Wednesday, September 30, 2015

TANG LỄ PHẬT TỬ BỒ TÁT GIỚI TẠI GIA TRẦN THỊ ÁI, PD: NGUYÊN ÁI


Chương Trình Tang Lễ
The Memorial Service of Mrs. Ai T. Tran
Hương Linh Cố Phật Tử thọ Tại Gia Bồ Tát Giới
TRẦN THỊ ÁI, PD: NGUYÊN ÁI
Pháp hiệu xuất gia gieo duyên: Tâm Diệu

1. Đôi nét tiểu sử đến tuổi 75 (2008).
2. Our mother's Biography until the age of 75 (2008). 
3. Lời Khuyên Chân Thành / Phật Pháp Nhiệm Mầu
4. Sơ Lược Cuộc  Đời của Mẹ
5. a) Điện Thư Phân Ưu
    b) Điện Thư Phân Ưu (Email)
6. CÁO PHÓ (Tiếng Việt)
7. Cáo Phó - In Loving Memory of Our Mother (Tiếng Anh
8. ĐIẾU VĂN Tưởng niệm Cụ Bà TÂM DIỆUTrần Kiêm Đoàn
9. Chương Trình Tang Lễ
10. Hình ảnh Tang Lễ (By Trần Minh Triết)
11. Hình ảnh Tang Lễ 2 (By Phan Trung Kiên)
12. THÀNH KÍNH TRI ÂN  - Gratitude and Appreciation
13. TrầmHươngDângMẹ- video by TuyếtĐào
14. Video by chị Tuyết Đào, HươngXưa. 

5a. Điện Thư Phân Ưu from Tu Viện Quảng Đức, Australia
5b. Thành Kính Phân Ưu cùng Phật Tử Tâm Thường Định và tang quyến, Chùa Pháp Vân, Canada
5c. Phân Ưu Cụ Bà Trần Thị Ái, Pháp Danh Nguyên Ái, 
Pháp Hiệu Xuất Gia Gieo Duyên Tâm Diệu (from Pháp hữu)
5d. Điện Thư Phân Ưu trên Hoa Đàm
5e. Thành Kính Phận Ưu của Hương Xưa, Quy Nhơn Việt Nam 
5f. Bài Mẹ Tôi và chia buồn trên Xứ Nẫu, Việt Nam

14. Nhạc tưởng niệm Mẹ trong đêm Celebration of Life
Xả Tóc Mẹ - Nhạc: Nguyên Quang
Thơ: Bạch Xuân Phẻ; Ca sĩ: Huy Hoàng
Cắt Móng Tay Cho Mẹ - Nhạc và Trình bày Nguyên Quang.
15. Hình ảnh Tang Lễ của Mẹ - Video

16. Hình ảnh Lễ 49 Ngày của Mẹ - Pictures of the 49 Days Ceremony for Our Mother's Passing

SPECIAL: Dedication's Page to Our Parents - Bài Vở về Ba Mẹ

Tuesday, September 29, 2015

Buông Bỏ -- Letting Go

 
Thư pháp Uyên Nguyên

Buông Bỏ    --      Letting Go
1.  
Lá thu bay            Autumn leaves falling         
Xoè bàn tay          Palms opening                         
Buông                   Letting go                                     

2.  
Đời hư ảo             Life is unreal                           
Bao phiền não      With much negativities           
Bỏ                         Let it drop                              

Monday, September 28, 2015

Sơ Lược Cuộc Đời của Mẹ





Mẹ là người đảm đang, hiền lành, nhân hậu và có cuộc sống tu tập vững vàng. Mẹ sinh ra và lớn lên ở vùng quê thanh bình, nghèo khó dọc theo biển cát trắng ngút ngàn thơ mộng, Vĩnh Hội, Phù Cát, Bình Định, trong một gia đình Nho giáo. Mẹ là người con thứ 6 trong một đại gia đình gồm 10 anh chị em. Ông Ngoại là Xã trưởng Trần Hoành và bà Ngoại là Trần Thị Nhĩ. Mẹ xuất thân từ một gia đình Nho giáo, nhưng đã được thấm nhuần tinh túy Phật Giáo. Đại gia đình của ông Ngoại đều thọ Tam quy Ngũ giới với vị Phương trượng Chùa Linh Phong (Tục gọi là Chùa Ông Núi), ở Phù Cát, Bình Định. Từ đó, hạt giống Phật pháp đã thấm nhuần trong Mẹ qua từng lời nói, hành động, và thân giáo của người. Mẹ lúc nào cũng nhỏ nhẹ, dịu dàng, kiên nhẫn, hy sinh, và từ tốn.

            Ba Mẹ gặp nhau và nên nghĩa vợ chồng đã tròn 60 năm. Ba Mẹ, có tất cả 6 chị em gái, không có con trai và xin anh Bạch Xuân Thảo làm con nuôi từ tấm bé, ngay sau đó, Mẹ mới thọ thai và sinh chúng tôi ra vào mùa Vu Lan báo hiếu, đúng ngày Rằm tháng 7 năm 1976. Hôm nay, ngày tiễn Mẹ về Tây phương Cực Lạc cũng đúng là ngày rằm, tháng 8 đúng 1 tháng sau mùa Vu Lan (Ngày này trùng hợp với ngày Supermoon, một hiện tượng hiếm hoi mà người Mỹ gọi là Good Havens.) Dường như sự ra đi của Mẹ đã được Mẹ sắp xếp cho gia đình và cho mọi người xung quanh để Mẹ an nhiên về với cõi Phật A Di Đà.

