Monday, May 24, 2021

TÂM THƯ của Hội Đồng Hoằng Pháp


TÂM THƯ


Đã nhiều năm rồi, Phật Tử Việt Nam cử hành đại lễ trong niềm hân hoan tự hào về một ngày lễ Vesak trọng đại được xưng danh một cách trang trọng là "Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc."


 Phật giáo là một trong bốn tôn giáo lớn của nhân loại. Con số Phật Tử dù vậy cũng chỉ khoảng 400-600 triệu. Với con số khiêm nhường đó, tiếng nói của Phật giáo không có ảnh hưởng gì đáng kể trong các quyết định của Liên Hiệp Quốc về vận mạng của các dân tộc trên thế giới. Phật Tử Việt Nam chính thức đón nhận "Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc" từ năm 2008. Từ đó đến nay, những phát biểu bởi các đại biểu từ nhiều nước tán dương Đức Phật quả là quá nhiều, nhưng chưa có bất cứ đóng góp thiết thực đáng kể nào cho khát vọng hòa bình của nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột bởi chính quyền của nước mình; bị đe dọa bởi tham vọng bá quyền của nước lớn.


Thực tế đang diễn ra như vậy không phải là minh chứng hiển nhiên cho giáo thuyết của Phật viển vông, không giải quyết được những vấn đề nóng bỏng của thời đại, sự thoái hóa của địa cầu. Chính vì những người tự nhận là Phật Tử, tự xưng là Như Lai Sứ Giả, đã không đánh giá đúng mức các giá trị thế tục vốn đã và đang cống hiến cho nhân loại nhiều phương tiện cần thiết để giảm thiểu những đau khổ hành hạ thân xác, và trong một số trường hợp, giảm thiểu những ưu tư bức bách dẫn đến rối loạn tinh thần, bất an, sợ hãi. Mặc dù Kinh điển, Luận thư nói không ít về nguyên lý khế lý và khế cơ. Thế nhưng, trong sự rao truyền giáo pháp hiện tại, khế lý và khế cơ bị che khuất bởi các hiện tượng ma quỷ chập chờn, bởi những khuyến cáo làm sao để được  âm hồn phò trợ, bởi khoa xem tướng để biết người này còn phước nhiều, hay người kia sắp hết phước; những điều mà chính Đức Thế Tôn đã cảnh giác Tôn giả Đại Mục-kiền-liên dù có năng lực thần thông cũng không được nói những điều chính mình thấy cho những người không thể thấy. Nói những điều mà người khác không thể thấy không thể biết, không thể chứng minh nó đúng hay sai; và điều này dẫn đến khả năng lừa gạt những kẻ nhẹ dạ, mù quáng dễ tin, và tất yếu diễn trò yếu ngôn hoặc chúng, nói những chuyện yêu ma quỷ quái để mê hoặc quần chúng.


Đó là hiện tượng thực tế đang diễn ra, nó xuyên tạc giáo nghĩa mà Đức Thích Tôn đã truyền dạy. Đó là điều mà Đức Thích Tôn đã ví dụ như chiếc thuyền tải đầy vàng đang lướt sóng ngoài khơi không bị chìm bởi sóng gió giông bão mà chìm vì chính trọng tải quá mức của nó.


Và thêm một thực tế lịch sử. Thủa xưa, khi vua tôi binh tướng nhà Trần, từ triều đình cho đến thôn dã, từ lão ông cho đến thiếu niên, đã hy sinh thân mạng vì sự sống còn của dân tộc, thì một số khác, trong đó có rất nhiều hoàng thân quốc thích, phản bội đất nước, chạy theo giặc. Khi hòa bình tái lập, hồ sơ những kẻ phản bội được dâng lên triều đình để trừng trị đích đáng. Vua Trần Nhân Tông tức thì truyền lệnh đốt đi tất cả, để cho dù kẻ thắng hay người bại, dù cho những kẻ phản bội hay những người trung thành, thảy đều là con dân cùng một tổ quốc, hãy quên đi những sai lầm quá khứ, hãy xóa đi dấu vết nghi kỵ, cơ hiềm, cùng nhìn nhau, cùng đối xử với nhau trong tình tự dân tộc. Đấy là ngọn cờ nhân ái, bao dung, không chỉ giương cao trên một đất nước nhỏ bé, mà còn trên đỉnh cao của lịch sử nhân loại tiến bộ trong một nền văn minh nhân ái. 


Tinh hoa ấy của dân tộc đã không được kế thừa. Gần nửa thế kỷ trôi qua từ khi hòa bình thống nhất được lập lại, hận thù dân tộc giữa các anh em cùng chung dòng máu tổ tiên lại không thể bao dung nhau. Và ngay chính trong giới Phật Tử, kế thừa Phật giáo truyền thống Trúc Lâm của Đức Điều Ngự Giác Hoàng cũng không thể quên đi những mâu thuẫn tị hiềm quá khứ, quyết loại trừ nhau. Ta không giải thoát được hận thù trong ta làm sao giải thoát hận thù nơi người. Không thể hòa hiệp vì không thể giải thoát hận thù, hoặc không thể quân phân quyền lợi; đây là quy luật tâm lý học, không thể chối cãi, lại càng không thể biện minh với bất cứ biện luận nào y trên Thánh giáo. 


Thế nhưng, khó khăn cho Phật Tử Việt Nam hiện không có đầy đủ Kinh điển để có thể phán đoán điều gì có hay điều gì không thấy có trong Kinh. 


Chính vì ý thức được điều này, Viện Tăng Thống GHPGVNTN, năm 1973, đã tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng Phiên Dịch Tam tạng. Chư Tôn thuộc hàng Giáo Phẩm Trung ương, dưới sự chỉ đạo của Viện Tăng Thống, cùng với sự hỗ trợ của Chư Thượng Tọa Đại Đức đang phụ trách giáo dục tại các trường Cao Đẳng Phật Học và Đại Học, đồng vân tập về Viện Đại Học Vạn Hạnh để thảo luận cơ cấu  tổ chức, chương trình phiên dịch, quy định các quy tắc phiên dịch, phương thức duyệt sách, v.v... cho đến đề án xây dựng cơ sở Pháp Bảo Viện làm trụ sở của Hội Đồng Phiên Dịch.


