Saturday, July 21, 2018

Người Áo Lam: Anh Chị Nghĩ Gì, Làm Gì Khi Đã Một Lần Khoác Chiếc Áo Lam và Cài Hoa Sen Trắng

Người Áo Lam: Anh Chị Nghĩ Gì, Làm Gì Khi Đã Một Lần Khoác Chiếc Áo Lam 

và Cài Hoa Sen Trắng 

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang


Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang (Ảnh: Uyên Nguyên)

(Bài nói chuyện tại Trại Tình Lam,
Hội Ngộ Cựu Đoàn Viên Long Hoa Liên Châu 2018)


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn Đức,
Thưa quý anh chị em,
Thật là niềm vinh dự và nỗi vui mừng lớn lao cho tôi khi gặp lại anh chị em là những người đã từng một thời có duyên lành khoác chiếc Áo Lam và cài Hoa Sen Trắng lên người tại các trại tị nạn Đông Nam Á cách nay hơn 30 năm trong hành trình đi tìm tự do đầy gian nan và nguy khốn.
Chính trong sự gian nan và nguy khốn khôn lường đó mà tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta đều thâm cảm được cái giá rất đắt của tự do và do vậy chúng ta đều luôn luôn trân quý sự tự do của mình và của mọi người.
Ba mươi năm là chặng đường dài của đời người. Về mặt xã hội học, đó là thời gian của một thế hệ con người. Ba mươi năm qua, có biết bao đổi thay trong cuộc sống cá nhân của mỗi người chúng ta, trong vận hành lịch sử điêu linh của dân tộc Việt, cũng như trong bối cảnh bất an thường trực của cộng đồng nhân loại.
Nhưng chắc chắn có một điều vẫn chưa hề nhạt phai, đó là những kỷ niệm, tình cảm và ký ức của chúng ta về một thời ở các trại tị nạn, như Pulau Bidong, Sungei Besi, Galang, Baataan, v.v… Chính sự có mặt của đông đảo chư Tôn Đức và anh chị em nơi đây đã nói lên điều đó.
Tuy nhiên, sự hội ngộ của chúng ta hôm nay còn có cái duyên khác nữa, đó là màu Áo Lam, là niềm tin của người Phật Tử đối với Đạo Pháp, là lý tưởng đem Đạo Phật vào Đời của một đoàn sinh hay huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Lý tưởng đó cao đẹp biết bao, nhất là trong bối cảnh của thế giới nhiều bất an và khủng hoảng, trong cuộc sống đầy nhiễu nhương và khổ não như hiện nay!
Hơn 30 năm trước, trong thân phận là người tị nạn từ bỏ quê hương ra đi vì không thể sống được với chế độ cộng sản, chúng ta từng trải qua những đau thương và mất mát trên đường vượt biên, vượt biển. Khi đến được các trại tị nạn, điều mà chúng ta có thể làm được để xoa dịu những vết thương, để tìm đến với nhau trong tình người, tình đạo, và để giải thoát phần nào những khổ nạn mà chúng ta gánh chịu trên hành trình tìm tự do là đến với Đạo Phật, đến với sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, bởi vì, Phật Pháp là liều thuốc hữu hiệu giúp chúng ta trị bệnh khổ thân và tâm, và bởi vì sinh hoạt Gia Đình Phật Tử giúp chúng ta lấy lại niềm tin vào con người và mở cánh cửa tương lai tươi sáng cho cuộc đời mình trên bước đi vững chãi của Từ Bi, Trí Tuệ và Dũng Lực.
Trong thời gian ở tại các trại tị nạn tại Mã Lai và Phi Luật Tân vào những năm 1986 và 1987 tôi thấy sinh hoạt Gia Đình Phật Tử lúc nào cũng đông đảo và nhộn nhịp. Những khuôn mặt của anh chị em GĐPT mà tôi gặp lúc bấy giờ đều vui vẻ và bình an, dù ở các trại tị nạn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần.
Phải chăng, lúc đó chúng ta đã tìm được hướng đi đích thực cho đời mình?
Tôi nghĩ là như vậy. Bởi lẽ, chúng ta từ bỏ thế giới ngục tù cộng sản để đi tìm miền đất hứa tự do và chúng ta đã đạt được điều mơ ước ấy. Và bởi vì, chúng ta đã có cơ duyên tắm gội trong biển Giáo Pháp giải thoát của Đức Phật có khả năng thăng hoa đời mình lên phương trời tự do tuyệt đối để rũ sạch mọi trói buộc của phiền não khổ đau.
Đó là tất cả sắc thái và ý nghĩa dung chứa trọn vẹn trong màu Áo Lam mà một thời tại các trại tị nạn Đông Nam Á anh chị em chúng ta đã có duyên lành khoác lên mình.
Còn bây giờ thì sao? Sau hơn ba mươi năm, anh chị em chúng ta có còn giữ được lý tưởng của Người Áo Lam?
Có thể nhiều người trong chúng ta không có đủ cơ duyên để tiếp tục khoác chiếc Áo Lam và sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử khi được định cư ở đệ tam quốc gia. Không sao hết. Anh chị em đừng ngại, bởi vì đó là hoàn cảnh sống mỗi người mỗi khác nhau.
Điều quan trọng là anh chị em chúng ta có giữ được lý tưởng của Người Áo Lam không?
Nếu không, thì cũng đừng ngại, vì chúng ta vẫn còn có cơ duyên để hâm nóng lại lý tưởng Người Áo Lam ngay bây giờ và tại nơi này.
Có lẽ anh chị em vẫn còn phân vân không hiểu tại sao việc giữ gìn lý tưởng của Người Áo Lam lại quan trọng đến như thế.
Tôi xin đặt lại vấn đề một cách cụ thể hơn để chúng ta hiểu rõ tại sao việc giữ gìn lý tưởng Người Áo Lam lại quan trọng trong đời sống thường nhật của chúng ta.
Có lẽ chúng ta nên phân biệt rõ hơn một chút giữa việc giữ gìn lý tưởng Người Áo Lam và việc sinh hoạt trong các đơn vị Gia Đình Phật Tử. Phân ra như vậy chúng ta sẽ nhìn thấy vấn đề sáng hơn.
