Sunday, November 17, 2019

Tuệ Sỹ: Thư Chào Mừng Ðại Hội Cư Sĩ Phật Giáo Hải Ngoại

Tuệ Sỹ: Thư Chào Mừng Ðại Hội Cư Sĩ Phật Giáo Hải Ngoại (PL 2547-2003)




Kính bạch Chư Tôn Trưởng lão,
Thưa các Đạo hữu Phật tử,
Từ trong nước, chúng con đê đầu đảnh lễ Chư tôn Trưởng lão, hiện tiền chứng minh cho ngày Đại hội Cư sĩ hôm nay. Tôi cũng xin gơi đến tất cả Phật tử hiện diện ở đây lời chào thân thuộc giữa những người con Phật, mà hoặc vì do căn tánh dị biệt, hoặc do môi trường sinh hoạt không đồng, nên thường có những mâu thuẫn tư tưởng. Dù vậy, tất cả đều hiểu rằng Phật tử tại gia xuất gia đều chỉ có một con đường duy nhất để đi, là cùng đi chung trong Thánh đạo mà đức Thích Tôn đã chỉ; và cũng chỉ có một mục đích phải đạt đến là giải thoát và giác ngộ mà Đức Thích Tôn đã khai thị.
Trong vòng ba mươi năm nay, tôi không rõ có bao nhiêu Đại hội Cư sĩ được tổ chức ở Hải ngoại. Ở trong nước, nếu có, tôi cũng không có cơ duyên để tham dự. Như thế cũng đủ để nói rằng trong một thời gian rất dài tôi không có những giao tiếp rộng rãi với các Phật tử tại gia. Trong điều kiện như vậy, thật khó cho tôi để viết một bài tham luận cho Đại hội Cư sĩ được tổ chức như hôm nay.
Theo chỗ hiểu biết thiếu cơ sở của tôi như hiện nay, thì Đại hội được tổ chức bởi Tổng vụ Cư sĩ hải ngoại tất nhiên mang tính chỉ đạo, đề xuất các chương trình tu học cụ thể, trong điều kiện xã hội phương Tây, giữa nền văn chất phồn vinh hiện đại mà các Phật tử đang sinh hoạt.
Thêm nữa, Phật tử hải ngoại, cũng như bộ phận lớn khác của dân tộc, vì những lý do hoặc kinh tế, hoặc chính trị, mà phải rời bỏ quê hương, trở thành công dân nước khác, với đầy đủ nghĩa vụ và quyền lợi của đất nước đang cưu man mình; nhưng trong huyết quản, trong tâm thức, các Phật tử Việt nam hải ngoại không thể quên bẵng cội nguồn, do đó luôn luôn vẫn cảm thấy nghĩa vụ thiêng liêng của mình không chỉ đối với quá khứ tổ tiên, mà còn cả với nhiều thế hệ hiện tại và tương lai, vẫn thao thức với tâm niệm nào đó về tiền đồ của Tổ quốc. Đây không phải là nghĩa vụ hai tầng, một vai hai gánh nặng. Vì sao vậy ? Ngày nay, thế giới càng được mở rộng, khoảng cách giữa các dân tộc càng trở nên gần gũi, do đó, một con người hiện đại không chỉ có nghĩa vụ với đất nước của mình, mà còn có nghĩa vụ nhân loại nữa. Ở nơi nào đó có thiên tai, tật dịch, phần còn lại của thế giới tự thấy có nghĩa vụ cứu tế. Nơi nào đó một dân tộc bị áp bức, phần còn lại của nhân loại lên tiếng can thiệp. Như thế, điều được gọi là nghĩa vụ dân tộc, cùng với nghĩa vụ nhân loại, là hai hoạt dụng của cùng một thể tánh. Trước hết, đó là thể tánh người. Thứ đến, nói trong ý nghĩa chân thật, đó là thể tánh Phật. Người Phật tử sống giữa đời thường, hằng ngày như bị cuốn chìm trong thế giới xa hoa và hưởng thụ, vẫn thấy tự mình có thể học đạo và hành đạo, học và hành một cách tự nhiên như thở, vì tự thể của mỗi chúng sinh là thể tánh Phật.
Trên căn bản giáo lý, thì ai cũng có thể nói được như vậy. Nhưng còn vấn đề khế lý và khế cơ, thì tôi không thể nói cụ thể hơn được nữa. Tuy vậy, tôi cũng muốn góp một chút công đức với Đại hội, nên cũng xin góp một vài điều suy nghĩ.
Chúng đệ tử của Phật, do xu hướng sinh hoạt đời thường khác nhau, nên phân thành hai, tại gia và xuất gia. Rồi lại do tính phái dị biệt nên chia thành bốn. Dù hai chúng, hay dù bốn chúng, các đệ tử đều có chung một Thánh đạo để đi, có chung một cứu cánh Niết-bàn để đạt đến.
Thủa xưa, khi thế giới này mới thành hình, khi mặt đất này chưa xuất hiện sinh vật, tổ tiên của loài người là những chúng sinh sống trong cõi Quang âm thiên, hay Cực quang thiên. Các chúng sinh ấy phi hành trong không gian theo tốc độ ánh sáng, tồn tại với thức ăn hỷ lạc do tầng số dao động của ánh sáng tạo nên. Cho đến khi chúng bị hút xuống mặt đất, mất khả năng di chuyển theo ánh sáng, phải nếm vị của đất làm thực phẩm, để rồi thân thể càng lúc phì đại. Thoạt kỳ thủy, chưa có sự phân biệt tính phái. Sinh vật nguyên thủy ấy nếm vị đất làm thức ăn; quá trình tiêu hoá, hấp thu, bài tiết, diễn thành những chu kỳ tiếp nối, dần dần tổng hợp thêm nhiều loại thức ăn mới. Giai đoạn tổng hợp cuối cùng, đó là lúa gạo. Và cũng sẽ còn nhiều tổng hợp tương lai nữa. Phù hợp với quá trình tổng hợp thức ăn, thân thể của chúng sinh cùng theo đó mà tiến hoá. Cho tới một lúc, sự phân biệt tính phái xuất hiện. Từ phân biệt tính phái dần dần tiến tới phân biệt chủng loại, chủng tộc, dân tộc, và đẳng cấp. Đó là hình thái tiến hóa tất nhiên của xã hội loài người. Khi Phật thuyết kinh này, chỉ lại quá trình tiến hoá và phát triển của xã hội, Ngài muốn giải thích cho các đệ tử hiểu rõ rằng mọi phân biệt trong thế gian, những mâu thuẫn tranh chấp giữa các cộng đồng xã hội, và dân tộc, chỉ là hệ quả do tác động bởi các môi trường sống, môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội. Nói cách khác, là do những tương tác giữa các biệt nghiệp và cộng nghiệp. Điều đó không chỉ khai thị ý nghĩa rằng tất cả mọi dân tộc, bất kể khác nhau trong quá trình tích lũy sở hữu vật chất như thế nào, thảy đều bình đẳng trong phẩm chất như là con người; thêm nữa, điều đó còn khai thị ý nghĩa rằng tất cả chúng sinh đều bình đẳng trong thể tánh.
Qua nội dung lược thuật từ một đoạn kinh như trên, ở đây tạm thời chúng ta có thể nói rằng, trên căn bản tư tưởng và nhận thức như vậy, Phật tử hành đạo giữa đời thường mà không hề thấy tự mình cách ly và mâu thuẫn với người đời. Nhận xét này có lý do của nó. Từ trước, trong xã hội Việt nam, tu Phật đồng nghĩa xa lánh mọi sinh hoạt thế gian. Nhiều người bà con lớn tuổi của tôi, rất tin Phật và rất thường xuyên đi chùa lễ Phật, nhưng lại nói, chưa dám quy y Phật, vì còn ham uống rượu, và còn ham nhiều thứ khác nữa. Nói thế thì các chúng đệ tử của Phật đều là các vị Thánh hết, vì chẳng ai còn tham, sân, si; chẳng còn ham muốn vật chất gì nữa. Nhưng, kinh nói, Phật pháp như thuốc. Tùy bịnh mà cho thuốc. Hết bịnh, không còn cần đến thuốc. Cho nên, không ai nói rằng chờ tôi lành bịnh rồi sẽ vào nằm bịnh viện. Trong ý nghĩa đó, chúng ta hẵn không ngạc nhiên khi phải nhận xét rằng, giáo lý của Phật cao siêu như thế mà sao các đệ tử Phật sống chẳng cao siêu chút nào. So sánh một cách tượng hình, nói thế thì cũng như nói rằng, bịnh viện kia hay thế, nhiều bác sỹ giỏi thế, mà sao con bịnh lại càng ngày càng đông, không ít đi chút nào. Chúng ta có nguỵ biện quá chăng, khi so sánh như vậy? Về nghĩa lý thì không ngụy biện, nhưng trong thực tế thì có ngụy biện đấy. Thực tế có ngụy biện, vì qua thực tế có một bộ phận tại gia cũng như xuất gia tự nhận là đệ tử Phật nhưng sống bê tha, thác loạn, tiêu chuẩn đạo đức còn dưới những người không tin Phật; hoặc viện dẫn kinh điển để biện hộ cho sự suy thoái nhân cách của mình. Trường hợp này có thể so sánh con bịnh đến bịnh viện mà không chịu tuân theo quy tắc điều trị của bác sỹ; tự mình ăn uống, ngủ nghỉ, làm theo ý thích của mình; nhưng lại chê trách bịnh viện chữa trị không hiệu quả; bịnh càng tăng chứ không hề thuyên giảm. Tuy vậy, bịnh viện cũng vẫn thấy có phần trách nhiệm, vì đã không chăm sóc bịnh nhân đúng mức, và nhất là không có biện pháp nghiêm khắc khi cần thiết phải nghiêm khắc.
