Tuesday, December 19, 2017

Thong dong khắp mọi nẻo đường | Lời giới thiệu của nhà văn Nguyên Giác

THONG DONG KHẮP MỌI NẺO ĐƯỜNG
Giáo Dục – Quê Hương - Đạo Pháp – Văn Học Nghệ Thuật

BẠCH XUÂN PHẺ (TÂM THƯỜNG ĐỊNH)
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 

LỜI GIỚI THIỆU

Thong Dong Khap Moi Neo Duong Cover 2 LRS2


Tác phẩm “Thong Dong Khắp Mọi Nẻo Đường” chỉ dài khoảng 360 trang, nhưng chứa đựng rất nhiều tâm lực – đó là những suy nghĩ của tác giả Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định) từ nhiều năm đứng dạy trong trường học Hoa Kỳ và nhiều thập niên hoạt động trong cương vị Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử. Đó cũng là những chiều dài địa lý, qua những đại dương trên địa cầu, những nơi tác giả đã đi thật xa trên đường tìm học Thiền và rồi cũng đi thật xa trên đường hoằng pháp. Nói như người xưa là, cuốn sách quý độc giả đang cầm trên tay đã được viết từ người cư sĩ đã  đi mòn biết bao nhiêu đôi giày và đã ngồi mòn biết bao nhiêu bồ đoàn để thâm nhập Phật pháp, và rồi hoằng pháp.
Trong Lời Giới Thiệuchúng ta sẽ chỉ nói về tuyển tập các bài viết của Tâm Thường Định, người có lai lịch được nhà văn Trần Kiêm Đoàn kể lại trong bài "Tuổi Trẻ Đem Đạo Vào Đời" in cuối sách này. Không ai viết hay hơn cư sĩ Trần Kiêm Đoàn, khi nhìn về những chặng đường tìm học và hoạt động của tác giả Tâm Thường Định từ cương vị một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cho tới khi hoàn tất Tiến sĩ về Phật học Ứng dụng, và nhà văn họ Trần đã viết: "...hy vọng vẫn đang dấy lên khi có những tấm lòng tuổi trẻ Phật tử đượm duyên lành đem Đạo vào đời, tạo khả năng làm cho đạo Phật càng ngày càng sáng tỏ hơn..."
Nơi đây, xin mời độc giả cùng đi lướt qua nội dung sách này, trước khi lên mạng Amazon đăt mua  sách để cả nhà cùng đọc, và cũng để khuyến tấn giới trẻ.
Tác giả Tâm Thường Định chia tuyển tập "Thong Dong Khắp Mọi Nẻo Đường" làm bốn phần: Giáo Dục, Quê Hương, Đạo Pháp, và Văn Học Nghệ Thuật.
Trong bài đầu tuyển tập, Tâm Thường Định trình bày về Thiền pháp của Dòng Thiền Trúc Lâmcụ thể là phương pháp của Hòa Thượng Thích Thanh Từ đang truyền dạy ở Thiền Viện Diệu Nhân, Bắc California, nơi tác giả Tâm Thường Định tham dự một số Thiền khóa – nơi Thiền sinh sẽ thức dậy từ 4:45AM để ngồi thiền và tu học tới 9:30PM, trong đó buổi trưa chỉ nghỉ một giờ (rất mực gian nan khi nhìn thấy thời biểu đó, nhưng sẽ cực kỳ hạnh phúc như chúng ta nhận ra qua dòng ký sự của Tâm Thường Định). Đối với các độc giả chưa biết về Dòng Thiền Trúc Lâm, bài này giúp hiểu một số cách tập căn bản về thiền phái lớn nhất tại VN này, và sẽ là căn bản để về sau sẽ tìm hiểu sâu hơn về một cội nguồn lớn của Phật giáo VN.
Trong bài thứ nhì, Tâm Thường Định nói về nhu cầu thân giáo, nghĩa là một người hoằng pháp có khi không cần dạy bằng lời nói, nhưng là dạy qua hành động thể hiện trên bản thân, và người khác sẽ dần dần nhận ra lời Phật dạy qua việc mình làm. Tác giả viết: “Mỗi người con Phật, dù là xuất gia hay tại gia, trai hay gái, già hay trẻ, trong tổ chức GĐPT hay không, đều phải học và thực hành cách chuyển hóa…” Như thế, nói theo người xưa, có thể gọi thân giáo là vô ngôn mà thông suốt.
Tới đây, một câu hỏi sẽ được tác giả chuyển sang bài kế tiếp, rằng thân giáo là cho người thân cận, nhìn thấy và nghe được. Nhưng cõi này bây giờ phần lớn là thế giới bàn phím. Tức là “thời đại @” (đọc theo kiểu VN là “thời đại a còng”). Tác giả đề nghị ra một vài phương châm khi lên thế giới ảo, dựa theo giáo lý nhà Phật. Và tuyệt vời là khi mình sống an lạc và giúp người an lạc.
Bài thứ tư trong sách này là “Nhật Ký Giáo Dưỡng Tuổi Trẻ: 5 Cách Thực Hành Để Xoa Dịu Những Cơn Giận” – nơi đây Tâm Thường Định trình bày về cách đối trị cơn giận. Giận thì ai cũng từng nổi giận, nhưng đối trị cơn giận bằng chánh niệm đã được tác giả trình bày rất minh bạch và khả dụng. Bên cạnh đó, tác giả cũng nói về các lời khuyên y học từ cách ăn, làm việc, thể dục, nghỉ ngơi…
