Wednesday, October 9, 2019

Những Bài Nhạc hay trong Thơ Du Tử Lê


Du Tử Lê

Du Tử Lê (1942 -) tên thật là Lê Cự Phách, là một nhà thơ Việt Nam đang định cư ở nước ngoài.
Ông sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, miền Bắc Việt Nam.
Sau Hiệp định Genève, 1954, Lê Cự Phách di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lực, trường Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa.
Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài "Bến tâm hồn", đăng trên tạp chí Mai.
Du Tử Lê từng là sĩ quan thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa), và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung học Sài Gòn.
Năm 1973 tại Sài Gòn, ông được trao Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972.
Ngày 17 tháng 4 năm 1975, Du Tử Lê cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng mặt trên đài phát thanh của Mặt trận giải phóng Miền Nam vì có thái độ chống đối cộng sản quyết liệt. Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, ông sang tỵ nạn bên Hoa Kỳ.
Hiện ông đang sống ở miền Nam California, tiếp tục nghề viết, và là nhân viên khế ước của đài tiếng nói Hoa Kỳ từ năm 1996. Ông cũng từng là chủ nhiệm các báo Việt ngữ Nhân chứng, Tay Phải, và Văn nghệ ở Hoa Kỳ.
Du Tử Lê đã xuất bản hơn 30 tác phẩm đủ thể loại, trong đó có thể kể đến:

Ở Việt Nam

  • Thơ Du Tử Lê (1964)
  • Năm Sắc Diện Năm Ðịnh Mệnh (1965)
  • Tình khúc Tháng Mười Một (1966)
  • Tay Gõ Cửa Ðời (1970)
  • Chung Cuộc (cùng viết với Mai Thảo, 1969)
  • Mắt Thù (1969)
  • Ngửa Mặt (tiểu thuyết, 1969)
  • Vốn Liếng Một Ðời (1969)
  • Qua Hình Bóng Khác (tiểu thuyết, 1970)
  • Mùa thu hoa cúc (sách thiếu nhi, 1971)
  • Sân trường mắt biếc (sách thiếu nhi, 1971)
  • Chú Cuội buồn (sách thiếu nhi, 1971)
  • Hoa phượng vàng (sách thiếu nhi, 1971)
  • Một Ðời Riêng (1972)
  • Khóc lẻ loi Một Mình (1972)

Ở nước ngoài

  • Thơ Tình (1996)
  • Chỉ Như Mặt Khác Tấm Gương Soi (thơ 1997)
  • Tiếng Kêu Nào Bên Kia Thời Tiết (truyện)
  • Em và, mẹ và tôi là một nhé (bán hồi ký)
  • Chỗ Một Ðời Em Vẫn Ðể Dành
  • Nhìn Nhau Chợt Thấy Ra Sông Núi
  • Chấm Dứt Luân Hồi Em Bước Ra (1993)
  • K.Khúc Của Lê
  • Em Hiểu Vì Ðâu Chim Gọi Nhau
  • Quê Hương Là Người Ðó
  • Tôi - Ấu Thơ và Mẹ (hồi ký)
  • Trường khúc Mẹ và Biển Đông (1989, 2002)
  • [nếu cần,] hãy cho bài thơ một tên gọi !?! (2006)
  • Trên ngọn tình sầu (tập tùy bút, 2011)
Theo wikipedia.org

Khúc Thụy Du
  Thơ Du Tử Lê, Nhạc Anh Bằng

1. Hãy nói về cuộc [Am] đời khi tôi không còn nữa
Sẽ lấy được những [E7] gì về bên kia thế [F] giới
Ngoài trống vắng mà [G] thôi Thụy ơi và tình [Am] ơi

Như loài chim bói [F] cá trên cọc nhọn [G] trăm năm
Tôi tìm đời đánh [C] mất trong vũng nước cuộc [Am] đời
Trong vũng nước cuộc [E] đời Thụy [E7] ơi và tình [Am] ơi

ĐK: Đừng bao giờ em [Dm] hỏi vì sao ta yêu [C] nhau
Vì sao môi anh [Am] nóng vì sao tay anh [G] lạnh
Vì sao chân anh [Dm] run Vì sao chân không [E] vững
Vì sao và vì [E7] sao

2. Hãy nói về cuộc [Am] đời tình yêu như lưỡi [Dm] dao
Tình yêu như mũi [G] nhọn êm ái và ngọt [A7] ngào
Cắt đứt cuộc tình [Dm] đầu Thụy bây giờ về [Am] đâu

Thụy bây giờ về [Dm] đâu anh là chim bói [Am] cá
Em là bóng trăng [C] ngà chỉ cách một mặt [Dm] hồ
Mà [Em] muôn trùng chia [Am] xa.

Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển 
Sáng tác: nhạc Phạm Đình Chương, thơ Du Tử Lê

1. Khi tôi [C] chết hãy [D7] đem tôi ra [G] biển
[Dm] Đời lưu [G] vong không [G7] cả một ngôi [C] mồ
Vùi đất [Am] lạ thịt [C] xương không tan [F] biến
Hồn không đi, sao [D7] trở lại quê [G] nhà

2. Khi tôi [C] chết hãy [D7] đem tôi ra [G] biển
[Dm] Ngược trôi [G] đi, đâu [G7] hình hài trở [C] về
Bên kia [Am] trời là [C] quê hương tôi [F] đó
Biển nghiêng nghiêng ôm [G7] hoài mối tình [C] quê

ĐK: Ôi quê [Am] hương Đà Nẵng Nha Trang
Ôi quê [C] hương Tiền Giang, Hậu Giang
Như bao tiếng đồng bào tôi [F] gọi thêm tiếc [C] nuối

Đâu tre [C] xanh nào mái tranh nghèo
Hắt [F] hiu ngày nao ta trở về
Để ta thấy quê hương lần [Dm] cuối

3. Khi tôi [C] chết hãy [D7] đem tôi ra [G] biển
[Dm] Vì em [G] tôi vì mẹ [G7] già vẫn [C] chờ
Từ mắt [Am] buồn lệ [C] nghẹn hờn bóng [F] tối
Thả tôi đi cho [G7] hồn người được [C] nguôi

* Khi tôi [Ab] chết nỗi buồn kia cũng [Cm] hết
Đời lưu [D7] vong tận [G7] tuyệt với hồn [C] tôi

Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển 
(When I die take my body down to the sea)
Sáng tác: nhạc Việt Dzũng, thơ Du Tử Lê 

When [Am] I die, would you take my body down to the [E7] sea?
‘Cause for a long time, I have been living on without a [Am] country.
For a long time, I have been dying without a [E7] grave
So when I die, would you bury me in the middle of the [Am] waves?

When [Am] I die, would you take my body down to the [E7] sea?
Don’t hesitate, you’d never feel sorry [Am] for me
Even [Dm] cry, let the fish feed on my [Am] flesh,
So when I [E7] die, I will become part of the world that is so [Am] fresh.

When [Am] I die, would you take my body down to the [E7] sea?
Under the sun, let the ebb tide car-[Am] ry me
When we [Dm] go, would you please not close my [Am] eyes?
So I can [E7] see, for the last time, my home [Am] country?

I’ll be [Dm] gone, with the wind to the world other [Am] side
To hear my [E7] mother’s sigh, to hear my [Am] children’s cry
From all the eyes, sadder than the [E7] night.

