Showing posts with label Tường Thuật. Show all posts
Showing posts with label Tường Thuật. Show all posts

Wednesday, August 17, 2016

Hồng Hà: Trãi nghiệm Kỳ Co – Nhơn Lý, Quy Nhơn

Xin được trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết của tác giả Hồng Hà. Hồng Hà là đứa cháu ruột, luôn nghĩ tốt về quê hương và tìm mọi cách để giúp đỡ xã nhà và quê hương. Cháu học ngành du lịch và quản trị tại Đại học Hoa Sen. Cháu đã làm nhiều năm với công ty du lịch và quản lý Tà Lài (Ta Lai Longhouse Cát Tiên National Park). Nay cháu sắp đi học Thạc sỹ về Quản lý du lịch Erasmus Mundus European Master in Tourism Management tại Âu Châu.







Hai đứa cháu gái chân dài đi lượm rác của tôi đây nè - Photos: Hồng Hà

Trãi nghiệm Kỳ Co – Nhơn Lý, Quy Nhơn
Bài viết này không với mục đích phê phán, chỉ đơn giản là mang tinh thần xây dựng cho ngành du lịch quê hương và cuộc sống nói chung tốt đẹp hơn.
Quy Nhơn, ngày 15/08/2016
Là một người con được sinh ra ở mảnh đất Nhơn Lý, được trãi qua một tuổi thơ đáng nhớ với nắng, gió và biển, rất tự nhiên trong tôi tồn tại một tình cảm sâu lặng với biển và quê hương, dù là sống ở trên đảo chỉ 11 năm trọn vẹn tuổi thơ...
Nhân dịp một cô bạn người Pháp về thăm quê mình, sau một ngày dẫn cô bạn rong chơi thành phố Quy Nhơn, đã đi qua những địa điểm không thể thiếu như Tháp Đôi, mộ Hàn Mặc Tử, nhâm nhi ly nước ngắm bãi biển thơ mộng của thành phố; ngày hôm sau, chúng tôi háo hức đi Đảo Kỳ Co - Một địa điểm mới nổi của ngành du lịch tỉnh nhà. Thời còn là con bé khờ sống trên bán đảo, tôi đã được ba, các chú, ông nội, hàng xóm, mấy đứa bạn nói nhiều về Kỳ Co, về cái đẹp hoang sơ của nó, từ đó trong đầu luôn nung nấu ý định sẽ dong thuyền ra đảo vào một ngày nào đó.Vậy rồi, cơ hội cũng đến...
Ngày chủ nhật, mây mù và vài giọt mưa rớt xuống, chà! xem ra thời tiết có vẻ không ủng hộ hai đứa lắm, nhưng rồi mặt trời cũng lên, xua đi đám mây xám xịt. Hai đứa leo lên xe máy, chạy một mạch chừng 30 phút Đến Nhơn Lý.Trên đường đi, cô bạn được ngắm nhìn thành phố từ cây cầu Thị Nại dài thường thượt, ngắm những đồi cát lưa thưa trên mảnh đất rộng lớn. Riêng tôi, nhìn chúng mà lòng có chút buồn miên mang; nhớ lại thời trẻ trâu, chạy nhảy trên những đồi cát cùng nhóm bạn, lăn mình hết đồi này đến đồi khác, cảm nhận cái mịn màng và nóng hổi của cát trắng. Thời ấy, cả một vùng là đồi cát mênh mông như sa mạc, đúng rồi, chỉ có biển và cát... Một con gió thổi mạnh vào mặt, làm tôi tỉnh lại với cái thực tại, thay cho những đồi các nối dài là một vài nhà máy thưa thớt, hay bãi đất trống phẳng lỳ, vài dãi cát cuốn theo cơn gió. Ooh, thì ra cái người ta gọi là "phát triển kinh tế" là đây, đất cát cứ thế mà biến mất, còn nhà máy, nhân công, khu công nghiệp thì vẫn chưa thấy đâu...Suy nghĩ mông lung được một lúc, thì cái làng nhỏ bé của tôi cũng dần hiện ra, không còn xuất hiện một cách thơ mộng bên dãi cát trắng và biển xanh như mấy năm về trước, mà ngôi làng lấp ló sau lưng một dãy khách sạn đồ sộ, chạy dọc chừng 2.5km theo bờ biển, rồi những công trình dở dang với máy móc, vật liệu, dụng cụ, xe tải..dần dần đập vào mắt. Thấy người ta đào đất, làm đường mà mình cảm giác có chút đau, đau cho Thiên Nhiên đang bị xâm phạm như bao nơi khác. Thôi thì, ai cũng hiểu là để phát triển du lịch, phát triển kinh tế, không thể nào tránh khỏi việc đào đất, lấp biển, chặc cây nếu nó là điều phải làm.
Chúng tôi đến gần hơn tới khu nghỉ dưỡng, thay vì đi thẳng như những lần trước, tôi phải quẹo sang phải để đi vào làng cách chừng 1km. Con đường nhỏ hơn, uống lượn theo đồi cát, vẫn đang được xây dựng, nhìn nó cũng khá là tươm tất. Mới được biết, tập đoàn FLC – Chủ của khách sạn đã lấy con đường chính và xây đường phụ cho người dân đi; có vẻ lòng dân Nhơn Lý không được thuận với quyết định này, mà lòng cán bộ thì chẳng khó để bị thuyết phục. Âu cũng là chuyện thường nghe và thường thấy ở nước mình. Chật! sống tiếp với lũ thôi.