Giữ gìn lý tưởng Người Áo Lam tức là đem lý tưởng của một thành viên trong tổ chức Gia Đình Phật Tử mà một thời mình đã gắn bó vào trong cuộc sống của mình từng ngày, từng giờ, từng phút giây.
Vậy thì lý tưởng Người Áo Lam là gì?
Là tự thân chúng ta thực hành Phật Pháp trong cuộc sống đời thường và đem Phật Pháp đến cho mọi người thân trong gia đình cũng như cho cộng đồng xã hội.
Đó chính là lý tưởng được nêu ra từ ban đầu cách nay trên 70 năm của tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ, là tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tức là đem Phật Pháp để chuyển hóa gia đình một cách sâu rộng.
Phật Pháp quý giá như thế nào mà cần được phổ cập trong mỗi gia đình?
Phật Pháp là thần dược trị bệnh thân tâm cho tất cả mọi người. Trên đời này, không ai thoát khỏi đau khổ. Đau khổ có loại thuộc về thể xác, có loại thuộc về tâm thức, đó là thân bệnh và tâm bệnh. Ngày nay, các nghiên cứu y khoa cho thấy rằng trạng thái tâm lý ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và bệnh tật của cơ thể vật lý con người.
Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho thấy rằng thực hành thiền định đúng cách và đều độ giúp chúng ta giải thoát được những căng thẳng tinh thần và thể xác để có thể trị liệu rất nhiều bệnh tật. Phương pháp Thiền Chánh Niệm (Mindfulness Meditation) đang được phổ biến khắp thế giới và hàng triệu người thực hành có hiệu quả.
Hơn nữa, sự hiểu biết Phật Pháp và thực hành Phật Pháp trong đời thường sẽ giúp chúng ta giải thoát khỏi những trói buộc của định kiến, thành kiến, cố chấp, ngã mạn, kiêu ngạo, đố kỵ, giận dữ, tham lam, thù hận, v.v… Sự an lạc và hạnh phúc sẽ đến với chúng ta nhiều hay ít là tùy thuộc vào sự thực hành Phật Pháp của chúng ta để chuyển hóa những phiền não khổ đau ấy đến mức nào.
Thí dụ, nếu chúng ta nỗ lực thực hành Phật Pháp — bằng nhiều cách như thường xuyên chiêm nghiệm về tính vô thường hay sự mỏng manh của tất mọi thứ trên đời này —  để giảm bớt cố chấp, giận dữ thì khi gặp chuyện gì đó trong gia đình, chúng ta sẽ bình tĩnh để ngồi xuống nói chuyện một cách thân thiện với người thân để tìm hiểu sự việc và giải quyết vấn đề trọn vẹn cả tình và lý. Nếu không thực hành Phật Pháp mà để cho những thành kiến, cố chấp, sân si chế ngự bản thân, thì chúng ta dễ dàng suy nghĩ, nói và hành động lỗ mãn, giận dữ, hung bạo dẫn đến sự đổ vỡ tình thân trong gia đình và không giải quyết được chuyện gì cả.
Tự thân chúng ta có thực hành Phật Pháp thì mới chứng thực được rằng Phật Pháp là thuốc hay để trị bệnh khổ và mới có tự tin để giới thiệu Phật Pháp đến cho người thân trong gia đình, hay cho những người chung quanh. Nếu bản thân chúng ta không thực hành Phật Pháp, không tự chứng thực được Phật Pháp hiệu quả như thế nào thì chúng ta lấy gì để giới thiệu đến cho người khác. Hơn nữa, khi chúng ta giới thiệu Phật Pháp cho con cái và người thân trong gia đình, thì người thân của chúng ta sẽ lấy chúng ta làm thước đo về hiệu quả thực hành Phật Pháp để có quyết định đến với Phật Pháp hay không. Chẳng hạn, chúng ta khuyên con cái đi Chùa, học Phật để bớt khổ đau, nhưng thực tế hàng ngày trong gia đình chúng ta thường xuyên than khổ, thường xuyên bị bức bách vì đủ thứ chuyện, thường xuyên giận dữ, sân si, thì làm sao con cái có thể tin Phật Pháp mà đi theo.
Từ đó mới thấy rằng, khi tự thân chúng ta thực hành Phật Pháp có kết quả và đem Phật Pháp giới thiệu với người thân trong gia đình là cách giữ gìn lý tưởng của Người Áo Lam có ý nghĩa và lợi lạc thực sự.
 Cho nên quý anh chị em đừng nghĩ rằng mình không có điều kiện tiếp tục  mặc chiếc Áo Lam và sinh hoạt trong đơn vị Gia Đình Phật Tử thì có nghĩa là chôn vùi lý tưởng Người Áo Lam.
Không đâu! Lý tưởng Người Áo Lam mà một thời chúng ta đã có duyên thực hành tại các trại tị nạn hay đâu đó cần phải được tiếp tục giữ gìn một cách trân quý để mang lại lợi ích và cuộc sống cao đẹp cho chúng ta và cho những người chung quanh.
Làm được như vậy há không phải là một cách nào đó chúng ta đã thực hiện thành công lý tưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam là đem Đạo Phật vào cuộc sống gia đình rồi hay sao?
Thưa quý anh chị em,
Tôi nghĩ chắc trong này cũng có anh chị em từ đó tới giờ vẫn còn mặc chiếc Áo Lam và sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử. Đó là phước duyên lớn của đời người, bởi vì trong màu Áo Lam dịu dàng ấy tỏa sáng 3 đức tính cao quý của một đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam: Bi, Trí, Dũng.