Điều cũng nên lưu ý ở đây là, các thí dụ nêu trên chỉ có ý nghĩa tùy theo chỗ áp dụng, hoặc cho chúng xuất gia, hoặc cho chúng tại gia. Trong sự hành trì giới luật, chúng xuất gia nếu phạm giới thì có thể bị trị phạt, hoặc có thể bị tẫn xuất. Điều khoản giới luật của người xuất gia khá nhiều; không có điều vi phạm nào mà không có những quy định trị phạt kèm theo. Giới tại gia ít hơn; chỉ năm hoặc tám giới thôi. Thực tế so với người xuất gia thì tại gia vi phạm học giới của mình rất thường xuyên hơn, nhưng chỉ được khuyên bảo là nên sám hối để nghiệp chướng mỏng dần đi thôi, chứ không có hình thức trừng phạt nào cả. Trong liên hệ này, chúng ta có thể nhắc lại thí dụ về bịnh viện. Một bịnh viện, hay bác sỹ có lương tâm, không từ chối bất cứ con bịnh nào. Ngay cả khi không còn hy vọng cứu chữa, bác sỹ vẫn cố tạo cho bịnh nhân hy vọng sẽ được cứu chữa. Đó là tình yêu trong chức nghiệp. Đức tính từ bi được thể hiện trong những lời dạy của Phật cũng vậy.
Tất nhiên ở đây chúng ta không nói quá lời để binh vực các Cư sĩ tại gia tin Phật nhưng thiếu nghị lực, giải đãi, sống phóng đãng mà không hề có chút phản tỉnh.
Dù sao, nhìn trên bề mặt, người tại gia hành đạo có khó hơn xuất gia, bởi vì phải sống ngay giữa dòng xoáy ô trược, thường xuyên bị vị ngọt của thế gian hấp dẫn. Sự khó khăn này là nói theo khoảng thời gian để thành tựu cứu cánh, sớm hay muộn khác nhau. Khó, vì thời gian thành tựu quá dài. Trên đại thể, sống tại gia hay xuất gia, chỉ do căn tánh dị biệt, cơ duyên sai biệt, chớ không vì chỗ này khó tu hơn chỗ kia. Trong thời đức Phật, nhiều vị xuất gia, kể cả Ngài A-nan, tất nhiên có rất nhiều thuận duyên để tu tập, nhưng chỉ mới chứng được sơ quả, là quả Thánh mà các Cư sĩ như Ông Cấp Cô Độc, Bà Tỳ-xá-khư và nhiều Cư sĩ khác nữa chứng đắc không mấy khó khăn. Còn những người tại gia khác như Thủ Trưởng giả ở Tỳ-da-ly, hay Úc-già ở Tượng thôn, tuy sống tại gia, lại đắc quả trong Thánh đạo còn cao hơn ngài A-nan.
Vậy thì, vấn đề không phải ở chỗ khó hay dễ, giới nhiều hay giới ít, mà chính là thành tựu mục đích cứu cánh. Trong ý nghĩa đó, tại gia hay xuất gia đều bình đẳng trong Thánh đạo. Xuất gia nếu để rơi mất tâm bồ đề, thì dù về hình thức có nói là đang hành Phật sự nhưng thực chất là đang tu theo ma nghiệp. Tại gia tuy sống và làm việc theo thế gian, nhưng làm với tâm bồ đề, thì tất cả thế gian pháp đều là Phật pháp. Kinh chữ Hán nói, “Vong thất bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, tức thành ma nghiệp.”
Nhưng làm thế nào để phát khởi được tâm bồ đề, và rồi làm sao để an trụ tâm ấy? Đó là những câu hỏi mà ngài Tu-bồ-đề đã hỏi Phật trong kinh Kim cang. Điều khó khăn nhất để hiểu Phật pháp đối với học Phật và tu Phật, đoạn đường khó khăn nhất, dài nhất phải vượt qua, mà thường là dài đến một a-tăng-kỳ kiếp, đó là làm sao để thấy biết một cách như thực rằng, trong tự thể, trong tự tánh, ta là Phật tử, là con Chân thật của Như lai, sinh ra từ kim khẩu của Như lai, hóa sinh từ Chánh pháp của Như lai, là kẻ thừa tự gia tài Chánh pháp của Như lai. Như người cùng tử trong kinh Pháp hoa, không phải dễ dàng một sớm một chiều để thấy ngay rằng thân phận của mình không phải là kẻ tôi tớ hèn hạ, chỉ xứng đáng với công việc quét dọn các hầm xí.
Vậy thì, tâm bồ đề, tức ước nguyện thành Phật, là nền tảng tâm địa cho Phật tử học đạo và hành đạo.
Tuy nhiên, khởi đầu, không phải tất cả mọi người tìm đến Phật pháp chỉ với ước nguyện duy nhất là thành Phật. Rất nhiều người tìm đến Phật pháp để tìm nguồn an ủi tinh thần, để làm vơi đi thống khổ đang phải chịu đựng. Đó là phương diện cứu thế của Phật pháp. Yếu tính của Phật pháp là sự vận hành diệu dụng của từ bi và trí tuệ. Cho nên, Phật pháp trước hết là ngôi nhà dưỡng lão, là viện cô nhi, là trại tế bần. Điều này được theo cả ý nghĩa tượng trưng, và cả sinh hoạt thực tiễn. Như khi Trưởng lão Tu-bồ-đề hỏi Phật, Bồ tát làm thế nào để phát khởi tâm bồ đề, và làm thế nào để an trụ tâm ấy, thì Phật chỉ ngay phương pháp thực hiện, đó là tu tập bố thí. Chính sự bố thí khi được tu tập đến mức thành tựu tuyệt đối thì cùng dẫn đến thành tựu các ba-la-mật khác. Trong các kinh điển nguyên thủy, hạnh bố thí của người tại gia được thuyết minh rất nhiều. Nhiều đệ tử Phật nổi tiếng về hoạt động từ thiện của mình như Trương giả Cấp Cô Độc ở thành Xá-vệ, hoăc trưởng giả Cù-sa ở Kiều-thưởng-di. Nhiều đại lễ tế đàn, hiến máu súc vật cho Thần linh, được Phật giải thích lại ý nghĩa chân thực của cầu nguyện và hiến tế, để rồi những đại tế đàn ấy chuyển hướng thành đại hội cứu tế xã hội.
Bố thí hay hoạt động từ thiện, theo lời dạy của Phật, bao gồm cả hai mặt tích cực và tiêu cực, nói theo nghĩa tốt. Về mặt tiêu cực, là chi xuất tài sản của mình để chẩn tế những người cô khổ. Chi xuất nhiều như ông Cấp Cô Độc, cho đến hồi tài sản khánh kiệt. Sau đó, do chỉ giáo của Phật, và khuyến cáo của Tăng, ông phục hồi lại sản nghiệp. Và lại tiếp tục sự nghiệp cứu tế nữa.
Rõ ràng, theo lời dạy đó, Phật tử tại gia làm giàu, tích lũy tài sản, không phải chỉ để hưởng thụ cho mình hay thân thuộc của mình, mà còn để chia xẻ cho nhiều người, những kẻ hoặc thiếu may mắn, hay thiếu năng lực để tự cấp dưỡng. Cho nên, trong rất nhiều kinh, Phật dạy một Phật tử tại gia phải biết tích lũy sản nghiệp thế nào cho đúng pháp, và rồi chi dụng sản nghiệp ấy một cách hữu ích, cho mình và cho nhiều người, cho đời này và cho nhiều đời sau nữa.
Đằng khác, về mặt tích cực, hành vi bố thí của Phật tử tại gia chính là nhân tố để duy trì sự an lạc hiện tại cho xã hội. Như khi một người bà-la-môn đến hỏi Phật về nghi thức tổ chức đại tế đàn hiến tế và cầu nguyện thần linh sao cho có hiệu quả. Phật đã chỉ cho những điều nên làm trước hết để cho tế tự có hiệu quả thiêt thực. Đó là, nếu cần đủ công quỹ cho tế đàn mà phải bắt dân đóng thêm thuế, và động viên sưu dịch, thì chỉ khiến cho dân đã nghèo khó lại nghèo khó thêm mà thôi. Điều nên làm bấy giờ là, vua hãy xuất thóc giống trong kho cho người làm ruộng gieo trồng, mở công xưởng cho những người muốn làm thợ, mở trường dạy nghề cho những người muốn học nghề, vân vân, nghĩa là làm sao cho dân chúng có an cư lạc nghiệp, sau đó mới nói đến chuyện tế tự. Như vậy, nghĩa vụ tôn giáo chỉ có thể mang lại hiệu quả thiết thực, chỉ khi nào xã hội tương đối sung túc và an lạc. Nếu trong một nước có nhiều người theo đạo Phật, mà nhân dân nước ấy không an lạc, xã hội không trật tự an ninh, đại bộ phần dân chúng còn sống trong nghèo khó, thế thì ở đó không thể gọi là đạo Phật hưng thịnh.
Nói tóm lại, chỉ trên căn bản thực hành bố thí mà Phật tử tại gia tự nâng cao phẩm chất đạo đức của mình, thành tựu giới ba-la-mật. Rồi sau đó dần dần tiến tới thành tựu các ba-la-mật khác, như thiền định và trí tuệ. Đó là quá trình tu tập mà Phật đã chỉ dạy một cách rất rõ ràng, cụ thể. Còn hành trì như thế nào, tùy theo căn tánh dị biệt. Bởi vì, không phải tất cả mọi chứng bịnh đều có thể chữa trị hiệu quả bằng nhân sâm duy nhất.
Đến đây tôi xin phép kết thúc mà không đề nghị một kết luận cụ thể nào cả. Bởi vì, những điều mà Phật tử cần biết, thì ở đây tôi không đủ điều kiện để cung cấp. Còn những gì Phật tử cần làm, tôi lại không đủ cơ duyên để góp ý. Duy chỉ có tâm nguyện rằng, hạt giống bồ đề trong tất cả chúng ta không bao giờ hư hoại để có ngày nảy nở hoa trái giác ngộ.
Xin hồi hướng công đức đến hết thảy chúng sinh, hằng sống an lạc trong chánh pháp.
Tuệ Sỹ
  • Feature Image: Thầy Tuệ Sỹ – Vạn Giã 7/11/2013 (ảnh: Khung)