I’ll be [Dm] gone, with the scream to eternal [Am] dream
Where there is no more blood to be [E7] shed,
And where there are no lives to be [Am] killed.
Ever peaceful-[E7] ly, ever peaceful-[Am] ly

When [Am] I die, the sadness also [E7] dies
Somebody forever [Am] parts, [E7] so forever e-[Am] xiles
When [Am] I die, would you take my body down to the [E7] sea..? [Am]

Đừng Nữa Nhé Chia Lìa
 Sáng tác: Từ Công Phụng & Du Tử Lê 

Và em [Em] nữa cách gì ta trốn [C] mãi
Chạy [B7] muôn đời chiếc [C] bóng vẫn đeo [B7] theo
Sông dấu [Em] mặt nghìn năm trong mắt [B] buồn
Bỗng một [B7] ngày nức nở cuốn ta [Em] theo

Vẫn là [G] em ngực [Em] chiều chim tắt [G] thở
Gai ăn [D7] năn cào rách buổi trưa [G] người
Môi nguyệt [Em] quế lỡ [E7] thì môi ở [A7] trọ
Một góc [B7] vườn em đỏ mẫu đơn [Em] tôi

Và em [E] nữa nắng [C#m] xanh và gió [A] biếc
Tôi thọ [B7] thương tiếng hát cẩn đêm [E] hoa
Sóng khua [C#m] đập cũng chỉ đôi ghềnh đá
Em đập [B] khua cùng [B7] khắp trái tim [E] xa

Và yêu [Em] dấu tình [E] cờ gươm giáo [E7] đó
Xẻ phân [A] tôi thành triệu miếng tương [E] tư
Ai dám [B7] bảo thịt [Abm] da không muốn [Ebm] khóc
Nhìn tôi [B7] đi em sẽ [Bm] hiểu mưa [E] về!

Này yêu [Em] dấu tôi là cây xác [G] pháo
Nổ tan [B7] thây từng buổi thiếu hơi [Em] nhau
Người vô [C] nhiễm mặc [G] tôi đời ném [Em] đá
Ngay hôm [Am] nay đừng [C] nữa nhé chia [Em] lìa


Đời Ở Mãi Phương Đông
Sáng tác: nhạc Trần Duy Đức, thơ Du Tử Lê 

1. Bây [D] giờ, ta đã [G] già và người vẫn mãi [Em] xa
[C] Như núi sớm hao [Am] gầy và [D] dòng sông sớm cạn
Bây [Bm] giờ mùa mưa [Am] luôn thánh [D] thót vườn đời ta
Thánh [Cm] thót vườn đời [G] ta. [D]

2. Bây [D] giờ, ta đã [G] già và người vẫn mãi [Em] xa
Như con [C] thú đã bạt khỏi [Am] rừng đã chạy [D] cuồng về cuôi biển
Bây [Bm] giờ nơi những dấu chân [D] quen
Có chút gì tội [G] nghiệp.

ĐK:
Ôi những móng tư [Em] thù ngập [Eb] vó đời bầm [D] dập
[Bm] Thương nhớ đã như [D] cây sẽ [C] phải còn lớn [Bm] mãi
[D] Nơi cuối mỗi cuộc [G] đời, [C] nơi cuối mỗi cuộc [Am] đời
Xin người phải [D] tin
Trái tim ta với những lời nói thật

3. Bây [D] giờ, ta đã [G] già và người vẫn mãi [Em] xa
[C] Thôi cũng đã muộn [Am] màng để [D] trả lại nhau tất cả
Bây [Bm] giờ, cay đắng đã như [D] sông
Cách gì ta lấp [G] được

* Ôi giờ ta đã [Cm] già
Người đòi chi cuối [G] kiếp
[F#m] Chân chưa thể bước [Bm] qua
Sợi [D] dây người oan [G] nghiệt
[Am] Chân chưa thể bước [Cm] qua
Sợi dây người cuối [D] kiếp


Hiến Chương Yêu

Sáng tác: nhạc Nguyên Bích, thơ Du Tử Lê 


Khi em [Em] lạnh tôi [G] biến thành ngọn [Am] lửa
Đốt yêu [B] thương than [B7] nóng hực ân [Em] tình
Khi em [Em] đọc tôi [C] biến thành chữ [B] viết
Cả nghìn chương chỉ chép chuyện đôi [G] ta

Khi em [Am] viết tôi [Am7] biến thành giấy [F] bút
Bút tương [B] tư mực nhớ đến ai [B7] kia
Giấy từ [Em] cây? Bút [D] từ gỗ xa [C] xưa
Mực từ [B7] nhựa tôi từ em sống [Em] lại.

Khi em [E] khóc tôi [C#m] biến thành nước [G#m] mắt
Chảy giùm [A] em cho cạn sạch nỗi ưu [E] tư
Để mắt em [F#m] xanh để môi em [B] mềm
Tôi thành [B7] lá giữa khi chiều sắp [E] tối

Khi em [G#m] chết cõi đời này phải [C#m] hết
Không chỉ [A] tôi hoa cỏ cũng lên [E] trời
Muôn thú xa [F#m] rừng [B] chim lạnh từng [F#m] đôi
Bao thế [B] hệ vì [B7] em mà em tàn [E] phai

Chuyện mình hai [E] người chuyện cùa lứa [A] đôi
Mặc kệ ai [F#m] cười mặc người bĩu [B] môi
Có gì đâu. Ta sẽ [E] chết [C#m] nhưng tình ra không [A] chết
Vì mở [Am] đầu nhân loại cuộc chơi [E] riêng


Trên Ngọn Tình Sầu

Sáng tác: nhạc Từ Công Phụng, thơ Du Tử Lê - năm: 1970


[C] Hạnh phúc tôi hạnh phúc [G7] tôi
Từ những [F] ngày con nước [C] về
Ngoài trời mưa mau ngoài trời mưa [F] mau
Tay vuốt [G7] mặt không [C] cùng
Bầy sẻ cũ hom [Dm] hem
[G7] Chiều mái xám rêu [C] xanh
Trời êm cao chân nhỏ
Cũng không [G7] về trên dòng sông tội [C] lỗi.

[Am] Tôi nghe hắt [E7] hiu từ [Dm] mắt em ngắt [C] tạnh
Môi thâm [Am] khô từ [F] thuở định hôn [C] người
Ngày tháng [G7] hạ khi [Dm] không mà trở [C] rét
Giọt nắng [Dm] vàng lung [G7] linh màu lạnh [C] ngắt
Sao khi [Dm] không người [G7] ngoảnh mặt kiêu [C] sa.

Chiều qua đó chân [Dm] ai [G7] còn ríu rít âm [Am] thưa
[C] Lời ai ru như [G7] mơ cho [D7] trời xuống thật [Em7] gần
[C] Người trông ngóng hương [Dm] đưa mùi mái tóc đêm [C] mưa
[G7] Nhẹ theo lá oan [D7] khiên lả [G7] tả mái hiên [C] người.

[Am] Tôi nghe hắt [Dm] hiu từ mắt em ngắt [C] tạnh
Còn dế [G7] buồn tự [Em7] tử giữa đêm [Am] sương
Bầy sẻ [G7] cũ cũng [Am] qua đời lặng [Em] lẽ
Em ở [F] đó bờ [C] sông còn ẩm [Em] cát
Con sóng [G7] tình vỗ mãi một âm [C] quen.

Tình Sầu

Sáng tác: nhạc Phạm Duy, thơ Du Tử Lê 

Ta như sương cao mà người như hoa [F] sâu [Dm]
Ta dối gian [F] nhau nên [Dm] nát nụ hôn [F] đầu [Dm]
Tình đi từng [F] bước đi bước [Dm] bước trên đầu [F] gió [Dm]
Gieo xuống lòng [Gm] nhau ôi [C7] từng hạt thương [F] đau

Người một phương ta cũng một [F] phương [Dm]
Phố cao ngày [F] thấp nên nắng [Dm] mưa trùng [F] trùng [Dm]
Mắt có [Bb] sâu để [F] nhốt trời giông [Dm] tố [Gm]
Ta là hồn [C7] câm [Bb] cho cơn bão [F] lên [Bb]

[Am] Người ở đây ta cũng ở đây [E7]
Lòng không như [Am] mặt mà [E7] lòng lệ tràn [Am] đầy [E7]
Chân đi theo [Am] gió [E7] sầu ba [Am] hướng [E7]
Tay vói một [Am] trời [E7] trời mưa [Am] bay

[Am] Người đã vì ta tan ước mơ
Phấn son chửa [Dm] ngát thịt da [Am] ngà
Môi non đã [E7] lỡ tình đau [Am] đớn
Mộng vữa theo [E7] trời hoa phượng [Am] xưa

[F] Người chôn đời mà ta đắng [F] cay [Dm]
Cây im [F] lá và [Dm] khói sương [F] bay [Dm]
Chim treo mỏ [F] cóng [Dm] trơ xương [F] mục [Dm]
Sống đã chẳng [Gm] cùng [G] chết sao [C] hay [C7]

[F] Người ở đâu ôi người ở [F] đâu [Dm]
Cỏ xanh [F] còn áp [Bb] má những đêm [F] sầu [Dm]
Dế giun còn [F] tiếc [Dm] mùa ân [F] ái [Dm]
Từng phiến trời [C7] mang [Bb] bao vết [F] thương


Khúc Thụy Du
Tác giả: Du Tử Lê
1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vũng nước cuộc đời
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được!
như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gậm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình
trên mặt dài nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?
2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng khôn khép
bàn tay nàng khôn thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài
ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống?
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi
3.
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết!
tình yêu như dao nhọn
an đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi
không còn ý nghĩa gì
ngoài tình em tình em
đã ướt đầm thân thể
anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển.

