Showing posts with label Văn. Show all posts
Showing posts with label Văn. Show all posts

Monday, February 20, 2017

XIN HẸN MỘT LẦN NỮA!




XIN HẸN MỘT LẦN NỮA!

Sáng nay trời lạnh, ra vườn nhìn hạt sương còn đọng trên cành cây khô, quên mất thân mình đã thấm lạnh, thấy ta cũng đang già. Tự nhiên, nhớ bốn câu thơ của Thầy Tuệ Sỹ.

Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn nến tàn
Rừng khuya bên bếp lạnh
Ngồi đợi gió sang canh...

Ô, đây là tâm trạng của Thầy hay tâm trạng của con? hay của biết bao nhiêu người Việt trong nước và cả những người Việt tha phương. Rồi lại nhớ bài thơ cũ mình viết:

...giật mình nữa kiếp rong chơi
đông tây trời chưa sáng
bẽ bàng
tiếng vọng hôm qua
hay tiếng gọi mai sau
gió lại hú triền miên
về phút giây hiện tại.

Hiện tại đó, hai con còn ngủ. Ai đang lớn dần? Và. Ba. 
Ba đang ngồi thanh thản.
Mắt yếu tai lờ, cội tùng già cỗi nhưng vẫn hướng về Quê hương nơi chôn nhau cắt rốn. 
Ba ơi, con hứa sẽ đưa Ba về!