Dự án vĩ đại này không tồn tại lâu, do tình hình chiến sự căng thẳng dẫn đến ngày 30 tháng Tư. Cho đến nay, trong số 18 thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch lần lượt viên tịch, chỉ còn duy nhất  HT. Thích Thanh Từ trong trạng thái bất hoạt. Tâm nguyện của Thầy Tổ có cơ đứt đoạn. 


Những gian nan khổ nhọc trong chiến tranh khói lửa, những ức chế bởi thế lực cường quyền, một thời, Chư Tôn Giả ấy đã viết lên trang sử dày những công trình văn hóa giáo dục, không dày với những đấu tranh bạo lực. Hàng hậu bối, thế hệ tiếp nối, bằng ý chí, bằng tâm đức, bằng trí tuệ, như thế nào để kế thừa di sản cao quý ấy, để phát huy tinh hoa dân tộc ấy?


Nửa thế kỷ đất nước hòa bình, nhưng dân tộc thì không hòa bình. Nửa thế kỷ Đạo Pháp trùng hưng, nhưng Tổ ấn không trùng quang. Làm sao để thực hiện ý chỉ thi thiết giáo luật của Đức Thế Tôn, hóa giải những xung đột trong Tăng bằng biện pháp cuối cùng là "như thảo phú địa"? 


Hy vọng mong manh là một số ít các Thầy Cô trẻ, những vị chưa bị mê hoặc bởi các giá trị thế tục, chưa bị ô nhiễm bởi địa vị vinh quang được thế quyền phong tặng; những vị mà sơ tâm xuất gia chưa biến thành đồng ruộng hoang hóa, tạm đủ để gọi là ruộng phước cho nhiều người; những vị ấy sẽ bằng nghị lực tinh tấn, tự ý thức sứ mệnh của người xuất gia, cùng một thầy học, cùng hòa hiệp như nước với sữa, kế thừa những gì Thầy Tổ tâm nguyện mà chưa hoàn thành, giữ sáng ngọn đuốc Chánh Pháp trong đêm trường sinh tử tối tăm; giữ sáng và thắp sáng ngọn đuốc bao dung, nhân ái, để trao truyền cho các thế hệ tiếp nối, vì sự thanh bình phúc lạc của dân tộc, vì sự hạnh phúc an lạc của nhiều người, của muôn sinh. 


Để cho Đại Lễ Phật Đản được cung kính cử hành trong tâm của mỗi người con Phật, bốn chúng đệ tử hãy cùng dũng mãnh phát khởi Bồ-đề nguyện, quyết định Bồ-đề hành, thăng tiến không thoái chuyển trên Thánh đạo, vì pháp vị tịnh lạc và giải thoát tự tâm, vì sự tăng ích lợi lạc của cộng đồng dân tộc và nhân loại. 


Cầu nguyện Chánh Pháp trụ thế lâu dài, Dân tộc hòa hiệp tương thân tương ái. Cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

                   Cẩn chí

Phật lịch 2565,

Tân Sửu, 20-5-2021

Cố vấn Chỉ Đạo HĐHP

Thiện thệ tử Thích Tuệ Sỹ










*1. Cơ-đốc giáo (2.3 tỷ tín đồ); 2. Hồi giáo (1.8 tỷ tín đồ); 3. Ấn-độ giáo (1.1 tỷ tín đồ); 

4. Phật-giáo (500 triệu tín đồ).

Nguồn: https://www.worldatlas.com/articles/largest-religions-in-the-world.html


Thư Cung Bạch Của Phật Tử Hộ Trì Tam Bảo Tán Trợ Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN



Thư Cung Bạch Của Phật Tử Hộ Trì Tam Bảo Tán Trợ Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni, 
Kính thưa quý Phật tử, 

Với khát vọng chân thành về sự chuyển mình tích cực của đạo Phật Việt Nam trong một tương lai gần, những Phật tử với tín tâm và thiện hạnh cùng có chung niềm hoan hỷ và sự cảm nhận sâu xa khi biết rằng các bậc Tôn túc hàng Giáo phẩm và hiền Tăng đang tìm đến một nguồn chung làm căn bản định hướng cho tinh thần hóa giải, chung lòng và góp sức xây dựng Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Sự ra đời của Hội đồng Hoằng Pháp là biểu tượng khơi nguồn cho tiến trình xây dựng nầy. Trí lực và pháp khí căn bản của đạo Phật thường hằng trên 2.500 năm nay vẫn là nội dung và phương tiện Hoằng Pháp. 

Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã đưa tâm thức nhân loại cũng như sinh hoạt xã hội con người đến những khúc quanh và những bước ngoặt mới. Quá trình chuyển hóa với tốc độ chóng mặt của các phương tiện truyền thông đại chúng và giao thông vận tải toàn cầu đã tạo ra nhiều thay đổi về nếp sống và sự dao động về tư tưởng cùng tình cảm là điều không thể nào tránh khỏi. 

Song hành với tác động nhân tạo, những biến cố thiên nhiên và sinh thái chưa từng thấy như sự thay đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 đã trực tiếp hay gián tiếp lay động tận gốc rễ mọi lãnh vực của tâm linh và đời sống. Do đó, hiện tượng phân cực về khuynh hướng lãnh đạo hay phân hóa về sinh hoạt tôn giáo nói chung và đạo Phật Việt Nam nói riêng là hệ quả tất yếu của một quá trình biến động đầy thử thách về thể chất lẫn tâm hồn như thế. Hai thái độ cực đoan, bất chấp để nắm giữ quyền lực hay buông xuôi phó mặc, là những vấn nạn của thời đại đang lay động và thách đố tinh thần từ bi, trí tuệ và dũng mãnh của đạo Phật. 