Saturday, October 5, 2019

Phước Lý Đồng Hương Hội Ngộ Tình Xuân 2020


Phước Lý Đồng Hương 
Hội Ngộ Tình Xuân 2020

Được tổ chức tại Sacramento California, mừng Tân Xuân Hội Ngộ 2020 là dịp để bà con đồng hương gặp nhau, trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm, đồng thời cũng là dịp để bà con trao đổi cho nhau những tin tức vui buồn trong cuộc sống, cùng ôn lại những kỷ niệm một thời sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương Nhơn Lý.

Năm nay tiệc Tân Xuân Hội Ngộ được tổ chức là dịp để đón tiếp những đồng hương từ xa gần về, và đặc biệt tạo thế hệ con cháu quê hương có dịp gặp mặt làm quen, để cùng chung vui với chương trình văn nghệ xuân cùng thưởng thức những món ăn thuần tuý quê hương, cùng nhau tay bắt mặt mừng. Chúc cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, cùng cầu nguyện cho nhau được bình an và hạnh phúc thật ấm áp an lành và ấm tình đêm hội ngộ.

Chương trình buổi hội ngộ chính thức được tổ chức vào lúc 5 giờ chiều thứ Bảy ngày 1 tháng 2 năm 2020 tại nhà hàng:
A&A Tasty Restaurant
6601 Florin Rd Sacramento Ca.
5PM: Đón quí khách

          Giới thiệu hình ảnh xưa và nay quê hương Phước Lý.
6PM: Mở đầu buổi tiệc với đội múa truyền thống do Ms. Trinh Phan đảm trách.
           Tiếp theo MC giới thiệu chương trình với chủ đề:
Phước Lý Đồng Hương
Tình Xuân Hội Ngộ 2020

Thay mặt ban tổ chức chào mừng và cám ơn sự tham dự của quý quan khách cùng quý đồng hương thân hữu.
Buổi tiệc bắt đầu mọi người cùng thưởng thức một chương trình văn nghệ xuất sắc do các nghệ sĩ thân hữu và các anh chị em đồng hương Phước Lý trình diễn.

Đặc biệt có Fashion Show “Áo Dài Quê Hương” do mọi người quan khách cùng tham gia, qua phần điều họp của Ms. Trinh Phan, ban vũ đạo tại Sacramento đảm trách.

Xen lẫn chương trình văn nghệ có phần chúc thọ, xổ xố với nhiều giọng hát ngọt ngào gần xa như ca sĩ chuyên nghiệp được đăng ký trước, karaoke chọn lọc và nhiều tiếc mục hấp dẫn khác...
Rất mong quí bà con cùng các cháu gần xa về đây thăm chơi và tham dự.

Ban tổ chức trân trọng đón tiếp.
Trưởng Ban: 
Đinh văn Công
Võ Dượng
Mọi chi tiết xin liên lạc:
Bình Lê: 916-539-0526
Lộc Nguyễn: 916-346-8788
Nhân Nguyễn: 916-257-3608

Chú ý: 
Chúng tôi xin gửi thiệp mời qua mạng, thay vì gửi tận tay quí khách, vì không biết địa chỉ. Xin quí vị thông cảm cho.

Friday, October 4, 2019

THUYẾT PHÁP TỪ BI

THUYẾT PHÁP TỪ BI

Trong lịch sử nhân văn khoảng 4.000 năm trở lại, con người đã bước qua những giai đoạn thông tin và truyền thông đại chúng từ thấp đến cao về số lượng; nhưng cũng trong nhiều trường hợp, từ cao đến thấp về chất lượng.
Khoảng bốn thế kỷ trước tây lịch, cao điểm nhất là thời cổ Hy Lạp, hiện tượng thuyết trình, tranh luận công cộng của các triết gia, đạo sĩ, chính khách... đã ngày càng phổ biến. Những đại môn phái du thuyết như Platon, Socrate, Aristote... thời Hy Lạp cổ đã đưa việc thuyết trình công cộng lên thành một nghệ thuật và kỹ thuật nhào nặn cũng như phát huy ngôn ngữ ở mọi cấp độ. 
Tại Ấn Độ, thời Đức Phật còn tại thế, những đạo sĩ Bà La Môn và các môn phái Du Già Nguyên Thủy cũng là những nhà thuyết pháp đại chúng, rộn rịp một thời trên những nẻo đường xứ Ấn.
Trong nội bộ sinh hoạt đạo Phật thì việc nói hay thuyết giảng chuyện đạo cho đại chúng nghe thường được gọi là thuyết pháp.
Đã hơn 70 năm qua, là một người theo đạo Phật theo mẹ từ nhỏ, tôi thấy chưa có thời kỳ nào mà Phật sự thuyết pháp lại diễn ra rộng khắp, quy mô và đông đảo như thời kỳ này. Trong quan hệ thông tin hai chiều phát và thu hoặc cho và nhận… thì hầu như chùa nào cũng cũng có đủ thời khoá: lễ nghi tụng kinh và thuyết pháp.  Dù được đào tạo hay trang bị phương pháp Giáo Thọ hay chưa thì quý Tu sĩ – Tăng Ni, Cư sĩ, nhất là các vị trụ trì chùa viện đều vô hình chung trở thành là những nhà thuyết pháp thường xuyên. Thông thường, một nhân vật thuyết pháp hay người thuyết pháp vừa đóng vai là một thầy dạy học, vừa là một “nghệ sĩ” trình diễn trên sân khấu. Nghĩa là dạy lý thuyết kinh điển Phật học đã đành, nhưng quan trọng hơn nữa là phương pháp sư phạm và nghệ thuật trình diễn thu hút được quần chúng tới nghe.
Với tầm phát triển tinh xảo của khoa học kỹ thuật ngày nay, phương tiện chuyển tải như hệ thống âm thanh, máy quay hình thu phát, các trang mạng xã hội, các điện thoại cầm tay... đang trở thành quá phổ biến, mọi người đều có khả năng và phương tiện thu và phát thường trực trong tầm tay, trong túi áo.
Bên cạnh phương tiện truyền thông quá dễ dàng và phong phú, phổ biến toàn cầu thì việc còn lại quan trọng nhất trong vấn đề thuyết pháp là NGƯỜI THUYẾT PHÁP.
Một vị Tăng Ni hay Cư Sĩ Phật giáo đóng vai trò liên hệ chuyện đời, thuyết giảng chuyện đạo, tìm phương hóa giải… nhằm mục đích tạo chuyển biến giải khổ, cầu vui và làm sao tạo được sự thuyết phục biện giải cụ thể nơi người nghe thật là cả một yêu cầu không dễ dàng hay đơn giản như một cuộc họp mặt bình thường, gặp nhau nói chuyện mưa nắng, vui buồn.
Thuyết pháp từ bi
Gần đây, một số quý anh chị em cựu huynh trưởng, huynh trưởng GĐPT và cư sĩ Phật tử ở San Jose giới thiệu cho nhau một video về cuộc thuyết pháp của một vị Thầy mà các bạn ấy cho là: thuyết pháp từ bi. Có thể nói hình dung “thuyết pháp từ bi” là một nhóm từ hay để làm biểu tượng cho cuộc pháp thoại hoàn mãn mang được nhiều lợi lạc cho cả diễn giả, hành giả và thính giả.
Theo dõi cuộc thuyết pháp của Thầy nói về “Đạo giữa Đời thường” người nghe bình tâm thấy được những gì là hương lành Từ Bi trong đó?
Nhìn về nội dung cũng như hình thức thì bài thuyết pháp nói về đề tài “Đi tìm hạnh phúc giữa cuộc đời” không có gì màu mè, cuốn hút hay những hiện tượng mới lạ, độc đáo hơn rất nhiều bài thuyết pháp khác đã được “post” lên các trang mạng xã hội. 
Đêm nay về nghe lại, tôi như khám phá ra một điều “đặc biệt” ở bài thuyết pháp là toàn khung cảnh cũng như ngôn từ, chất giọng và nội dung bài pháp thoại của Thầy tuy không có gì “thiện xảo” hơn các bài giảng của quý Thầy, Sư Cô khác. Nhưng có 3 điều khiến tôi tán thán và thanh thoát bị “chinh phục” từ bài thuyết pháp của Thầy là: 