Sacramento, President's day - 02.20.17

Sunday, May 3, 2015

MẮT BIẾC TRONG THƠ TUỆ SỸ


Thầy Tuệ Sỹ - Tranh Đỗ Trung Quân
                    MẮT BIẾC TRONG THƠ TUỆ SỸ
      Thầy Tuệ Sỹ là một vị danh Tăng, một thạch trụ già lam, vị tu sĩ uyên bác mà cả hàng triệu người trên thế giới biết đến. Hồn thơ và sắc thái của Tuệ Sỹ vốn thanh tao và giải thoát, vốn lai láng và cao siêu—đã và đang làm nhiều người say mê, học hỏi và thả hồn mình trong nguồn suối từ miên viễn này.
       Khi đọc thơ Tuệ Sỹ, chúng ta có thể cảm nhận được sự hoàn mỹ và siêu việt của văn chương Việt Nam, ở đó là một bể học vô tận và sự đắc đạo của Người. Thơ Tuệ Sỹ tao nhã, giải thoát, và đầy chất liệu Bi-Trí-Dũng. Thơ ông có khi oai hùng, có khi ngậm ngùi, có khi lãng mạn, nhưng điểm chung là có cả niềm tin yêu, ước mơ và hy vọng. Cõi thơ Tuệ Sỹ thuộc loại độc nhất vô nhị, rất lạ thường, nhiều tư tưởng, thi ảnh (imagery), đầy thiền quán, và sâu thăm thẳm. Cõi bất nhị ấy, chúng ta chỉ có thể cảm nhận bằng tâm khảm, bằng tấm lòng trong sáng của mình; chúng tôi chưa có đủ khả năng bình luận, và ở đây xin mạn phép nhắc đến hai từ rất đẹp trong thơ Tuệ Sỹ mà thôi. Đó là hai từ Mắt biếc trong bài Một Thoáng Chiêm Bao: 
                Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
                Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao
                Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
                Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao
                                         (Rừng Vạn Giã 1976)
            Nhà văn Vĩnh Hảo đã nói về bài thơ này rất chi tiết và tuyệt vời (xin mời xem ở đây - http://www.vinhhao.info/Doctho/t/tuesy.htm).  Tôi cố tìm cái nghĩa ẩn dụ của từ “Mắt Biếc” trong thơ Tuệ Sỹ thì tìm thấy nhà thơ Tâm Nhiên cũng đã hỏi, “…Thế thì, tuyệt cùng ẩn ngữ thi ca Tuệ Sỹ là gì? Làm sao chỉ ra được, khi ngôn ngữ cứ lấp lánh ẩn hiện trong ánh sáng phát ra từ tâm cảm thâm trầm? Có ai nắm giữ được những tiếng dương cầm âm thanh thánh thót, phiêu diêu, dịu dàng vang ngân bất tận từ giữa lòng bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa?”
            Hỏi và trả lời của thi nhân Tâm Nhiên như thế thì quá tuyệt về lối ẩn ngữ của Tuệ Sỹ, vì thế chúng ta chỉ có sự lãnh hội và cảm nhận của mỗi cá nhân mà thôi. Nhưng để sự cảm nhận đó được trọn vẹn, nhất là đối với giới trẻ đang sống ở xứ người như chúng tôi, bài thơ cần được dịch ra tiếng Anh; nên chúng tôi cố gắng dịch bài này.Thiết nghĩ, nếu nói đến Mắt Biếc là nói đến nét đẹp ngây thơ (innocent), xinh xắn và đầy niềm hy vọng. Có lần tôi định dịch từ “Mắt Biếc” là mắt xanh (blue eyes), chỉ cho phái nữ và để có sự tương phản trong màu sắc, con cò ‘trắng’, nhưng thực ra trong văn học Việt Nam, từ "Mắt Biếc" hàm ý trẻ đẹp và sâu thẳm. Một vị Thầy dạy ngôn ngữ học, Giáo sư Nguyễn Văn Thái cũng nói như thế. Ông chia sẻ và tâm sự trong thâm tình,
…(Hãy) diễn tả từ "biếc" qua từ "deep" vì trong văn hóa và chủng tộc Á đông không bao giờ có "blue" eyes, và trong văn chương tiếng Việt từ "mắt biếc" hàm ý đẹp và sâu thẳm, chứ không phải là màu xanh. Từ "white" là trắng, nhưng anh nghĩ từ "trắng" ở đây mang một ý nghĩa thâm thúy hơn là sắc trắng. "Cò trắng" ở đây chuyên chở cái ý (connotation) được mang theo từ câu giới thiệu "mắt biếc ngây thơ", nghĩa là cái "trắng" trong hàm ý "untouched, unsullied". Quan trọng trong thơ là cách chọn từ (diction) có thể tạo "imagery" (thi ảnh) chứ không bộc bạch, làm mất cái đẹp và ý nghĩa của thơ: mình không nói "trắng" (trong tiếng Anh) mà hiểu là trắng, cái trắng tinh tuyền không bị vẫn đục (virginal = unsullied, untouched), cũng như khi nói "trắng" (trong tiếng Việt) mà không hiểu là trắng mà hiểu là "trinh nguyên" (virginal). Và sau cùng hai vế của câu thơ cuối không thể là nguyên nhân (cause) và hậu quả (effect) được, mà vế nói về "yêu" phải là nội tại trong thời gian (temporally internal) của vế nói về "giấc mơ", nên phải dùng từ "In" thay vì "because of" mặc dù con chữ tiếng Việt là "vì" (because).
Đó là những ý nghĩ của anh, nhưng thưởng thức thi ca là một tiếp nhận cá biệt và dịch thơ đòi hỏi phản ánh hàm ý (connotations) chứ không thể dùng bề mặt của con chữ (denotations) được. Sự tiếp nhận cá biệt là tích tụ của văn hóa và của kinh nghiệm cá nhân nên mỗi người hiểu một bài thơ rất khác nhau, ngoại trừ loại thơ chỉ dùng bề mặt của con chữ và trong trường hợp này thì không phải là thơ nữa. Do đó anh chỉ trình bày sự tiếp nhận của anh, và dĩ nhiên là những từ em muốn thay đổi không có gì là không đúng, nhưng theo ý anh thì em chỉ phản ánh denotations. Anh lấy một ví dụ: "người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn" đâu phải là những người có đôi mắt biếc mà là "Em có đôi mắt biếc..." nhưng nếu dùng từ "em" thì thô lỗ đối với một thi sĩ tao nhã (có lẽ là một bậc thiền sư), nhưng hàm ý vẫn là "em".
            Chúng tôi đồng tình cùng Giáo sư Nguyễn Văn Thái, nhưng chỉ thêm vào đây--chữ Người hay chữ ‘Em’ trong thơ Tuệ Sỹ--có thể là biểu tượng của cái hay, cái đẹp, rất Chân-Thiện-Mỹ và có lẽ là tiểu tượng cho cả một kiếp nhân sinh, một dân tộc, hay những gì tốt đẹp nhất dành cho tha nhân. Sự giải thích và chữ nghĩa của Giáo sư thật quý phái và trong sáng, nên cuối cùng chúng tôi đúc kết bài này qua phần tiếng Anh như sau:
                  Fleeting Glimpse of a Dream
Your deep innocent eyes on that day of gala
And your graceful smiling lips dim the dazzling rays of the sun
Incarnating the virginal heron in the midst of the endless verdant prairie
In the fleeting glimpse of a dream, I’m in love with thee.
                                            Vạn Giã Forest, 1976.
Poem by Thích Tuệ Sỹ / Thơ Tuệ Sỹ
Translated by / Dịch bởi Bạch X. Phẻ
Edited by / Hiệu đính bởi GS. Nguyễn Văn Thái

