Showing posts with label Thích Thái Hoà. Show all posts
Showing posts with label Thích Thái Hoà. Show all posts

Tuesday, January 31, 2017

TỨ TẤT ĐÀN - MỘT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG PHẬT GIÁO





Trại Huấn luyện Anoma - Ni Liên Tuyết Sơn - GĐPT MLQ. Photos: BXK

Nhật Ký Giáo Dưỡng: TỨ TẤT ĐÀN - MỘT PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC TRONG PHẬT GIÁO

Trước tiên, sứ mệnh và mục đích của giáo dục luôn thay đổi theo không gian, thời gian, quốc độ và niềm tin của mỗi người. Nhưng quan trọng hơn, “Học để làm gì?” Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization - UNESCO), có Bốn trụ cột trong việc học (The Four Pillars of Learning)[1]. Học để biết; Học để làm; Học để tự khẳng định chính mình/học để làm người; và Học để cùng chung sống.

Riêng ở quốc độ này, “Mục đích chính trong trường học tại Hoa Kỳ là để cung cấp cho sự phát triển tiềm năng trọn vẹn của từng học sinh để sống đạo đức, sáng tạo, và có hiệu quả trong một xã hội dân chủ." (“The main purpose of the American school is to provide for the fullest possible development of each learner for living morally, creatively, and productively in a democratic society”)[2]. Còn thời Việt Nam Cộng Hoà thì triết lý giáo dục được đặc trên nền tảng: nhân bản, dân tộc, và khai phóng[3]. Ngày nay, không biết nền tảng Giáo dục Việt Nam của chúng ta đang đặc ở đâu?

Riêng trong Phật Giáo, thiển ý của chúng tôi là sứ mệnh và mục đích tối hậu vẫn là “Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.” Nói cách khác là Tự mình tìm ra chân lý, giúp người thấy ra chân lý, và tất cả đều giác ngộ ra sự thật/chân lý. Còn tổ chức Gia Đình Phật Tử thì lấy Bi-Trí-Dũng làm nên tảng. Ngoài Đức dục, trí dục, và thể dục, chủng tử và huân tập là những phương tiện thiện xảo để giáo dục tuổi trẻ ngày nay. Tuy nhiên chúng tôi muốn đề cập đến Tứ Tất Đàn trong việc sự Giáo dục trong Phật Giáo. 

Theo Hoà thượng Thích Thái Hòa, trong bài Tứ Tất Đàn Và Sự Ứng Dụng Trong Cuộc Sống, Thầy giải thích như sau:
Tứ Tất Đàn, tiếng Phạn là catvari siddhanta; catvari có nghĩa là tứ và siddhanta phiên âm là tất đàn, có khi còn được phiên âm là “Tất Đàm”, và dịch là “Tác Thành Tựu”, có nghĩa là làm cho công việc thuyết pháp của Đức Phật được thành tựu. Chữ siddhanta, Hán dịch là "thành tựu", nghĩa là nhờ dựa vào bốn phương pháp này, mà Đức Phật thuyết pháp và thành tựu được sự nghiệp hoằng hóa, giáo hóa chúng sinh, đưa chúng sinh từ mê lầm đến giác ngộ, từ sinh tử đến Niết Bàn, từ phàm lên Thánh, từ mê lầm đến sự hiểu biết cao thượng.

Nội dung Tứ tất đàn gồm có: 1. Thế giới tất đàn; 2. Vị nhân tất đàn; 3. Đối trị tất đàn; và 4. Đệ nhất nghĩa tất đàn. Đây là bốn phương pháp mà Đức Phật đã tùy duyên và bất biến, giảng dạy và thành tựu viên mãn mà chúng ta có thể áp dụng ngày nay. Vì tính chất tùy duyên ở trong đạo Phật, chúng ta cũng tùy duyên sinh hoạt, giảng dạy, và hoằng Pháp cho thế hệ kế thừa những phép kỉnh sau:
1) Thế giới tất đàn: Vì sự an lạc và hạnh phúc của chúng sanh, đức Phật đã dùng phương tiện tùy thuận chúng sinh mà thuyết pháp và giảng dạy.

2) Vị nhân tất đàn: Ngài vì tùy vào căn cơ trình độ cao hay thấp, tâm lý, chủng tử của mỗi người mà dùng phương tiện này, phương tiện khác để họ dễ tiếp thu, mau tiến hóa hầu sống hài hoà an lạc.
3) Đối trị tất đàn: Ngài vì tùy thuận chỗ mê lầm và tâm bệnh của chúng sinh mà nói Pháp đối trị, như một vị Bác sỹ giỏi tùy bệnh cho thuốc để hồi phục.
4) Đệ nhất nghĩa tất đàn: Khác với 3 tất đàn trước, chỉ là phương tiện, thì Đệ nhất nghĩa tất đàn là cứu cánh và là mục đích giáo dục của đạo Phật. Khi đức Phật thấy cơ duyên của chúng sinh đã thuần thục Ngài không dùng phép tương đối mà khai thị con đường Trung đạo và Nhị đế (hai sự thật), thật tướng của các Pháp,  để thuyết cái thật tướng của vạn pháp để cho chúng sanh sớm giác ngộ. 
Như huynh trưởng Tâm Minh Vương Thuý Nga chia sẻ, “Đây là nét đặc sắc của Giáo dục Phật Giáo nói chung hay giáo dục của đức Thế Tôn nói riêng. Trong một thời Pháp của đức Thế tôn lúc Ngài còn tại thế, Ngài thường vận dụng 4 tiêu chuẩn hay 4 nguyên tắc để trình bày một vấn đề (một sự thật, một chân lý…)” Hoà thượng Thích Thái Hoà còn căn dặn:
Quý vị phải biết rằng, trong Thế gian tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn,  nên nói theo thế gian mà không sai với chính nghĩa; nói thuận theo với thế gian mà không sai với Niết bàn; ở trong sinh tử mà không sai với Niết bàn giải thoát.
Cũng vậy, trong Vị nhân tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn, trong Đối trị tất đàn có Đệ nhất nghĩa tất đàn.
Chúng ta phải tùy căn cơ, tùy từng hoàn cảnh của con người, từng hoàn cảnh xã hội mà giáo hóa, chúng ta tùy thuận mà không tùy thuộc. Vì sao? Vì trong Đối trị tất đàn, trong Vị nhân tất đàn, trong Thế gian tất đàn, mỗi cái đều có Đệ nhất nghĩa tất đàn. Cho nên, trong cái tùy duyên có tính chất bất biến bên trong.
Đây là điều mà các anh/chị/em cần phải học tập, chiêm nghiệm để có thể hành đạo được ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Nói tóm lại, Tứ tất-đàn là bốn phương tiện thiện xảo trong giáo dục mà Đức Từ phụ Thích Ca Mâu Ni đã thực hành và giảng dạy. Theo gót chân Ngài, chúng ta cũng nên tùy theo căn cơ trình độ và bối cảnh xã hội khác của đoàn sinh / học sinh / đối tượng v.v… để thích nghi làm lợi lạc cho quần sanh và xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhớ cho rằng sự ra đời của Đức từ phụ vẫn là mang lại sự giác ngộ và giải thoát cho tất cả chúng sanh. Mà muốn thành tựu được sự giác ngộ giải thoát này, chúng sanh, mà nhất là chúng ta, cần phải huân tập, tu dưỡng và chuyển hoá thân lẫn tâm từ khổ đau thành cuộc sống an vui, hạnh phúc và thanh thản cho mình và cho người, ngay bây giờ và cho cả tương lai.