1- Vắng bóng cái tôi đáng ghét.

Thật ra, cái “Tôi đáng ghét” là tên cánh cửa sừng sỏ nhất trong sự giao tiếp hai chiều. Một bài nói chuyện, nhất là nói pháp mà mở màn đã thấy cái tôi đứng từ cửa ngõ vô tới tiền đình là một phần ba cảm tình của người nghe đối với diễn giả bị ghét oan! Nào là: tôi tiến sĩ, tôi giảng sư, tôi viện chủ, tôi trưởng ban, tôi tuyên bố, tôi nhận thấy… là cả một đội canh tuần gác cổng chưa thấy chủ nhân mà chỉ thấy toàn gươm giáo.
Ở đây, trong suốt bài pháp, hầu như vắng bóng cái tôi của Thầy. Người nghe có cảm tưởng như cái ngã sở, ngã chấp, ngã mạn của Thầy đã được chế ngự và nhốt kín. Cái Tôi của Thầy đã thuần hóa (thánh hóa?) để tô điểm cho lời nói pháp của Thầy nhẹ nhàng bay cao. Bởi không có chủ thể khống chế làm cho khung cảnh bị dính mắc vào cái Tôi (ngã mạn) đáng ghét nên lời pháp của thầy thông thoáng đi vào từng ngõ ngách tâm hồn của người nghe.
Sự vắng bặt những xác định hay gợi ý, khoe mẽ cá nhân như say sưa nói về kinh nghiệm, học vị, chứng đắc... của mình đã làm cho lời của Thầy thoát vòng tục lụy phù phiếm mà không ít thì nhiều, quý vị lên diễn đàn thường mắc phải.

2- Rỗng rang hỷ xả.
“Rỗng rang thanh tịnh ắt an định nội tâm!”
Cũng như nhiều cuộc pháp thoại khác, Thầy cũng phải vận dụng những sự kiện lịch sử và xã hội trong nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã. Đồng thời, nhận định và phủ nhận hay chấp nhận những con người và hành vi tương ứng thường được xem là ngọn lửa thử vàng cái bản lĩnh và đạo lực của nhà thuyết giảng. Thầy không đặt con người và hành tung của họ lên đấu trường tương tác tay đôi để khen chê, nhiệt tình ca ngợi hay chua chát mà có vẻ như luôn luôn dang tay mình nắm lấy tay người và đặt mình trong vị thế của các nhân vật thiện cũng như bất thiện. Không đánh đổ, tiêu diệt mà hóa giải, hồi phục mới là ánh sáng của Từ Bi. Lời nói như từ tâm phát ra, không qua những cong quẹo gập ghềnh của theo gót và thị phi mới đúng là chánh ngữ.
3- Uy nghi trong ngôn ngữ.
Uy nghi trong ngôn ngữ khác với cách kiểu nói lạnh lùng, đanh thép, xuống lệnh hay biểu tỏ quyền uy. Trong ngôn ngữ nhà Phật, lấy pháp uy nghi là trọng. Nhưng uy nghi là dùng lời nói như một phương tiện hợp với hoàn cảnh, vị trí phù hợp với tinh thần Bát Chánh Đạo, Lục Hòa và ái ngữ. Im lặng sấm sét như chánh pháp. Tiếng vọng uy vũ như hải triều âm, sư tử hống. Nụ cười trọn đầy ý nghĩa sâu xa như niêm hoa vi tiếu… Ngôn ngữ nói cho cùng là phương tiện chuyển tải những thông điệp giữa hai đối tượng nói và nghe.
  Thuyết pháp hay diễn thuyết tự bản chất là dùng lời nói để thuyết phục người nghe và xây dựng luận điểm mình muốn nói ra với một mục đích nào đó. Do vậy, nhiều vị diễn thuyết đã dùng những lý luận, phân tích để tấn công nhằm phủ định hay bẻ gãy luận điểm của người khác bằng lời nói gay gắt phê phán, cười cợt, chụp mũ, dán nhãn hiệu. Đấy là tiểu xảo ngôn ngữ của lối hùng biện duy lý phương Tây chứ không phải tinh thần uy nghi trong ngôn ngữ chân ngôn của nhà Phật.
Trong bài thuyết pháp của Thầy, có đủ những mẫu chuyện đạo, đời, xưa nay minh họa. Nhưng những cảm xúc vui buồn do chính ý nghĩa của câu chuyện nói lên chứ không phải Thầy “cười trước cái cười của thiên hạ hay trĩu giọng buồn trước cái buồn của nhân vật ví von”. Thầy tạo cảm xúc mà không dấy động cảm xúc bằng thân ngữ (body language).
Nghe hết bài Thầy giảng, quả nhiên tôi thất tâm đắc với nhận xét: “Thuyết pháp từ bi” bởi cái tâm Thầy an tịnh như một dòng sông trong vắt. Lời giảng pháp của Thầy phát ra như tiếng nói khi trầm khi lắng của Bà mẹ Thiên nhiên.
Khi nói đến khái niệm Thuyết pháp Từ bi, có bạn hỏi tôi thế thì trường hợp Robot (người máy) Phật giáo Android Kannon của Nhật sáng chế có thể thuyết pháp kinh tạng Phật pháp bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau thì sao. Robot không có Ngã, luôn luôn rỗng rang hỷ xã, chính xác uy nghi trong ngôn ngữ thì có đạt được chất lượng “thuyết pháp từ bi” không?
Tôi đã xin thưa: Từ bi là cảm xúc từ trái tim, rỗng rang là trạng thái từ cân não, uy nghi ngôn ngữ là sự kết hợp của trí tuệ và sự thấu cảm nhân văn. Tất cả những tinh túy tạo ra lòng từ bi, niềm thấu cảm trí tuệ và sự uy nghi ngôn ngữ đều hoàn toàn không tìm thấy từ nơi con Người Máy Kannon. Thuyết pháp Robot là một hiện tượng thóc mách kỹ thuật, là sự ứng dụng thoái trào trong sinh hoạt hoằng dương Phật Pháp bởi ngôn ngữ là phương tiện tạm thời. Tạm dùng tiếng nói để hướng đến tầm cao diệu lý của đạo Phật là rỗng lặng vô ngôn. Robot sẽ không bao giờ tới được “Kim Cang vô tự thị chân kinh” (Kim Cang chân nghĩa là kinh không lời)!
Một hướng thuyết pháp Từ Bi
Là một thầy giáo dạy Ngữ Văn bậc trung học ở Việt Nam và đại học ở Mỹ, tôi hết lòng cảm thông cũng như chia sẻ sự khó khăn và nhạy cảm của người thuyết giảng trước quần chúng. Người có kiến thức rộng, sở học cao chưa hẳn là người nói hay, nói giỏi. Tuy nhiên, lịch sử ngữ học chứng minh rằng: Tài hùng biện là một thiên khiếu nhưng đồng thời nhà hùng biện cũng là kết quả của một quá trình cần mẫn học hỏi và khổ luyện lâu dài. Bởi vậy, tôi có cái biên kiến là rất ngưỡng mộ những người thuyết trình hay, các vị tu sĩ (của bất cứ tôn giáo nào) giảng đạo thu hút hay thuyết pháp tài năng.
Đã nhiều năm qua, trong 37 năm ở Mỹ, tôi thường ráng sắp xếp cho mình mỗi năm ít nhất cũng dự được một vài khóa tu học hay tham gia các cuộc thuyết trình về những đề tài thích hợp. Và tính đến nay cũng đã hơn mười lần, tham gia thường trú hay bán trú các khóa tu học ở Thiền viện Diệu Nhân trong các khóa tu theo mùa. Năm nay, tôi tham dự bán trú khóa Tu Học Mùa Thu năm 2019. Tôi vẫn “chuẩn bị ưu tiên” cho các buổi pháp thoại trong các khóa Tu Học. Được theo dõi các buổi thuyết pháp của các Ni Sư tu theo Thiền Tông Việt Nam, thuộc phái Trúc Lâm Yên Tử là cả một nguồn vui tinh thần và hạnh phúc tín tâm.
Sáng nay, thứ Năm 3-10-2019, tôi dậy lúc 3 giờ rưỡi sáng, uống một bình nước trà xanh Bắc Thái thường lệ như mọi sớm mai cho tỉnh người và tới 4:30 am, lái xe một mình lên Thiền Viện Diệu Nhân ở thành phố Rescue, California. Nhà tôi ở cách chùa 55 miles (94 km), cũng ngót nghét xa gần bằng từ Huế vào Đà Nẵng và lái xe cũng mất gần 1 giờ trên xa lộ 99 N và 50 E South Lake Tahoe.
Đêm gần sáng mùa Thu lạnh (49 độ F = 9.5 độ C), xe chạy quá 80 miles một chút (non 130 Km/giờ). Tôi phải ghi xuống tỉ mỉ như thế vì càng lên hướng Bắc, bốn bề càng vắng lặng, nên tôi rất “hiện sinh” với chiếc xe, tay lái và con đường. Tôi nghĩ đến các Ni Sư thiền viện Diệu Nhân và quý Ni Sư từ Việt Nam mới sang hôm qua. Tôi đã được nghe quý Ni Sư thuyết pháp nhiều lần; nhưng lần này tôi mỉm cười tẩn mẩn với ý nghĩ “thuyết pháp từ bi”.
Quý Ni Sư viện chủ và phó viện chủ thiền viện Diệu Nhân: Ni sư Thuần Tuệ và Ni sư Thuần Bạch là hai vị thuyết pháp đã tạo được ảnh hưởng tích cực trong dòng hoằng pháp hải ngoại. Ni sư Thuần Bạch là một nhà nghiên cứu và dịch giả Phật học với trên 10 tác phẩm biên khảo và dịch thuật đã xuất bản. Đặc biệt, Ni sư Thuần Tuệ được cả hai giới Phật tử già và trẻ - nói tiếng Việt và tiếng Anh quý mến gọi là nhà “thuyết pháp từ bi” vì bên cạnh những phẩm chất nêu trên, Ni sư còn một ưu điểm mà các vị thuyết pháp khác thường không quan tâm là “giáo án”, là bài soạn cẩn trọng cho đề tài thuyết pháp

Các Ni sư - Những vị “thuyết pháp Từ bi” trong khóa Tu Học Mùa Thu 2019 tại Thiền viện Diệu Nhân, Rescue – California – Hình ảnh khai mạc khóa tu.
Khoá Tu Học Mùa Thu Diệu Nhân hôm nay có duyên lành được quý Ni sư Như Đức, Hạnh Huệ, Hạnh Như, Giải Thiện... là những giáo thọ, giảng sư thời danh khả kính trong sinh hoạt hoằng pháp của Thiền tông Việt Nam tham dự và thuyết pháp.

Đến thiền viện Diệu Nhân lúc 5:20 sáng, đúng lúc buổi tọa thiền buổi sáng bắt đầu, tôi tìm được một chỗ để đặt bồ đoàn tọa cụ cho cá nhân mình. Thiền đình đã chật ních thiền sinh. Sáu mươi phút tĩnh tâm thiền tọa, chỉ cần vài phút giữ cho ý nghĩ và xúc cảm như như rỗng lặng thì cũng đã đạt lắm rồi. Tôi có cảm tưởng như mình cảm ứng được với nguồn năng lượng của đại chúng. Xả thiền, 06:30 sáng trời còn sương mù. Buổi tọa thiền kết thúc. Khoá Tu học Mùa Thu khai mạc. Thiền cũng là một sự khai mở… luôn luôn khởi sự mà không bao giờ chấm dứt. Thuyết pháp từ bi cũng thế: Mở ra cánh cửa Thiền không khép lại cho tới khi qua được Bờ Bên Kia. 

