Showing posts with label Tuấn Khanh. Show all posts
Showing posts with label Tuấn Khanh. Show all posts

Wednesday, May 31, 2023

Nguyên Không Tuấn Khanh: Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ: Hành trình mang Chánh Niệm vào học đường

 

Bạch Xuân Phẻ bắt đầu đem chánh niệm (mindfulness) vào ứng dụng với các học sinh của mình từ năm 2014. Đó là những tháng năm mà tình trạng bạo lực học đường, trầm cảm, tự kỷ, bế tắc giao tiếp… đột ngột trở thành một vấn nạn được nhìn thấy khắp nơi trên nước Mỹ.

Một nghiên cứu của National Institute of Mental Health từ năm 2007 đã báo động về một căn bệnh tinh thần không có thuốc chữa: nạn trầm cảm lo âu với gần 32% số người được thăm dò đều có triệu chứng, trong đó có đến hơn 90% là thiếu niên từ 13 đến 18 tuổi. Cho tới năm 2020, tài liệu hướng dẫn đối phó tình trạng thương tổn tinh thần của thanh thiếu niên Protect Youth Mental Health, ghi nhận từ năm 2009 đến năm 2019, tỷ lệ học sinh trung học có cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng dai dẳng, thậm chí tìm đến cái chết, tăng đột ngột đến 40%.

Tiến sĩ (TS) Bạch Xuân Phẻ là một giáo viên dạy hóa học tại Trường Trung học Mira Loma, California. Việc tiếp xúc hàng ngày với các học sinh cho Phẻ một nhận thức rõ là căn nguyên của các tình huống bất thường của học đường và gia đình, thường đều xuất phát từ tinh thần bất ổn ngấm ngầm, sự không kiểm soát được ý niệm sống của các thế hệ trẻ, vốn đã quen với đời sống ít tĩnh lặng và suy niệm.

Từ việc tạo các bài học giúp kiểm soát được tinh thần, kiểm soát được sự tĩnh lặng trong suy nghĩ, Phẻ đã giúp hàng ngàn thiếu niên đi qua những giờ phút tăm tối và cô đơn của chúng, dựng lên sự tự tin và thấu cảm với thế giới sống chung quanh. Đặc biệt trải qua những năm tháng gay go nhất của đại dịch 2020, thư và cảm nhận về lợi ích của bộ môn thực hành chánh niệm đã gửi về cho Phẻ không ngớt: Chánh niệm thật sự là một liệu pháp.

Đến Tháng Ba 2023, TS Bạch Xuân Phẻ được Hiệp hội Giáo viên California (California Teachers Association) vinh danh vì những đóng góp giáo dục thực hành chánh niệm của ông. TS Bạch Xuân Phẻ được trao giải Giải thưởng Nhân quyền người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương năm 2023 của bang California (Human Right Awards).

Lời vinh danh TS Bạch Xuân Phẻ, được Hiệp Hội Giáo Viên California phát đi, là “Điều làm nên sự khác biệt của TS Phẻ X Bạch với tư cách là một nhà giáo dục — cụ thể là giáo viên hóa học tại Học khu San Juan từ năm 2002 — là khả năng và sự sẵn lòng của ông để giúp thấm nhuần chánh niệm vào phương pháp giảng dạy của mình, và tạo ra các chương trình liên đới với chánh niệm để mang lại lợi ích cho học sinh của mình, đồng nghiệp và cả cộng đồng AAPI (Asian American and Pacific Islanders).

TS Bạch Xuân Phẻ bắt đầu các lớp học của mình mỗi ngày với 5 phút thiền định — mà ông gọi là một “kỳ nghỉ cho tâm trí của bạn” — và thảo luận về hiệu quả của kỳ nghĩ đó, trước khi bắt tay vào công việc học tập. Phẻ chỉ ra các nghiên cứu cho thấy chánh niệm là chìa khóa thành công của nhiều học sinh ở trường. Phẻ cũng là người khởi xướng và phát triển việc thực hành chánh niệm ngoài lớp học, đồng thời anh ấy đã thành lập một số tổ chức dạy chánh niệm cho các cộng đồng AAPI khác nhau.

Đại dịch và các sự kiện bất ổn của xã hội gần đây đã nhấn mạnh sự cần thiết của chánh niệm như một phần cơ bản của giá trị giáo dục. Mục tiêu của TS Phẻ là giúp các nhà giáo dục trở thành những giáo viên khỏe mạnh hơn và giỏi hơn, từ đó mang lại lợi ích cho học sinh của họ.

Phẻ đưa ra triết lý giáo dục rằng các nhà giáo dục cần có một sức khỏe tinh thần – như một thành phần quan trọng để giảng dạy hiệu quả và tạo được môi trường học đường tích cực. Câu thần chú của TS Bạch Xuân Phẻ dành cho những người tham gia các lớp học của mình là “Bạn không thể cho đi thứ mà bạn không có”. Có nghĩa người giảng dạy sẽ không mang lại được sự lành mạnh trong tinh thần với học sinh của mình, nếu chính bản thân họ cũng là những con bệnh.

Những cuộc thực hành đầu tiên về chánh niệm được Bạch Xuân Phẻ áp dụng cho một vài lớp, mời gọi sự tự nguyện. Mọi thứ được giải thích dựa trên căn bản về chánh niệm mà Phẻ đã từng tối giản để bất kỳ ai cũng có thế tiếp nhận, dù khác biệt văn hóa và nơi chốn.

Không phải học sinh nào cũng hiểu được chuyện hít và thở chầm chậm, buông lỏng… sẽ đem lại điều gì cho thế giới quan của giới trẻ vốn quen sống thiên về hiệu quả cụ thể. “Những thứ này đem lại điều gì?”, những đứa trẻ học sinh hỏi và ngạc nhiên tiếp nhận.


TS Phẻ cùng các giáo viên trong chương trình hướng dẫn đưa chánh niệm vào học đường.

Tại Mira Loma, Bạch Xuân Phẻ có các khóa học tự chọn nhằm giúp học sinh thực hành chánh niệm. Trên các bức tường trong lớp học của ông được trang trí bằng những tấm áp phích do chính các học sinh làm, bày tỏ sự nhận thức về chánh niệm của chúng.

Một trong những tấm tranh tường, được chính học sinh định nghĩa về chánh niệm, không khác gì như một hướng dẫn chuyên nghiệp “chánh niệm là trạng thái nhận thức không phán xét về những gì đang xảy ra trong thời điểm hiện tại bao gồm nhận thức về suy nghĩ, cảm xúc và giác quan của chính mình”.

Chương trình chánh niệm của Phẻ tạo được tiếng vang nhờ sự kiên trì tranh đấu của ông đối với nhận thức về sức khỏe tinh thần. “Trong sự nghiệp giảng dạy của mình, tôi đã mất sáu học sinh vì tự tử rồi và tôi không muốn mất thêm em nào nữa,” TS. Bạch chia sẻ.

