Showing posts with label Nhạc. Show all posts
Showing posts with label Nhạc. Show all posts

Thursday, January 20, 2022

Vườn Mai Trắng Nở

 Lời dẫn: Đây là bài hát thứ ba tưởng niệm anh Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai - cảm thán về công hạnh của anh trên dòng Phật Việt và Lam sử Việt Nam

Vườn Mai Trắng Nở

Nhạc phẩm VƯỜN MAI TRẮNG NỞ  

Tưởng niệm cố huynh trưởng Tâm Kiểm Bạch Hoa Mai 

Lời: Tâm Thường Định; Nhạc: Đức Quảng 

Hòa âm: Hưng Việt - Ca sĩ: Lâm minh Ngọc



https://youtu.be/iSM_19u3Mwo
https://vannghe.nhacgdpt.com/nhac-phat-giao-karaoke-643-vuon-mai-trang-no-tam-thuong-dinh/



Friday, December 25, 2020

Một Ngày Qua - Thơ Huyền Không; nhạc Dương Xuân Dưỡng

Một Ngày Qua

Thơ Huyền Không (Cố Hoà thượng Thích Mãn Giác)
Nhạc: HTr. Dương Xuân Dưỡng 
Ca sỹ: Hà Thanh (PD: Tâm Tú)


Lời thơ/nhạc: 


Chiều xuống giữa rừng sâu

Chiều xuống giữa rừng sâu

Chân bước đi về đâu?

Tìm cái gì? cái gì đã mất

Không thấy lại hôm sau

Lá xanh đã xám màu

Lá xanh đã xám màu

Thu mình nghe cây đau.

Sức sống mòn, sống mòn dưới đất

giun dế dệt đêm sâu.

Ngày tàn theo gót hoàng hôn. 

Bóng chiều đổ xuống gợi lòng bâng khuâng

Thông xanh rải rắc phấn vàng

Nghe trong gió thoảng cùng đàn biệt ly

Ngày tàn theo gót hoàng hôn.

Khói chiều vương vấn tâm hồn ai đây?

Lá vàng lác đác gió bay.

Còn đâu đây nữa một ngày đã qua!

ĐK: 

Đâu rồi một ngày qua, luyến tiếc nữa chi mà

Giòng đời trôi, đời trôi xuôi mãi

Đưa về chốn tha ma...

Lá xanh đã xám màu

Lá xanh đã xám màu

Thu mình nghe cây đau.

Sức sống mòn, sống mòn dưới đất

giun dế dệt đêm sâu.


Ngày tàn theo gót hoàng hôn. 

Bóng chiều đổ xuống gợi lòng bâng khuâng

Thông xanh rải rắc phấn vàng

Nghe trong gió thoảng cùng đàn biệt ly

Ngày tàn theo gót hoàng hôn.

Khói chiều vương vấn tâm hồn ai đây?

Lá vàng lác đác gió bay.

Còn đâu đây nữa một ngày đã qua!





Mời nghe Hà Thanh ở đây.

Đạo ca Trường Khánh 1 - Ca sĩ Hà Thanh (Thập niên 1980)

Đạo ca Trường Khánh 2 - Ca sĩ Hà Thanh (Thập niên 1980)


Tuesday, August 20, 2019

Nhạc phẩm ĐÔI CHÂN MẸ – Thơ: Bạch Xuân Phẻ – Nhạc: Đức Quảng




Source: https://vannghe.nhacgdpt.com/nhac-phat-giao-karaoke-557-doi-chan-me-bach-xuan-phe/





Karaoke version.


ĐÔI CHÂN MẸ

Đôi chân Mẹ xanh xao gầy guộc
Còn xương da, ruột héo tim con
Cuộc đời Mẹ hy sinh thống thuộc
Mãi thương con và cháu mỏi mòn

Đôi chân Mẹ trắng ngà phiêu bạc
Màu phong sương, trí tuệ, yêu thương
Nhìn gân xương như chân cò cánh hạc
Nghe trong tim bao giọt lệ thương

Nhìn chân Mẹ, thấy nhân gian mộng mị
Thấy dòng đời trôi chảy mênh mông
Vẫn biết đó cuộc đời như thị
Sao lòng ai trầm lặng giọt hư không.

Thơ: Bạch Xuân Phẻ.
Nhạc: Đức Quảng

OUR MOTHER'S FEET

Our mother's feet are pale and fragile.
What she has left is just skin and bones,
which wilt our hearts.

