Thursday, November 30, 2023

SUY TƯ TỪ MỘT SỰ KIỆN VĂN HOÁ


SUY TƯ TỪ MỘT SỰ KIỆN VĂN HOÁ

Mạc Văn Trang
Trước khi Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ mất, tôi không biết tiểu sử của ông, không hiểu ông có vai trò gì trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN); tôi chỉ đọc mấy bài thơ của ông và bài nhà thơ Bùi Giáng bình thơ Tuệ Sỹ… và cảm thấy mến mộ cả hai người.
Nhưng khi HT Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trên mạng xã hội trong và ngoài nước tràn ngập những bài viết về Ngài, tôi bỏ công tìm hiểu, và thấy Nhân cách của Ngài, sự nghiệp của Ngài đã hoàn toàn chinh phục trái tim và khối óc của tôi: Đây đích thực là một vị Chân tu, một Trí thức lớn, một nhà Phật học uyên thâm, một Nhân cách văn hoá không chỉ của Phật giáo mà của Dân tộc.
Điều ngạc nhiên là sau khi Ngài mất 3 ngày, đến sáng nay tôi gõ cụm từ “HT Thích Tuệ Sỹ viên tịch” trên Google xuất hiện Khoảng 178.000 kết quả (0,29 giây), mà trên toàn bộ hệ thống báo chí Nhà nước chỉ có báo Tuổi trẻ đưa tin về sự kiện này.
Vậy là từ trước đến nay và cả khi Ngài mất, toàn hệ thống truyền thông nhà nước không được giới thiệu về Thích Tuệ Sỹ, ém nhẹm mọi thông tin về Ngài, cố tình vùi lấp đi một Nhân cách Văn hoá, một sự kiện Văn hóa đáng được tôn vinh.
Trong Tiểu sử viết:
“Ông thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật.[1] Lúc bị bắt năm 1984, ông và Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đang soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển.[2]”
Như vậy nhân vật Thích Tuệ Sỹ gắn liền với cộng đồng GHPGVNTN tạo nên một thực thể văn hoá trong lòng dân tộc. Văn hoá là cái được hình thành tự nhiên trong lịch sử, nó gắn liền với những con người, những cộng đồng sản sinh ra văn hoá; trải qua bao nhiêu biến động của lịch sử nó vẫn tồn tại và tích tụ, toả sáng giá trị trường tồn. Có những thế lực muốn xóa nó đi, nhưng nó vẫn tồn tại dưới nhiều dạng thức và khi có cơ hội sẽ lại phục hưng…
Đảng CS từ khi cầm quyền đã tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng văn hoá tư tưởng, cách mạng Khoa học kỹ thuật, nhằm xóa cái Cũ, xây dựng cái Mới, nhưng nhìn lại tất cả ba cuộc cách mạng đó đều sai lầm và thất bại. Xóa cái CŨ nhưng cuối cùng lại phục hồi cái CŨ mà chẳng ra sao, còn cái MỚI tạo ra nhiều cái phản giá trị!
Ở đây chỉ nói về “Cách mạng Văn hoá tư tưởng” tiến hành bằng cách phá đình chùa, đốt sách cũ, bài trừ “hủ tục, văn hoá phong kiến, thực dân đồi truỵ”...; vùi dập các trí thức, văn nghệ sĩ, các nhà tu hành chân chính… Còn xây dựng “nền văn hoá mới” đến nay được những gì?
Bao nhiêu Nghị quyết, bao nhiêu cuộc vận động “chống và xây”, bao nhiêu phong trào thi đua “xây dựng văn hoá mới”... suốt từ 1954 rồi 1975 đến nay, mấy mươi năm, để lại những GIÁ TRỊ VĂN HOÁ GÌ đáng được tôn vinh?
- Ta có 5 DI TÍCH VĂN HÓA VẬT THỂ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới cần bảo tồn là: Quần thể di tích Cung đình Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa MỸ Sơn, di tích Hoàng thành Thăng Long, thành nhà Hồ. Đó đều là những di sản của chế độ phong kiến để lại, may bị cách mạng phá mà chưa hết!
- Có 15 DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ đã được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại cần được bảo tồn: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Kinh Bắc, Ca Trù, Hội Gióng, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đờn ca Tài tử Nam bộ. Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ, Thực hành Then của người Tày- Nùng- Thái, Nghệ thuật Xòe Thái, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm.
Tất cả những di sản này đều gắn với những nhân vật, những cộng đồng tạo ra, gìn giữ không gian văn hoá, phát triển nó một cách tự nhiên trong đời sống, trong dòng chảy của lịch sử, trải bao thăng trầm, những vẫn tồn tại…
Hãy xem, Thiền sư Thích Nhất Hạnh với pháp môn “Phật giáo Làng Mai”, đã trở thành cộng đồng Phật giáo Làng Mai quốc tế có ở hơn một chục cơ sở ở các nước là sự kiện văn hoá rất lớn.
Vậy mà Năm 2007 Phật Giáo Làng Mai mới được hoạt động ở Việt Nam; nhưng chưa bao lâu đã bị đánh đuổi tơi bời, phải chạy sang Thái Lan lập ra Phật giáo Làng Mai tại đất nước Thái và phát triển mạnh mẽ.
“Một bài viết trên Tạp chí Phật giáo Tricycle vào năm 2008 đã chỉ trích rằng nếu bạn thực hành Bát Chánh Đạo tại Việt Nam, trong đó có chánh ngữ (nói lời đúng đắn, công bình, ngay thẳng), chánh mệnh (sống chân chính bằng khả năng của mình, không luồn cúi, không ăn bám kẻ khác), và chánh nghiệp (hành động theo lẽ phải), thì bạn có thể sẽ ngồi tù vì “tội tuyên truyền chống nhà nước”.
“Nhận xét vừa nêu cũng trùng hợp với nhận định của thiền sư Nhất Hạnh sau vụ việc Bát Nhã vào 2009, khi các tu sinh Làng Mai bị đuổi ra khỏi một ngôi chùa của GHPGVN tại tỉnh Lâm Đồng: “Trong thời Thực dân, trong thời ông Diệm và ông Thiệu, tuy hành đạo có khó khăn thật đấy, nhưng người tu cũng không bị kiểm soát gắt gao quá đáng như trong hiện tại. Người ta chỉ muốn có một đạo Phật của tín mộ, của thờ cúng, người ta không muốn có một đạo Phật có khả năng lãnh đạo tinh thần và văn hóa đạo đức cho quốc dân.”
Nhìn vào Phật giáo nước nhà thấy rõ GHPGVNTN và Phật Giáo Làng Mai có những nhân vật văn hóa lỗi lạc gắn liền với sinh hoạt của các cộng đồng này, tạo ra những giá trị văn hoá dẫn dắt phật tử tu tập theo Chánh đạo, đem lại nhiều lợi ích cho cá nhân và xã hội bền vững.
Vì vậy tôi nghĩ, đừng nhân danh cái gì mà xoá bỏ GHPGVNTN và Phật giáo Làng Mai. Xoá đi là tội lỗi với dân tộc, với Phật giáo nước nhà. Mà xóa cũng không được vì nó gắn liền với những con người, những nhân cách văn hoá lớn tạo dựng nên cộng đồng văn hoá đó; nó sẽ tồn tại lâu dài.
Theo thiển nghĩ, GHPGVNTN và Phật giáo Làng Mai cũng là tiếp nối, phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. “Thiền phái Trúc Lâm (zh. 竹林禪派) là một tông phái của Thiền tông Việt Nam, hình thành từ thời nhà Trần, do Vua Trần Nhân Tông sáng lập. Trúc Lâm vốn là hiệu của Trần Nhân Tông từ khi xuất gia ở động Vũ Lâm (Ninh Bình), đồng thời cũng là hiệu của Thiền sư Đạo Viên, tiền bối của Trần Nhân Tông, Tổ thứ hai của dòng Thiền này. Thiền phái Trúc Lâm có ba Thiền sư kiệt xuất là Nhân Tông (Trúc Lâm Đầu Đà), Pháp Loa và Huyền Quang (gọi chung là Trúc Lâm Tam tổ).
Đây là cội nguồn văn hoá dân tộc đáng tự hào, cần được bảo tồn, chấn hưng, phát triển, vì các giá trị văn hoá ấy gắn liền với tên tuổi những nhân cách văn hoá lớn và những di sản văn hoá phi vật thể đồ sộ, vô cùng phong phú.
Còn Nhà nước muốn “chỉ đạo xây dựng” GHPGVN thành nền văn hoá Phật giáo XHCN với các hoạt động “Dâng sao giải hạn”, “trục vong”, “phóng sinh”, “cúng lễ, cầu xin”... thì cứ chỉ đạo; nhà nước tôn vinh mấy ông sư nói: Dâng sao giải hạn mỗi người đóng 200 ngàn, nhà chùa lỗ chổng vó ra; càng nghèo càng phải cúng dường để thoát nghèo… thì cứ tôn vinh. Những đừng vì muốn tôn vinh “cái của mình” mà đi xoá bỏ cái tốt đẹp thuộc về nhân dân, thuộc về dân tộc. Thời đại này rồi, hãy để văn hoá “trăm hoa đua nở”, cạnh tranh với nhau thì chỉ thêm phong phú và cái tốt đẹp sẽ được cuộc sống nuôi dưỡng, cái xấu hại sẽ bị loại bỏ…
Bộ Văn hoá có đem hết 350.000 tỷ đồng đầu tư chấn hưng Văn hóa GHPGVN cũng không sao tạo ra được những nhà sư như Thích Nhất Hạnh, Thích Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu và cộng đồng phật tử tu theo những vị Chân tu này.
Văn hoá nảy sinh từ cuộc sống, các nhà văn hóa lỗi lạc như Trời Đất sinh ra để dẫn dắt những cộng đồng văn hoá đó; nó hình thành tự nhiên, chẳng có Nghị quyết hay ai chỉ đạo xây dựng nên được!
Cho nên đường lối quản lý văn hoá là phát hiện ra những sự kiện văn hoá, nhân vật văn hoá, cộng đồng văn hoá có giá trị Chân, Thiện, Mỹ đích thực thì bảo tồn, tạo điều kiện cho nó phát triển bình thường trong đời sống xã hội và có thể trở thành những di sản văn hoá của dân tộc và nhân loại.
27/11/2023
Mạc Văn Trang