Đúng thế, phát nguyện làm một thành viên của Gia Đình Phật Tử Việt Nam là phát nguyện dấn thân vào con đường đem Đạo Pháp vào gia đình qua phương thức giáo dục và nuôi dưỡng tuổi trẻ. Không có từ bi thì người huynh trưởng GĐPT làm sao thương yêu các em hết lòng để tận tình hướng dẫn. Không có trí tuệ thì người huynh trưởng GĐPT lấy gì và làm sao biết cách giáo dục cho tuổi trẻ. Không có sức mạnh của tinh tấn, kiên trì và nhẫn nại thì làm sao người huynh trưởng có thể tận tụy giúp các em từng bước đi lên trên con đường xây dựng nhân cách và phát huy Phật tính.
Bởi thế, làm một huynh trưởng GĐPTVN vừa là niềm tự hào, vừa là trọng trách tạo dựng tương lai cho Đạo Pháp và Dân Tộc.
Nhưng đối với những anh chị em nào chưa có thuận duyên để tiếp tục mặc chiếc Áo Lam và sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử thì ngoài việc giữ gìn lý tưởng Người Áo Lam trong cuộc sống thường ngày như vừa nói ở trên, chúng ta cũng có thể cố gắng sắp xếp công việc gia đình để đến với Gia Đình Phật Tử tại địa phương của mình để sinh hoạt trở lại, hay để hỗ trợ cho tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam qua nhiều lãnh vực mà chúng ta có thể làm được.
Một trong những điều mà anh chị em có thể làm đối với tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam là việc góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam nơi xứ người.
Đây là một công tác vô cùng quan trọng, vì một dân tộc sẽ không còn nếu để mất đi bản sắc văn hóa đặc thù của mình. Điều này dễ thấy khi ta cứ nhìn vào lịch sử của dân tộc Việt Nam trên mấy ngàn năm qua. Nằm bên cạnh một đế quốc luôn luôn có dã tâm đồng hóa và xâm chiếm các lân bang như Trung Hoa mà ông bà tổ tiên của chúng ta có thể dựng nước và giữ nước tới ngày hôm nay là nhờ giữ gìn được nền văn hóa đặc thù của dân tộc Việt.
Giữ gìn văn hóa dân tộc nơi xứ người thì có nhiều cách, trong đó cách cụ thể nhất mà chúng ta có thể làm được là làm sao cho con cháu chúng ta không quên nề nếp, tập tục, lễ nghĩa của ông bà cha mẹ, nhất là không quên tiếng Việt. Cho nên nhà văn hóa lớn của Việt Nam là Cụ Phạm Quỳnh (1892-1945) đã nói rằng, “Tiếng ta còn, nước ta còn.” Tiếng ta ở đây là tiếng Việt. Tiếng Việt khác với tiếng Tàu, tiếng Tây. Cho nên dù bị Tàu đô hộ một ngàn năm hay Tây đô hộ một trăm năm thì nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam vẫn còn, bởi vì tiếng Việt còn, văn hóa Việt còn.
Cũng chính vì thế, để giữ gìn truyền thống đa văn hóa mà nhiều chính phủ khuyến khích người di dân duy trì tiếng mẹ đẻ và nền văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc nơi quê hương thứ hai. Cộng đồng người Việt tại hải ngoại trong suốt bốn thập niên qua đã ý thức được điều đó nên đã không ngừng nỗ lực giữ gìn văn hóa và tiếng Việt, đặc biệt cho con em.
Quý anh chị em có thể tiếp tay với tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong công tác giữ gìn văn hóa và tiếng Việt. Chẳng hạn, giúp dạy tiếng Việt cho con em người Việt tại các đơn vị Gia Đình Phật Tử, các Chùa, các trung tâm Việt ngữ, v.v…
Nói là giúp dạy tiếng Việt thực ra công tác này có ảnh hưởng sâu xa hơn nhiều đối với tương lai của người Việt di dân tại hải ngoại. Đó là công tác nuôi dưỡng và giáo dục những mầm non của giống nòi để cho con em chúng ta hiểu biết về nguồn gốc tổ tiên và ông bà cha mẹ từ quê nhà Việt Nam đến quê hương thứ hai. Đó cũng là cách để giúp cho các thế hệ đi sau chúng ta không bị mất gốc.
Nói đến quê hương Việt Nam, nơi mà đa phần anh chị em chúng ta đều sinh ra ở đó trước khi đi vượt biên, thì chúng ta vẫn còn có mối quan hệ gắn bó trong tình cảm thiêng liêng của nòi giống Lạc Việt. Mỗi người trong chúng ta một cách nào đó đều không quên số phận của hàng triệu đồng bào còn đang sống trong môi trường xã hội nhiều bất an vì không có tự do thật sự, và một đất nước đang bị hiểm họa xăm lăng từ Phương Bắc. Hãy làm điều gì đó mà mình có thể làm được để giúp dân tộc được tự do và giúp đất nước được toàn vẹn bờ cõi.
Để đúc kết phần nói chuyện hôm nay, tôi xin nhắc lại một bài ca dao rất ý nghĩa được truyền tụng trong dân gian Việt Nam từ xưa:
“Trong đầm gì đẹp bằng senLá xanh bông trắng lại chen nhụy vàngNhụy vàng bông trắng lá xanhGần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”
Hoa sen là biểu tượng của đức tánh thanh tịnh và cao khiết trong mỗi chúng sinh mà trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã lấy hoa sen làm thí dụ để khai thị về Phật tánh. Đó là lý do tại sao tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam lấy hoa sen trắng làm huy hiệu.
Anh chị em đã một lần khoác Áo Lam và cải Hoa Sen Trắng, thì hãy cố gắng sống theo hạnh “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như hoa sen. Đó cũng là lý tưởng cao đẹp của người cài hoa sen trắng.
Thành kính tri ân chư Tôn Đức và cảm ơn quý anh chị em.
Kính chúc chư Tôn Đức đạo nghiệp viên thành.
Thân chúc quý anh chị em khỏe mạnh và tinh tấn.
Lakeview Park, Orange, Nam California, Hoa Kỳ, ngày 21 tháng 7 năm 2018
Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

