Showing posts with label Nguyên giác. Show all posts
Showing posts with label Nguyên giác. Show all posts

Wednesday, May 19, 2021

Đào Văn Bình: Đọc sách Từ Huyền Thoại Tới Tâm Kinh của Nguyên Giác

Đọc sách Từ Huyền Thoại Tới Tâm Kinh của Nguyên Giác

Thiện Quả - Đào Văn Bình


Tôi đã giới thiệu khá nhiều sách Phật của Cư Sĩ Nguyên Giác như: Thiền Tập Trong Đời Thường, Thiền Tông Qua Bờ Kia, Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, Kinh Pháp Cú Tây Tạng, Để Ngộ Tông Chỉ Phật, Viết Từ Phương Xa… mà chưa thấy mệt mỏi dù năm nay đã ở tuổi tám mươi. Có thể đó là cái Nghiệp hay cái Duyên chăng? Nghiệp thuộc về quá khứ. Có thể trong kiếp trước Nguyên Giác và tôi là bạn đồng tu, đồng học với nhau? Còn duyên thuộc về hiện tại - là tình cờ hay do một cơ hội, dịp may nào đó mà nhịp cầu là Thư Viện Hoa Sen mà chúng tôi quen biết nhau, cảm thông và hiểu nhau cho nên hễ Nguyên Giác ra sách nào là tôi dành thời giờ để giới thiệu.

Đối với người hâm mộ văn chương, nói theo thế tục thì giới thiệu sách cũng là cái thú. Thời buổi này mấy ai dành thời giờ để đọc một cuốn sách ba bốn trăm trang nhiều khi rất khô khan, nhức đầu. Rồi sau đó phải tổng kết, đắn đo, suy nghĩ viết ra, có khi mất cả tuần lễ…mà chẳng được xu nào cả. Phải chăng đây là cái nghiệp? Thế nhưng trong nghiệp có nghiệp lành và nghiệp dữ.  Thay vì dùng thời giờ để vui chơi tại các sòng bài, chăm sóc chó mèo, vào Youtube để xem các chương trình chọc cười thiên hạ mà ngôn ngữ rất thấp, du lịch khắp nơi trên thế giới, từ sáng tới tối vào Facebook, Twitter hoặc các diễn đàn để tranh luận, lên án, công kích lẫn nhau để chứng tỏ mình đúng, mình chính nghĩa rồi đưa tới thù oán…tôi dành thời giờ để lo việc nhà, làm vườn, đọc sách, viết sách, làm thơ và vẽ tranh sơn dầu. Và luôn luôn nghĩ rằng ngày mai mình có thể lìa xa cõi thế này cho nên phải tận dụng thời gian của ngày hôm nay. Trong sự nghiệp 35 năm viết văn, tôi đã giới thiệu khá nhiều hồi ký, sách, truyện, tiểu thuyết, thơ của rất nhiều tác giả ở hải ngoại do họ gửi biếu mà tôi chưa bao giờ gặp gỡ trong đó có các danh tăng như Thích Tâm Châu, Thích Quảng Độ, các HT. Thích Tín Nghĩa (Từ Đàm Hải Ngoại), HT. Thích Nguyên Siêu (San Diego), TT. Thích Nguyên Tạng (Úc Châu) và Tiến Sĩ Hoàng Xuân Hào (Nam Cali).

         Thật tình tôi có giới thiệu là vì quý mến tác phẩm chứ chẳng có ý mong cầu ai giới thiệu sách của tôi theo câu ngạn ngữ của người Anh “Roll my log and I will roll yours” mà có người dịch là “Áo thụng vái nhau”. Đó là lối suy nghĩ của thế gian. Thế gian thì có thù tạc, có mua bán, đổi chác. Nhiều khi tác giả cho tiền một nhà báo nào đó viết bài ca ngợi tác phẩm của mình. Còn trong Phật Giáo làm gì có đổi chác, làm gì có chuyện đánh bóng lẫn nhau? Trong các pháp hội Đại Thừa như pháp hội Hoa Nghiêm, rất nhiều vị bồ tát đã khen ngợi công đức của vị bồ tát khác mà chẳng bao giờ các ngài mong cầu hay đòi hỏi phải có đền đáp. Các ngài có khen ngợi một vị cư sĩ, đại sĩ, bồ tát nào đó là để trang nghiêm pháp hội, để đại chúng nương theo công đức tu hành hay sự chứng ngộ của người được giới thiệu để tu tập.

                Tác giả tên thật là Phan Tấn Hải, sinh năm 1952 tại Sài Gòn. Nguyên Giác là pháp danh và là bút hiệu khi viết về Phật Giáo. Ông định cư tại Hoa Kỳ năm 1984, chủ bút một tờ nhật báo lớn ở Nam California cho tới khi về hưu năm 2019.  Nguyên Giác viết nhiều thể loại: truyện, thơ, biên khảo là học trò đời thứ ba của Hòa Thượng Thích Tịch Chiếu (1912-2016) của Chùa Tây Tạng, Bình Dương và Nguyên Giác còn là nhà thơ, họa sĩ tài ba. Nguyên Giác đã gửi tặng tôi cả chục bức chân dung của Đức Đạt Lai Lạt Ma vẽ bằng màu Acrylic rất phóng và rất đẹp.

