Showing posts with label Vĩnh Hảo. Show all posts
Showing posts with label Vĩnh Hảo. Show all posts

Tuesday, May 26, 2020

VĨNH HẢO: VỌNG TƯỞNG


VỌNG TƯỞNG
Vĩnh Hảo

Đàn chim bay ngang phố. Xao xác tiếng cánh vỗ. Con quạ già trên nhánh cây hè phố ngước nhìn một lúc, rồi im lặng sà xuống đất, nhảy lò cò vài bước với một chân bị què, tiếp tục kiếm ăn.

Phố im lạ thường. Những con đường vắng xe đã vơi mùi khói xăng từ những ngày trước. Lan tỏa đâu đây hương bạch đàn hòa lẫn với mùi nước cống vẫn ngày đêm chảy ngầm dưới lòng đất. Thỉnh thoảng có tiếng còi hụ của xe cứu thương băng ngang góc phố xa. Khách bộ hành mang khẩu trang chỉ chừa lại hai mắt ngầu đục sau gọng kiếng râm, không sao nhìn ra được vẻ đẹp tráng lệ của một bình minh tràn ngập nắng tàn xuân.

Gió mai lành lạnh trong công viên thành phố. Ông già ngồi phơi nắng trên chiếc ghế gấp mang theo từ nhà. Hai vợ chồng trẻ khoác áo gió dắt chó đi bộ quanh bãi cỏ xanh. Một cơn gió mạnh thổi qua làm cho những hàng cây rùng mình buông lá úa. Giờ không phải mùa thu, cũng chưa vào hạ, mà lá vàng vẫn rơi lác đác, trông như những cánh bướm cải nhởn nhơ trong gió. Nhưng không, chỉ trong thoáng chốc, những cánh bướm đã nằm im trên lá cỏ. Những đợt gió tiếp theo không còn kéo theo lá. Chỉ có hơi lạnh phả trên da ông già mặc áo ngắn tay vì đinh ninh hôm nay trời nóng.

Vài con quạ tưởng rằng có thể làm tan tác một đàn chim.

Anh nài nhỏ bé vẫn luôn tin rằng có thể chế ngự con voi suốt đời.
Cáo mượn oai hùm, qua năm tháng, quên mất cái oai của mình chỉ là vay mượn dựa dẫm mà có; cứ đinh ninh như thật rằng muôn loài đều ngưỡng mộ và tuân phục phong độ của chính mình.

Những con người, chỉ với vẻ ngoài của làn da, mặc nhiên tự nhận mình như là hàng thượng đẳng của nhân loại, vênh vênh tự đắc ngay cả khi phải sống trong nghèo cùng vật chất, và rỗng tuếch tri thức; xua đuổi, tấn công, mạt sát kẻ khác bằng hành vi và ngôn ngữ thiếu học.

Những người sai lầm, bày vẽ con đường sai lầm, tiếp tục uốn nắn, bẻ cong lịch sử để giành phần chính nghĩa cho sai lầm phe phái của mình; và vẫn ngoan cố ngụy tạo những âm mưu, gán ghép sai lầm cho những ai đối nghịch.

Những người u mê, nhắm mắt giương cờ, trương biểu ngữ, bày tỏ sự sùng bái của mình với biểu tượng ngoa ngụy, xấu-ác; tưởng rằng biểu tượng này sẽ mãi đi vào tâm tưởng và sự nghiệp đời đời của muôn dân.

Và con người, với trí thông minh, sáng tạo, như là đặc quyền tối ưu trong muôn loài, vẫn luôn tự mãn kiến thức và kinh nghiệm của mình có thể chinh phục thiên nhiên, khám phá vũ trụ, chế ngự không gian (thật và ảo)…

Nhưng không, tất cả đều là vọng tưởng, là những giấc mơ hão huyền, dù rằng hệ quả thực tế của chúng có khi kéo dài mười năm, năm mươi năm, trăm năm, thậm chí một nghìn năm. Vọng tưởng vẫn cứ là vọng tưởng, không thể vượt qua được tính chất bất định, giả huyễn của cuộc đời.
Sóng vô thường sẽ cuốn phăng đi tất cả, bất kể địa vị, màu da, chủng tộc, bần cùng hay phú quý, trí thức hay không trí thức, phẩm hạnh hay vô đạo đức.
Cuộc sống của mỗi cá thể, hay tập thể, là nguyên nhân và cũng là kết quả của từ một võng lưới trùng trùng vọng tưởng, chẳng biết đâu là mắc xích khởi đầu hay kết thúc. Chỉ khi nào ngồi trong tịch lặng, bốn mươi chín ngày đêm thiền quán thâm sâu như một lần đạo sĩ Gotama bên sông Ni-liên[1], mới bẻ gãy được đầu mối của mê vọng, tham ái[2]; hay như một lần hốt nhiên bừng sáng trí tuệ khi trực nhận nguyên lý vô thường duyên sinh qua mất mát, đớn đau tận cùng từ sinh, già, bệnh, chết.

Không tỉnh thức được như thế thì con người hôm nay hay ngày mai, vẫn tiếp tục thả trôi cuộc sống của mình trong dòng mộng tưởng, vô minh.

Còn vô minh, ái ngã là còn vọng động, tàn phá, hủy diệt.

Sự vọng động của những ai đó trong quá khứ hãy còn lưu đậm dấu tích trong tâm tưởng người nay. Hãy chiêm nghiệm và học bài học từ những đổ nát ấy. Hãy ngưng lại mọi thứ manh động, tham lam và tật đố, oán hận và tranh chấp[3]. Hãy ngưng lại những toan tính, âm mưu, sục tìm bả danh lợi rơi rớt lại trong tàn tích hoang phế.

Niềm bình an chỉ có được khi mọi thứ vọng tưởng lắng xuống, lắng xuống.

Con quạ già lủi thủi đi về hướng bãi tha ma khi đàn chim vỗ cánh trên trời cao, bay về nơi yên tĩnh.

Chó dạo công viên chỉ gầm gừ một chút với người ngược hướng, rồi cũng theo chủ về nhà.

Đâu đó trên non cao, nước từ nguồn xa vẫn tiếp tục róc rách chảy ra sông, đổ về biển lớn.

Lão già thiếp đi trong giấc ngủ ngắn. Trở mình tỉnh giấc thì mặt trời đã lên cao.