Wednesday, November 13, 2019

Thư Kêu Gọi - Ủng hộ Gạo cho Quê Hương Nhơn Lý



Kính thưa quý đồng hương, quý cô chú bác và thân hữu xa gần



Vừa qua những cơn bão biển số 5-6 ảnh hưởng trực tiếp đến Bình Định, quê hương Nhơn Lý cũng thiệt hại không nhỏ. Tuy rằng những miếng ngói, cây ngã, nhà ngập nước nếu tính theo những nơi khác thì thiệt hại không đáng kể. Tuy nhiên như người ta thường nói vách đỗ tường siêu, nhà trống gió lùa...

Sự nghèo nàn túng khó ngày một tăng theo chứ chưa thấy giảm bớt.

Dẫu biết Nhơn Lý ngày càng nhiều nhà vượt khổ nhờ vào con cháu ở Hải ngoại lo, hay đi Philippines làm ăn khấm khá. Tuy nhiên số người khó khăn nghèo khổ theo tuổi thọ ngày một tăng lên.

Vừa rồi có người đồn nhà Trí có từ thiện gạo mùa đông thế là gần tuần nay lũ lượt bà con đến nhờ xin suất gạo cho gia đình mình nhiều lắm thấy thật thương.

Lâu nay mình luôn tâm niệm trước hết tài hèn sức mọn, kinh tế của đàn na tín thí quê hương cũng khó khăn nên luôn lấy ƯU TIÊN QUÊ HƯƠNG làm trước nhất.

Xin mạo muội kêu gọi quý bà con của ít lòng nhiều góp phần công đức để mua gạo bố thí cho bà con Xã Nhơn Lý trong mùa đông này.

* Tại Hải Ngoại, xin liên lạc anh Võ Ngọc Hân tại số (408) 218-0747 hoặc Bạch Xuân Phẻ tại Venmo @PheBach; Paypal tamthuongdinh@gmail.com

* Ở Quê nhà, xin liên lạc: Nguyễn Tấn Trí.  Đt 0981437211.
TK1: 58010001173028 BIDV Bình Định - Nguyễn Tấn Trí

* Hồng Cẩm. Đt: 0935078779

TK2 : Nguyễn Thị Hồng Cẩm. 005 1000 189 732. 
Vietcombank Quy Nhơn.


* Huỳnh Hiền. Đt: 0987 533 288

Những anh chị em đăng ký góp tí quà công đức nếu đọc được thông tin này cứ comment phía dưới Trí sẽ liên lạc nhé' mọi việc làm đều sẽ cập nhật trên bảng tin này để quý vị tiện theo dõi.

Dự kiến 400suất cho cả Xã. Tuy nhiên tùy theo tài vật lạc quyên được mà số lượng sẽ tăng theo. Ưu tiên:
1. Người già
2. Bệnh tật
3. Người nghèo

Nhờ quý A.C.E Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Phước Sa hổ trợ phân phối.

Ngưỡng mong Đức Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát phò hộ cho sở nguyện hanh thông, thành công viên mãn.

Nam mô tầm thinh cứu khổ, Quán Thế Âm Phật Lồi thị hiện bồ tát ma ha tát.

Thay mặt Ban Kêu Gọi
Nguyễn Tấn Trí



Những Tác Phẩm Dịch và Chú Giải của Tỷ Kheo Thích Trí Quang

Đại Lão Hoà Thượng Thích Trí Quang 

đã cống hiến cho Kinh Luật Luận tạng Việt Nam dưới đây:

  1. Dị Bộ Tông Luân Luận - gồm 1 quyển
  2. Giới Tì Kheo Ni Trong Luật Tứ Phần - gồm 1 quyển
  3. Giới Tì Kheo Trong Luật Tứ Phần - gồm 1 quyển
  4. Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim - gồm 10 quyển
  5. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - gồm 7 quyển
  6. Kinh Địa Tạng - gồm 2 quyển
  7. Kinh Giải Thâm Mật - gồm 5 quyển
  8. Kinh Lời Dạy Cuối Cùng - gồm 1 quyển
  9. Kinh Thắng Man - gồm 1 quyển
  10. Kinh Viên Giác - gồm 1 quyển
  11. Luận Đại Trượng Phu - gồm 2 quyển
  12. Thức Xoa Ma Na Ni Giới Bổn - gồm 1 quyển
  13. Từ Bi Thủy Sám Pháp - gồm 3 quyển
  14. Tứ Phần San Định Tỳ Kheo Ni Giới Bổn - gồm 1 quyển

Tổng cộng hiện được biết là 14 dịch phẩm, gồm 37 quyển.
Công trình Đại Tạng Kinh Tiếng Việt ghi nhận
công sức đóng góp của Dịch giả Thích Trí Quang.

