Thursday, October 15, 2020

SHORT POEMS ABOUT FAMILY

SHORT POEMS ABOUT FAMILY

1.
The Rockies are majestic 
The mountain-tops covered with snow
Like the white-haired fisherman that my father used to be.
So much love for you, Dad.

2.
The ocean is immense
Maternal love is wide and pure
Your shore is unparalleled!

3.
The whole family meditates
The incense is fragranting
A peaceful realm spreading

4.
A peaceful dawn
Drinking tea with my dad
Which is priceless
Oh, a poetic realm

Phe Bach

Monday, October 5, 2020

Thích Mãn Giác: Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh

Thích Mãn Giác: Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh

Một gương mặt bầm tím với râu tóc mọc dài yên nghỉ trong một chiếc quan tài. Tất cả những phần còn lại của con người yên nghỉ đó đều bị che lấp, không ai biết có vết tích gì trên những phần còn lại đó hay không.” Đó là hình ảnh sau cùng của Cố Hòa Thượng THÍCH THIỆN MINH mà chúng ta biết được qua lời kể của những vị đại diện Viện Hóa Đạo đi “nhìn mặt”, hai ngày sau khi cố Hòa Thượng đã nằm xuống trong chốn lao tù của Cộng Sản.

“Thượng Tọa Thích Thiện Minh, chiến lược gia của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, người đã từng ở tù trong cả ba chế độ, hôm 17 tháng 10 năm 1978 đã bỏ mình trong một nhà tù của Cộng Sản tại thành phố Hồ Chí Minh.” Đó là lời loan tin của đài BBC London mà chúng ta và cả thế giới bên ngoài đã nghe được, cũng chỉ mấy ngày sau khi Hòa Thượng nằm xuống.

“Ngày 13 tháng 4 năm 1978, Cộng sản bắt giam Thượng Tọa Thích Thiện Minh. Người bị giam trong hầm tối tại Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia cũ, bị lột bỏ áo quần, bị bí mật chuyển sang một nhà tù khác.” Đó là những chi tiết mà một vài tù nhân và người coi tù đã có cơ hội trông thấy chuyển đến cho chúng ta.

Trên đây gần như là tất cả những gì mà chúng ta có được một cách xác thực trong 6 tháng cuối cùng của cuộc đời Hòa Thượng. Những gì đó ngắn ngủi và hiếm hoi chẳng khác gì cái khoảnh khắc giữa sống và chết của một kiếp người. Nhưng chính những gì ngắn ngủi và hiếm hoi đó lại tô đậm và làm thành một hình ảnh to lớn và cao cả khác thường trong tâm hồn của tất cả chúng ta, tất cả những người Phật tử Việt Nam và tất cả những nhà nhân bản, tôn giáo, trí thức trên khắp thế giới đã từng biết đến cố Hòa Thượng. Đó chính là cái to lớn và cao cả, không phải của quyền uy bạo lực mà là của tinh thần và khí phách con người trước bạo lực quyền uy. Bởi vì, nếu khiếp nhược, nếu chịu cúi đầu trước quyền uy bạo lực thì cố Hòa Thượng đã không phải bị bắt, không phải bị hành hạ, bị đầu độc để rồi phải nằm xuống như thế.

Đó chính là cái to lớn và cao cả, không phải của chủ nghĩa, ý thức hệ mà là của tình thương và chân lý trong cơn hoành hành, tàn phá của chủ nghĩa, ý thức hệ trên mạng sống của dân tộc và của nhân loại ngày nay. Bởi vì, nếu chịu tôn thờ chủ nghĩa hơn là tôn thờ tình thương và sự sống thì cố Hòa Thượng đã không bị bắt, đã không bị hành hạ, bị tra khảo đánh đập để rồi phải nằm xuống như thế.

Nói cách khác, đó chính là cái to lớn và cao cả của Việt Nam – một Việt Nam tinh thần và khí phách, không bao giờ chịu khuất phục, không bao giờ chịu cúi đầu làm nô lệ cho bất cứ một thế lực thống trị bạo tàn nào dầu cho phải quằn quại đau thương đến bao nhiêu chăng nữa.

Cũng nói cách khác, đó chính là cái to lớn và cao cả cho đạo Phật – một đạo Phật không mang theo súng đạn, không mặc chiếc áo chủ nghĩa mà chỉ mang theo tình thương, chỉ mặc lấy chiếc áo nhẫn nhục để chịu đựng cái khổ cho con người và ngay cả, để chết cho đồng loại được sống, cho tiếng nói của trái tim con người cất lên.

Chính vì thế mà hình ảnh của cố Hòa Thượng từ cái chết ngày 17 tháng 10 năm 1978 đã trở thành một Biểu Tượng đấu tranh cho Hòa Bình, Độc Lập và Tự Do đích thực của Dân Tộc. Cũng chính vì thế mà tưởng niệm số Hòa Thượng THÍCH THIỆN MINH, chúng ta cũng tưởng niệm đến tất cả những người con của Dân Tộc và Đạo Pháp đã bỏ mình vì nghĩa cả, những vị Tăng, Ni đã tự thiêu, những chiến sĩ đã hy sinh và tất cả những đồng bào ruột thịt đã bị thảm sát dưới chế độ Cộng sản bạo tàn.

Cũng chính vì thế mà tưởng niệm cố Hòa Thượng THÍCH THIỆN MINH, chúng ta cũng hãy đem lòng cầu nguyện cho tất cả những người con của Dân Tộc và Đạo Pháp đang bước theo con đường mà cố Hòa Thượng đã đi, những vị lãnh đạo, Tăng, Ni và Phật tử của Giáo Hội, những chiến sĩ và đồng bào ở quê nhà đang bị cầm tù hay đang nổ lực hoạt động, đấu tranh cho một ngày mai tươi sáng của Dân Tộc và Đạo Pháp.

Cúi xin Đức Phật Từ Bi gia hộ cho Giác Linh Hòa Thượng THÍCH THIỆN MINH và liệt vị Thánh Tử Đạo, cho anh linh của những Chiến Sĩ và Đồng bào đã hy sinh sớm về cõi Phật và xin cho tất cả chúng ta mãi mãi giữ vững được niềm tin để không bao giờ làm kẻ phản bội với ước vọng của Dân Tộc và với những người đã nằm xuống cho chúng ta được sống.

Los Angeles, Chùa Việt Nam, 17–10–1982

THÍCH MÃN GIÁC

Friday, October 2, 2020

THÍCH MINH CHÂU (1918–2012): VƯỢT RA NGOÀI ĐỐI TƯỢNG VÀ NGÔN NGỮ

 

VƯỢT RA NGOÀI ĐỐI TƯỢNG VÀ NGÔN NGỮ

THÍCH MINH CHÂU (1918–2012)