Tôi lái vòng vèo được một lúc rồi cũng tới nơi. Điểm dừng chân là nhà hàng Hướng Dương, ở Eo Gió. Với tôi, Eo Gió chẵng phải xa lạ gì, cái nơi mà Tết nào tôi cùng lũ bạn xúng xính bộ đồ mới, đi hái dú dẻ, leo trèo hết hòn đá này tới hòn đá khác; hay những dịp nghỉ hè, cùng đám bạn thời loi nhoi, bắt ốc, nấu chè chỗ mấy tảng đá, ăn no nê rồi thì tắm biển, phơi khô người mới đi về, nhờ vậy mà mình có làn da nâu nâu tới bây giờ! Hồi đó, Eo Gió nằm đơn sơ bên cạnh ngôi chùa nhỏ, có bãi cỏ trống cho lũ bò ăn, và cây dại cho cả đàn dê núi, ấy vậy mà bây giờ nhìn thật không ra, bãi cỏ biến thành bãi đỗ xe máy, xe ô tô, khách đến nhộn nhịp như bao điểm du lịch khác.

Đến nơi, đậu chiếc xe máy bên quán đối diện, chúng tôi đợi một lúc chẳng thấy ai đón mình (dù đã liên hệ trước mấy phút), thế là hai đứa ra quán cà phê cóc chờ đợi. Không lâu sau, một thanh niên còn trẻ đi thủng thẳng đến, bảo chúng tôi đợi thêm chút nữa vì đang phải gom đủ khách từ các anh “cò” tour, uh! thì đợi, cũng không việc gì phải vội. Sau hơn 20 phút kiên nhẫn, chuyến đi mới thực sự bắt đầu; hai chúng tôi cùng một gia đình 4 người khác đi bộ theo anh hướng dẫn, len lỏi qua làng chài Trung Lương, không lâu sau thì đến bãi biển, nơi có vài chiếc cano đợi sẵn. Đó là một chiếc cano khá đẹp, còn mới, đủ cho 10-15 người ngồi; chúng tôi được trang bị áo phao cho mặc. Có một chi tiết mắc cười mà tôi không muốn bỏ lỡ; trong lúc đứng chờ để lên cano, thì một người đàn ông trung niên, ngực trần chạy đến, với giọng miền Bắc đặc trưng, anh ta bảo “ em lấy trái bắp lên đi” ( lúc ấy tôi đang giữ 2 trái bắp trong cái túi nylon), chưa hiểu mô tê gì, thì anh ta lại nói tiếp: “ Em cầm trái bắp trên tay đi”, tôi hỏi: “ Để làm chi ah?”, anh ta hồn nhiên đưa đôi dép ra và trả lời “ để anh lấy cái túi nylon cho đôi dép này”=.= !!! Tôi đơ người ra mấy giây, sau đó mới trả lời“Em cũng cần cái túi này, anh đến hỏi thuyền trưởng đi”.Thật ra chẳng phải mình keo kiệt chi một cái túi nylon, chỉ muốn cho anh ta hiểu không thể tự nhiên yêu cầu người lạ một cách vô duyên đến vậy. Đến cô bạn cũng phì cười vì hành động kì lạ này của người đàn ông.

Sau khi đợi cả đoàn mặc xong áo phao, chúng tôi leo lên cano và máy đã nổ. Chiếc cano lao nhanh trên biển, băng qua lần lược các dãy núi đá. Nhìn cảnh tượng lạ mà quen, ngộ là khung cảnh giống những gì mà tôi hay thường mơ, tôi mơ thấy mình bơi ra biển, vòng qua eo núi, đến một bãi cát trắng và bơi tiếp đến một gành đá khác…khung cảnh tôi đã chứng kiến không khác là mấy, chỉ thiếu bãi cát trắng ở giữa. Nhìn mặt nước xanh ngát, đại dương mênh mông, hùng vĩ, thật phấn khích và sản khoái! Sau chừng 15 phút trên cano, chúng tôi đến bãi Kỳ Co, nó là một bãi biển dài chừng 1km, trắng muốt, nước biển trong veo màu xanh ngọc, đúng như lời đồn đại, đẹp thật! Trên bãi cát,  có chừng 7 cái chòi lá do một công ty nọ đầu tư xây dựng rồi cho các đơn vị kinh doanh du lịch thuê, riêng FLC được có một khu vực riêng, và có cả cầu cảng để cano cập bến. Thuyền chúng tôi và một số cano khác, vì lý do nào đó không vào cầu mà đi thẳng vào bãi. Khách được hướng dẫn lên cái chòi chỉ định, chúng tôi được sắp xếp một góc nhỏ trên chòi lá, mỗi chòi có một banner nhỏ đề tên đơn vị kinh doanh du lịch. Tôi nghĩ đây cũng là một ý tưởng hay để du khách có nơi nghỉ chân, ăn uống và ý tưởng này giúp đơn vị quản lý tốt hơn.

