Tuesday, August 14, 2018

QUÊ HƯƠNG VÀ HỒN ĐẠO Trong thơ văn Quách Tấn

Lời dẫn: Bài này viết để tham dự hội thảo với chủ đề Phật giáo và văn học Bình Định được tổ chức vào các ngày 3, 4 và 5 tháng 8 năm 2018 tại Tu Viện Nguyên Thiều, Bình Định.
Thầy Thích Phước An - ảnh Trần Quang Diệu

QUÊ HƯƠNG
HỒN ĐẠO
Trong thơ văn Quách Tấn
                                                                  Thích Phước An

Trong bài Đôi dòng cảm nghĩ về cuốn Võ Nhân Bình Định của Quách Tấn và Quách Giao do nhà xuất bản Trẻ phát hành vào năm 2001, Giáo sư Mạc Đường, nguyên viện trưởng viện Khoa Học xã hội TP.HCM có cho biết rằng, họ Quách, mặc dù ông tổ vốn dòng Mân Việt nhưng không chịu sống dưới chế độ Mãn Thanh nên đã rời bỏ Trung Quốc di dân sang Việt Nam. Đến thế hệ Quách Tấn và con là Quách Giao đã trên 300 năm. Vì sống tại Tây Sơn đã nhiều thế hệ “ nên họ Quách có biết dược nhiều sự kiện lịch sử ở địa phương. Nhất là thời đại Tây Sơn và phong trào Cần Vương. Gia phả của họ Quách đều có ghi lại các sự kiện lịch sử quan trọng này.

“Thân mẫu của Quách Tấn, thuộc phái họ Trần mà vào thời Tây Sơn đã có đến bốn người con trai phục vụ dưới trướng quân Tây Sơn. Di tích còn lại ngoài bản phổ hệ còn có ngôi mộ xây bằng vôi to lớn, tọa lạc tại thôn Trường Định. Đó là mộ của cụ ông Trần văn Phàn làm quan đến chức cai cơ thời Tây Sơn.

Chính nhờ thân mẫu mà nhà thơ Quách Tấn có biết được khá nhiều tư liệu về nhà Tây Sơn và lãnh đạo cần vương Mai Xuân Thưởng. Bên cạnh mẫu thân còn có nhiều bác, chú, cậu và thân hào trong huyện kể lại những điều mắt thấy tai nghe cho nhà thơ ghi chép. Tập trung tư liệu trong suốt 60 năm, từ thưở đi học cho đến lúc có được sự nghiệp văn chương, nhà thơ luôn luôn mang trong lòng hoài bão viết về quê hương của mình.

Vào năm 1968 Quách Tấn cho ra mắt tập Nước Non Bình Định, năm 1988 lại viết về văn nhân Bình Định, phát huy văn thơ của bốn cha con nhà họ Nguyễn ở thôn Vân Sơn huyện An Nhơn (tác phẩm họ Nguyễn thôn Vân Sơn). Đồng thời cũng vào năm đó, ông lại cho ra cuốn nhà Tây Sơn, do Nhà văn hóa thông tin Nghĩa Bình xuất bản.

Sau ba tác phẩm viết về Bình Định, ông còn nuôi hoài bão viết về võ Bình Định và hát bội Bình Định. Nhưng tuổi tác và nhất là bệnh tật đã không cho Quách Tấn toại nguyện, nên ông phải cùng con là Quách Giao cùng chung nghiên cứu và sáng tác. Ông qua đời đột ngột, Quách Giao con trai của ông đã dùng tư liệu của cha để hoàn tất hai tập Võ Nhân Bình Định và hát Bội Bình Định” (1).

Trong số 5 tác phẩm mà Quách Tấn đã viết về Bình Định đó, có lẽ tác phẩm Nước Non Bình Định là tác phẩm mà ông đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết nhất. Khởi đầu từ 1958 đến 1964 thì mới hoàn thành, chưa nói những năm còn đi học ở Quy Nhơn cũng như khi ra trường đi làm việc thì lúc nào ông cũng bận tâm tìm tư liệu nữa.

Trong tập hồi ký Bóng Ngày Qua, Quách Tấn cho biết vì sao ông bỏ công sức quá nhiều như vậy :

“Tôi viết Nước Non Bình Định như một đứa bé quá thương yêu mẹ, phải bám vào cổ mẹ mà nói một cách ngọng ngiu rằng: “Mẹ đẹp quá! Mẹ nhân đức quá! Con thương yêu mẹ quá, mẹ ơi!”. Phải nói lên để cho vơi bớt nỗi lòng và để mong anh chị em trong gia đình chú ý đến mẹ, thương yêu mẹ gấp năm gấp mười lên” (2).

Đọc câu trên của Quách Tấn khiến tôi liên tưởng đến nhà thơ Xuân Diệu trong bài thơ nổi tiếng Cha Đàng Ngoài, Mẹ Đàng Trong. Khi đề cập đến quê cha thì lời thơ dù thương cảm nhưng có cái gì hơi chua chát chứ không ngọt ngào, nồng hậu như khi nói về quê mẹ mình:

Quê cha Hà Tĩnh, đất hẹp khô rang
Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát
Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát
Bình Định lúa xanh ôm bóng Tháp Chàm

Với Quách Tấn ngoài việc ca ngợi người mẹ Bình Định đẹp, hiền từ, nhân đức ra, thì gần như tác phẩm nào viết về Bình Định ông cũng đều nhấn mạnh, đó là hào khí ngút trời của người dân Bình Định. Chẳng hạn trong lời mở đầu, Quách Tấn đã viết:

“Ngày xưa- có lẽ ngày nay cũng vậy:

Học trò Bình Định ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành

Để đi được cho đành, trước khi ra về, anh học trò Bình Định bèn rủ:

Mãi vui Hương Thủy Ngự Bình
Ai vô Bình Định với mình thì vô
Chẳng lịch bằng kinh đô
Bình Định không đồng khô cỏ cháy

Năm dòng sông chảy
Sáu dãy non cao
Biển đông sóng vỗ dạt dào
Tháp xưa làm bút ghi tiếng
Anh hào vào mây xanh

Mấy lời của anh học trò đa tình kia đã nói lên được những nét đại cương của tỉnh Bình Định.

Một tỉnh mà nền văn minh của Chiêm Thành còn để dấu nơi cổ thành, cổ tháp đã chịu tang thương trong bao nhiêu tinh sương mà tiếng anh hào của ba vua Tây Sơn ngày xưa và của Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ gần đây vang dội trong lòng người Việt Nam như tiếng sóng của Thị Nại vỗ vào Gành Ráng, Phương Mai, vỗ vào bóng mây trời giăng mặt biển.

Bình Định đại khái là thế và phong cảnh Bình Định, như anh học trò đã thú thật, không có vẻ thanh lịch, không có vẻ yêu kiều, cũng không được tráng lệ. Nhưng rất hữu tình trong vẻ thuần phác, trong vẻ kỳ cổ, trong vẻ thâm u. Và những vẻ đẹp ấy vốn ẩn tàng chứ không bộc lộ, khách vô tình hay khinh bạc không dễ thấy được chân tướng của non sông." (3)

Những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước khi đọc được tác phẩm NNBĐ của Quách Tấn, mỗi lần có dịp về thăm quê, thăm chùa, chùa tôi nằm dưới chân núi Bà, thuộc huyện Phù Cát chung quanh có núi non bao bọc, mỗi chiều tôi thường ra đứng trên nền gạch đổ nát hoang tàn của Tân Phủ Càng Dương, một trong những căn cứ quân sự của nghĩa quân Tây Sơn lập ra để canh chừng mặt biển rồi ngóng vọng về rặng núi phía Tây. Nhưng dường như lúc nào cũng mờ khuất sau những đám mây. Rồi tôi nhờ đến mấy câu thơ mà Quách Tấn đã khiêm tốn bảo là ca dao Bình Định nhưng thật ra theo chỗ tôi biết là do ông sáng tác:

Vững vàng tháp cổ ai xây
Bên kia Thú Thiện, bên này Dương Long
Nước sông trong
Dò lòng dâu bể
Tiếng anh hùng
Tạc để nghìn thu
Xa xa con én liệng mù
Tiềm Long hỏi chốn vân du đợi ngày

Thú Thiện, Dương Long là những cái tháp của người Chiêm Thành, vẫn đứng đó hơn mười thế kỷ nay như còn tiếc nuối cho một thời huy hoàng đã chôn sâu trong lòng đất.

Và dưới chân những ngọn tháp đó là nơi chôn nhau cắt rốn của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ và Bùi thị Xuân ở hậu bán thế kỷ 18 cùng Mai Xuân Thưởng lãnh tụ phong trào Cần Vương vào thế kỷ 19 và cũng là nơi chào đời của nhà thơ Quách Tấn nữa.