Đạo Phật Việt Nam trong nửa thế kỷ qua đã bị đặt trong một hoàn cảnh quá đặc biệt về địa lý cũng như hình thái sinh hoạt nhân văn. Trước nhu cầu tu học và an định tinh thần giữa thời đại mới đầy phân hóa và biến động, người Phật tử vừa ý thức và cũng vừa cảm nhận rằng sự hợp lực chung để xây dựng một phương thức làm chỗ dựa là điều kiện tiên quyết của chiếc thuyền tâm linh trong cơn gió bão. Thế hệ thuyền trưởng của chư Tôn Đức và quý Phật tử hàng trưởng thượng sắp đi qua để nhường lại cho một thế hệ kế thừa đang đến là dòng chảy khách quan và tự nhiên. Muốn cho chiếc thuyền chung thế hệ vượt sóng gió qua bờ an vui cần có sự chuẩn bị cẩn trọng. 

Sự kỳ vọng về dấu hiệu chuyển mình tích cực của thế hệ Phật tử tiền bối dành cho hậu duệ đã được ghi dấu qua bản Thông bạch của Hội Đồng Hoằng Pháp Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Sự khuyến tấn tham gia và mở rộng phạm vi sinh hoạt cho toàn thể Phật tử bốn chúng vừa được Hội Đồng Hoằng Pháp xác định trong Thông bạch Thỉnh cử Hội Đồng Hoằng Pháp thuộc GHPGVNTN ngày 10-05-2021. Về mặt thời gian và nguyên tắc, chư vị quan tâm có thể xem đây là một pháp hội tinh thần và là dấu ấn tâm linh khởi đầu cho các sinh hoạt linh động của đạo Phật Việt Nam trước nhu cầu chấn chỉnh và sinh hoạt trong thời điểm hiện nay và mai sau. 

Đồng ký tên trong Thư Cung Bạch này là những Phật tử khiêm cung tán trợ mục đích cùng phương tiện hoằng dương Chánh pháp trên căn bản Dân tộc trường tồn và Đạo pháp thống nhất theo tinh thần của Hội Đồng Hoằng Pháp. 

Ngưỡng nguyện Hồng ân Tam Bảo độ trì cho Phật tử đồng tâm quy hướng thuận duyên, chung sức chung lòng hộ trì Phật sự sớm viên thành. 

Ngày 20 tháng 5 năm 2021 

Tâm niệm ghi danh: 
(Liệt kê theo mẫu tự Pháp danh) 

1. Chân Văn - Đỗ Quý Toàn 

2. Chánh Tri - Lê Viết Yên 

3. Chúc Phán - Đào Tăng Dực 

4. Chúc Tiến - Donald Pham 

5. Diệu Trang - Dương Mỹ Huyền 

6. Đạo hữu - Bùi Chí Trung 

7. Đạo hữu - Đặng Hoàng Lân

8. Đạo hữu - Đinh Trường Chinh 

9. Đạo hữu - Lê Hân 

10. Đạo hữu - Lê Ngộ Châu (Luân Hoán)
11. Đạo hữu - Nguyễn Mạnh Kim 

12. Đồng Phúc - Hoàng Mai Đạt 

13. Minh Tâm - Đoàn Viết Hoạt 

14. Nguyên Đạo - Văn Công Tuấn 

15. Nguyên Đức - Lê Đình Các 

16. Nguyên Hạnh - Nhã Ca Trần Thị Thu Vân
17. Nguyên Không - Nguyễn Tuấn Khanh
18. Nguyên Kiên - Nguyễn Mậu-Trinh
19. Nguyên Minh - Nguyễn Minh Tiến
20. Nguyên Minh - Trần Thị Thức 

21. Nguyên Thọ - Trần Kiêm Đoàn
22. Nguyên Toàn - Trần Việt Long 

23. Nguyên Trí - Nguyễn Hòa (Phù Vân)
24. Nguyên Tú - Hoàng Ngọc-Tuấn
25. Nguyên Vinh - Nguyễn Ngọc Mùi
26. 
Như Hà - Hồ Khánh Lan 

27. Như Ninh - Nguyễn Hồng Dũng
28. Nhuận Pháp - Trần Nguyễn Nhị Lâm
29. Pháp Trang - Trịnh Gia Mỹ 

30. Phúc Bảo - Vũ Đình Trọng 

31. Quảng Anh - Ngô Ngọc Hân 

32. Quảng Hải - Phan Trung Kiên 

33. Quảng Pháp - Trần Minh Triết 

34. Quảng Thành - Bùi Ngọc Đường
35. 
Quảng Thiện - Đỗ Đăng Doanh
36. Quảng Trà - Nguyễn Thanh Huy
37. Quảng Tường - Lưu Tường Quang
38. Tâm Đức - Hoàng Đức Thành 

39. Tâm Huy - Huỳnh Kim Quang 

40. Tâm Minh - Ngô Tằng Giao 

41. Tâm Minh Nguyệt - Trịnh Thị Thanh Thuỷ

42. Tâm Nhuận Phúc - Doãn Quốc Hưng
43. Tâm Núi - Nguyễn Cao Can
44. Tâm Quang - Vĩnh Hảo 

45. Tâm Thường Định - Bạch Xuân Phẻ
46. Thị Nghĩa - Trần Trung Đạo
47. Tịnh Chuyên - Trần Diệu Thanh
48. 
Thiện Thanh - Đặng Đình Khiết
49. Thiện Văn - Phạm Phú Minh
50. Tuệ Không - Phạm Thiên Thư
51. Vạn Thắng - Nguyễn Quốc Toàn




Sunday, May 23, 2021

Vĩnh Hảo: BƯỚC QUA LỊCH SỬ

 BƯỚC QUA LỊCH SỬ


Vĩnh Hảo

 

Poole Bus Station - Poole, Dorset

(Photo: Poole Bus Station)

 

 

Cơn đại dịch quét qua địa cầu gây điêu đứng và làm xáo trộn cả đời sống của nhân loại. Nó tước đi những sinh mệnh, làm đảo lộn nếp sống của từng cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia và quốc tế. Nó không phân biệt, nể trọng hay nhường nhịn ai; không kỳ thị trí thức hay bình dân, giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ, khỏe mạnh hay yếu đuối. Nó ly cách từng cá nhân, chia lìa những gia đình, khoanh vùng từng xã hội; và như lưỡi hái khổng lồ của tử thần, nó phạt ngang, san bằng tất cả những gì nằm trên lối đi thần tốc của nó.