Bạn là giáo viên, đang dạy một lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học hay đại học? Tác giả sẽ giúp bạn nhiều hơn một giáo trình sư phạm. Bài thứ năm trong sách là “Phương Pháp Thực Hành Chánh Niệm Trong Lớp Học (Mindfulness-Based Approach In The Classroom)” – là bài Tâm Thường Định (trong cương vị Tiến sĩ Phe X. Bach) thuyết trình cho ngày Hội nghị thượng đỉnh Giáo viên ở California (California Teachers Summit 2015) tại Đại học CSUS ngày 31 tháng 7/ 2015, hướng dẫn gần 400 giáo viên, hiệu phó, hiệu trưởng của những trường học K-12 (từ mẫu giáo tới lớp 12) tại Bắc California. Tác giả đưa ra phương pháp PEACE. Bài này không chỉ có lợi cho các giáo viên, nhưng các bậc phụ huynh cũng nên sử dụng với các con em, vì gia đình cũng là một lớp học phức tạp.
Thứ sáu là “Bài Thuyết Trình Cho Trại Vạn Hạnh:  Đạo Phật Và Tuổi Trẻ” nơi đây tác giả nói về Phật giáo và những người Mỹ gốc Việt dưới 40 tuổi. Độc giả sẽ đọc thấy số lượng huynh trưởng và đoàn sinh Gia Đình Phật Tử, cùng với một nan đề nêu ra rằng vì sao giới trẻ gốc Việt tại Hoa Kỳ ít tới với các sinh hoạt của Phật giáo và GĐPT. Tác giả nêu ra và tìm cách trả lời câu hỏi: “Chúng ta cần/nên/phải dạy các em những gì?”
Bài thứ bảy là “Nhật Ký Giáo Dưỡng Tuổi Trẻ: Đem Chánh Niệm Và Tình Thương Vào Nhà Tù Tiểu Bang California.” Độc giả sẽ biết rằng tác giả Tâm Thường  Định trong nhóm một số Phật tử thiện nguyện vào hướng dẫn Thiền tập và giáo pháp trong nhà tù Folsom State Prison (B-yard) – nơi giam 3.300 tù nhân và là nơi người thiện nguyện được các viên chức trại giam dặn dò là, “Trong mọi trường hợp, không bao giờ chạy, vì hễ chạy là có thể bị bắn.”
Bài thứ tám là “Nhật Ký Giáo Dưỡng Tuổi Trẻ: Đi Nghe Diễn Giải Của Tiến Sỹ Nguyễn Tường Bách” – kể lại một buổi đi nghe TS Nguyễn Tường Bách nói chuyện về Phật pháp với “hai cửa của Nghe và Nhìn. ‘Mở toang’ là buông bỏ những gì đã biết, giữ tâm chú ý, rỗng rang, không chủ động, không dụng công, không mong chờ, chỉ chú ý trống rỗng…” Về nhà, thi sĩ Tâm Thường Định đã làm một bài thơ, với hình ảnh “Thiền môn vô trụ đi về tánh không”…
Bài kế tiếp là một kinh nghiệm đặc biệt trong đời được tác giả ghi vào “Nhật Ký Giáo Dưỡng Tuổi Trẻ: Nghe Em Nói Muốn Tự Tử,” sau khi một nữ sinh tuổi teen tới thưa rằng em đã từng tự tử nhưng được cứu sống, và bây giờ sống với rất nhiều phiền não. Nhà văn Tâm Thường Định đã viết, “…em nhắc lại vết thương lòng của tôi, nghề giáo ở Mỹ, vì trong cuộc đời làm thầy giáo bao lâu này, đã có 3 em quyên sinh, hai em tự bắn chết và một em tự treo cổ.” Nhà văn sẽ nói gì, làm gì? Đây là bài rất nên quan tâmđối với phụ huynh và giới trẻ. Thống kê được tác giả ghi lại, cho thấy ở tuổi đại học, tự vận (quyên sinh) là nguyên nhân đứng thứ hai trong danh sách tử vong ở các trường đại học tại Hoa Kỳ.
Đối với độc giả cư ngụ ở Bắc California, muốn tìm một nơi tu họctác giả kể trong bài kế tiếp về “Trung Tâm Tu Học Phổ Trí” của Thầy Thích Từ Lực, một nhà sư thuộc thế hệ trưởng thành tại Hoa Kỳ -- đa năng, giỏi hoằng pháp và hướng dẫn tu học cho nhiều thành phần khác nhau, dù Việt hay Hoa Kỳ.
Bạn đã từng trực tiếp nghe thuyết pháp và tập Thiền từ Thiền sư Nhất Hạnh? Tâm Thường Định kể lại qua bài “Tường Thuật Khóa Tu Học  Mở Cửa Trái Tim” sau khi đưa cả gia đình dự một buổi như thế ở Lộc Uyển, San Diego.
Một khóa tu học ba ngày bằng song ngữ, trong đó riêng buổi pháp đàm thuần bằng Anh ngữ đã được tác giả ghi lại qua bài “Chút Hy Vọng Cho Tuổi Trẻ  Phật Giáo Tại Hoa Kỳ” – nơi đây tuổi trẻ nêu lên với quý Thầy về các thắc mắc thường gặp trong xã hội Hoa Kỳ, như hôn nhân đồng tính, thuyết tiến hóa, cần sa, bình đẳng nam nữ (kể cả Tăng – Ni), tiếp cận với tôn giáo khác, khi gặp bất công… Đó là những đề tài rất lớn.
Bài kế tiếp là “Nhật Ký Giáo Dưỡng Tuổi TrẻTứ Tất Đàn - Một Phương Pháp Giáo Dục Trong Phật Giáo” – nơi đây tác giả ghi về bốn phương tiện thiện xảo trong giáo dục Đức Phật đã dạy nhằm  và "chúng ta cũng nên tùy theo căn cơ trình độ và bối cảnh xã hội khác của đoàn sinh / học sinh / đối tượng v.v… để thích nghi làm lợi lạc cho quần sanh và xã hội."
Bạn dạy Phật pháp thế nào cho giới trẻ? Trong bài “Phương Thức Giáo Dục  Tuổi Trẻ Phật Giáo -  Hãy Gieo Ba Hạt Giống Lành,” Tâm Thường Định đề ra ba phương thức: Xây dựng (Build), Chuyển hóa(Transform), Hành động (Act). Trong bài đưa ra các thí dụ cụ thể về từng phương thức này.