            Chỉ hai từ Mắt Biếc thôi, chúng ta thấy được cõi Chân-Thiện-Mỹ, niềm ước mơ, tương lai và hy vọng cho cả một dân tộc Việt Nam. Chỉ một bài thơ thôi mà chúng ta thấy được cả nỗi niềm, hoài niệm, quán tưởng của tác giả (cũng như nhiều người), chúng ta lãnh hội được sự thăng trầm của quê hương tổ quốc. Nhưng trên hết là chúng ta đã thấy được ở Thầy trí tuệ viên thông trong chốn thiền môn vô tịch.
            Nói tóm lại, ngôn ngữ thi ca của Tuệ Sỹ trong s
áng, tao nhã, sâu sắc chứa đựng nhiều ẩn dụ và biểu tượng. Sự suy diễn và lãnh hội hay cảm nhận của mỗi cá nhân tuỳ thuộc vào khế cơ, sự tu học, hành trì và kinh nghiệm sống của mỗi chúng ta. Thơ Tuệ Sỹ chỉ có ông mới Rõ-ràng-Thường-Biết, còn chúng ta thì xin hãy bước vào cõi thơ của Ông thật nhè nhàng, thanh thản với tấm lòng và trái tim rộng mở. Thì ở đó chúng ta mới thấy được Áng mây trắng thong dong trên bầu trời hay Bóng nhạn lướt qua dòng sông của Thầy. 
Tâm Thường Định
Tham khảo:
1. Hương Tích Phật Việt – Giấc Mơ Trường Sơn (2014).
2. Tâm Nhiên - Tuệ Sỹ Trên Ngõ Về Im Lặng – tải xuống ngày 23 tháng 4, 2015. http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18625
3. Vĩnh Hảo – Đọc Thợ Tuệ Sỹ – tải xuống ngày 22 tháng 4, 2015. http://www.vinhhao.info/Doctho/t/tuesy.htm 

Wednesday, December 24, 2014

TẤM LÒNG CỦA MỘT NGƯỜI CHA XA XỨ



Và niềm vui nữa của Ba...ảnh: BXK
TẤM LÒNG CỦA MỘT NGƯỜI CHA XA XỨ
Sáng tinh mơ, Ba vẫn thường lặng lẽ, ngồi thiền trước bàn thờ Phật và Ông Bà Tổ Tiên. Những lúc như thế nhìn Ba mà lòng cảm thấy nhẹ nhàng thanh thản. Ba sinh ra và lớn lên trên bán đảo Phương Mai, miền duyên hải hữu tình và thơ mộng dọc Miền Trung trong một gia đình ngư dân và thương gia. Năm nay Ba đã ở cái tuổi “Bát thập đắc hi hỉ” thế mà tinh tấn chuyên cần với những việc thường ngày như thế, trong đó có nghe tin tức bên Việt Nam và tìm mọi cách để giúp đỡ những người còn lại. Thậm chí, khi đi mua áo ấm tặng Ba, Ba cũng luôn nghĩ về những người thiếu thốn ở Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đây là một ví dụ đẹp điển hình trong bài thơ mà chúng tôi đã viết nói lên tấm lòng của Ba về quê hương đất nước cũng như những lời dạy bảo của người.
ÁO BA LÀM ẤM QUÊ HƯƠNG
Mùa Đông lạnh cùng Ba đi mua áo
Ba tươi cười làm con cũng vui theo
Nhưng rồi lại, “Con ơi sao đắc quá!”
Số tiền này con hãy gởi về quê
Giúp người nghèo khổ, thiếu cơm những tháng Đông về
Hay giúp người thân quen, còn ngặt nghèo khó nhọc
Hay cho cháu chắc có tiền đi học
Thân Ba già ăn mặc có bao nhiêu
Nhưng lời Ba đã dạy con đủ điều
Đất nước điêu linh
Vẫn còn nhiều người dân thống khổ
Bụi bặm cuộc đời, chùi rửa đi! Lời Ba thố lộ
Ích kỷ lộng hành đâu giúp nổi quê hương!
Cái gì lợi mình hại người thì càng tang thương
Cái gì thiếu đạo đức là hại luôn dân tộc
Cái gì thiếu nhân bản là mất luôn tình nghĩa
Sống vui vẻ và thanh tao để đời không mai mỉa
Này con yêu ơi! Con hãy sống an lành
Sống vị tha và tha thứ vì đời vốn mong manh
Sống bình dị, biết yêu thương con nhé!
Lời Ba dạy như chút phước sương nhỏ bé
Mang từ bi gieo hạt đợi mong
Mùa Đông lạnh, nuôi mầm Xuân hy vọng
Hạnh phúc nào đi mua áo cùng Ba!
(From http://phebach.blogspot.com/2014/12/ao-ba-lam-am-que-huong.html)
Ba tôi đó, một người giản dị và hài hoà. Ba vốn là một con người chất phát, hiền lành, và mộc mạc.  Thuở thiếu thời, như bao đứa trẻ khác trong làng, Ba thất học khi lên lớp ba lớp bốn và bắt đầu đi Biển để giúp kinh tế trong gia đình.  Ở tuổi thiếu niên, vì lăn lộn dầm mưa dãi nắng rất sớm, nên Ba là người khỏe mạnh.  Thân hình rắn chắc, nước da ngâm, và là một người bơi lặn rất giỏi.  Ngoài ra, Ba làm lưới, làm biển thì số một.  Ba đã thành thạo tay nghề và được sự tín nhiệm của Ông Nội với các nghề lưới Đăng Cước, lưới Đăng Đen, lưới Quát, mành Chiếc, mành Ruốt, Rút Chì, và mành Tè v.v… Một con người dân dã như Ba vẫn dạy chúng tôi lẽ sống, phải đầy đủ Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín khi còn trẻ và bây chừ thì phải sống và làm việc theo tinh thần Phật giáo.  Ba, một ngư dân bình thường, như trí tuệ của Ba như bao người Cha khác, rất thật và thực tiễn. Ba luôn nhấn mạnh rằng rằng:
“…Ích kỷ lộng hành đâu giúp nổi quê hương!
Cái gì lợi mình hại người thì càng tang thương
Cái gì thiếu đạo đức là hại luôn dân tộc
Cái gì thiếu nhân bản là mất luôn tình nghĩa…”
Có vậy mới thấy được tấm lòng cao cả của những người Cha lo lắng và yêu thương đến con cái, quê hương và cho cả tha nhân. Chúng tôi rất hân hạnh được còn Ba, còn Mẹ, chúng tôi trân quý là “Còn Cha gót đỏ như son” hay cảm thông được “Con không Cha như nhà không nóc). Nhân ngày Lễ Cha của chùa Quang Nghiêm mà Hoà thượng Thích Minh Đạt tổ chức 18 năm qua vào dịp rằm tháng 10, ngày thị tịch của Đại đệ tử đức Phật, ngài Xá Lợi Phất, con viết vài hàng về Ba để biết ơn và cảm niệm ân đức của người.
Sacramento, một ngày mưa bão.

