Showing posts with label Uyên Nguyên. Show all posts
Showing posts with label Uyên Nguyên. Show all posts

Wednesday, May 20, 2020

Uyên Nguyên: Tin giả có khi là tin thật nhưng cho mục đích giả tâm, hay đọc lại “Xảo thuật tình báo và truyền thông” của Trần Lý


Đức Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN, Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang
những ngày bị quản thúc tại Bình Định (Ảnh tư liệu Vạn Tường)
Khoan nói điều chi to tát, chỉ rút ra bài học của bản thân thời gian tổ chức Nhóm Hoa Đàm từ giữa thập niên ‘90, tôi ý thức vai trò truyền thông nói chung và truyền thông Phật giáo nói riêng, chí ít chỉ cho cộng đồng Phật giáo và Gia đình Phật tử mà thôi. Nhưng suy cho cùng, khi khoanh vùng một cộng đồng Phật giáo như thế, có tách biệt ra sự vận hành chung của xã hội Việt Nam, hay của cộng đồng Người Việt tỵ nạn hải ngoại hay không?
Nhìn lại chúng ta đã thất bại vì lẽ gì? nếu không phải bắt nguồn từ chính sách tuyên truyền bá đạo. Nghĩa là những thông tin liên lạc của mình dựa trên một nền tảng bất chính. Nó tạo ra hàng loạt sự khủng hoảng trong nội bộ tổ chức mà nguy hiểm nhất, dẫn dắt nhận thức lịch sử sai lệch cả trong quá khứ và hiện tại cho những mục tiêu chính trị thế tục. Tất nhiên, nó định hướng cho một hoặc nhiều thế hệ dấn liều vào những cuộc tranh chấp một cách thiếu tỉnh giác. Điều đó nhìn lại hoàn cảnh của chúng ta trong khoảng hai thập niên đổ lại, thì tự khắc giật mình!
Giật mình nhưng đã tỉnh chưa? Tôi thật sự chưa thấy có cơ sở, hoặc dấu hiệu nào để kết luận, khi mà những loại thư rác, tin giả, thậm chí là những thông tin có định hướng nhầm dẫn dắt quần chúng vẫn còn tiếp diễn.
“Fake News”, là hiện tượng nổi cộm trong xã hội Mỹ gần đây dưới thời tổng thống Donald Trump, nhưng thực sự nó là thực trạng đã có từ rất lâu trong sinh hoạt xã hội loài người và chỉ riêng cộng đồng Phật Giáo, đã phải chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề.
Tôi không có thói quen thư từ riêng cho Thầy, trước hết là vì tôn trọng thời gian pháp sự của Thầy, và nhất là sự thanh tịnh cho Thầy, một phần nữa tôi từng nghe Thầy tâm sự: “… bây giờ mà muốn biết gì, muốn nói gì thì quý thầy, quý anh chị bên đó có dịp về đây, ngồi cạnh nhau thì Thầy còn nói được, chứ Thầy không thể vói qua bên đó mà nói…” Điều đó nói lên tính chất độc lập, minh nhiên của Thầy với bất cứ mọi hoạt động của những tổ chức Giáo Hội, hội đoàn GĐPT nào mà lắm lúc tôi nghe người ta khoác lên cho thầy nhiều vai vị vốn không thật. Nhưng bản hoài độ sanh, độ lượng Thầy ít khi đính chính, cái đó là một ưu điểm của Thầy, nhưng cũng là khuyết điểm. Nhưng ưu hay khuyết đó là với cái nhìn phàm tục ưa thích tra vấn của mình, chứ với bậc Thầy có thể làm được bất cứ những gì mình nói và nghĩ, chỉ khác bao kẻ thấp thường chúng ta là đã vượt qua những chặng đường biện chứng hiện sinh, không đóng lên bộ mặt để người khác tôn thờ như một thần tượng, hay giữ thái độ để người khác mong cầu và chiêm ngưỡng chí thành vì đã làm bằng cái làm đích thực ở trên cái toàn thể. Hiểu được điều này, đồng thời hiểu tại sao Thầy IM LẶNG, như Đức Phật đã từng im lặng trước sự tra vấn, khắc khoải muôn đời của con người về hiện hữu nội thân và ngoại giới của Mang Đồng Tử (Malunkyaputta).
Trở lại vấn đề truyền thông, thuở trước một chút và sau một chút giai đoạn Giáo Hội khởi hoạt, bấy giờ PTTPGQT cũng hoạt động, mà lúc đó thì chưa bén rễ ở Hoa Kỳ, nên văn thư của Giáo Hội nhiều khi ôn Không Tánh gởi ra cho một nhóm anh em thanh niên, trong đó Phật giáo có, Thiên chúa Giáo có và Hòa Hảo nữa v.v…  thường hay tụ tập ở một nhà in góc đường Bolsa và Beach. Ở đây anh em nhiệt tình với Đạo, với hiện tình Quê Hương, nức lòng theo những biến chuyển phục hoạt của Giáo Hội Mẹ, nên thường nhanh nhảu phổ biến tin tức đến các giới truyền thông cộng đồng. Lần đó phổ biến văn thư của Hòa Thượng Huyền Quang, cũng chỉ một văn bản, nhưng so lại với văn bản của PTTPGQT gởi ra một hai ngày sau, lại có vài điểm khác biệt. Cộng đồng kháo nhau là văn thư thiệt, văn thư giả. Cái này giả cái nào thiệt, không thể nói được! Vì trên danh nghĩa cái nào cũng là của Giáo Hội, của Ôn Huyền Quang ấn ký. Nội bộ thì anh Võ Văn Ái đòi từ chức!
Vậy thì mấu chốt ở chỗ nào? Do cơ chế có chỗ vốn đã không tình hợp hợp lý, mà nhân sự phụ trách truyền thông cho Giáo Hội trong lẫn ngoài nước bất nhất. Ôn Không Tánh gởi ra ngoài theo cách không chính thức là chính bản, còn PTTPGQT phổ biến chính thức là văn bản anh đã sửa. Tất nhiên cuối cùng thì vẫn xem văn bản từ PTTPGQT là hợp lệ. Và anh Ái nghiễm nhiên tại vị, với yêu sách từ đó về sau văn kiện của Giáo Hội phải qua PTTPGQT trước khi phổ biến ra cộng đồng.