Chúng tôi xin chân thành cảm tạ thiện chí của hội đồng tinh thần Baha'i quốc gia Việt Nam. Thiện chí đã được thể hiện liên tục từ bảy năm nay và mỗi năm nói lên một sắc thái mà hội đồng tinh tấn Baha'i quốc gia Việt Nam đã cố gắng đóng góp vào công cuộc xây dựng tinh thần nhất trí của đời sống tâm linh nhân loại.
Sắc thái đặc biệt trong ngày họp mặt năm nay là ý niệm về “Công Bình”, một ý niệm quan trọng và có ý nghĩa rất sâu sắc và rộng rãi, chẳng những có ý nghĩa phong phú trong đời sống tôn giáo mà lại là ý nghĩa quyết định đời sống xã hội con người, nhất là xã hội của nước Việt Nam hiện nay. Công bình là cửa ngõ đi vào đời sống toàn diện của con người; và quan trọng nhất và đáng để ý nhất, công bình chính là cửa ngõ để đi vào đời sống tâm linh, cửa ngõ để đi vào Chân lý tâm linh mà chữ Ba tư gọi là “Bab”; chữ “Bab” có nghĩa là cửa ngõ, cổng đi vào, lối vào: chữ Bab cũng là tên vị tiên tri mở đường cho vị sáng lập đạo Baha'i; vị tiên tri mở đường ấy được gọi là “Bab” là vị được coi như là cửa ngõ để đi vào Chân Lý Tâm Linh, hơn ai hết, chính những vị tiên tri và sáng lập đạo Baha'i đã chịu đựng hết mọi bất công tàn nhẫn trong suốt thời hành đạo; đấng Bab và đấng Baha'i “Alah” đã bị giam cầm, hành hạ, tù đầy, chịu đựng tất cả những hình thức bất công của một xã hội đương thời, chỉ vì mục tiêu duy nhất là muốn mở cửa ngõ đưa con người đến Chân Lý tâm linh; do đó, ngày hôm nay, hội đồng tinh thần Baha'i lựa chọn đề tài “Công Bình” để làm chủ đề cho “Ngày Tôn Giáo Hoàn Cầu” thì thật là một việc làm có ý nghĩa vô cùng.
Lần lượt chúng tôi xin trình bày một số cảm tưởng của chúng tôi về ý nghĩa của chủ đề hôm nay. Chúng tôi sẽ trình bày quan niệm của chúng tôi về tôn giáo, rồi đến quan niệm về công bình và sau cùng xin trình bày nhận thức của Phật Giáo đối với công bình như thế nào.
Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng “Chỉ có tôn giáo mới xây dựng được công bình thế giới”; điều này, không ai có thể phủ nhận được, nhưng một sự kiện đáng buồn là mọi người có thể đồng ý nhau trong tuyên ngôn, nhưng về nội dung của tuyên ngôn thì mỗi người lại hiểu theo quan niệm riêng của mình, và mỗi quan niệm đều bị quy định trong thái độ nhận thức của riêng mình đối với đời sống và con người. Do đó, chúng ta có thể đồng ý nhau về hình thức của tuyên ngôn; nhưng muốn cho sự đồng ý ấy có căn bản rõ rệt và sâu sắc, chúng ta phải xác định lại nội dung của tuyên ngôn: chính nội dung ý nghĩa của ngôn từ mói làm cho cảm thông sâu sắc hơn và “Ngày Tôn Giáo Hoàn Cầu” hôm nay mới mang ý nghĩa thâm trầm xứng đáng. Riêng về phần chúng tôi, đứng trên cương vị của một tu sĩ đạo phật, chúng tôi sẽ cố gắng xác định nội dung ý nghĩa về chủ đề hôm nay trong giới hạn của mình.
Trước hết chúng ta phải tìm hiểu nội dung ý nghĩa của Tôn Giáo. Riêng đối với ý nghĩa của tôn giáo chúng ta cũng đã thấy rằng cần phải đem đến sự công bình cho ý nghĩa của danh từ này vì trong tình trạng sinh hoạt tôn giáo hiện nay, chúng ta đã nhận thấy rằng mọi người đều không công bình với nhau ngay trong nhận thức về ý nghĩa của danh từ tôn giáo. Sự tương quan giữa một hệ thống xã hội và một hệ thống tín ngưỡng chưa được người ta minh định rõ ràng; đồng thời, người ta cũng vẫn chưa giải thích rõ ràng về sự tác động của công ước xã hội trên thái độ nhận thức của cá nhân trước thực tại, chẳng hạn như ngôn ngữ và biểu tượng; ngôn ngữ và biểu tượng chính là hai yếu tố quan trọng quyết định hệ thống công ước xã hội, đồng thời qui định thái độ nhận thức của cá nhân trước thực tại. Tôi là người theo đạo Phật; người khác theo đạo Chúa, nghĩa là theo ngôn ngữ và biểu tượng của đạo Chúa; và người thứ ba theo đạo Hồi, theo ngôn ngữ và biểu tượng của đạo Hồi, mỗi người đều có một hệ thống ngôn ngữ, một hệ thống biểu tượng riêng, không ai giống ai, do đó mới xảy ra hiện tượng xung đột giữa hệ thống này với hệ thống kia, vì người theo hệ thống A thì cho rằng hệ thống mình đúng, còn hệ thống B sai và cố gắng thuyết phục kẻ khác theo mình, khi người khác không theo thì xảy ra hiện tượng mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp ấy là sự bất công, sự chà đạp tự do, phá hủy công bình giữa con người; nạn nhân cụ thể nhất của hậu quả này là những vị sáng lập đạo Baha'i, chẳng hạn như đấng Bab đã bị nhốt tù và bị hành hình vì ngài đã đi ngược lại đạo Hồi chính thống, và bị những người theo Hồi giáo hành quyết, rồi kế đó, nạn nhân cụ thể tiếp theo là vị sáng lập đạo Baha'i, tức là đấng Baha'u'llah, ngài bị nhốt tù tại Teheran vào năm 1852 và sau bị lưu đày vì ngài không chấp nhận hệ thống ngôn ngữ và biểu tượng của Hồi giáo đương thời.
Thế là chúng ta đã thấy rằng vấn đề ngôn ngữ và biểu tượng là một vấn đề quan trọng: hiểu được sự tác động của ngôn ngữ và biểu tượng trong đời sống con người là bước đầu đi vào giải phóng con người để đạt tới công bình thế giới. Mỗi một tôn giáo đều có một hệ thống ngôn ngữ và biểu tượng đặc thù của mình; không có tôn giáo nào giống tôn giáo nào trong thái độ toàn diện trước ngôn ngữ và biểu tượng tôn giáo mình. Chính thái độ toàn diện của con người trước hệ thống ngôn ngữ và biểu tượng của mình mới quyết định ý nghĩa của tôn giáo và ý nghĩa của công bình. Khi chúng ta nói rằng “Chỉ Tôn giáo mới xây dựng công bình thế giới” nhưng ngay trong chính lãnh vực của tôn giáo, ngay trong chính sinh hoạt của những tôn giáo, thực sự đã có công bình giữa những tôn giáo chưa? Sự thực bi đát là hiện nay tín ngưỡng chia rẽ con người nhiều nhất, chính tôn giáo (tạm gọi là tôn giáo) đã là nguyên nhân cho sự bất công ở đời này; không có tôn giáo nào không nói đến đoàn kết, không có tôn giáo nào không nói đến tình thương, không có tôn giáo nào không nói đến công bình, nhưng thực sự thì như thế nào? Bên ngoài, chúng ta có thể cùng nhau đứng chung với nhau để tuyên bố rằng “Chỉ có tôn giáo mới xây dựng công bình thế giới”, nhưng bên trong thâm sâu vô thức, chúng ta lại chỉ muốn nói rằng “Chỉ có tôn giáo của tôi mới xây dựng được công bình thế giới”. Đó là sự thật! Chúng ta phải dám can đảm nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng này. Chúng ta không dám nhìn vào sự thật ấy có nghĩa là tự phủ nhận mình, tự bỏ những gì từ lâu làm thành bản thân tâm lý của mình, những phản ứng thường xuyên của mình trước cuộc đời qua những định thức của hệ thống ngôn ngữ và biểu tượng quen thuộc của mình. Con người bị nô lệ vào hệ thống ngôn ngữ và biểu tượng và chỉ có thể nhìn đời qua hệ thống ngôn ngữ và biểu tượng ấy. Nhà bác ngữ học Benjamin Lee Whorf đã xác nhận rằng chính cơ cấu của ngôn ngữ (structure of language), tức là dụng cụ tư tưởng của con