All of her life she
Sacrifices,
Nurtures,
Protects,
and Loves
her children and grandchildren forever.

Our mother's feet are aged—displace a color of adventure,
A sign of being weathered, wisdom, and compassion.
Looking at these nameless tendons and bones,
in our heart, we shed the tears of love.

Looking at these signs,
we realize our life is a passing dream,
We see life take its course in its immense and endless flow,
Even though we are embracing and accepting life as it is,
Our heart rhythms have the sound of true emptiness.

Phe Bach

Tuesday, July 24, 2018

Kịch bản - Âm điệu đêm lửa trại

Âm Điệu Đêm Lửa Trại – Nguyên Túc
Tiếng Đêm - Photo: BXK
Âm Điệu Đêm Lửa Trại – Nguyên Túc

Thưa quý anh chị,

Mùa Hè đã tới rồi, những ngày vui trại đang chờ đón các em mình — chắc chắn các anh chị em cũng đang tìm tòi, khám phá những cái mới trong sinh hoạt mang về đất Trại để chia sẽ cùng các em. NTu’c có vài kinh nghiệm chia sẽ với các anh chị em.

Trước hết, Đêm Lửa Trại có thể chia làm 4 phần:

1. Gọi Lửa
2. Nhảy Lửa
3. Quanh Lửa
4. Tàn Lửa

Có 3 nhân vật chính trong Đêm Lửa Trại: Quản Lửa, Quản Trò và Quản Ca;

Quản Lửa: Thầy Phù Thủy của ánh sáng và bóng đêm – vai trò quan trọng của Đêm Lửa Trại.
Quản Trò: Linh hồn của đêm Lửa Trại
Quản Ca: Làm chủ âm điệu của đêm Lửa Trại

Ở đây, Nguyên Túc xin giới thiệu với các anh chị em một bài hát mới có thể dùng trong phần Gọi Lửa của Quản Ca. Có dịp mình sẽ nói nhiều hơn về Quản Lửa và Quản Trò. Cả ba vai trò đều hợp tác ăn ý, đồng điệu … để có 1 đêm Lửa Trại tuyệt vời.

“Đêm đến đã lâu rồi…. sau một ngày trại, vui chơi sinh hoạt bên nhau, đã biết tên nhau, đã nắm tay nhau, cùng nhìn nhau… biết nhau. Giờ ngồi đây…

Giờ ngồi đây, bên cánh rừng xào xạc lá hoàng hôn
Xa xa, lời gió gọi mây… tiếng sóng vỗ bờ… tiếng dế chào đón màn đêm…

Chúng ta ngồi yên lặng trong một vòng tròn, bên cánh rừng đó

Một nửa vòng tròn, bắt đầu gọi nhỏ:

— Bạn Hỡi !

Một nửa vòng tròn trả lời:

— Bạn ơi !

Một nửa vòng tròn, bắt đầu gọi to hơn:

— Bạn Hỡi !

Một nửa vòng tròn trả lời to hơn:

— Bạn ơi !

Những tiếng gọi nhau: Bạn hỡi, bạn ơi … sẽ tạo ra những chuổi tiếng dội kéo chúng ta lại gần nhau hơn; gần thiên nhiên hơn…

Cả vòng tròn đều hát:

— Hãy yên lắng nghe tiếng đêm về ! Hãy yên lắng nghe tiếng đêm về !

Một nửa vòng tròn nghe lá xào xạc và hát trước:

— Kìa tiếng Lá xào xạc trên cây

Một nửa vòng tròn nghe gió vút trời mây và hát theo:

— Kìa tiếng gió gởi lời cho Mây

Một nửa vòng tròn nghe tiếng sóng tự tình với bờ cát và hát :

— Kìa tiếng Sóng rời bờ xa khơi

Một nửa vòng tròn nghe tiếng Dế nỉ non, và hát:

— Kìa tiếng Dế ôm đàn chơi vơi !

Một nửa vòng tròn, bắt đầu gọi lại:

— Bạn Hỡi !

Một nửa vòng tròn trả lời:

— Bạn ơi !

Một nửa vòng tròn, bắt đầu gọi to hơn:

— Bạn Hỡi !
Một nửa vòng tròn trả lời to hơn:
— Bạn ơi !