Monday, May 19, 2014

Vườn Thơ Vời Vợi Nghĩa Ân Của Bạch Xuân Phẻ

Book Cover is designed by Uyên Nguyên

Vườn Thơ Vời Vợi Nghĩa Ân Của Bạch Xuân Phẻ

Huỳnh Kim Quang

Cả cuộc đời của chúng ta được nuôi dưỡng bằng vô lượng ân tình. Cha sinh, mẹ đẻ, thầy giáo dạy học, bác nông phu trồng lúa, trâu bò cày ruộng, con chó coi nhà, mặt đất bao dung, không khí hít thở, tình thương khôn lớn, Chánh pháp an lạc, v.v…, nhiều lắm không thể kể hết ân tình mà một đời chúng ta thọ nhận. Tất cả những ân tình đó, nhà Phật quy tụ lại thành bốn ơn lớn gọi là Tứ Trọng Ân, gồm ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn chúng sinh, và ơn Tam Bảo.
Nói đến bốn ơn lớn này thì xưa nay đã có nhiều lắm, nào là Kinh Phật, nào là luận và văn sám nguyện của chư Tổ, nào là bài viết của chư tôn đức Tăng, Ni và văn thi hữu Phật tử. Bài nào cũng đầy ắp ân tình thiết tha cảm động. Nhưng, tập hợp tất cả những áng văn thơ trong một tuyển tập dày hơn một trăm trang với hàng chục bài thơ, văn, thư pháp, và tranh vẽ chỉ để tưởng niệm và tri ân bốn ơn lớn này thì không thể không nói đến tập thơ “Tưởng Niệm và Tri Ân” của nhà thơ trẻ Bạch Xuân Phẻ có bút danh rất đạo vị là Tâm Thường Định.
Cách nay mấy năm, lần đầu tiên nghe đến bút danh Tâm Thường Định, người viết có ấn tượng đặc biệt về người bạn trẻ chưa quen biết này. Nghe cái tên Tâm Thường Định đã thấy cả một cõi lòng bình an và lắng dịu. Cho đến khi gặp mặt nhau lần đầu trong Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ 2 vào tháng 8 năm 2012 tại San Jose, người viết lại càng hoan hỷ hơn khi biết rằng đây là một nhà thơ trẻ đầy nhiệt huyết và tâm đạo. Điều làm cho người viết lạc quan nhất chính là nhìn thấy được những tài năng của thế hệ đi sau. Họ là tương lai của dân tộc và đạo pháp. Họ là niềm hy vọng tươi sáng của tiền đồ văn học Phật Giáo Việt Nam. Họ là những hạt ngọc quý của nền văn hóa Việt nơi xứ người.
Nói như thế không có gì quá lời mà chỉ là cảm nhận một hiện tượng đáng mừng. Hiện tượng thế hệ văn nghệ sĩ Phật tử trẻ trưởng thành trong văn hóa Mỹ có thể sáng tác bằng hai thứ tiếng Anh và Việt. Điều này cũng có nghĩa là truyền thống văn hóa Việt Nam vẫn còn được ươm mầm và nở hoa trong lòng văn hóa Tây Phương.
Thật vậy, trong  tập thơ “Tưởng Niệm và Tri Ân” của Bạch Xuân Phẻ, người đọc bắt gặp sự kết hợp tuyệt vời của hai nền văn hóa Việt Nam và Tây Phương nở hoa trên những áng văn thơ trong tâm hồn của nhà thơ trẻ gốc Việt. Xin đọc bài thơ Không Đề (Without Title) để thấy điều đó là thật:
“Nắng mai vàng hoe
một áng mây lành
thong dong