Sunday, November 26, 2023

Thông tin về Tang Lễ Đức Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Ban Báo Chí và Xuất Bản HĐHP xin kính gửi đến chư vị 
Thông Báo Lễ Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ 
và một số thông tin liên quan đến Tang Lễ của Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ.

1. Cáo Bạch: Đức Trưởng lão HT Thích Tuệ Sỹ thị tịch
https://hoangphap.org/cao-bach-duc-truong-lao-ht-thich-tue-sy-thi-tich/

2. HT Thích Tuệ Sỹ: Di chúc tang lễ
https://hoangphap.org/ht-thich-tue-sy-di-chuc-tang-le/

3. Tiểu sử Hòa Thượng THÍCH TUỆ SỸ
https://hoangphap.org/tieu-su-hoa-thuong-thich-tue-sy/

4. Chương trình Tang lễ Đức Trưởng lão HT Thích Tuệ Sỹ
https://hoangphap.org/chuong-trinh-tang-le-duc-truong-lao-ht-thich-tue-sy/

5. Thư cung thỉnh Lễ tưởng niệm Trưởng lão HT Thích Tuệ Sỹ
https://hoangphap.org/thu-cung-thinh-le-tuong-niem-truong-lao-ht-thich-tue-sy/

6. Thông bạch truy tán Công hạnh và Tưởng niệm Trưởng lão HT Thích Tuệ Sỹ
https://hoangphap.org/thong-bach-truy-tan-cong-hanh-va-tuong-niem-truong-lao-ht-thich-tue-sy/

7. Thông Báo Lễ Tưởng Niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ
https://hoangphap.org/thong-bao-le-tuong-niem-truong-lao-hoa-thuong-thich-tue-sy/

8. Hoà Thượng Tuệ Sỹ và GHPGVNTN trong dòng sống của dân tộc và hướng đi của thời đại
https://www.voatiengviet.com/a/hoa-thuong-tue-sy-va-ghpgvntn-trong-dong-song-cua-dan-toc-va-huong-di-cua-thoi-dai/7368829.html

Văn Phòng Thư Ký Ban Báo Chí và Xuất Bản

Quang Duc Monastery, 105 Lynch Road, Fawkner, Vic.3060 Australia

Website: www.hoangphap.org

Email: hdhp.bbc@gmail.com; Điện thoại: +61 481 169 631
Nguồn: HĐHP

5 Bài thơ song ngữ của Thầy Tuệ Sỹ - Translated by Phe Bach

 

Ảnh: Tâm Nhiên

MỘT THOÁNG CHIÊM BAO


Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.
(Rừng Vạn Giã 1976)


FLEETING GLIMPSE OF A DREAM

Your deep, innocent eyes on that day of gala
And your graceful, smiling lips dim the dazzling rays of the sun
Incarnating the virginal heron in the midst of the endless verdant prairie
In the fleeting glimpse of a dream, I’m in love with thee.
(Vạn Giã Forest, 1976)


QUÁN TRỌ CỦA NGÀN SAO

Mắt em quán trọ của ngàn sao
Ngọt ngất hoang sơ ánh rượu đào
Pha loãng nắng tà dâng cát bụi
Ấm lòng khách lữ bước lao đao.

