Monday, February 24, 2020

BẢN BI-HÙNG

Chân Dung Đại Lão Hoà Thượng Thích Quảng Độ (1928-2020)

BẢN BI-HÙNG
Kính tiễn Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ 


Ngài bậc xuất trần thượng sĩ
Vị Cao Tăng Thạc Đức của Phật Giáo Việt Nam, 
Bao từ bi trước ma chướng hung tàn
Đem trí tuệ diệt sân, si, tham, chấp
Ngài đơn độc dù thời gian phủ lấp
Đem tình thương chuyển hóa vô minh
Đem Kinh Luật Luận gieo rắc cho chúng sinh
Mang chí lớn của bậc xuất trần thượng sĩ
Bồ Tát Hạnh, Ngài ung dung Thoát Vòng Tục Lụy 
Đem Đại thừa tư tưởng dấn thân.
Cho quê hương, dân tộc và đạo pháp nhiệm mầu
Sư tử hống vang xa uy dũng
Ngài dõng dạc đòi quyền tự do sinh hoạt 
của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất 
Nay nhục thân đã trở về lòng đất
Đại Bi Tâm vẫn lưu lại ngàn đời!

Thầy đi cánh hạc ngang trời
Thong dong tự tại qua đồi tử sinh.



Nhất Tâm đảnh lễ kính tiễn Giác linh Đại Lão Hòa Thượng
trước Quảng sau Độ thùy từ chứng giám.


Sunday, February 23, 2020

CHIỀU ĐÔNG (Kính tiễn Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ)

Designed by Uyên Nguyên.



CHIỀU ĐÔNG

(Kính tiễn Giác Linh Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ)



Một ngày tháng 8 năm 1992, tôi nhận được một bài thơ của một người bạn tin cẩn gởi từ trong nước. Anh chép tám câu thơ của Hòa Thượng Thích Quảng Độ nhưng không có tựa. 
Tôi đọc và rất cảm động. Qua từng câu thơ tôi hình dung cảnh cô đơn, trống vắng, quạnh hiu mà Thầy đang sống trong thời gian lưu đày ở Thái Bình trong một buổi chiều đông. 
Sau 1975, giữa lúc gần hết mọi người đều đi theo chiều gió, Thầy cố bước ngược chiều để mong cứu vớt những gì còn sót lại sau những điêu tàn, đổ nát. Tinh thần vô úy của đạo Phật đã giúp Thầy vượt qua bao thử thách, cực hình, đày đọa.
Trong đêm tối giữa nhà lao Phan Đăng Lưu hay trong buổi chiều mưa tầm tã tay dắt bà mẹ già 90 tuổi trên đường lưu đày từ Sài Gòn ra Vũ Đoài, Thái Bình, Thầy vẫn một tấm lòng son sắt với quê hương và đạo pháp. 
Chúng ta sống trên đất tự do, dễ dàng nói với nhau về yêu nước, yêu đạo, dễ dàng nói với nhau về hy sinh, đại nguyện. Nhưng nếu chúng ta sống một đêm, một đêm thôi, trong đau thương trăn trở giữa ngục tối Hàm Tân như HT Thiện Minh, một đêm mang nặng ưu tư đau nhức tại nhà tù Phan Đăng Lưu như HT Quảng Độ, một đêm trầm mặc suy tư trên mỗi bước thiền hành ở Quảng Ngãi như HT Huyền Quang, chắc chắn chúng ta sẽ hiểu ra rằng Bồ Tát giống tất cả chúng ta nhưng chúng ta không phải dễ dàng là Bồ Tát. 
Ngày đó không có mạng xã hội Facebook như bây giờ. Chúng tôi là một nhóm vài trăm người sinh hoạt với nhau trong giai đoạn Internet còn rất phôi thai. 
Tôi gởi bài thơ cho cả nhóm đọc. Nhưng bài thơ thì phải có tựa. Tôi không nói với ai, chỉ im lặng và mạo muội đặt tựa là Chiều Đông, phía dưới viết tên tác giả HT Thích Quảng Độ. Luôn dịp tôi họa lại bài thơ của Thầy đặt tựa Tấc Lòng Son, và sau đó in trong tập Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười xuất bản lần đầu tại San Jose cuối năm 1992.
Trước ngày Thầy bị bắt và tôi chưa rời Việt Nam, mỗi tuần tôi thường gặp Hòa Thượng đi bộ từ chùa Giác Minh trên đường Lý Thái Tổ xuống ngã sáu Trần Quốc Toản, để từ đó đón xe Lam qua Thanh Minh Thiền Viện giảng thiền học. Dáng Thầy thanh cao, vầng tráng rộng, miệng Thầy luôn mỉm cười như chúng tôi thường bắt gặp trong những ngày trước 30-4-1975 ở Đại Học Vạn Hạnh. Phải chăng ngay cả trong lúc mang nặng ưu tư về tiền đồ dân tộc và đạo pháp, tâm Hòa Thượng Quảng Độ vẫn an nhiên, tự tại. 
Thầy dạy Triết Đông và tư tưởng Phật Giáo cho sinh viên các khoa Khoa Học Nhân Văn và Phật Khoa. Tôi không trực tiếp được học Thầy. Nhưng những buổi giảng chuyên đề của các thầy thường mở rộng cho sinh viên các ban khác. Ngày đó tôi còn nhỏ nhưng may mắn được nhiều lần ngồi nghe các thầy dạy bảo. Hòa thượng Quảng Độ, Hòa thượng Minh Châu, Hòa thượng Mãn Giác, Hòa thượng Thuyền Ấn v.v.. Mỗi thầy một nét. Cao siêu nhưng gần gũi. Giản dị nhưng thâm trầm. 
Những hạt giống nhân duyên các thầy gieo xuống tâm hồn tôi nay đã lớn lên. Kỷ niệm không bao giờ chết. Kỷ niệm lớn như cây. Nếu biết chăm sóc, kỷ niệm cũng nở hoa như những loài hoa tươi đẹp khác.
Ba mươi tháng Tư, 1975, chúng tôi như bầy chim bay tán loạn bốn phương trời. Dù phải sải cánh bao xa, chúng tôi đều mang theo trong tâm hồn mình những bóng mát của một thời tuổi trẻ. Thời của tuổi mười tám với buồng phổi căng đầy sức sống. Bóng mát đó là các thầy. Bóng mát đó là thiền viện, thư viện, giảng đường, và bóng mát đó là lý tưởng Duy Tuệ Thị Nghiệp.
Hành trình đầy bi tráng của Thầy trong suốt 10 năm bị bắt giam, tra tấn và lưu đày cùng với bà mẹ già 90 tuổi ở Thái Bình đã để lại một niềm thương yêu và kính phục sâu xa, không những trong lòng nhiều triệu Phật Giáo đồ Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà cả trong cộng đồng nhân loại. 
Bài thơ của Thầy:

CHIỀU ĐÔNG

Nghe lòng xa vắng những chiều đông
Nhìn nước mênh mông khắp mặt đồng

Bát ngát núi xa mờ bóng cọp
Thăm thẳm trời cao bặt cánh hồng
Bao độ cà tan cà nở nụ

Mấy mùa lúa rụng lúa đơm bông
Năm tháng mỏi mòn đầu đã bạc
Còn chút lòng son gởi núi sông
(HT Thích Quảng Độ, Thơ Tù HT Thích Quảng Độ, trang 265)

TẤC LÒNG SON
Lời thầy vang vọng giữa chiều đông
Hương ngát vô ưu rót tận lòng

Mây nước muôn trùng tan với hợp
Quê hương ngàn dặm có mà không
Tóc xưa dẫu bạc lòng không đổi