Tất cả những con người được ca tụng là vĩ đại đều tha thiết và gắn bó với nơi mà mình đã sanh ra. Vua Quang Trung cũng không nằm ngoài thông lệ ấy. Chẳng hạn, giờ phút được xem là vinh quang nhất của đời mình, vị tướng bách chiến bách thắng vẫn không quên nhắc đến quê hương nghèo khổ của mình, một cách đầy hãnh diện trong Chiếu Lên Ngôi được tuyên đọc tại Núi Bân, Thuận Hóa trước khi kéo đại quân ra Thăng Long quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược để chúng biết “Nước Nam anh hùng là có chủ”:

“Trẫm là người áo vải đất Tây Sơn, không một tấc đất, không có chí làm vua, chỉ vì lòng người chán ngán đời loạn, mong mỏi được vua hiền để cứu đời yên dân…”

Đúng hai thế kỷ sau tức là hậu bán thế kỷ 20 Quách Tấn cũng người đất “Tây Sơn áo vải” viết hai bài văn tế là nhân dân Bình Định tế vua Quang Trung, nhân dân Bình Khê tế Tây Sơn Tam Kiệt cùng bản tiểu sử được khắc bằng đá dưới tượng bán thân vua Quang Trung. Hai bản văn tế được tuyên đọc vào ngày mùng 5 tết trong lễ chiến thắng Đống Đa và ngày kỵ 3 Vua ngày 13 tháng 11, hằng năm trước 1975. Mỗi lần đọc hai bài văn tế và bản tiểu sử tôi có cảm tưởng là Quách Tấn đã làm sống lại trọn vẹn cái hào khí ngút trời mà Quang Trung Nguyễn Huệ và nhân dân Bình Định đã cống hiến cho tổ quốc vào hậu bán thế kỷ thứ 18.

Xin được trích một đoạn về vua Quang Trung trong bản văn tiểu sử Tây Sơn Tam Kiệt :

“Còn Vũ Hoàng sức mạnh cử đảnh, tài dụng binh như thần. Lại sùng thượng kinh văn, quý trọng đạo lý. Kẻ cao tài đạt đức được tôn kính bậc thầy, văn võ dưới cờ đều những trang khai quốc tuấn kiệt.

Thân Bố y tay trường kiếm, Vũ Hoàng gồm cả khí tượng họ Hạng, họ Lưu.

Quả là cái thế anh hùng.

Năm Tân Mão (1771) thống tâm vì cảnh đất chia nước loạn, trăm họ hết chỗ đặt tay chân, ba anh em Vũ Hoàng chiêu tập nghĩa binh, chịu gian nan mà dấy nghiệp lấy thành Quy Nhơn làm căn cứ. Rồi đánh vào Nam, tiến ra Bắc. Lòng xa gần đều theo, trăm trận trăm thắng. Thanh thế nhà Tây Sơn lừng lẫy.

Riêng Vũ Hoàng,

Ba lần bạt thành Gia Định, ba lần vào Thăng Long. Thắng chúa Nguyễn, diệt chúa Trịnh. Thu non sông về một mối. Tạo nên cơ nghiệp Võ Thang.

Lại hai phen tảo quân xâm lược. Năm Giáp Thân (1784) đánh tan 300 chiến thuyền xiêm La do Phúc Ánh lưu vong rước về.

Năm Kỷ Dậu (1789) quét sạch 29 vạn hùng binh Mãn Thanh do Duy Kỳ khất lân thỉnh về.

Do vậy mà dân tộc thoát ách vong nô.
Nhờ vậy mà tổ quốc vững nền độc lập.
Công thật cao như Trường Sơn.
Ân thật sâu như Nam Hải

Non sông đã định. Vũ Hoàng chăm lo việc trị bình:

Đắp quốc cơ theo tôn chỉ phú cường.
Sửa chính sự cho kỷ cương nghiêm túc.
Dùng chữ Nôm làm quốc gia văn tự.
Lập Sùng Chính Viện để đào tạo nhân tài.

Và cái nhục cống người vàng cho Trung Quốc rửa xong, Vũ Hoàng luyện tướng nuôi binh, quyết khôi phục phần đất Lưỡng Quãng.

Nhưng than ôi!

Năm sắt đá rèn gan, trời chưa kịp vá.

Khiến nhà Tây Sơn lâm vào bước suy vong.

Khiến nước Việt Nam lỡ mất cơ trường thịnh.

Tuy nhiên,

Danh Vũ Hoàng vẫn cùng núi Trưng, núi Tượng mà cao.

Và nhân dân Việt Nam vẫn ca rằng:

Non Tây áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình" (4)

Nhưng không chỉ có Quách Tấn người của “Tây Sơn áo vải” ca tụng Quang Trung Nguyễn Huệ người của đất Tây Sơn mà giới trí thức thời đó cũng như bây giờ đều đồng loạt ca tụng chiến thắng vĩ đại của dân tộc ở hậu bán thế kỷ 18.

Ngô Ngọc Du, một nhà thơ đương thời đã tận mắt chứng kiến:

Thành Nam thập nhị kình nghê quán
Chiếu diệu anh hùng đại võ công

Nghĩa là :

Nơi thành phía nam của Thăng Long
Có mười hai đống chôn xác giặc xâm lăng
Càng làm rạng rỡ đại võ công của bậc anh hùng

Mà đến hậu bán thế kỷ 20 vẫn còn làm rung động những nhà thơ lớn, như Bùi Giáng trong thi phẩm nổi tiếng Mưa Nguồn có bài Nguyễn Huệ với những câu như:

Bàn chân người đạp xuống
Bàn chân người bước lên
Hà Hồi chuông trống giục
Mười vạn quân theo gót
Tha thiết một niềm tin
Mây trời cao chót vót
Dòng nước cũng động mình

Và theo tôi, tất cả người Bình Định chúng ta phải lấy làm hãnh diện hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương sau đây:

Người ra Bắc oai danh mờ nhật nguyệt
Ôi! Ngàn năm rạng rỡ đất Quy Nhơn

Triều đại Tây Sơn tuy oanh liệt nhưng tồn tại quá ngắn ngủi không đầy 30 năm. Và điều lạ là sau khi Tây Sơn sụp đổ thì không thấy bất cứ một cuộc nổi dậy bằng võ trang nào để phục hồi nhà Tây Sơn? Các tướng lãnh Tây Sơn mà hầu hết là người Bình Định, đã quá tiêu cực và nhu nhược chăng? Trong khi đó tên vua bán nước Lê Chiêu Thống đã chạy theo tàn quân Tôn Sĩ Nghị sang Trung Quốc, vậy mà vẫn có những kẻ trung thành nổi dậy chống lại nhà Tây Sơn như Dương Đình Tuấn ở Yên Thế (Bắc Giang) như nhóm Phạm Đình Đạt, Phạm Đình Phan, Phạm Đình Dữ hoạt động rất mạnh ở vùng Lạng Giang, triều đình phải chật vật lắm mới tiêu diệt được.

Như vậy, các tướng lãnh Tây Sơn quan niệm thế nào về chữ trung? Vốn được đặt hàng đầu ở các triều đại phong kiến?

Trong tác phẩm Võ Nhân Bình Định, Quách Tấn có đề cập đến vấn đề này qua cuộc đối đáp giữa hai tướng Tây Sơn và Võ Văn Dũng người Phú Phong và Đặng Văn Long người huyện Tuy Phước.

Đại đô đốc Đặng Văn Long là người đã chỉ huy đoàn quân đánh vào đồn Khương Thượng ở phía tây thành Thăng Long, mở đường cho đại quân của vua Quang Trung tiến vào Thăng Long.

Sau khi vua Quang Trung băng hà, Cảnh Thịnh còn quá nhỏ để cho gian thần lộng hành. Đặng Văn Long chán ngán từ chức trở về quê dạy võ. Nhưng rồi nhận thấy kẻ học võ lúc này không có chí lớn, ai nấy cũng đều chỉ nghĩ tới quyền lợi riêng tư. Đặng Văn Long liền đóng cửa trường lên núi làm rẫy sống qua ngày.

Một hôm tướng Võ Văn Dũng, lúc này đang trốn tránh triều đình Phú Xuân biết nơi ẩn náu của Đặng Văn Long nên tìm đến thăm. Gặp lại cố tri, Đặng tướng quân vui mừng khôn xiết, Nhưng khi nghe Võ Văn Dũng bàn đến chuyện phục hưng nhà Tây Sơn thì Đặng lắc đầu nói:

“Tôi ra giúp nhà Tây Sơn đâu phải vì nhà Tây Sơn mà chính là vì tổ quốc. Nếu giặc Mãn Thanh không đem quân sang chiếm nước ta thì tôi mãi mãi là con hạc nội, máu đâu phải dính tay.
Còn nhà Tây Sơn thì chính Cảnh Thịnh đã làm mất. Song nếu vua không bỏ đích lập thứ thì đâu đến nỗi như vậy?
Nay đất đã mất mà lòng người cũng mất, hỏi còn mong làm được gì nữa? Mà dù có làm được thì làm để làm gì? Nếu không phải để tranh chiếm ngôi báu. Mà tranh ngôi báu cho ai? Cho nhà Tây Sơn hay cho chính mình? Thôi trên 30 năm trời đánh nhau, nhân dân đã quá điêu đứng rồi, không nên gieo rắc thêm tang tóc.