            Đối với chúng con, Mẹ trên cả tuyệt vời. Mẹ là tất cả và chúng con không thể nào nói sao cho hết tình thương yêu của Ba Mẹ. Tình thương của Mẹ ngọt ngào và diệu vợi. Mẹ là dòng suối ngọt ngào, Mẹ lấp lánh ngàn sao, Mẹ là rau thơm sau hè, Mẹ là những chùm mận đỏ, Mẹ là tiếng chuông tiếng mõ, Mẹ là câu kệ bài kinh, Mẹ là Bất Khinh Bồ Tát, Mẹ là cánh đồng bát ngát, Mẹ là cảo thơm, Mẹ là bài thơ lục bát. Mẹ ơi, tình Mẹ sao mà mênh mông và dào dạt quá, chúng con làm sao dùng từ ngữ hữu hạn của thế gian mà viết hết cái vô hạn của Mẹ. Ngày Mẹ mất lòng chúng con như tan vỡ, nhưng chúng con cố giữ lòng bình thản và  niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà để cầu nguyện cho Mẹ Vãng Sanh Cực Lạc như ước nguyện cuối đời của Mẹ.

Chúng con liễu ngộ lẽ vô thường, như mừng hơn là hàng con của con cũng bắt đầu hiểu được giáo lý Phật Đà. Sau gần 24 tiếng Mẹ mất, chúng con về nhà và dùng cơm. Trước khi ăn, chúng con nghĩ đến việc mời cơm cho Mẹ, thế là hai hàng nước mắt của con chảy xuống. Vợ con an ủi, vỗ về, nhưng người nhắc lại con cuộc đời này vốn là vô thường ra chính là Khang, thằng cháu đích tôn của Mẹ. Khang nói, "It is normal, daddy. Everyone dies, Bà Nội dies, you will die, mommy will die, and I will die too. Don't be sad." (Ba ơi, việc sống chết là bình thường. Mọi người đều chết, Bà Nội mất, Ba sẽ chết, Mẹ sẽ chết, và chính con cũng sẽ chết. Ba, đừng buồn.) Vì cuộc đời là vô thường, nên Mẹ cũng như chúng con tích cực yêu thương cuộc đời này hơn. Mẹ đã sống một cuộc đời rất đẹp và Mẹ cũng đã xả báo thân này rất đẹp. 

                       Đến đi trăng sáng trên đầu

                       Thong dong tự tại nhiệm mầu Phật ngôn. 

            Chúng con nhận thức rằng, Mẹ vẫn luôn sống ở trong các con, các cháu, y như Thầy Nhất Hạnh thường dạy, "MOTHER, YOU CONTINUE WELL IN ME!" (Mẹ luôn còn mãi với mình). Những hoài bảo, hy vọng, tin yêu, tình thương, và hạnh nguyện của Mẹ sẽ sống mãi trong con, các cháu. Chúng con sẽ tiếp tục những gì Mẹ đã sống bằng thân giáo, bằng tâm giáo và để lại cho thế hệ sau. Vậy Mẹ hãy thong dong về với cõi Phật A Di Đà. 

Mẹ mênh mông cõi từ bi

Mây qua đỉnh núi thoát ly vô thường

Di Đà đất Phật quê hương

Mẹ kính yêu! 

Ba, chúng con và đại gia đình kính ngưỡng cung kính tiễn Mẹ trong tiếng niệm A Di Đà Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.

Nam Mô A Di Đà Phật.



Friday, September 25, 2015

ĐIẾU VĂN Tưởng niệm Cụ Bà TÂM DIỆU


ĐIẾU VĂN
Tưởng niệm Cụ Bà TÂM DIỆU

Cụ Bà: Trần Thị Ái, pháp danh: Nguyên Ái, pháp hiệu xuất gia gieo duyên: Tâm Diệu vừa qua đời vào ngày 22 tháng 9 năm 2015 tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Cụ là thân mẫu của huynh trưởng GĐPT Bạch Xuân Khỏe. Tiến sĩ Bạch là út nam trong gia đình.
Nhận được tin buồn nầy, thay mặt cho một số anh chị em huynh trưởng, cựu huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT Việt Nam xin thành kính phân ưu cùng Tang Quyến và kính gởi đến huynh trưởng Bạch Xuân Khỏe trong dịp tang lễ của Cụ Bà (25-9-2015) bài Điếu Văn sau đây:

ĐIẾU VĂN
Tin buồn:
Mùa Vu Lan báo hiếu chưa qua khuất
Hương trầm còn thoảng đâu dây
Bông hồng cài áo chưa tàn
Nhưng duyên hợp vội tan
Tin cụ bà vừa quá vãng
Hỡi ôi!
Cụ bà Nguyên Ái đã ra đi
Xả bỏ báo thân tuổi dương trần tám mốt
Pháp hiệu xuất gia gieo duyên: Tâm Diệu
Trần gian chấp cánh vô thường
Nhớ linh xưa:
Trên quê hương Phú Cát, Bình Định, Việt Nam
Người thiếu nữ ra đời khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam bắt đầu ló dạng
Hình bà Mẹ quê trên dãi đất nghèo lặn lội nuôi con
Một gánh quê hương, một gánh gia đình
Hai vai nặng quản chi đời khó nhọc
Ôi! Hương linh vừa xa khuất: 
Là bà yêu, mẹ quý, con thảo, vợ hiền
Là Phật tử tại gia thọ Bồ Tát giới
Là Ưu bà di tâm thành xuống tóc gieo duyên
Buông thả phù vân giữ lòng rỗng lặng
Khiêm cung đến với mọi người với tiếng chào “A Di Đà Phật”
Và nụ cười theo hạnh lành Bồ tát Thường Bất Khinh
Nhớ ngày xưa quê Mẹ:
Duyên Phù Cát về làm dâu Nhơn Lý
Cánh thiệp hồng Trần Thị Ái - Bạch Xuân Long
Cuộc sống thăng trầm theo vận nước gian nan
Nền đạo lý tổ tông, tiếng thơm gia đình dòng họ
Vẫn lưu truyền sá chi đời sướng khổ
Thuở sum vầy cũng như khi chia biệt ly tan
Bởi có niềm tin “nhân nào quả ấy”
Như mây vàng ánh Đạo tỏa vầng trăng
Nhớ những năm tháng giữa Quê Người:
Hơn nửa đời rời nước ra đi
Cuộc gian khổ giữa hai đầu sống chết
Sự lựa chọn nào cũng có riêng nỗi khổ đau
Nhưng duyên lành được tưới tẩm hương Từ bi đạo Phật
Bởi yêu tình thương nên xa lánh hận thù
Xứ lạ quê người đàn con tám đứa
Bờ vai cha, bàn tay mẹ vun bồi
Sự khôn lớn không tính ngày tính tuổi
Mà tính theo tâm đạo giữa đời
Cả gia đình
Dâu rể cháu con đều là Phật tử thuần thành
Ơn mưa pháp ánh Đạo Vàng tắm gội
Bạch Xuân Khỏe, út nam, người con hiếu thảo
Trải hết tin yêu sá gì mưa nắng
Vai nương cha già, tay dìu mẹ yếu đến chùa
Mấy chục năm qua lòng hỷ xả, dạ từ bi bước tới
Trên đường đời thành, trụ, hoại, không
Giữa vô thường không lại hoàn không
Năm nay cài áo hoa hồng
Sang năm hoa trắng mà lòng quặn đau
Nguyện cầu cho hương linh vừa quá vãng:
Sen tàn thay vụ
Đông hết Xuân sang
Sinh diệt không ngừng
Người đời cõi tạm
Đã mãi đem hành thiện, hộ pháp, tu thân làm phước hạnh
Thì tiếc chi mộng ảo bến nơi nầy
Mặc muôn kiếp từ vô chung vô thủy
Nguyện Hương Linh lưu lại cõi Di Đà
Miền Cực Lạc sen hương trầm bảy báu
Tiếng gọi đàn chim cá niệm chân kinh
Chung lời bái biệt hương linh:
Đừng tiếc chi cõi tạm nữa, quay về
Nương Thuyền Từ pháp hội tới bên kia
Thân tứ đại đã trở về nguyên trạng
Chủng tử linh hồn an nhiên trung ấm
Đừng lưu luyến gì không trước cũng không sau
Trong thinh lặng nhiệm mầu
Cầu hương linh giải thoát 
Nam mô tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật

Nguyên Thọ Trần Kiêm Đoàn

Thursday, September 24, 2015

In Loving Memory of Mrs. Ai Thi Tran (Memorial Services Schedule)



In Loving Memory of
Mrs. Ai Thi Tran
(Dec. 20, 1934 – Sept. 22, 2015)
Beloved Mother, Grandmother, Great Grandmother, caring mentor and friend to all.

Name: Trần Thị Ái
Dharma Name: Nguyên Ái
Monastic Name: Tâm Diệu

Born in small village of Vinh Hoi, Phu Cat village, Binh Dinh province, Vietnam.  Mrs. Tran passed away peacefully at 8:45PM on Tuesday September 22, 2015 in the city of Sacramento, CA.  She was 81 years old.