người, chính cơ cấu ngôn ngữ ấy đã quyết định quan điểm của con người về cơ cấu thực tại. Cơ cấu ngôn ngữ của Do Thái, Hy Lạp và La Tinh đã quyết định cơ cấu nhận thức của con người thực tại tối cao của Thiên Chúa Giáo; cơ cấu ngôn ngữ của Á Rập và Ba Tư đã quy định nhận thức của con người về thực tại tiên tri của Hội giáo; cũng như cơ cấu ngôn ngữ của Pali và Sanskrit đã quyết định cơ cấu nhận thức của con người về thực tính. Mỗi một cơ cấu ngôn ngữ giữ một vai trò; tùy vào giá trị mà ta đặt vai trò của cơ cấu hệ thống ngôn ngữ biểu tượng mà ý nghĩa của tôn giáo sẽ biến thể trong những thái độ phức tạp của từng cá nhân. Không có sự công bình trong việc sử dụng những hệ thống ngôn ngữ và biểu tượng trong những tôn giáo và chính vì có sự chênh lệch trong việc sử dụng ngôn ngữ và biểu tượng đã cắt nghĩa sự mâu thuẫn xung đột giữa tôn giáo này và tôn giáo khác, khi tôn giáo này cho rằng biểu tượng ngôn ngữ là cứu cánh và tôn giáo kia cho rằng biểu tượng ngôn ngữ chỉ là phương tiện; tôn giáo được hiểu như cứu cánh của hệ thống biểu tượng ngôn ngữ và tôn giáo được hiểu như phương tiện của hệ thống ngôn ngữ, đó là hai phương diện khác nhau về tôn giáo và chính sự khác nhau ấy đã xác định nhận thức của con người và tôn giáo, đồng thời nói lên sự bất công bình đối với một ý niệm tôn giáo nền tảng hay nền tảng của bản chất về tôn giáo.
Nền tảng của tôn giáo là gì? Tất nhiên là đức tin, không có đức tin không không có tôn giáo, bất cứ bất cứ tôn giáo nào cũng được xây dựng trên đức tin; nếu chúng ta học triết lý, chúng ta cũng thấy Kant đã xác nhận nhiều lần như vậy (như trong Critique de la raison pratique, 344c-349b, 345c-d, 347b-c), cũng như Hegel cũng xác nhận như thế (trong Philosophie de l'Histoire, Intro, 196d-107b; Phần IV, 349b 350 a), những vị có học qua thần học Thiên Chúa Giáo cũng nhớ rằng chính St. Augustin đã định nghĩa như vậy (trong La Cité de Dieu, quyển XI, ta b; quyển IV, 6-8-36c-37c), cũng như chính Saint Thomas d'Aquin cũng xác nhận như thế) trong Summa Theologica, phần I, gr, Ar, 3b-4a, phần II-II, 99. I-7)
Nền tảng của tôn giáo là đức tin, nhưng chính đức tin dễ bị người ta độc chiếm để gây ra sự bất công giữa con người với con người, vì đức tin đã được thể hiện qua phạm trù của ngôn ngữ và biểu tượng, và chính ngôn ngữ và biểu tượng là sự mặc khải (révélation), tức là ngôn ngữ của Thượng Đế và quyền năng của Thượng Đế (xin đọc Pascal trong Pensées, 56I-556, 622-628, 88o-88i, và đọc Descartes trong Méditations, 69 a-d và Saint Thomas d'Aquin trong Summa Theologica, phần I, 9i3a-toc, 912, ai3, 6ic-62b; phần I-II Q9i, AA4-5, 2ioc, 212c, V.V...
Khi ngôn ngữ và biểu tượng được xem như là mặc khải thì tất nhiên có người được mặc khải và có người không được mặc khải, có người được mặc khải một phần và có người được mặc khải toàn phần, có người được nhận là thấy chân lý và có người không được nhận là thấy chân lý (gọi là Ngoại Đạo), trường hợp này chúng ta đã thấy hiện ngay từ Platon (xin đọc Platon, Les lois, cuốn X, 796d-771b) và Saint thomas d'Aquin đã đề cập rất minh bạch (xin đọc Summa Theologica phần I, Qt7, A4, to3c-to4b, phần II, 9.98.a 24oc241b). Do đó khi nhận rằng có sự thiên khải thì tất nhiên phải đề cao và bênh vực đức tin của mình; việc bảo vệ đức tin là một việc làm cao quý nhất, không thể nào không làm được (xin đọc Pascal, Pensées, 219-241, 289-290, 430-609, 803-859; xin đọc Descartes, Méditations, 69a-7tac; xin đọc Saint Thomas d'Aquin, Summa Theologica phần II-II;Q2, Aio, 336b.400, phần III Suppl, Q96, au, ans to63b-to64d)
Vì phải bênh vực và đề cao đức tin của tôn giáo mình, cho nên mới xảy ra xung đột mâu thuẫn giữa tôn giáo mình và tôn giáo khác, đó là trường hợp xung đột giữa đạo Hồi và đạo của đấng Bab, đạo Hồi và Đạo Baha'i, khiến cho đấng Baha'alah phải chịu tù đày vì lý do duy nhất là ngài kêu gọi “công bình”, trong khi đạo Hồi lúc bấy giờ lại quan niệm rằng chỉ có “công bình” duy nhất là công bằng của đức tin Hồi Giáo; đấng Baha'ullah phải chịu tù đày vì lý do duy nhất là ngài kêu gọi sự đoàn kết của tôn giáo trong khi đạo Hồi lại quan niệm rằng: chỉ có một tôn giáo duy nhất là tôn giáo, của Mahomet. Đọc lại lịch sử nhân loại, chúng ta không thể làm ngơ trước những sự xung đột đẫm máu xảy ra giữa người theo đạo Do thái và người theo Công Giáo, người theo đạo Hồi Giáo và người theo đạo Thiên chúa v.v...
Và hiện nay ở Việt Nam, hiện tượng chia rẽ tôn giáo lại rõ rệt nhất, mặc dù người ta hoa mỹ cố tình che giấu bằng những khẩu hiệu tốt đẹp nhất. Người theo đạo Phật có phức cảm nào đó đối với người theo đạo Thiên Chúa , và người theo đạo Chúa có phức cảm nào đó đối với người theo đạo Phật, v.v... Như thế chúng ta thấy rằng tôn giáo lại chính là yếu tố đem lại sự bất công ở thế giới này.
Khi nói thế, không có nghĩa là chúng tôi đề nghị rằng chúng ta phải bỏ tôn giáo đi thì mới công bằng. Trái lại chúng tôi chỉ muốn đề nghị rằng chúng ta phải xác định lại nền tảng chung cho mọi đời sống tâm linh của con người, không phân biệt ngôn ngữ và biểu tượng.
Muốn xác định tôn giáo là gì, thì chúng ta phải xác định nền tảng của bản chất tôn giáo. Nền tảng của một tôn giáo là đức tin, những nền tảng của tất cả tôn giáo không phải là đức tin mà là một thực tại nào đó mà chúng ta không thể xác định trong một ý niệm nào cả, ngay đến chữ “Thực Tại” ở đây cũng không thể là một thực tại hiểu theo nghĩa thông thường, mà là một cái gì không thể giải thích được (chữ Pali gọi là avyàkala).
Muốn diễn tả thực tại ấy, mỗi một tôn giáo giải thích qua hệ thống ngôn ngữ và biểu tượng của mình và chính hệ thống ngôn ngữ và biểu tượng trở thành quan trọng vì ngôn ngữ và biểu tượng là sự cụ thể hóa của đức tin, do đó, chỉ ngôn ngữ và biểu tượng này đúng và biểu tượng ngôn ngữ kia sai, thành ra mới xảy ra nạn độc tôn tôn giáo, tương tranh, mâu thuẫn tôn giáo, vì con người trở thành nô lệ vào cơ cấu ngôn ngữ biểu tượng của mình và hạ thấp, chỉ trích những cơ cấu ngôn ngữ biểu tượng khác, không phải của mình. Từ đó, công bình đã bị thủ tiêu, và mình bắt nhốt hành hạ, hành hình kẻ nào không theo đạo mình, và ngay đến kẻ cùng theo đạo với mình mà lại diển tả thực tại qua một cơ cấu ngôn ngữ và biểu tượng khác mình thì cũng lại hành hạ, giam cầm, xử án; về trường hợp này chúng ta đã thấy Dostoievsky trình bày một cách sống động trong chương nhan đề là le Grand Inquisiteur trong tác phẩm Les Frères Karamazov.