Bài kế tiếp được Tâm Thường Định viết trong kinh nghiệm của một thầy giáo dạy môn hóa học, đề ra, “5 Biện Pháp Giảm Tác Hại Trong Nghề Nail” – một lĩnh vực kinh doanh đã và đang nuôi sống rất nhiều người Việt tại Hoa Kỳ. Tác giả trực tiếp gặp một số người làm nail, nói chuyện, quan sát và suy nghĩcách để giúp đồng hương.
Một bài rất đặc biệt, viết chung với Ni Sư Thích Nữ Thuần Tuệ, với đề tài “Lãnh Đạo Trong Chánh Niệm- 5 Nghệ Thuật Lãnh Đạo Cho Hàng Huynh Trưởng” – tuy nói là huấn luyện huynh trưởng Gia Đình Phật Tử nhưng cũng có thể áp dụng cho tất cả mọi người trong cương vị của bậc trưởng thượng, dù trong gia đình hay ngoài xã hội. Trong bài cũng dẫn ra lời dạy của Hòa Thượng Trúc Lâm.
Trong ba phần sau của tác phẩm -- Quê Hương, Đạo PhápVăn Học Nghệ Thuật – tác giả Tâm Thường Định sử dụng bút pháp có tính văn học nhiều hơn, trong đó có dịch sang Anh văn một số bài thơ của các vị tôn túc. Trong đó, tác giả viết về mẹ, về ba, về biển, về những ngày về thăm quê hương, về Ôn Già Lam, về HT Thích Thiện Trì, HT Thích Minh Đạt, về Tu Viện Kim Sơn, về Phạm Duy, Phạm ThiênThư, Trịnh Công Sơn, về Minh Đức Triều Tâm Ảnh…
Tâm Thường Định cũng đưa ra một số quan tâm về cách dịch thơ Thiền sang tiếng Anh. Trong bài “Bài Thơ Cư Trần Lạc Đạo Của Tổ Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam,” vâng lời Ni sư Thích Nữ Thuần Tuệ, tác giảđối chiếu một số cách dịch bài thơ nổi tiếng đó từ nhiều dịch giả -- trong đó có Võ Đình, Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, Nguyên Giác… -- và rồi huynh trưởng họ Bạch dịch tổng hợp, một lần thấy chưa như ý, lại dịch lần hai sang Anh văn. Giới trẻ tại Hoa Kỳ chỉ hiểu qua bản Anh văn, và do vậy, bài này là cơ duyên để độc giả trẻ đối chiếu, hiểu sâu hơn về Thiền Việt Nam.
Tương tự, trong bài khác, Tâm Thường Định dẫn ra nhiều cách dịch bài thơ Xuân Vãn của Trần Nhân Tông (Niên thiếu hà tằng liễu sắc không, Nhất xuân tâm sự bách hoa trung…) trong đó nói rằng vua khi còn trẻ, vua không hiểu lẽ sắc và không, nên khi xuân tới, tâm rộn ràng với trăm hoa. Và sau khi hiểu tột cùng, thấy mặt Chúa Xuân (Như kim khám phá Đông hoàng diện), mới chỉ đơn giản ngắm hồng rơi thôi (khán trụy hồng). Đây là lời của người đã thấu tột cùng Bát Nhã Tâm Kinh, khi Trân Nhân Tông lìa cả sắc và không để thấy tận mặt Gương Tâm Chiếu Sáng Rỗng Rang, nơi tất cả các sắc hồng của xuân đều rơi xuống (hiểu là, tất cả sắc-uẩn và phi-sắc-uẩn, của hoa nở và hoa tàn, của hoa và không-hoa đều tan vào biển tịch diệt của Niết Bàn Diệu Tâm)… Cũng là vị vua họ Trần khi dạy “hữu vô câu bất lập,” nghĩa là, có với không đều chẳng nên lập.
Danh tăng Tuệ Sỹ trong bài thơ "Một Thoáng Chiêm Bao" khởi đầu với câu: Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn... Tâm Thường Định và GS Nguyễn Văn Thái nhận định rằng chữ “mắt biếc” rất khó dịch, vì không thuần chỉ màu sắc, mà còn mang ẩn nghĩa “trinh nguyên và ngây thơ.” Thơ của Thầy Tuệ Sỹ hay là một chuyện, nhưng hàm nhiều nghĩa mới là gian nan cho người dịch. Bản Anh dịch đưa ra trong sách này sẽ giúp giới trẻ tại Hoa Kỳ tiếp cận với một nhà thơ lớn của dân tộc VN đương thời, cũng là một nhà sư đi giữa những gian nan lịch sử với tâm hồn trong trắng như câu thơ Thầy viết, “Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận.”
Độc giả sẽ thấy rằng tác phẩm này của Tâm Thường Định nên được đọc kỹ, đọc nhiều lần -- cũng y hệt như Tâm Thường Định khi dịch sang Anh văn một số thơ Thiền, đã ghi trong sách này nhiều bản dịch khác nhau, và riêng tác giả đưa ra có khi 2 bản dịch để nêu lên minh bạch mà, có khi một bản dịch không chở hết ý. Tuyển tập này cần có trong mọi gia đình, cho mọi lứa tuổi cùng đọc, để cùng thâm cảm về Phật pháp. Cũng như cần cho tất cả các giáo viên, các huynh trưởng GĐPT, tất cả các giới trẻ. Nơi đây, Tâm Thường Định đã nỗ lực gói trọn tinh hoa suy nghĩ của anh, những kinh nghiệm trong nghề giáo và trong cương vị người dạy Thiền Chánh Niệm trong các khóa hội thảo giáo viên California,  và đã ghi xuống cả những cảm xúc về dòng suối Thiền Tông Việt Nam chảy trong lịch sử dân tộc và đang lưu truyền ra hải ngoại.
Xin trân trọng kết thúc Lời Giới Thiệu bằng mấy dòng thơ trao tặng Tâm Thường Định và tất cả quý độc giả:
Mở sách đọc từng chữ
thấy hoa bay giữa dòng
ướp thơm lời chánh ngữ
kết bè dể qua sông.