Tâm Thường Định

Reference:

1. Tâm Minh Vương Thuý Nga, Phương Pháp Truyền Đạt Trong Giáo Dục Phật Giáo Và Trong Môi Trường GĐPT, Trang nhà Thư Viện Hoa Sen.

2. Thích Hạnh Bình, Đạo Phật Xưa Và Nay, Trang nhà Quảng Đức.

3. Thích Thái Hoà, Tứ Tất Đàn Và Sự Ứng Dụng Trong Cuộc Sống, Trang nhà Thư Viện Hoa Sen. http://thuvienhoasen.org/a13153/tu-tat-dan-va-su-ung-dung-trong-cuoc-song




[1] The four pillars of learning,
http://www.unesco.org/new/en/education/networks/global-networks/aspnet/about-us/strategy/the-four-pillars-of-learning/
The four pillars of learning are fundamental principles for reshaping education:
Learning to know: to provide the cognitive tools required to better comprehend the world and its complexities, and to provide an appropriate and adequate foundation for future learning.
Learning to do: to provide the skills that would enable individuals to effectively participate in the global economy and society.
Learning to be: to provide self analytical and social skills to enable individuals to develop to their fullest potential psycho-socially, affectively as well as physically, for a all-round ‘complete person.
Learning to live together: to expose individuals to the values implicit within human rights, democratic principles, intercultural understanding and respect and peace at all levels of society and human relationships to enable individuals and societies to live in peace and harmony.
[3] Nguồn – Wikipedia.org.  Giáo dục Việt Nam Cộng hòa. Chính sách văn hóa giáo dục, trang 5, Hội đồng Văn hóa Giáo dục Việt Nam Cộng hòa (1972)

Friday, January 27, 2017

XUÂN TRONG TA - Tuệ Nguyên – Thích Thái Hòa

XUÂN TRONG TA

Ngày xuân Đinh dậu lại về
Ta nghe gió hát giữa quê hương này;
Đất trời mở một đường mây
Non sông tương ngộ tháng ngày cười khan;

Ngày đông mơ ước nắng vàng
Đàn chim nho nhỏ mở toang mắt nhìn;
Quan san bụi lấm đường vinh
Sông in bóng nguyệt lời kinh ai cầu;

Đất trời một thoáng qua mau
Kể chi được mất con tàu thế gian;
Nắng reo đùa với mưa ngàn
Gà reo đùa với khỉ đàn hôm nao;

Xuân về đừng hỏi tại sao?
Cứ vui cho thỏa những ngày lạnh đông;
Mặt gà ta, mặt gà ông
Hơn thua đã có trong lòng của nhau;

Can chi sông chảy qua cầu
Hồn non vẫn ngự trên đầu thế gian;
Dẫu đông mưa nát cỏ ngàn
Hồn xuân non nước cỡi hoàng hạc bay.

Bụi hồng theo gió lắt lay
Bụi hoa theo gió đùa bay phương nào;
Xuân là điểm hẹn trăng sao
Nên trăm hoa nở reo chào cuộc chơi.

Niềm vui xin để cho đời
Can chi ong bướm lắm lời thị phi;
Đất trời nuôi dưỡng hồn thi
Trà thơm một chén, tường vi một vườn;

Dẫu cho đời có vô thường
Dẫu cho cát bụi giữa đường tung bay;
Cho đời dù có ngủ say
Trong ta xuân vẫn như ngày ấy thôi.

          Xuân Đinh Dậu - 2017
Tuệ Nguyên – Thích Thái Hòa






Sunday, January 25, 2015

Trung Đạo - Con Đường Tu Tập Và Hoằng Pháp



Thầy Thái Hoà và Thầy Từ Lực. Photo: BXK

Trung Đạo - Con Đường Tu Tập Và Hoằng Pháp

 (Đạo từ của Hòa thượng Thích Thái Hòa, Cố vấn Giáo Hạnh Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN, trong Hội nghị khoáng đại giữa nhiệm kỳ 2012 - 2016 của BHD Thừa Thiên, tại Giảng đường chùa Phước Duyên - Huế, ngày 5/12/ Giáp ngọ, tức ngày 24/01/2015).

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Cùng toàn thể anh chị em huynh trưởng quý mến!

Trong Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên, tôi có mấy điều chia sẻ đến các anh chị em như sau:

1- Nguồn nhân sự:

Bất cứ tổ chức nào muốn tồn tại lâu dài và muốn phát triển mục đích, cũng như tôn chỉ của mình đến với đa số quần chúng, thì tổ chức đó phải có nhân sự. Nhân sự là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển hay suy vong của tổ chức.

Đào tạo nhân sự thiếu phẩm chất Bi Trí Dũng, đó là nguyên nhân suy thoái của Tổ chức GĐPT. Đào tạo nhân sự có đầy đủ phẩm chất Bi Trí Dũng, đó là nguyên nhân tồn tại và phát triển của Tổ chức GĐPT.

Một huynh trưởng được đào tạo, huấn luyện có phẩm chất Từ bi, người huynh trưởng ấy không giận hờn, trách móc ai qua đêm. Họ sẳn sàng hy sinh mọi quyền lợi và danh dự cá nhân cho lý tưởng và tổ chức GĐPT mà không có bất cứ một điều kiện nào. Họ yêu thương lý tưởng và tổ chức như chính yêu thương đời sống của chính họ, không kể nguy khó, không ngại gian lao.

Một huynh trưởng được đào tạo, huấn luyện có phẩm chất Trí tuệ, người huynh trưởng ấy không ăn nói ba hoa, mà nói và làm đúng với sự thật. Sự hiểu biết của họ không phải là chuyện trước mắt mà sự hiểu biết của họ là hiểu biết tường tận đến sự của nhân quả ba đời. Họ hiểu rõ tánh tướng, thể dụng, nhân duyên, nghiệp quả của từng vấn đề. Sự hiểu biết của họ không phải chỉ đóng khung trong một không gian mà mở rộng đến mọi không gian. Sự hiểu biết của họ không phải chỉ là một đối tượng, một vật thể mà bao gồm nhiều đối tượng và nhiều vật thể. Sự hiểu biết của họ không phải bị giới hạn trong một pháp môn, mà biết vận dụng nhiều pháp môn để tương thích với mọi trình độ và hoàn cảnh của từng đối tượng, từng vùng miền, từng chủng loại và từng thế giới, để thành tựu sự nghiệp giáo dục và mục đích hoằng pháp của mình.

