Showing posts with label Việt Báo. Show all posts
Showing posts with label Việt Báo. Show all posts

Friday, December 15, 2023

Doãn Hưng | Việt Báo: TS Bạch Xuân Phẻ Chia Sẻ Cách Hướng Dẫn Chánh Niệm Cho Tuổi Teen

bach-xuan-phe
Garden Grove (VB)- Vào ngày Chủ Nhật 7 tháng 12 2023, tại Trung Tâm Thực Hành Chánh Niệm Nam Cali (MPC), Tiến Sĩ Giáo Dục Bạch Xuân Phẻ đã có buổi chia sẻ về cách hướng dẫn cho các em tuổi teen thực hành chánh niệm. Cùng tham dự buổi chia sẻ còn có chị Chơn Nguyên, y tá của Học Khu Centralia (Buena Park), huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, nhiều bậc phụ huynh có con em đang ở tuổi teen, tăng thân Xóm Dừa, Nụ Hồng…

Thực hành chánh niệm để giảm căng thẳng, điều trị một số triệu chứng bệnh tâm lý, tăng khả năng tư duy trong học tập… đã ngày càng trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ trong thập niên qua. Chánh niệm ngày nay xuất hiện trong trường học, bệnh viện, quân đội và cả nhà tù ở Mỹ. Nhiều phụ huynh gốc Việt biết lợi ích của chánh niệm, nhưng không biết làm sao để thuyết phục con em ở tuổi teen chịu thực hành tại nhà. Trong buổi chia sẻ, TS Phẻ và chị Chơn Nguyên đã trình bày một số nét chính về lý do nên thực hành chánh niệm, một số hình thức thực hành phù hợp với tuổi teen, và cách truyền thông giữa cha mẹ và con em.

TS Phẻ dạy môn Hóa tại một trường trung học ở Sacramento. Anh xúc động kể lại câu chuyện về một người học trò của mình tự tử vì cha không chấp nhận sự thật rằng em là người đồng tính. Và trong cuộc đời đi dạy của mình, TS Phẻ còn chứng kiến thêm nhiều trường hợp các em học sinh khác tự sát vì không thể kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực về cuộc đời. Điều này thôi thúc anh hướng dẫn cho các em thực hành chánh niệm trong lớp học. Bởi vì nếu có thể kiểm soát được sự căng thẳng, nỗi tuyệt vọng, các em đã không đi đến hành động tự hủy hoại cuộc đời như vậy.

Hiểu một cách đơn giản, chánh niệm là khả năng có thể nhận diện được những thứ diễn ra trong tâm thức của mình ngay trong giây phút hiện tại mà không phán xét. Nếu làm được điều này, các loại cảm xúc tiêu cực giống như những người khách, sẽ đến rồi đi chứ không thể làm chủ được chúng ta, điều khiển chúng ta có hành động ngoài sự kiểm soát của lý trí. Và đây cũng là lợi ích đầu tiên của việc thực hành chánh niệm.

Chơn Nguyên cũng đồng ý với TS Phẻ khi ví chánh niệm giống như cho tâm trí của mình được hưởng một kỳ “vacation”. Một sự tĩnh lặng dù chỉ trong vài phút có thể giúp trí não phục hồi khả năng tư duy nhạy bén, giúp các em học sinh tập trung tốt, từ đó có kết quả học tập tốt hơn. Một số chuyên gia về não bộ cho rằng các em học sinh ở mọi lứa tuổi đều nên thực hành ngồi tĩnh tâm theo dõi hơi thở. Nguyên tắc đơn giản là (Age + 1) các em bao nhiêu tuổi thì có thể ngồi được bao nhiêu phút: 6 tuổi thì có thể ngồi trong 7 phút, 12 tuổi thì ngồi 13 phút… Chơn Nguyên kể rằng khi cho các em thực hành ngồi yên vài phút trước khi giờ học bắt đầu, chính các em cảm nhận lợi ích của việc này, và sau này thỉnh thoảng còn nhắc cô cho thực hành thêm. Các thầy cô giáo khác cũng chia sẻ rằng chỉ sau một vài phút thực hành chánh niệm đầu giờ, các em học sinh ổn định nhanh hơn, giờ học bắt đầu nhanh hơn.

Còn một số nguyên nhân rất hữu lý khác có thể dùng để thuyết phục các em thực hành chánh niệm. Các em muốn học giỏi, mơ ước vào các đại học danh tiếng? Các em có biết rằng đại học Harvard trong năm nay vừa mở một trung tâm thực hành chánh niệm mang tên thiền sư Thích Nhất Hạnh? Các em muốn trở thành bác sĩ, y tá để giúp người trong vấn đề sức khỏe? Các em có biết rằng tại bệnh viện UCLA có hướng dẫn thực hành chánh niệm cho bệnh nhân và y tá?

Lý do để khuyên các em nên thực hành chánh niệm là vậy. Còn các em nên bắt đầu thực hành như thế nào là phù hợp? Theo dõi hơi thở là một hình thức đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để bắt đầu. Hơi thở giống như cái neo để buộc tâm trí dừng lại trong giây phút hiện tại. Theo dõi được hơi thở vào ra một cách nhẹ nhàng, tâm trí sẽ có được những giây phút tĩnh lặng, thảnh thơi hết sức cần thiết. TS Phẻ đã hướng dẫn một số phương pháp theo dõi hơi thở có thể áp dụng cho các em học sinh. Ngồi thẳng lưng nhưng buông lỏng trên ghế, theo dõi hơi thở vào ra để làm tâm lắng xuống. Việc theo dõi hơi thở có thể được kết hợp với nuôi dưỡng lòng yêu thương, từ bi với người khác. Và người đầu tiên mà mình cần thực tập thương yêu đó chính là bản thân mình. Thực tập khi bắt đầu ngồi theo dõi hơi thở với lời cầu nguyện: “ Thở vào, tôi nguyện cho tôi được bình an. Thở ra, tôi nguyện cho tôi được bình an…”. “Thở vào, tôi nguyện cho cha mẹ tôi được bình an…”. “Thở vào, tôi nguyện cho những người chung quanh tôi được bình an…”

Thực hành chánh niệm có thể được thực hiện với những hình thức khác sinh động hơn. Thí như thực hành những động tác thể dục kết hợp với hơi thở điều hòa. Hay đi chậm rãi, theo dõi những bước chân đưa lên, đặt xuống. Chơn Nguyên có hướng dẫn cách ăn một trái quýt trong chánh niệm. Ăn quýt chậm rãi, sử dụng tất cả những giác quan để thưởng thức nó. Mắt nhìn nhận thức màu sắc, hình dạng của trái quýt. Tay bóc trái quýt cảm nhận được vỏ trơn láng, những múi quýt mềm và hơi nhám với những sợi sơ. Mũi ngửi được hương thơm của những trái quýt. Khi cắn vào cảm nhận được được vị chua, ngọt của từng múi quýt. Ăn quýt như vậy sẽ ngon hơn rất nhiều! Và ăn quýt cũng có thể kết hợp với việc nuôi dưỡng lòng biết ơn. Ăn quýt mà nhìn thấy mặt trời, thấy đất, thấy người nông dân… Biết bao nhiêu công sức mới có được trái quýt mà ta đang ăn, từ đó mà biết ơn người, ơn đời.