Memorial Services for Tran Thi Ai will be held at Sacramento Memorial Lawn, 6100 Stockton Blvd, Sacramento, CA 95824. Tel. (916) 421-1171

Memorial Services Schedule

Friday, September 25, 2015
1:30 PM – Open Casket Ceremony
2:00 PM – Opening Prayer Ceremony/Tea Offering Ceremony
3:00 PM – Visitation
4:00 PM – Prayer Session - Kim Quang Temple, Sacramento, CA
5:00 PM – Prayer Session - Quang Nghiem Temple, Stockton, CA
6:00 PM – Visitation
7:00 PM – 8:00 PM – Celebration of Life

Saturday, September 26, 2015
12:00 PM – Offerings Ceremony
01:00 PM – Prayer Session - Kim Quang Youth Association
02:00 PM – Prayer Session - Lieu Quan Youth Association Regional District
03:00 PM – Grand Public Prayer Session
04:30 PM – Visitation
06:00 PM – Prayer Session - Dieu Nhan Convent, Rescue, CA
     07:00-8:00 PM  – Visitation

Sunday, September 27, 2015
09:00 AM – Tea Offering/Visitation
10:00 AM – Remembrance Ceremony
11:30 AM – Closing Casket Ceremony
12:30 PM – Cremation Ceremony
01:30 PM – Altar Welcoming Ceremony at Kim Quang Temple
02:00 PM – Closing/Lunch

On Behalf of our Bach Family 
Husband: Bạch Xuân Long
Son: Bạch Xuân Thảo
Daughter: Bạch Thị Đố
Daughter: Bạch Thị Lố, chồng Nguyễn Hãng và các con (Sacramento, CA)
Daughter: Bạch Thị Gành, chồng Nguyễn Chính và các con (Quy Nhơn, Việt Nam)
Daughter: Bạch Thị Phượng, chồng Trần Quý Hiểu và các con (Sacramento, CA)
Daughter: Bạch Thị Hoa, chồng Phạm Quốc Vinh và các con (Milpitas, CA)
Daughter: Bạch Sandy Xoa, chồng Nguyễn Quang Minh và con (Milpitas, CA)
Son: Bạch Xuân Phẻ, vợ Nguyễn Thị Thanh Trang và các con (Sacramento, CA)
Grandson: Bạch Xuân Khang

In lieu of flowers or cash, please donate either to your choice of charitable organizations or to the following temples, where Mrs. Tran was involved with her Buddhist practices:
1.     Kim Quang Temple - 3119 Alta Arden Expressway, Sacramento, CA  95825
2.     Dieu Nhan Zen Convent - 4241 Duncan Hill Road, Rescue, CA  95672
3.     Nhơn Lý Scholarship FundBecky Võ - 209 Matlock Meadow Dr., Arlington, TX 76002
Contact information:
1. Thu Ngo (916) (916) 642-5482  email: ngothithu@gmail.com
2. Khanh Le (916) 803-8781 email: khanhmle@gmail.com
3. Phe Bach (916) 607-4066 email: tamthuongdinh@gmail.com

Wednesday, September 23, 2015

CÁO PHÓ - Memorial Services for Our Mother: Mrs. Ai T. Tran




CÁO PHÓ
Liễu ngộ được lẽ Vô thường, Gia đình chúng con / chúng tôi xin báo tin:

VỢ, MẸ, BÀ NỘI, BÀ NGOẠI, BÀ CỐ

Cụ Bà: Trần Thị Ái

Pháp danh: Nguyên Ái

Pháp hiệu xuất gia gieo duyên: Tâm Diệu

Sinh ngày 20 tháng 12 năm 1934 tại Vĩnh Hội, 
Phù Cát, Bình Định, Việt Nam

Đã mãn phần vào lúc 8:45 PM ngày 22 tháng 9, 2015

(Nhằm ngày 10 tháng 8, Ất Mùi) 
 tại Thủ phủ Sacramento, CA, Hoa Kỳ.

Hưởng Thọ 81 tuổi

Linh cữu hiện quàn tại Sacramento Memorial Lawn

6100 Stockton Blvd, Sacramento, CA 95824. Tel. (916) 421-1171


Chương Trình Tang Lễ
Memorial Service Schedule

Hương Linh Cố Phật Tử thọ Tại Gia Bồ Tát Giới


Thứ Sáu, ngày 25 tháng 09 năm 2015 (Nhằm ngày 13 tháng 8, Ất Mùi)

1:30 PM – Lễ Trị Quan - Nhập Liệm 

2:00 PM –  Lễ Bạch Phật Khai Kinh

Ø  Phục hồn;

Ø  Lễ Thọ Tang

Ø  Tiến Linh (cúng cơm)

3:00 PM – Thăm viếng / Visitation

4:00 PM – Lễ Cầu Siêu của Đạo Tràng Chùa Kim Quang

5:00 PM – Lễ Cầu Siêu của Đạo Tràng Chùa Quang Nghiêm

6:00 PM – Thăm viếng / Visitation
7:00 PM – Chia sẻ về Cuộc đời củMẸ /Celebration of Life

Thứ Bảy, ngày 26 tháng 09 năm 2015 (Nhằm ngày 14 tháng 8, Ất Mùi)

12:00 PM – Lễ Tiến Linh

01:00 PM – Lễ Cầu Siêu (GĐPT Kim Quang)

02:00 PM – Lễ Cầu Siêu của Miền Liễu Quán

03:00 PM – Đại Lễ Cầu Siêu

Ø  Quy Y Linh; Thuyết pháp độ Linh

Ø  Tiến Linh (cúng cơm)