Áo cũ dù phai giữ đạo đồng
Mười năm trải một lòng son sắt
Tiếng vọng ngàn thu với núi sông.
(Trần Trung Đạo, Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười, trang 126)

Cách đây vài năm, khi nhận được thi tuyển Thơ Tù của HT Thích Quảng Độ lần đầu, tôi hồi hộp đọc phần mục lục trước để xem Thầy đặt tựa bài thơ là gì. 
Tôi rất vui và cảm động khi biết Thầy cũng đặt tựa bài thơ là Chiều Đông. Tôi thầm cám ơn Thầy đã cho phép tôi được sống trong cùng một tâm cảm với Thầy. 
Thầy là rừng, tôi chỉ là chiếc lá nhưng nhờ có nhân duyên lá và rừng được sống với nhau trong một chiều đông.
Sáng hôm qua, trong lúc đang đi bộ trên đường nhỏ trong xóm tôi nhận một tin nhắn của một Phật tử tin cẩn từ trong nước “Hòa thượng Quảng Độ vừa viên tịch”. Tôi lặng người. Không phải vì Thầy ra đi sớm nhưng vì Thầy ra đi. 
Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ viên tịch chấm dứt một chương dày 45 năm trong lịch sử đầy thăng trầm của Phật Giáo Việt Nam. Những chương mới sẽ mở ra nhưng sẽ khác hơn nhiều. 
Trong tất cả tôn đức chịu đựng tù đày, Thầy là vị đã sống trong tù lâu nhất. Từ tháng 6, 1977 cho đến khi viên tịch, Thầy vẫn là một tù nhân của chế độ CS tại Việt Nam. 
Chín mươi năm từ khi tiếng gậy trúc của chư tổ vang lên ở các tổ đình khởi đầu cho công cuộc phục hưng Phật Giáo. Trong thời gian đó, bao nhiêu đổi thay đã xảy ra cho đất nước Việt Nam và cho Đạo Phật tại Việt Nam. Hôm nay, một trong những vị còn lại của thế hệ phục hưng Phật Giáo vừa viên tịch. Con thuyền đạo pháp như Thầy nhấn mạnh sau 1975 vẫn còn chênh vênh và niềm trăn trở cho quê hương của Thầy vẫn còn trăn trở. 
Nhưng áng mây bay đi sẽ mang về những giọt nước cho cánh đồng khô. Không có gì còn hay mất. Chỉ là những dạng khác nhau trong một cuộc vận hành. Cành mai Quảng Độ vừa rơi xuống nhưng như Thiền Sư Mãn Giác đời Lý viết, sáng mai đây, những cành mai khác lại sẽ nở ra.
Bước chân của Thầy không còn nghe nhưng tình yêu của Thầy dành cho quê hương vẫn sáng như ánh trăng rằm, đậm đà như mùi hương của đất và dạt dào như lời thơ Thầy viêt trong một Chiều Đông năm đó.
Từ nước Mỹ xa xôi, con cúi đầu đảnh lễ giác linh Thầy.
Trần Trung Đạo