Cha mẹ nên sử dụng cách thức truyền thông, đối thoại ra sao để khuyên bảo con em mình thực hành chánh niệm? TS Phẻ cho biết nhiều em học sinh tâm sự rằng không thể nói chuyện được với cha mẹ, thường xuyên xung khắc với cha mẹ vì không có sự cảm thông. Nói chuyện còn chưa được, nói chi đến khuyên bảo? Vì vậy, hãy nói với các em bằng lòng yêu thương và sự cảm thông. Và cách thuyết phục hay nhất có lẽ là thân giáo, là hành động của chính bản thân mình. Trẻ em thầm lặng quan sát hành vi của cha mẹ, và bị ảnh hưởng nhiều từ điều này. Vì vậy, để khuyên các em thực hành chánh niệm, cha mẹ cần thực tập trước, và cho thấy điều này đem lại những lợi ích qua cách hành sử thường ngày của chính mình.

Một trong những cách để tương tác với các em hữu hiệu đó là qua các bài hát. Những người Mỹ thực hành chánh niệm theo phương pháp của Làng Mai có những bài hát đơn giản, dễ thương, có ý nghĩa, có thể nhắc nhở các em về chánh niệm. Trong buổi chia sẻ, mọi người hát chung với nhau những bài hát về sự hân hưởng thiên nhiên, là bước khởi đầu của chánh niệm:

Tìm từ cuộc đời nhiều hạnh phúc đáng quí
Có ngay đất này
Tìm từ mặt trời từng hạt nắng lấp lánh
Và dòng nước nói cùng ai
Gió thì thầm điều gì và nước cùng hòa ngàn lời
Hát câu yêu đời

Hay là:

Người là mây bay xanh màu trời ánh biếc
Cất cánh chim ngang trời bay vút xa ngàn khơi
Người là cành hoa thơm ánh mặt trời ấm áp
Trái đất sẽ ươm mầm cho những chồi xanh…

Kết thúc buổi chia sẻ, TS Phẻ kêu gọi mọi người cùng tham gia phổ biến cách thực hành chánh niệm đến với các em tuổi teen. Những buổi hướng dẫn tuổi teen thực hành chánh niệm tại MPC là một dự án trong tương lai, và cần có sự góp sức của nhiều người. Chúng ta giống như những người đi gieo hạt mầm chánh niệm. Nếu đầy đủ các yếu tố thuận lợi, hạt mầm rồi đây sẽ đâm chồi, nẩy lộc thành cây trái. Những khu vườn chánh niệm, là nơi nương tựa bình an cho thế hệ mai sau, đang bắt đầu từ ngày hôm nay.

Doãn Hưng    

Doãn Hưng | Việt Báo    
 

Wednesday, April 1, 2020

Họa sĩ Đinh Trường Chinh: Hội Họa là Đời Sống

 
4.c.-Dinh-Truong
Về Phố Xưa - Tranh Đinh Trường Chinh 

Họa sĩ Đinh Trường Chinh thuộc thế hệ họa sĩ “trẻ,” trưởng thành và định hình trong nghệ thuật ở hải ngoại những năm gần đây. Anh vẽ dễ dàng, sáng tác mạnh, luôn tìm tòi ý thức mới trong hội họa, nhạy bén trước các vấn đề xã hội và nhân sinh. Ý thức hội họa là điểm mạnh trong tranh của anh, người xem luôn luôn cảm nhận một ý tưởng rốt ráo nào đó, dù hiện thực hay siêu hình mang tính triết học. Ngoài vẽ, anh còn làm thơ, và cũng như tranh, thơ anh thấm đẫm tính trữ tình, đầy ắp những băn khoăn với cuộc sống bên trong một tâm hồn thơ mẫn cảm. Độc giả Việt Báo đã biết đến họa sĩ Đinh Trường Chinh qua số báo xuân 2019, với những bức tranh minh họa trong suốt số báo Xuân. Hôm nay, Việt Báo hân hạnh gửi đến quý độc giả bốn phương một vài trao đổi với họa sĩ Đinh Trường Chinh để chúng ta biết thêm đôi điều về quan điểm cũng như phương pháp sáng tạo của tài năng này.

Việt Báo (VB): Được biết anh là con trai của họa sĩ Đinh Cường, một danh họa lẫy lừng suốt mấy chục năm qua của làng họa Việt Nam, người đã đóng góp rất nhiều cho kho tàng hội họa Việt Nam cho đến ngày tạ thế cách đây không lâu, nhưng vẫn xin hỏi anh tình huống nào đã thúc đẩy anh trở thành một họa sĩ?
 
DTC-Tu-Hoa
Đinh Trường Chinh - Tự họa
Đinh Trường Chinh (ĐTC): Thật ra tôi không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp theo nghĩa có bằng cấp. Tôi chưa bao giờ tốt nghiệp trường mỹ thuật hay một ngành Fine Arts nào. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ ngưng học vẽ. Có lẽ cái “vốn” lớn nhất tôi có là niềm đam mê dành cho hội họa – sự đam mê thật sự tôi không biết bắt đầu từ đâu. Chắc chắn là từ rất sớm. Tôi nhớ, từ hồi còn bé năm, sáu tuổi, Bố tôi đã “khoe” những hình vẽ nguệch ngoạc của tôi cho các bạn bè ông xem, có lẽ vì nó ngộ và có một gì đó không bình thường. Tôi nhớ Bố tôi có nói đâu đó: “Vẽ và hội họa giống nhau bởi cả hai đều dùng màu sắc, đường nét để ghi lại. Nhưng khác nhau ở chỗ vẽ là ghi lại bằng hình thức mô phỏng, bắt chước, những gì đã có sẵn theo các hình thức đã thành khuôn sáo… Còn hội họa là dùng phương tiện màu sắc để ghi lại những bóng dáng, hình ảnh, thể cách hoàn toàn mới mẻ theo dòng cảm xúc, suy tư và sáng tạo của mình.” Và, tôi đã lớn lên trong môi trường hội họa như thế. Chung quanh tôi lúc nào cũng hăng hắc mùi dầu xăng, màu, cả mùi thơm của những tấm bố mới. Tôi đã giúp Bố tôi pha màu, căng toile... và cũng đã bao lần cùng ông thức qua đêm, đã chứng kiến những bức tranh được hoàn chỉnh từ những tấm bố trắng toát. Sự quan sát dài hơi đó giúp tôi có một cái nhìn về hội họa từ bên trong, bên trong cả tâm hồn một người họa sĩ. Dần dần, tôi tiếp thu cái tư duy hội họa đó, thấm dần vào máu mình lúc nào không hay. Khi lớn lên, tôi có ghi danh học các lớp vẽ, kỹ thuật căn bản, bố cục, chân dung, anatomy, v.v… để giúp mình thêm kỹ thuật vẽ. Bố tôi thật sự chưa bao giờ dạy tôi trực tiếp nhưng ông là người thầy lớn nhất bởi ông đã truyền cảm hứng hội họa đến cho tôi. Tôi cho đó là điều quan trọng nhất để làm được cái mình muốn: niềm đam mê, trong một tâm hồn yêu nghệ thuật tự nhiên. Từ lúc nhỏ cho đến nay, tôi lúc nào cũng thích cầm bút, cầm cọ vẽ, lấm lem qua thời gian. Nếu có thời gian rảnh thì tôi thường chọn “vẽ tranh” như một ưu tiên thứ nhất. Nếu hôm nay tôi có được gọi là họa sĩ thì cũng vì thế – sự miệt mài và say mê làm việc của mình cho bộ môn nghệ thuật tạo hình này, dù chẳng đi đến đâu và chẳng mang đến cho ai niềm vui nào khác ngoài chính mình ra.
 