Thursday, July 19, 2018

KHÓI CHIỀU QUÊ NGOẠI

KHÓI CHIỀU QUÊ NGOẠI
(Khói Lam Quê Ngoại)
   Thơ Bạch X. Phẻ - Nhạc Ngô Tín. 

Quê Ngoại tôi thơm hoa đồng cỏ nội,

Biển và trăng lấp lánh ngàn sao
Ruộng vườn xưa nay vắng bóng người
Ai bỏ xứ ra đi tìm lẽ sống

Ngày về thăm ngỡ em còn trong mộng

Ngàn lung linh ánh mắt đợi chờ nhau 
Gặp người xưa đến đi như cơn mộng
Thì tiếc gì lận đận một vần thơ.

Dấu tích đó rêu phong ân nghĩa lớn

Người thương ơi! sao nhớ quá đi thôi.
Trong vạt nắng ta thấy mình giọt nước
Đổ về nguồn, thân phận kẻ mồ côi!

Núi Bà xưa kiên trung ngàn năm đợi

Chào bình minh chim hót lộng trời mây
Ruộng vườn xưa, bếp cũ nay không còn 
Người ra đi phương xa biền biệt trôi. 

For English, please click here. Đọc tiếng Anh, hãy bấm ở đây.

Bài này do nhạc sỹ Ngô Tín và ca sỹ Kiều Lệ thể hiện.




Tuesday, July 17, 2018

LỜI NGUYỆN CẦU AN LẠC THÁI BÌNH CHO THẾ GIỚI và TỰ DO DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM

Designed by Quảng Pháp

LỜI NGUYỆN CẦU
AN LẠC THÁI BÌNH CHO THẾ GIỚI
TỰ DO DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM

Ngưỡng lạy thập phương Chư Phật, Chư đại Bồ-tát, Chư Hiền Thánh Tăng từ bi chứng giám,

Ngưỡng vọng hồn thiêng sông núi,

Ngưỡng vọng anh linh chư vị khai quốc công thần, tiền bối hữu công, hữu danh vô danh, đã hy hiến cuộc đời và sinh mệnh cho công cuộc dựng nước, giữ nước cho giang sơn bền vũng bốn nghìn năm văn hiến của dòng giống Lạc Hồng.

Trong giờ phút trang nghiêm, lắng động này, lòng thành kính và nghị lực của mỗi một cá nhân hiện diện tại nơi đây đã lan toả khắp khuôn viên Như Lai Thiền Tự quyện cùng nhau tạo thành 1 làn sóng đầy hùng lực để chúng ta bắt đầu nghi thức thắp nến cầu nguyện.

Kính thưa Chư Liệt Vị

Mỗi một chúng ta đang tuần tự đón nhận ánh sáng trí tuệ, bình đẳng. Ánh sáng này dù chỉ là một khoảng sáng nhỏ nhoi nhưng đủ soi chiếu vào dòng đời để phá tan màn đêm vô minh si ám mang lại hơi ấm và niềm tin yêu thiết thực cho đời. Ngọn nến lung linh bé nhỏ nhưng đầy Bi Lực, Trí Lực và Dũng Lực đang từ tốn nhẹ nhàng truyền cho nhau và toả sáng khắp không gian này.

Ngọn nến lung linh thật nhiệm màu, tay chuyền tay nhận đẹp làm sao

Quang minh tỏ rạng nơi dương thế, soi sáng nhân gian bớt khổ sầu

Kính thưa hội chúng.

Giờ này ánh nến đã tràn ngập khắp nơi, ánh sáng của đêm cầu nguyện cho Quê hương Đất Việt đã làm ấm lại những tâm hồn hoang lạnh của những người con dân Nước Việt xa xứ. Ánh sáng tiếp nối ánh sáng, niềm tin tiếp nối niềm tin. Bằng nhiệt huyết cháy bỏng, bằng niềm băn khoăn trắc trở cao tột, những trái tim của những con xa quê tại Hải Ngoại đã hòa cùng chung nhịp đập với hàng triệu trái tim của đồng bào trong nước cất vang lời nguyện cầu Tự Do Dân Chủ, Nhân Quyền, Văn Minh, Bình Đẳng, và Vẹn Toàn Lãnh Thổ, Lãnh Hải cho Đất Mẹ Việt Nam. Mảnh đất mà Tiên Tổ đã hy sinh thân mạng mở mang và gìn giữ trên 4 nghìn năm từ 18 đời Quốc tổ Hùng Vương khai sơn dựng nước, rạng rỡ giống Tiên Rồng, đẹp nền văn hiến ngàn năm. Rồi đến thần uy các vị Quốc Vương từ Triều Đinh, Lê, Lý, Trần, bao đời gây nền độc lập, thiên hạ thái bình, đạo đức thơm lừng 4 hướng, đến oai linh các bậc tướng quân, các vị nhân tài hiền sĩ thao lược am tường binh pháp, trí tại thư phòng, dũng ngoài trận địa, tất cả đồng bảo vệ giang sơn, ngọn núi dòng sông đều nhớ oai phong chư vị. Thế mà ngày nay lại có những kẻ vô ân, khiếp nhược, tự lợi tư thù, đã biến giang sơn thành mảnh đất cho những tham vọng ngông cuồng, những mưu đồ bất chính. Mất đất, mất biển, mất cả sự kiêu hùng của Ông Cha để lại là nổi đau quặn thắc, như cơ thể bị cắt đi từng phần da thịt. Nghẹn đắng, lệ trào, cảm thương cho vận nước điêu linh, dân tình khốn đốn, khổ ải đau thương.