    04:30 PM  – Thăm viếng / Visitation
    06:00 PM – Lễ Cầu Siêu của Tu Viện Diệu Nhân
    07:00-8:00 PM  – Thăm viếng / Visitation

Chủ Nhật, ngày 27 tháng 9 năm 2015 (Nhằm ngày Rằm tháng 8, Ất Mùi)

09:00 AM        - Cúng Trà / Visitation

10:00 AM        - Lễ Tưởng Niệm / Remembrance Ceremony 
(có chương trình riêng)

11:30 AM        - Lễ Khiển Điện - Di Quan

12:30 PM        - Lễ Hỏa Táng

01:30 PM        - Lễ An Vị Hương Linh tại Chùa Kim Quang

02:00 PM        - Hoàn mãn; Thọ trai tại Chùa Kim Quang


TANG GIA ĐỒNG KHẤP BÁO

Chồng: Bạch Xuân Long
Trưởng nam: Bạch Xuân Thảo
Trưởng nữ: Bạch Thị Đố
Thứ nữ: Bạch Thị Lố, chồng Nguyễn Hãng và các con (Sacramento, CA)
Thứ nữ: Bạch Thị Gành, chồng Nguyễn Chính và các con (Quy Nhơn, Việt Nam)
Thứ nữ: Bạch Thị Phượng, chồng Trần Quý Hiểu và các con (Sacramento, CA)
Thứ nữ: Bạch Thị Hoa, chồng Phạm Quốc Vinh và các con (Milpitas, CA)
Út nữ: Bạch Sandy Xoa, chồng Nguyễn Quang Minh và con (Milpitas, CA)
Út nam: Bạch Xuân Phẻ, vợ Nguyễn Thị Thanh Trang và các con (Sacramento, CA)
Đích tôn: Bạch Xuân Khang



CÁO PHÓ NÀY THAY THẾ THIỆP TANG

Xin miễn cho mọi sự phúng điếu bằng vòng hoa, lễ vật hay hiện kim.  Mọi phúng điếu, xin cúng dường trực tiếp đến các Đạo Tràng, Chùa, hoặc các Hội Từ Thiện theo như ý nguyện.

In lieu of flowers or cash, please donate either to your choice of charitable organizations or to the following temples, where Mrs. Tran was involved with her Buddhist practices:

1. Chùa Kim Quang/Kim Quang Temple - 3119 Alta Arden Expressway, Sacramento, CA  95825

2. Thiền Viện Diệu Nhân/Dieu Nhan Zen Convent - 4241 Duncan Hill Road, Rescue, CA  95672
3. Quỹ Học Bỗng Nhơn Lý – 
Tại hải ngoại: Becky Võ tại 209 Matlock Meadow Dr., Arlington, TX 76002.
Trong nước, Nguyễn T. Hồng Cẩm – 151 Huỳnh Thúc Kháng
Quy Nhơn, Bình Định. Memo: QKHNL.

Mọi chi tiết về Tang lễ, xin liên lạc:

1. Ngô Thị Thu tại số (916) 642-5482 hoặc email: ngothithu@gmail.com
2. Lê Minh Khánh tại số (916) 803-8781 hoặc email: khanhmle@gmail.com
3. Bạch Xuân Khỏe tại số (916) 607-4066 hoặc email: tamthuongdinh@gmail.com

Tuesday, September 22, 2015

MẸ TÔI - My Mother


MẸ TÔI
Mừng Sinh Nhật 75 tuổi của Mẹ


Mẹ sinh ra và lớn lên ở vùng quê đẹp và thơ mộng ven biển Miền Trung trong một gia đình Nho giáo. Mẹ, tên là Trần Thị Ái, Pháp danh Nguyên Ái. Mẹ sanh ngày 20 tháng 12, năm 1934 (năm Ất Hợi) tại thôn Vĩnh Hội, Phủ An Nhơn, Huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bình Định. Nay là thôn Vĩnh Hội, Xã Cát Hải, Huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định. Mẹ là người con thứ 6 trong một đại gia đình gồm 10 anh chị em. Ông Ngoại là Xã trưởng Trần Hoành và bà Ngoại là Trần Thị Nhĩ. Mẹ xuất thân từ một gia đình Nho giáo, nhưng đã được thấm nhuần tinh túy Phật Giáo. Thời thơ ấu, quý Cậu Dì và Mẹ được Ông Bà Ngoại cho thọ Tam quy Ngũ giới với vị Phương trượng Chùa Linh Phong (Tục gọi là Chùa Ông Núi), Phù Cát, Bình Định lúc bấy giờ. Từ đó, hạt giống Phật pháp đã thấm nhuần trong Mẹ từ lời nói, hành động, và thân giáo của người. Mẹ lúc nào cũng nhỏ nhẹ, dịu dàng, kiên nhẫn, hy sinh, và từ tốn.


Mẹ là người đảm đang, hiền lành, và nhân hậu. Mẹ còn là vị “nữ tướng” trong gia đình. Mẹ vất vả thức khuya dậy sớm lo cho chồng cho con từng giờ từ thuở làm dâu đến bây giờ. Thuở thiếu thời Mẹ học trường làng đến gần lớp Hai thì phải nghỉ học giúp việc gia đình. Ở tuổi thơ ấu, Mẹ đã lo cho gia đình, trông nom đàn em, lo việc nhà, và trồng trọt trong vườn. Khi lớn lên, như bao nhiêu thiếu nữ khác trong làng, Mẹ phải làm ruộng làm rẫy, một nắng hai sương thật cơ hàn và vất vả. Mẹ lớn lên trong tình thương yêu và dạy dỗ của Ông Bà Ngoại. Mẹ được hấp thụ những tư tưởng mộc mạc mà bao quát như “Đói cho sạch, rách cho thơm” đến “Ta nên tất thị mình nên”; “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân; Điều gì mình không muốn thì đừng nên làm cho người.” và những tư tưởng căn bản của Phật Giáo như nghiệp và nhân quả luân hồi. Đó cũng là những gì mà chúng tôi được Mẹ dạy từ tấm bé. Người trong họ hàng, ai ai cũng thương mến Mẹ. Ở trong làng, ai cũng biết Mẹ hiền hậu, tử tế, và xinh đẹp. Có lần Mẹ nhắc lại có gã thanh niên con trai làng bên cưỡi ngựa chặn đường trêu Mẹ. Mẹ thẹn thùng quay đi. Những gã thanh niên tuấn tú như thế mà chưa lọt mắt Mẹ vì Mẹ chỉ biết “Ba Mẹ đặt đâu con nằm đấy” mà thôi.


Năm 1953, khi lên mười chín, Mẹ lạy Ông Bà đi lấy chồng. Chuyện tình của Ba Mẹ là một chuyện tình thật đẹp. Ông Nội, Ông Ba Ước, Ông Bốn Kha, và Ba chèo thuyền đi mua củi về chụm. Thực ra là “xem mắt” thì đúng hơn. Mẹ rất vô tư mang nước lên đãi khách trong khi quần áo đi cày ruộng vẫn còn nguyên vẹn. Cái thật thà, vô tư đó là một trong những đặc điểm mà Mẹ được Ông và Ba thương mến rất nhiều. Ba là con trai đầu, là anh cả trong gia đình 9 anh chị em. Ba thì lớn lên với biển. Biển dạt dào êm ả, biển bao la mặn nồng, nhưng biển cũng ầm ĩ vô cùng. Ba lặn lội dầm mưa dãi nắng để kiếm kế sanh nhai. Ba hiền lành, chất phát, dáng trung trung, chỉ 1 mét 6 (5'3''), nhưng vạm vỡ; Mẹ nhân hậu, cao ráo, và xinh đẹp. Ba Mẹ thật là xứng đôi vừa lứa.


Mẹ làm dâu thật tốt, những năm đầu Mẹ lo sự nghiệp gia đình bên Nội nên mãi đến 6 năm sau Mẹ mới có con. Tình yêu của ba Mẹ ngày càng sâu đậm và sau 21 năm, Mẹ đã sinh cho Ba được năm chị gái. Đến đây thì sức cũng đã cạn. Ngũ long công chúa còn gì bằng, nhưng Ba là con trai trưởng nên cần phải “Nối dõi tông đường”. Vì sự thuyết phục rất tuyệt diệu của Ba và áp lực bên chồng, Mẹ một lần nữa thọ thai. Đợt này, thai nghén rất khác thường. Mẹ thầm nghĩ đây chắc là hỷ sự, là đứa con trai để nối tiếp dòng họ Bạch. Mẹ lại rã rời tay chân khi biết được thêm một chị gái, chị Bạch Thị Xoa chào đời. Chị là sự xoa dịu, vỗ về cho những cơ hàn và nhọc nhằn của Ba Mẹ. Mặc dù toàn là con gái, nhưng Ba Mẹ lại yêu thương các con vô bờ bến.


Thế rồi, Ba Mẹ quyết chí sẽ không có con thêm nữa vì tuổi đã ngoài 40. Sau cùng để tiếp nối dòng họ Bạch, Ba Mẹ đã quyết định xin một anh trai tại Cô Nhi Viện Quy Nhơn về làm con nuôi. Anh trai, Bạch Xuân Thảo là con của một quân nhân Hoa Kỳ. Ba Mẹ xin anh về lúc anh lên hai, ba tuổi, thương yêu và nuôi nấng anh như đứa con ruột. Anh rất đẹp trai và kháu khỉnh.  Không bao lâu Ba Mẹ biết anh có chứng bệnh kinh phong; thật nhọc nhằn cho Mẹ nhưng tình yêu của Ba Mẹ dành con anh vẫn đậm đà. Thế là, không mong mà được; không đợi, không mong, Mẹ đã thọ thai một lần nữa. Và đứa con trai duy nhất ra đời đúng vào ngày rằm Tháng Bảy, mùa Vu Lan Thắng Hội, năm Nhâm Thìn (1976) trong sự thương yêu và trìu mến của nhiều người, nhất là gia đình bên Nội. Bạch Xuân Phẻ, cái tên mà Ba Mẹ mong mỏi luôn luôn khỏe mạnh, là đứa con trai ruột duy nhất của Ba Mẹ. Bạch Xuân Phẻ là cháu Nội đích tôn của Ông Bà họ Bạch đời thứ 6 trong làng chài Phước Lý.