VB: Là con của một họa sĩ lớn, có lợi điểm gì? Và, ngược lại, có khó khăn, thách đố gì cho sự nghiệp hội họa của mình?
 
ĐTC: Lợi điểm là những điều tôi đã nêu trong câu trả lời trên. Tôi sống và lớn lên trong studio của Bố tôi, nơi ông đã miệt mài sáng tác chưa bao giờ ngưng nghỉ cho đến cuối đời. Ở đó, ngoài là “chứng nhân” cho các tác phẩm được thành hình của ông, tôi còn được “tham dự” (không chính thức) không biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ giữa Bố tôi với bạn bè ông. Họ thường vẽ cho nhau trong các cuộc gặp gỡ như thế, bàn bạc những ý tưởng về hội họa, thi ca, âm nhạc..., những loại hình nghệ thuật bổ sung cho nhau . Vốn “kiến thức” đó, cộng thêm sự tò mò của tôi, như một vốn liếng vô tận đã cho tôi những nhận thức mà có khi bạn phải cần một khoảng thời gian dài để học hỏi và mày mò, cho dù là loại kiến thức “ngoài lề.”  Tôi đã rất “hands-on” khi lớn lên trong môi trường đó – “ngôi trường mỹ thuật” duy nhất mà tôi đã dự thính. Tôi vẽ một cách tự nhiên và tự do. Dĩ nhiên tôi không tránh khỏi lối vẽ của Bố tôi, vì đó là mỹ cảm đã ăn vào người tôi từ nhỏ. Nhưng với cá tính của mình, tôi biết tách ra khỏi bóng mát đó. Một điều quan trọng nữa là ý tưởng mình có trước khi tạo hình. Cái này thì không ai giống ai, và cũng không ai bắt chước được ai (trừ khi cố ý). Vẽ tranh là thể hiện những tâm tư nội tại lên không gian trước mặt. Với những ý tưởng riêng có được, thường trực đến, tôi thể hiện lên tranh với mong muốn tạo ra một sự riêng biệt cho con đường sáng tác của mình. Phần kỹ thuật thì có thể trau dồi thêm, mỗi ngày sẽ học hỏi được từ những cái “xấu,” “thô,” những đường nét bố cục vụng của chính mình vẽ ra, rồi cải thiện qua thời gian. Một khi mình quên đi được kỹ thuật, thả lỏng người khi sáng tác, thì lúc đó mình mới có sự “tự do” cần thiết cho sáng tạo. Thách đố lớn nhất là vượt qua chính mình, chứ không phải là vượt qua một người khác.

4.b.-Dinh-Truong
Phố Thinh Không

VB: Theo anh, hội họa miêu tả đời sống thực tại, hay đời sống thực tại trực tiếp ảnh hưởng lên hội họa? Nói cách khác, tương quan giữa đời sống và hội họa là gì?
 
ĐTC:  Vẽ tranh là bộ môn nghệ thuật tạo hình. Với tôi, hình ảnh được tạo ra chắc chắn là từ đời sống. Nếu không là một hiện vật, thì cũng là một thứ gì có thể chạm đến, ngay cả khi bạn vẽ lại một giấc mơ. Giấc mơ cũng chính là một phần của đời sống con người. Vì thế không thể tách rời sự tương quan giữa hội họa và đời sống. Tôi cũng nghĩ rằng hội họa giúp cho đời sống rất nhiều. Ngày xa xưa, hội họa ghi lại cuộc sống thay cho những kỹ thuật được phát minh sau này (ví như như chụp hình). Cho đến ngày nay, ngành hội họa giúp ích cho đời sống ở nhiều mặt khác nhau. Hội họa là một phần quan trọng của nền nghệ thuật nhân loại, và dĩ nhiên đời sống sẽ cực kỳ khô khan nếu không có nghệ thuật. Giống như khi bạn vào một building hay một văn phòng với bức tường hoàn toàn trắng toát. Hội họa còn giúp rất nhiều trong khả năng quan sát, thị giác, trí tưởng tượng... Đó là lý do tại sao hội họa được gợi ý để dạy cho các em nhỏ từ rất sớm. Để tăng khả năng quan sát, trí nhớ, tưởng tượng... ở đứa trẻ. Nói chung, sự tương tác giữa hội họa và đời sống đến như một lẽ tự nhiên. Người ta có thể vào galleries, museums xem tranh như đi xem phim, nghe nhạc. Hội họa đã góp mặt như một phần sinh hoạt không thể thiếu trong cuộc sống bình nhật.
 
VB: Câu hỏi này, có lần chúng tôi đặt ra với nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh, hỏi về thơ. Nay cùng câu hỏi, nhưng thay thế thơ bằng hội họa, vì thơ và hội họa có nhiều cái tương đồng. Câu hỏi đó là: Thiếu thực phẩm, thiếu tự do, người ta có thể chết. Nhưng thiếu hội họa, không ai chết cả. Sự thật là phần nhiều người ta không quan tâm đến hội họa, không mấy ai bỏ cả chục ngàn đô-la mua tranh (hội họa) về treo trong nhà. Anh nghĩ sao về một đời sống không hội họa, không thơ ca?
 
ĐTC: Đối với riêng tôi thì hội họa là một phần rất lớn của đời sống tôi, nên chắc chắn nó cần thiết và giúp ích cho tôi. Khi nhà thơ Phùng Quán viết “... Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy,” tôi cảm được ngay – thơ ở đây không chỉ là giá trị tinh thần. Tôi cảm nhận được luôn cái giá trị “vật chất” của “câu thơ” Phùng Quán, “vịn” như một “cây gậy” để đỡ người mệt mỏi đứng dậy. Có những lúc tuyệt vọng, mệt mỏi thân xác, tôi chọn cách ngồi vẽ tranh hàng giờ; và những lúc ấy trong sâu thẳm tôi là một sự hòa bình, một sự tự do vô giá. Đời sống có cần hội họa không thì cái đó chỉ phụ thuộc vào từng cá nhân. Với riêng tôi, nó vô cùng cần thiết. Như tình yêu. Có những bức tranh làm tôi nhớ nhung và thường trực nghĩ về. Thực sự là thế. Có những bức vẽ bỏ dở từ đêm qua, khi đi làm về, tôi chạy ngay vào để nhìn ngắm chúng. Tôi nghĩ những bức tranh đó là những vật thể hoàn toàn cho tôi cảm giác thật. Vậy thì chắc chắn, hội họa tôi là một phần của đời sống tôi.  Không có hội họa, tôi sẽ không còn là tôi nữa – có nghĩa là tôi đã chết một phần nào rồi.

4.a-Dinh-Truong
Phố rán chiều

VB: Đâu là đường biên giữa hội họa và tranh ảnh lá cải, quảng cáo? Cái gì định nghĩa hội họa? Tại sao bức Benefits Supervisor Sleeping của họa sĩ Lucian Freud vẽ một người đàn bà xấu xí béo mập núng nính khỏa thân nằm ngủ trên sô-pha lại được xem là kiệt tác và bán ra với giá trên 33 triệu đô la?
 
