Saturday, November 7, 2015

ĐIẾU VĂN Tưởng niệm Hoà Thượng Thích Hạnh Tuấn - GĐPT Miền Liễu Quán


Sau Lễ Cầu Siêu, Thọ Tang và Tưởng niệm Giác Linh Cố Hoà Thượng Thích Hạnh Tuấn của Miền Liễu Quán, bài hát Tôi Yêu Màu Lam và Giây Thân Ái đã ngân lên như lời tiễn biệt Giác Linh Cố Hoà Thượng. Photo: Trường Trần

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

ĐIẾU VĂN

Nhân ngày vía Đức Quan Âm Bồ Tát
Mùa Thu còn đầy lá vàng
Nắng ấm chưa tan
Duyên hạnh ngộ lỡ làng
Tin Thầy vừa quá vãng
Nghe như sét đánh ngang tai
Hỡi ôi!
Thầy thượng Hạnh hạ Tuấn đã ra đi
Lâm ly
Vô thường
Thầy xả bỏ báo thân với 39 hạ lạp
vừa tròn 60 tuổi xuân
Pháp danh: Thị Trạm
Pháp hiệu xuất gia: Hạnh Tuấn
Trần gian huyễn hoặc mông luân
Nhớ Giác linh xưa:
Trên quê hương Giáo Đông, xã Lộc Xuân, huyện Đại Lộc, Tỉnh Quảng Nam
Một Oanh Vũ ra đời, 2 năm sau khi đất nước Việt Nam ngăn chia Nam Bắc
Từ nhỏ đã xuất gia
Lấy ngôi Phạm vũ làm nhà
Bao năm khó nhọc học hành cực khổ
Từ trường trung học Trần Quý Cáp
đến Phật học Viện Quảng Hương Già Lam
Thầy chuyên tâm tu học và giữ lòng rỗng lặng
Rồi theo vận nước nổi trôi
Năm 1984, Thầy vượt biển qua đảo Palau Galang
Nơi tị nạn Thầy giúp lập Chùa Kim Quang
Tiếp tục gieo trồng hạnh nguyện Bồ tát
Thầy cõi Từ Bi bát ngát
Năm 1985, định cư tại Hoa Kỳ
Nhớ từng tất ly
Năm xưa, Thầy vẫn cắp sách đến trường
Từ đại học cộng đồng ở San Francisco City
Đến đại học San Francisco State,
Rồi hậu đại học Thạc sỹ ở Harward, cuối cùng tiến sỹ ở UC Berkeley
Thầy là tấm gương sáng
Trên con đường tu tập và phụng sự tha nhân
Mang tinh hoa, văn hoá, và Phật pháp trong ngần
Đưa vào đất Mỹ
Ngài Tổng Vụ Tưởng Tổng Vụ Thanh Niên đầy từ bi
Luôn che chở đàn con dại
Ôi, cõi bồng lai
Từ thuở sum vầy đến ngày ly biệt
Vẫn nụ cười tươi, vẫn “Tôi Yêu Màu Lam” thanh khiết
Thầy luôn thương yêu tổ chức GĐPT Việt Nam tha thiết
Người con xứ Quảng thuần thành
Đem ánh sáng Đạo Vàng cứu độ chúng sanh
Với bốn tâm rộng lớn
Mọi sự đều thành, trụ, hoại, không
Thầy nay lại hoàn không
Chúng con quỳ xuống đây, chắp tay kính bái
Ngưỡng tiễn Giác Linh Hoà Thượng
Ngàn thương
Cầu mong Người mau trở lại Cõi Ta Bà
Tiếp tục hạnh nguyện độ tha
Thầy ơi, anh em chúng con vẫn còn cách xa
Ước nguyện sum vầy Sen Trắng
Vẫn động lặng
Nhưng với sự ra đi bất ngờ của Thầy
Sẽ làm cho chúng con thương yêu hơn và ngồi lại
Để niềm thao thức, trăn trở và hoài vọng của chư Tổ và Thầy
Được viên tròn
Chúng con nguyện được Hợp Nhất
Còn hay mất
Thầy vẫn là ánh Trăng
Vằng vặc
Vô tranh


Nam mô từ Lâm Tế Chúc Thánh chánh tông, tứ thập nhị thế, húy thượng Thị hạ Trạm, tự Hạnh Tuấn, hiệu Hải  Như, chi Giác linh Hoà Thượng thuỳ từ chứng giám.

Ngày 3 tháng 11, 2015

Wednesday, November 4, 2015

ÐƯỜNG ÐI VÔ HẠN, NHỚ LỜI XƯA…

Tháp Phổ Đồng, Chùa Quang Nghiêm, Stockton, CA - Nơi Hoà thượng Thích Minh Đạt, cũng như Hoà thượng Thích Tịnh Từ, Tu Viện Kim Sơn,  luôn ủng hộ việc học của Thầy. Photo - Bruce Võ.
ÐƯỜNG ÐI VÔ HẠN, NHỚ LỜI XƯA… 
 Viết để Tưởng niệm Thầy Thích Hạnh Tuấn 

 “I feel blessed since not too many people can do what we are doing. Working in this field required a lot of energy and sacrifice. We are in this position as a spiritual leader and carrying out the message of the Buddha to help ourselves and others. To be happy, one must be at ease and mindful about our existence.” Thích Hạnh Tuấn