Một huynh trưởng được đào tạo, huấn luyện có phẩm chất Dũng lực, người huynh trưởng ấy có khả năng thực hiện phẩm chất Từ bi và Trí tuệ ngay trong cuộc sống này. Và có khả năng trao truyền phẩm chất Trí tuệ và Từ bi đến với mọi thành phần xã hội trong mọi không gian và trong mọi thời gian.

Như vậy, nguồn nhân sự của GĐPT là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của Tổ chức GĐPT, quyết định sự phát triển hay suy thoái của Tổ chức GĐPT.

2- Hệ thống điều hành:

Bất cứ tổ chức nào mang tính khoa học cũng đều kết cấu theo hai hệ thống ngang và dọc hay hoành và tung. Tổ chức kết cấu theo hàng ngang để phát triển tổ chức theo chiều rộng, nhắm tới liên kết quảng đại quần chúng trong xã hội, đưa mọi thành phần trong xã hội hoạt động cùng hướng về một mục tiêu. Tổ chức kết cấu theo hàng dọc là phát triển tổ chức theo chiều sâu và chiều cao, nhắm tới ba thành phần trí thức, trí tuệ và tinh hoa của xã hội tạo thành cốt lõi, nguồn sống và gương mặt lãnh đạo của tổ chức.

Tổ chức Trung ương không đứng ở vị trí ngang hay dọc mà đứng ở vị trí giao điểm của ngang dọc hay giao điểm của hai trục tung hoành. Giao điểm của hai trục tung hoành hay ngang dọc, Phật giáo gọi là Trung đạo hay là Tánh-không. Trung đạo thì không rơi vào một trong hai cực đoan và tánh-không là cứ điểm điều hành an toàn tuyệt đối của tổ chức và nó là trọng lực điều hành tổ chức và tổ chức ấy được bảo toàn bởi sự chuyển vận của hai trục tung và hoành hay ngang và dọc. Tổ chức mang danh Phật giáo, không thiết lập theo nhị biên mà thiết lập theo trung đạo. Trung đạo là trọng điểm của Phật giáo. Lìa xa Trung đạo để tu tập và hoằng pháp là tà đạo và tà pháp. Tà đạo, vì đạo ấy chỉ dạy cho con người về khổ, tránh né khổ, nhưng không dạy cho con người về nguyên nhân sanh khởi khổ đau, con đường diệt tận khổ đau và hạnh phúc sau khi mọi nguyên nhân sanh ra khổ đau đã bị diệt tận. Tà pháp, vì pháp ấy dẫn người thực hành rơi vào một trong hai cực đoan ép xác khổ hạnh và buông lung trong các dục. Khổ hạnh, khiến cho con người tự làm khổ bản thân mình và hèn yếu trước cuộc sống. Buông lung trong các dục, khiến cho con người tự làm khổ chính bản thân mình, đốt cháy và hoang phí đời sống của chính mình bởi những động cơ tham dục.

Nếu tổ chức chỉ có hàng dọc mà thiếu hàng ngang hay chỉ có hàng ngang mà thiếu hàng dọc, ấy là một tổ chức què quặt, bệnh hoạn. Hay một tổ chức mà tung và hoành không tương xứng, thì nó không thể tồn tại lâu dài, vì nó không thích ứng với đạo lý. Bất cứ cái gì thích ứng với đạo lý, thì tự thân của cái ấy có giá trị và tồn tại ở trong sự an toàn và vĩnh cửu. Nó an toàn, vì chính nó vận khởi từ tánh-không và nó chuyển động từ sự bất động của không-tánh; nó vĩnh cửu, vì nó vô thường trong sự thường tại vĩnh cửu của Trung đạo.

3- Phương pháp thực hành:

Giao điểm là trọng điểm của ngang và dọc hay của tung và hoành. Cũng vậy, tâm là trọng điểm của đời sống con người. Con người phóng tâm theo phiền não, buông lung theo tham dục, thì khí lực suy tán, dẫn đến bệnh hoạn và mạng sống suy vong. Con người biết quay lại với tâm mình, buông bỏ tham dục, lắng yên phiền não, khiến tâm trong, ý sáng  thì không có điều gì là không minh triệt. Các cảm giác, tri giác, tư niệm và nhận thức ở nơi tâm của mình không lừa dối được tuệ giác mình, thì còn ai trong đời có thể lừa dối!

Nên, có ba phương pháp thực hiện cho một Phật tử hay một huynh trưởng GĐPT có phẩm chất Bi Trí Dũng gồm:

* Không làm các điều ác: Nghĩa là người Phật tử không làm bất cứ điều ác nào thuộc về thân, khẩu và ý. Thực hành theo phương pháp này tạo ra sinh chất nuôi dưỡng và phát triển đời sống Từ bi của người con Phật.

* Phụng hành các điều thiện: Nghĩa là người Phật tử nguyện đem thân, ngữ và ý để thực hành mọi điều thiện. Thực hành theo phương pháp này tạo ra sinh chất nuôi dưỡng và phát triển đời sống Trí tuệ của người con Phật.

* Tự lắng sạch tâm ý: Nghĩa là người Phật tử giữ gìn sự trong sạch ngay nơi tâm ý, bằng cách thực hành Ngũ căn gồm: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn để sanh trưởng Ngũ lực gồm: Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực, nhằm phát triển đạo lực đưa đến Chánh đạo và thành tựu Phật đạo. Thực hành theo phương pháp này tạo ra sinh chất nuôi dưỡng và phát triển đời sống, bao gồm cả ba chất liệu Từ bi, Trí tuệ và Dũng lực của người con Phật.

Phật đạo là tinh hoa của người Phật tử, Chánh đạo là đời sống của người Phật tử có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Thực hành theo phương pháp này, gọi là thực hành Trung đạo. Hoằng pháp thiết lập trên nền tảng Trung đạo, để cho ở trong đời, ai có mắt thì có thể nhìn thấy; ai có trí thì có thể lãnh hội; ai có thực hành, thì có thể chứng nghiệm. Với phương pháp thực hành này, chúng ta tạo ra nguồn nhân sự cho Phật giáo nói chung và Tổ chức GĐPT nói riêng, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.

4- Khuyến tấn:

Như vậy, hôm nay BHD Thừa Thiên, tổ chức Hội nghị khoáng đại giữa nhiệm kỳ với mục đích rà soát lại hai năm đầu của nhiệm kỳ 2012 -2016, đã thực hiện được những gì của kế hoạch do Đại hội này thông qua, và những gì chưa thực hiện được, lý do tại sao? Đồng thời thảo luận đưa ra những phương pháp thực hiện cho hai năm còn lại của nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, điểm tôi muốn nhấn mạnh là nguồn nhân sự , quý vị phải rà xét yếu tố này, để thực hiện tốt hai năm còn lại của nhiệm kỳ và để chuẩn bị cho Đại hội của nhiệm kỳ tới. Quý vị cũng phải rà xét lại kết cấu tổ chức và cương vị lãnh đạo để không bị rời rạt và chệch hướng. Sau cùng, tôi muốn nhấn mạnh đến quý vị những phương pháp tu tập và hành đạo của người Phật tử nói chung và cho những huynh trưởng GĐPT nói riêng, biết vận dụng và khai thác "khế lý" để thích ứng "khế cơ và khế thời" trong thời đại của con người đang sống và chạy đua tiêu thụ đời sống theo nền Văn Minh Tin Học, để chúng ta có cơ hội đóng góp vào sự nghiệp Phật hóa toàn cầu bằng con đường Trí tuệ và Từ bi của đức Phật.