Và lặp lại đoạn

Hãy yên lắng nghe tiếng đêm về ! Hãy yên lắng nghe tiếng đêm về !
Kìa tiếng Lá xào xạc trên cây
Kìa tiếng Gió gởi lời cho Mây
Kìa tiếng Sóng rời bờ xa khơi
Kìa tiếng Dế ôm đàn chơi vơi
Bạn hỡi ! Bạn ơi!
Bạn hỡi ! Bạn ơi!

Cả vòng tròn:

Hãy yên lắng nghe tiếng đêm về ! Hãy yên lắng nghe tiếng đêm về!
Tiếng đêm thì thầm.. Gọi mời ta CA A A A A
[vào Phần Nhảy Lửa] Lửa Hồng cháy bừng toả hào quang …

Nhạc:

Thursday, July 19, 2018

KHÓI CHIỀU QUÊ NGOẠI

KHÓI CHIỀU QUÊ NGOẠI
(Khói Lam Quê Ngoại)
   Thơ Bạch X. Phẻ - Nhạc Ngô Tín. 

Quê Ngoại tôi thơm hoa đồng cỏ nội,

Biển và trăng lấp lánh ngàn sao
Ruộng vườn xưa nay vắng bóng người
Ai bỏ xứ ra đi tìm lẽ sống

Ngày về thăm ngỡ em còn trong mộng

Ngàn lung linh ánh mắt đợi chờ nhau 
Gặp người xưa đến đi như cơn mộng
Thì tiếc gì lận đận một vần thơ.

Dấu tích đó rêu phong ân nghĩa lớn

Người thương ơi! sao nhớ quá đi thôi.
Trong vạt nắng ta thấy mình giọt nước
Đổ về nguồn, thân phận kẻ mồ côi!

Núi Bà xưa kiên trung ngàn năm đợi

Chào bình minh chim hót lộng trời mây
Ruộng vườn xưa, bếp cũ nay không còn 
Người ra đi phương xa biền biệt trôi. 

For English, please click here. Đọc tiếng Anh, hãy bấm ở đây.

Bài này do nhạc sỹ Ngô Tín và ca sỹ Kiều Lệ thể hiện.




Monday, October 3, 2016

Nhà Thơ Sơn Cư: Thi Nhạc "Quê Hương & Dòng Sữa Mẹ"

Nhà Thơ Sơn Cư: 
Thi Nhạc "Quê Hương & Dòng Sữa Mẹ"
  Nguyên Giác


Đó là những dòng thơ  Thiền đơn sơ, bình dị, và đẹp sáng ngời. Bạn có thể đọc đi, đọc lại, đọc nhiều lần, đọc chậm và rồi đọc nhanh, những dòng thơ Thiền đó vẫn đầy sức mạnh lay chuyển tâm hồn bạn.
Cho dù đọc thế nào đi nữa, những dòng thơ sau đây vẫn hiển lộ ra từng chữ nhẹ nhàng như bước chân của người thi sĩ, nhưng rất mực trầm hùng như bước đi của bậc mang hạnh nguyện Bồ Tát:
…Từng bước chân đi, hoa cười đất mẹ
Từng bước chân đi, xây dựng ngày mai
Từng bước chân đi, phút giây màu nhiệm
Từng bước chân đi, ta về thênh thang…