Mắt huyền thăm thẳm mượt đêm nhung
Mưa hạt long lanh rọi nến hồng
Sương lạnh đưa người xanh khói biển
Bình minh quán trọ nắng rưng rưng.
Trại giam Phan Đăng Lưu,
Sài gòn 79


HOLDER OF THOUSANDS OF STARS

Your deep, innocent eyes are the holder of thousands of stars
So sweet it dissolves in the wild peach wine
Diluting in the sun’s ray, blending in the dust
It is heartwarming for travelers with tottering steps.

Those legendary eyes are deep in the dark, silky night
The glittering raindrops shine like golden candles
Cold mist escorted frontier, saddened ocean mist
In the dawn of this realm of life, the sun shed its tears.

Phan Dang Luu Prison,
Saigon 79


BÌNH MINH

Tiếng trẻ khóc ngân vang lời vĩnh cửu
Từ nguyên sơ sông máu thắm đồng xanh
Tôi là cỏ trôi theo dòng thiên cổ
Nghe lời ru nhớ mãi buổi bình minh.

Buổi vô thủy hồn tôi từ đáy mộ
Uống sương khuya tìm sinh lộ viễn trình
Khi nắng sớm hôn nồng lên nụ nhỏ
Tôi yêu ai, trời rực ánh bình minh.

Đôi cò trắng yêu nhau còn bỡ ngỡ
Sao mặt trời thù ghét tóc nàng xinh?
Tôi lên núi tìm nỗi buồn đâu đó
Sao tuổi thơ không khóc buổi bình minh?


DAWN

The sound of a crying baby resounds words of eternity
In primal times, rivers of blood bathe the green fields
I am the grass swept along the current of antiquity
Listening to the lullaby that reminds always the time of dawn.

At the un-beginning my soul arises from the depths of the grave
Imbibing the wee hours' dew in search for a long-journeyed life path
When the aurora sun places its kiss onto the budding petals
No matter whomever I love, dawn breaks out blazingly.

A pair of virginal herons in love still crestfallen
Why must the sun displace hatred to the innocent, beautiful-haired?
Up the mountain, I go find the sadness here and there
Why don’t the youth cry for the morning dawn?


TÔI VẪN ĐỢI

Tôi vẫn đợi những đêm dài khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù, tha thiết mãi
Một vì sao bên khóe miệng rưng rưng.

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen tuyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha.

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương
Người ở lại giữa lòng tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương .

Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi nhắm mắt ta đi vào cõi mộng
Như sương mai, như ánh chớp, mây chiều.

Sài gòn 78


I AM STILL WAITING

In the deep, long silent nights with agony, I am still waiting
The pale color, crying on the edge of the forest
In the darkness of hatred, forever earnest
A star shedding salty tears on the mouth’s corner
In the dark night with calm wind, I am still waiting
The mystical, black eyes—
the soul of eyes from the ancient past
Looking deeply for history to prolong its course
Endless rivers of blood spilled on the fatherland
In this lifetime, forgetting the wave’s crashes, I am still waiting
Forgetting those palindromic motions of the Pacific Ocean
Those who stay behind are in the hands of the tyrant
The thin reeds are heavier—the sunset ray
And immediately, the little body resides in the prison
Whose fingers are tapping into the mossed wall
Then, closing his eyes---into the realm of dreams
As morning dew, as lightning, as afternoon clouds.

Saigon 78


TỐNG BIỆT HÀNH


Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình, nước lạnh sao?

Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi

Cho hết đêm hè trông bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa

Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh
(Nha Trang 1977)

A FAREWELL
Only a step on the road but the mountains are high
Oh, my Gosh! Which direction will the white clouds stall?
The ferry is moored at the dock cloaked in the morning dew
Love ceases as water becomes so cold

A step onto the far-away road, far from the immense ocean
Layers of thin clouds are dying the sky silk
The unmoored ferryboat is eyeing the red dawn
But already bade farewell thousands of years ago

To pass the summer night looking at spectral shadows
In the fading fall of smoke dreams that whiten the Milky Way
Heaven doesn’t stop the wind, waiting for the dew to curdle
But thousands of years later to become dirty and blurry

By the end of Autumn, one no longer sees signs of the traveler
Autumn forest bloody rain devastates the thatch cottage 
I play the pistil on faded color
Of the piano keyboard, or the blue color of blood.



Poem by Thích Tuệ Sỹ / Thơ Tuệ Sỹ
Translated by / Bạch X. Phẻ dịch
Edited by Professor Nguyễn Văn Thái hiệu đính

Friday, November 24, 2023

VÕ ĐÌNH: THƯ CHO MỘT HOẠ SĨ GIÀ

 

THƯ CHO MỘT HOẠ SĨ GIÀ (VÕ ĐÌNH)


Mấy năm trước, dễ hơn chục năm trước, tôi có viết một loạt bài gọi chung là “Thư Cho Một Họa Sĩ Trẻ”. Hồi đó, tôi có người bạn nhỏ hơn đến gần ba chục tuổi, yêu văn học nghệ thuật, đặc biệt thích vẽ tranh. Tôi mượn cớ viết những thư đó (bắt chước nhà mỹ thuật học Anh cát lợi Herbert Read với cuốn Letter to A Young Painter của ông – Horizon Press, New York, 1962)— để chia sẻ một số kinh nghiệm bản thân trong đời cầm cọ.

Năm 198..., tạp chí Làng Văn ở Gia nã đại gọi đùa tôi là “họa sĩ trẻ... lại”. Tôi thưởng thức hai chữ “trẻ... lại” dí dỏm đó tuy biết rằng một khi cái già nó đến với mình rồi có bao giờ nó bỏ mình đâu.