Wednesday, February 19, 2020

Lời cầu cứu thảng thốt của Đất Mẹ


Lời cầu cứu thảng thốt 

của Đất Mẹ

Sư Cô Chân Không


Khóa tu kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Dòng Tu Tiếp Hiện do Thiền sư Thích Nhất Hạnh thành lập năm 1966, đã diễn ra từ ngày 1. 6 đến ngày 21. 6. 2016 tại Làng Mai, Pháp. Từ 6 người thành viên đầu tiên, đến nay đã có hơn 4000 thành viên trên khắp thế giới, góp sức đem đạo Bụt đi vào cuộc đời. Sư cô Chân Không, người chị cả của Dòng Tu Tiếp Hiện, đã viết những lời chia sẻ dưới đây về hiện tình của Đất Mẹ và lời cầu cứu của Đất Mẹ đến với những người con của mình.
Thân gửi những người con của Đất Mẹ,
Bốn mươi sáu năm về trước, năm 1970, lúc đó tôi còn trẻ, chỉ là một người quan tâm đến môi sinh, may mắn có mặt trong buổi Thiền Sư Thích Nhất Hạnh gặp mặt 6 khoa học gia nổi tiếng tại thành Phố Menton miền Nam nước Pháp. Họ gặp nhau để chia sẻ niềm ưu tư là con người đã tàn phá Đất Mẹ địa cầu quá nhiều bằng cách phung phí những tài nguyên rút từ đất mẹ như dầu hỏa, khí đốt… xây dựng những quy trình chăn nuôi để có thịt bò, heo, gà… khiến ô nhiễm nguồn nước sạch.
Nhóm khoa học gia nhỏ xíu chỉ có 7 người chúng tôi lúc ấy đã nghe lời kêu gọi của Thiền Sư ký tuyên ngôn đầu tiên gọi là Tuyên Ngôn từ Thành phố Menton[1], thảo Lời kêu gọi gửi đến 3 tỉ rưỡi người trên quả địa cầu mẹ từ các khoa học gia.
Nhóm lúc đầu này gồm có:
CONRAD A ISTOCK, U.S.A. Giáo sư Sinh Môi học, Đại Học Rochester Hoa Kỳ
DONALD J RUENEN, Hà Lan, Giáo sư Sinh học, Viện Đại Học Leiden
PIERRE LEPINE, thuộc Viện Hàn Lâm Pháp, Viện Trưởng Viện Pasteur, France
KLAUS MEYER-ABICH, Nhà Vật Lý Học người Đức, Max-Planck Institut zur Erforschung der Lebensbedingungen der Wissenschaftlich-technischen Welt
CAO NGỌC PHƯỢNG, Việt Nam, Giảng Viên Sinh Vật Học (từ Việt Nam, bị lưu đày)
LAWRENCE SLOBODKIN, U. S. A. Giáo sư Sinh Môi học, Đại Học New York
Nhóm bảy khoa học gia nầy có được sự ủng hộ tinh thần của các vị có giải Nobel về Sinh học như ALBERT SZENT-GYORGYL, U.S.A. Nobel về Sinh học, Giám Đốc Viện Nghiên cứu Cơ Học USA, GEORGE WALD, Nobel về Sinh học, Giáo Sư Sinh Môi học, Đại Học Harvard USA, SALVADOR E. LURIA, USA, Giải Nobel về Sinh Học, Massachusetts Institute of Technology, Giám Đốc Khoa Sinh Học M. I. T Hoa Kỳ…
Nhóm 7 khoa học gia chúng tôi đã thành lập một tổ chức phi chính phủ với tên Đại Đồng Thế Giới[2] (Dai Dong The Gioi organization) 1. Thiền Sư Nhất Hạnh và nhóm Đại Đồng Thế Giới đã đi gặp Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) lúc đó là U Thant và đề nghị Liên Hiệp quốc đứng lên tổ chức cuộc gặp mặt những Khoa Học Gia thế giới kêu gọi 3 tỷ rưỡi người cùng là con của Địa Cầu tỉnh dậy kịp thời ngăn chặn những tàn phá và giải cứu những nguy cơ của Địa Cầu.
Suốt năm 1971, các thành viên trong Đại Đồng Thế Giới đi từng nước tiếp xúc với các khoa học gia trong 25 nước động viên đồng ký tên vào Tuyên Ngôn từ thành phố Menton, thảo thêm Lời Kêu Gọi gửi đến 3 tỉ rưỡi người trên Địa cầu. Với chữ ký của hơn 2000 khoa học gia thế giới, lời kêu gọi được Nhật Báo Le Monde và Nhật Báo The New York Times đăng tải trên trang lớn.
Liên Hiệp Quốc đã tổ chức cuộc gặp mặt lần đầu tiên của những Khoa Học Gia toàn cầu hầu thức tỉnh mọi người về hiểm họa diệt vong của Mẹ Địa Cầu tại Stockhom vào ngày 21 tháng 6 năm 1972. Nhóm Khoa Học Gia Phi Chính Phủ Đại Đồng Thế Giới gặp nhau tại Stockhom trước đó hai tuần – từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 6 năm 1972 và ra Tuyên Ngôn “An Independent Declaration on the Environment”[3], khéo léo hướng dẫn Đại Hội Chính Thức của Liên Hiệp Quốc không đi lệch ra những nhu yếu cấp thiết của Đất Mẹ do ảnh hưởng của các nước lớn như Hoa Kỳ, Liên Bang Xô Viết (Nga), Trung Hoa chỉ vì những nhu yếu kinh tế của quốc gia họ mà đã phung phí tài nguyên địa cầu không tiếc thương.
Để tiếp nối việc cứu Mẹ Địa Cầu từ Menton 1970, rồi từ Stockhom 1972, trong thời gian 50 năm gần đây Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã không ngừng nghỉ giảng dạy kêu gọi chở che Đất Mẹ và mời gọi mọi người đi theo hướng một nền đạo đức toàn cầu bằng cách truyền 5 Phép Tu Tập Chánh Niệm cho hàng trăm ngàn thiền sinh, và truyền 14 phép Tu Tập Chánh Niệm (The Order of Interbeing hay là Dòng Tu Tiếp Hiện) cho hơn 4000 thiền sinh muốn đi xa hơn trên con đường tâm linh. Mỗi vị thọ 14 Phép Tu Tập Chánh Niệm phát nguyện lập một nhóm tu học nhỏ gặp nhau thường xuyên để hỗ tương nhau trên con đường sống cuộc đời thiểu dục, biết tri túc, biết sống từ bi hơn với chính mình, với muôn người, muôn loài, và phát nguyện là một cách tay nối dài của Bồ Tát Quan Thế Âm.
Bốn mươi tư năm đã qua sau Lời Tuyên Bố về Đất Mẹ ở Stockhom, tình trạng sức khoẻ của Mẹ Địa Cầu vẫn tiếp tục ngày càng xuống dốc. Mẹ Địa Cầu đang tuyệt vọng cầu cứu chúng ta, van xin các con còn tỉnh táo xin nhớ tiếp tục nhìn kỹ để thấy rằng từ khi Đất Mẹ được thành hình, hàng tỷ tỷ chúng sinh đủ loại đã cùng tiến bộ, cùng phát triển, nuôi lẫn nhau nhưng luôn luôn giữ được một cân bằng hài hoà để sinh tồn. Chỉ khoảng hơn 50 năm gần đây, nhân loại đánh mất dần sự cân bằng hài hòa ấy, vì thế Đất Mẹ đang rên siết quằn quại nỗi đau quá lớn trong lòng Mẹ.
Các con có nghe Đất Mẹ đang thảng thốt gửi đến các con của Đất Mẹ những lời yêu cầu khẩn thiết không?
Chúng ta đều là con cùng một Mẹ, Đất Mẹ đã nuôi sống loài người từ khi ra đời. Các bạn có nghe thấy những tiếng kêu thảng thốt của Đất Mẹ hay không?
Hãy tỉnh giấc, loài người thương yêu của Mẹ! Sức khỏe và chính mạng sống của Mẹ đang bị các con đe dọa, các con biết không?
Bao nhiêu loài sinh vật, cây cỏ và đất đá đang bị tàn phá vì hành động của loài người, các con biết không?
Trong hằng tỷ năm qua, các sinh vật đã chung sống trên mặt Đất Mẹ, nuôi sống lẫn nhau và chia sẻ với nhau không khí, nước và ánh sáng, hàng triệu loài cùng nhau tạo nên một thế cân bằng hài hòa. Thế cân bằng này đang bị loài người phá đổ, các con có biết không?
Hơn 60 năm qua, loài người đem thử những trái bom hạt nhân khắp nơi trên thế giới, ngoài đại dương và trong các sa mạc, đã tiêu diệt hằng tỷ hằng tỷ đời sống mong manh đã sống nghìn triệu năm an bình trong lòng Đất Mẹ.
Hàng ngàn mẫu rừng nguyên sơ trên thân thể Mẹ các con đã chặt phá, từng mảng thịt da Mẹ trần trụi không còn được che chở, không còn bảo vệ và nuôi dưỡng mạng sống của bao sinh vật lớn nhỏ.
Những lớp núi non, đất, đá, trên mình mẹ bị các con cắt xẻ không chút tiếc thương để tìm vàng, tìm dầu hỏa, tìm bauxite, khí đốt,… Mẹ làm sao bảo vệ được cuộc sống nữa các con ơi!
Khí độc các nhà máy kỹ nghệ cùng hàng trăm triệu xe, tầu thải ra để thỏa mãn những nhu cầu bất tận của con người đã gây hâm nóng bầu khí quyển, đẩy chúng ta vào những tình trạng hiểm nghèo chưa từng thấy.
Nạn cháy rừng, bão, hạn hán, ô nhiễm không khí làm Mẹ ngộp thở, mỗi ngày càng ngộp thở các con ơi!
Sự thể đau buồn xảy ra vì các con đã quên rằng Mẹ và các con chỉ là một. Các con cho rằng chúng ta là hai thực thể riêng biệt, Đất Mẹ chỉ có đó để phục vụ cho các con. Nhưng Mẹ cưu mang các con trong Mẹ thì các con cũng mang Mẹ trong các con. Các con đã sao nhãng mối tương quan mật thiết giữa chúng ta và giữa các loài sinh vật, cỏ cây cùng đất, nước. Nếu con đau thì Mẹ cũng đau, Mẹ bệnh hoạn thì các con cũng suy nhược; mọi vật đều sống trong nhau theo lẽ “tương tức’’, cái này có thì cái kia có, cái này không cái kia cũng không.
Các con thấy không? Những ngọn sóng thần trong lịch sử loài người có bao giờ mang đến thảm họa vô lường cho biết bao nhiêu thế hệ như thảm họa phóng xạ tại Fukushima? Tại sao những đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong lại gây nạn thiếu nước ở Thái Lan, Campuchia và nước biển lấn vào ruộng đồng tại Việt Nam? Vì các con chỉ đuổi theo lòng ham muốn thụ hưởng phù phiếm nên đánh mất cách nhìn tương tức để biết sống cùng với thiên nhiên, với gió, với ánh sáng mặt trời. Các con đã coi rẻ những dấu hiệu báo nguy trong lòng đất và trên mặt đất, các con nhắm mắt giao mạng sống và sự an toàn của con cháu cho những một số người nhầm lẫn, đôi lúc một nhầm lẫn nhỏ cũng đủ gieo họa ngàn đời!
Bây giờ đây mẹ đang ngạt thở, thoi thóp chết với hàng tỷ sinh vật sống trong lòng đại dương mẹ dọc bờ biển Việt Nam. Mẹ thở không nổi. Hàng tỷ các con của mẹ thở không nổi: tôm, cua, sò, ốc, cá kình, cá voi, cá mập cũng không sống nổi. Tất cả đều chết vì chất độc ghê gớm nào mà loài người tạo ra rồi thảy vào đại dương của Mẹ Việt Nam! Biển Mẹ chỉ có một, Biển Nam Hải cũng là Thái Bình Dương, cũng là một khối nước với Ấn Độ Dương, cũng là Đại Tây Dương, cũng là biển Bắc cực và Nam cực. Biển bị nhiễm độc là Đất Mẹ cũng bị đầu độc. Các loài cá chết nằm đầy bờ biển, đến lượt chim chóc cũng chết theo, làm sao loài người sống được?
Các con của mẹ, xin thương lấy nhau và thương Mẹ. Nếu chúng ta không ngưng ngay tình trạng ích kỷ, nhắm mắt lo cho lợi ích riêng tư mà bỏ mất tuệ giác về mối tương quan mật thiết giữa mình và mọi người, mọi loài chung quanh, thì mẹ con chúng ta, tất cả sẽ chết.
Chúng ta hãy bắt đầu ngay từ giờ phút này, thiết lập lại mối tương quan với nhau. Hãy nhìn thấy chính chúng ta trong những người anh em đang lâm nạn, hãy truyền thông với nhau vì chúng ta thực tình đang ở trong nhau dù có nghìn trùng cách biệt. Phải nhìn thấy Mẹ và các con không phải là hai thực thể riêng biệt, phải biết sống với ý thức về mối tương quan mật thiết giữa mọi người và mọi loài, cả cỏ cây và đất đá.
Chỉ có tuệ giác về tương tức mới có thể cho Mẹ con chúng ta thể hiện tình thương, đầu óc tỉnh thức và sức mạnh để thay đổi tình trạng nguy kịch hôm nay và xây đắp lại cuộc sống nhiệm mầu trên Đất Mẹ. Hãy giúp nhau thay đổi tức thời những yếu tố bên ngoài và cả bên trong. Và chỉ như vậy chúng ta mới còn một tương lai.
Mẹ đang oằn oại xác thân, ngộp thở trong bầu khí quyển, trong đại dương và mặt đất ô nhiễm!
Nếu các con cứ tiếp tục thì Mẹ làm sao sống được, làm sao tất cả chúng ta sống được nữa các con ơi?