Huyền trúc nhẹ lay
in hình mặt đất
vô sanh.

WITHOUT TITLE
A golden sunny ray
a fresh white cloud
freely sauntered

The leaves of bamboo
dancing with the gentle wind
their shadows reflect on the ground
No beginning and no ending.”

Mấy câu thơ tiếng Anh trong đoạn thứ 2 mang đầy tượng hình và sinh động:
“The leaves of bamboo
Dancing with the gentle wind”
Những chiếc lá tre nhảy múa theo cơn gió nhẹ. Và hình bóng của chúng lắc lư trên mặt đất, như có như không. Nói có cũng không đúng. Nói không cũng chẳng nhằm. Là vô sinh vậy. Bài thơ, từ chữ nghĩa đến câu cú, đều giản dị, nhưng chuyên chở cả đạo lý thâm diệu của nhà Phật và tâm thái ung dung tự tại của nhà thơ.
Điều đáng nói ở đây là tâm thức tưởng niệm và tri ân của Bạch Xuân Phẻ. Đọc trong “Tưởng Niệm và Tri Ân,” người đọc sẽ thấy nhà thơ trẻ của chúng ta lúc nào, ở đâu và đối với bất cứ điều gì cũng nghĩ đến ân đức và tình nghĩa. Từ  những vị trưởng lão Hòa Thượng suốt đời hy hiến đời mình cho đạo pháp và dân tộc như cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, cố Hòa Thượng Thích Minh Châu, cố Hòa  Thượng Thích Trí Chơn, cố Hòa Thượng Thích Thiện Trì, rồi đến những bậc cao Tăng thạc đức đóng góp xứng đáng công đức đối với nền văn hóa và giáo dục nước nhà như Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, cho đến đấng sanh thành phụ mẫu, cô dì, chú bác, anh em, bằng hữu, và chiếc lá, cành hoa, v.v… Đối với Bạch Xuân Phẻ, tất cả đều được trân quý, cảm niệm và tri ân.
Xin đọc bài thơ “Vàng Tựa Hướng Dương” mà Bạch Xuân Phẻ làm để niệm ân Hòa Thượng Thích Minh Đạt.

“Vàng thu trời lành lạnh
Lá trên cành vẫn xanh
Thiền môn cõi tinh anh
Thăm Thầy ngày thanh tịnh

Chỉ khi tâm yên tĩnh
Phản chiếu bản chất mình
Nhận thức được tánh linh
Phật vừa cười không tiếng.”

Khi tâm yên tĩnh thì Phật hiện. Và đức Phật trên tĩnh tọa trên tòa sen sẽ cười hoan hỷ, khi nhìn thấy tâm thức của một người Phật tử sinh sau Ngài hơn hai mươi lăm thế kỷ giữa thời đại nhiễu nhương mà vẫn còn thuần khiết như thế!
Và đây, xin hãy đọc bài thơ “Loài Bướm Đêm, Con Sò Và Con Người,” để nghe Bạch Xuân Phẻ mở cõi lòng ra với cả những loài vật bé nhỏ, mong manh như con thiêu thân với định nghiệp oái ăm và con sò với cuộc sống thầm lặng tận dưới đại dương sâu thẳm.

“Xin làm con thiêu thân
cõi cuốn hút điên cuồng
ai thích lao vào lửa
phút huy hoàng mưa tuông

Sáng chói làm ai mất
định hướng của cuộc đời
loay hoay làm ai chết
trong sinh tử tả tơi.