                                                         Thích Thái Hòa

Wednesday, December 17, 2014

Tương lai Gia đình Phật tử Việt Nam


Tương lai Gia đình Phật tử Việt Nam

(Pháp Thoại Hòa thượng Thích Thái Hòa giảng cho các anh chị em HTr. GĐPT vào chiều 30/11/2014, tại chùa Phổ Từ, Thành phố Hayward, miền Bắc California, USA)

Nam Mô Bổn Sư Thích ca Mâu Ni Phật

Thưa các anh chị em Huynh Trưởng GĐPT hiện diện quý mến!

Đức Phật dạy:

“Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị. Dục tri lai thế quả, kim sanh tác giả thị”.

(Muốn biết nhân đời trước, xem thọ báo đời nàỵ. Muốn biết quả đời sau, xét việc hiện đương làm!).

…Nghĩa là muốn biết nhân đời trước của mình như thế nào, thì hãy nhìn vào kết quả mà mình đang tiếp nhậ; muốn biết tương lai của mình như thế nào, thì hãy nhìn vào những tác nhân của mình đang gieo trồng ở hiện tại.


·      Những đặc điểm của Phật giáo Việt Nam


Thưa quý vị,

Trong thập niên 70, Hội nghị Phật giáo Thế giới tại Nhật Bản, bấy giờ có chư Tôn đức Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tham dự đại hội. Trong Hội nghị ấy phần nhiều thành viên hội nghị bầu cử Phật giáo Nhật Bản làm chủ tịch. Nhưng đại diện Phật giáo Nhật Bản đứng dậy và họ đề nghị Phật giáo Việt Nam xứng đáng làm chủ tịch Phật giáo Thế giới, bởi bốn đặc điểm.   

Đặc điểm thứ nhất: Phật giáo Việt Nam có một vị vua, sau khi đã chiến thắng lẫy lừng hai lần quân Nguyên Mông và vị vua ấy đã không ngủ quên trên chiến thắng của mình, mà đã phát tâm xuất gia, trở thành một vị Sơ tổ thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam. Đó là một đặc điểm của Phật giáo Việt Nam mà Phật giáo thế giới chưa thể so sánh. Phật giáo Thế giới, các vua có thể ủng hộ phát huy Phật pháp, nhưng chưa có một vị vua nào trong khi chiến thắng như vậy, mà từ bỏ ngai vàng xuất gia tu tập, để trở thành giác ngộ và tuyên dương chánh pháp. Đó là đặc điểm thứ nhất của Phật giáo Việt Nam mà Phật giáo thế giới không thể so sánh.

        Đặc điểm thứ hai: Phật giáo Việt Nam có Hòa thượng Thích Quảng Đức đã hy sinh tự thiêu thân mình cho chánh pháp, điều đó thế giới cũng có, nhưng trong sự hy sinh ấy, để lại cho đời một trái tim bất diệt thì Phật giáo thế giới chưa có được đặc điểm này. Cho nên, đó là đặc điểm thứ hai của Phật giáo Việt Nam.

Đặc điểm thứ ba: Phật giáo Việt Nam có một Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, gồm hai hệ phái: Nam Tông và Bắc Tông. Trên thế giới, Phật giáo Nam Tông và Bắc Tông của các nước không ngồi lại với nhau để chung lo hoằng truyền Phật pháp và ngay cả Phật giáo thế giới cũng chưa có được một Giáo Hội Phật Giáo Thống nhất, như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, như Phật giáo Việt nam đã có. Đó là đặc điểm thứ ba của Phật giáo Việt Nam.

Đặc điểm thứ tư: Phật giáo Việt Nam có một tổ chức Gia Đình Phật Tử với mục đích “giáo dục thanh thiếu đồng niên, trở thành một Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội, theo tinh thần Phật Giáo”. Tổ chức này có cả hàng dọc, có cả hàng ngang, tập hợp được mọi thành phần thanh thiếu đồng niên để giáo dục, huấn luyện trở thành những con người tốt cho xã hội.

Đó là bốn đặc điểm của Phật giáo Việt Nam. Cho nên, Phật giáo Việt Nam xứng đáng ngồi vào vị trí chủ tịch Phật giáo Thế giới. Khi các tôn đức Phật giáo Việt Nam tham dự Hội nghị, nghe một vị Tăng sĩ Phật giáo Nhật Bản phát biểu như vậy, lúc bấy giờ các ngài sinh ra hai cảm giác, một cảm giác vui mừng, một cảm giác lo lắng. Vui mừng là Phật giáo Thế giới đã biết được những đặc điểm quý báu của Phật giáo Việt Nam, ghi nhận những ưu điểm của Phật giáo Việt Nam, nhưng liệu những người Phật tử cũng như một số Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam có thấy được những giá trị mà Phật giáo Việt Nam trải qua dòng lịch sử bao nhiêu thế hệ như vậy đã đóng góp tạo thành hay không. Và mình không phải chỉ có bốn đặc điểm đó mà có thể nhiều hơn; và nếu khi mình nhận vai trò làm chủ tịch Phật giáo Thế giới, thì cơ sở để hội thảo, hội nghị của mình như thế nào, đã xứng với tầm vóc quốc tế hay chưa? Cho nên, cuối cùng các ngài đại diện Phật giáo Việt Nam đã đứng dậy cảm ơn đại hội, cảm ơn vị Tăng sĩ Phật giáo Nhật Bản phát biểu như vậy, nhưng đồng thời cũng tán thành Phật giáo Nhật Bản đứng vào vị trí chủ tịch Phật giáo thế giới trong hội nghị. Điều này tôi đã được nghe Hòa Thượng Thích Đức Tâm trực tiếp kể lại vào năm 1974, tại chùa Pháp Hải, Huế.


·      Tất cả chúng ta chỉ là Một

Nhắc lại một sự kiện lịch sử như vậy, để các anh chị em Gia Đình Phật Tử hôm nay, thấy rằng mình tin vào Phật giáo, mà nhất là Phật giáo Việt Nam, mình có hãnh diện không? Quá khứ tổ tiên chúng ta, những bậc tiền nhân của chúng ta đã đi những bước vững chãi để tạo nên một trang sử oai hùng cho Phật giáo Việt Nam. Trong đó có lịch sử của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Cho nên, giờ đây, tôi đi sang thăm Hoa Kỳ trải qua mười bốn tiểu bang và rất nhiều thành phố, tiếp xúc công khai, hay lặng lẽ học hỏi, lắng nghe từ nhiều bậc tôn túc ở Hoa Kỳ chia sẻ, cũng như đã lắng nghe sự chia sẻ của tất cả các anh chị em Gia Đình Phật Tử từ nhiều thành phần, đứng từ nhiều góc độ khác nhau.