Xin mỗi người trong chúng ta hành động một cách thiết thực trong khả năng tối đa:

  1. Với ý thức rằng những gì ta chọn ăn sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của ta, đến sự phân phối tài nguyên, ảnh hưởng đến toàn diện sinh môi, chúng ta có thể tiến về hướng mỗi ngày một gần hơn với sự việc chỉ ăn các thức ăn thuần thực vật, như đề nghị bởi Hàn Lâm Viện Khoa Học toàn cầu, để giảm thiểu sự thay đổi khí hậu trầm trọng và ô nhiễm toàn cầu. Điều này sẽ đóng góp vào không những sức khoẻ của chính ta mà còn làm tăng trưởng lòng từ bi trong ta. Chúng ta có thể nguyện giảm thiểu 50% lượng tiêu thụ thịt và các thực phẩm đến từ sữa 15 ngày mỗi tháng.
  2. Chúng ta nên tập đi về hướng ăn rau quả, nhìn sâu hơn cách sống của chúng ta và giảm thiểu cách tiêu thụ của chúng ta cho nếp sống loài người ngày thêm đơn giản. Tham lam là phó sản của cách sống ích kỷ, chỉ biết chạy theo vật chất. Lòng tham này càng ngày càng leo thang và là nguyên nhân chính cho sự mất cân bằng trên địa cầu. Mỗi người trong chúng ta nên ủng hộ những cố gắng làm giảm thiểu sự chênh lệch thu nhập và điều kiện sống giữa những nước giàu thuộc bán cầu Bắc và các nước nghèo thuộc bán cầu Nam
  1. Chúng ta có thể lựa chọn những nguồn năng lượng khác thay thế cho nguồn năng lượng cổ điển (than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên…). Chúng ta nên yêu cầu các chính phủ tìm thêm những nguồn năng lượng mới thay thế những nguồn năng lượng nguyên tử hạt nhân hay những năng lượng từ dầu khí rút từ lòng đất. Chúng ta có thể phát triển xã hội và công kỹ nghệ bằng những nguồn năng lượng mới, không phải bắt buộc Đất Mẹ gánh chịu quá nhiều những nguồn năng lượng đang tàn phá trái đất này. Những chất thải của nguyên tử dù chôn dấu dưới lòng đất hay phơi trần trên sa mạc là một loai ung thư độc hại cho Địa Cầu. Nếu chúng ta cứ tiếp tục tiêu xài phung phí những năng lượng xa xỉ hôm nay thì chắc chắn ta sẽ phải đền bù bằng những bệnh tật kinh khiếp ngày mai của nhiều đời con cháu ta. Mỗi người trong chúng ta nên cố gắng giảm bớt tiêu thụ những sản phẩm cần năng lượng, nước sạch, và những sản phẩm không cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày.
  2. Chúng ta ý thức rằng kỹ nghệ thực phẩm làm ra những miếng thịt bò, thịt heo, gà vịt là nguyên nhân của những tàn phá sinh thái trên Đất Mẹ. Chúng ta khuyến cáo chính phủ mỗi nước phát triển kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những phí phạm và làm ô nhiễm môi sinh. Nhiều quy trình sản xuất làm ra miếng thịt bò, thịt heo, gà vịt rẻ tiền nhưng đang tàn hại Đất Mẹ một cách không đảo ngược được. Chúng ta cùng nhau khuyến khich các chính phủ tuyệt đối tránh phá rừng để làm những nông trại chăn nuôi khổng lồ thường phí phạm nước sạch, làm ô nhiễm lòng đất và nhắc nhủ rằng thịt động vật không phải là những nguồn thực phẩm sẽ giải quyết được vấn nạn dân số ngày càng tăng của toàn cầu.
Sư Cô Chân Không (Cao Ngọc Phượng),
Mong các bạn tận hưởng bao nhiêu là màu sắc của Mùa Xuân, lá rất xanh mùa Hè, không gian xanh màu ngọc bích trong nắng Hạ, những chiếc lá vàng tươi hay đỏ au mùa Thu và những rừng tuyết băng diễm ảo mùa Đông.
Mong quý bạn ý thức là người thân kia đang sống bên bạn, trên địa cầu này, mỗi người cũng là một viên ngọc quý . Ý thức sự hiên diện mầu nhiệm của họ, dù đang sống gần hay bên kia đại dương, đừng để ngày mai rồi tất cả sẽ thành chiêm bao.
[2] Dai Dong The Gioi organization: https://www.forusa.org/
[3] A Climate Declaration of Independence: http://www.ourenvironment.info/dependence.html

Tuesday, February 18, 2020

THƯ MỜI - Tham dự Chương trình CÓ MẶT CHO NHAU 7 tại Orlando, FL




Sacramento, ngày 08 tháng 2, 2020


THƯ MỜI
Tham dự Chương trình CÓ MẶT CHO NHAU 7



NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT 

Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng, Ni, 
Kính thưa quý vị thiện hữu tri thức, quý cư sĩ, và quý đồng hương, 
Kính thưa quý Huynh trưởng, Đoàn sinh GĐPT và giới trẻ xa gần, 


Nhằm tạo một cơ hội sinh hoạt chung để chia sẻ, truyền lửa cho nhau, và thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật, Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung, một buổi sinh hoạt CÓ MẶT CHO NHAU 7 sẽ được tổ chức tại:

Địa điểm: Chùa Pháp Vũ, 
Địa chỉ: 716 N . Dean Rd. Orlando, FL 32825 
Điện thoại:  407.277.7262. Email: phapvucentre@hotmail.com
Thời gian từ 5PM-9:30PM. Thứ Bảy, ngày 14 tháng 3, 2020.