Ông nói thêm “hy vọng rằng với tinh thần đó, lớp học này sẽ giúp một số em có được bộ kỹ năng cần thiết để vượt qua những cảm xúc nhất thời, và mạnh mẽ hơn”. Nói khi nhận giải thưởng Human Right Awards 2023, Phẻ bày tỏ rằng “Tất cả hòa bình trên thế giới đều bắt đầu từ sự bình an nội tâm, vì vậy [tôi mong] họ nuôi dưỡng sự bình an nội tâm đó – cùng nhận thức, sự hiểu biết và lòng trắc ẩn”.

Giải thưởng này là đòn bẩy để TS Bạch Xuân Phẻ mở rộng các câu lạc bộ sinh hoạt chánh niệm trong giới học sinh thiếu niên, và thậm chí có thể vận động xin ngân sách như một chương trình hoạt động thiết yếu của hệ thống trường học.

TS Bạch Xuân Phẻ đã xuất bản một cuốn sách song ngữ về chánh niệm, với pháp danh Phật giáo của mình là Tâm Thường Định cùng Tâm Nhuận Phúc, mang tên Việt là “Chánh niệm – Chất liệu tỉnh giác trong cuộc sống và học đường”. Sách được Amazon phát hành với cả hai phiên bản Anh và Việt.

Giới thiệu về cuốn sách này, hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, trong lời mờ đầu đã dẫn giải rằng “Một người, do bất cẩn, gây ra tai nạn chết người. Người ta nói, người ấy hành động vô ý thức. Mỗi năm có vô số hành động vô ý thức gây tai nạn chết người như vậy trên khắp thế giới. Đó là chưa nói đến những tai hại nhỏ mà hầu như nhiều người trong chúng gây ra cho chính mình và cũng gây ra cho những người chung quanh mình không ít trong sinh hoạt thường nhật vì những hành động được nói là vô ý thức ấy”.

“Cho nên, khi chúng ta nói, những hành động bất cẩn, hay những hành động vô ý thức, đấy là muốn nói đến nhận thức bị tác động bởi xúc cảm nguy hại khiến kích hoạt các chức năng tâm lý thất niệm, tán loạn, bất chánh tri”. (trích)

Dụng cụ giảng dạy chính trong các buổi thực hành chánh niệm của Phẻ, là chiếc chuông nhỏ có tiếng kêu như gió thoảng. Phẻ đánh một tiếng chuông để mở đầu cho một lần hít thở, im lặng tĩnh tại trong tâm trí cúa người tham gia, và một tiếng chuông để đánh thức mọi người sau một chu kỳ.

Từ những đứa trẻ từng đặt câu hỏi “cái này để làm gì”, chúng đã hồi đáp liên tục bằng những tin nhắn, thư và tâm tình trực tiếp. Chẳng hạn như một em học sinh đi qua được một cuộc đối đầu hung hãn, đã viết cho TS Phẻ: “Hôm nọ, em bị một nhóm tụi con gái đẩy vào bụi rậm. Mặc dù hết sức tức giận đến điên người nhưng em nhớ lại lời dạy của thầy, nên đã dừng lại được”.

Hoặc mới nhất với TS Phẻ, từ một nữ học sinh tốt nghiệp, rời khỏi nhà trường: “Nhớ lại khi dịch COVID đã bắt đầu. Em đã rất căng thẳng nhưng thật may mắn khi em có được một người thầy hiểu biết. Thầy luôn luôn rất tử tế và rộng lòng. Thời gian thiền định của thầy đầu giờ học luôn giúp em bình tĩnh và dạy em kiểm soát căng thẳng tốt hơn, điều đó là vô giá trong thời kỳ đại dịch… Em nghĩ rằng đó là một phẩm chất thật đẹp của thầy, em ước rằng có thể lại tham gia lớp học thiền của thầy. Lớp học truyền cảm hứng cho em, với cách thầy nói chuyện để làm sao chúng ta có được sự hạnh phúc. Em sẽ không bao giờ quên…”. Thư được em nữ sinh gửi đi vào Tháng Năm 2023.

 

Source: https://saigonnhonews.com/the-next-gen/tien-si-bach-xuan-phe-hanh-trinh-mang-chanh-niem-vao-hoc-duong/

Wednesday, August 31, 2022

Tuấn Khanh: Người Đi, Linh Hồn Ở Lại

Chúng tôi chọn những ngày cuối năm để leo lên ngọn đồi lịch sử Charlie, bởi vào lúc này thời tiết không quá khắc nghiệt để lần mò được đến nơi. Mang theo trong chuyến đi, những thứ quan trọng nhất là rượu, hoa và nhang: quà cho những người mà thế hệ chúng tôi chưa từng biết mặt.

Máu xương người Việt…

Khác với việc thắp nhang ở nghĩa trang quân đội Biên Hòa, nay nằm trong địa phận tỉnh Bình Dương, đường đi nghĩa trang không khó nhưng lại phải chịu sự dòm ngó và hạch hỏi của nhóm gác cổng do công an địa phương cắt đặt, còn đường đi đến đồi Charlie chỉ có núi rừng, vài tấm bảng chỉ đường phủ đầy bụi đỏ. Thi thoảng trên đường có bắt gặp vài người dân tộc Jarai hay Sedang.

Thầy An Trú, đến từ Huế, đang thắp nhang và cầu nguyện cho những linh hồn trên ngọn đồi Charlie

Charlie là một chóp đồi cao nằm giữa ba huyện Sa Thầy, Đắk Tô và Ngọc Hồi, thuộc tỉnh Kon Tum. Đường đi đến đó cheo leo và trắc trở. Chúng tôi đoán là trước năm 1975, hầu hết cuộc chuyển quân đều dựa trên không vận mới có thể nhanh và an toàn. Người Việt trong vùng gọi là Sạc-Li, dựa theo âm tiếng Anh, mà trong chiến tranh Việt Nam, cứ điểm cao 900m so với mặt nước biển được quân đội đặt tên, tạo thành tuyến phòng thủ và quan sát khu vực ngã ba Đông Dương. Nơi đây còn là vùng bảo vệ cho sân bay quân sự Phượng Hoàng và bản doanh bộ Tư lệnh Hành quân Sư đoàn 22 Bộ binh ở Tân Cảng của miền Nam.

Việc đặt tiểu đoàn 11 nhảy dù Quân lực Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ ở đồi Charlie là một sự khó chịu vô cùng đối với quân Bắc Việt, vì mọi cuộc chuyển quân ở ngã ba Đông Dương hay từ Bắc vào, qua ngã này, đều có thể bị phát hiện. Cho nên, trong cuộc tổng tiến công năm 1972 của quân đội Bắc Việt, cùng với một phần của Mặt trận Giải phóng miền Nam, đồi Charlie là mục tiêu cần phải bị xóa sổ. Cái gai cần phải nhổ cho đường tiến quân thuận tiện từ Tây Nguyên xuống đồng bằng miền Nam.