California, ngày 25 tháng 5 năm 2020
Vĩnh Hảo

______________________________________
[1] Cội cây bồ-đề bên sông Ni-liên-thuyền (Nairanjana) là nơi đức Phật thành đạo.
[2] Đạo sĩ (họ) Gotama là cách của những người đương thời gọi đức Phật. Khi chứng được thánh trí dưới cội bồ-đề sau 49 ngày đêm đi vào đại định, đức Phật đã thốt lên rằng: “Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao kiếp sống, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Đau khổ thay kiếp sống cứ tái diễn mãi! Hỡi kẻ làm nhà! Nay ta gặp được ngươi rồi. Ngươi không thể làm nhà nữa. Cột và đòn tay của ngươi đều gãy cả, nóc và xà nhà của ngươi đã tan vụn rồi. Ta đã chứng đắc Niết bàn, bao nhiêu dục ái đều dứt sạch” (Kinh Pháp Cú, câu 153-154, HT. Thích Thiện Siêu dịch). Kẻ làm nhà ở đây được hiểu là vô minh, tham ái, khởi nguyên cho sự vận hành của sinh-tử luân-hồi.
[3] “Những ai bị chế ngự bởi phẫn nộ và oán hận, ngụy thiện và não hại, tham lam và tật đố, giảo hoạt và man trá, ác dục và tà kiến; những người ấy không tôn kính Phật, không tôn kính Pháp, không tôn kính Tăng, không nỗ lực hoàn thiện các học giới. Những người như vậy thường xuyên gây tranh chấp, tranh luận trong Tăng; gây bất ổn và khiến nhiều người không được an lạc.” (Pháp Diệt Tránh, Thích Nguyên Chứng biên tập, Như Như xuất bản năm 2008, trang 15)

____________________
Chú thích ảnh của Uyên Nguyên: Thầy Nguyên Tánh Phạm Công Thiện và nhà văn Vĩnh Hảo. Hai vị, một là chủ bút và một là phụ tá chủ bút Tạp Chí Chân Nguyên, từ giữa thập niên 1980-2000. Có thể nói đây là "cơ quan truyền thông, ngôn luận và luận thuyết" của Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại rất giá trị. Tờ báo góp phần rất lớn cho tiến trình phục hoạt GHPGVNTN. (Ảnh: www.vinhhao.info)

____________________

Monday, May 11, 2020

VĨNH HẢO: NHẪN


VĨNH HẢO, NHẪN 
(Thư tòa soạn số 22, tháng 9.2013, 
Nguyệt San Chánh Pháp - http://www.chanhphap.us/)

Trong một câu đối đề tặng tu viện Quảng Đức bên Úc, thầy Tuệ Sỹ có dùng mấy chữ “vá áo, chép kinh” để nói công hạnh và chí nguyện của người tăng sĩ hành đạo nơi đất khách.
Vá áo là công việc đối với tự thân: giữ gìn, bảo vệ chiếc áo mình đang khoác mặc, dù rách nát đến đâu cũng không bỏ (như ca dao tục ngữ nói “giấy rách phải giữ lấy lề”). Nghĩa sâu xa là giữ gìn pháp y mà Thầy-Tổ truyền trao. Pháp y ấy là di sản, là gia sản của người tăng sĩ được kế thừa từ tiền nhân (như kinh Phật nói “thừa tự Chánh Pháp”).
Chép kinh, trước hết cũng là công việc đối với tự thân: theo cách của người xưa là vừa chép vừa học, nhờ chép kinh mà được đọc kinh chậm rãi từng chữ, trong lặng lẽ, hiểu kinh tường tận hơn. Nghĩa rộng rãi ở đây là công việc đối với tha nhân, là hoằng pháp.
Gần 40 năm có mặt trên nhiều châu lục và quốc gia trên thế giới, hàng tăng sĩ Phật giáo Việt Nam mấy thế hệ, đã có những đóng góp đáng kể trong việc hoằng pháp, giáo dục, đối với bản xứ cũng như đối với quê hương. Có 3 việc tiêu biểu được ghi nhận như sau:
– Xây chùa: rất nhiều ngôi chùa, từ nhỏ như tư gia cho đến đồ sộ nguy nga không kém các nhà thờ hay đền đài bản xứ. Vừa xây dựng cơ sở chùa chiền tại hải ngoại, vừa dành dụm gửi tiền về xây dựng hoặc tu bổ các tự viện trong nước.
– In kinh sách, làm báo; giảng dạy: kinh sách và báo chí được in và phát hành miễn phí trong hầu hết các tự viện; nhiều khóa tu học, khóa an cư, lớp giáo lý, các buổi hội thảo, dành cho tăng ni hoặc cư sĩ, được tổ chức định kỳ hoặc bất định kỳ mỗi tuần, mỗi tháng hoặc mỗi năm trong các tu viện, tự viện Phật giáo ngoài nước; ngoài ra còn góp phần yểm trợ cho việc hoằng pháp ở trong nước.
– Tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền của dân tộc Việt Nam: một số tăng sĩ góp mặt hoặc góp tiếng nói của mình với các tổ chức chính trị, xã hội bên ngoài; một số tăng sĩ tích cực hơn, thành lập hoặc trực tiếp tham gia sinh hoạt trong các tổ chức ấy.
Những việc kể trên, việc nào cũng quan trọng, đáng làm, nhưng đa phần thì khi dành nhiều thời gian cho việc này thì bỏ việc khác; một số ít người gánh vác cả hai việc, và một số thật hiếm hoi khác, có thể gánh vác được cả ba. Hòa thượng Thích Minh Tâm là một trong số hiếm hoi ấy.
Nhưng có một việc vô cùng quan trọng khác mà không ai trong số nhiều, số ít, số hiếm hoi ấy, kể cả trong và ngoài nước, có thể làm được. Đó là việc đặt một nền tảng rõ rệt, cụ thể, cho sự hòa hợp, đoàn kết của Tăng đoàn.
Trong khi nhiều người dành hết cả đời xây dựng cơ sở, đã không có thời gian để làm được việc gì khác; trong khi nhiều người chủ trương chỉ lo việc giáo dục đào tạo, không cần xây chùa; trong khi nhiều người chủ trương thuần túy tu học, không tham gia chính trị; trong khi một số người quá chú trọng việc đấu tranh chính trị, đã rời xa Chánh Pháp, thậm chí gây phân hóa và làm hủy hoại niềm tin của quần chúng đối với Tăng đoàn; thì Người, chỉ duy một người, Hòa thượng Thích Minh Tâm, đã đảm đương tất cả việc: xây dựng và thành lập tự viện ở khắp nơi; giảng dạy và khởi xướng tổ chức các khóa tu học Phật Pháp dành cho hàng cư sĩ (tại Âu châu, rồi gián tiếp tác động lên Úc châu và Bắc Mỹ); tranh đấu không mỏi mệt cho tự do dân chủ cho quê hương Việt Nam; và chủ xướng việc củng cố nội lực Tăng đoàn qua sự thành lập Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại với Ngày Về Nguồn – Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư tổ chức hàng năm.
3 việc trước, rất cụ thể, ai cũng thấy và cũng có thể làm được. Chỉ việc thứ tư là việc khó nhìn, khó thấy, khó làm. Hòa thượng Thích Minh Tâm đã làm được, là do đâu? Không phải nhờ bằng cấp, học vị. Không phải nhờ có chùa to Phật lớn. Không phải nhờ có chức vụ hay quyền uy trong thực tế hay trên giấy tờ hành chánh. Chỉ nhờ một tâm mà thành tựu: Nhẫn.
Suốt đời miệt mài hành đạo không biết mỏi mệt. Tụng niệm, giảng dạy, cho đến hơi thở cuối cùng. Từ bi chịu đựng mọi phỉ báng của kẻ ác và của người sai đường lạc lối. Lặng lẽ, khiêm nhường đối với mọi người. Vô chấp, vô thủ đối với tất cả những gì mình đã làm, đã đóng góp cho đời, cho người.
Tâm ấy, chữ Nhẫn ấy, một đời gìn giữ như là vá áo chép kinh, không dễ gì tìm thấy nơi đời ô trược. Người như thế, xứng danh là rường cột của Phật Pháp, xứng đáng được cung kính đảnh lễ, và phải tôn xưng là bậc đại sĩ thượng nhân của Tăng đoàn.
Khi một bậc đại sĩ nằm xuống, cảm giác thật như là một mặt trời vừa rụng.
Vĩnh Hảo

Chủ bút Nguyệt San Chánh Pháp

______________________

Sắp xuất bản trong mùa Phật Đản và Ngày của Mẹ:
LỜI CA CỦA GÃ CÙNG TỬ, Tuyển tập 100 Lá Thư Chủ Bút Nguyệt San Chánh Pháp - Biên Soạn: Vĩnh Hảo
Hương Tích Phật Việt xuất bản, 2020.
Bìa: Uyên Nguyên / Trình bày và layout: Nhuận Pháp và Tâm Thường Định
Copyright © 2020 Vĩnh Hảo, Hương Tích Phật Việt.