Có nên như con sò
ở đại dương sâu thẳm
vẫn âm thầm tiến hoá
miệt mài cõi xa xăm

Vỏ sò thác âm thanh
Dịu êm như tiếng sóng
ý thức hiện long lanh
tiếng đại dương vang vọng
…”

Trong bài thơ “Vẻ Đẹp Màu Áo Trắng Học Trò,” viết cho Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên, khi hai người học trò này bị đưa ra trước vành móng ngựa trong một phiên tòa tại Việt Nam để bị bản án 16 năm tù chỉ vì dám bày tỏ lòng yêu giang sơn tổ quốc trước nạn xâm lăng của Trung Quốc, Bạch Xuân Phẻ đã bày tỏ niềm cảm thông và quý trọng đối với hai người bạn trẻ nói riêng và tình tự quốc gia dân tộc nói chung, một trong bốn ơn lớn. Xin đọc mấy đoạn của bài thơ.

“Chưa bao giờ tôi thấy
Vẻ đẹp áo học trò
Ngay trong vòng móng ngựa
Bất khuất và thanh tao

Càng nhìn em nghẹn ngào
Cho quê hương dân tộc
Bao con tim đang khóc
Cho lãnh đạo Việt Nam

Những việc các em làm
Tỏ lòng yêu nước Việt
Như các em đã biết
Đâu gì bằng quê hương
…..                                                      
Vẻ đẹp áo học trò
Ánh tà dương qua ngõ
Trắng trong ai thấy rỏ
Chân lý trong mắt em.”

Quả đúng như vậy, “Chân lý trong mắt em.” Bằng con mắt trong sáng của trí tuệ thì mọi hành nghiệp sẽ không bao giờ sai lầm, cho nên, hai em dù mới chỉ là những học sinh vẫn thấy được thật rõ điều mà một công dân phải làm là bảo vệ từng tấc đất của giang sơn mà tổ tiên đã dày công kiến tạo.
Cũng bằng con mắt trí tuệ ấy, người Phật tử Tâm Thường Định có thể nhận thức được bản chất của cuộc đời ngay trong những điều chứng kiến hàng ngày. Xin đọc bài thơ “Kính Tiễn Dượng Phạm Dường,” để đồng cảm với Bạch Xuân Phẻ về lẽ vô thường của cuộc sống.

“Người đi như hạt nắng loang
Thiên thu huyễn mộng vỡ toang vô thường
Người đi trăm nhớ ngàn thương
Không gian thanh thoát khói hương vô ngần
Phạm thiên chuông Phật nhẹ ngân
Dường như vô tịch trong ngần thiện tâm
Cuộc đời bao nỗi phong trần
Nay về nhà Phật một lần vãng sanh
Tây phương Tịnh độ sen xanh
Người đi như áng mây lành thong dong.”

Có thể ra đi thong dong như áng mây lành bởi vì lúc sống biết áp dụng lời Phật dạy trong tất cả mọi lúc, kể cả khi “Quét Chùa.”

“Nhẹ nhàng quét bụi trần gian
Vô minh tràn khắp gian nan cõi đời
Tinh chuyên quét sạch bụi đời
Vườn tâm trong sạch rạng ngời Chân Như.”

Với tâm thức “tưởng niệm và tri ân” thuần khiết của Bạch Xuân Phẻ thì vườn tâm không những “trong sạch rạng ngời Chân Như,” mà còn nở hoa thơm ngát. Từng bài thơ trong tập “Tưởng Niệm và Tri Ân” là từng nụ hoa mãn khai tinh khiết.
Người viết bài này xin “mượn hoa cúng Phật” với những đóa hoa trong “Tưởng Niệm và Tri Ân” để cảm tạ nhà thơ Bạch Xuân Phẻ đã cho đọc những bài thơ ân nghĩa cao quý giữa đời này.
Và cũng xin hoan hỷ giới thiệu đến quý độc giả thi phẩm “Tưởng Niệm và Tri Ân” của Bạch Xuân Phẻ.


Wednesday, May 14, 2014

BẠO LOẠN BÊN TRONG HAY BẠO LOẠN BÊN NGOÀI?

BẠO LOẠN BÊN TRONG HAY BẠO LOẠN BÊN NGOÀI?