ĐTC:  Tôi nghĩ bức tranh  Benefits Supervisor Sleeping của Freud được xem như một bức vẽ nổi tiếng (và đắt nhất một thời) vì những giá trị nó mang đến cho nghệ thuật tạo hình , theo ý tôi , có mấy điểm sau:
    – Kỹ thuật tuyệt đỉnh của nó . Freud đã đeo đuổi đến cùng cách vẽ tân (và siêu) hiện thực của ông, hiện thực trên từng thớ da, từng tế bào.  “Da” con người như một cảm hứng độc đáo mà ít ai có được. Freud vẽ sự nhục dục, xác thịt con người một cách “thực” nhất như cách ông nhìn.
    – Tác giả đánh đổ quan niệm “thiếu nữ đẹp” ước lệ thường thấy trong tranh thiếu nữ – nhất là từ các họa sĩ lãng mạn. Điều đó cần một sự bứt phá nội tâm không dễ có được, chỉ những cá tính mạnh, như Freud mới có được. Vượt ra khỏi một ước lệ trong nghệ thuật (và vượt thành công), định hình một phong cách không giống ai, đã là một giá trị to lớn.
    – Xác định cái mới trong nghệ thuật không có nghĩa là phải trừu tượng, cao xa, khó hiểu. Abstract không có nghĩa là mới hơn Figurative. Một nghệ sĩ có thể làm mới và trở thành “master” từ những cái tưởng đã cũ. Freud chỉ cần một người đàn bà quá khổ ngồi trên cái ghế đã diễn đạt được triết lý mà ông muốn đưa đến người xem. Đó là một bậc thầy vậy.
    Bức tranh xứng đáng về mặt chuyên môn lẫn triết lý, ý tưởng.
    Tôi nghĩ, trên căn bản, đó cũng là những yếu tố chính có thể nhìn thấy được giữa một tác phẩm đẹp, nghệ thuật và một bức tranh tầm thường, tạm gọi là “tranh chợ” hay “lá cải” mà có thể tóm gọn như sau:
    – Tranh cho thấy kỹ thuật vững vàng, bố cục chặt chẽ, màu sắc trong, sạch, ánh sáng...
    – Phải có ý tưởng riêng biệt và chuyển tải được ý tưởng đó một cách tài hoa, không giẫm phải lối mòn, không bắt chước, tạo ra một sự chuyển động nào đó lôi cuốn người xem, và phải bật ra một cảm xúc nào đó từ người vẽ. Tác phẩm đẹp phải là một tác phẩm duy nhất, không có cái thứ hai.
    Nội bao nhiêu đó thôi cũng đã là những yếu tố mà tranh hàng loạt, tranh chợ, tranh chép... không thể có được rồi.
    Còn hội họa ư? Cái đó thì tôi không có khả năng nói hết về nó. Đó là một thế giới mà vẫn tạo cho tôi sự ngạc nhiên thích thú hầu như mỗi lần tiếp cận với nó.
 
VB: Tranh của anh có thuộc về một trường phái nào không? Anh có xem trường phái là quan hệ đối với một họa sĩ không? Hay như bên thi ca, chính cái “riêng tư,” cái “phi quy chiếu” mới là những thuộc tính quan hệ đối với thơ Hiện đại và Hậu Hiện đại?
 
ĐTC: Tranh tôi không thuộc về một trường phái nào cả. Có lẽ đó cũng là một điều không hay: tôi chưa định hình hẳn hoi như một họa sĩ. Tôi sống và lớn lên trong mỹ học xưa cũ của hội họa Pháp và một chút của hội họa hiện đại Mỹ những thập niên 50, 60, cộng với một nền văn chương thụt lùi lãng mạn của Việt Nam. Tôi khó thoát ra khỏi mỹ cảm ấy. Nhưng, cũng có một điều khá mâu thuẫn là đôi khi không thuộc trường phái nào lại cho ta sự tự do của một đứa bé khi chạm đến môn nghệ thuật này.
    Ngày xưa, thường có nhiều trường phái, mỗi trường phái được khởi xướng bởi những người cha đẻ hoặc các họa sĩ thành công nhất trong trường phái của họ. Cũng có những trường hợp, trường phái lại giam họ đến một đời vẽ. Sau này, cũng có nhiều movements trong sự tiến hóa của nghệ thuật tạo hình. Những Mimimalism, Tachisme, Color Field, v.v... Tuy nhiên, những họa sĩ đương đại tôi yêu thích thường tạo nên “trường phái” của riêng họ. Một vài cái tên: Cy Twombly, Soulages, Tapies... Họ vẽ tự do và đẹp. Thể hiện nội tâm lên bố một cách tinh tế nhất. Tôi cho đó là cái quan trọng nhất chứ không phải đi theo trường phái. “Trường phái” của họ chính là hội họa, tác phẩm của họ. Bạn sẽ thành một “master” khi loại bỏ được trường phái và kỹ thuật trong đầu khi thực hiện tác phẩm. Mọi thứ sẽ tự nhiên trôi theo đầu ngón tay, đầu cọ với những chất liệu của màu sắc và ánh sáng.
    Nói cho cùng vẽ tranh đối với tôi là một công việc tự do, hay một việc làm để thể hiện sự tự do. Hình thức, trường phái do con người đặt ra, và dĩ nhiên, cần thiết. Nhưng tôi không chủ trương vẽ theo một trường phái nào cả. Tôi tự nhận thấy tranh mình rất cũ kỹ so với trào lưu mỹ thuật thế giới, nhưng khi đặt ý tưởng lên tranh, tôi không muốn gượng làm những gì không phải là mình. Miễn sao tôi cảm thấy có đủ tự do để làm cái mình thích là tôi thỏa mãn.

4.d.-Dinh-Truong
Ý Nghĩ Mùa Đông

VB: Anh vẽ khá dễ dàng, xin hỏi cảm hứng sáng tác anh lấy từ đâu? Thao thức, trăn trở nội tại hay cảnh huống ngoại tại, trong đó những động thái xã hội là động cơ chính?
 
ĐTC: Cảm hứng sáng tác là cái khó có thể nói hay dự tính trước. Nó thường ập đến bất ngờ và tự dưng cho mình một thôi thúc phải ghi lại ngay, lên tranh, lên những “media” có trước mặt. Những “cảnh huống ngoại tại” thường đi song song với “trăn trở nội tại.”  Vẽ tranh với tôi thường là công việc bùng phát từ bên trong. Cái đầu mình dường như điều khiển những ngón tay cầm cọ, chấm màu, pha xăng, vấy tạt lên tấm bố... Đó là những động tác đến rất tự nhiên như có một sự điều khiển vô hình, vô thức nào đó từ bên trong con người mình.  Cũng có những cảm hứng thường đến từ sự liên hệ với ký ức mình. Những hình ảnh bên ngoài cuộc sống, nếu gợi nhớ từ một ký ức nào đó , thường dễ lay động và trở thành cảm hứng cho người sáng tác. Nói chung, mọi thứ đều rất trừu tượng và khó có một sự giải thích rõ ràng nào cho câu hỏi “Cảm hứng đến từ đâu?” Đó cũng là sự quyến rũ cho người làm nghệ thuật. Có những lúc, bạn bắt đầu vẽ những nét đầu tiên, rồi sau đó cứ theo sự dẫn dắt của màu sắc, bố cục, và bạn sẽ khám phá thêm trong quá trình hình thành bức vẽ. Có những ý tưởng, cảm hứng bật ra bất ngờ, liên kết với nhau, xọ câu chuyện này đến câu chuyện kia... trong một bức tranh. Có khi không cần một cái gì to tát, ví dụ như chỉ từ một lời hát thôi, tôi cũng có thể vẽ nó thành một bức tranh. Ngoài ra, tôi cũng vẽ nhiều tranh xã hội, những hiện thực cuộc sống, những trăn trở hàng ngày...
    Tôi thích sáng tác, phá ra ngoài những đường viền, khung bố cục, kích thước đúng thật ngoài đời. Miễn sao tranh chuyển tải được điều mình muốn nói. Không bắt ép mình. Vẽ một cách tự do. Đôi khi, bạn cũng không kiểm soát được một khi đã đi sâu vào bức tranh. Rất nhiều lúc, màu sắc gợi đưa bạn đến một điểm đến khác với những gì mình nghĩ ban đầu. Nên cứ vẽ, không gò bó, không tính toán nhiều... Vẽ, để đó, ngắm đi ngắm lại, hoặc cất ủ thật lâu. Một hôm nào đem ra xem lại. Có khi còn thích, có khi xóa đi. Và như thế, chuyện vẽ tranh thật quyến rũ, thú vị.
 