Cũng từ kinh nghiệm này, cảm thông với nỗi lòng của Thầy Viên Lý: “mình đang thở bằng mũi và nói bằng miệng của người khác”, ý Thầy là việc nhà của mình mà buộc phải phải mượn các tổ chức bên ngoài nói dùm tiếng nói của Phật giáo, của Giáo Hội, nên tôi và Quảng Hoàng đã hỗ trợ thầy xây dựng ngay trang nhà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tội nghiệp hồi đó chưa có chùa Điều Ngự, Thầy còn ở chùa Diệu Pháp mà phải lái xe từ xa về ngủ đêm tại văn phòng Tekwaves trên đường Harbor của Quảng Hoàng để làm nhanh trang nhà nói trên.
Như vậy, sự bất cập và bất nhất nói trên trong việc truyền thông của Giáo Hội cũng dẫn đến tình trạng, ngay cả vị Tổng Thư Ký của Viện Hóa Đạo, là Thầy Tuệ Sỹ cũng không nhận văn thư của Giáo Hội trước vị giám đốc PTTQT, điều này là những nguyên nhân chính để Thầy Tuệ Sỹ khó làm việc, đành xin từ chức hay hoán chuyển nhiệm vụ, mặc nhiên không hề có chuyện xích mích cá nhân nhỏ nhen gì ở đây nhưng thời điểm đó, sự đồn đãi không biết có định hướng hay vô tình lại khác với bản chất sự việc xảy ra.
Từ 2006, tôi đã nghe Thầy kể, nhưng nghe thì để đó chứ không lạm bạn. Nhưng điều đó mãi sau này tôi đem ra hỏi Thầy Viên Lý, người tiếp nối vai trò Thư Ký, rồi làm Chủ Tịch VII/VHĐ cho đến khi Giáo chỉ 10 “cách chức” Thầy để thay bằng Thầy Trí Lãng.
Buổi sáng Giáo chỉ 10 ban hành, buổi chiều hai giờ trưa cùng ngày tôi có mặt ở chùa Điều Ngự, Thầy cho tôi cái hẹn mà do bấy giờ Thiện Giao, chủ bút báo Người Việt sai tôi đi làm bản tin về sự kiện “nóng” này. Trong buổi nói chuyện, còn có anh Việt Dzũng, thầy trò ngồi với nhau trong tình nhà hơn là chuyện báo chí. Song tôi vẫn mang về một bản tin cho báo, bàn với Thiện Giao viết thật khéo, không mất lòng ai và nhất không tạo thêm sự ồn ào cho Giáo hội. Bản tin đi liền buổi tối trên online và báo giấy phát hành ngày hôm sau.
Buổi đó tôi có hỏi Thầy, “hồi đó con có từng nghe ôn Tuệ Sỹ kể là nhiều văn kiện của Giáo Hội thì PTTPGQT có trước mà Viện Hóa Đạo, tức Thầy thì có sau, làm việc như vậy thì rất khó…”. Lúc này đã Hòa Thượng, Thầy Viên Lý trả lời: “Ừ thì đúng vậy, anh Ái có đường dây riêng với Thầy Quảng Độ, nhiều cái mình cũng không được biết trước…”
Rồi với giọng trầm hẳn còn nguyên cảm xúc buồn mà có lúc tôi tưởng thầy sắp khóc khi trả lời một số thắc mắc của tôi và anh Việt Dzũng, chung quanh thịnh suy của GHPGVNTN trong và ngoài nước. Có dịp tôi sẽ kể chi tiết hơn cái duyên gặp gỡ ngày ấy của Thầy trò, còn rõ như in.
Và cũng từ những kinh nghiệm này, khi nhắc đến vấn đề truyền thông cộng đồng, trong đó vai trò làm truyền thông của giới cư sĩ, lẫn Tăng sĩ Phật giáo rất quan trọng, nếu áp dụng vào thực tiễn bằng Bát Chánh Đạo, tức giảm thiểu được nhiều những đau thương gieo rắc cho người tiếp nhận các nguồn thông tin đó. Cộng đồng đã vậy, riêng nội bộ các tổ chức Phật Giáo từ Giáo Hội đến Gia Đình Phật tử cũng vậy.
Rút lại, tin giả (Fake News) có khi không phải là tin giả, mà là thật, thật nhưng để hướng đến một mục đích giả tâm.
Vì vậy sau bao nhiêu năm, bài học đắt giá của cộng đồng Phật Giáo, của Giáo Hội mà chúng ta vướng phải, nếu không thấm thía rằng mọi sự khởi nguồn từ tâm ý bất chính, nhưng phương tiện để đạt được mục đích là dùng truyền thông tuyên truyền dẫn dắt quần chúng, thì là gì?
Tôi cho đăng tiếp một tư liệu nữa, để minh chứng cho tác dụng, sự lợi hại, cũng là tác hại của truyền thông, mà thời nào, chính quyền chế độ nào, tổ chức đoàn thể nào v.v… một phần lớn cũng phải vì nó tồn tại, phát triển, nhưng cũng vì nó suy vong. Qua tư liệu này, tôi mong quý Ôn và Thầy, nhìn nhận nhau mình chung một nỗi đau, vì vẫn chung một tăng thân GHPGVNTN, và khi mà thông điệp của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống trùng tuyên còn đồng vọng:
“… mỗi thành viên trong Tăng, hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp, đều có thể là sơ duyên hoặc thân duyên cho tình trạng bản thể thanh tịnh của Tăng bị hoen ố bởi khách trần phiền não, bản thể thanh tịnh bị phá hoại bởi dị giới, dị kiến, dị oai nghi. Quy lỗi cho các đồng phạm hạnh khác và tự khẳng định không lỗi, dù đúng hay sai, thảy đều là nhân duyên cho Tăng-già không hòa hiệp (…)
Tăng-già đệ tử Thế Tôn trong tự tánh chân thật thanh tịnh dù được thấy như là hiện tượng bị phân hóa, với những tranh chấp nội bộ nghiêm trọng theo giá trị thế tục; thế nhưng, phiền não vốn chỉ là khách trần, chỉ như bụi đường bám theo gót chân sang quý. Tự tánh thanh tịnh vẫn luôn sáng ngời trong tự tâm của mỗi chúng sanh.”
Để những ngày tới hanh thông tốt đẹp hơn, phải chăng cần xóa lấp những tin giả, thư giả, lời giả và tâm giả từ lần đầu tiên đã gây ra biết bao đổ vỡ qua hình thức mượn Đạo tạo truyền thông đại chúng, nhưng với tâm địa đầy giả vọng?
Đức Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN, Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, 
những ngày bị lưu đày ra Thái Bình (Ảnh tư liệu Vạn Tường)