            Tiếng chuông reo vừa dứt, dạy lớp học Honors Chemistry cuối cùng trong ngày vừa xong, thở một hơi và ngồi xuống mở điện thư, thấy anh Quảng Tịnh Nguyễn Chí Thanh gởi email Tin Buồn, đọc mà không tin vào những gì mình nhận, rồi đọc lại lần nữa: "Chúng con/chúng chúng tôi kính báo tin: Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn... Đã viên tịch trưa hôm nay, thứ Sáu ngày 30/10/2015...
            Vẫn không tin vào mắt mình!
Cùng lúc quý anh Thị Nghĩa, Quảng Pháp, Quảng Hải, và Nguyên Túc cũng nhắn tin qua Facebook. Chúng tôi gọi chị trưởng Tâm Phùng để kiểm chứng.
Thật rồi! Thầy đi thật rồi!
Bàng hoàng và xót xa!
            Không biết làm sao hơn, lúc này, chỉ ngồi xuống—hít thở sâu và chậm. Tự nhiên nhớ hai câu cuối trong bài thơ Dạ Toạ của Ôn Tuệ Sỹ, mà thầy thay mặt ký tặng vào năm 2002, tại Tu Viện Kim Sơn: 
            "Không môn thiên viễn do hòai mộng 
            Quy lộ vô kỳ nhiệm chuyển bồng"
            (Hình bóng chùa xưa còn nhớ mãi 
            Ðường về vô hạn, rối lòng thêm)
*
            Thầy ơi! mới ngày nào đây mà, còn hẹn anh chị Nguyên Phú và Nguyên Nhơn sẽ về thăm Thầy và GĐPT Trúc Lâm. Nhớ ngày nào gặp Thầy tại Chùa Việt Nam, Houston, TX trong kỳ trại Huấn Luyện A-Dục Lộc Uyển, 1998 nghe Thầy giảng pháp thật hay. Nhưng giây phút gây ấn tượng và sâu đậm nhất mà chúng tôi nhớ mãi là Thầy lên sân khấu, hát bài “Tôi Yêu Màu Lam” của nhạc sĩ Trần Nhật Thanh. Đó cũng là lần đầu tiên, chúng tôi biết bài hát ấy. Dạt dào cảm xúc!

Chúng tôi yêu màu Lam là màu thêm sức sống 
Chúng tôi yêu màu Lam màu kết bao tình thương 
Lòng mến yêu vô vàn về đây ta cùng hát 
Hát lên cho đời hết bao đau buồn 
ĐK:
Bạn hỡi về đây ta sống vui bên nhau 
Xây mộng ước mai sau cho tương lai thêm đầm ấm 
Bạn hỡi về đây tay nắm tay vang ca 
Với lời ước cho nhau một nguồn sống bao chan hòa 

Chúng tôi yêu đàn em bằng tình thương cao quý 
Hôm nay về đây nhìn các em hồn nhiên 
Đời sống vui an lành. Và chúng tôi yêu màu Lam 
Với bao nhiêu thành kính trong tâm hồn. 