Hôm nay, chúng tôi có một thời Pháp thoại để tặng các anh chị em huynh trưởng Gia Đình Phật Tử phía Bắc của tiểu bang California này. Đối với các anh chị em, tôi biết quý vị có nhiều quan điểm khác nhau, có nhiều lập trường khác nhau, có những xu hướng phụng sự chánh pháp và tổ chức khác nhau, cái khác đó là điều tất yếu, không có gì để ngạc nhiên. Bởi vì, chúng ta một người một gia đình, chúng ta đến đây từ nhiều gia đình, chứ không phải từ một gia đình; chúng ta đến đây từ nhiều quan điểm, từ nhiều lập trường, từ nhiều hoàn cảnh, từ nhiều điều kiện, từ nhiều trình độ tu tập khác nhau, nhưng khi chúng ta đã xác định Áo Lam là lý tưởng của chúng ta, thì dù chúng ta có dị biệt đến mấy, nhưng tất cả chúng ta cũng chỉ là một. Và mục đích của chúng ta duy nhất cũng chỉ là mục đích “giáo dục thanh thiếu đồng niên trở thành những Phật tử chân chính góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.

Chúng ta đến đây, chỉ vì cái tâm như vậy, chỉ vì cái hạnh nguyện như vậy, chỉ vì cái hành hoạt như vậy. Ngoài mục đích ấy, ngoài tâm ấy, ngoài hành hoạt ấy và ngoài nguyện ấy, chúng ta không có cái gì khác hơn. Còn nếu có cái gì khác hơn, thì ở lĩnh vực khác, ở môi trường khác, ở không gian khác. Và dứt khoát, chúng ta không đưa quan điểm chính trị vào trong tổ chức Gia Đình Phật Tử và có như vậy, lý tưởng giáo dục Phật giáo của chúng ta mới thấu đáo, mới khách quan. Còn nếu anh chị em nào đưa quan điểm chính trị vào trong tổ chức Gia Đình Phật Tử, tôi tin chắc rằng, Gia Đình Phật Tử này, càng ngày càng tan nát. Trong gia đình mình thôi, mà vợ chồng với nhau, cha mẹ con cái với nhau, mà mình không dạy đề cao tinh thần huyết thống; mà đưa quan điểm chính trị vào trong không gian gia đình của mình thôi là vợ với chồng cũng gây nhau, rồi cha mẹ và con cái cũng gây nhau, anh em, chị em cũng gây nhau. Cho nên, chúng ta khôn ngoan nhất, quan điểm chính trị là của xã hội và trả nó cho xã hội. Nếu chúng ta có đủ khả năng làm chính trị, thì xăng tay áo dấn thân vào xã hội để làm, còn ở trong Gia Đình Phật Tử chúng ta gạt quan điểm chính trị ra ngoài, khi mọi quan điểm chính trị đã được gạt ra ngoài không gian sinh hoạt của GĐPT, thì anh chị em chúng ta, không có lý do gì mà không hòa thuận với nhau, không tin yêu quý trọng nhau. Tất cả chúng ta chỉ là một.


·      Tình cảm đặc biệt

Cùng tất cả các anh chị em thân mến,

Tổ chức Gia Đình Phật Tử là một tổ chức tình cảm đặc biệt, nó đặc biệt chỗ nào? Nó đặc biệt, bởi vì trong tổ chức đó, có thầy trò, có bác cháu, có anh chị em ngành Thanh, có anh chị em ngành Thiếu, có các em ngành đồng Oanh Vũ. Cho nên, tổ chức Gia Đình Phật Tử là một tổ chức mà gom thâu nhiều thế hệ, nhiều tuổi tác và tổ chức Gia Đình Phật Tử là một tổ chức mang tình cảm rất đặc biệt, nghĩa là mọi thành phần xã hội đều có thể tham gia tổ chức Gia Đình Phật Tử. Ngành bác sĩ cũng có thể tham gia gia đình Phật tử, ngành dược sĩ cũng có thể tham gia Gia Đình Phật Tử, ngành giao thông, ngành tin học, ngành toán học, ngay cả quân đội cũng có thể tham gia Gia Đình Phật Tử. Nhưng, khi chúng ta tham gia Gia Đình Phật Tử rồi, thì chúng ta đem những chuyên môn đó, những tinh hoa đó để đóng góp xây dựng cho Gia Đình Phât Tử được phát triển lớn mạnh. Cho nên, Gia Đình Phật Tử là một tổ chức mang tình cảm rất đặc biệt, không bị giới hạn tuổi tác, không giới hạn ngành nghề, không giới hạn vị trí, không giới hạn trí thức. Cho nên, ông bác học cũng có thể tham gia Gia Đình Phật Tử và một em Oanh Vũ chưa biết gì cũng có thể  tham gia Gia Đình Phật Tử. Như vậy, các anh chị em thấy Gia Đình Phật Tử là một tổ chức tình cảm tuyệt vời không?