XẢO THUẬT TÌNH BÁO VÀ TRUYỀN THÔNGCỦA PHÒNG THÔNG TIN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ

Trần Lý

Chính phủ và các cơ quan an ninh quốc gia, các đảng phái chính trị, thành lập và tổ chức về tình báo để lấy tin, thông tin, biết người biết ta, bảo vệ mình, phá hoại người, là chuyện bình thường, ắt có.
Một tổ chức tôn giáo, hoặc cơ quan thông tin, phát ngôn nhân danh tôn giáo, mà thiết lập bộ phận tình báo, hoặc hoạt động tôn giáo với xảo thuật phản gián của tình báo, mới là điều khó chấp nhận. Nếu chấp nhận, cũng đồng nghĩa xem tổ chức tôn giáo ấy là một tổ chức chính trị.
Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) không phải là một tổ chức chính trị, nhưng cơ quan thông tin chính thức của Giáo Hội này là Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế (PTTPGQT) lại có những hành xử giảo hoạt, ranh ma, giống như xảo thuật phản gián, điệp vụ của ngành tình báo. Những xảo thuật này, được sử dụng mỗi khi PTTPGQT lâm vào thế bí, hoặc để sửa chữa những sơ xuất, có khi là cách để tránh né sự thật, và cũng có khi là sự hăm dọa nhắm vào chính những người lãnh đạo tổ chức của mình.
Bài viết này hoàn toàn dựa trên những dữ kiện và văn kiện có thật đã xuất hiện trên các websites, diễn đàn, email nhóm hoặc cá nhân, do chính PTTPGQT phổ biến hoặc trích lại từ những nguồn khác. Những trình bày ở đây không phải là những kết luận, nhưng nếu không có sự phản biện và giải thích hợp lý nào từ phía PTTPGQT, chúng có thể được xem là sự thực của những vỡ tuồng gian xảo mà những người Phật Tử chân chất, nhất là những bậc tu hành lâu năm trong chốn thiền môn, dù có nhiều kinh nghiệm dấn thân phục vụ Giáo Hội, cũng không sao ngờ và hiểu được.
SỰ KIỆN “CHÚC THƯ GIẢ” CỦA ĐỨC TĂNG THỐNG
Không ai quên được là thời gian Đức Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN mới viên tịch, trên các diễn đàn và nhóm email xuất hiện một vài chúc thư giả trước khi GHPGVNTN, thông qua PTTPGQT, phổ biến chúc thư gọi là “thật”.
Các chúc thư giả bị PTTPGQT cáo giác là do “cơ quan phản gián Bộ Công An, tiếm danh Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế” tạo nên “nhằm dối gạt và gây hoang mang dư luận” (nguyên văn của PTTPGQT trong Thông cáo Báo chí ngày 20-8-2008).
Cái lợi của cộng sản trong việc tung ra những chúc thư giả như vậy không biết có lớn lao và mang lại kết quả cụ thể nào cho họ không. Nếu chỉ “nhằm dối gạt và gây hoang mang dư luận” không thôi thì “điệp vụ” này thật là nhỏ, chẳng có gì quan trọng. Lớn chăng là chúc thư giả có gây chia rẽ nhân sự của một Giáo Hội cương quyết chống lại cộng sản hay không mà thôi. Đối với âm mưu này, nếu Giáo Hội biết thì nhanh chóng trấn an dư luận bằng chúc thư thật, không có gì phải nao núng, hoang mang.
Nhưng Giáo Hội, thông qua PTTPGQT, đã thất bại trước sự kiện chúc thư giả (nếu thực sự chúc thư giả là do “cơ quan phản gián Bộ Công An” tạo ra):
  1. Không chứng minh được chúc thư thật là thật (vì cả giả lẫn thật đều có văn bản và chữ ký Đức Tăng Thống tách rời, hình thức giống nhau không hơn không kém).
  2. Đã cho rằng các chúc thư kia là giả, do cơ quan phản gián cộng sản tạo ra, nhưng lại tin vào nội dung của chúng là nhằm đưa TT. Thích Tuệ Sỹ lên làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo, rồi dựa vào đó kết án đây là mưu đồ của “TT. Thích Tuệ Sỹ”, của “Nhóm Thân Hữu Già Lam” và của “nhóm Về Nguồn ở Hoa Kỳ, Canada, Âu châu và Úc châu” (TCBC ngày 20-8-2008). Mượn sự xuất hiện của chúc thư giả, ông Võ Văn Ái còn nói rằng “mục tiêu Bộ Công an vận động ráo riết cho Thượng tọa sớm đoạt chức này” (chức Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN).
Như vậy, cách làm của PTTPGQT không những không giải tỏa được sự “dối gạt” và sự “hoang mang dư luận” của phản gián cộng sản mà còn cho thấy PTTPGQT “gây hoang mang dư luận” gấp mười lần hơn những gì chúc thư giả muốn có.
Cân đong tác dụng của chúc thư giả, xem ai được lợi ích nhiều nhất? Cộng sản được bao nhiêu lợi? – “Gây hoang mang dư luận” trong một thời gian ngắn trước khi có công bố chính thức của GHPGVNTN. Lợi này không đáng kể. Có chăng là lợi cho những người ghét và đố kỵ, muốn loại trừ và dập tắt ảnh hưởng của TT. Thích Tuệ Sỹ. Người đó là ai nếu không phải là ông Võ Văn Ái và nhóm thiểu số của Văn phòng 2 Viện Hóa Đạo (VP2 VHĐ) đã được chứng minh qua nhiều văn kiện và bài viết chính thức của Giáo Hội đăng trên website của PTTPGQT?
Chúc thư giả có khả năng đưa đến kết quả là TT. Thích Tuệ Sỹ lên làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo hay không? – Không. Vì chúc thư “gọi là thật” trước sau gì cũng được chính thức công bố bởi Giáo Hội. Chúc thư giả gửi từ email cá nhân, phổ biến rải rác trên vài diễn đàn internet, ai mà tin! Hơn nữa, theo Hiến Chương GHPGVNTN mà xét, Đức Tăng Thống không có thẩm quyền sắp xếp nhân sự của Viện Hóa Đạo mà chỉ có quyền hạn chuẩn y danh sách công cử do Viện Hóa Đạo trình lên mà thôi. Vậy cái chuyện “đề nghị” hoặc “ủy nhiệm”, hoặc “ủy thác” chư tôn đức giáo phẩm nhận chức vụ nào đó trong những “chúc thư giả” là chuyện không thể xảy ra, không thể áp dụng. Tất cả các thành viên GHPGVNTN trong và ngoài nước đều nắm vững vấn đề này, cho nên, nếu có ai “mưu đồ” như cáo giác của ông Võ Văn Ái, cũng không thể mượn “chúc thư giả” để hy vọng được làm Viện Trưởng VHĐ.
Còn việc ông Võ Văn Ái nói là “mục tiêu của Bộ Công an vận động ráo riết cho Thượng tọa sớm đoạt chức này”, nếu có thật, công an cộng sản cũng không dại gì tạo ra chúc thư giả, bởi vì chúc thư giả rõ ràng là hại TT. Thích Tuệ Sỹ. Còn những ai ủng hộ TT. Thích Tuệ Sỹ, như Nhóm Thân Hữu Già Lam mà ông Võ Văn Ái cáo giác chẳng hạn, sẽ không bao giờ làm ra cái chuyện đã không mang kết quả mà còn gây hại uy tín của Thượng tọa như vậy.
Tựu chung, nếu cho rằng cộng sản tung ra chúc thư giả thì phải hiểu rằng cộng sản và VP2 VHĐ cùng có chung ý đồ dập tắt ảnh hưởng của TT. Thích Tuệ Sỹ. Còn nếu cho rằng cộng sản ủng hộ TT. Thích Tuệ Sỹ thì chúc thư giả ấy không thể do họ, mà do PTTPGQT cố tình tung ra để có lý do kết án, làm giảm uy tín của TT. Thích Tuệ Sỹ đấy thôi.