Hơn ba triệu người nằm xuống (1) dưới lưỡi hái này kể từ khi dịch bắt đầu lây lan; và số nhân mạng tử vong vẫn còn tăng lên từng ngày ở quốc gia này, quốc gia kia, dù các khoa học gia đã bào chế và sản xuất được thuốc chủng ngừa từ cuối năm trước.

Hãy thử nhìn những con số của dịch cúm năm 1918: khoảng 500 triệu người bị lây nhiễm, và khoảng ít nhất là 50 triệu người tử vong trên toàn thế giới (2). Số người chết năm xưa so với ngày nay thật quá khủng khiếp. Nhưng ngày nay đọc lại từ sử liệu, chỉ thấy tử vong trên những con số. Hình ảnh chết chóc sẽ được gợi lên bằng phép toán so sánh thật nhanh: năm ấy và năm nay, con số và người chết. Mức độ xúc cảm sẽ không nhiều, nếu không muốn nói là vô cảm.

Thống kê về tử vong trong chiến tranh, thiên tai, ôn dịch… ở khắp nơi trên thế giới với cấp số nghìn, muôn, ức, triệu không thể nào chính xác, để rồi con số cuối cùng lưu vào sử chỉ là ước tính. Những con số trên trang sử, dù chuẩn xác hay chỉ ước tính, cũng đã lược bỏ đi danh tánh, tuổi tác, giới tính, chức nghiệp… của từng phận người. Và, sử đã không ghi được nỗi thống khổ cùng tận của những con người bằng xương bằng thịt, có ý thức, xúc cảm và tình thương, phải đau đớn quằn quại khi mất đi một phần cơ thể, hoặc mất đi người thân yêu trong gia đình. Sử không ghi được máu đổ nơi chiến trường hay hậu phương, không ghi được nước mắt lăn dài trên những gương mặt sầu đau khổ nạn. Sử cũng không mô tả được nỗi âu lo, niềm hy vọng, thất vọng và từng giây phút căng thẳng của những người ở tuyến đầu lửa đạn hay đại dịch: người lính ở trận tiền, y sĩ y tá nơi phòng cấp cứu bệnh viện, trực tiếp chứng kiến, cảm nhận và chia sẻ nỗi đớn đau và cái chết với đồng đội, với bệnh nhân. 

Có những cơn đau làm oằn cả thân, rồi mau chóng mang đi một đời người. Có những cơn đau vật vã kéo dài như hành hạ xác thân trong nhiều kiếp. Có những cuộc chia ly vội vàng không kịp nói lời từ giã, và những cuộc từ biệt đã biết từ nhiều ngày trước. Có những lời trăng trối đứt quãng theo hơi thở phập phều, và những lời nhắn nhủ ngắn gọn chỉ được gửi qua vị y sĩ. Có những cái chạm tay qua mặt kiếng, hay vẫy tay từ một khoảng cách xa thẳm như từ hai thế giới cách biệt. Những lời nghẹn ngào. Những tiếng khóc lặng câm, đau buốt ở tận tim gan. Sự đau đớn và khiếp hãi của bệnh nhân khi đối diện với cái chết là không cùng tận; niềm đau mất mát của người thân ở lại cũng không cùng tận. 

Cái khổ của sinh, già, bệnh, chết đã được nói nhiều trong kinh điển các tôn giáo, trong sử sách, văn chương, báo chí, lời truyền giảng… Nhưng nếu không trực tiếp ở ngay tuyến đầu của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, người ta khó có thể khởi lên niềm trắc ẩn, xót xa hay phát lòng từ bi ảnh hưởng lên hành động cứu giúp, vỗ về. Khi khổ nạn chưa đến với bản thân, người ta hãy còn thờ ơ, không quan tâm gì lắm; cho đến khi dịch bệnh lan đến bạn bè, hàng xóm, người thân, mới để ý và tin rằng nó có thật. Và rồi khi khổ nạn ấy đến với chính tự thân, lời trăng trối cũng không kịp cất lên, niềm hối hận cũng muộn màng không thể chân thành biểu lộ. Tin tức từ các phương tiện truyền thông đại chúng đến lúc này mới được ghi nhận là có thật, mà căn bệnh nguy hiểm đang hành hạ xác thân, hăm he tước đi mạng sống của mình còn thật hơn.

 

Cho nên, sống trên cuộc đời khổ đau này, cần phải học và phát triển lòng thương. Thiếu lòng thương, người ta sẽ mất đi sự nhạy cảm, đồng cảm với khổ nạn của kẻ khác. Thiếu lòng thương, người ta chỉ biết có mình, niềm đau của mình, mà không hề biết rằng có những người khác cũng đau khổ, có khi còn trăm lần hơn. Lòng thương là chất liệu có sẵn trong mỗi con người, là sức mạnh vô song có thể vực dậy được những gì đã ngã đổ của tự thân và gia đình; xa hơn, có thể làm vơi đi những khổ đau bệnh hoạn của xã hội, cứu vớt an ủi những số phận hẩm hiu nghèo đói. 

Hạt mầm thương yêu có sẵn, nhưng không tạo môi trường tốt đẹp và thích hợp thì mầm ấy cũng không thể nứt lên cây, cho ra hoa trái. Bởi vậy tình thương, hay lòng từ bi, cần phải trau luyện và nuôi lớn. Lòng từ bi nên được ứng dụng vào tất cả mọi sinh hoạt của con người, từ cá nhân đến gia đình và xã hội, từ giáo dục đến y tế, kinh tế. Động lực và chức năng của lòng từ bi là nâng dậy. Từ sự nâng dậy ấy, nhân gian sẽ an vui hơn, cuộc đời sẽ hạnh phúc hơn.