Tuesday, April 21, 2020

Vĩnh Hảo: Già Lam


Bây giờ là những ngày cuối năm âm lịch. Thiên hạ cùng viết về Xuân, Tết. Tôi muốn viết về Ôn Già Lam và Tu viện Quảng Hương Già Lam.
Ôn Già Lam là cách gọi tôn kính của những môn đệ và phật-tử hướng về Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, vị viện chủ sáng lập tu viện. Trong tu viện, tăng chúng khi nói về ngài thì chỉ dùng chữ “Ôn” một cách gần gũi. Còn tu viện Quảng Hương Già Lam thì vẫn thường được gọi với cái tên thật ngắn: chùa Già Lam.
Những năm trước 1975, Ôn Già Lam từng là Giám viện Phật học đường Báo Quốc, Huế, Giám viện Phật học viện Trung Phần Hải Đức, Nha Trang; Ôn còn là người sáng lập Phật học viện Phổ Đà, Đà Nẵng. Sau năm 1975, Ôn Già Lam mở lớp đào tạo đặc biệt tại Tu viện Già Lam. Các vị giáo thọ trong suốt bốn năm (1980-1984) cho các khóa học tại Tu viện Già Lam, ngoài Ôn ra, gồm có chư vị được thỉnh giảng là HT. Thích Huyền Quang và HT. Thích Thiện Siêu; thường trực thì có HT. Thích Minh Châu, TT. Thích Minh Tuệ, TT. Thích Chơn Thiện, TT. Thích Tuệ Sỹ, TT. Thích Nguyên Giác, Gs. Nguyên Hồng, Gs. Lê Mạnh Thát, Gs. Tịnh Minh, v.v… Đối với giáo hội, Ôn Già Lam từng giữ chức Tổng vụ trưởng Tổng vụ Hoằng Pháp kiêm Tổng vụ Tài chánh. Sau đó, Ôn được thỉnh cử làm Viện trưởng Viện Hóa Đạo khi HT. Thích Thiện Hoa viên tịch (1973), rồi Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống (1975). Tiểu sử với nhiều chức vụ quan trọng của Ôn Già Lam đã nhiều người viết; nhưng trong hoàn cảnh tế nhị mà Ôn là lãnh đạo then chốt của cả giáo hội cũ và giáo hội mới, những điều viết ra của phía này hay phía kia, đều chỉ nói được một phần nhỏ, không lột tả hết hành trạng và tâm nguyện cao vời của bậc long tượng hàng đầu này.
Vài nét đơn cử kể trên, có thể cô đọng cuộc đời Ôn Già Lam trong mấy chữ “hoằng pháp lợi sanh,” hoặc gọn hơn: “hoằng pháp.”
Nhiều thế hệ tăng sinh và phật-tử đã trực tiếp hoặc gián tiếp thọ ân của Ôn Già Lam qua hạnh nguyện hoằng pháp và giáo dục suốt đời của Ôn. Tôi là một trong số những vị ấy.
Tôi chỉ được tu học tại Già Lam một thời gian ngắn, từ tháng 10 năm 1980 đến cuối tháng 11 năm 1982. Gần một năm đầu, Ôn không biết tôi có tham dự lớp học nên cứ gọi tôi xuống sân lượm lá, quét sân hoặc phơi xác sương sáo (để nhà trù đun bếp trong thời buổi gạo củi khan hiếm). Đến khi biết tôi là tăng sinh chứ không phải chỉ là chú “điệu” của chùa, Ôn mới cho tôi được yên để học. Đó là kỷ niệm nhỏ mà bây giờ hồi tưởng, tôi lại có ước ao được Ôn gọi và sai bảo những chuyện lặt vặt như vậy; vì trong lúc đi lượm lá bên Ôn, tôi trực tiếp nghe được lời dặn dò, khuyên răn đối với việc tu học. Đậm nét hơn cả là cảm giác mình lúc nào cũng là đứa học trò nhỏ của Ôn (dù lúc ấy tôi đã trên hai mươi).
Một lần, tôi tiếp một nữ phật-tử, là giáo viên dạy kèm cho điệu Duy (cháu ruột gọi tôi bằng cậu, cũng tu học tại chùa Già Lam); tiếp đàng hoàng tại phòng khách, để nghe cô giáo trình bày về việc học của điệu Duy. Ôn đi ngang, thấy tôi tiếp nữ phật-tử, liền tằng hắng, rồi gọi tôi ra sân. Bỏ cô giáo lại phòng khách, tôi vội vàng đến bên Ôn, chắp tay chờ đợi dạy bảo. Ôn không nói gì, chỉ dùng gậy khẽ nhẹ trên cành cây cho các lá vàng rụng xuống, bảo tôi lượm. Tôi lom khom cúi lượm từng chiếc lá, khi ngước dậy thì thấy Ôn đã vào phòng khách, nói gì đó mà cô giáo lật đật đứng dậy, ra ngoài đạp xe đi mất. Sau đó, Ôn trở lại với tôi, nói với giọng vừa nghiêm khắc, vừa lân mẫn thương yêu: “Lo tu học đi! Có cái chi quan trọng mô mà nói!” Tôi chưa kịp thưa thốt gì thì Ôn tiếp: “Không có thời gian cho những chuyện tào lao như rứa mô!” Nỗi oan lúc đó trở nên bé nhỏ trước lời khuyên dạy chí tình nên tôi giữ im lặng, không biện minh giải thích.
Năm 1982, Ôn gọi riêng tôi lên thất, nói là đã gửi gắm gia đình một phật-tử thân tín lo cho tôi vượt biển. Tôi tỏ ý muốn ở lại thì Ôn gạt đi, nói rằng Ôn chỉ đưa vai ra gánh chịu một thời gian thôi, để hàng hậu bối chúng tôi kịp trang bị vốn liếng Phật học và tinh thần dấn thân dũng mãnh, bằng cách này hay cách khác, tiếp nối chung lo việc hoằng pháp trong tình huống mới của đất nước. Tuy cảm động, trong im lặng tỏ ý vâng mệnh Ôn, tôi đã rời Già Lam trước khi chuyến vượt biển ấy xảy ra. Từ đó, tôi không còn cơ hội thân cận, bái kiến Ôn nữa.
Ngày Ôn mất, tôi đang ẩn trong một căn chòi lá ở vùng kinh tế mới, không về Già Lam thọ tang. Có người trách móc tôi việc ấy. Tôi im lặng không giải thích. Chẳng qua, tôi đã phải ẩn lánh một tuần lễ trước khi Ôn viên tịch, và sự ẩn lánh này là vâng mệnh một vị hòa thượng đỡ đầu khác: Ôn Giác Minh[1]. Hai vị giáo thọ nòng cốt của lớp học Già Lam đã vào ngục thất. Ôn Giác Minh không muốn tôi về trong một đám tang mà tình hình rất căng thẳng, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Lý do chỉ vậy thôi. Từ chòi tranh kinh tế mới, tôi thắp hương vọng bái giác linh Ôn mà lệ tuôn tưởng chừng không dứt.
Vài tháng sau khi Ôn mất, có đạo hữu Quảng Nguyện, một đại thí chủ, tìm đến chùa ở kinh tế mới để ủng hộ tôi. Theo lời vị đạo hữu này, Ôn Già Lam có dặn dò nên hỗ trợ tôi làm phật-sự, hoằng pháp và cứu giúp đồng bào nghèo khó ở các vùng kinh tế mới. Ôn Giác Minh cũng khích lệ đạo hữu Quảng Nguyện ủng hộ tôi như thế. Nghe đạo hữu Quảng Nguyện kể lại, tôi không cầm được nước mắt. Từ khi tôi viện cớ bệnh hoạn, rời bỏ lớp học Già Lam, có lẽ Ôn cũng đã thăm hỏi và biết tôi đang làm gì trên các vùng kinh tế mới. Bao nhiêu công việc và trọng trách đè nặng trên vai, Ôn vẫn không quên chú điệu nhỏ năm nào.
Một năm sau ngày Ôn viên tịch, tôi cũng theo chân các vị giáo thọ của mình, vào tù.
Chuyện xưa kể lại, về cá nhân mình thì chẳng có gì đáng nói. Chỉ có ân đức và hạnh nguyện của Ôn mới là điều còn lưu lại mãi trong tâm tư để rồi tác động đến tất cả những gì có thể làm được khi bản thân không còn nơi chốn Già Lam (cả nghĩa đen là tu viện Quảng Hương Già Lam lẫn nghĩa bóng là làm tăng sĩ ở chùa).