Mùa hè 1972, người ta gọi đó là mùa hè đỏ lửa. Đỏ lửa là bởi sự nóng bức của thiên nhiên, cộng thêm súng đạn bay khắp nơi trong một cuộc tương tàn nhân danh giải phóng của chủ nghĩa cộng sản. Không có số liệu chính xác nào nói về thương vong của cả hai bên ở đồi Charlie, nhưng dựa trên phần sử liệu được công bố thì phía Việt Nam Cộng Hòa có tiểu đoàn 11 Song kiếm Trấn ải (tạm tính khoảng hơn 600 người) đối đầu với quân của sư đoàn 320 Bắc Việt (tạm tính khoảng gần hơn 7,000 người), chưa kể phía lực lượng Mặt trận Giải Phóng Miền Nam không được công bố, thì con số ít nhất thiệt mạng sau khi máy bay B-52 bỏ bom rải thảm tái chiếm, những thanh niên Việt Nam của cả hai bên thiệt mạng, ít ra cũng phải là 4,000 đến 5,000 người trong trận đó.

Điều đó, có nghĩa rằng chuyến đi mất gần ba tiếng di chuyển lên đến đỉnh đồi của chúng tôi, nơi đâu cũng có máu xương người Việt. Từng viên đá, từng khúc quanh, từng ngọn cây… chắc đều giữ lại phần bí mật nhất chưa bao giờ được kể lại về số phận không chỉ của từng con người, mà của một dân tộc phải chịu điêu linh vì cuộc chiến tranh màu lý tưởng cộng sản.

Ngọn đồi Charlie xanh mướt và lặng lẽ giữa thông xanh, trời mây và gió se sắt lạnh. Đầu ngõ vào cầu treo dẫn đến chân đồi, chính quyền địa phương đến hôm nay cũng chưa dám ghi rõ ràng về cuộc chiến này, mà chỉ đơn giản là “Di tích lịch sử của điểm cao 1015 Charlie và 1049 Delta” – khác với giọng điệu thường đắc thắng và kiêu ngạo sau 1975, khi mà những di tích thường có thêm các tấm bia ngợi ca sự anh dũng của quân đội Bắc Việt. Nhưng ở Charlie, mất mát quá lớn có thể là điều nhà cầm quyền ngại ngùng không muốn nhắc tới.  Hàng năm không chỉ có những chuyến xe từ Bắc vào Charlie để viếng người thân sinh Bắc tử Nam, mà chính người miền Nam đứng trên ngọn đồi ấy cũng ngậm ngùi: Ai, điều gì… đã xô đẩy khiến cho máu xương Việt Nam chia lìa và chôn vùi thảm khốc đến vậy?


Đường dẫn vào chân đồi Charlie với tấm bảng do nhà cầm quyền dựng nên nhưng mô tả sơ sài

“Đi thăm ông Trung tá Bảo à?”

Chúng tôi đi xe máy, sáu người chở nhau và tận dụng mọi sức lực tay chân để có thể đến đỉnh đồi, trước khi trời sụp tối. Có đoạn phải vừa nổ máy xe, vừa đẩy, có đoạn vứt bớt đồ lại vì quá mệt, mang vác không nổi. Đoạn đường vừa tạm hết lầy sau mùa mưa, lại khô, trơn và nhiều ổ gà và đá vụn. Mọi người trong đoàn có lúc mệt đến mức hoa mắt, tay chân bủn rủn, thở không được vì không khí ngày càng loãng. Anh B., người khỏe nhất trong nhóm, có lúc đứng lại chắp tay và cầu nguyện “Đã đến được đây, mấy anh phải giúp tụi em đến nơi thắp hương mời rượu cho mấy anh”.

Đã 45 năm rồi. Những ngôi mộ, nếu có, thì giờ cũng đã um tùm cỏ lau. Thịt xương cũng đã là rêu bụi. Chiến địa đã trở thành rừng xanh bao phủ trên núi, ôm kín mọi nỗi lòng. Đó là chưa nói nhiều thế hệ đã đi qua, không biết, hoặc bị tuyên truyền bóp méo tin tức về những người lính Việt Nam Cộng Hòa ở đây. Vậy mà mấy lần, gặp một người Jarai hay Sedang, thấy chúng tôi hồng hộc thở trên đường, họ cười thân thiện và hỏi “đi thăm ông Trung tá Bảo à?”.

Lạ lùng. Sao họ lại biết Trung tá Bảo nhỉ? Thậm chí bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có tên Người ở lại Charlie cũng không nhắc gì về tên của người chỉ huy tiểu đoàn Song kiếm Trấn ải này. Dù sau khi tử trận ở Charlie, Trung tá Nguyễn Đình Bảo (1936-1972) được truy phong đại tá, nhưng dân trong vùng vẫn nhớ về một vị Trung tá, giữa hàng ngàn người đã gửi lại hình hài ở nơi này.

Người ở lại Charlie

Trận chiến Charlie diễn ra trong một tuần, dữ dội. Quân đội Bắc Việt được điều động tiến vào Nam, số trang bị và nhân lực được kể là gấp sáu lần quân Việt Nam Cộng Hòa trấn giữ. Một người lính miền Nam phải chống cự với 6-7 người lính miền Bắc. Pháo kích và tiến công biển người diễn ra cấp tập trong ba ngày đầu. Đạn pháo kích đã khiến Trung tá Nguyễn Đình Bảo tử trận vào ngày thứ hai (12-4-1972), các chỉ huy nối nhau thay quyền kiểm soát cũng tử trận liên tục.

Không chỉ tấn công mà mục tiêu của sư đoàn 320 còn là tiêu diệt cho được tiểu đoàn Song Kiếm Trấn Ải (theo nhà văn Phan Nhật Nam thì sau trận đồi Charlie, tiểu đoàn này mất 400 quân nhân) nên quân Bắc Việt bao vây và chặn đường mọi ngã. Thậm chí súng phòng không  Bắc Việt còn được chuẩn bị để ngăn không cho trực thăng tiếp viện. Sau khi không còn đạn dược và lương thực, những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa còn lại đã rút lui, nhường đường cho tốp máy bay B-52 bỏ bom hủy diệt toàn bộ phần Sư đoàn 320 đang tràn lên ở đây. Charlie phút chốc thành bình địa, kể cả những bộ đội từ Bắc vào, cho đến những thân xác còn nằm lại của những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa.

Mọi nỗ lực tấn công hao tổn về con người và súng đạn của phía quân chính quy Bắc Việt hoàn toàn thất bại. Có lẽ vì vậy mà trong wikipedia Việt ngữ nói về Sư đoàn 320, chiến sử Charlie đã không được ghi lại cũng như cũng cố ý không nhắc tới, trong các mục viết ca ngợi danh tiếng của Sư đoàn này.

Nói về trận đánh đó, vùng đất đó, nhà văn Phan Nhật Nam có viết trong bài Người ở lại Charlie: “Bi kịch không riêng đối với những người lính Tiểu Đoàn 11 Dù, qua lần đi khuất của Cố Đại Tá Nguyễn Đình Bảo – Nhưng cũng là bi kịch của mỗi thân phận Người Miền Nam hiện thực qua hy sinh xả kỷ của Người Lính, sự chịu đựng âm thầm của Người Vợ-Đứa Con Người Lính. Nỗi Đau kia hằng mới vì Nỗi Đau Luôn Là Nỗi Đau Chung, cùng với những dấu tích kỳ diệu miên viễn của Tình Yêu trong đời sống trần thế giới hạn của nhân sinh”. (trích)

Cuối năm 1972, quân đội Việt Nam Cộng Hòa có tổ chức dựng bia tưởng niệm trên đỉnh đồi để tưởng các quân nhân đã hy sinh trong cuộc chiến, và ghi nhớ nơi tử trận của Đại tá Nguyễn Đình Bảo. Nhưng rồi sau 1975, chính quyền địa phương theo lệnh từ Hà Nội đã cho đập phá tất cả. San bằng mọi thứ. Nhưng đáng ngạc nhiên, là chính nhà cầm quyền Bắc Việt cũng không hề dựng bất kỳ bia tưởng niệm nào cho hàng ngàn người lính của họ đã thiệt mạng ở nơi này.

Mãi cho đến giữa thập niên 1990, những đoàn thân nhân từ miền Bắc vào để viếng, nơi con em của họ đã để lại tuổi xuân trên ngọn đồi Charlie mới góp tiền cùng nhau dựng một bàn thờ, hương khói. Còn về những người miền Nam, không biết ai đó đã ùn một đống đất, tựa như một gò nhỏ, hay có thể là một nấm mộ tượng trưng cho những ai lên thắp hương cho Đại tá Nguyễn Đình Bảo và những quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Và dù rất khiêm tốn, không có bia hay chữ ghi chú nào, nhưng mọi người đều biết nếu thắp nhang cho những người miền Nam, thì đến đó.

Từ đỉnh đồi Charlie nhìn bao quát xuống phía dưới. Tháng Tư năm 1972, hàng ngàn quân Bắc Việt giấu mình để từ đó tấn công lên đỉnh đồi

Giải oan cho cuộc biển dâu này

Khi cả nhóm loay hoay trên ngọn đồi, lúc chiều xuống đậm rồi, vẫn không biết là nơi nào để hướng đến, thì chính một người trẻ tuổi địa phương bất ngờ có mặt xuất hiện trên đó chỉ giúp, “nơi của ông Bảo”, hay nơi để viếng những người cùng ông ngã xuống, cũng vậy.

Hương bay theo gió, những cánh hoa vàng phất phơ trên cỏ. Tôi chợt nhớ đến phần cuối trong Đồi gió hú của Emily Bronte, rằng “dưới những cành hoa phất ấy, những người nằm dưới nấm mộ ấy có thật sư yên nghỉ không?”. Không có ai trả lời tôi suy nghĩ đó, chỉ có tiếng gió rít qua từng hồi như tiếng thở than.

Con đường xuống núi nguy hiểm và khó khăn hơn cả lúc đi lên, vì chung quanh là bóng tối, đường lầy với cát khô và đầy khúc quanh đốc xuống thẳng đứng. Nhưng bên cạnh chuyện việc lo lắng đi ra, ai cũng mang theo một cảm giác kỳ lạ. Trận chiến Charlie lại sống động như mới hôm qua, những người Việt Nam nổ súng vào nhau như vẫn còn nghe tiếng đạn bay. Rừng núi âm u như vẫn chực chờ những cái chết vô định. Chúng tôi cảm nhận được hết mọi thứ và ngồi lại, kể với nhau khi ra đến bên ngoài.

Ký ức thường rồi dần sẽ phai mờ, sự khốc liệt của chiến tranh, máu và nước mắt rồi cũng khô cạn. Nhưng anh hùng tử, khí hùng bất tử, cái chết vì chính nghĩa bảo vệ miền đất tự do của những thanh niên miền Nam Việt Nam quyết bảo vệ vùng đất của mình vẫn được nhớ đến, vẫn phảng phất trong hương gió núi vùng Dakto, trong lời hát, bất ngờ hiện ra vào chiều sẩm tối ở đồi Charlie, khiến chúng tôi gai người – sự linh thiêng của núi sông là đây, của cha anh là đây, của nghịch cảnh tương tàn vì tham vọng cơ đồ là đây.

V., một người trong nhóm thắp hương trên đỉnh đồi vào lúc chiều tà, từng người trong nhóm đi viếng đều có lời cầu nguyện riêng của mình trong phút giây thiêng liêng đó

Đi trong đoàn có hai sư thầy trẻ, vừa là bạn tín ngưỡng, vừa là người đồng chí hướng. Nhang được đốt lên, hoa được đặt xuống mặt đất bằng. Chai rượu trắng được rót xuống cùng những lời cầu nguyện khác nhau. Anh V., đứng thẳng dáng gầy, tay chắp nhang ngang mày im lặng. Sự tôn nghiêm của anh làm hơi rượu như nồng hơn, sẻ chia như những vần thơ của Tô Thùy Yên:

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chén rượu hồng đây xin rót xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này

Giờ thì không có ai là kẻ thù, cần diệt trừ và không có nơi chốn nào, cần phải bị giải phóng. Chỉ có những con người nằm lại với nhau, xương thịt nằm lại trên cùng một mảnh đất, cùng ngửa mặt lên bầu trời đêm của ngọn đồi Charlie để thấy thương đau là tên gọi chung của tất cả. Tất cả thịt xương Việt Nam đã đến, đã hư không, chỉ còn linh hồn ở lại.

Chắc chắn rồi chúng tôi sẽ trở lại, rót rượu cho mọi người, không phân biệt là ai. Vì như có một lời hứa âm vang trong tim với những con người đã đến, thân xác ra đi nhưng linh hồn mãi mãi ở lại Charlie. Những người anh em Việt Nam đã chết trên đất nước, đem lại những điều quý giá. Có những người dạy cho thế hệ sau biết chính nghĩa quốc gia là gì, và có những người lại dạy cho chúng tôi biết cuộc tương tàn ấy đau đớn thế nào trong tham vọng chủ nghĩa.

Tháng 12-2020

__________________________________

*Bài đăng trên giai phẩm Xuân báo Người Việt (California) 2021

Tuesday, July 26, 2022

Từ Công Phụng vào tuổi 80: Nghe lại tình khúc Ơn Em

 

Từ Công Phụng vào tuổi 80: 

Nghe lại tình khúc Ơn Em

Tuấn Khanh

Ngày 27 Tháng Bảy là sinh nhật của nhạc sĩ Từ Công Phụng, ghi dấu ông vào tuổi 80. Người nhạc sĩ theo đuổi những lời mặc khải về tình yêu, ngợi ca những gì đã có và độ lượng với những điều đã mất, vẫn giữ trọn vẹn cho mình dòng giai điệu sang trọng và thảnh thơi giữa kiếp người vội vã.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng là một trong những trường hợp đặc biệt của những trí thức người Chăm thành đạt và công nhận trong một chế độ tự do VNCH chuộng người tài. Ông nổi lên trên lĩnh vực nghệ thuật bên cạnh các trí thức, công chức Chăm khác – như nhà nghiên cứu văn hóa sắc tộc Dohamide, tiến sĩ sử học Po Dharma, Trung Tá Dương Tấn Sở – Quận trưởng Quận An Phước (nay là huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận), Lưu Quang Sang – dân biểu nghị viện Sài Gòn…

Cần phải nói thêm là từ khi Vương quốc Champa bị mất nước (1832), Vua Thiệu Trị đã tạo quy ước mới là cho lập quy chế đặc biệt cho dân tộc Chăm ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Và quy chế đặc biệt này tồn tại trong suốt thời kỳ Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Bảo Đại và cho đến thời Việt Nam Cộng Hòa. Quy chế này cho phép cộng đồng người Chăm được quyền gìn giữ và bảo vệ văn hóa, tập tục tín ngưỡng, đồng thời phát triển trí thức của cộng đồng mình mà không có bất kỳ một sự kỳ thị hay kềm hãm nào. Quy chế này chỉ bị hủy bỏ từ sau tháng Tư năm 1975.

Trong âm nhạc, Từ Công Phụng là một trong những nhạc sĩ rất đặc biệt, bởi viết bất kỳ ca khúc nào ra, ông cũng thích mình là người trình bày nó, rồi đến sau đó, ai yêu thích và đề nghị xin được hát thì ông mới gửi đi. Cũng chính vì vậy, Từ Công Phụng là nhạc sĩ sáng tác nhưng lại được mời lưu diễn rất nhiều để trình bày những ca khúc của mình như một ca sĩ chính, bên cạnh các ca sĩ khác, dù nổi tiếng nhưng vẫn là phụ họa cho ông.

Nói về bản thân, một thanh niên Chăm lớn lên trên vùng đất bàng bạc nắng và gió, cuộc sống tĩnh lặng với thi thoảng tiếng lục lạc của con dê đầu đàn vang lên, cùng tiếng kèn Saranai văng vẳng, Từ Công Phụng đi học, làm việc và thành đạt ở Sài Gòn, nhưng trong ông, nỗi nhớ da diết về miền quê vẫn vô cùng.

“Bạn hỏi tôi có nhớ mảnh đất cằn cỗi đầy nắng và gió cát ấy không. Vâng, đây là mảnh đất đã để lại trong ký ức tôi đầy ắp một khung trời hanh nắng trên những cánh đồng mùa Đông trơ những gốc rạ, mà tuổi thơ tôi đã rong chơi với những cánh diều lộng gió, đầy ắp những bãi cát trắng ngần bên bờ biển xanh và khung trời trong vắt không gợn một áng mây. Đây là miền đất đã chuyên chở một dòng tuổi thơ tôi cho đến lúc tôi rời khỏi mái trường trung học để phiêu lưu ở miền đất khác trong các trường đại học và từ đó bắt nhận được những rung động nồng nàn của tình yêu trong tuổi thanh xuân”, Từ Công Phụng viết.

Toàn bộ các tác phẩm sáng tác của nhạc sĩ Từ Công Phụng hợp lại như một tổ khúc thính phòng khổng lồ của đời ông: Tất cả xây dựng chung quanh chủ đề tình yêu, nỗi buồn, sự mất mát và suy tư…, còn âm nhạc như mũi kim thêu lặng lẽ, luồn vào các con chữ và tạo nên những hình dáng âm điệu – phóng khoáng và tự do đến mức mỗi bài hát như một khúc tụng ca riêng lẻ, không cùng kết nối được nghe thấy từ một thánh đường không nơi chốn.

Cũng có lẽ vì vậy mà các tác phẩm của nhạc sĩ Từ Công Phụng nổi tiếng hơn cái tên của ông. Tên bài hát thì người ta sẽ nhớ, và thậm chí là thuộc cả bài. Nhưng đôi khi phải nói ra thì công chúng mới biết đó là một tác phẩm của Từ Công Phụng.

10 năm sau khi tỵ nạn ở Mỹ, nhạc sĩ Từ Công Phụng có kể một kỷ niệm thú vị. Năm 1990 ông được mời lưu diễn ở Montreal, Canada. Để quảng bá chương trình, nhà văn Song Thao đã thử đi một vòng để làm cuộc thăm dò về cái tên Từ Công Phụng. Có đến 10 người tuổi cũng trạc thế hệ của nhạc sĩ, được hỏi là là “Có biết Từ Công Phụng là ai không?”

Có chín người lắc đầu là không biết. Nhưng khi hỏi có biết bài Bây Giờ Tháng Mấy không thì 10 người cùng gật gù và tán thưởng “Đây là một bài hát hay, để lại nhiều kỷ niệm trong đời tôi.” Nhà văn Song Thao từng lý giải dí dỏm với Từ Công Phụng: “Anh là một người có phúc vì anh sinh ra một đứa con mà quần chúng biết đến con anh nhiều hơn anh. Con hơn cha là nhà có phúc!”.

Bản tính của Nghệ sĩ Từ Công Phụng là người trầm lắng, và cũng không hay tự nói về mình. Sau năm 1975, ông nhận thấy cuộc đời bước sang một bước chuyển mới, hoàn toàn khác với những gì mà nửa đời trước của ông đã đi qua. Do đó, ông cũng cố gắng tìm kiếm cách để hội nhập với một xã hội cộng sản – tên gọi và ý thức văn hóa hoàn toàn xa lạ với ông – như một cách thử xem ông có thể tồn tại với nó được không.

Ông cũng tìm đến những người bạn sáng tác vào thời điểm đó, hy vọng tìm thấy một nhịp đập mới sau chiến tranh. Thế rồi ông nhận ra một Từ Công Phụng đã được tạo ra chỉ để sống với tự do, chứ không thể sống với tuyên truyền và kiểm duyệt. Nói với bạn bè, nhạc sĩ Từ Công Phụng từng tâm tình “Mỗi buổi sáng thức dậy kiếm được một ít cà phê pha cho mình và suy nghĩ về cuộc đời…, tôi luôn nghĩ đầu tiên là ngày hôm nay tôi có thể làm thế nào kiếm được một ít tiền để cơm nước cho con cái thôi, không có mơ ước gì hơn”. Năm 1980, ông quyết định vượt biển và đến được Mỹ.


Nhạc sĩ Từ Công Phụng trong một lần gặp mặt nhà thơ Du Tử Lê

Một trong những bài hát, mà khi được hát lên, người ta biết ngay đó là một tuyệt phẩm của Từ Công Phụng, là ca khúc Giữ đời Cho Nhau, cũng được biết với cái tên Ơn em, phổ thơ của Du Tử Lê. Bài hát có lời cô đọng và dễ nhớ – đặc biệt là ca khúc hiếm hoi viết có âm điệu ngũ âm, đủ các luyến láy tinh tế để các giọng ca chọn sự thể hiện riêng. Riêng về ca khúc này, Từ Công Phụng nói đó là sáng tác ông nhiệm ý thơ và viết nhanh bất ngờ trong vòng chưa đến một tiếng đồng hồ. Một kỷ lục của đời ông. Với Ơn em, ông cũng ưng ý nhất sự trình bày của ca sĩ Tuấn Ngọc.

Với bài thơ Ơn em của Du Tử Lê, Từ Công Phụng nói ông bị xúc động tức thì khi đọc qua tứ thơ chỉ có 10 câu này. Nhiều khán giả khi nghe bài hát thì chỉ thấy lời ca ngợi tình yêu, tụng ca tình nhân, nhưng ít ai biết là Từ Công Phụng xúc động với những âm hưởng như gợi lại lời ru của thân mẫu lúc ông còn thơ ấu.

Vì bài thơ ngắn nên thiếu trường canh cần thiết cho một bản nhạc, vì vậy Từ Công Phụng đã thêm vào hai câu cho đủ, đó là: Ơn em tình những mù lòa, như con sâu nhỏ bò qua rất mùi. Hai câu hát đẹp và phù hợp với trọn bài thơ. Nhạc sĩ Từ Công Phụng kể lại sau khi phổ xong, ông mang tặng Du Tử Lê như một kỷ niệm (lúc đó vẫn mang tên Giữ đời cho nhau). Bài hát làm thi sĩ Du Tử Lê hài lòng đến mức đã dùng để đặt tên cho bộ video do trung tâm Diễm Xưa thực hiện riêng cho ông, phát hành tháng Tư năm 2000.

Âm nhạc và cuộc đời của Từ Công Phụng là mất mát, kể cả trong những mối tình, cho đến lúc ông ra đi và để lại hình ảnh quê nhà thương nhớ bao la nắng gió. Nhưng lịch sử sáng tác của Từ Công Phụng không oán thán cho số phận. Như người hát rong truyền đời đi qua sa mạc của hàng ngàn năm trước, ông vẫn miệt mài cất lời tụng ca tình yêu như một di chỉ thầm lặng về cuộc đời Việt – dù ở nơi đâu – cũng cần phải cần phải nhớ giữ lấy di sản cuối cùng, là tình yêu.

Wednesday, May 6, 2020

CHUYỆN MÙA PHẬT ĐẢN (𝟐𝟓𝟔𝟒)

CHUYỆN MÙA PHẬT ĐẢN (𝟐𝟓𝟔𝟒)
Tuấn Khanh

Chuyện kể rằng, có hai vợ chồng nghèo nhìn thấy Đức Phật đi khất thực trên đường, đã phát tâm, lấy bộ quần áo tốt duy nhất của họ để dâng tặng. Đó là một bộ quần áo cũ, rách và nhìn không đáng mặc. Bởi vậy các đệ tử đi theo ngần ngại không muốn Đức Phật nhận.
Người đệ tử Ananda nói nhỏ với Đức Phật, khuyên ngài đừng dùng bộ quần áo này. Nhưng Đức Phật nói rằng hãy kính nhận, đừng từ chối, và còn nói đó là một thứ rất quý giá.

Sau đó, nhóm khất thực dừng chân ở bờ sông. Mục Kiền Liên và Ananda mang bộ quần áo ra sông giặt. Lạ thay, bằng mọi sức lực, bộ quần áo đó vẫn nổi lên, không thể nhấn chìm được xuống nước. Không giải thích được chuyện này, hai đệ tử quay về kể với Đức Phật.
Nghe chuyện, ngài cười và nói hai đệ tử hãy dùng mấy hạt cơm thả xuống, bộ quần áo sẽ không nổi lên. Lòng nghi hoặc nhưng vâng lời, hai đệ tử làm đúng theo lời thì thấy quả nhiên, bộ quần áo chìm xuống như lẽ thường.
Câu chuyện đó, Đức Phật để lại nhiều ý nghĩa. Trong luận giải của đời sau, nói rằng bộ quần áo là tâm nguyện, là công đức chân thành, nên không thể dùng bất kỳ quyền lực hay tà tâm nào đè nén, dìm được. Dùng hạt cơm, cũng là một công đức chân thành của người lao khổ tạo ra mới có thể hóa giải được.
Hạt cơm nhỏ bé đó, bộ quần áo đó, cũng là tượng trưng của gánh nặng mà người đời phải mang khi được cho, nhận: không có điều gì nhận được, mà không thể quên trách nhiệm với nó.
Trong thế giới đang tràn ngập sự giả danh, đổi chác để nhận được lợi danh, thậm chí có thể chà đạp cả những sinh linh khác cho ác vọng của mình, câu chuyện chiếc áo nhắc đến vô số nghịch cảnh hôm nay: Những thầy tu luồn cuối trước thế quyền, tà quyền để nhận phần phú quý, những quan tòa bôi mặt xử oan người, chỉ để bước cao thêm một bước danh lợi, hay những kẻ luôn lừa dối, để thống trị con người bất chấp đạo lý luân thường… Chiếm giật lấy, thấy ở mọi nơi, nhưng gánh nặng của phần chiếm lấy, ít ai nhìn thấy.
Phật quan nhất lạp mễ, đại như tu di sơn; nhược nhân bất liễu đạo, phi mao đái giác hoàn. (diễn nghĩa: Đức Phật xem một hạt cơm nặng như núi Tu Di, kẻ không hiểu đạo lý này thì sẽ phải sống kiếp mang lông đội sừng để hoàn trả). Thuở xưa, từng có câu hát như vậy.
Mùa Phật Đản tháng 4, Phật Lịch 𝟐𝟓𝟔𝟒 năm nay, diễn ra trong một không khí đau thương của nhân loại về dịch bệnh, về dự báo chiến tranh đang đến, về sự thù ghét và cuồng mê vô cớ của con người đang diễn ra trên thế gian, sự giành giật phần hơn cho mình… như nhắc lại một phần Chúc Nguyện Thư của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, về nhân tâm rệu rã, về sự sụp đổ của những điều tốt đẹp nhất, đang đến, nếu con người cứ mãi mê cuồng. Đây là lúc để “nêu cao ngọn đèn Chánh pháp trong một thế giới tối tăm nguy hiểm vì những tham sân điên đảo”.
-----------------
Toàn văn Nguyện Chúc Thư (nhân mùa Phật Đản tháng Tư Âm Lịch, Phật Lịch 2564), có thể đọc ở đây https://bit.ly/3bhMqAU
Hoặc nghe ở đây https://tinyurl.com/ydg5fnyn

Sunday, January 26, 2020

Lời Giới Thiệu cho “Hiu Hắt Quê Hương Bến Cỏ Hồng” của Hòa Thượng Thích Phước An

Nguyên Không Nguyễn Tuấn Khanh: Lời Giới Thiệu cho “Hiu Hắt Quê Hương Bến Cỏ Hồng” của Hòa Thượng Thích Phước An



Có một câu chuyện kể về vị thiền sư vô danh ở Nhật ở thế kỷ thứ 16, văn bản xưa trong đền cổ ghi lại rằng dân chúng thời đó trong vùng Tokai, miền Trung Nhật Bản, ít người nào có thể hiểu được ngài. Mặc dù được kính trọng nhưng ông cũng bị nhiều người coi là một kẻ tu hành khùng điên.
Trong một lần đi ra sông lấy nước, người dân nhìn thấy ông đột nhiên dừng lại, cúi xuống và hốt từ thinh không lên cái gì đó, nhìn ngắm một cách tần ngần, rồi phất tay bỏ đi.
Vì tò mò, nhiều người cũng đã chạy đến và quan sát xem thiền sư đã tìm thấy điều gì nơi đó. Nhưng rồi mọi thứ chỉ là sỏi đá trơ trọi. Có người có đuổi theo thiền sư và hỏi rằng “ngài vừa nhặt gì đấy?”. Con người bị coi là điên khùng đó im lặng một lát rồi trả lời “thời gian”. Dân chúng ngơ ngác nhìn quanh, rồi lại hỏi “thời gian ở đâu, của ai?”. Vị thiền sư đáp nhanh rồi quay lưng bỏ đi “thời gian của ta và các ngươi, nhưng chỉ là những loại thời gian đáng vứt đi”.
Khi gấp lại những trang cuối của Quê hương hiu hắt bến cỏ hồng của tác giả Thích Phước An, bất giác tôi nghĩ đến hình ảnh ông như một con người cô đơn và lặng lẽ giữa thế gian này, dành trọn cả một đời để luôn nhìn ngắm lại bức tranh thời gian, nhặt nhạnh lại những điều đẹp nhất, tô điểm và nhẹ nhàng khắc cẩn gửi vào bảo tàng của ký ức cho người Việt về sau.
Đã từng có người hỏi rằng vì sao một tu sĩ lại nói về thơ văn nhiều đến vậy. Nhưng với tác giả Thích Phước An, ông ôm cái đẹp vào lòng và cầu nguyện cho nó.
Lặng lẽ như vị thiền sư bị coi là điên khùng ở nước Nhật xa xôi, cũng có một vị tu sĩ ở Việt Nam rảo bước qua cõi nhân sinh, luôn cúi nhặt trên đường đi của mình những mảnh vụn của thời gian. Chắp nối nhẫn nại và đầy yêu thương để dựng thành một tấm gương xưa, đủ để mọi người soi lại chính mình, soi lại cõi sống của mình, soi để biết rõ những loanh quanh kiếm tìm hữu hạn của chúng ta và cái đẹp vô hạn của trần thế.
Với Thầy Phước An, Pleiku, 2019 (Ảnh: Vũ)
Quyển bút ký Hiu hắt Quê hương  Bến Cỏ Hồng nhắc nhiều đến Quách Tấn, Tuệ Sỹ, Võ Hồng, Nguyễn Đức Sơn, Hoài Khanh… Những tri kỷ của núi sông đã vận dụng mọi từ ngữ cao quý nhất của mình, để mô tả vẻ đẹp của quê hương Việt Nam, đời Việt Nam. Từ trang đầu đến cuối, quyển sách mở ra những con đường làng thơ mộng, những khó khăn hữu duyên đến rồi đi qua và trở thành thi vị, những kí ức đẹp nhất về mẹ, về thời gian sống giản đơn… mà đôi khi ngoái nhìn lại, có thể rơi nước mắt vì thương nhớ khôn cùng.
Nhưng không chỉ vậy, trong tấm gương xưa mà tác giả Thích Phước An dựng lại, có đủ các chân dung của rất thường dễ bị quên lãng bởi thời gian, và cả thời thế. Các trích dẫn được ông đưa ra, chứa ngồn ngộn những biến động của lịch sử, thúc giục tầm nguyên. Chẳng hạn như đọc lại hai câu thơ của Tuệ Sỹ mà ngẩn ngơ:
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Năm tháng bỗng vụt hiện về, can qua lại mịt mờ trong tâm trí, nhưng từ đó, hiển lộ đức năng uy vũ bất năng khuất của một người học Phật, một chí sĩ luôn ngạo nghễ trước mọi nguy nan.
Với nhà thơ trác tuyệt Nguyễn Đức Sơn, tác giả mô tả tài tình một nhà thơ say cuồng trí tuệ, thách thức mọi sự tăm tối của đồng loại, nhưng ẩn trong ngôn từ và hành xử là sự khắc khoải bất tận trước cái tôi yếu đuối giữa vũ trụ này. Khắc khoải đến hiu quạnh.
Chúng ta giờ ước mong gì
Văn minh gửi cát bụi về mai sau
Đọc mà nghe như giữa cuộc chiến khốc liệt, bỗng vang vọng tiếng cười kiêu bạc. Mọi mưu mô thâm hiểm cho đến những khát vọng vĩ đại của thời đại, đều vô nghĩa.
Người Việt đã từng hay đến vậy. Trí tuệ Việt đã từng vời vợi như vậy. Chúng ta từng có tất cả đó thôi. Đọc sách, mà bật lên tiếng lòng xao xuyến. Từng lời kể giản đơn trong Quê hương hiu hắt bến cỏ hồng cứ thấm dần qua từng trang giấy. Sột soạt như đôi giày cỏ thầm lặng bước ở ven đường. Chậm rãi và an nhiên như một lữ khách đi qua địa cầu, tác giả ghi chép kỹ lưỡng những gì mình nhìn thấy, vì biết rõ chỉ còn lại một ít thời gian ở kiếp máu đỏ da vàng này như duyên nghiệp.
Những niên kỷ được trao lại, với sự da diết và tụng ca, là khoảng không giữa những nhịp tim mỗi người: còn không, chúng ta có còn những điều đẹp đẽ đó không, hay đã phai nhạt dần trong ký ức từng ngày? Đọc những dòng soi vào thời gian và trao lại từ bậc trí giả im lặng, thấy sấm động đâu đó trong trái tim mình.
À, hóa ra quê hương hiu hắt là như vậy, khi kho báu của người đi trước để lại bị quên lãng. Bên bến cỏ hồng, rất nhiều người đã bước ra đi, nhưng dường như ít người ngoảnh lại.
À, hóa ra quê hương hiu hắt là như vậy, khi chỉ là bến tiễn những đứa con ra đi, tiễn những điều đẹp nhất đi vào sương khói.
NGUYÊN KHÔNG - Nguyễn Tuấn Khanh

Wednesday, December 27, 2017

TRỜI LẠNH ĐỌC SÁCH ‘NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ ĐÀN BÀ’ CỦA TUẤN KHANH

Ns. Tuấn Khanh: Photo: Người-Việt

TRỜI LẠNH ĐỌC SÁCH 
‘NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ ĐÀN BÀ’ CỦA TUẤN KHANH

Sáng nay, trời lành lạnh và mưa đã làm ướt cỏ đêm qua. Ánh bình minh đang ghé thăm phòng khách. Trong nhà cũng thưa đi tiếng cười. Nghỉ lễ nên đọc sách. Bạn già của tôi, Uyên Nguyên, tặng cuốn sách Những Câu Chuyện về Đàn Bà hôm trước mà chưa có dịp đọc. Đây là một tạp bút của Nhạc sỹ Tuấn Khanh do NXB Phụ Nữ xuất bản năm 2016. Quen anh Khanh cũng đã lâu, nay mới có cơ hội đọc nguyên một tập sách.

Mỗi khi nghe nhạc, đọc bình luận hay sách báo của anh, thì tôi càng thấy tấm lòng yêu nước sắc son vô bờ bến của người nhạc sỹ với tấm lòng trung trực và nhân hậu. Ngòi bút của Tuấn Khanh hiện thân là một tiếng nói lương tri, vững chắc, lẻ loi, và trí thức mang tâm hồn Phật giáo nói riêng và cho người con Việt thao thức với đất nước nói chung. Tạp bút này cũng không ngoại lệ. Bài đầu tiên là Quyền Năng của Trí tưởng tượng, bắt đầu hai chữ “Con người”, thì anh cũng kết luận trong bài Tổ Quốc là gì? bằng hai chữ “TỔ QUỐC”. Thì rõ ràng chỉ có một con người yêu quê hương giống nòi của mình, mới suy nghĩ, nói năng, hành động và viết lách như thế. Con người – TỔ QUỐC.

Mà Tổ Quốc là gì, Đất Mẹ là gì? Xin mời quý vị đón đọc tạp bút này. Một tạp bút ngắn chỉ có 187 trang, được chia ra 3 phần.

Phần I – Những Câu Chuyện về Đàn Bà.
Mà anh đâu phải viết gì chuyên về Đàn Bà, anh kể câu chuyện bé Darrell hỏi Mẹ, “Mẹ ơi, sau biển là gì? - Người trả lời, “Là gì? Con thử tưởng tượng xem?” Không những thế, văn anh rất nhân bản, anh vẫn luôn nhắc nhở chúng ta “Hãy nhớ đốt một nén hương trầm với lòng thành kính. Với những ai còn mẹ, hãy mỉm cười hạnh phúc vì đó chính là mùa xuân đẹp nhất ghé qua đời mình mà chúng ta cần níu giữ.” (trang 50). Ôi nhân văn làm sao. Chắc có lẽ chúng tôi cũng mất Mẹ nên đồng cảm cùng anh.

Nghĩ về Mẹ thôi là đã hạnh phúc lắm rồi. Phần một anh kết bằng bài “Cõi của Mẹ, trong âm nhạc Phạm Duy" mà Phạm Duy là thiên tài âm nhạc rồi, người đã thổi hồn vào âm nhạc Việt Nam. Anh nhắc đến Bài hát Bà Mẹ Gio Linh và Giọt Mưa Trên Lá như nhắc đến lịch sự khắc khoải đau thương của Bà Mẹ Việt Nam để rồi khéo léo nhắc với nhau rằng “(hãy) làm sống lại những chồi dân tộc, những mầm nhân đạo có sẵn trong chúng ta. Càng xa nước, ta lại cần nguồn, cần nghĩa mẹ, như nước trong người chảy ra. Mát ngọt, trong trẻo và vô tận” (Trang 56). Vì Mẹ là mênh mông vô tận, nên chúng ta đều biết:
MẸ VẦNG TRĂNG THÁI KHÔNG
Mẹ vầng trăng sáng tỏ
Soi nẻo đường con đi
Càng ngày con càng rỏ
Tâm Mẹ luôn từ bi.

Phần II. Sài Gòn, Ngồi Nhớ Ân Cần. 
À, thì chỉ vài từ “Sài Gòn" --Hòn Ngọc Viễn Đông hay “Người Sai Gòn" thôi thì cũng đã hiểu rồi. Chữ mực cũng không cần thiết. Như nhạc sỹ Tuấn Khanh nói “Đôi khi phải ngồi ở vỉa hè, nhìn chiếc lá rơi cạnh chân mình, mới hiểu.” Xin chấm dứt đoạn này bằng một câu hỏi của anh trong bài Cafe Sài Gòn, Internet rằng, “...Nhưng nếu không là vậy, hoá ra, chúng ta đã trở thành loài súc vật công cụ vô tri sao?

Phần III. Mật Mã Hạnh Phúc. 
Đúng là mật mã hạnh phúc. Vậy thì bạn chỉ phải đọc mà thôi. Ở đây, xin được kết bằng lời của anh: “Mong rằng đất nước này sẽ thôi những điều oan trái. Và lương tâm, chỉ có một lương tâm được vinh danh vì thái độ biết làm người.”

Tôi tin chắc rằng, tất cả những ai còn yêu thương tiếng Việt, hoài niệm về Sài Gòn hay trải tình cho Con người phụ nữ và Đất nước Việt Nam, sẽ tìm cuốn sách này quý giá. Cuốn sách này cũng dành cho những ai thử tìm hiểu xem, “Bối rối nhỉ? Những bài học ứng xứ đời thường; Phụ nữ Việt có tệ lắm không?; Thành phố tụi mình đã rất khô khan; Khi tâm hồn là cố máy; Người Việt mình rồi sẽ sống ra sao?; Tự do và sợ hãi, Mật mã hạnh phúc, Tổ quốc là gì? V.v…) thì hãy cố tìm đọc.

Tôi cũng tin như Nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1888-1939) trong bài Thề Non Nước.
“Dù như sông cạn đá mòn.
Còn non, còn nước, hãy còn thề xưa.”

Mà lời thề đó là gì? Thì chỉ có bạn mới hiểu và biết được. Riêng tôi, nỗi niềm chung hay riêng rồi cũng qua đi. Nỗi buồn hay vui cũng thế. Đọc xong tập sách buồn vui lẫn lộn, nhưng tôi vui vì đã hiểu thêm anh, một người bạn trong văn học nghệ thuật và một pháp hữu thầm lặng. Thôi thì mượn lời của Nhà văn Vĩnh Hảo để mà trải lòng mới nhau vậy… “Niềm vui ấy sâu lắng tự bên trong. Hương vị của nó là thứ hương vị không có tên gọi hay ngôn ngữ nào của trần gian có thể diễn đạt. Tịch mịch. Cô liêu. Không thể cùng ai chia sẻ.

Chỉ có thể lẳng lặng cảm nhận, bằng sự trở về của những bước chân cẩn trọng, nhẹ nhàng trên phiến băng tâm, không lưu vết tích; bằng đường bay cô tịch của cánh chim qua chân trời hoàng hôn bảng lảng ráng hồng. Chính ở nơi cùng tuyệt hiu hắt, không một bóng người, không một âm thanh, không một ý niệm, không một cảm giác hay ý chí truy cầu khởi lên, niềm vui ấy mới ngập tràn, mênh mông, trùm khắp.”

Vậy mong bạn hãy tìm đọc sách của nhạc sỹ Tuấn Khanh nhé!

Bạch X. Phẻ