          Hát xong, Thầy còn nói là Thầy được “độc quyền hát” bài này. Bài hát mà Thầy yêu quý nhất và Thầy luôn hát mỗi khi đi trại với Gia Đình Phật Tử, nhưng lý do nào Thầy chọn khoác áo Đà thay áo Lam? Thầy quan niệm rằng màu Nâu sồng là sự hòa quyện tuyệt vời giữa màu Lam và huyết tạng, biểu tượng của lòng nhiệt huyết và tình thương của tuổi trẻ mang chí nguyện đem Đạo vào đời.  Đó cũng là bài học kỷ niệm đánh dấu cuộc đời Huynh trưởng của chúng tôi trong tổ chức GĐPT Việt Nam. 
            Sự dấn thân huynh trưởng của chúng chúng tôi từ đó được dìu dắt, thương yêu và nâng đỡ của nhiều vị Chư Tôn Túc tại Hòa Kỳ, trong đó có Thầy. Lần đầu tiên gặp mặt và tâm sự với Thầy thật lâu là dịp Thanksgiving tại Tu Viện Kim Sơn, 2002, sau khi chia sẻ những ưu tư và hoài vọng cho tổ chức GĐPT, Thầy lấy tập thơ của Ôn Tuệ Sỹ, Ngục Trung Mị Ngữ do Quảng Hương Tùng Thư xuất bản năm 1988, ký tặng, vì biết chúng tôi là người yêu thơ văn. Nhưng hơn thế nữa Thầy tâm sự, Ôn Tuệ Sỹ là một thiên tài, có chí lớn cho Phật giáo, Quốc gia và Dân tộc, nên chúng ta phải học hỏi và noi theo. Vì thế, bản thân Thầy cũng đã theo đuổi chương trình Tiến Sĩ Phật Học (Buddhist Studies) tại University of California at Berkeley, sau khi học xong văn bằng Thạc Sỹ Tôn Giáo Tỷ Giảo (Master of Theology Studies) tại Harvard University. Thật tự hào vì Thầy là người Tu sỹ mà mình có duyên lành gần gũi tiếp xúc và học hỏi. Chúng chúng tôi rất kính trọng Thầy, ủng hộ và noi theo hạnh nguyện cao cả của Thầy. Rồi năm 2006, Thầy được thỉnh về trụ Trì Chùa Trúc Lâm, thành phố Chicago, tiểu bang  Illinois, USA để hành đạo. 
           Từ ngày Thầy đảm nhiệm trọng trách Trụ Trì Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Chùa Trúc Lâm, Phật giáo Việt Nam tại tiểu bang Illinois nói riêng và trung Mỹ nói chung ngày càng phát triển, trong đó có tổ chức Gia đình Phật tử, nhất là GĐPT Trúc Lâm mà Thầy luôn tự hào và chia sẻ những thành công với chúng tôi.     
            Từ đó về sau, mỗi khi Thầy về thăm Tu Viện Kim Sơn, Chùa Phổ Từ, Chùa Kim Quang hay đơn vị GĐPT Kim Quang là dịp chúng tôi được duyên lành hội ngộ.  Ngoài ra, trong mỗi lần học Phật pháp cho các trại huấn luyện, chúng tôi đều có cơ duyên gặp Thầy, lần cuối cùng gặp và tâm sự cùng Thầy bằng xương bằng thịt là ngày phỏng vấn Thầy và Thầy Từ Lực cho luận án tại Tu Viện Kim Sơn vào năm 2013. Chúng tôi học hỏi từ Thầy rất nhiều, lần chót là Kinh Thắng Man trong bậc Lực trong trại Vạn Hạnh. Sau đại hội 'hợp nhất' toàn quốc 2004 tại chùa Diệu Pháp, Monterey Park, California, tổ chức GĐPTVN Hoa Kỳ xác nhận lập trường trực) thuộc vào ‘thế’ truyền thống trong hệ thống GHPGVNTN, mà sau này vào năm 2008, Thầy đảm nhận chức vụ Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên của Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTNHK. Hòai vọng của Thầy cũng như Chư Tôn Túc là sự ngồi lại, hòa giải, và hợp nhất lại tổ chức GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ vì đang bị chia rẽ. Làm được như vậy, tổ chức GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ mới lớn mạnh hầu giúp cho Giáo Hội, giúp Phật Giáo Việt Nam tiếp tục sứ mệnh của mình một cách vững chãi là đem đạo Phật giúp cho đời bớt khổ, nhất là giúp giới trẻ, gia đình họ và xã hội nói chung. Uớc mơ, hy vọng và hòai bão đó cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni mà duyên lành vẫn chưa đủ, mà Thầy tình nguyện dấn thân chỉ vì tình yêu thương màu Lam bất diệt trong Thầy. Có lẽ bài học vô thường trong sự ra đi đột ngột của Thầy sẽ làm quý anh chị lớn có quyền hạn, bổn phận và trách nhiệm trong tổ chức GĐPT ngồi lại và tìm lối đi chung của Tổ Chức, cho Phật giáo Việt Nam ngày càng lợi lạc. 
            Trở lại việc Thầy trò, chúng tôi với tư cách và trách nhiệm của hàng huynh trưởng cấp Tín, chúng con/chúng tôi  đã và đang làm những gì có thể cho tổ chức và cho Phật giáo Việt Nam như lời Thầy dạy. Khi chúng tôi, có cơ duyên phỏng vấn Thầy cho luận án của mình, những chi tiết về cách hành hoạt, tu học, lãnh đạo, dấn thân của Thầy có thể là kim chỉ nam cho nhiều người. Thầy là một học giả uyên thâm, Thầy là một trong số ít Tăng Ni Phật giáo Việt Nam viết Phật pháp bằng tiếng Anh và giảng dạy tiếng Anh một cách lưu loát. 
            Công trạng và hạnh nguyện của Thầy thì làm sao nói hết, Thầy đi chúng con xót thương, như biết Thầy đã dạy:  “Sự vô thường, tuổi già và bệnh tật không bao giờ hứa hẹn với chúng ta. Chúng có thể đến bất cứ lúc nào mà không một lời báo trước. Bởi vì cuộc sống là vô thường, nên chúng ta không biết chắc rằng chúng ta có còn sống ở sát-na kế tiếp hay không. Nếu một tai nạn xảy đến, chúng ta sẽ biến mất khỏi thế giới này ngay tức khắc. Mạng sống của chúng ta ví như hạt sương đọng lại trên đầu ngọn cỏ trong buổi sáng mùa xuân. Nó sẽ bị tan biến ngay khi ánh mặt trời ló dạng. Những ý niệm của chúng ta thay đổi rất nhanh trong từng sát-na. Thời gian rất ngắn ngủi. Nó chỉ kéo dài trong một sát-na (kṣaṇa), giống như hơi thở. Nếu chúng ta thở vào mà không thở ra, chúng ta sẽ chết”.  Hôm nay ngồi đây, nhớ Thầy nhớ giọng nói tiếng cười và bài hát tuyệt vời, xuất phát từ trái tim yêu màu áo Lam của Thầy.  Với chúng con Thầy là đấng Trượng phu, là bậc trưởng tử Như lai mà chúng con thương kính. Đây là bài thơ kính bái biệt Thầy. 

