Wednesday, February 17, 2021

Chân Văn Đỗ Quý Toàn: Đứng Vững Ngàn Năm | Ý Thức Dân Tộc

 

“Một cái nghị lực riêng và cái tính chất riêng” mà Lệ Thần Trần Trọng Kim nhắc đến, chúng ta bây giờ gọi là Ý thức Dân tộc. Khái niệm về Ý thức Dân tộc có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau; nhưng nếu dân một nước chưa ý thức rằng họ là một dân tộc riêng biệt thì chắc khó giành được độc lập.

Trước khi bị quân Hán xâm lăng tổ tiên chúng ta có thể chưa có nhu cầu gây ý thức mình thuộc một dân tộc thuần nhất, cũng không thấy cần phải tự so sánh với các giống dân sống chung quanh, để thấy mình là một tập thể đặc thù. Thời các vua Hùng dân số còn thưa thớt, đất đai sông ngòi biển cả đủ cho việc trồng trọt, chài lưới, các điều kiện kinh tế chưa thúc đẩy nhu cầu tự phân biệt mình như một dân tộc riêng. Ý thức tập thể chắc đã tự nhiên phát khởi khi phải đối đầu với một đoàn quân xâm lăng, chủng tộc khác, ngôn ngữ cũng khác. Bị đánh thuế và bắt làm sưu dịch nặng nề, trải qua một thế hệ cũng đủ cho người dân càng muốn phân biệt: “Mình là mình, họ là họ!”

Benedict Anderson mô tả một dân tộc như một “cộng đồng trong tưởng tượng,” gồm tất cả những người nghĩ mình thuộc vào cộng đồng đó. Ông viết cuốn sách mang tên này, với tựa nhỏ, “Suy nghĩ về nguồn gốc và sự bành trướng của tinh thần dân tộc” (Imagined communities, 1983, Verso ở London in bản mới năm 1991). Một dân tộc (nation) là một “cộng đồng trong tưởng tượng,” vì mọi người không cần phải gặp nhau, không cần nhìn thấy nhau, nhưng trong đầu họ vẫn nghĩ tất cả thuộc vào một cộng đồng có thật. Một đặc tính của cộng đồng này là nó có giới hạn; người ta biết bên ngoài biên giới đó là “người khác, dân khác,” dù biên giới này co dãn (elastic). Đặc tính thứ hai được Anderson nhấn mạnh là chủ quyền. Khi cảm thấy mình là một dân tộc thì người ta cũng nghĩ họ có chủ quyền trên cuộc sống chung, dù đang bị các vương quốc hay đế quốc thống trị.

Người Anh thấy họ là một dân tộc mặc dù suốt lịch sử nước họ chịu bao nhiêu cuộc di dân, xâm lăng, thống trị. Các nhóm người Celtics, Viking, người La Mã, dân Norman, dân Anglo Saxon, vân vân đã tới cai trị xứ này. Các thổ dân đầu tiên ở trên các hòn đảo đã nhận được tất cả các ảnh hưởng trên, từ ngoài đem vào giúp họ “văn minh” hơn. Nhưng sau hàng ngàn năm họ vẫn là một dân tộc riêng, sắc thái rất đặc biệt. Từ thế kỷ 11 người Anh đã sống như một dân tộc mặc dù các triều vua là người ngoại quốc. Triều đại hiện nay gốc Haus Sachsen-Coburg und Gotha bên Đức, sang Anh đặt tên là House of Wettin, sau khi ông hoàng Albert lấy nữ hoàng Victoria (1819 – 1901), trong Thế chiến Thứ nhất mới đổi tên thành House of Windsor. Hai ông vua đầu tiên George I và II hầu như không nói tiếng Anh.

Khi đã có ý thức về dân tộc, người ta thành lập các quốc gia (nation-state). Nhưng trong một quốc gia như nước Anh (Britain) những người Tô Cách Lan (Scottish) vẫn tự xác định họ là một dân tộc khác “người Anh” (English), và họ vẫn đòi quyền tự trị.

Dân Việt chúng ta chắc đã cảm thấy mình thuộc vào một cộng đồng tưởng tượng từ thời văn minh Đông Sơn. Hình vẽ trên trống đồng cho thấy có tập thể, có thủ lãnh, có nghi lễ tôn giáo. Sở Cuồng Lê Dư cho biết câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng” đã được truyền tụng từ đời Hai Bà Trưng. Nếu thuyết này đúng thì chúng ta rút ra được hai điều: Thứ nhất, người Việt đã có ý thức họ “cùng chung một nước.” Một “nước” vượt lên trên các bộ tộc. Thứ hai, tiếng Việt đã được dùng làm thơ, được ca hát để cổ động ý thức dân tộc này. Đúng như nhận xét của nhà thơ Mohammad Iqbal: Các dân tộc sinh ra từ trái tim của các thi sĩ.

Thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa, ý thức dân tộc chắc đã bùng lên sôi nổi. Chính sách cai trị trực tiếp của nhà Hán sau đó chủ ý xóa nhòa cá tính dân Việt. Suốt 200 năm, địa bàn của nước ta được ghép chung với vùng Quảng Đông thành một châu, đặt tên chung là Giao Châu, một đơn vị hành chánh trong đế quốc nhà Hán. Trong thời gian hơn hai thế kỷ, dân nước Văn Lang cũ được gom chung lại với sắc dân khác sống ở Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến. Tất cả cùng theo các luật lệ và thi hành các mệnh lệnh của nhà Hán giống như nhau. Sau hai trăm năm, ký ức về các thời Hùng Vương, Âu Lạc chắc cũng bị mờ nhạt dần; còn giữ được vì có những người kể chuyện cổ tích, và những cuộc hội hè, ca hát trong mỗi thôn làng.

Năm 264, vào đời Tam Quốc, một biến cố gây ảnh hưởng quan trọng trên tâm lý dân Lạc Việt, giúp cho ký ức tập thể được giữ gìn dễ hơn. Đó là năm vua nước Ngô tách châu Giao rộng lớn cũ, chia thành hai châu nhỏ hơn. Một là Quảng Châu ở phía Bắc gồm Nam Hải, Thương Ngô và Uất Lâm (nay thuộc tỉnh Quảng Đông, một phần Quảng Tây), đặt thủ phủ tại kinh đô cũ nước Nam Việt thời Triệu Đà, gần thành phố Quảng Châu bây giờ. Còn tên Giao Châu dành cho miền đất phía Nam, gồm Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, đặt thủ phủ tại Long Biên, một trung tâm của văn hóa của dân Lạc Việt. Về sau, vùng Hợp Phố lại được tách ra khỏi Giao Châu ghép vào Quảng Châu. Đào Duy Anh nhận xét rằng sau khi Hợp Phố được tách ra thì phần đất còn lại của Giao Châu trùng hợp với lãnh thổ của nước Văn Lang thời Hùng Vương (Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, 1938). Đây là một sự trùng hợp may mắn, giúp dân Việt giữ được ý thức về tính cách riêng biệt của mình!

Đào Duy Anh coi năm 264 là một thời điểm quyết định giúp người Việt Nam xây dựng ý thức mình là một dân tộc với một lãnh thổ riêng biệt. Một cộng đồng tưởng tượng đã thành hình, từ đó được củng cố vững hơn. Ông viết: “Đó là manh nha cuộc thống nhất sau này. Từ đó quan niệm quốc gia mới nhóm lên dần dần, đến thế kỷ thứ sáu ta mới thấy cuộc vận động độc lập của Lý Nam Đế là một quốc gia phôi thai.” Các sử gia như Lê Thành Khôi, Lê Mạnh Hùng đều đồng ý rằng quyết định chia đôi hai châu Giao, Quảng năm 264 giúp dân Lạc Việt thấy rõ số mạng riêng của họ. Họ được tách khỏi những người dân ở châu Quảng, cả hai miền đều thuộc nước Nam Việt của Triệu Đà.

Việc tách rời hai đơn vị hành chánh sẽ tạo ra những tập tục sinh hoạt riêng, dân Việt và các sắc dân ở Quảng Đông không bị gom chung lại, không được đối xử giống nhau nữa. Nếp tách biệt đó kéo dài trong bẩy thế kỷ sau. Các triều đại Trung Hoa như Tấn, Tề, Lương, Trần, Tùy, Đường tiếp tục phân biệt hai châu Giao, Quảng; bổ quan trị nhậm, áp dụng các chính sách khác biệt. Có khi hai châu còn mâu thuẫn và chống đối nhau. Vào đời Đường, sử Trung Hoa cho biết hai vùng Quảng Châu và Giao Châu từng cạnh tranh về thương mại quốc tế. Viên quan trị nhậm Quảng Châu đã xin triều đình cấm thuyền buôn ngoại quốc không được cập bến ở Giao Châu, bắt họ đi qua Quảng Châu mua bán. Dân cư trong hai vùng cũng tranh đua; có khi thành thù địch, hay ít nhất cũng coi nhau là người “ngoại quốc.” Họ vốn đã sống khác nhau, càng ngày cá tính càng phân biệt rõ. Ý thức “Mình là mình, họ là họ” ngày càng mạnh. Sau này, những vương triều tự lập ở Quảng Châu cũng tính chuyện tấn công chiếm lấy Giao Châu và bị chống cự mãnh liệt; lần sau cùng là khi Ngô Quyền phá quân Nam Hán.

Thế nào là một dân tộc?

Một dân tộc thành hình qua nhiều thế kỷ. Cũng khó xác định trong một ngàn năm vào lúc nào ý thức dân tộc của người Việt đã lên mạnh nhất, vào thời điểm nào thì đạt tới tình trạng kiên cố không thể xóa nhòa được nữa. Thời điểm quyết định này đã thấy ngay lúc Hai Bà Trưng khởi nghĩa ? Hay chỉ đạt được khi Lý Bôn xưng đế? Hay phải đợi thêm 400 năm, sau các thí nghiệm cải tổ hành chánh của họ Khúc, dân Việt thấy đủ khả năng tự quản trị đất nước mình, không cần theo lối các quan đô hộ? Những câu hỏi trên khó trả lời dứt khoát. Vì lịch sử dân Việt trong ngàn năm như những cơn sóng triều; lớp sóng này hạ xuống lại đẩy lớp khác lên, khó xác định được cơn sóng nào lên cao nhất.

Để việc trả lời những câu hỏi này một cách sáng sủa, chính xác và dễ chấp nhận, cũng nên tự hỏi “Các điều kiện nào xác định sự xuất hiện, thành hình của một dân tộc? Vào lúc nào thì tổ tiên chúng ta hội đủ các điều kiện đó?”

Mỗi nhóm người có thể định nghĩa chữ dân tộc theo cách riêng, tùy theo những khung cảnh lịch sử đưa họ tới ý thức tự xác định mình là một dân tộc. Ý nghĩa của hai chữ dân tộc cũng thay đổi theo thời gian, có lúc mở rộng, có lúc thu hẹp, có khi dựa vào tình cảm, có khi được lý trí xác định. Một dân tộc ra đời khi một số rất đông người nghĩ rằng họ thuộc về một cộng đồng với đặc tính riêng. Và họ nghĩ rằng các người khác trong nhóm cũng thuộc vào dân tộc này, dù có ý thức hay không. Khi nhiều người tin mình thuộc cùng một dân tộc, gần gũi, thương yêu những người chia sẻ cùng một tài sản tinh thần chung; họ sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ tập thể; lúc đó dân tộc đã thành hình. Người ta cảm thấy chia sẻ một danh dự chung, hãnh diện về những thành công của người cùng trong cộng đồng tưởng tượng này, và hổ thẹn khi thấy có người nhân danh nhóm mình làm việc xấu xa. Phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tiếng nói, đều là những yếu tố góp phần tạo ra tinh thần dân tộc. So sánh lối sống của tập thể mình với tập thể khác, nhận ra những điểm khác biệt và muốn bảo vệ cá tính, sẽ giúp cho ý thức về dân tộc mạnh và vững chắc hơn.

Các triết gia, rồi các nhà xã hội học đã suy nghĩ nhiều về hiện tượng này. Họ thường bắt đầu bằng cách quan sát những dân tộc đã thành hình, những nhóm người từ lâu đã tự coi họ thuộc vào một dân tộc. Mỗi triết gia thường giải thích hiện tượng dân tộc theo kinh nghiệm lịch sử của chính dân tộc họ. Như người Đức hay nghiêng về tình tự, người Pháp thiên trọng lý trí. Với lý trí, người ta dễ có khuynh hướng tìm ra những “định luật” hay “mô thức” có tính chất phổ quát. Thiên về tình cảm thì chú trọng vào các nét cá biệt trong đời sống văn hóa dân gian.