Ở Phước Lý (nay là Xã Nhơn Lý), ai cũng thương yêu Mẹ. Vì Mẹ sống cho gia đình và sống vì mọi người. Mẹ nấu ăn rất ngon. Mẹ nấu cho nhiều đám giỗ và đám cưới. Nhiều lần Mẹ nấu ăn cho cả vài trăm người mà không hề than phiền mệt nhọc. Mẹ là người nhà Quê mà làm mắm, làm mực không ai bằng. Mẹ buôn tần bán tảo. Mẹ vun vén, lo toang xây nhà cho Ông Bà Nội. Mẹ giúp chăm sóc các em chồng, trông nom và lo lắng cho gia đình chồng. Cuộc sống cơ hàn như thế mà lúc nào Mẹ cũng dịu dàng, kính trên nhường dưới, và ngọt ngào với mọi người. Mẹ sống trên thuận dưới hòa, Mẹ được lòng rất nhiều người và tiếng thơm ngày càng vang xa.Với một bầy con 8 đứa, Mẹ dạy dỗ, yêu thương, và chăm sóc từng ngày. Mẹ lo cho chồng, cho con. Mẹ đã vượng phu, ích tử. Mẹ đã hun đúc và dìu dắt cho các con thành người. Tuy Ba Mẹ không có học vị, nhưng đứa nào cũng có nghề nghiệp và học vấn đàng hoàng. Chỉ có chị Hai, Bạch Thị Đố, đã cùng Mẹ hy sinh lo cho đàn em học hành đến nơi đến chốn nên không có cơ hội lo cho chính mình. Mẹ đã nuôi nấng cho đàn con lớn khôn thành người và đã gả chồng cho những con gái lớn sau khi đã có nghề nghiệp, đó là chị ba Lố và chị bốn Gành. Năm 1987, chị thứ 6, Bạch Thị Phượng là người con gái đầu tiên của Làng được vào Đại Học Sư Phạm ở thành phố Quy Nhơn. Mẹ hy sinh biết bao, có lần Mẹ đã bán hết tất cả của cải mình có để nuôi các con ăn học. Hồi trước, Mẹ bảo là nhà có vàng thẻ, dần mòn bán hết để lo cho con cái rồi đến lúc phải đi mượn gạo nấu ‘đỡ’ qua ngày. Có những lúc, Mẹ đã rơi nước mắt mà nào Mẹ có cho Ba hay con cái hay biết gì đâu. Mẹ vẫn một lòng kham nhẫn chịu đựng khổ nhọc nuôi con. Chị thứ 7, Bạch Thị Hoa, vì thương gia đình, nên đã tìm đường vượt biển hầu giúp gia đình như thiên hạ, nào ngờ chị bị kẹt lại ở Phi Luật Tân. Điều đó càng làm cho Mẹ thêm lo lắng và âu sầu.


Đến năm 1988, có chương trình Con Lai Đi Mỹ (Vietnamese Amerasian Homecoming Act), Ba Mẹ quyết định làm giấy tờ thử xem sao. Rồi cuối cùng cũng không có đủ tiền vào Sài Gòn, nên chỉ đành cho anh Thảo một mình về Mỹ. Nhưng đại sứ quán bảo rằng anh bệnh, nên cần phải có người chăm sóc. Nhà chỉ đủ tiền cho chị Sáu đi thôi, nhưng chị Sáu cũng lưỡng lự vì đang học ở Trường Đại Học Sư Phạm Quy Nhơn vả lại chị cũng ngại xa gia đình một mình. Cuối cùng, Mẹ lại một lần nữa âm thầm đi mượn chát để có tiền vào Sài Gòn chuẩn bị đi Mỹ. Ở tại Sài Gòn, anh Thảo và Mẹ được ở tại Trung Tâm Chuyển Tiếp Trẻ Lai tại quận Tân Bình để chuẩn bị và trị liệu cho anh. Thời gian này là thời gian vất vả nhất cho Mẹ. Anh Thảo lại trở bệnh nặng và tâm trí lại bất ổn. Mẹ cực nhọc biết bao. Trong lúc khổ đau và vất vả, có nhiều cô chú trong trung tâm giúp đỡ cho ba mẹ con như chú Tùng, cô Tâm, cô Thu, và chú Hoàng. Vì sự sinh tồn, Mẹ phải lặn lội đi bán hàng rong ở khu du lịch Đầm Sen bên cạnh. Mẹ phải đi chợ thật xa mua hoa quả và vật dụng, bán lấy lời. Có lần Mẹ bị bắt, các chú Công An đã nhốt Mẹ trong phòng cầu tiêu nhỏ xíu. Mẹ vừa tủi thân, vừa sợ sệt; thế là Mẹ khóc nguyên đêm. Nước mắt Mẹ đã đổ thật nhiều vì con vì cái. Mỗi lần nhắc đến việc này, chúng tôi không cầm được nước mắt.