Miệt mài từng năm tháng

tu trí tuệtừ bi
khắp trời tâm gương sáng
vin chánh niệm mà đi.
NGUYÊN GIÁC



Chú thích:

Độc giả trong Việt Nam không mua trực tiếp từ Amazon được, nhưng có thể mua sách trên Amazon thông qua một trong 3 Công ty sau đây. Xin độc giả trực tiếp liên lạc và tìm hiểu quy trình cũng như giá cả trước khi tự mình quyết định có xử dụng dịch vụ nầy hay không. Thông tin nầy chỉ có tính cách tham chiếu mà thôi:


MỤC LỤC / TABLE OF CONTENTS


Thong Dong Khap Moi Neo Duong Cover 2LRS
Dedication / Thành Kính Tri Ân / Acknowledgments
Lời Giới Thiệu Sách “Thong Dong Khắp Mọi Nẻo Đường”
I. GIÁO DỤC
11. Chút Hy Vọng Cho Tuổi Trẻ  Phật Giáo Tại Hoa Kỳ

II. QUÊ HƯƠNG
9. Đời Mẹ

III. ĐẠO PHÁP
2. Đường Đi Vô Hạn,  Nhớ Lời Xưa…

IV. VĂN HỌC NGHỆ THUẬT
About The Author

Sunday, December 17, 2017

CHÁY RỪNG - WILDFIRES


Cháy, cháy, cháy ở Cali - Photos: Internet

California on fire - A view from the air near LA. Photo: BXK

CHÁY RỪNG

Tháng 12 dương lịch!
Cali rừng cháy
Núi cháy,
Cỏ cây cũng cháy  
ngút trời như khói lửa đao binh
Sáng trời sương, trưa gió dịu, cháy vẫn cháy.
Cháy sáng, cháy trưa, cháy tối cháy chiều
Cháy luôn sự ám ảnh quạnh hiu
Cháy sang cả rừng công đức 
Cháy những ngôi nhà tối mực
Cháy luôn những ngọn cỏ cỏn con
Cháy như nắng hạn đợi mưa yêu dấu mỏn mòn
Cháy, cháy.... cháy hết đồi cao, 
Cháy hết vực sâu
Cháy gần thành phố
Cháy luôn nhà cửa giàu nghèo
Cháy, cháy... cháy trong hơi thở
Cháy trong giấc ngủ
Cháy trong hiện tại
Cháy cả tương lai
...và có một số người vẫn khước từ và khư khư!
KHÔNG có Biến đổi khí hậu.