Thế rồi, PTTPGQT đã đưa lên mạng riêng phần thủ bút ghi ngày tháng và ấn ký của Đức Đệ tứ Tăng thống để chứng minh các chúc thư kia là giả. Việc công bố hai dòng thủ bút (ngày tháng và nơi chốn) cùng ấn ký của Đức Đệ tứ Tăng thống rốt cuộc chỉ chứng minh được là VP2 VHĐ có giữ bản sao (phó bản – electronic photocopy) bằng điện tử (chưa phải là bản chính trên giấy trắng mực đen – hard copy) phần ký tên của Đức Tăng thống chứ chưa chứng minh được là có một chúc thư thật nào cả. Phần ấn ký và phần nội dung chúc thư, cho đến ngày nay, cuối tháng 11-2008, vẫn còn cái bên đông cái bên tây, chưa ráp lại với nhau thành một văn kiện duy nhất. Chữ ký và con dấu của Đức Tăng thống, ai cũng có, không riêng gì VP2 VHĐ, không riêng gì công an cộng sản, vì chính PTTPGQT đã cung cấp lên mạng, gọi là để chứng minh cái thật, nhưng thực ra là để mọi người cùng “sở hữu bình đẳng” như nhau, có lý do để nhiều chúc thư, văn kiện giả được tung ra về sau, Giáo Hội không sao kiểm soát nổi.
Chúc thư của Đức Đệ tứ Tăng thống, được biết là đã trao tận tay HT. thích Quảng Độ, không ai biết trước được nội dung, ngày tháng ấn ký. Từ điểm này, có thể nêu những nghi vấn sau: 1) làm sao cơ quan phản gián của Bộ Công An có được chữ ký, thủ bút, con dấu của Đức Đệ tứ Tăng thống để đưa ra chúc thư giả gần một tháng trước khi VP2 VHĐ công bố chúc thư “gọi là thật”? 2) không những có chữ ký con dấu, cơ quan phản gián của Bộ Công An còn có một văn kiện tương tự chúc thư “gọi là thật” trước khi VP2 VHĐ công bố ngày 17-8-2008, vậy ai cung cấp cho cơ quan phản gián? HT. Thích Quảng Độ hay ông Võ Văn Ái? 3) ngoài HT. Thích Quảng Độ và ông Võ Văn Ái ra, không ai có thể có được chữ ký và con dấu cũng như nội dung chúc thư trước khi công bố (ngày 17.8.2008), vậy thì ai là người tung ra chúc thư giả? – Chắc chắn không phải  Hòa thượng Thích Quảng Độ. Vậy thì có thể biết nguồn gốc từ đâu rồi.
Giả, trong trường hợp chúc thư nói trên, chỉ có người nào có thủ bút và ấn ký của Đức Tăng Thống trong tay, và với tâm địa gian xảo, lươn lẹo, cùng với ác tâm, đố kỵ, mới có thể làm được. Người này đã dùng “chúc thư giả” như một mũi tên, bắn một lượt ba chim: 1) cộng sản – những kẻ “dối gạt và gây hoang mang dư luận”; 2) TT. Thích Tuệ Sỹ, nhóm Thân Hữu Già Lam và nhóm Về Nguồn – là những kẻ bị xem như là đà cản nấc thang danh vọng và bá đạo của ông Võ Văn Ái; 3) HT. Viện trưởng VHĐ – nên liệu mà bám theo ông Võ Văn Ái để bảo đảm ngôi vị, chứ không sẽ có ngày mất trong tay kẻ khác.
Đây là xảo thuật của tình báo, của phản gián, là việc làm của kẻ ác, chứ không phải của người hiền lương, không phải là hành động của tôn giáo, nhất là Phật giáo.
“LỜI CAM KẾT GIẢ” CỦA HT. THÍCH QUẢNG ĐỘ
Qua kinh nghiệm của vụ “chúc thư giả,” tác giả của chúng tất biết cái lợi của một ná bắn hai ba chim. Khi cần thiết, cứ việc mang “bổn cũ ra soạn lại”. Tuần lễ trước, tuần lễ mà PTTPGQT vừa phổ biến Thông bạch số 33/HĐLV/TB/XLTV, đúng là “khi cần thiết” ấy.
Hãy nhìn lại bối cảnh từ đó một văn kiện “giả” được tung ra.
  • Ngày 25-9-2007, Thông bạch Hướng dẫn Thi hành Giáo chỉ số 9 do HT. Thích Quảng Độ ban hành không thành công, ngược lại Giáo Hội còn bị cô lập, mất hết hậu thuẫn của Tăng Ni và Phật Tử hải ngoại.
  • Ngày 24-8-2008, vừa chính thức nhậm chức Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống xong, HT. Thích Quảng Độ liền ban hành Thông bạch số 31, không thừa nhận các Giáo Hội tại hải ngoại không khâm tuân Giáo chỉ số 9. Thông bạch 31 này cũng bị phủ nhận và vô hiệu hóa từ 4 Giáo Hội PGVNTN tại hải ngoại qua Tuyên Bố Chung ngày 09-9-2008.
  • Ngày 15-11-2008, HT. Thích Quảng Độ lại ra Thông bạch số 33, tức Quyết Nghị 9 điểm của GHPGVNTN, “phản đối việc sử dụng danh xưng GH PGVN TN khi không tuân thủ nội dung Hiến Chương GH PGVN TN” (điểm 9, Thông bạch số 33). Thông bạch 33 này lại bị tác giả Thích Siêu Phương viết một bài phản bác rất gay gắt, tựa đề “Nhận định về Quyết Nghị 9 điểm của GHPGVNTN”, phổ biến ngày 19-11-2008. Bài phân tích của tác giả Thích Siêu Phương không những không chấp nhận sự cáo buộc tiếm danh của VP1 và VP2 gán cho các GHPGVNTN hải ngoại, mà còn vạch cho thấy chính VP1 và VP2 VHĐ đã “không tuân thủ Hiến Chương”, và đồng thời “tiếm danh GHPGVNTN”.
Có thể nói là bài viết của tác giả Thích Siêu Phương đã đặt VP1 và VP2 vào thế bí, không thể biện luận, phản bác. Trong thế cùng đường này, PTTPGQT chỉ còn một giải pháp tự vệ duy nhất: chụp mũ cộng sản lên tác giả Thích Siêu Phương! Chụp mũ như thế nào để mọi người tin? Chụp mũ bình thường thì thiên hạ cho là rẻ tiền, sẽ không thèm lưu ý, không thèm đọc. Cho nên lại phải dùng “độc chiêu” tài liệu giả, gây ấn tượng rất mạnh, nhất là có liên quan đến lãnh đạo tối cao của Giáo Hội, vốn được nhiều người ngưỡng mộ, quí kính (dù nay đã giảm đi rất nhiều).
Đây, xảo thuật diễn tiến như vầy:
  • Ngày 21-11-2008, 3:44 PM (giờ Việt Nam, nếu thực sự email này được gửi đi từ trong nước), một email mạo danh HT. Thích Không Tánh, viết ngắn gọn mấy chữ “Gửi Văn Phòng II và anh Ái – Bây giờ tính sao đây để trả lời cho công chúng. Thích Không Tánh” và gửi 2 văn kiện đính kèm (attachments): 1) “Lời Cam Kết” của HT. Thích Quảng Độ viết lúc được trả tự do, và 2) bài “Nhận định về Quyết nghị 9 điểm của GHPGVNTN” của Thích Siêu Phương.
  • Cùng ngày 21-11-2008, 8:33 AM (giờ Pháp quốc, nếu thực sự ông Võ Văn Ái lúc ấy đang ở Pháp), ông Võ Văn Ái trả lời HT. Thích Không Tánh, mà thực sự là mượn cớ để trả lời chung cho công chúng qua nhóm email của Yahoo (Yahoo Groups), với mấy điểm chính sau đây: 1) phủ nhận “Lời Cam Kết” ký tên Đặng Phúc Tuệ (thế danh của HT. Thích Quảng Độ) là do chính Hòa thượng viết. 2) tố giác việc giả mạo văn kiện này là do “cơ quan A16 thuộc Bộ Công an, tương đương với X15 Cục 2 Phản gián thuộc Bộ Quốc phòng chuyên trách biên soạn tài liệu, kể cả tài liệu phản gián GIẢ (thông tin GIẢ, tư liệu GIẢ, hình ảnh GIẢ) nhằm bôi nhọ và ly gián nội bộ đối phương” (trích email của ông VVA). 3) nối kết “2 tư liệu gửi kèm hôm nay”, cho là của Bộ Công an gửi chung thì tất nhiên kẻ giả mạo “Lời Cam Kết” của HT. Thích Quảng Độ và tác giả bài “Nhận Định về Quyết Nghị 9 điểm của GHPGVNTN” (Thích Siêu Phương) đều là công an cộng sản cả.
