Showing posts with label tuỳ bút. Show all posts
Showing posts with label tuỳ bút. Show all posts

Wednesday, March 8, 2017

TUỲ BÚT - BA HAY ĐỔ RÁC


TUỲ BÚT - BA HAY ĐỔ RÁC
Sáng nay, mặt trời chưa ló dạng và những tiếng chim vẫn ríu rít ngoài sân. Như thường lệ tôi ra bàn thờ Mẹ nhìn hình người, xá Mẹ, xá Phật và Ông Bà tổ tiên, rồi vào phòng của Ba trông nôm giấc ngủ và đo máu tiểu đường. Hôm nay Ba ngủ ngon, nhưng vẫn đánh thức người để đo máu. Đường trong máu lại xuống chỉ còn 57mM, tôi vội lo cho Ba ăn uống xong và vào bàn làm việc. Mở điện thư ra, có nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du chia sẻ một bài thơ lạ của thi sĩ Ngu Yên, bài thơ Âm Thầm Đổ Rác Trùng Ngày Sinh Nhật có đoạn cuối như sau:
...Sáng nay thứ năm, kéo thùng rác ra đường, đi vào tay không.
Sống chỉ cần không khí, những thứ khác, càng ít càng tốt.
Ông ấy ăn ít, một mình, làm gì có rác.
Kéo thùng không.
Chiều nay thứ năm, kéo thùng vào, sau khi đổ hết rác trong óc.


Đúng là một bài thơ đầy tư tưởng, mà lạ. Bồng bềnh. Như nhà thơ Nguyên Lương nhận xét: “Thơ của Ngu Yên thả vào không gian, không tiếng dội lại. Cứ thế bay bay, cứ thế bồng bềnh. Rồi một hôm thơ trở về lại với chính chủ, như chiếc diều khi không còn gió. Ngày hôm sau, gió lên, thơ của Ngu Yên lại bay bổng, bềnh bồng.”

Có lẽ cái bồng bềnh đó là 5 chữ cuối, “đổ hết rác trong óc” vì hơn ai hết tất cả chúng ta cũng cần đổ rác rưởi trong mình.  Chợt nhận ra là ông Cụ thân sinh ngày nào cũng làm việc ‘đổ rác’ này, mà trong cuộc đời này ai cũng tự đổ rác của chính mình thì hay biết mấy. Ông Cụ thân sinh đã và đang làm như vậy. Nhìn Ba ngày càng già mà vẫn hằng ngày đổ rác trong 'tâm'; Ôi đó cũng là bài học thân giáo quý báu cho mình. Ba ngồi thiền hoặc niệm Phật mỗi sáng, chỉ khi nào đường trong máu xuống thấp hay đau ốm, thì Ba mới nghỉ ngơi.
Mỗi ngày thấy Ba
Thảnh thơi niệm Phật
Tịnh cõi Ta Bà.

Every day seeing our Daddy
Leisurely, chanting and meditating
Purifying the earthy realm.


Mấy ngày nay, đường xuống thấp nên tôi thường thức sớm trông nôm Ba. Từ khi Ba vào bệnh viện trước Tết, Ba lại càng muốn về thăm quê, tôi nghiệm ra rằng: Quê hương là những gì thiêng liêng lắm, mà Ba luôn ấp ủ muốn qua về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn--trở về với nguồn cội tổ tông. Và Ba cũng mong mỏi con cháu như thế. Từ đó, chúng tôi hiểu rằng trong cuộc đời này:


Giữa đến và đi
Thấy ta hạt bụi
Tan vào hư vô.


Between coming and going
Realizing we are a powder of dirt
Dissolving in the immense emptiness.


Cái còn lại là mình đang làm gì trong cuộc đời này, giữa khoảng thời gian còn lại cho mình, cho người, và cho tha nhân cũng như cho quê hương, dân tộc, và giống nòi?