Hai mươi năm sau ngày viên tịch của Ôn, một cuộc hội ngộ kỳ thú của các cựu tăng sinh Già Lam (khóa đào tạo đặc biệt: 1980-1984) đã diễn ra tại Tu viện Pháp Vương, California, Hoa Kỳ. Buổi họp mặt đầu tiên thật cảm động, vì suốt hai mươi năm trôi giạt khắp phương trời, những người đồng môn chưa hề có cuộc tương phùng nào đông đủ như thế. Từ đó, một tổ chức thân hữu ra đời, ban đầu lấy tên Trí Thủ Foundation, với ý nguyện thừa tiếp sứ mệnh hoằng pháp của Ôn Già Lam. Nhưng sau đó, vì đa số các thành viên đều đảm nhận trụ trì các tự viện, hành đạo ở nhiều tiểu bang và quốc gia khác nhau, không thể thường xuyên sinh hoạt chung trong một hội thiện được, đã đổi thành Hội Thân Hữu Già Lam (tức một association) cho nhẹ nhàng về pháp lý cũng như điều kiện sinh hoạt. Dù đổi thành một hội thân hữu, tâm nguyện hoằng pháp lợi sanh theo bước chân của Ôn vẫn không thay đổi. Tâm nguyện ấy được ghi lại trên website Thân Hữu Già Lam như sau: “Già Lam là tịnh-địa nuôi dưỡng hạt giống của bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm là chất liệu để triển khai muôn ngàn con đường cứu độ. Già Lam cũng là địa danh của một tu viện khiêm nhường nhỏ bé, ẩn nơi cư dân mà trải nguyện lớn của kẻ xuất trần học đạo; xa nơi thị tứ để giữ gìn nền nếp thanh tịnh của chốn tùng lâm; đào tạo tăng-tài, vun cội từ bi, sóng trước sóng sau tiếp nối tổ-nghiệp trong đại thệ hoằng pháp lợi sinh.[2]
Hội Thân Hữu Già Lam cũng đã mở rộng cánh cửa, đón nhận nhiều cựu tăng sinh thuộc các trường lớp khác, trực tiếp hay gián tiếp thọ học với các vị giáo thọ từng giảng dạy tại Già Lam. “Nghĩ đến ân sâu giáo-dưỡng của Đức Phật và Thầy-Tổ bao đời, nếu không cùng nhau truyền thừa và bồi đắp, đạo vàng sẽ khó lưu truyền trong chốn nhiễu nhương. Lại nghĩ Pháp Phật nếu không thiện dụng thực hành và giảng dạy, sẽ không mở rộng được con đường của sứ-giả Như Lai. Vì vậy, khởi nguyên từ chân tình đạo bạn, cùng lớp cùng trường, cùng mái chùa và tu viện, cùng thọ pháp với những bậc ân sư đạo hạnh cao dày, cùng cầu học với những bậc thầy khả kính tài năng, những người học trò tăng-sĩ và cư sĩ khắp nơi, về ngồi bên nhau, chia xẻ nỗi nhọc trên đường hoằng pháp, trao đổi kinh nghiệm của việc hành đạo dấn thân.”
Tất cả những gì mà Hội Thân Hữu Già Lam ưu tư, thao thức, nói và hành động, đều bắt nguồn từ hạnh nguyện hoằng pháp của Thầy-Tổ, mà tiêu biểu là Ôn Già Lam.
Đáng tiếc là trong thời gian hai năm qua, một số người cố tình gán ghép, xuyên tạc việc làm của Hội Thân Hữu Già Lam, dấy lên cả một luồng sóng chụp mũ và ngộ nhận dành cho hội này cũng như tất cả những ai có liên hệ đến Tu viện Quảng Hương Già Lam. Ảnh hưởng của luồng sóng này không biết to lớn thế nào, kéo dài bao lâu, nhưng cứ mỗi lần huynh đệ chúng tôi có dịp gặp gỡ hoặc hàn huyên qua điện thoại, ai cũng buồn cười cho miệng lưỡi thế gian, và không ai trong chúng tôi vì sự chụp mũ, vu khống ấy mà quay lưng với bản nguyện của mình.
Riêng cá nhân tôi, trước sau như một, mỗi khi nhắc đến chữ Già Lam là tức khắc nghĩ đến Ôn Già Lam, một vị bồ-tát hóa thân, đã trải cả cuộc đời của ngài cho sự nghiệp hoằng pháp, giáo dục, đào tạo tăng tài. Những gì Ôn đóng góp cho đạo, cho đời, chưa thấy những người chỉ trích, dè bĩu Ôn thực hiện được một phần nhỏ. Bản thân tôi cũng chưa làm được trò trống gì nên không dám tự hào khi được làm người học trò của Ôn hay được làm một thành viên của Hội Thân Hữu Già Lam. Không tự hào, nhưng hân hạnh. Vâng, tôi rất hân hạnh là một thành phần của Tu viện Quảng Hương Già Lam nhỏ bé, chật hẹp; nhưng nơi đó, tất cả chúng tôi, tăng sĩ của nhiều thế hệ đi sau Ôn, luôn tâm niệm là phải suy nghĩ, nói năng và hành động như Chánh Pháp. Chúng tôi không dám nói là đã làm bao nhiêu điều lợi ích cho thế gian, nhưng có thể tự khẳng định, như một lần thầy Tuệ Sỹ đã nói, “Duy, chưa có điều gì thất tiết để điếm nhục tông môn, uổng công Sư trưởng tài bồi.”[3]
Trước mặt chúng tôi, con đường hoằng pháp vẫn là con đường vô tận, không phải chỉ thực hiện trong một đời kiếp. Nhiều chướng ngại, chông gai, thử thách hãy còn bao vây, cản lối. Nhưng như Ôn từng dạy, và hàng triệu người trong nửa thế kỷ qua đã từng tụng đọc: “Dù phải chịu muôn ngàn gian khổ, con giốc lòng vì đạo hy sinh.”[4] Với đại nguyện như thế, Ôn Già Lam đã dạy chúng tôi phải cảm ơn những chông gai, chướng ngại trên đường hoằng pháp, vì đó chính là phần thưởng do những nghịch hạnh bồ-tát ban tặng. Chỉ ngần ấy thôi, cho thấy lúc nào Ôn Già Lam cũng ở bên chúng tôi, luôn nâng đỡ và dìu dắt mỗi khi chúng tôi nản lòng thối chí.
Nói cách khác, nhớ về Ôn là nhớ đến sứ mệnh hoằng pháp, cũng là nhớ về Già Lam.
Già Lam, bạn đã đến đó chưa? “Đến rồi về lại không gì lạ.”[5] Chỉ là tên gọi thân thuộc của một tu viện nhỏ, không phải là thắng cảnh gì đặc biệt, nhưng là biểu trưng một đời giáo dục hoằng pháp của vị cao tăng khả kính; cũng là ngôi già-lam của chính bạn, nếu bạn thực sự đặt chân trên một “tịnh địa nuôi dưỡng hạt giống của bồ-đề tâm.”
Từ bên này đại dương hướng về ngôi tu viện khiêm nhường năm xưa, thành kính đảnh lễ kim tháp Ôn, thành kính đảnh lễ đại chúng hiện tiền.
California ngày 17 tháng 01, năm 2009
Cựu tăng sinh Già Lam
Vĩnh Hảo (Tâm Quang)
 _____________________________________________________
[1] Hòa thượng Thích Đức Nhuận.
[2] Xem “Đường hướng sinh hoạt của Hội Thân Hữu Già Lam,” (nguồn: http://www.thanhuugialam.com/loivao.htm)
[3] Trích “Tâm Thư gửi Tăng sinh Huế,” http://www.lenduong.net/spip.php?article5641
[4] Bài sám “Quỳ Trước Điện” được đưa vào kinh nhật tụng, do HT. Thích Trí Thủ sáng tác. Bài bắt đầu với câu “Đệ tử hôm nay quỳ trước điện, chí tâm đảnh lễ đấng Từ tôn…” mà nhiều người thuộc lòng (xem Tâm Như – Trí Thủ Toàn Tập, mục Luận, phần Thơ và Câu đối – website http://www.phatviet.com )
[5] “Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự” (Tô Đông Pha)