Phép lạ gắn kết tình lam

Vừa rồi, tôi giảng ở chùa Linh Sơn thành phố Belmont của tiểu bang Michigan, có một huynh trưởng hỏi tôi: Thưa thầy, tình trạng Gia Đình Phật Tử, các anh chị em có quan điểm bất đồng nhau, có nơi chia hai, có nơi chia ba và còn tiếp tục phân hóa nữa, thì bây giờ thưa thầy làm thế nào, phương pháp nào, để cho tình trạng phân hóa đừng xảy ra…? Tôi nói tại sao phải đi tìm phương pháp mới, có cái gì khó đâu? Gia Đình Phật Tử có thực tập châm ngôn của Oanh Vũ không? Cứ thực tập hết lòng châm ngôn Oanh Vũ thì không có chuyện gì mà khó cả. Châm ngôn của Oanh Vũ là “Hòa –Tin-Vui”. Rõ ràng, mọi thành phần, mọi trình độ, mọi hoàn cảnh đều gia nhập vào dòng nước mát của Gia Đình Phật Tử thì Hòa. Còn nếu đến với Gia đình Phật tử mà ôm theo bản ngã của mình, ôm theo vị trí của mình thì làm sao mà hòa được! Cho nên, Hòa-Tin-Vui là một phép lạ gắn kết tình Lam rất tự nhiên. Nhu cầu hòa thuận là nhu cầu lớn nhất mà tại sao không hòa? Vì cho mình là số một, nên không hòa. Cho nên, ai tới với Gia Đình Phật Tử mà tự cho mình là số một, thì tự người đó không thể hòa nhập được với Gia Đình Phật Tử! Do đó, đối với Gia Đình Phật Tử không có ai và không ai là một cả, mà tất cả phân công, phân nhiệm hợp tình, hợp lý để điều hòa với nhau trong công việc “giáo dục thanh thiếu đồng niên trở thành những Phật tử chân chính…”. Cho nên, dù làm trưởng ban hướng dẫn đi nữa, cũng chỉ là người cầm cán cân điều hòa, điều hợp thôi. Nên, nếu làm trưởng ban mà bị người khác thọt gậy sau lưng mình, tổng thư ký thọt gậy sau lưng mình, các em thọt gậy sau lưng mình, thì làm sao mà làm nổi trưởng ban? Không thể làm nổi. Cho nên, làm trưởng ban mà làm nổi là bởi vì tất cả anh chị em đều hòa thuận với nhau. Trong sự hòa thuận ấy, anh có mặt trong em, em có mặt trong chị, chị có mặt trong anh, không một ai thấy mình là number one cả! Bởi vì châm ngôn cơ bản của Oanh Vũ là Hòa-Tin-Vui, mà bây giờ anh chị ai cũng ôm cái ngã của mình to như vậy, thì làm sao mà có Hòa-Tin-Vui. Không hòa thuận thì làm gì có niềm tin. Bởi vì tin mới có hòa thuận, chứ không tin làm sao có hòa thuận. Và có tin nhau, có hòa thuận thì mới có vui vẻ. Cho nên, vui vẻ rồi thì anh làm việc này, em làm việc kia, chị làm việc nọ, anh thì viết chương trình, em thì đi múc nước, chị thì đi nấu cơm. Anh chị em đã có Hòa-Tin-Vui, thì cùng nhau hát đi … “Bốn phương trời ta về đây chung vui, không phân chia giọng nói tiếng cười…”.


Vì chúng ta hòa thuận, nên chúng ta vỗ tay cũng đồng nhau, hát cũng đồng nhau, phải không? Chứ mỗi người, vỗ tay một kiểu, hát mỗi người mỗi cách, thì bản nhạc thành ra cái gì, dù nhạc sĩ tài ba đến mấy mà mỗi người vỗ tay một kiểu, hát một kiểu thì bản nhạc đó vô nghĩa. Và tất cả đám hát đó trở thành uể oải. Cho nên, tôi đã nói với các anh chị em tại chùa Linh Sơn, ở Belmont, mình đã có Hòa Tin Vui. Nếu có điều gì mà không đồng nhau thì trở lại với nhau, cùng nhau thực tập Hòa Tin Vui thôi, không có cớ gì mà phiền hà cả. Mình chỉ nhắc nhở nhau, thực hành châm ngôn Oanh Vũ Hòa Tin Vui và ba điều luật của ngành Oanh, chứ nói gì cho nhiều.


·      Ba điều luật của ngành oanh

Ba điều luật của ngành Oanh: Em tưởng nhớ Phật; Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em; Em thương người vật. Ba điều luật ấy, thật tuyệt vời và cực kỳ tuyệt vời.

Em tưởng nhớ Phật: Tất cả chúng ta làm cái gì cũng đều tưởng nhớ Phật cả, nhưng tại vì anh chị nghĩ rằng, chỉ có em là tưởng nhớ Phật, chứ anh chị thì khỏi, bởi vì anh chị lớn quá rồi, anh chị lo làm việc lớn, cho nên anh chị không tưởng nhớ Phật, chỉ có em mới tưởng nhớ Phật. Cho nên, đôi khi anh chị ham làm việc lớn mà quên tưởng nhớ Phật, chỉ để đàn em mình tưởng nhớ Phật, nên các em cảm thấy thật lạc loài bơ vơ, mất niềm tin ở ngay chính các anh chị. Cho nên, em tưởng nhớ Phật, anh tưởng nhớ Phật, chị tưởng nhớ Phật, bác tưởng nhớ Phật, thầy tưởng nhớ Phật. Phật là điểm đồng quy của tất cả chúng ta, chứ không phải là chỉ có anh, chị em tưởng nhớ Phật còn mấy thầy, mấy cô khỏi tưởng nhớ Phật. Đừng nói tôi bận làm việc này, tôi bận làm việc kia, mà quên tưởng nhớ Phật. Không! thầy, bác, anh chị em, chúng ta đồng một phương hướng là em tưởng nhớ Phật, bằng tất cả tấm lòng, bằng tất cả trái tim. Tất cả chúng ta đều tưởng nhớ Phật, thì không có chuyện gì mâu thuẫn với nhau cá. Dù có mâu thuẫn chăng nữa, nhưng chúng ta cùng nhau tưởng nhớ Phật, thì đều hóa giải được hết. Cho nên, thực hành em tưởng nhớ Phật là chúng ta đang đi về với ngôi nhà tâm linh của chúng ta.

Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em: Điều luật này nói về ngôi nhà huyết thống của chúng ta, nói về đạo đức căn bản của chúng ta. Và từ đạo đức căn bản đó, chúng ta mới tiến tới được đạo đức tâm linh. Chúng ta không có căn bản đạo đức của thế gian, làm thế nào và dựa vào cơ sở nào để chúng ta tiến tới đạo đức tâm linh. Cho nên, điều thứ hai là em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em là thực tập và nuôi dưỡng căn bản đạo đức của thế gian. Không có đạo đức này, chúng ta không có cơ sở để tiến tới đạo đức tâm linh.

Điều thứ ba là Em thương người và vật. Đó là nêu cao đạo đức quan hệ giữa mình và người, giữa mình và mọi thành phần xã hội, giữa mình với muôn vật và môi trường. Như vậy, các anh chị em thấy ba điều luật của Oanh Vũ có tuyệt vời không? Quá tuyệt vời phải không. Tôi chỉ nói đến ba điều luật và ba hạnh trong châm ngôn Hòa-Tin-Vui của Oanh Vũ thôi, tôi chưa nói đến châm ngôn Bi-Trí-Dũng, chưa nói đến năm điều luật của Huynh trưởng và ngành thanh thiếu. Chỉ mới nói Hòa-Tin-Vui thôi; chỉ mới nói ba điều luật của Oanh Vũ: Em tưởng nhớ Phật, Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em, Em thương người và vật thôi, mà chúng ta thấy đã tuyệt vời rồi, nên không có sự mâu thuẫn nào giữa các anh chị em mà không hóa giải được, nếu chúng ta là GĐPT!