TV Diệu Nhân, Rescue California, Thu 2019
Trần Kiêm Đoàn









Tuesday, October 1, 2019

Viết Sách, Đọc Sách và Hội Sách

 Viết Sách, Đọc Sách và Hội Sách

Nguyên Giác

Viết là một hành vi đòi hỏi nhiều nỗ lực. Đặc biệt là khi viết về các chủ đề Phật giáo, người viết bên cạnh kiến thức uyên bác và tham khảo công phu, cũng cần có tu chứng ở một mức độ nào đó. Do vậy, tôi đặc biệt quý trọng sách, cả kinh và luận.
Từ những ngày thơ ấu, tôi đã say mê đọc sách, nghiền ngẫm sách, dò tìm ý nghĩa và ghi nhớ một số chi tiết ưa thích trong sách. Với tôi, chữ có sức mạnh riêng, có sức sống riêng, có thể tự nhảy rời trên giấy để nói về một ý trong kinh, trong luận. Tôi đã say mê đọc cả Nam Tông và Bắc Tông, say mê đọc bất kỳ trang giấy nào có dòng chữ “Một thời tôi nghe” và say mê bất kỳ những giải thích về những lời dạy đó, dù là có nhiều khi mình chẳng hiểu bao nhiêu. Rồi vậy đó, tôi lớn dần theo những trang sách, trân trọng hít thở những dòng chữ trên giấy, và nhìn thấy chữ tan trong thân tâm mình, sảng khoái như khi uống ngụm trà buổi tối, an lạc như khi cảm thọ từng hơi thở hòa vào toàn thân mình.
Viết là một hành vi mệt nhọc, đầy hy sinh, và rất trí tuệ. Khi đọc bộ sách “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam” của GS Lê Mạnh Thát, tôi kinh ngạc trước những nghiên cứu phi thường khi Giáo Sư dò ra rằng dân tộc mình đã từng có chữ viết tiếng Việt từ thời Hùng Vương, và cú pháp chữ Việt cổ thời đã được người xưa sử dụng khi soạn Lục Độ Tập Kinh, và nhiều khám phá chưa từng có tương tự. Tôi hình dung rằng GS Lê Mạnh Thát đã tìm tới các ngôi chùa rất xưa cổ, chụp hình các văn bản cổ trên giấy, trên gỗ và trên đá để về nghiên cứu và viết thành những cuốn sách kinh thiên động địa như thế. Tôi đã từng ước muốn sẽ viết một bài giới thiệu bô sách đó nhưng rồi thôi, tự biết mình không đủ kiến thức để nói về một ngọn núi như thế.
Tôi tự biết mình có rất nhiều giới hạn, kém chữ Hán và không biết gì về chữ Nôm, dốt cả chữ Bắc Phạn (Sanskrit) và Nam Phạn (Pali)… Đã có lúc tôi tự nghĩ là phải học một cổ ngữ  để đọc Kinh Phật, nhưng rồi lại thôi. Bởi vì, tự nghĩ cũng như một người Mỹ học tiếng Việt mười năm, mà bảo đọc Truyện Kiều… thì sẽ chẳng tới đâu, huống là mình chẳng còn bao nhiêu năm trên cõi đời này. Trừ phi, bản thân mình là một thiên tài về ngữ học; nhưng chuyện này thì nằm mơ cũng không thấy.
Do vậy, tôi biết ơn những người đã viết sách, dịch sách. Trong đó, hình ảnh tôi có về cụ Mai Thọ Truyền là một ông cụ tóc trắng với đôi mắt tinh anh, tôi từng gặp khi còn ngồi học ở Chùa Xá Lợi. Nhiều thập niên sau, đọc Tâm Kinh Việt Giải của cụ, mới thấy cụ hiện ra không còn ở sân chùa như ký ức, mà là trên những dòng chữ đã hiển lộ sáng ngời đôi mắt của cụ soi thấu ba cõi sáu đường.
Cũng như những thắc mắc không bao giờ có cơ hội để hỏi trực tiếp người viết. Trong bản dịch Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn Luận của Ngài Huệ Hải,  Thầy Thích Thanh Từ nhiều thập niên trước đã in là “Huệ Hải” và rồi ấn bản mấy năm gần đây in là “Tuệ Hải”… Hiển nhiên là cùng nghĩa, nhưng rất mực có tính “vùng, miền”… Có phải học trò của Thầy khi in lại đã hiệu đính cho phù hợp âm đọc người Bắc? Tôi mang ơn Thầy Thích Thanh Từ và cuốn sách này biết là bao nhiêu, cũng như nhiều sách khác của Thầy.
Và rồi một cuốn tuyệt vời mấy năm gần đây là Duy Ma Cật Sở Thuyết, do Thầy Tuệ Sỹ dịch và chú. Sách này là kinh, là văn, là thơ, là nhạc, và là tâm yếu Thiền Tông. Sách này là gậy đi đường của Bồ Tát Đạo, là bước đi của người cư sĩ trong đời ngũ trược, tuy nhìn thấy khắp thế gian chìm đắm trong bất tịnh nhưng chính trong cái được thấy, trong cái được nghe, trong cái được cảm thọ, trong cái được thấy nghe hay biết vẫn là ánh sáng cõi Phật rực rỡ. Tôi đọc và nhìn thấy hình ảnh Thầy Tuệ Sỹ cao vời vợi giữa chất văn đầy thi tính, giữa các chú giải uyên bác dựa vào nhiều ngôn ngữ, và giữa tâm từ bi hiển lộ trên từng dòng chữ của Duy Ma Cật Sở Thuyết.
Bìa sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam (trái) và Duy Ma Cật Sở Thuyết (phải).
Và rồi hình ảnh Thầy Thích Minh Châu… Tôi biết ơn Thầy biết là bao nhiêu. Thầy đã dịch Tạng Kinh Pali, công trình lớn vô cùng tận. Hạnh phúc vô cùng là khi tôi đọc các bản dịch của Thầy Minh Châu, đối chiếu với các bản Anh dịch của nhiều Thầy khác, và khám phá ra cội gốc Thiền Tông trong Tạng Pali. Tôi tự nhủ, bản thân mình không biết tiếng Pali, nên cách hay nhất là đối chiếu bản Việt và nhiều bản Anh dịch.
Đôi khi tôi thắc mắc, nhưng không thể biết được hết chuyện của các ngài Thánh Tăng xa xưa. Khi đọc về Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất, một số tài liệu của quý Ngài Nam Tông cũng ghi nhận rằng các vị A La Hán đã có bất đồng về một số lời tụng lại trong Đại hội này.
Khi Ngài Purana và 500 vị sư tới trễ (thời xa xưa phải đi bộ), thì Đại hội hoàn tất việc tụng kết tập Kinh và Luật. Ngài Maha Cadiếp yêu cầu Ngài Purana tụng theo kinh đã kết tập, nhưng Ngài Purana nói rằng bản thân Ngài Purana từng trực tiếp nghe Đức Phật dạy một số điều khác hơn, và Ngài Purana sẽ giữ những lời dạy đã nghe trực tiếp.
Đại sư Kurunegala Angirasa Thera viết trong một tài liệu về Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất: “Even among the prominent Arahants, there were conflicting views regarding certain matters. The view expressed by Elder Purana regarding the first Council bears testimony to this.” (Dịch: Ngay cả trong các vị A La Hán uy tín, cũng có quan điểm mâu thuẫn về một số vấn đề. Trưởng Lão Purana bày tỏ quan điểm về Đại hội kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ nhất là một minh chứng.) (1)
Như vậy, thời này, có bất đồng cũng là bình thường. Tuy nhiên, tôi nghĩ là các tư tưởng Đại Thừa đã có sẵn trong Tạng Pali. Đó là Trung Quán Luận, là Duy Thức, là Kinh Lăng Nghiêm, là Kinh Kim Cang, là Kinh Pháp Bảo Đàn, và nhiều kinh khác… Tôi rất mực hạnh phúc khi đọc các bản dịch của Thầy Minh Châu, khi đối chiếu các bản Anh dịch, và rồi nhận ra lời dạy của Thiền Tông, của Đại Thừa.
Đã từng có lúc, bổn sư của tôi là Hòa Thượng Tịch Chiếu (Chùa Tây Tạng Bình Dương) bảo tôi rằng con đừng đọc nữa.
Chỗ này nên cảnh giác: hoàn toàn không có nghĩa là rời bỏ chữ. Bởi vì chữ trong Kinh là lời Đức Phật dạy, sao lại bảo chớ đọc? Không đọc các bộ Nikaya, A Hàm, không đọc kinh và luận… thì đời chẳng còn gì là đáng nói. Thực ra, nói không đọc chỉ có nghĩa là, đừng vin vào các ký hiệu mà tìm ý nghĩa, đừng dính vào ngón tay mà không thấy được mặt trăng. Một lần, nhiều thập niên trước, Thầy Tịch Chiếu và tôi bước xuống bếp chùa. Gần bếp có pho tượng cao cỡ một mét, đúc hình một vị tiều phu, với chiếc rựa. Thầy Tịch Chiếu chỉ vào pho tượng và nói với tôi: “Đây là ông Phật đó.”