Võ tướng quân ra về, Đặng ở luôn trên núi cao. Trong nơi khói mây, không ai biết tướng Đặng Văn Long ở ngọn núi nào trong dãy Nam Sơn” (5)

Như vậy, hầu hết các tướng lãnh Tây Sơn đều chỉ chủ trương trung thành với tổ quốc với dân tộc chứ không trung thành với một cá nhân hay một triều đại nào.

Trong Nước Non Bình Định phần viết về núi non có lẽ được đánh giá cao nhất, trong một bài viết khi tác phẩm vừa ra đời, cố học giả Nguyễn Hiến Lê có nói rằng, ông vốn rất say mê các cửa biển miền Trung. Nhưng trong Nước Non Bình Định, Quách Tấn chỉ dành 18 trang để viết về biển, nên đọc xong vẫn còn thấy thèm. Ngược lại trong chương viết về núi non Quách Tấn Đã dành đến 80 trang. Và Nguyễn Hiến Lê đã tóm lược 80 trang mà Quách Tấn đã viết về núi như thế này:

“Trong tám mươi trang có tới trăm ngọn núi. Tuy không cao lắm nhưng “ Hùng Dũng Hiểm Tuấn” nhiều ngọn núi hình dáng kỳ dị như Mạ Thiên Sơn, đứng phía này mà ngó thì rất ngạo, hung tợn như “ há miệng mắng trời” nhưng đứng phía khác thì trông lại rất hiền lành ”lễ độ”, có phía coi như ông Phật ngồi, có phía như hổ nằm, mà từ trên cao nhìn xuống như cánh buồm.

Có núi hình dáng không kỳ dị, mà sắc thì diễm ảo như núi Xương Cá, những buổi trưa nắng gắt ờ xa trông vào thấy sát khí bốc lên ngùn ngụt. Còn vào những đêm trăng sáng, những buổi sớm tinh sương thì lóng lánh như hạt kim cương” (6).

Và trong hồi ký viết về cuối đời, tôi nhớ Nguyễn Hiến Lê vẫn quả quyết rằng: "Nhất là cảnh núi non mà tôi tin chắc rằng không ai viết hay hơn Quách Tấn được".

Trong hồi ký viết về Nước Non Bình Định Quách Tấn trả lời một độc giả ở Phú Phong nói rằng, tôi vào Hầm Hô đánh cá luôn, tôi chỉ thấy đá là đá, chớ có thấy gì đẹp đâu mà ông Quách Tấn ca tụng đến như thế”

Quách Tấn trả lời “ông vào Hầm Hô với tấm lòng mong được nhiều cá thì có bao nhiêu vẻ đẹp của Hầm Hô đều chui hết vào bụng cá rồi còn đâu mà thấy đẹp”.

Và tác giả NNBĐ kết luận: “ cái đẹp sẵn có trong tạo vật và vốn không bờ bến khi thấy hay không thấy và thấy đến mức độ nào là tùy từng người vậy” (7) 

Là một thi sĩ Quách Tấn luôn luôn xác định rằng, khi viết hai tập du ký, Nước Non Bình Định và Xứ Trầm Hương ông chỉ nhấn mạnh về phong cảnh, cổ tích, giai thoại, huyền thoại, là những cái dễ mất. Còn những gì thuộc về khoa học, thiên về chuyên môn thuần túy là những những cái thường còn thì nhường lại cho các nhà nghiên cứu và học giả.

Vì thế cho nên ta thấy trong Nước Non Bình Định và Xứ Trầm Hương gần như lúc nào Quách Tấn cũng nhắc đến câu “ khó tin rằng có, khó ngờ rằng không”. Một lần ngồi trò chuyện về thi ca với ông, tôi đọc cho ông nghe bốn câu thơ của ngài Cưu Ma La Thập :

Tâm sơn dục minh đức
Lưu huân vạn do diên
Ai loan cô đồng thượng
Thanh âm triệt cửu thiên

Nghĩa là :

Ở trong núi nuôi dưỡng các đức tính chói sáng
Hương thơm tỏa ra hàng vạn dặm
Rồi cũng giống như con chim loan
Cất tiếng kêu buồn thảm trên cây ngô đồng
Âm thanh của nó vọng đến chín tầng trời

Ông trầm trồ khen ngợi hay quá và nói rằng “ Tâm sơn dục minh đức” là điều mà tôi muốn thể hiện trong các tác phẩm của tôi đặc biệt là hai tác phẩm Xứ Trầm Hương và Nước Non Bình Định.

Nhưng giai thoại hay huyền thoại theo Quách Tấn không có nghĩa là mê tín dị đoan. Nơi trang 248 trong Xứ Trầm Hương, khi viết về chùa Linh Sơn ờ Vạn Giã (Khánh Hòa ), Quách Tấn đã đề cập đến những vấn đề quan trọng như phép lạ, thần thông biến hóa, tức là những vấn đề mà thời nào, ở đâu cũng có một số người lợi dụng để khoe khoang về trình độ tu chứng của mình, nhằm mê hoặc những người thiếu hiểu biết, thiếu suy xét với mục đích không khác gì hơn là đem về lợi lộc cho bản thân mình:

Chùa Linh Sơn ờ Vạn Giã được thành lập vào năm 1761, khai sơn là hòa thượng Đại Bửu, pháp hiệu Kim Cang Lão Tổ. Quách Tấn viết :

“Tục truyền rằng, khi hòa thượng đến ngồi tu thiền dưới gốc cây kén, thì con hổ đến sanh ở bên cạnh một cách tự nhiên”, Quách Tấn đặt câu hỏi vả tự trả lời “ không có gì lạ cả” vì sao ? Ông dẫn chứng “bác sỹ Yersin khi đi tìm Đà Lạt, gặp một con rắn hổ mang cất cổ toan làm dữ. Bác sỹ đứng yên, hồi lâu rắn bò đi. Người ta ngờ rằng bác sỹ có thuật thôi miên. Nhưng bác sỹ Yersin giải thích:

- Thú dữ cắn người , trước hết là để tự vệ. Nhưng chúng đều có tánh linh và rất nhạy cảm. Một khi chúng đã thông cảm rằng mình không có ác tâm, không có ý làm hại chúng, thì chúng có cần hại mình làm chi”.

Rồi Quách Tấn giải thích trường hợp ngài Đại Bửu trong tinh thần Phật Giáo “ngài Đại Bửu cũng thế, từ thiện căn lực của Ngài tỏa ra từ thiền định, khiến con hổ yên tâm lo nhiệm vụ của mình.

Các vị chân tu sống bình yên trên núi cao đều nhờ đức từ bi chứ không phải phép lạ, hoặc thần thông biến hóa mà chế ngự được thú dữ.

Nhưng người đời không hiểu rõ, tưởng ngài Đại Bửu có phép lạ, đến Quy y mỗi ngày một đông” (8) 

Cuối rặng núi Bà ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát có một ngôi chùa, dù chùa có tên chính thức là Linh Phong nhưng người dân ở đây đều gọi là chùa Ông Núi. Theo Quách Tấn trong nước non Bình Định thì :

“ Người địa phương gọi là Ông Núi, vì thấy nhà sư tu ở trên núi suốt năm.

Truyền thuyết nói rằng, Ông Núi dùng vỏ cây làm y phục, và ít khi xuống đồng bằng. Thỉnh thoảng cần lương thực thì Ông Núi mới gánh một gánh củi xuống chân núi để ở ngã ba đường, rồi lên núi trở lại. Hôm sau người trong vùng đem muối , gạo đến để đó rồi gánh củi đem về nhà chụm. Hôm sau Ông Núi đến nhận muối gạo, nhiều ít không cần biết, mất còn không bận tâm. Nhưng những khi trong vùng có bệnh dịch thì nhà sư đem thuốc xuống núi cứu chữa. Chữa xong lên núi ngay, một cái vái chào cũng không nhận.

Ông Núi viên tịch vào đời Tây Sơn (1771 – 1802). Hiện còn bảo tháp song có người bảo rằng tháp mới xây sau này để kỷ niệm, chứ thật ra Ông Núi đã bỏ đi mất từ khi gian thần Trương Phúc Loan chuyên quyền, trong nước loạn ly, nhân dân lầm than, Ông Núi một đi không trở lại và không biết đi về đâu(9).