Nguồn: Rộng Mở Tâm Hồn.

Một số tác phẩm và dịch phẩm tiêu biểu
 Kinh, Luật, Luận gồm:


- Kinh Bốn Mươi Hai Bài. HT. Thích Trí Quang dịch
- Phẩm Hạnh Nguyện Phổ Hiền. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Kinh Duy-ma. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Kinh Báo Ân Cha Mẹ. HT. Thích Trí Quang dịch
- Kinh Vu Lan. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Kinh Kim Cương. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Kinh Ánh Sáng Hoàng Kim. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Kinh Viên Giác. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Kinh Giải Thâm Mật. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Kinh Hoa Sen Chánh Pháp. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Kinh Thắng Man. HT. Thích Trí Quang dịch
- Thủy Sám. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Dược Sư Kinh Sám. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Kinh Địa Tạng. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Lương Hoàng Sám. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Hai Thời Công Phu. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Mười Điều Tâm Niệm. HT. Thích Trí Quang dịch
- Kinh Giáo huấn vắn tắt của Phật lúc sắp niết bàn. HT. Thích Trí Quang dịch

DỊCH LUẬT TẠNG
- Bồ-tát giới Phạn võng. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Tỳ-kheo giới. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Tỷ-kheo-ni giới. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Thức-xoa-ma-na-ni giới. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Sa-di và Sa-di-ni giới. HT. Thích Trí Quang dịch giải

DỊCH LUẬN TẠNG
- Luận Khởi Tín. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Dị bộ tông luân luận: lược thuật học thuyết của các bộ phái tiểu thừa. HT. Thích Trí Quang dịch
- Luận Chỉ Quán. HT. Thích Trí Quang dịch giải
- Nhiếp đại thừa luận: luận văn Tổng quát về đại thừa. HT. Thích Trí Quang dịch giải

CÁC SÁNG TÁC KHÁC
- Hòa Thượng Thích Trí Quang: Tiểu truyện tự ghi
- Vài đặc điểm của Phật Giáo. Hòa thượng Thích Trí Quang
- Cao Tăng Pháp Hiển. HT. Thích Trí Quang
- Lương Võ Đế. HT. Thích Trí Quang
- Lời tụng tôn kính đức Phật đương lai. HT. Trí Quang
- Ðọc Pháp Cú Nam Tông HT. Thích Trí Quang

Sunday, November 10, 2019

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang: ‘Một trang lịch sử’

Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang: ‘Một trang lịch sử’