Sách “Từ Huyền Thoại Tới Tâm Kinh” do Ananda Viet Foundation xuất bản, dày 265 trang và phát hành trên Amazon. Trong phần giới thiệu, Cư Sĩ Tâm Diệu của Ananda Viet Foundation đã có nhận xét như sau: ”Người ta thường cho rằng, khi con người có được hạnh phúc là đã thoát khỏi sự khổ đau. Nhưng khi có hạnh phúc, người ta lại quên mất bản tâm mình đang đắm chìm trong mê lầm và sự khổ đau lại xuất hiện. Phật giáo gọi cái đó là hạnh phúc thế gian, do duyên mà biểu hiện, hết duyên là biến diệt. Do đó, để được tâm bình an thật sự thì điều quan trọng là chúng ta phải tự huấn luyện tâm. Một khi tâm vượt lên trên cả khổ đau và hạnh phúc, vượt ra ngoài cái đối đãi của thế gian như thiện và bất thiện hay có và không để không còn chấp giữ điều gì thì lúc đó chúng ta mới có được chân hạnh phúc và bình an thật sự. Đây chính là bản tánh của tâm. Bản tâm cũng được biết như là tâm thanh tịnh, tâm không dính mắc và cũng  chính là Niết Bàn. Niết Bàn là mục tiêu tột cùng của Phật pháp, là an lạc và giải thoát tận cùng của hành giả, không còn gì hơn nữa.Tác phẩm “Từ Huyền Thoại Tới Tâm Kinh” là cuốn sách tổng hợp các bài viết về Phật học, với các đề tài có tính cách thực tiễn, thực dụng mà sau khi đọc, độc giả có thể nắm bắt và thực hành ngay trong khi đi đứng nằm ngồi.”

Tôi sẽ vắn tắt đi vào từng chương để giới thiệu tác phẩm này.

-Chương Một: Bồ Đề Đạt Ma- Từ Huyền Thoại Tới Tâm Kinh

Chương này viết về một số huyền thoại liên hệ tới ngài Bồ Đề Đạt Ma (tổ thứ 28) trong đó có đoạn, “Tổ thứ 27 là một Ni sư? Một điển hình về nghi vấn huyền thoại: Có phải tổ thứ 27 Thiền Tông là một Ni Sư, và Ni Sư này là Thầy dạy đạo, truyền pháp cho ngài Bồ Đề Đạt Ma? Phần lớn theo truyền thống nghĩ rằng ngài Bát Nhã Đa La là nam giới cũng như các vị tổ sư Thiền khác. Nhưng một số nhà nghiên cứu Phật học thế kỷ 20 tìm ra một số dấu chỉ, cho thấy ngài Bát Nhã Đa La có thể là nữ giới. ” Huyền thoại thứ hai là, “Ngài ban đầu không được cho vào Chùa Thiếu Lâm, ngồi một chỗ trong một cái hang gần chùa, không nói gì trong chín năm, hẳn là không đúng ý ngài là muốn hoằng pháp.” Rồi, “ Huệ Khả đã tự cắt cánh tay trái. Truyện kể cường điệu thôi, thực tế không thể như thế.” Rồi chuyện Đạt Ma Tổ Sư gặp Lương Vũ Đế “Do ngài Thần Hội (Shen-hui), học trò của ngài Huệ Năng (Huineng), ghi vào sách. Nghĩa là, từ khi gặp tới khi ghi vào sách là hơn 230 năm. Trí nhớ trải qua mấy đời kể lại. Dĩ nhiên, cũng không có chứng cớ để nói rằng không có chuyện đối thoại như thế. Theo các sách ghi lại, đúng là hai vị có gặp nhau, nhưng đối thoại có y như kể lại trong Thiền sử như thế cũng là khả vấn (đáng nghi ngờ) “

-Chương Hai: Lắng Nghe Bờ Kia

         Tác giả dựa vào Kinh Lăng Nghiêm để nói về chương này qua hai đề mục nỗi khổ của con người và niềm tin kiên cố, không dao động vào Tam Bảo và lời dạy của Đức Phật. Tác giả viết, “Phải có kinh nghiệm sâu thẳm về khổ, không phải là chữ nghĩa trừu tượng, không phải là suy luận mơ hồ, mà là cái gì rất thực, y hệt như khắp trời sương mù đang ngấm ướt toàn thân, mới biết sợ để tinh tấn lo tu.”

Tu mà còn thấy đời này vui vui, đời này có nhiều cái hấp dẫn, hấp dẫn nhất là tiền bạc, sắc đẹp, lời ca tiếng hát, lời khen ngợi, danh vọng, chỗ đông người…thì tu pháp môn gì cũng hỏng.

-Chương Ba: Vô Tướng Tam Muội

                Tác giả nói rằng, “Đức Phật đã dạy đường vào giải thoát có nhiều cửa, không phải chỉ một. Học nhân thời nay, đặc biệt là tại Tây Phương, không chú ý nhiều về Vô Tướng Tam Muội. Vậy Vô Tướng Tam Muội là gì? Đó là, “Không hề có một pháp nào để làm.” Bởi vì phải thấy ngay rằng không hề có một chỗ nào trong tâm để bấu víu.” Nói khác đi, tâm rỗng rang chính là Vô Tướng Tam Muội.