Giờ này chúng con cảm nghe từ tận đáy lòng:

Hương của đất còn thơm mùi đất Mẹ
Vị của nước vẫn mặn chất quê Cha

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni,

Kính thưa quý vị Lãnh Đạo các Tôn Giáo, quý Hội Đoàn cùng quý đồng hương, Phật tử

Nguồn suối từ bi đang tuôn chảy hoà cùng tâm thành kính của chính mình trong giờ phút trang nghiêm này, chúng con xin cung thỉnh chư Tôn Đức và toàn thể Đại chúng nâng cao ánh sáng ngọn nến lên trán hướng về Quê Cha Đất Tổ bên kia bờ Thái Bình Dương đồng quán niệm cầu nguyện:

- Nguyện cầu năng lượng Đại Hùng, Đại Lực nơi đây lan toả đến những người hèn yếu, tham tàn bạo ngược biết hối cải quay đầu, hợp sức cùng toàn dân đánh đuổi giặc Tàu, bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của tiền nhân để lại.

- Nguyện cầu năng lượng Đại Từ, đại Bi nơi đây lan toả, soi chiếu đến những người si mê, tham quyền danh lợi, biết từ bỏ tham lam, biết yêu thương nòi giống, bao dung và lắng nghe lời hiệu triệu của toàn dân, lời cảnh giác của các hiền tài yêu nước, những nhà đấu tranh nhân quyền để xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam.

- Nguyện cầu năng lượng Đại Hỷ, Đại Xả nơi đây được lan toả, chan hoà đến những người bảo thủ, cố chấp, ích kỷ hẹp hòi sớm thức tỉnh hồi đầu, nhìn nhận sự thật mà trả lại tự do cho các nhà đấu tranh yêu nước vì tự do dân chủ, nhân quyền để quyền con người sớm được thực thi trên đất nước vốn nghèo và nhiều thống khổ.

Nguyện cầu hòa bình an lạc sẽ trở về trên quê hương Đất Mẹ Việt Nam để dòng giống con Lạc cháu Hồng có thể sánh vai cùng bạn bè thế giới, cùng chung hưởng giấc mơ văn minh thịnh trị, thái bình an lạc.

Trong giây phút lắng đọng trang nghiêm này, chúng con dâng trọn lòng thành ngưỡng nguyện oai lực Tam Bảo, phúc đức tổ tiên và hồn thiêng Đất Việt hộ trì cho mọi sở nguyện đều được thành tựu trên Đất Mẹ Việt Nam. Đồng thời cầu nguyện khắp năm châu địa cầu mau chấm dứt nạn đao binh chiến tranh, thù hằn khủng bố, tàn phá môi trường và hãy thay thế bằng những chất liệu thương yêu, cảm thông, bao dung và tha thứ để nhà nhà đều được an lành ấm no.

Nam mô tiêu tai giáng kiểt tường bồ-tát ma-ha-tát.
Bửu Thành - Phan Thành Chinh
PTB BHD GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ

VẺ ĐẸP TỰ THÂN

"Ngồi đây ngồi cội Bồ Đề - Vững thân chánh niệm không hề lãng xao" - Photo: TienZomby 

VẺ ĐẸP TỰ THÂN

Dòng sông bao nhiêu nhánh
Mây cao có mấy tầng
Ai ơi đừng so sánh
Sông mây đẹp muôn ngần!



THE BEAUTY OF SELF

How many branches does a river have?
How many layers does the cloud possess?
Stop comparing and distinguishing

Both the river and the cloud have their own uniqueness and beauty.

Monday, July 16, 2018

LỜI PHÁT NGUYỆN


LỜI PHÁT NGUYỆN 
do anh Cao Chánh Hựu đọc trong Buổi Phát Nguyện của mình.

Tổ chức GĐPTVN như một đóa sen sung sức, đâm chồi nẩy lộc từ đất Thần Kinh rồi trải rộng dần đến mọi miền quê hương và, gần đây, lan tỏa cùng khắp hải ngoại.

Là Sứ giả của Tổ chức, người Huynh trưởng phát nguyện trọn đời phụng sự Đạo Pháp, phụng sự GĐPTVN.

Là sứ giả, người Huynh trưởng nhận mệnh lệnh của chính mình: mệnh lệnh của Con Tim, Khối Óc của chính Huynh trưởng đã tìm ra hướng đi của cuộc đời; Lý tưởng GĐPT – Đó cũng chính là tín nguyện khi quy y, lúc đeo Hoa Sen, khi phát nguyện Thọ Cấp.

Là Sứ giả, người Huynh trưởng thọ nhận di huấn của Tổ chức: Đó là Nội Quy, Quy Chế đã được un đúc truyền thừa – Đó là di huấn của chư sáng lập viên, của quý Anh Chị tiền bối và, cao hơn hết là di huấn của Đức Phật.

Là Sứ giả, người Huynh trưởng tiếp nhận hai nhiệm vụ song hành: tu học rèn luyện, đồng thời dấn thân đem đạo vào đời. Hai nhiệm vụ này là hai tín lực nhân quả và tương duyên, suốt đời Tự Độ và Độ Tha của Huynh trưởng.

Là Sứ giả, người Huynh trưởng luôn luôn tâm niệm Vô ngã-vị tha, hòa đồng cùng tập thể, thương yêu đùm bọc nhau, sách tấn nhau dõng mãnh tinh tấn và đồng thời nêu gương cho thế hệ kế thừa.

Là Sứ giả, người Huynh trưởng luôn điều phục Thân, Khẩu, Ý ở mọi nơi, trong mọi lúc, và mọi hoàn cảnh…, bằng cử chỉ, hành động, bằng ngôn ngữ, tác phong – của Chân Chính Phật Tử.

Là Sứ giả, người Huynh trưởng không xao lãng tu học và hành trì Chánh Pháp-Phật Pháp là hành trang quan trọng nhất để Huynh trưởng thực hiện sứ mệnh cao cả thọ nhập. Phật Pháp không phải là lý luận suông, cũng không phải là giáo điều trang sức cho nhận thức. Đạo Phật, đích thực, là Đạo thực hành.

