Friday, October 29, 2021

Tình Em iMac

Chiếc máy cũ không chịu làm việc. Ảnh BXP

 

Tình Em iMac


Tình em đã bảy năm
Thuở ban đầu da diết
Ôi tình em rất thiệt
Bao cay đắng ngọt bùi

Bao kỷ niệm buồn vui
Em vẫn luôn lưu giữ
Anh con người vô sự
Mãi đồng hành cùng em

Những vạt nắng bên thềm
Hay mưa rào tí tách
Em vẫn luôn trong sạch
Chờ đợi gót anh về

Một buổi chiều xa quê
Cách lòng quên em thật
Dỗi hờn không oán trách
Lặng lẽ rồi ra đi

Anh nhớ mãi xuân thì
Thương luôn lúc già yếu
Như một thời đã yêu
Anh đây luôn trân quý

Cảm ơn em thuỳ mị
Đã giúp anh giúp người
Chào nhau lên đường vui
Ta mỉm cười em nhé!


Bon Voyage
Sacramento, 10/28/2021

Thursday, October 21, 2021

Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu [2000]: Gia Đình Phật Tử Việt Nam Tại Hoa Kỳ


Lời thưa: Một bài viết đã cũ lắm, của cố trưởng niên Tâm Hoà Ngô Mạnh Thu, nhưng “note’ vào đây để anh chị em áo lam tham khảo. Bài viết tất nhiên cần được cập nhật theo tiến trình thăng trầm của phong trào… và đang đợi anh-chị-em chúng ta cùng làm việc đó, trong thực tiễn hành động. Mong lắm thay!

Trong các sinh hoạt của Cộng Ðồng Người Việt hải ngoại, đặc biệt tại Hoa kỳ, người ta thường thấy có sự hiện diện của một đoàn thể trẻ đồng phục gần giống với tổ chức Hướng Ðạo. Ðó là Gia Ðình Phật Tử, một phong trào Thanh niên của Phật giáo Việt-nam. Ðể rõ hơn về một đoàn thể từ lâu đã có những đóng góp âm thầm trong việc hình thành một cộng đồng Việt-nam, thiết nghĩ cũng cần lược qua tiến trình hình thành của Gia Ðình Phật Tử từ những ngày khởi đầu.

Bối cảnh lịch sử:

Vào những thập niên đầu thế kỷ 20, cùng với các phong trào vận động canh tân đất nước, phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt nam cũng sôi nổi trên cả nước từ Bắc đến Nam. Các bậc chân tu, các nhà trí thức đều lưu tâm, tham gia chấn chỉnh lại niềm tin cùng phát huy tinh thần đạo Phật như một phương cách bảo tồn truyền thống văn hóa Việt nam. Trong bối cảnh lịch sử thời đó, việc năng cao dân trí, cũng như tìm về nguồn cội, bản sắc văn hóa dân tộc là điều cấp thiết. Ðạo Phật từng gắn bó với dân tộc suốt chiều dài lịch sử từ trước khi bị Tàu cai trị, cho đến những ngày khôi phục lại quyền tự chủ. Thịnh suy của đất nước cũng là thịnh suy của Phật giáo. Chấn hưng Phật giáo không chỉ là phục hồi một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Mà cũng là công cuộc vận động tái tạo Con Người Việt Nam có truyền thống Từ hòa Nhân ái.

Giai đoạn hình thành:

Tái tạo Con Người Việt Nam không chỉ riêng những người lớn tuổi, mà kể cả lớp con cháu cũng được lưu tâm. Ðó là tương lai, là sinh mệnh đất nước. Vì vậy, từ cuối thập niên 1930, tại Huế và Hà nội, các em bé nhi đồng cũng đã cùng cha mẹ, ông bà đến chùa. Các em được đoàn ngũ hóa một cách đơn sơ thành những ban Ðồng Ấu Phật Giáo.

Việc đoàn ngũ hóa này hoàn toàn có tính cách tự phát. Tùy sáng kiến từng địa phương mà có các cách thức sinh hoạt khác nhau. Tại Hà-nội, quý Thượng Tọa và một số cư sĩ trong ban quản trị đã lập một đoàn gồm con em của hội viên Phật tử gọi là ban Ðồng Ấu để làm lễ dâng hương hoa trong các ngày đại lễ. Các em vừa sử dụng nhạc cụ dân tộc vừa hát các bài cổ truyền bằng lời ca mới do cụ Thiều Chửu (tức là cư sĩ Nguyễn Hữu Kha) soạn. Tuy nhiên, thông thường các em được hướng dẫn lễ Phật, nghe kinh và dâng hương hoa trong những ngày lễ lớn. “Ban đồng ấu, áo dài the xanh, đeo băng vàng ghi câu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng tôi vừa theo xe hoa vừa hát bài điệu Ðăng Ðàn Cung… vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng tư, là khánh tiết Phật Thích Ca Ngài, hiện về Ca Tỳ La Vệ…). Ðầu thập niên 1940, một số cư sĩ ở Huế tập hợp con cháu trong dòng tộc, thân thuộc sinh hoạt tại nhà riêng mang tính cách gia đình. Do đó có tên gọi là Gia Ðình Phật Hóa Phổ. Ðây là tiền thân của Gia Ðình Phật Tử ngày nay.

Giai đoạn kiện toàn:

Năm 1946, chiến tranh toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Mọi sinh hoạt tạm ngưng. Năm 1948, mọi người hồi cư. Cùng với các tổ chức Phật giáo trong vùng quốc gia, tại Hà-nội và Huế vài Gia đình Phật hoá Phổ đầu tiên phục hoạt. Các sinh hoạt vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương. Giai đoạn này, có các huynh trưởng gốc Hướng đạo (Trần Ðiền, ở Huế, Trần Trung Du ở Hà-nội) tham gia sinh hoạt. Gia đình Phật hóa Phổ vốn chưa có nền nếp, nên mô phỏng theo tổ chức Hướng đạo khá nhiều. Từ hình thức đồng phục đến phân chia chương trình huấn luyện. Nhất là kỹ thuật sinh hoạt, dường như rập khuôn Hướng đạo.