Wednesday, March 25, 2020

Vĩnh Hảo: Khép Lại Những Con Đường

Khép Lại Những Con Đường

Vĩnh Hảo


Người ta nói, đại dịch đã đến rồi. Các công sở sẽ đóng cửa. Các con đường sẽ đóng bớt lại. Nhà hàng, rạp hát, những nơi vui chơi giải trí… tất cả đều phải đóng. Mỗi người hãy tự cách ly, đừng lang thang bên ngoài nữa. Một sẽ hại tất cả, và tất cả chung quanh cũng sẽ hại cho một. Mỗi cá nhân đều có liên hệ hỗ tương với gia đình và xã hội; tuy ly cách nhưng thực ra không ai tách rời khỏi thế giới. Mỗi người hãy tự ý thức vai trò và trách nhiệm của mình trong cuộc đời. Đừng ích kỷ, tham lam, chỉ biết có mình và người thân của mình. Tánh xấu của cá nhân luôn ảnh hưởng đến người khác, vật khác; trong trường hợp của đại dịch là vô tình/gián tiếp giết hại đồng loại, phá hoại môi trường. Hãy ngừng lại cái tâm bé xíu nhỏ mọn; và hãy mở lòng ra, biết yêu thương mình, yêu thương người, yêu thương vật. Tự phòng vệ cũng chính là bảo vệ cho người khác. Ý tưởng này hẳn đã nghe quen trong Phật giáo: một là tất cả, tất cả là một[1]. Vậy thì, hãy dừng lại, dừng lại. Trở về với gia đình, trở về với tự thân. Đóng lại các căn trần. Khép lại những con đường…
Con đường đi quanh, hoa cỏ hồn nhiên mọc tràn lưng núi. Bướm cải du xuân vàng rợp đồng xanh. Chim trắng như bông, chao lượn góc trời. Dáng sắc lung linh trong nắng xế. Muôn màu vẽ nhòa trên tóc xưa. Dấu chân ai còn in lối về. Chiều tàn lưu luyến buổi bình minh. Buồn vui khép lại trong đôi mắt sâu. Ngày như đêm không còn thấy gì.
Con đường băng ngang bờ bãi quạnh. Nghe gió chuyển rung những tán lá. Sóng nước vỗ nhịp cho bản trường ca không biết bắt đầu tự khi nào. Tiếng ca cất lên nơi hoang dã, vượt khỏi những cung bậc, chạm đến tầng mây cho mưa rơi xuống. Tiếng mưa rào rào lúc ban đầu, rồi chầm chậm, tí tách… rồi lặng im. Cơn suy-thịnh buông theo lời ca, tiếng nói. Giọng ai bật cười lúc sáng tinh mơ. Từ nay khép lại đôi tai này. Không còn những thanh, âm. Không còn tiếng vô thanh.
Con đường phố thị ngào ngạt những hương thơm. Mùi thức ăn đánh thức cơn đói giữa chiều. Mùi xăng từ khói xe gợi nhớ những chuyến đi xa. Mùi vải mới gợi nhớ ngày xưa thơ ấu trong áo quần ngày đầu xuân. Mùi muôn hoa kết tụ trong tinh dầu, phảng phất trên những làn da. Mùi da thơm gợi nhớ những cuộc tình. Những cuộc tình đời này hay nhiều đời trước, vẫn còn vương hương. Ngồi lặng im, khép lại cánh mũi này, cho lắng hết dư hương. Dư hương lắng hết rồi mà bỗng liên tưởng một mùi hương chưa từng ngửi qua: hương thơm từ cõi Chúng Hương của Phật Hương Tích[2].
Hương thơm cõi Chúng Hương thì không thể mường tượng ra nổi, nhưng từ bát cơm thơm mà vị “hóa bồ-tát” (3) đem về từ tay Phật Hương Tích, gợi lại một bát cơm trắng dẻo, thơm tho của cõi trần. Lưỡi này đã kinh qua bao vị mặn, ngọt, cay, chua, đắng, chát, mềm, giòn, khô, ướt… của hàng trăm món ăn phương đông, phương tây. Đạm bạc đơn giản cũng có, sơn hào hải vị cũng có. Ăn vì đói hay ăn cho ngon cũng đều đã nếm qua. Nhưng giá trị của mỹ vị thường khi chỉ được nhận chân với bụng rỗng. Miếng cơm trong tù. Miếng ăn của người đói. Nhu cầu lấp vào bao tử trống tạo nên ảo giác ngon cho vị giác. Vậy rồi, cũng chính từ nhu cầu và ảo giác ấy, người ta đã sáng tạo ra bao món ăn cầu kỳ, tỉ mỉ, tinh tế, tuyệt hảo. Giờ này ngồi lại giữa phòng không, không nói không ăn, miệng hàm hoa, nhẹ thơm cam-lồ vị.
Thân đã rong chơi muôn dặm ngoài. Nóng, lạnh chiêu cảm hết những mùa qua. Ngõ hẹp gặp nhau ắt phải vầy oan trái. Từ thuở tóc xanh đã miên man dõi theo những bóng sắc. Ôm nhau cho trọn duyên tình gieo từ bao kiếp xa xôi không thể nhớ. Để rồi, giữa trời đất mênh mông, bỗng chốc muôn trùng xa hút bóng cố nhân. Tóc râm. Chùn gối. Thân hạc đứng lại bên sông xưa, ngắm tà huy rơi trên núi non điệp trùng.
Những con đường khép lại, nhưng tâm thức lại mở ra muôn hướng, với những chiều sâu thăm thẳm. Một đường mở ra muôn đường. Mỗi đường lại mở ra vô tận con đường… Hình sắc, âm thanh, hương vị và cảm giác xúc chạm trộn lẫn vào nhau, nhào nặn ra những ảnh tượng hữu lý và phi lý. Ngựa bay trên không. Chim bơi dưới nước. Không gì thật, mà cũng không gì không thật…
Ngồi im mà nhận ra ý thức đang chuyển động theo Tâm Kinh: không màu sắc, không âm thanh, không hương, không vị, không xúc… Không thấy cả người quan sát. Không nghe cả sự thinh lặng. Không ngửi cả cái không mùi. Không nếm cả cái không vị. Không xúc chạm cả cái không xúc chạm. Không khởi ý, cũng không khởi cái ý chấm dứt ý tưởng. Không gì ngăn ngại, không gì hãi sợ. Đoạn dứt các vọng duyên. Đoạn dứt người đoạn dứt. Tự tại vô ngại, đi đứng nằm ngồi mà bất động như như. Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa.
California, ngày 24 tháng 3 năm 2020
[1]  “Duy Ma Cật Sở Thuyết,” bản dịch và chú giải của Tuệ Sỹ. Dịch phẩm này dựa trên bản Hán của Cưu Ma La Thập, đối chiếu bản Phạn và Tạng ngữ; cẩn thận đối chiếu luôn cả 2 bản Hán dịch khác của Chi Khiêm (Phật Thuyết Duy Ma Cật Kinh), và Huyền Trang (Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh). Bản của Cưu Ma La Thập dịch là “cõi Chúng Hương,” Huyền Trang dịch là “Phật-độ Nhất Thiết Diệu Hương;” Đức Phật Hương Tích thì Huyền Trang dịch là Đức Phật “Nhất Thiết Hương Đài.” Theo kinh văn, cách thế giới này vượt qua bốn mươi hai Hằng hà sa số cõi Phật, có một nước tên là Chúng hương, có Phật hiệu Hương Tích nay đang tại thế. Hương thơm của quốc độ này át hẳn mọi hương thơm của chư thiên trong các quốc độ khắp mười phương… Ở đó hương thơm tạo ra mọi thứ như lầu các, đất đai, vườn tược và hoa viên khiến chúng tỏa mùi thơm ngát. Còn thực phẩm thì có mùi thơm lan tỏa đến vô lượng thế giới khắp mười phương.”
[2] “Duy Ma Cật Sở Thuyết,” Phẩm 10, Phật Hương Tích, bản dịch của Tuệ Sỹ, nhà xuất bản Phương Đông 2008.