Vào mùa hè năm Mậu Dần (1938) Quách Tấn đến viếng chùa. Ông đến để tìm lại cái hang đá mà Ông Núi đã từng tham thiền nhưng “hang đá bỏ vắng lâu đời, đường vào hang gai lấp, cửa vào hang mây phủ kín ”chẳng thấy Ông Núi đâu hết, chỉ thấy cái tháp Ông Núi đứng trơ vơ trong nắng chiều:

Có chăng? Chăng mất: người trong tháp
Có đó mà không: núi ẩn cây
Bởi vậy nên thi nhân chỉ còn biết:
Đành gửi nhớ thương chương ký ức
Nghìn sau khói nhạt mối tình xưa

Dù không tìm thấy dấu vết của Ông Núi, nhưng Quách Tấn đã tìm thấy một buổi chiều, một buổi chiều mà ông đã ghi lại, bằng những câu rất đơn giản. Nhưng sau những câu đơn giản đó, ta có cảm tưởng như có một xanh vĩnh cửu vừa chớm dậy trong hồn thi nhân:

“Người đến viếng chùa, long không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ. Ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa hẳn khỏi trần tục:

Gió ru hồn mộng thiu thiu
Chuông chùa rơi rụng bóng chùa đầy non

Nếu không có tiếng chuông lây mộng, thì mộng vẫn còn mãi trong bóng mây ráng” (10).

Đọc mấy dòng đơn giản trên, tôi nhớ một người yêu thơ Quách Tấn đã nhận xét: "Người thơ chỉ sống trong một thoáng cũng bằng kẻ phàm trần sống một đời dài khi lòng đã đánh mất đi cái bản chất thanh tịnh của thiên nhiên" (11)

Và có phai đúng như lời của Khổng Tử được truyền tụng từ gần 25 thế kỷ nay là người say mê cái đẹp của núi non là người nặng lòng nhân (Nhân Giả Nhạo Sơn?).

Chắc chắn là như vậy rồi. Những bài thơ tuy ngôn ngữ giản dị nhưng vô cùng hàm súc sau đây sẽ cho chúng ta thấy, tấm lòng của thi nhân, chẳng những đối với chim chóc mà ngay cả những bông hoa dại trên đương quê, cũng được thi nhân trân trọng và nâng niu trong cõi thơ của mình.

Vào một buổi chiều, có lẽ là buổi chiều mùa đông. Quách Tấn đang đi dạo trên con đường quê, chợt ông nhìn thấy trên cành cây bênh vệ đường có một tổ chim. Nhìn kỹ thì ông thấy đó là tổ chim sâu. Con chim mẹ đang đút mồi cho chim con. Quan sát cảnh tượng đầy cảm động ấy. Quách Tấn đã ghi lại cảm xúc của mình trong một bài thơ có tên là Nhánh Chiều:

Chiều đọng nhánh mồ côi
Nhìn chim sâu đút mồi
Nhớ thương tràn gió lạnh
Làng cũ bóng mây trôi

(Mộng Ngân Sơn)

Rainer Maria Rilke, thi sĩ của nước Đức, trong tác phẩm lừng danh Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi , đã khuyên những người làm thơ trẻ rằng, khi náo mà thấy tâm hồn mình cô đơn, cằn cỗi thì hãy hồi tưởng lại tuổi thơ bé bỏng của mình.

Đúng là như vậy rồi, cứ mỗi lần đọc hai câu:

Nhớ thương tràn gió lạnh
Làng cũ bóng mây trôi

Là tâm hồn tôi lại tràn ngập một tình yêu mênh mông khó tả về một làng quê nghèo khổ ở dưới chân Núi Bà huyện Phù Cát nhưng lại rất có nhiều mây trắng và nắng vàng đã xa xôi.

Và chẳng phải sứ mệnh thiêng liêng của bất cứ thi sĩ chân chính nào trên mặt đất này cũng đều phải khơi dậy cho được tình yêu thương đó đến trên cuôc đời vốn dĩ thiếu vắng tình thương này hay sao?

Cũng vào một buổi chiều trên con đường quê, nhưng lần này thì lại khác hẳn, nghĩa là không phải nhìn chim sâu đút mồi nữa, mà Quách Tấn lại nhìn thấy hai con Sáo Sậu đang tương tàn với nhau trên lưng con trâu:

Lưng trâu đôi sáo sậu
Không chút lòng thương nhau
Lông cánh tơi bời rụng
Ngày chiều gió thổi mau

( Mộng Ngân Sơn)

Có lẽ với hầu hết chúng ta, quanh năm suốt tháng chỉ bận tâm đén những vấn đề mà chúng ta cho là đại sự, mà quên những gì có vẻ tầm thường và nhỏ nhặt, như chuyện hai con sáo sậu đang tương tàn với nhau chẳng hạn. Nhưng với Quách Tấn thì chuyện đó chẳng hề là tầm thường và nhỏ nhặt tý nào. Cứ đọc hai câu cuối:

Lông cánh tơi bời rụng
Ngày chiều gió thổi mau

Thì ta có thể thấy được tâm trạng của ông khi nhìn thấy hai con sáo sậu tương tàn với nhau. Dường như, đối với ông lúc đó bầu trời như chợt tối sầm lại?

Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm là, dù trong thơ Quách Tấn có nhắc nhiều đến những cảnh mà chỉ có người đã sanh ra và lớn lên ở thôn quê thì mới biết “Co ro thân cò lép, bến lạnh đứng rình mồi”, “Qua hàng tre nắng nhuộm, dòn dã tiếng cu cườm”, “Lắc lư chim chèo bẽo, trên nền trời rạng đông”, “Nắng nhuộm đồng lúa thơm, hương theo ngọn gió nồm” hay “ Vườn xưa muôn cách trở, phảng phất mùi hoa cau” chẳng hạn, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể xếp ông như một nhà thơ thuần tuý nói lên cái đẹp của đồng quê Việt Nam như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ hay Nguyễn Bính mà theo tôi, phải xem Quách Tấn như một nhà thơ lúc nào cũng bâng khuâng đi tìm kiếm một quê hương tâm linh cho chính mình:

Chiều chiều trong nước Lại Giang chảy
Thấp thoáng buồm treo mộng cố hương

Như Quách Tấn đã khẳng định nhu vậy trong tập thơ Mùa Cổ Điển, từ thuở còn trai trẻ của ông.

Dường như thi nhân là những kẻ trực nhận một cách mạnh mẽ hơn ai hết sự mong manh, thoáng chốc của mọi thứ mà con người tự cho là hạnh phúc trên cuôc đời này. Trong khi đoàn tụ thì thi nhân đã linh cảm đén lúc phải chia ly, trong cảnh vui vẻ đầm ấm của gia đình thì thi nhân đã nghĩ ngay đến những bất hạnh đang chờ trước mắt:

Ánh lửa hoang hôn đã lập lòe
Oanh Vàng còn nuối bóng hoa lê
Hỡi anh trương ná dừng tay lại
Cửa tổ con đang ngóng mẹ về

( Động Bóng Chiều)

Quách Tấn có bi quan lắm không? Chắc chắn là không. Ông chỉ muốn nói lên một sự thật, dù sự thật ấy có hơi phủ phàng. Nếu bi quan thì làm sao ông có thể gần như “Van xin” con người hãy bớt tàn ác đi, đừng bóp chết những hy vọng mong manh của cuộc đời vừa mới chóm dậy?

Hỡi anh trương ná dừng tay lại
Cửa tổ con đang ngóng mẹ về

Đó là Quách Tấn đối với chim chóc, tức là những sinh vật cũng biết đau đớn, cũng ham sống và sợ chết như con người có lẽ chúng chỉ khác con người ở chỗ, con người biết tính toán hơn thua và nhất là đủ nhẫn tâm để tàn hại chúng mà thôi.

Còn đối với cỏ cây hoa lá thì sao?

Mặc dù hầu hết chúng ta đều xem cỏ cây hoa lá là những vật vô tri, vô giác, là thứ khi nào cần thì chúng ta bẻ đem vào để trang hoàng cho những cuộc vui của chúng ta, xong cuộc vui thì đem vứt vào đống rác khổng lồ ở các thành phố mà không hề có một lời cảm ơn vì nó đã góp phần tô điểm cho cuộc vui vô bổ đó.

Quách Tấn có hai bài thơ nói lên hết tất cả tấm lòng của ông đối với hoa.