Giai đoạn phát triển:

Năm 1951 các tập đoàn Phật giáo Nam Trung Bắc thống nhất thành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Gia dình Phật hóa Phổ, một bộ phận của Tổng Hội, có danh xưng mới: Gia đình Phật tử. Năm 1954, đất nước chia đôi. Một phần Gia đình Phật tử Miền Bắc di cư vào Nam. Tiếng súng tạm ngưng nổ, dất nước tạm yên bình. Gia đình Phật tử phát triển mạnh mẽ. Nhất là từ năm 1964, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Ðầu thập niên 1970, toàn miền Nam có trên nửa triệu đoàn viên Gia đình Phật tử sinh hoạt thường xuyên. Việc hướng dẫn thanh, thiếu, đồng niên thành những Phật tử chân chính, không chỉ giới hạn trong khuôn viên nhà chùa mà còn tạo cho các em ý thức liên đới xã hội. Gia đình Phật tử hướng hoạt động của mình vào những công tác xã hội. cứu trợ. Trên khắp nước, người đồng phục Áo Lam, cờ Hoa Sen Trắng lăn mình vào làm công tác xã hội. Họ ước mong xoa dịu bớt thương đau của đồng bào đang phải gánh chịu trước cuộc chiến vô cùng tàn khốc.

Nổi trôi theo vận nước:

Biến cố 1975 ảnh hưởng nặng nề trên toàn thể người dân Việt nam Cộng hòa. Phật giáo cũng như Gia đình Phật tử không là ngoại lệ. Chế độ Việt nam Cộng hòa sụp đổ. Người dân hỗn loạn di tản ra khắp nơi hải ngoại. Ngay ngày đầu tiên trong các trại tạm cư trên đất Hoa Kỳ, Gia đình Phật tử đã kết hợp công tác giúp ổn định đời sống cho đồng bào. Cùng với những đợt người vượt biển tìm tự do, tại các trại tị nạn vùng Ðông và Nam AÙ, Gia đình Phật tử có mặt để tự giúp và giúp người đồng cảnh vượt khó.

Gia đình Phật tử Việt nam tại Hoa Kỳ:

Ðến năm 2000, có thể nói khắp năm châu nơi nào cũng có người Việt nam cư ngụ. Hoa kỳ là quốc gia đông người Việt nhất. Trên hơn 30 tiểu bang Hoa kỳ có chùa hay niệm phật đường.

Mùa hè năm 1976, tại hai miền cực Ðông và Tây Hoa kỳ đã có hai đơn vị Gia đình Phật tử tiên khởi tự phát. Gia đình Giác Hoàng do các trưởng: Phúc Thiện Ngũ Duy Thành và Thiện Thanh Ðặng Ðình Khiết (nguyên Tổng Thư Ký Ban Hướng Dẫn GÐPT miền Vĩnh Nghiêm) thành lập tại chùa Giác Hoàng Washington DC. Gia đình Cựu Kim Sơn do trưởng Thuyền Vị Nguyễn Thị Ngà thành lập tại chùa Từ Quang San Francisco. Tính đến mùa hè năm 2000, trên toàn quốc Hoa kỳ có trên 60 đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt đều đặn mỗi cuối tuần. Trong số đó, hai đơn vị tiên khởi Giác Hoàng và Cựu Kim Sơn vẫn còn sinh hoạt mạnh mẽ. Sĩ số mỗi đơn vị thường thường có trên dưới 100 đoàn sinh và huynh trưởng. Một số đơn vị, sĩ số đó đạt đến 3 hay 4 trăm.

Trên quê hương mới, Gia đình Phật tử phải thích nghi với tập quán, văn hóa mới. Ðồng thời vẫn phải gìn giữ truyền thống của mình. Duy trì và phát huy tín tâm đối với đạo pháp là điều tất nhiên. Hợp lực với đồng hương, cộng đồng bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc là trách nhiệm mới của Gia đình Phật tử hải ngoại nói chung, Gia đình Phật tử Việt-nam tại Hoa kỳ nói riêng. Hướng dẫn đoàn sinh các nghi thức tụng niệm, các sinh hoạt tu tập là công việc quen thuộc. Nhưng hợp lực với đồng hương, cộng đồng bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc nơi xứ người là trách nhiệm mới và lạ đối với một đoàn thể quen khép kín sau cánh cổng chùa. Ngoài nhận thức, còn cần tinh thần dấn thân tích cực. Qua thời gian đầu bỡ ngỡ, Gia đình Phật tử quen dần và tổ chức các sinh hoạt thích hợp hội nhập xã hội mới.

Năm 1978, trại huấn luyện Huynh trưởng toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại Oaklahoma. Trại quy tụ trại sinh từ nhiều tiểu bang về dự. Từ trại huấn luyện này, một ban Liên Lạc được thành lập để vận động thống nhất sinh hoạt Gia đình Phật tử tại Hoa kỳ. Năm 1983 Ðại hội Huynh trưởng đầu tiên diễn ra tại chùa Pháp Quang tiểu bang Texas mở đầu cho sự kết hợp sinh hoạt chung của Gia đình Phật tử Việt nam tại Hoa Kỳ.

Ra khỏi cổng chùa:

Về tinh thần đã được kết hợp. Về hình thức và phương cách sinh hoạt đã đồng nhất. Nhưng tuỳ theo điều kiện địa phương và vị Thầy trụ trì cố vấn giáo hạnh mà các đơn vị có lịch trình sinh hoạt khác nhau. Sống trong một đất nước năng động, thời gian tính bằng giây, Gia đình Phật tử cũng phải chuyển mình, thích nghi để tồn tại và phát triển. Họ tích cực tham dự vào mọi sinh hoạt của cộng đồng. Là một tổ chức lấy giáo dục làm phương châm nên dù không ồn ào, họ có mặt trong hầu hết các sinh hoạt văn hóa, xã hội, giáo dục và cả đấu tranh nữa của cộng đồng. Trước nhất là giữ gìn tiếng nói và chữ viết. Mỗi đơn vị Gia điụnh Phật tử cũng là một Trung tâm Việt ngữ. Hai sinh hoạt này song hành và tương tác nhau. Hàng ngàn thanh thiếu niên, nhi đồng khắp nơi được các anh chị Trưởng cũng là thầy giáo, cô giáo dạy hát, dạy nói, dạy chữ Việt mỗi cuối tuần.