Buổi sinh hoạt này gồm có các tiết mục như sau: 

1. Book Fair và Ra Mắt Sách của NXB Lotus Media, Inc., Hương Tích Phật Việt, Viet Ananda Foundation, Hoa Đàm, Lotus Media, Tủ Sách Phổ Hoà, v.v... trong đó có tác phẩm của Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Phước An, Thầy Nguyên Siêu, Thầy Như Điển, Thầy Từ Lực, Thầy Hạnh Viên, Thầy Nguyên Tạng, cư sĩ Thiện Quả, Nguyên Giác, Nguyên Minh, Như Hùng, Vĩnh Hảo, Trần Kiêm Đoàn, Trần Trung Đạo, Tâm Huy, Tâm Thường Định, v.v… 

2. Publishers: Giới thiệu các nhà xuất bản Phật giáo Việt Nam tại California 

3. Panelists: Chia sẻ thao thức và kinh nghiệm hoằng pháp và thảo luận: Thử Tìm Một Hướng Sinh Hoạt Lành Mạnh cho Tuổi Trẻ Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. 

Speakers: Thầy Thích Nhật Trí, Thầy Thích Pháp Thiện, Htr. Nguyên Hảo, Htr. Tâm Thường Định. Facilitators/panelists: Htr. Tâm Định, Quảng Thanh, Đồng Hương, Diệu Tánh, Htr. Minh Trung, Htr. Sử Quốc Việt, và Htr. Huệ Trí.

4. Practices: Phần thực tập Chánh niệm sẽ được xen kẽ trong chương trình. 

Thành kính cung thỉnh Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni và trân trọng kính mời chư thiện tri thức, quý vị cư sĩ, và đồng hương; quý Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử cùng các bạn trẻ hoan hỷ dành ít thì giờ đến để CÓ MẶT CHO NHAU 7. 

Sự hiện diện của quý Thầy Cô và quý vị là động lực lớn, là đạo tình đầm ấm, và là tấm lòng quý giá trên đời dành cho nhau. Mọi sự liên lạc, ủng hộ hay đóng góp xây dựng, xin gọi Htr. Nguyên Hảo: (321)-297-0635, Htr. Huệ Trí – Nguyễn Gia Hải: (858) 397-4909 hoặc email về TamThuongDinh@gmail.com

Nếu ủng hộ tịnh tài, xin Venmo @PheBach hoặc PayPal @tamthuongdinh. Trân trọng kính cung thỉnh và kính mời.


Thay mặt Ban Tổ Chức 
Nguyên Hảo – Trần Công Lai
Tâm Thường Định - Bạch Xuân Phẻ 


Chương trình này có sự bảo trợ và giúp đỡ của: 

1. Chùa Kim Quang; Chùa Phổ Từ, Chùa Pháp Vũ, Chùa Phật Ân
2. BHD GĐPT Hoa Kỳ và BDH GĐPT Miền Tố Liên
3. Việt Báo, Thư Viện Hoa Sen, Viet Ananda Foundation
4. Liên Phật Hội, Bodhi Media, Asian World Media
5. Nguyệt San Chánh Pháp, Cội Nguồn Tổ Việt Foundation
6. Bodhi M. Foundation, Thao Bach Foundation
7. Simplified Builders, C. Mindfulness LLC
8. Vợ chồng Bác sỹ Đỗ Văn Hồi và Htr. Đào Hiếu Thảo


                            

Sacramento, Feb. 08th, 2020


Invitation

Dear Venerable Sangha, fellow Buddhist laypersons, and colleagues
Dear our beloved Vietnamese, wise friends, and members of the Vietnamese Buddhist Youth Associations 
Ladies and Gentlemen,


In order to create an opportunity for all of us to interact, learn, and discuss the work of sharing Buddhism through education, literature, and arts, and the introduction of Vietnamese Buddhist publishers as well as a new book-signing event, a special gathering titled, "Presencing for Each Other 7", will be held at Pháp Vũ Temple at 716 N . Dean Rd. Orlando, FL 32825 

Điện thoại:  407.277.7262. Email: phapvucentre@hotmail.com, from 5PM-9:30PM. on Saturday, March 14, 2020.

The gathering consists of the following activities:

1. Book Fair: book exhibitions 
2. Introducing Vietnamese Buddhist publishers in California and as well as books released by Lotus Media, Inc., Bodhi Media, Hương Tích Phật Việt, Hoa Đàm, etc... including those by the Most Venerable Thích Tuệ Sỹ, Thích Phước An, Thích Nguyên Siêu, Thích Như Điển, Thích Từ Lực, Thích Nguyên Tạng, cư sĩ Thiện Quả, Nguyên Giác, Như Hùng, Tâm Huy, Vĩnh Hảo, Nguyên Minh, Trần Kiêm Đoàn, Trần Trung Đạo, Tâm Thường Định, v.v…

3. Sharing experiences about bringing mindfulness and Dharma to others and Discussion on Finding ways to improve the activities of Vietnamese Buddhist Youth in the United States.

4. Mindfulness practices will be shared and practiced in this gathering

We humbly request your presence. We hope that all of you can join us in this meaningful gathering, including all members of the youth groups, in order to spend some quality time in the “Presence for Each Other".

Your presence is an honor and motivation for all of us in the warming spirit of the Dharma. Any question and/or support, please contact/Paypal at tamthuongdinh@gmail.com or Venmo @PheBach.

Respectfully yours, 

On behalf of the organizing committee 

Lai Tran and Phe Bach 

This program is sponsored and supported by the following organizations:
1. Chùa Kim Quang; Chùa Phổ Từ, Chùa Pháp Vũ, Chùa Phật Ân
2. BHD GĐPT Hoa Kỳ và BDH GĐPT Miền Tố Liên
3. Việt Báo, Thư Viện Hoa Sen, Viet Ananda Foundation
4. Liên Phật Hội, Bodhi Media, Asian World Media
5. Nguyệt San Chánh Pháp, Cội Nguồn Tổ Việt Foundation
6. Bodhi M. Foundation, Thao Bach Foundation
7. Simplified Builders, C. Mindfulness LLC
8. Dr. and Mrs. Đỗ Văn Hồi và Htr. Đào Hiếu Thảo

Sunday, February 16, 2020

Sự Thăng Trầm Của Cuộc Sống

Sự Thăng Trầm Của Cuộc Sống
Thích Như Điển


Người xưa thường nói rằng: Nhân sanh thất thập cổ lai hy. Điều này có nghĩa là: Đời người 70 tuổi xưa nay hy hữu. Đó là sự thật và đó cũng chỉ là tương đối mà thôi. Bởi lẽ có nhiều người sống thọ đến 80, 90, 100 hay hơn 100 tuổi. Âu đó cũng là do nhân duyên của nhiều kiếp ta vốn đã làm việc trưởng dưỡng lòng từ bi, tôn trọng sự sống của kẻ khác, nên mới được như vậy. Dĩ nhiên là cũng có nhiều người sống chỉ được có 5 năm, mười năm, 20, 30, 40, 50 hay 60 tuổi, nhưng với chừng tuổi ấy cũng đã có nhiều người lừng danh trên thế giới như Mozart, Beethoven v.v… nghĩa là: Thiên tài không cần đợi tuổi, mà thiên tài thì rất ít, nhân tài cũng không nhiều, nhưng dù sao thì vẫn có, chỉ có hiền tài mới là điều hiếm quý mà thôi.