Xin đừng làm nóng địa cầu và hãy yêu thương Trái đất Mẹ.


WILDFIRES

In the month of December

California forests and mountains are on fire
So much smoke and fire, as if it is in a war zone
Despite the morning mist and calm wind, the wildfires are still burning.
Fires in the morning, fires in the afternoon, and all day long
Fires burn all the hopes; burn in isolation
Fires burn the whole forest of merits
Fires burn houses and terrets
Fires burn trees, grasses, and countless structures
Fires as if the droughts forever waited for the beloved rain
Fires, fires... burn all over many hillsides,
Fires burn in the deep canyons
Fires burn near the cities
Fires burn without discriminating the rich and poor
Fires, fires... burn while we're breathing
Fires burn while we're sleeping
Fires burn at this present moment
Fires will continue to burn in the future
... and there are some people still denying and moaning:
'There is absolutely NO climate change or global warming!'




Please take care of our global warming
Protect and cherish our Mother Earth.


Saturday, December 16, 2017

TÌNH MẸ - MATERNAL LOVE




TÌNH MẸ

Mây trắng bềnh bồng
An nhiên thanh thản

Tình Mẹ mênh mông!

MATERNAL LOVE

Like a white cloud
Absolutely serene and free
Mother's love--immensely!

Tuesday, December 12, 2017

Bức Chân Dung Thích Tuệ Sỹ hay Trang Sử Sống Của Việt Nam Thời Nay

Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn - Thơ Tuệ Sỹ

Bức Chân Dung Thích Tuệ Sỹ 
hay Trang Sử Sống Của Việt Nam Thời Nay
Nam Dao

            Từ cổ chí kim hay từ Đông sang Tây, cho dù là giống dân nào ở thời đại nào đi chăng nữa thì chắc đa số trong nhân loại đều đồng ý với nhau ở một điểm liên quan đến nội dung câu nói: “Coi mặt mà bắt hình dong.” Đối với những thầy tướng số thì ánh mắt là nơi bắt mạch gian ác tà thiện của con người. Có những ánh mắt láo liên làm chúng ta cảm thấy e dè bất ổn. Có những ánh mắt gian ác làm chúng ta lạnh người run sợ. Thế nhưng cũng có những ánh mắt từ bi bác ái đem lại nguồn an tịnh cho con người. 
            Trong gian đoạn đen tối của lịch sử Việt Nam hiện nay, sự tà thiện hiện rõ như mực đen trên trang giấy trắng. Chả cần phải là thầy bói, những nạn nhân của trại cải tạo nói riêng và đại khối dân tộc nói chung đều đã mang vào ký ức của cuộc đời họ những ánh mắt tàn bạo một thời đã tàn phá mảnh đời họ đến rách nát. Đối chiếu với những ánh mắt tàn bạo đó dân tộc Việt Nam ngày hôm nay cũng lại cảm nhận được dù chỉ được nhìn qua hình ảnh những ánh mắt từ bi xây dựng tình người của những bậc tù nhân lương tâm tu hành cao cả như Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, linh mục Nguyễn Văn Lý v.v… 
            Tuy không biết nhiều về bói toán, nhưng khi ngắm nhìn chân dung của những bậc tù nhân lương tâm tu hành nói trên tôi cảm thấy những ánh mắt kia nào có khác chi những bông sen ngát hương thơm từ ái nở trên vũng bùn lầy bạo lực. Tinh thần từ ái đó mạnh đến nỗi tôi không hề thấy hiện trên khuôn mặt quý Ngài một dấu vết dù nhỏ nhoi biểu lộ sự oán giận những kẻ đã đầy đọa cuộc đời quý Ngài. Hình ảnh quý Ngài đã phản ảnh phần nào tinh thần bao dung trong văn hóa Việt Nam có từ ngàn xưa. 
            Trong tất cả những bức chân dung của những vị tu hành, có một tấm hình đặc biệt làm tôi xúc động suy tư để rồi đưa ra một kết luận cho riêng mình: bức chân dung của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ mà tôi được nhìn thấy trên những tờ truyền đơn Niềm Tin Thắng bạo lực, theo tôi đó chính là biểu tượng cho trang sử sống của Việt Nam thời nay, một trang sử pha trộn những nét bi hùng tráng và đen tối những đau thương hấp hối tình người. 
            Phải! Chân dung của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ chính là biểu tượng cho trang sử sống của thời đại Việt Nam ngày hôm nay. Khi nhìn bộ mặt chỉ còn da bọc xương của người tù Thích Tuệ Sỹ bị giam lỏng tôi tránh sao không khỏi liên tưởng đến hình ảnh các trẻ em Phi Châu chờ chết vì đói chỉ vì quê hương các em quá nghèo nàn lạc hậu không đủ sức cưu mang các em. Đối với những người ngoại quốc nào không theo dõi tình hình chà đạp nhân quyền ở Việt Nam thì tấm hình Thích Tuệ Sỹ sẽ làm họ liên tưởng đến một nước Việt Nam khốn cùng không thua gì các xứ Phi Châu chậm tiến. Điều họ nghĩ quả không sai sự thật vì Việt Nam nằm trong danh sách của 10 quốc gia nghèo nhất thế giới. Cho nên khuôn mặt