Là Sứ giả, người Huynh trưởng tâm niệm: Mang niềm tin đến các em, đến mọi người, cho quốc gia, dân tộc… bằng tâm huyết, bằng hành động cụ thể và thiết thực, bằng gương sáng hiền hòa, nhẫn nhục, tháo vát, nói ít làm nhiều; và bằng cách khai sáng hiển lộ tiềm lực và khả năng Từ Bi - Trí Tuệ - Dũng Mãnh của Đạo Phật nhập thế.

Với thời gian ngắn ngủi của một kiếp người, chúng ta nguyện tinh tấn, kiến lập an lạc-hạnh phúc cho chính mình, cho các em mình, cho gia đình mình, cho tổ chức, cho Đạo pháp, cho Dân tộc và cho nhân quần xã hội…

By Tâm Huệ Cao Chánh Hựu,

Chief of Interim Guiding Board Section

of Vietnamese Overseas Buddhist Family Organization



Like an energetic lotus, the Vietnamese Buddhist Family Organization has sprung its buds and shoots out of the Imperial Land and gradually spread out over every bit of fatherland, and recently onto foreign soils.

As missionary of the Family, a senior has a life commitment to serve the Dharma as well as the Organization.

As a commissioned, the senior will receive orders from him/herself: it should be a command from his/her heart, his/her mind that has unearthed the direction for his/her life: the ideal of the Family. It would also be the sworn dedication when taking refuge, pinning the Lotus emblem, being ready for receiving organization grade.

As a commissioned, a senior receives traditional instructions from the Family: there are Bylaws, transferred and added up Regulations, that should be transferred instructions from its founders, from elder men and women, and utmost of all, from Buddha’s Teachings.

As a commissioned, a senior would receive two parallel assignments: practice and training, and at the same time engagement to bring Teachings into real life. These two assignments have a double fold of trustful forces of cause/effect and inflection of causes, and they must be self-liberation and liberation for others or altruist liberation of a senior.

As a commissioned, a senior must always meditate on “Selflessness-Altruism”, harmoniously integrate into collective, give out mutual love and mutual support, encourage each other to attain clairvoyance, and at the same time be a role model to posterior generations.

As a commissioned, a senior always has to regulate Body, Tongue, and Mind everywhere, every time, in every condition… in gesture, action, language, attitude – of a true Buddhist member.

As a commissioned, a senior won’t ever give up practice and study and observe True Dharma –Buddhist Teachings should be the most important gear for a senior to implement his/her most holiest mission of integral engagement. Buddha’s Teachings shouldn’t be merely pure reasoning, and not ornamental beliefs to conscious knowledge. Indeed, Buddhism is a religion in action.

As a commissioned, a senior must keep commitment: to bring Beliefs to the young, to everyone, every country, every nation… by his/her heart, real and necessary action, by exemplar of tolerance and integration, patience, perseverance, “fewer words more action”; by extracting and exposing hidden strengths and forces of Compassion-Wisdom-Courage of the engaged Buddhism.


In the short span of man’s life, we are committed to advance in true knowledge, build up peace and happiness for ourselves, our young, our family, our Organization, our Dharma or Teachings, our nation, and our social mass in general…

Translated by Hoa Đàm Translations Group

Friday, July 13, 2018

Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam - Thích Phước Tịnh

Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam - Thích Phước Tịnh


Lời dẫn: Ở Hoa Kỳ, thầy Phước Tịnh dạy khóa Lịch sử PGVN rất hay, chúng tôi đã nghe 35 buổi giảng thì hầu như buổi nào Thầy cũng nhắc đến tinh thần dân tộc và hiểm họa Trung Hoa. Chúng tôi
 có phiên tả một đoạn thầy giảng như sau, và kính mời quý vị cùng nghe 35 buổi giảng tại Mắt Thương Nhìn Đời. - Pháp Uyển 

1. Con Đường Tơ Lụa

Đây là từ ngữ chúng ta mượn để nói đến sự du nhập của Phật giáo vào Việt, kỳ thực đạo Phật truyền vào Việt Nam không phải từ con đường tơ lụa. Con đường tơ lụa chỉ dành cho Trung Hoa. Trước kia họ không nói đến tên con đường tơ lụa, mà chỉ nói con đường của hành lang Lăng Châu. Tức là từ kinh đô Trường An đi về phía Tây qua các tỉnh như Lăng Châu, đến những vùng sa mạc rồi băng qua vùng Trung Á và Tây Á. 

Chúng ta biết rằng con đường tơ lụa của Trung Hoa đã có mặt trước trung nguyên cả hai thế kỷ. Từ thời nhà Hán, Trương Kiên là người đầu tiên, mở đầu cho con đường giao thương từ Trung Hoa sang các quốc gia thuộc vùng Trung Á và Tây Á, rồi tới biển Địa Trung Hải; thậm chí con đường này mở ra cho tới các quốc gia phía Đông của La Mã; phía Nam của Liên Xô và qua các nước như Iraq, Iran. Nếu có cơ hội đọc lịch sử Nga sẽ thấy điều này. Con đường này mở ra rất sớm, từ trước kỷ nguyên tới hai thế kỷ, sau đó có một giai đoạn bị cắt quãng. Cho tới thời nhà Đường lập quốc thì mới bắt đầu cho những đoàn quân mở rộng. Tuy nhiên trước thời nhà Đường, đó là thời Giao Tần thế kỷ thứ 5, những đại dịch giả từ vùng Trung Ấn, Bắc Ấn đi theo con đường này vào Trung Hoa như ngài Cưu Ma La Thập,…  Điều này cho chúng ta nhận định đây là con đường yếu lộ nhằm giao thương kinh tế. 

Con đường tơ lụa có hai đặc tính, một là kinh tế, hai là văn hóa; bên cạnh con đường văn hóa thì tôn giáo đi vào. Ngấm ngầm có mặt trong hai con đường này, ngoài giao lưu văn hóa, kinh tế còn có sự thầm lặng thôn tính, bành trướng địa vực, mở rộng cương vực, mở rộng ảnh hưởng, thôn tính các quốc gia ngoại biên. 