Tâm Thường Định



Friday, September 4, 2015

ĐEM CHÁNH NIỆM VÀ TÌNH THƯƠNG VÀO NHÀ TÙ TIỂU BANG CALIFORNIA


Nhà tù Folsom State Prison - ảnh từ CDCR on internet
NHẬT KÝ GIÁO DƯỠNG TUỔI TRẺ -

ĐEM CHÁNH NIỆM VÀ TÌNH THƯƠNG VÀO NHÀ TÙ TIỂU BANG CALIFORNIA



            Từ xa lộ cao tốc I-80 hướng về El Dorado Hill, chúng tôi rẽ trái trên Folsom Blvd, xuyên qua phố thị lẻ loi. Gần bờ hồ Folsom, một nhà tù rất lớn nằm dưới thung lũng của những ngọn đồi đẹp bao bọc, hàng trăm cây sồi California native oaks hiện ra thật vững chải nhưng buồn tẻ. Thỉnh thoảng chúng tôi thấy những đàn gà Tây và những chú nai ngơ ngác bước nhẹ trên đồi. Cảnh trí bên ngoài ở đây thật bình yên đến vắng lặng.
Thế đấy mà đã hơn 4 năm rồi, chúng tôi vào tù để đem thông điệp chánh niệm và từ bi để chia sẻ cho những tù nhân, trong đó có những vị đồng hương Việt Nam, đa số là còn trẻ. Chúng tôi là những thiện nguyện viên của Buddhist Pathway Sangha (BP3) vào nhà tù an ninh tối đa Folsom State Prison (B-yard) của tiểu bang California.
Xin mở ngoặc, nhà tù Folsom State Prison, viết tắc là FSP, mở cửa vào năm 1880, là nhà tù an ninh tối đa maximum security prison, lớn thứ hai và lâu đời nhất trong tiểu bang, sau khi nhà tù SanQuentin. Nhà tù FSP nằm ở thành phố Folsom, CA, khoảng 20 dặm (30 km) về phía Đông Bắc của thủ phủ Sacramento. Nhà tù FSP khá nổi tiếng bởi vì nhạc sĩ Mỹ nổi tiếng Johnny Cash đã thu album live và năm 1968. Theo trang nhà California Department of Corrections and Rehabilitation (Sở Cải Huấn và Phục Hồi Chức Năng California,  http://www.cdcr.ca.gov/Facilities_Locator/FSP-Institution_Stats.html), theo thống kê năm 2013-2014, nhà tù FSP có 3023 tù nhân nam và có 307 tù nhân nữ (bị nhốt riêng ở nhà tù trong khu vực khác), tổng cộng là 3330 tù nhân và có 1058 nhân viên làm việc (Custody Staff: 562, Support Staff: 301, Healthcare Staff: 195. Annual Operating Budget, $130 million), không tính những người thiện nguyện viên như chúng tôi; và tốn 130 triệu Mỹ kim mỗi năm để hoạt động. Nghĩa là có 1 người chăm sóc 3 người tù nhân, trong khi đó chúng tôi là giáo viên trung học, 1 người phải chăm lo đến 165 học sinh mỗi ngày.  Với giá 130 triệu mỗi năm, để giữ 3330 tù nhân thì tốn đến $39,039 cho mỗi tù nhân, mỗi năm. Trong khi đó, theo thống kê ở tiểu bang California (http://www.governing.com/gov-data/education-data/state-education-spending-per-pupil-data.html), mỗi năm chỉ chi có $9,220 cho mỗi học sinh ở trường học công cộng, K-12 public school.
Từ năm 1997, dưới sự lãnh đạo và thiện nguyện tận tình của Bà Diane Wilde, Buddhist Pathway Sangha (BP3), một tổ chức bất vụ lợi, đưa những tình nguyện viên vào tù để mang triết lý Phật giáo, nghi lễ, đem phong trào chánh niệm và hướng dẫn thiền định cho các tù nhân đang ở trong những trại tù tiểu bang California. Đến nay, BP3 đã đưa chương trình này đến với 17 nhà tù lớn nhỏ ở tiểu bang California, từ sa mc high desert đến thị thành Sierra Conservation Center. Triết lý Phật giáo nhấn mạnh vào hành vi đạo đức và thực hành thiền định để có cái nhìn sâu sắc mà phát sanh lòng từ.  Thực tế là nhiều tù nhân có quá nhiều khổ đau của chính mình và đã gây đau khổ cho người khác. Thêm vào đó, những người tù nhân này đang sống trong một môi trường rất phức tạp, bạo động và đôi khi vô vọng. Nên chương trình này thành lập nhằm cung cấp cho các tù nhân phương tiện cần thiết, công cụ, tài nguyên và kỹ năng sống hầu thay đổi cuộc sống của họ khi còn bị giam giữ hoặc khi được thả ra.
            Khi vào tù làm thiện nguyện, thì chúng tôi thường đi chung, 2 hoặc 3 người vì những thủ tục rườm ra và an toàn cho mình. Trước khi vào đó, chúng tôi phải đi học về hệ thống nhà tù, các nhóm băng đảng, kiểm tra sức khoẻ, làm hồ sơ không bị phạm tội, chính ngừa ho lao, v.v… Chúng tôi phải lái xe gần 40 phút, rồi đậu xe và đến cổng để trình trước khi vào bên trong, những người canh tù bắt chúng tôi phải ghi tên và ngày giờ vào mới có lý do chánh đáng.  Chỉ có những người có trách nhiệm và nhân viên mới vào được cổng này. Tất cả mọi xe cộ và người ra vào đều phải được kiểm tra.  Sau đó, chúng tôi đến Sally Port, nơi có hai hàng lớp kẽm gai, chính giữa là luồng điện sống.  Trên tháp canh giác tù (observation tower) có những nhân viên an ninh vạm vỡ đang canh chừng với súng đạn và nhiều máy ghi hình (camera) bao vây. Cá nhân tôi đã thuộc lòng lời dặn của tiến sỹ Gus Koehler, người bạn Phật giáo cùng lý tưởng, dặn dò tôi vào tối đầu tiên là không bao giờ chạy trong bất cứ mọi hoàn cảnh khi ở bên trong nhà tù vì “khi chạy có thể mình bị bắn”.
            Mỗi khi vào, chúng tôi sắp đặt bàn thờ Phật, tụng kinh, tập yoga, ngồi thiền, và chia sẻ Phật pháp. Sau đó hồi hướng và tiễn đưa. Đã mấy năm rồi, vào ra nhà tù một cách thong dong tự tại như thế bỗng dưng lại thấy ‘bị nghiền’. Bận quá không vào chia sẻ thì tù nhân đợi chờ. Bên trong, những tù nhân cũng gọi mình là nhóm học Phật, tăng thân (Sangha) mỗi khi vào thì năng lượng tu học của mình lại có thêm. Đó là những cảm giác êm đềm, an nhiên và tự tại mà chúng tôi đã viết lần đầu tiên vào ra cửa tù FSP.