Năm ngoái, qua Paris, gặp một bạn văn bảo nên tiếp tục loạt “Thư Cho Một Họa Sĩ Trẻ”. Phải một năm trôi qua mới thấy là “nên”. Bèn “tiếp tục”. Nhưng ngẫm lại, chưa chắc gì người trẻ họ cần được mình chia sẻ cho bằng người già. Trong giới cầm cọ hiện nay coi mòi người già đông đảo hơn người trẻ đó. Thời buổi này, đặc biệt ở hải ngoại, người trẻ thiếu gì cơ hội, dại gì mà lăn vào cái nghề được coi là “tàn mạt rách nát” (chữ của họa sĩ Khánh Trường). Cho nên có “Thư Cho Một Họa Sĩ Già” này.

...

Bác Th. kính yêu

Nghe tin Bác về hưu. Định nói “sướng nhé” nhưng thôi vì tôi biết với người như Bác “hưu” chỉ là chuyện trên giấy tờ. Đăng ký ở sở An sinh Xã hội để có được cái bảo hiểm sức khỏe rẻ mạt thôi chứ đời cầm bút cầm cọ có bao giờ biết đến chuyện hưu chuyện hiếc.

Tôi nhớ lần trước qua thăm, Bác có cho xem cái giá vẽ cũ. Giá gỗ sồi, mua từ nửa thế kỷ trước bên Pháp; các thứ móc, ốc, nẹp toàn bằng đồng, thật chắc. Tôi thêm hai chữ “thật chắc” để Bác biết rằng tôi đặc biệt để ý đến những bộ phận bằng solid brass của cái giá vẽ cũ. Đồ mới sau này người ta đúc bằng nhôm, bằng nhựa, vừa thô lậu, vừa yếu xìu. Nhớ hơn nữa là chuyện Bác kể .

Vác cái giá vẽ ấy về phòng trọ, dựng lên, gài vào tấm bố mới toanh còn thơm mùi toile de lin Belgique, rồi với những cây cọ tinh khôi Bác đã vẽ một bức... tự họa! Từ Rembrandt đến Delacroix cho đến Cézanne, Picasso, Modigliani, tự họa là việc không thể thiếu. Nhưng Bác không dấu diếm, cho biết rằng bức tự họa đó, Bác không bao giờ trưng bày, không cho ai xem, bởi vì nó quá “dở”. Bố cục, đường nét, màu sắc, tất cả đều xoàng, đều tồi, Bác bảo thế. Tôi vẫn biết Bác “khó”. Đâu biết, nửa thế kỷ trước, Bác đã “khó” với cả bản thân.

Ấy thế mà rồi Bác cứ tiếp tục dùng cái giá vẽ ấy để trong mấy chục năm vẽ ra không biết bao nhiêu là tranh. Nhớ hồi mới ngoài hai mươi, Bác mơ ước mở một phòng tranh, một triển lãm cá nhân – exposition particulière/ one-man show... Mặc bộ đồ lớn, thắt cái cà vạt kẻng nhất, đứng ở ngưỡng cửa, tươi cười chào đón quan khách. Và thỏa mãn nhất là cái giây phút “nàng” xuất hiện với bố mẹ. Đẹp rụng rời. Thơm ngát. Một tay nâng nhẹ cùi chỏ người đẹp, đúng phép lịch sự, một tay hững hờ cầm cái ly sâm banh cao cổ, dìu “nàng” bước nhỏ xem tranh, chốc chốc lả lướt đi một lời bàn vừa cổ kính vừa hào hoa. Ôi, giấc mơ tuổi trẻ, giấc mơ “văn nghệ"...

Cái ngày của phòng tranh ấy, rồi nó cũng đã đến, đã đi, và sau đó Bác cứ tà tà mấy chục cái triển lãm khắp nơi. Đã có nhiều bài báo, tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh, viết về Bác, đăng hình Bác, miệng ngậm ống vố, tay cầm cọ, nét đắm say trong đôi mắt ưu tư. Chao ôi,... “nhà nghề” quá sá. Bác đã vẽ, đã trưng bày, đã bán tranh, đã sống như một họa sĩ. Trong mấy chục năm. Và giờ đây, tuổi hưu nó đâm xầm vào Bác. Bác nghỉ hưu. Cái chữ “hưu”, tiếng Tàu, tiếng ta, nghe dễ chịu: nghỉ, thôi, ngưng. Tôi ngờ rằng Bác không ưa gì cái chữ Anh, chữ Pháp: retirement, retraite. Rút lui, thụt lùi. Tiềm tàng nỗi niềm thua thiệt, co cụm. Ngay cả ẩn nhẫn, yếm thế.

Người khác về hưu loay hoay phác hoạch đời sống tuổi già: khám sức khỏe định kỳ, du lịch theo chương trình, có tổ chức, tí toáy tập lấy một công việc vừa giải trí vừa bổ ích (hobby) thì Bác vẫn ngày ngày cặm cụi với mấy cây cọ. Mấy cây cọ Bác dùng bao năm nay đã quá cùn, xơ như cái chổi cũ. Bác bảo: Vẽ đẹp không cần cọ mới.

Nhớ lần Bác kể cho nghe Bác đã quyết tâm dấn thân vào con đường hội họa như thế nào. Đó là ngày Bác tình cờ được thấy tấm ảnh đen trắng lớn trong cuốn sách về tác phẩm của Georges Braque. Một phía phòng vẽ. Cửa sổ lớn, không màn, không sáo, ánh sáng xám nhạt tràn ngập lên cái bàn gỗ trơn. Trên bàn, một dãy lọ lớn đựng đầy cọ, thứ lọ thô lậu bằng đất nung rắc muối. Những cây cọ đứng dựa vào nhau, dài với dài, ngắn với ngắn, cây nào cũng cùn đến gần tới nẹp (ferrule). Cùn nhưng sạch sẽ, trang trọng, rõ ràng có bàn tay chăm chút săn sóc. Những cây cọ đứng trong những lọ đất thô đặt thành hàng trên mặt bàn gỗ chằng chịt dấu vết thời gian đã thôi thúc, dìu dắt Bác đi tới quyết định một đời.