Các em đoạt được nhiều phần thưởng cao của giải Khuyến Học tổ chức hàng năm cũng như các cuộc thi viết văn thơ dành cho tuổi trẻ. Tại Nam California, có trên 10 Trung tâm Việt ngữ của Gia đình Phật tử và sẽ còn gia tăng cùng với sự phát triển các đơn vị mới. Hầu hết Gia đình Phật tử đều có đội múa Lân, giúp vui trong các dịp lễ lạc của Phật giáo và các lễ hội công cộng do cộng đồng tổ chức như mừng Xuân, giỗ Quốc Tổ, tết Trung Thu & góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa Việt. Gắn Hoa Hồng, một nghi thức không thể thiếu trong dịp lễ Vu Lan hay Lễ Hiếu. Nghi thức này do Gia đình Phật tử thực hiện và quảng bá thể hiện lòng hiếu kính đối với cha mẹ. Ðến nay Lễ hội Hoa Hồng Vu lan đã trở thành của đại chúng. Châm ngôn vui hát, vui học được tích cực ứng dụng. Vì vậy, các Gia đình Phật tử đều hướng dẫn các em sinh hoạt văn nghệ. Ðặc biệt hình thái văn nghệ dân tộc rất được chú trọng. Từ mấy chục năm nay, đoàn vũ của Gia đình Phật tử Long Hoa (chùa Việt nam Los Angeles California) dẫn đầu về thể loại vũ dân tộc. Từ những năm đầu thập niên 1990, trong khi bộ môn cải lương bị bỏ quên ngay cả tại quốc nội, Gia đình Phật tử Chánh Pháp (chùa Dược sư Orange County California) đã sáng tác, dàn dựng và công diễn tuồng cải lương. Các vở Phật Thành Ðạo, Quan Âm Diệu Thiện, Lưu Bình Dương Lễ rất được đồng hương và Phật tử tán thưởng đã được thâu băng vidéo phát hành rộng rãi khắp nơi. Chỉ vài năm trở lại đây, cải lương mới được nhắc nhở trong cộng đồng qua các cuộc thi hát Vọng cổ. Sau hai chục năm, một thế hệ huynh trưởng trẻ lớn lên và trưởng thành. Sự tham gia của lớp huynh trưởng trẻ này đã phần nào thay đổi bộ mặt sinh hoạt của Gia đình Phật tử. Họ sát cánh với các đoàn thể trẻ khác thực hiện các công tác xã hội. Ði bộ cho thuyền nhân Pallawan, Cứu trợ bão lụt miền Trung Việt nam và Trung Mỹ, Rửa xe gây quỹ tặng bữa ăn cho người vô gia cư, Xuống đường quyên góp cứu trợ thiên tai trong nước &. Ðây là những sinh hoạt hoàn toàn mới lạ với Gia đình Phật tử. Nhưng lòng nhiệt thành và tính cách năng nổ, tháo vát của tuổi trẻ giúp họ tích cực tham gia không chút bỡ ngỡ. Ý thức trách nhiệm của những người mang danh tị nạn, lòng luôn hướng về quê hương còn nhiều khổ đau, Gia đình Phật tử cũng có mặt trong những lần biểu dương sức mạnh Cộng Ðồng Người Việt như Diễn Hành Mừng Xuân, Vận động Bầu cử Hoa kỳ&. Ðặc biệt, vụ Trần Trường năm 1999, họ đã góp công không nhỏ để đạt được sự thành công hoàn toàn trong việc dẹp cờ cộng sản và hình Hồ Chí Minh trong tiệm Hi-Tech trên đường Bolsa.

Gia đình Phật tử là một phong trào tuổi trẻ mới thành lập trên 50 năm và 25 năm nơi hải ngoại. Tuy thành tựu khích lệ. Song thời gian quá ngắn để họ lớn lên vững vàng. Hướng tới, đường đi tuy rõ ràng. Mà kinh nghiệm, chắc chắn không đủ đáp ứng sự phát triển quá nhanh. Ðôi khi họ cũng bị chao đảo, phân vân. Nhưng may mắn, họ luôn luôn có Thầy bên cạnh nhắc nhở: Việt nam lên đường. Họ biết sống xứng đáng là người Việt-nam và phát huy tính cách của người con Phật. Mùa xuân này, lại thêm một dịp để họ chứng tỏ tấm lòng thiết tha với văn hóa dân tộc. Năm mới sắp về thêm thời gian cho họ kiên cố tình người hăng say phục vụ.

California, Mùa Xuân 2000

TÂM HÒA NGÔ MẠNH THU
(Trích Kỷ yếu Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại 2000)

HOÀNG HÔN MẸ

"Tiễn Mẹ" - Ảnh Huyền Ny.

 

HOÀNG HÔN MẸ


Mẹ ta mũi chỉ đường kim
Miệt mài khâu lại nỗi niềm âu lo 
Tiễn con chiều nặng bến đò,
Bước về thui thủi mẹ đo tháng ngày
 
Khuất cha, mẹ nặng hai vai
Vai mưa, vai nắng, gánh ngày sang đêm 
Nửa con mẹ giục con tìm
Còn nửa của mẹ, bên thềm gió lay

Dây trầu lại quấn thân cau
Quấn trăm năm một niềm đau u hoài
Cuộc đời có mấy vòng xoay
Xoay qua vòng cuối con hay được mình 

Con đi ôm hết bình minh
Để mẹ lại với vô tình - hoàng hôn
Giá mà đổi được càn khôn
Con xin đổi lại hoàng hôn của người

Ru con lòng mẹ đầy nôi
Mẹ ta tránh hát những lời thiếu cha
Tiệc tùng con ở nơi xa
Vườn xưa còn đó dưa cà muối rau

Nắng Miền Nam rát… rát đau
Nắng không theo được chuyến tàu về Trung.