Tình hình căng thẳng ở Biển Đông ngày càng cao và những cuộc xuống đường bạo động của các công nhân nhiều nơi trong nước cho ta thấy hạt giống bạo động của chính mình. Vậy chúng ta có nên hay không nên tưới tẩm những hạt giống đó? Bạo loạn thường xuất phát từ sự phẩn nộ, uất hận hay vô minh. Nhưng bạo động không bao giờ là giải pháp tốt cả.  Sáng nay, có đọc fb's note của anh Nguyễn Hưng Quốc có tựa, Nghĩ Về Các Cuộc Bạo Loạn Của Công Nhân. Anh viết:

Những cuộc xuống đường bạo động của các công nhân ở một số tỉnh tại Việt Nam nhắm vào các công ty do người Trung Quốc làm chủ hẳn nhiên là sai. Sai về phương diện kinh tế: họ sẽ là những nạn nhân đầu tiên. Sai về phương diện xã hội: Họ xã hội hóa một cuộc tranh chấp quốc tế, ở đó, kẻ thù từ Bắc Kinh được chuyển sang những người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam. Sai về phương diện chính trị: biến sự xung đột về lãnh hải giữa hai nước thành một xung đột chủng tộc, từ đó, có thể giúp cho guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc và làm hoen ố hình ảnh của người Việt Nam: kỳ thị.

Tuy nhiên, nên chú ý: Mọi phản ứng tập thể và bộc phát của dân chúng bao giờ cũng có lý do. Nhà cầm quyền cần tìm hiểu lý do và giải quyết vấn đề từ những lý do cội rễ ấy. Chỉ sử dụng biện pháp trấn áp: vô ích. Chỉ tuyên truyền hay khuyên bảo: càng vô ích. 

Vậy lý do sâu xa của các cuộc bạo loạn ấy là gì? Chỉ có một: uất hận. Sự uất hận ấy đến từ hai nguyên nhân chính: Một, vì những hành động ngang ngược của Trung Quốc ngoài Biển Đông; và hai, vì chính quyền Việt Nam không cho dân chúng xả bớt những uất hận ấy qua các cuộc biểu tình tự do hay hứa hẹn một quyết tâm tranh đấu thật dứt khoát. Khi bí, sự uất hận ấy có thể bộc phát dưới bất cứ hình thức nào. Đáng trách không phải là công nhân hay dân chúng mà là ở chính quyền! 

Sự uất hận ấy, tự nó, là những thông điệp chính trị. Với chính quyền Trung Quốc: chúng tôi rất căm thù và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước! Với chính quyền Việt Nam: Đừng nhu nhược! Cần phải kiên quyết và mạnh mẽ hơn nữa! Nước đã tràn tới bờ rồi!

Chưa biết các sự uất hận ấy sẽ dẫn đến đâu và sẽ được nhà cầm quyền khống chế như thế nào. Tôi chỉ biết, từ lịch sử, một điều gần như chắc chắn: Tất cả các cuộc cách mạng đều được xuất phát từ sự uất hận. Chứ không phải từ tình yêu hay từ lý trí.

Tôi đồng tình cùng anh, nhưng nhìn ở một góc độ khác, bạo loạn trong ta hay bạo loạn bên ngoài? Xin tự quán chiếu nhé! Hy vọng chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành xử trên nên tảng hiểu biết, thương yêu và can đảm.

Monday, February 17, 2014

TỈNH - THƠ GIỮA ĐỜI

Thư pháp Võ Việt Tuấn
TỈNH
THƠ GIỮA ĐỜI

Thoạt cầm thi phẩm thứ 3 của Bạch Xuân Phẻ trên tay với nhan đề Tỉnh, người đọc bỗng tự hỏi rằng: “Đây là một trạng thái Tỉnh thức hay Tĩnh lặng?”
Sau khi đọc trên 100 bài thơ đủ thể loại trong bản thảo của tập thơ Tỉnh, người đọc sẽ thấy được sự hiện hữu của cả hai khái niệm Tỉnh táoTĩnh tâm trong tập thơ nầy.
Tập thơ mở đầu bằng một đoản văn viết về Mẹ và một bài thơ về Mẹ. Tiếp theo là một đoản văn viết về Cha và một bài thơ về Cha:
     Trà Sớm
Sáng tinh mơ
Sương mờ đang phủ
Ngoài kia tơ trời ủ rũ
Cùng Ba lặng lẽ
Thảnh thơi nâng nhẹ trách trà.