Bây giờ Bác cũng có những cây cọ cùn như Braque. Có khác gì chăng những năm chưa hưu là Bác cũng đã cho cái giá vẽ về “hưu” với Bác. Cái chevalet Pháp nó hay thật: nhờ những móc, ốc, nẹp bằng đồng đó mà nó có thể được xếp lại vô cùng gọn ghế. Bác không dùng giá vẽ nữa, nghĩa là không đứng mà vẽ nữa, như tuyệt đại đa số họa sĩ Tây phương cổ cũng như kim, Bác đã “hạ thổ". Nghe kể Bác tự tay đóng một cái “bàn cao không tới gang tay, đặt cái thảm nhỏ trước “bàn”, ngồi xuống mà làm việc. Hỏi có phải Bác trở về phương Đông không thì Bác gắt: “Đông Tây gì! Đứng mỏi chân đấy thôi. Ngồi khỏe hơn đứng chứ. Muốn ngồi sao thì ngồi. Xếp bằng ăn cỗ cũng được mà chồm hổm chỏ hỏ kiểu nước lụt cũng xong. Bó gối như Yên Đổ Nguyễn Khuyến cũng hay mà quì hai gối chống hai tay... lối Nhật cũng... O.K. Đó là chưa kể đến chuyện ngồi lối kiết già kiếc giếc". Tôi chịu Bác!

...

Bác đứng hay ngồi, cái quyền và cái thú là của Bác, tôi không dám xía vào. Chỉ xin thưa với Bác về đôi chút lấn cấn trong tôi thôi. Có hỏi Bác lần nào đó và bị Bác “xì” cho một cái dài ý rằng không thèm lưu tâm đến ba cái lẻ tẻ vô bổ. Tôi không có cách nào khác hơn là viết ra đây, xin Bác vài lời để chúng tôi, đồng nghiệp... già của Bác có cơ hội xét lại đôi điều.

Bác bảo Bác không trưng bày nữa: Sau mấy chục cái triển lãm Bác đã chán ngấy. Chuẩn bị tranh triếc, phòng ốc đâu vào đấy, gửi thiệp mời, đón tiếp quan khách, vân vân, Bác cho rằng đời Bác như vậy là quá đủ. Tôi thông cảm và chia sẻ với Bác những phiền hà, vất vả này. Nhưng không trưng bày, không cho ai xem, tại sao Bác vẫn tiếp tục vẽ?

Không trưng bày, không cho ai xem, tức là không “rao hàng" vậy nói cụ thể Bác xoay trở làm sao? Có thể nhu cầu của Bác ít hơn nhiều người khác nhưng ở cái xứ đồng tiền là vạn năng này, nói như chính người Mỹ nói: “You can’t live on air alone!” (Chỉ hít không khí mà thôi, sống sao nổi!”)

Bác tiếp tục vẽ, ngày ngày vẫn vẽ, chẳng hay Bác vẽ cái gì? Hội họa là lãnh vực tạo hình, là nghệ thuật chỉ con mắt mới thấy được, “nói” ra e có điều bất cập, nhưng Bác cố thử xem sao. Tôi hứa sẽ rán hết sức hình dung con đường Bác đang lủi thủi một mình...

Thôi, đã hỏi “vẽ cái gì” thì tôi cũng xin “thừa thắng xông lên” hỏi tiếp: Bác vẽ làm sao? Thuở trẻ dại, Bác đã từng học vẽ bằng cách dùng que than vẽ tượng đá cổ Hy Lạp, dùng sơn dầu vẽ “cóp” những tranh Phục hưng... Sau bao năm luân lạc, Bác rời bỏ những khuôn phép ấy, Bác đã tìm kiếm không nguôi, và bây giờ Bác vẽ ra làm sao?

Trời ơi, gửi Bác những câu hỏi này, lòng tôi không an.

Mong Bác thương mà đừng mắng.

Tiểu đệ bái bút,

D.

...

Và sau đây là “Thư Từ Một Họa Sĩ Già”:

Anh Đ. thân mến,

Cái ông này bày đặt! “Tiểu đệ bái bút”! Làm gì mà ông trịnh trọng dữ vậy? Đã hỏi thì trả lời đây.

Người ta, người bên văn đó, cứ khoe “ngứa” cái này “ngứa” cái nọ. Cứ làm như chỉ vì “ngứa” mới viết và chỉ có họ mới biết “ngứa”. Giới cầm cọ chúng mình cũng “ngứa” như ai vậy. Nói như mấy ông họa sĩ đất thần kinh: ngửa hung! Ngứa quá sức. Đã ngứa phải gãi. Nhưng có phải khi nào gãi cũng sướng đâu. Đau, rát, bật cả máu. Mà vẫn gãi. Cái vẽ lắm khi đau đớn lắm. Nhưng không vẽ chịu không được.

Ông hỏi “vẽ mà không trưng bày, không cho ai xem, tại sao Bác tiếp tục vẽ?"

Giản dị lắm ông ơi. Trưng bày là nghề. Vẽ là nghiệp. Bỏ nghề được. Bỏ nghiệp, sức mấy. “Đã mang lấy nghiệp vào thân” mà.

Tôi vẽ mà không cho ai xem chẳng phải vì ích kỷ hay khinh người đâu. Chỉ là vì cho xem tranh, trong một cuộc triển lãm hay tại nhà riêng, phiền toái lắm. Viết cuốn sách, bà con xa gần tặng một cuốn “lấy thảo”, còn lại nhà phát hành phổ biến, ai mua thì mua. Đọc hay không đọc, hiểu hay không hiểu, thích hay không thích, việc của độc giả mình chỉ đứng xa xa ghi nhận được gì thì ghi nhận thôi. Bức tranh, đâu có giản dị thế, ông cũng là người vẽ, ông biết chán. Dù sao, tôi cũng “hưu” rồi. Đã “hưu” thì ta có quyền (và bổn phận) gạt bỏ bớt những phiền hà của đời “nhà nghề” đi. Chỉ giữ lấy cái nghiệp thôi. Chạy trời không khỏi nắng!

...

“Lấy gì mà sống” à? Những năm còn bán tranh, đóng thuế lợi tức nghề tự do (self-employment tax) dài dài nay nhà nước hoàn lại hàng tháng cho mình thôi. Chẳng xin xỏ ai cái gì cả. Mấy cuốn sách hồi nảo hồi nao, hai ba chục năm về trước, vậy mà vẫn đem lại lai rai tí quà: lâu lâu một cái chi phiếu ở đâu rớt xuống, coi như lộc Trời vậy. Mới hay cái cách làm việc của tư bản “thiếu nhân tính” nó hữu hiệu và công bằng. Chẳng cần biết nó thương hay nó ghét, cứ đến đúng ngày đúng tháng, là máy nó tự động tính toán, phun ra cái chi phiếu cho mình. Cái máy, nó thiếu “tình người” nhưng nó lương thiện. Nói thật với nhau chứ lỡ ra có đứa cà chớn nào đó ở nhà xuất bản cố tình không gửi tiền thì mình cũng chẳng biết vào đâu!.