Công trình chỉ có thể thực hiện được khi nền tảng của sinh hoạt tôn giáo đã được lãnh hội toàn triệt; nền tảng của sinh hoạt tôn giáo chỉ có thể đạt tới được là khi nào mỗi một tôn giáo riêng biệt tự vượt qua cơ cấu ngôn ngữ và biểu tượng của mình. Trước khi tuyên bố rằng chỉ tôn giáo mới xây dựng được công bình trong thế giới, chúng ta phải lãnh hội nền tảng của tất cả mọi tôn giáo để đem lại công bình ngay trong sinh hoạt của chính những tôn giáo lớn. Chúng tôi đã xác định rằng chỉ có thể đạt tới nền tảng cho tất cả mọi tôn giáo, khi nào chúng ta sử dụng đúng mức cơ cấu ngôn ngữ và biểu tượng của tôn giáo mình và cứu cánh của việc sử dụng ấy là vượt lên trên chính cơ cấu ngôn ngữ biểu tượng của tôn giáo mình để đạt tới nền tảng của thực tại toàn diện. Công bình chỉ có thể thực hiện từ nền tảng ấy thôi.
Công bình là gì? Sau khi đã trình bày về nền tảng của tôn giáo, chúng tôi xin trình bày về ý nghĩa của danh từ công bình. Danh từ công bình có nghĩa vô cùng rắc rối; chính công bình là chủ đề của hai tác phẩm quan trọng của Platon (như La République và Gorgias). Có thể hiểu công bình trong nhiều nghĩa khác nhau: “Công Bình” hiểu như sự điều hòa quân bình trong tâm hồn (như quan niệm của Platon trong Gorgias, 282c-285a, 282c-28a; trong La République, cuốn I, 309b-310b, cuốn IV, 346a-355a; trong Les lois, cuốn VI, 681b-d; như quan niệm của Aristote Ethique cuốn V, chương II, I I38b5-i3, 387ac; như quan niệm St.Thomas d' Aquin trong Summa Theologica, h I, 99-95-96 50bb-5i3; 9, i00, 520d-522b), “Công Bình” được hiểu như một đức hạnh tinh thần, điều động sinh hoạt của mình với kẻ khác và với đoàn thể (như quan niệm của Platon trong Criton, 2i6d-2i9ac, trong La République, cuốn IV, 342a-356a, 348d-35a; như quan niệm của Hegel trong Philosophie de l'histoire, phần II, 272ab); “công bình” cũng được hiểu theo nghĩa thể hiện bổn phận có lợi chung cho mọi người (như quan niệm của Kant trong Critique de la Raison pure, i i 4d-i i 5a; như William James trong the Principles of psychology, 886b-888a). Những hành động được coi là hành động công bình là làm việc thiện, không phương hại đến ai, đối đãi với nhau đúng mức, đối bình đẳng với nhau, từ Platon cho đến Aristote, Montesquieu, Kant, Hegel, và James cho đến Freud đều đồng ý nhau về định nghĩa này (Cf. Freud, Group Psychology, 686a-b). Đối với tôn giáo “công bình” đặt nền tảng trên “công bình thượng đế” như trong quan niệm Thiên Chúa Giáo, chẳng hạn như Berkeley trong the Principles of Human Knowledge (sect; 155-156, 444b-d).
Chúng tôi quan niệm rằng tất cả công bình như công bình trong gia đình, công bình kinh tế, công bình chính trị, công bình luật pháp đều phải xuất phát từ công bình tâm linh; nếu không có công bình tâm linh thì tất cả mọi công bình khác đều có tính cách hời hợt và không giải quyết được gì cả. Chúng tôi muốn nhắc lại đây định nghĩa của Socrate về công bình.
Công bình không có liên quan gì với con người bên ngoài, mà chỉ có liên quan đến con người nội tâm... con người nội tâm đặt lại trật tự cho đời sống nội tâm của mình, làm chủ mình, làm lề luật cho chính mình, và trở nên thanh bình tự tại với mình.
Chúng tôi xin trở lại vấn đề ngôn ngữ và biểu tượng. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được sự chi phối của ngôn ngữ và biểu tượng trong đời sống hiện hay chúng ta mới hiểu Công Bình có nghĩa thực sự là gì;” con người nội tâm” mà Socrate đề cập ở trên có nghĩa là con người sâu thẳm của chúng ta, con người giải thoát ra ngoài mọi sự chi phối của ngôn ngữ và biểu tượng; về con người bên ngoài mà Socrate nói đến ở trên chính là con người của nhãn hiệu, con người của đoàn thể, bè phái, đảng phái, tổ chức.
Đối với Socrate, công bình chỉ xuất hiện trong con người nội tâm tức là nền tảng của Thực tại mà chúng ta chỉ có đạt tới được, khi nào chúng ta vượt qua được mọi sự mâu thuẫn giữa hệ thống biểu tượng khác. Công Bình có nghĩa là sử dụng đúng mức giá trị của ngôn ngữ và biểu tượng, hiểu được giới hạn của ngôn ngữ và biểu tượng, không bị nô lệ trong ngôn ngữ và biểu tượng và đạt tới nền tảng căn bản làm tiêu chuẩn để giữ sự bình hành trong toàn diện sinh hoạt của mình.
Con đường dẫn đến tôn giáo và công bình, nhưng chính tôn giáo cũng là con đường dẫn đến công bình, công bình vừa là cứu cánh, vừa là phương tiện. Đối với đạo Phật, con đường dẫn đến niết bàn phải là công bình, đặt trọng tâm vào tự nguyện và sự tùy thuận của từng cá nhân không bao giờ dùng áp lực mà bắt buộc (như đại ý của kinh Kuladanta), nhưng công bình chỉ là ý niệm, bước đầu trong đời sống tâm linh, khi đời sống tâm linh mình trở nên sâu sắc và đã giải thoát rồi thì công bình tự nhiên xuất phát từ nhất cử nhất động của mình, công bình lúc ấy hòa nhập với trí tuệ và đối với Phật giáo, công bình không phải xuất hiện giữa hai thực thể (chủ thể và khách thể) mà công bình phải bắt đầu ngay trung tâm điểm; trung tâm điểm ấy tức là tâm thức con người: do đó, phải cách mạng nơi tâm thức con người thì mới có thể đem đến công bình thực sự cho thế giới. Cuộc cách mạng tâm thức chỉ có thể thực hiện, khi mỗi người trong chúng ta không còn ôm giữ lấy cơ cấu ngôn ngữ và biểu tượng của tôn giáo mình và ý thức rằng thực tại chỉ có thể thực hiện bên trong tự thể của mình thôi (Pali gọi là paccattam ve-ditabbo vinnuhi=Pratyatmyavedya). Trong quan niệm của Phật giáo, Phật giáo chỉ là Phật giáo khi Phật giáo vượt qua chính cơ cấu ngôn ngữ và biểu tượng của Phật giáo, vì thực tại không thể nào xác định được bằng bất cứ ngôn ngữ hay biểu tượng nào (avyà krta). Niết bàn là chấm dứt tất cả mọi vọng tưởng (vikalpa), tức là phá bỏ vô minh (avidyà), phá bỏ chấp trước đeo níu (rà-ga) ác ý (dvesa) và ảo tưởng (moha). Giới (sila), Định (sammàdhi) và Tuệ (Pra-jna) là công bình trong đức hạnh, công bình trong tâm thức và công bình trong trí huệ: Niết Bàn là sự toàn thiện của Giới, Định, Tuệ.
Chỉ khi nào chúng ta không còn nô lệ vào ngôn ngữ và biểu tượng, chúng ta mới đạt được sự công bình trong Trí Huệ, công bình trong Trí cũng chính là trí huệ công bình, tức là trí huệ bình đẳng; chữ nhà Phật gọi đó là bình đẳng tánh trí; đó là trí huệ của một người vượt ra ngoài mọi quan niệm, mọi cơ cấu biểu tượng và ngôn ngữ (nivikalpajnana).
Chỉ khi nào chúng ta quan niệm nền tảng của tôn giáo như là (nivikalpajnana) nghĩa là “tri kiến thuần túy vượt ra ngoài mọi cơ cấu ngôn ngữ ý niệm” thì chúng ta mới có thể đối xử mọi tôn giáo một cách công bình và từ sự công bình của nền tảng tôn giáo, chúng ta mới có thể xây dựng công bình thế giới.
______________________________
TRƯỚC SỰ NÔ LỆ CỦA CON NGƯỜI
Con Đường Thử Thách Của Văn Hóa Việt Nam
Tác giả: Thích Minh Châu
Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản, 1970
Lotus Media tái bản, 2020
Bìa và trình bày: Nhóm Hoa Đàm
ISBN: 978-1-71677-061-6
THƯ VIỆN PHẬT VIỆT ấn tống, 2020.