Sau khi ổn định, chúng tôi quyết định đi loanh quanh đảo xem có gì hấp dẫn. Nhìn lên vách núi, tôi thấy một con đường cement nhỏ; ah, hóa ra tập đoàn FLC cũng xây đến tận đây rồi! Họ làm con đường nhỏ nối từ khu resort theo đường núi đến tận đảo; nhìn các ngọn núi nham nhở bởi bị đào xới, tôi tưởng tượng con đường cement cứ như một vết sẹo dài trên khuôn mặt xinh đẹp của nàng thiên nhiên. Trên một vách núi khác, có thể thấy dấu tích của một dòng suối nhỏ, chảy ra từ khe núi. Thật đáng tiếc, người ta chặn mất dòng chảy để lấy nước về sinh hoạt cho hoạt động trên đảo. Một nét đẹp thuần khiết nữa lại bị biết mất.

Tiếp tục đi men theo đường bờ biển, chúng tôi thấy những hang đá nho nhỏ, cũng là nơi tạo bóng mát tự nhiên trên đảo. Rảo bước qua những cái hang chúng tôi đến một góc khuất rất đẹp, bị bao bọc bởi các tảng đá lớn, có bãi cát và cây cối bên trong. Buồn thay, người ta đã xây khung sắt và bạc che mát cho du khách trên đỉnh của hai vách đá, bên dưới,ngay tại lối vào, có hai nhóm du khách đang ăn uống vui vẻ, vỏ bia, túi nhựa, thức ăn nằm rải rác xung quanh. Chúng tôi xin phép đi qua hai nhóm, vào sâu hơn bên trong, khung cảnh thật dễ thương với những lùm cây nhiệt đới xanh tươi, có cây mọc xen kẽ các vách đá, nhìn chúng thật xanh tươi và dịu ngọt, có cảm giác như đang lạc vào một hòn đảo hoang sơ trong một bộ phim nào đó. Niềm hân hoang chẳng kéo dài được lâu, chúng tôi, một lần nữa bị lôi ngược về thực tại bởi cái hình ảnh xấu xí, thường thấy ở các điểm du lịch của Việt Nam, Rác! Bịch nylon, nước suối, vỏ bia, gói mỳ, v.v nằm trong các ngóc ngách và lùm cây, không khó để nhìn ra chúng từ xa! Đi du lịch vài nơi, tôi đã khá quen với cảnh tượng này, chỉ có cô bạn tôi là lắc đầu tỏ ra không hiểu.

Tiếng cười hô hố từ hai nhóm du khách đang ăn uống phát ra đột ngột, dù muốn ở lại lâu hơn một chút để ngắm nhìn, chúng tôi vội chụp vài tấm hình rồi bước ra. Tiếp tục men theo bãi biển, tôi bắt gặp một người đàn ông đang ngồi dưới bãi cát làm cá, một thói quen thường thấy của các ngư dân trên đảo quê tôi. Nhưng, thói quen lúc này có chút không hay vì rất gần đó, có nhiều du khách đang tắm biển. Không nghĩ là người đàn ông này ý thức tác động của việc mình đang làm, tôi đến gần và nói: “ Có rất nhiều người đang tắm gần đây, sao anh không làm cá ở chỗ nhà chòi, cho khỏi bay mùi tanh khi khách đang tắm? Làm vậy nước biển bị hôi và dơ nữa” anh ta tiếp tục làm và nói: “Biển lớn như zầy làm sao dơ được” vừa nói vừa vứt cái đầu cá ra con sóng, máu tang ra và biến mất, các bịch nylon cũng được người đàn ông ném nhiệt tình xuống biển. Chịu hết nổi, tôi nhờ cô bạn cầm hộ cái điện thoại, chạy tới chỗ con sóng để lấy mấy cái bịch lên. Trong đầu biết bao suy nghĩ mông lung, càng bước tiếp càng thấy các chai nhựa, lon bia, khẩu trang, v.v nằm lấp ló dưới cát…Sẵn cái túi đang cầm, chúng tôi vừa đi vừa nhặt, bỏ vào túi, chẳng bao lâu nó đã đầy. Tôi bèn nảy ra một ý, và quay sang hỏi cô bạn: “I’ve got an ideaDo you want to pick up the trash with meYou will become a very sexy trash collector” và được cô bé hưởng ứng nhiệt tình với nụ cười dễ thương trên môi, thế là chúng tôi đến cái chòi gần nhất để xin thêm túi đựng rác. Đến hỏi chuyện mới biết, có một công ty phụ trách thu gom và xử lý rác, có hai nhân viêc phụ trách nhặt rác mỗi ngày, rác được công ty thu gom chuyển đi xử lý, nhưng nó được chuyển đi đâu và xử lý như thế nào thì mọi người chưa rõ… Được anh nhân viên thu rác cho một cái túi đen to, hai chúng tôi vừa đi vừa nhặt, chẳng ngạc nhiên khi nhiều ánh mắt tò mò dõi theo. Hình ảnh hai du khách nhặt rác (đặc biệt là một người nước ngoài) là cái mà tôi nghĩ sẽ tác động tích cực đến người nhìn. Thật vậy, một số bạn trẻ đưa rác cho chúng tôi, hoặc bỏ vào vào bao, một nhóm khác vừa đi vừa cùng chúng tôi nhặt lên, Jeanne ( tên cô bạn Pháp) thu hút nhiều quan tâm của du khách xung quanh, có vài người đến lân la đến bắt chuyện, làm quen và cùng nhặt rác….Thông qua việc làm nhỏ này, chúng tôi tin và hy vọng một số người đã thay đổi cách vứt rác của mình, mặc dù một số khác có thể cho chúng tôi là hâm hay dở hơi, nhưng ít ra, nó đã có tác dụng.