VB: Theo anh, làm họa sĩ có phải hy sinh đời sống bình thường như người ta vẫn nghĩ không? Làm thế nào để cân bằng nội tâm với cuộc sống đời thường mà vẫn cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật sáng giá?
 
ĐTC: Nói hy sinh thì hơi to tát nhưng chắc chắn là có một sự đánh đổi không nhỏ. Người làm nghệ thuật nếu được tự do từ những hệ luỵ thì rất lý tưởng để “tự do” trong sáng tác. Đời sống là một sự thỏa hiệp. Bạn phải đánh đổi nhiều thứ để có một phần đời sống nghệ thuật, thứ đời sống mang lại oxygen tinh thần cho bạn. Tôi vừa đọc đâu đó, một tiểu thuyết gia nổi tiếng của Pháp, Romain Gary, “được” người con trai mô tả: “… according to Diego Gary, he (Romain Gary) was a distant presence as a father: Even when he was around, my father wasn’t there. Obsessed with his work, he used to greet me, but he was elsewhere.” (https://en.m.wikipedia.org/wiki/Romain_Gary). Cũng có những họa sĩ như vậy. Họ sống trọn vẹn trong thế giới bay bổng của sắc màu nhưng không làm tròn những nhiệm vụ, tạm gọi là bình thường, khác của đời sống, thứ đời sống vật chất. Tôi xác định là khó, rất khó, cân bằng đời sống nội tâm để làm “vừa lòng” những bộ mặt khác nhau của đời sống.
    Với tôi, tôi trân trọng những tác phẩm đẹp được “tạo hình” bởi những nhà tạo hình giỏi, cho dù họ không biết cách sống “giỏi.” Tôi chỉ nhìn họ trong phạm trù của họ. Tôi không nghĩ bạn có thể cho ra đời những tác phẩm lớn nếu bạn cứ mãi loay hoay với đời sống thường nhật, những hệ lụy muôn đời. Bạn cần phải vượt ra khỏi cái nhà tù đó để được tự do. Và có tự do thì mới có tác phẩm lớn.
 
VB: Xin cảm ơn họa sĩ Đinh Trường Chinh đã chia sẻ cùng độc giả Việt Báo những điều thật hữu ích và thú vị về hội họa và nhiều khía cạnh khác của cuộc sống.

Nguồn: Việt Báo

Friday, June 8, 2018

Hoằng Pháp: Dạy Thiền Trong Tù, Học Đường, Nhạc Thiền…

Hoằng Pháp: Dạy Thiền Trong Tù, 
Học Đường, Nhạc Thiền…
MINDFUL 1_Trien Lam Sach
Triển lãm sách Lotus Media

MINDFUL 2 Nghiem Phu Phat_Vo Ta Han_Ngo Tin
Từ trái, ba nhac sĩ: Nghiêm Phú Phát, Võ Tá Hân, Ngô Tín


MINDFUL 3 Vuong Huong_Nam Tran_Thay Thien Tam_Thu Vang
Từ trái: Vương Hương (đàn piano), Nam Trân, Thầy Thích Thiện Tâm, Thu Vàng


MINDFUL 4_Hong Sam_HK Quang
Thảo luận sôi nổi. Hình phải: nhà báo Huỳnh Kim Quang. Hình trái: Hồng Sâm (áo vàng)


MINDFUL 5_NT Huy_BXP_Vo Ta Han_Ngo Tin_Triet Tran
Từ trái: Nguyễn Thanh Huy, Bạch Xuân Phẻ, Võ Tá Hân, Ngô Tín, Triết Trần

MINDFUL_hinh Luu Niem
Lưu niệm

WESTMINSTER, Calif. (VB) – Một buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau đã thực hiện hôm Thứ Bảy ngày 2 tháng 6/2018 tại Viet Bao Gallery ở thành phố Westminster đã hoàn mãn với nhiều kết quả tốt đẹp.

Buổi sinh hoạt với nhiều chủ đề -- “để chia sẻ, học hỏi, thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung” -- đã gợi ra nhiều suy nghĩ cho có thể là những hướng đi hoạt động tương lai của những người quan tâm về hoạt động Phật pháp.

Ban đầu là trình bày và thảo luận đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, trong đó Thầy Thích Thiện Tâm nói về việc làm tuyên úy và dạy Thiền tỉnh thức trong các trại giam cho tù nhân, và rồi Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định) nói về việc dạy Thiền này cho các giáo viên và học sinh.

Những con số thống kê được nêu lên, và người tuyên úy Phật giáo trong tù thực ra vẫn phải mượn chiếc dù phái đoàn Thiên chúa giáo để vào trại giam hướng dẫn Thiền cho tù nhân, vì hệ thống trại giam California hiện thời chưa công nhận Phật giáo là tôn giáo – và chỉ mới công nhận 5 tôn giáo: Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Đạo Thổ Dân Bản Xứ. Thầy Thiện Tâm đã thường xuyên vào hướng dẫn  tù nhân trong 7 trại tù, và thấy trại nào cũng cho người Việt trong đó.

Trong khi Tâm Thường Định chia sẻ kinh nghiệm rằng những người hoằng pháp nên hướng tới tuổi trẻ nhiều hơn, vì bản thân anh trong các năm dạy ở trung học đã biết hay quen trực tiếp 5 em học sinh tự sát, và đó là những điều làm anh xúc động. Anh nói hiện thời đang có nhiều thiếu niên Mỹ gốc Việt  trong các trại giam, và chính phủ tốn kém trung bình 230,000 đôla/năm cho một thiếu niên trong tù.

Tham dự trong buổi sinh hoạt có nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, nhạc sĩ Võ Tá Hân, nhạc sĩ Ngô Tín, nhac sĩ Vương Hương… Các ca sĩ Nam Trân, Thu Vàng, Diệu Trang, Ngọc Mai… đã trình diễn các ca khúc xuất sắc.

Trong những người tham dự cũng thấy có Đào Ngọc Phong, Phùng Anh Kim, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Lê Quang Dật, Huỳnh Kim Quang, Phan Tấn Hải, Hồng Quang, Phan Trung Kiên, Hồng Sâm, anh Doãn Quốc Hưng, anh Hoàng Mai Đạt (Nhật báo Viễn Đông), và Thảo Nguyễn của Đài Asian World Media. … Người MC của chương trình là Tâm Thường Định BXP, Triết Trần, Phan Thành Chinh… Có sự âm thầm đóng góp Triển lãm tượng Ngài Tổ Sư Đạt Ma của anh Tâm Nghĩa Ngô Văn Quy.