-Chương Bốn: Từ Nhà Thơ Chí Hiên Tới Nhà Thơ Nguyễn Du

         Cụ Nguyễn Du sinh ra và lớn lên “Trong thời đất nước điêu linh, gia tộc Nguyễn và bằng hữu chia nhiều phe – một phần theo phò nhà Lê, một phần theo nhà Tây Sơn dựng nghiệp, một phần theo Nguyễn Ánh, người sau này thống nhất đất nước và trở thành Vua Gia Long (sử ghi: năm 1796, Nguyễn Du trốn vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh nhưng bị Quận Công Nguyễn Thận bắt giam ba tháng ở Nghệ An, sau án tù được tha về quê sống ở Tiên Điền.” Nguyễn Du đã có thời phải vào chùa xuất gia với pháp danh Chí Hiên và lưu vong nhiều năm trên đất Trung Hoa. Khi Tây Sơn bị tận diệt, Nguyễn Du ra làm quan cho Vua Gia Long, nhưng thơ ông cho thấy một tấm lòng muốn lui về ẩn cư nơi quê nhà Hồng Lĩnh. Nỗi buồn sâu thẳm tới mức khi bệnh nặng, Nguyễn Du không uống thuốc, nói người nhà sờ vào tay chân xem. Khi người thân nói lạnh rồi, Nguyễn Du chỉ nói, “Được” – và từ trần, không lời nào trăn trối để lại. Trong gia tài thi ca lỗi lạc để lại cho đời, các nhà nghiên cứu nhận thấy Nguyễn Du có mối tình lãng mạn với Hồ Xuân Hương khoảng ba năm, Nguyễn Du từng làm hai bài thơ tặng nữ sĩ họ Hồ với bút hiệu Chí Hiên (và như thế, Nguyễn Du từng làm thơ tặng cô với một hay nhiều bút hiệu khác)… Tại sao làm thơ tặng nữ sĩ lại ký bút hiệu bằng pháp hiệu Chí Hiên thời còn là một tăng sĩ? Hay là, có ai trùng tên Chí Hiên? Hay là, Nguyễn Du làm thơ tặng nàng họ Hồ nhưng không muốn nhiều người biết, nên dùng pháp danh khi còn là tăng sĩ Chí Hiên trong thời lưu lạc bên Trung Hoa?

-Chương Năm: Thành Tựu Niết Bàn

                Trong chương này tác giả biện luận rằng các danh từ như “thành tựu Niết Bàn“ (To achieve Nirvana/Nibbana) nói theo Tây Phương. Còn nói “nhập Niết Bàn” theo theo Nam Tông và Bắc Tông cũng không ổn vì cho thấy Niết Bàn là một nơi chốn để vào.  Ngay cả khi  nói là “chứng ngộ Niết Bàn” thì cũng chỉ là một cách nói. Nếu hiểu có cái gì được chứng ngộ thì hiển nhiên không phải là Niết Bàn. Kinh Na Tiên Tỳ Kheo), nơi Phẩm Vessantara, tóm lược ý như sau:  Niết Bàn không ở hướng nào hết, dù là hướng đông, nam, tây, bắc, hướng trên, hướng dưới, hay hướng ngang; Niết Bàn không là quá khứ, hiện tại, vị lai, không phải được sanh lên, không phải không được sanh lên, không phải sẽ được làm cho sanh lên; Niết Bàn là không có vật đối chiếu, không thể bằng ví dụ, hoặc bằng lý lẽ, hoặc bằng nguyên nhân, hoặc bằng suy luận để chỉ ra hình thể, hay vị trí, hay tuổi thọ, hay kích thước của Niết Bàn; Niết Bàn là thuần lạc, không bị xen lẫn khổ… “

Như vậy ngôn ngữ nào cũng có giới hạn. Ngắn gọn lại tác giả viết, “Đức Phật nói rằng Niết Bàn không phải là chuyện trên mây, hay chuyện bên kia núi. Niết Bàn là phi thời gian (không hạn lượng trong thời gian), là cái thiết thực, là cái thấy trực tiếp ngay ở khoảnh khắc khải nghiệm. Kinh AN 3.55 ghi lời Đức Phật, qua bản dịch Thầy Minh Châu, cho thấy Niết Bàn hiển lộ ngay khi tham sân si biến mất.”

-Chương Sáu: Đọc sách “Phật Điển Phổ Thông: Dẫn Vào Tuệ Giác Phật” 

Đây là tuyển tập Kinh và Luận ghi từ ba  truyền thống: Thượng Tọa Bộ, Đại Thừa, Kim Cang Thừa. Sách dày 850 trang,chữ in rất nhỏ thực hiện với chủ biên bản dịch Việt là Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ, ấn hành do Hương Tích và NXB Hồng Đức. Sách này là một dự án của Hội Đồng Vesak Quốc Tế, đặt tại Đại Học MCU của Thái Lan. Kết tập và soạn tập sách này gồm nhiều biên tập viên và dịch giả quốc tế. Trong đó, phía người Việt có Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, GS. TS Lê Mạnh Thát, và TS. Thích Nhật Từ. Biên tập viên và dịch giả tiếng Việt. Tổng biên tập là Thầy Thích Tuệ Sỹ, và các vị phiên dịch là: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền Cư sỹ, Nguyễn Quốc Bình.

-Chương Bảy: Ngừa Hoạnh Tử, Tăng Thọ, Niệm Tử

                Đại dịch Corona hay Covid-19 tính tới ngày 18/5/2021 đã lấy đi 3,406,805 mạng người trên toàn thế giới, nặng nhất là Hoa Kỳ và nay tới Ấn Độ. Theo tác giả, vào lúc cao điểm, một vài thành phố ở Texas và Arizona phải mua hay thuê xe thùng đông lạnh (container) để giữ xác, vì nhiều nhà quàn hết chỗ, không chôn kịp. Còn Nữu Ước thì phải chôn người tập thể. Còn tại Ấn Độ thì thả xác trôi trên Sông Hằng. Trước thảm họa lớn lao như thế người ta lại không biết thương nhau và biến nó thành vũ khí chính trị để tranh đoạt ảnh hưởng, quyền lực và thế lực. Cho đến bây giờ không ít người Mỹ kể cả một số giáo sĩ  vẫn cho rằng đại dịch Covid-19 chỉ là “hoax” tức trò chơi khăm, trò lừa đảo, không có thực và con số người chết bị thổi phồng lên để triệt hạ uy tín người lãnh đạo. Thế nhưng là người học Phật chúng ta phải nhìn bằng trí tuệ và phát khởi lòng từ bi, từ đó chung sức để giải nghiệp. Tác giả đã dùng Kinh Milinda Vấn Đạo thuộc hệ Nam Tông nói về chết hoạnh tử tức chết oan, chết không đáng chết hay chết không đúng thời mà tiếng Anh gọi là “untimely deathTác phẩm  “Abhidhamma in Daily Life” (A Tỳ Đạt Ma Trong Đời Thường) của Ashin Janakabhivamsa  giải thích về các trường hợp hoạnh tử. Những trường hợp “uppachedaka death” là chết không đúng thời, chết không tự nhiên, vì một số chúng sinh lẽ ra còn tuổi thọ và nghiệp lực còn cho phép họ sống. Nhưng vì một vài nghiệp ác đã làm trong quá khứ đột ngột trổ quả, gây ra cái chết không đúng thời. Bộ luận A Tỳ Đạt Ma giải thích rằng cái chết đó y hệt như một ngọn lửa đột ngột tắt vì trận gió bất ngờ, trong khi bấc và dầu vẫn còn.