GS Cao Huy Thuần


Trưởng Lão Tỷ Kheo Thích Trí Quang (Ảnh: Thích Pháp Trí gởi)
Thầy tôi, Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Quang, vừa thị tịch hôm qua, 8/11/2019. Di huấn để lại: không bàn thờ, không bát nhang, không báo tang, không phúng điếu, không vòng hoa, không đưa đám. Tôi chỉ xin phép Thầy thắp một nén nhang tưởng niệm.
Tôi có hai lần khai sinh. Lần thứ nhất khi tôi sinh ra. Cha mẹ tôi cho tôi hình hài, máu huyết. Nhưng tôi chưa biết tôi là ai, sống như thế nào, trên đường nào tôi sẽ đi. Sinh ra, tôi có hai mắt. Nhưng chưa thấy đường đời. Phải đợi đến khi lên chùa Từ Đàm, sau ngày ông Diệm bị lật đổ, tôi mới thấy con đường sẽ đi. Thảo nào chữ nghĩa bác học gọi con đường là đạo. Thấy đạo, tôi khai sinh cho tôi.
Đầu năm 1964, một nhóm giáo chức đại học Huế họp nhau tại trường Đại học sư phạm để quyết định về việc ra một tờ báo tranh đấu tiếp nối khí thế của “cách mạng” 1963, chống lại khuynh hướng lập một “chế độ Diệm không có Diệm” được người Mỹ ủng hộ. Trong dự định ban đầu, tờ báo là tiếng nói của lực lượng giáo chức và sinh viên Huế đã tham gia vào việc lật đổ Diệm.
Chuếnh choáng hơi men chiến thắng của một cuộc nổi dậy thành công, tham vọng của chúng tôi là biến đại học thành một thành trì chống độc tài. Tuổi trẻ thường có những giấc mơ phạm thượng. Buổi họp giao cho ba chúng tôi, anh Tôn Thất Hanh, anh Lê Tuyên và tôi, trách nhiệm suy nghĩ và điều khiển tờ báo. Tên của tờ báo, Lập Trường, là do chúng tôi đặt ra.
Lúc đó tôi 27 tuổi. Ít lâu sau buổi họp, tôi được mời ăn cơm với ông tướng chỉ huy Vùng I chiến thuật. Khi đó tôi mới thấy mình đang chơi một trò chơi quá so le trước gươm giáo, với một tuổi đời còn quá non và một tầm nhìn không xa hơn quyển sách. Quần chúng, tờ báo có. Nhưng dăm ba anh nhà giáo thì an ninh quân đội muốn tóm lúc nào chẳng được?
Nương thế “cách mạng”, chúng tôi ra báo không cần xin phép, nhưng anh sĩ quan tâm lý chiến đang ngồi ăn cơm chình ình trước mắt tôi, tôi qua mặt anh ta được chăng? Viết bài thì phải có lập trường chống Cộng hẳn hoi, anh ta khuyên nhủ thế, không chống Cộng tức là thân Cộng.
Tôi viết thế nào đây? Viết thế nào khi có một bức màn sắt chia hai giữa quân đội và quần chúng, một bên biện minh rằng đảo chánh Diệm là để chống Cộng tốt hơn, một bên đòi thanh trừng vây cánh của chế độ cũ để khỏi bị độc tài đàn áp nữa? Trong tình thế đó, Lập Trường là con chuột nhắt khốn đốn dưới nanh vuốt của ba con mèo: tướng tá, người Mỹ, và dư đảng Cần Lao của ông Diệm.
Về chiến thuật, chúng tôi có thể tạm thời tìm đường sống bằng cách khai thác mâu thuẫn quyền lực giữa các tướng tá cát cứ mỗi vùng để giữ một thế đứng độc lập ở miền Trung, làm đối trọng với thủ đô Sài Gòn. Nhưng đó không phải là một cái thế trường kỳ. Cũng về chiến thuật, chúng tôi có thể nói với người Mỹ: ông chống Cộng mà không có dân thì ông chống với ai? Ông hô hào tự do mà ông không để cho dân tự định đoạt vận mệnh của mình bằng lá phiếu thì ông tự do chỗ nào?
Nhưng đó là lấy lý nói với lý; trên thực tế người Mỹ đâu có làm chiến tranh vì lợi ích của dân Việt Nam? Chỉ với hai con mèo ấy thôi, chuột nhắt chúng tôi đã chưa biết tờ báo sẽ sống chết lúc nào. Nói gì con mèo thứ ba, các lực lượng tôn giáo quá khích, sinh ra và lớn lên nhờ chiến tranh. Chỉ với một lý luận này thôi, họ đã dồn chúng tôi vào chỗ bí: quốc sách đã là chống Cộng, vậy thì chỉ có chống Cộng với những lực lượng chống Cộng, không thể chống Cộng với những kẻ lừng khừng.
Chỗ dựa duy nhất của chúng tôi là quần chúng đang căm giận dư đảng của chế độ cũ. Nhưng quần chúng mà không có tổ chức thì khác nào gạch đá không có xi măng? Sự thế hiển nhiên thúc đẩy chúng tôi đi tìm xi măng. Nghĩa là lên chùa Từ Đàm! Chứ đâu nữa? Từ Đàm chẳng phải là nơi đã khởi đầu và tạo nội dung, hình hài, ngọn lửa cho cuộc tranh đấu hay sao?
Tôi phải kể rõ ngọn ngành như vậy để giải thích tại sao một tờ báo bắt nguồn từ đại học lại trở thành một tờ báo được xem như tiếng nói bán chính thức của Từ Đàm, nghĩa là của Phật giáo.
Chùa không làm chính trị: thái độ đó của Phật giáo chắc như đinh đóng cột. Lý tưởng của bọn trẻ chúng tôi cũng vậy, trùng hợp với chùa như bản chính với bản sao, có ông trời đóng dấu. Hồi đó, Sartre là ông thần triết lý của thời đại chúng tôi, và vở kịch “Les mains sales” của ông làm chúng tôi mê tít: chính trị là lĩnh vực của “những bàn tay bẩn” mà chúng tôi ghê tởm.
Chúng tôi đang say men tranh đấu, chưa thừa hưởng được bả rượu chính trị của các bậc trưởng thượng. Lên chùa Từ Đàm với tâm hồn phơi phới giống như đi tìm lại thời gian chưa mất, nói phỏng theo văn chương của Proust. Một lần nữa, tôi kể rõ ngọn ngành như vậy để trả lại cho César cái gì của César: tờ Lập Trường không phải là do chùa Từ Đàm lập ra, không phải là công cụ chính trị của Thầy tôi.
Thầy tôi, Trí Quang, ngồi trong phòng khách, nhìn ra sân khi chúng tôi đến. Thầy chào bằng một nụ cười, trên miệng và trên mắt. Hai mắt là cái hồn trên mặt Thầy. Mắt Thầy sáng quắc, dữ. Sau 1963, quần chúng thần tượng hóa lãnh tụ, kháo nhau “mắt Thầy có điện”.
Cặp mắt ấy quyến rũ tôi ngay từ phút đầu, không phải vì “có điện” mà vì nó trở nên hiền hòa ngay khi Thầy cười. Hai con mắt Thầy cùng cười với miệng, cái dữ biến đi đâu mất. Với cái hồn hiền hòa ấy trên mắt Thầy, tôi quên tuốt đã nói chuyện gì buổi chiều hôm đó, hình như chẳng có chuyện gì quan trọng, hình như cũng chẳng đề cập đến cả tờ báo, hình như giữa bản sao với bản chính có chuyện gì nữa đâu mà nói với ông trời.
Thế mà, khi từ giã Thầy, chúng tôi có cảm tưởng như mình đã là chiếc đũa trong một bó, muốn bẻ gãy cũng không dễ. Tờ báo ra đời sau đó. In ở nhà in đại học và trong sự chờ đợi nóng hổi của quần chúng, in bao nhiêu cũng không đủ bán, bán cũng không nghĩ đến chuyện thu tiền. Đó là giấy khai sinh thứ hai của tôi.
Tờ báo ra đời trong bối cảnh “cách mạng” 1963 bị phản bội. Lý lẽ của chiến tranh buộc người Mỹ ủng hộ tích cực những lực lượng chủ trương chiến tranh; những lực lượng này, được thể, quay lại trả thù những người đã tham gia lật đổ chế độ cũ. Diệm đổ, nhưng chính quyền Diệm vẫn còn y nguyên từ trung ương đến xã thôn, với bộ máy đàn áp không suy suyển.
Chiến tranh cho phép họ trả thù với một lý lẽ sơ đẳng và đui mù như bom đạn: chúng nó là cộng sản, chúng nó tiếp tay cho cộng sản, cộng sản mạnh lên là vì chúng nó. Chiến tranh còn cho phép họ trả thù những người cầm đầu phong trào một cách “hợp pháp” trâng tráo: tóm chúng nó đi lính là xong! Ai muốn hiểu những diễn biến chính trị trong những năm 1964-66 chỉ cần suy nghĩ trên sự đối đầu giữa hai tranh chấp về thừa kế: thừa kế Diệm hay thừa kế phong trào lật đổ Diệm.
Thừa kế Diệm tức là tiếp tục chiến tranh và dựa trên chiến tranh để nắm quyền. Thừa kế 1963 là đòi tuyển cử để lập một chế độ mới. Khí giới của phe kia là bom đạn. Khí giới của phe này là lá phiếu. Có một lúc, người Mỹ cũng bị phanh thây: họ thừa biết bom đạn không giải quyết được tất cả, làm chiến tranh mà không có dân thì khác nào lùa dân qua phía cộng sản. Nhưng, như một ngạn ngữ của họ đã nói, rốt cuộc “chim cùng lông thì cùng bay với nhau”.
Thế nhưng, oái oăm của thời cuộc, dân chúng cũng không phải là con số không, dù là trước mắt tướng tá. Lồng trong chiến tranh còn có một bối cảnh khác cũng lao xao binh khí: tranh giành quyền lực giữa các ông tướng chỉ huy các vùng chiến thuật.
Giữa họ với nhau, đảo chánh lật nhau không khó; giữ thế đứng của mình trong vùng cát cứ khó hơn, mà muốn thế phải dựa vào dân, trước hết là mấy ông “nhân sĩ” được dân nghe. Chúng tôi, ở miền Trung, có cái thế đó để đối đầu với các ông tướng ở Sài Gòn và đòi họ “cách mạng”.
Trong bối cảnh ấy, Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc ra đời tại Huế năm 1964. Do tờ Lập Trường chủ xướng, hành động này là để bảo vệ thành quả của 1963, chống lại một cuộc đảo chánh ở trung ương của phe tướng tá thân chế độ cũ.
Tổ chức này cũng vậy, không do Thầy tôi đẻ ra; lúc ấy Thầy đang ở Sài Gòn. Ai học lịch sử cách mạng Pháp đều biết Comité de Salut public. Hội Đồng Nhân Dân Cứu Quốc là dịch nguyên văn tổ chức của Robespierre. Trong đầu bọn trẻ trí thức nửa mùa chúng tôi hồi đó, 1963 như được ủ hơi men của cách mạng 1789 thần thoại.
Ra đời chưa kịp khóc ba tiếng, các tỉnh ở miền Trung đã tức tốc đẻ theo, cùng một khuôn, một mặt, các HĐNDCQ địa phương. Tự động đẻ. Chẳng do chỉ thị một ai. Rồi cũng tự động, các HĐNDCQ khắp miền Trung kéo nhau về Huế để thống nhất đường lối. Tranh đấu trở thành chính trị.
Mà toàn là tự động! Ký giả ngoại quốc bắt đầu kéo nhau đến Huế, tưởng như sắp chứng kiến một màn thay bậc đổi ngôi. Người Mỹ lân la dọ ý chúng tôi về tướng Thi, tư lệnh Vùng I, tưởng như HĐNDCQ sắp sửa làm bàn đạp cho một người hùng mới. Miền Trung bỗng nhiên trở thành trung tâm chính trị mà Huế là đầu não một cách tự phát, tự phất.
Quần chúng hưởng ứng nhiệt liệt, chẳng cần biết lãnh tụ của HĐNDCQ là Bác sĩ Quyến hay là ai. Mơ hồ, họ chỉ thấy ai đó “đằng sau” tờ Lập Trường, nghĩa là Thầy tôi.
Họ thấy như vậy cũng không phải là vô căn cứ. Không có Thầy, sao lại có một “Thư về Huế” của Thầy đăng trong Lập Trường, ngày 23-5-1964? Thầy viết: “Tiếng “thầy” được kêu lên trong khi chết chóc, trong cơn điên loạn, trong những ngày Từ Đàm bị bao vây và tấn công như một chiến khu, tiếng “thầy” được gọi lên trong nước mắt và máu, tiếng “thầy” đó, tôi biết Phật tử Huế đã dành cho tôi”.
Giữa lãnh tụ và quần chúng, mấy ai có được sự gắn bó thiết tha như vậy. Chừng đó thôi, mấy lời tình cảm huyết lệ ấy đủ để quần chúng biết Thầy ở đâu mà đứng theo Thầy. Từ tờ Lập Trường cho đến HĐNDCQ, tôi lặp lại, trí thức ở Huế không phải là công cụ của Thầy, Thầy không nhúng tay vào bất cứ hành động nào của họ, nhưng không có Thầy thì họ không phải là họ, được dân thương đến thế.
Ai muốn hiểu Thầy tôi thì hãy hiểu Thầy qua ngọn lửa Quảng Đức, đừng lầm Thầy như một chính trị gia, vị thế đó thấp kém lắm, không xứng đáng với Thầy. Tự gánh trên vai trách nhiệm về ngọn lửa Quảng Đức, Thầy không thể cho phép thời cuộc phản bội lại ngọn lửa đó, chỉ thế thôi.
*
Nhưng thời cuộc không phải lúc nào cũng chiều Thầy. Miền Trung, trở thành một trung tâm chính trị, sẽ đưa Thầy vào một thế khó xử, khi tranh chấp giữa địa phương với trung ương leo thang đến mức ly khai. Ly khai? Sao nghe được! Nhưng bỏ quần chúng nửa đường, sao đành!
Thầy như một sĩ quan chỉ huy một chiến hạm bị địch bắn đắm, danh dự phải giữ là chịu đắm theo tàu. Đây là nguồn cơn của biến động miền Trung năm 1966. Một biến động đè nặng trong lòng Thầy, khó nguôi.
Bối cảnh của 1966 là chiến tranh lan rộng, tiến gần thành phố, ban đêm đại bác đã dội về tận Sài Gòn, làm rung cửa sổ. Từ chống chiến tranh, Phật giáo đứng lên đòi hòa bình, theo đề nghị của Thầy. Tiếng nói đó làm phiền cả hai bên, nhưng trực tiếp và sát cạnh là người Mỹ. Đòi cách mạng, họ còn nhịn. Đòi hòa bình, họ nổi khùng. Làm sao vượt qua chống đối của họ bằng chính triết lý căn bản của họ?
Thầy đòi bầu cử Quốc hội lập hiến. Trong khí thế sôi động ở miền Trung, Thầy nghĩ ảnh hưởng sẽ lan vào Sài Gòn và bầu cử sẽ bất lợi cho những ai chủ trương chiến tranh. Mà thật vậy! Không riêng gì miền Trung, toàn thể các tỉnh đến tận Sài Gòn, mọi tầng lớp dân chúng, chỉ trừ những lực lượng tôn giáo sống chết với chiến tranh, nhiệt liệt ủng hộ chủ trương bầu cử để thay thế chế độ tướng tá bằng một chính phủ dân sự.
Dân chúng biểu tình ở Sài Gòn, chiếm cả sân bay Tân Sơn Nhất, kêu gọi đình công, trương cả biểu ngữ “Yankee Go Home”. Miền Trung thì khỏi nói: ngay cả quân nhân, ngay cả tướng tư lệnh, cũng sát cánh với dân thường, cảnh sát, công an sát cánh với công chức, trí thức, sinh viên, thương gia, tạo nên một phong trào đòi hỏi bầu cử. Đố một ông tướng nào tại vị ở miền Trung mà dám đi ngược lại phong trào.
Đố Thiệu-Kỳ đưa được một tướng khác thay thế. Đố ông Kỳ lột chức được thị trưởng Đà Nẵng bằng cách nào khác hơn là dọa bắn vào đầu ông Mẫn. Phe quân đội chia hai: một bên là đồng minh của Thiệu-Kỳ, dựa trên những đảng phái và tôn giáo thánh chiến, sợ bầu cử sẽ có lợi cho Phật giáo; một bên là đồng minh của miền Trung, quân và dân hiếm khi một dạ một lòng như vậy.
Một lòng đến nỗi tư lệnh sư đoàn I huấn luyện quân sự cho sinh viên, thanh niên, phát vũ khí cho họ để bảo vệ Huế, tiếp ứng Đà Nẵng, dọa sẽ chống lại Kỳ nếu Kỳ dùng bạo lực.
Quân và dân sát cánh tại miền Trung thì người Mỹ sát cánh với Thiệu-Kỳ trong chiến dịch đàn áp và phân hóa Phật giáo. Họ sẽ phân hóa được bằng cách lập một cánh Phật giáo đối nghịch với Thầy tôi. Nhưng trước khi đó, họ thẳng tay đàn áp phong trào cái đã, tại Sài Gòn trước, tại miền Trung sau.
Phân hóa hay đàn áp, mục tiêu họ nhắm là Thầy tôi. Triệt hạ Thầy thì triệt hạ được phong trào hòa bình, đập nát được thanh thế miền Trung mà Westmoreland, mà Taylor, mà Lodge, mà Rostow xem như thành trì Phật giáo. Hơn thế nữa, triệt hạ Thầy tôi thì họ sẽ tương kế tựu kế tổ chức được một Quốc hội theo ý họ, gạt Phật giáo vĩnh viễn ra khỏi các cơ quan dân cử, leo thang chiến tranh. Súng đạn đi đầu lá phiếu.
Lấy cớ trừng phạt ly khai, ông Kỳ dồn đại quân ra Đà Nẵng, nhắm Huế. Dân chúng tự động đem bàn thờ ra ngoài đường để cản chiến xa từ Quảng Trị vào An Hòa. Trong vòng nửa giờ, các đường chính của thành phố Huế đã đầy bàn thờ Phật. Thầy nói: Thầy bị động.
Trước sự đã rồi, Thầy ra lệnh chính thức. Quần chúng thỉnh Phật ra đường, hương án trang nghiêm, tụng niệm như ở trong nhà, như ở trong chùa. Kỳ điều đình với Thầy. Thầy không trả lời. Kỳ giới nghiêm, tung tiểu đoàn “Trâu Điên” xung kích, bắn, bắt, đánh, đập, uống bia cho say rồi vung chai đập đánh, đánh cả sinh viên, học sinh.
Trước đó, binh sĩ Vùng I và sinh viên “quyết tử” đã quyết ăn thua đủ với Kỳ, dàn trận bên này đèo Hải Vân, chực nổ súng. Công binh đã đặt mìn, sẵn sàng phá hủy các cầu từ Đà Nẵng ra, từ Quảng Trị vào, cắt đứt tiếp vận từ Quảng Trị. Tại Huế, đại pháo và đại liên đã được bố trí dọc theo kỳ đài, chỉa xuống bộ tư lệnh giới nghiêm đóng tại Phu Văn Lâu. Quân nhân hỏi ý Thầy.
Đau xót: ông thầy tu trong Thầy không cho phép Thầy dùng bạo lực. Đưa bàn thờ ra đường là tranh đấu bất bạo động. Nổ súng là bạo động, Thầy đành bảo họ hủy mìn, dẹp súng. Nội chiến là chuyện Thầy không làm, dù hậu quả là cả quân lẫn dân Phật tử bị bắt, bị đàn áp sau đó.
Thất bại, Thầy đành chịu. Nhưng bất bạo động là kim chỉ nam của Thầy. Khí giới duy nhất của Thầy là tuyệt thực. Bị bắt và giải về Sài Sòn, Thầy tuyệt thực đúng 100 ngày.