Trong buổi sinh hoạt ngoài Thầy Thích Thiện Tâm là  tăng sĩ, không thấy có Thầy nào khác tham dự, tuy rằng theo nhà báo Nguyễn Thanh Huy, Thư Mời đã trao tận tay nhiều tu sĩ. Có thể vì các thầy khác bận Phật sự khác. Và do vậy, thay vào các đạo từ là những ca khúc, và các nhạc sĩ như Nghiêm Phú Phát và Võ Tá Hân đã tâm sự và nêu lên vấn đề âm nhạc cho Phật giáo.

Thực tế, nhiều tu sĩ không quan tâm tới âm nhạc  vì truyền thống giới luật, nhưng như các nhạc sĩ và các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử phân tích hôm Thứ Bảy, không có âm nhạc sẽ không hấp dẫn được thanh thiếu niên. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát cũng kể rằng trước 1975, anh từng được Thầy Thích Quảng Liên, Giám đốc hệ thống trường Bồ Đề tại VN, trao nhiệm vụ tổ chức sinh hoạt âm nhạc cho học trò. Nghĩa là, cũng có những vị trong Giáo hội quan tâm tới âm nhạc, nhưng như anh nói, cả nhiều thập niên không có những bước tiến lớn nào về vai trò âm nhạc trong các giáo hội, tuy rằng có những nhạc sĩ, như anh Võ Tá Hân, sáng tác gần một ngàn ca khúc. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát cũng mời gọi mọi người tập hát một ca khúc ngắn nhan đề Hiện Pháp Lạc Trú do anh phổ thơ của Thầy Nhất Hạnh.

Nhà báo Huỳnh Kim Quang nêu câu hỏi về tình hình “không công nhận Phật giáo là tôn giáo” có phải riêng trong tù hay ngoài xã hội trong tiểu bang California.

Thầy Thích Thiện Tâm nói, cấp Liên bang thì công nhận Phật giáo là tông giáo, nhưng tiểu bang vẫn có quyền không công nhận, vì nếu công nhận California sẽ phải thuê tuyên úy Phật giáo cho các trại tù… Thầy Thiện Tâm nói cộng đồng có thể kiện lên Liên bang để buộc tiểu bang công nhận Phật giáo, nhưng như thế lại tốn kém và mất thi giờ.

Tâm Thường Định nói rằng, như thế là, tất cả chúng ta đều cần đi bầu, vì lá phiếu là sức mạnh.

Tâm Thường Định mời nhà báo Phan Tấn Hải nói về công việc hoằng pháp bằng song ngữ. Nhà báo PTH nói rằng anh chẳng có gì bí mật, chỉ có một đam mê là đọc Kinh Phật, viết chú giải và tu  học ngày đêm thôi. Còn chuyện viết song ngữ rất vất vả, vì thế hệ thứ nhất như anh viết rất chậm, chỉ mong thế hệ thứ một rưỡi như bạn Tâm Thường Định, nhưng nếu để sang thế hệ thứ 2 thì họ không còn hiểu tiếng Việt nhiều nữa. Do vậy, việc hoằng pháp thực sự là những người như nhà báo Huỳnh Kim Quang, đang hoạt động cho giáo hội, quen biết hàng trăm vị sư, sẽ làm hiệu quả hơn.

Nhà báo Huỳnh Kim Quang nói rằng bản thân anh khoa học kỹ thuật kém, nên tự thấy hạn chế về kỹ năng hoằng pháp trên mạng, thêm nữa công việc hoằng pháp cần tới quý tăng ni, và anh thực sự lạc quan vì bây giờ quý Thầy cô đã mở chùa trên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, đã tổ chức các đơn vị Gia Đinh Phật Tử có thể tới hàng chục ngàn thiếu niên, nhưng trong hướng tương lai cần nuôi dưỡng thế hệ sau, cần người tiếp cận giới trẻ, như việc làm của Thầy Thiện Tâm, hay như Làng Mai hiện giờ đã mở hàng trăm đạo tràng (tăng thân) khắp thế giới, thành công rất lớn.

Anh Trần Đức Châu góp ý rằng anh bi quan, vì quan trọng nhất là thân giáo, mà những việc làm của quý Thầy thực sự chưa lạc quan, vì nhìn kinh nghiệm suy yếu của Phật giáo Trung Hoa và PG Nhật Bản tại Hoa Kỳ thì cũng hình dung ra tương lai PGVN nơi đây cũng mệt, vì các em ở hải ngoại đi chùa  thường khi chỉ để làm hài lòng ba mẹ thôi.

Nhạc sĩ Võ Tá Hân nói về những kỷ niệm vui buồn trong đời sáng tác nhạc Thiền của anh, một chuyên gia ngân hàng nhiều thập niên sống ở Đông Nam Á vì công việc, tới khi về hưu mới về Quận Cam an trú.

Anh Đoàn Tâm Thuận nói rằng những kinh nghiệm trong Gia Đình Phật Tử cho anh biết rằng nếu không có âm nhạc, là không giữ được trẻ em.

Anh Lê Quang Dật cao hứng đứng lên, hát vang bài ca “Buông bỏ…” và nói rằng, anh đi đâu và sinh hoạt với nhóm nào, anh cũng hát bài này.

Bạn Triết  Trần giải thích về hoàn cảnh làm nhà xuất bản Lotus Media, vì mấy năm trước thấy các nhà xuất bản Phật giáo như An Tiêm, Văn Nghệ đóng cửa… và rồi Thầy Tuệ Sỹ hối thúc quý vị giới trẻ phải làm việc đi chớ, “quý vị không in được thì cứ viết, cứ gửi bản thảo về, rồi tôi in cho”… Đó là một nguyên  nhân trực tiếp để bạn Triết làm việc in ấn trên mạng Amazon.

Bạn Triết Trần nói, “Có lẽ trong một kiếp xa xưa nào, tôi từng là con mọt trong Tàng Kinh Các, cứ gặm kinh sách mãi, nên bây giờ phải cống hiến lại bằng cách in kinh sách.”

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nói rằng anh sực nhớ rằng “hôm nay là ngày 2 tháng 6, và tôi nhớ một ngày trong tháng 6/1963, tôi có cơ duyên và chính mắt tôi chứng kiến nơi góc đường Phan Đình Phùng/Lê Văn Duyệt Hòa Thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, sao không thấy hải ngoại mình làm gì để tưởng niệm…”

Nhà báo Nguyễn Thanh Huy nói, mấy năm trước có kỷ niệm 50 năm Bồ Tát Thích Quảng Đức, và nhà báo Phan Tấn Hải nói rằng bản thân anh và vài người bạn đã dịch một cuốn sách tổng hợp các hồ sơ  giải mật của chính phủ Mỹ về năm 1963.

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nói, anh có phổ nhạc bài thơ “Lửa Từ Bi” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, và anh mời ca sĩ Diệu Trang lên hát bài này.

Chị Hồng Sâm, Giám đốc Đài Truyên Hình Asian World Media, trình bày rằng bản thân chị vẫn làm từ thiện tại Việt Nam và hiện nay chị đang bảo trợ 130 em mồ côi tại quê nhà. Chị Hồng Sâm là bạn học cùng trường với Bạch Xuân Phẻ tại một trường trung học ở Nebraska. Chị nói về một chương trình vui học cho trẻ em trên chương trình Viet Youth ở truyền hình AWM. Độc giả quan tâm xin gọi: 888-316-1606.