Túi rác khá đầy, chúng tôi lôi nó về lại hướng chòi, rồi giờ cơm cũng tới. Có hai nhóm khách cùng chòi đang ăn uống rất vui vẻ, bên dưới chòi là các túi rác và vỏ chai tương tự như bao chòi khác. Anh hướng dẫn hiểu ý và nói là sẽ nhặt và thu gom lại sau. Món ăn được dọn ra, canh mức tôm, cá nướng cuốn bánh tráng, ốc vú nàng nướng, gỏi rong biển, tôm luộc…món nào cũng tươi ngon, hai đứa ăn ngon lành với cái bụng đang đói!

Sau bữa ăn, chúng tôi còn dư chút thời gian để tắm biển, nước biển xanh trong, mát rượi và mặn chát ở đầu lưỡi. Chìm mình trong nước, tôi như được quay lại cái cảm giác thời thơ ấu sống trên đảo. Vùng vẫy một lúc thì gặp một anh chàng nói tiếng Anh kha khá tới làm quen, nói một hồi hóa ra là người cùng quê, cũng dẫn bạn đi Kỳ Co chơi, rồi anh ta chỉ tay đến anh chàng người Mỹ nọ, một giáo viên tiếng Anh của trường RMIT, anh người Mỹ này đã ở Việt Nam được bốn năm, và biết chút tiếng Việt. Mình hỏi vì sao lại đến nơi này, thì ra anh ta cũng có bạn bè ở Quy Nhơn giới thiệu đến, và đã nghe nói về Kỳ Co khá nhiều. Nghe xong, trong lòng vừa thấy vui vì quê hương nhỏ bé của mình đang dần được biết đến rộng rãi, vừa chùng lại khi hiểu rằng đây là dấu hiệu của Mass Tourism (du lịch đại trà) đang đến ngôi làng yên bình của mình.

Đang chat chit thì nghe tiếng gọi ý ới của chủ cano, đã đến lúc lên đường lặn ngắm san hô rồi, chúng tôi háo hức chạy lên bờ và gói gém đồ đạc. Cũng là con thuyền đó, nhưng lần này chở quá hơn 20 người, đông đến chẳng còn đủ chỗ để ngồi, trên thuyền có nhiều trẻ em phải ngồi trên đùi người lớn. Nhận thấy cano đã quá tải, chúng tôi quyết định xin xuống cano chờ chuyến khác, nhưng rồi các bác tài cản lại, bảo là cứ yên tâm không sao đâu, một vài hành khách cũng cho là chẳng có gì đáng lo, rồi cano bị đẩy ra xa bờ, chúng tôi đành về lại chỗ ngồi với cái bụng nôn nao. Cano nổ máy, nhả ra những làn khói đen xì, phóng về phía trước…Điểm dừng là những bè nổi trên biển, sát gành đá, cách điểm xuất phát không xa. Lúc đầu tôi nghĩ các bè nổi này là những lồng nuôi cá, hóa ra dùng cho hoạt động lặn ngắm san hô. Hôm ấy, gió to và sóng vỗ mạnh, các thuyền viên nói không phải là ngày tốt để ngắm san hô, tháng tốt nhất là vào tháng Tư và tháng Năm âm lịch, lúc ấy con nước trong chứ không đục và gió lặn hơn. Nhìn những bè nổi bấp bênh, sóng vỗ mạnh vào bè, tôi không nghĩ là mình sẽ thích ngồi trên đó, cô bạn Jeanne lại cảm thấy không khỏe, vậy là chúng tôi đãnh bỏ lỡ dịp này và thẳng tiến về bờ. Kết thúc chuyến tham quan Kỳ Co.

Với cái nhìn của người làm trong nghề du lịch và qua những gì tôi đã trãi nghiệm trong chuyến đi, tôi không cho Tham quan Kỳ Co là một sản phẩm du lịch đúng nghĩa, mà chỉ đơn thuần là một hoạt động du lịch tự phát, du khách sử dụng dịch vụ cơ bản của người dân địa phương như thuyền, thức ăn, nhà chòi. Chưa có lịch trình cụ thể, chính sách giá, hướng dẫn viên (HDV) chuyên môn, bảo hiểm du lịch, và các yếu tố khác có liên quan. Có thể nói, hoạt động du lịch hiện giờ vẫn đang trong giai đoạn sơ khai, chưa có yếu tố chuyên môn trong khâu tổ chức nên còn nhiều mặt khiếm khuyết.