Ảnh của Hạnh Phương
Trong biến cố 1966, một tờ báo lớn Mỹ đặt câu hỏi to tướng: Ông Trí Quang muốn gì? Muốn gì mà ông chống hết chính quyền này đến chính quyền khác? Muốn gì mà ông không biết nhân nhượng? Muốn gì mà ông đòi Quốc hội? Rồi muốn gì mà ông hết đòi Quốc hội lại chống Quốc hội?
Trong bấn loạn hỏa mù của đảo chánh và chiến tranh, của ngoại thuộc và nội chiến, nếu chịu khó nhìn và hiểu thì những gì mà Thầy tôi muốn cực kỳ đơn giản, có thể tóm gọn vào trong một bức thư, “Thư về Huế” mà tôi đã nói ở trên.
Thầy tôi muốn gì năm 1964? Dân đã lật ông Diệm thì cứ tưởng là rạng đông sẽ sáng sau đêm tối âm u. Nhưng ai ngờ! “Ai ngờ sự vận động để cải thiện chính sách thực đã không đơn giản như chúng ta tưởng. Đảo chính quá dễ nhưng cách mạng quá khó.
Hóa cho nên đời sống hiện tại của chúng ta và của tín ngưỡng chúng ta gần như vẫn ác mộng giống quá khứ và chưa chừng mà tiếp tục cả đến tương lai”. Thầy muốn gì? Muốn cái đuôi của ông Diệm không làm khổ dân và khổ Phật giáo.
Bằng cách nào? “Nỗ lực và nỗ lực một cách liên tục để chấm cho dứt những chính sách không phù hợp với sự sinh tồn của Dân tộc và Phật giáo, phát triển Phật giáo bằng sự thực hiện của bản thân mà không bằng cách làm thương tổn các tôn giáo khác, càng nêu cao đức tính Từ bi bao nhiêu lại càng thực hiện đức tính Vô úy bấy nhiêu: đó là “ý thức Phật tử” đơn giản vô cùng nhưng khó khăn vô tận”.
Đúng là khó khăn vô tận, vì Thầy thất bại năm 1966. Nhưng thế nào là “ý thức Phật tử” vào thời cuộc 1966? Là đại bác dội đêm, là chiến tranh, là phải hòa bình. Có người tưởng Thầy tôi đòi hỏi Quốc hội để chiếm đa số, để khuynh loát, để thủ diễn vai tuồng mới trên chính trường miền Nam.
Họ chịu khó nhìn chính trị ở miền Nam một cách lô gích thì biết Thầy tôi muốn gì: chừng nào còn chiến tranh, chừng đó còn người Mỹ; chừng nào còn người Mỹ, chừng đó còn bộ máy quân sự phục vụ chiến tranh; chừng nào còn bộ máy quân sự phục vụ chiến tranh, chừng đó còn những thế lực ăn theo chiến tranh; chừng nào còn những thế lực ăn theo chiến tranh, chừng đó Phật giáo còn bị đè xuống, chận họng.
Cách giải quyết vấn đề, đứng trên cương vị của một ông thầy tu, là tháo vất cái mắc xich đầu tiên, là chấm dứt chiến tranh! Thế là làm chính trị hay sao?
Thầy tôi mang đủ thứ tiếng. Có người nói Thầy thân Cộng. Có người nói Thầy thân Mỹ. Có lúc Thầy được đội cả hai cái mũ một lần. Lẳng lặng, Thầy nói với người thân: “Càng nhiều mũ càng tỏ ra thật không có mũ nào. Trái lại, càng nhiều mũ càng tốt: càng làm cao lên, và rõ ra, cái tư thế đặc biệt của Phật giáo. Nên Phật giáo không cần tránh mà còn cần đến cái tác dụng nghịch lý ấy”.
Chính cái nghịch lý ấy làm nên Thầy. Thầy là một nghịch lý to tướng. Một ông thầy tu có tầm cỡ và sức thu hút đặc biệt của một nhà chính trị lớn, lớn nhất miền Nam lúc đó, nhưng lại từ khước cái khả năng hiếm có ấy để làm ông thầy tu.
Câu hỏi mà các ký giả Mỹ đặt ra về Thầy không phải là không có căn cơ: họ bị Thầy thu hút như một tài năng chính trị, nên họ không thể tưởng tượng Thầy thật không muốn làm chính trị. Họ lầm.
Bây giờ thì chắc người ta hiểu Thầy hơn. Thời thế bắt buộc Thầy phải xông trận, như một người lãnh đạo. Nhưng đó là cái thế bất đắc dĩ của một ông thầy tu cỡ lớn, quá lớn để từ khước một trách nhiệm đặc biệt mà lịch sử bất thần đặt lên vai.
Nhưng Thầy không bị lịch sử lừa phỉnh để đi vào con đường khác với con đường của ông thầy tu. Cái vui thú của Thầy là lúc Thầy được xa cái chợ chính trị để làm cái việc của ông thầy tu là dịch kinh, giảng kinh. Trăm ngày tuyệt thực, đó là lúc Thầy vui. Vì Thầy làm được cái việc Thầy muốn: viết được hai bản thảo “Nghiên cứu Khởi tín luận” và “Khảo luận Tây du bằng Duy thức học”.
Ông thầy tu tuyệt thực như thế nào, với tâm trạng gì? Thầy nói: “Có hai việc mà tuyệt thực tuyệt đối phải có.
Một là phải có một tâm thức thanh thản, không buồn, không giận, không cầu hồ gì. Không cầu chết cũng không sợ chết, tiếp cận hoàn toàn với đức hỷ xả của Phật.
Hai là tuyệt đối không ăn, dĩ nhiên, cũng không uống, không chích bất cứ thứ gì”. Thân thì không ăn uống, tâm thì hỷ xả. Ấy là ông chính trị gia hay ông thầy tu?
Thầy tôi có thắng có bại trong hành động, như bất cứ ai hành động. Nhưng thắng, Thầy dành cho người khác hưởng; bại, Thầy nhận một mình. Thắng hay bại, Thầy đều cô đơn. Suốt đời, Thầy cô đơn. Sau mỗi tranh đấu thắng lợi, bao giờ cũng có lắm anh chính khách xun xoe sau lưng các lãnh tụ.
Ai tranh đấu bên cạnh Thầy chỉ hưởng cơm hẩm nước rau. Suốt đời, Thầy không nhân nhượng với cái gian, cái ác, cái xảo quyệt, cái ma lanh ma lẹ của bán buôn chính trị. Về riêng Thầy, có lần tôi nghe Thầy nói một câu bâng quơ: nước trong quá thì không có cá. Có gì để nhậu nhẹt trong cái am của Thầy đâu!
Ai chơi hoa, cắm hoa đều biết: dù hoa thanh khiết đến bao nhiêu đi nữa, sau ba ngày thì nước trong bình bắt đầu hôi. Có kẻ chỉ thấy hoa đẹp, không thấy nước hôi. Thầy thấy nước hôi, không dùng hoa đó để cúng Phật. Tôi học được ở Thầy cái nhìn đó để không sợ cô đơn trong cuộc đời. Và trong sự thật.
*
Thầy sống cô đơn như vậy từ sau 1975 đến nay, không màng thế sự, khen chê, không thanh minh, không tiếp khách. Thầy sống như Thầy đã tuyệt thực, thanh thản dịch kinh. Thầy sống như để trả lời câu hỏi về Thầy ngày trước: Thầy chỉ là một ông thầy tu không hơn không kém, bây giờ cũng như bao giờ.
Có điều là ông thầy tu này có cặp mắt sáng quắc, dữ thì thật dữ mà hiền thì thật hiền, khi dữ thì Vô úy, khi hiền thì Từ bi, hai chữ đỏ như son trong Lập Trường ngày trước. Tôi không biết nên nói gì với tuổi trẻ ngày nay ngoài hai chữ mà tôi đã học được ngày xưa.
Vô úy, ai cũng đã thấy nơi Thầy. Không sợ! Còn Từ bi? Từ bi không phải chỉ là lòng thương. Phải là lòng thương nào có thể vừa cho vui vừa cứu khổ. Điều này, Phật tử ai cũng rõ. Nhưng ít ai biết tại sao phải từ bi như là một định luật.
Thầy giảng: tại vì sống là tương quan, không ai có thể sống một mình, cho nên sống là phải giúp nhau, cho vui và cứu khổ lẫn nhau. Lòng từ bi đó tạo cho mình cái nhìn bình đẳng: thấy tất cả đều khổ, do đó mình phải cho vui và cứu khổ hết thảy.
Thầy giảng, tôi hiểu suốt. Và tôi biết đó là lý tưởng của Thầy, Thầy sống như vậy. Nhưng thắc mắc của tôi là ông thầy tu của tôi từ bi như thế nào trong những hành động mà dù muốn dù không cũng mang tính chính trị? Tôi đọc Thầy: “Cứu cánh của từ bi là thấy người với mình là một, thân người tức thân ta…
Do từ bi, mình tự đưa mình ra chịu khổ cho người. Xem tất cả như con một, thấy thân người như thân mình, thì còn có gì mà không làm nổi?”
Thầy tôi rất Thầy tôi ở mấy chữ “còn có gì mà không làm nổi”. Người ta nể Thầy, sợ Thầy, phe nào cũng sợ Thầy là vì ở Thầy toát ra mấy chữ ấy. Nhưng cái gì nơi người ta sợ Thầy? Cái gì sợ từ bi? Cái ác! “Nhất là vào thời đại này – Thầy viết – thời đại mà về mặt tâm lý ta có thể thấy rõ rệt khắp đây đó hiện thân của lòng tàn ác.
Tàn ác, như một ngọn lửa tỏa khói đen nghịt và cao ngất, phủ bọc lấy loài người đau khổ. Mà chống lại lòng tàn ác thì chỉ có lòng từ bi”.
Phải đọc thêm một câu nữa để thấy văn tức là người, giọng văn của Thầy thế nào thì Thầy sắc như thế ấy, hiện thân ra như thế ấy trước mắt đối phương, nghĩa là cái ác: “Bởi vậy, kẻ nào mỉa mai rằng thời đại này mà còn nói đến chuyện từ bi, thì kẻ ấy chính là kẻ đang tàn ác.
Kẻ nào trực tiếp hay gián tiếp làm tổn thương đến uy lực của từ bi là kẻ tội ác của nhân loại, kẻ gieo thảm họa cho loài người. Nếu phải thí dụ kẻ đó là kẻ ma quân thì ma quân ấy chỉ khiếp sợ mỗi một tâm lý độc nhất, tâm lý từ bi mà thôi”.
Tôi gặp Thầy tôi khi lịch sử Phật giáo và lịch sử chính trị miền Nam mở đầu một giai đoạn mới với ngọn lửa Quảng Đức. Lịch sử đã chọn Thầy tôi làm kẻ đứng mũi chịu sào trong giai đoạn đó vì lịch sử biết Thầy chống cái ác như thế nào với một tâm lý gì.
Bốn phương tám hướng đều thấy: ngọn lửa Quảng Đức là ngọn lửa từ bi. Riêng tôi, ở trong tầm mức thấp bé của một người thường, tôi thấy ngọn lửa đó tiếp tục cháy trong mấy câu hoài niệm Thầy viết cho Lập Trường nhân ngày giỗ đầu của 7 em bé bị đạn của lính ông Diệm bắn chết trước đài phát thanh Huế đêm Phật Đản 1963: “Tôi, cho đến bây giờ, vẫn không sao nguôi ngoai được tâm trạng của một người nhìn thấy đống xương thịt máu huyết bị hất vào một góc tường, xương thịt máu huyết của những kẻ thân yêu mới cười nói với mình trước đó không quá 10 phút! Biết bao giờ, hay sẽ không bao giờ, con người bớt tàn bạo, biết xấu hổ vì tội ác của mình, để con người đừng kinh hãi vì con người”.
Thầy tôi đi vào lịch sử chỉ vì thế: chỉ vì Thầy tự đưa thân ra gánh lấy cái khổ của quần chúng Phật tử, chỉ vì trong xương máu của Thầy có xương máu của 7 em bé trắng trong chết vì cái ác, chỉ vì Thầy lấy cái ác làm kẻ đồng hành khiêu khích không ngừng.
Về Thầy, tôi nghĩ chỉ có chuyện ấy là đáng nói. Còn tất cả chỉ là một nhầm lẫn to tướng không cần cải chính, bình luận: người ta tưởng nhầm Thầy muốn làm Richelieu, hồng y, thủ tướng của vua Louis XIII nước Pháp. Sự thực, Thầy tôi muốn cao hơn thế: Thầy muốn làm ông thầy tu.
Nguồn: BBC