Hãy nghe lời nguyện tha thiết phát khởi từ lòng yêu thương con người và cuộc đời, được tụng đọc mỗi sáng trong chốn thiền môn: “Vào những lúc tật dịch tràn lan, con sẽ hóa hiện thành thuốc men (dược thảo), cứu chữa cả những bệnh trầm kha; gặp khi nạn đói hoành hành, con sẽ hóa hiện thành lương thực để cứu người đói lạnh cơ khổ. Bất cứ điều lợi ích (thiết thực) nào, con nguyện sẽ không từ nan” (3).

Với lòng từ bi được trau luyện và nuôi dưỡng ấy, chúng ta đối diện và đối kháng với thảm họa dịch bệnh hôm nay bằng trái tim và bàn tay nhân ái. Bất cứ điều gì có thể góp phần vào việc phòng ngừa và chống lại dịch bệnh, chúng ta sẽ tận lực thực thi, vì điều này sẽ cứu mạng rất nhiều người, trong đó có cả bản thân và gia đình chúng ta. Chúng ta không quên tri ân những nhà khoa học suốt mấy chục năm qua đã vùi mình vào các chương trình nghiên cứu về vi trùng để kịp bào chế thuốc chủng ngừa cho dịch bệnh ngày nay. Chúng ta biết trân quý, biết ơn và hết sức ca ngợi lòng hy sinh, ý thức trách nhiệm và lòng nhân ái của những y sĩ, y tá, y công ở tuyến đầu đại dịch. 

Trăm năm sau, hình ảnh cao đẹp và bi tráng của các nhà khoa học và những người ở tuyến đầu dịch bệnh sẽ được nhắc qua loa trong sách sử; và người đời sau cũng sẽ nhìn thấy những con số lây nhiễm, tử vong, ở nước này nước kia với một thoáng bi thương, hoặc hoàn toàn vô tâm vô tình. Người viết sử chỉ khách quan ghi nhận các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ cho nên sách sử là những trang giấy khô chết, chứa đựng dữ liệu, sự kiện. Người đọc sử có trách nhiệm nghiên cứu và rút tỉa những bài học từ lịch sử khô chết ấy để tránh tái diễn những thảm họa khó thể lường trước ở tương lai.

Đã khắc ghi bài học lịch sử ấy rồi thì tiếp đến, cần nhớ rằng bài học vỡ lòng của tiến bộ là hãy quên đi quá khứ. Bám víu vào những sai lầm lịch sử sẽ ngăn cản bước đi của người trí tuệ hiện tại, ảnh hưởng tiêu cực đến các thế hệ mai sau.

 

Nơi trạm xe buýt cuối ngày, chuyến xe cuối cùng chuẩn bị lăn bánh. Những người đến trễ và những người muốn ngủ lại nơi băng ghế chờ đợi, sẽ bị bỏ lại. Cơ hội tái diễn cho một chuyến xe khác, có thể là ngày hôm sau. Nhưng hôm sau, nào ai đoán được chuyện gì sẽ xảy ra. Người ta cần phải bước qua, bỏ lại lịch sử phía sau, bằng không sẽ bị bỏ lại bên lề lịch sử.

 

California, ngày 23 tháng 05 năm 2021

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

 

______________

 

 

  1. Theo số liệu thống kê từ Worldometer, https://www.worldometers.info/coronavirus/ tính đến ngày 23/5/2021, trên thế giới đã có 167,362,130 ca lây nhiễm, 148,377,916 trường hợp được hồi phục, và 3,475,053 trường hợp tử vong vì COVID-19.

  2. Theo CDC (Centers for Disease Control and Prevention – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh), đại dịch cúm năm 1918 là đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây. Nó được gây ra bởi một loại vi-rút H1N1 với gen có nguồn gốc từ gia cầm. Mặc dù không có sự đồng thuận về nguồn gốc của virus, nhưng nó đã lây lan trên toàn thế giới trong giai đoạn 1918-1919. Tại Hoa Kỳ, nó lần đầu tiên được xác định ở các quân nhân vào mùa xuân năm 1918. Người ta ước tính rằng khoảng 500 triệu người hoặc một phần ba dân số thế giới đã bị nhiễm vi-rút này. Số người chết ước tính lên tới ít nhất 50 triệu người trên toàn thế giới với khoảng 675.000 người xảy ra ở Hoa Kỳ. (Nguồn: https://www.cdc.gov/flu/pandemic-resources/1918-pandemic-h1n1.html

Theo Wikipedia, đại dịch năm 1918 được ghi vào sử với tên gọi là Spanish Flu (cúm Tây Ban Nha). Nhưng kể từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – World Health Organization) đã yêu cầu các nhà khoa học nên tránh dùng địa danh hay tên gọi cá biệt của một chủng loại nào đó để đặt cho một loại virus hay đại dịch nhằm tránh sự kỳ thị chủng tộc cũng như tác hại về kinh tế đối với địa phương ấy.

“Tật dịch thế nhi hiện vi dược thảo, cứu liệu trầm kha; cơ cẩn thời nhi hóa tác đạo lương, tế chư bần nổi. Đản hữu lợi ích, vô bất hưng sùng.” Đoạn này trích từ bài “Phát Nguyện Văn” (mà thiền môn Việt Nam gọi nôm na là Sám Qui Mạng) của Thiền sư Di Sơn, đời Đường bên Trung Hoa. Để tỏ lòng tôn kính, môn đồ lấy tên ngọn núi (Di Sơn) để gọi thay vì gọi thẳng tên là Thiền sư Kiểu Nhiên. Bài Phát Nguyện Văn này được đưa vào nghi thức tụng niệm để tụng đọc vào mỗi thời công phu sáng tại các chùa miền Trung và Nam Việt Nam.