Từ lâu tôi vẫn nghĩ rằng nhu cầu vật chất của mình ít hơn, thậm ít hơn là người ta cứ khăng khăng bảo rằng mình phải có. Ông có biết câu nói để đời của Henri Ford, vĩ nhân của tư bản Mỹ quốc, cha đẻ của chiếc Ford Model T, gần 100 năm về trước: “Bí quyết buôn bán thành công là làm sao cho người ta quay quắt muốn có những thứ mà thật ra người ta không cần tí nào". Đó là ông Tây dạy dỗ. Còn ông Đông (phương) thì nhắc nhở: “Đời sống tinh thần nên ở trên mức trung bình; đời sống vật chất nên ở dưới mức trung bình”. May mắn thay ông Ford và ông Nguyễn (Hiến Lê) không sống cùng một nơi!

Ở xứ Hiệp chủng quốc này có cái gọi là “poverty line”: Anh phải có lợi tức hàng năm trên mức đó anh mới không bị liệt vào “giới người nghèo". Tưởng gì chứ hạn định như vậy thì tuyệt đại đa số nghệ sĩ (nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, điêu khắc gia, nhạc sĩ khúc tác, nhạc sĩ trình diễn, kịch sĩ, diễn viên...) nghèo mạt rệp là cái chắc. Đã có nhiều công trình nghiên cứu thăm dò trong địa hạt này, ông thừa biết.

“Bác xoay trở làm sao?" Hà, hà, xoay trở làm sao hả? Thì từ lâu tôi đã bắt chước các cụ lẩm cẩm ngày xưa bên ta: Tri túc! Tri túc! Nói cụ thể: Có rất nhiều thứ người ta cho là cần lắm lắm, tôi chỉ thấy là cần sơ sơ, không có cũng được. Lại có những thứ người ta cho là cần sơ sơ, tôi, tôi đếch cần... Ngày xưa, bà cụ tôi hay thở dài: “Tạo ra bao nhiêu thì phiền não bấy nhiêu”. Nhỏ dại, nghe là nghe, không lưu tâm. Khôn lớn, mình cứ thắc mắc không rõ cái chữ “tạo” đó nghĩa là gì. Bây giờ thì tôi biết chắc: “tạo” này nghĩa là bày đặt đây, không phải tạo tác, sáng tạo, cấu tạo gì đâu. Nhện giăng mạng để bắt con này con kia. Người bày ra cho lắm rồi vướng vào mà chết.

Hơn 30 năm trước, ông bạn đàn anh Doãn Quốc Sỹ có viết một câu để đời: “Ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn; ở thế giới thực dân tư bản, người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn". Ông Doãn đã từ thế giới cộng sản qua đây với chúng ta ở thế giới tư bản mấy năm nay. Dám chắc lắm khi ông đã hả hê thấy rằng câu viết khi trẻ trung vậy mà chỉ lý quá đỗi. Có lần tôi nói với ổng: “Người ta muốn ‘mua rẻ′ mà anh cứng đầu không bán, anh chết! Chứ còn người ta ‘giam lỏng' anh chỉ vì, hoặc anh tự nguyện chui đầu vào rọ, hoặc đã lỡ ở trong rọ, ăn phải bã rồi, anh chẳng muốn thoát ly". Các giới sản xuất, thương mại, họ biết tỏng anh rồi. Ở xứ tự do, pháp luật minh định rõ ràng đâu là bổn phận, đâu là quyền lợi, không ai có quyền bắt anh phải thế này thế nọ một cách tùy tiện. Người ta chỉ được phép mời mọc, rủ rê, dụ khi thôi. Chịu hay không, tùy anh. Chỉ cần biết rằng cái gì cũng có cái giá của nó.

...

Đ. ơi, ông lại hỏi: “Chẳng hay Bác vẽ cái gì?" Nói ra e có người không vừa tai chứ tôi nghĩ rằng viết, dù không viết về cái gì đi nữa vẫn là viết cái gì. Dù chỉ viết cái chữ thôi, cái chữ vẫn là cái gì. Trong khi đó, vẽ là một động tác của thân xác trong không gian. Không nhất thiết vẽ cái gì mới là vẽ. Vẽ thôi. Như thở. Cần không khí cho cơ thể thì hít không khí vào và thả không khí ra. Nhưng hít vào và thả ra không phải là thở tuy rằng thở bao gồm hít vào và thả ra. Có sự phân biệt giữa hít vào thả ra như những động tác có ý thức, vì nhu cầu, và thở như một sự tuần hoàn tự động. Không ai hỏi “thở cái gì?" Vẽ cũng vậy. Có người vẽ cái này cái nọ. Tôi chỉ vẽ thôi. Đ. à, ông quá quắt lắm đấy nhá. Hỏi “vẽ cái gì” còn được đi, chứ hỏi “vẽ làm sao” thì ông chơi khó tôi quá. Xem nào, tôi mới nói chuyện hít và thở. Có phải là chỉ khi nào ông ý thức rõ ràng cái thở của ông, ông mới thấy có hít vào và thả ra không? Còn thường tình, ông chỉ thở thôi, ông không để tâm là mình đang thở. Vẽ cũng vậy.

Thuở còn rất trẻ, khi tôi vẽ bao nhiêu tâm trí dồn về cái tôi vẽ, và, dễ thôi, tôi cứ đi theo đúng nguyên tắc, những khuôn phép đã được học. Đến tuổi trung niên, khi vẽ tâm trí tôi lại dồn về bản thân tôi, tối đa. Cái tôi vẽ chỉ là cái cớ để tôi vẽ tôi. Một thứ tự họa phi chân dung! Bây giờ, “hưu” rồi, tôi chỉ vẽ thôi, bất cần biết đến cái tôi vẽ đã đành, mà ngay tâm tư bản thân tôi cũng mờ nhạt đi, mờ nhạt đến độ mất dạng.

Thuở non dại, tôi ước ao được trưng bày ở chỗ thật “ngon”, bán tranh thật chạy, kiếm được bộn tiền, và có nhiều thì giờ để sáng tác mạnh hơn. Sau đó, thấm lẽ tương đối của danh lợi và nghệ thuật, tôi để cả tâm trí vào việc tìm kiếm, nắm bắt được một cái vẽ viên mãn. Bây giờ, đã “hưu”, “ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch”, vẽ là vẽ thôi. Không ước ao, không tìm kiếm, không đuổi bắt. Vẽ thôi.

Anh Đ. ơi, trả lời vậy, được chưa?

Thân

Th.