Monday, November 4, 2019

A FAREWELL by Tue Sy - Tống Biệt Hành (Tuệ Sỹ)


A FAREWELL

Just one single step, yet the mountain is high
Oh, Haven! In which direction will the white clouds settle?
The ferry is moored at the shore swaddled in morning dew
If love should dry up, would water turn cold?


A long journey, immensely far, far away
Where myriad of layers of floaty mist adorn the silken sky
The boat hardly leaving the shore, red dawn already breaks out
Yet thousands of years of farewell had passed

Till the end of summer night, chasing illusion
Autumn fading away, illusionary dreams whiten the Milky Way
The wind refuses to cease, waiting for dew to congeal
Which thousands of years later turns sullied


By the end of Autumn, one no longer sees signs of the traveler 
Autumn forest bloody rain devastates the thatch cottage  
I play the pistil on faded color
Of the piano keyboard, or the blue color of blood.


Nha Trang 1977

Poem by Tuệ Sỹ
Translated by Phe X. Bach
Edited by Prof. Thai V. Nguyen


Tống Biệt Hành


Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?

Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi

Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa

Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh
Thơ Tuệ Sỹ
Dịch qua Anh ngữ bởi Htr. Tâm Thường Định
Hiệu đính: GS. Nguyễn Văn Thái

Saturday, November 2, 2019

Only Love Can Save Us from Climate Change


FOREWORD 
Only Love Can Save Us from Climate Change

It is getting cold and the autumn leaves displace their pretty colors. The new moon is greeting the Earth from the edge of the sky; it is almost in November, and the rain is yet to come. Why hasn’t it rained yet? California, both to the south and north, is burning--wildfires are almost everywhere. On the other side of the Pacific Ocean, the Tropical Storm Matmo has just swept through the central provinces of Vietnam. Floods, droughts, and natural disasters are happening everywhere. Climate change is real and it is affecting us all.
According to the United Nations, “Climate change is now affecting every country on every continent. It is disrupting national economies and affecting lives, costing people, communities and countries dearly today and even more tomorrow. Weather patterns are changing, sea levels are rising, weather events are becoming more extreme and greenhouse gas emissions are now at their highest levels in history. Without action, the world’s average surface temperature is likely to surpass 3 degrees centigrade this century. The poorest and most vulnerable people are being affected the most.”

In this urgent matter, we are asking the same question as Johan R. Platt: “Can Buddhism Help Save the Planet?” The new book, Ecodharma argues that yes, it can — but only if Buddhism saves itself first.” Since one of the noble goals of Buddhism is the alleviation of suffering that ultimately leads to enlightenment, it should be, as Engaged Buddhism encourages, that it is not only for individual enlightenment, but a broader societal and/or human illumination. The way we move forward positively is lifting each other up.

Thus, the fundamental education in Buddhism is planting-the-seeds and training and practicing: Sowing, nurturing, watering these Bodhi seeds, our tree of happiness and peace will grow. The foundation of Buddha's teaching is the Four Noble Truths and the Eightfold Path. These fundamental truths must pass on to future generations so that each individual as well as the members of the human community live responsibly, peacefully, and in harmony with all people and species as well as in a way that we protect and nurture our Mother Earth.

In the face of climate change, this is a serious issue that needs our immediate attention and action right now. The climate emergency is the defining issue of our times. We, the publishers Hoa Dam and Lotus Media Inc. are compiling English articles, written by many well-known authors, which have been published in international newspapers about climate change. This collection is made for all ages, but especially for our young readers and the Vietnamese Buddhist Youth Families born and raised abroad, in order to raise awareness and take action against the impeccable disasters due to the negative behaviors of humans.

This collection also brings together articles related to the environment and climate change from scholars and practitioners of Buddha's teachings, especially Thay Nhat Hanh, His Holiness the Dalai Lama, and many Lama West. Tibetan, Western scholars and practitioners such as Ven. Thubten Jampa, Lama Willa B. Miller, David Loy, Kara Holsopple, Lucia Graves, Sister True Dedication, Linda Hueman, Dion Peoples, Jo Confino, Phe Bach and Khanh T. Tran.

Let us together practice frugal living, and live in a way that "we offer the joy in the morning, and make life less miserable in the afternoon", live with the Four Ways of Persuasion (Catuh-samograha-vastu) (Tứ Nhiếp Pháp - the Four all-embracing (Bodhisattva) virtues: Giving (Dana), Affectionate Speech (Priyavacana), Beneficial Actions (Arthakrtya), Co-operation (Samanartharta), and diligently transform internal and external hurdles and obstacles to become better human beings and leave this beautiful Earth a better place for all.

With that, we would like to introduce this collection, “Only Love Can Save Us from Climate Change".

On behalf of the Editorial Board
Phe Bach, Ed.D.