Đó là thơ của Sơn Cư, một nhà thơ còn được Phật Tử trang trọng gọi  là Hòa Thượng Thích Tịnh Từ, Viện Trưởng Tu Viện Kim Sơn.
Thơ không chỉ để làm đẹp chữ... Thơ không chỉ để ngâm nga, ca vịnh... Thơ không chỉ để làm hài lòng những người trí thức... Thơ không chỉ để chứng tỏ nghệ thuật tinh vi rèn chữ, luyện câu. Với nhà thơ Sơn Cư, thơ là những chữ tự nhiên thốt lên, khi nhìn thấy lẽ vô thường của vũ trụ, khi thấy mây hợp rồi tan, khi thấy hoa nở rồi tàn. Đối với nhà thơ Sơn Cư, chữ trong thơ cũng là những đột khởi để trình bày giáo lý vô thường, vô ngã, như các dòng thơ sau:
Ngắm nhìn đám mây bay, hỏi mây bay về đâu
Hỏi mây bay về đâu, về đâu?
Ngắm nụ hồng bên dậu, hỏi hoa đẹp mấy ngày
Hỏi hoa đẹp mấy ngày, mấy ngày?
Và thơ không chỉ để nhìn thấy, để nói lên... Và thơ không chỉ để trao tặng cho đời sau như di chỉ tiền nhân... Và thơ không chỉ để lưu vào viện bảo tàng nghệ thuật... Và thơ không chỉ để ngợi ca giáo lý của Đức Phật... Và thơ không chỉ để ép vào trang giấy cho đời sau... Đối với nhà thơ Sơn Cư, thơ còn là để trao truyền giáo pháp giác ngộ của chư Phật, là cảnh giác về luật nhân quả, là mời gọi thở những khoảnh khắc hiện tiền để vượt tới bờ giải thoát. Như các dòng thơ sau:
Nhân quả qua ngày tháng, thời gian mặc ai say
Trú tâm trong tĩnh động, tụ tán giọt sương bay
Đừng đắm chìm ngày qua, đừng ước mơ chuyện tới
Thở cười đi sẽ thấy, cuộc đời mãi tinh khôi...
Thơ cũng không có nghĩa là sống trên mây, không có nghĩa là tự cuốn trôi vào dòng chữ miệt mài tháng ngày, không có nghĩa là rời bỏ quê nhà biền biệt, không có nghĩa là chỉ gắn bó với mây trắng trời xanh...  Với Thiền sư Thích Tịnh Từ, dù là trong cương vị nhà thơ Sơn Cư, hay trong phận sự người sa môn trưởng lão đang làm nơi nương tựa cho tứ chúng, thơ còn là mời gọi đừng bỏ xa quê hương, đừng quên lời hiếu thảo với mẹ cha, đừng chạy theo ánh sáng thị thành phương xa để quê xóm nhỏ một thời. Vậy, đó, nhà thơ Sơn Cư viết:


Quê hương em đẹp lắm
Xin anh nhớ về thăm
Đường đi có hoa nở
Lối về không xa xăm.
.
Quê hương em xóm nhỏ
Đêm nghe trời hát ru
Dạy con thơ hiếu thảo
Ấm dậy cả chiều thu…
Một chương trình thơ nhạc đặc biệt sẽ thực hiện với chủ đề “Quê Hương & Dòng Sữa Mẹ” – chủ đề thi nhạc Thiền tâm linh nhân tiệc chay kỷ niệm 35 năm thành lập Tu Viện Kim Sơn, Bắc California, Hoa Kỳ...
Từ 10 giờ 30 sáng Chủ Nhật, ngày 9 tháng 10 năm 2016.
Tại Tu Viện Kim Sơn
574 Summit Rd, Watsonville, CA 95076
Chương trình sẽ có những dòng thơ Sơn Cư, những dòng nhạc Thiền phổ từ thơ Sơn Cư, với góp mặt của nhiều văn nghệ sĩ như Ngọc Huyền, Hiếu Nghĩa, Quảng Kiên, Thụy Vỵ, Vstar Kids Jenny Đan Anh, Victoria Thúy Vi, Bảo Trân… cùng các nghệ sĩ trong các ca đoàn Sợi Nắng, Lạc Pháp, Hương Thiền, Tuệ Đăng Bắc Nam Cali, đoàn vũ Tuổi Thần Tiên…
Hòa Thượng Thích Tịnh Từ cho biết tiệc chay nhằm thêm ngân quỹ cho việc lợp mái, trang trí nội thất Chánh Điện và Quán Âm Pháp Đường Tu Viện Kim Sơn (hiện đã hoàn tất hơn 80%) cần sớm hoàn thành trước mùa mưa năm nay.
Hòa Thượng Thích Tịnh Từ khi giải thích trong bài “Nhân duyên sự thành lập Tu Viện Kim Sơn” đã viết:
“…Sự ra đời của Tu Viện Kim Sơn được khởi đi, nuôi dưỡng từ khi làn sóng di dân tìm tự do của người Việt đến Hoa Kỳ năm 1975. Song thao thức kiến lập Tu Viện Kim Sơn đợi đến bảy năm sau mới đủ nhân duyên hình thành. Phòng xá cư trú cho người về tu học tại Tu Viện đã được xây dựng. Ngôi nhà Đại Bi rộng hai chục ngàn bộ vuông đã mở cửa sinh hoạt đầu năm 2001. Tu Viện Kim Sơn đã trở thành mái ấm, mái nhà chung, soi sáng tâm linh của mọi giới phật tử.
Đạo Phật Việt Nam có mặt tại Hoa Kỳ và các quốc gia tây phương là một sự kiện đáng mừng. Điều đáng mừng hơn nữa là các trung tâm tu học, các cơ sở chùa viện mỗi ngày được thành lập, xây dựng rộng lớn khắp các quốc gia trên thế giới. Điểm nổi bật và đáng khích lệ lớn nhất là các bậc thầy đi trước đã quan tâm, hết lòng trong việc nuôi dưỡng, giáo huấn các lớp tăng, ni trẻ để phụng sự đạo Phật hôm nay và ngày mai.
Tu Viện Kim Sơn đã có chương trình tu học cho các lớp xuất gia trong mười năm qua. Hằng năm tại Tu Viện có một tháng tu học dành cho tuổi trẻ và các giới phật tử trở về tập sống hạnh của người xuất gia trong truyền thống Phật Giáo nguyên thủy. Thời gian khóa tu bắt đầu từ ngày 15 tháng 07 đến ngày 15 tháng 08 dương lịch. Trong năm, các phật tử, các thân hữu cũng có thể trở về tu viện để học phật pháp và tu tập thiền quán trong các khóa tu ngắn hạn từ ba cho đến mười ngày.
Tu Viện đã xây hoàn tất ngôi nhà Đại Bi để đón người về tham dự các khóa tu. Ngôi nhà có 32 phòng ở và sinh hoạt, có trên 50 phòng vệ sinh và nhà tắm. Hơn 300 chỗ đậu xe. Hồ Thanh Lương chứa hai triệu rưỡi galons nước cũng đã được thực hiện. Hiện nay Tu Viện đang khởi công xây Thiền Đường, Quán Âm Pháp Đường và Ngôi Bảo Điện. Cơ sở nầy rộng trên 24 ngàn bộ vuông, đủ chỗ cho 1250 thiền sinh tọa thiền trong các khóa tu và có đủ tiện nghi cho mọi giới Phật tử đến nghe pháp trong các sinh hoạt tu học, lễ hội…”
Xin hoan hỷ chúc mừng chương trình thi nhạc "Quê Hương & Dòng Sữa Mẹ" sẽ thành công lớn.
Nhiều thông tin về Tu Viện Kim Sơn lưu ở trang: http://www.kimson.org/
PHOTO:
Hòa Thượng Thích Tịnh Từ, cũng là nhà thơ Sơn Cư, trong một buổi thuyết pháp.