VÀO RA TỰ TẠI

Vào tù ra khám trong tự tại
Cảm giác nào thoải mái như vầy
Niềm an lạc giữa nơi tù tội
Hạt bồ đề đạo pháp nhiệm mầu

Những tử tội một lần dại dột
Nay ngồi tù hối hận trong lòng
Về cửa Phật tĩnh tâm thiền định
Gieo hạt lành ngay giữa long đong

Tối nay trong khám nhiều lợi lạc
Người canh tù cũng được bình yên
Kẻ tử tội tìm về bến giác
Bốn vách tường.  Độc Lập. Tự Do.

Tối nay ra khám bao vẻ đẹp
Con nai vàng ngơ ngác nhìn tôi
Vầng trăng sáng im lìm ngỏ hẹp
Nghe thênh thanh một lối đi về

Folsom State Prison, CA.

November, 2011.


IN and Out at Will
        To Gus, Jeff and Joette

I am in and out of the maximum-security state prison at will
What a release…
A comfortable feeling.
Finding peace, even bliss in this violent prison place
Even here Dharma seeds are sown
It is a miracle
The criminal elements, once foolish
Now show remorse and regret inside the prison
They come to the Buddha's door and join the meditation retreat,
Personally sowing their own fresh Dharma seed in the middle of stagnancy and uncertainty.
Tonight I see many benefits for the inmates
Even the prison guards are peaceful
The criminals look for ways to be transformed by finding
In the Chapel of cement cold walls true independence and freedom.
Tonight I came out of jail and found how beautiful things really are
The golden deer look at me bewildered
The crescent, Dormant, moon light is sparkling the night.
I listen to my footsteps on an immense footpath going home.

Folsom State Prison, CA.
November 2011.

            Hình ảnh và sự biểu hiện lợi lạc của những tù nhân cũng như người tiếp cận là động cơ để mình tiếp tục vào tù để chia sẻ mặc dù bận bịu với công ăn việc làm và đời sống hằng ngày. Đáng lý ra, chúng tôi sẽ không viết những loạt bài này, nhưng có những lời góp ý hữu lý từ những người anh khả kính, khuyên rằng chúng ta giúp những người trong tù thì tốt nhưng giúp những người ở ngoài tù thì càng tốt hơn.
Nói tóm lại, mặc dù tiểu bang California (CDCR - Sở Cải Huấn và Phục Hồi Chức Năng California) đã tốn rất nhiều tiền và nhân sự để cai quản tù, nhưng cuộc sống của tù nhân rất đơn lẻ, buồn tủi, phức tạp, bạo động và đôi khi là vô vọng, nên chúng tôi hy vọng là chúng ta hãy làm mọi cách để thiểu giảm (từ thuở ban đầu) đưa con người vào tù, nhất là con em Việt Nam của chúng ta.  Chúng tôi cũng hy vọng sẽ có thêm nhân sự để vào tù hầu trao truyền thông điệp tỉnh thức của đấng Như Lai, giúp đời bớt khổ. Nếu quý độc giả, muốn biết thêm chi tiết, xin thăm trang nhà http://www.buddhistpathways.org/ hoặc liên lạc với chúng tôi ở trang nhà www.phebach.com.

Bạch X. Phẻ
Sacramento, ngày sinh nhật chị Sáu.