  • Ngày 25-11-2008, PTTPGQT ra TCBC, tiêu đề “Cảnh báo ‘Lời Cam Kết’ giả do công an cộng sản gán cho Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ”, với mấy lý do chính, tương tự như đối với chúc thư giả, sau đây: 1) tố giác cơ quan phản gián của Bộ Công An cộng sản. 2) Gián tiếp hăm dọa HT. Thích Quảng Độ – liệu mà bám sát Võ Văn Ái, kẻo bị “thân bại danh liệt” bất cứ lúc nào. 3) liên kết những tác giả và những người mình không thích vào chung một phía với công an phản gián để làm giảm uy tín những người này.
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, nạn nhân của chiến dịch “fake news” (Ảnh tư liệu Vạn Tường)
Lời bàn:
  • Trong email gửi nhiều người thông qua nhóm email của HT. Thích Không Tánh, ông Võ Văn Ái nói tác giả bài “Nhận Định về Quyết Nghị 9 điểm của GHPGVNTN” là “của cái ông Công an giả dạng Thầy Tu”. Xin hỏi: có phải chỉ vì bài viết của ông Thích Siêu Phương được ai đó gửi chung với “Lời Cam Kết” (được coi là giả) của HT. Thích Quảng Độ nên có thể kết luận rằng Thích Siêu Phương là “Công an giả dạng Thầy Tu” không? Mai sau có người lấy bài của ông Võ Văn Ái gửi chung với diễn văn của Nông Đức Mạnh, có thể kết luận Võ Văn Ái là “công an giả dạng phát ngôn nhân VHĐ” không? Nếu không thể chấp nhận cho trường hợp của mình nhưng lại quả quyết kết luận cho trường hợp của kẻ khác thì quá ư hồ đồ, thành kiến, giả vờ như kém thông minh để làm cái chuyện mà ngay cả người thất học nhất cũng không làm được! Cái ông công an đó đã “giả dạng” rồi mà còn lộ liễu gửi “Lời Cam Kết” chống phá HT. Thích Quảng Độ chung với bài viết của mình làm gì để cho ông VVA tức khắc nhận ra là công an phản gián! Hơn nữa, bài viết của ông Thích Siêu Phương này đã được phổ biến trên nhiều diễn đàn, websites, và nhóm email mấy ngày trước đó, đã làm cho VP1 và VP2 nghẹn họng không trả lời hay phản biện được, đã thành công rồi, vậy mà còn giả HT. Thích Không Tánh làm gì để gửi chung bài viết ấy với “Lời Cam Kết”! – là văn kiện cũ rích mà “Đông Dương Thời báo ở bang Texas huyên truyền tài liệu này từ mấy năm trước” (trích lời ông Võ Văn Ái – email gửi HT. Thích Không Tánh ngày 21-11-2008). Chẳng lẽ ông “công an giả dạng Thầy Tu” này muốn tiết lộ tung tích cho quần chúng và ông Võ Văn Ái biết được tẩy của ông sao! Nếu không phải là ông Thích Siêu Phương gửi mà do công an phản gián, vậy có phải là công an phản gián muốn hại ông Thích Siêu Phương không? Nếu công an phản gián muốn hại Thích Siêu Phương thì Thích Siêu Phương có phải là người của công an phản gián không?
  • Có thể nói thẳng ra là chắp 100 ông Võ Văn Ái, đem cái bài của Thích Siêu Phương ra mà phân tích, chứng minh bất cứ điều nào là của công an cộng sản, và phản biện sao cho ra hồn, ra lý, những luận điểm của Thích Siêu Phương là sai. Đừng có giở cái thói chụp mũ, vu khống ra để né tránh trả lời những chất vấn mà ông Võ Văn Ái cùng tất cả thành viên VP2 đều không trả lời được; không phải chỉ riêng Thích Siêu Phương, mà còn có tất cả những người mà ông Võ Văn Ái liệt kê vào “sổ đen” của TCBC ngày 25-11-2008, hàm hồ chụp mũ cộng sản hết như: Thích Viên Thành, Thích Viên Giáo, Trần Đại Lĩnh, Như Thuyết, Tâm Nguyên, Thấu Tâm Can, Áo Giáp, Nhóm Áo Lam, Nhóm Phật giáo Việt Nam vì Dân tộc, Atula Giới, Võ Văn Hàm, v.v…” Điều hèn nhát và bất lương nhất là khi đối phó không được liền cụp đuôi chạy thật xa rồi ngoái lại, không quên gộp hết những kẻ mình không thích vào chung một xâu với nhau, sủa lên rằng: “không phải tui thua, mà vì mấy ông đều là cộng sản hết nên tui không thèm phản biện, không thèm trả lời”.
  • Làm sao ông Võ Văn Ái xác định được “Lời Cam Kết” ký tên HT. Thích Quảng Độ là do “cơ quan A16 thuộc Bộ Công an, tương đương với X15 Cục 2 Phản gián thuộc Bộ Quốc phòng chuyên trách biên soạn tài liệu, kể cả tài liệu phản gián GIẢ (thông tin GIẢ, tư liệu GIẢ, hình ảnh GIẢ) nhằm bôi nhọ và ly gián nội bộ đối phương” ngụy tạo? Cũng tương tự, làm sao ông có thể xác quyết “chúc thư giả” trước đây cũng do “cơ quan phản gián” của Bộ Công An? Có phải ông là đặc tình của công an cộng sản, hoặc là nhị trùng tình báo, nên biết được những bí mật tình báo của đối phương? Tại sao không phải là những cá nhân nào khác, tổ chức khác, có thể là ngoại đạo, hoặc tổ chính trị nào đó, hoặc đơn giản chỉ là kẻ không thích ông, đã giả mạo các văn kiện kia? Có phải đưa những người nào đó ra thì không ai tin, nên quả quyết là cộng sản thì mọi người dễ tin hơn?
  • Tạo một email giả, gửi tài liệu “gọi là giả” có hại cho lãnh đạo của mình (“Lời Cam Kết” của HT. Thích Quảng Độ), kèm theo tài liệu thật mà mình không đối phó được (“Nhận Định về Quyết Nghị 9 điểm” của Thích Siêu Phương), để kết luận cả 3 đều là giả. Đây là xảo thuật của tình báo áp dụng trong truyền thông, mà là truyền thông của PTTPGQT. Nếu PTTPGQT có thể chứng minh được email giả kia là của cộng sản, không phải của ông VVA và “phe ta” (VP2), thì việc vin vào lý do vì bài của Thích Siêu Phương được gửi chung với “tài liệu giả” chống phá HT. Thích Quảng Độ nên Thích Siêu Phương cũng là cộng sản, cũng là thứ xảo thuật hèn kém, quỷ quyệt, lưu manh.