da bọc xương của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ là biểu tượng cho tầng lớp đại đa số quần chúng Việt Nam không có đủ cơm ăn trong cuộc sống hàng ngày đầy rẫy những tủi nhục lầm than trong bóc lột và áp bức. Dân tôi khốn đốn là thế đó. Trẻ thơ nào có được cắp sách đến trường mà phải lê lết đầu đường xó chợ nhặt từng mảnh giấy vụn đem đi bán hay moi thùng rác tìm thức ăn thừa để cầm cự sống qua ngày. Còn người già thì lấy trăng sao làm nhà, gió mưa làm bạn. Thế mà nhà nước CSVN vẫn cứ khoe khoang thành tích xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ngày càng tốt đẹp, vỗ ngực tự hào chuyện chăm lo dân thật tử tế ! Vậy thì bộ xương cách trí của người tù Thích Tuệ Sỹ này hẳn phải là bằng chứng của sự đối xử tàn bạo của chính quyền đối với người công dân vô tội tên Thích Tuệ Sỹ. Thích Tuệ Sỹ xơ xác bởi vì đâu ? Phải chăng vì Ngài đói tự do ngôn luận? Thích Tuệ Sỹ khô đét bởi vì đâu? Phải chăng vì Ngài khát sự đối xử công bằng giữa người và người? Mỉa mai thay, trong cơn đói khát tâm linh đó Ngài lại bị nhồi đến căng bụng bởi những trận đòn khủng bố và những món ăn tự do dân chủ khó tiêu được xào nấu bằng loại dầu mang nhãn hiệu Định hướng theo Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Loại dầu độc đó đã làm cho người tù lương tâm Thích Tuệ Sỹ giờ chỉ còn da bọc xương. Loại dầu đó không phải chỉ đốt cháy những tế bào tự do nuôi sống xác thân người tù Thích Tuệ Sỹ mà nó đã thiêu hủy cả bầu trời tự do và những giá trị đạo đức tinh thần trong mỗi con người Việt Nam. Ngày hôm nay, nếu có ai hỏi tôi về tự do dân chủ ở Việt Nam tôi chỉ cần đưa họ xem chân dung Ngài là họ tìm thấy liền câu trả lời thật chính xác và thật sống động. Vâng, chỉ mỗi cái đầu còn da bọc xương của nhà học giả tù nhân lương tâm tên Thích Tuệ Sỹ cũng đủ diễn tả trọn vẹn khúc quanh đen tối của lịch sử Việt Nam ngày hôm nay, một trang sử buồn đậm những dòng chữ chà đạp tự do dân chủ và tình người.
            Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã viết một câu thơ khi ông còn bị giam trong ngục tối: “Trong bóng đêm phục sẵn một mặt trời.” Câu thơ này làm tôi liên tưởng đến một mặt trời đã phục sẵn trong hốc mắt thâm sâu của người tù Thích Tuệ Sỹ là biểu tượng của bóng đêm lịch sử Việt Nam ngày hôm nay. Mặt trời đó chính là ánh mắt từ bi sâu thẳm đang sưởi ấm bóng đêm lạnh ngắt tình người. Mặt trời đó cũng chính là tinh thần bất khuất của dòng giống Tiên Rồng không chịu cúi đầu trước bạo lực, là nguồn mạch ngầm từ ngàn xưa từng luân lưu bất tuyệt trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam ngày hôm nay. Nguồn mạch ngầm này đang tiếp tục cuồn cuộn chảy nuôi sống tâm linh Thích Tuệ Sỹ, là sức mạnh tinh thần vô biên giúp cho Thích Tuệ Sỹ đứng trên mọi bạo lực, từ bi hiên ngang hiện hữu trên cõi đời này dẫu xác thân Ngài giờ chỉ còn là da bọc xương.
            Càng ngắm nhìn chân dung Ngài tôi lại càng thấu hiểu câu nói ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn. Tâm hồn bất khuất và bao dung của dân tộc Việt Nam có từ ngàn xưa đang bàng bạc phảng phất trong ánh mắt của người tù Thích tuệ Sỹ ngày hôm nay. Qua hốc mắt sâu thẳm đó tôi đã cảm nhận được một dòng suối Từ trong tim Ngài chảy ra, một dòng suối phát xuất từ mạch ngầm tự nghìn xưa đang âm thầm cố gắng xoa dịu những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc. 
“Trong bầu không khí được bao trùm bởi trạng thái ứ đọng của vũng nước ao tù, bị cắt đứt với mạch nguồn quá khứ, bị che chắn khuất tầm nhìn tương lai...”, một bông sen Thích Tuệ Sỹ đã trồi lên từ vũng nước ao tù đó. Bông sen ngát hương Bi Chí Dũng làm sống dậy lịch sử hào hùng của những bậc chân tu Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt vì lòng từ bi muốn cứu độ chúng sinh thời đó nên đã tạm cởi chiếc áo nhà tu khổ hạnh đi vào đấu tranh để cho đất nước ta được độc lập ấm no và tồn tại cho tới ngày hôm nay. Dòng suối Từ của Đức Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt và Thiền sư Vạn Hạnh giờ đây đang luân lưu trong ánh mắt Thượng Tọa Thích Tuệ sỹ và quý Thầy lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là thức ăn tinh thần nuôi sống những tâm hồn vị tha cao cả đó - những Người Lái đò lịch sử đang cố gắng Chèo Con Đò Lịch Sử Việt Nam vượt qua những trận cuồng phong tàn bạo để sớm đưa dân tộc và đạo pháp đến được bến bờ an lạc, hạnh phúc trong nắng ấm của tình người.