Như Isaiah Berlin giải thích, các nhà tư tưởng Đức phản ứng lại trước huynh hướng duy lý nhấn mạnh đến tính chất phổ quát của các triết gia người Pháp, cho nên họ đi tìm những yếu tố độc đáo tạo nên dân tộc Đức trong đời sống. Johann Gottfried von Herder (1744–1803) chẳng hạn, mặc dù chịu ảnh hưởng của những triết gia duy lý như Leibniz, Kant, Spinoza, Montesquieu, nhưng ông đã phát triển một lý thuyết về “Hồn Dân tộc,” (Volksgeist) dựa trên truyền thống văn hóa. Herder là cha đẻ của một truyền thống mô tả dân tộc tính dựa trên tình tự, không dùng lý luận. Khi tại Châu Âu nổi lên phong trào đòi dân tộc độc lập, từ 1830 đến 1848, các triết gia càng chú ý phân tích hiện tượng này theo lối của Herder. Người ta thấy những người nói tiếng Đức cùng thuộc vào một dân tộc, vì họ chia sẻ nhiều cách sống, có những hành vi, thái độ giống nhau; mà họ lại sống khác hẳn các dân tộc chung quanh. Mỗi dân tộc được nhìn ra qua cách ăn, uống, y phục, làm thơ, ca hát, thờ phượng, chiến đấu, tổ chức cai trị, vân vân, của riêng họ.

Năm 1882, sau khi chứng kiến phong trào các dân tộc Âu Châu nổi lên lập thành các quốc gia trong nửa thế kỷ, nhà thần học người Pháp Ernest Renan (1823-1892) đọc một tiểu luận dài chừng ba chục trang với tựa đề “Dân tộc là gì?” (Qu’est-ce qu’une nation? Chữ nation cũng thuờng dịch là quốc gia) Renan thấy các dân tộc được xác định bằng hai yếu tố chính: một quá khứ chung và một ý chí, nguyện vọng tiếp tục giữ những giá trị tinh thần đã cùng nhau chia sẻ, “avoir fait ensemble de grandes choses dans le passé et de vouloir en faire encore dans l’avenir,” (đã cùng thực hiện những điều lớn lao, và muốn tiếp tục nữa). Triết gia người Đức Johann G. Fichte từng giải thích sự thành hình của các dân tộc bằng chủng tộc và ngôn ngữ; nhưng Renan thấy không cần phải chung chủng tộc, ngôn ngữ, hay tôn giáo mới thành một dân tộc. Thụy Sĩ là một thí dụ hiển nhiên.

Với kinh nghiệm chứng kiến cảnh nước Phổ (Prussia) thống nhất nước Đức thời 1870, sử gia Friedrich Meinecke thấy yếu tố văn hóa, một hiện tượng tự phát, khách quan, có vai trò quan trọng hơn là ý chí của con người trong sự hình thành dân tộc. Trong cuốn sách Weltbürgertum und Nationalstaat (Toàn cầu và Quốc gia) in năm 1908, ông nghiên cứu về sự ra đời của nước Đức. Meinecke thấy có hai loại “quốc gia.” Một loại là những quốc gia ra đời vì một quyết định chính trị, khi người dân đồng ý sống chung với nhau, thí dụ qua một bản hiến pháp. Thụy Sĩ là một dân tộc có từ lâu; Canada, Úc châu, Hoa Kỳ là những dân tộc đang thành hình. Loại thứ hai là những quốc gia dựng lên vì mọi người chia sẻ một nền văn hóa chung, di sản này vượt trên ý chí hay lựa chọn của người dân. Nước Đức thành lập trên nền tảng tiếng nói và văn hóa. Cuộc cải cách tôn giáo, việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức, máy in được phát minh, giúp ngôn ngữ, văn chương tiếng Đức phát triển. Đầu thế kỷ 19 các vương hầu người Đức đang cai trị 39 lãnh địa riêng đã khơi dậy một tình tự chủng tộc, nhân danh tình liên đới đó kêu gọi dân chúng đoàn kết cùng chống đạo quân Napoléon. Sau khi thành công, họ thành lập một “Liên hiệp” (Bund). Dân Đức nuôi dưỡng ý niệm họ thuộc vào một “dân tộc” (Volk). Các triết gia và các thi sĩ, Hegel, Goethe và Schiller góp phần phát triển khái niệm này. Các nhà chính trị biến ý tưởng đó thành thực tế. Vương quốc Phổ (Prussia), lớn nhất trong số các tiểu quốc, đã tự bãi bỏ các món thuế đánh trên hàng hóa từ các tiểu quốc khác, tạo nên một thị trường chung. Sau 20 năm có 25 tiểu quốc vào tham dự “thị trường chung” này và thấy kết quả tốt, kỹ nghệ và thương mại đều phát triển, mức sống lên cao. Thành công về công nghiệp và thương mại giúp cho khái niệm “quốc gia – dân tộc” được nhiều người ủng hộ hơn. Khi dân khởi lên phong trào đòi dân chủ hóa, các vị vương hầu lo ngại, nhưng sau cùng phải chấp nhận cho dân bỏ phiếu bầu nghị viện. Một phong trào cách mạng lan rộng khắp Âu Châu; vua chúa các nước đều phải nhượng bộ dân. Hai xứ nhiều dân nói tiếng Đức nhất do hoàng đế Áo và quốc vương Phổ cai trị tranh giành ảnh hưởng. Hoàng đế Áo được Nga hoàng ủng hộ, năm 1850 dứt khoát đứng ngoài việc thống nhất. Hai mươi năm sau các vùng nói tiếng Đức khác mới họp lại, thành lập quốc gia.

Các dân tộc thành hình

Muốn nhìn vào khái niệm dân tộc để hiểu rõ tổ tiên trong ngàn năm Bắc thuộc, chúng ta có thể quan sát những dân tộc đang thành hình. Nhiều quốc gia đã ra đời trong lịch sử gần đây, như nước Mỹ, nước Canada, Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Israel, Singapore, chưa kể các quốc gia mới lập ở Phi châu còn trong thời kỳ thí nghiệm. Các nước trên cho thấy những cuộc thí nghiệm coi như “trước mắt” về quá trình thành hình của ý thức dân tộc. Xem các nước này ra đời như thế nào mình có thể tưởng tượng những yếu tố nào đưa tới sự thành hình và trưởng thành của dân tộc Việt Nam hơn ngàn năm trước đây.

Dân Nam Sudan và dân Mỹ đều nổi lên đòi độc lập vì chống chính sách bóc lột của người cầm quyền. Dân Singapore lập quốc bất đắc dĩ, họ muốn mà không được gia nhập liên bang Malaysia cho nên phải lập một nước mới. Canada cũng tình cờ trở thành một quốc gia, vì cùng sống trong những thuộc địa của vương quốc Anh, khi được trả quyền tự trị thì đại biểu các thuộc địa đồng ý sống chung trong một quốc gia. Rồi đợi trăm năm sau quốc gia mới đó mới chính thức có một hiến pháp. Thổ Nhĩ Kỳ là một hiện tượng lạ. Họ quyết định dứt bỏ quá khứ đế quốc huy hoàng cũ, thành lập một quốc gia theo mẫu các nước Châu Âu; toàn dân nhất trí nhờ có những người lãnh đạo giỏi.

Liên bang Hoa Kỳ ra đời vì nhu cầu tự do chính trị. Người dân thuộc địa muốn sống tự do hơn, trước hết vì họ không chấp nhận đóng thuế cho ông vua Anh quốc, nếu không được bầu người đại diện để tham khảo ý kiến. Ngay trong thời chiến tranh cách mạng, rất nhiều “người Mỹ” vẫn muốn tiếp tục làm thần dân Anh hoàng. Họ chỉ yêu cầu ông vua cho dân Mỹ Châu được hưởng những quyền lợi ngang bằng dân Anh lúc đó, đặc biệt là quyền có đại biểu trong quốc hội Anh. Trong số người này, Benjamin Franklin luôn luôn hy vọng vua Anh sẽ “biết điều” hơn, để các thuộc địa khỏi phải ly khai. Thái độ cao ngạo dại dột của triều đình Anh tạo cơ hội cho dân Mỹ lập quốc, và một dân tộc ra đời. Hơn 200 năm, bây giờ người Mỹ nào cũng tự thấy họ thuộc một dân tộc riêng; họ tự hào về di sản quá khứ cùng những hy vọng tương lai, như Renan định nghĩa. Ý thức dân tộc phát sinh đủ mạnh, khiến trong thời Đại chiến Thứ hai, những người Mỹ gốc Ý, gốc Đức vẫn nhập ngũ, chống lại các đạo quân thuộc quê hương cũ của cha mẹ họ.

Nếu trong lúc các thuộc địa và triều đình Anh thương thuyết mà vua Anh chấp nhận yêu cầu của Benjamin Franklin, nhường tất cả các thuộc địa ở phía Bắc cho chính quyền mới ở Mỹ, kể cả vùng Québec, thì sau này cũng không có nước Canada!

Canada trở thành một quốc gia trước hết vì muốn tự coi họ không phải người Mỹ! Khi dân Mỹ nổi dậy chống Anh hoàng thì mấy thuộc địa ở phía Bắc không theo họ. Dần dần Quốc hội Anh trao các thuộc địa này nhiều quyền tự trị; năm 1867 các tỉnh kết hợp thành một quốc gia. Nhưng phải đợi đến năm 1982 mới có một văn kiện chấm dứt thẩm quyền của Quốc hội Anh trên nước Canada. Đến bây giờ một đặc điểm người Canada hay dùng để tự định nghĩa “dân tộc tính” của họ, là họ “không giống Mỹ!” Trong hơn 200 năm dân Canada vẫn tự hào là họ sống với những định chế và tập tục khác người Mỹ. Người Canada khoe nước họ giới hạn quyền mua súng nghiêm ngặt; đánh thuế cao những người giầu để phân bố lợi tức công bằng; bao dung các tín ngưỡng và chủng tộc khác nhau, vân vân. Không một đảng chính trị nào của xứ Canada muốn xóa bỏ hệ thống y tế phổ cập toàn dân. Từ thập niên 1940 chỉ có tỉnh Manitoba (đa số là di dân Ukraine) lập ra chương trình y tế công cộng, tới thập niên 1950 lần lượt các tỉnh khác làm theo, người giầu hay nghèo đều được bảo hiểm y tế như nhau. Nay định chế y tế công cộng trở thành một điều mà người Canada thường hãnh diện, thấy họ khác nước láng giềng phía Nam, trong đó có lúc hơn 50 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế. Ngược lại, nhiều người Mỹ coi hệ thống y tế của họ tốt hơn vì đề cao trách nhiệm cá nhân, chính phủ không can thiệp vào. Khi Tổng thống Barack

Obama đề nghị đạo luật Cải tổ Y tế năm 2010, nhiều người Mỹ chỉ trích rằng luật đó “biến nước Mỹ thành Canada” hoặc tệ hơn nữa, “biến nước Mỹ thành một nước Âu Châu!”

Việc lập quốc của Thổ Nhĩ Kỳ rất độc đáo, một dân tộc rất cổ và một quốc gia rất mới. Trong mấy ngàn năm, người Thổ nổi tiếng là một sắc dân dũng mãnh, thiện chiến, có lúc họ làm chủ những đế quốc lớn từ Á sang Âu Châu. Nhưng đến đầu thế kỷ thứ 20 họ mới khơi dậy một ý thức dân tộc, từ bỏ quá khứ đế quốc để thành lập một quốc gia.

Tổ tiên người Thổ là những bộ lạc du mục sống ở phía Bắc Trung Quốc, lan qua miền Trung Á Châu. Vương quốc đầu tiên được nhà Hán gọi là Hung Nô (Xiongnu, 匈奴) đã bao gồm nhiều giống dân Trung Á khác chứ không thuộc riêng một sắc tộc. Vào thế kỷ thứ 6 họ thành lập một nước mà người Trung Hoa gọi là Đột Quyết (Tūjué, 突厥), với lịch sử dài gần 300 năm. Dân Hồi Giáo gọi tên chung là Türk, cái tên họ chấp nhận. Sau những đợt di dân và chiến tranh liên tiếp, vào thế kỷ 11 người Thổ đã cải đạo theo Hồi Giáo. Các tướng lãnh và quân đội Thổ đang phục vụ đế quốc Hồi Giáo ở Ba Tư (Iran) dần dần đoạt lấy quyền hành, sau cùng chiếm địa vị lãnh đạo. Họ đóng vai chính trong việc thành lập Đế quốc Seljuk. Sau khi quân Seljuk đánh bại quân Byzantine tại Manzikert năm 1071, người Thổ bắt đầu di dân tới tràn ngập vùng Anatolia (miền Đông Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ). Đế quốc Seljuk bị quân Mông Cổ diệt từ thế kỷ 13. Đến khi chính Đế quốc Mông Cổ tan rã, các tiểu vương người Thổ mạnh lên dần, được thống nhất trong một đế quốc Ottoman. Nền tảng của đế quốc là tôn giáo; vị ca líp (caliph) đứng đầu Hồi Giáo (Phái Sunni) cũng nắm cả quyền chính trị. Năm 1453 họ chiếm Constantinople, tức Istanbul bây giờ. Uy quyền và ảnh hưởng Đế quốc Ottoman lên cực thịnh vào thế kỷ 16, bao gồm cả vùng Trung Đông, Bắc Phi, sang Âu châu tới tận Hungary; đạo quân chinh phục chỉ dừng chân ở Wien năm 1683. Vào thế kỷ 18 một vị hoàng đế Ottoman đã bắt đầu “hiện đại hóa” để mong theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp tại các nước Âu Châu, nhưng tốc độ cải cách rất chậm chạp. Đến Thế Chiến Thứ Nhất (1914 – 18) thì Đế quốc Ottoman tan rã, liên quân Anh Pháp chiếm Istanbul, các dân tộc nổi lên đòi quyền tự quyết với sự hỗ trợ của các nước đồng minh.