  • Trở lại 3 lý do chính để tạo ra sự kiện “Lời cam kết giả” và ra TCBC ngày 25-11-2008 như đã nói ở trước. Đây cũng là chiêu thức một ná bắn 3 chim như sự kiện “chúc thư giả” hồi tháng 8.2008: 1) Cáo giác công an cộng sản ngụy tạo tài liệu: sự cáo giác này luôn có lợi, vì chứng tỏ mình chống cộng, không phải cộng sản, sẽ được nhiều người ủng hộ, chia xẻ. Cộng sản có bị oan trong vụ này hay không cũng chẳng làm gì được mình, bất quá là họ chửi lại mình, nói là mình vu khống. Nhưng cộng sản càng chửi thì mình càng được những người chống cộng tin tưởng hơn. 2) Gián tiếp hăm dọa HT. Thích Quảng Độ: nếu Hòa thượng bị lung lay, có chiều hướng xét lại và quay trở về với khối đa số và từ bỏ nhóm thiểu số luôn đứng sau lưng ngài thì ngài hãy xem hậu quả trước mắt đây! Không phải chỉ có “Lời Cam Kết giả” này thôi đâu, sẽ còn nhiều thứ “giả” khác nữa tung ra. Đây, Hòa thượng xem, “Lời Cam Kết bằng thủ bút trên đây đã từng được báo Công An, An Ninh Thế giới trong nước nhắc nhở nội dung từ nhiều năm qua nhằm bôi nhọ Hòa thượng Thích Quảng Độ mỗi khi có chiến dịch đánh phá GHPGVNTN. Tuy chưa công bố toàn bản viết tay. Tại Hoa Kỳ, một Trang nhà có tên “Đông Dương Thời báo” đặt tại bang Texas, đã chuyển vận các tư liệu giả vu cáo Hòa thượng Quảng Độ, đánh phá GHPGVNTN và Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế từ mấy năm qua” (trich nguyên văn TCBC ngày 25-11-2008 của PTTPGQT). Hòa thượng thấy chưa, cộng sản nó phá Hòa thượng nhưng “chưa công bố toàn bản viết tay”, nên cũng chẳng bao nhiêu người biết được cái “Lời Cam Kết” đó; những người thuộc phe đa số của Giáo Hội cũng ngại ngần và hổ thẹn không dám đăng hay chuyền nhau; còn tôi đây, một khi đã phổ biến trên trang lưới Quê Mẹ và PTTPGQT rồi thì cả thế giới đều biết. Những biện minh của Hòa thượng đối với “Lời Cam Kết giả” này chưa chắc có sức thuyết phục bằng chính cái tài liệu mà tôi đưa lên mạng. Không những thế, ngay cả những thư từ qua lại giữa HT. Thích Không Tánh “giả” và Võ Văn Ái “thật”, rồi giữa HT. Thích Không Tánh “thật” và Võ Văn Ái “giả”, đều nói những điểm bất lợi cho Hòa thượng, đã được PTTPGQT cho phổ biến toàn cầu rồi. Đây nhé, một trích đoạn của Võ Văn Ái “giả” trong toàn văn bản đã được đăng trên website PTTPGQT: “Riêng bản thân con nghĩ thì có lẽ Lời Cam Kết ấy có thật, là do một phút khủng hoảng, hoặc vì “muốn “được mau chóng ra ngoài để phiên dịch Phật Quang Đại Từ Điển nên Ngài Viện trưởng mới “hạ bút “cam kết như vậy. Điều này thật bất lợi vì cho thấy HT của chúng ta đã không giữ được khí “tiết, đã “đầu hàng một cách nhục nhã. Chuyện này mà lan truyền ra ngoài thì chúng ta cũng khó còn “đất để “sống. Do vậy phải tuyệt đối giữ bí mật dù HT có viết lời cam kết thật hay không. Còn nếu “Ngài Viện “trưởng xác định 100% là không hề có Lời Cam Kết thì chúng ta mới dám mạnh miệng tố “ngược lại “bọn công an. Quan trọng nhất là phải gán tội cho bọn Viên Giáo, Siêu Phương và Thân “Hữu Già “Lam, liên kết chúng vào với bọn công an để triệt hạ chúng.” Đấy, Hòa thượng thấy không? Tài liệu giả, tài liệu thật, người giả, người thật, đều được PTTPGQT đưa hết lên mạng, công bố cho toàn thế giới. Giả, chỉ cần xoay một cái thì trở thành “thật”; thật, xoay một cái trở thành “giả”. Công an cộng sản chúng có thể hại Hòa thượng 10, nhưng tôi đây có thể hại đến 1000 lần hơn! Hòa thượng hãy thận trọng cân nhắc nên đứng về phía nào. 3) Chụp mũ tất cả những ai bất đồng quan điểm: đây mới là mục tiêu chính của sự kiện “Lời Cam Kết giả”. Những kẻ đã dám nói ra sự thực, đã dám vạch trần sự gian dối, lường gạt, hỗn láo, vô lễ… của ta đối với Tăng Ni, đã cả gan cáo giác ta là khuynh loát Giáo Hội, đã dùng những bài lý luận sắc bén, có sức thuyết phục, khiến người trí bỏ rơi ta, khiến ta không thể phản biện, không thể trả lời được một câu nào! Nhất là tên Thích Viên Giáo, tác giả bài “Chất vấn ông Võ Văn Ái”, đã đưa ra 33 câu hỏi hóc búa khiến ta phải chịu nhục nuốt hận, không dám mở miệng trả lời, làm mất thể diện của ta! Cho nên nhân dịp này, ta cứ giả vờ nói bài “Nhận định về Quyết Nghị 9 điểm” là của Thích Viên Giáo, dù ai cũng biết là của Thích Siêu Phương. Tất cả những tên ấy, những tên đã từng chống lại ta, ta phải cho hết vào một rọ “cộng sản” để từ đây không còn ai đọc những gì chúng viết nữa!
  • Và đây, hãy đọc đến cuối TCBC ngày 25-11-2008, sẽ thấy ông Võ Văn Ái kết luận bằng hai đoạn văn. Hai đoạn cuối cùng kết thúc TCBC này (được bôi đậm, khác với toàn bài), mới là mục tiêu chính của sự kiện “tài liệu giả”: “Với những cứ liệu nói trên, Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế xin đồng bào Phật tử nói riêng và đồng bào người Việt nói chung cảnh giác những tài liệu GIẢ hay những bài viết đánh phá, bôi nhọ, vu khống GHPGVNTN thời gian một năm qua với các tên nặc danh Thích Siêu Phương, Thích Viên Thành, Thích Viên Giáo, Trần Đại Lĩnh, Như Thuyết, Tâm Nguyên, Thấu Tâm Can, Áo Giáp, Nhóm Áo Lam, Nhóm Phật giáo Việt Nam vì Dân tộc, Atula Giới, Võ Văn Hàm, v.v… (đoạn áp chót) “Lời cam kết” giả của Hòa thượng Thích Quảng Độ và bài viết “Nhận định về “Quyết nghị 9 điểm” của GHPGVNTN” của Thích Siêu Phương do cơ quan phản gián Bộ Công an và tay chân mạo danh Hòa thượng Thích Không Tánh gửi lên mạng Internet hôm 22.11.2008 là một bằng chứng gian tà.” (đoạn cuối cùng)
Thật là một “chiêu thức” tuyệt xảo! Có thể bán rẻ hết lương tâm và sự nghiệp hoạt động chính trị của mình cho mục tiêu dơ bẩn là ngụy tạo tài liệu giả rồi cáo giác tài liệu giả, để từ đó có thể chụp mũ, vu khống kẻ khác thay vì đối thoại và trả lời những chất vấn của họ! Có lẽ ít ai trên đời này, dù là tình báo chuyên nghiệp, có thể làm được những gì PTTPGQT đã làm. Bởi vì tình báo họ chỉ dùng xảo thuật nghề nghiệp để đạt mục tiêu nhanh chóng, nhất thời. Còn ở đây, trên cả xảo thuật! Nó vượt hơn, nhưng lại thấp kém, ti tiện, không ai có thể tưởng tượng được. Lật cuốn từ điển sưu tập về những tính từ xấu của một con người, cũng không tìm ra từ nào thích đáng nhất để miêu tả tác giả sự kiện “chúc thư giả” và “tài liệu giả” này. Phải gom hết những từ trong đó mới diễn tả nổi.
Cám ơn đời đã cho tôi thấy sự thực về một con người tồi tệ, xấu xa, giảo quyệt và gian dối nhất. Nhờ đó, nhìn quanh mình, mới thấy mọi người đều tốt đẹp, dễ thương.
San Jose, ngày Thanksgiving, 27-11-2008
Trần Lý