Monday, January 12, 2015

Uyên Lam Trong Giấc Mơ

Mơ thay khói lam chiều! Photo BXK


UYÊN LAM TRONG GIẤC MƠ 
     

Em ơi, lần nữa thôi!
Đắng cay ngọt bờ môi
Đau thương hay gian khổ
Như gió thoảng qua đồi.

                                 *
Ta ơi, miền hạnh phúc!
Sóng nước đâu là hai
An lành trong đau khổ
Lóng lánh hạt sương mai.


                  **


Trần gian 
ơi, huyễn hoặc!
Sanh tử mây phù du
Mộng đẹp cánh đồng thu
Trăm năm về rỗng lặng!


                ** *

Trần gian ơi huyền thoại!
Mây nước không là hai
Tình em chẳng phôi phai
Sáu thời luôn im dịu

              ** **

Trần gian ơi, huyễn hoặc!
Sống chết chiếc áo thay

Lợi danh lá vàng lay
An nhàn trong hiện tại

              ** ***

Em ơi! Trăng và gió

Thênh thang trên đường về
Cõi tịnh chốn sơn khê
Đề huề như giấc mộng.

Bài thơ này được phổ nhạc, xin nghe Nhạc của Nguyên Quang ở đây.




Tuesday, May 14, 2013

Từ Đàm Quê Hương Tôi - Tình Em Biển Rộng Sông Dài *

Nhạc Sĩ Văn Giảng/Thông Đạt - Photo chị LaiHồng chuyển

Từ Đàm Quê Hương Tôi - Tình Em Biển Rộng Sông Dài *
   Viết để tưởng nhớ người anh trong GĐPT và nhạc sỹ Văn Giảng (Thông Đạt)

Tuần trước nhà văn và hoạ sỹ Trần Thị Lai Hồng có chuyển tin về nhạc sỹ Văn Giảng (Thông Đạt) tác giả bài hát bất hủ Ai Về Sông Tương vừa qua đời bên Úc, từ tấm bé chúng tôi có nghe bài này rất nhiều lần.  Rồi chị cả Tâm Minh Vương Thuý Nga cho biết nhạc sỹ Văn Giảng và vợ cũng đã từng sinh hoạt trong tổ chức GĐPT (trong đoàn của chị Hoàng Thị Kim Cúc) và có pháp danh Nguyên Thông để viết nhạc. Nhưng mãi khi đọc lời chia buồn của anh Trần Trung Đạo trên facebook, mới biết nhạc sĩ Văn Giảng cũng là tác giả bài nhạc Từ Đàm Quê Hương Tôi, một bài hát mà chúng tôi những người huynh trưởng hoặc đoàn sinh GĐPT ai cũng biết. 

Từ Đàm Quê Hương Tôi
    Tác giả: Nguyên Thông

Quê hương tôi miền Trung 
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung 
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng 
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm 
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng 
Qua bao dông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn 

Quê hương tôi là đây 
Sớm hôm hương trầm nhẹ bay 
Vấn vương lời kinh chiều nay vơi đầy 
Ôi thân yêu bóng chùa Từ Đàm 
Nơi Bắc Nam nối liền một nhà 
Tay trong tay quyết vì loài người đời lầm than 

Bóng ai, từng đêm, đêm về 
Còn nhớ thuở nào đây 
Câu thề cùng ước nguyện cứu đời 

Tiếng ai, chiều nay u hoài 
Trầm lắng vọng về theo 
Câu thề nguyện hiến mình cho đời 

Ai đi qua miền Trung 
Khoan khoan ơi người dừng chân 
Lắng nghe về đây hồn ai u hoài 
Ôi anh linh bóng chùa Từ Đàm 
Ôi nơi đây nắng chiều dịu dàng 
Ai hy sinh cứu đời phũ phàng, Từ Đàm ơi!

Hãy lắng nghe nhà thơ Trần Trung Đạo tâm sự:

"Tôi có một ước mơ nho nhỏ. Mai mốt khi trở về, tôi sẽ đi thăm chùa Từ Đàm. Tôi sẽ ngồi trong yên lặng trên thềm chùa, để lắng nghe từ trong lời kinh, từ trong tiếng chuông ngân, từ trong lòng đất, những lời nhắc nhở, những lời dặn dò, những tiếng chân của bao bậc tôn sư và các anh chị trưởng đang vang vọng lại trong tâm hồn tôi.

Tương tự, tôi cũng tin sẽ có một ngày, các em, các cháu đoàn viên Gia Đình Phật Tử, vừa mới sinh ra, sẽ sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Úc …. cũng trở về. Các em lại như tôi, ngồi bên bậc thềm chùa Từ Đàm và nói với nhau bằng tiếng Việt Nam không dấu 'Tại đây, chính từ nơi này, một trăm năm trước, hai trăm năm trước, ba trăm năm trước, có những người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam với những chiếc áo lam giống như chúng ta và phương châm Bi Trí Dũng giống như chúng ta, đã bắt đầu hành trình đào tạo Thanh, Thiếu, Ðồng Niên trở thành những Phật Tử chân chánh và góp phần vào việc cải tạo xã hội theo tinh thần Phật Giáo, nhờ thế mà có chúng ta.' Và trong số các em, thế nào chẳng có em sẽ khe khẻ hát Quê hương tôi là đây….”.

Nghe và hát Từ Đàm Quê Hương Tôi nhưng tôi chưa bao giờ thắc mắc hay đi tìm hỏi tác giả Nguyên Thông của bài hát là ai, mãi đến hôm nay, khi tác giả qua đời. Người viết bản nhạc là nhạc sĩ Văn Giảng. Ông cũng là tác giả của tình ca nỗi tiếng Ai Về Sông Tương viết vào năm 1949. 

Ai có về bên bến sông Tương
Nhắn người duyên dáng tôi thương
Bao ngày ôm mối tơ vương
Tháng với ngày mơ nhuốm đau thương
Tâm hồn mơ bóng em luôn
Mong vài lời em ngập hương...