Người đi dù khắp muôn trùng,
Tiếng ru lòng mẹ chập chùng non xanh

Về đây nguồn cuội đất lành
Thơ là nhang khói bay quanh chốn này

Mẹ ta cười ở đâu đây
Vườn xưa mây trắng về bay ngập ngừng

Sài Gòn 2010
Phan Thanh Cương.

Saturday, October 16, 2021

Uyên Nguyên giới thiệu: HOA ĐÀM #14: Trưởng Lão Tỷ Kheo Thích Trí Quang và Một Chặng Đường Phật Giáo Việt Nam


Tôi ngồi viết những dòng này, trên lầu bốn của bệnh viện Huntington Beach, nghe chung quanh sinh tử réo rắt – vô thường!

Mỗi khi nghĩ đến bất kỳ một Bậc Thầy của Phật Giáo Việt Nam, trong tâm tôi lại vọng lời dặn dò của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đôn Hậu (Đệ Tam Tăng Thống, GHPGVNTN) – trong bản Di Huấn đã nhắc nhở thất chúng đệ tử trước giờ Ngài viên tịch:
“Suốt cuộc đời của Thầy hơn tám mươi năm, sống tận tụy bên đồ chúng, không phải giờ ra đi chỉ để lại có bấy nhiêu lời. Nhưng vì đó là những điều cần yếu khi lâm sự, nên phải dặn dò, còn những ưu tư trong bản nguyện của Thầy đối với Đạo Pháp, Dân Tộc và Đồ Chúng thì không sao nói hết được. Là những người thường sống bên cạnh Thầy, các con phải tế nhị mà tự cảm nhận lấy…” – Linh Mụ ngày 19 tháng 2 năm 1988, Lão bệnh Tỳ Kheo Đôn Hậu.

Kỳ thật đây cũng là một phần tâm niệm của anh em kết tập nên những ấn bản Hoa Đàm suốt mấy mươi năm qua. Sau số 12 – tưởng niệm cố Hòa Thượng Thích Đỗng Minh; và 13 tưởng niệm cố Hòa Thượng Thích Huyền Quang. Kỳ này Hoa Đàm 14 đặc biệt kính tưởng niệm Cố Hòa Thượng Thích Trí Quang. Nội dung sưu lục các bài viết liên quan đến Hòa Thượng, của nhiều tác giả khả tín, nghĩ là chừng mực đủ để khắc họa nên hành trạng một đời của Thầy mà tâm niệm như vừa bộc bạch, thương Đạo và tha thiết với Quê hương dân tộc, hiểu Thầy mình là một bổn phận của các thế hệ học trò, trong đó có anh chị em Huynh trưởng GĐPT Việt Nam – phải hiểu cho bằng những điều mà các bậc Thầy đã từng nói và cả những điều không nói ra.

Hiểu, để không hời hợt mà cũng không cần phô trương. Với người muốn nghe thì chia sẻ, với người không cần thì nên giữ im lặng vững chãi như núi.

Đặc biệt trong tuyển tập này, Hoa Đàm có thêm phần phụ lục mà khi nhắc đến tác giả của bài chính luận “Phật Giáo Việt Nam Muốn Gì Mà Thời Nào Cũng Đấu Tranh?”, nếu nhắc Ông như một Lý Thuyết Gia* thì có thể xa lạ với chúng ta, nên nhắc Ông là phu quân của Cô “nữ sinh Mai Tuyết An” thì rất quen thuộc và gần gũi. Tôi mượn lời Ông, bậc trưởng thượng nhận xét về người Thầy của mình để dẫn vào số báo này – nhân ngày Đại Tường của Hòa Thượng – Thượng Nhân Trí Quang, “một nhà thực học về duy thức đứng đầu của Việt Nam; việc tranh đấu của Giáo hội là việc rộng lớn lâu dài, mỗi người làm một việc, hết đợt này tới đợt khác, cho tới chừng nào dân chúng được tự do, dân tộc được thoát nạn đất nước có dân chủ hòa bình phát triển, con người thực sự làm chủ được mình, thăng hoa tâm linh, làm đẹp cuộc đời mà chẳng còn bị cấm đoán mới là lúc Phật giáo được mỉm cười…”.

Chốn bụi, 17 tháng Mười, 2021

UYÊN NGUYÊN
(Quảng Pháp Trần Minh Triết)

 

* Những người quen biết Lý Đại Nguyên từ hơn 60 năm qua đều nhận thấy một điều: Ông không quan tâm đến chính cá nhân mình. Không bao giờ nghe ông nói đến nhu cầu bình thường của một con người, gọi là “cơm, áo, gạo, tiền” cho đến lợi, danh, quyền thế! Lý Đại Nguyên hoàn toàn sống với lý tưởng. Một người quen biết Lý Đại Nguyên từ trước năm 1960, ông Việt Dương đã nhận xét: “Ông sống bình dị, an nhiên, khi ra đi cũng nhẹ nhàng, an nhiên.” Thời nay rất khó kiếm được một người như Lý Đại Nguyên. | Ngô Nhân Dụng

________________________________________

Bi chú: Nội dung tập san được đăng trọn ở đây, nhưng nếu quý anh chị Trưởng nào cần một bản in thì có thể liên lạc Cư sĩ-Huynh trưởng Tâm Thường Định.

ẤN BẢN PDF: HOA DAM 14 

Wednesday, October 6, 2021

Thích Tuệ Sỹ: Nước non cách mấy buồng thêu


Một ngày nóng, rồi một ngày lạnh. Người ta cứ mãi triền miên giữa những cơn nóng lạnh bức bách. Bức bách đến kỳ cùng, cho đến khi lòng người vĩnh viễn đắm chìm tận lòng biển. Không nghe và không thấy, người ta chỉ biết nói chuyện bằng những ngón tay, khi nào trời đã tối hẳn. Đến như thế thì đất đá lại biết nói chuyện hơn người. Để bàn tay bất động trên mặt bàn, mối mọt từ mấy trang sách sẽ từ từ chun ra. Trên mặt bàn sẽ hiện nhiều vết máu. Mùi tanh hôi từ các đồng trống kết tụ về ó tiếng quỷ cái đọc thư trên những xác lá.