THẦY - CÂY TRÚC VÀNG
Tưởng niệm Thầy Hạnh Tuấn

Ngày Thầy mất, vía Quán Âm Bồ Tát
Hiện thân Thầy cũng Bồ Tát Quán Âm
Thầy lắng nghe đời vô thường đau khổ
Đem Từ bi, Trí tuệ gieo bốn phương
Thầy - sống vị tha hoá độ khôn lường
Nay xả bỏ báo thân về Cõi Tịnh
Thầy - Hòang trúc nhẹ lay
in hình mặt đất
vô sanh.
            Sự ra đi bất ngờ của Thầy là một nỗi mất mát quá lớn lao cho tổ chức Gia Đình Phật Tử, cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, cho Phật Giáo Việt Nam nói chung và cho Đạo tràng Chùa Trúc Lâm Chicago và các vùng phụ cận nói riêng. Ngưỡng nguyện Mười Phương Chư Phật Chư Đại Bồ Tát phóng quang tiếp độ cho Giác linh Hòa Thượng thượng Hạnh hạ Tuấn Cao Đăng Phật Quốc.

Phật tử áo Lam đồng kính bái
Tâm Thường Định - Nguyệt Giác Nghiêm

Tuesday, November 3, 2015

Bài Học về Sự Sống và Cái Chết - A Lesson from Life and Death


Thơ Tiễn Thầy Phổ Hoà - Thư Pháp Uyên Nguyên

Bài Học về Sự Sống và Cái Chết
   Viết để tưởng nhớ Mẹ và Thầy Hạnh Tuấn

            Có lần chúng tôi ngắm hoa Quỳnh nở, trước vẻ đẹp thanh tao, hương thơm quyến rũ nhưng phảng phất lẽ vô thường trong cõi phù sinh kiếp người. Chúng tôi thầm hỏi, phải chăng sự sống bắt đầu từ lúc hoa Quỳnh nở và kết thúc khi hoa tàn? Điều đó tất nhiên, nhưng ý nghĩa quan trọng hơn là: Mình đã hay đang làm được gì trong khoảng thời gian hoa nở đó?

           Những năm trước, nhân đọc một bài pháp thoại, một vị Thiền sư hỏi những người đệ tử của mình, cuộc sống dài bao lâu? Có người bảo 100 năm, 75 năm, 50 năm, 25 năm, v.v... Nhưng câu trả lời của vị Thiền sư đó là: “Cuộc sống chỉ dài như một hơi thở”, vì nếu một hơi thở vào, mà không thở ra hoặc ngược lại, tức khắc chúng ta từ giã cuộc đời này. Tự nhiên, khi ngắm hoa Quỳnh nở rồi tàn trong một đêm trăng tròn Mười Sáu, chợt nhớ bài pháp thoại năm nào, tâm cảnh hữu tình mà sáng tác một bài thơ: 

                        Nếu cuộc sống dài như hơi thở,
                        Ta làm gì giữa hơi thở trong ta?

            Thật vậy, cuộc sống chỉ dài như hơi thở mà thôi. Mong manh và vô thường. Giữa sống và chết là một khoảng thời gian quý giá. Mình làm gì trong khoảng thời gian đó mới là điều quan trọng. Vì thế, niềm tin và thái độ về sự chết của chúng ta có một ảnh hưởng rất lớn đến cách sống của chính mình.

            Có thể nói không có nỗi đau buồn nào lớn hơn khi phải chia tay vĩnh viễn với người thân. Mặc dù chúng ta biết rất chắc chắn có sinh có tử, và thời gian của chúng ta với cuộc đời này có hạn và không ai có thể thoát khỏi sự vô thường của cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng phải trải qua những cú sốc về cái chết của người thân của mình, nhất là Ba Mẹ. Nói như vậy để chúng ta có thể sống và hành hoạt để chuẩn bị cho một hành trình ra đi vĩnh cữu của chính mình.

            Những câu hỏi như con người từ đâu đến và chết sẽ đi về đâu? Khi chết chúng ta để lại những gì? Thực ra trong quá trình tìm kiếm những giải đáp cho những câu hỏi này, Phật giáo ra đời. Đạo Phật dạy chúng ta không nên thờ ơ với cái chết, chúng ta nên đối diện với chính nó khi những cánh cửa sanh lão bệnh tử từ từ mở ra. Phải chăng văn hóa đương đại là cố gắng tránh né hoặc từ chối nhìn thẳng vào cái chết của con người. Tuy nhiên, khi chúng ta có được nhận thức đúng đắn về sự ra đi vĩnh cữu, chúng ta buộc phải xem xét cuộc sống của chúng ta và tìm cách sống cho nó có ý nghĩa và lợi lạc hơn.  Sự trở về với cát bụi làm cho chúng ta trân quý cuộc sống này; nó có thể đánh thức chúng ta sống tử tế hơn trong từng giây từng phút. 

            Theo quan điểm Phật giáo, sự sống và cái chết là hai giai đoạn của một sự liên tục. Cuộc sống không phải bắt đầu từ lúc chúng ta sinh ra hoặc kết thúc vào khi nhắm mắt. Tất cả mọi thứ trong hoàn vũ - từ sinh vật nhỏ bé vô hình trong không khí (vô sắc giới) mà chúng ta đang hít thở cho đến vòng xoáy của những dải ngân hà - đều đi qua các giai đoạn thành trụ hoại không. Cuộc sống cá nhân của chúng ta có chăng là một phần tử của nhịp điệu hoà hợp trong vũ trụ bao la này. Cuộc sống và mọi thứ trong vũ trụ lệ thuộc nhau, tương quan tương ái. Tất cả như một dòng chảy nó không có khởi đầu và không có kết thúc.