Trong Mộng Ngân Sơn:

Tình Quê phong nhụy thắm
Đơn chiếc nở bờ hương
Không nở đưa tay hái
Nghiêng lòng đón lấy hương
Và trong Giọt Trăng:

Thương hoa không nở hái
Hoa rụng lòng thêm thương
Vén cỏ chiêu hồn lại
Ngàn xanh hiu gió sương

Đây không chỉ thuần túy là sự trang trọng của một nghệ sỹ trước vẻ đẹp của hoa, mà chắc chắn đã phát xuất từ tấm lòng của một tâm hồn đa cảm, xem hoa cũng có tâm hồn như chính mình.

Đọc hai bài thơ trên của Quách Tấn tôi lại liên tưởng đến thiền sư Huyền Quang đời Trần ở thế kỷ thứ 13.

Thiền sư vốn rất mê bông cúc, ông có đến những sáu bài thơ vịnh bông cúc.

Trong sáu bài thơ đó, có một bài ông trách nhẹ các cô gái không thấy được vẻ huyền diệu của hoa, mà cứ đến đâu hễ thấy hoa là ngắt cài đầy lên mái tóc của mình rồi mới chịu ra về:

Niên niên hòa lộ hướng thu khai
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ
Mãn đầu tùy đáo tháp quy lai

Nghĩa là :

Hàng năm cùng sương móc, vào thu hoa cúc nở
Trăng thanh gió mát, thỏa thích tấc lòng
Thật đáng cười cho kẻ không thấy vẻ huyền diệu của hoa
Đến đâu là hái hoa dắt đầy đầu mà trở về

Ta có thể giải thích như thế này, nếu như tất cả con người trên mặt đất ai cũng thấy được vẻ huyền diệu của hoa như thiền sư Huyền Quang ở đời Trần và thương hoa nhưng không nỡ đưa tay hái chỉ nghiêng mình đón lấy hương như Quách Tấn ở hậu bán thế kỷ 20, hì có lẽ nhân loại ở ngày hôm nay đã tránh được hậu quả vô cùng tai hại như thiên tai, bão lụt, động đất và nhất là trái đất ngày càng nóng lên như các nhà môi sinh đã báo động liên tục chăng?

Trước khi dứt lời, xin được trở lại dòng sông Côn trong Nước Non Bình Định, con sông quan trọng nhất trong 5 dòng sông của đất Bình Định.

Theo Quách Tấn, sông manh nha bắt nguồn từ 3 tỉnh: Quảng Ngãi, KonTum và Bình Định rồi chảy xuống thị trấn Phú Phong qua làng Kiên Mỹ trước nhà vua Quang Trung, nên trong bài văn tế vua Quang Trung, Quách Tấn viết:

Dòng Côn thủy mây lồng thức gấm
Mãn vui tình mai liễu độ xuân
Đỉnh Tây Sơn gió cuộn sóng tùng
Chạnh tưởng đấng anh hùng cứu quốc

Nhưng vì sao lại đặt là Côn Giang?

Quách Tấn giải thích :

“Chữ Côn mượn trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử.

“Biển Bắc có loài cá Côn. Bề lớn của Côn không biết mấy nghìn dặm. Côn hóa thành chim gọi là Bằng. Lưng của Bằng rộng không biết bao nhiêu dặm. Vùng vẫy bay, cánh như đám rũ ngang trời. Loài chim ấy khi biển động thì dời sang biển Nam. Biển Nam là ao trời. Khi Bằng dời sang biển Nam thì nước sóng sánh ba nghìn dặm. Liệng theo gió lốc mà lên chín vạn dặm. Đi cứ sáu tháng mới nghỉ.”

Mượn tên Côn mà đặt cho sông, cổ nhân dụng ý cầu mong cho con cháu sanh trưởng trên đất đã sản xuất các bậc hào kiệt như Nguyễn Huệ, Bùi thị Xuân, Mai Xuân Thưởng… mà dòng sông Côn nhuần thắm, có ngày trỗi dậy “quạt cánh Bằng bay chín vạn tầng cao… Nếu không được như thế, thì ít ra cũng đừng làm những giống cá con con hễ thấy mồi con là đớp” (12).

Đó là hoài bão, là kỳ vọng mà Quách Tấn tiên sinh đã gửi đến cho tất cả người dân Bình Định của chúng ta hiện nay và cả mai sau nữa chăng?

Nha Trang, cuối xuân Mậu Tuất (2018)
Thích Phước An


Ghi chú:

(1). Võ Nhân Bình Định, NXB Trẻ 2001 TP.HCM, các trang 5,6,7
(2). NNBĐ, NXB Thanh Niên, 2002 TP.HCM, tr 3,4
(3). SĐD trang 3,4
(4). SĐD tr.3,4,1-3,4,2
(5). Võ Nhân Bình Định, Tr. 298-299
(6). NNBĐ. Phần phụ lục, Tr. 517
(7). SĐD. Phần phụ lục, Tr. 517
(8). Xứ Trầm Hương. NXB văn học nghệ thuật KH 2002, tr.248
(9). NNBĐ. Tr. 267-268
(10). NNBĐ. Tr.272
(11). Hương thơ Quách Tấn, nhiều tác giả, nxb hội nhà văn 2002. Tr.26
(12). NNBĐ. Tr.116

Friday, August 10, 2018

VÙNG VỊNH CÓ GÌ LẠ?

Vô gia cư và Rác - Berryessa Rd and N-680 exit - Photo: BXK
This writing hopes to bring awareness on homelessness and health safety for the urban, especially in San Jose.  Chứng kiến cảnh tượng Vô gia cư (homeless) ở vùng vịnh, viết như là tiếng kêu gọi chính quyền cải tiến trong sự việc này, ở Vùng vịnh nói riêng và những thành phố lớn ở Hoa Kỳ nói chung.

VÙNG VỊNH CÓ GÌ LẠ?

Về vùng vịnh thăm em
Chưa bao giờ buồn thế
Biết bao điều muốn kể
Rác rưởi khá nhiều nơi

Người không nhà tả tơi
Lang thang từng bước nhỏ
Giữa đêm thanh trăng tỏ
Người và thú có* nhau 

Giữa nỗi niềm buồn đau
Giàu và nghèo xa cách
Buồn thay những chính sách
Người giàu càng giàu thêm

Lang thang trong cõi đêm
Mới thấy mình tay trắng 
Đời giàu nghèo cay đắng
Ai quên đời ngủ say?

Bạch Xuân Phẻ
('Người và thú gần/có/nương nhau')


CHIỀU VÀNG








Chiều tà - nơi ngủ đêm của chuyến Ba lo đường dài - Photo: BXK
CHIỀU VÀNG





Chiều tà nắng và gió
Cát hú biển gầm gừ
Cỏ cây nhảy cùng gió 
Thân qua đây mệt đừ

Chiều tà hoang vắng quá
Thiên nhiên cõi thần tiên
Nước buông mềm lòng đá
Tâm qua đây dịu hiền

Chiều tà trong cõi vắng
Loang dần bóng gầy hao
Thấy giọt mưa trong nắng
Sanh tử nào thanh tao?

Chiều tà vơi sầu mộng
Bám víu chi nặng lòng?
Xin đừng làm nước đọng
Nước trong cõi hư không! 

Bạch X. Phẻ

Tuesday, August 7, 2018

Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ giới thiệu lợi ích thực tập Tỉnh Thức tại Học Khu Colton Joint - Đoàn Hưng / SBTN


Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ giới thiệu lợi ích thực tập Tỉnh Thức tại Học Khu Colton Joint


Vào sáng Thứ Năm 2 tháng 8, tại trường Trung Học Grand Terrace thuộc Học Khu Colton Joint (Quận Hạt San Bernadino, Nam California), Tiến Sĩ Giáo Dục Bạch Xuân Phẻ đã có buổi thuyết trình với đề tài “Phát Triển Kỹ Năng Chuyên Môn Của Giáo Viên Nhờ Vào Sự Tỉnh Thức”. Có khoảng 100 giáo viên đến tham dự hai buổi thuyết trình. Và họ đã tỏ ra rất thú vị, quan tâm đến đề tài này.
Tiến Sĩ Phẻ là giáo viên dạy môn Hóa Học tại trường Trung Học Mira Loma- Sacramento. Đồng thời, anh là người thực hành và giảng dạy về  “Sự Tỉnh Thức”, là thành viên của Instructional Leadership Corps member -Chương trình Giáo viên dạy Giáo viên của Stanford và Hiệp Hội Giáo Chức California (California Teacher Association- CTA). Kể từ năm 2014, anh cùng CTA đã tổ chức những khóa huấn luyện “ Tỉnh Thức” cho khoảng trên 2,000 giáo viên thuộc nhiều học khu California, thuộc mọi thành phần sắc tộc, tôn giáo khác nhau. Những giáo viên này thấy được sự lợi lạc, nên sau đó đã đem sự thực hành “Tỉnh Thức” đến với học sinh của mình trong các trường học ở California và cả tiểu bang khác.
Có thể gọi Sự Tỉnh Thức bằng nhiều tên gọi: Mindfulness, hay Chánh Niệm, hay Tĩnh Tâm, hay Trực Giác Bén Nhạy… Sự Tỉnh Thức được hiểu một cách đơn giản như là khả năng nhận biết rõ ràng những gì đang xảy ra ngay trong giây phút hiện tại, mà không phán xét chúng. Đó là khả năng quan sát những gì đang xảy ra trước mắt, nghe những âm thanh đang đến bên tai, cảm nhận những xúc chạm đang đến trên từng bộ phận cơ thể trong giây phút hiện tại. Đi xa hơn nữa, đó là khả năng nhìn thấy được những tình cảm vui, buồn, ghét, thương đang khởi lên trong tâm thức, hay những dòng suy nghĩ không ngừng xuất hiện trong trí óc của chúng ta.
Vì sao Sự Tỉnh Thức lại quan trọng đối với một học sinh? Tiến Sĩ Phẻ đã kể lại rằng trong cuộc đời dạy học 16 năm của mình, đã có 5 học sinh của anh tự tử vì không thể chịu nổi những cảm giác căng thẳng, tuyệt vọng trong gia đình, trường học. Ở độ tuổi trung học, lẽ ra là lứa tuổi chỉ có niềm vui, do chưa phải đối diện với những căng thẳng trong cuộc sống “cơm áo gạo tiền”. Vậy mà ngay trên đất nước Hoa Kỳ giàu có, khoa học kỹ thuật phát triển nhất hành tinh này, các em học sinh đã phải trải qua những cảm xúc tiêu cực mạnh đến nỗi các em không còn muốn sống nữa. Nếu biết làm chủ được những cảm xúc hủy diệt đó, có thể các em đã không tự kết liễu đời mình. Thực tập Sự Tỉnh Thức sẽ giúp cho các em rèn luyện khả năng làm chủ bản thân này.
Nói đến sự quan trọng của việc làm chủ cảm xúc, Tiến Sĩ Phẻ nhắc lại câu chuyện của một người, từng tiếp xúc với 14 tù nhân bị các bản án nặng do phạm tội đại hình. 14 tù nhân đang phải thọ những án tù tổng cộng đến 426 năm. Họ được hỏi đã suy nghĩ bao lâu trước khi quyết định thực hiện hành vi tội ác đã dẫn đến tù tội. Câu trả lời: người suy nghĩ lâu nhất là 5 phút, còn người suy nghĩ nhanh nhất chỉ là 2 giây! Tổng cộng lại, 14 người đã suy nghĩ trong khỏang 14 phút trước khi hành động, và cái giá phải trả là 426 năm tù! Nhiều người trong số họ đã cảm thấy hối tiếc, cho rằng nếu lúc đó mình tỉnh táo hơn, kiểm soát được cảm xúc tốt hơn, thì có thể giờ này họ đã không phải chịu cảnh tù đày.
Nếu có thực tập Sự Tỉnh Thức, có thể họ đã không như vậy. Bởi vì khi đối đầu với những điều bất như ý gây ra sự giận dữ, mất tự chủ, những người này đã hành động như một “phản ứng” (reaction) mà không kịp suy nghĩ, cân nhắc. Nếu có Sự Tỉnh Thức, thì giữa hoàn cảnh và hành động sẽ có Sự Tỉnh Thức làm bước trung gian, cho nên họ sẽ “đáp ứng” (response) lại hoàn cảnh một cách khôn ngoan, tự chủ hơn. Vài giây tỉnh thức có thể làm thay đổi cả một đời người!
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh những lợi ích khác nhau của việc thực hành Sự Tỉnh Thức đem đến cho các em học sinh trong học tập. Khả năng tập trung của các em cao hơn. Các em tiếp thu kiến thức tốt hơn. Khả năng sáng tạo, đáp ứng nhanh những tình huống khác nhau  tốt hơn. Đối với giáo viên cũng thế. Một giáo viên có thực hành Sự Tỉnh Thức sẽ là một giáo viên vui vẻ, trầm tĩnh, hướng dẫn học sinh trong tình thương yêu. Và để giúp các em thực hành Sự Tỉnh Thức, bản thân người giáo viên cũng phải là người có kinh nghiệm về sự thực hành này.
Theo Tiến Sĩ Phẻ, để có khả năng Tỉnh Thức trong học tập, giảng dạy, giáo viên và các em học sinh phải thường xuyên thực hành hằng ngày. Giống như việc các em phải đánh răng mỗi ngày, chứ không thể viện cớ “hôm qua đã đánh răng rồi thì hôm nay không cần đánh nữa”. Mà sự thực hành Tỉnh Thức có thể bắt đầu từ những điều hết sức đơn giản, và không mất nhiều thời gian. Tiến Sĩ Phẻ đã cho các giáo viên thực hành tại chỗ chỉ trong vòng 2 phút. Ngồi thẳng lưng trong tư thế thư giãn. Ngồi yên lặng thảnh thơi trong hai phút mà không làm việc gì, không chờ đợi bất cứ điều gì, và xem như mình không là gì quan trọng cả. Chỉ cần 2 phút như vậy, sẽ thấy tâm trí của mình nhẹ nhàng như vừa được làm mới trở lại.
Một yếu tố quan trọng của việc thực hành Sự Tỉnh Thức đó là tìm một đối tượng để tập trung tâm ý của mình lại, giống như cái neo (anchor). Ý nghĩ của một người vận hành liên tục như một con ngựa bất kham, phải luyện tập cho nó biết dừng lại để nghỉ ngơi. Tiến sĩ Phẻ cho rằng hơi thở là “cái neo” rất tốt cho việc tập trung dòng suy nghĩ. Bởi vì không ai có thể sống mà không hít vào, thở ra. Sự hít thở là đơn vị thời gian căn bản của sự sống, và luôn có sẵn trong mọi con người. Các em học sinh có thể tự tạo cho mình những giây phút tĩnh lặng ngay trong lớp bằng cách trở về theo dõi hơi thở. Chỉ cần làm quen với công việc này, khả năng lấy lại sự tập trung của các em sẽ tốt hơn.
Một phương tiện đơn giản khác để tập trung tâm ý đó là những bước chân. Tiến Sĩ Phẻ đã hướng dẫn các giáo viên thực tập bước chân chậm rãi trong Sự Tỉnh Thức. Ý thức được từng nhịp chân khi dở bàn chân lên, đưa bàn chân lên phía trước, và đặt bàn chân xuống đất. Anh cũng kể lại kinh nghiệm của anh và các em học sinh trong lớp học có một bạn vừa tự tử. Hôm đó, anh và các em vào lớp với tâm trạng buồn bã. Anh nói với các em rằng anh không thể dạy học ngay trong lúc đó, và muốn đi bộ một chút cho tâm hồn thư thái hơn, và đề nghị các em đi theo nếu muốn. Và không ngờ, cả lớp cùng bước đi theo anh. Anh đã chỉ cho các em đi chậm rãi trong Sự Tỉnh Thức để vượt qua cảm giác buồn rầu, thất vọng.
Chỉ trong một buổi nói chuyện chưa đến 1 giờ, các giáo viên dự buổi thuyết trình đã nắm được nhiều điều bổ ích về Sự Tỉnh Thức. Một giáo viên lớn tuổi người Mỹ trắng sau giờ thuyết trình đã đến cảm ơn Tiến Sĩ Phẻ đã cho ông một công cụ rất tốt để hướng dẫn các em học sinh của mình trong tương lai.Tiến Sĩ Phẻ cho biết những buổi huấn luyện về Sự Tỉnh Thức tại các học khu khác nhau thường có rất đông các giáo viên tham gia, và thường xuyên nhận được những nhận xét tích cực như vậy.
Tiến sĩ Phẻ rất mong được giới thiệu chương trình huấn luyện của mình đến với những đoàn thể thanh thiếu niên của cộng đồng Người Việt Hải Ngoại. Những lợi ích đem lại cho các em là vô cùng to lớn, trong một xã hội Mỹ ngày nay ngày càng có nhiều áp lực, căng thẳng trong đời sống thường ngày. Sự căng thẳng, áp lực đến với những người thuộc mọi lứa tuổi, trong đó có cả các em học sinh từ tiểu học đến trung học. Sự Tỉnh Thức sẽ là một hành trang hữu ích cho các em từ thuở cắp sách đến trường, cho đến cả giai đoạn trưởng thành ra đời sau này.
                                                       Đoàn Hưng / SBTN

Photos - Hình ảnh - Hưng Đoàn.

Saturday, August 4, 2018

THANH TỊNH TÂM - Làm Sao Một Vị Tu Sĩ Phật Giáo Với Văn Bằng Tiến Sỹ Trong Tâm Lý Học Kết Hợp Triết Học Đông Phương và Tây Phương Để Tìm Sự Tĩnh Lặng của Nội Tâm

THANH TỊNH TÂM - Làm Sao Một Vị Tu Sĩ Phật Giáo Với Văn Bằng Tiến Sỹ Trong Tâm Lý Học Kết Hợp Triết Học Đông Phương và Tây Phương Để Tìm Sự Tĩnh Lặng của Nội Tâm

Không có gì lạ lắm cho sinh viên hậu đại học (cao học và tiến sỹ) về sự căng thẳng. Trong thực tế, một nghiên cứu năm 2012 của Đại học nổi tiếng Berkeley, California, cho thấy rằng 45% sinh viên hậu đại học báo cáo có một vấn đề khủng hoảng cảm xúc hoặc liên quan đến căng thẳng trong việc học. 

Mặc dù họ không thể làm cho những căng thẳng trong cuộc sống biến mất, họ có thể kiểm soát cách họ phản ứng với những cảm thọ đó như thế nào. Đối với Tiến sĩ Quyền Hồ (tức là Tu sĩ Thích Đạo Quảng), ra trường năm 2017, một Tăng sĩ Phật giáo đang sống ở Baton Rouge, Louisiana, người đỗ bằng tiến sĩ về Tâm lý học từ trường Đại học Walden, giải pháp có thể tìm được bằng sự sọi thấy vào nội tâm của mình. Năm 1994, sau khi định cự tại Hoa Kỳ từ một ngôi làng nhỏ tại Việt Nam, Thầy Thích Đạo Quảng đã và đang cống hiến cuộc đời của mình để giúp đỡ  người khác tìm thấy sự bình an và hạnh phúc thông qua Thiền chánh niệm.

"Thiền chánh niệm là một phương pháp giúp cá nhân ý thức về những suy nghĩ, cảm xúc, cảm thọ, và cảm giác vật lý của mình trong thời điểm hiện tại mà không phán xét và không có phản ứng liền," Thầy giải thích như vậy; Người cũng được học trò của mình gọi bằng "Thầy", có nghĩa là vị Thầy cố vấn tâm linh, Thầy nói tiếp, "Mọi người ai cũng đều có thể thực hành pháp môn chánh niệm này."

Thông qua các nghiên cứu của mình, Thầy Thích Đạo Quảng tìm cách đưa triết học Phương Đông và Phương Tây gặp gỡ trong hòa hợp và tương đồng. "Xã hội hiện đại khiến nhiều người khó có thể nhìn vào nội tâm chính họ", Thầy tâm sự. "Tôi tin rằng những người có cơ hội thực hành thiền chánh niệm có thể đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống nội tâm và cuộc sống bên ngoài."

Sau khi hướng dẫn một nhóm bệnh nhân mà Thầy dùng thiền như là phương thức trị liệu tại một trung tâm cai nghiện ở địa phương, Thầy Thích Đạo Quảng có cảm hứng để tập trung luận án của mình về việc thực hành thiền chánh niệm cho những người nghiện ngập. "Họ càng thực hành và suy ngẫm về bản thân, họ càng thấy rằng giá trị cuộc sống của họ không phụ thuộc vào cảm xúc, cảm thọ và nhận thức của mình. Nó còn hơn thế nữa. Những người nghiện ngập tìm thấy ý nghĩa thực sự cuộc sống của chính họ bằng cách nhìn xa hơn những thách thức mà họ đã trải qua," Thầy giải thích.

"Dựa trên sự tự báo cáo của những người nghiện ngập, họ có được sự bình an trong tâm hồn, tự tin hơn, tự nhận thức và tự điều chỉnh chính mình. Đó là cải thiện kỹ năng đối phó của họ," Thầy nói tiếp. "Họ càng luyện tập càng nhiều, thì càng có lợi ích."

Thầy Thích Đạo Quảng hướng dẫn khoảng 60-75 người trong khoá thiền mỗi tuần tại Chùa Tam Bảo ở Baton Rouge, Thầy giúp họ đưa chánh niệm thành thói quen vào đời sống hằng ngày, và làm cho nó ngày càng đơn giản hơn.

Thầy nói rằng những khoảnh khắc bình thường trong mỗi ngày, chẳng hạn như lái xe hoặc ăn trưa, có thể là cơ hội để suy ngẫm và thực hành. "Tôi gọi đó là thiền định không chính thức, hay là chánh niệm thân mật," Thầy nói thêm. “Trong cuộc sống hàng ngày, khi bạn đang làm điều gì đó, hãy nhận thức được suy nghĩ, cảm xúc và cảm giác của bạn. Ví dụ, khi bạn đang ăn, chỉ tập trung vào thưởng thức những gì bạn đang ăn. Hãy đặt điện thoại di động của bạn xuống. Đặt sách của bạn qua một bên. Hãy tắt tivi đi. Chỉ cần hiện hữu với chính bản thân mình."   

Thầy sử dụng chánh niệm để đối phó với căng thẳng trong cuộc sống của chính mình. "Chúng ta phải học cách chấp nhận stress / căng thẳng ở mức độ hợp lý. Tôi không mong đợi là chúng ta hoàn toàn không có căng thẳng - điều đó không thực tế," Thầy nói.

Ví như khi viết luận án và bị cảm thấy choáng ngợp, Thầy tâm sự, "Tôi hít một hơi thật sâu, cười khẽ, và duy trì suy nghĩ tích cực, cho dù có khó khăn như thế nào đi nữa, tôi thầm nghĩ và tự nhắc mình, Tôi sẽ kết thúc nghiên cứu luận án này đúng thời điểm."

Nền tảng tu học và kinh nghiệm của Thầy Thích Đạo Quảng đã cho phép ông trở thành một nhà lãnh đạo tâm linh, nhà trị liệu và vị Thầy để giúp những người khác tìm thấy sự bình an, tĩnh lặng của Nội Tâm. "Tôi có cơ hội để đóng góp cho cộng đồng", Thầy nói. "Ở cấp độ cá nhân, tôi muốn thiết lập một con người gương mẫu cho các cháu của tôi, cũng như những thế hệ trẻ để họ đầu tư năng lượng và thời gian vào học vấn của mình. Nếu họ tập trung vào bản thân, họ có thể khám phá ra tiềm năng tuyệt vời nơi chính họ." 
Xuân Nhị / Bodhi - Bồ Đề Media lược dịch. Nguồn: Đọc thêm tại https://www.waldenu.edu/connect/newsroom/publications/articles/2018/02-spotlight-calming-the-mind#iYrYbel21BWsMVK7.99

CALMING THE MIND - How a Buddhist monk with a PhD in Psychology combines Eastern and Western philosophies to find inner peace

Graduate students are no strangers to stress. In fact, a 2012 study by University of California, Berkeley researchers showed that 45% of graduate students reported having an emotional or stress-related problem in the past year.

Although students can’t make the stresses of life disappear, they can control how they react to them. For Dr. Quyen Ho ’17, a Buddhist monk living in Baton Rouge, Louisiana, who earned a PhD in Psychology from Walden, the solution may be found by looking inside. Since arriving in the U.S. from a small Vietnamese village in 1994, Ho has dedicated his life to helping others find peace and happiness through mindfulness meditation.

“Mindfulness meditation is a technique through which an individual becomes aware of his or her thoughts, feelings, emotions, and physical sensations in the moment without judgment and without reaction,” explains Ho, known to his students as “Thay,” which means spiritual teacher in Vietnamese. “Everyone can practice it.”

Through his studies, Ho seeks to bring Eastern and Western philosophies into harmony. “Modern society makes it very challenging for most people to look inward into themselves,” he says. “I believe people who have a chance to practice mindfulness meditation can achieve a balance between the inner life and outer life.”

After leading a meditation therapy group at a local substance abuse treatment center, Ho was inspired to focus his dissertation on the practice of mindfulness meditation by substance-dependent individuals. “The more they practice and reflect on themselves, the more they see that the value of their lives does not depend on their feelings, emotions, and perceptions. It is more than that. They find the real meaning of their lives through looking beyond the challenges they have been experiencing,” he says.

“Based on their self-reported accounts, they gained more inner peace, self-confidence, self-awareness, and self-regulation. That’s improving their coping skills,” Ho continues. “The more they practice, the more they benefit.”

Ho leads groups of 60 to 75 people in meditation each week at the Baton Rouge Tam Bao Temple, but incorporating mindfulness into day-to-day routines can be much simpler.

He says that normal moments in each day, such as driving or eating lunch, can be opportunities for reflection. “I call it informal meditation, informal mindfulness,” Ho says. “In daily life, whenever you’re doing something, be aware of your thoughts, feelings, and sensations. For example, when you’re eating, just focus on enjoying what you eat. Put your cell phone away. Put your book away. Turn off the television. Just be with yourself.”