Bây giờ người ta hay dùng từ quyền lực cứng và quyền lực mềm, cứng có nghĩa là quân sự, chiến tranh và thôn tính; mềm nghĩa là gặm nhắm dần. Hai phần này luôn có mặt trong tất cả các quốc gia lớn, như Pháp, Mỹ, Trung Hoa,… Thế nhưng tùy vào mức độ văn minh và tính nhân văn của quốc gia đó mà hai con đường này được đánh giá là độc ác hay nhân bản. Đôi khi chúng ta có cái nhìn những công việc phát triển văn hóa, kinh tế giao thương nó chỉ đơn thuần là sự phát triển kinh tế của một quốc gia, hoặc là phát triển sự giao lưu hiểu biết của những quốc gia với nhau. Thế nhưng bên trong có hạt mầm của sự mưu đồ thôn tính, mà chúng ta không lường được. Đừng tưởng Đường Tam Tạng tức Đường Huyền Trang khi thỉnh kinh về, viết cuốn Đại Đường Tây Vực Ký, đơn thuần chỉ là việc làm của nhà viết sử, hoặc của nhà văn hóa hay cho dù viết bằng trái tim nhân hậu của người tu. Không phải vậy, mưu đồ của Đường Thái Tông không đơn giản là chấp nhận việc trên là giao thương văn hóa mà công trình của Đường Huyền Trang chi tiết như một nhà thám hiểm. Công việc của Đường Huyền Trang ghi chú rất rõ ràng về những vùng đất ông đã đi qua, dân tộc, thành trì, kinh tế, phong tục tập quán ra sao; ghi chú rất là rõ ràng để cho vua Đường nghiên cứu. Sau đó chúng ta biết rằng những cuộc xâm lăng, mở rộng biên vực qua các quốc gia, vùng phía Tây Trung Quốc. Cho nên mình đừng có đơn giản hóa vấn đề, đó là con đướng văn hóa, kinh tế, mà phải hiểu hàm tàng bên trong là con đường bành trướng thế lực, địa vực, v.v…

Gần đây, vào năm 2004, người Trung Quốc mở ra đến 443 viện Khổng Tử trên 71 quốc gia. Riêng tại Hoa Kỳ có 174 viện. Bộ chính trị trung ương của đảng cộng sản Trung Quốc (Trung Nam Hải) đầu tư một năm với khối lượng tài chánh vô cùng to lớn cho 174 viện Khổng học tại đất nước Hoa Kỳ. Hầu như những viện Khổng học này đều có mặt bên cạnh các trường đại học lớn, nổi tiếng của Mỹ như đại học Harvard. Bên cạnh đó, viện Khổng học chu cấp học bổng cho những sinh viên Mỹ du học, nghiên cứu, tổ chức những lớp lớp ngắn hạn qua Trung Quốc học. 

Ngoài những trường chính thức từ bộ chính trị đảng cộng sản Trung Quốc đặt ra thì còn có những ngôi trường của Đài Loan tổ chức, với cái tên là Taiwan Academy. Đây cũng là một loại viện Khổng học. Hiện tại họ đã có 213 viện trên 64 quốc gia, riêng Mỹ có 79 văn phòng và 3 viện đại học. Điều quan trọng là trong tất cả các viện Khổng học có những bàn tay tuyên truyền chính trị của đảng cộng sản Trung Quốc nối dài trên đất nước này, chứ không đơn thuần theo qui chế đại học của những quốc gia như Mỹ. Thế nào là bàn tay nối dài của đảng cộng sản Trung Quốc, thứ nhất để tuyên truyền về chính sách của Trung Quốc, thứ hai là không cho phép bàn thảo đối với những vấn đề nhạy cảm, sinh viên không có quyền lạm bàn về Tây Tạng, biển Đông, Thiên An Môn, tức là các vấn đề dân chủ tuyệt đối không được bàn đến..."

PHÁP UYỂN - phiên tả. 

Sau đây là Dẫn Ngôn để mời gọi quý vị xem 35 buổi giảng. 

DẪN NGÔN
Đạo Phật đã theo bước chân của các vị Thánh Tăng Ấn Độ đến Việt Nam bằng đường thủy và đường bộ vào đầu kỷ nguyên Tây lịch. Thế nhưng phải đợi đến Ngài Khương Tăng Hội từ thủ phủ đất Giao Châu ngược đường lên mạn Bắc vào triều đình nhà Ngô năm 247 Tây lịch dựng lập đạo tràng, dịch Kinh, thuyết Pháp mới được ghi vào văn hiến, để làm chứng cứ thực cho sự có mặt của Đạo Phật trên đất nước này.
Hẳn nhiên, trên quê hương Đại Việt vào những ngày đất nước còn chìm trong bóng tối của Bắc thuộc, cho đến lúc bình minh của nền độc lập, Đạo Phật đã song hành cùng vận nước nổi chìm. Các thiền sư thời Ngô, Đinh, Lê đã cố vấn cho Hoàng đế trong công trình an định triều chính, khai hóa nhân tâm và rèn đúc tinh thần độc lập, tự chủ của dân tộc. Các thiền sư thời Lý, Trần đã vận dụng tinh thần Bồ Tát Đạo chung lòng, chung sức với vua quan và con dân Đại Việt định đô Thăng Long, bảo vệ biên cương quốc thổ, xây dựng nền độc lập phú cường và phát triển tính nhân văn vững chắc rực rỡ cho thế hệ cháu con nghìn sau ngẩng cao đầu, tự hào chủng dân Lạc Hồng trong cụm dân cư bách Việt
Học Lịch sử Phật giáo Việt Nam không chỉ để biết sự có mặt và công lao đóng góp của các vị­­­­­­ Thiền Tăng trong quá khứ, mà còn là sự tri ân của chúng ta đối với các bậc tiền nhân đã đem máu xương mình trải xuống trên từng tấc đất, để gìn giữ giang sơn Đại Việt đẹp đẽ, nguyên vẹn biển trời và nền văn hiến đặc thù, nhân văn của tộc Việt, để thế hệ cháu con chúng ta hôm nay không cảm thấy bị tủi nhục khi đứng trước bè bạn năm châu.
Chúng tôi mong rằng những bài học Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam này sẽ nuôi dưỡng được niềm tự tin vào hồn thiêng sông núi Đại Việt của chúng ta đối với tổ tiên nghìn đời truyền lại; để người Việt Nam mãi chói sáng, hòa ái nhưng vẫn rất kiêu hùng như ông cha chúng ta đã từng xây dựng." Mắt Thương Nhìn Đời

Nguồn: http://www.matthuongnhindoi.org/index.php/phap-am/vii-lich-su-phat-giao/lich-su-duc-phat-2

Thursday, July 12, 2018

Kính Tiễn Thầy Thạch Lữ Thích Thiện Hữu

KÍNH TIỄN THẦY THẠCH LỮ THÍCH THIỆN HỮU
Hoà thượng Thích Thiện Hữu (1944-2018)

Hòa Thượng Thích Thiện Hữu thế danh Nguyễn Hữu Nghĩa thượng Như hạ Lễ tự Viên Nhơn, hiệu Thiện Hữu sinh năm Giáp Thân (1944) tại
xã Nhơn Khánh, quận An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh. Ngài viên tịch vào lúc 4 giờ ngày 30 tháng 6, 2018. Nhằm ngày 17 tháng 5, Mậu Tuất, hưởng thọ 75 tuổi.

Ngài xuất thân từ một gia đình thuần túy Phật Giáo, thân phụ của Ngài là cụ ông Nguyễn Hàn, Pháp danh Như Đà. Thân mẫu của Ngài là cụ bà Bùi Thị Thiệp, Pháp danh Như Cảnh. Ngài có tất cả 10 anh em, 5 trai và năm gái. Trong đó có 3 người con trai đã xuất gia đầu Phật, là bản thân Ngài, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Trì, và Thượng tọa Thích Viên Mãn.

Thuở thiếu thời được song thân cho xuất gia tu học với Hòa Thượng húy Không Hoa hiệu Huệ Chiếu với pháp danh Như Lễ dòng pháp phái Nguyên Thiều đời thứ 42. Sau khi Bổn sư viên tịch, Thầy cầu pháp với Hòa Thượng húy Không Tín hiệu Kế Châu được ban pháp hiệu Thiện Hữu pháp tự Viên Nhơn. Hoà thượng đã học tại Học viện Phước Huệ và Tổ đình Thập Tháp từ năm 1970-1973. Những năm sau 1981, Thầy hoằng pháp độ sanh tại chùa Phước Điền, thành phố Nha Trang, sau này sang Mỹ quốc.

Năm 2000, Thầy xuất ngoại để giúp chăm sóc bệnh tình của Sư Huynh người là Cố Hòa Thượng Thích Thiện Trì. Sau khi Sư huynh Thầy viên tịch, Thầy tiếp tục dấn thân trong GHPGVNTNHN VPII Viện Hóa Đạo. Sau này, Ngài cũng là một trong những vị giáo phẩm chứng minh GHPGVNTNHN VPII Viện Hóa Đạo tại Hoa Kỳ. Ngài thường nhắc nhở quý Chư Tôn Đức trong Giáo Hội rằng,  “Sống thì anh em cùng sống và chết thì ôm nhau mà chết”.

Thầy cũng là một nhà thơ, với tên là Thạch Lữ. Đây là hai trong những bài thơ tiêu biểu của Thầy.
 Nhớ Thầy
(Kỷ niệm ngày Hòa thượng Thích Kế Châu viên tịch)
Mở cửa nhìn sao sao lặng mất
Vào bàn thắp nến nến rơi châu.
Nhớ thầy con biết tìm đâu,
Nhìn lên di ảnh lệ sầu tràn mi.
Tiếc thương còn biết nói gì,
Nghẹt ngào sao nỡ Thầy đi vội vàng.
Bao nhiêu Phật sự dỡ dang,
Chúng con tử đệ một đàn thơ ngây.
Bây giờ con đã mất Thầy,
Chúng con mất cả đường đi lối về.
Thiếu Thầy như thiếu tình quê,
Từ đây như cả sơn khê cạn nguồn.
Thay bằng dòng lệ tràn tuôn,
Thay vì nỗi nhớ từ nguồn biệt ly.
Oái oăm thay cảnh phân kỳ,
Một lần tử biệt còn gì tài hoa.

Trăng Quê Chùa Tổ

Một thoảng hương bay nhẹ cõi lòng
Dạ lan theo gió quyện vào sông,
Đong đưa cành liễu trăng lùa bóng
Trời đầy sao từng chiếc long lanh,
Mây bay gió đuổi mây bay nhẹ
Mười sáu đêm nay trăng thật trong,
Yên ả chùa quê thanh tịnh quá
Rõ cảnh lòng ta ngộ sắc không.

Ngài là một hành giả Phật giáo với lòng tử tế, từ bi và luôn luôn đặt Đạo pháp và Dân tộc trên hết. Nay Ngài thị tịch, chúng con nhất tâm cầu nguyện Giác linh Ngài Cao Đăng Phật Quốc và xin ghi tạc bài thơ:

Tưởng nhớ Thầy Thạch Lữ Thích Thiện Hữu

Chùa xưa cảnh cũ còn đây
Thầy đi tự tại áng mây qua đồi
Phương xa thương xót bồi hồi
Trở về tĩnh lặng rừng chồi sắc không.

Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế húy thượng Như hạ Lễ tự Viên Nhơn, hiệu Thiện Hữu giác linh Hòa Thượng tân viên tịch thùy từ chứng giám.

Tâm Thường Định
Viết tại Orlando, Florida vào tháng 7, 2018.