Wednesday, September 30, 2020

Thích Phước An: Lời Giới Thiệu Thi Phẩm Khói Chiều Quê Ngoại

Tranh: Đinh Trường Chinh dành cho Bìa sách

Lời Giới Thiệu Thi Phẩm

Khói Chiều Quê Ngoại 

Trong tác phẩm  Thong dong khắp mọi nẻo đường xuất bản tại Mỹ (2018), tác giả Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định) có một đoạn ngắn viết về quê mẹ như thế này: “Mẹ sinh ra và lớn lên ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định. Nơi đó đẹp và thơ mộng. Nơi hương đồng cỏ nội, nắng cát với trăng thanh, bạt ngàn cánh đồng xanh, ở vùng quê ven biển miền trung”.

Đúng là như vậy, xã Cát Hải chẳng những đẹp mà còn hùng vĩ nữa nhất là khi vượt lên dốc cao nhìn vào rặng núi Bà phía tây thì thấy vách đá núi Bà đứng sừng sững, còn nhìn về phía đông là biển cả mênh mông.

Mỗi lần có dịp về thăm quê, tôi vẫn thích đi lên con dốc Cát Hải này, nhất là vào buổi chiều để nhìn nắng vàng còn đọng lại trên các tảng đá hay trên cánh đồng xanh dưới chân núi. Trong khói chiều quê ngoại, Bạch Xuân Phẻ có hai câu:

Em ơi sỏi đá bên đường

Có còn yêu mãi ánh dương chiều tà.

Đọc hai câu thơ trên, tôi cứ tưởng tượng rằng, chắc hồi nhỏ mỗi lần về thăm quê ngoại, anh cũng nhiều lần đứng nhìn những vạt nắng mênh mông ấy. Rồi lớn lên dù phiêu dạt nơi chân trời góc bể nào những vạt nắng thuở còn tuổi thơ nơi quê ngoại ấy vẫn còn đọng lại nơi sâu thẳm của lòng anh?

Trên đỉnh núi bà có ngôi chùa, dù chùa có tên là chùa Linh Phong, nhưng người dân sống bao đời nay dưới chân núi vẫn thường gọi là chùa Ông Núi. Đây cũng là ngôi chùa mà mẹ của Bạch Xuân Phẻ và cả bên ngoại của anh đã được Hòa thượng chùa Ông Núi trao truyền tam quy ngũ giới.  Nhưng vì sao gọi là chùa Ông Núi?

Quách Tấn nhà thơ nổi tiếng của Bình Định có viết trong tác phẩm Nước non Bình Định của ông như thế này:

“Người địa phương gọi là Ông Núi vì thấy nhà sư ở tu trên núi suốt năm, truyền rằng, Ông Núi dùng vỏ cây làm y phục, và ít khi xuống đồng bằng. Thỉnh thoảng cần lương thực thì gánh một gánh củi xuống chân núi để nơi ngã ba đường rồi trở lên, người dân trong vùng đem muối gạo đến để đó rồi gánh củi đem về chụm. Hôm sau nhà sư ở trên núi xuống nhận gạo muối, nhiều ít không biết, mất còn không bận tâm. Nhưng khi trong vùng có bệnh dịch, thì nhà sư lập tức đem thuốc xuống cứu chữa, chữa xong là đi lên núi ngay, một cái vái chào cũng không nhận”. 

Quách Tấn đến thăm chùa vào những năm đầu thập niên thế kỷ 20, nghĩa là khoảng 300 năm sau Ông Núi viên tịch. Thế nhưng, trong Nước non Bình Định ông viết lại rằng, lúc đến cũng như lúc về nhà thơ vẫn còn nghe các em mục đồng, các chàng ngư phủ, những người nông dân sống dưới chân núi Bà vẫn còn ngâm nga:

Ông Núi đi đâu

Bỏ bầu sơn thủy

Đủ nhân đủ trí

Thêm vĩ thêm kỳ

Chùa xưa nhạt bóng tà huy

Xui lòng non nước 

Nặng vì nước non.

Sở dĩ tôi có hơi dài dòng về chuyện Ông Núi như vậy, vì tôi nhớ trong tự truyện của mình, thánh Gandhi có viết một câu đại khái như thế này: “Cái gì mà tuổi thơ chúng ta đã sống thì cái đó sẽ điều động ta suốt cả cuộc đời”.

Mẹ và cả phía ngoại của Bạch Xuân Phẻ đều là đệ tử của chùa Ông Núi, nên tôi nghĩ rằng, trong những lần về thăm ngoại, chắc chắn ông ngoại, bà ngoại của anh đều có kể cho anh nghe chuyện Ông Núi tu Thiền trong hang đá nhưng vẫn lắng nghe được tiếng kêu la thống khổ từ dưới chân núi vọng lên.

Trong tác phẩm Thong dong khắp mọi nẻo đường của Bạch Xuân Phẻ, ta nhận ra anh là một thanh niên trí thức, một phật tử thuần thành, đầy nhiệt huyết đã đề cập đến nhiều vấn đề, từ thiền định, chánh niệm, thi ca đến sinh hoạt Gia đình Phật tử, cả đến vấn đề hiếu thảo với cha mẹ, nghĩa là lĩnh vực nào anh cũng tỏ ra là người đã từng thực hành và trải nghiệm chứ không phải anh viết lý thuyết suông. Đúng như bốn câu thơ mà nhà nghiên cứu Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã viết trong lời giới thiệu:

Miệt mài từng năm tháng

Tu trí tuệ, từ bi

Khắp trời tấm gương sáng

Vin chánh niệm mà đi.

Từ khi đọc và sau đó là được quen biết anh, tôi thường suy diễn một cách thi vị rằng, có lẽ hình bóng vị thiền sư chùa Ông Núi dù tu hành trên núi cao nhưng vẫn lắng nghe được tiếng kêu cứu đau khổ của con người dưới chân núi, mà mỗi lần về thăm quê ngoại anh vẫn thường nghe bà ngoại kể lại đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ của anh, để ngày nay anh đã trở thành một phật tử hoạt động tích cực nhằm xoa dịu bớt sự đau khổ cho con người chăng?

Quê ngoại của Bạch Xuân Phẻ cũng là quê nội của bậc anh hùng đánh Pháp ở cuối thế kỷ 19. Wikipedia tiếng việt chép: 

“Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, tỉnh Bình Định. Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (tục danh là Thắng hoặc Trường), mẹ là bà Lê Kim Hồng”

Một nhà thơ trẻ ở xã Cát Hải là Khổng Vĩnh Nguyên đã lặn lội vào các tỉnh miền nam để nghiên cứu những nơi mà Nguyễn Trung Trực đã dựng cờ đánh Pháp, đặc biệt là dòng sông mà Nguyễn Trung Trực đã đốt cháy tàu Espérance (Hy vọng). Khi về lại quê, anh đã cho xuất bản tập thơ Lửa gầm Nhật Tảo với những câu thơ đầy hào khí:

Lửa gần ngàn lưỡi cọp, liếm ngang tàu giặc

Nhật Tảo gầm vang sóng mặt trời

Tàu “Hy vọng” xâm lăng lò quay bầy bạch quỷ

Trận cuồng phong truy kích lũ mã tà

Lửa thiêng! Lửa thiêng! Đem tình yêu về lại quê nhà.


Nếu người cháu nội của làng Vĩnh Hội ở Bình Định là Nguyễn Trung Trực vào cuối thế kỷ thứ 19 qua lời thơ của Khổng Vĩnh Nguyên, chỉ có một khát vọng duy nhất là độc lập và tự do cho Tổ quốc, thì ở cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21 không chỉ khát vọng riêng cho Tổ quốc mình thôi, mà còn khát vọng những giá trị có tính phổ quát cho toàn thể nhân loại nữa, Irwin Keller có một bài thơ mà Bạch Xuân Phẻ, người cháu ngoại của làng Vĩnh Hội đã dịch sang tiếng việt có đầu đề là người Do Thái bất trung.

Trước hết, tác giả cho biết vì sao mình bất trung, và bất trung về những vấn đề nào?

Tôi không trung thành với một Đảng chính trị

Tôi cũng không trung thành với những kẻ độc tài

hay những vị vua điên cuồng kỳ thị

Tôi không trung thành với những bức tường

hoặc những cái chuồng siết chặt

Còn trung thành?

Tôi trung thành với giấc mơ công lý cho bao thế hệ,

tôi trung thành với Trái Đất chịu nhiều khổ đau.

Tôi trung thành với tự do và cởi mở

Sự thánh thiện, tình yêu và hy vọng.

Sở dĩ, tôi trích bài thơ dịch này vì nghĩ rằng đó cũng là khát vọng của tác giả Khói chiều quê ngoại, nên anh mới ngồi cặm cụi mà dịch như vậy. 

Mặc dù đây là tập thơ Bạch Xuân Phẻ viết về quê ngoại, nhưng trong tập thơ này còn có bài thơ anh viết về quê cha. Nếu đọc hai bài thơ ta sẽ nhận ra rằng, bài thơ anh viết về quê ngoại hết sức dịu dàng, lại còn lãng mạn nữa, ví dụ bốn câu sau đây:

Ngày về thăm ngỡ em còn trong mộng

Ngàn lung linh ánh mắt đợi chờ nhau

Gặp người xưa đến đi như cơn mộng

Thì tiếc gì lận đận một vần thơ.