Nói đến phát triển du lịch, không thể chối bỏ lợi ích tích cực của ngành du lịch như giao thoa văn hóa,  hiện đại hóa cuộc sống, giao thông phát triển,v.v… mà đặc biệt là mang đến việc làm và thu nhập tốt cho một nhóm người dân địa phương, trong khi việc làm đang là một bài toán khó của xã, vì thiếu việc làm nhiều bạn trẻ và gia đình bỏ xứ đi xa để mưu sinh. Thế nhưng, điều gì cũng có hai mặt, và mặt trái của phát triển du lịch không phải là ít, có thể liệt kê sơ qua như: phát sinh các tệ nạn chèo kéo du khách (đã thấy ở hiện tượng cò tour), vấn đề an toàn cho du khách chưa được đảm bảo, mà nghiêm trọng hơn là ô nhiễm môi trường thông qua lượng rác tại điểm tham quan, khói thải ra từ các cano du lịch. Tác hại hay nguồn lợi chỉ có thể được giảm thiểu hay nhân lên dưới sự theo dõi, giám sát và điều tiết một cách chặt chẽ của cấp quản lý nhà nước địa phương. Hiện nay, tôi đang băn khoăn không biết địa phương có giải pháp hay chiến lược nào trong quản lý du lịch, một ngành kinh tế còn quá mới vừa du nhập vào xã đảo?

Dựa vào kinh nghiệm của riêng mình sau 5 năm làm việc trong ngành Du Lịch, phụ trách việc thiết kế tour, điều hành tour, quản lý khách sạn, và tổ chức sự kiện thể thao mạo hiểm, và kết hợp với trãi nghiệm của bản thân tôi qua những điểm du lịch đã từng đi qua trong nước và vài nơi ở Đông Nam Á. Tôi có một số đề xuất cho việc quản lý du lịch tại địa phương Nhơn Lý như sau:
1.     Thành lập Ban Quản lý Du Lịch xã đảo. Trong đó, có đội tuần tra cảnh sát du lịch tuần tra và cứu hộ trên biển.
2.     Đào tạo đội Hướng Dẫn Viên địa phương, có kiến thức và nghiệp vụ du lịch, hiểu biết về văn hóa bản địa, và được huấn luyện thành thạo kỹ năng sơ cứu thương, đặc biệt là cứu hộ trên biển. Các đơn vị tổ chức kinh doanh du lịch bắt buộc phải có đội HDV đã qua đào tạo nghiệp vụ.
3.     Rà soát và lập danh sách các đơn vị kinh Doanh Du lịch. Đưa ra tiêu chuẩn về phương tiện, nhân sự, cam kết môi trường, an toàn thực phẩm,v.v trong kinh doanh du lịch biển đảo. Chỉ cấp giấy phép cho những đơn vị đáp ứng đủ các tiêu chuẩn này, đặc biệt các đơn vị phải thực hiện bảo vệ môi trường biển, bảo vệ các rặn san hô xử lý rác thải.
4.     Thiết lập nội quy và hình thức xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định khi tham quan hay kinh doanh du lịch.
5.     Đưa ra sản phẩm, giá cả, chương trình du lịch cụ thể. Tránh tình trạng cạnh canh không công bằng giữa các đơn vị kinh doanh.
6.     Nâng cấp trạm y tế địa phương, sẵn sàng khi du khách cần đến
7.     Cần có văn phòng tiếp khách du lịch, xử lý những vấn đề phát sinh của du khách.
8.     Bảo vệ tuyệt đối rặn san hô, không cho khách bẻ san hô mang về nhà.
9.     CẤP THIẾT: Chú trọng thu gom và xử lý rác thải, nước thải, nghiêm cấm xả rác, có thể yêu cầu du khách mang túi nylon lên đảo, phát túi giấy thay thế. Nghiêm khắc thực hiện điều này sẽ giúp địa phương tránh lặp lại các bài học sai lầm về ô nhiễm môi trường ở các điểm du lịch khác như Vũng Tàu và Phan Thiêt. Nên nhớ, một điểm tham quan dù đẹp đến mấy mà đầy rác sẽ mất dần du khách và đến một lúc sẽ không còn ai muốn đến.
Những đề xuất trên mang tính chất sơ bộ và cần có thời gian tìm hiểu thêm về đặc tính của địa phương để đi vào chi tiết. Điều cấp thiết hiện giờ là Chính quyền địa phương cần phải có Đội quản lý hoạt động du lịch, tuyển chọn những thành viên có đủ kiến thức và tâm huyết để phụ trách việc khảo sát, nghiên cứu cụ thể hơn tình hình hiện tại và lên kế hoạch phát triển ngành du lịch địa phương trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Đội quản lý sẽ có trách nhiệm giám sát hoạt động, định hướng, và tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh du lịch. Nhờ vậy, ngành du lịch địa phương, trong tương lai sẽ phát triển một cách bền vững, và không chỉ mang lại nguồn lợi dài hạn cho người dân, mà còn bảo vệ được môi trường sống tự nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, và đây cũng là xu hướng phát triển du lịch chung của thế giới hiện nay.

