|
Book cover is designed by Uyên Nguyên |
THAY LỜI BẠT
Tâm Tình Của Một Người Con
Hai chúng tôi sinh ta từ hai vùng quê nghèo khổ nhất của Quận
Tuy Phước, Tỉnh Bình Định, miền Trung. Phẻ lớn lên ở vùng biển, cực Đông, xã Phước
Lý. Tôi sinh ra ở vùng núi, cực Tây, xã Phước Thành. Tuổi hai chúng tôi cách
nhau gần 2 con giáp, lưu lạc và tình cờ gặp nhau ở xứ người. Cả hai đều có những
điểm chung: theo đạo Phật, học khoa học, thích thơ văn thi phú, thích giao du với
bằng hữu, và nhất là rất quan tâm đến tình hình và nên giáo dục ở quê nhà. Phẻ
làm nghề giáo, cái nghề mà tôi đã chọn nhưng không theo được từ những năm còn ở
Việt Nam. Tôi làm việc nghiên cứu khoa học. May mắn nhờ có nhiều cơ hội ở xứ người,
cả hai được đi trọn con đường học vấn, thì giờ rảnh chúng tôi nói chuyện thơ văn.
Phẻ viết rất khỏe, viết văn, làm thơ, nghị luận cả tiếng Việt, tiếng Anh. Tôi
thì lười hơn, chỉ thích đọc thơ văn bằng hữu. Đấy là lý do tôi xin phép Phẻ để được
viết những lời tâm tình này cho tuyển tâp Tưởng Niệm và Tri Ân, với một mục đích
duy nhất: tôi muốn khen em một lời.
Tôi không khen em ở văn tài, vì trong toàn tuyển tập, không
thấy bóng dáng của những câu chữ bóng bẩy, sử dụng những điển tích khó hiểu hay
nói bóng gió để đánh đố người đọc. Phẻ lại càng cố gắng không viết theo đúng một
thể loại nào, thích gì viết nấy, nghĩ sao viết vậy, viết như hơi thở, như bước đi,
như đang tâm tình, như đang kể chuyện. Phẻ kể chuyện nhà, chuyện nước. Em quan
tâm đến những người tù lương tâm, những người dân cùng khổ, những cảnh sai trái
bất công, tương lai mịt mù bao trùm thế hệ trẻ quê nhà, và trong văn phong đậm
chất thật thà, không trau chuốt đấy, Phẻ đã làm cho người đọc rơi nước mắt. Phẻ
viết không phải để khoe, hay để che. Em bộc bạch viết như để thay cho lời nói.
Tôi cũng không khen em ở cách hư cấu câu chuyện để mua vui,
vì em kể chuyện thật, câu chuyện nhà, những câu chuyện lần đầu em đưa lên trang
sách cho mọi người xem: gia đình em là thế đấy, con người em là thế đấy, bạn bè
em là thế đấy... tất cả là một tấm lòng giải bày thật trong sáng mà không cần đánh
bóng.
Em không là nhà văn, lại không là một thi sĩ. Viết với em là
kể chuyện bằng con chữ, gởi gắm những tâm tình cô đọng, trong sâu thẳm Phẻ muốn
nói, nhưng không nói được bằng lời, hay ghi lại những lời nói ấy để cho người ở
xa không nghe mà biết, không nhìn mà thấy, không chứng kiến mà hiểu hết, vì em
không dấu điều gì.
Qua tuyển tập Tưởng Niệm và Tri Ân này, tôi muốn khen em: Em
đã làm đúng bổn phận của một người con: con của đất nước, con của gia đình và
con của Nhà Phật. Em đã đóng trọn vai người sĩ phu thời đại qua tâm tình và mơ ước.
Bút thay cho đao kiếm, câu văn thay cho súng đạn, em kêu gọi bao dung lượng thứ,
em đòi công lý bình đẳng cho mọi người. Em muốn dùng lời dạy của Phật Tổ để cảm
hóa con người, con người đang đắm chìm trong bể khổ của tham, sân, si và ngụp lặn
trong thế giới ta bà, hỗn mang đầy tội lỗi. Với lý tưởng thanh cao, trong sáng,
Phẻ luôn tìm những giải pháp đẹp nhất cho mọi tình huống, mọi vấn đề. Vấn đề nào,
khó khăn mấy, nếu ta có lòng, có tâm, có tài là đều có thể giải quyết được hết
một cách tốt đẹp.