Trong khi đó bài Nhơn Lý, tức là bài viết về quê cha thì anh đã trở về đúng vị trí của anh, một thầy giáo đứng trên bảng đen nhìn xuống học trò đầy nghiêm khắc:

Nên chúng ta phải luôn ý thức

Nhơn Lý này là nhịp sống chung

Quê hương ta thì phải chung lòng

Xây dựng, yêu thương cho đến khi nhắm mắt.

Cuối cùng xin được trích hai câu thơ nữa trong thi phẩm Khói chiều quê ngoại của Bạch Xuân Phẻ:

Núi Bà xưa kiên trung ngàn năm đợi

Chào bình minh chim hót lộng trời mây.

Vậy là Bạch Xuân Phẻ dù đang lưu lạc chân trời góc bể nào đi nữa, thì anh vẫn tự hứa với lòng mình là sẽ kiên trung như rặng núi Bà hùng vĩ, vẫn đứng sừng sững tự ngàn năm ở quê nhà.

Riêng tôi cũng đã sinh ra và lớn lên dưới chân núi Bà này, nên dĩ nhiên tôi rất lấy làm vinh hạnh khi được tác giả nhờ viết lời giới thiệu.

Những ngày tôi đọc bản thảo Khói chiều quê ngoại là những ngày tôi được dịp sống lại những nơi như chùa Ông Núi, Phù Cát, Vĩnh Hội, Cát Hải, Nhơn Lý…Những địa danh mà một thời tuổi thơ tôi đã từng đi qua.

Xin cảm ơn tác giả. Và xin được giới thiệu thi phẩm này đến tất cả bạn đọc, đặc biệt là những người yêu thi ca.

       Nha Trang mùa hạ 2020

Thích Phước An 


Thư gởi Chư Thiện tri thức trong và ngoài nước nhân Tết Nhi đồng Việt Nam ~ Suy tư hướng về các thế hệ tương lai


GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG

SỐ: 05/VTT/VP
Phật lịch: 2564

Thư gởi Chư Thiện tri thức trong và ngoài nước
nhân Tết Nhi đồng Việt Nam ~ Suy tư hướng về các thế hệ tương lai

 

Không ít những người trong chúng ta đã sinh ra và lớn lên sau những ngày thế giới đang hồi sinh trước một hiểm họa diệt vong toàn thế giới, nhưng lại đang dấy lên nỗi lo sợ của những nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ, sau khi chứng kiến kết quả sức hủy diệt của hai quả bom nguyên tử, sản phẩm trí tuệ, đã phải cùng nhau lên tiếng “Chúng ta, những nhà khoa học, đã phạm tội với nhân loại”. Nhiều thế hệ sau vẫn biết ơn họ, những gì mà họ đã đóng góp xoa dịu khổ đau thể chất của loài người; những người mà suốt đời vùi đầu trên những trang giấy, nguệch ngoạc với những con số, những hình thể vuông tròn, cong thẳng, không hề bận tâm đến mọi tranh chấp danh lợi của thế gian; tính toán trên những hạt vật chất cực kỳ bé nhỏ, những khám phá kỳ diệu mang đến cho loài người nguồn cảm hứng cùng với nguồn hy vọng về một thế giới an toàn được bảo vệ bằng các phân tử vật chất, đồng thời cũng ghi đậm ám ảnh bởi các vật thể cực kỳ bé nhỏ ấy, một ngày nào đó có thể làm nổ tung trái đất bởi tham vọng điên cuồng của con người.

Số lớn trong chúng ta được nuôi dưỡng, lớn lên trong một đất nước nhỏ bé, trải qua hơn nghìn năm nô lệ cho các thiên triều phương Bắc, hơn trăm năm phải cúi đầu chấp nhận một nước Pháp xa xôi làm đất mẹ để được là thành viên của một nền văn minh xa lạ. Cho đến ngày độc lập dân tộc được tuyên bố, niềm tin chủ quyền dân tộc, quyền tự quyết trước các thế lực siêu cường thế giới được khơi dậy. Thế rồi, một cuộc đấu tranh quyền lực mới, có vẻ ôn hòa nhưng khốc liệt, phân chia bản đồ thế giới bắt đầu với cuộc chiến tranh lạnh, chẳng mấy chốc đẩy đất nước Việt Nam leo thang vào một cuộc chiến tranh mới, huynh đệ tương tàn, như là nơi đọ sức của các siêu cường “ai thắng ai”.

Trước những hiểm họa liên tục đe dọa hòa bình vốn dĩ mong manh cho thế giới, và trực tiếp đe dọa sinh mệnh của dân tộc Việt Nam trong bối cảnh chia đôi không chỉ về mặt địa lý mà cả về mặt ý thức hệ, thế hệ sinh trưởng sau thời đại thế chiến tuy vẫn được nghe những mẫu chuyện xảy ra trên các chiến trường thế chiến từ cha anh, chứng kiến những cảnh thân thích phân ly Nam Bắc đau lòng, nhưng vẫn ngây thơ trong sự bảo bọc của gia đình, xã hội; những ngày tiết Trung thu vẫn vô tư thắp đèn dạo chơi khắp phố phường. Những thế hệ tiếp theo, tuổi thơ vẫn vô tư trong tiết Trung thu thắp đèn dạo chơi khắp phố phường; cùng lúc, tuổi thơ trong các vùng chiến sự đêm đêm nhìn ánh hỏa châu thay cho những chiếc lồng đèn và ánh trăng rằm, cũng vô tư trong sự bảo bọc của cha mẹ, những người thân thích.

Cho đến tuổi trưởng thành, một số trong chúng ta phải vội vã bước vào đời để tìm kế mưu sinh không chỉ dưới mưa nắng thất thường, mà còn qua những trận mưa bom đạn bất trắc, với vốn kiến thức non yếu và kinh nghiệm đơn sơ làm hành trang; số khác, may mắn hơn, tìm vào các cổng Đại học để chuẩn bị vào đời trước viễn tượng mơ hồ về một tương lai trong chiến tranh hay hòa bình. Những thế hệ trẻ thơ tiếp theo, vẫn lớn lên trong nụ cười và ánh mắt hồn nhiên, rồi ngã xuống hay tiếp tục đi tới tương lai bất định.

Cho đến ngày hòa bình và thống nhất được công bố, tuổi thơ vẫn hồn nhiên vác cờ chiến thắng đi khắp phố phường cho đến các ngõ ngách thôn xóm, đả đảo văn hóa đồi trụy, chối bỏ, thiêu hủy, những gì cha anh đã gầy dựng bằng máu và nước mắt cho con em mình với hy vọng một tương lai tươi sáng trong một đất nước hòa bình dân tộc. Sự nghiệp văn hóa, giáo dục của Phật giáo Việt Nam từ cấp Tiểu học cho đến Đại học trong 20 năm chiến tranh, đã đóng góp không ít cho sự tiến bộ của miền Nam trong tiến bộ chung của các dân tộc Đông Nam Á, cùng lúc bị xóa sạch. Các thế hệ sinh trưởng trong hòa bình phần lớn có thể nghe đến xã hội miền Nam với thủ đô Saigon hoa lệ, hòn ngọc Viễn đông, như nghe chuyện kể về một đất nước xa lạ.

Công đức của các Cư sỹ Phật tử đã đóng góp vào sự nghiệp văn hóa, giáo dục ấy không nhỏ, trong thời chiến cũng như thời bình.

Vị trí của hàng cư sỹ, được Đức Phật gọi là cận sự nam (upasoka) và cận sự nữ (upasikã), trong những ngày đầu hoằng pháp dường như chỉ giới hạn trong những công đức “tứ sự cúng dường” cho hàng xuất gia có đủ nhu yếu cho đời sống hằng ngày để tu tập. Tuy vậy, trong các Kinh điển nguyên thủy hay gần nguyên thủy, tương đối không ít những đoạn Đức Phật giáo giới người tại gia như bốn nhiếp sự,  bốn vô lượng tâm sau này được phát triển trở thành căn bản tu đạo và hành đạo trong Bồ-tát đạo của Đại thừa. Cho đến khi ba nhân vật tại gia, nửa hư cấu nửa lịch sử xuất hiện trong văn học chính thống của Đại thừa – Vimalakĩrti (Duy-ma-cật), Srĩ-Mãlã-devĩ (Thắng Man Phu nhân) và Sudhana-kumãra (Thiện Tài đồng tử), đã xác nhận vị trí của hàng tại gia với ba thế hệ của một đại gia đình trong một xã hội Ấn-độ phát triển đa dạng với các hình thái tôn giáọ, các hệ tư tưởng triệt học, hoặc thuận hoặc nghịch, cùng với sự phát triển các kiến thức về ngôn ngừ học tinh tế, những phương pháp nội quan đi sâu vào các bí ẩn của hoạt động tâm lý, những quan sát có tính khoa học về thế giới vật lý và tồn tại vật chất. Trong bối cảnh xã hội đó, sự xuất hiện các Cư sỹ tương đối có đù thời gian nhàn hạ để đi sâu vào các nguồn mạch tư duy từ Thánh điên mà trước kia chi dành cho hàng xuất gia đã dứt bỏ mọi ràng buộc thế tục, chuyên tâm Thánh đạo.