Nguyen Thi Hong Ha
Bachelor of Tourism & Hospitality Management
Mail Add: hhanguyenvn@gmail.com
Skype: ivy.nguyen2013

Tuesday, December 8, 2015

THA THỨ BAO DUNG - TOLERANCE AND FORGIVENESS

Thơ Tâm Thường Định tiễn Thầy Phổ Hoà (anh Hồng Liên PTC). Thư pháp Uyên Nguyên


THA THỨ BAO DUNG

Có những lời nói làm ta nổi sân si
Có những điều nghi làm ta nổi điên và giận 
Có những cơn hận thiêu đốt rừng công phu
Có những ngục tù làm thân tâm đày đọa
Nhưng có những cái hoạ làm ta hiểu và thương
Y như những hạt sương mong manh hư ảo
Y như hoa thạch thảo sớm nở chiều tàn
Y như vô thường có gì đâu miên viễn
Y như đóa Hồng Liên Phổ Hòa buông hết
Làm sao khi ta chết thanh thản nhẹ nhàng
Tất cả đã lỡ làng làm sao ta níu lại
Nhưng nếu ta tự tại--nước chảy dưới cầu
Trong tận cùng khổ đau cũng có mầm hạnh phúc.


TOLERANCE AND FORGIVENESS


There are words that make us angry
There are suspicions that make us feel anger and even madness
There are bouts of hatred that burn forests of merits
There are poisons that imprison our hearts and minds

But it is from these unfortunate incidents that we harvest understanding and love 

Just as the mist is fragile and illusory 
Just as the flower blossoms in the morning and dies at sunset
Just like everything else, it is ephemeral
Just like Venerable Thich Pho Hoa, letting go once he returns to earth

It is through how we live that death becomes gentle and serene.
All our worries are not what we need to cling to
But if we are at peace – just like water flowing under the bridge

In the deepest form of suffering, happiness shall also sprout and flourish.

Monday, March 31, 2014

WAKE UP

Thay Thich Nhat Hanh's calligraphy
WAKE UP

At dawn, everything is just about to wake up
The wind howls in the stillness of this earthy place
The ocean is forever powerful
The waves crash into the shore,
The foams are as white as the clouds.
The ocean is vast, immense and sacred
It is as deep and wide as the love of our father
It is vast and limitless as the love of our mother
Looking at the ocean, I realize how tiny we really are
We are but a small stream, flowing into the big sea
A sea of compassion, a sea of wisdom and a sea of awakening
Life is beautiful and ever-changing,
Like today's rain following yesterday's sunshine
Life is a constant change and as fragile as a drop of dew, as sea foam or as evening clouds
But we are lucky because we have all the basic conditions for happiness
From your feet, your breath, your lips to your eyes
From your brain, your heart, your mind to your healthy hands
From the hope and encouragement of your friends and family
From the everlasting care and love from your parents and ancestors, 
Embedded with much pride, virtues and traditions
We must live to nourish our mind and heart
We must live to cultivate understanding, compassion and courage
We must live to make this world a better place for all.


Photos: from Tien Thach's fb.

For Vietnamese, click here. Đọc tiếng Việt bài thơ này ở đây.

Thursday, October 10, 2013

BÊN DÒNG SÔNG CHARLES

Trần Trung Đạo là một trong những nhà thơ lớn ở Hải ngoại. 
Bao nhiêu năm quen biết nhau qua văn học nghệ thuật và GĐPT, có lần anh Đạo chia sẻ với tôi rằng: "Chúng ta viết văn hay làm thơ cũng phải giữ lòng mình trong sáng, nhân bản, hướng thiện." Thơ và cái tâm của anh là như vậy đó, đầy nhân hậu, tình người, tình đồng bào và nhân loại.  

Văn, Thơ và Tiểu luận của anh sâu sắc và trung trực nói lên nỗi xót xa, thân phận làm người, tấm lòng yêu quê hương và dân tộc. Đi bên dòng sông Charles, cảnh đẹp và thơ mộng không khác gì những dòng sông nổi tiếng ở Âu Châu.  Nhìn các em sinh viên đại học đang đi học và giải trí lành mạnh, anh thở phào nghĩ về đất nước Việt Nam: "Hoa Kỳ này là thế... tuổi trẻ luôn học hành để xây dựng đất nước sau này; còn đất nước Việt Nam mình..." 

Chợt nhiên tôi lại nhớ câu tục ngữ Hán Việt bất hủ, "Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm". Nay xin đăng lại bài thơ cũ như là lời cảm ơn anh vậy và cùng chia sẻ đến quý độc giả.