Để tránh chết oan, ngoài nghiệp báo trong quá khứ, Đức Phật, trong một bài viết có nhan đề “Khảo Biện về Kinh Dược Sư” của Thầy Chúc Phú, nói rằng người trí tuệ cần tránh nhân duyên gặp nạn, và cần phải thực hành lời Phật dạy, chớ đừng nghĩ rằng tụng kinh hàng ngày là đủ. “Trong kinh Phật thuyết cửu hoạnh, Phật dạy rằng, nếu như gặp phải voi say, ngựa chứng, bò điên, xe cộ, rắn độc, hầm hố, nước, lửa, chiến loạn, người say, kẻ xấu cũng như bao điều tệ ác khác… nếu bậc có trí tuệ thì sẽ biết và tránh các nhân duyên đó để bảo toàn tính mạng...”.

Đúng vậy, ăn chay, đi chùa lễ Phật, cúng dường nhiều tiền mà lái xe vong mạng trên đường phố, giữa cơn đại dịch mà tụ họp ăn uống, nghe nhạc ở phòng trà, quán nhậu, thậm chí đi lễ đông đảo, không đeo khẩu trang vị tự ái…nếu có lây bệnh mà chết thì đừng nói tại số hay tại Trời. Nếu nói oan thì cũng không oan mà vì  tự mình giết mình.

-Chương Tám: Suy Nghĩ Về Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ

                “Bài viết này nhằm bổ túc thêm cho một băng thu hình chủ đề “Tuệ Trung Thượng Sỹ” trên YouTube  do nhóm Wisdom Today thực hiện, trong đó Tiến Sĩ Phật học Nguyễn Thúy Loan đã phỏng vấn Hòa Thượng Thích Phước Tịnh và bản thân người viết là Cư sĩ Nguyên Giác. Lý do bổ túc vì lời nói của người viết vốn vụng về, không có khả năng diễn ý minh bạch như bài viết.”

         Ở đây thấy cũng cần nhắc lại Tuệ Trung Thượng Sĩ tên thật là Trần Tung - con trưởng của An Sinh Vương Trần Liễu (nguyên tác chép An Ninh vương), anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm húy Thiều, vợ vua Trần Thánh Tông[3] và là thầy dạy đạo của Vua Trần Nhân Tông.

Có một phần mà tác giả thêm vào để bổ túc đó là về bài thơ của Trần Nhân Tông nói về Thiền của Tuệ Trung Thượng Sỹ trong bài Tán Tuệ Trung Thượng Sỹ:

Vọng chí di cao

 Toàn chi di kiên

 Hốt nhiên tại hậu

Chiêm chi tại tiền

Phu thị chi vị  

Thượng sĩ chi thiền.”

Bản dịch của Lý Việt Dũng:  “Càng nhắm càng cao. Càng dùi càng cứng. Bỗng nhiên vừa phía hậu.  Nhìn lại đã mặt tiền. Ôi đó mới thật là. Thiền của Thượng Sĩ!”

Đó là bài thơ ca ngợi ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ. Chúng ta không có nhiều tài liệu để biết hoạt động thường ngày của các vị trong thời kỳ chỉ huy quân Việt ba đợt ra trận đánh bại quân phương Bắc xâm lăng. Tuệ Trung và Trần Nhân Tông đều là võ tướng, hiển nhiên hàng ngày là luyện quân, phải thể dục, chạy nhảy, phi ngựa, lội sông, vân vân. Nhưng bài ca ngợi này có lẽ chỉ nói về Thiền.”

Đúng là trong con người ta có cả trăm hình tướng. Khi là tướng quân,  khi là thiền sư ôn tĩnh như một tảng đá hay cội tùng cheo leo trên vách núi giống như Ngài Quán Thế Âm thị hiện rất nhiều hình tướng - từ tể tướng tới trẻ con, thương gia để “Thân nhi vị thuyết pháp”. Cho nên nhận xét về một con người chớ chấp vào hình tướng như lời Phật dạy Ngài Tu Bồ Đề, “Phàm chấp vào hình tướng đều là hư vọng”.  

-Chương Chín: Hạnh Bồ Tát và Kinh Kim Cương

         Theo sự nghiên cứu của tác giả, “Hạnh Bồ Tát là gì? Trong nghĩa đơn giản nhất, tu Hạnh Bồ Tát là những người ra sức hoằng pháp và không muốn Chánh Pháp bị đoạn đứt, bất kể người này có thọ giới Bồ Tát hay không. Theo nghĩa đơn giản này, Hòa Thượng Thích Minh Châu (người đã dịch Tam Tạng Pali sang tiếng Việt) và tất cả quý tăng ni, cư sĩ đã thiết lập Đại Học Vạn Hạnh đều là các vị Bồ Tát. Trong nghĩa đầy đủ, Bồ Tát là người giữ hạnh cứu độ chúng sanh, hồi hướng phước đức mình có cho tất cả hữu tình, luyện tâm Bồ Đề, tu Sáu Ba La Mật, giữ Bồ Tát hạnh nguyện, và là vị Phật tương lai. Điểm ghi nhớ, tu hạnh Bồ Tát cũng như tất cả các pháp tu đều phải giữ lấy pháp ấn vô ngã, không bao giờ để cho tâm vướng chút nào vào “tôi, của tôi” (ngã, ngã sở). Nghĩa là tu mà vẫn thấy là vô tu. Do vậy, truyền thống Thiền Tông nói rằng trong khi tu hạnh Bồ Tát cần phải ngộ nhập Tánh Không, để không còn chấp vào có người tu và có pháp được chứng, không vướng vào tướng có người độ và có người được độ. Hai kinh quan trọng của Thiền Tông chỉ thẳng vào Tánh Không, tức Bản Tâm, là Kinh Kim Cang, còn gọi là Kinh Kim Cương, hay Kim Cương bát-nhã-ba-la-mật-đa kinh, ”