Chúng ta đừng nói và làm theo thói quen, chúng ta hãy nói và làm bằng sự tỉnh giác hay tuệ giác. Nói và làm theo thói quen rất dễ vấp phải những sai lầm. GĐPT mỗi khi gặp nhau, chúng ta tay phải bắt ấn chào nhau bằng tinh tấn. Vậy, Tinh tấn là gì? Tinh tấn của GĐPT là nỗ lực thực hiện cho được Hòa-Tin-Vui. Mỗi khi chúng ta nỗ lực thực hiện được Hòa-Tin-Vui trong đời sống hằng ngày thì rõ ràng phân hóa không thể xảy ra cho tổ chức chúng ta, nghi ngờ không thể xảy ra cho tổ chức chúng ta và đau khổ thất vọng ở trong tổ chức của chúng ta không xảy ra. Nếu chúng ta tin tưởng thật sự, tin tưởng thật sự nó là cuộc sống của chúng ta, thì làm gì mà có chuyện đối xử với nhau “bằng mặt mà không bằng lòng”. Khi gặp nhau, chúng ta chào nhau tinh tấn, tinh tấn thật sự. Tinh tấn là gì? Rõ ràng là nỗ lực phòng hộ cái điều xấu ác ở trong tâm và trong đời sống của mình. Điều xấu ác chưa phát sinh thì không để cho nó phát sinh. Nó đã phát sinh thì nỗ lực làm cho nó hủy diệt. Điều thiện trong ta chưa phát sinh thì nỗ lực làm cho nó phát sinh. Điều thiện trong ta đã phát sinh thì nỗ lực làm cho nó phát triển, phát triển đến chỗ viên mãn, đến chỗ tột cùng. Phật tử hòa thuận sơ sơ mà kèm theo tinh tấn, thì dẫn hòa thuận đến chỗ trọn vẹn.

Bước đầu thì hòa ngoài miệng, sau đó thì hòa trong tâm, dần dần đi tới với sự hòa thuận trọn vẹn. Hòa thuận trọn vẹn là hòa thuận cả thân khẩu ý. Bước đầu thì mình tin nhau sơ sơ, vì biết đâu mà tin, muốn tin phải lắng nghe.  Càng nghe thì càng gạn lọc. Càng lắng nghe, thì càng thấu hiểu vấn đề một cách sâu sắc. Càng hiểu thì càng tin. Hiểu nhau tuyệt đối thì tin nhau tuyệt đối. Hiểu nhau trọn vẹn thì tin nhau trọn vẹn. Bước đầu hòa với nhau sơ sơ, thì tin nhau sơ sơ và vui với nhau cũng sơ sơ. Nhưng khi đã tin tưởng nhau và hòa thuận với nhau tuyệt đối, thì chúng ta cũng có niềm vui tuyệt đối với nhau. Chị trong em, em trong anh, anh trong thầy, thầy trong trò, tất cả mình sống với nhau như vây, vui với nhau như vậy, nỗ lực duy trì cái đó, đừng để nó thối nát đi. Đó là chúng ta tinh tấn vào cái Hòa-Tin-Vui; tinh tấn với Em tưởng nhớ Phật, Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em, Em thương người và vật. Trong Tinh tấn có cái Bi, cái Trí, cái Dũng. Trong chất liệu Bi Trí Dũng có chất liệu của Tinh tấn. Phật là Bi. Pháp là Trí. Tăng là Dũng. Tinh tấn của của người Phật tử theo định hướng này.


·      Năm điều luật của GĐPT

Điều thứ nhất: Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện. Điều luật thứ nhất này là nêu rõ thực tập bốn niềm tin bất hoại của người Phật tử.

Điều thứ hai: Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống. Điều này nêu rõ thực tập hạnh Từ bi của người Phật tử.

Điều thứ ba: Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật. Điều này nêu rõ thực tập hạnh trí tuệ và chân thật của người Phật tử.

Điều thứ tư: Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Điều này nêu rõ thực tập chánh nghiệp và chánh hạnh của người Phật tử.

Điều thứ năm: Phật tử sống hỷ xả để dũng tiếng trên đường đạo. Điều này nêu rõ thực tập hạnh hỷ xả và tinh tấn của người Phật tử.

Cùng ở trong một tổ chức, cùng hướng đến một lý tưởng, mà mình không tha thứ cho nhau, không hỷ xả cho nhau, thì ai tha thứ cho mình, ai hỷ xả cho mình. Chẳng lẽ ngoại đạo tà giáo tha thứ và hỷ xả cho mình? Và ngoại đạo tà giáo tha thứ hỷ xả cho mình, thì mình có giám nhận sư tha thứ, hỷ xả đó không? Điều luật, Sống hỷ xả để dõng tiến trên đường đạo. Các anh chị thấy có tuyệt vời không?

Tôi nghĩ rằng, những nhà học giả của Phật giáo Nhật Bản, họ đã nghiên cứu kỹ về Phật giáo Việt Nam mà trong đó có cái mảng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, nên họ rất khâm phục trí tuệ và đạo hạnh các bậc tiền nhân của chúng ta, khi họ phát biểu Phật giáo Việt Nam có bốn đặc điểm rất quý báu mà tôi đã nói ở trên. Và bây giờ đây chúng ta cố gắng giữ gìn gia tài đó, tiếp nối cái đẹp đó và tôi luyện mình, để rồi mình có cơ hội trao truyền cho các em, cho con cháu thế hệ tương lai của chúng ta.

Tôi muốn nói với quý vị rằng, dù chúng ta đi đông, đi tây, đi nam, đi bắc, chúng ta có tìm ra được trên đời này, có một người nào mà không có sai lầm không?  Và chúng ta đi khắp đông tây, nam bắc để tìm ra có một người mà hoàn toàn sai lầm không? Tìm cho ra một người trên thế gian này không sai lầm, tìm bét mắt cũng không thấy đâu. Và tìm ra một người trên thế gian mà hoàn toàn sai cũng hoàn toàn không có. Là Phật tử, chúng ta phải hiểu được điều đó hơn ai hết, cho nên “Phật tử  mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống”. Phật tử hiểu được điều đó hơn ai hết, biết được điều đó hơn ai hết, cho nên “Phật tử mới sống hỷ xả để dõng tiến trên đường đạo” phải không quý vị.

Cho nên, tương lai Gia đình Phật Tử như thế nào, đều tùy thuộc vào các anh chị em có thực hiện được mục đích, châm ngôn, điều luật của Gia đình Phật Tử hay không mà thôi, và tôi nghĩ đó là cái cốt lõi, đó là xương sống của tổ chức GĐPT chúng ta.

Cấp Dũng, cấp Tấn, tất cả những cấp đó là để trang nghiêm tổ chức, để làm cho tổ chức có tính khoa học, có tính chất trách nhiệm trên dưới, chứ nó không phải là tinh hoa của GĐPT đâu. Tinh hoa của GĐPT là những gì mà chúng tôi mới trình bày đến quý vị.

Nếu chúng ta biết quay trở lại ôm ấp, nâng niu những gì tinh hoa của Gia đình Phật Tử và chúng ta sống với nó, chết với nó và nỗ lực giáo dục các em mình đi theo hướng đó và phải lấy bản thân mình làm chứng cứ cho lý tưởng của mình. Mình nói hòa thuận là mình sống hòa thuận, mình nói tin vui là mình sống tin vui. Các anh chị nói và sống như vậy, mới là tín cứ sống động cho các em, mới thổi vào trong đời sống của các em cái hồn sống của GĐPT.