Phải nhiều năm sau, tôi mới nhận ra ý Thầy rằng không phải Phật là tượng gỗ, tượng đất sét, tượng tiều phu, hay tượng 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Nhưng chính rằng Phật đó chính là cái được thấy. Thầy từng dạy rằng tánh là vàng, nhưng hiển tướng vàng chính là khoen, xuyến, nhẫn, dây chuyền… Và như thế, Phật chính là tượng, là nhà, là bàn, là ghế, là vườn, là núi, là rừng… tất cả hiển lộ bình đẳng trong cái thấy. Và Phật cũng chính là tiếng chuông, tiếng chim hát buổi sáng, tiếng gió thổi qua cây… tất cả hiển lộ bình đẳng trong cái nghe. Và thế giới hiển lộ với chúng ta là “toàn tướng tức tánh, toàn tánh tức tướng” (Kinh Lăng Nghiêm: tất cả tướng là tánh, tất cả tánh là tướng) và là “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như lai” (Kinh Kim Cang: hễ thấy các tướng không phải là tướng, tức là thấy tánh)… Thấy được như thế, các bờ phân biệt biến mất, tất cả trước mắt, bên tai… trở thành cái Như Thị, cái không thể nói bằng lời, cõi tâm nó bật sáng như thế là nó như thế, biện biệt biến mất, thân tâm và thế giới không phải hai, không phải một, không phải nhiều, ngôn ngữ trong và ngoài vắng bặt…
Tôi đã cực kỳ hạnh phúc khi đọc trong Tạng Pali, tới Kinh SN 35.23 (Sabba Sutta: The All), bản dịch Thầy Minh Châu là:
Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết về tất cả. Hãy lắng nghe. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các hương; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả.” (2)
Như thế, Tất Cả, nghĩa là Bất Nhị. Không phải hai. Nhưng không nên nghĩ là một, cũng không nên nghĩ là nhiều.
Tôi nhận ra rằng việc phân chia tông phái có thể là từ các vị sư tới gặp Đức Phật và xin một lời dạy để về ngồi luôn nơi góc núi, ven rừng…  Những kinh đó thường có những lời dạy mang phong vị rất Thiền Tông. Nhiều năm qua, tôi đã tìm đọc các kinh như thế từ bản dịch Tạng Pali của Thầy Minh Châu và các bản Anh dịch đối chiếu.
Tôi đã cực kỳ hạnh phúc khi dò ra một lời dạy trong Kinh Lăng Nghiêm, “Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn; Tri kiến vô kiến, tức tư Niết Bàn…” (Thấy biết mà dựng lập thấy biết, chính là  cội gốc vô minh; Thấy biết, không dựng lập thấy biết, tức khắc là Niết Bàn) cũng là lời dạy trong Kinh AN 4.24 và Kinh MN 140 ở Tạng Pali. Tôi đã dò tất cả các bản Anh dịch có thể tìm được, và cảm nhận sương khói Xứ Ma Kiệt Đà, nơi Đức Phật từng bước chân hoằng pháp, đang phả lên từng dòng kinh tiếng Việt và tiếng Anh.
Chính khi đó, trước mắt tôi hiện ra một hình ảnh trong Bá Trượng Ngữ Lục, trích:
Sư làm thị giả cho Mã Tổ, mỗi khi thí chủ cúng dường trai phạn Mã Tổ, Sư vừa mở nắp đậy đồ ăn thì Mã Tổ liền lấy một miếng bánh thị chúng rằng: “Là cái gì?”. Mỗi mỗi như thế trải qua ba năm.” (3)
Ngài Bá Trượng theo học Ngài Mã Tổ, và cứ ba năm liên tục, mỗi ngày, khi thí chủ cúng dường trai phạn, Ngài Mã Tổ cầm miếng bánh lên hỏi: Là cái gì?
Tuyệt vời là như thế. Mà hễ ai nói rằng là bánh, rằng không phải bánh, rằng đã là bánh, rằng đã không là bánh… thì đều là hỏng. Y hệt như khi Thầy tôi chỉ vào pho tượng và nói “Ông Phật đó kìa” — và chính đó, cả thế giới thấy nghe hay biết trong dòng chảy xiết của vô thường trong cõi này  không lìa tâm mà hiển lộ, nhưng cũng không thể gọi là tâm vì các pháp đều bất khả đắc…
Và gần đây, tôi rất mực hạnh phúc khi đọc trong một cuốn sách mới phổ biến, nhan đề “Niệm Định Tuệ Hữu Lậu Và  Niệm Định Tuệ  Vô Lậu” của Tỳ Kheo Thích Thắng Giải, nơi Chương 7, trích:
Ngài Triệu Châu đã dạy cho người thị giả rằng: Này con, đây là lửa nhưng con đừng gọi là lửa, Thầy đã chỉ dạy cho con xong. Con có lãnh hội lời Thầy dạy không?” (4)
Tuyệt vời. Tôi, trong cương vị độc giả, đã rất mực vui mừng khi thấy tác giả ghi lại tích này. Lửa là cái được thấy, nhưng gọi là cái gì hay không là cái gì đều hỏng. Tuyển tập của Thầy Thích Thắng Giải rất công phu, dò và đối chiếu nhiều kinh Nam Tông và Bắc Tông, cũng như đã đối chiếu với trong Luận Thành Duy Thức (bản do Thầy Tuệ Sỹ dịch và chú)…
Chúng ta sẽ rơi vào vọng tưởng nếu gọi ngọn lửa của Ngài Triệu Châu là bất kỳ cái gì. Khi đã thấy thì không cần mượn tới chữ. Dù đó là lửa, hay nước, hay tôi, hay bạn, hay thế giới này… Hãy để các pháp hiển lộ như thế là như thế. Hễ mở miệng luôn luôn là trễ rồi… Đó là khi ngôn ngữ dứt bặt. Cũng y hệt tiếng đàn, có chẻ cây đàn ra trăm ngàn mảnh cũng không dò ra tiếng đàn nơi đâu. Tâm hiển lộ qua tiếng đàn, nhưng tìm bất cứ cái gì, dù là có tâm hay không tâm, dù là tiếng đàn hay không tiếng đàn… cũng đều là vọng tưởng. Hãy để nó như thế là như thế. Bởi vì tất cả những phản ứng nào của chúng ta khi thấy nghe hay biết đều là sản phẩm của ngũ uẩn quá khứ. Trong khi đó, Pháp Tánh đang trôi chảy qua thân tâm chúng ta luôn luôn mới lạ, luôn luôn là cái chưa từng được biết, luôn luôn là cái không lời, luôn luôn là cái vô ngằn mé.
Kinh MN 140, bản dịch Thầy Minh Châu, ghi lời Đức Phật:
Này Tỷ-kheo, “Tôi là”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi là cái này”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ là”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không là”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ có sắc”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không có sắc”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ có tưởng”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không có tưởng”, như vậy là vọng tưởng. “Tôi sẽ không có tưởng, không không có tưởng”, như vậy là vọng tưởng…” (5)
Do vậy Thiền Tông không phải là ngồi, mà là đi đứng nằm ngồi đều nhận ra Pháp Tánh hiển lộ trong cái dòng chảy vô thường của tất cả, không trong và không ngoài tâm. Và Pháp là cái tức khắc, cái thấy được ở đây và bây giờ, cái chứng thực được, cái vượt thời gian.
Trong khi đó về ni giới, những vị nổi bật hiện nay tại California về viết sách và dịch sách là Ni Sư Thuần Bạch (học trò Thiền Sư Thích Thanh Từ) và Ni Sư Giới Hương (học trò Ni Trưởng Hải Triều Âm). Tất cả sách (sáng tác và dịch) của Ni Sư Thuần Bạch đều hỗ trợ tốt cho người tu Thiền, trong khi tất cả sách của Ni Sư Giới Hương cho độc giả một cái nhìn bao quát nhiều tông phái, qua nhiều thời kỳ, từ các bộ Kinh A Hàm cho tới Kinh Lăng Nghiêm, cũng như dịch sách của Ngài Đạt Lai Lạt Ma đời 14. Ni Sư Giới Hương cũng đang viết sách tiếng Anh.
Trong những ngày gần đây, bên cạnh tình hình sách về Phật giáo được viết và phát hành nhiều hơn, nổi lên một hiện tượng hiếm thấy: nữ cư sĩ Tâm Bảo Đàn (bút hiệu khác là Milam Sudhana) trước giờ chuyên dịch kinh sách, chủ yếu Phật Giáo Tây Tạng, vừa mới viết và ấn hành sách bằng Anh ngữ.