Kính Bạch Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, 
            Con tránh sao không khỏi đau lòng khi chọn chân dung Ngài là bức tranh sống của lịch sử Việt Nam đen tối thời nay. Thế nhưng trong sự đau buồn đó lòng con lại nhen nhúm một niềm hãnh diện về sự kiên cường bất khuất không cúi đầu trước bạo lực lẫn tấm lòng bao dung của dòng giống Lạc Việt đã được thể hiện qua ánh mắt Từ bi Chí Dũng của Ngài. Bức chân dung Thích Tuệ Sỹ nào khác chi một lời huấn từ nhắc nhở con và những ai còn nghĩ mình còn là người Việt Nam rằng trước khúc quanh cực kỳ đen tối của lịch sử Việt Nam ngày hôm nay muôn người như một phải bỏ qua mọi dị biệt, đến với nhau trong tinh thần Hòa đồng, để cùng với đại khối dân tộc lèo lái con thuyền quốc gia sớm vượt qua cơn lốc độc tài đảng trị hầu đem lại những mùa xuân hạnh phúc cho muôn dân. Trên hải trình vạn dặm gian nan lướt con sóng độc tài, con luôn ghi nhớ lời Thầy nhắc nhở phải lắng nghe trong tâm mình “dòng suối Từ vẫn âm thầm tuôn chảy, để xoa dịu những đau thương mất mát, để hàn gắn những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc.” Đây mới là điều chính yếu nói lên sự khác biệt giữa những con người thật sự Việt Nam thấm nhuần lòng bao dung của tổ tiên với những con người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã bị chủ thuyết ngoại lai phá hủy toàn diện cội nguồn Việt Nam trong tâm hồn họ.

Bạch Thầy,
            Quý Thầy đã đem lại cho con và đặc biệt cho tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm nay niềm tự hào về quê hương dân tộc. Quý Thầy đã dạy cho chúng con một bài học lịch sử hào hùng về ý chí quật cường bất khuất của dòng giống Tiên Rồng, được tiếp nối ngày hôm nay qua cuộc đời tù tội của Quý Thầy. Bài học tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại, một đức tính dũng mãnh vô úy để có thể “đứng thẳng trên đôi chân của chính mình bằng đôi mắt của trí tuệ và hùng lực nhìn thẳng không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự xác định hướng đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.”Một bài học tu hành nhắc nhở con và các Phật tử rằng trong giai đoạn Phật pháp lâm nạn ngày hôm nay thì chuyện sống hay chết, vinh hay nhục, sẽ không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia.

Bạch Thầy,
            Dẫu con biết rằng những lời vấn an gửi đến Thầy cũng bằng thừa vì Thầy đã chấp nhận cái chết để đổi lấy tự do hạnh phúc cho muôn dân. Tuy nhiên nơi phương trời xa xăm con vẫn xin mạn phép gửi đến Thầy lời vấn an chân thành nhất của một công dân nước Việt nguyện cố sống với những điều mà Thầy đã giảng dạy:
- Các con hãy tự hào với niềm tự hào trong trắng và vô tư của tuổi trẻ đứng thẳng trên đôi chân của chính mình bằng đôi mắt của trí tuệ và hùng lực mà nhìn thẳng không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự xác định hướng đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.
            Dòng suối Từ cuồn cuộn chảy trong hốc mắt sâu thẳm bất khuất của Thầy đã trở thành tiếng gọi của Hội nghị Diên Hồng dìu dắt con và tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm nay vững bước trên con đường đấu tranh đòi lại những quyền tự do căn bản cho dân mình. Ánh mắt Từ Bi Chí Dũng đó cũng đã đưa con đến với Đạo. Đạo làm người với ý nghĩa đúng đắn nhất của nó. 