Cũng nên nhắc rằng, chương trình cũng độc đáo với sự góp mặt lặng lẽ của họa sĩ Ann Phong: 4 tấm tranh sơn dầu trừu tượng với đề tài Đức Phật của nữ họa sĩ treo trên các bức tường đã tạo không khí trang nghiêm, thanh nhã, và đạo vị.

Được biết, chương trình này có sự bảo trợ và giúp đỡ của: BHD GĐPT Hoa Kỳ và BHD Miền Quảng Đức,  Việt Báo, Thư Viện Hoa Sen / Ananda Viet Foundation, Asian World Media, Nguyệt San Chánh Pháp, Thao Bach Foundation.


Nguồn: Việt Báo





Friday, January 20, 2017

Về với TÂM XUÂN - Phạm Duy, Phạm Thiên Thư và Đạo Ca

Tranh vẻ của hoạ sỹ Lê Hùng.
Về với TÂM XUÂN - Phạm Duy, Phạm Thiên Thư và Đạo Ca

“Vui như ngày hội!” Đó là lời tâm sự của một vị trong Ban tổ chức và một khán thính giả đến sớm như tôi, mà tình cờ nghe được. Giữa sự náo nhiệt, thân thiện và nhiều năng lượng trong văn phòng Việt Báo, chúng tôi đang ngồi tạm trên chiếc ghế của nhà báo lão thành Nguyễn Thanh Huy để đợi người anh Ngô Đức Chiến và anh Phan Tấn Hải; nhân tiện tôi nảy ý định viết về buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật này như là một món ăn tinh thần gởi gắm cho nhau.

Sự nhộn nhịp trong việc chuẩn bị cho buổi Nhạc thính phòng vui nhộn như ba ngày Tết. Chúng tối thấy có Hoạ sỹ giáo sư Ann Phong, chị là hội trưởng (president) của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA - Vietnamese American Arts & Letters Association), người nhỏ con như vậy mà cũng vất vả pha trà cho khách. Cô bạn Hoà Bình Lê xinh xắn vui vẻ và hoạt bát lo mọi việc trước khi giờ trình diễn. Bên cạnh đó những anh chị trong ban tổ chức thân thiện chào hỏi lẫn nhau và làm việc thật nhịp nhàng.  Rồi sự có mặt sớm của nhà văn Nhã Ca, ca sỹ Khánh Ly, và quý anh chị trong ban nhạc đang tập dợt lần cuối đã làm cho không khí càng vui nhộn.
Lâu lắm rồi, từ khi chúng tôi tổ chức chương trình nhạc thính phòng cuối cùng, Tiếng Lòng tại trường đại học UC Davis Mondavi Performance Art Center, với dàn nhạc âm hưởng do anh Thomas Ngô, nay mới có dịp nghe lại nhạc thính phòng tại miền Nam California. Tuy chưa hoàn toàn đúng nghĩa là nhạc thính phòng có tâm vóc, nhưng rất ấm áp và đầy thân tình. Chúng tôi được biết chương trình Tâm Xuân là để vinh danh nhạc sỹ Phạm Duy và nhà thơ Phạm Thiên Thư tại hội trường Việt Báo Gallery đã hết vé, nhưng người bạn thật dễ thương, cô Hoà Bình Lê, đã ưu ái dành cho 2 chiếc vé xinh xắn. Ôi đó cũng là tấm lòng của người bạn đầy tử tế dành cho người bạn ở xa tận Miền Bắc California vậy.

Chương trình tổ chức rất đúng giờ vào lúc 7:30PM (âu đó cũng là điểm son của người Việt tại Nam California). Trong hội trường Việt Báo – Việt Báo Gallery trên đường Moran, Westminster, CA, chúng tôi thấy sự trang hoàng thật là thanh tao, đầy nghệ thuật. Họa sỹ Lê Hùng đã khéo léo vẽ 2 bức tranh của nhạc sỹ Phạm Duy và thi sỹ Phạm Thiên Thư lên tường thật đẹp. Bên cạnh đó, tranh trừu tượng của hoạ sỹ Cao Bá Minh đầy mầu sắc và có hồn được trưng bày trong hội trường nhỏ gọn. Và có mấy ai biết đằng sau những bức tranh treo ngay thẳng của hoạ sỹ Cao Bá Minh là sự leo trèo của hoạ sỹ Ann Phong.
Tranh vẻ của hoạ sỹ Cao Bá Minh.
Chúng tôi được biết ban tổ chức gồm có những anh chị dễ thương và có học vị. Nhưng quan trọng hơn là ai cũng có tấm lòng với nghệ thuật, với cộng đồng, với nhạc Phạm Duy trong đó có: Các nhà xuất bản (Producers) Hòa Bình Lê, Quỳnh Trang Nguyễn, Thiên Phượng Phạm, Janine Trang Nguyễn. Cô emcee trong chiếc áo dài Việt Nam duyên dáng, đầy tự tin và quyến rủ, Ysa Le, cũng là điểm son của chương trình. Cô là Giám đốc điều hành (Executive Director) của VAALA. Nơi đây là chiếc cầu cho nhiều thế hệ cũng như giữa Đông và Tây. Sứ mệnh của hội  “là kết nối và làm phong phú hoá các cộng đồng qua nghệ thuật và văn hoá Việt Nam.” (This mission is to connect and enrich our communities through Vietnamese art and culture).
Emcee duyên dáng Ysa Lê dẫn chương trình.
Phần trình diễn, các ca sỹ: Kim Tước, Phạm Duy Hùng (con trai của cụ Pham Duy), Thương Linh, Phạm Hà, Trần Đại Phước, Lan Hương, Bích Liên, và Nhóm Cát Trắng. Ngoài ra, cũng có vài bài Khán Giả cùng hát. Phần hoà âm phối khí do người nhạc sỹ trẻ, Hoàng Công Luận điều khiển.  Anh là nhạc sỹ năng động, tài hoa và đa dạng--đầy triển vọng trong âm nhạc Việt Nam mà chúng ta cần ủng hộ và nâng đở. Anh bạn chúng tôi, kỷ sư Ngô Đức Chiến, rất có cảm tình về người nhạc sỹ trẻ này. Ngoài nhạc sỹ Hoàng Công Luận ra, có nhạc sỹ Piano: Sỹ Dự, Violin/keyboard: Hoàng Công Luận, Bass/ Acoustic Guitar: Lê Từ Phong và Percussion: Gary Wing. Phần âm thanh có anh Tuệ Nguyễn và ánh Sáng/design có Tuệ Nguyễn và Thiên Phượng.
Như chúng ta đều biết, cụ Phạm Duy, tên thật Phạm Duy Cẩn, là nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của Việt Nam. Ông mất ngày 27 tháng 1, 2013, hưởng thọ 91 tuổi. Vì thế Ban tổ chức chọn tháng chạp này có lẽ là nhân ngày giỗ thứ tư của ông.
Chương trình nhạc thính phòng, TÂM XUÂN - Phạm Duy, Phạm Thiên Thư và Đạo Ca, và giới thiệu CD ĐẠO CA do bác sỹ Bích Liên hát. Chúng tôi được BTC cho biết là Chương trình được xem như là sự tưởng niệm cố nhạc sỹ Phạm Duy đã khuất và vinh danh thi sỹ Phạm Thiên Thư vẫn còn ở Việt Nam.  Số tiền lời nếu có sẽ được xung vào thư viện đại học UCI Library để lưu giữ tài liệu về nhạc sỹ Phạm Duy hoặc ủng hộ Phạm Duy Foundation.
Chương trình Tâm Xuân - Phạm Duy, Phạm Thiên Thư và Đạo Ca có hai phần, phần đầu về Nhạc Phạm Duy và con người trong cuộc sống, gồm có: Người Tình Già / Rong Ca 1 được hợp ca. Sau đó, sự trình diễn của Phạm Hà, Chiều Về Trên Sông. Tiếp theo là Tâm Ca 1: Tôi Ước MơTạ Ơn Đời do Ca sỹ lão thành Kim Tước. Đây là một sự ngạc nhiên cho chúng tôi, ở cái tuổi này mà giọng cô và lối trình diễn vẫn còn thu hút lòng người. Bài Tôi Ước Mơ, thơ của Nhất Hạnh, do Phạm Duy viết vào năm 1965 lại đưa ta về với chiến tranh chết chóc, nhưng đẹp làm sao khi chúng ta phải nói lên những ước mơ và hy vọng.
Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong vườn tôi
Vô tình khóm tường vi
Vẫn nở thêm một đoá.
Tôi vẫn sống ! Tôi vẫn ăn ! Và tôi vẫn thở
Tôi vẫn sống ! Tôi vẫn ăn ! Và tôi vẫn thở
Nhưng biết bao giờ
Tôi mới được nói thẳng
Những điều tôi ước mơ? Biết bao giờ?
Biết bao giờ?
Tôi mới được
Tôi mới được
Nói những điều
Nói những điều
Tôi ước mơ, tôi ước mơ
Tôi ước mơ, tôi ước mơ...
Nhạc sỹ Hoàng Công Luận, violin và ca sỹ lão thành Kim Tước.
Tiếp theo là bài nhạc Giọt Mưa Trên Lá được nhóm Cát Trắng thể hiện nhịp nhàng và Đường Chiều Lá Rụng do Trần Đại Phước, từ Dallas, Texas, hát với cả tâm can. Sau đó anh mời phu nhân của mình là chị Lan Hương cùng song ca Nghìn Thu. Hai người hát như quấn quít vào nhau từng câu từng chữ, ôi... Tình ta biến hóa trong từng sát na; Tình luôn lai vãng đi về cõi chung vậy.