Dân Thổ bất mãn với Hiệp ước Sèvres năm 1920 chia cắt Đế quốc Ottoman. Một ý thức dân tộc được đánh thức dậy, một phong trào giành độc lập nổi lên. Phong trào này dựa trên chủng tộc hơn là tín ngưỡng Hồi Giáo. Từ đó phát sinh ý chí thành lập quốc gia. Năm 1923, người Thổ đánh đuổi các đạo quân đồng minh. Một nước Thổ Nhĩ Kỳ ra đời, lập chế độ Cộng Hòa. Lãnh tụ Mustafa Kemal (Atatürk, Cha của Dân tộc Turk) quyết tâm xóa bỏ di sản của Đế quốc Ottoman, lập một quốc gia thế tục, chủ trương Âu hóa. Thổ Nhĩ Kỳ đã đổi cả chữ viết, dùng mẫu tự chữ La tinh, rồi thay đổi đến mũ, áo. Họ làm đạo luật cấm nữ sinh viên khi đi học không được chùm kín đầu theo lối Hồi Giáo. Năm 1935, trong khi phụ nữ ở nhiều nước Âu Châu chưa có quyền bỏ phiếu thì quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã có 18 nữ dân biểu. Dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ đã theo một con đường tương tự như phân tích của Ernest Renan về hiện tượng dân tộc thành hình, nhưng chỉ giống một nửa. Trong quá khứ người Thổ có một đế quốc dựa trên tôn giáo, nhưng họ sẵn sàng xóa bỏ cả gánh nặng đó. Vì phải tách tôn giáo khỏi chính trị thì mới quên được đống tro tàn đế quốc hủ lậu, nhờ thế họ có thể chú tâm vào tương lai, với nhu cầu hiện đại hóa cả một dân tộc. Một quyết định quan trọng nhất của Mustafa Kemal là chối bỏ vai trò thủ lãnh về tôn giáo mà dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nắm giữ trong nhiều thế kỷ. Lúc đầu chính ông mời vị caliph mới là Abdul Mejid II lên ngôi giáo chủ cả thế giới Hồi Giáo phái Sun Ni. Mejid II là một nhà trí thức đã Âu hóa, một thi sĩ và nghệ sĩ đa tài, người thường đọc các triết gia Đức và Pháp bằng nguyên bản. Khi Atatürk xóa bỏ ngôi vị ca líp (caliph), cả gia đình ông phải rời khỏi nước Thổ Nhĩ Kỳ, ông còn bị cấm không được sống ở một nước Hồi Giáo nào cả. Khối Hồi Giáo Sun Ni từ đó mất trung tâm, cho đến nay vẫn gây thêm nhiều rắc rối! Nhưng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại.

Cũng như việc lập ra nước Mỹ, yếu tố quan trọng nhất trong việc thành lập quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ là một ý chí hướng về một tương lai chung; chính ý chí đó đã tạo nên ý thức mới về dân tộc, thoát được ra khỏi cái khung đế quốc cũ nát. Atatürk nói với một tờ báo Mỹ về dân tộc ông: “Một dân tộc bất hạnh, bao nhiêu đời chỉ giỏi việc chiến tranh, mặc dù họ có đủ các năng khiếu để trở thành triết gia, khoa học gia!” Cuối cùng, đối với một dân tộc thì giấc mộng lập quốc được coi là đáng quý nhất, quý hơn cả việc đứng đầu một đế quốc hay lãnh đạo một tôn giáo!

Khái niệm về dân tộc và quốc gia thay đổi tùy theo hoàn cảnh lịch sử. Đúng vào lúc ý thức tập thể đưa tới hành động lập quốc, người ta có thể viện ra một lý do quan trọng nhất để hô hào. Họ nói đến chủng tộc, hoặc văn hóa, ngôn ngữ, hay tôn giáo; hoặc có thể vì một lý tưởng chính trị, như độc lập, tự do. Yếu tố địa dư quan trọng, nhưng cũng không nhất thiết. Rất nhiều nhóm người vẫn tự nhận cùng một dân tộc dù phải sống xa cách nhau. Thí dụ như những người Do Thái, người Kurds, người Thổ hay Armenians đang sống rải rác khắp thế giới; họ đều đề cao ý thức dân tộc để đoàn kết với nhau. Người Kurds đến nay vẫn chưa đạt được giấc mộng lập quốc, nhưng chắc trong tương lai họ sẽ thành công, vì ý thức dân tộc của họ đã bền bỉ kéo dài nhiều thế kỷ, không thể nào xóa mất được.

Nhìn lại lịch sử các dân tộc thành hình trên đây, từ phong trào dân tộc bùng lên ở Âu châu và thế kỷ 19 đến trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Sudan vào thế kỷ 20, người ta có thể xác định một thời điểm và những nguyên do gây nên tinh thần dân tộc, và thúc đẩy việc thành lập quốc gia. Còn dân tộc Việt Nam, nhờ đâu tổ tiên chúng ta đã tạo nên ý thức dân tộc, và ý thức đó lên mạnh nhất vào lúc nào?

Benedict Anderson thấy nhiều nguyên nhân giải thích phong trào các dân tộc ở Châu Âu bùng lên vào thế kỷ 19. Các tác phẩm văn chương bằng tiếng mẹ đẻ đã làm giảm tầm quan trọng của chữ La Tinh và những người nắm gần như độc quyền biết đọc biết viết thứ chữ bác học đó. Phát minh ra máy in và việc sử dụng máy in để phổ biến ý kiến, tư tưởng mới; dần dần xóa bỏ lòng tin của người dân vào quyền hành thiêng liêng của vua chúa; người ta biết là những người cầm quyền cũng chẳng có “mệnh trời” nào cả. Thêm vào đó là cuộc cách mạng công nghiệp và sự phát triển kinh tế tư bản tạo ra một lớp người ở thành thị độc lập về kinh tế cũng như tư tưởng đối với giáo hội cũng như các ông hoàng bà chúa.

Các dân tộc nói tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Phần Lan hay tiếng Ba Lan đều ý thức về “cộng đồng trongtưởng tượng” của họ, họ muốn thay thế hệ thống xã hội dựa trên uy quyền từ trên xuống dưới bằng một hệ thống quan hệ hàng ngang giữa những người cùng một “dân tộc.” Khái niệm “dân tộc” được cổ động phát huy và củng cố trong các “cộng đồng tưởng tượng” này; họ sẵn sàng chết cho mối liên đới hàng ngang đó.
Đoàn kết để sống

Chúng ta cũng không cần phải tin vào những lý luận của Renan hay Meinecke. Cũng không cần phải nghĩ dân tộc Việt đã thành hình giống như dân Phần Lan hay Canada. Nhưng có thể đoán chắc chắn trong thời Bắc thuộc tổ tiên chúng ta đã có nhiều cơ hội cảm thấy họ có những điểm tương đồng, một tình liên đới ngày càng mật thiết, tự thấy họ khác hẳn đám quan quân người Hán đưa sang. Họ ý thức mình là một dân tộc. Người Việt có thể hình dung một “cộng đồng tưởng tượng” giữa những người nói cùng một thứ tiếng, cùng theo những phong tục cổ truyền, cùng thờ cúng những thần linh của mình. Một mạng lưới quan hệ hàng ngang đã thành hình gây nên tình đoàn kết, mỗi lần một người nổi lên thì muôn người hưởng ứng.

Giống như dân Canada hay xác nhận họ khác dân Mỹ, chắc từ hai ngàn năm trước dân Việt đã tự xác định trên căn bản là họ khác người Trung Hoa; và không muốn giống, không muốn biến thành người Trung Hoa! Ý tưởng đó chắc có ngay từ khi hai nước mới tiếp xúc, càng mạnh thêm trong suốt một ngàn năm. Khi nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy nước mình đủ các điều kiện trở thành một “dân tộc – quốc gia” như Renan hoặc Meinecke đã trình bầy. Có quá khứ chung, có ý chí sống chung, và có các yếu tố văn hóa, ngôn ngữ chung để nối liền với nhau. Điều quan trọng nhất là người Việt thấy nếu họ đoàn kết với nhau như một dân tộc thì tốt hơn, ích lợi hơn là chỉ sống như thần dân của một đế quốc rộng lớn của người khác giống.

Ý thức dân tộc được tôi luyện trong thời Bắc thuộc do tất cả các thành tố tự nhiên: chủng tộc, ngôn ngữ, phong tục, tín ngưỡng. Mỗi yếu tố có lúc nặng, lúc nhẹ; nhưng luôn luôn cùng có mặt và hỗ trợ, thúc đẩy lẫn nhau. Chính sách đô hộ khắc nghiệt càng nung nấu ý thức của dân Việt ngày càng mạnh. Cho nên khi Lý Thường Kiệt tuyên bố “Nam Quốc” thuộc chủ quyền của “Nam Đế” thì tất cả mọi người Việt đều cảm thấy đó là một sự thật hiển nhiên, từ bao đời vẫn như vậy, không có gì nghi hoặc, không cần bàn cãi nữa.

Trong sử sách, chúng ta chỉ “đọc” được các dấu hiệu ý thức dân tộc qua các biến cố lớn như các cuộc khởi nghĩa và qua hành động của các vị anh hùng. Còn người dân Việt bình thường thì sao? Phải tự hỏi trong một ngàn năm đô hộ người dân Việt đã cảm xúc và suy nghĩ thế nào; để có những lúc họ cùng nhau đứng lên đòi tự chủ? Tại sao bao nhiêu nông dân cũng dám đứng lên theo các lãnh tụ thuộc dòng dõi các lạc hầu, lạc tướng nổi loạn, dù họ phải hy sinh? Động cơ nào thúc đẩy mọi người kết hợp cùng nhau tranh đấu?

Muốn tạo nên một cộng nghiệp mà chúng ta gọi là ý thức dân tộc, mọi người phải nối kết với nhau qua những liên hệ tình cảm. Sách sử Trung Hoa viết về nước ta không bao giờ mô tả các động cơ trong tình tự như thế, ngoài những chi tiết cho thấy người Việt đều uất hận vì quan lại tham tàn. Nhưng tình liên đới tập thể của tổ tiên chúng ta trong thời Bắc thuộc nuôi nấng như thế nào? Tại sao nhiều người sẵn sàng liều chết đứng dậy? Tại sao người ta tin tưởng vào các vị thủ lãnh, đến mức không còn sợ chết mà cũng không lo nếu còn sống sẽ bị trừng phạt?

Không cần mơ mộng và tự đề cao, có thể giải thích tình liên đới và mối nhất tâm của dân Việt cũng vì tất cả cũng được thúc đẩy bởi những những lợi ích kinh tế thiết thực. Tinh thần yêu nước chắc chắn đã đưa tới nhiều hành động dũng cảm; nhưng nếu thấy rõ những động cơ kinh tế thì chúng ta hiểu được hành động của tổ tiên một cách chắc chắn hơn.

Người nghiên cứu kinh tế chỉ giả thiết rằng, khi tính về lâu về dài, ai cũng lo lợi ích cho bản thân và cho gia đình mình. Cũng như mối quan tâm chính của mọi sinh vật là lo cho giòng giống tồn tại; mệnh lệnh này đã được “viết” sẵn trong giên di truyền. Quyết định hợp lý của một đám đông, trong một thời gian lịch sử lâu dài, bao giờ cũng nhằm mục tiêu bảo tồn chủng loại. Mỗi cá nhân hầu như không ý thức về lựa chọn chung đó, nhưng tất cả mọi người trong một tập thể, sau cùng, sẽ đi tới những quyết định “hợp lý” nhắm giữ gìn nòi giống.

Loài người bắt đầu đoàn kết vì phải cùng nhau chế ngự thiên nhiên. Càng đoàn kết hơn khi phải chống lại những đám người khác giống đang đe dọa xâm lăng và tiêu diệt mình. Họ đứng lên chống cự đến cùng; với hy vọng là dù mình có chết thì một số người trong gia đình, trong họ hàng, làng xóm của mình vẫn còn sống, và dòng dõi được tiếp tục lưu truyền; theo bản năng sinh tồn và bảo vệ dòng giống. Ý chí đoàn kết của dân Lạc Việt chắc đã phát khởi lần đầu tiên khi nghe tin quân nhà Tần hoặc quân nhà Hán sắp xâm lăng. Dân chúng mọi nơi cảm thấy một tình liên đới mật thiết với nhau, phải cùng lo đề phòng và chống cự.