            Thuở ban đầu, giáo lý Phật giáo cho rằng quá trình sinh-tử là một thực trạng không thể tránh khỏi và chúng ta có thể thoát khỏi thực trạng khổ đau này.  Đấng Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni nhận thức rằng sự ham muốn cho cuộc sống này được tái diễn đã buộc chúng ta luôn ở trong vòng sanh tử luân hồi. Nhưng nếu chúng ta loại bỏ được sự ham muốn (ly ái – diệt tham luyến ái), chúng ta có thể cắt đứt các nguồn năng lượng của nghiệp lực đã đưa ta vào vòng xoáy của sinh-tử. Hay nói một cách khác, chúng ta thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi, đạt đến cảnh giới Niết bàn là mục đích tối hậu của giáo lý Phật Đà. Ngày nay, có những truyền thống Phật giáo cũng cho rằng cuộc sống là một chu kỳ của khổ đau và từ đó chúng ta có thể giải thoát.

            Tuy nhiên, trong kinh Pháp Hoa (Lotus Sutra) đã chiếu sáng một tư duy hoàn toàn mới mẻ mang tính cách mạng cho con người, đó là khẳng định mục đích sâu sắc trong cuộc sống của chúng ta trên thế giới này. Đức Phật Thích Ca nhấn mạnh rằng "tất cả chúng sanh đều có Phật tánh", và bản chất thiết yếu trong cuộc đời này, chúng ta có thể sống và trang trải tất cả những phẩm chất và hạnh nguyện của một vị Phật đang hiện hữu. Khi chúng ta tỉnh ngộ với sự thật là Phật tánh vốn sẵn có trong mỗi chúng ta, con người sẽ khám phá ý nghĩa cơ bản quan trong về mục đích, và cuộc sống mang một chất lượng hoàn toàn khác nhau, lạc quan, an vui và vô giá.

            Vậy, Phật tánh là gì và làm thế nào chúng ta làm sống lại? Về bản chất, Phật tánh là khả năng trở thành Phật, là sự thúc đẩy vốn có trong cuộc sống để giảm bớt đau khổ và mang lại hạnh phúc cho người khác. Nó được cô đọng trong kinh Pháp Hoa bằng tuyên bố: "Một là tất cả, tất cả là một”.

            Từ quan điểm giác ngộ của Đức từ Phụ Thích Ca Mâu Ni, chúng ta có đầy đủ nhân duyên, sinh vào thế giới này. Chúng ta phải quyết tâm đánh thức Phật tính của mình và của người khác (Tự độ, độ tha). Chúng ta hãy tự giác, giác tha, rồi mới đến giác hạnh viên mãn. Khi chúng ta tỉnh táo với mục đích này, các nguyên nhân và tác động trong cuộc sống của mình trở thành những đức tính của Phật.  Tất cả những hoàn cảnh, kinh nghiệm trong cuộc sống, từ những khổ đau tột cùng đến hạnh phúc viên dung đều là phương tiện để chúng ta chứng minh sức mạnh của Phật tánh và tìm về với bến giác. Vì tánh bình đẳng của Phật tánh, nên chúng ta sẽ sống tử tế hơn, tôn trọng nhau hơn và tìm cách làm dịu những cơn đau và làm tăng thêm hạnh phúc cho mình, cho người và cho mọi loài.

            Nói tóm lại, việc sanh tử là trọng đại, chúng ta sống để chuẩn bị cho cái chết. Ai có sự chứng nghiệm thì mới hiểu. Tháng trước Mẹ của mình vẫn còn tỉnh táo và minh mẫn. Thế rồi bị bệnh cảm, chuyển sang viêm phổi, tuổi già sức yếu, Mẹ đã thanh thản ra đi chỉ vỏn vẹn trong một tuần. Chiều nay, nghe tin Thầy Hạnh Tuấn thâu thần thị tịch, lòng băn khoăn, day dứt. Nỗi buồn này chồng chất nỗi buồn khác. Qua những chứng kiến hoặc trải nghiệm về sinh lão bệnh tử, chúng ta trở nên ý thức hơn về phẩm chất và giá trị của cuộc sống, chúng ta có lẽ sẽ dễ dàng thông cảm với những đau khổ của kẻ khác và làm cuộc sống này ngày càng có ý nghĩa.

            Sống và chết. Đến và đi. Có chăng chỉ là lý thuyết và niềm tin. Điều quan trọng là chúng ta có lối sống, nhận thức và biết trân quý giá trị của cuộc đời này. Xin hãy nhớ và quán chiếu, Ta đang làm gì trong khoảng thời gian chúng ta hiện hữu trong cõi đời này. Xin hãy làm lợi mình, lợi người, trong hiện tại và luôn cả tương lai. Xin hãy bắt đầu bạn nhé.

        Cuối cùng xin chia sẻ hai bài thơ mới viết, một để tưởng niệm Mẹ, bài kia để tưởng niệm Giác linh Thầy Hạnh Tuấn để kết thúc bài viết Bài Học về Sự Sống và Cái Chết

MẸ - TÌNH THƯƠNG BAN ĐẦU
Ngày Mẹ mất, tiếng Nam mô vang vọng
Mẹ đến đi tự tại thong dong.
Mẹ hiện thân của cõi vô song.
Con nối tiếp, nguyện sống đời tao nhã.


THẦY - CÂY TRÚC VÀNG
Tưởng niệm Thầy Hạnh Tuấn

Ngày Thầy mất, vía Quán Âm Bồ Tát
Hiện thân Thầy cũng Bồ Tát Quán Âm
Thầy lắng nghe đời vô thường đau khổ
Đem Từ bi, Trí tuệ gieo bốn phương
Thầy - sống vị tha hoá độ khôn lường
Nay xả bỏ báo thân về Cõi Tịnh
Thầy - Hoàng trúc nhẹ lay
in hình mặt đất
vô sanh.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Tâm Thường Định
Sacramento, tuần thứ 5 cúng Mẹ.

Monday, November 2, 2015

Bán Tranh Đấu Giá gây Quỹ cho Học Bổng Quê Hương Nhơn Lý - Art Auction for Nhon Ly Scholarship Fund. By Nhon Ly Artist Hien Huynh


Bán Tranh Đấu Giá gây Quỹ cho Học Bổng Quê Hương Nhơn Lý 

Nhằm giới thiệu tài năng hoạ sỹ nghiệp dư, Huỳnh Lệ Hiền của Xã Nhơn Lý đến với mọi người và gây quỹ cho Học Bổng Quê Hương Nhơn Lý, đây là một trong những hoạt động hằng năm của Quỹ 
Khuyến Học Nhơn Lý. 

Huỳnh Lệ Hiền sinh ra và lớn lên ở Xã Nhơn Lý, tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật trường Đại Học Nghệ Thuật, Huế. Hiền đang dạy bộ môn Hội hoạ tại TPHCM. Chúng tôi xin được mạn phép kêu gọi quý vị Đồng hương Nhơn Lý và toàn thể quý vị trong và ngoài nước, mua tranh ủng hộ cho Học Bổng Quê Hương Nhơn Lý. Mỗi bức tranh trị giá bắt ở phần chú thích,  mỗi lần lên giá xin được ủng hộ $10. 

Quý vị có thể liên lạc trực tiếp với chúng tôi, Bạch X. Phẻ qua email kxbach@yahoo.com, với hoạ sỹ Hiền (Hiền Huỳnh's fb) hoặc trong phần comment phía dưới của bài này. Thời hạn đấu giá là bây giờ cho đến ngày 23 tháng Chạp năm 2015 or Jan. 30th, 2015. Xin kính mời quý vị. Xin thành thật ủng hộ việc làm tình nghĩa này.

Bạch X. Phẻ
   
Tranh #1 - 60x80 giá là 2,5 triệu VNĐ; $150

Tranh #2 - 50x 70 giá là 2,0 triệu VNĐ; $125
Tranh #3 - 45x65 giá là 2,0 triệu VNĐ - $125


Vũng Bấc KT 80x 150
Trinh #4 - Giá là 4,0 triệu VNĐ; beginning bit at $200

50x70 -
Tranh #5 - 50x 70 giá là 2,0 triệu VNĐ; $150


60x80
Trinh # 6 - Giá là 4,0 triệu VNĐ; beginning bit at $200

Sunday, November 1, 2015

DANH TĂNG VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI: TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN

DANH TĂNG VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI: TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THẮNG HOAN
Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, thế danh là Nguyễn văn Đồng, sanh năm 1928 tại thành phố Cần Thơ, miền Nam Việt Nam.
Thân phụ là ông Nguyễn văn Ngô, một nhà nho và cũng là một nhạc sĩ cổ nhạc. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn thị Hương, Tỳ kheo ni Như Quả, thọ giới Cụ Túc năm 1968 tại đại giới đàn chùa Từ Nghiêm..
Gia đình có hai anh em, người em trai thế danh là Nguyễn Thanh Vân hiện cư ngụ tại thành phố Sài Gòn.
THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC
Khi Ngài vừa lên tám tuổi được cha mẹ gởi vào chùa Hội Thắng, làng Châu Điền, quận Cầu Kè, tỉnh Vĩnh Bình cho Hòa thượng Đắc Ngộ, huý là Tường Ninh, thế danh là Hồ Trinh Tường được thế phát và thọ Tam Quy. Ngài được đặt pháp danh là Thắng Hoan.
Cuộc đời chú tiểu ở một ngôi chùa quê hẻo lánh êm đềm lặng lẽ trôi qua từ năm Ngài tám tuổi đến năm mười tám tuổi. Ngài sống trong bầu không khí an lạc, được bao bọc bởi tình thương ấm áp của tăng chúng trong chùa. Thú vui duy nhứt của Ngài khi nhàn rỗi là ra đồng rộng thả diều theo gió, một thú vui vừa không tốn kém vừa sống động của trẻ thơ ở nhà quê, dù Ngài không hề biết mơ ước là cuộc đời học Phật của mình trong tương lai cũng sẽ may mắn như diều gặp gió.
Tại chùa Hội Thắng, Ngài vừa học nội điển do Sư Cụ hết lòng truyền dạy, vừa học ngoại điển tại trường Phong Phú ở địa phương, nếp sống rau dưa đạm bạc đã nuôi chí lớn xuất trần. Năm 18 tuổi (1946) , Ngài thọ Sa Di phương trượng với Hoà thượng Thích Hoàn Thông tại chùa Hội Thắng và được Hòa Thượng cho pháp hiệu là Long hoan, đời thứ 24 thuộc dòng Lâm Tế chánh tông của hệ phái Tổ Sư Bích Phong. Ngài tiếp tục cuộc đời tu học tại chùa Hội thắng cho đến năm 1950.
Cũng trong năm ấy, nhân chuyến đi thăm Sư Bác là Hòa Thượng Thích Thiện Hoa tại chùa Phước Hậu Trà Ôn và trong chuyến đi nầy, Ngài được Hòa Thượng Thích Hoàn Thông giới thiệu đến y chỉ với Hòa Thượng Thích Thiện Hoa hiện là Đốc Giáo Phật Học Đường Nam Việt Ấn Quang tại Chợ Lớn. Nhờ hội đủ duyên lành, Ngài được chấp nhận và sau đó được nhập chúng tu học tại Phật Học Đường nầy. Có ai biết được đây là chuyến đi của định mệnh, đã làm thay đổi cuộc sống của một sa di tuổi đời còn non nớt đang dấn thân vào nghiệp đạo để tìm cho mình một bước tiến trong tương lai.
Để thành tựu tâm đàn giới pháp, chánh thức vào ngôi Tam Bảo làm Trưởng Tử của Như Lai, năm 1953, Ngài được Hòa Thượng Y Chỉ Sư cho đăng đàn thọ đại giới tại Phật Học Đường Nam Việt Ấn Quang. Đến năm 1957, Ngài tốt nghiệp chương trình Trung Đẳng tại Phật Học Đường nầy. Cuối năm 1957, Ngài được Ban Giám Đốc Phật Học Đường Nam Việt Ấn Quang gởi ra Phật Học Viện Trung Phần Nha Trang tham học chương trình Cao Trung. Đến năm 1960, để hoàn tất chương trình Cao Đẳng Phật Học, Ngài trở về Phật Học Đường Nam Việt Ấn Quang. Đến năm 1962, Ngài tốt nghiệp Cao Đẳng Phật Học tại đây. Song song với Phật Học, Ngài chú tâm đến thế học và đã tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa năm 1970 tại Đại Học Vạn Hạnh
THỜI KỲ HÀNH ĐẠO
Đầu năm 1963: Đốc Học tại Phật Học Viện Biên Hòa kiêm Giảng Huấn trường Trí Đức Biên hòa.
Đầu năm 1964 đến 1975:
- Giảng Sư Viện Hóa Đạo , Saigon.
- Chánh Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) tại Quận 5 và Quận 10.
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tài Chánh GHPGVNTN.
- Giảng Sư các trường Trung Học Bồ Đề: Nguyễn Văn Khuê, Giác Ngộ và các trường Trung Đẳng Chuyên Khoa Phật Học tại các chùa như: Dược Sư, Từ Nghiêm, Hoa Quang, Huê Lâm, Từ Thiền, Giác Sanh (Sài Gòn), Phổ Đức, Phật Ân (Mỹ Tho).
Năm 1980 : Để phục vụ và yểm trợ GHPGVNTN dưới sự chỉ đạo của các Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ, Ngài đã mở các lớp Trung Đẳng Phật Học tại các chùa Giác Sanh, chùa Giác Ngộ, chùa Bồ Đề Lan Nhã. Ngoài ra, Ngài còn mở các khóa đặc biệt huấn luyện về môn Duy Thức Học cho các sinh viên trường Bách Khoa Phú thọ và Sư Phạm Vạn Hạnh.
Năm 1982: Với ý chí tìm tự do để góp sức xây dựng phong trào Phật Giáo hải Ngoại, Ngài đã từ giả quê hương ra nước ngoài mong được cùng các pháp hữu cứu nguy pháp nạn tại quê nhà.
Năm 1983: Ngài đến Hoa Kỳ và trú ngụ tại chùa Việt Nam của Hoà Thượng Thích Mãn Giác ở Los Angeles, nhận lãnh chức vụ Phó Hội Chủ, kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.
Năm 1984: Lãnh đạo tinh thần Phật Giáo Việt Nam tại chùa Việt Nam Arizona.
Năm 1985: Tổ chức Đại Hội Hoằng Pháp tại Denver. Colorado.
Năm 1988: Nhận chức vụ Giáo thọ tại Tu Viện Kim Sơn và hành hoạt Phật sự
hoằng pháp tại nhiều tiểu bang ở Hoa kỳ chẳng hạn như xây dựng học phái Duy Thức tại các nơi như: Santa Ana, San Jose, San Diego và Tu Viện Kim Sơn v.v. .
Năm 1992: Đại Hội Thống Nhất đầu tiên của GHPGVNTN tại Hoa Kỳ được tổ chức tại San Jose và Ngài được đề cử chức vụ Phó Chủ Tịch Đặc Trách Liên Lạc Các Châu.
- Vận động thành lập GHPGVNTN tại Canada và được Đại Hội tấn phong lên ngôi vị Hoà Thượng tại đây, đồng thời Giáo Hội PGVNTN tại Hoa Kỳ cũng tấn phong Ngài lên ngôi vị Hoà Thượng tại Hoa Kỳ.
Năm 1993: Ngài về mai danh ẩn tích tại một tịnh thất nhỏ bên bờ biển Thái Bình Dương để viết sách và dịch kinh.
Năm 1996: Ngài nhận lãnh chức vụ Chủ Tịch GHPGVNTN tại Canada và giữ chức vụ này đến năm 2000. Sau khi từ nhiệm chức Chủ Tịch, Ngài giữ chức vụ Hội Đồng Chứng Minh GHPGVNTN Canada.
- Luôn trong những năm qua, Ngài thường xuyên đến giảng dạy về môn Duy Thức Học cho các tăng sinh tại Phật Học Viện Quốc Tế và những năm gần đây Ngài thường đến Âu Châu để giảng dạy về môn Duy Thức Học cho các lớp học hằng năm do GHPGVNTN Âu Châu tổ chức.
Năm 2004: Ngài nhận lãnh chức vụ Thành Viên Hội Đồng Trưởng Lão Viện Tăng Thống quốc nội và Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm
GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ (Văn Phòng II Viện Hóa Đạo).

Năm 2005: Ngài về ẩn dật nơi tịnh thất Viên Hạnh, toạ lạc tại thành phố Baker, thuộc thủ phủ Baton Rouge, Tiểu Bang Louisiana, trong một khuôn viên vắng vẻ thanh lịch có tên là Tiểu Hồ (Little lake) và mong sống một đời thanh đạm cho đến khi trở về với Phật.
Vào năm 2005 đến 2008: Giáo chỉ số 9 ra đời chia đôi GHPGVNTN tại Hoa Kỳ ra hai thành phần:
1. Một thành phần là GHPGVNTNHN tại Hoa kỳ , Văn Phòng II Viện Hóa Đạo.
2. Một thành phần là GHPGVNTN Hoa Kỳ.
Năm 2008:
- Ngày 12 tháng 1 năm 2008 GHPGVNTN Hoa Kỳ được thành lập, Ngài được Đại Hội tôn vinh là Chánh Văn Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm
- Ngày 28 tháng 12 năm 2008, Ngài được cung thỉnh vào Hội Đồng Chứng Minh của Văn Phòng Điều Hợp Liên Châu.
- Vào cuối năm 2008: Vì nhu cầu Phật Sự của Giáo Hội, Ngài di chuyển về tiểu bang California, trụ tại thủ phủ Sacramento trong một ngôi nhà bé nhỏ, sống đời an phận của một tu sĩ vào tuổi xế chiều.
Năm 2013: Nhân ngày Về Nguồn lần thứ 7 tại chùa Cổ Lâm (Seattle) Ngài được đề cử vào chức vụ Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Hải Ngoại
Từ năm 2008 đến năm 2013, Ngài đã hành sự tốt đẹp trong ba chức vụ được giao phó, mặc dù tuổi hạc đã cao, Ngài vẫn tỏ ra sáng suốt, minh mẫn trong mọi phật sự quan trọng mà Giáo Hội giao phó cho đến ngày nay.
NHỮNG TÁC PHẨM TRƯỚC TÁC VÀ DỊCH THUẬT:
A.- Tác Phẩm Trước Tác:
- Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức
- Thờ Cúng Và Lễ Bái
- Bát Thức Quy Củ Tụng
- Khảo Nghiệm Duy Thức Học
- Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa
- Yếu Điểm Duy Thức
- Những Đặc Điễm Của Văn Hoá Phật Giáo Trong Văn Hoá Việt Nam
- Tư Tưởng Phật Giáo Trong Thi Văn Khuông Việt, Pháp Thuận và Vạn
- Con Người Sanh Ra Từ Đâu
- Nghĩa Lý Tụng Niệm
- Những Điều Kiện Căn Bản Xây Dựng Hạnh Phúc Gia Đình Theo Tinh Thần Phật Giáo
- Bổn Phận Của Phật Tử Tại Gia
- Tiểu Sử Hoà Thượng Thích Thiện Hoa
- Sự hiểu lầm vô ngã của Phật giáo

B.- Tác Phẩm Dịch Thuật :
- Khái Luận Về Pháp Tướng Duy Thức Học
- Quan Niệm Sử Học Của Duy Thức
- Quan Niệm Triết Học Của Duy Thức
- Máy Điện Tử Và Duy Thức
- Nhân Duyên Không Tánh
- Quán Như Mộng
- Sắc Tức Là Không
- Quán Tương Đối Sắc Không
- Ý Nghĩa Phật Pháp Tăng Tam bảo
- Nghiên Cứu Thức Thứ Tám
- Duy Thức Đơn Giản
- Lược Thuật Không Sanh Không Diệt
- Không Thường Cũng Không Đọan
- Thế Gian Của Giả Tướng
- Bất Khả Thuyết Dùng Tâm Sai Lầm
- Biện Trung Biện Luận Tụng Thích
- Phật Pháp Và Tương Đối Luận
- Tân đích Duy Thức Luận

C.- Những áng thơ thiền
- Thắng Hoan Thi Tập
- Những Vần Thơ Đạo

Bao nhiêu năm hoạt động cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại quê nhà và trên ba mươi năm bôn ba nơi Hải Ngoại, Hòa Thượng luôn hướng dòng đời mình theo con đường duy nhất là hoằng pháp độ sanh, cố đem giáo lý Phật Đà chia xẻ với đồng bào Phật Tử cả đến những thành phố xa xôi của các tiểu bang bé nhỏ. Cả cuộc đời của Ngài hiến thân cho đạo pháp với hạnh Bồ Tát: “ Đạo cần ta đến chúng sanh cần ta đi không nệ gian lao không từ khó nhọc”. Một ngày nào đó, Ngài tuy không còn với chúng ta, nhưng những sự giáo huấn của Ngài thì luôn luôn bất diệt.
Ngày 1 tháng 11 năm 2015
Đệ Tử Thích Nữ Chủng Hạnh cẩn bút

*************************************
XEM THÊM: <https://is.gd/U06bQ6>