(3) “Duy Ma Cật Sở Thuyết,” Phẩm 10, Phật Hương Tích, bản dịch của Tuệ Sỹ, nhà xuất bản Phương Đông 2008.

Đọc Thơ Vĩnh Hảo - Gã Cùng Tử An Nhiên "Phiêu Bồng"


Đọc Thơ Vĩnh Hảo - Gã Cùng Tử An Nhiên "Phiêu Bồng" 

Vĩnh Hảo, vốn dĩ là một nhà văn đa tài, từ cuối thập niên 1980's với những những tác phẩm mà chúng tôi ưa thích như: Thiên Thần Quét Lá (tập truyện), Núi Xanh Mây Hồng (truyện dài), Cởi Trói tập I & II (truyện dài), và Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt (tập truyện), v.v... Ngoài ra, ông là một nhà báo, nhà thơ và hơn hết là một hành giả Đạo Phật nghiêm túc, từ tốn và chuẩn mực. Chúng tôi may mắn được xem ông như là một pháp hữu thân tín. Những gì cần nói, ông nói; những gì cần làm ông làm; thậm chí những gì im lặng, ông lại im lặng cũng vì lợi ích chung và cho số đông. Ông vốn nhẹ nhàng, thầm lặng nhưng nổi bật trong những gì ông để ý đến từ văn hoá, nghệ thuật, Phật giáo đến công cuộc hoằng pháp, và kể cả việc làm từ thiện ở miền sâu, miền xa tại Việt Nam.

Lần đầu khi tôi đọc tác phẩm Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt của ông, tôi đã quý mến ông. Và khi tôi bắt gặp những tuyển tập khác của Vĩnh Hảo, tôi càng thương cho người tu sỹ và Phật giáo Việt Nam nói riêng và cho Quê hương Việt Nam nói chung. Có người nói xã hội Việt Nam trước thời kỳ "Đổi mới, 1986" là thêm một vết đen trong lịch sử, nhưng âu đó cũng là hạt mầm cho những áng văn và thơ hay của Vĩnh Hảo. Trong nhà Phật, trong phiền não vốn đã có hạt giống Bồ Đề. Ở đây, tôi chỉ muốn nói về dòng thơ của Vĩnh Hảo qua thời gian của một con người tầm thường, như bao người người Việt Nam khác để hiểu về lịch sử, con người và một kẻ “cùng tử lưu vong” xa quê hương, nhưng quan trọng hơn là một cái nhìn rất thoáng, một tư tưởng rất trong, và sự dấn thân vô giá của một hành giả Phật giáo trong suốt những thập niên qua.


 Vậy chúng ta hãy cùng tác giả thong dong trong bụi đường, quán trọ trần thế này nhé; hãy vừa đi, vừa thở, vừa cười và quán chiếu các bạn nhé.  Chúng tôi bắt đầu từ hai bài thơ không ghi thời gian, nhưng chúng tôi biết ở một giai đoạn tác giả còn trẻ, ở cái tuổi trưởng thành, 18. Một thời, ông cũng đã:

Bụi đường
(Một trong vài bài thơ của tuổi 18 còn nhớ được)

Mắt biếc như sao rung trời quạnh
Tóc huyền như suối động sông êm
Chuếnh choáng ta về cô phong đảnh
Bụi đường lãng đãng cuốn theo tim.

Quán trọ
Chiều ngang quán trọ mưa tầm tã
Bụi đường theo nước cuốn lao xao
Người xuôi kẻ ngược rộn trăm ngả...
Không xóa nổi bóng dáng kiều nga
Chiều bên nay mưa rơi lã chã
Mắt kiếng mờ nhớ một người xa
Tình yêu sao chia sầu đôi ngả
Ðể mưa về lạnh ướt hồn ta...