Nam Dao 
(Adelaide 03-12-01, Úc Châu)

Nguồn:

 TUỆ SỸ ĐẠO SƯ - Thơ và Phương Trời Mộng - Tập 2 của Tác giả: Nguyên Siêu do Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang In lần thứ nhất, California - Hoa Kỳ 2006.

Sunday, December 10, 2017

KHÔNG KHÔNG – SUNYATA SUNYATA

Bãi Nồm Xưa! - ảnh NhơnLý's friend

KHÔNG KHÔNG – SUNYATA SUNYATA

Tưởng rằng cõi có là không
Cõi không là có cókhông bạt ngàn
Bây chừ sông núi rõ ràng
An vui tự tại buộc ràng chi mô!

Tuesday, December 5, 2017

Lời giới thiệu - TÂM BÚT BẠCH XUÂN PHẺ


Bìa sách - Uyên Nguyên

Lời Giới Thiệu

Tôi gặp Bạch Xuân Phẻ tại nhà anh ở thủ phủ Sacramento của California vào một buổi chiều dịu nắng, có sự hiện diện của Giáo sư Trần Kiêm Đoàn và Nhạc sĩ Nguyên Quang. Chúng tôi đều biết nhau qua tên tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên được trực tiếp gặp gỡ trò chuyện cùng nhau.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Bạch Xuân Phẻ là anh còn khá trẻ so với hình dung của tôi qua những gì được nghe biết về anh: những đóng góp trong ngành giáo dục tại California cũng như nhiều hoạt động liên quan đến tuổi trẻ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cùng với sức viết không mệt mỏi qua các đề tài Phật giáo và giáo dục được lưu hành rộng rãi trên các trang mạng Thư Viện Hoa Sen, Hoa Vô Ưu, Quảng Đức... 

Dù đã có học vị Tiến sĩ và đang làm công tác giảng dạy chính thức trong hệ thống trường công lập của California, Bạch Xuân Phẻ chưa thực sự hài lòng với những đóng góp giới hạn trong phạm vi chương trình giáo dục hiện có. Vì thế, từ nhiều năm qua anh đã nỗ lực rất nhiều để đưa phương pháp giáo dục Phật giáo, đặc biệt là pháp tu Chánh niệm mà chính anh đang thực hành, vào các trường học tại California. Với tri thức, kinh nghiệm và tấm lòng chân thành quan tâm đến sự nghiệp giáo dục tuổi trẻ, anh đã được mời đến giảng dạy về phương pháp đưa Chánh niệm vào nhà trường tại nhiều trường học ở California, và đặc biệt là ở Hội nghị thượng đỉnh Giáo viên California (California Teachers Summit) tổ chức tại trường Đại học Tiểu Bang California Sacramento (CSUS) vào ngày 31 tháng 7 năm 2015, anh là một trong các diễn giả được mời lên thuyết trình trước khoảng 400 cử tọa là giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó của các trường.

Giáo dục là mối quan tâm muôn thuở của bất kỳ xã hội nào, cho dù là phương Đông hay phương Tây, bởi giáo dục luôn là yếu tố quyết định sự đào luyện và định hình thế hệ tương lai, từ đó hình thành mọi phẩm chất tốt đẹp của xã hội. Chính từ quan điểm đó, chúng tôi rất vui mừng khi có cơ hội giới thiệu cùng quý độc giả Việt Nam tập Tâm Bút này của Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ, với rất nhiều những kinh nghiệm và thao thức của anh đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Và không chỉ riêng vấn đề giáo dục, Tâm Bút này còn là sự chắt lọc những cảm xúc, suy tư và trải nghiệm của Bạch Xuân Phẻ qua các chủ đề về Quê hương, dân tộc, về Đạo pháp, cuộc sống, cũng như những phân tích và cảm nhận rất sâu sắc của anh trong Văn học nghệ thuật...

Với niềm hân hoan đồng cảm trong tinh thần phụng sự và vị tha luôn thể hiện bàng bạc qua những văn thơ của anh, tôi xin trân trọng giới thiệu tập sách này đến với quý độc giả gần xa. Hy vọng đây sẽ là món quà đầy ý nghĩa cho những tâm hồn rộng mở khắp bốn phương.
Trân trọng,
Nguyễn Minh Tiến

Sunday, December 3, 2017

NHÌN TRĂNG THẤY GÌ?


Trăng treo - Photo from the Internet.

NHÌN TRĂNG THẤY GÌ?

Nhìn trăng ánh sáng tám chiều
Tưởng gần, không phải, mỹ miều rất xa
Tịch lặng Phật tánh trong ta
Trở về tánh Phật rỗng rang nhiệm mầu
Thấy trăng tạp niệm trong đầu
Khởi lên, bỏ xuống dính đâu niệm này
Ánh trăng vằng vặc lung lay
Đều thân hơi thở  mảy may nhẹ nhàng
Trăng vàng cùng gió mùa sang
Từ bi, tĩnh lặng bước ngang tâm mình
Rọi soi Phật tánh lung linh
Thường hằng thanh tịnh lặng thinh mỉm cười.