Friday, May 21, 2021

Huynh Trưởng GĐPT Alexandra Huỳnh: Khôi Nguyên Thơ Giới Trẻ Hoa Kỳ 2021


Huynh Trưởng GĐPT Alexandra Huỳnh:

Khôi Nguyên Thơ Giới Trẻ Hoa Kỳ 2021  
 


SACRAMENTO, California (VB/PTH) -- Nữ Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử VN, cô Alexandra Huynh, 18 tuổi, trong buổi chung kết đêm Thứ Năm 20/5/2021 đã thắng giải "2021 National Youth Poet Laureate" -- Nhà Thơ Khôi Nguyên Giới Trẻ Hoa Kỳ 2021.

Theo Huynh trưởng GĐPT Tâm Thường Định giải thích hôm Thứ Năm với phóng viên Việt Báo: "Em Alexandra là Huynh trưởng GĐPT Kim Quang, và là học sinh lớp/trường trung học Mira Loma High School. Em ra trường năm ngoái và được nhận vào trường Đại Học Stanford, em cũng nhận giải viết của GĐPT VN tại Hoa Kỳ trong mùa dịch."

Theo bản tin AP, Huynh trả lời phỏng vấn AP đêm Thứ Năm qua điện thoại từ nhà, rằng thơ đối với cô là phương tiện để tự bày tỏ và để giúp công lý xã hội. Nhiệm kỳ trong cương vị Khôi Nguyên Thơ Giới Trẻ sẽ kéo dài 1 năm, được loan báo hôm Thứ Năm qua buổi lễ viễn liên trao tại Kennedy Center từ tổ chức Urban Word, một tổ chức chuyên về quảng bá nghệ thuật văn chương, nơi đã thiết lập chương trình giải thơ khôi nguyên từ năm 2017.

Trong cương vị Khôi Nguyên Thơ Giới Trẻ 2021, Alexandra Huỳnh sẽ viếng thăm các học sinh, tổ chức các buổi đọc thơ hay thảo luận về thơ, và các sự kiện liên hệ về thơ khắp Hoa Kỳ. Cô nói với AP rằng cô có mục tiêu là sẽ trao kinh nghiệm sáng tác thơ với người khác.

Huynh được chọn từ chung kết 4 nhà thơ trẻ, đại diện 4 khu vực Hoa Kỳ, trong đó cô đại diện khu vực Miền Tây Hoa Kỳ. Người đầu tiên thắng giải Khôi Nguyên Thơ Giới Trẻ (năm 2017) là cô Amanda Gorman, người nổi tiếng quốc tế từ khi đọc thơ trong buổi lễ đăng quang của Tổng Thống Joe Biden hồi tháng 1/2021.

Huynh nói rằng cô Gorman trở thành cảm hứng cho cô Huynh, và "cô [Gorman] đã khích lệ tôi mơ giấc mơ lớn." Huynh nói cô bắt đầu viết lời ca khúc từ năm 7 tuổi, và nghiêm túc làm thơ trong trung học, đặc biệt sau khi trình diễn trong một buổi đọc thơ thể loại "poetry slam" tại địa phương và cảm nhận sức mạnh của chữ khi đọc lớn lên.

Huynh dẫn ra Ocean Vuong và Diana Khoi Nguyen là hai người cầm viết cô ưa chuộng, và cô hy vọng sẽ xuất bản các thi phẩm của cô và muốn được dịch ra tiếng Việt, "tiếng mẹ đẻ" của cô. Cô Huynh nói: "Tiếng Việt tự thân đã mang nhiều chất thơ. Trong văn hóa Việt, thơ được nói hàng ngày."

Nguyên Giác: Phan Tấn Hải | Việt Báo




Hình trên, Alexandra Huynh đọc thơ trong lễ tốt nghiệp ở Trung Học Mira Loma High School hồi tháng 6/2020. Cô nữ sinh gốc Việt Alexandra Huynh đã thắng giải "2021 National Youth Poet Laureate" -- Nhà Thơ Khôi Nguyên Giới Trẻ Hoa Kỳ 2021.

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn: Thoảng Hồ Thơ Việt Trên Đất Mỹ

Thoảng Hồ Thơ Việt Trên Đất Mỹ 

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

THOẢNG HỒN THƠ VIỆT TRÊN ĐẤT MỸ


Sáng nay, 20-5-2021, chén trà móc câu Thái Nguyên miên man hương vị quê nhà trở lại với mình sau hơn một năm dài vắng bóng. Lâu nay, vì đại dịch phải uống mãi trà Tàu, trà tứ xứ. Hương trà cũ lại phảng phất hồn quê khi cùng lúc có tin một bé gái người Việt thuộc thế thứ ba trên đất Mỹ đang ở cùng thành phố Sacramento với mình, vừa được giải “thi sĩ khôi nguyên” của tổ chức Thi sĩ Tuổi Trẻ Toàn quốc (National Youth Poet Laureate - NYPL) tại Hoa Kỳ: Đó là Alexandra Huynh (Huỳnh Thụy An), 18 tuổi, vừa đoạt giải. 




Văn bút thơ thẩn lắm khi có nét tình cờ của duyên thơ nhưng thi ca đích thực thường là do “văn chương nết đất, thông minh tính trời” như thi hào Nguyễn Du điểm xuyết Kim Kiều. Thật vậy, người đoạt giải thơ Tuổi trẻ Toàn quốc Hoa Kỳ năm 2021 này là con gái của đôi vợ chồng người Việt gốc Nha Trang. Hai anh chị theo gia đình định cư tại Mỹ theo diện HO-1 năm 1990 và lập gia đình tại Mỹ, sinh được 4 cháu (Thụy An và Thu Bình là hai cháu gái thứ nhì, sinh đôi), hiện đang ở tại Sacramento, thủ phủ tiểu bang California. Thụy An tốt nghiệp thủ khoa trung học Mira Loma và theo học trường đại học Stanford là đại học được xếp hạng trong số 3, 4 trường đại học danh tiếng nhất của Mỹ và toàn cầu. Thụy An cũng là huynh trưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam, sinh hoạt tại chùa Kim Quang, Sacramento. Và, hồn thơ xa vời mà sâu lắng cũng thường là hương hoa của huyết thống. Thụy An là cháu của nhà thơ Duy Năng (1935-2002), một nhà thơ nổi tiếng của miền Nam trước 1975.


Trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn AP vào tối ngày 20-5-2021,  Alexandra Huynh nói rằng thơ cũng là một khí cụ đầy sức mạnh để đương đầu với sự thách thức của cuộc sống.

Sinh hoạt với Gia Đình Phật Tử Kim Quang từ lúc còn bé, tâm hồn Thụy An đã được tưới tẩm chất thơ qua ca dao lời ru của Mẹ, qua tiếng hát và lời kinh trong sinh hoạt đầy đạo hạnh và êm đềm của tuổi trẻ Phật tử dưới mái hiên chùa. Chất liệu và suối nguồn thi ca nầy đã thể hiện trong lời nói của Alexandra Huynh với phóng viên quốc tế: “Tiếng Việt tự nó đã là một tiếng nói giàu chất thơ. Trong sinh hoạt văn hóa của người Việt người ta đã nói thành thơ trong cuộc sống hằng ngày.” Thụy An còn cho hay là đã tập viết những lời thơ phổ nhạc từ khi mới 7 tuổi; đặc biệt là sau những lần đọc thơ trước công chúng thì lại càng cảm thấy sức mạnh của chữ nghĩa có tác động tích cực lên tâm lý và tinh thần đại chúng. Alexandra Huynh căn bản sáng tác thơ bằng tiếng Anh nhưng luôn nuôi hy vọng là sẽ có tác phẩm thơ ra đời và sẽ được chuyển ngữ sang “tiếng Mẹ đẻ”, ngôn ngữ Việt Nam.  

Tổ chức văn học nghệ thuật và phát triển Urban Word đã thành lập chương trình Nhà Thơ Trẻ Quốc Gia (NYPL) năm 2017, người đầu tiên được giải là Amanda Gorman. Gorman xuất bản thi phẩm đầu tiên từ năm 2015. Năm 2020, nhà thơ trẻ tuổi da đen nầy đã có vinh dự tên tuổi của mình được giới thiệu và làm nổi bật danh nghĩa tổ chức Nhà Thơ Trẻ Quốc Gia qua phần diễn đọc bài thơ “The Hill We Climb” trong ngày lễ nhậm chức của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden.  Chính Alexandra bày tỏ đã có được sức mạnh tinh thần hỗ trợ và có thêm năng lực sáng tạo thi ca từ hình ảnh Amanda Gorman đọc thơ cho cả thế giới đều nghe. 

 

Thế hệ trẻ người Việt nơi xứ người đã tạo được nhiều thành tích xuất sắc trong gần nửa thế kỷ lịch sử tha hương sau 1975 nhưng phần lớn là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Đặc biệt về văn chương nghệ thuật, tác phẩm ra đời đòi hỏi tài năng, sự thẩm nhập văn hóa và tài hoa ngôn ngữ. Nguyễn Thanh Việt được giải thưởng Pulitzer năm 2016 về tiểu thuyết The Sympathizer và Alexandra Huynh được giải thưởng thơ năm 2021 đã mang lại niềm tự hào cho cộng đồng người Việt tha hương khi nói về văn học nghệ thuật. Ngoài ra, những tác giả gốc Việt tên tuổi khác cũng góp mặt trên văn đàn thế giới và được tặng các giải thưởng danh giá như Ocean Vuong (Mỹ), Linda Lê (Pháp), Lại Thanh Hà (Mỹ), Kim Thúy (Canada), Nguyễn Hoài Hương (Pháp), Trần Minh Huy (Pháp), Monique Truong (Mỹ), Nam Lê (Úc)… Và, hy vọng một ngày không xa, sẽ có tên tuổi nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ Việt Nam tiếp cận với giải Nobel.

Sáng nay, có tin một số tác giả trong nước ngại dịch thơ của Alexandra Huynh từ tiếng Anh sang tiếng Việt vì không dễ dàng. Thật ra, thơ của Alexandra Huynh thường được sáng tác với sự kết hợp bất ngờ của những hình ảnh đầy tính biểu tượng nối kết thực tại. Ý và tình được diễn cảm bằng những câu chữ khá độc đáo. Một trong nhiều bài thơ với thể loại như thế được nhắc đến nhiều nhất là Lời Nguyện Mùa Thu (Autumn Prayer). Bởi thế, thơ của Alexandra Huynh không dễ dàng cảm nhận trực tiếp khi chuyển ý và chuyển ngữ nên tương đối khó chuyển ngữ một cách trọn vẹn để chuyển tải hết tinh túy của hồn thơ thi nhân qua ngôn ngữ thi ca của tiếng Việt. Mong rằng, tác phẩm dịch thơ bằng tiếng Việt đầu tay sẽ ra mắt sớm như mong ước của “thi sĩ khôi nguyên” trẻ tuổi đã chia sẻ… 

 

LỜI NGUYỆN MÙA THU

đây là nơi tôi nhận mọi thông tin,

mẩu tin xưa cũ của thế giới

chẳng của riêng tôi

nhưng phảng phất mùi cảm thông

 

từ một ông già

với lòng cảm thông thương hại

 

ông giảng cho tôi

về bài học tên gì số mấy

& tôi nuốt xuống

 

cho đến khi ông nhắc đến Việt Nam

(cuộc chiến)

khi đó

tôi bắt đầu thật sự lắng nghe

 

nếu tôi không thể là người hùng

tôi mang tên người di dân gương mẫu

 

     ôi những chiếc thuyền

     & những người trên những chiếc thuyền ấy

     can đảm biết bao & khác xa

     đám tỵ nạn đương thời chúng ta nợ họ

 

Tôi ngậm chặt lưỡi

nghe âm thanh

thân thuộc gần như nhà mình
khi tên Dương Thu Hương mất đi dòng sông

trong miệng lão thầy

và chẳng ai buồn hỏi vì sao

mặt tôi giàn giụa.