Chỉ 3 bài thơ đầu, chúng ta có thể hiểu rằng những cảm xúc, cảm thọ… cái nghèo khó, gian truân, hay thậm chí là sự tù đày, và nói rộng hơn là cuộc đời này, rồi cũng sẽ trôi qua… Ở Vĩnh Hảo, cũng vậy, nhưng tư tưởng và  hành động ở ông đều mang tinh thần nhập thể. Mọi sự rồi cũng trôi qua như nước qua cầu, nhưng ông nhẹ bước an lạc vào đời, ung dung thõng tay vào chợ, những con đường cát bụi, đầy chông gai, trắc trở, nhưng ông không từ nan mà bước vào để làm đời thêm đẹp, đạo thêm thơm.   

Vào đời và tu tập, ông lại nhận chân tất cả đều là phù du huyễn hóa, cái mong manh của sự đời, của thay đổi của nhân tình thế thái, của chế độ. Rồi sau đó, ông cũng đã khước từ đành chia biệt người mình thương yêu; trong đó, có lẽ là người tình của mình nữa, để tìm đường vượt biển và đến bến bờ tự do. Chúng tôi chép lại đây những bài thơ tiêu biểu theo dòng thời gian để quý vị độc giả và có cảm nhận riêng mình theo chuỗi thời gian của nhà văn Vĩnh Hảo. Qua đó, hầu hiểu được giai thoại của một con người mà tôi quý kính. 

Hãy trôi qua

Mây phiêu bồng hãy trôi qua
Ðàn dây sáu sợi phím nhòa thời gian
Tóc tiên gửi lại thiên đàng
Con đường bụi đỏ trần gian tôi vào.
(1979)

Vầy cuộc phù du

- Về rừng có nhớ gì không?
Chiều đi để lại một khung trời hồng.

- Em đi qua phố người đông
Tâm tư khép lại còn trông một người.

- Thôi em đời tợ sương rơi
Hôn nhau rồi tiễn ngàn khơi đôi bờ.

- Dù mong manh giọt sương mơ
Cũng trên huyễn mộng cũng trơ trầm phù.

- ... Ừ, ta vầy cuộc phù du
Tử sinh âu cũng sương mù mà thôi...
(1982)

Đường ta và đường em (I)

Đèn chong, giấy trắng, mực đầy
Mà không ghi nổi một ngày xa nhau
Rừng im lẻ bóng đêm sâu
Cố quên em để tình sầu phôi pha
Anh theo tiếng gọi sơn hà
Thôi em ở lại quê nhà đừng trông.
(1982)

Ngộ

Nắng lên ngọn lá tàn sương
Thiền sư chống gậy lên đường tìm hoa
Nụ hoa đã héo chiều qua
Thiền sư bẻ gậy ngồi ca trên rừng.
(1982)

Tịnh khẩu

Cười hay khóc thì đời cũng nhạt tẻ
Kiếp cuồng điên tôi đi tìm chính tôi
Quanh quẩn mãi rồi về đây nín lặng
Nói hay không thì ngày cũng qua rồi.
(1983)

Trà khuya

Phật điện không cài cửa
Tha hồ ánh trăng len
Sư vào xin tí lửa
Nhúm một bình trà sen
(1984)

Buông

Mưa về trên thiền thất
Buông giọt xuống mái tranh
Con cú trên cây tràm
Buông tiếng xuống ruộng xanh

Sư ngồi lật trang kinh
Chẳng buông một âm thanh
Lặng nghe
rồi chợt nghe
Buông hết ngàn Phật danh.
Long Thành 1984

Mong

Em bé cười
Cười ngây thơ
Mơ khoảnh trời
Trời xanh lơ...

Ngoài thép rào
Người tỉnh bơ
Trong thép rào
Bé mong chờ

Mây qua đầu
Bay, bay, bay
Bé cúi đầu
Mắt cay, cay...
1987 (trại tị nạn Songkhla, Thái Lan)

Trong sương khuya

Chìm trong phố thị mù sương
Mắt cay vận nước
sầu vương một hồn
Đâu người còn nhớ non sông
Cùng ta uống cạn một dòng tâm can.
(Virginia 1988)

Ðêm ở lại Kim Sơn

Sao xuống nửa trời
Người nửa mộng
Ðầu tùng lặng lẽ bóng đêm loang
Sớm mai thức dậy
Nghe
Chim động
Nửa thềm sương trắng
Mộng đời tan.
(1993)

Nhớ Thầy

Ngày Xuân, lang thang trên phố
Tìm cái chi?
Mắt đỏ - bụi mờ
Tôi đứng lại bên đường, lau mắt kiếng
Rồi đi, đi theo chiều cuốn của dòng người
Chen chúc nam thanh nữ tú
Lao xao tiếng nói giọng cười
Đôi mắt vẫn đau rát
Dừng lại, dừng lại ở một góc vắng
Lau mắt kiếng
Lau mãi vẫn còn đau

Người ta kêu gọi những gì?
Thương yêu - khoan thứ - tỉnh thức...
Nhưng chỉ thương yêu những người ấm no
Khoan thứ cho những kẻ tội ác tiếp tục tội ác
Tỉnh thức để mở mắt nhìn nhau
trong trái tim đồng nhịp hưởng thụ…

Thương yêu - Khoan thứ - Tỉnh thức!
Ôi chỉ là những ngụy ngôn, xảo ngữ
Con người thời nay chỉ giỏi trò hóa trang
Tiếp xử với nhau qua những mặt nạ
Ông thành bà, bà thành ôn
Tên cướp được khen: nhà đạo đức
Ma vương tự xưng: đã thành Phật
Thi sĩ cuối mùa tủm tỉm làm thiền sư...

Tôi đứng lại bên đường, lau mắt kiếng
Nhớ dáng Thầy gầy guộc
ẩn nhẫn thiền tọa trong ngục tù quê hương.
(1997)

Hóa sinh

Người từ phương trời mây trắng bay
Dừng bước cô phong nở hoa đầy
Nửa đời cùng tử về ca hát
Tấu khúc tri âm rung chốn này.

Cỏ thơm tuệ giác, mây vô tướng
Cao vút non ngàn đá trổ hoa
Suối reo chim hót hằng tự tại
Bên trời cười vỡ tiếng hoan ca.
(Rằm tháng Tư, năm 2010)

Tri ân

Giọt sương rơi trên lá đêm
Giọt buồn buông xuống hồn im cuối mùa
Lặng nhìn thế sự hơn-thua
Đau cơn bão lốc thổi qua phận người...
Thương em vai nhỏ chơi vơi
Ân tình nặng gánh một đời gian nan
Theo anh một chuyến đi hoang
Hai mươi năm biệt vẫn tròn thủy chung...
Thương em nói sao cho cùng,
Lẳng lặng ghi xuống mấy dòng tri ân.
(05.05.2010)

Tìm Phật, Tìm Em

Tìm Phật, chỉ thấy em
Hương sắc tỏa, bên thềm
Bâng khuâng đường hai nẻo
Tựa cửa
Lòng buồn thêm.