Đừng nói chi đến mùa thu này đến mùa thu khác. Chỉ có mùi vị tức tưởi tanh hôi của những cảm khái trong các phong vận hư phù của tuế nguyệt. Những người quen thói chờ đợi và níu cái gì đến tức phải đến, những người ấy một khi ngửi ngửi phải mùi vị ấy thì lảo đảo ngây ngất như nhập đồng cốt, rồi sẽ chập chờn đứng dậy kêu gào, khản giọng kêu gào như quỷ đói. Quỷ đói thì cầu xin một bát cháo ở ngả ba đường, vạch cỏ mà tìm những hạt gạo muối.

Cũng thế, người ta có bổn phận tìm và lựa một đôi lời vụn vặt, nhưng nghe được, rồi đảo qua đảo lại để sắp đặt câu chuyện sinh tồn. Quỷ đói còn biết vạch cỏ để kiếm ăn để sống, người ta sao lại không? Tuy vậy, đã vì sinh tồn sao lại quên được cái cách điệu đong đưa tuế nguyệt? Dù sao, từng đoàn người cũng đã lũ lượt, chờ khi đêm tối, kéo nhau vào những chốn rừng thiêng nước độc, ghé mắt trông chừng những hang đá, mỗi hốc cây. Họ đi tìm ở đâu? Người ta nói, họ đi tìm tình yêu và sự chết. Có kẻ nói gọn hơn, họ đi tìm sự sống. Cũng có thể thực và cũng có thể không thực. Sự thực thì có đây, nhưng tình thực thì không. Sự tình nào thì chẳng nông và nổi. Cái sự của tình nó nông như vũng nước của dấu chân trâu, cái tình của nó nổi như bong bóng.

Rồi cứ thế mà nó mãi. Từng đoạn và từng đoạn xô bồ như đoàn người vội vã xô đẩy nhau. Gắng gượng chống chế để kéo dài mọi sự. Tóc càng dài càng trắng. Đoàn người càng dài càng tối đen, chuyện được kể lể càng dài càng sặc mùi quỷ quái tanh hôi. Cũng còn có những lời nói dài bất tận, dài đến độ trời trở nên xanh và lạnh, lá tre trở thành đỏ và rụng xuống như máu.

Mang nương ngâm lộng màn hàn không
Cửu Sơn tỉnh lục lệ hoa hồng.

Bài hát của cô gái mọi trên đỉnh Cửu Sơn, trong vùng đất Thương Ngô, chỉ hát cho một người nghe, và người độc nhất trong lịch sử văn học Trung Quốc có thể nghe, là vua Thuấn. Cái tinh anh và thể phách của ngài không ngự trị trên lịch sử văn minh Trung Quốc, mà chỉ phảng phất trên môi của cô gái mọi. Người ta bắt chước điệu nói hư phù của quỷ mới nói ra như vậy, chứ như điệu nói của người thực thì không bao giờ. Bởi vì nhìn lên thì thấy một xe quỷ, nhìn xuống thì thấy một con heo ủi đất. Thế là trong cái phong vận tiêu tao của tuế nguyệt, một khi trời đất mở ra chỉ thấy toàn heo và đất bùn, khi khép lại, chỉ thấy toàn có quỷ.

Trung Hoa có ba người tài: Tiên tài Lý Bạch, Nhân tài Đỗ Phủ, Quỷ tài Lý Hạ. Tiên tài không thấy có sự nghiệp của Nghiêu Thuấn gì hết, mà có Hằng Nga, có Dao Trì, thành ra chỉ có đàn bà và rượu.

Nhân tài thì có cười có khóc; có sao hôm sao mai.

Quỷ tài chỉ có cái xác chết của vua Thuấn và những bài ca vu vơ của cô gái mọi thôi sao?

Nhưng có thể chắc chắn là không có mối tư lự não nùng giữa những cái còn cái mất của ngày qua tháng lại. Quỷ mà sống thì cũng đồng như không sống? Chở quỷ một xe? (Kinh Dịch) chẳng khác nào chở cái không hư dạo giữa cõi tuần hoàn có sinh có diệt. Quỷ chỉ biết khóc mà thôi, và tiếng khóc của nó làm cho người ta sợ hãi thực. Biết sợ như thế rồi sau đó mới biết cười và biết nghêu ngao trong Du hí tam muội. Tóc trắng da mồi là tinh thể của Du hí tam muội: Bạch phát thương nhan, chính thị Duy ma cảnh giới (Tô Đông Pha). Nơi cõi đó có một mùa xuân vĩnh cửu kết tụ thành bụi phân hoa liễu:

Chi thượng liễu miên suy hựu thiểu
Thiên nhai hà xứ vô phương thảo
(Tô Đông Pha)

Sự kết tụ ấy đã khơi mở một nguồn suối tuôn trào, thành một niềm tương ứng vừa gần gũi vừa xa xôi của kẻ ở góc biển này và người ở chân trời nọ:

Ngồi kể lại chuyện ngày xưa cũ kỹ
Em không nghe vì anh cũng không nghe
Hồn hoa phấn xông hương sầu dị dị
Tóc vàng tơ tỉ mỉ ngón tay đè
Vì ngọc trắng cát lầm thu xiêu lệch
Gió băng trời xin thổi bụi bay theo
Ngàn xuân rộng vô ngần trong bóng nguyệt
Đầu xanh em tư lự suốt sông đèo
(Bùi Giáng – Mưa Nguồn)

Vì sự bức bách của nóng và lạnh, cho nên cái chuyện chưa từng xảy ra, bỗng chốc đã trở thành cũ kỹ. Từng ngày từng ngong ngóng buổi chiều để đi suốt qua một cánh đồng cỏ, ghé mắt trông chừng bóng liễu rũ. Trời sáng người làm quỷ, trời tối quỷ làm người. Người và quỷ cứ gây phiền muộn mãi cho nhau đến thế thì thôi.

Nước non cách mấy buồng thêu
Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng

Trong buồng thêu đầy những mối mọt. Chúng không còn tham lam đắm đuối vật vờ với mùi giấy mùi mực của đống sách này chồng lên đống sách nọ như nấc thang dài vô tận đưa thẳng lên trời. Bây giờ chúng mê mẩn tâm thần chết lên chết xuống với cái mùi vị hương nồng của tóc cũ tóc mới, từ tóc ngắn chấm vai cho đến tóc dài chấm gót chân đó, chấm đến một vùng đất bạc.