Sunday, May 3, 2015

MẮT BIẾC TRONG THƠ TUỆ SỸ


Thầy Tuệ Sỹ - Tranh Đỗ Trung Quân
                    MẮT BIẾC TRONG THƠ TUỆ SỸ
      Thầy Tuệ Sỹ là một vị danh Tăng, một thạch trụ già lam, vị tu sĩ uyên bác mà cả hàng triệu người trên thế giới biết đến. Hồn thơ và sắc thái của Tuệ Sỹ vốn thanh tao và giải thoát, vốn lai láng và cao siêu—đã và đang làm nhiều người say mê, học hỏi và thả hồn mình trong nguồn suối từ miên viễn này.
       Khi đọc thơ Tuệ Sỹ, chúng ta có thể cảm nhận được sự hoàn mỹ và siêu việt của văn chương Việt Nam, ở đó là một bể học vô tận và sự đắc đạo của Người. Thơ Tuệ Sỹ tao nhã, giải thoát, và đầy chất liệu Bi-Trí-Dũng. Thơ ông có khi oai hùng, có khi ngậm ngùi, có khi lãng mạn, nhưng điểm chung là có cả niềm tin yêu, ước mơ và hy vọng. Cõi thơ Tuệ Sỹ thuộc loại độc nhất vô nhị, rất lạ thường, nhiều tư tưởng, thi ảnh (imagery), đầy thiền quán, và sâu thăm thẳm. Cõi bất nhị ấy, chúng ta chỉ có thể cảm nhận bằng tâm khảm, bằng tấm lòng trong sáng của mình; chúng tôi chưa có đủ khả năng bình luận, và ở đây xin mạn phép nhắc đến hai từ rất đẹp trong thơ Tuệ Sỹ mà thôi. Đó là hai từ Mắt biếc trong bài Một Thoáng Chiêm Bao: 
                Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
                Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao
                Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
                Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao
                                         (Rừng Vạn Giã 1976)
            Nhà văn Vĩnh Hảo đã nói về bài thơ này rất chi tiết và tuyệt vời (xin mời xem ở đây - http://www.vinhhao.info/Doctho/t/tuesy.htm).  Tôi cố tìm cái nghĩa ẩn dụ của từ “Mắt Biếc” trong thơ Tuệ Sỹ thì tìm thấy nhà thơ Tâm Nhiên cũng đã hỏi, “…Thế thì, tuyệt cùng ẩn ngữ thi ca Tuệ Sỹ là gì? Làm sao chỉ ra được, khi ngôn ngữ cứ lấp lánh ẩn hiện trong ánh sáng phát ra từ tâm cảm thâm trầm? Có ai nắm giữ được những tiếng dương cầm âm thanh thánh thót, phiêu diêu, dịu dàng vang ngân bất tận từ giữa lòng bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa?”
            Hỏi và trả lời của thi nhân Tâm Nhiên như thế thì quá tuyệt về lối ẩn ngữ của Tuệ Sỹ, vì thế chúng ta chỉ có sự lãnh hội và cảm nhận của mỗi cá nhân mà thôi. Nhưng để sự cảm nhận đó được trọn vẹn, nhất là đối với giới trẻ đang sống ở xứ người như chúng tôi, bài thơ cần được dịch ra tiếng Anh; nên chúng tôi cố gắng dịch bài này.Thiết nghĩ, nếu nói đến Mắt Biếc là nói đến nét đẹp ngây thơ (innocent), xinh xắn và đầy niềm hy vọng. Có lần tôi định dịch từ “Mắt Biếc” là mắt xanh (blue eyes), chỉ cho phái nữ và để có sự tương phản trong màu sắc, con cò ‘trắng’, nhưng thực ra trong văn học Việt Nam, từ "Mắt Biếc" hàm ý trẻ đẹp và sâu thẳm. Một vị Thầy dạy ngôn ngữ học, Giáo sư Nguyễn Văn Thái cũng nói như thế. Ông chia sẻ và tâm sự trong thâm tình,
…(Hãy) diễn tả từ "biếc" qua từ "deep" vì trong văn hóa và chủng tộc Á đông không bao giờ có "blue" eyes, và trong văn chương tiếng Việt từ "mắt biếc" hàm ý đẹp và sâu thẳm, chứ không phải là màu xanh. Từ "white" là trắng, nhưng anh nghĩ từ "trắng" ở đây mang một ý nghĩa thâm thúy hơn là sắc trắng. "Cò trắng" ở đây chuyên chở cái ý (connotation) được mang theo từ câu giới thiệu "mắt biếc ngây thơ", nghĩa là cái "trắng" trong hàm ý "untouched, unsullied". Quan trọng trong thơ là cách chọn từ (diction) có thể tạo "imagery" (thi ảnh) chứ không bộc bạch, làm mất cái đẹp và ý nghĩa của thơ: mình không nói "trắng" (trong tiếng Anh) mà hiểu là trắng, cái trắng tinh tuyền không bị vẫn đục (virginal = unsullied, untouched), cũng như khi nói "trắng" (trong tiếng Việt) mà không hiểu là trắng mà hiểu là "trinh nguyên" (virginal). Và sau cùng hai vế của câu thơ cuối không thể là nguyên nhân (cause) và hậu quả (effect) được, mà vế nói về "yêu" phải là nội tại trong thời gian (temporally internal) của vế nói về "giấc mơ", nên phải dùng từ "In" thay vì "because of" mặc dù con chữ tiếng Việt là "vì" (because).
Đó là những ý nghĩ của anh, nhưng thưởng thức thi ca là một tiếp nhận cá biệt và dịch thơ đòi hỏi phản ánh hàm ý (connotations) chứ không thể dùng bề mặt của con chữ (denotations) được. Sự tiếp nhận cá biệt là tích tụ của văn hóa và của kinh nghiệm cá nhân nên mỗi người hiểu một bài thơ rất khác nhau, ngoại trừ loại thơ chỉ dùng bề mặt của con chữ và trong trường hợp này thì không phải là thơ nữa. Do đó anh chỉ trình bày sự tiếp nhận của anh, và dĩ nhiên là những từ em muốn thay đổi không có gì là không đúng, nhưng theo ý anh thì em chỉ phản ánh denotations. Anh lấy một ví dụ: "người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn" đâu phải là những người có đôi mắt biếc mà là "Em có đôi mắt biếc..." nhưng nếu dùng từ "em" thì thô lỗ đối với một thi sĩ tao nhã (có lẽ là một bậc thiền sư), nhưng hàm ý vẫn là "em".
            Chúng tôi đồng tình cùng Giáo sư Nguyễn Văn Thái, nhưng chỉ thêm vào đây--chữ Người hay chữ ‘Em’ trong thơ Tuệ Sỹ--có thể là biểu tượng của cái hay, cái đẹp, rất Chân-Thiện-Mỹ và có lẽ là tiểu tượng cho cả một kiếp nhân sinh, một dân tộc, hay những gì tốt đẹp nhất dành cho tha nhân. Sự giải thích và chữ nghĩa của Giáo sư thật quý phái và trong sáng, nên cuối cùng chúng tôi đúc kết bài này qua phần tiếng Anh như sau:
                  Fleeting Glimpse of a Dream
Your deep innocent eyes on that day of gala
And your graceful smiling lips dim the dazzling rays of the sun
Incarnating the virginal heron in the midst of the endless verdant prairie
In the fleeting glimpse of a dream, I’m in love with thee.
                                            Vạn Giã Forest, 1976.
Poem by Thích Tuệ Sỹ / Thơ Tuệ Sỹ
Translated by / Dịch bởi Bạch X. Phẻ
Edited by / Hiệu đính bởi GS. Nguyễn Văn Thái

            Chỉ hai từ Mắt Biếc thôi, chúng ta thấy được cõi Chân-Thiện-Mỹ, niềm ước mơ, tương lai và hy vọng cho cả một dân tộc Việt Nam. Chỉ một bài thơ thôi mà chúng ta thấy được cả nỗi niềm, hoài niệm, quán tưởng của tác giả (cũng như nhiều người), chúng ta lãnh hội được sự thăng trầm của quê hương tổ quốc. Nhưng trên hết là chúng ta đã thấy được ở Thầy trí tuệ viên thông trong chốn thiền môn vô tịch.
            Nói tóm lại, ngôn ngữ thi ca của Tuệ Sỹ trong s
áng, tao nhã, sâu sắc chứa đựng nhiều ẩn dụ và biểu tượng. Sự suy diễn và lãnh hội hay cảm nhận của mỗi cá nhân tuỳ thuộc vào khế cơ, sự tu học, hành trì và kinh nghiệm sống của mỗi chúng ta. Thơ Tuệ Sỹ chỉ có ông mới Rõ-ràng-Thường-Biết, còn chúng ta thì xin hãy bước vào cõi thơ của Ông thật nhè nhàng, thanh thản với tấm lòng và trái tim rộng mở. Thì ở đó chúng ta mới thấy được Áng mây trắng thong dong trên bầu trời hay Bóng nhạn lướt qua dòng sông của Thầy. 
Tâm Thường Định
Tham khảo:
1. Hương Tích Phật Việt – Giấc Mơ Trường Sơn (2014).
2. Tâm Nhiên - Tuệ Sỹ Trên Ngõ Về Im Lặng – tải xuống ngày 23 tháng 4, 2015. http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=18625
3. Vĩnh Hảo – Đọc Thợ Tuệ Sỹ – tải xuống ngày 22 tháng 4, 2015. http://www.vinhhao.info/Doctho/t/tuesy.htm