Lúc tôi 10 tuổi vẫn còn ở nhà với cha mẹ, đi học trường làng. Lúc đi học về theo cha mẹ ra đồng ruộng để giúp việc nhổ mạ, cắt cỏ. Khi về nhà giúp gia đình chằm nón, bỏ cỏ cho trâu bò ăn. Ngày Rằm, Mồng Một theo mẹ đi chùa và sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử. Kết quả của những năm học Tiểu học rất xấu, vì lẽ không có người hướng dẫn ở nhà, mà mọi việc đều phải tự mình xoay xở. Thương cha và mẹ nhưng cũng muốn xuất gia để làm một cái gì đó, dù tuổi còn nhỏ chưa biết là sẽ làm được cái gì? Chỉ vì thấy anh ruột của mình đi tu, nên tôi cũng có ý nguyện ấy, nhưng xin cha mẹ hoài chẳng ai đồng ý cả, chắc vì tôi là con út trong gia đình, cha mẹ muốn giữ lại để nhờ về sau chăng? Vì lẽ người xưa thường nói: Dưỡng nhi đãi lão, tích cốc phòng cơ mà. Nghĩa là: Nuôi con mong cậy về già, để dành lúa thóc phòng khi đói. Kết cuộc rồi con người ở trong cuộc đời này làm việc, học hành cũng chỉ vì cái ăn, cái mặc mà thôi.

Năm tôi 20 tuổi, lúc ấy gần thi tú tài một. Lẽ ra lúc 17 hay 18 tuổi mọi người đã thi rồi, nhưng tôi vào chùa lúc 15 tuổi và bắt đầu học trung học đệ nhất cấp ở tuổi này nên mới trễ như vậy. Được đi xuất gia, được ở chùa, được đi học là một hạnh phúc, mà học giỏi nhất lớp, nhất trường nữa cũng là một hạnh phúc tuyệt vời. Có lẽ tôi đã nhờ ở Đạo. Thế nhưng Thầy tôi đã buông một câu mà mãi cho đến bây giờ tôi cũng không quên. Đó là: “Ông học cho đến Cử nhân, Tiến sĩ cũng không bằng một bài Kinh Bát Nhã đâu.” Thuở ấy tôi không vui, nhưng chẳng buồn, vì nghĩ rằng biết đâu Thầy mình nói có lý, và tôi thưa lại rằng: “Bạch Thầy, tại sao vậy?” Thầy nói: “Dẫu cho ông có bao nhiêu cái bằng cấp đi chăng nữa, nhưng khi đến nhà thí chủ, ông trương những bằng cấp ấy ra, có ai mời ông một bữa cơm đâu. Trong khi đó, nếu ông thuộc làu một bài Kinh Bát Nhã, tụng thông suốt thì tín chủ sẽ mời cơm ông ngay.” Thuở ấy tôi thấy vô lý, nhưng sau 50 năm nữa thì tôi thấy lời dạy của Thầy mình có lý. Điều này cũng tương tự như cố Hòa Thượng Thích Đức Niệm thường hay nói với đệ tử của Ngài rằng: “Khi Thầy vô chùa, Thầy cùng một lúc với hai tay chuông mõ và bây giờ sau khi đậu Tiến sĩ rồi, hai tay Thầy cũng tay mõ tay chuông mà thôi. Đúng là như vậy, nhưng phải trải qua thời gian nhiều năm tháng, người ta mới nhận rõ ra mặt thực của nhận thức này.

Lúc tôi 30 tuổi là lúc đã đi ra gánh vác việc Đạo tại xứ Đức này, sau khi đã ở Nhật Bản hơn 5 năm và bắt đầu đi vào việc hành trì, tu niệm. Mỗi đêm, mỗi sáng vào thời Tịnh Độ hay công phu khuya tôi chiêm nghiệm lời Phật, lời Tổ, lời Thầy dạy thấy rõ ràng là cuộc đời có nhiều mặt quá, mà trên dặm trường thiên lý ấy mình biết phải làm sao đây? Đọc bao nhiêu kinh, bấy nhiêu sách, bao nhiêu thơ văn, bao nhiêu bài luận, bao nhiêu triết lý Đông Tây v.v… thấy mình chỉ là hạt cát trong sa mạc. Càng đọc càng thấy mình dốt và càng thấy mình hư, mặc dầu đã bắt đầu làm Thầy truyền giới cho các đệ tử tại gia rồi. Thế rồi việc gì đến nó phải đến, việc gì cần đi, mình phải cho đi khỏi tầm tay của mình, không vấn vương, không bị tình cảm bó buộc hay chi phối. Lúc ấy chỉ có Kinh văn và luận Bảo Vương Tam Muội là chất liệu dưỡng sinh trong cuộc sống hằng ngày, dùng để hiểu sâu lời Phật dạy và chiêm nghiệm về kiếp sống tha hương không định trước của mình. Đâu có ai xa quê cha đất tổ mà không mong ngày trở lại, nhưng ngày ấy đối với lúc này đã nằm ngoài tầm tay với rồi. Bao nhiêu năm ở Nhật, nhờ cơm gạo và nước uống của Nhật Bản mà tôi thành người. Học ở họ tấm lòng vị tha và tự trọng. Nghĩa là: Phải biết mình và người, hãy kiên nhẫn chịu đựng. Nếu có vấn đề, phải hiên ngang đứng ra giải quyết vấn đề, chứ không chạy trốn vấn đề. Bởi lẽ nếu ta chạy trốn thì vấn đề vẫn luôn còn đó, chứ vấn đề kia sẽ không được giải quyết một cách rốt ráo. Học ở người Nhật những đức tính siêng năng, nhẫn nại, tin vào người đối diện, giữ gìn mọi nơi, mọi chỗ sạch sẽ và nhất là đúng giờ. Chỉ ngần ấy việc thôi, mà tôi đã là tôi kể từ ngày ấy đến nay. Âu việc khen, chê, chửi, mắng, giận, hờn, phiền muộn v.v… tất cả đối với tôi ở tuổi 30 vẫn là những trạng thái như nhiên, chẳng có gì để thắc mắc cả.