VÕ ĐÌNH
(Lại nói chuyện vẽ-1999)

Hình: tranh của hoạ sĩ Võ Đình
Nguồn: FB 

Nguyên Hưng 

Hoà Thượng Tuệ Sỹ và GHPGVNTN trong dòng sống của dân tộc và hướng đi của thời đại

Hòa thượng Tuệ Sỹ biết mình thân đang mang trọng bệnh. Khó khăn duy nhất mà ngài không thể vượt qua là thời gian. Vì không có đủ thời gian để làm hết những điều mình mong muốn nên Hòa thượng ưu tiên hóa những đề án, những công việc phải làm.

Thị Nghĩa Trần Trung Đạo


Dù đứng từ góc cạnh nào, không ai có thể phủ nhận vai trò và sự đóng góp của Phật giáo vào dòng sống của dân tộc Việt. Đạo Phật là một tôn giáo rất đặc biệt trong nền văn minh nhân loại vì đáp ứng được các khao khát của con người theo từng thời đại không phân biệt màu da hay sắc tộc.

Kinh điển giống nhau nhưng đạo Phật mang sắc thái riêng khi đến mỗi quốc độ để từ đó có Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Trung Hoa, Phật giáo Thái Lan, Phật giáo Việt Nam v.v... Nhưng đạo Phật tại Việt Nam rất khác. Đạo Phật Việt Nam hòa tan trong tâm hồn mỗi con người. Tinh thần Phật giáo bàng bạc trong lời ru của mẹ, lời dạy bảo của cha. Một câu thơ, câu văn được các tác giả viết ra đã có tư tưởng Phật giáo dù tác giả không phải là một tín đồ Phật giáo.

Khi dừng chân tại Việt Nam, đạo Phật không chỉ đem lại cho con người những phương tiện cần thiết để đạt đến giải thoát, an lạc như tại nhiều nơi khác mà còn dung hóa và dung hợp một cách hài hòa vào dòng sống dân tộc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền tảng văn hóa, đạo đức của dân tộc và là thành lũy tinh thần để bảo vệ Việt Nam.

Sau nhiều trăm năm bị đóng khung trong tứ thư ngũ kinh Nho giáo rồi Trịnh Nguyễn phân tranh, dân tộc Việt lại phải đối diện với Thực dân xâm lược. Ông bà chúng ta bàng hoàng trước sức mạnh cơ khí của Thực dân. Việt Nam trở thành một thuộc địa của Pháp nhưng tinh thần Việt Nam được hun đúc suốt nhiều ngàn năm không vì thế mà mất đi. Dòng văn hóa vẫn tiếp tục chảy dù phải chảy qua những vách đá cheo leo và có khi phải nhỏ từng giọt xuống trái tim người yêu nước.

Người Việt quan tâm đứng trước hai chọn lựa, (1) đi vay mượn các chủ thuyết ngoại lai, mượn súng đạn của ngoại bang về để “giải phóng dân tộc”, thực chất là thay một hình thức nô lệ này bằng hình thức nô lệ khác, (2) nâng cao nhận thức văn hóa, xã hội, chính trị phù hợp với hướng đi thời đại kết hợp với phát huy nội lực dân tộc để tự khai hóa chính mình thay vì “bị khai hóa” bởi thực dân.

Để tồn tại, vượt qua và vươn lên, chư tổ Phật giáo chọn con đường thứ hai. Con đường đó không phải tìm đâu khác, không vay mượn của ai khác mà trở về và phát huy những tố chất uyên nguyên của dân tộc. Nội dung của hành trình về nguồn đó chính là phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu vào những năm cuối của thập niên 1920.

Giống như ngài Anagarika Dharmapala (1864-1933), nhà văn và nhà đấu tranh cho nền độc lập Tích Lan, các tổ Khánh Hòa, Giác Nguyên, Khánh Anh, Giác Tiên, Phước Huệ, Tố Liên, Trí Hải… của Việt Nam cũng đã rời những thiền phòng để chống gậy trúc đi vào lòng đất nước. Các ngài lắng nghe nỗi đau của dân tộc, đánh thức tinh thần yêu nước, độc lập tự chủ trong lòng mỗi người dân Việt để qua đó phục hưng dân tộc bằng phương tiện giáo dục bởi vì chỉ nâng cao nhận thức mới có thể chuyển hóa hai nguồn bạo lực đến từ Tây phương gồm chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa cộng sản.

Con đường chấn hưng Phật giáo như chư tổ vạch ra là một con đường dài, cần nhiều thời gian và đầy khó khăn nhưng là con đường đích thực.

Sau nhiều thăng trầm, gian khó và hy sinh, cuộc hành hương về nguồn cội đó đã dẫn đến sự ra đời của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) vào tháng Giêng, 1964 tại Chùa Xá Lợi, Sài Gòn. “Thống Nhất”, trong ý nghĩa đó không chỉ là một tập hợp mang tính hình thức của 11 giáo phái ký tên trong Hiến chương 1964 mà là bước phát triển cao hơn của một truyền thống đã có từ nhiều ngàn năm.

Được thành lập trong một giai đoạn lịch sử đầy ngộ nhận, GHPGVNTN dễ được hiểu như là kết quả của một biến cố chính trị. Biến cố có thể là “điểm vỡ” để GHPGVNTN được hình thành nhưng các giá trị hàm chứa trong Hiến chương 1964 của GHPGVNTN không đơn giản chỉ là kết quả của việc đổi thay một chế độ.

Từ đó đến nay, GHPGVNTN là nơi giữ gìn các giá trị tinh thần, các truyền thống văn hóa, lịch sử hai ngàn năm và sau này của Phật giáo Việt Nam. Dù bụi phủ, dù rêu phong căn nhà GHPGVNTN vẫn là căn nhà chính danh và chính thống của mọi người con Phật Việt Nam.

Lịch sử của GHPGVNTN từ khi ra đời tháng Giêng, 1964 cho tới khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chính thức đảm nhiệm chức vụ Chánh Thư Ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống đã gần 60 năm với không biết bao nhiêu gian khó.