"Ta vẫn đi trên quãng đường dài" - thơ TTĐ. Photo: Lưu Phạm
BÊN DÒNG SÔNG CHARLES
   Thân tặng anh Trần Trung Đạo

Dòng sông Charles thơ mộng
Gió lộng những nỗi niềm
Bao sinh viên êm đềm
Học hành xây dựng nước

Những cánh buồm lả lướt
Trên bến nước tự do
Tương lai có gì lo
Khi không bị lệ thuộc

Và nhìn về đất nước
Tuổi trẻ ít chuyên năng
Cuộc sống mãi lăng xăng
Quanh miếng cơm manh áo

Bao trẻ em, già lão
Thiếu thốn và hư hao
Ai lại không nở nào
Đặc dân tộc trên hết?

Thương, nói nhiều cũng mệt
Ghét, cũng lắm chua cay
Gia đình lại đoạ dày
Thôi thì quán "Mặc" "Kệ" !

Trong tiếng chuông câu kệ
Nguyện đất nước thanh bình
Nguyện lãnh đạo anh minh
Tổ quốc mình bền vững!

Friday, June 28, 2013

Chút Cảm Nghĩ về Đêm nhạc Tác Giả và Tác Phẩm 2 và Cuộc Hội Ngộ cùng anh Ngô Tín


Tất cả ca nhạc sỹ hát bài Hãy Thắm Sáng Niềm Tin của NS Lê Minh Hiền
Tác giả và anh Tín - ảnh NVQ.
GS âm nhạc - anh Quảng, anh Tín, Hoàng Lan và anh Quang
Anh Tín, Phẻ, anh Nhàn và chị Nga - ảnh NVQ
Anh Vinh, chú Hoà, anh Quang, anh Hiền, và anh Tín
Anh Tín say sưa trong tiếng đàn tại phòng khách.
Chút Cảm Nghĩ về Đêm nhạc Tác Giả và Tác Phẩm 2
và Cuộc Hội Ngộ cùng anh Ngô Tín