Tìm em, chỉ thấy Phật
Môi cười nụ an nhiên
Buông một đời tất bật
Mở cửa
Đâu cũng thiền.
(15/5/2014)

Trước thềm xuân mới

Mưa rơi, mưa rơi, ngập nước những con đường
Lá vàng trải thảm trên sân, ướt đẫm ngày cuối đông
Nắng trưa xiên qua những nhánh cây trơ xương khi mưa tạnh
Nơi góc cửa sổ, con nhện nằm ủ một cuộn tơ
Con tàu ký ức thuở thiếu thời xồng xộc lăn bánh quay về, kéo còi, nhả khói
Những chuyến phiêu du không bao giờ có thực
Cánh buồm lộng gió xa khuất sóng trùng khơi.
Hồn vô tư gửi cửa thiền thanh vắng
Sáng quét lá, chiều nghe kinh, cất cao mật ngôn Phạn ngữ
Đáy tâm sâu hun hút, chơi vơi những bóng hình, bồng bềnh những ẩn điệu
Mộng ban sơ, lặng lẽ, trôi đi những tháng ngày…
Bình minh xe hoa đi qua, sắc hương diễm lệ reo vui theo nắng
Hoàng hôn xe tang trở về, mắt buồn đượm một trời không
Hí trường lao xao giọng cười tiếng hát
Những tên hề đeo mặt nạ trắng, với những vòng mắt đen thui, nhào lộn nhảy nhót
Khóe miệng luôn kéo lên những nụ cười tươi mãi không phai
Lãnh tụ, lãnh đạo, chưa bao giờ lãnh hội được cùng đích của số đông
Rêu rao những chương trình, những chính sách ưu việt không bao giờ thực hiện nổi
Bán đất, bán biển, bán cả linh hồn cho tham vọng ngôi cao
Bầy tiểu yêu xúm xít nịnh nọt những kẻ mị dân, giả dối
Đẩy dân lành vào thảm cảnh đau thương
Thoáng chốc bể dâu, nhà đẹp vườn xinh trở thành bình địa
Xuân Tết về biết chào đón nơi đâu!
Chiều tha hương, bỗng nhớ con tàu năm ấy
Đưa viễn mộng hun hút chân mây
Xuân đến, xuân đi, bao lần trùng lặp
Mộng ban đầu u uẩn mắt xanh xưa
Mục đồng cưỡi trâu vi vu cánh diều vương khói nhạt
Bướm vàng chui ngược vào kén, rụng đôi cánh mỏng phiêu du,
mơ làm con sâu trong giấc ngủ yên lành
Vườn xanh hoa nở trắng như mây
Gió lay chiếc phong linh hiên ngoài
Chim non giật mình quay cổ ngóng
Tiếng hót đầu mùa vọng mãi những xuân sau
Lật trang kinh, lòng an hòa
Thương nhân sinh thống khổ bao đời kiếp
Điểm nhẹ tiếng chuông khi mặt trời rực rỡ trên đại dương xanh
Xuân sang, mùa đã sang
Nghe sâu sóng vỗ chơn thường.
(18/01/2019)

Đọc những vần thơ trên, chúng tôi tin chắc rằng quý bạn đọc có thể hiểu được một phần nào về Vĩnh Hảo. Một con người sống trọn vẹn với đạo, với đời, với quốc gia và dân tộc. Cũng xin được nói thêm, Vĩnh Hảo vốn là dòng hoàng tộc, nguyên quán của ông là thôn Vĩ Dạ, nội thành Huế, trong gia tộc Nguyễn-Phước. Ông sinh ở thành phố Nha Trang và đã xuất gia năm 1970 tại Chùa Hải Đức tại thành phố biển thơ mộng này. Năm 1987, ông vượt biển đến Songkhla, Thái Lan;  sau đó, chuyển qua trại chuyển tiếp tại Bataan, Philippines vào tháng 12, 1987 và định cư vào Mỹ vào tháng 8, 1988. Ông chính thức rời bỏ chiếc áo tăng sĩ, làm cư sĩ tại gia năm 1990. Ông cũng từng là Tổng Thư Ký, kiêm Phụ tá Chủ Bút tạp chí Chân Nguyên (1992 - 2002); Tổng Thư Ký tạp chí Phật Giáo Hải Ngoại, Hoa Kỳ (1994); Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Phương Trời Cao Rộng (2006 - 2008); Chủ bút nguyệt san Chánh Pháp (từ 2009 đến nay).

Ngoài ra, ông còn cộng tác với các báo chí văn học hải ngoại như Văn Học, Khởi Hành, Thế Kỷ 21, Gió Văn, Người Việt, Việt Báo, Hợp Lưu, Đi Tới, v.v…; có nhiều bài đăng trên các báo và các trang lưới Phật giáo trong nước và ngoài nước. Xin trân trọng giới thiệu thêm những tác phẩm của Ông trong những năm qua.

Tác phẩm đã xuất bản:
-  Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt – truyện ngắn, 1989
-  Núi Xanh Mây Hồng – truyện vừa, 1991
-  Biển Đời Muôn Thuở – truyện ngắn, 1992
-  Thiên Thần Quét Lá – truyện ngắn, 1993
-  Phương Trời Cao Rộng – truyện dài, 1993
-  Sân Trước Cành Mai – tùy bút, 1994
-  Bụi Đường – truyện dài, 1995
-  Chạnh Lòng Tiếng Thơ Rơi – thơ, 1996
-  Ngõ Thoát – truyện dài, 1996
-  Cởi Trói – truyện dài, tập 1, 1997
-  Cởi Trói – truyện dài, tập 2, 1997
-  Con Đường Ngược Dòng – tùy bút, 1998
-  Giấc Mơ và Huyền Thoại – truyện ngắn, 2001.
 Trong Những Thoáng Chốc – tùy bút và tạp ghi, 2014.
- Lời Ca Của Gã Cùng Tử – Tuyển tập 100 Lá Thư Tòa Soạn Nguyệt San Chánh Pháp, 2020.

Thôi thì trước nhưng trầm luân của thế tục và cõi Ta Bà này, chúng ta hãy phiêu bồng lãng du theo sự tuần hoàn của xuân-hạ-thu-đông trong quán trọ cuộc đời vậy… Và có chút thời gian và năng lượng, xin hãy yêu thương cuộc đời này hơn nữa và tô thắm cuộc sống này ngày càng tươi đẹp để cho chúng ta và những thế hệ mai sau càng đến gần bến bờ Chân-Thiện-Mỹ.

Trầm tư trước bình minh
(tặng cây phong trước cửa sổ bàn viết)

Sáng mùa Xuân
Em đứng giữa trời mờ
Ươm những nụ lơ thơ
Yêu em qua mộng ảo
Ngày xuân vui không ngờ

Sáng mùa Hạ
Tóc đã dài hơn xưa
Em phơi ngực ơ hờ
Ngất ngây hồn đi lạc
Ta vấp giữa vú thơ

Sáng mùa Thu
Một tách trà thơm hương
Ngắm em nhớ vô thường
Tóc xanh nay vàng úa
Ngực đầy giờ trơ xương

Sáng mùa Ðông
Ngoài cửa một trời sương
Chân ai vội bên đường
Lá khô khua niềm nhớ
Nhớ một trời đông phương.

Xin trân trọng giới thiệu những tác phẩm và tác giả, Vĩnh Hảo, với lòng trân trọng nhất. Cầu chúc bình an và thanh thản.

Tâm Thường Định,
Sacramento, CA.
Đầu Xuân Canh Tý, 2020.