 

& nhớ đến chiếc bàn buồn bã,

trong góc xó lớp học

tôi viết lời nguyện cầu

cho lũ trẻ sắp vào chật lớp này:

 

hãy để đám trẻ được xưng tên chúng như mẹ chúng đã từng gọi thế.

hãy để điệp khúc được xướng lại hay cố gắng & cố gắng như thế.

hãy để những câu chuyện không pha chất trọ trẹ

& giữ lại thanh âm không phiên dịch.

hãy để lũ trẻ điền vào khoảng trống bằng ký ức.

 

 

     ừ thì rau ngò. ừ thì tơ lụa. ừ thì tiếng giậm chân. căn nhà đôi. mật ngọt.
     tràng hạt. ừ thì nhựa đường. tiếng trống. những đôi giày. những lọn tóc.
     ừ thì nén hương. bánh mì. giây xích. đồng kẽm. ừ thì những ngôi sao.
     những ca khúc. những xôn xao trên truyền hình dây cáp, dòng sông. ừ thì
     những số nhân. số nhiều. ừ tình yêu. ừ tình yêu.

 

hãy để ký ức được kể lại bằng những khối u trong tim

hãy cho lũ trẻ biết tên gọi thực thụ của nỗi buồn.

hãy để chúng kết âm thanh thành hy vọng.

& rút tỉa từ những bi hùng ca của tổ tiên.

hãy để danh dự không bắt chúng làm con tin.

hãy để huyết thống chúng trở thành nguyên bản.

hãy để những gì mắt thấy tai nghe trở thành ngôn ngữ chính.

 

Alexandra Huynh

Hòa Bình Lê phỏng dịch

 

Trong buổi lễ công bố nhà thơ thắng giải National Youth Poet Laureate, Alexandra Huynh đã diễn đọc bài thơ Di Sản với nội dung tạm chuyển ngữ tiếng Việt như sau: 

 

z-1-alexandra-huynh

những ngày này tôi hoan nghênh sự im lặng

cảm nhận vòng tay của trái đất

cả những lúc vắng âm thanh

tôi vẫn lắng nghe mọi câu chuyện

vẫn được gọi là hư cấu

 

tôi khắc chúng xuống lối đi

để biết hướng nào là nhà

đôi khi tôi để yên cho tiếng ồn cứ là tiếng ồn

không để cho nghĩa vụ phân trí    

tôi không phải là máy móc gia dụng

cũng không phải là sinh vật phục vụ trong nhà

 

tôi là con người

tôi là con người

có sự hiện hữu bên ngoài cảm giác tội lỗi

có thứ từ ngữ dành riêng cho cảm xúc

và tôi không sợ gọi đúng tên nó

  

Trí óc tôi không phải nhà tù

mà là lăng kính

và tôi hiểu rằng

những chiếc bóng tăm tối hiện ra

trong sự hiện hữu của ánh sáng 

 

và ngày tháng của tôi không đếm được
dẫu chúng là con số

nên tôi đếm bằng sự tử tế

và nhắc đến tình yêu nhiều hơn lời tạm biệt

tôi đếm những bữa ăn thay vì sức nặng mang theo

và mang theo những điều hữu ích ngày sau

 

Một vài điều tôi nghiệm ra

Đôi vớ vẫn là vớ

dù chúng có lẫn lộn,

mọi điều tôi nghe về một căn phòng sạch vẫn đúng,

bạn có thể nhìn thấy nụ cười đằng sau cái khẩu trang,

cách tôi nói chuyện với bản thân

là cách tôi nói chuyện với bạn,

tôi nên gỡ nút câm của mình ra thường xuyên hơn,

tôi cần nước nhiều hơn tôi nghĩ tới,

nếu những người trong căn phòng này có thể mỉm cười,

nếu những người trong căn phòng này đều là người.

 

Ngay cả khi tôi tự tháo gỡ tôi khỏi

thế giới quy mô này

tôi biết mình hiện hữu.

 

Cuộc chiến vẫn tiếp diễn

ngay dưới hai bàn chân tôi;

Không cần hình ảnh chứng mình điều đó.

Nghi lễ khải hoàn đang diễn ra
trong huyết thống tôi.

Không cần dải băng-rôn chứng minh điều đó.

Tôi là sự chiến thắng.

Mỗi ngày tôi thở.

Và nhiều năm sau này,

khi trở thành tổ tiên

tôi sẽ cho chúng biết

về sự can đảm của khoảng cách,

và cách chúng ta

nắm không gian thay vì nắm tay nhau.

Tôi sẽ cho chúng biết

màu sắc của sự can đảm; 

âm vang của sự mất mát lan truyền

suốt một thế hệ,

và đám trẻ trở thành thầy cô giáo;

hiểu được tình yêu không định nghĩa bằng tuổi tác.

Tôi sẽ cho chúng biết trên mảnh đất này

chúng ta tước đoạt từ những người

chúng ta không bao giờ có thể đáp trả,

nhưng chúng ta sẽ cố gắng & cố gắng,

tôi sẽ cho chúng biết

mỗi dấu chân được cảm nhận như thế nào

phía bên kia hành tinh.

Vì vậy hãy để ý thật kỹ

đặt chân duy nhất về hướng sự thật.

 

Các bạn đã thừa hưởng sự im lặng,

bây giờ hãy cất cao tiếng hát. 

Alexandra Huỳnh đọc thơ 
Việt Báo phỏng dịch

 

Bình trà xanh Bắc Thái đã cạn nhưng hương vị quê nhà vẫn còn thoảng hương thơm và vị ngọt. Hồn thơ Việt trong thinh lặng vẫn còn lan tỏa năng lượng cho những thế hệ kế thừa.

 

                                            Sacramento, Ngày Phật Đản 2565-2021

                                                           Trần Kiêm Đoàn