Tình cảm chân phương, nồng đượm như nguồn tình lãng đãng trong ca dao.
Khó hình dung được tác giả là một nhà giáo, chuyên nghiệp dạy môn khoa học cho nhà trường Mỹ; lớn lên và thành đạt trên đất Mỹ mà lại mang cảm xúc thi ca dạt dào và khuynh hướng sống thực, ngôn từ diễn cảm phong phú trong tiếng nói Việt Nam đến như thế.
  Mỗi bài thơ của Bạch Xuân Phẻ là một sự hòa quyện giữa nguồn tình sâu đậm về con người, quê hương, gia đình và tâm đạo.  Đối tượng thi ca trong Tỉnh không mơ hồ, bàng bạc mà thể hiện cụ thể và rõ ràng như khi anh viết về phụ mẫu, thầy tổ, thân nhân, bằng hữu…
Viết về quê hương Nhơn Lý, anh viết bằng cảm xúc và hoài niệm sâu lắng:

Trong ký ức từ khi bập bẹ
Quê hương tôi đẹp những trưa hè
Tiếng Mẹ già ầu ơ trong gió
Con lớn dần trong những vần thơ

Khi đứng trước một vườn thơ – dẫu là vườn đại chúng hay vườn nhà – thì nét đẹp của thơ vẫn có dáng vẻ và thế giới riêng của nó. Thơ của Bạch Xuân Phẻ mang dấu tích và lai lịch của chính anh vì thi sĩ là người sáng tác những vần thơ, chứ không phải là người “chế tác” thơ theo những khuôn mẩu nhất định nào cả.  Thơ có trước con người. Sự im lặng thâm viễn và miên trường ẩn dấu của vũ trụ là thơ không lời trước khi con người sinh ra.  Ánh sáng, bóng tối, núi xanh và mây trắng là ấn tượng thi ca trước khi con người có mặt.  Thi ca là sản phẩm hồn nhiên và tinh túy nhất của sinh vật địa cầu có tư tưởng.  Cho nên, thơ chẳng từ đâu tới hay về đâu cả.  Thơ là sự cảm nhận Tỉnh từ trong Tĩnh lặng, nên thể tánh của thơ là như như vắng lặng.  Bạch Xuân Phẻ đã có thiện duyên khi tìm được cảm xúc cho những dòng thơ trôi chảy từ suối khe tĩnh lặng của nhà Phật.
Ai có duyên với thơ thì nắm bắt và cảm nhận được thơ ngay trong lòng mình.  Kẻ không duyên với thơ thì thơ vắng bóng trong toàn vũ trụ.  Ngôn từ thi ca đích thật nhất là một loại mật ngữ cảm nhận chứ chẳng bao giờ hiện hữu để ca ngâm.
Với cái “duyên” cảm nhận về thơ như thế, người yêu thơ đi vào thế giới thơ của Bạch Xuân Phẻ bằng những bước chân rất Tỉnh, để từ đó tiếp cận với con người và tác phẩm của anh.  Có thể nói đời sống tâm linh và tinh thần từ bi, trí tuệ của đạo Phật là nguồn suối cảm xúc và tư duy đầy ắp trong thơ anh.
Trong vòng “hệ lụy hạnh phúc” là đà giữa cuộc đời thường, rõ ràng ảnh hưởng dòng tư tưởng Phật giáo sẽ đưa ý và tình trong thơ Bạch Xuân Phẻ đi sâu và xa hơn trong những vần thơ hôm nay và đang tới.
Cầm tập thơ “Tỉnh” trên tay, người đọc dẫu có khắt khe hay hỷ xả cũng sẽ hoan hỷ.  Đó là niềm vui tinh thần khi nhận ra món quà ngôn ngữ của một người bạn trẻ làm văn nghệ đang chăm chút cho cây hoa tiếng Việt vẫn còn hiện hữu và đang có khả năng vươn lên trong khu vườn bạt ngàn tiếng Mỹ và giữa trùng trùng ngôn ngữ thế giới.
 Với người có cơ duyên gần với triết lý nhà Phật, thơ là biểu tượng của những cơ duyên, có điều kiện tự phát khởi, níu kéo, hòa quyện, kết hợp nhau mà thành.  Không thời, không hạn; chẳng từ vô trước, chẳng tới vô sau.
        Và sứ mệnh cao viễn nhất của thơ cũng chỉ là 
“thơ thẩn” vì kẻ tạo ra thơ coi nghìn thế giới 
như hạt cát và hạt cát như nghìn thế giới; 
một sát na tâm có khi là vĩnh cửu:
               To see a world in a grain of sand,
               And a heaven in a wild flower,
               Hold infinity in the palm of your hand,
               And eternity in an hour.
                                    William Blake
               Thấy thế giới từ trong lòng hạt cát
               Và thiên cung trong một nụ hoa đồng 
               Nắm vô hạn trong lòng tay của bạn
               Và vĩnh hằng trong một thoáng hư không
        Đến với thế giới thơ của Bạch Xuân Phẻ 
bằng một tâm hồn thoáng rộng như thế mới 
thấy được Tỉnh trong MêTĩnh trong Động.
 
                                Trần Kiêm Đoàn

                    Sacramento, đầu Xuân Canh Dần 2010