Sau đó là cô ca sỹ trẻ, giản dị nhưng có giọng hát cao vút, Thương Linh thể hiện tuyệt vời, Bên Ni Bên Nớ, như gọi hồn về...
Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố
Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá
Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa...
Sau nữa là anh Phạm Duy Hùng hát bài Kiếp Sau, và Chỉ Chừng Đó Thôi y như lời hẹn họ với Bố mình và tưởng niệm người anh, nhạc sỹ Duy Quang đã khuất.

Một chi tiết nhỏ tế nhị khác mà người viết muốn chia sẻ ở đây đó là sự có mặt của nữ ca sỹ Khánh Ly ở dưới khán giả. Khánh Ly được cô Emcee Ysa mời lên sân khấu có vài lời về nhạc sỹ Phạm Duy và được khán giải yêu cầu hát, cô ca sỹ nổi tiếng giọng trầm (alto) này nhẹ nhàng từ chối một cách từ tốn và cảm ơn nhạc sỹ Phạm Duy nói riêng và những nhạc sỹ khác như Trịnh Công Sơn, Trầm Tử Thiêng, Vũ Thành An, Ngô Thuỵ Miên, Lam Phương, Nguyễn Đình Toàn, Trần Dzạ Từ v.v... nói chung đã giúp bà tạo nên sự nghiệp ca hát trong khoảng 50 năm qua. Khánh Ly còn nói lời cảm kích và kính phục đến với nữ ca sỹ Kim Tước trước khi xin về làm lại người khán giả hiền hoà trong đêm nay. 

Ca sỹ Khánh Ly nói cảm ơn Phạm Duy và những nhạc sỹ đã làm lên tên tuổi bà. 
Đến đây, phần đầu chương trình được kết thúc với Hát Với Tôi: Tâm Ca 10 do nhóm Cát Trắng cùng song hành với khán giả. Nói chung, tất cả ca sỹ đều thể hiện hết khả năng của mình, như Đại thi hào Nguyễn Du đã từng nói, “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” là vậy. Nhạc của Phạm Duy thật đa dạng, phong phú và là tinh hoa của âm nhạc Việt Nam. Giáo sư toán học Hạo Nhiên cũng đồng tình; anh tâm sự: “Kho tàng tác phẩm Phạm Duy cực kỳ lớn, và nhờ đêm nhạc Tâm Xuân và CD Đạo Ca của cô Bích Liên tôi biết được thêm một mảng âm nhạc hay mà nhiều ý nghĩa của nhạc sĩ. Nghe Đạo Ca và những bài phổ thơ Phạm Thiên Thư, tôi càng tin là Phạm Duy có tư duy triết lý rất sâu, rất đậm, về cuộc sống, tình yêu, và cả cái chết."

Chỉ phần đầu thôi, chúng ta đã thấy vẻ đẹp và sự chan hoà giữ thơ và nhạc, giữa người đi và kẻ ở. Giữa có và không, giữa còn và mất. Thôi thì chép lại vần thơ cũ của bốn năm trước như là tưởng niệm nhạc sỹ Phạm Duy vậy.

TIỄN CỤ PHẠM DUY Một nhạc sỹ danh tài đất Việt Trăng mười lăm sáng tỏ Nghe tin Ông ra đi Người nhạc sỹ lâm li Vui buồn theo vận nước Những tác phẩm ông viết Dân ca và quê hương Thân phận hay yêu thương Nhạc cũng đều đa dạng Ông luôn làm cách mạng Cho âm nhạc Việt Nam Khảo cứu người vẫn làm Những công trình giá trị Thế rồi Ông ra đi Nghìn Thu như lời hứa "Tình âm dương chan chứa Xoay trong vùng tử sinh". Tiễn người một kiếp sinh linh Tài hoa một cõi mộng tình thiên thu.

Phần 2 là Đạo Ca, là những tuyệt tác. Chương trình được giới thiệu bằng giọng của nhạc sỹ Phạm Duy và nhà thơ Phạm Thiên Thư được chiếu trên màn hình (projected screen) cho mọi bài hát.  Chắc có lẽ chúng tôi sẽ viết trong một bài khác chi tiết hơn khi có thời gian. Nhân đây chúng tôi cảm ơn bạn Hoà Bình Lê, bác sỹ Bích Liên, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) và ban tổ chức đã có một buổi sinh hoạt văn học, âm nhạc đầy ý nghĩa này. Chúng tôi tạm mượn, lời bài Đạo Ca I - Pháp Thân, thơ Nhất Hạnh, nhạc Phạm Duy để kết thúc bài viết này.

… Mai sau chờ nhau nhé, đầu thai vào kiếp hoa
Chốn mây mờ phiêu bạt, chờ đợi… chim hót ca.
A ha, ta tuy hai ma một! A ha, ta tuy một mà hai!
A ha, ta tuy hai ma một! A ha, ta tuy một mà hai!

Bạch X. Phẻ
Sacramento, một ngày mưa gió. 01.20.2017.
Anh NĐChiến và tác giả - Photos: BXK