Đến lúc bị người nước ngoài thống trị, có lúc người dân Việt phải quyết định lựa chọn giữa hai tương lai. Một bên là chấp nhận tiếp tục bị quan lại phương Bắc bóc lột và đè nén không biết bao giờ mới hết. Bên kia là nổi dậy tranh đấu chấm dứt ách đô hộ, với hy vọng dù mình chết thì gia đình mình cũng còn được sống, sẽ thoát khỏi cảnh bóc lột. Lựa chọn hợp lý nhất là cùng nhau nổi dậy. Vì dù chỉ nuôi một chút hy vọng cũng còn hơn là tiếp tục cảnh sống tuyệt vọng không biết bao giờ thay đổi.

Khi đi theo các vị thủ lãnh nổi dậy, người dân cũng đứng trước những lựa chọn thực tế: Lật đổ những tham quan đang cai trị mình rồi thì sau đó những ông quan mới có tốt hơn, có tử tế hơn hay không? Trong những thời bên Tàu có loạn, nếu các viên quan cai trị ở Giao Châu tử tế, như Sĩ Nhiếp, Đào Hoàng, thì dân Việt cũng không nổi lên chống họ. Người Việt đã đứng lên đòi quyền tự chủ không phải chỉ vì họ ghét người Hán, mà vì họ thấy không thể sống mòn mỏi dưới chế độ tham tàn lâu hơn được. Hy vọng của họ là thay thế các viên thái thú, thứ sử bằng bất cứ chế độ mới nào cũng sẽ tốt hơn. Càng bị bóc lột, bị đàn áp, ý chí đó càng mạnh. Nhiều cuộc nổi dậy ở nước ta trong thời Bắc thuộc đã thất bại; nếu những người cầm đầu cho thấy họ cũng tàn nhẫn, ác độc. Thí dụ khi một thủ lãnh nổi loạn là Lương Thạc (năm 322) đem quân cướp bóc, trả thù các di dân người Hoa, thì sau cùng ông ta thất bại. Bởi vì chính đám di dân “người Hoa” này phần lớn cũng là người miền Nam Trung Quốc, họ đã hội nhập dễ dàng vào xã hội địa phương. Những cuộc khởi nghĩa thành công thường do những người đã được tiếng là nhân từ, biết thương người, biết bao dung, có thể tin tưởng. Chỉ cần người dân chịu đoàn kết là có thể cùng nhau khởi nghĩa. Nếu không được dân chúng theo thật đông đảo thì các vị anh hùng hào kiệt không thể nào kháng cự được quân giặc, hay gây dựng được cơ đồ.

Dân Việt ở miền sông Hồng dần dần chịu ảnh hưởng của người Hán nhiều hơn miền sông Mã, sông Chu. Quận Giao Chỉ bị áp lực Hán hóa mạnh hơn và sớm hơn. Các quận Cửu Chân và Nhật Nam sống xa trung tâm đô hộ, thì tinh thần phản kháng bền bỉ nhất. Nhưng người dân sống ở hai vùng sông Hồng và sông Mã cũng có lúc chứng tỏ họ vẫn đoàn kết; có lẽ động cơ mạnh nhất là tình máu mủ; nhưng cũng vì họ biết rằng mình “cùng chung một giàn,” đều là nạn nhân của các quan lại tham tàn như nhau. Ngay cả những người được học chữ Hán, biết một lý tưởng, có thể coi như một “chủ nghĩa quốc tế” gọi là “Thiên hạ vi công” của Khổng Tử, họ cũng biết những lý thuyết trừu tượng đó không có giá trị gì so với tình máu mủ. Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Những di dân từ miền Nam sông Trường Giang sang nước ta, sau vài thế hệ cũng chịu chung số phận bị bóc lột như những người dân bản xứ. Họ dần dần phát triển một quan hệ hàng ngang với dân địa phương trong cùng một cộng đồng tưởng tượng. Vì đám quan lớn từ Trung Quốc gửi sang thường là người phía Bắc Trường Giang, không cùng tiếng nói, không cùng tổ tiên, phong tục khác với đám di dân cũ. Mà khi bóc lột thì các tham quan sẽ thấy khai thác đám di dân giàu có sẽ nhiều lợi lộc nhất.

Tình liên đới giữa các vùng thuộc nước Văn Lang cũ đã thể hiện rất rõ ngay trong thế kỷ thứ hai, chưa đầy một trăm năm sau khi Mã Viện đặt hệ thống cai trị trực tiếp và thay đổi phong tục, luật lệ của người Lạc Việt.

Năm 136, trong vùng sâu nhất của quận Nhật Nam, dân địa phương từ miền núi kéo xuống tấn công quân Hán đóng đồn tại Tượng Lâm, phía Nam Quảng Trị bây giờ. Thái thú Phan Diễn lúc đầu huy động hơn chục ngàn quân từ hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, tính đưa đạo quân này vào đánh dẹp đám dân “phản loạn” ở phía cực Nam. Nhưng điều không ngờ là đám quân sĩ hai quận đó không những không chịu đi “đánh giặc;” mà sau cùng họ còn nổi lên, đốt phá các cơ sở chính quyền cai trị tại Giao Chỉ và Cửu Chân. Tại sao họ hành động như vậy? Có thể vì đa số đám quân này là người Việt được tuyển mộ, họ đã từ chối không đi giết “đồng bào” của mình. Hoặc những người Hoa đóng vai chỉ huy cấp giữa trong đó chính họ cũng bất mãn với đám quan lại bạo ngược, nên đã chọn đứng về phía dân bị trị.

Triều đình nhà Hán được báo nguy, tính gửi 40,000 quân từ bên Tàu sang trừng trị đám lính Giao Chỉ và Cửu Chân “bất phục tùng;” nhưng sau đó bãi bỏ; sử chép, vì ông vua nghe lời khuyên can của Lý Cố. Thay vì đem quân thảo phạt, nhà Hán cử một viên quan hiền lành hơn sang tìm cách phủ dụ quân lính và hối lộ, chia rẽ người địa phương, cho họ đánh lẫn nhau. Sự kiện hàng ngàn quân không chịu đi “dẹp loạn” cho thấy một tình liên đới đã thể hiện rõ rệt, một tình đoàn kết của dân Việt, từ miền Giao Chỉ phía Bắc xuống Cửu Chân, tới Nhật Nam. Kết quả là triều đình nhà Hán phải thay đổi những quan lại hà khắc. Kinh nghiệm này thúc đẩy cho tình liên đới và đoàn kết của người dân lên cao hơn. Các đám quân nhân còn nổi loạn rất nhiều lần trong những thế kỷ sau, cho thấy sự cách biệt giữa các quan lại do triều đình nhà Hán ở Trường An (thuộc Thiểm Tây ngày nay) cử sang, họ khác với đám binh sĩ gốc từ các vùng khác ở Trung Quốc; mà chính “quê hương” của họ cũng bị quân Hán chiếm đóng.

Tám năm sau cuộc nổi dậy ở Tượng Lâm, năm 144 dân Nhật Nam lại nổi lên chiếm các thành trì. Điều đáng kể là sau đó, dân Cửu Chân và Giao Chỉ cũng nổi lên theo. Có thể tưởng tượng trong thời gian giữa hai cuộc nổi loạn này, tổ tiên chúng ta ở hai vùng sông Mã và sông Hồng đã cảm nhận rõ ràng là số phận của họ gắn liền với nhau, chịu chung những tai họa do bọn tham quan nhà Hán gây ra; chỉ đoàn kết lại mới có thể đòi thay đổi. Mối liên cảm này đã ăn sâu vào tâm thức, được tích lũy với những kinh nghiệm sống, bồi đắp nên ý thức dân tộc.

Không cần làm vương đất Bắc

Ý thức dân tộc của người Việt cũng được củng cố nhờ địa giới thiên nhiên vạch ra một vùng đất riêng có thể gọi là “nước ta,” tách biệt với các vùng phương Bắc. Trong phạm vi lãnh thổ đó, điều kiện kinh tế lại đủ tự túc, không tùy thuộc bên ngoài. Vùng đất riêng này lại tụ tập những người thuộc một sắc dân tương đối thuần nhất và đông đúc, nhờ thế họ có khả năng đồng hóa cả các di dân. Nhờ dân số và kinh tế đủ vững nên, trong các giai đoạn tự lập, những người cầm đầu, dù là các thủ lãnh địa phương hay các quan lại tự chiếm quyền, đều chỉ lo xây dựng lãnh địa riêng của mình, không muốn bành trướng lên phía Bắc.

Sau những cuộc khởi nghĩa giành quyền tự chủ các lãnh tụ người Việt thành công đã chấp nhận chỉ làm chủ một vùng gồm những người cùng sắc tộc; họ không tìm cách mở bờ cõi qua các vùng phía Bắc. Cứ như thế nhiều lần, dân ta đã xác định một ranh giới ở trong châu Giao cũng là vùng thuộc nước Văn Lang cũ, tách biệt với Quảng Châu và Hợp Phố. Ranh giới đó tạo ra một khuôn khổ địa dư trong đó ý thức dân tộc được tập trung mà phát triển. Người Việt không bị phân tán như các sắc dân bên kia biên giới. Ở bên đó, sau các cuộc nổi dậy ở Hồ Nam, Quảng Đông, Vân Nam, Phúc Kiến, Quế Châu, người dân vẫn không tạo được một ý thức thấy coi họ là những cộng đồng riêng biệt.

Cần phân tích sự khác biệt giữa các tỉnh phía Nam Trung Quốc với nước ta để hiểu tại sao các thủ lãnh người Việt nổi lên thường không nuôi tham vọng mở rộng lãnh thổ.

Nói chung, trong các tỉnh miền Hoa Nam các sắc dân sống bên nhau không thuần nhất như dân Lạc Việt mà họ bị áp lực di dân miền Bắc mạnh hơn. Trên địa bàn rộng lớn của mỗi tỉnh, dân bản địa thuộc nhiều sắc tộc với số đông ngang ngửa với nhau. Miền đất này lại tiếp nhận rất nhiều đợt di cư lớn của người Hán từ phương Bắc xuống; trong khi số di dân xuống tới ở vùng sông Hồng, sông Mã thưa thớt hơn. Đám di dân mới đến các tỉnh trên là một nhân tố giúp thống nhất nước Trung Hoa. Họ thường sống ở vùng đồng bằng; dần dần họ chiếm đa số ở những nơi mà quan lại cũng là người phương Bắc. Thủ lãnh của các sắc dân cũ bị mất quyền, không chịu hợp tác thì rút lên miền núi, mang theo nhiều người cùng sắc tộc; trên vùng đất còn lại ảnh hưởng của đám di dân mới càng mạnh hơn.

Chính đám di dân từ phía Bắc đi xuống cũng không thuần nhất. Người dân các tỉnh Hà Bắc, Sơn Tây, thuộc các nước Ngụy, nước Triệu đời xưa; ngôn ngữ và lối sống cũng khác với người vùng Sơn Đông từng thuộc các nước Lỗ, nước Tề. Các di dân vốn không chia sẻ quá khứ chung. Tiếng nói lại bất đồng. Vì thế họ phải tìm tới một ngôn ngữ chung để thông tin, lấy chữ Hán làm tiêu chuẩn, và dùng một thổ âm chính miền Bắc khi đọc chữ. Nhờ chữ viết và ngôn ngữ chung này, các di dân từ Hoa Bắc nguồn gốc khác nhau bắt đầu chia sẻ một văn hóa cùng với các quan lại cũng xuất phát từ phía Bắc. Qua nhiều thế kỷ, họ trở thành một thứ keo sơn gắn liền các vùng rải rác trong miền Nam Trung Quốc. Các di dân đó tạo ra một sức kéo hướng về trung tâm, giúp cho nước Trung Hoa có lúc phân ly nhưng cuối cùng vẫn kết hợp với một văn hóa thuần nhất. Họ phổ biến những quy củ văn minh Hoa Hạ, tạo nên môi trường sống chung đó. Các di dân và quan lại huấn luyện theo Nho Giáo cùng nhau nâng cao cường độ và tốc độ của việc Hán hóa.

Trong lịch sử Trung Quốc mỗi lần trung tâm suy yếu thì khuynh hướng ly khai lại nổi lên. Nói như câu mở đầu tiểu thuyết Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa: “Thiên hạ tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan.” Khi hai triều đại nhà Hán, nhà Đường suy vi, các thủ lãnh địa phương đứng lên tự lập thành những quốc gia riêng. Các tỉnh Hồ Nam, Phúc Kiến, Quảng Đông, Vân Nam đều trải qua những giai đoạn có người xưng hùng xưng bá như vậy. Nhưng vì người dân ngay trong địa phương của họ cũng không thuần nhất cho nên các chính quyền mới lập ra cũng không đại diện cho riêng một sắc dân nào đủ lớn để đóng vai làm trung tâm thu hút các nhóm dân khác. Chính các thủ lãnh cũng không thấy có mối ràng buộc nào với đám dân chúng phức tạp dưới quyền, về ngôn ngữ cũng như chủng tộc. Sau khi cướp chính quyền, xưng vương, xưng đế, các tay lãnh tụ thường nuôi tham vọng lớn lao hơn là chỉ đứng đầu một vương quốc. Nhiều người nổi lên ở Quảng Đông hay Vân Nam nhưng không thấy thỏa mãn với việc giành độc lập cho một vùng nho nhỏ. Phần lớn còn muốn chiếm cả nước Trung Hoa, hay ít nhất cũng làm chủ một vùng rộng lớn hơn một châu, một quận.