-Chương Mười: Niệm, Vô Niệm, Thoại Đầu và Huệ Khả

“Chương này khảo sát một số khái niệm về các hiện tướng của tâm, dựa theo lời dạy của Đức Phật và chư Tổ.  Chữ “không có tư niệm” chỉ có nghĩa là “ngay nơi niệm sẽ không để thức an trú (trụ) vào đâu cả”. Tức là, không ý định mưu tính, không lên kế hoạch, không xuôi theo khuynh hướng thầm kín nào. Đó là giải thoát.

Trong Tạp A Hàm, có ba Kinh SA 359, 360, 361 đều có đoạn sau, theo bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng: “Nếu không suy lường, không vọng tưởng thì sẽ không bị sai sử khiến thức duyên níu mà tồn tại. Vì không có chỗ duyên níu cho thức tồn tại nên nó không nhập vào danh sắc. Vì không nhập vào danh sắc nên không qua lại. Vì không qua lại nên không sanh tử. Vì không sanh tử nên sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở đời vị lai đều bị diệt và thuần một khối khổ lớn như vậy cũng bị diệt.” Ngài Trần Nhân Tông còn gọi đó là “đối cảnh vô tâm” và đó là một tông chỉ của Thiền Trúc Lâm.

         Trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Ngài Huệ Năng nói trong Phẩm Bát Nhã, bản dịch của Thầy Duy Lực rằng, "Bản tánh là Phật, lià tánh chẳng có Phật. Sao gọi Ba La Mật? Ba La Mật là tiếng Ấn Độ, dịch là đến bờ bên kia, nghĩa là lìa sanh diệt. Chấp cảnh thì sanh diệt dấy lên như nước nổi làn sóng, tức gọi bờ bên này, lìa cảnh thì chẳng sanh diệt như nước chảy im lìm, tức là bờ bên kia, nên gọi Ba La Mật... Thiện tri thức, phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ Đề; niệm trước mê tức phàm phu, niệm sau ngộ tức Phật. Niệm trước chấp cảnh tức phiền não, niệm sau lià cảnh tức Bồ Đề.” Trong tác phẩm Trung Luận (Madhyamaka Sastra) của ngài Long Thọ, bản dịch của Thầy Thiện Siêu, phẩm XVIII Quán Về Pháp, trích như sau: Chư Phật hoặc dạy về ngã, hoặc dạy về vô ngã, trong thật tướng các pháp, không có ngã, không có phi ngã. Thật tướng của các pháp thì tuyệt dứt đường ngôn ngữ và tâm duyên, không sinh cũng không diệt, tịch diệt như Niết-bàn. Hết thảy pháp đều thật, đều phi thật, cũng thật cũng phi thật, chẳng phải thật chẳng phải phi thật. Đó chính là giáo pháp của chư Phật.

Tự mình chứng biết, không theo cái biết của người khác, tịch diệt không có hý luận, không sai khác không phân biệt. Đó chính là thật tướng.”

Như thế, chúng ta đã khảo sát về niệm, về vô niệm, về đương niệm, về thoại đầukết luận rằng khi nhìn các pháp trong Đệ nhất nghĩa đế, sẽ thấy sinh tử với Niết Bàn hệt như hoa đốm hư không. Có lẽ, đó cũng là sự tịch lặng của ngài Huệ Khả và nhìn hoa mỉm cười không nói của Ngài Ca Diếp.

Chương Mười Một: Thấy Biết Như Thật và Thấy Tánh

                Tác giả cho biết chữ “thấy” (kiến) trong nhà Phật không hoàn toàn có nghĩa là thấy bằng mắt, và Đức Phật thường dùng chữ “thấy” cho nghĩa các chữ: quán sát, quán tưởng, nhận rõ từ trí tuệ. Nghĩa là, chữ “thấy” còn có nghĩa là “nhận rõ bằng trí tuệ” (insight). Nhưng muốn quán sát như thật cần tập thiền. Trong Tạp A Hàm, Kinh SA 65, Đức Phật dạy rằng muốn quán sát như thật cần phải tĩnh lặng trong tâm, lúc đó mới quán sát được. Khi thấy biết “như thật” có nghĩa là thấy các pháp ấn Vô Ngã, Vô Thường, Khổ. Và như thế, cũng có nghĩa là thấy Tứ Thánh Đế.

-Chương Mười Hai: Mùa Đại Dịch, Hộ Trì Sáu Phương

                Trong hoàn cảnh này, hạnh nguyện hộ trì và bố thí cần được thực hiện theo lời Đức Phật dạy để bảo vệ sáu phương: Bố thí tài vật (giúp dân vượt khó, cúng dường chư tăng, ba mẹ, thầy cô giáo…), bố thí sinh mạng (liều thân vào nơi hiểm nạn để cứu người, như lính cứu hỏa thời bình, như nhân viên y tế thời đại dịch vì chăm sóc bệnh nhân cũng là chăm sóc Đức Phật), và rồi tận cùng của hạnh bố thí là giải thoát.