Saturday, May 9, 2020

Uyên Nguyên: “Văn Hóa Thuần Túy”

17265218_750448571776617_372981547634108512_n
Thầy Tuệ Sỹ (ảnh: Facebook)


Một ngày, bỗng, sợ chữ nghĩa!
Khi chữ nghĩa trở thành một thứ của cải riêng, cho một triều đại, hay một đế vương.
Và một ngày bỗng nhiên ngẫm ra, rằng, chữ sắt như dao, kẻ chơi dao có ngày đứt tay là nhẹ, nặng thì vong mạng!
Một ngày, nghe người ta kháo nhau con chữ này, câu văn kia hiển nhiên trở thành một thứ nô lệ của những ông chủ đầy quyền thế, mà lúc nói ra, khi viết thành là tức khắc được đặt tên, và trong bất kỳ hoàn cảnh nào chỉ là những tên gọi phù phiếm. Nói khác đi, trong trường hợp này, con chữ là những tử tội!
Một ngày, thoắt thất kinh tự hỏi: nguồn gốc của chữ sinh ra từ đâu, từ vương triều cao nghều nghệu, hay từ thấp bé cổ miệng dân dã!?Không có câu trả lời, bao lâu khi nó vẫn luôn là một thứ vũ khí của những kẻ đầu cơ chữ nghĩa, cốt cho những thủ thuật chính trị sáo rỗng.
Lấy lời Phạm Quỳnh, nêu chuyện xưa mà ngẫm nhân tình thế thái bây giờ: “Ngày nay những người phản đối chữ Nho thường lấy hai cớ sau này:
Một cớ là chữ Nho là chữ của người Tàu, người Tàu trong bao lâu đã áp-chế dân mình, hiện nay vẫn còn tranh hết lợi-quyền của người mình về đường buôn bán. Người Việt-Nam cớ chi lại học chữ Tàu, dùng chữ Tàu, để chịu lấy cái áp-chế vô-hình của người Tàu nữa? – Người nào nói như vậy là lẫn việc văn-tự với việc chính-trị, việc kinh-tế. Người Tàu xưa kia về đường chính-trị đã áp-chế ta nhiều, ta nên ghét là phải, nhưng sự ghét đó là thuộc về lịch sử…”
“… Còn như chữ Nho là văn-tự của Tàu thì hiện không có quan hệ gì đến chính-trị kinh-tế cả. Trên kia đã nói chữ Nho là một thứ “tử-văn” chung cho cả nước Á-đông đã chịu văn-hóa của Nho học. Ta học chữ Nho không phải là chịu quyền chuyên-chế của người Tàu, tức cũng như người Âu-châu học chữ Latin không phải là chịu quyền chuyên-chế của người Ý-đại-lợi ngày nay. Ta học chữ Nho mà thử mở quốc-sử coi, biết bao nhiêu phen ta đánh Tàu siểng-liểng, đuổi người Tàu ra ngoài bờ-cõi nước nhà? Xét về vấn-đề này phải phân-biệt rõ-ràng không nên lẫn việc nọ với việc kia, mà làm cho rối trí…” (trích tr.113-114, Thượng Chi Văn Tập. Bộ Quốc Gia Giáo Dục tái bản lần thứ I 1962)
Lại liên tưởng qua một câu chuyện khác, là lần về thăm Thầy, trút hết câu chuyện mình cho là cả kinh “mất đất, mất biển” để phàn nàn Ông sao chẳng hề lên tiếng, Ông rót trà bình thản, mà ánh mắt trừng sáng: “tin vào lịch sử, bao phen mất đất mất biển mình có thể lấy lại được, còn như mất văn hóa là mất hết tất cả con à!”

Câu nói này, ai dám bảo người làm văn hóa đích thực không hàm chứa ý thức chính trị, nhưng ngược lại người làm chính trị, thiếu ý thức văn hóa, ắt tai họa đã sẵn.
Người ta nói với tôi, chê Ông chỉ là người làm “văn hóa thuần túy!”
Mà làm văn hóa thuần túy bây giờ, như Ông, chắc gì đã dễ!
Mặc cốc 3/2010
Uyên Nguyên

Saturday, May 2, 2020

Uyên Nguyên: Từ Pháp Hội Vườn Xoài* đến Buddha Bar và…

Quả tình mà nói, chuỗi hệ thống Buddha Bar, một cách chung chung, là không gian tuyệt vời! Mỗi nơi hình tượng Phật Giáo mang một vẻ độc đáo riêng. Hình dung nếu đây là một nhà hàng thuần chay, thuần tính tôn giáo, tất nhiên vì là phật tử chúng ta luôn ao ước như vậy. Nhưng tiếc là trên thực tế lại không được như ý mình. Mà cái gì không theo ý mình thì dễ rơi vào tâm lý “cầu bất đắc khổ”.
Buddha Bar, vốn là một thương hiệu có nguồn gốc từ Pháp[1], phát triển thành một hệ thống và có mặt ở nhiều quốc gia. Để ý thì chúng ta thấy thương hiệu này tồn tại ở những quốc gia mà tôn giáo chính thống không phải là Phật giáo. Điều đó có thể thấy được từ phản ứng chống đối rất mãnh liệt và dứt khoát của tín đồ Phật giáo ở Jakatar, Indonesia,[2] ngay từ những năm đầu thập niên 2000, khác hẳn với những quốc gia khác trên thế giới có Buddha Bar hoạt động mà vẫn tồn tại đến bây giờ. Song, nói thế cũng chưa chính xác, bởi ngay cả ở Nga, thương hiệu Buddha Bar trong chuỗi thương hiệu toàn cầu từng bị văn phòng công tố Krasnoyarsk, Russia phạt vạ.[3] Rồi nó cũng từng gặp rắc rối lớn ở Tribeca, New York, Hoa Kỳ[4]. Riêng ngay tại đất Phật, Ấn Độ thì sao?
Đây sẽ là điểm mấu chốt để chúng ta nhìn sâu vấn đề. Từ những trải nghiệm đã có như ở Jakatar, Indonesia, là điển hình, nhóm sở hữu hệ thống thương hiệu đã biết uyển chuyển, lùi lại “nhằm tránh làm tổn thương đến bất kỳ cảm xúc nào” (We do not want to hurt any feelings, so we backed off), theo như lời vị phó giám đốc của tập đoàn George V Eatertainment, Franck Fortet, khi trả lời báo The Economic Times, 2016. Kết quả tại Ấn Độ, cũng cùng hệ thống Buddha Bar như các quốc gia khác, nhưng Buddha Bar ở Delhi, Ấn Độ đã được thay tên là B-Bar.[5]
B-Bar ở Delhi, Ấn Độ
Seerose Resort & Spa, Meisterschwanden, SwitzerlandTao Asian Bistro, Las Vegas, USA
Buddha Bar ở Dubai (Ảnh: Love that design)
Như vậy, vấn đề “Buddha Bar” đang gây tranh cãi không chỉ mới đây[6] và riêng ở Việt Nam, khi mà qua sự kiện phát hiện ổ dịch bịnh Covid19 đã tạo thêm một làn sóng phụ. Phụ mà chính, chính mà phụ. Đó là cho dù Buddha Bar, Thảo Điền tại Việt Nam không dính dấp trong hệ thống của Buddha Bar có gốc gác từ Pháp, và hoạt động kinh doanh bên trong có vẽ khác xa, nhưng hiển nhiên thương hiệu “Buddha” cũng vấp phải những phản ứng tương tự như Jakatar, Indonesia, hay có thể sẽ là hơn thế nữa mà ở đây không cần phải phân tích sâu sa nguyên nhân của nó, vì có lẽ ai đang quan tâm cũng đủ kiến thức và ý thức. Vấn đề còn lại là mọi giới chức liên hệ, sẽ xử lý như thế nào và riêng cộng đồng tín ngưỡng Phật giáo, chúng ta ứng xử như thế nào trên nền tảng giáo lý của những người tỉnh giác. Tất nhiên là không bạo động ngay cả khi chúng ta đang dùng ngôn ngữ để bày tỏ thái độ bất bình.
Tôi nhớ ở Tokyo, Nhật Bản, có vị sư trẻ là Yoshinobu Fujioka[7], muốn thay đổi không khí hoằng pháp, với ý nghĩ táo bạo ông đã cho mở một quán bar như là cách không chỉ “quanh quẩn sau cổng chùa” và “đem đạo vào đời.”
Hầu hết những thanh niên đến đây, mang theo nỗi lòng trắc ẩn của họ về đời sống để cần có lời khuyên nhủ, và đối với những khách hàng như vậy điều họ mong muốn nhận được lời khuyên ngay thẳng giúp tinh thần của họ được nâng lên, quán bar Phật giáo là một nơi luôn có một đôi tai thông cảm – cả đêm dài.
Ngày nay ở nhiều nhà hàng ẩm thực Thái Lan, chúng ta vẫn thấy các tượng ảnh Phật được trang hoàng mà vẫn giữ vẽ tôn nghiêm cho thực khách và ngược lại. Như vậy thì không thể nói rằng đó là hành vi báng bổ. Nhưng cũng cần hiểu rằng ở Thái Lan, theo luật định thì việc “xuất khẩu Phật”, những sản phẩm tranh tượng chẳng hạn là điều cấm kỵ, và cấm đoán hoàn toàn, ngoại trừ các trường hợp giới hạn khác khi xuất khẩu đều phải tuân thủ các quy định và thủ tục hành chánh ở đây. Điều này một phần nhằm bảo vệ các cổ vật tôn giáo cổ xưa của Thái Lan và hình ảnh Phật cổ khỏi bị đánh cắp và bán bất hợp pháp cũng như giúp duy trì sự tôn trọng đúng đắn đối với lịch sử và văn hóa Thái Lan.[8] Cũng tương tự luật cấm khắt khe đối với hành vi được cho là xúc phạm văn hóa tín ngưỡng quốc gia có thể nói là ở Miến Điện. Vì mới đây thôi, 2019, những đợt sóng chống đối, vận động tẩy chay lại bùng phát khi khách sạn Waldorf Astoria Hotels & Resorts, thuộc hệ thống khách sạn danh tiếng cũng như lâu đời là Hilton, thiết trí một pho tượng Phật ngay tại quầy tiếp tân của phòng tắm hơi.
Khách sạn Hilton Evian-les-Bains (Bar & Spa)