Ho uses mindfulness to cope with stresses in his own life, whether completing assignments on time as a student or dealing with unexpected duties as a monk. “We have to learn how to accept stress at a reasonable level. I don’t expect zero stress—that’s unrealistic,” he says.

But when thoughts of his dissertation made him feel overwhelmed, he says, “I would take a deep breath, smile, and maintain positive thinking despite how challenging it was, thinking, ‘I will finish this dissertation research at the right time.’”

His unique background has allowed him—as a spiritual leader, therapist, and teacher—to help others find inner peace. “I have the opportunity to contribute to the community,” Ho says. “On a personal level, I want to set a good example for my nephews and nieces as well as for the next generation to invest more energy and time into their education. If they focus on themselves, they may discover amazing potential.”

Nguồn: Read more at https://www.waldenu.edu/connect/newsroom/publications/articles/2018/02-spotlight-calming-the-mind#iYrYbel21BWsMVK7.99

Friday, August 3, 2018

ÐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI - I’d Trade Eternity (To Hear Your Laughter)

Lời dẫn: Sáng nay, vừa xuống máy bay và ra khỏi chiếc xe điện để đến nhận hành lý, chợt chứng kiến một cảnh tượng thân thương đến chạnh lòng. Có một người Mẹ Á Châu đón con về, Bà Mẹ nở nụ cười thật tươi và đầy xúc động, chạy tới ôm choàng đứa con trai của mình vào lòng. Chàng trai có chút e thẹn và không có phản ứng gì. Mặc kệ, Bà vẫn ôm choàng, vui vẻ và cười tươi như gặp được 'hủ vàng'. Tự nhiên, tôi xúc động và mắt đã hoe cay; và chợt nghĩ về 2 câu thơ của anh Đạo. 
"Ví mà tôi đổi thời gian được 
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười." 
Thôi thì, đăng lại đây để chia sẻ vậy. Hãy thương Mẹ mình nhiều hơn khi người còn sống. 
Love your mother more when she's still alive. 

ÐỔI CẢ THIÊN THU TIẾNG MẸ CƯỜI 

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người 
Tiếng ai như tiếng lá thu rơi 
Mười năm mẹ nhỉ, mười năm lẻ
Chỉ biết âm thầm thương nhớ thôi

Buổi ấy con đi chẳng hẹn thề
Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê 
Mười năm tóc mẹ màu tang trắng 
Trắng cả lòng con lúc nghĩ về

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn 
Bên đời gió tạt với mưa tuôn 
Con đi góp lá nghìn phương lại 
Ðốt lửa cho đời tan khói sương

Tiếng mẹ nghe như tiếng nghẹn ngào 
Tiếng Người hay chỉ tiếng chiêm bao
Mẹ xa xôi quá làm sao vói 
Biết đến bao giờ trông thấy nhau

Ðừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ
Ngậm ngùi con sẽ giấu trong thơ 
Ðau thương con viết vào trong lá 
Hơi ấm con tìm trong giấc mơ

Nhấc chiếc phone lên bỗng lặng người 
Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi 
Ví mà tôi đổi thời gian được 
Ðổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.

Trần Trung Đạo

I’d Trade Eternity (To Hear Your Laughter)

I pick the phone up, stunned to hear
A voice, like falling foliage in my ear.
Ten years, oh Mother, ten long years
How you I’ve missed through silent tears.

One day I left to not return—
A wild horse, chased from its old glen.
Your hair, ten years, to silver has turned
White as my mind when remembering then.

Do you still sit to sorrows knit
By howling winds and pouring rains?
From earth’s four corners leaves I’ll pitch
Into the fire to burn the pains.

Your voice sounds like it’s choked with tears;
Is this for real or just a dream?
You can’t be reached across the years,
When will we ever meet again?

Please wait for me, Mother, don’t cry.
Inside my poetry grief I’ll hide,
Upon the leaves this hurt I’ll scribe,
And in daydreams your warmth I’ll find.

I pick the phone up, stunned to hear
A voice, like falling foliage in my ear.
If I could trade Forever after,
I’d trade Eternity to hear your laughter.

-transl. by ianbui
2018.08

EXCHANGE AN ETERNITY FOR MOTHER’S SMILE OF BLISS
-- Vương Thanh VuongThanh's English translation


Picking up the phone, suddenly I become shocked
Whose voice at the other end, like the autumn leaves falling
Ten years it was, O Mother, ten long years,
I haven’t seen you, 
and can only wish for you… 
silently in my heart.

That day, I departed without a promise to return
Like the ancient wild horses leaving their forest home 
For ten long years, Mother’s hair, each day, becomes whiter
White like the winter in my heart when I think of her

Mother’s still weaving her scarf of sorrow,
On the sideline of Life that’s full of hail and snow 
I want to gather the leaves in ten thousand places
And make a fire to take the frostiness away

Mother’s voice near the point of sobbing 
Is it her voice or a voice in a dream
Mother’s so far away, I cannot be next to her
When will we ever again see each other?

Don’t cry, Mother, please try to wait
The deep sorrows of life: I will hide them in Poetry,
The pains in the heart: I will write them on the autumn leaves
And for Compassion’s warmth: I will seek it in a dream

Picking up the phone, I suddenly become shocked
The voice at the other end is sadder than the falling rain
If only the power to trade time I can wish
An eternity will be exchanged for Mother’s Smile of Bliss.

Trần Trung Ðạo


MY LIFE
FOR MY MOM'S LAUGHTER

Version translated by Poet THANH THANH


PICKING up the handset I was stunned with surprise:
Whose voice as light as falling leaves in cold skies?
Isn't it ten years, ten years and over, dear mother,
Just in silence to miss and long for one another?

I left without any promises or pledges that day:
The old wild horse from its forest-land went astray.
Ten years for Mom's hair to turn mourning white,
And mourning-like my soul also in such a plight.

You've still been sitting there weaving your pain
By an existence of slapping wind and beating rain.
I've set off to set up from all directions a pyre
In order to disperse the mist for life lighting a fire.

Your voice was broken off, you choked up, I found;
Mom's endearing words or mere in-reverie sound?
You are too far, how could I reach out for you?
And when could we meeting again look forward to ?

Do not cry, my dear mother, and continue to await.
All my grief I will hide in the rhymes I create.
Of all my sorrow I will write reams and reams,
And find your warmth my warmth in my dreams.

As I picked up the handset how astounded was I
To hear my mom's voice sadder than the rainy sky!
Should I be able to give up Man's time in hereafter,
I would offer mine to recover my mom's laughter.

                               THANH-THANH


Mille Automnes En Échange d'Un Rire De Ma Mère

( Traduit en francais par Nguyễn Đắc Khoa)


Combien je suis stupéfait au moment òu je décroche le téléphone!
A`qui est cette voix aussi légère qu'une chute des feuilles jaunes.
Il y a dix ans , dix ans et plus, n'est - ce pas Maman ?
Que nous avons vécu seulement dans l'angoisse et l'éloignement en silence.

Ce jour, sans faire aucune promesse je suis parti.
Le vieux cheval sauvage s'est égaré dans des montagnes et des prairies.
Dans dix ans, se sont tournés en un blanc de deuil tous tes cheveux.
En y pensant, je porte dans mon coeur ce deuil malheureux.

Tu t' assois toujours là-bas avec un coeur attristant
A` côté d'une vie où il fait du vent violent, la pluie battante .
Je vais ramasser les feuilles éparpillées à tous les vents
Pour faire un feu qui peut disperser toute la brume de cette existence.

J'ai trouvé que ta voix est étouffée par l' émotion.
Est -ce bien ta propre voix ou tout simplement celle en songe ?
Comment pouvais -je t' atteindre depuis que tu as été très loin de moi.
Je ne sais pas jusqu'a` quand nous pouvons nous voir.

Oh ! Maman , ne pleure plus et fais un effort pour attendre avec patience
Dans les vers que je fais je cacherai toutes nos peines.
Sur les feuilles de papier j'écrirai toutes nos douleurs
Et dans mes songes je trouverai notre chaleur.

En décrochant le téléphone je suis extrêmement surpris.
La voix de ma Mère est plus triste que le crépitement de la pluie.
Si jamais j'avais le pouvoir de changer le temps
Contre le rire de ma Mère j'échangerais tous les mille ans.

Nguyên Khoa Nguyễn Đắc Khoa

Bản dịch tiếng Pháp của Bác Sĩ Nguyễn Minh Tân:
Enternité D'automne En Échange D'un Rire De Ma Mere




x

Thursday, August 2, 2018

LÒNG NGHIÊNG

Nhìn về phía bên kia - Ảnh: BXK

LÒNG NGHIÊNG

Ngồi đây hít thở tự do
Nghe hồn lữ khách buồn so nhớ nhà
Quê hương khuất bóng gần xa...!

Bạch X. Phẻ
Thơ Lụt Bát Ba Câu