-Chương Mười Ba: Phật Tử Đối Trị Dịch Bệnh

         Sau khi trích dẫn lời dạy của Đức Phật trong nhiều bộ kinh, tác giả kết luận, “Tóm lại, trong thời dịch bệnh đang có cơ nguy sẽ lấy đi 2/3 nhân loại, người Phật tử nên khẩn cấp khuyến tấn cả gia đình Quy y, Thọ giới, Nghe kinh, Làm việc thiện, Tu niệm xứ, Tu hạnh Từ Bi, Niệm Pháp Ấn Vô Thường. Chúng ta không thể biết rằng nghiệp lực sẽ dẫn chúng ta, gia đình và dân tộc tới đâu, nhưng nên thấy rằng nếu dịch bệnh này làm kiệt sức toàn dân là có thể gặp cơ nguy mất nước và cả cơ nguy Đạo Phật bị xóa sổ tại quê nhà.”

-Chương Mười Bốn: Bài Pháp Khẩn Cấp  Bahiya Sutta            

         “Trong Tam Tạng Pali, thuộc nhóm các Kinh Phật Tự Thuyết (còn gọi là Cảm Hứng Ngữ, Udana). Bản kinh kể chuyện Đức Phật dạy pháp một cách khẩn cấp cho ngài Bahiya, trong lúc rất bận rộn và đang cùng chư tăng đi trên đường khất thực. Ngài Bahiya đã tới giữa đường, quỳ lạy Phật để xin dạy pháp. Đức Phật hai lần từ chối, nhưng ngài Bahiya liên tục nài nỉ vì lo sợ đời sống vô thường, vì sợ chưa hiểu pháp mà có thể sớm qua đời khác. Đức Phật mới dạy cho cách tu tập. Ngài Bahiya tức khắc chứng thánh quả A La Hán, vui mừng nhận pháp ra đi. Khi Đức Phật khất thực và thọ thực xong, thì được tin ngài Bahiya bị bò húc chết. Đức Phật ra lệnh hỏa thiêu, xây tháp như đối với một vị tỳ kheo, và nói rằng ngài Bahiya đã vào Niết Bàn tối hậu.”

         Nhưng, làm cách nào ngài Bahiya - một người đời thường, chưa từng quy y hay thọ giới gì cả, sau khi nghe bài pháp yếu vài câu lại có thể “hốt nhiên đốn ngộ” và xóa sạch ác nghiệp muôn đời ngàn kiếp để vừa khi bị bò húc chết là nhập Niết Bàn vô dư ngay? Thực ra, ngài Bahiya đã tu từ vô lượng kiếp rồi, đã là một tỳ kheo từ thời Phật Ca Diếp. Không có gì là tự nhiên cả, và ngài Bahiya sau này được Đức Phật nói là trường hợp chứng đạo mau nhất, xuất sắc nhất. Trường hợp ngài Bahiya cũng là nhân duyên cho bài kệ thứ 101 trong Phẩm Ngàn, Kinh Pháp Cú.

-Chương Mười Lăm: Sông Hằng- Lời Dạy Tâm Yếu Về Đại Thủ Ấn

         Bên bờ Sông Hằng, những lời giảng này được Ngài Tilopa dạy cho Naropa. Bản Sanskrit có tên: Mahamudra Upadesham. Bản Tạng Ngữ: Chaggya Chenpo Menngag. Bản tiếng Anh do Ari Kiev chuyển ngữ: Essential Instructions on Mahamudra. Bản tiếng Việt do tác giả chuyển ngữ. Bài kinh khá dài cho nên tôi chỉ trích một đoạn toát yếu:

Thân này mong manh, hệt như lau sậy;

 và tâm, như giữa bầu hư không, siêu vượt cảnh giới của niệm.

 Hãy an nghỉ [thân tâm] trong trạng thái đó,

 không rời ra hay đặt để vào, không xả không thủ.

 Khi tâm không còn chỗ trụ nào [vô sở trụ],

 thì đó là Đại Thủ Ấn.

Chương Mười Sáu: Hai Phong Cách Thiền Chánh Niệm

         Chương này là bản dịch từ bài viết năm 2005 nhan đề “Two Styles of Insight Meditation” của Đại sư Bodhi, người đã dịch hầu hết Kinh Tạng Pali sang tiếng Anh. Bài này nêu ra hai kiểu Thiền của hai nhóm: Nhóm thứ nhất dùng thiền chánh niệm cho các mục tiêu thế gian và nhóm thứ nhì, những người có niềm tin Phật Giáo, dùng thiền chánh niệm cho lộ trình tu học giải thoát. Thiền chánh niệm hiện đang dùng cho nhiều mục tiêu trần gian, ở bệnh viện, trường học, quân đội… Thiền đưa tới nhiều lợi ích tới nổi nhiều tu sĩ các tôn giáo khác cũng Thiền tập và ứng dụng theo kiểu riêng của họ. Trong hàng ngàn sách viết về Thiền tại Hoa Kỳ, có nhiều sách đồng hóa Phật Giáo với các tôn giáo khác, xem như kinh nghiệm Thiền chánh niệm chủ yếu là để “hạnh phúc với cái bây giờ và ở đây” và nơi tâm an lạc đó thì “đạo nào cũng như nhau, và các giáo chủ đều ngang hàng nhau.” Và cũng có sách nói rằng nhờ Thiền cho nên các tác giả trải qua các kinh nghiệm sâu sắc hơn về Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Do Thái Giáo.