Và một bài hát mà không một người lính Việt Nam Cộng Hòa Nào mà không biết, đó là bài Lục Quân Việt Nam.

Đường trường xa muôn vó câu bay dập dồn
Đoàn hùng binh trong sương lướt gió reo vang
Đi đi đi, lời thề nguyền, tung gươm thiêng, thi gan trai
Đời hùng cường quyết chiến đấu đoàn quân ra đi…"

Thêm vào đó, đọc bài ‘Giấc mơ ở hai đầu biển rộng' của anh Uyên Nguyên mới biết, nhạc sỹ cũng là tác giả một bài hát bất hủ khác: "Tình Em Biển Rộng Sông Dài" mà chúng tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần từ khi còn nhỏ cho mãi đến bây giờ.

Hãy nghe Uyên Nguyên kể: 

"Ðêm choàng trở giấc mơ ở hai đầu biển rộng, tôi thấy sông và cây cầu tương tư trong nhạc của Văn Giảng chỉ là một, là nỗi khát khao Việt Nam hòa bình, giục dã, ngân dài:"

Hòa bình ơi,
Tình yêu em như sông biển rộng.
Tình yêu em như lúa ngoài đồng.
Tình yêu em tát cạn biển đông.

Hòa Bình ơi, ơi hòa bình ơi
Sao em nỡ lòng kẻ đợi người trông.
Sao em nỡ lòng lúa khô ngoài đồng.
Sao em nỡ lòng.

Người về đây xin may áo cuới
Tặng người yêu vui trong lúa mới.
Tôi đón em đi về. Tôi đón em đi về.
Xây dựng lại tình quê.

Hòa bình ơi, chờ trông nhau như con chờ mẹ
Chờ trông nhau như gió mùa hè
Chờ trông nhau nắng đẹp tình quê
Hòa bình ơi, ơi hòa bình ơi
Ba muơi tuổi đời thoát từ vành nôi
Ba muơi năm truờng khổ đau nhiều rồi.
Về đây hỡi người ơi! Về đây hỡi người ơi…!
(Thông Ðạt, tức Nhạc sĩ Văn Giảng - Tình Em Biển Rộng Sông Dài)

Vì mến mộ những bài nhạc trên của nhạc sỹ, nên hôm nay viết bài thơ ngắn này để tưởng đưa một người anh trong tổ chức GĐPT, một nhạc sỹ tài hoa và khiêm tốn của quê hương Việt Nam.  

Tiễn nhạc sỹ NGUYÊN THÔNG - Văn Giảng
    Tác giả bài Từ Đàm - Quê Hương Tôi

Nguyên Bồ Đề tâm toả
Thông kinh điển mây bay
Ngô gia tề phước lộc
Văn Tư Tu đong đầy
Giảng cứu trầm luân khổ

Người thăm Tịnh Độ Ta Bà
Yêu thương để lại về nhà Như Lai

Có thể nói sự nghiệp âm nhạc của nhạc sỹ Văn Giảng (Nguyên Thông, Thông Đạt) rất đa dạng, trầm mặc, lờ lững và khắc khoải tựa sông Hương, thanh tao và sâu sắc như biểu tượng Hoa sen trong Phật giáo. Xin cúi đầu thành kính đưa tiễn Giác linh Người và xin chân thành phân ưu cùng tang gia hiếu quyến của nhạc sỹ Ngô Văn Giảng . 

Sacramento, May 14th, 2013.
* Tên của hai bài nhạc bất hủ nhạc sỹ Văn Giảng mà người viết rất đam mê từ nhỏ.





Tham Khảo:

1. Giác Ngộ Online, Nhạc sĩ Văn Giảng (Nguyên Thông) 
Tác giả của ca khúc "Từ Đàm quê hương tôi" qua đời,
tải xuống ngày 14 tháng 5, 2013 tại http://giacngo.vn/vanhoa/2013/05/13/364049/

2. Trần Trung Đạo,
Kính tiễn hương linh nhạc sĩ Văn Giảng tác giả của Ai Về Sông Tương, Từ Đàm Quê Hương Tôi, Lục Quân Việt Nam..., tải xuống ngày 14 tháng 5, 2013 tại https://www.facebook.com/trantrungdao

3. Uyên Nguyên, Giấc mơ ở hai đầu biển rộng, tải xuống ngày 14 tháng 5, 2013 tại http://nguoivietblog.com/uyennguyen/?p=10589