Thí dụ sớm nhất là ông Triệu Đà. Lúc nhà Tần suy vong, ông chiếm vùng Lưỡng Quảng xưng là hoàng đế nước Nam Việt. Nhưng ông vẫn tỏ ý tiếc rằng khi nhà Tần sụp đổ thì mình vắng mặt, không khởi nghiệp ở Trung Nguyên để tranh tài với Hạng Võ, Lưu Bang, có thể làm chúa tể Thiên Hạ! Nhiều đời sau cũng vậy, mỗi khi dân một vùng nổi lên giành được quyền tự chủ, thì chính các tay hào kiệt lại nuôi tham vọng thiết lập triều đình lớn hơn. Sau đời nhà Hán, các triều đại thời Tam Quốc và nhà Tấn tiếp nối cai trị miền Nam Trung Quốc đều ngắn ngủi, từ năm 220 đến 316. Nhà Ngô (222 – 280), nhà Tấn rồi nhà Đông Tấn (256 – 420), trong thực tế cũng không hoàn toàn làm chủ hết lãnh thổ của họ. Vì luôn luôn có người xưng hùng tại các địa phương, thiết lập “Triều đình riêng một góc trời – Gồm hai văn võ vạch đôi sơn hà,” như Nguyễn Du tả Từ Hải, một tướng cướp vùng biển đời nhà Minh. Trong thời Nam Bắc Triều nước Tầu bị chia đôi (317 – 580). Từ năm 420 đến 588 có bốn triều đại thay phiên nhau ở các tỉnh sát biên giới nước ta: Tiền Tống, Nam Tề, Lương, Trần. Cuối đời Tùy và trước đời Đường, một vùng từ Giang Tây xuống Quảng Đông cũng lập một quốc gia riêng. Tiếp đến vùng Hồ Nam cũng có người nổi lên lập một triều đình, hai ông vua đánh lẫn nhau. Dân chúng bên dưới không thấy có sợi dây nào nối kết họ với các tay hào kiệt nổi lên xưng hùng đó; mà chính họ cũng không thấy tình liên đới với nhau để thành một “cộng đồng tưởng tượng” như dân Việt ở phía Nam vẫn cảm thấy.

Trong thế kỷ thứ 8, thứ 9 nhà Đường suy yếu, loạn lạc không ngừng; hào kiệt nổi lên cát cứ khắp nơi. Ngay phía Bắc nước ta, một thủ lãnh Nam Chiếu được nhà Đường công nhận phong làm Vân Nam Vương nhưng chưa thỏa mãn, đem quân chiếm thêm các vùng khác, từ Tứ Xuyên, Thiểm Tây, sang đến cả Giao Châu. Khi Trần Bá Tiên lập nhà Trần hoặc họ Lưu lập nước Nam Hán ở vùng Lưỡng Quảng, họ đều đi chiếm thêm đất để bành trướng lãnh thổ. Các triều đại nhỏ này cuối cùng đều sụp đổ; biên cương lãnh thổ của họ cũng xóa nhòa. Sau cùng tất cả lại thu vào trong nước Trung Hoa rộng lớn.

Tham vọng luôn luôn muốn bành trướng của những vương triều kể trên có thể vì ảnh hưởng khái niệm “Thiên Hạ là của chung.” Quan niệm này vẫn được các hoàng đế tuyên dương, được giới Nho sĩ duy trì và truyền bá. Các Nho sĩ luôn đóng vai quân sư hay làm thủ hạ cho các lãnh tụ nổi lên, lúc họ có nhu cầu thiết lập guồng máy cai trị. Những người Hán được cử tới làm quan, và các di dân đã được học Nho Giáo, đều truyền bá mục tiêu Bình Thiên Hạ, các tay hào kiệt mới nổi lên đã thấm nhiều đời. Chính những người mộ quân, chiếm thành, lập quốc cũng không thấy nhu cầu gây ý thức dân tộc cho các đám dân sống dưới quyền họ. Họ không tự ràng buộc với một sắc dân nào, vì trong đầu, họ nuôi tham vọng chiếm tất cả thiên hạ. Các ông vua lập ra nhà Lương, nhà Trần, các nước Nam Tề, Nam Hán đều có mộng lớn thống lãnh cả Trung Quốc chứ không phải giành độc lập cho một sắc dân, một vùng nào; họ không cần gây ý thức dân tộc. Qua bao nhiêu lần đổi chủ, các vương quốc hợp rồi lại tan, những sắc dân đa tạp ở Vân Nam hay Lưỡng Quảng không nuôi được một ý thức dân tộc. Họ không đủ thời gian lâu dài để chia sẻ chung một quá khứ; mà họ cũng không được tự do để nghĩ đến việc xây dựng một tương lai chung; hai điều kiện của Renan.

Các dân tộc cần một vùng đất vừa đủ khép kín để tự xác định như một di sản, và cần thời gian đủ dài để có cơ hội nuôi dưỡng tinh thần liên đới, gây ý thức tập thể. Ý thức dân tộc phải có cơ hội được nung nấu cho chín mùi trong nhiều thế kỷ. Tổ tiên người Việt Nam may mắn có thời gian, không gian và cơ hội nuôi dưỡng những ý tưởng như vậy.

Người Việt sống trong môi trường và hoàn cảnh khác dân các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Dân Việt tương đối thuần nhất hơn, địa bàn sống vừa nhỏ, chung quanh núi rừng cùng biển cả ngăn cách và bảo vệ. Trong một ngàn năm Bắc thuộc có rất nhiều thời kỳ người Việt được sống tách riêng ra khỏi đế quốc Trung Hoa; nhưng các anh hùng lập quốc ở nước ta, từ Lý Bôn cho tới Ngô Quyền, thường khiêm tốn, an phận hơn. Họ không nuôi tham vọng bên ngoài địa giới nước mình, cho tới các đời sau cũng vậy. Thử tưởng tượng nếu các vị vua đầu triều đại nhà Tiền Lê, nhà Lý, sau khi đánh đuổi được quân nhà Tống mà lại muốn chiếm luôn châu Ung, châu Liêm hay một vùng phía dưới Vân Nam để tạo thành một quốc gia lớn hơn, thì chắc số phận dân Việt phải khác. Họ không có tham vọng đó vì những người đi trước, từ Lý Bôn đến Ngô Quyền đã như vậy. Có phải vì các vị anh hùng nước ta không có cao vọng bằng các “hảo hán” phương Bắc hay không? Có phải vì họ quen sống lối “nhà quê, dân tỉnh lẻ,” nên không dám nuôi mộng lớn hay không? Có thể. Nhưng tại sao các anh hùng người Việt lại khiêm tốn như thế? Cái gì tạo cho họ thói quen này, từ thời Lý Bôn đến Ngô Quyền vẫn không đổi?

Người Việt Nam còn nhớ câu Trần Bình Trọng nói: “Thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương ở đất Bắc.” Lời nói này biểu lộ một thứ tình cảm gắn chặt với mảnh đất mình đang sống. Làm vương đất Bắc là một vinh dự nhiều người thèm muốn. Là một hứa hẹn thăng tiến hiếm có trong đời; đáng lẽ ai cũng phải ham. Các anh hùng hào kiệt nước ta không nuôi tham vọng đó. Vì trong lòng, họ chỉ muốn dính liền với làng xóm, với gia đình, nơi chôn nhau cắt rún. Với mồ mả tổ tiên và những người ruột thịt.

Chúng ta có thể đoán sau khi đã cùng sống trong hoạn nạn chung qua nhiều thế kỷ, một thứ tình “yêu nước thương nòi” đã được nung nấu; là mầm mống cho tình tự và ý thức dân tộc. Các vị anh hùng “cứu nước” như Thánh Gióng, Bà Triệu, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, cả Lữ Gia, đều được dân lập đền thờ. Các nữ tướng của Hai Bà Trưng được tôn làm thần hoàng; một ông tướng Lý Phục Man thời Lý Bôn được nhiều làng thờ phụng. Đó là những chứng tích của một ký ức tập thể xây dựng trong ngàn năm Bắc thuộc, tạo nên một cộng đồng dân tộc.

Nhờ ý thức dân tộc và ý chí tự chủ được rèn luyện trong ngàn năm Bắc thuộc, sau này dân Việt Nam tiếp tục giữ tinh thần quật cường, bất khuất; cho nên Vương Thông, viên chỉ huy quân Minh xâm chiếm nước ta vào thế kỷ 15 đã từng viết mật báo về triều đình, nói thật rằng xem tình hình nước Nam thì, “Có chiếm được cũng không giữ nổi” (Túng đắc chi, bất khả thủ chi – Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kỷ Nhà Lê).

Trong một ngàn năm, người dân Việt sẵn sàng đứng lên trong những cuộc vận động, tranh đấu đòi tự chủ, trước hết là vì không chịu nổi ách đô hộ của người phương Bắc. Họ hy vọng nếu chống xâm lăng hoặc lật đổ cường quyền thì có thể thay đổi cuộc sống của những người cùng máu mủ. Sau nhiều thế kỷ, ý thức này được nuôi dưỡng đưa tới quyết tâm phải tách riêng. Họ tin tưởng rằng mình có khả năng thực hiện ước vọng này vì theo kinh nghiệm của các giai đoạn tự chủ ngắn hạn, dân Giao Châu đã từng sống tự lập. Những cuộc nổi dậy thành công trong một thời gian kéo dài cả một thế hệ, cũng như những giai đoạn mà Giao Châu sống dưới các viên quan tự trị, bình an không bị triều đình phương Bắc can thiệp, đã tích tụ thành những kinh nghiệm sống được lưu giữ trong ký ức chung, gieo rắc niềm hy vọng xây dựng một quốc gia độc lập. Ý chí tự lập được nung nấu qua nhiều thế hệ đã dẫn tới nước Việt Nam độc lập vào thế kỷ thứ mười.

Sunday, February 14, 2021

THE LOVE OF OUR PARENTS - Chuyện Tình Ba Mẹ



Ba đi Lễ Phật đầu năm


THE LOVE OF OUR PARENTS

Between life and death
Love is still perfect—
A lifetime of faithfulness.


Chuyện Tình Ba Mẹ

Giữa âm và dương
Tình yêu trọn vẹn
Suốt đời thuỷ chung.

Saturday, February 13, 2021

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Đọc Thơ Trần Nhân Tông Qua Bản Dịch Của Nguyễn Lương Vỵ

 


Dịch thơ vốn là chuyện khó. Dịch thơ chữ Hán của một đại thiền sư khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử tại Việt Nam là Tổ Sư Trần Nhân Tông (1258-1308) lại còn vô vàn khó khăn hơn nữa, bởi vì thơ chữ Hán của Thiền Sư Trần Nhân Tông ngoài phẩm chất văn chương trác việt còn chứa đựng nội dung uyên áo của Thiền, của Phật Pháp.

Nhưng nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã làm được chuyện khó khăn này một cách rất tuyệt diệu trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông” vừa được nhà sách Amazon phát hành vào đầu tháng 5 năm 2017.

Không ngờ nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ lại rành chữ Hán đến thế! Trước giờ chỉ biết anh làm thơ hay và dĩ nhiên rành từ Hán Việt, nhưng không biết anh giỏi chữ Hán. Nhân đọc tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông,” mới tò mò dọ hỏi về duyên do vốn liếng chữ Hán mà anh có. Anh kể cho nghe thời thơ ấu sống với ông nội là một nhà Nho nên được ông cụ dạy chữ Hán từ nhỏ. Rồi khi lớn lên vào Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 75 lại có dịp văn ôn võ luyện nên mới thành thạo.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ cho biết từ lâu anh rất hâm mộ nhân cách siêu việt và cũng rất mê thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông cho nên, không những dịch 36 bài thơ chữ Hán của ngài, anh còn viết một bài giới thiệu dài gần 60 trang sách về những bài thơ, phú của ngài.

Trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông,” nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ làm việc rất công phu và khoa học. Mỗi bài thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông anh đều có phần nguyên văn chữ Hán, dịch âm sang Hán Việt, dịch nghĩa bài thơ, phỏng dịch thơ theo thể loại từng bài thơ, và còn có phần ghi chú công phu về điển tích và thuật ngữ để giúp người đọc hiểu rõ hơn.

Khi dịch thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông sang tiếng Việt, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã làm được điều hiếm có là anh đã dịch sang chữ Việt hiện đại hoàn toàn chứ không còn giữ nhiều từ Hán Việt, trừ vài trường hợp là những thuật ngữ Phật Học đã thông dụng, cho nên làm người đọc rất dễ hiểu nội dung của bài thơ. Điều này phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay khi mà ngày càng có ít người Việt có thể đọc và hiểu được chữ Hán để thẩm thấu được tinh hoa của nền văn hóa và văn học cổ nước nhà.

Nhờ vốn là nhà thơ đã xuất bản hàng chục thi phẩm, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã dịch thơ và lột tả được ý nghĩa trọn vẹn của nó từ bố cục, âm luật cho đến tứ thơ theo từng thể loại của nguyên tác, gồm những bài thơ “ngũ ngôn tứ tuyệt (năm chữ bốn câu),” “thất ngôn tứ tuyệt (bảy chữ bốn câu),” hay “thất ngôn bát cú (bảy chữ tám câu).”