Có những lần, Mẹ phải dành dụm thức ăn hoặc sữa để bán lại lấy tiền, giúp các con ở ngoài Trung. Bản thân tôi phải bỏ học từ đầu lớp Bảy để vào Sài Gòn cùng Mẹ chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống. Có lần về lại thăm quê từ Sài Gòn, người ta đã nhìn Mẹ và gia đình bằng đôi mắt trêu chọc, khinh miệt. Còn Trường làng Phổ Thông Cơ Sở Xã Nhơn Lý cũng không cho tôi đi học lại vì họ viện lý do là “sắp đi Mỹ”. Mẹ vẫn cười làm lơ không một lời oán trách. Thế rồi, duyên lành cũng đến. Cuối cùng, toà đại sứ cho cả gia đình đi Mỹ mà may thay là có một ông bác sĩ Mỹ bảo trợ nên gia đình được bay trực tiếp qua Thái rồi qua Mỹ, thay vì qua Phi Luật Tân ở học tiếng Anh trong 6 tháng mới định cư qua Mỹ. Gia đình rất hạnh phúc và ngậm ngùi rời Việt Nam vào ngày 9 tháng 6 năm 1991. Qua Thái Lan ở khoảng một tuần, sau đó đại gia đình được đặt chân trên xứ Hoa Kỳ vào ngày 18 tháng 6 năm 1991 tại San Francisco rồi định cư tại Lincoln, Nebraska.  Ở San Francisco, chúng tôi rất vui, ngạc nhiên, tò mò, lo sợ, hồi hộp, và hy vọng. Và đó cũng là những cảm xúc ban đầu.


Niềm vui của Mẹ chưa thấm thì nước mắt Mẹ lại đổ vì trên chiếc phi cơ 18 chỗ ngồi, nhìn xuống vùng Trung Mỹ toàn là ruộng với ruộng nối tiếp nhau. Cò bay thẳng cánh là đây, mà Mẹ thì lại sợ đi làm ruộng. Như mọi sự đã được Ơn trên an bày, sau 6 tháng ăn tiền trợ cấp của chính phủ. Ba Mẹ có việc làm ở hãng giặt, chị sáu Phượng thì phải vừa đi học vừa đi làm ban đêm để giúp gia đình và lo cho các em đi học. Chúng tôi biết chị cũng đã khóc thật nhiều và thầm cảm ơn sự hy sinh cao cả của chị cũng như chị Hai một thuở. Năm 1993, chị Hoa được đoàn tụ cùng gia đình từ Phi Luật Tân. Thế rồi chúng tôi được đưa vào lớp 10, và cũng bắt kịp việc học hành và nên người như thiên hạ, không phụ lòng ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của Ba Mẹ.


Ở Lincoln, Ba Mẹ lấy làm tự hào và hoan hỷ trong sự trưởng thành, học hành, và hiếu thảo của con cái. Ngoài ra, Ba Mẹ tìm được sự an lành và thảnh thơi tại Chùa Linh Quang. Ở đó ai ai cũng quý mến Ba Mẹ đã một lòng tu học và làm công quả cho Chùa. Mẹ một thời, một đời sống vì chồng vì con, vì gia đình, vì tha nhân. Trên đôi vai của Mẹ vẫn cưu mang cho những người còn ở lại Việt Nam. Thế rồi, sức Mẹ cũng có hạn, Mẹ về hưu mừng tuổi hạc. Năm 2000, chúng tôi đã đón Ba Mẹ về sống với nắng ấm California. Mẹ càng ấm lòng khi chứng kiến con cái thăng hoa, tuần tự lập gia đình, sanh con đẻ cái. Hết lo cho con, bây giờ Mẹ lo cho cháu. Đó cũng là niềm vui của Mẹ. Ba Mẹ vào tuổi hạc, thất thập cổ lai hy, Ba mẹ càng ngày càng tinh tấn thiền tịnh song tu. Ba Mẹ thường xuyên đi về Chùa và tu tập tại Đạo tràng Kim Quang. Nói sao cho hết tình thương yêu của Ba Mẹ. Tình thương của Mẹ ngọt ngào và diệu vợi. Mẹ là dòng suối ngọt ngào, mẹ lấp lánh ngàn sao, mẹ là rau thơm sau hè, mẹ là những chùm mận đỏ, mẹ là tiếng chuông tiếng mõ, mẹ là câu kệ bài kinh, mẹ là Bất Khinh Bồ Tát, mẹ là cánh đồng bát ngát, mẹ là nước mắm nhỉ cá cơm, mẹ là cảo thơm, mẹ là bài thơ lục bát. Mẹ ơi, chúng con làm sao dùng từ ngữ có hạn của nhân gian mà viết hết về Mẹ được. Tình Mẹ sao mà mênh mông và dào dạt quá.


Mẹ yêu,
Hôm nay mừng tuổi Mẹ
Các con lạy đền ân
Ơn Mẹ hơn trời biển
Ơn Mẹ thật vô biên
Mẹ ơi, con thương Mẹ!
Sacramento, December 20th, 2008.

For English, please click here. My Mother's Biography.