Tuần rồi, vợ chồng anh Tín Ngô và chị Liên Hoa lái xe lên miền Bắc California để tham gia trong chương trình giới thiệu Tác Giả và Tác Phẩm 2 (TGTP2) tại Santa Clara Convention Center vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật 23/6/2013. Tuy nhiên anh chị đã lái thẳng về Sacramento thăm chúng tôi vào tối thứ Bảy trước đó.
          Mặc dù đã biết anh là một nhạc sỹ chơi nhạc Flamenco classical guitar từ lâu, nhưng mãi đến gần đây thì chúng tôi mới có dịp làm quen qua sự giới thiệu của anh Nguyên Lương, chị Xuân Thi và chị Tuyết Đào của Hương Xưa. Là người Bình Định với nhau, nên chúng tôi đã thưởng thức bánh tráng của xứ Nẫu ngay trong đêm đầu gặp gỡ. Sau 3 đêm hàn huyên tâm sự và đàn hát cho nhau nghe, gia đình tôi, gia đình anh chị Quang Khuê, và gia đình anh chị Tín Hoa càng gần gủi nhau hơn.
            Trở lại đêm nhạc Tác Giả và Tác Phẩm 2 tại Santa Clara Convention Center, đó là một buổi hòa nhạc hội tụ 15 nhạc sỹ với những ca khúc mới nhất của mình. Trong số đó, chúng tôi quen biết 3 anh, nên đi để ủng hộ. Ngoài anh Ngô Tín ra, anh Lê Minh Hiền là một người nhạc sỹ có tâm đạo và luôn cố gắng để đưa Đạo vào đời; rồi anh Nguyễn Quang Nhàn, cũng là người con xứ Nẫu mà chúng tôi quen từ những năm trước. Nhạc của anh lắng đọng, nồng nàn và sâu sắc.
            Có thể nói, TGTP2 là một sân chơi lành mạnh và đáng khích lệ. Nó chính là một cầu nối giúp các nhạc sỹ chuyên chở những tác phẩm của mình đến với khán thính giả ở miền Bắc California. Trong lần tham gia này có những nhạc sỹ như sau:
Cúc Trần, Duy Hải, Hoàng Huy Duy, Công Dũng, Quang Nhàn, Đào Nguyên, Lê Minh Hiền, Thảo Trang, Thiên Phương, Ngô Tín, Duy Văn, Dự Nguyễn, Quốc Dũng, và Sơn Hoàng. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao vai trò của nhạc sỹ Lê Huy, người đã chịu trách nhiệm chính trong việc hòa âm, phối khí cho chương trình Tác Giả và Tác Phẩm lần này.
            Với tôi, các nhạc sỹ đã có một buổi ra mắt khá thành công. Mỗi nhạc sỹ đều có những nỗi niềm ray rức và những phong thái viết nhạc khác nhau, tạo nên một một sự đa dạng trong từng thể loại. Có thể nói mỗi người mỗi vẻ đã góp phần làm phong phú thêm cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung và âm nhạc Việt ở hải ngoại nói riêng. Với 
tôi, hai anh nhạc sỹ khá dày dạn kinh nghiệm Ngô Tín và Lê Minh Hiền, sự tham gia của họ dường như không ngoài những mong muốn thổi thêm luồng sinh khí và cảm hứng cho các đồng nghiệp.
          Nhạc sỹ Ngô Tín thì đã viết hơn 200 Ca khúc; nhạc của anh cũng như Trịnh Công Sơn, nói về tình yêu, thân phận và quê hương.  Anh đã bắt đầu học nhạc từ lúc 7 tuổi và sáng tác từ tuổi 18 vào năm 1973. Còn nhạc sỹ Lê Minh Hiền thì đã phổ nhạc gần 100 ca khúc. Thuở xưa anh viết Tình ca, về sau anh viết Thiền Ca.  Anh và vợ, ca sỹ Thu Nga, cùng nhóm Tuệ Đăng rất có tâm đạo và phục vụ rất nhiều cho cộng đồng ở Miền Bắc California, nhất là làm thiện nguyện cho các chùa trong vùng.
          Đặc biệt những tác phẩm của anh Ngô Tín gần đây đã được thể hiện rất thành công qua các giọng ca gạo cội như Tuấn Ngọc (Một Thuở Yêu Người) và Ý Lan (Trên Sợi Tình). Ngoài ra, một trong những ấn tượng nhất của đêm TGTP2 là bài độc tấu Flamenco – Bão Trên Đỉnh Núi - của anh Ngô Tín.  Anh đã làm cho khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bằng những ngón tay biết khiêu vũ trên phím đàn. Chúng tôi thật sự đã chứng kiến những cảm xúc rất thú vị và hết sức sảng khoái khi xem anh biểu diễn.  Về lại Sacramento, anh lại một lần nữa cho chúng tôi chiêm ngưỡng những ngón đàn quá thuần thục đến mê hoặc lòng người của anh. 
            Ngày kế tiếp chúng tôi đi chơi, tham quan và tối về nhà anh Nguyễn Văn Quang người mà chúng tôi luôn trân quý.  Đêm đó có thể nói là một đêm hội ngộ đầy thú vị giữa anh em chúng tôi cùng bạn bè của chúng tôi tại Sacramento. Có vợ chồng anh chị Thu Tỵ, những người bạn quý và gương mẫu mà chúng tôi đang sinh hoạt cùng trong tổ chức Gia Đình Phật Tử.  Ngoài ra còn có vợ chồng anh Sơn, người bạn học 40 năm về trước của anh Tín hiện cũng đang sống tại Sacramento.  Bằng những tình cảm nồng nàn và thân thiết như quen nhau tự thuở nào, chúng tôi hát cho nhau nghe cho đến quá nữa đêm, nào là gọng ca và ngâm thơ mượt mà của anh Lê Chương Andy, nào là giọng hát say sưa từ con tim của chị Ngô Thị Thu, đến giọng ca truyền cảm và tiếng đàn êm dịu của anh Nguyễn Văn Quang, nhưng độc đáo và trên hết vẫn là tiếng đàn và tiếng hát của anh Ngô Tín. Không gian càng về khuya càng lắng đọng chừng nào thì anh càng hát và đàn hay chừng đó. Không biết có ai nhập hay không, mà xuất thần lắm!
            Trời đã quá khuya, chúng tôi lại phải chia tay trong quyến luyến vì ngày mai mọi người phải đi làm, vả lại anh chị Tín Hoa cũng phải về lại LA vào sáng sớm hôm sau. Trước khi chia tay từ biệt, chúng tôi không quên cảm ơn anh chị Quang Khuê đã tiếp đãi ân cần và nồng hậu. Rồi tôi có bài thơ làm trong đêm trước và đã nhờ anh Chương ngâm như một lời cảm tác đối với anh chị Tín Hoa cho lần hội ngộ này tại Sacramento 2013.

KHIÊU VŨ TRÊN PHÍM ĐÀN
       Thân tặng nhạc sỹ Ngô Tín

Trăng khuya thẹn thùng quá
Chưa thổ lộ đôi điều
Nhưng cung đàn muôn điệu
Nói vạn lời thay ta

Như bão táp phong ba
Tiết tấu nào sấm sét
Có mưa dông trống thét
Có tiếng sóng nỉ non

Nhạc Ngô Tín sắc son
Thanh âm nào đa dạng
Và bao lời lãng mạn
Rót vào cuộc bể dâu

Nhạc anh có chiều sâu
Nhẹ nhàng và lai láng
Như tơ trời lãng đãng
Bồng bềnh trong mắt ai

Mong manh như sương mai
Nồng nàn và da diết
Và một điều ai biết
Quyến rũ nhạc Ngô gia

Sacramento, June 24th, 2013.

Không biết quý anh chị ở Phila hay những ai gặp gỡ anh Ngô Tín và nghe bài nhạc này, có cùng cảm xúc hay cảm nhận như chúng tôi chăng? 
Ra về, những chú ốc sên cũng thong thả về theo.
Đêm khuya
trời se lạnh
trời se lạnh
long lanh 
vô thường.
NS Ngô Tín đang biểu diễn - ảnh Công Mai.