Buddha Bar, Thảo Điền, Việt Nam (Ảnh: Internet)
Vậy thì vấn đề nằm ở chỗ nào, ở một nơi người ta không thể chấp nhận “Phật đi đôi với rượu và thức ăn mặn”, nhưng rõ ràng ở một nơi khác thì vẫn có thể. Và thực tế trên thế giới hiện nay, hình thức kinh doanh thương hiệu Buddha hoặc những gì tương tự như thế có rất nhiều, như nhà hàng Buddkan ở New York, Philadelphia và Atlanta, Hoa Kỳ. Thậm chí có một thương hiệu khác vừa nghe có vẻ báng bổ như Bull and Buddha, đến nỗi trên tờ Bangkok Post, nhà báo Patcharawalai Sanyanusin đã lên tiếng trong bài báo tựa “Show some respect for our Lord Buddha!” Nhưng ở một góc cạnh khác, thương hiệu cho ta liên tưởng đến bài học “Phật dạy chăn trâu”(?). Những hình thái kinh doanh nhà hàng, khách sạn mà chưa cần nói đến lãnh vực khác đi liền ý tưởng và hình tưởng Phật Giáo nói chung và Đức Phật nói riêng như vậy ngày nay không chỉ thu nhỏ trong phạm trù thuần văn hóa kinh điển truyền thống Phật giáo mà trộn lẫn với nhiều yếu tố phong thổ, tín ngưỡng, văn hóa khác không chỉ vùng Đông Nam Á mà lan rộng ở Tây Phương, biểu tượng Phật được sử dụng đại trà có lẽ do nhận thức phổ quát “Phật giáo không phải là một tôn giáo mà là một triết lý, nghệ thuật sống”. Nhưng rồi phải công nhận rằng, tất cả các nền văn minh lâu đời nào cũng trải qua những thử thách, để qua đó chứng minh giá trị tồn tại, biến dạng hay là hủy diệt.
“It’s hardly surprising that people are trying to sell things attached to the concept of Buddhism,” says Singhamanas, who was ordained into the Triratna Buddhist order in 2012 and now works at the London Buddhist Centre. “It’s the idea that something can give you peace, ease, energy – something mysterious, something holy but not religious.” – Buddha branding is everywhere – but what do Buddhists think?, Morwenna Ferrier, The Guardian, Sun 8 Jan 2017 10.00 EST.
Một cách cụ thể, “Buddha Bar, Thảo Điền – Việt Nam” là một địa điểm kinh doanh dễ nhận diện và tùy thuận hóa giải, nhưng trên thực tế ở đất nước này còn có rất nhiều thương hiệu núp bóng cửa Từ Bi để trục lợi, mà món lợi đó có khi thu về cho những tay lái buôn quốc tế sẵn sàng gom trọn đất nước này bằng các dự án lấn chiếm từng phần, từng ngày cho đến khi vắt nó kiệt quệ.
Sự kiệt quệ của một dân tộc như vậy không phải là mặt bằng đất đai hoặc chỉ số mất còn bao nhiêu dự án kinh doanh tầm cỡ hay thương hiệu lớn nhỏ v.v… mà là nền tảng văn hóa, trong đó thông qua văn hóa kinh doanh. Nói một cách khác, một lúc mà có những kẻ bất chấp làm ăn trục lợi mà không còn biết gì nữa thì ở một tầm vĩ mô khác, việc mãi quốc cầu vinh là có thể, và có thật.
Duy, nhờ vào quá trình tu tập bản thân, dù ở nơi nào, Phật tử tất sẽ không khó khăn gì để nhận thấy đâu là hình thái thanh tịnh của quốc độ Phật.
Mặc Cốc, 26 tháng Ba, 2020
Uyên Nguyên

______________________________________
* Thắng Man Giảng Luận, Tuệ Sỹ dịch và giải – Chương I: Pháp Hội Vườn Xoài
[1] Buddha Bar – https://en.wikipedia.org/wiki/Buddha_Bar
[2] Buddha Bar chain urged to close Jakarta branch for religious reasons – https://www.theguardian.com/world/2009/mar/12/buddha-bar-indonesia-protests
[3] Buddha Bar in Krasnoyarsk fined for offending believers’ feelings – https://www.rbth.com/politics_and_society/2016/11/24/buddha-bar-in-krasnoyarsk-fined-for-offending-believers-feelings_650493
[4] Buddha Bar blocked: Residents rally against luxury club, restaurant chain opening in Tribeca – https://www.thevillager.com/2016/04/buddha-bar-blocked-residents-rally-against-luxury-club-restaurant-chain-opening-in-tribeca/
[5] Buddha-Bar creates new brand for India -B-Bar – https://economictimes.indiatimes.com/industry/services/hotels-/-restaurants/buddha-bar-creates-new-brand-for-india-b-bar/articleshow/14486450.cms?prtpage=1
[6] Buddha branding is everywhere – but what do Buddhists think? – https://www.theguardian.com/lifeandstyle/shortcuts/2017/jan/08/buddha-branding-buddhists-religion-philosophy-year-anxious
[7] Monk-run Tokyo bar proffers drinks even as it teaches Buddhism – https://www.japantimes.co.jp/life/2017/04/22/food/monk-run-tokyo-bar-proffers-drinks-even-teaches-buddhism/#.Xnx4rupKiUl
[8] Exporting Buddha – https://www.bangkokpost.com/thailand/special-reports/357587/exporting-buddha