Đạo Phật tại Việt Nam không chỉ gồm một nhóm nhỏ những tu sĩ bị tha hóa mà chúng ta thường nghe hay thấy tại Việt Nam. Ẩn mình trong đám mây đen là ánh sáng của vầng dương trí tuệ và che giấu dưới lớp rêu xanh là những viên ngọc từ bi nhẫn nhục. Hàng ngàn, hàng vạn tăng sĩ Phật giáo đang âm thầm chuyên tâm tu tập chờ cơ hội đóng góp thiết thực cho đạo pháp và dân tộc. Các bậc Như Lai Trưởng Tử đó đang dâng hiến cuộc đời cho Phật giáo Việt Nam và Dân tộc Việt Nam trong nhiều cách khác nhau trên khắp ba miền đất nước. Họ có thể chưa nghe nhiều về GHPGVNTN hay chưa đứng hẳn về phía GHPGVNTN. Nhưng không sao. Tất cả vẫn còn đó. Một mai khi có điều kiện thuận lợi chư tôn đức tăng ni sẽ gặp nhau trong tinh thần hòa hợp và thanh tịnh tăng đoàn dưới một mái nhà GHPGVNTN.

Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN viên tịch ngày 22 tháng 2, 2020. Trong di chúc, ngài ủy thác quyền điều hành Viện Tăng Thống cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ: “đứng đầu vào vị trí của Viện Tăng Thống bảo đảm tiếp tục sứ mệnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong tương lai. Tôi hoàn toàn tin tưởng và ủy thác trọng trách này cũng như trao toàn quyền cho Hòa thượng Tuệ Sỹ điều hành mọi hoạt động của Giáo Hội.” (Quyết Định Số T4/QĐ/TT/VTT của Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN)

Tinh hoa và trí tuệ bộc phát trong những ngày tháng cuối đời giúp Đệ Ngũ Tăng Thống nhìn lại con đường giáo hội đã đi qua và thấy rõ hơn con đường trước mắt mà đạo Phật Việt Nam phải hướng tới. Ngài trao trọng trách cho Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ bởi vì, ngoài cơ sở pháp lý là Hiến chương GHPGVNTN và bên cạnh sự thông minh, uyên bác nhiều lãnh vực, Hòa thượng Tuệ Sỹ trước hết vẫn là con người văn hóa và có một tầm nhìn rất xa về tương lai Dân tộc và Phật giáo.

Là một bậc cao tăng dâng hiến cả cuộc đời cho Đạo pháp và Dân tộc, Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ biết cuộc vận động chấn hưng Phật giáo từ thập niên 1920 chưa dừng lại mà là một tiến trình liên tục và phải bắt đầu ngay từ nền móng. Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Tuệ Sỹ một cánh cửa mới sẽ mở ra để GHPGVNTN bước đi cùng thời đại.

Hòa thượng Tuệ Sỹ biết mình thân đang mang trọng bệnh. Khó khăn duy nhất mà ngài không thể vượt qua là thời gian. Vì không có đủ thời gian để làm hết những điều mình mong muốn nên Hòa thượng ưu tiên hóa những đề án, những công việc phải làm. Tất cả chỉ vì một mục đích như ngài viết trong Thông Bạch Thỉnh Cử Hội đồng Hoằng pháp: “mang ngọn đèn chánh pháp đến những nơi tăm tối, cho những ai có mắt để thấy, dựng dậy những gì đã sụp đổ, dựng đứng những gì đang nghiêng ngả.”

Nội dung Phật chất chứa đựng trong Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (tu chính ngày 12.12.1973) hoàn toàn không thay đổi nhưng đưa đến cho mọi người ở mọi nơi bằng những phương tiện nhanh chóng chưa từng có nhờ kết quả của cuộc cách mạng tin học cuối thế kỷ 20.

Trong “thế giới phẳng” ngày nay, khoảng cách không gian và thời gian không còn là những trở ngại mà là những tiện nghi cần được tận dụng. Kết quả thấy rõ, chỉ trong vòng chưa tới hai năm Tạng Thanh Văn 29 cuốn trong Tam Tạng Kinh Điển đã được ấn hành và công bố. Kỳ diệu thay! Sau gần nửa thế kỷ ngưng trệ vì nhiều lý do nhưng những lời dạy của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni vẫn tiếp tục chảy vào dòng văn hóa Việt Nam và dòng văn minh nhân loại.

Hòa thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống cũng biết việc mở cánh cửa, dựng lối vào cũng chỉ là phương tiện, đào tạo tăng tài để bước vào cánh cửa đó mới chính là mục tiêu quan trọng của GHPGVNTN hôm nay và mai sau. Một căn nhà đẹp bao nhiêu nhưng không được gìn giữ, sửa sang, một ngày cũng dột nát và sụp đổ. Truyền thống nếu không biết phát huy sẽ sớm trở thành một thói quen lạc hậu.

Sau thời gian bị bệnh Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN, Chủ Tịch Hội Đồng Phiên Dịch Tam Tạng Lâm Thời, Cố Vấn Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN, đã viên tịch đúng 4 giờ chiều ngày 24 tháng 11 năm 2023 nhằm ngày 12 tháng 10 năm Quý Mão, Phật lịch 2567 tại Phương Trượng Đường Chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai, Việt Nam, trụ thế 79 năm, 41 hạ lạp.

Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đại Lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là ba bậc tôn đức khai sáng một thời đại mới của Phật giáo Việt Nam.

Dù dốc đá cheo leo, dòng Suối Từ vị diệu vẫn chảy dài theo lịch sử dân tộc. Mỗi thời kỳ đều có những bậc cao tăng thạc đức đứng ra chèo lái con thuyền đạo pháp. Công đức của các ngài sẽ không rơi vào quên lãng mà đã nở thành những bông Hoa Đàm làm đẹp con đường hoằng dương Chánh Pháp của đức Thế Tôn.

Nhiều người lo lắng, một mai khi các bậc cao tăng thạc đức của GHPGVNTN viên tịch, các thế hệ tăng sĩ và Phật tử sau này sẽ không biết gì về GHPGVNTN. Xin đừng bi quan. Lịch sử nhân loại đã chứng minh, bạo lực có thể thay đổi một thể chế nhưng không thể xóa đi một nền văn hóa và GHPGVNTN là một phần không thể thiếu của nền văn hóa Việt Nam.

Không một bậc cao tăng thạc đức nào thật sự ra đi. Hành trạng của quý ngài vẫn in dấu sâu đậm trong lòng Dân Tộc và Đạo Pháp. Tác phẩm của các ngài viết, những lời dặn dò của các ngài sẽ còn mãi mãi. Tiếng dương cầm vẫn réo rắt vọng theo dòng Suối Từ Bi. Đời người “như sương mai, như ánh chớp, mây chiều” như Hòa thượng viết trong thơ nhưng ngọn lửa tin yêu và hy vọng không bao giờ tắt cho đến khi nào dân tộc Việt Nam còn tồn tại trên mặt đất này.


Nguồn: VOA