Cư sỹ học đạo và hành đạo không chì vì lợi ích an lạc của riêng mình ưong đời này và đời sau. Họ học đạo, nhưng không thể dứt bỏ tất cả để chuyên tâm Thánh đạo chi vì ràng buộc bởi danh lợi thế gian, nhưng số lớn vi không thể dễ dàng dứt khoát gánh nặng gia đình, phận sự đối với quốc gia xã hội. Phận sự chính là giáo dường con cháu của chính mình trưởng thành với một nhân cách tốt không chi để tốt cho bản thân và gia đình, mà trong trình độ khả dì, tốt cho cá quốc gia xã hội. Nhân cách nữa huyền thoại như Vimalakĩrti, không chỉ giàu có đến mức chiếm một vị trí ưu việt trong xã hội, đủ uy tín để có thể giáo dục như là bậc thầy của các vương tôn công tử, chỉ dần họ rèn luyện phẩm chất đạo đức và kiến thức chính trị xã hội sẽ xứng đáng là bậc quân vương lãnh đạo một đất nước trật tự, thanh bình, an lạc. Có dư tài sản để chẩn tế những hạng bần hàn cùng khổ. Có dư phẩm chất đạo đức để có thể đi vào thanh lâu tửu điếm mà thức tỉnh những tâm hồn sa đọa. Đây không phải là những điều khoa trương không thực tế. Một Asoka Đại đế của Ấn-độ. Một Nhân Tôn Hoàng đế của Đại Việt. Một Thánh Đức Thái tử của Nhật Bản. Những bậc quân vương Phật tử ấy đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc của những nước này, mặc dù triều đại phế hưng có thay đổi, các thế hệ con cháu về sau của họ có thể uốn cong dòng chảy lệch hướng lịch sử nhưng vẫn không thể xóa nhòa niềm kiêu hãnh dân tộc của một thời.

Lướt qua nhừng dữ kiện hoặc lịch sử, hoặc huyền thoại hư cấu, vai trò của trí thức trong bất cứ xã hội nào, chính yếu vẫn là kế thừa và bảo tồn di sản của tiền nhân, đồng thời giáo dục các các thế hệ theo sau tiếp tục sự nghiệp kế thừa, bảo tồn và phát triển. Trí thức Phật tử, một bộ phận trong bốn chúng đệ tử, trong tư cách là con dân của đất nước, của xã hội, dự phần trong các sự nghiệp toàn dân, giáo dục các thế hệ trẻ trưởng thành xứng đáng tầm vóc góp phần lãnh đạo từ những thôn xóm nghèo nàn cho dến những đô thị phồn vinh trong một quốc gia hưng thịnh; và đồng thời, là gạch nối, là nhịp cầu để các hàng xuất gia từ thâm sơn cùng cốc, từ những Thiền thất, Tĩnh viện, qua đó mang ánh sáng của Chánh Pháp soi tỏ tận chốn cùng khổ nhân sinh. Đó là sứ mệnh, là phận sự, đối với quốc gia dân tộc, là tâm nguyện Bồ-đề hành, lý tưởng Bồ-tát đạo, trong lý tưởng phụng sự Dân tộc và Đạo pháp.

Nguyện ấy, và hành ấy, lý tưởng cao cả ấy, dù vậy, không thể vượt qua những giới hạn của lịch sử, trong tương quan duyên khởi giữa con người và thiên nhiên, từ đó, giữa phát minh kỹ thuật và tiến bộ xã hội. Trong xã hội chi phối bởi tập quán gia trưởng, giáo dục con cháu thuộc quyền tuyệt đối của cha ông; nhất là trong xã hội chịu ảnh hưởng nặng của Nho giáo, với nguyên tắc trung-hiếu “quân sử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ sử tử vong, tử bất vong bất hiếu”, quyền định hướng tương lai cho các thế hệ kê thừa tuyệt đối thuộc về cha ông, con cháu không có quyền quyết định tương lai sự nghiệp của chính mình. Trong Phật giáo, những chú Sa-di nhỏ “cát ái từ thân” không phải hiếm thấy, nhưng chỉ được dự hàng Tăng-già khi nào thân và trí được xác định là phát triển đầy đủ, để có thể lãnh hội và thực hành những điều Phật dạy. Đạo Phật được gọi là đạo của trí tuệ, trẻ nhỏ chưa đủ trí năng để phân biệt thiện ác thì chưa đủ điều kiện để thọ trì Tam quy Ngũ giới, trừ những trường hợp được xem là muốn gieo mầm Bồ-đề, cầu phước báo; hoặc xem như bán khoán cho Phật để được bảo vệ không bị ma quỷ quấy rối, vì là “con của Phật”. Tất nhiên, với trẻ nhỏ thì không thể giảng giải cho hiểu thế nào Tam quy, thế nào là Ngũ giới; nhưng cũng hiếm thấy nơi nào giảng cho trẻ nhỏ biết thế nào là khổ đế, cho đến con đường dẫn đến diệt khổ là đạo đế. Lại càng khó giảng hơn, tuy chỉ là vấn đề kỹ thuật, thế nào an lạc của sự tĩnh lặng, tĩnh tâm. Trong suốt trên dưới hai nghìn năm lịch sử, Phật giáo Việt Nam hầu như chỉ dành cho người lớn, thậm chí chỉ là tôn giáo cho người chết, thịnh hành với các nghi thức cầu siêu, chẩn tế cô hồn. Vắng bóng tuổi thơ.

Tình trạng như thế đã bắt đầu thay đổi, từ khi linh cảm không chỉ nguy cơ đất nước có thể sẽ là một tỉnh lẻ của Pháp quốc bên tận trời Tây; nhưng cùng đồng thời đe dọa hủy diệt nguồn tín tâm đã đồng hành với dân tộc qua hai nghìn năm thăng trầm vinh nhục; các hội đoàn Phật giáo với cơ cấu mới của Tăng-già, đồng thời các hội đoàn cư sỹ cũng lần lượt xuất hiện, trong giai đoạn gọi là “Chấn hưng Phật giáo”. Một trong những bước tiến của giai đoạn đó là thành lập tổ chức thanh niên Phật tử, tiên khởi với Gia đình Phật hóa phổ, sau đó cải danh là Gia đình Phật tử Việt Nam, và sau đó nữa, là đích tử trung kiên của GHPGVNTN.

Tạm thời nhìn qua phương Tây. Phật giáo chỉ được biết đến, chính thức trong giới học thuật, cũng từ thế kỷ thứ 17; cho đến cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, một phần cũng chỉ giới hạn trong phạm vi nghiên cứu, tán dương cũng nhiều, mà phê bình chỉ trích cũng không ít. Thật khó cho quảng đại quần chủng phương Tây chấp nhận một hệ tư tưởng tôn giáo không tin vào một Thượng đế sáng tạo.

Cho đến vài thập niên hậu bán thế kỷ 20, và những năm đầu thế kỷ 21, Phật giáo như vết dầu loang, một cách chậm chạp, ôn hòa và khiêm nhượng, được các thế hệ quần chúng trong các xã hội phương Tây đón nhận như một nguồn cảm hứng bổ sung cho sinh hoạt tâm linh. Tuy tín tâm đối với Phật pháp ở đây chưa trải qua thời gian dài như Việt Nam, cũng chưa thể nói sâu hoặc cạn; nhưng giáo dục con em theo hướng Phật giáo đã trở thành ưu tư của những cha mẹ mới biết đến và mới tin Phật, và những con số sách dạy con trẻ về giáo lý Phật thì vượt quá xa Phật giáo Việt Nam vốn tự hào đã có trên dưới hai nghìn năm lịch sử. Những tập sách nhỏ bé, với số lượng cũng nhỏ bé, cũng không phải hiếm thấy về các đề tài ở đây, nhưng hiếm thấy ở Việt Nam: Buddhism for Kids, Meditation for Kids, cho đến Buddhism for Young Mothers… ; cũng có cố gắng giải thích cho thiếu nhi, mượn hoạt cảnh chú mèo, hiểu biết khổ đế là gì, cho đến đạo đế là gì; những điều mà ngay cả những bác đi chùa lớn tuổi ở Việt Nam cũng cảm thấy khó hiểu.