Điều ghi nhận rằng ngài Bodhi hai lần nói về khuynh hướng Phật tử chủ trương hiện đại hóa [Buddhist modernists], những vị khi truyền dạy thiền chánh niệm thường không nói gì về khổ, về nghiệp quả và về tái sinh. Trong khi qua bài viết này, ngài Bhikkhu Bodhi hai lần nói tới chữ “suffering” (khổ), hai lần nói tới chữ “kamma” (nghiệp), và ba lần nói tới chữ “rebirth” (tái sinh).

Trong Thiền Luận, Đại Sư Suzuki phân biệt các loại thiền: Ngoại đạo thiền, phàm phu thiền, tiểu thừa thiền và Như Lai tối thượng thừa thiền. Thiền chánh niệm đang lan tràn khắp nơi như một kiểu cách ngồi nhắm mắt, hiu hiu tìm khoái cảm của cuộc sống nên gọi đó là “ngụy thiền”. Nó là “giả thiền” giống như một người du lịch hoàng cung, mặc áo hoàng bào, ngồi trên ngai sơn son thếp vàng, chụp hình cho khoái, nhưng không phải là ông vua thật. Chư Tổ dạy rằng chưa ngộ “Tông Chỉ Phật”. chưa quán được Khổ, Vô Ngã, Vô Thường, chưa ngộ được Phật tánh thì ngồi thiền chỉ là một kiểu ngồi để mơ mộng, kiến trúc tự ngã cho sướng mà thôi. Hết buổi “tọa thiền” rồi thì khổ đau, tham sân si vẫn còn nguyên đó, vô minh vẫn dày đặc và trôi lăn trong ngũ dục và sinh tử luân hồi. Thời buổi nào cũng vậy, vàng thau thường lẫn lộn. Vàng giả có thể qua mắt được người thường nhưng làm sao qua mắt được thợ vàng? Xin nhớ “tu thiền” và “tọa thiền” hoàn toàn khác nhau. Ai cũng có thể nói mình tọa thiền nhưng xin đừng nói “Tôi tọa thiền cho nên tôi là người tu thiền.” Tất cả các tôn giáo trên thế gian này họ đều có thể nói rằng họ “tọa thiền”. Nhưng “tu thiền” hay tu theo các thiền phái Trúc Lâm, Lâm Tế, Tào Động là một đặc trưng của Phật Giáo, đó là Như Lai Tối Thượng Thừa Thiền không thể lẫn lộn với phàm phu thiền và ngoại đạo thiền.

Chương Mười Bảy: Chìa Khóa Vào Thiền

                Có lẽ để bổ túc cho chương nói trên, tác giả đã trích dẫn bài viết “The Key to Zen” của Đại sư Sekkei Harada, in trên tạp chí Lion's Roar vào tháng 4/2018. Ngài Sekkei Harada Trụ trì của Hosshin-ji, một Thiền viện Tào Động (Soto Zen) tại tỉnh Fukui, ven biển miền trung Nhật Bản. 

Theo Đại Sư Harada, có ba yếu tố của tọa thiền.

Về yếu tố đầu tiên, Thiền sư Dogen có lời khuyên cho những người không biết làm gì nếu họ không gặp một vị thầy chân thực. Dogen cảnh giác họ nghiêm túc, “Trong trường hợp như thế, tốt nhất là tạm thời ngưng tu tập. Bỏ tập sẽ ít nguy hiểm hơn là tập sai.” Lý do là vì tu tập như thế y hệt như vượt biển mà không bản đồ-luôn luôn có cơ nguy gặp các đá ngầm chưa biết.

Về yếu tố thứ nhì, việc tu tập tọa thiền, sẽ ít nguy hiểm hơn cho những ai không có thầy để tự họ tập, thay vì tập tọa thiền hướng dẫn một cách sai lầm.

Yếu tố cuối cùng là giữ các giới luật.

         Sau hết, tọa thiền của thân là tư thế ngồi thẳng, tréo chân và đặt hai bàn tay vào nhau. Tọa thiền của khẩu là những lời nói chúng ta dùng trong ngày, lời chào hỏi buổi sáng, lời Bát Nhã Tâm Kinh chúng ta tụng trong thời kinh sáng và các bài kệ chúng ta đọc trước khi ăn, cũng như những chữ dùng khác trọn ngày. Sau cùng, tọa thiền của ý là chức năng của tâm, cái mà chúng ta không thể thấy. Những ý nghĩa khác nhau, tính toán, biện biệt và vân vân, tất cả chuyển động của tâm đều là tọa thiền.

-Chương Mười Tám: Tưởng Nhớ Sư Ông Nhẫn Tế

         Sư Ông Nhẫn Tế được dạy ở Tây Tạng bằng phương pháp tiếp điển. Vị La Hán hiện ra trong thiền định nói tiếng Ấn Độ với Sư Ông. Có thể hiểu rằng, Sư Ông chỉ giỏi tiếng Hán, tiếng Pháp khi rời Việt Nam sang Ấn Độ năm 1935, và nơi đây học tiếng Ấn Độ và tiếng Anh để đủ giao tiếp. Sư Ông bắt đầu học tiếng Tây Tạng từ tháng 2-1936, và tới Lhassa, thủ đô Tây Tạng, ngày 28-6-1936. Khi tác giả còn bé và tới Chùa Tây Tạng tu học thì sư ông đã viên tịch và chỉ biết về sư ông qua bổn sư là Hòa Thượng Tịch Chiếu và tập Nhật Ký của sư ông. Sư Ông viết về ngày 16-9-1936 như sau: “Tiếp điển: Lời căn dặn: Cư-sĩ đệ tử sẽ tấn phát nhờ đức lực, ngươi sẽ thấy tự nhiên. Nhiều đêm sau, Sư Ông vẫn được tiếp điển dặn dò. Cũng có đêm dạy thần chú qua tiếp điển. Ngày 12-10-1936, vị La Hán tiếp điển dặn Sư Ông là sẽ có ba đại đệ tử từ Miền Trung tới (sau này, tôi được cho biết đó là 3 Thầy: Tịch Chiếu, Thường Chiếu, Viên Chiếu)…

Ngày 13-10-1936, vị La Hán tiếp điển, dạy Sư Ông cách vào Tứ Thiền, rồi chuyển sang quán niệm để ngộ vô sanh. Ngày 20-10-1936, vị La Hán tiếp điển, Sư Ông ghi lại: Tiếp điển: 2 giờ khuya. Tự đến chỉ pháp quán Vô sanh rồi dặn rằng: Ba năm sau khi về xứ, hết dư nghiệp. Ngươi sẽ lập Tây-trước-chánh-tông. Y theo bài kệ đã thấy. Đó là những cơ duyên tuyệt vời của Sư Ông Nhẫn Tế. Tu trong mấy kiếp, đoạt lý một giờ.”