Đứng mãi đây hay đi? Và đi đâu để đạp lên miền tương ứng? Tương ứng của xa vời trong gang tấc và của gang tấc trong xa vời? Hay một lần từ giã chỗ đứng đó để mà đi tức là đi mãi, đi cho biết hết cõi sinh tồn, hết cõi hủy diệt?

Gác kinh viện sách đôi nơi.
Trong gang tấc là gấp mười quan san.

Câu chuyện sau đây nghe được từ sau tấm vách của một gia đình nọ.

Cái gia đình ấy không tối nào mà vắng tiếng to tiếng nhỏ. Họ là hai anh em ruột thịt. Bằng cái tuổi ấy, nếu không nhịn được, ai cũng có quyền lập gia đình riêng, tội gì mà phải gắn bó, rồi chung đụng để cứ gây phiền toái cho nhau hoài. Họ làm phiền nhau thì có, mà làm phiền hàng xóm thì không. Bởi vì, dù họ có cãi nhau thực đấy, nhưng nghe rành rõi; không vội vàng gay gắt.

– Sao chú không bảo nó xéo đi nơi khác, thế có hơn không?

– Có gì mà phiền? Hắn đến đó vì chuyện riêng của hắn, can dự đến ai.

– Ừ, thì đã can dự gì đến ai. Sao chú không lấy mắt của chú treo lên trên cành cây mà nhìn nó có hơn không? Tội gì mà thấp thỏm trông chừng./.

Tuệ Sỹ

Mười huyền môn trật tự của thế giới trong tương quan vô tận


Nguồn: Thư Việt Phật Việt

Sunday, October 3, 2021

MỘT NÉN HƯƠNG LÒNG

MỘT NÉN HƯƠNG LÒNG

Tiễn Anh Nhật Nguyên Quảng Trần Văn Minh


Anh đi phố vắng thêm sầu

Đìu hiu gia tộc xanh đầu tiễn nhau

Còn đây thương tiếc niềm đau


*


Kim Quang tình mãi đong đầy.

Chung tay xây dựng một phần có anh 


**

Nhật Nguyên Quảng

Quảng đại bi tâm

Đến đi thanh thản


***

Anh nằm đó

xin đừng lo

Mọi sự nhỏ to

đều được an bài

Hãy an nhiên anh nhé

Thong dong về cõi Phật


****

Anh đi nhật nguyệt vẫn còn

Kim Quang Minh thoát đã tròn yêu thương.



Sacramento, CA. Ngày 10/7/2021

Tâm Thường Định và Nguyệt Giác Nghiêm



 

Wednesday, September 22, 2021

NHỚ MẸ 6 NĂM DÀI



NHỚ MẸ 6 NĂM DÀI

Mẹ vầng trăng thiên cổ
Soi sáng đường con đi


Sáu năm xa cách Mẹ
Nụ cười Người còn đây
Hạnh nguyện vẫn đong đầy
Mang tình thương trang trải

Những thành tựu gặt hái
Đều có dáng Mẹ yêu
Ba ở tuổi xế chiều
Cũng luôn yêu thương Mẹ

Những lúc con đơn lẻ
Ngồi thở nhớ về Người
Khi nỗi buồn chơi vơi
Được con hôn kiểu Mẹ

Mẹ yên tâm nghen Mẹ
Dong dong cõi vô sinh
Con cháu sống hiếu tình
Yêu thương và đùm bọc

Đêm trung thu cười khóc
Tiếng chuông chùa nhẹ ngân
Tiếng hư vô trong ngần
Lăng Nghiêm vàng cõi tịnh.

Tâm Thường Định
Sacramento, 22 tháng 9, 2021.

Tuesday, September 14, 2021

Tâm Quảng Nhuận | Tu thư Sen Trắng tổng hợp: Ý nghĩa, Tinh Thần Tu Học và Hành Trì của Người Huynh Trưởng | Kỳ 3: Tinh Thần học Phật Thể Hiện Tròn Sáng Qua Hành Trình tu Phật của Người Huynh Trưởng


 

Tiếp theo phần một và hai, hôm nay chúng ta tiếp tục thảo luận với nhau về đề tài “Ý nghĩa và tinh thần tu học, hành trì của người Huynh trưởng”, mà như đã trình bày, đây là tài liệu hội thảo của GĐPT Miền Quảng Đức, 2001. Bấy giờ Trưởng ban là Chị Tâm Chánh Phạm Thị Hoài Chân và Phó Điều Hành là Anh Tâm Nghĩa Ngô Vân Quy. Nói cụ thể hơn, đây là tài liệu tổng hợp từ các nguồn tham khảo được liệt kê, lúc bấy giờ có được, để thuyết trình trước hội nghị:

  • Trao cho thời đại một nội dung Phật chất, Hòa thượng Thích Đức Nhuận.
  • Những đóng góp to lớn của đạo Phật với dân tộc và nhân loại, Hòa thượng Thích Đức Nhuận
  • Đại Cương Đạo Đức Học Phật Giáo, Hòa thượng Thích Mãn Giác
  • Giới thiệu Kinh Duy Ma Cật, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
  • Thắng Man Giảng Luận, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ
  • Gia Trưởng, Huynh trưởng Như Tâm Nguyễn Khắc Từ
  • GĐPT Việt Nam-Cương Yếu và Tổ Chức, Huynh trưởng Như Tâm Nguyễn Khắc Từ
  • Tinh Yếu Kinh Văn, Huynh trưởng Thị Nguyên Nguyễn Đình Khôi.

và đặc biệt, phần nhiều nhằm giới thiệu văn bản “Đại Cương xây dựng chương trình tu học và huấn luyện Huynh trưởng GĐPT” của Trưởng niên Thị Nguyên Nguyễn Đình Khôi, nay đã xuất gia với Pháp hiệu Thạnh Không.

Đại hội toàn quốc 2004, Hoa Kỳ, quả thật là một biến cố ngoài dự tính, khép lại mọi dự án của các lãnh vực tu học GĐPT, được tập thể xây dựng và trong giai đoạn khai triên và thực hiện, bị đình trệ, hoặc xóa bỏ. Nhiều năm sau kéo theo những hệ lụy mà điểm đáng tiếc, là phá vỡ những giá trị chung đã từng được anh em vun đắp để làm thành chất liệu tô bồi cho tổ chức phát triển mà không lệch hướng. Nói một cách khác, những giá trị tinh hoa do chính anh chị em dày công vun xới, lại do chính mình đãi bôi.

Nhiều thế hệ tiếp bước, vì vậy chưa kịp tiếp cận những nguồn tư liệu vốn cần và căn bản, để khi tham dự các lớp huấn luyện, hoặc nghiêm trọng hơn lúc đóng vai trò huấn luyện, dễ vấp phải những việc đáng tiếc, mà chất lượng đào tạo càng lúc càng suy giảm, thiếu hiệu quả.

Niên trưởng Thị Nguyên Nguyễn Đình Khôi (phải), nay là Thầy Thạnh Không

Tinh thần học Phật thể hiện tròn sáng
qua hành trình tu Phật của người Huynh trưởng

Trở lại với lời tâm trong phần hai vừa rồi, ta hiểu gì về “trau dồi biệt nghiệp”. Hiểu theo nghĩa xúc tích tròn đầy phải chăng là quay về nương tựa Phật, Pháp, Tăng, hướng đến một sự tu học và hành trì cho mình. Chúng ta khi đã nhận thức rõ rằng: con người vốn là một hiện hữu trong mê, nhưng nhờ phúc duyên lớn nhất là gặp được giáo lý của Phật chỉ bày cho thấy trong cái thực thể mê si ấy lại có một kho tàng quý báu là Phật tánh, chỉ vì lâu nay mãi lăng xăng theo hiện tượng giới trăm sai vạn biến mà khởi niệm buông lung, chao đảo mê lầm. Nay thì quyết tâm quay về nương tựa Tam Bảo phát lập hạnh nguyện đêm ngày thủ trì nghi giới, nhiếp phục thân/tâm để sáng lộ tự tính thường tịch. Sau đó mang cái thực nghiệm, thực chứng ấy trao truyền cho đàn em, cho những ai mà mình có duyên gặp gỡ để hướng dẫn họ phát khởi sự thiết tha yêu đạo, mến đạo và sống đạo.

Phát nguyện gia nhập vào hàng ngũ Huynh trưởng GĐPT, chính là chúng ta đã chọn lấy một pháp môn tu trong dòng tiếp hiện-tiệm tu, nhưng chí nguyện là Đại Thừa-Bồ Tát Hạnh. Người Huynh trưởng lúc đi trên con đường cầu đạo và tu học phải lấy căn bản thanh tịnh Pháp thân làm đầu, tránh phạm Giới phần, tự thân phải biết huân tu thiện nghiệp, rời bỏ mọi sự tham ái và chấp thủ.

Đối với GĐPT, tinh thần huấn luyện Huynh trưởng dù cao cấp như trại Vạn Hạnh cũng không nhằm đào tạo các nhà học giả, mà chỉ nhằm đào tạo những Huynh trưởng hướng dẫn thế hệ kế thừa. Nên học Phật không phải để bàn sâu tán rộng, mà học để hiểu, nhớ nhuần nhuyễn và làm cơ sở cho hành động nhập cuộc dấn thân, đối trị những điều ác dữ, hướng đến chí nguyện Đại thừa, để làm tốt cho Đạo, làm đẹp cho Đời. Tinh thần này là ý nghĩa thực dụng của Kinh Lăng Nghiêm, soi rọi cuộc đời hư huyễn vô thường và làm nổi bật các tính thường còn mà GĐPT là một tổ chức giáo dục tuổi trẻ thì trước hết phải nhắm đến việc rèn luyện tư cách tác phong đạo đức, thành toàn nhân phẩm con người (tự độ), rồi mới nghĩ đến chí hướng Đại thừa cao cả (độ tha). Giải thích điều này, xin nêu ra đây mấy yếu tố để anh chị dễ dàng nhận xét:

  • Lăng nghiêm chỉ dạy rốt ráo các pháp đối trị tà vọng và hành trì thắng nghĩa viễn ly, GĐPT nương theo đây vẽ phác chương trình tu học và hành trì của mình;
  • Lăng nghiêm dạy nhân quả đồng phận, nghĩa là lấy Phật tâm mới có thể cầu Vô thượng Đạo, GĐPT phải học hiểu, và tự giác xin được phát nguyện, không ai chỉ định hoặc thúc ép trong sự tự phát quyết định đó.
  • Lăng nghiêm không tách rời lý thuyết và hành động. GĐPT lấy tinh thần Bi-Trí-Dũng làm phương châm hành động.
  • Lăng nghiêm lấy đức tin sáng suốt mà dõng xuất chí hướng. GĐPT lấy đức tin sáng đó làm ngọn đuốc soi đường cho cả cuộc đời mình.
  • Lăng nghiêm, kể từ khi phát nguyện, A Nan và Đại chúng kiên trì hạ thủ cho đến chứng quả vị giác ngộ. GĐPT kể từ khi phát nguyện, nguyện trung thành với tổ chức, nguyện xả thân vì sự trường tồn của đạo pháp và dân tộc, nguyện ngày đêm tinh tấn tu học giáo lý Phật đà, nguyện tôn trọng Nội quy-Quy chế GĐPT.
  • Lăng nghiêm lấy căn bản thanh tịnh pháp thân làm đầu, GĐPT kiến lập điều luật thứ 4: “Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.”
  • Lăng nghiêm dạy Phật tử đoạn sát, GĐPT kiến lập điều thứ 2: “Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống.”
  • Lăng nghiêm dạy Phật tử đoạn tham và vọng ngữ, GĐPT kiến lập điều thứ 3: “Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.”
  • Lăng nghiêm dạy phải trường kỳ chiến đấu cùng tự thân. Giới luật là cốt để ngăn chặn phiền não chứ không để phẩm bình kẻ khác. GĐPT lấy kỷ luật tự giác, tự phê, tự kiểm, đúng thời đúng chỗ.
  • Lăng nghiêm xưng tán Văn-Tư-Tu và sử dụng Giới-Định-Huệ để đi đến giác ngộ, GĐPT lấy Văn-Tư-Tu để kiến lập và hình thành chương trình tu học. Lấy Giới-Định-Tuệ làm phương pháp tu trì…v.v.

Phật pháp tuy phân thành nhiều giáo hệ, nhưng lúc tu học thì Huynh trưởng không nên phân chia bởi tất cả các pháp đều là Phật pháp, đều là phương tiện môn. Phương pháp giáo dục GĐPT vốn nương từ các đề Kinh mà kiến lập đường hướng cụ thể, và ở đó nổi bật tinh thần “bất nhị pháp môn”, nghĩa là pháp môn không hai:

Học và Hành là hai. Học cho biết sự tướng chánh, tà, hư, huyển, chân. Lại cũng biết nương theo tà mà lập chánh; nương nơi hư mà lập thực; nương huyễn để lập chân. Do đó khi tà, hư, huyễn đã diệt thì cái tướng học, hành, chánh, chơn thật cũng không có. Sự và Lý là hai. Nương nơi sự mà hiểu lý, nhờ lý mà hiểu sự. Thông đạt lý, không chấp trụ. Thế cho nên GĐPT dù có phân thành ngành nam, nữ, thanh, thiếu, đồng hay các bậc học từ Sơ sanh đến Lực, các cấp Tập, Tín, Tấn và Dũng…v.v thì vẫn không hạn cuộc vướng kẹt ở những hàng rào hình thức ấy. Tinh thần giáo dục của GĐPT là phá chấp triệt để nhưng lại không thấy chỗ phá chấp, nghĩa là sự lý nương nhờ nhau mà tồn tại và hoại diệt đúng thời nghi. Vì vậy, sự và lý phải song hành hỗ tương và tròn sáng. Sự nương lý mà tồn tại, lý nhờ sự mà được hiển bày.

GĐPT là một đạo tràng bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, trí ngu, quý tiện, tuổi tác, gái trai, già trẻ hay đối xử đãi ngộ nên có cùng chung một chương trình tu học thống nhất. Thế thì người Huynh trưởng cần phải tu học để tùy thuận thông biến, lấy tinh thần trụ thế gian mà trì Như Lai Tạng, với pháp hỷ hoan lạc mà truyền thừa không dứt (Vô tận đăng). Khi đó mọi thứ bức bách, khảo đảo, khó khăn của hoàn cảnh môi trường có tác nhân hay không tác nhân, đều cẩn thận quán chiếu để thấy rằng đó là nghịch vận Bồ Tát hạnh, để dẫn dắt ta tấn tu. Không trụ vào trú xứ, cấp bậc hay chức vụ. Phục vụ bất cứ ở đâu, lúc nào và làm việc hết khả năng của mình (tinh thần này chính là nương vào đề Kinh Duy Ma Cật). Phải luôn luôn tâm niệm Huynh trưởng là người bạn lành của tổ chức, của đàn em thì không đợi mời thỉnh, bất kỳ lúc nào và ở đâu mà tổ chức cần thì sẵn sàng gánh vác và chịu trách nhiệm về thịnh suy của tổ chức. Huynh trưởng phải phá vỡ mọi đầu óc cục bộ địa phương, lấy tinh thần Thắng Man mà nhiếp phục tất cả mọi oán tặc ma chướng, đối trị ngã mạn tự cao và tự ti để thể hiện và gìn giữ thống nhất của đoàn thể mình.

Tóm lại, quá trình sinh hoạt GĐPT là áp dụng giáo pháp Phật đà. Người Huynh trưởng nhớ đến thế hệ tôn huynh đi trước liền thể hiện sự biết ơn đó bằng cách báo ân sẵn sàng gánh vác sứ mạng trước thế hệ em mình. Sứ mạng này đòi hỏi người Huynh trưởng phải buông bỏ những tư tưởng kém hèn, chạy theo căn trần dục lạc mà vong thân mất gốc, bỏ những công việc chuyên gây nhân tạo nghiệp và tập cách quản trị điều hành sự nghiệp tuệ giác. Không tự tôn, không tự ti, tinh tấn hành trì mà không thấy là mình có làm có công. Hân hoan vui vẻ khi thấy người hơn ta, giúp đỡ kẻ thiếu thiện duyên để cùng mình thăng tiến. Phải năng hành thân giáo, nêu tánh hạnh lành, dẹp bỏ phê phán, chỉ trích người khác. Phải thực tu, thực chứng, không vụ ngôn thuyết, biện bác lý luận. Nỗ lực tinh tấn, âm thầm tấn tu, đối trị giải đãi, sân hận.

Khi Huynh trưởng đã nhận thức vạn Pháp đều là phương tiện, phải biết cách dụng của từng pháp môn để hướng dẫn đàn em. Phát triển xây dựng tổ chức qua hành trì Kim Cang, lấy trí huệ làm tôn chỉ để khai quật tận gốc sân hận mê si. Khi mỗi chúng ta là một Kim Cang giả thì tổ chức được thắp sáng bởi ánh đuốc trí tuệ, xây dựng bằng công đức thù thắng nhằm quét sạch những hạn cuộc chướng ngại. Tinh thần Kim Cang là lưỡi gươm đoạn trừ ma chướng, không sợ hoàn cảnh, đối nhân tác hại mà vẫn tinh tấn không lùi.

Để tạm kết luận phần này, khi ta nhận thức rõ rằng Huynh trưởng chịu trách nhiệm sự tồn vong của tổ chức thì không thể không nắm vững tinh thần Bồ Tát Đạo. Không dính mắc ở hành xứ quốc độ, đến đi không lưu tích, ở về, xuất xứ khó nghĩ bàn mới có thể hành thâm Bồ Tát Hạnh, lợi ích cho tổ chức và nhân quần xã hội. Vậy, Huynh trưởng trước phải tự độ, sau mới nói đến độ tha.

Xin hẹn quý anh chị vào kỳ tới: Những nguyên lý căn bản khi kiến lập chương trình tu học Huynh trưởng GĐPT.

Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát