Saturday, May 13, 2017

LẠY MẸ ĐỘ SANH


LẠY MẸ ĐỘ SANH
       Thương Mẹ nhiều

Mẹ đi, cỡi hạc về Tây
Nam Mô Tiếp Dẫn Di Đà độ sinh
Nay con phát nguyện với mình
Tu thân thành ý chánh tâm giúp đời.

Mẹ đi tựa hạt sương rơi
Long lanh vạt nắng cõi đời hư vô.

Tuesday, May 9, 2017

NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG - VỀ THĂM LẠI QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM

Toàn cảnh Xã Nhơn Lý, Quy Nhơn, Bình Định - Photo: Internet


NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG - VỀ THĂM LẠI QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM
Viết cho các con, các cháu và cho những ai đã, đang, và sẽ về thăm lại Việt Nam


Vừa ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, tiếng ồn như ong vở tổ. Trời nóng và ai cũng mệt mỏi sau hơn 19 tiếng bay. Mới đó mà đã 12 năm kể từ khi đưa Nàng về Quê để giới thiệu Bà con họ hàng một năm sau ngày cưới. Lần đó, cũng như lần trước, thật nhiều tâm trạng. Đợt này cũng không kém. Lần này, mình hộ tống Ba và đưa gia đình về để cho các con biết về cội nguồn tổ tiên của mình.


Làm sao kể hết vì không có bút mực nào tả hết xã hội Việt Nam bây chừ. Ấn tượng đầu tiên lần này là sự đông đúc và ngột ngạt vì sự ô nhiễm môi trường và tiếng ồn ào quá tải.  Wikipedia cho biết là dân số Sàigòn là 8.426 triệu người vào năm 2016 sống trong diện tích 809 mi². Hỏi đứa cháu, cháu bảo chắc đã hơn 12 triệu người đang sinh sống. Ui cha, đông đúc, chập hẹp và ồn ào náo nhiệt. Nhìn dòng xe Honda chạy trên phố, ta có thể đón được nếp sống của xã hội Việt Nam - mạnh ai nấy sống, chen chúc, thiếu kỷ luật, và vội vã.


Ở lại Sài Gòn đêm đầu, giấc ngủ không yên vì cơ thể chưa hòa nhập được, ngày ngủ đêm thức. Mà ngủ làm sao được khi nửa đêm vẫn còn nghe những tiếng bán hàng rong quen thuộc. Có khác là nội dung của các tiếng bán hàng rong đó. Kỳ này, hàng rong là giọng Bắc, nghe dài quá và khó hiểu. Tôi đã tốn gần cả 2 tiếng đồng hồ mà vẫn không thể nào hiểu nổi. Cuối cùng, cũng hiểu được, thì ra là: "Hột Gà Nướng, Hột Vịt Lộn, Hột Vịt Giữa, Trứng Cút Lộn, Bắp Xào đây!" Đêm không ngủ, lang thang trên vỉa hè Sài Gòn đã quá 12 giờ khuya, mà bà con vẫn còn 'nhậu', mà kỳ thật trong chuyến này, đi đâu cũng thấy nhậu. Phải chăng chúng ta đã trở thành ‘Xã hội nhậu!” Chúng tôi thấy người Việt ở quốc nội đi đâu cũng 'nhậu', nhậu buổi sáng, nhậu ban trưa, nhậu đêm khuya. Nhậu ở nhà hàng, nhậu ở vỉa hè, nhậu trên đồng hoang, nhậu trong nghĩa địa, nhậu bên nấm mộ, nhậu càng tăng độ, nhậu nhẹt tơi bời, nhậu càng chơi vơi, khổ cho vận nước...


Về lại phòng, nằm xuống nghỉ lưng nhưng vẫn chưa ngủ được. Tất cả những âm thanh quen thuộc đó, tuy gần mà xa, tuy xa mà gần lại về trong tâm thức. Tôi viết vội vài dòng thơ để nhớ:


GẦN XA


Tiếng chuông nhà thờ ngân
Cùng tiếng xe hú còi
Tiếng gõ bán hàng rong
Tiếng quét đường buổi sáng


Ôi âm thanh quen thuộc
Mà lạ quá đi thôi
Gần xa bao nhiêu cõi
Sao tấc dạ bồi hồi


Bao nhiêu người an phận
Việc lớn có người lo
Việc nhỏ không để ý
Tổ quốc ơi xa vời!


Ôi kìa bao quán trọ
Đôi chân - tiếng chuông ngân!


Thôi, tất cả chỉ là quán trọ, ngay cả cuộc đời này. Cuộc sống của chúng ta cũng chỉ là quán trọ, thôi thì tôi chọn sự trung dung để đi trọn kiếp này. Rồi trên đường bay về sân bay Phù Cát từ Tân Sơn Nhất, tôi ngạc nhiên là máy bay thật tốt. Tốt và mới hơn cả những hãng Southwest, Delta, và United tôi thường đi ở Hoa Kỳ. Phục vụ rất tốt, những người tiếp tân cũng đàng hoàng tử tế, chỉ thiếu nụ cười. Khách hàng lại lịch sự và vui vẻ. Nhưng rồi trên đường quê, bài hát Quê Hương Tôi Nghèo Vẫn Còn Đó của người bạn Đoàn Tâm Thuận lại chạy qua trong đầu:


Quê hương tôi, bao năm còn đó
Những con đường đất đỏ lầy lội
Dắt nhau đi cuối hẻm đến trường
Mong một ngày xây dựng quê hương


Những chiếc Honda đua nhau nhả khói
Đốt cho mau kiếp sống đọa đày
Những chiếc xe đạp vẫn lăn bánh
Lăn chầm chậm để đợi thời gian...


Quê hương tôi yêu vẫn còn đó
Như thuở nào tôi phải ra đi
Thưa Mẹ con phải làm gì
Để thằng Tèo, con Tý có tương lai?
Để thằng Tèo, con Tý có ngày mai?


Bù cho nỗi buồn và trăn trở đó là tiếng cười và niềm vui của sự đoàn tụ trong gia đình.
Lăng Cô - Huế; Photo: BXK
Về đến Nhơn Lý, quê hương tôi. Một sự thay đổi lớn, có lẽ thiếu kế hoạch lâu dài. Ngày nay đã có những quán cafe, có nhà lầu, có nhà hàng, có cả khách sạn sang trọng và khu nghĩ dưỡng dành cho dân giàu.  Ở nơi vùng quê quen biển này mà có resort - nhà nghỉ dưỡng ‘5 sao', với giá cả khoảng $150 một đêm. Giá cả đó là lương của một người ngư dân/công dân trong vùng cho cả gần nữa năm trời lao động vất vả. Thêm vào đó, những khung trời kỷ niệm một thời của tuổi thơ tôi, nay cũng đã bắt đầu bán vé cho du khách. Eo Gió tốn 22,000 đồng; Kỳ Co tốn 50,000 đồng và vào uống Cafe ở FLC Quy Nhơn tốn 100,000 để vào thăm quan. (Eo Gió thì tôi không có trả tiền vé vì đi với người em làm ở Xã, Kỳ Co thì tôi cũng không vì đi trước bình minh--chưa có người gác cổng, và FLC Quy Nhơn thì làm khó dễ trước khi được vào như là người ‘khách' xem phòng để thuê và dĩ nhiên là tốn hơn nửa triệu để chỉ vào uống dăm ba ly càfe sữa đá). Tôi luôn khuyên các con và cháu là đừng bao giờ làm khách trên chính quê hương của mình; thì nay tôi lại phải ‘giả bộ khách’ mới vào thăm được lòng đất mà mình đã chôn nhau cắt rốn. Thật ngậm ngùi và đau xót.


Thăm quê, buồn vui lẫn lộn. Nhưng tuổi thơ của các con tôi thì rất hồn nhiên khi được đi tắm, trên bãi biển trong xanh của tuổi thơ Ba nó. Tắm biển bãi Bấc, gần bên ngoài của khách sạn sang trọng FLC Quy Nhơn, một ranh giới phân biệt giàu nghèo, có và không, cũ và mới. Rồi chúng tôi mướn ghe chạy ra Hòn Sẹo để tắm và xem cá. Trong lúc ra Sẹo, nhìn cảnh các nhà phục vụ du khách thiếu chuẩn bị cho khách hàng ngoại quốc, mình cũng hơi ‘nhiều chuyện’ tiếp tay để giúp đỡ người địa phương và tìm hiểu những người ngoại quốc từ Pháp đến thăm quê hương mình.


Trong cuộc thăm viếng quê Cha đất Tổ, nơi tôi đã sinh ra vào đúng ngày Vu Lan báo hiếu, những suy tư và kỷ niệm xưa lại về khi thăm Chùa xưa tích cũ, tôi lại viết thành thơ:


VỀ THĂM LẠI QUÊ HƯƠNG NHƠN LÝ


Nhơn Lý ngày nay sao lạ quá
Đâu rừng thông hộ biển bao đời
Đâu cái 'Lầu' từ thuở pha phôi
Đâu Dốc Cá một thời lãng mạn


Bãi biển trắng nay không còn nữa
Chỉ bờ kè cốt sắt xi-măng
Đầu Xóm Mới nay không đến được
Giữa nghèo giàu rỏ nét phân đôi


Nhơn Lý ngày nay sao lạ quá
Có quán càfe, bia rượu đêm ngày
Có thanh niên nhậu nhẹt xỉn say
Và có ít người dân đi bộ


Bao nỗi niềm làm sao thố lộ
Xin khắc ghi một chút tâm tình
Quê hương ta vẫn đẹp buổi bình minh
Có tình nghĩa xóm làng yêu thương nâng đỡ


Có những nấm mộ Cha Ông nằm đó
Tự bao đời xin gìn giữ cho nhau
Vẫn biết có những niềm đau
Nhưng xin hãy nhìn xa để vươn lên mà sống


Con cháu ta cũng cần đất đai để sống
Cần biển thanh không khí trong lành
Cần thuyền ghe che chở cuộc đời xanh
Cần tôm cá lo cho con ăn học


Con cháu ta cần tình thương để sống
Cần từ bi, bác ái, hy sinh
Cần cuộc sống tâm linh
Cần môi trường xanh trong sạch đẹp


Nên chúng ta phải luôn ý thức
Nhơn Lý này là nhịp sống chung
Quê hương ta thì phải chung cùng
Xây dựng, yêu thương cho đến khi nhắm mắt.


Rời quê Nội để về quê Ngoại, ngày nay không còn đi bộ như xưa nữa; thay vào đó là đi bằng Taxi. Con đường đẹp đẽ năm xưa, nay đã có những đoạn đầy rác đổ hai bên đường. Tôi tự nhủ với lòng là đừng có vướng mắc vì việc chính cho chuyến về quê Ngoại kỳ này là về để làm Lễ tưởng niệm cho Mẹ và anh, Lễ Cầu Siêu cho Cửu Huyền Thất Tổ và Cầu an cho gia đạo. Nhìn gia đình đoàn tụ xum vầy, vui vẻ, luôn đùm bọc và giúp đỡ cho nhau như thuở cơ hàn làm lòng vui khôn xiết. Nhưng tôi cũng ngậm ngùi và buồn tẻ vì hình bóng của Mẹ và Anh không còn nữa. Buồn thương và quyến luyến, mình lại trải lòng qua bài thơ.


VỀ THĂM QUÊ NGOẠI


Quê Ngoại tôi thơm hoa đồng cỏ nội,
Biển và trăng lấp lánh ngàn sao
Ruộng vườn xưa nay vắng bóng người
Ai bỏ xứ ra đi tìm lẽ sống


Khi tôi về ngỡ em còn trong mộng
Êm ả, lung linh ánh mắt đợi chờ
Em đã đến đã đi như cơn mộng
Thì tiếc gì lận đận một vần thơ.


Núi Bà đó vẫn ngàn đời kiên nhẫn
Tiếng chim chào gió lộng mây bay
Căn nhà cũ, bếp xưa không còn nữa
Người ra đi biền biệt phương trời


Dấu tích đó rêu phong ân nghĩa lớn
Người thương ơi! sao nhớ quá đi thôi.
Trong vạt nắng ta thấy mình giọt nước
Đổ về nguồn thân phận kẻ mồ côi!


Thân phận tôi đó, bây chừ là mồ côi. Thân phận đất nước tôi, có phải chăng cũng là mồ côi khi chính tôi lại thấy bàn tay một người Mẹ Huế rung rung, xin vài đồng tiền lẻ trên dòng Sông Hương giữa những điệu hò Cung đình, rất Huế. Nhìn bà Mẹ Huế, lòng con bùi ngùi và xót xa cho thân phận người con Việt, cho bà Mẹ Việt Nam. Bàn tay Mẹ đã làm con bậc khóc! Ôi, có những mãnh đời như thế, thì làm sao ta ngoảnh mặt, quay lưng.

Bàn tay Mẹ đã làm con bậc khóc - Photo: BXK
Rồi về thăm lại quê hương có bạn hỏi, 'Đất nước mình bây giờ ra sao?' Thì làm sao tôi nói được. Xin ngắn gọn,
Một đất nước mà ai cũng muốn rời bỏ ra đi thì không tài nào phát triển nhanh nổi, trong đó có:
1. Người có tài
2. Người có tiền
3. Người có quyền (thế/lực)!
Một xã hội, mạnh ai nấy sống và luôn ở trạng thái Sống còn (Survival mode) thì khó mà đuổi kịp với các nước bạn.


Tuy nhiên, tôi vẫn vui vẻ và hoan hỷ vì được chứng kiến các con / các cháu mình càng ngày trưởng thành, từ thể chất đến tinh thần, khôn ngoan, biết điều hay lẽ phải. Chúng tôi mừng vì chúng tôi là những người nối tiếp xứng đáng của Mẹ, của Anh, của Ông Bà Tổ Tiên.


Mọi khắc khỏi và ưu tư. Tâm trạng hay ấn tượng. Có chăng chỉ là dòng nước chảy qua cầu!


Cuộc sống của chúng ta đó; có đủ cả những nhọc nhằng, buồn vui, sướng khổ. Có bao nhiều gian truân, thăng trầm, gấm hoa hay rác rưởi. Tất cả mọi sự trên đời đều chuyển biến theo không gian và thời gian; có sinh có diệt, còn chăng là sống sao không phiền não và khổ đau, có an lành và hạnh phúc.  Chúng tôi sẽ học theo Mẹ mình, học theo đấng Từ phụ cho lòng nhẹ nhỏm, cho tâm không vướng mắc, không lăng xăng để sống cuộc đời tỉnh thức.
Bãi Bấc Nhơn Lý - làng Tôi - Photo: NhonLy's friend.
Sacramento, May 1st, 2017.
Bạch X. Phẻ


Thursday, May 4, 2017

Thăm Động Postojna, Slovenia và Học bài Quản lý Du lịch

Thăm Động Postojna, Slovenia và Học bài Quản lý Du lịch Hang Động ở Nước Ta
IMG_0508.JPG
Cách đây không lâu, tôi được dịp tham quan hang động Postojna cùng với hai người bạn đến từ Macedonia và Jordan. Thời tiết trong tuần không được thuận lợi, và ngày chúng tôi đi rơi vào ngày mưa, nhưng chẳng sao, trong lòng vẫn hừng hực đến chiêm ngưỡng hang động nổi tiếng bậc nhất này của châu Âu. Từ thủ đô Ljubljana đi tàu chừng một giờ là đến thị trấn Postojna, tiếp đó đi bộ 2 km tới điểm tham quan, lúc đến nơi trời đổ mưa tầm tã, chúng tôi loay hoay để gọi taxi thì được một người địa phương nhiệt tình chỉ thông tin, nhưng rồi ông ta đề nghị chở đến nơi và lấy 5 euro, nghĩ đó cũng là một cái giá hợp lý, chúng tôi gật đầu đồng ý, ông lái vòng vèo chừng vài phút là đến nơi, cũng may đường ngắn, không thì cái mùi trên xe có thể làm cả đám nôn ra. Dù sao cũng cảm ơn ông ấy đỡ mất thời gian chờ đợi.
Cả ba đi bộ chừng vài chục mét thì đến quầy bán vé, thật ra là một văn phòng được xây dựng khang trang và sạch sẽ. Trước khi mua vé có cô nhân viên mặc áo gió đồng phục màu cam chờ sẵn, cung cấp cho chúng tôi thông tin cụ thẻ từng điểm và giá cả. Khu vực tham quan gồm 4 nơi, mỗi nơi một giá khác nhau và có giá combo (giá kết hợp nhiều điểm với nhau). Chúng tôi chọn 3 điểm gồm hang động, bảo tàng và triển lãm Expo, điểm thứ 4 là tòa lâu đài trong vách núi nhưng cách xa địa điểm đến 9 km nên khá bất tiện, và cũng vì họ không có phương tiện vận chuyển khách đến nơi mà phải tự thuê taxi. Giá vé combo cho sinh viên là 26 Eur, còn khách thường là 32 Eur. Tuy là ngày mưa, nhưng vì rơi vào thời điểm du lịch nên rất đông khách và chủ yếu là khách đoàn đến từ nhiều nơi, bao gồm nhóm học sinh, và tất nhiên không thiếu nhóm khách Trung Quốc. Khách được chia ra làm hai nhóm, nhóm nói tiếng Slovenia và nhóm nói Tiếng Anh, hình như có thêm nhóm tiếng Tây Ban Nha. Khách tham quan bằng tàu điện, chừng 2 km đường tàu và đi bộ 1 km. Trong khi chờ đợi tàu đến, hệ thống Tivi chiếu hình ảnh bên trong động và những điều khách không nên làm khi vào bên trong, qua một clip hài hước và rất thông minh do ”người tiền sử” dẫn dắt ( xem clip đính kèm).
Chừng 10 phút chờ đợi thì tàu lửa đến, đầu tàu nhỏ nhắn đủ 1 người lái ngồi, kéo theo sau là một dãy ghế dài thường thược, cho chừng 200 người, mỗi 2 người một ghế, do kết cấu này đường ray cũng khá nhỏ, và có 2 đường ray, một lần có thể vận chuyển chừng 400 khách cùng một lúc. Sau khi khách ổn định chổ ngồi, tàu lăn bánh, không hề nghe tiếng động cơ, và âm thanh đường ray vừa đủ, tàu chạy chầm chậm qua từng không gian của hang động, chỉ có thể nói đẹp và kỳ vỹ. Hang động được hình thành chừng 4 triệu năm về trước, dài 20km, hơn 80 loài sinh sống, mà nổi tiếng là cá hình người (human fish). Hang có 2 tầng, khách đang tham quan ở tầng thứ 2, tầng đáy là một con sông ngầm, trên cùng là mặt đất cách 70m. Tàu chạy qua nhiều không gian khác nhau, có chỗ hẹp và thấp, có “phòng” cao và rộng với nhiều thạch nhũ đa màu sắc mà chủ yếu và trắng, đen và nâu, hệ thống đèn chiếu màu vàng làm các cột thạch nhũ đẹp lung linh hơn. Chừng 15 phút tàu dừng lại, và khách rời tàu đi bộ, lối đi được tráng si măng để chống trơn trượt, bên trong hang động luôn ẩm ướt và nhiệt độ giao động trong 10oC. Hệ thống đèn đủ sáng cho khách thấy lối đi, và cả hệ thống âm thanh đủ lớn để HDV (Hướng dẫn viên) viên thuyết minh. Nhóm khách nói Tiếng Anh mà chúng tôi đi cùng gần cả trăm người, thỉnh thoảng đi mà không thấy HDV đâu, nhưng theo cách họ tổ chức để cung cấp thông tin cho khách rất thông minh, và tạo sự chủ động cho khách tham quan, ví dụ ở mỗi điểm dừng đều có bản màu cam, có ký hiệu headphone trên đó và có gắn loa, khách thấy cái bản là tự động dừng lại chờ HDV thuyến minh. Có những nơi họ phải xây một chiếc cầu nhỏ, hay đào hầm để tàu hay khách đi qua, đường đi lót xi măng chống trượt (do ẩm ướt), rất dễ dàng và an toàn cho mọi đối tượng, gồm người già và trẻ em. Khi chúng tôi đi bộ qua gian phòng nọ, đèn bỗng tắt mấy giây, cả không gian tối đen như mực, chúng tôi đều nghĩ chắc là hệ thống đèn có lỗi, nhưng đến trạm dừng chân, cô HDV cười tươi nói “đó nhà một điều ngạc nhiên nhỏ mà chúng tôi giành cho các bạn, đèn khu vực đó sẽ tự tắt mỗi 30 phút để bạn cảm nhận môi trường thực sự của hang động khi không có đèn.” Lúc đó cả nhóm khách mới ồ lên thích thú. Chúng tôi tiếp tục đi thì đến một không gian rộng khác, rộng đến mức 2000 người có thể ngồi vừa, trần động cao hơn 30m, âm thanh vang to và rõ, chính vì vậy ở nơi đây một năm họ tổ chức đêm nhạc thính phòng vài lần, nhưng vì “hội trường tự nhiên” này quá  gần mặt đất (chừng 60 m), khi mưa đến nước thấm và nhiễu xuống, là điều bất tiện duy nhất khiến họ không thể tổ chức thường xuyên. Ngạc nhiên là bên cạnh hội trường có một quầy bán đồ lưu đồ niệm bằng kính khá xinh xắn. Đi xuyên qua hội trường là kết thúc tham quan trong động, chúng tôi ngồi lại tàu điện và trở về cổng vào, tàu đi chừng 10 phút thì dừng lại tại con sông, cũng là điểm kết thúc chương trình. Khách có dịp nhìn con sông chảy qua trước khi tạm biệt hang động.
Phát triển xung quanh hang động còn có bảo tàng trưng bày các loại sinh vật sống trong hang, và cơ cấu hình thành hệ thống hang động ở Slovenia. Phương pháp trình bày sinh động, không chỉ cho thông tin rõ ràng, và các màng hình chiếu được tạo để khách tương tác. Không gian trong bảo tàng sống động bởi âm thanh nước chảy, chim hót, hay chuyển động của con sông dưới nền. Cách trình bày không hề nhàm chán mà thực sự gợi trí tò mò của du khách. Bên cạnh bảo tàng thì các khu lưu niệm bán các loại đá nhiều mầu sắc, trang sức, postcard, margnet, v.v được trang trí đẹp mắt, mời gọi khách.
Qua chuyến tham quan Postojna - một trong những hang động nổi tiếng nhất của Châu Âu, khiến tôi liên tưởng đến động Sơn Đoong, và tự hỏi về việc quản lý hang Động ở nước ta như thế nào. Năm 2015 tôi có dịp đi tuyến động Tú Làn do Oxalis tổ chức tại VQG Phong Nha Kẽ Bàng, tuyến bao gồm đi bộ và bơi trong và ngoài động chừng gần 30km, thông qua con 3 động khác nhau, điểm cắm trại tại gần miệng động, nơi con suối chảy qua, thiên nhiên đẹp hoang sơ, và hệ thống động bên trong thật tuyệt vời với thạch nhũ, sông chảy, bờ cát đặc trưng không thua kém gì Postojna. Ngoài Tú Làn, VQG Phong Nha Kẽ Bàng có hơn 300 hang động khác để phát triển du lịch. Hiện tại, dưới sự quản lý của VQG, công ty Oxalis đang khai thác khá bền vững loại hình Cave (tham quan động) này.  Điều tôi cảm kích ở công ty là tinh thần du lịch trách nhiệm cao. Trước khi khách phải ký vào bản cam kết, trong đó yêu cầu không tổn hại đến tài nguyên trong động như bẻ thạch nhủ, lấy đá vv… HDV thu nhặt rác trong lúc đi, và không để lại dấu vết gì (ngoài dấu chân) trên tuyến đi, đấy là điểm mà bất kỳ điểm tham quan thiên nhiên nào cũng nên thực hiện.
Có thể nói nước ta rất may mắn được trời phú cho nguồn tài nguyên vô giá và rất độc đáo này, không phải nước nào trên thế giới cũng có kỳ quan hình thành bởi hàng triệu năm về trước. Chưa có thống kê rõ là nước ta có bao nhiêu hang động tất thảy, nhưng theo thống kê từng vùng, riêng Vinh Hạ Long có hơn 60 hang, VQG Phong Nha Kẽ Bàng  hơn 300 hang, và còn những khu vực khác chưa nằm trong danh sách.  Trong khi, mỗi quốc gia đang cố gắng tìm kiếm cho mình sản phẩm du lịch độc nhất để cạnh tranh trên thương trường quốc tế, thì hệ thống hang động của nước ta chính là điểm mạnh, nhưng lại là “hòn ngọc bị bỏ quên” trong sách lược quản bá du lịch của nước ta. Hiện tại, thế giới đang dần biết Việt Nam thông qua động Sơn Đoòng, được cho là Hang động lớn nhất Thế Giới nhờ vẻ đẹp kỳ vỹ và hệ thống khí hậu riêng bên trong động, điều này mang đến cho nước ta cả thách thức và cơ hội chuyển mình trong vị thế cạnh tranh với các nước lân cận. Tuy nhiên Sơn Đoòng vẫn đang là đề tài đang giằn co giữa các nhà môi trường và nhà kinh tế học, khai thác như thế nào để hiệu quả?  Thực tế đã có rất nhiều ví dụ trên thế giới về việc cân bằng hai yếu tố này, Nhà nước vẫn tạo nguồn lợi từ Sơn Đoòng và các hang động khác trong khi kiểm soát hiệu quả sự tác động đến môi trường, để làm được điều này, trước tiên Nhà nước phải xem hệ thống hang động là tài sản quý của quốc gia và ưu tiên bảo tồn tài nguyên này, trong khi đó ban hành chính sách liên quan để “lèo lái” song song con đường bảo tồn và phát triển sản phẩm độc đáo này.
Qua việc tìm hiểu thông tin trên mạng về tình hình phát triển du lịch hang động của nước ta, tôi nhận thấy rằng Nhà nước ta chưa quan tâm đúng mức đến loại hình này, một phần vì ngành du lịch nước ta còn non trẻ, mặt khác vì chúng ta chưa nhận ra lợi thế mình đang có. Do vậy, tôi xin đưa ra một số gợi ý bổ xung sau nhằm góp một phần nào đó vào sự phát triển chung của ngành du lịch nước nhà.
Điều tiên quyết, và hiển nhiên là Nhà nước phải có kế hoạch trong ngắn hạn và dài hạn, có chính sách phát triển và bảo tồn các hang động một cách chi tiết, và quan trọng nhất là phải có quy trình chọn đúng nhà đầu tư để giao quả trứng vàng này. Để đạt được mục tiêu, theo tôi, Nhà nước cần có những bước đi sau:
  1. Xác định mục đích đầu tiên là bảo tồn, mục tiêu thứ 2 là phát triển du lịch. Việc xác định này sẽ là kim chỉ nam cho các quyết định về sau. Biết cái nào là ưu tiên trong mọi tình huống khi cần phải ra quyết định.
  2. Với số lượng hang động phong phú ở nước ta, và tình hình tăng trưởng của ngành du lịch hiện nay, rất cần thiết để hình thành tổ chức hay hiệp hội quản lý-bảo vệ- phát triển hang động Việt Nam nhằm tập trung chuyên sâu vào lĩnh vực này. Hiệp hội nên được hình thành từ các nhóm chuyên gia có hiểu biết về thổ nhưỡng, kinh tế, quản lý, chiến lược, vv (tương tự như Hiệp hội Khách Sạn, Hiệp hội HDV, vv). Tất nhiên, so với quốc tế chúng ta còn thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, và kiến thức thể phát triển loại hình du lịch mới này, do đó, khi ( tạm gọi) Hiệp hội/ tổ chức được hình thành, điều phải làm đầu tiên là mời chuyên gia quốc tế tư vấn, và làm việc cùng trong vài năm đầu, nhờ vậy chúng ta sẽ học được phong cách làm việc, công nghệ, và kiến thức của họ, sau đó chúng ta có thể tự vận hành. Hiện nay, EU đang giúp VN thực hiện chiến lượt Du Lịch Trách nhiệm ở VN, tương tự chúng ta nên đề xuất thêm hạn mục này.


  1. Việc lên chính sách nên có sự tư vấn của các chuyên gia hàng đầu, nhờ đó chiến lược lập ra mang tính chính xác và thực tiễn cao, các chiến lược (strategy), phải đi kèm với hành động ( action plan), tiêu chí đánh giá và lựa chọn nhóm đầu tư ( evaluation system), v.v. Để làm được điều này, cần tìm kiếm các hình mẫu  (benchmark) đã thành công trên thế giới để học hỏi theo, Postojna cave là một ví dụ. Thông qua các hình mẫu, ta có thể đánh giá được vị thế hiện tại thông qua điểm mạnh, điểm yếu và lợi thế cạnh tranh của hang động nước ta so với các nước lân cận và trên thế giới. Từ đó xây dựng cho chúng ta một thương hiệu (Branding) riêng cho loại hình du lịch này, hài hòa với Brand chung của quốc gia.


  1. Khuyến khích các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước (thông qua giải thưởng) liên quan đến động thực vật trong các hang động để tạo nguồn tư liệu, và phát triển một bảo tàng của các loại hình hang động ở Việt Nam. Ý tưởng thế giới đã làm từ lâu, chỉ là nước ta vẫn còn chậm, thông quá đó, các nghiên cứu tự do sẽ giúp Nhà nước tiết kiệm chi phí nghiên cứu, mà còn khuyến khích các chuyên gia, sinh viên nghiên tự cứu khoa học, và bắt đầu kiến tạo nên tảng kiến thức về thiên nhiên cho cộng đồng nói chung cho các thế hệ sau. Nói cách khác, hang động nên mở cửa, tạo thuận lợi cho các nhóm học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh được tiếp cận thực địa ( nên được đưa vào chương trình giáo dục). Mặc khác, khi chứng kiến vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên qua các chuyến thực địa sẽ gợi nguồn cảm hứng, nâng tầm hiểu biết về tự nhiên. Và rằng, ai đã từng đi nhiều nơi và thấy sự tươi đẹp của thiên nhiên thường có xu hướng trở nên yêu thiên nhiên hơn, từ đó hình thành một ý thức bảo vệ.


  1. Nhà nước không thể hoàn toàn quản lý mọi mặt kinh tế học vi mô, do vậy, việc lựa chọn các tập đoàn tư nhân khai thác là chuyện đáng và phải làm. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay, việc lựa chọn các tập đoàn thiếu tính minh mạch, người dân không được thông tin từ ban đầu, và tiêu chí cũng chưa rõ ràng, do vậy lòng tin vào quản lý nhà nước các tài nguyên này cũng sụt giảm, người dân thể hiện sự bất mãn, hay cảm thấy tài sản nghìn xưa của làng xã “tự nhiên bị chiếm” bới một kẻ lạ mặt nào đó. Để cải thiện, Nhà nước cần thiết nên thông tin về chính sách đến người dân trước khi thực hiện, thông báo rõ ràng mục đích và phương pháp như thế nào, đây chính là cách Nhà nước tôn trọng công dân của mình. Ngoài ra, Nhà nước cần thể hiện tính công bằng và minh mạch cho các nhà đầu tư, bằng việc mở đấu thầu các doanh nghiệp tự do cạnh tranh. Không chỉ đơn thuần một tập đoàn lớn, với vốn đầu tư khổng lồ, trình kế hoạch lên chính phủ là nhận cái gật đầu dễ dàng, mà Nhà nước phải ở trong thế chủ động, quy tắc và có tính chọn lọc hơn, đề ra tiêu chí tuyển chọn cụ thể. Lập chiến lược phát triển du lịch dài hạn, xác định Bản đồ quy hoạch du lịch, xác định khu vực bảo tồn và khu vực cho phép phát triển du lịch. Trong các khu vực phát triển du lịch đó, Nhà nước kêu gọi nhà đầu tư không chỉ thông qua nguồn vốn, mà còn đánh giá nhà đầu tư tìm năng qua bản kế hoạch chi tiết về quy trình quản lý, kế hoạch bảo vệ tài nguyên, quản lý rác thải như thế nào, đào tạo nguồn nhân lực, cam kết của doanh nghiệp mang đến cộng đồng địa phương? Thuê nhân công bản địa hay đưa nhân công từ nơi khác tới? Mua vật tư trong nước ngày ngoài nước? Và hàng tá vấn đề khác cần phải cân nhắc trước khi lựa chọn một doanh nghiệp đầu tư cho phát triển điểm đến.


  1. Mục đích cuối cùng của phát triển kinh tế là nâng cao chất lượng sống của người dân, do đó, trong mọi chiến lược phát triển, việc đánh giá sức ảnh hưởng tích cực và tiêu cực  đến người dân địa phương là hết sức cần thiết, như đánh giá mức độ thay đổi nguồn thu nhập, phát triển giáo dục đào tạo để đáp ứng nhu cầu du lịch, tăng trưởng cơ sở hạ tầng, sự quá tải của du khách trong các mùa du lịch, v.v và qua đó thiết lập phương án đối phó tương ứng.


Nhìn chung, có nhiều yếu tố và khía cạnh khác, phức tạp hơn trong việc phát triển loại hình du lịch độc đáo ở tầm quốc gia, đòi hỏi cách nhìn và nghiên cứu đa chiều từ các chuyên gia. Trong bài này chỉ đưa ra một vài ý kiến sơ bộ, dựa vào kinh nghiệm thực tế thông qua các chuyến đi, kinh nghiệm làm việc và kiến thức có được thông qua chương trình thạc sỹ quản trị du lịch. Mỗi đề xuất có thể tạo tiền đề và cần được phát triển hơn qua các thực nghiệm và nghiên cứu về sau.
Nguyễn Thị Hồng Hà
Tốt nghiệp ngành Quản Trị Du Lịch, Nhà hàng và Khách sạn trường ĐH Hoa Sen. Từng hoạt động trong lĩnh vực tổ chức đua thể thao mạo hiểm, quản lý dự án phát triển cộng đồng tại vườn quốc gia,  thiết kế và điều phối chương trình( từ dưới 500 khách), phát triển sản phẩm du lịch. Là người yêu thích du lịch, thể thao, thiên nhiên và hoạt động bảo vệ môi trường. Hiện nay đang học chương trình Thạc sỹ Quản trị du lịch Châu Âu (EMTM) ở Đan Mạch, Slovenia và Tây Ban Nha.
Link for Cave etiquette with the Caveman
https://www.youtube.com/watch?v=1bVPnUpHp_Q

IMG_0460.JPGIMG_0461.JPG
IMG_0507.JPGIMG_0536.JPG
IMG_0508.JPG
Photos - Hồng Hà

Monday, May 1, 2017

Phật Lịch và Phật Đản (Buddhist Era and Buddha's Birth Year)


Phật Lịch và Phật Đản
(Buddhist Era and Buddha's Birth Year)


Nhiều Phật tử hỏi người viết về sự khác biệt giữa hai con số 2561 và 2641 trên các thông báo trong Mùa Phật Đản năm 2017 nên người viết xin được trình bày vắn tắt vấn đề này để phân biệt hai con số đó.  Thật ra  không có gì mâu thuẫn giữa năm Đức Phật đản sinh 2641 BE và năm Đức Phật niết bàn 2561 BE cả, nhưng trước hết cần phân biệt vài chữ viết tắt về niên đại.
BE là Buddhist Era, niên đại Phật giáo, Phật lịch tính từ khi Đức Phật đản sinh.
CE là Common Era, niên đại công nguyên, Dương lịch, đồng nghĩa với CE là Christian Era, niên đại Thiên Chúa giáo tính từ khi Chúa Jesus giáng sinh.
BC là Before Christ, trước Chúa Jesus giáng sinh.
BCE là Before Christian Era, Before Common Era, trước công nguyên.

Phật Đản (Buddha's birthday) căn cứ vào năm Đức Phật đản sinh cộng với năm dương lịch, tức là Ngài đã đản sinh 2641 năm trước: 624 BCE + 2017 CE = 2641 BE.  Theo Sử học thì ngày sinh của một vĩ nhân đã mở ra một thời đại mang tên tuổi của vị vĩ nhân đó; do vậy Phật Lịch (BE / Buddhist Era) được tính từ ngày Đức Phật đản sinh.  Nhưng một số nước Đông phương, nhất là Trung Hoa và ba nước “đồng văn dị chủng” là Nhật Bản, Nam Bắc Hàn quốc, và Việt Nam lại có truyền thống văn hóa lấy ngày từ trần làm ngày kỷ niệm và tưởng nhớ người quá vãng.  Chính vì thế mà đôi khi người ta thấy một số tự viện dùng niên đại Đức Phật niết bàn để tính Phật Lịch, tức là lấy năm Đức Phật đản sinh trừ đi 80 năm trụ thế của Ngài: 624 BCE - 80 = 544 BCE.  Tính ra Dương lịch thì Đức Phật đã niết bàn 2561 năm trước: 544 BCE + 2017 CE = 2561 BE.  Cách tính Phật Lịch này lý luận rằng khi Đức Phật đã thành Phật rồi thì mới tính Phật Lịch chứ khi mới sinh thì Thái tử Siddartha Gautama vẫn là người bình thường.  Nếu nói như thế thì phải căn cứ vào ngày Đức Phật thành tựu giải thoát và giác ngộ mới đúng, tức là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo khi Ngài 35 tuổi.  Ngài xuất gia năm 29 tuổi để đi vào rừng tu tập trong 6 năm và giác ngộ qua con đường Trung Đạo sau 49 ngày thiền định.

“ Sáu năm khổ hạnh rừng già,
“ Bảy thất nghiêm tinh thiền tọa.

Tóm lại, có ba niên đại cần để ý và phân biệt là ngày Phật Đản, ngày Phật Thành Đạo, và ngày Phật Niết Bàn, trong đó Phật Lịch phải căn cứ vào ngày Đức Phật Đản Sinh mà thôi.
Phật Đản và Phật Lịch: 624 BCE + 2017 CE = 2641 BE.
Phật Thành Đạo: 624 BCE - 35 = 589 BCE và 2641 BE - 35 = 2606 BE.
Phật Niết Bàn: 624 BCE - 80 = 544 BCE và 2641 BE - 80 = 2561 BE.

Lại có Phật tử muốn biết tại sao có nơi, có sách viết  Đức Phật đản sinh năm 563 BCE và niết bàn năm 483 BCE?  Sự khác biệt 61 năm này là do hai nguyên nhân.

Một là, theo niên đại truyền thống của Phật giáo thì Đức Phật đản sinh năm 624 BCE và niết bàn năm 544 BCE.   Niên đại này căn cứ vào những chiếc lá bối ghi lại ngày và nơi sinh của Đức Phật còn được một số tu sĩ Phật giáo Tích Lan lưu giữ.

The birth date given here (26 April 624 BCE (-623)) is based on "palm leaves in possession of certain Ceylonese priests" [tu sĩ SriLankan, tu sĩ người Tích Lan] which allegedly state that "the Buddha was born in Kaliyuga 2478, on the Full Moon day of the lunar month of Vaisakha, Tuesday, at about midday" (B.V. Raman, "Notable Horoscopes", 1991(6), pp. 9ff., footnote).

Nhưng theo truyền thống Nam Truyền Theravada thì Đức Phật đản sinh năm 563 BCE và niết bàn năm 483 BCE (Theravada Buddhist Chronology).  Niên đại này, 563 BCE và 483 BCE, được căn cứ vào cột đá do Vua A-Dục thiết lập tại nơi Đức Phật đản sinh Lâm Tỳ Ni trong giữa thế kỷ thứ 3, và vào Kinh Đại Bát Niết Bàn (Mahāparinibbāṇa Sutta), kinh thứ 16 trong Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya / Collection of Long Discourses), nói về những lời dạy cuối cùng của Đức Phật trước khi Ngài niết bàn, và sự cung nghinh xá lợi Đức Phật của các vương quốc trong nước Ấn Độ vào thời đó.

Hai là, trong khi hầu hết các nước thì năm Đức Phật đản sinh đều được ghi  là năm thứ nhất (1) trong khi đó Lịch Sri Lanka ghi là năm zero (0) thành thử chúng ta có hai con số cách nhau một năm.
Lịch Sri Lanka: Đức Phật đã đản sinh năm 563 BCE và niết bàn năm 483 BCE.
Lịch Thái Lan: Đức Phật đã đản sinh năm 564 BCE và niết bàn năm 484  BCE.
Trong bài viết "Simple Buddhist-Christian Era Conversion Forms.  May 2011" cũng ghi rõ về sự cách biệt 1 năm và 61 năm đó như sau.

According to the traditional dating the Buddha was born in 624 BC, attained Awakening 35 years later in 589 BC and entered Paribbāna in 544 BC. It is from the latter date that we take the Buddhist Era (Thailand dates it as year 1, Sri Lanka as year zero).
Most scholars now think that the actual dates should be set approx. 100 years later (there is much difference in opinion), but the dates in any case should not be taken as hard and fast, but rather as agreed times for the purposes of celebrations, etc.
Christians may not realize [realize]that the same situation applies to Christ as there was a miscalculation in the early Church and it is now believed Jesus was born between 2 and 7 years before Christ.

Thật ra ngày giờ cùng năm tháng đản sinh của Đức Phật còn có nhiều dị biệt mà nguyên nhân chính là do các tổ chức Phật giáo tại mỗi địa phương của nhiều quốc gia chọn ngày cử hành Lễ Đức Phật Đản Sinh tùy theo thời tiết và ngày trăng sáng trong quá khứ khi mà sự giao thông liên lạc giữa các địa phương còn quá khó khăn trong lịch sử nhân loại hơn hai ngàn năm trước.  Ngày nay Liên Hiệp Quốc đã tuyên xưng ngày đản sinh của Đức Phật trong Lễ Vesak như là một ngày kết hợp cả ba ngày lễ quan trọng nhất của Phật giáo gồm các ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo, và niết bàn (The Day of Vesak commemorates Buddha’s birth, enlightenment, and death), và Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận Đức Phật đản sinh năm 624 BCE và xem năm đó là năm khởi nguyên cho Phật Lịch.  Phật Giáo thế giới cũng đã đồng thuận như một quy ước năm Đức Phật đản sinh là 624 BCE, tức là 2641 BE trong năm 2017.
Người viết xin được đề nghị và ước mong tất cả các tự viện Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước thống nhất ngày Đức Phật đản sinh là ngày khởi nguyên Phật lịch, 624 BE hay 2641 BE của năm 2017.  

Trần Việt Long