         Câu chuyện giống như một huyền thoại vậy.

-Chương 19: Thơ

Thực ra trước đây tôi không biết gì về thơ của Nguyên Giác nhưng theo cư sĩ Nguyên Toàn- một người rất uyên thâm về Phật học- thì thơ của Nguyên Giác rất tuyệt vời. Trong chương này có tất cả 7 bài thơ như: Thêm Một Ngày-Học Vô Cùng, Mừng Anh Ngọc Tám Mươi, Đọc Sách Thầy Phước An, Dòng Thơ Tiễn Bạn, Lắng Nghe Hơi Thở, Hoa Bay Khắp Trời (bài thơ này được nhạc sĩ Trần Chí Phúc phổ nhạc). Tôi xin trích ra bài Dòng Thơ Tiễn Bạn để xem thơ Nguyên Giác tuyệt vời tới mức nào.

Dòng Thơ Tiễn Bạn (Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ 1952-2021)

Đêm lặng lẽ, chờ năm uẩn

tan theo nghiệp, bạn về đâu

kêu giữa trời nghiêng cánh nhạn

nguyện qua bờ dứt thảm sầu.

 

Mở trang kinh, đọc lời Phật

vô lượng khổ ngàn kiếp xưa

chờ nến tàn theo lửa tắt

nguyện chúng sinh khắp qua bờ

 

Đêm chia ly, ngày sẽ tới

tôi trọn đời, ngồi chép kinh

làm thơ nhìn lửa ba cõi

thấy vô ngã, ngộ vô sinh

 

Mở trang kinh, nghe tin bạn

rơi tay bút, mực loang dòng

bọt sóng trôi vô cùng tận

như tia chớp, như hạt sương

 

Đêm rất lạnh, rừng ký ức

nghiệp trùng trùng mấy trận văn

bạn xông xáo đời giấy mực

bây giờ nằm, ai niệm tâm

 

hãy lặng lẽ, nghe hơi thở

thấy vô ngã, chớ suy tầm

hãy buông sạch ngàn muôn chữ

hãy buông hết trọn thân tâm.

 

Đêm trừ tịch, đêm lưu lạc

lời từ biệt muôn kiếp xưa

hướng tâm về tạ ơn Phật

tắm mặt trời nắng ban trưa

 

nhớ lời kinh, mời bạn đọc

tạ ơn Pháp, lệ vui mừng

từng dòng chữ như chuỗi ngọc

trang nghiêm tâm sáng vô cùng

 

Đêm không ngủ, đêm tu học

như lửa cháy khăn trên đầu

mắt tỉnh thức nhìn gió ngược

tâm tịch lặng dứt muôn sầu

 

Đêm vô tận rồi sẽ dứt

lìa hữu vô, ngộ Niết Bàn

tánh trong gương ai thấy được

rơi tất cả bụi ngàn năm

 

tâm vô ngã lìa giông bão

không cao hơn, không kém hơn

vui tịch lặng tâm hải đảo

không lay động giữa đại dương.

California, 17/2/2021

            Bài thơ siêu thoát, sâu thẳm của kiếp nhân sinh. Trong cái chết mà nhìn thấy Pháp Vô Sanh. Lời thơ Trong như tiếng hạc bay qua”, ý thơ như chim bay lượn trên trời, như mây vần vũ không ai lường trước được nhưng liền lạc, ăn ý và xúc động lòng người. Cư sĩ Nguyên Toàn thật có lý.

Tạm Kết Luận:

         Nguyên Giác thuở nhỏ đã nương nhờ cửa Phật tại Chùa Tây Tạng, Bình Dương được chân truyền về Thiền cho nên chuyên khảo về Thiền. Nguyên Giác viết rất cẩn trọng. Những kinh sách viết bằng Việt Ngữ của chư Tổ phần lớn dịch từ kinh điển Trung Hoa, sau này từ Pali. Nhờ thông thạo Anh Ngữ cho nên Nguyên Giác đã đọc được rất nhiều kinh, luận của các bậc đại sư, cư sĩ viết bằng Anh Ngữ khắp nơi trên thế giới như Anh, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện. Các tác phẩm viết bằng tiếng Anh phần lớn dịch từ kinh tạng Pali và Sanskrit, khi đối chiếu với kinh tạng dịch từ Hán Tự, chắc chắn sẽ làm sáng tỏ nghĩa của kinh viết bằng Hán tự - dù dịch qua Việt Ngữ vẫn có khi khó hiểu. Đó là ưu điểm của những bài viết của Nguyên Giác. Từ Huyền Thoại Tới Tâm Kinh là một tác phẩm rất giá trị, không “hợp khẩu vị” của những Phật tử sơ cơ nhưng rất thích thú cho những vị đang tu Thiền và nó cũng là một tài liệu tham khảo. Với tinh thần tinh tấn tu học và hoằng dương chánh pháp, tôi xin trân trọng giới thiệu tác phẩm này.

Thiện Quả Đào Văn Bình

(California ngày 19/5/2021)