Đến năm 40 tuổi, có thể là cái tuổi đã vững vàng rồi, tôi bắt đầu thâu nhận đệ tử xuất gia, mua đất làm chùa, phiên dịch kinh sách, viết lách, đi tụng đám các nơi, thuyết giảng, ngoại giao v.v… đây cũng là thời gian học hỏi được nhiều nhất từ người đối diện. Vì lẽ: Ai cũng là Thầy của mình và mình cũng là Thầy của mọi người. Cái gì mình không biết, đi học hỏi nơi người khác, thì người ấy chính là Thầy mình và cái gì mình biết mà kẻ khác không biết, họ cần mình giúp đỡ, thì mình chính là Thầy của họ. Trong thế gian này đâu có ai dám nói rằng mình biết hết mọi việc, ngoại trừ chư Phật và chư vị Bồ Tát đâu. Ta chấp nhận sự sai và sám hối những lỗi lầm. Bởi vì chúng ta không ai là Thánh cả, mà chúng ta là những người đang trên con đường thực hành hạnh Thánh. Đức Phật đã chẳng từng dạy rằng: Trên đời này có hai hạng người. Hạng thứ nhất không bao giờ tạo ra lỗi lầm và hạng thứ hai là có lỗi lầm rồi mà biết sám hối ăn năn. Hạng thứ nhất chắc chắn không phải là mình rồi. Hạng người thứ hai chắc chắn sẽ có mình. Khi dạy đệ tử học, tôi cũng đã học được nhiều bài học rất hay rút ra từ trong những Kinh điển như: Đại Trí Độ Luận, Đại Thừa Khởi Tín Luận, Kinh Pháp Hoa, Kinh Bát Nhã, Kinh Kim Cang v.v… Ví dụ như khi đọc đến đoạn Phật dạy rằng: Hãy đừng mong ai đó bọc nhung hết quả địa cầu này để chúng ta đi hai chân cho được êm, mà mỗi người hãy tự bọc hai chân của mình lại để mình đi được êm trên quả địa cầu này. Hoặc giả: Người ác chẳng khác nào kẻ kia không mua cá, nhưng sau khi vào chợ cá, lúc bước ra khỏi chợ cá thì áo quần kẻ ấy bị hôi tanh; còn người hiền, ví như đi vào trong rừng trầm, tuy không bẻ nhánh trầm nào hết, nhưng khi ra khỏi rừng trầm rồi thì áo quần đều thơm phức. Đó chỉ là những lời tiêu biểu, còn nhiều và nhiều lắm những lời dạy như thế ở khắp đó đây trong kinh điển, sách vở trong Đạo cũng như trong thế gian này. Có điều là mình có ham đọc sách hay không, có thích xem kinh hay không khi bên cạnh mình còn không biết bao nhiêu phim hay, những tuồng cải lương vừa ý. Kết quả là: Kẻ nào tự làm chủ mình được trong tình yêu, tiền bạc, lợi danh, sự sống, địa vị v.v… thì kẻ ấy sẽ sống hiên ngang trong cuộc đời này. Còn người nào bị lệ thuộc và bị trói buộc vào những việc trên thì người ấy chưa chọn cho mình được một lối đi giải thoát ngay nơi này và ở đây.

Ở tuổi 50, tôi đã chiêm nghiệm khá nhiều về việc tu cũng như việc học, việc đời cũng như việc Đạo. Đây cũng là lúc cần phải dụng công hơn nữa, nên việc bái sám, tụng Kinh, lạy kinh văn từng chữ một vào những mùa An Cư Kiết Hạ trong suốt 35 năm như vậy, quả là: Phép Phật nhiệm mầu. Từng lời Kinh, tiếng kệ, từng dấu chấm, phết của Kinh Văn đã được gieo vào tâm thức tôi hằng ngàn, hằng vạn lần mầu nhiệm. Để từ đó sau khi đi Phật sự đâu xa về hay lúc nằm nơi Tịnh Thất một mình, thì đây chính là thời gian làm cho tâm tư và thần thức của mình tỉnh thức hơn. Không ai thương mình hơn mình và cũng không ai ghét mình bằng chính mình. Nếu thật sự mình còn cái ta vị kỷ. Do vậy tôi đã bắt đầu học được sự buông xả; nên năm 53 tuổi cũng là năm đã trở về ngôi Phương Trượng của chùa Viên Giác tại Hannover, giao chùa chiền lại cho Đệ tử để nhập thất tịnh tu, dịch kinh, viết sách mỗi năm 3 tháng mùa Đông tại núi đồi Đa Bảo gần Sydney, Úc Châu suốt trong 10 năm như vậy. Mỗi ngày tôi thức dậy từ sáng tinh sương khi mặt trời chưa xuất hiện. Nhìn núi đồi Đa Bảo ở vùng Capelltown hay ở Blue Mountain mà thấy lòng mình thanh thản nhẹ nhàng. Nhiều năm tôi chỉ ở một mình với hai dãy núi chung quanh, chưa bao giờ có tâm sợ hãi về rắn độc, cháy rừng hay thú dữ. Lòng vẫn vững như hư không, không đến, không đi, không còn, không mất. 15 phút ngồi Thiền và gần 1 tiếng đồng hồ trì Kinh Lăng Nghiêm buổi sáng là liều thuốc bổ của tôi trong 56 năm nay. Mặc dầu chay tịnh lâu năm, nhưng tôi không cần phải uống thuốc bổ, vì thời kinh buổi sáng ấy chính là năng lực mạnh nhất đã giúp tôi tự chiến đấu lấy mình trong mọi hoàn cảnh cũng như đối diện với mọi thử thách trên thế gian này. Buổi sáng và buổi chiều làm việc. Buổi tối trì Kinh Kim Cang. Mỗi lời Kinh tôi nuốt chửng vào lòng mình. Nghe như mình đã tận hưởng được pháp vị nhiệm mầu của thế nào là: Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, mà trước đó phải rõ hai câu khác thì câu thứ ba này mới định hình được. Đó là: Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm…

Đến năm 60 tuổi, tôi đã trở thành Sư Ông của nhiều cháu xuất gia. Họ là đệ tử của những đệ tử của tôi. Bây giờ việc giáo dục, hướng dẫn tôi giao cho Quý Thầy, Quý Cô, tôi không phải trực tiếp nữa. Vì lẽ giáo dục là một nhân bản của con người, là một chiếc cầu bắc liên tục từ quá khứ đến hiện tại và từ hiện tại sang tương lai. Nếu không là vậy, sẽ lỡ một nhịp cầu. Điều này có nghĩa là một người không thể vươn tay từ quá khứ đến tương lai, mà mỗi thế hệ như thế phải tự lo kế thừa và truyền đạt những kinh nghiệm sẵn có, thổi vào thế hệ đi sau những di sản tinh thần để cái gì có thể tiếp thu được thì cứ tiếp thu, những gì cần đào thải theo thời gian năm tháng thì cứ đào thải. Không cần phải bắt buộc thế hệ đi sau phải giống hoàn toàn với thế hệ đi trước. Vì lẽ mỗi thế hệ như thế có một khoảng thời gian, không gian và hoàn cảnh riêng biệt, không có thời nào giống hệt thời nào cả. Tôi cũng đã chỉ cho các Thầy đệ tử biết rằng: Thầy sẽ chỉ phương pháp làm một cái bánh ngon như thế nào; chứ Thầy sẽ không cho một cái bánh. Nếu cho cái bánh dầu lớn hay ngon bao nhiêu đi chăng nữa, ăn riết rồi cũng sẽ hết. Còn ở đây tôi chỉ cho phương pháp làm một cái bánh, Quý Thầy, Cô có thể dùng khuôn mẫu ấy và công thức này để làm một cái bánh hay nhiều cái bánh, như thế có thể ngon hơn cái bánh của tôi đã chỉ ra công thức thì cứ nên làm. Còn việc dùng người hay cách thành công trong việc tổ chức thì hãy làm theo lối cuốn một chiếc chiếu. Chúng ta phải quan niệm rằng: Nếu không có những chiếc chiếu cũ rách kia, thì sẽ không có những chiếc chiếu mới ngày nay. Do vậy khi thay chiếu hãy cuốn chiếc chiếu cũ lên từ từ, đoạn để những chiếc chiếu mới xuống phía dưới, mãi cho đến khi nào chiếc chiếu cũ bên trên đã cuốn lại xong, thì chúng ta sẽ có một chiếc chiếu mới hoàn toàn tinh xảo. Ai nhìn qua cũng sẽ vừa lòng và không ai trách cứ ai cả. Cũng chính trong thời gian này tôi đã lạy Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển hai, phẩm thứ 27 về Ứng tận hoàn nguyên của Đức Phật. Khi lạy đến câu: THỂ TÁNH CỦA VÔ MINH VỐN LÀ GIẢI THOÁT, phải nói rằng toàn thân cũng như tâm của tôi rung động lạ thường. Sau đó lại suy nghĩ rằng: Nếu Phật đã dạy như vậy thì mình có thể định nghĩa thêm rằng: Thể tánh của phiền não vốn là Bồ Đề và thể tánh của sanh tử là Niết Bàn. Điều này có nghĩa là: Ngoài vô minh, không có giải thoát; ngoài sanh tử không có Niết Bàn; ngoài phiền não không có Bồ Đề. Vậy Bồ Đề từ phiền não mà sanh ra. Niết Bàn từ sanh tử mà có và Giải thoát từ Vô minh mà thành. Nghĩa là trong cái này có cái kia và trong cái kia lại có cái này. Cái này hiện ra thì cái kia sẽ mất đi. Đơn giản chỉ thế thôi, mà tâm tôi thư thái nhẹ nhàng vô cùng, giống như ngụp lặn trong Pháp vị nhiệm mầu của chư Phật đã từ lâu rồi.

