năng, nhưng là việc làm suốt đời; đó là hy hữu trong thời robot.”
Không xây chùa lớn mà xây chùa nhỏ xíu làm sao hấp dẫn du khách? Một vùng đất hoang vu mà không có kiến trúc khổng lồ mỹ thuật thì giá trị cũng rất thấp. Chính ngôi Chùa Tam Chúc đã làm cho mảnh đất “Tiền Lục nhạc - hậu Thất Tinh (Hồ Thất Tinh) trở thành nên thơ, hữu tình và linh thiêng.
Tuy nhiên tác giả nhắc nhở, ở đâu cũng có đạo tràng tu học- dù là rừng núi, hang động hay sân đá bóng hay nhà ở của chính mình. Còn khi xây chùa mà không có đạo tràng tức không phải là nơi tu học thì rồi sẽ hỏng. “Nếu không chùa, mà có đạo tràng… rồi tới lúc sẽ hưng thịnh lại được. Nếu có chùa, và có cả đạo tràng… sẽ là tuyệt vời.”
24) Vượt Qua Mười Hai Xứ
         Trong chương này tác giả nhắn nhủ, “Phật giáo là pháp xuất thế gian, pháp để thoát khổ, pháp để xa lìa ba cõi, không phải pháp thế gian chỉ thuần để thư giãn hay chữa bệnh, tuy rằng vẫn có vô lượng hiệu ứng phụ giúp người trần nhẹ gánh.”
         Mười hai xứ bao gồm sáu nội xứ (Lục Căn) và sáu ngoại xứ (Lục Trần). Chính mười hai xứ này nó trói buộc chúng ta trong phiền não, khổ đau và sinh tử luân hồi. Làm sao vượt qua được Mười Hai Xứ? Tác giả trích dẫn lời chư Tổ để nói rằng, “Hễ thấy các pháp rỗng rang không thể nắm bắt như tiếng đàn tỳ bà, lập tức mười hai xứ sẽ tịch tịnh, không có gì cần phải mài giũa nữa (chẳng cần phải công phu khổ hạnh nữa).”
25) Đọc Sách “Essence of the Heart Sutra” của Đức Đạt Lai Lạt Ma Đời Thứ 14
Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích Kinh Đại Trí Tuệ Bát Nhã xuất hiện nhiều thế kỷ sau Đức Phật, nhưng ngài cũng ghi rằng, “Chúng ta có thể nói rằng kinh điển Đại Thừa không do Đức Phật lịch sử dạy cho công chúng trong ý nghĩa quy ước. Thêm nữa, có thể rằng kinh điển Đại Thừa, như các kinh trong hệ thống Trí Tuệ Viên Mãn (Bát Nhã Ba La Mật), đã được dạy cho một nhóm vài vị mà Đức Phật xem là thích nghi nhất để học giáo pháp này.” (trang 47). Dĩ nhiên, một số bạn có thể cho rằng Tâm Kinh là hậu tác. Nhưng nếu bạn đọc kỹ, sẽ thấy tư tưởng Tâm Kinh đã có rất sớm trong nhóm Kinh Tập của Tạng Pali, khi Đức Phật mới thuyết pháp.”
         Bản Tâm Kinh tiếng Hán Việt thường tụng ngắn hơn bản tiếng Anh trong sách EHS, nguyên dịch ra từ Tạng ngữ. Phần diễn giảng về bộ kinh Đại Trí Tuệ Giải Thoát của Đức Đạt Lai Lạt Ma vô cùng uyên bác cần phải đọc nguyên chương mới hiểu hết ý nghĩa của nó. Theo tác giả, “Bát Nhã Tâm Kinh cần được nghiền ngẫm, tư duy từng lời giải thích của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nơi đây, Tâm Kinh, cốt tủy của Phật pháp, đã được giải thích minh bạch. Hễ ai giữ được cái nhìn rỗng rang như thế (Chiếu kiến ngũ uẩn giai không), tất nhiên là giải thoát.”
26) Đọc Thơ Cụ Mộc Đạc, Nghĩ Về Phật Giáo Dân Gian
         Đây là chuyện của ông cụ hàng xóm mê thơ. Cụ thường ký tên là Mộc Đạc Ngụy Vạn Lim trên các tác phẩm, đã từng có nhiều tác phẩm thơ, trong đó mới nhất có thi tập nhan đề “Truyện Thơ Nàng Kiều Thời Đại-Phóng tác 2019. Trong thơ này, nơi các dòng 1417-1420 cụ Mộc Đạc viết:
Ngán thay cho cái lưới tình.
Mười hai bến nước, nhục vinh đâu lường.
Cầu xin Phật độ Trời thương.
Mai này tránh được đoạn trường đắng cay.
Nhà thơ Mộc Đạc khởi đầu tập thơ Kiều Thời Đại bằng những dòng:
Trăm năm trăm cuộc biển dâu
Đời người mấy lượt qua cầu đắng cay
Nhìn xem sự thế bấy nay
Trải bao nhiêu chuyện tỉnh say nhục nhằn
Giầu sang bỗng hóa cùng bần
Quyền uy phút chốc tay chân buộc ràng
Tình người lắm sự trái ngang
Sự đời lắm việc đa đoan, xoay vòng
Nhiều khi thật rất đau lòng
Nhiều khi cũng lại nức lòng thế nhân
Cụ Mộc Đạc đã dựa vào Truyện Kiều của Nguyễn Du để sáng tác tập thơ:
Sài Gòn có một họ Hoàng
Nổi danh phú quý đứng hàng thượng lưu
Hoàng ông túc trí đa mưu
Hoàng bà tính toán đủ điều khôn ngoan
Gái trai con cái một đàn
Mỗi người một vẻ đoan trang mỹ miều
Cô đầu tên gọi Thúy Kiều
Mày ngài mắt phượng diễm kiều thướt tha
Là một hiện thân của Phật giáo dân gian, cụ vẫn đang đi đứng nằm ngồi, cũng y hệt như hàng chục triệu đồng bào tôi nơi quê nhà, vẫn đang vui buồn, đang cười nói, và đang làm thơ hàng ngày, trong khi bình tâm chờ ngày ra đi. Rất mực hy hữu tuyệt vời.
Lời Kết:
Đây là một cuốn sách bao gồm những vấn đề lớn và thiết thực của Phật Giáo như cư sĩ Tâm Diệu- người điều hành Thư Viện Hoa Sen đã viết trong phần giới thiệu sách, “Nếu quý độc giả ưa thích đọc kinh Phật mà không có nhiều thì giờ, ưa thích những đối chiếu về giáo điển bằng các ngôn ngữ khác nhau, tiếng Anh, tiếng Việt hay muốn tìm kiếm một phương pháp tu tập thích hợp với sở thích và hoàn cảnh riêng của mình; hiển nhiên đây là một tác phẩm không thể bỏ qua, gần như tất cả những gì Cư sĩ Nguyên Giác viết xuống đều rất mực trân trọng, có sức thuyết phục cao qua việc lấy kinh chứng kinh và sử dụng nhiều nguồn tư liệu khả tín khác nhau.”
Xin trân trọng giới thiệu.

Thiện Quả Đào Văn Bình
(California ngày 20/1/2020)

Cước chú: Sách do Ananda Viet Foudation xuất bản, Amazon phát hành