Cho nên, muốn thấy tương lai GĐPT thế nào thì hãy nhìn vào những gì mà chúng ta đang làm.Và nếu các anh chị em không tiếp tục thực hiện những gì mà tinh hoa tổ chức Gia đình Phật Tử đã cơ cấu, thì không ai giúp các anh chị nổi. Và tôi tin chắc rằng, nếu không thực hiện châm ngôn Hoà-Tin-Vui và ba điều luật của Oanh Vũ; không thực hiện châm ngôn Bi-Trí-Dũng, và năm điều luật của GĐPT, thì GĐPT Phật tử Việt Nam, nếu có tồn tại chăng nữa, thì cũng chỉ có cái bóng mà không có thực chất, không có sinh lực, đó là một sự thật. Nhưng, nếu chúng ta thực tập đúng Hoà-Tin-Vui, Em tưởng nhớ Phật, Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em, Em thương người và vật; chúng ta thực tập Bi-Trí-Dũng, và  năm điều luật của Gia Đình Phật Tử một cách nghiêm túc thì tôi nghĩ rằng không ai đánh phá và phân hóa GĐPT được đâu.


·      Điểm đồng quy của tất cả chúng ta

Trang lịch sử của GĐPT tương lai có đẹp hay không, tùy thuộc vào sự thực hành Hòa-Tin-Vui của các anh chị em hôm nay. Và tôi nghĩ rằng đối với Việt Nam, các vị đã thấy rồi, Gia Đình Phật Tử đã bị khai tử ngay trong hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981. Trong hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 không có Gia Đình Phật Tử, đến nỗi năm 1992, trong hội thảo tại giảng đường chùa Từ Đàm tôi phải đứng dậy mạnh dạn phát biểu mấy điều.

Điều thứ nhất: Tôi hỏi tại sao trong hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có Giáo kỳ. Giáo kỳ là xương máu của Tăng Ni Phật tử Việt Nam và thế giới tại sao trong Hiến chương GH không có? Như vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đại diện cho ai và làm việc cho ai?

Điều thứ hai: Phật giáo là một tôn giáo vượt thời gian và không gian, chỉ gắn liền với dân tộc thôi, chứ không thể gắn liền với xã hội chủ nghĩa. Cho nên, tiêu đề Đạo pháp, Dân tộc, Xã hội chủ nghĩa, tôi đề nghị nên bỏ vế sau.

Điều thứ ba: Giáo hội Phật giáo Việt Nam KHÔNG nên là thành viên chính thức của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, bởi vì Mặt trận tổ quốc Việt Nam là một tổ chức ngoại vi mang tính chất chính trị của Đảng cộng sản. Giáo hội Phật giáo Việt Nam KHÔNG nên là thành viên của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, vì Giáo hội Phật giáo Việt Nam là phục vụ cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam, và đại diện cho Tăng Ni Phật tử Việt Nam.

Điều thứ tư: Thế hệ này nằm xuống, có thế hệ khác kế thừa, tại sao trong hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam.

Năm 1992, tai giảng đường chùa Từ Đàm – Huế, tôi đã đề cập bốn vấn đề như vậy giữa hội nghị. Tuy nhiên, việc mình cần nói thì cứ nói, việc người ta làm, thì người ta cứ làm, nhưng dù sao đi nữa, thấy đúng thì mình cứ nói, người ta có làm hay không làm là quyền của người ta. Có khi mình nói đúng, nhưng họ không làm liền, có khi mình nói buổi sáng, buổi chiều họ mới làm; có khi mình nói hôm nay mà mười hôm sau họ mới làm. Mình nói bằng tâm xây dựng, chứ không nói bằng tâm chỉ trích hay phá hoại. Nói bằng cái tâm xây dựng đó là trách nhiệm của người trí thức. Người trí thức nói đúng mà bằng cái tâm tà vạy, xấu ác, chỉ trích phá hoại, thì dù nói đúng cũng chẳng ai thèm nghe. Chỉ trích đúng, nhưng chỉ trích bằng tâm phá hoại, đó là cách chỉ trích của kẻ ác tri thức. Chỉ trích bằng cái tâm xây dựng, bằng tất cả trái tim của mình để cho vấn đề chỉnh sửa được hoàn hảo hơn, thì dù khi này người ta không nghe, nhưng khi khác người ta sẽ nghe.

Chỉ trích người khác bằng tâm xây dựng, vẫn sinh phước đức như thường, nên mình cứ nói thật với nhau về ưu khuyết của nhau cho nhau nghe đúng nơi, đúng người, đúng việc, đúng lúc, đúng pháp bằng tâm xây dựng, thì phước đức sinh ra rất lớn cho ta. Tuy rằng, mình nói đúng mà bằng cái tâm phá hoại, bằng cái tâm ta đây, ta đây là trí thức, ta đây là hiểu biết, nói như vậy để thiên hạ thấy rằng mình là trí thức, nói với tâm như vậy, thì càng nói là càng tai họa, càng nói là càng thêm xấu hổ. Chỉ trích đúng, nhưng với tâm ghét bỏ và phá hoại, thì không nên nói.

Cho nên, tương lai của Gia đình Phật tử thế nào, qúy vị đã có câu trả lời trong thời pháp thoại hôm nay. Và tôi mong rằng, tất cả các anh chị em tự mỗi người ý thức để thấy được và cùng nhau gắn bó, xóa đi những điểm dị biệt, những gì sơ suất của nhau và nhìn về một điều chung là Em tưởng nhớ Phật. Tưởng nhớ Phật sâu cạn, rộng hẹp như thế nào, thì tùy theo trình độ của mỗi người.

Nói sâu xa hơn... (vẫn là) Em tưởng nhớ Phật. Phật là điểm đồng quy của tất cả chúng ta. Làm gì và nói gì thì tất cả chúng ta đều hướng tới Phật Pháp Tăng. Và khi tổ chức Gia Đình Phật Tử, các anh chị em nói gì, làm gì, dù có cãi nhau như thế nào đi nữa, cũng vì mục đích tồn tại và danh dự của Gia Đình Phật Tử và muốn cho Gia Đình Phật Tử rạng ngời lên và  hiện hữu đúng như ý nghĩa của chính nó, mà đừng có bị pha trộn và tổn thương. Tôi chỉ mong mỏi tất cả các anh chị em như vậy và việc làm của các anh chị em trong thời gian qua có một vài mâu thuẫn, thì hãy cùng nhau tìm cách hóa giải, đừng để kéo dài. Mâu thuẫn ngang đâu thì tìm cách giải quyết ngang đó. Đối với tôi, chỉ bật ngọn đèn và gióng lên tiếng chuông thức tỉnh đến các anh chị em mà thôi. Đức Phật là điểm đồng quy của tất cả chúng ta.

 Tâm Thường Định và Trần Thị Thuỳ Trang phiên tả từ máy ghi âm. Tác giả nhuận văn và nêu các tiểu mục.