Phẻ trân qúi tình bằng hữu, những cái duyên gặp gỡ ngoài đời
hay trong thơ văn. Phẻ đến với mọi người bằng tấm lòng bao dung, rộng mở. Luôn
tìm tòi, khám phá để trau dồi học hỏi cho dù em đã là một thầy giáo giỏi. Em vẫn
tiếp tục học cho dù việc học ở trường đã đi đến đích. Học với Phẻ không phải chỉ
để biết cái mới mà học để bổ túc cho cái cũ, để nhìn thấu vào chân trời xa dù
chân trời mọi ngày ta vẫn nhìn thấy. Học để nhìn người, để thấy mình rõ hơn. Học,
chỉ vì Phẻ ham học, ham đọc, vì đời là ngôi trường không bao giờ đóng cữa, thế
thôi!
Chân trời ấy tưởng đã khép lại khi cậu bé ham học năm 12 tuổi
không được cắp sách đến trường phổ thông cơ sở địa phương. Rồi may mắn đến với
gia đình, năm 15 tuổi, Phẻ cùng gia đình được đến vùng đất tự do, và con chim đã
vỗ cánh đại bàng, tung bay, bay vút lên cao. Nếu năm ấy không được ra đi, không
biết giờ này nơi vùng biển nghèo khó đó, người thanh niên 38 tuổi đang làm gì
nhỉ? Chắc ngày qua ngày, nhìn những cánh buồm lướt sóng, những chiếc ghe máy đánh
cá ngược xuôi, Phẻ có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến giảng đường đại học, những
trung tâm nghiên cứu... ở bên kia bờ Thái Bình Dương, vùng đất hứa cho những người
có chí, chịu khó, đem hết nổ lực, lợi dụng hết những cơ hội để đi đến đích và được
thành danh. Phẻ dành hết những thành qủa đó cho gia đình, cho công ơn của Mẹ,
Cha, của gia đình vợ và người đàn bà đã sát cánh bên cạnh qua bao khó nhọc để
em đạt được những mơ ước đời người.
Trong tuyển tập, người đọc sẽ thấy bàng bạt trong đó là chắc
lọc những tâm tình đậm sâu mà tác gỉa dành cho người thân thuộc của mình. Trong
hơn 150 trang sách, mỗi trang chứa không biết bao nhiêu lời thấm đẫm tình yêu
thương, ơn sâu, nghĩa nặng. Viết như gợi nhớ cho chính mình, không cho phép mình quên, cho bằng
hữu hiểu con người mình, và gởi lại cho hai đứa con trai biết về cội nguồn, người
thân, quê hương và bằng hữu. Qua những câu
văn, câu thơ ta dễ dàng nhận thấy Phẻ là một người con có hiếu, một người chồng
có nghĩa, một người cha có tình, và hơn hết là một công dân có trách nhiệm. Với
đất nước cưu mang mình, Phẻ dành những lời tri ân cao cả và nguyện đem hết sở tài
làm sở dụng để đóng góp phần mình. Với đất nước nơi sinh ra, Phẻ luôn trăn trở
suy tư về hiện tại bất trắc và tương lai mờ mịt. Phẻ đau nỗi đau của hàng triệu người Việt tha
phương, ngày ngày mỏi mắt trông về trời Tây nơi có hàng triệu người dân cùng khổ,
cố ngoi lên nhưng đã mất hết hy vọng ở ngày mai. Phẻ nghĩ đến những em học sinh
nơi quê nhà, cũng như mình năm xưa, không được cắp sách đến trường.
Viết để trước là để Tưởng Niệm, sau là Tri Ân, và như để đánh
dấu một cột mốc trong đời mình. Năm nay ông Nghè Phẻ vừa hoàn thành xong học vị
cao qúi nhất, cũng là năm kỷ niệm "10 năm yêu em" với người bạn đời.
Nhân dịp này, vợ chồng Anh Chị chúc Chú Em tiếp tục đi đến đích con đường đã vạch,
cùng với vợ và hai con. Những lời tâm tình trên đây coi như món qùa tinh thần
Anh dành tặng cho Phẻ, một người bạn, một người Em, một thân hữu và hơn hết là
người đồng hương Bình Định. Trước khi ngừng ở đây anh xin được gởi tặng Em mấy
câu thơ anh đã viết trong bài "Con Đường Các Anh Về" trong cuốn bút ký "Con Đường Trước Mặt"
xuất bản 20 năm về trước:
"... Đêm Huế buồn cỏ cây ngậm ngùi, thổn thức
Chiều Qui Nhơn biển gợi sóng ai về
Anh bước đi, đi lại con đường quê
Cứ đi mãi sẽ có ngày anh đến đích..."
Thân qúi,
Nguyên Lương
Horsham, PA, ngày 30 tháng 4 năm 2014