Theo thống kê không chính thức hiện tại, có rất nhiều nhóm lớn nhỏ được tổ chức sinh hoạt và tu học Phật pháp cho thanh thiếu niên và đồng niên trong cả ba miền Nam-Bắc-Trung; tổng số đoàn sinh, đoàn viên ước lượng khoảng 102,000, trực thuộc các Giáo hội, hoặc các hệ phái trong Giáo hội này hay Giáo hội khác. Mặt khác, con số thanh thiếu niên và đồng niên sinh hoạt các khóa tu học mùa hè mỗi năm vài lần trong các nhóm hay tự viện độc lập ước lượng khoảng 166,000. Đây là con số thật khích lệ cho những ai quan tâm đến giáo dục Phật giáo các thế hệ tương lai. Nhưng so với con số hơn 6 triệu đoàn viên đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, thì con số ấy chỉ như viên sỏi lăn lóc dưới khối đá lớn.

Nhìn vào bối cảnh sinh hoạt các tổ chức này, lớn nhỏ tự phát trực thuộc hoặc không thuộc Giáo hội nào hay hệ phái nào; những thuyết giảng giáo lý đa dạng, phong cách thuyết giảng hay căn bản giáo lý được nghe nhìn phổ biến trên các trang mạng truyền thông có khá nhiều điều ít tìm thấy trong các hệ Thánh điển được lưu truỵền cho đến nay. Đây quả thực không thể nói là hiện tượng trăm hoa đua nở trong vườn Thiền; nên nó là những dòng thác lũ có thể cuốn sập lâu đài Phật giáo Việt Nam được xây dựng cả nghìn năm lịch sử.

Ở đây chúng ta không nói đến sự cần thiết của một dòng phát triển chính thống, nhằm loại trừ các dòng phát triển được xem là không chính thống, mà là dòng hợp lưu của những phát triển tự phát và đa dạng, thích hợp cho nhiều căn cơ trong một xã hội phát triển đa dạng tương lai. Để thực hiện được điều này, không thể không cần đến các hoạt động của kiến thức hàn lâm từ các cơ sở Đại học theo đường hướng giáo dục nhân bản và khai phóng, như dịnh hướng giáo dục của Viện Đại học Vạn Hạnh trước đây, trong đó tụ hội các trí thức Phật tử hàng đầu không chỉ trong giới Phật giáo mà trong cả nước, từ đó không chỉ giáo dục đào tạo những nhân viên phục vụ trong các tập đoàn xí nghiệp lớn nhỏ, mà còn là những khả năng khả dĩ lãnh đạo quốc gia, kiến thiết xã hội, và khi cần thiết, trong một xã hội đang có nguy cơ thoái hóa, với số lượng sinh viên dù nhận thức để gây phong trào thúc đẩy xã hội tiến tới trong tinh thần bao dung, hòa hiệp. Một cơ cấu hàn lâm như vậy có thể là mối đe dọa đối với những chính khách tham quyền, do đó một Viện Đại học hoạt động giáo dục nhân bản và khai phóng theo nguyên tắc tự trị sẽ khó vượt qua chướng ngại của quyền lực chính trị. Vì vậy, cho đến nay, đất nước hòa bình gần nửa thế kỷ, một cơ chế Đại học chưa hề được chấp nhận cho Phật giáo. Các cơ sở giáo dục cấp cao mà Nhà Nước cho phép cũng chỉ là các trường Cao cấp Phật học dành riêng cho giới xuất gia, không được thừa nhận tương đương với hệ giáo dục Cao đẳng, nói gì đến Đại học chuyển tải các kiến thức Phật pháp cũng như thế gian pháp.

Theo thống kê dân số của Tổng Cục Thống Kê, “Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019”, công bố ngày 19/12/2019 vào lúc 2:33:35 PM, trên trang mạng truyền thông toàn cầu: tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984. Trong số đó, đông nhất là tín đồ Công giáo, 5,9 triệu người. Tiếp theo, 4,6 triệu người theo Phật giáo, chiếm 4,8% tổng số dân cả nước. Nhìn vào số liệu này, con số được gọi là Trí thức Phật tử trong số 4,6 triệu người theo đạo Phật, quả là quá ít, so với hơn 5 triệu đảng viên và trên 6 triệu đoàn viên Thanh niên Cộng sản, nếu chúng ta thực hiện chỉ cần một phép tính đơn giản. Rõ ràng đây là những con số khống chế bằng áp lực chính trị và kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, số lượng ấy không đủ để lập thành một dòng chảy chính qui điều hòa dung hợp nhiều dòng chảy thành một hợp lưu, để không trở thành những mâu thuẫn xung đột gay gắt có thể dẫn đến những tổn hại cho xã hội, không chỉ về mặt tín ngưỡng tiêu cực, mà còn tác hại đến các định hướng giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội cho các th hệ tương lai.

Ngày nay, trong những biến động từ thiên tai đến nhân họa, những đấu tranh quyền lực gay gắt nội bộ và xung đột quốc tế giữa các quyền lực, dấu hiệu hay dự báo một sự phân chia quyền lực quốc tế đang hay có thể sẽ diễn ra; những điều có thể ảnh hưởng không lớn đối với chúng xuất gia tịnh tu trong các tĩnh thất hay thiền viện, nhưng tác động không nhỏ đến các chúng tại gia, cơ bản là vấn đề an ninh xã hội, và điều kiện kinh tế, từ đó tác động đến các sinh hoạt giáo dục, văn hóa. Trong tình trạng có thể diễn ra ấy, trí thức Phật tử tự trang bị cho mình một căn bản giáo lý để có khả năng quan sát những biến động xã hội, tự mình định hướng và đồng thời y chỉ trên căn bản giáo lý được học và hành trợ duyên cho con em mình cũng đủ khả năng tự định hướng cho tương lai, góp phần định hướng cho sự phát triển của xã hội, của quốc gia dân tộc.

Tuy nhiên, hàng Phật tử tại gia thường trực sống trong xã hội đầy biến động, chỉ có thể bình tâm định hướng cho chính mình và trợ duyên cho các con em của mình tự định hướng cho tương lai, nếu có cơ sở vững chắc. Ngôi Tam bảo mà Đức Thế Tôn thiết lập cho thế gian, sở y cho bốn chúng hòa hiệp đồng tu, trong đó Tăng-già thanh tịnh hòa hiệp, là hiện thân trong lòng thế tục làm sở y vững chắc cho sự hòa hiệp của bốn chúng. Cơ chế Tăng-già tan vỡ sẽ kéo theo sự phân hóa, mâu thuẫn xung đột giữa bốn chúng, như thực tế đã diễn ra.

Nói tóm lại, uy đức của Tăng-già thanh tịnh và hòa hiệp là sở y cho sự hòa hiệp đồng tu của bôn chúng đệ tử. Sự tụ hội của bốn chúng trong hòa hiệp đồng tu là cơ sở để kiến thiết một Giáo hội, trong đó luật đạo và luật đời không mâu thuẫn, có đủ phẩm chất và năng lực góp phần trong các sự nghiệp giáo dục, văn hóa, xã hội, kinh tế, đưa đất nước tiến vào thời kỳ trật tự, thanh bình và an lạc. Đây cũng là lý tưởng Bồ-đề nguyện và Bồ-đề hành của bốn chúng đệ tử của Đức Thế Tôn, vì sự an lạc của tự thân, gia đình, và xã hội.

Tiết Trung thu, niềm vui của thiếu nhi, cũng là nguồn cảm hứng hy vọng hướng về tương lai của bốn chúng đệ tử Phật.

Phật lịch 2564,

Tiết Trung thu, năm Canh Tỷ Khâm thừa Uy thác,

Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ

______________________________
*Bản sao kính gởi Chư Tôn đức đế kính tường