— “The Eighteenth Aspirational  Vow of Buddha Amitabha” bản Anh ngữ, và ấn bản Việt ngữ là Lời Nguyện Thứ Mười Tám của Đức Phật A Di Đà” – Nữ cư sĩ Tâm Bảo Đàn đã nghe lời giảng của Thầy Thích Tuệ Hải (trụ trì Chùa Long Hương, Đồng Nai) và đã chép xuống, cô đọng, dịch sang tiếng Anh. Nội dung Thầy Tuệ Hải nói rằng học inh Đại Thừa theo nghĩa đen sẽ không nắm được kiến giải đúng đắn và thâm diệu của Kinh. Trong sách này Thầy Tuệ Hải chỉ cách hiểu và thực hành, sống ngay trong đời này sự hiện diện sinh động của A Di Đà – là tự tánh quang minh, là tuệ giác ngay ơi chúng ta – và qua đó đạt đến cảnh giới tâm Cực Lạc. Thầy Thích Tuệ Hải là học trò của Thầy Thích Thanh Từ.
— “The Lama of Many Lifetimes: Touching the Living Heart of Garchen Rinpoche” Book Two – Đây là Tập 2 trong chuỗi 3 tập, tác giả Tâm Bảo Đản viết về bổn sư là Ngài Garchen Rinpoche. Chỉ có bản tiếng Anh, chưa có bản Việt. Sách này đang được dịch sang nhiều ngôn ngữ — tiếng Việt, Tây Tạng, Trung Hoa, Pháp, Đức, Ba Lan, Nga, Tây Ban Nha. Sách in rất đẹp, giấy dày, văn phong tiếng Anh rất thơ mộng khi kể về thời trẻ của đại sư Garchen, đặc biệt kể về tâm từ bi của Ngài ngay cả đối với các chiến binh Trung Quốc thù địch. Sách này gồm 3 tập. Tập 3 chưa viết xong. Sách có thể tìm trên Amazon.
Hình trái là bìa sách “The Lama of Many Lifetimes” và bên phải là 2 bản Anh-Việt sách “The Eighteenth Aspirational  Vow of Buddha Amitabha”
Điều muốn nói ở đây là, một hiện tượng rất hiếm: Phật tử gốc Việt viết sách Phật giáo bằng tiếng Anh. Đây là nhu cầu lớn: Phật tử trẻ gốc Việt tại hải ngoại không biết tiếng Việt, và chỉ đọc về Phật pháp qua tiếng Anh. Nhiều em trong thế hệ trẻ mất hẳn sợi dây nối kết với Phật giáo trong VN. Khi nghe thế hệ lớn tuổi nói rằng Phật Giáo VN trong một thế kỷ qua nương tựa vào các cổ thụ như quý Thầy Tâm Minh Lê Đình Thám, Minh Châu, Thanh Từ, Trí Thủ, Thiện Siêu, Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ, Đức Thắng, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, GS Lê Mạnh Thát… thế hệ trẻ không hình dung nổi cả một chân trời hoằng pháp rực rỡ như thế. Nếu có cơ duyên, các em sẽ gặp các sách tiếng Anh của Thầy Nhất Hạnh, nhưng đây không là toàn cảnh, và cũng không là chủ điểm. Sách tiếng Anh của Tâm Bảo Đàn (và của các tác giả tương tự trong tương lai) sẽ cho những người đọc ngoại ngữ cái nhìn bao quát hơn về PGVN.
Trong tình hình sách in nhiều như thế, các nhà báo có nhiệm vụ giới thiệu sách hẳn nhiên sẽ bận rộn. Tuy nhiên, chúng ta nên nhìn như thế này: nếu nhà báo này làm việc cho các báo ngoài đời, họ sẽ ưu tiên viết về các sách ngoài đời, vì phải chiều theo sở thích của đa số độc giả. Người điểm sách (reviewer) tuy công việc nhẹ hơn các chuyên gia, nhưng cũng cần nhiều kiến thức. Thí dụ, muốn viết về bộ sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam của  GS Lê Mạnh Thát cũng cần có kiến thức về cổ sử VN và Trung Hoa, bên cạnh trình độ Phật học uyên bác.
Có một điểm cũng nên thấy: sáng tác văn học về Phật giáo phần lớn không hay bằng sáng tác văn học của các nhà văn, nhà thơ đời thường. May mắn, chúng ta còn có các nhà thơ xuất sắc như quý ngài Tuệ Sỹ và Minh Đức Triều Tâm Ảnh, cũng như còn có người viết nhận định và tùy bút tuyệt vời như hai cư sĩ  Cao Huy Thuần và Đỗ Hồng Ngọc. Chỉ tiếc, tiểu thuyết và truyện ngắn hay cho Phật Giáo thì không nhiều.
Chính vì nhu cầu viết sách, đọc sách, giới thiệu sách Phật Giáo cần như thế, người viết xin đề nghị quý Tăng Ni Cư Sĩ hải ngoại nên tổ chức nhiều buổi Hội Sách (Book Fair) để khuyến tấn Phật tử (nhiều thế hệ) đọc sách và viết sách về Phật Giáo. Không hỗ trợ, mọi chuyện cuối cùng rồi sẽ chìm luôn. Thí dụ, một năm nên tổ chức ba buổi Hội Sách ở California, luân phiên ở San Jose, Quận Cam, San Diego.
Hiện thời, Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Tâm Thường Định đang chuẩn bị thực hiện một Hội Sách vào tháng 10/2019 tại San Jose; dự kiến buổi này sẽ giới thiệu hơn 300 tác phẩm về Phật Giáo.
Trong một lá thư gửi một số tác giả và nhà xuât bản PG, cư sĩ Tâm Thường Định viết, trích:
Nhằm tạo một cơ hội sinh hoạt chung để chia sẻ, truyền lửa cho nhau, và thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật, Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung, một buổi sinh hoạt CÓ MẶT CHO NHAU 2 sẽ được tổ chức tại Tully Community Branch Library, 880 Tully Rd. San Jose, CA 95111, vào lúc 2:30–5:45 Chiều, Thứ Bảy, ngày 19 tháng 10, 2019.
Buổi sinh hoạt này gồm có các tiết mục như sau:
Book Fair và Ra Mắt Sách của NXB Lotus Media, Inc., Hương Tích Phật Việt, Viet Ananda Foundation, Hoa Đàm, Lotus Media, Tủ Sách Phổ Hoà, etc… trong đó có tác phẩm của Thầy Như Điển, Thầy Từ Lực, Thầy Nguyên Tạng, cư sĩ Thiện Quả, Nguyên Giác, Nguyên Minh, Như Hùng, Vĩnh Hảo, Trần Kiêm Đoàn, Trần Trung Đạo, Trưởng Nguyễn Hoàng Lãng Du, Htr. Tâm Thường Định, v.v…” (ngưng trích)
Thư Mời còn cho biết sẽ có phần hội luận, chia sẻ thao thức và kinh nghiệm hoằng pháp, cũng như giới thiệu các nhà xuất bản Phật học, trong khi phần thực tập Chánh niệm sẽ được xen kẽ trong chương trình.
Thư Mời cũng ghi thêm: “Sự hiện diện của quý Thầy Cô và quý vị là động lực lớn, là đạo tình đầm ấm, và là tấm lòng quý giá trên đời dành cho nhau. Mọi sự liên lạc, ủng hộ hay đóng góp xây dựng, xin email về Htr. tamthuongdinh@gmail.com; Cell: (916)-607-4066 hoặc cư sĩ Thiện Trí (408) 218-0747.”
Sau Hội Sách sẽ là chương trình tại Chùa Thiên Trúc, với cơm thân mật, trà đàm, trao đổi về việc Hoằng Pháp sắp tới…
Nơi đây xin có lời ngợi ca tất cả những người đã viết sách, dịch sách, in sách, giới thiệu sách về các chủ đề Phật Giáo. Tất cả quý vị đều là những đi theo sự nghiệp của Ngài A Nan. Và Đức Phật đã dạy, rằng công đức bất khả tư nghì chính là bố thí pháp.
GHI CHÚ:
(1) Ven. Kurunegala Angirasa Thera, The Early Buddhist Councils And The Principal Schools And Sects Of Buddhism – https://pgvn.org/pg_8564zb T
rên trang Suttas.com cũng viết: “The chanting of Dhamma and Vinaya by the Five Hundred was not completely accepted by all monks. Venerable Purana and his 500 disciples arrived at Rajagaha and were met by elderly monks who asked him to submit and learn the texts. However, Venerable Purana would only bear in mind what he had heard in the Lord’s presence, directly from Him.” http://www.suttas.com/1st-buddhist-council.html 
(2) Kinh SN 35.23: https://suttacentral.net/sn35.23/vi/minh_chau 
(3) Bá Trượng Ngữ Lục: https://thuvienhoasen.org/a7557/ba-truong-ngu-luc 
(4) Tỳ Kheo Thích Thắng Giải, Niệm Định Tuệ Hữu Lậu Và  Niệm Định Tuệ  Vô Lậu: https://thuvienhoasen.org/p19393a32277/chuong-7-doi-chieu-noi-dung-ban-kinh-bahiya-trong-tieu-bo-kinh 
(5) Kinh MN 140: https://suttacentral.net/mn140/vi/minh_chau