Photos: Đạo hữu Võ Văn Tường |
Photos: Đạo hữu Võ Văn Tường |
Tâm Thường Định
Pháp Luận: Chủ đề - Tại Sao Giới Trẻ Ít Đến Với Đạo Phật?
(Thuyết trình
đoàn – Hiện trạng, Nguyên nhân và Giải pháp!)
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô Đại Hiếu Mục Kiền
Liên Bồ Tát
Kính bạch đại Tăng
Kính thưa đại chúng
Chúng con hân hạnh được Hoà thượng trưởng
ban tổ chức mời vào thuyết trình đoàn này trong một đề tài rất lớn quá sự hiểu
biết của mình. Tuy nhiên, với sự thương yêu và quan tâm đến tuổi trẻ, chúng con
xin được góp sức trong khả năng có thể. Chúng con được Tăng sai mở đề và nói thẳng
nói thật cho hết ý trong vòng 20-25 phút. Chúng con sẽ trình bày 3 quan điểm
khách quan. 1) Thực trạng đang xảy ra, 2) Nguyên nhân và 3) Giải pháp (phương
pháp giải quyết ngắn hạn có thể thực thi được). Xin chưa nói đến những giải
pháp dài hạn. Trong khi thuyết trình nếu có những vụng về hay ‘va chạm’, chúng
con xin quý Ngài, đại Tăng và đại chúng hoan hỷ và tha thứ cho.
I. THỰC TRẠNG ĐANG XẢY RA
Ngày nay, nhân loại nói chung, tuổi trẻ và người Tây Phương nói riêng đang
tìm đến với Đạo Phật ngày càng nhiều. Theo thống kê năm 2010 Đạo Phật là tôn
giáo lớn, đứng hàng thứ 4 trên thế giới với ước tính 488 triệu,[1]
495 triệu,[2] hoặc 535 triệu[3] người, chiếm khoảng
7% đến 8% dân số thế giới. Ngay cả Trung Hoa, mặc dù chỉ có 18.2% dân số
theo đạo Phật, nhưng có đến 244,130,000 triệu người—chiếm 50.1% toàn dân số
theo Đạo Phật trên thế giới. Giới trẻ các nơi như Âu Châu, Úc Châu, và một số
nước Á Châu như Thailand, Trung Quốc thậm chí tuổi trẻ Việt Nam (5 năm gần đây)
ngày càng tìm đến Phật Giáo.
Có lẽ để phù hợp hơn cho
bài pháp luận hôm nay trong buổi thuyết trình đoàn này, chúng ta nên đặt lại
câu hỏi, “Tại Sao Tuổi Trẻ Việt Nam tại Bắc Mỹ Ít Đến Chùa / Phật Giáo?” hay câu
hỏi tích cực hơn là “Làm thế nào để giúp Tuổi Trẻ Việt Nam đến với Phật
Giáo?” (Xin được mở ngoặc, theo thiển ý
của chúng con, tuổi trẻ—tuổi dưới 40—và Việt Nam ở đây là tuổi trẻ Việt Mỹ, có
hình hài người Việt, nhưng tư tưởng và cách tiếp thu là nền giáo dục Tây phương
hay là người Mỹ gốc Âu Châu. Hay nói chính xác hơn là người Hoa Kỳ gốc Việt và
vì thế khi chúng con dạy các em tiếng Việt, vẫn dùng cách hướng dẫn Tiếng Việt
như là ngôn ngữ thứ hai cho các em—Vietnamese As Second Language. Đơn vị GĐPT
Kim Quang, nơi chúng con đang sinh hoạt, tiếng Anh là ngôn ngữ chính và tiếng
Việt là phụ.) Hai câu hỏi này có thể đã tốn rất nhiều công sức của bao thế hệ.
Một câu hỏi mà nếu ai có quan tâm đến Tuổi trẻ Phật giáo đều đã nghĩ qua. Hoà
thượng Thích Tuệ Sỹ đã viết trong bài, SUY NGHĨ VỀ HƯỚNG GIÁO DỤC ĐẠO PHẬT CHO
TUỔI TRẺ, như sau:
Phật giáo Việt nam đang chứng kiến những xáo
trộn và khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Các mô hình tổ chức, những lễ
tiết sinh hoạt, từ ma chay, cưới hỏi các thứ, được cố gắng rập khuôn theo mô
hình phương Tây một cách vội vã đã làm xói mòn phần nào truyền thống tâm linh của
dân tộc. Thêm vào đó, dưới tác động của xã hội tiêu thụ, và sức ép của quyền lực
chính trị làm nảy sinh những tâm trạng bệnh hoạn do bởi quan điểm thế quyền và
giáo quyền thiếu nền tảng giáo lý. Tình trạng đó tất nhiên đã có những tác động
tiêu cực lên đường hướng giáo dục thanh niên Phật tử Việt Nam.
Ngài tiếp,
Tuổi trẻ Viêt Nam đang bị bật rễ, do đó có
nguy cơ mất hướng, hay thực sự đã mất hướng. Tuổi trẻ của đạo Phật Việt nam
cũng không ngoại lệ, và không dễ dàng vượt qua tình trạng mất hướng này. Ở đây
tôi nói mất hướng là nhìn từ điểm đứng dân tộc. Tuổỉ trẻ ở nước ngoài chỉ cần
quên, hay tạm thời quên, nguồn gốc Việt nam của mình, thì hướng đi cho nhân
cách được xác định ngay từ khi vừa bước chân vào cổng Ðại học. Nói cách khác,
tuổi trẻ Viêt Nam hải ngoại không phải hoàn toàn bị bật rễ, nhưng ở trong tình
trạng di thực.
Lời của Hoà thượng đã khai thị cho chúng ta thấy, Phật
Giáo Việt Nam cần một tư tưởng dân tộc Việt Nam, cần sự trở về với “truyền thống tâm linh của dân tộc”để chấn hưng Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại cũng như Phật Giáo Việt Nam tại Quốc nội.
Thiết nghĩ, Phật giáo đặt trên nền tảng tuỳ duyên, “Chư Pháp tùng duyên
sanh, chư Pháp tùng duyên diệt” (Mọi pháp tuỳ duyên mà sinh, mọi pháp tuỳ duyên
mà diệt), và vào tinh thần Tự giác.
Không giống như những tôn giáo khác, không có những giáo điều và giáo quyền bắt
buộc hoặc dùng “khái niệm về sự sợ hãi” (the notion of fear) để khống
chế giáo đồ của mình, Phật Giáo không bắt buộc Phật tử phải tham gia hay đi lễ
Chùa, vì tính ‘tuỳ duyên’ đó đã và đang làm tuổi trẻ ít đến với Chùa / Phật
Giáo. Tuổi trẻ Việt Nam, trong nước nói chung và ngoại quốc nói riêng, ít đến với
Đạo Phật vì có nhiều lý do chủ quan và khách quan. Trong phạm vi buổi pháp luận
này, chúng tôi được mạn phép nói về 8 nguyên nhân điển hình và 8 giải pháp cơ bản
(ngắn hạn) qua quan điểm khách quan.
Cũng xin được nhấn mạnh, bác sỹ Tâm Minh Lê Đình Thám, một trong những
sáng lập viên tổ chức Gia Đình Phật Tử, có bảo rằng, “Không có một thành tựu
vĩnh cữu nào mà không nghĩ đến tuổi trẻ”.
II. NGUYÊN NHÂN:
Tám nguyên nhân đó là:
1. Cuộc Sống Tâm Linh Không Được Xem Là Việc Ưu
Tiên. (Spiritual Life Is Not A Priority For Young People) Đành rằng, ai cũng có 24 giờ mỗi
ngày, xưa nay vẫn thế, nhưng ngày nay tuổi trẻ thiếu quan tâm đến lĩnh vực tâm
linh hay không xem trọng cuộc sống tâm linh là vì họ đang đặc nặng vào cuộc sống
vật chất (materialistic life) và có quá nhiều quyến rũ bên ngoài đáp ứng được
những dục vọng của họ như trò chơi điện tử (games), âm nhạc, bè bạn, v.v... Giới trẻ ngày nay lại quá bận rộn, nhu cầu về
cuộc sống, từ việc học hành, công việc, cá nhân đến gia đình. Đôi khi cảm thấy
căng thẳng và mệt mỏi vì thời giờ eo hẹp. Tuổi trẻ lại không quan tâm đến lĩnh
vực tâm linh và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều tệ nạn
trong xã hội. Nói chung, tuổi trẻ không cho cuộc sống tâm linh là việc ưu tiên và
họ tốn quá nhiều thời giờ để chạy theo tiền-tài-danh-vọng và cuộc sống vật chất
bên ngoài.
2. Thiếu Cơ Sở Tầm Cỡ, Tiện Nghi Và Sự Hấp Dẫn (Lack Of
Proper Facilities, Resources And The Pull
Factors). Ngôi chùa Việt Nam ở Bắc Mỹ không chỉ thuần
tuý là nơi phục vụ tôn giáo và tâm linh, ở đó còn là trung tâm văn hoá Phật
Giáo Việt Nam. Nên cơ sở rất quan trọng, mà phần đông các chùa tại Bắc Mỹ chưa
có đầy đủ tiện nghi và không gian như các phòng học, resources, etc... Thêm vào
đó thực lực, nội dung và chương trình sinh hoạt hoặc chưa đủ“hấp dẫn” để thu
hút tuổi trẻ. Sinh hoạt tại các chùa còn đơn điệu và già cỗi, nếu không muốn nói là nghèo nàn, khô khan và khó
thu hút bạn trẻ. Trong khi đó, ở ngoài đời các trò chơi giải trí từ iPads, X-box games, truyền hình, truyền thông
xã hội (social media), mạng Internet, v.v... rất hiện
đại và hấp dẫn để thoả mãn tham dục cho giới trẻ.
3. Thiếu Nhân Sự Hoặc Thiếu Nhân Sự Có Khả Năng
(Lack Of And/Or Unequipped Manpower):Nhân sự Phật giáo thì ít ỏi
để lôi kéo tuổi trẻ đến với mình. Mà nói đến nhân sự và nói đến hàng Tăng sỹ và
hàng cư sỹ. Có một sốThầy Cô quá khắt khe, bảo thủ và nội bộ - nên cởi mở, gần
gũi và quan tâm hơn cho giới trẻ. Có nhiều chùa, nhưng không có vị trụ trì để
duy trì việc hoằng truyền giáo pháp. Trong khi đó, không có đủ cư sỹ để hành đạo.
Ví dụ, có rất nhiều nhu cầu để mời quý Thầy Cô hay cư sỹ vào nhà Tù, vào bệnh
viện, nhà dưỡng lão, học đường v.v... nhưng Phật giáo Việt Nam chưa đáp ứng đủ.
Bản thân chúng con vào nhà Tù làm Phật sự thiện nguyện, giảng đạo và gặp rất
nhiều người tù có gốc rễ từ các nước Đông Nam Á, trong đó có người Việt Nam. Gặp
những thanh niên trẻ Việt Nam và một người già gần 70 tuổi gốc Việt Nam trong
đó, quả là một sự chua xót và ngậm ngùi. Hôm nọ, sau phần giảng bằng Anh ngữ,
bác ấy hỏi về Sám hối và Tha thứ; có người nhờ con làm Lễ sái tịnh v.v... (Cần
đào tạo và gìn giữ nhân sự để cống hiến; tổ chức các lớp khoá học bồi dưỡng Phật
pháp cho tuổi trẻ, đề xuất việc hoằng pháp cho tuổi trẻ Phật tử, quan tâm đến
tuổi trẻ nhiều hơn nữa).
4. Chưa Thể Hiện Cao Tinh Thần Và Sứ Mạng Tăng Đoàn Hoà Hợp, Hoằng Dương
Chánh Pháp Chung của Giáo Hội. Việc này cũng có nghĩa là sự rời rạc trong việc hoằng dương chánh pháp, phải chăng chúng ta nên giảm thiếu tối đa vấn
nạn ‘nhất sư nhất tự’ (Mỗi Thầy mỗi Chùa – Reduce the phenomena of One monk –
One Temple). Phải chăng một số ít quý Thầy Cô chạy theo việc xây chùa để an phận thay vì
tích cực hoằng dương chánh pháp cho giới trẻ?
Dạ, xin nhấn mạnh ý này cũng là theo quan niệm
nhiều người trong đó có tuổi trẻ. Phật giáo Việt Nam tại Hải
ngoại đã và đang thiếu nhân sự, nhưng vấn nạn này lại một ngày càng lan rộng.
Con đường xuất gia tu hành để giải thoát là lý tưởng cao cả, thoát ly sanh tử...
thế nhưng có số ít quý Chư Tăng Ni vẫn còn vướng vào việc ‘cơm-áo-gạo-tiền’ hay
có khuynh hướng an phận và chưa nghiêm túc với lý tưởng Xuất gia ban đầu là Tác Như Lai Sứ, Hành Như Lai Sự. Một
trong những lý do quý Thầy/Cô mong muốn có Chùa riêng là vì muốn có tự do, có đạo
tràng riêng để thực hành cho mình và đại chúng, nhưng chưa có nghĩ rốt ráo
trách nhiệm, bổn phận và tam giáo (thân, khẩu, ý) sâu và xa của một vị Trụ trì
thật sự. Sự dể dãi, tìm cách an phận, cộng với tinh thần làm đâu tính đó, lại
thêm sự ủng hộ tích cực từ giới Phật tử trong tinh thần tình làng nghĩa xóm (người
làng xã / cùng quê) đã làm tình huống không được tốt hơn. Nếu quý Thầy Cô muốn
có đạo tràng riêng, thì thực sự các đạo tràng đó đã bàng bạc khắp nơi, ở tại những
nhà tù, nhà thương, nơi dưỡng lão, v.v... mà không nhất thiết là phải có một đạo
tràng cho riêng mình để rồi bị chùn chân tại chỗ, và có thể làm Phật giáo ngày
càng yếu dần vì không thể phục vụ cho tuổi trẻ thuở ban đầu thành lập, đạo
tràng/chùa mới. Theo tinh thần Phật Đà là mình cho những gì mình có, nhưng có một
số ít quý Thầy Cô vẫn chưa có đầy đủ nội lực (nội điển cũng như Oai nghi tế hạnh)
và huấn luyện trường lớp để bước vào một cương vị Trụ trì.
5. Tăng
Sỹ Và Nhân Sự Phật Giáo Chưa Hội Nhập Vào Xã Hội Mới, từ Ngôn Ngữ, Văn Hoá,
Cách Sống và Làm Việc.
Để
hội nhập vào xã hội mới, ngôn ngữ là ưu tiên hàng đầu. Phải học và biết Anh ngữ
để tiếp xúc với tuổi trẻ, Tăng sĩ phải hoà đồng vào đất nước mình đang ở, cùng
đồng hành với người bản địa, phải có khả năng, bản lĩnh, trình độ, biết hai
ngôn ngữ để đem Giáo lý đến với các em, vì hầu hết tuổi trẻ thì không rành tiếng
Việt, và quý Thầy Cô thì không giỏi đủ tiếng Anh thì khoảng cách vẫn còn xa. Việc
đem Đạo vào đời thật sự là khó nhọc khi không có khả năng ngoại ngữ.
6. Chưa Đơn Giản Hoá Các Nghi Lễ
Xin
nhấn mạnh đây là cái nhìn của tuổi trẻ. Tuổi trẻ cho biết một số lễ nghi Phật
giáo rườm rà và có một vài sinh hoạt có tính cách mê tính dị đoan như xem xăm,
bói quẻ, coi tướng số, và một số hình thức tiêu cực không đi theo tinh thần Từ
Bi Trí Tuệ đúng nghĩa với Đạo Phật. Đành rằng là phương tiện giáo hoá, nhưng tuổi
trẻ vẫn nghĩ ở đó vẫn có tính cách mê tín dị đoan. (Xin được mở ngoặc, Trai Đàn
Chấn Tế, cúng thí thực, bạc độ cô hồn v.v... là những nghi lễ truyền thống
trong đạo Phật, mang tính từ bi không những cầu nguyện cho âm siêu dương thới
mà còn cho cả người sống và người mất. Tuy nhiên, có những người khác quan điểm
cho đây là mê tín dị đoan thì không phải).
Ngày nay, người Tây phương và giới trẻ đến với đạo Phật không phải qua con
đường nghi lễ, mà tìm đến với Đạo Phật là vì ở đó họ tìm thấy được sự an lạc và
lợi lạc ngay trong đời sống thường nhật của họ. Nhưng hình thức tín ngưỡng có
tính dân gian hoặc ảnh hưởng văn hoá làng xã, đôi khi dông dài, xen lẫn vào có
một vài sinh hoạt có đặc tính mê tín dị đoan (theo quan niệm giới trẻ) làm Phật
tử có thể có cái nhìn tiêu cực về đạo Phật, và các Phật tử trung niên có thể ngăn
cấm con cái của mình đến chùa tu học.
7. Chưa thay Đổi Quan Niệm “Trẻ Vui Nhà, Già Vui
Chùa”, (nên đổi thành “Trẻ Gần Chùa, Già Gần Phật”)
Quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui chùa” vẫn còn ăn sâu
trong tiềm thức của những người con Việt; thành ra cácđạo tràng tu tập, chủ yếu
phục vụ cho các ông già, bà lão. Thông thường, những cuối tuần đa số các chùa đều
có Lễ Cầu Siêu hoặc Cầu An, và có những buổi thuyết pháp, nhưng những bài giảng
xa rời thực tiễn đối với tuổi trẻ, lý thuyết giáo điều, dùng Hán Việt khó hiểu
và không có thuyết giảng bằng Anh ngữ cản trở đến khả năng tiếp nhận thông tin,
giáo lý Phật Đà.
Thực ra, Đạo Phật chỉ mong mỏi tất cả mọi người và nhất
là tuổi trẻ hành trì Năm nguyên tắc đạo đức (giới luật) cơ sở đó là:
Không sát sinh (Abstain from killing).
Không trộm cắp (Abstain from stealing).
Không tà dâm (Abstain from sexual misconduct).
Không nói dối (Abstain from false speech).
Không dùng các chất độc hại (Abstain from taking intoxicants).
Không sát sinh (Abstain from killing).
Không trộm cắp (Abstain from stealing).
Không tà dâm (Abstain from sexual misconduct).
Không nói dối (Abstain from false speech).
Không dùng các chất độc hại (Abstain from taking intoxicants).
Vì thế, Đạo Phật nên chủ động (Be Proactive). Giới trẻ mà
chúng tôi gặp trong tù ở Bang California, ai ai cũng phạm một trong năm nguyên
tắc đạo đức sống này. Vì thế, Đạo Phật cần có nhiều sân chơi lành mạnh để thu hút tuổi trẻ để họ có cơ hội “Trẻ gần
Chùa”, mà khi họ còn trẻ mà về Chùa thì chắc chắn khi “Già gần Phật” có lẽ là
thường tình.
8. Thiếu Sự Động Viên Hợp Tác Và Động Viên Của
Phụ Huynh. Mặt khác các bậc phụ huynh quá bận bịu với
công ăn việc làm, cũng ít khuyến khích con cái đến chùa tu học Phật Pháp. (Cần
phải có những chương trình hấp dẫn dành riêng cho giới trẻ vào dịp Spring Break
(nghỉ xuân), mùa hè, mùa Đông v.v...)
Phụ huynh chắc có lẽ là phải ‘bắt buộc’ con em mình đi sinh hoạt GĐPT,
Chùa, các hội đoàn v.v... vì các em còn nhỏ tinh thần ‘tự giác’ rất thấp nên
chúng ta phải làm gương cho các em. Quý vị cần phải gieo hạt mầm Phật pháp vào tâm thức của các em và sống cuộc đời hướng thiện. Cho nên sự hợp tác và động viên của quý phụ huynh rất ư quan trọng.
III. GIẢI PHÁP:
Thực ra, có rất nhiều nguyên nhân tại sao và giải pháp giải
quyết cho sự kiện này từ thiếu cơ cấu tổ chức đến thiếu tài chánh, v.v...,
nhưng 8 điều trên và dưới chỉ là sự tiêu biểu, và chúng con chỉ đưa 8 giải pháp
cụ thể ngắn hạn mà thôi (chưa nói đến những giải pháp dài hạn, như củng cố và nhữnng
nguồn/vốn phát triển—developmental Capital, cả hai lãnh vực nguồn nhân lực—human
capital—và nguồn tài chánh—financial capital, thành lập những cơ sở nuôi dưỡng
và un đúc những Tăng tài, cư sỹ giỏi v.v...). Phật giáo cần tạo những ‘sân chơi’
hay diễn đàn lành mạnh, hợp khế lý, khế cơ của tuổi trẻ và giáo huấn, un đúc và
hướng dẫn. Vì sao là 8 trên và 8 dưới, chúng con chỉ mong mỏi theo tinh thần
Bát Chánh Đạo. Tám giải pháp này có thể chia ra làm 3 phần.
1. Giải pháp qua quan điểm Đồng hành tích cực hoằng dương chánh pháp (Lead-by-example,
nurturing, sharing, and promoting BuddhaDharma)
2. Giải pháp qua quan điểm Nếp Sống – Đạo Phật như là một lối sống, không thuần
tuý chỉ là một tôn giáo (Buddhism as a way of life, not only religion)
3. Giải pháp qua quan điểm Giáo dục (Buddhism as an educational means).
Sau đây là 8 giải pháp khách quan cho khoá pháp đàm hôm nay.
1) Thể Hiện Sự Quan Tâm Và Tình Yêu Thương Qua Hành Động Cụ Thể Đến Với Giới
Trẻ.
Phật
pháp bất ly thế gian pháp. Vì thế Phật pháp phải đồng hành cùng thế gian, trước
hết phải tạo sự thân thiện và cảm thông giữa hai giới, giữachùa và Phật tử,
giữa quý Tăng sỹ và giới trẻ v.v… Ví dụ tháng 7 vừa qua, tổ chức GĐPT có hai
trại họp bạn toàn quốc, Trại Trần Nhân Tông khoảng 150 người, trại Hoa Lam có
khoảng 650 người, có bao nhiêu bóng dáng Chư Tôn Thiền Đức và hàng phụ huynh
tham dự hoặc ủng hộ tài chánh hoặc tinh thần. Tình thương yêu thì có đó, nhưng
sự quan tâm chưa thực hiện cụ thể đối với tuổi trẻ Phật Giáo. Vì thế xin được chia ra làm hai vế. Tăng Ni và cư sỹ phụ huynh.
a) Chư Tăng Ni: Những Tăng Ni lớn có thể
tự học hỏi Anh Văn, tạo điều kiện thuận lợi, dìu dắt và nâng đỡ cho Tăng Ni trẻ
đi học tới nơi tới chốn. Thể hiện tinh thần đồng hành bằng cách tự mình phấn
đấu học tiếng Anh ở những trường cho người lớn (Adult school), tham gia vào các
câu lạc bộ tập nói chuyện (Toastmaster club). (Câu lạc bộ Toastmaster ở đâu
cũng có trên thế giới, giúp chúng ta tập nói trước công chúng – to enhance
public speaking skills—bản thân chúng con được lợi lạc trong khi truyền đạo ở câu lạc bộ này).
b) Cư sỹ phụ
huynh: Mình cũng
làm những điều trên nếu mình còn yếu kém tiếng Anh. Bên cạnh đó tạo cơ hội cho
các em tiếp cận kiến thức Phật giáo bằng cách cho phép và khuyến tấn con em mình tham gia những sinh hoạt lành mạnh mà các tổ chức
Phật giáo đang làm như trại hè, các khoá tu dưỡng, Trại Tỉnh Thức, các khoá Tu dưỡng của Làng Mai, trại tu học của tổ chức GĐPT, các khoá tu dưỡng của BYA hay những khoá tu dưỡng mà người ngoại quốc
tổ chức—rất bài bản. Điều quý hơn nữa là quý vị cùng đồng hành cùng các em.
Thêm vào đó, Phụ huynh phải "bắt buộc" các em đi chùa từ tấm bé, thì số lượng tuổi trẻ đi chùa ngày càng đông. Ví dụ, hai đứa con trai của chúng tôi, thuở đầu không thích đi GĐPT và hay than phiền, nhưng về sau lại thích và ngày càng nhanh nhẹn ra. Quý vị phải gieo những chủng tử Phật pháp cho các em từ tấm bé. Ngoài ra, chịu khó lắng nghe từ các em vì các em hay tò mò, thắc mắc, và chia sẻ những điều mới lạ cũng như cần sự đùm bọc và hướng dẫn của quý huynh. Cho nên, nếu ngôn ngữ bất đồng, quý vị Phụ huynh cũng phải chịu khó học thêm tiếng Anh để dìu dắt và nâng đỡ chúng.
Thêm vào đó, Phụ huynh phải "bắt buộc" các em đi chùa từ tấm bé, thì số lượng tuổi trẻ đi chùa ngày càng đông. Ví dụ, hai đứa con trai của chúng tôi, thuở đầu không thích đi GĐPT và hay than phiền, nhưng về sau lại thích và ngày càng nhanh nhẹn ra. Quý vị phải gieo những chủng tử Phật pháp cho các em từ tấm bé. Ngoài ra, chịu khó lắng nghe từ các em vì các em hay tò mò, thắc mắc, và chia sẻ những điều mới lạ cũng như cần sự đùm bọc và hướng dẫn của quý huynh. Cho nên, nếu ngôn ngữ bất đồng, quý vị Phụ huynh cũng phải chịu khó học thêm tiếng Anh để dìu dắt và nâng đỡ chúng.
2) Ngôn Ngữ: Nhân sự (Tăng sỹ và cư sỹ) phải thông hiểu ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh để
hành đạo, hoà nhập vào xã hội mới và làm việc cùng với mọi người, nhất là đặt
trọng tâm vào tuổi trẻ.
3) Tuỳ Duyên Bất Biến - Các Chùa Và Đạo Tràng Nên Uyển Chuyển, Đa Dạng Và
Phổ Cập Giáo Lý Phật Đà Bằng Hai Ngôn Ngữ Anh Việt. Chúng ta phải giúp cho
tuổi trẻ có một niềm tin vững chắc. Những giáo lý cơ bản của Phật giáo như Nhân
Quả, Nghiệp Báo, Luân hồi, Tứ đế, Duyên khởi, Bát Chánh Đạo, Tứ Chánh Cần
v.v... cần phải dạy cho các em thông hiểu để có cái nhìn chân chính về nhân sinh
quan và vũ trụ quan của Phật giáo. Đây cũng là những giá trị đạo đức cốt lõi
trong mối quan hệ cuộc sống cá nhân với cộng đồng và xã hội. Ngoài ra, còn cần ứng
dụng khoa học công nghệ truyền thông, social media vào giảng dạy giáo lý– Cần
sinh động và hấp dẫn trong thời đại kỹ thuật @ như hiện nay.
4) Triển Khai Và Thực Hành Các Phương Pháp “Hiện Pháp Lạc Trú”- Chương
trình tu học cần liên tục cập nhật, cải tiến và thay đổi để đáp ứng những mong
muốn của giới trẻ. Những phương pháp “Hiện Pháp Lạc Trú” là những gì các em cần.
Chỉ cho các em những pháp môn tu tập cụ thể và thực tiễn, có hiệu quả để giúp
các em giải quyết những hụt hẫng, mâu thuẫn, tháo gỡ được những khủng hoảng với
cha mẹ, nội kết với anh chị em, bạn bè, hoặc các đồng nghiệp.
Nhữngphương pháp chánh niệm như tìm vềhơi thở, hành thiền,
yoga, sống đời sống chánh niệm, làm giảm căng thẳng trong thân và tâm, tập nhận
diện, ôm ấp và đối phó với cơn giận, sợ hãi, đau buồn, lo lắng, cô đơn, nghiện
ngập v.v...đều được dạy và thực hành cùng với tuổi trẻ. Mỗi khi tuổi trẻ cảm nhận
được sự an lạc hạnh phúc trong đời sống nội tâm, dù trong mọi nghịch cảnh nào,
nhờ sự tu tập tuổi trẻ sẽ có đủ khả năng, phương pháp đối phó và từ đó sẽ phát
khởi được lòng tin vững chắc nơi Tam Bảo.
5) Phật Giáo Là Triết Lý Sống, Lối Sống Đẹp. Tuổi trẻ cần phải thấy được
Đạo Phật không chỉ đơn thuần là một tôn giáo, mà còn là một triết lý sống, một lối
sống đẹp, lành mạnh, hữu ích cho chính bản thân mình ngay trong hiện tại và cả
tương lai—có liên quan đến cuộc sống của họ. Điều này giúp họ biết cách chấp nhận, trân quý và yêu thương những chung quanh, gia
đình cũng như những gì mình đang có và những gì mình không có.
6) Cần Hợp Tác Và Giúp Đỡ -- Tương Thân Tương Ái Với Các Tổ Chức Tuổi Trẻ Phật
Giáo. GĐPT, Wake-up Movement (Tăng Thân Làng Mai), Trại Tỉnh Thức, Bodhi
Youth of America (BYA), v.v... Các tổ chức này đều đặt mạnh Đức dục, Thể dục và
Trí dục và có hình thức sinh hoạtlinh động trong việc thu hút vàđưa giới trẻ đến
gần với chùa. Ví dụ, tổ chức GĐPT có đặc tính của một nền giáo dục mang tinh thần
Phật giáo, lấy Từ Bi – Trí Tuệ – Dũng Mãnh (Bi Trí Dũng) làm mục tiêu lấy Giới-Định-Tuệ
làm nền tảng và định hướng đi của mình.
- Về Đức dục (Giáo dục đạo đức): Hiện nay tệ nạn xã hội ngày càng tăng và Phật
giáo như là cái phao cứu rổi cho nhiều chính quyền và xã hội. Những giáo lý căn
bản Nhân Quả Nghiệp Báo, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Tứ Niệm Xứ như là kim chỉ
nam cho giới trẻ sống đời ít khổ đau cho chính mình, gia đình và xã hội.
- Về Thể dục (Giáo dục để có thân thể cường tráng) – cần có những trại lành mạnh
như Trại tỉnh thức, Trại họp bạn, Trại Dũng, trại Hạnh, trại hè... trong tinh
thần vừa vui vừa học.
- Về Trí Dục (Giáo dục về trí tuệ và sự hiểu biết) – Cần có thêm những trại
tu học, hội thảo hằng năm, những khoá tu dưỡng, v.v...
Cần những enrichment
program mà nuôi dưỡng năng khiếu của các em như âm nhạc, hội hoạ, thủ công, thể
dục thể thao, v.v... những việc này có thể thu hút thêm giới trẻ đến chùa.
7). Đơn Giản Và Làm Thích Nghi Hơn Trong Nghi Thức Tụng Niệm Thông Thường.
Các buổi lễ Phật giáo, thậm chí ngay cả GĐPT, có nhiều nghi
thức dông dài và chỉ có tiếng Việt. Các khóa lễ cần được gọn gàng và đa dạng hơn, nên có phần ngồi
Thiền, xen kẽ những bài nhạc, kinh hành, pháp đàm, thiền trà v.v…để tạo sự linh
động, không khí trẻ trung vui vẻ mà không mất phần trang nghiêm và thanh tịnh. Nếu được, nghi thức thông thường xin làm bằng hai ngôn ngữ để các em hiểu.
8) Hãy Lãnh Đạo Bằng Tam Giáo (Thân Giáo, Khẩu Giáo, Và Ý
Giáo) –
Trong ba Pháp bảo, Phật, Pháp và Tăng. Tăng Bảo là cần
phát triển nhiều nhất. Giới trẻ cần nhiều vị Thầy khả kính, oai nghi tế hạnh, đầy
đủ tam giáo. Giới trẻ sẽ dễ dàng bắt chước người lớn, dễ bị pressure, cuốn hút,
và dễ bị ảnh hưởng. Họ tiếp nhận thân
giáo rất nhanh. Tuổi trẻ vốn năng động, sẵn sàng lăn xả vào đời, nhưng cần sự đồng
hành và những tấm gương sáng soi đường chỉ lối. Quý Thầy Cô hay cư sỹ có thái độ,
an toàn, gần gủi, vui vẻ biết chia sẻ và vỗ về với giới trẻ thì thu hút các em
rất mau. Đó chỉ là thân giáo, còn khẩu và ý giáo nữa. Nói chung, Tam giáo là
hình ảnh đẹp là chìa khoá thành công và chỗ dựa tinh thần cho giới trẻ. Tuổi trẻ
sẽ tin cậy vào Pháp bảo thứ Ba là Tăng bảo. Từ đó, con đường trước mặt chúng
đang đi là xây dựng những chiếc cầu đã gãy hoặc xiêu vẹo; định hướng của chúng
ta (người Phật tử Xuất gia và tại gia) cùng đồng hành là tiến gần đến bờ Giác,
giải thoát của đấng Như Lai.
Nói tóm
lại, trong hạn hẹp của khoá pháp luận này, thời gian không cho phép chúng ta
triển khai đầy đủ, chi tiết và mạch lạc. Tuy nhiên 8 nguyên nhân và 8 giải pháp
tiêu biểu trên hy vọng là tiếng chuông nhẹ ngân cho hiện trạng tuổi trẻ Phật
Giáo Việt Nam tại Bắc Mỹ ít đến Chùa. Khi tìm đến chùa, tuổi trẻ Phật tử muốn
có những lợi ích cụ thể như có nơi nương tựa trong có môi trường thanh tịnh,
giảm căng thẳng, học cách ứng xử trong đời sống hằng ngày, học hiểu và thương, học
cách bớt sầu muộn và sân hận v.v…, nên chúng ta cần phải tìm hiểu tuổi trẻ cần
và muốn gì để việc cung và cầu có hiệu quả hơn. Đồng thời, xin quý Ngài hãy
quan tâm, dìu dắt, hiểu và cảm thông để tuổi trẻ ngày càng lớn mạnh.
Chúng
con hy vọng quý Ngài trong chức sắc, quý hội đoàn giáo dục cần quan tâm hơn cho
tuổi trẻ, thế hệ kế thừa. Một lần nữa, nếu có những vụng về trong lúc thẳng
thắn góp ý, chúng con mong quý Ngài, Đại Tăng và đại chúng hoan hỷ cho.
Nam Mô
Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát.
Tâm Thường Định
Tài liệu tham khảo /
References:
1.
Bach, P. X.
(2014). Mindful Leadership–A Phenomenological Study of Vietnamese Buddhist
Monks in America with Respect to their Spiritual Leadership Roles and
Contributions to Society (Doctoral dissertation, Drexel University).
2. Harvey, Peter (2013). An Introduction
to Buddhism: Teachings, History and Practices (2nd ed.). Cambridge, UK:
Cambridge University Press. p. 5. ISBN 9780521676748. Retrieved 2 September
2013.
3. Johnson, Todd M.; Grim, Brian J. (2013). The World's Religions in Figures: An Introduction to International
Religious Demography (PDF). Hoboken, NJ: Wiley-Blackwell. pp. 34–37.
Retrieved 2 September 2013.
4. Pew Research Center, Global Religious
Landscape: Buddhists.
5.
Thích Hạnh Viên, Suy Nghĩ Về Hướng Giáo Dục Đạo Phật Cho Tuổi Trẻ. Personal
communication. 31 July 2015.
6.
Wikipedia.com, Buddhism by
country.
Retrieved 28 July 2015. https://en.wikipedia.org/wiki/Buddhism_by_country
No comments:
Post a Comment