Xin đọc vài bài thơ trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông” để cống hiến cho độc giả thưởng lãm văn chương của Trần Nhân Tông và tài dịch thơ của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.

Trước hết là bài “Lạng Châu Vãn Cảnh”. Bài này được Vua Trần Nhân Tông cảm tác khi đến thăm một ngôi chùa cổ tại Lạng Châu ở tỉnh Lạng Sơn thuộc miền Bắc Việt Nam. Nguyên tác chữ Hán của bài thơ như thế này:
Cổ tự thê lương thu ái ngoại,
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá,
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ.

Nguyễn Lương Vỵ dịch nghĩa:
Cảnh Chiều Ở Châu Lạng
Ngôi chùa xưa sầu hiu hắt sau lớp mây khói mùa thu,
Chiếc thuyền câu cá buồn bã hiu quạnh, tiếng chuông chùa buổi chiều bắt đầu vang lên.
Nước trong veo, núi yên tĩnh, chim âu trắng bay qua, Gió lặng yên, mây nhàn nhã, cây lơ thơ sắc lá đỏ.

Dịch thơ:
Chùa xưa sầu ngất, mây thu nhuốm,
Thuyền cá buồn tênh, chuông chiều rơi.
Núi tạnh nước trong, âu trắng lượn,
Gió lặng mây nhàn, lá đỏ phơi.

Thiền Sư Trần Nhân Tông đến thăm chùa vào một buổi chiều vắng vẻ chỉ có tiếng chuông chùa len lén ngân vang trong gió lặng, mặt nước sông yên tĩnh và đàn chim trắng bay lượn, với những chiếc lá thay màu đỏ rực. Phong cảnh thật là đẹp! Bản dịch Việt của Nguyễn Lương Vỵ dùng chữ rất giản dị nhưng trong đó có màu sắc của họa, có âm giai của nhạc, và có cả cõi lòng sâu thẳm của khách viếng chùa. Tuyệt diệu nhất là hai câu đầu:
Chùa xưa sầu ngất, mây thu nhuốm
Thuyền cá buồn tênh, chuông chiều rơi.

Ở câu đầu, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dùng vần trắc “ngất,” “nhuốm” để miêu tả nỗi quạnh hiu cao chất ngất của chốn sơn môn tịch mịch. Rồi câu kế, khi nghe tiếng chuông chùa ngân lên thì dịch giả lại dùng chữ vần bằng “tênh,” “rơi” để diễn tả tâm trạng trầm buồn theo tiếng chuông chùa rơi.

Bài thơ dài nhất trong cuốn “Thơ Trần Nhân Tông” là bài “Hữu Cú Vô Cú” (Câu Có Câu Không), với 9 đoạn và mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu 4 chữ, tổng cộng 36 câu. Bài thơ, đúng ra là bài kệ, vì chứa đựng lời dạy khai thị bản chất duyên sinh vô tánh của ngôn ngữ và tất cả các pháp để giúp người siêu việt đối đãi nhị nguyên và vọng chấp có không.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ rất tâm đắc bài kệ “Hữu Cú Vô Cú” này vì ông cho rằng đây là bài kệ quan trọng trong các bài thơ của Trần Nhân Tông. Bởi thế ông đã dành gần chục trang trong bài giới thiệu về thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông để nói về bài kệ này. Đặc biệt là 2 đoạn kệ sau đây:
Hữu cú vô cú,
Tự cổ tự kim.
Chấp chỉ vong nguyệt,
Bình địa lục trầm.
Hữu cú vô cú,

Như thị như thị.
Bát tự đả khai,
Toàn vô ba tị.

Nguyễn Lương Vỵ đã dịch rằng:
Câu Có câu Không.
Xưa nay vậy đó.
Nhớ ngón quên trăng,
Vùi thây đất nọ.
Câu Có câu Không,

Vậy đó vậy đó.
Tám chữ mở tung,
Còn gì để nói?!

Bài kệ đầu đề cập đến tích nhà Phật ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay là phương tiện là Phật Pháp. Mặt trăng là chân tâm, là niết bàn. Nếu cứ dán mắt vào ngón tay thì sẽ không thể nào thấy được mặt trăng. Cũng vậy nếu chấp vào có và không thì sẽ không thể nào buông xả mọi pháp để đắc đạo. Bài kệ kế tiếp có nói đến tích tám chữ mở tung (bát tự đả khai – sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc – sinh diệt hết rồi, vắng lặng là vui) để nói đến sự vượt thoát sinh diệt để chứng nhập niết bàn tịch diệt. Dùng chữ “mở tung” để diễn tả trạng thái bùng vỡ và siêu thoát lên mọi thứ sinh diệt, thì thật là hay.

Bài thơ số 36 cũng là bài thơ cuối cùng trong tập sách “Thơ Trần Nhân Tông” mà nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ trích dịch là một bài thi kệ trích từ bài phú nổi tiếng “Cư Trần Lạc Đạo” của Thiền Sư Trần Nhân Tông. Bài thi kệ này cũng là pháp ấn tâm yếu của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dịch rằng:
Ở đời vui đạo, cứ tùy duyên,
Đói phải ăn thôi, mệt ngủ liền.
Của quý trong nhà, tìm đâu nữa,
Vô tâm đối cảnh, hỏi chi thiền?!

Bản dịch Việt lời lẽ rất bình dân giản dị đọc qua ai cũng hiểu, nhưng vẫn không đánh mất ý chỉ cốt lõi của Thiền Sư Trần Nhân Tông muốn dạy người tu. Cốt tủy ở đây chính là “đối cảnh vô tâm.”

Chữ “vô tâm” rất khó dịch. Nên xưa nay các nhà dịch đều để nguyên như vậy. Hơn nữa chữ này cũng đã Việt hóa rồi. Đọc qua ai cũng hiểu được phần nào ý nghĩa của nó. Chữ này có thể dịch là “tâm không,” tức là tâm rỗng lặng, không vướng mắc thứ gì, dù rất tỉnh giác, chứ không mơ hồ, mông muội. Vô tâm ở đây chính là tâm không dính mắc vào trần cảnh lúc tiếp xúc, giống như gió thổi qua nhà trống, mây bay thong dong trên bầu trời. Mọi trói buộc đều bắt đầu từ chỗ dính mắc, chấp trước. Cho nên, đức Phật dạy trong Kinh Kim Cang Bát Nhã rằng, “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Tức là tâm không trụ trước, không dính mắc đối với tất cả pháp. Có thể đạt được vậy bởi vì nhờ trí tuệ Bát Nhã quán chiếu tất cả pháp đều do duyên sinh, không có tự tánh, không có ngã, không có chủ thể. Tâm cũng thế, cũng rỗng rang không tự tánh, không có ngã. Tu được như vậy thì sống ở đâu cũng an lạc, không khổ. Ở đâu cũng là niết bàn. Đó chính là của quý trong nhà rồi còn gì. Đi tìm đâu cho xa. Nhưng làm được thì không dễ!

Giữa thời đại mọi người đang chạy theo những tiện nghi của nền văn minh vật chất hiện đại, hầu như, ít có người còn nhớ tới di sản văn hóa, văn học vô giá của tiền nhân, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã tận tụy ngồi dịch từng bài thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông là một việc làm nhiều ý nghĩa, lợi lạc và đáng tán dương.

Một dân tộc mà di sản văn hóa, văn học và tư tưởng bị lãng quên thì dân tộc đó có thể đánh mất quá khứ, đánh mất ký ức, đánh mất truyền thống cao đẹp nghìn năm của mình! Nhất là di sản đó của một vị minh quân của dân tộc đã từng 2 lần đánh bại quân Nguyên Mông xâm lăng Nước Đại Việt thời Nhà Trần như Vua Trần Nhân Tông. Xin cùng nhau giữ gìn di sản vô giá của tiền nhân.

Tri ân Thiền Sư Trần Nhân Tông.

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.

Bài này chỉ giới thiệu sơ sài đôi nét độc đáo của bản dịch Việt thơ chữ Hán của Trần Nhân Tông. Độc giả muốn thưởng thức trọn vẹn bản dịch Việt thì nên đặt mua sách “Thơ Trần Nhân Tông” của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ ở địa chỉ nhà sách Amazon: http://www.amazon.com

Friday, February 12, 2021

Uyên Nguyên: Khề khà, ngất ngưởng nắng trưa…

 Uyên Nguyên: Khề khà, ngất ngưởng nắng trưa…

nguyen-luong-vyThi sĩ Nguyễn Lương Vỵ (Ảnh: Uyên Nguyên)

Bóng sinh linh ai nườm nượp lướt qua
Ngồi bệt xuống trước hiên nhà vũ trụ
(thơ Nguyễn Lương Vỵ)

 

1.
Buổi trưa trời đầy nắng, bước vào quán cà phê nghệ sĩ ở góc phố Catinat, tôi chợt nhận ra ông, ngồi giữa mấy người bạn văn chương, háo hức trao nhau vài món quà nhỏ, là những tập thơ cũ, mới…

Chừng ba năm trước, nhân lúc nhạc sĩ Nguyễn Quang Vui từ San Jose về Nam Cali chơi, rủ đến, tôi gặp ông lần đầu tại quán nhậu Song Thủy, dáng vẻ lếch thếch, râu tóc trắng toát, xõa dài dưới chiếc nón bere đội nghiêng, lụp xụp. Ông ngồi ngất ngưởng, khề khà.

Đêm đó, tôi chẳng nghe ông nói gì về thơ, kể cả thơ ông. Mọi người ngồi quanh nghe nhạc, nghe anh Vui thổi saxo bản Phôi Pha của Trịnh Công Sơn, và tôi hát. Tuyệt nhiên, đêm đó tôi lại không hề biết người ngồi cạnh mình, đích thực, là một Thi Sĩ.

Dạo trước, tôi biết có một bài thơ hay từng đăng trên nguyệt san Khởi Hành của Chú Viên Linh, và tạp chí văn chương mạng Da Màu, có tựa: “nhân đọc huyền thoại Duy Ma Cật”. Âm điệu bài thơ rêm rêm, thâm âm thâm u, vang vang, bay. Nghe huyễn hoặc, ma quái, đến một lúc thình lình, ngôn ngữ của mỗi bài thơ như chính tác giả nói, bỗng, ‘mút hết tủy, tự hủy…

Tên tác giả của bài thơ này là Nguyễn Lương Vỵ, nhưng tuyệt, lúc này tôi vẫn không liên tưởng, nhớ ra, nhà thơ này lại là con người lếch thếch, râu tóc trắng toát, khề khà ngất ngưởng ngồi cạnh mình dưới ánh đèn mờ tối hôm nào.

2.
Trưa nay, tôi nhận ra nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, nhờ hồi đó có dịp nhìn được tấm ảnh ông quàng vai thân mật với tác giả “huyền thoại Duy Ma Cật”, thầy Tuệ Sỹ, chụp tại am Thị Ngạn. Ông đang ngồi giữa trưa lún phún nắng, bên chiếc bàn tròn. Tôi tạt ngang chào rồi gởi ông quyển sách vừa mới xuất bản, kèm thêm số báo Hoa Ðàm do mình chủ trương, có đăng lại bài thơ kể trên. Ông thân mật đề tặng cho một quyển thơ vừa trình làng, “Huyết Âm”.

Vẫn tuyệt, lúc bấy giờ tôi cũng chưa thể nhớ hết chuyện cũ.

Trong lúc hí hoáy viết mấy lời đề tặng, ông nhắc: “hồi đó ngồi với Vui ở quán Song Thủy, nhớ không?”. Tôi giật mình, thì ra nhà thơ, và ông già sọm râu tóc bạc phơ đội chiếc nón bere lụp sụp là một, là Nguyễn Lương Vỵ, thế thì đọc thơ ông khoái thật! Như lúc ngồi nhậu dù chưa biết ông là ai, say ngất ngưởng, vẫn đã như thường!

“Mần thơ mần chi? A ha ha…” – (NLV)

3.
Trong vô tận, thơ ông là những ‘hạt máu nóng cất tiếng nóiồn ào thiên cao, mỗi kiếp chữ cháy rừng rựcrợn buốt xương tủy,’ mà lúc ngồi cạnh, thì nom là một ông già tóc, râu trắng bệch bạc, ngất ngưởng khề khà… khề khà… khề khà…!

*

Bài thơ:

Nhân đọc huyền thoại Duy Ma Cật (*)
của Nguyễn Lương Vỵ, gửi Tuệ Sỹ


(Phải đâu huyền thoại?!
Tĩnh tịch sấm rền
Trời cuối Thu nghe một thời kinh trong giọt nắng
Hỏi thăm chùa Già Lam: Thầy ở đâu?
Dáng gầy rạng rỡ hiện ra
Chiều âm bản dưới lầu
Bướm gáy rất xanh trong lòng tay
Mắt chớp rất xanh trong bể dâu)

Sở thuyết búng huyết nở trắng hết
Ngàn thâu mưa tràn bâu y nâu
Mỗi giọt mỗi kiếp sống nhớ chết
Đi chơi về chơi gò bông lau

Sở thuyết búp tuyết đỏ đáy vực
Rêm rêm âm âm vang vang bay
Mỗi chữ mỗi kiếp cháy sáng rực
Thâm âm thâm u từ lâu nay

Sở thuyết dấu nguyệt biếc đỉnh núi
Bông mây bông trời trôi mênh mang
Tịnh xứ tịnh xá lạy hạt bụi
Nhìn lâu nghe lâu chuông hoàng lan

Sở thuyết cửa huyệt gió chín cõi
Không đầu không đuôi trôi và trôi
Tủy buốt máu nóng cất tiếng nói
La thầm: Mồ-Ma-Người rồi thôi!!!

(Phải đâu huyền thoại?!
Chớp tắt thinh không
Đầu lưỡi vẫn còn tê câu thơ Lý Hạ(**)
Thầy rù rì kể chuyện Duy Ma Cật
Moi hết ruột gan vũ trụ
Đêm nhương sao ươm hạt
Nhạc nhú mầm trong những đốt xương)…

Kính cẩn tái bút:
Ngồi đây kinh âm đầy trong tai
Tịch mặc mắt ráo hoảnh lặng ngắt
Người quên? Ta quên? Ai quên ai?!
Chỉ thấy gió nở vạn thuở …tắt

Ngồi đây mà sao như chiêm bao
Huyễn hoặc giếng cạn gọi biển lớn
Huyền thi huyền ngôn ồn thiên cao
Cớ sự? Sống nhớ chết phải…rống

Ngồi đây ôm vai ma mà ca
Chẳng hối chẳng tiếc chỉ tự hỏi
Mần thơ mần chi? A ha ha
Chữ nghĩa mút hết tủy tự hủy!!!

Ngồi đây ngay lưng nhìn xưa sau
Nín bặt búng huyết tuyết lịch kiếp
Quên chưa? Mưa hoa người đi đâu?!
Chưa quên. Hương Già Lam dài lâu…

Nguyễn Lương Vỵ
Sài Gòn – Quận Cam, 11.2007

(*) Tác phẩm của Tuệ Sỹ
(**) Thi sỹ Trung quốc, đời nhà Đường, được xưng tụng là Quỷ Thi

 TUYẾT TRẦM ÐÀN
Thơ: Nguyễn Lương Vỵ – Nhạc: Lại Tôn Dũng

Tuesday, February 2, 2021

Nguyên Giác: Đọc “Phật Điển Phổ Thông: Dẫn Vào Tuệ Giác Phật”

 Đọc “Phật Điển Phổ Thông: Dẫn Vào Tuệ Giác Phật”

Nguyên Giác

Bìa sách “Dẫn Vào Tuệ Giác Phật” (Photo: sachhuongtich.com)


Ấn phẩm “Phật Điển Phổ Thông: Dẫn Vào Tuệ Giác Phật” (DVTGP) là tuyển tập Kinh và luận ghi từ 3 truyền thống: Thượng Tọa Bộ, Đại Thừa, Kim Cang Thừa. Sách dày 850 trang, chữ nhỏ. Do vậy, khi viết bài này, dù nói là “đọc sách” hay nói là “giới thiệu sách” cũng chỉ là mạo phạm. Cũng y hệt như vào một thư viện Phật học khổng lồ, và tự biết rằng sức người chỉ có thể đọc một phần rất nhỏ, nơi một góc các kệ sách thư viện. Người viết tự biết là không dễ để viết về ấn phẩm này, dù là với nhiệt tâm muốn mời gọi độc giả tìm đọc, để thỉnh ấn phẩm này. Đúng ra, những dòng chữ này xin là “vài suy nghĩ rời” về một ấn phẩm rất cần thiết cho người học Phật.

Phản ứng đầu tiên là giựt mình, khi nhìn thấy tác phẩm quý giá này chỉ “in 1000 cuốn, khổ 12X20 cm tại Xí nghiệp In Fahasa” – tại sao in quá ít như thế, đó là điều rất khó hiểu. Người viết ước mơ rằng sách này nên in vài chục triệu ấn bản, trao tặng tất cả Phật Tử và những người quan tâm về Phật học. Tuyển tập Phật Điển này để đọc một đời, không chỉ để đọc trong một tuần, một tháng hay một năm.

Một điểm nữa, nói “đọc” hay “giới thiệu” sách Phật Điển chỉ là nói theo kiểu ngôn ngữ phàm trần. Bản thân mình có tư cách gì mà làm như thế. Nơi đây, chỉ là lạm dụng ngôn ngữ thôi. Bởi vì Kinh là Lời của Phật, làm sao mình dám làm như khi gặp các tác phẩm truyện hay thơ trong đời thường. Tuy nhiên, nếu lặng lẽ chắp tay, đặt bộ Phật Điển này lên bàn thờ thì lại có lỗi khác, vì không quảng diễn một vài điểm có thể lợi ích cho một số độc giả.

Thêm nữa, đâu có phải chỉ đọc một tuần hay một tháng là xong. Kinh Phật đôi khi có những kinh rất ngắn, mà phải đọc trọn đời. Đó là chưa kể, có những kinh hướng dẫn tu tập, ngay cả các kinh quen thuộc, tu vẫn là cả một đời, như Từ và Bi nơi trang 486, như Chỉ và Quán nơi trang 527, như Bốn Niệm Trụ (thường dịch là Tứ Niệm Xứ) nơi trang 531, Niệm Hơi Thở nơi trang 538, hay Quán Vô Ngã nơi trang 660 là pháp tu trọn đời --- không chỉ để đọc hay để tụng, vì đọc tụng thì không vào sâu được. Nói chung, ấn phẩm DVTGP là cuốn sách với trang nào cũng cần đọc, với dòng chữ nào cũng cần trân trọng.

Sách “Phật Điển Phổ Thông: Dẫn Vào Tuệ Giác Phật” thực hiện với Chủ biên bản dịch Việt là Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ, ấn hành do Hương Tích và NXB Hồng Đức. Sách này là một dự án của Hội Đồng Vesak Quốc Tế, đặt tại Đại Học MCU của Thái Lan. Kết tập và soạn tập sách này là nhiều Biên tập viên và dịch giả quốc tế. Trong đó, phía người Việt có Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, GS TS Lê Mạnh Thát, và GSTS Thích Nhật Từ. Biên tập viên và dịch giả tiếng Việt, với Tổng biên tập là Thầy Thích Tuệ Sỹ, và các vị phiên dịch là: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền Cư sỹ, Nguyễn Quốc Bình.

Duyên khởi sách này là từ Hội nghị lần thứ nhất của Hội Đồng Tăng già Thế Giới tại Colombo năm 1967, một số khoảng 20 học giả Phật Giáo tuyển chọn từ ba truyền thống Phật Giáo đảm trách dự án này. Trưởng Biên tập là Hòa Thượng GS TS Phra Brahmapundit viết, “Trong suốt bảy năm, ủy ban biên soạn đã tổ chức không dưới 20 hội thảo chuyên đề tại MCU để phát huy nhận thức và triển khai phương án cụ thể. Khoảng 490 trích đoạn từ các kinh điển và các luận thư hậu kỳ cùng với các sở thích của ba truyền thống Phật giáo được tuyển dịch trong tác phẩm này hợp đồng giới thiệu những gì Đức Phật đã thuyết…” (DVTGP, trang 10)

Như thế, sách này có thể gọi là đầy đủ các cốt tủy của Phật Học. Độc giả có thể thỉnh sách này ở:

Thư Quán Hương Tích,

308/12 Nguyễn Thượng Hiền,

P.5, Quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Phone: (28) 35500339 hay email: huongtichbooks@gmail.com

Cuốn sách này mênh mông như thế, biết làm sao viết một bài mà giới thiệu được? Do vậy, nơi đây sẽ chỉ nêu lên một truyền thuyết thường được nhắc tới trong Thiền Tông, và in lại trong sách DVTGP ở trang 749. Đề mục này trong sách là “M.165 Ca-diếp ngộ chỉ niêm hoa vi tiếu, thành Sơ tổ Thiền tông.”

Chữ M.165 là viết tắt chữ “Mahayana.165” tức là, “Kinh hay luận trong truyền thống Đại thừa, thứ tự mục số 165.” Tương tự, Th. là viết tắt Theravada, tức là Thượng Tọa Bộ, có khi quen gọi là Nam Tông. Trong sách này truyền thống Kim Cang Thừa viết tắt là V., nhiều Phật tử còn quen gọi là Phật Giáo Tây Tạng. 

Trong M.165 kể về một thiền thoại như sau:

Đức Thế Tôn niêm hoa: Một lần, trên đỉnh Linh Thứu, đức Thế Tôn đưa lên một cành hoa trước đại chúng. Mọi người bấy giờ đều im lặng, chỉ có tôn giả Ca-diếp mỉm cười. Đức Thế Tôn bảo: “Ta có pháp môn vi diệu, là kho tàng con mắt Chánh Pháp (Chánh Pháp nhãn tạng), tâm vi diệu Niết-bàn (Niết-bàn diệu tâm), vô tướng của thật tướng (thật tướng vô tướng), không lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, nay đem giao phó cho Đại Ca-diếp.” (DVTGP, trang 749) 

Đoạn văn trên cũng là trích dịch từ Vô Môn Quan, một tác phẩm của Thiền Tông Trung Hoa, được nhiều người dịch sang tiếng Việt.

Như vậy, Đức Phật truyền cái gì cho ngài Ca-diếp? Pháp môn vi diệu này là gì? Bông hoa đưa lên là có tướng bông hoa, sao gọi là vô tướng của thật tướng và sao lại liên hệ gì tới “Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm”? Có ai thấy ngài Ca-diếp  thò tay ra để nhận pháp hay nhận y bát gì đâu, mà chỉ được kể là mỉm cười thôi?

Hình như (xin dè dặt nói là, hình như) thiền thoại này không được ghi lại trong Tạng Pali, và hình như cũng không ghi trong Tạng A Hàm. Như thế, nghĩa thực của thiền thoại “niêm hoa vi tiếu” là gì.

Trong cương vị của một người hoàn toàn không có thẩm quyền gì, nơi đây xin mạn phép trả lời rằng: ngay ở cái ngó thấy hoa đó, tự thân đã là Niết-bàn, đã lìa tham sân si. Ngay ở cái “thấy hoa” đã là cảnh giới mà Kinh Tứ Thập Nhị Chương gọi là “vô tu, vô chứng” --- nghĩa là, nếu ở cái thấy đó, mà còn tu hay còn mài giũa thì là hỏng, hay nơi cái thấy đó mà còn vin vào chỗ nào gọi là chứng thì cũng hỏng.  Bởi vì ngay ở cái thấy đó, tự thân là giải thoát rồi. Chính ngay khi đó, nói bằng ngôn ngữ khái quát hóa, thì ngài Ca-diếp đã “thấy cái vô tướng và nghe cái vô thanh.”   Bởi vì ngài “thấy cái vô tướng” nên “tướng hoa” mới hiện lên, và vì “nghe cái vô thanh” nên “lời Đức Phật” mới vọng tới. Chính ngay đó là giải thoát. Hễ làm gì khác cho cái thấy đó, cho cái nghe đó đều là hỏng.

Có rất nhiều nhân duyên để hình thành ra một cái “thấy hoa”  và “nghe lời Đức Phật” như thế. Có ngọn núi Linh Thứu, có Đức Phật đưa tay cầm hoa lên, có hội chúng vân tập trong đó ngài Ca-diếp tới nghe lời Đức Phật thuyết kinh, có cái được thấy và có cái được nghe, nhưng thực sự không có ai thấy và không có ai nghe, vì tìm hoài, tìm khắp cả ngoại xứ (khắp núi đồi cây cỏ chúng hội…) và nội xứ (khắp thân tâm, gan tim phèo phổi…) cũng  không tìm ra cái gì là chủ thể của cái thấy và nghe. Trong khi đó, ngọn gió vô thường chảy xiết, tất cả những hình ảnh (được thấy) và những âm thanh (được nghe) liên tục biến đổi. Trong những hình ảnh được thấy (như thấy hoa, thấy tay Đức Phật đưa hoa lên) và những âm thanh (như nghe giọng Đức Phật nói) hễ ngài Ca-diếp nghĩ là phải mài giũa, phải tu gì nữa, thì sẽ là hỏng, vì chỉ là “bám víu cái niệm của quá khứ” hay chỉ là “mơ tưởng cái niệm của tương lai” hay chỉ là “níu kéo cảm thọ khoan khoái khi nghe Đức Phật khen” đều là hỏng. Ngài nhận ra ngay trong “cái thấy, cái nghe” tự thân đã lìa thủ với xả, vì hễ cố ý thủ với xả là tức khắc không còn là “cái thấy, cái nghe” mà nó đã hiện ra “cái tôi muốn hay cái tôi không muốn” --  và là tham sân hiện ra.

Nghĩa là, khi pháp hiện lên rồi biến mất, tất cả những cái thấy (và cái được thấy) và tất cả những cái nghe (và cái được nghe) đều không hề có gì là “tôi” và “của tôi.” Đó là chỗ trong Thiền sử, khi một bà cụ hỏi sư Đức Sơn rằng: “Kinh Kim Cang nói quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, xin hỏi Thượng tọa điểm tâm nào?” Thế là nhà sư trả lời không được. Thế nhưng, nụ cười của ngài Ca-diếp được Đức Phật khen ngợi, vì thấy được và sống được với “tâm không chỗ nào để trụ.”

Trong cái thấy, cái nghe đó, toàn bộ quá khứ, vị lai và hiện tại đều bất khả đắc. Hễ đắc gì đều là trật nhịp ra ngoài Niết-bàn diệu tâm. Vì trong Pháp tánh Duyên khởi, tất cả đều là rỗng rang, là Tánh không. Nơi đây, để lấy cái “thấy hoa” ra đối chiếu, trong mục “M.16 Pháp siêu việt ngôn ngữ” ở sách DVTGP trang 268, trích như sau: 

Pháp không dao động, vì không y chỉ sáu xứ. Pháp không đến, không đi, vì không sở trụ. Pháp thuận hợp Không, tùy hiện Vô tướng, ứng hợp Vô nguyện, vì viễn ly tăng giảm. Pháp không thủ xả vì viễn ly sanh diệt…”

Tương tự, có thể đối chiếu “cái thấy, cái nghe” của ngài Ca-diếp với mục “M.63 Duyên khởi và trung đạo II” nơi trang 423, trích: 

Này Vô Biên Trang Nghiêm, các ông, những bậc trí giả, nên biết như vầy, tướng chân thật của tất cả pháp là không đến, không đi, không phân chia, không gián đoạn, không đồng nhất tánh, không dị biệt tánh, đến bờ kia cao nhất của hết thảy pháp. Không có bất cứ pháp nào mà không đến bờ kia. Đến bờ kia chính là Niết-bàn. Chân thật tướng của các pháp là Niết-bàn. Vì vậy, nên biết, là bất khả thuyết.”

 Chúng ta cũng có thể níu áo ngài Ca-diếp bằng một số kinh khác. Thí dụ, như Kinh Bahiya, khi Đức Phật dạy rằng hãy để cái được thấy, được nghe, được tri giác… là cái được thấy, được nghe, được tri giác… thì ngay nơi đó, không còn sinh tử luân hồi nào trói buộc nửa.  Nghĩa là, tự thân, thấy nghe hay biết đã là giải thoát. 

Ngài Huệ Năng cũng dạy cho ngài Huệ Minh y hệt như thế: “Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Nghĩa là, khi bông hoa của Đức Phật đưa lên, nếu ngài Ca-diếp (và chúng ta) còn nghĩ ngợi bất cứ gì thì ngay khi đó, hoa không còn là hoa đang hiển lộ trong cái gương tâm tinh khôi của ngài Ca-diếp (và của chúng ta). Ngay khi hoa đưa lên, nếu chợt khởi tâm muốn hoa phải thế này, phải thế kia… thì không còn là “cái hoa đang là” mà là đã, đang và sẽ biến thành một “cái hoa trong ý chí ảo tưởng” của người đối diện.

Có thể dẫn một kinh khác để thấy hoa. Kinh ghi rằng một Thiên nữ hiện ra, hỏi Đức Phật rằng làm cách nào vượt khỏi bộc lưu. Ý là, làm sao thoát dòng sông của nghiệp lực. Chúng ta sống trên đời, sinh già bệnh chết, đi đứng nằm ngồi đều là do nghiệp thúc đẩy. Bấy giờ, Đức Phật trả lời: “Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu. Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.”

Hình ảnh trên dòng sông nghiệp có thể giải thích về cái nhìn “thấy hoa” của ngài Ca-diếp. Nếu khởi tâm “thấy không phải là thấy” hay khởi tâm “nghe không phải là nghe” mà là muốn bước tới,  tức là muốn nắm giữ hay muốn kình chống, tức là “thấy hoa phải là cái gì khác” thì sẽ chìm. Nhưng nếu nói rằng cứ đứng lại thì là sẽ bị dòng sông nghiệp kéo chìm (vì chúng ta luôn luôn bị nghiệp thúc đẩy, cho tới khi bức màn vô minh, tức là nghiệp si vén lên). Do vậy, “không đứng lại, không bước tới” là cái tỉnh thức của thấy nghe hay biết, và là xa lìa cả tâm ba thời quá khứ, vị lai, hiện tại, tức là cái nhìn của tâm vô tâm, hoàn toàn vô sở trụ, không trụ vào ba thời, không trụ vào năm uẩn… 

Đó mới đúng là cái “thấy hoa” của ngài Ca-diếp. Trong cái thấy đó, hiển lộ trong gương tâm không hơn và không kém, không tới và không lùi, một vị bình đẳng; hễ ai thấy và nghe mà cứ khởi dị tâm thì tức khắc gương tâm không còn “thấy hoa” mà chỉ là “thấy cái tâm mình muốn hoa phải là, hay thấy cái tâm mình muốn hoa không là” và thế là sẽ hiện ra sáu cõi mịt mù phiền não. Như vậy, chỉ trong một “cái thấy” và “cái nghe” là có thể thấy tận Khổ Tập Diệt Đạo.  

Sách DVTGP nơi mục M.66, trang 426 ghi: “…đối với thế gian vô thường bịnh hoạn mà chứng đắc thường trụ Niết-bàn; đối với thế gian không được che chở, không nương tựa mà che chở và làm nơi nương tựa. Vì sao? Vì pháp không có hơn kém mà chứng đắc Niết-bàn; vì trí tuệ bình đẳng mà chứng đắc Niết-bàn; vì giải thoát bình đẳng mà chứng đắc  Niết-bàn; vì thanh tịnh bình đẳng mà chứng đắc Niết-bàn. Cho nên Niết-bàn chỉ có một vị, vị bình đẳng, gọi là vị giải thoát.”

Khi đã hiểu đạo, sẽ thấy tất cả các tông phái xuyên suốt nhau, không ngăn ngại, dù là Nam Tông hay Bắc Tông, dù là Thiền Tông hay Bát Nhã, dù là Duy Thức hay Hoa Nghiêm, và vân vân. Cách nói khác nhau, nhưng đều chỉ về một vị giải thoát.

Thí dụ, nơi đây, chúng ta thử nói chuyện “thấy hoa” (như thiền thoại Đức Phật đưa hoa lên và ngài Ca Diếp mỉm cười) hay chuyện “nghe tiếng đàn” (như Kinh Lăng Nghiêm, nói về cội nguồn cái nghe) qua phân tích của Tông Hoa Nghiêm. Trong sách DVTGP, nơi mục “M.150 Kim sư tử chương” ở các trang 652-654) viết về luận này của ngài Pháp Tạng (643-7 12), nhìn thực tại như là pho tượng sư tử vàng hiện lên như “cái được thấy” và chất “vàng” là tánh của các pháp, tức là tướng (sư tử) dựa vào tánh (vàng) để hiển lộ. Không có “tánh vàng” thì không có “tướng sư tử” và  ngược lại. 

Như vậy, hình ảnh hoa là cái được thấy, tiếng đàn là cái được nghe. Do vậy, hoa và nhạc là “tướng” và dựa vào “tánh” là duyên khởi trùng trùng đưa tới “hoa ảnh” và “tiếng đàn.” 

Trong Tạng A Hàm, Kinh SA 1169, Đức Phật dạy về cội gốc của những gì được thấy nghe hay biết đều là do duyên khởi, là rỗng rang, là cạm bẫy sinh tử, chớ nên níu kéo gì hết. Như tiếng đàn, Kinh này viết:

"Này các Tỳ-kheo, thời quá khứ có ông vua nghe tiếng đàn hay chưa từng có được, nên sanh yêu thích, say mê, chìm đắm. Vua hỏi các vị đại thần rằng: ‘Đó là những âm thanh gì mà nghe khả ái quá vậy?’ Đại thần tâu: ‘Tâu bệ hạ, đó là những tiếng đàn.’ Vua nói với đại thần: ‘Khanh hãy đem những âm thanh đó đến đây.’ Đại thần vâng lời, liền đem cây đàn đến tâu: ‘Tâu đại vương, đây chính là cây đàn đã tạo ra âm thanh hay.’ Vua nói đại thần: ‘Ta không cần cây đàn, mà chỉ cần đem những âm thanh khả ái đã nghe lần trước đến.’ Đại thần tâu: ‘Cây đàn này cần phải có nhiều thứ, là phải có cán, có máng, có thùng, có dây, có da và người đàn giỏi. Cần phải hội đủ những nhân duyên này mới thành âm thanh. Nếu thiếu đi những dụng cụ này thì sẽ không có được âm thanh. Âm thanh mà bệ hạ đã nghe trước đây đã qua lâu rồi, chúng đã biến chuyển và cũng đã diệt mất rồi, không thể đem đến được.’..." (Kinh SA 1169. Bản dịch Tuệ Sỹ, Đức Thắng)

Trở lại chuyện sư tử và vàng của Hoa Nghiêm Tông. Như thế, ảnh hoa và tiếng đàn là ví như sư tử, tánh không là ví như vàng. 

Sách DVTGP, trang 653 viết về “1. Minh duyên khởi”: “Cái ta gọi là vàng vốn không có tự tánh, tùy theo duyên thợ công xảo, thời tướng sư tử hiện khởi. Khởi chỉ do duyên, nên nói là duyên khởi.” Như thế, chúng ta thấy, tiếng đàn và ảnh hoa không có tự tánh, tùy duyên khởi mới có tướng là cái được nghe và cái được thấy.

Phần “2. Biện sắc không” nơi cùng trang trên, viết: “Cái ta gọi là ‘sư tử’, tướng của nó là hư, vàng mới là thật. Sư tử không phải có, chất vàng không phải không, do đó nói là sắc (vàng) và không (sư tử). Lại nữa, Không không có tướng riêng, nhưng nó không chướng ngại (sắc) huyễn có. Đây gọi là sắc và không.” Như thế, tướng là hư, tức là ảnh hoa và tiếng đàn (cái được thấy và cái được nghe) là hư, vàng mới là thật, tức là Không tánh, hay Pháp Tánh Duyên khởi tánh mới là thực.

 Tương tự Hiển vô tướng nói, “ngoài vàng không có tướng nào của sư tử mà bắt nắm được. Do đó, nói là vô tướng.” Chúng ta cũng nói, ngoài hoa ảnh và tiếng đàn thì không có tướng nào của Không tánh hiện ra, nên có tướng nhưng thực tướng là vô tướng. 

Tương tự Thuyết vô sanh nói, “Ngay khi thấy sư tử sanh, đó chỉ là vãng sanh. Ngoài vàng, không có một vật gì. Sư tử tuy có sanh diệt, nhưng vàng không có tăng giảm. Đây gọi là vô sanh.” Do vậy, hoa ảnh được thấy, tiếng đàn được nghe, chính là Không tánh sanh khởi. Hoa ảnh và tiếng đàn có sanh diệt, nhưng Không tánh không tăng giảm, nên gọi là vô sanh.

Tận cùng là “10. Nhập Niết bàn” (DVTGP, trang 654) viết: “Khi thấy sư tử và vàng, cả hai tướng (sư tử và vàng) đều dứt hết, thì phiền não không sanh. Đẹp xấu hiện tiền nhưng tâm an bình như biển lặng. Vọng tưởng dứt sạch, không còn bức bách, thoát triền phược, lìa chướng ngại, vĩnh viễn bỏ xa nguồn khổ. Đây gọi là nhập Niết-bàn.” Tuyệt vời là như thế, thấy cả hai tướng “tiếng đàn và Pháp Tánh duyên khởi” đều dứt hết, tâm an bình như biển lặng… 

Không chỉ cái được thấy (hoa) và cái được nghe (tiếng đàn), độc giả cũng có thể mở sách “Phật Điển Phổ Thông: Dẫn Vào Tuệ Giác Phật” và nghiệm về cái được ngửi. Bạn thắp nhang lên, thấy mùi hương trầm, sẽ thấy “mùi hương” này là “sư tử” và hiển lộ ra với bạn qua Pháp tánh Duyên khởi tức là “Không” hay là “vàng” và bạn có thể tự xét nghiệm từng dòng kinh luận như thế. Tuyệt vời là hạnh phúc, khi sống được từng lời Đức Phật dạy. Trân trọng ghi lại vài suy nghĩ rời nơi đây, và chân thành mời gọi độc giả tìm đọc tuyển tập Kinh luận này.

PHOTO:

Hai vị Chủ biên Việt dịch sách DVTGP: Lê Mạnh Thát – Tuệ Sỹ 

GHI CHÚ: Cội Nguồn Tổ Việt, ấn tống được 500 cuốn (200 Anh; 300 Việt) và đã đem về Mỹ để tặng và nhường lại cho những ai hữu duyên. Nếu quý vị nào muốn ủng hộ cho thư viện thành phố địa phương, hoặc có nhu cầu thỉnh về đọc, xin liên lạc cư sĩ Tâm Thường Định Phe X. Bach: tamthuongdinh@gmail.com .