Khi ra làm việc Giáo Hội, tôi chấp nhận thị phi. Âu đó cũng là chuyện bình thường của nhân thế và tôi quan niệm rằng việc của Giáo Hội là việc chung của mọi người, tại sao mình không san sẻ trách nhiệm với người khác để tảng đá trên hai vai của mình sẽ nhẹ đi, nếu có người chia sẻ với mình. Cho nên từ năm 2013 đến nay, sau khi cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm viên tịch, tôi và Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt đã cư xử với nhau như tình huynh đệ, chia sẻ những khó khăn với nhau và nhiệm vụ của ai thì người ấy làm, không giẫm đạp lên nhau. Đó là một nguyên tắc, nên Giáo Hội êm thắm từ đó đến nay. Cũng vì lẽ Giáo Hội là một tổng hợp của nhiều thành viên, nên đụng độ với nhau cũng là một chuyện bình thường. Tôi hay ví dụ và nói rằng: Nếu mình không chấp nhận người khác thì người khác cũng sẽ không chấp nhận mình. Ngay cả thân thể mình mà tồn tại được ở đây, đâu phải chỉ thuần là Vitamin để nuôi hằng tá tế bào trong cơ thể, mà trong thân thể ấy còn phải chứa rất nhiều vi khuẩn khác nữa. Có khi lên cả hằng 10 tỷ như vậy. Nếu chúng ta loại trừ những con vi khuẩn này ra. Trên thực tế rất là nguy hiểm cho sự tồn tại của chính mình. Do đó hãy chấp nhận thực tế là điều quan trọng nhất và ta sẽ gặp nhiều thuận duyên hơn. Riêng phần tôi từ nhỏ đến bây giờ đa phần là nhận được nhiều thuận duyên hơn là nghịch cảnh. Nếu hỏi rằng bao nhiêu thuận và bao nhiêu nghịch? Thì tôi có thể cả quyết trả lời rằng: Với tôi từ khi ra đời đến bây giờ trên 70 năm nơi trần thế nhận được 95% là thuận duyên và chỉ có 5% là nghịch cảnh mà thôi. Như thế là một phước báu. Tôi không biết rằng khi đọc bài này của tôi, quý vị có ứng dụng được phần nào vào cuộc sống của mình không, thì đó có thể nói là Duyên; còn nếu sau khi xem xong bài này mà quý vị thấy rằng chẳng áp dụng được một việc nào cả, thì âu đó cũng là Duyên chưa đến mà thôi. Với tôi sẵn sàng như con tằm nhả tơ. Mong rằng với những sợi tơ óng ả ấy, con người có thể dệt nên những tấm lụa đẹp tuyệt vời, giúp cho nhân thế có niềm vui khi mặc chúng vào mình. Chỉ đơn giản như vậy thôi. Còn ai không muốn mặc những áo vải lụa ấy thì cũng theo nhân duyên vậy.

Ở vào tuổi 70, tôi không biết là mình còn sống được bao lâu nữa, nên tôi đã chuẩn bị cho mình sẵn sàng rồi. Đó là: Nếu ai đó sống được đến 80 tuổi thì hãy tự hỏi rằng mình còn sống thêm được mấy ngày nữa? Nếu ai sống được 70 tuổi rồi thì hãy hỏi rằng: Mình sẽ còn sống được mấy tháng nữa? Và nếu ai đó đã sống được 60 tuổi rồi thì hãy tự hỏi rằng: Mình sẽ còn sống được bao nhiêu năm nữa? Đó là chưa kể đến sự vô thường. Vì vô thường có thể đến với chúng ta bất cứ ở thời điểm nào, chứ không thể nói mấy tháng, mấy năm, mấy ngày, mấy giờ…mà phải hỏi rằng: Bây giờ còn thở ra và lúc nào không còn hít vào lại được nữa? Thì đây mới chính là điều mà tôi muốn gửi đến các độc giả xa gần để làm hành trang cho cuộc sống của mình vậy. So ra 70 tuổi đã là thọ quá rồi. Nếu còn sống thêm được bao nhiêu ngày, tháng, năm nữa thì tôi vẫn luôn làm toán trừ chứ không làm bài toán cộng nữa. Nghĩa là mỗi ngày được sống, ta hãy trừ bớt đi một ngày và ta hãy xem lại chính mình là mình đã làm được những gì trong 24 tiếng đồng hồ ấy. Chứ tuổi này tôi sẽ không bao giờ làm toán cộng nữa. Cứ trừ đi những gì mình có được từ từ là vừa rồi. Nếu ai cần giúp đỡ về tài chánh, nếu mình còn có khả năng thì hãy cho bớt ra trong số tiền hiện có của mình. Nếu mình còn áo quần, xe cộ, của cải vật chất thì cứ cho và xả hay buông bỏ từ từ là vừa. Vì nếu bây giờ mình không buông bỏ chúng thì khi hai mắt nhắm nghiền lại, hơi thở không còn vào ra nữa và lúc ấy hai tay có muốn nắm lại, chắc chắn rằng cũng sẽ không nắm được gì cả, ngay cả những người thân ở bên cạnh mình, hay ngay cả bản thân của mình cũng phải buông xuôi theo thế sự vô thường mà thôi. Đó là chưa kể đến lúc sinh ra chúng ta chưa biết khóc, chưa biết bú sữa mẹ, chưa biết ăn…là đã biết tham lam ích kỷ rồi. Bởi lẽ đứa trẻ nào khi sanh ra cũng nắm hai bàn tay lại, chẳng có đứa nào buông hai tay khi mẹ sinh ra đâu. Nhưng nắm riết cả một cuộc đời, nào danh, nào lợi, nào tình, nào tiền, nào sự nghiệp và cuối cùng ở tuổi gần đất xa trời rồi thì mình cũng phải trả lại cho uyên nguyên của trời đất mà thôi và hai bàn tay cũng phải buông ra. Lúc ấy chỉ có nghiệp Thiện hay Ác theo cùng và mình phải đối đầu với bao nhiêu sự sanh tử khác, sẽ tiếp tục trong chuỗi luân hồi vô tận ấy.

Hôm nay tôi viết những lời này cũng là lúc đã hơn 70 tuổi và gần 48 năm sống tại ngoại quốc, hơn 56 năm xuất gia học đạo và hành đạo, để xin gửi đến biếu tặng mọi người lâu nay đã trợ duyên cho tôi ở nhiều phương diện, nên mới được là tôi của ngày hôm nay. Xin chắp hai tay lại để niệm ân tất cả và cầu nguyện cho mọi người, mọi loài được thể nhập vào thể tánh chơn như của Niết Bàn an lạc.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát tác đại chứng minh.

Viết xong vào lúc 18:00 giờ ngày 15 tháng 2 năm 2020 tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc.