Trần Thị Lai Hồng's Page

Đại Việt - Chị may cờ cho Hội nghị Diên Hồng
ĐÔI NÉT VỀ 
Tác giả TRẦN THỊ LAI HỒNG

Chúng tôi được hân hạnh quen biết nhà văn, hoạ sỹ Trần Thị Lai Hồng qua sự giới thiệu của chị cả Tâm Minh Vương Thuý Nga và từ người chị Tuyết Đào hiền hoà, hiếu khách và thuỷ chung của Hương Xưa. Có thể nói, sự nghiệp của chị thật đa dạng và nhiều sắc thái được biểu lộ qua đôi bàn tay khéo, đôi mắt từ hoà, trái tim rực cháy và bi trí vô ngần với nhiều sắc thái khác nhau.  



Sắc thái và phong cách của nhà mỹ thuật (vẽ và nhuộm lụa), nhà giáo, nhà văn, nhà báo của Chị ở trong nước và hải ngoại đã thể hiện như ánh bình minh và áng chiều tà lung linh muôn hình muôn vẽ. Nhưng đặc biệt nhất vẫn là thời gian chị đã thanh thản rong chơi trong cõi Ta Bà với cố nhà văn, hoạ sỹ Võ Đình (Mai) - người mà cá nhân chúng tôi rất khâm phục và luôn trân quý. 

Nhân kỷ niệm 4 năm ngày mất của anh Võ Đình, Chị có nhả ý cho đăng bài vở của Chị trong blog này, nên em viết vài hàng giới thiệu đến độc giả. Hy vọng, qua những tác phẩm của chị chúng ta càng hiểu, cảm thông, trân quý (and appreciate) cõi tâm chân nguyên LaiHồng - VõĐình bất nhị.

Xin trân trọng giới thiệu chị Trần Thị Lai Hồng
Quý độc giả có thể đọc thêm về Chị ở đây. 
http://www.gio-o.com/tranthilaihong.html


SUỐI TÂM CHÂN NGUYÊN

Trần thị LaiHồng ngẫu hứng cùng Ocean Tides

Tâm như
suối trong thánh thót giọt tuôn rạt rào
văng vắt ôm trọn sắc màu trời trong
rạt rào trào mạch sống buông…
tự tại từ nguồn
xuôi dòng
rào rạt mạch trào
xuôi dòng
xuôi dòng
xuôi dòng
rủ rê mây suối lang thang
lòng in mây trắng dịu dàng vắt ngang
suối reo ca hát muôn ngàn giọt châu
róc rách luồn lách ngõ ngách rừng sâu
quyện theo như hình bóng trộn nhau
mây lẳng lặng bạc đầu
khi suối rót vào sông
đem mây trôi xuôi đồng bằng
ngút ngàn bát ngát ruộng nương
nghe lời mời trùng dương sóng gọi
trong sóng gió rạt rào đồng vọng
lượn sóng thần cuồn cuộn cuốn nguồn
mây cùng suối lã chã nước mắt tuôn
mây theo suối cùng ra khơi
biển động
mây chao đảo và suối cũng lao đao
và đợt sóng chồm ôm bằng tiếng hát
tôi nghe tiếng tôi thét gào
giữa mưa bão
một mình ôm nỗi cô liêu
trần truồng như hạt cát
tròn trong như giọt nước mắt
một giọt nước mắt mặn
một giọt đắng
một giọt ngọt
một giọt cháy bỏng lửa hồng
giọt nước mắt lăn trên cát
lồng trong sóng đại dương…
suối hoát nhiên thoát thân
lên ôm quyện mấy tầng mây
bay về lại giữa rừng cây
an bình ngủ giữa thinh không
nằm gối đá dưới vùng mây tĩnh lặng
cùng chia sẻ niềm đau chung tử biệt
đá cùng mây với suối biết khóc Người
bằng những giọt ngọt đắng thoát thân lòng biển mặn
trăng cũng cau mày vòng nguyệt khuyết
bên một vì sao
Hôm/Mai, hai mà một
Mai
rưng rưng những giọt lệ xanh trên cành tối…
thôi
tôi ơi
Hồng!
Hồng ơi!
LaiHồng ơi!
giữ tâm tự tại một trời
để Người miên viễn giấc đời thiên thu


Năm năm rồi cách biệt
Biển Hoa bang Florida, 31 tháng 5, 2014



HNG THU
     Trn th LaiHng

Mùa Xuân trước, tôi có bài viết  Ngày Xuân Thơ Xuân Haiku Xuân, ghi lại một số thơ Xuân của ba nhà thơ lỗi lạc hàng đầu cùa Nhật: Thiền sư Matsuo Bashô/Ba Tiêu – người khai sinh haiku – Yosa Buson, và Kobayashi Issa, trong số hàng ngàn thi sĩ tài danh khác của đất Phù Tang.

Haiku –  tinh hoa văn hóa Nhật – được cả trên 50 quốc gia trên thế giới hưởng ứng đón nhận, phổ biến rộng rãi trong ngành giáo dục cũng như văn học nghệ thuật. Nhiều thi sĩ Tây phương say mê sáng tác loại thơ độc đáo này, như Charles Beaudelaire, George Sabiron, Jacques Prévert, Jules Renard, Octavio Paz, Paul Eluard, Paul-Louis Couchoud, Paul Verlaine, R.H. Blyth, R.M. Rieke, Victor Hugo, Vladimir Devidé…và chuyển haiku sang tiếng Anh, Pháp hay Tây Ban Nha.

Mạn phép thoát chuyển một số bài, dựa trên những bản dịch tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, nên xin lượng thứ cho người viết khi diễn đạt đã có lúc đặt tâm tư mình vào tâm người, và còn chịu đậm âm hưởng vần điệu. Nhắc lại lời Robert Frost: “Poetry is what gets lost in translation” (thi ca lạc hướng trong chuyển dịch.) Những bản thoát chuyển của người viết dùng màu xanh để dễ dàng phân biệt. Một số bài thơ có Nhật ngữ chỉ để làm đẹp bài, vì thú nhận là người viết không biết tiếng Nhật.

Trong bài viết này, mùa Thu, và đặc biệt Hng Thu – trái hồng, lá hồng – là đề tài  của nhà thơ lỗi lạc hàng thứ tư của Nhật, chuyên cảm tác về hồng của mùa Thu: Thiền sư  Masaoka Shiki .

Masaoka Shiki  正岡 子規, sinh ngày 17 tháng 9 năm 1867 tại Matsuyama và qua đời ngày 19 tháng 9 năm 1902 tại Tokyo, hưởng dương 35 năm. Tên thật là  Masaoka Noboru (正岡 ), nhưng vì mắc bệnh lao và hay thổ huyết, nên ông lấy bút hiệu Shiki từ Nhật ngữ hototogisu tức là tên chim coucou quốc quốc hay Đỗ Quyên, có tiếng hót áo não nhỏ máu tươi hồng.

Chim Đỗ Quyên của Shiki cũng như của tôi yêu quý, là Mourning Dove, Zenaida macroura, chim quốc-quốc-tang màu nâu nhạt, đuôi rẽ quạt trắng, có tiếng kêu áo não, thuộc gia đình bồ câu Columbida, trong số có bồ câu trắng, bồ câu xám, cu đất, cu ngói, cu cườm …
Chuyện kể vua Đỗ Vũ nhà Thục bên Tàu mất nước, chết thảm hóa thành chim, mỗi độ Xuân về bi ai cất tiếng thương tiếc cố quốc, xao xuyến hót não lòng nhỏ lệ rơi xuống thành những giọt máu tươi…
Đỗ Quyên đề huyết, tử quy ai minh. 
Đỗ Quyên khóc thành máu/ quay về kêu áo não.  
Đỗ Quyên còn mang tên Tử Quy là vậy.

Thiền sư Masaoka Shiki là người thứ tư trong bốn bậc thầy về thơ haiku Nhật Bản. Trong khi  ba vị kia, Thiền sư Matsuo Bashô/Ba Tiêu – người khai sinh haiku – Yosa Buson, và Kobayashi Issa,  là những nhà tiên phong haiku trong giới thượng lưu trí thức xa lìa quần chúng, thì  Masaoka Shiki đem haiku phổ cập vào dân gian,  đem  hiện thực đi liền tưởng tượng, chủ quan kề cận khách quan, thấy hư lồng trong thực, thấy có trong không, hiện tại nối quá khứ liền tương lai, thổi luồng sinh khí vào thơ và làm sống động thể văn ngắn này.
Tuy nhiên, Masaoka Shiki vẫn tôn trọng hình ảnh thiên nhiên đặc biệt truyền thống Nhật nhưng đổi mới, với luồng sinh khí ảnh hưởng Tây phương, lồng tư tưởng vào hình tượng.  
Ngoài thi tài,  Masaoka Shiki còn viết văn, vẽ, viết bình luận, làm báo… Bên dưới là tranh chân dung tự họa: 

Bài thơ nổi tiếng của Masaoka Shiki  được phổ biến khắp thế giới là bài Cn Hng  viết cuối tháng 10, 1895, xin trang trọng nhắc lại để tưởng niệm:

柿くへば鐘が鳴るなり法隆
kaki kueba
kane ga narunari
Hōryū-ji
I bite into a persimmon
and a bell resounds—
Hōryū-ji

răng cắn ngập trái hồng
tiếng đại hồng chung Chùa Pháp Long
vẳng vang vọng… booong…



カブリツク熟柿ヤ髯ヲ汚シケ
Kaburitsuku
jukushi ya hige o
yogoshikeri
I sink my teeth
into a ripe persimmon—
it dribbles down my beard

cắn răng vào thịt hồng
mật ngọt giòng giòng tuôn tứa tuôn
râu đầm đầm ướt đẫm… 
三千の
sanzen no
俳句を閲し
haiku wokemishi
柿二つ
kaki futatsu

three thousand haiku                              ba ngàn bài haiku
I have read through, and now –             ta đã từng đọc qua, và chừ –                       two persimmons                                    còn hai trái hồng thu    

                                                               ba ngàn bài haiku
                                                               ta đã say mê đọc, và chừ –
                                                               hai trái hồng đỏ rừ…
                                                        
一桶の水う
ちやめばほろほろと
露のたま散る秋草の花
hitooke no
mizu uchiyameba
horohoro to
tsuyu no tama chiru
akikusa no hana
the bucket's water
poured out and gone,
drop by drop
dew drips like pearls
from the autumn flowers
nước trong thùng rò rỉ hết
từng giọt từng giọt ngọc trong veo
rụng từ lá thu vèo…

yuku ware ni
todomaru nare ni
aki futatsu
I am going
you're staying
two autumns for us

tôi sắp sửa giã từ
các bạn chừ đang còn lưu lại
hai Thu cho chúng ta…
Description: http://www.cc.matsuyama-u.ac.jp/%7Eshiki/kim/shikilasts.gif
Thủ bút của Masaoka Shiki ghi ba bài thơ cuối đời

鶏なくや                       torinaku ya                        dưới chân núi Phú sĩ                   
小富士の麓                  kofuji no fumoto          văng vẳng tiếng gà râm ran gáy
桃の花                            momo no hana                một cánh hoa đào rơi             

故郷は                            furusato wa                         tít tắp quê nhà  xa         
いとこの多し             itoko no ooshi                   ta còn nhiều anh em họ hàng    
桃の花                            momo no hana                  và ngàn đóa hoa đào

松の根に                       matsu no ne ni                  dưới gốc cây thông già
薄紫の                            usumurasaki no               e ấp đóa hoa màu tim tím
菫かな                            sumire kana                      của một khóm rau cần.

Tảng đá bia tưởng niệm Masaoka Shiti  dựng trước khu bảo tàng lưu niệm phía Tây Bắc tại đô thị Matsuyana, Ehime,  ghi ân một tài hoa cải tiến sinh động thơ haiku.
Bia khắc chữ Nhật, dịch ra tiếng Anh “ Come as old when such revenues of rice Braced this Castle Town”.

118 năm sau bài thơ Cn Hng của Masaoka Shiki sáng tác vào tháng 10, 1895,  gom lại một số bài haiku Mùa Thu – Hng Thu – tôi trang trọng viết bài này để tưởng niệm một thi tài yểu mệnh.

***

Hoa bang, tháng 10 2013
Trần thị LaiHồng

Chú thích:
-       en.wikipedia.org/wiki/Masaoka_Shiki
-       http://www.metmuseum.org/toah/works-of-art/57.156.3
-       Đại hồng chung Chùa Nhật
http://www.01.246.ne.jp/~yo-fuse/bungaku/kakikueba/kakikueba.html
-       Thủ bút cuối đời:
     http://www.cc.matsuyama-u.ac.jp/~shiki/kim/newlast3haiku.html
-       Bia tưởng niệm Matsaoka Shihi
-       Ngày Xuân Thơ Xuân Haiku Xuân, Trần thị LaiHồng

http://khoahocnet.com/2012/02/06/tr%E1%BA%A7n-th%E1%BB%8B-laih%E1%BB%93ng-ngay-xuan-th%C6%A1-xuan-haiku-xuan/#more-3561

Trái Trắng Nhất Nguyên Nhị Thể



Lá mùa Thu lá không bay nữa

Lá rụng tơi bời lối tử sinh


(Võ Đình, Nàng Thu phong)



Trái Trắng, nghe nghịch ngợm, nhưng đơn giản chỉ là tiếng Việt của hai chữ Bạch quả /bai guo hay Ngân hạnh /yin hsing, tiếng Tàu; Mơ bạc /Abricot d’argent, tiếng Pháp. Mỹ gọi nôm na là Maidenhair/tóc tiên, dẫu cây chẳng có sợi tóc nào.

Đó là cây Ginkgo biloba L.

Tôi say mê cây Trái Trắng Bạch quả từ ngày định cư tiểu bang xanh mãi ngàn xanh evergreen stateWashington vùng Tây Bắc Mỹ. Từng nằm hàng giờ trên thảm lá dưới tàng cây đang thay màu lả tả rơi rụng. Lá Bạch quả một khi đổi màu xong là hàng loạt mảnh vàng anh sáng rực lìa cành. Nằm ngắm lá. Lưng sát mặt đất lạnh lại thấm cảm một nỗi ấm áp kỳ diệu lắng nghe từng cọng cỏ cánh lá lao xao rì rào. Lá chao mấy vòng rồi đáp nhẹ nhàng. Cả người tôi phủ đầy lá vàng long lanh sắc Thu, một sắc Thu sáng loáng vàng rực thật tươi thật mát. Không như những loại màu vừa nâu non nâu già vừa vàng rộm vừa đỏ rực, rực rỡ dữ dội đến lạnh người.





Những lần có dịp nhặt lá, tôi gom về ép vào những trang sách cũ, và làm tấm thiệp đánh dấu trang, vì láGinkgo biloba L. có khả năng sát trùng, trừ mọt sách. Tôi chế diễu đùa chính mình là mọt sách, nhưng gặm nhấm mãi sách chẳng hao mòn, chỉ mắt mờ mỏi mệt, và lá Trái Trắng là bạn chí tình luôn mang năng lượng cho tôi.


Cây Trái Trắng Bạch Quả là tặng phẩm kỳ diệu của thiên nhiên, của Đấng Tạo Hóa ban cho loài người. Cây thiêng của Đông Phương, biểu tượng của nhất nguyên nhị thểâm dương tương khắc tương hợp; biểu tượng của bản thể bất biến trước gian nguy thử thách; ẩn chứa năng lượng phi thường; biểu tượng giá trịbất tận của quá khứ, và đặc biệt biểu tượng cao quý của TÌNH YÊU, và trên tất cả, tôn vinh làm biểu tượng cho tình THÂN HỮU.


Biểu tượng thân hữu, tranh Atsuko Kato

Tất cả những đặc tính quý báu đó, cọng thêm vào giá trị dược chất, cây Trái Trắng Bạch Quả là biểu tượng của sự trường tồn, có thể hiểu là trường sinh bất tử.

Mấy năm sống vùng Đông Bắc Mỹ dưới chân rặng núi Nam South Mountain, tiểu bang Maryland, chúng tôi hay lang thang lên núi, trèo đèo, hoặc lội bộ trong những vùng vắng vẻ. Tôi thích những con đường nhỏ quanh thị xã Frederick, lang thang lân la dưới những tàng lá rì rào reo vui trong nắng gió, đặc biệt con đường có cây Trái Trắng.

Cây Trái Trắng này rất lớn, là một trong những đại thụ của cả nước Cờ Hoa. Màu lục non trong sáng mát rượi từ Xuân qua hè, lá dần dần ngả ửng vàng, bắt đầu một đường viền vòng ngoài, lặng lẽ nhẹ nhàng như làn sương trắng buông chùng quàng ngang vào buổi sáng cuối Thu bỗng rực toàn vàng, màu vàng chanh sáng rỡ, thỉnh thoảng mới có lá lẫn chút nâu hay đỏ. Hình dáng lá như hai cái quạt nho nhỏ xinh xinh có chung một cạnh xếp gần nhau, mà danh từ khoa học gọi lá hai thùy, nên có tên biloba là vậy. Hai thùy lá khe khẽ chạm nhau khi có làn gió thoáng qua, rung xào xạc nhẹ nhàng như lời tỉ tê thầm thì của đôi bạn.


Lá Ginkgo, hình Kwanten



Một ngày đầu Thu, các bạn hẹn nhau trên đỉnh Đường Chân Trời Skyline, công viên quốc gia Shenandoah National Park của tiểu bang Virginia. Đường Chân Trời dài cả 105 dặm ngoằn ngoèo dọc theo sườn dãy Núi Xanh Blue Ridge, nằm sát biên giới hai tiểu bang Virginia/Maryland và ngay cạnh thủ đô Washington D.C.  Công viên Shenandoah thành lập cuối năm 1935, già cùng tuổi tôi, và rộng ngót 200 mẫu, hầu hết dầy đặc thông tùng bách nhưng đặc biệt được trồng thêm nhiều cây nguyệt quế lá dày bóng mượt, có công dụng chống sấm sét. Nguyệt quế này thuộc giống Hy Lạp Laurus nibilis L. lá có mùi thơm, xưa được dùng kết vòng hoa chiến thắng trong các cuộc thi thể thao và thế vận hội.

Từ đỉnh Đường Chân Trời nhìn bao quát núi rừng vùng Đông Bắc, lá đổi màu gấm thêu ngũ sắc. Chân bước mà mắt ngước nhìn cố tìm một màu sắc và hình dáng quen thuộc rất yêu thích, tôi không thấy  một cây Trái Trắng nào, nhưng chân bỗng vấp một mảnh đá vuông vức gọn ghẽ. Nhặt. Nhìn. Mảnh đá óng sắc xám thạch anh long lanh chút rêu xanh, một cạnh sắc chắc nứt từ một tảng lớn. Lùng tìm mà không hy vọng. Nhưng bỗng sững sờ vấp một mảnh khác. Nhặt. Nhìn. Ghép vừa khắng khít. Một cơ duyên.  Châu về Hiệp phố.

Hai mảnh đá vỡ nhắc đến những mảnh hóa thạch của lá Trái Trắng. Cũng cơ duyên của đam mê màu lá khi Thu về.



Lá Bạch quả hóa thạch, sưu tập của Bảo tàng viện Smithsonian

Lá đực trên mảnh đá lớn chia hai thùy rõ rệt.

Lá Bạch quả hóa thạch có tuổi già cả 270 triệu năm, trước khủng long khủng tượng cả 40 triệu năm. Những nhà khảo cổ khám phá được lá Bạch quả hóa thạch khi đào xới địa tầng tìm xương thú vật thời cổ đại, nên cây bạch quả được gọi là hóa thạch sống.

Cây lớn nhất già nhất có trên 4 ngàn năm tuổi, cao 50 thước, tức là 164 feet, trong rừng Triết Giang bên Tàu.

Đức Khổng Tử (551-487 trước Công nguyên) từng giảng dạy môn đệ dưới một cây Bạch Quả, như ghi khắc trong  hình bên cạnh nhặt từ kwanten.home.

Năm 1945, bom nguyên tử tàn phá toàn đảo Hiroshima, có cả 70 nghìn người chết và 60 nghìn bị thương,  dinh thự nhà cửa tan hoang, đất đai nhiễm phóng xạ không sinh vật nào sống sót.

Hình ảnh bất diệt cây Ngân Hạnh Bạch Quả trong trận Hiroshima ghi trong đoạn phim

http://kwanten.home.xs4all.nl/hiroshima.htm


Cây Bạch quả Ginkgo gãy gục cháy rụi, nhưng mùa Xuân năm sau đó, những búp lá bừng đâm chồi nẩy lộc. Người Nhật tôn quý cây Ginkgo và gọi đó là Cây Hy Vọng.

Trận đại hỏa hoạn xẩy ra sau vụ động đất tại Tokyo năm 1923 thiệu rụi cây cối nhưng nhiều cây Bạch Quả sống sót. Vỏ cây và lá có một loại nhựa chống cháy. Đô thị Tokyo dùng biểu tượng là lá Bạch quả.

Thông thường cây Ngân Hạnh Bạch Quả Ginkgo biloba L.cây đực lá chẻ giữa rõ hơn lá cây cái, và hầu hết cây được trồng nhiều dọc đường là cây đực, vì cây cái cho quả khi chin rụng có mùi như bơ thối nên dân chúng không ưa. Nhưng trái trắng có hạt nhân ngon và bổ dưỡng, rất được người Trung Quốc và người Nhật thích dùng. Cây Bạch quả đực cao thẳng tắp, trong khi cây cái có tàng lá tỏa rộng. Cây có khả năng chịu đựng gió bão sấm chớp và thời tiết mưa nắng thất thường, tuyết băng giá lạnh, nên ngày nay rất được ưa trồng trong thành phố. Ngay tại Hoa Kỷ, nhiều tiểu bang khuyến khích trồng Bạch Quả để thanh lọc không khí, và có nơi bù phân nửa tiền mua cây cho dân.

Một đặc tính của cây Trái Trắng là không hề bị mối mọt, nên gỗ dùng đóng tủ sách, xay nhuyễn làm giấy, và nhân làm thực phẩm.

Rất nhiều tài liệu, sách báo, websites viết về những dược chất Ngân Hạnh Bạch Quả và những dược phẩm trị liệu. Dược chất của lá và hạt Trái Trắng được khai thác ứng dụng trong nhiều lãnh vực, nên ngày nay là một cây thuốc quan trọng và được khuyến khích trồng khắp nơi. Bên Tàu có đồn điền 3 ngàn mẫu ở Jiang Su, trong khi tại vùng Sumter tiểu bang South Carolina có trại rộng 400 mẫu, mỗi mẫu trồng 25 ngàn cây tức là có 10 triệu cây, do một Công ty Pháp và Đức khai thác, cung cấp lá chế tạo dược phẩm, đặc biệt chữa bệnh quên lãng Alzheimer.

Rất nhiều tài liệu, sách báo, websites viết về những dược chất Bạch Quả và những dược phẩm trị liệu. Trái Trắng của tôi hướng về Tình Yêu đan kết Tình Bạn.

Tôi yêu Ngân Hạnh Bạch Quả. Cội Bạch Quả yêu nhất tại Montalvo, Saragota, gần San José, California. Một ghi khắc sâu đậm…khi qua thăm cội cây này vào ngày 4 tháng 12, 2012.

Bạch Quả Saragota, hình LH Dec 2012

Có thể sẽ một ngày in hình người tôi yêu bên cạnh cội cây này.

Sau Saragota, tôi lên Vancouver Washington State thăm gia đình con, chúng tôi đã qua đại học cộng đồng Reed bên Porland Oregon, nhặt lá Bạch Quả. Hai cội Bạch Quả này già khoảng trên trăm năm, từng chứng kiến Steve Jobs theo học lang thang dưới tàng lá vàng long lanh màu vàng anh. Nhớ lại những câu bất hủ của Steve Jobs: “You’ve got to find what you love” (Hãy tìm cho kỳ được thứ bạn trân quý” và “Stay Hungry. Stay Foolish” (Cứ Khao Khát. Cứ Điên Dại).

Ôm thân Bạch Quả, tưởng được ôm cả trí tuệ của con người sáng tạo.

Ôi Bạch Quả, Trái Trắng Bạch Quả!





Lá Ngân Hạnh Bạch quả cái hóa thạch 270 triệu năm, hình National Geographic


Nhưng có thể nói nhân vật đáng trân quý của cả thế giới là triết gia Johann Wolfgang van Goethe, đã đưa Bạch Quả lên ngôi thiêng liêng của TÌNH YÊU và TÌNH BẠN đan kết chặt chẽ với tất cả cảm thông và hiểu biết để bất diệt.


Johann Wolfgang van Goethe, thi sĩ, khoa học gia, triết gia, và chuyên nghiên cứu về thực vật, sáng tác bài Ginkgo biloba ngày 15 tháng 9, 1815, tặng bà Marianne van Sillemer, đọc trong một buổi họp bạn. Ngân Hạnh Bạch Quả trong thơ Goethe là nhất nguyên nhị thể, và là biểu tượng của Tình Yêu đan kết Tình Bạn. Cây Bạch Quả trong vườn đã gây cảm xúc cho bài thơ này, hiện vẫn còn tại Heidelberg bên Đức. Nguyên văn bằng tiếng Đức, đăng trong tập 'West-östlichen Divan' (book Suleika) năm 1818.



Dieses Baums Blatt, der von Osten
Meinem Garten anvertraut,
Gibt geheimen Sinn zu kosten,
Wie's den Wissenden erbaut.

Ist es ein lebendig Wesen,
Das sich in sich selbst getrennt?
Sind es zwei, die sich erlesen,
Dasz man sie als Eines kennt?

Solche Frage zu erwidern,
Fand ich wohl den rechten Sinn:
Fühlst du nicht an meinen Liedern,
Dasz ich Eins und doppelt bin?


Hình nguyên bản bài thơ bên trên và các bản dịch bên dưới lấy từ http://kwanten.home.xs4all.nl/goethe.htm

Hình chụp lại từ nguyên bản bài thơ của Johann Wolfgang van Goethe sáng tác ngày 15 tháng 9, 1815,  hiện trưng bày tại Bảo tàng viện Goethe Düsseldorf (Germany).. Hai lá Ngân Hạnh Ginkgo biloba từ cây vườn nhà, do chính tác giả dán.
Dieses Baums Blatt, der von Osten
Meinem Garten anvertraut,
Gibt geheimen Sinn zu kosten,
Wie's den Wissenden erbaut.

Ist es ein lebendig Wesen,
Das sich in sich selbst getrennt?
Sind es zwei, die sich erlesen,
Dasz man sie als Eines kennt?

Solche Frage zu erwidern,
Fand ich wohl den rechten Sinn:
Fühlst du nicht an meinen Liedern,
Dasz ich Eins und doppelt bin?


Hình nguyên bản bài thơ bên trên và các bản dịch bên dưới lấy từ http://kwanten.home.xs4all.nl/goethe.htm
Tiếng Anh

This leaf from a tree in the East,
has been given to my garden.
It reveals a certain secret,
which pleases me and thoughtful people.

Does it represent One living creature
which has divided itself?
Or are these Two, which have decided,
that they should be as One?

To reply to such a Question,
I found the right answer:
Do you notice in my songs and verses
that I am One and Two?


Tiếng Pháp


La feuille de cet arbre
qu'à mon jardin confia l 'Orient
Laisse entrevoir son sens secret
au sage qui sait s'en saisir.

Serait-ce là un être unique
Qui de lui-même s’est déchiré ?
Ou bien deux qui se sont choisis
et qui ne veulent être qu’Un ?

Répondant à cette question
J’ai percé le sens de l’énigme
- Ne sens-tu pas d’après mon chant
que je suis Un et pourtant Deux ?


Tiếng Hòa Lan

Zie dit kleinood in mijn gaarde:
boomblad uit de oriënt,
siert met zijn geheime waarde,
ingewijden welbekend.


Leeft het als een enkel wezen,
innerlijk in twee gedeeld?
Of vormt juist het uitgelezen
tweetal één herkenbaar beeld?


Langzaam rijpende ideeën
werpen op die vragen licht.
- Voel je niet dat ik in tweeën
eenling ben in mij


Tiếng Nhật



Tiếng Việt Nam

Trần thị LaiHồng

Chiếc lá này

từ cội cây Đông phương vào vườn nhà

gợi điều bí ẩn

là niềm thích thú chính ta và bao người …


có phải lá là nhất thể sinh động

đã tự phân

hay chính hai nhị nguyên từng tách lìa

nay quyết phải hợp về nhất thể ?


để đáp lại

ta có lời giải:

-          Em có lưu ý trong thi ca ta

rằng ta là Một và Hai ?
Hoa bang, ngót trăm năm sau bài thơ Ginkgo Biloba…. Tháng 9, 2013
Viết cho Emma

Tài liệu tham khảo

-          The GinkgoPages http://kwanten.home.xs4all.nl/usage.htm

-          en.wikipedia.org/wiki/Ginkgo_biloba

-          en.wikipedia.org/wiki/Ginkgo/Wanapum_State_Park

-          http://news.stanford.edu/news/2005/june15/jobs-061505.html

-          Võ Quang Yến: Ginkgo, Một Cây Hóa Thạch Sống, khoahoc.net

-          news.bbc.co.uk/2/hi/health/713087.stm 

Blue Moon: A painting by Tran Thi LaiHong.
haiku Trần thị LaiHồng

1-  Trăng Nguyên Tiêu lồng lộng
mộng về sáng lai láng nhớ thương
ôm một cõi vô thường

2-  Ôm vầng trăng trong tay
hay ôm trọn nhất nguyên nhị thể
mật ngọt và đắng cay

3-  Ôm vầng trăng trong tay
tưởng ánh trăng đầy trong mắt xanh
trăng ... cùng ta tương tư

4-  Ôm hạnh phúc trong tay
trên vai oằn nặng gánh đau thương
của TÌNH YÊU khác thường ...

Trống Mái

- Thằng Chơi với thằng Lượm mô rồi? Bây ra đuổi gà phá vạt đậu mới trỉa tề!

Chơi đang sửa soạn tháo trâu ra đồng, nghe mụ Ao kêu vội ba chân bốn cẳng phóng ra vạt đậu bên kia sân. Đậu phụng mới ươm mấy ngày trên bốn sào đất đang bị bầy gà đua nhau cào bươi móc lên ăn. Chơi cầm một cây sào dài, vừa quơ vòng vòng vừa la chói lói:

- Hui! Hui! Tổ cha tụi bây nghe! Mợ mới vại lúa cho bây ních đầy diều rồi mà còn chưa bưa, ra đây moi móc đậu mới trứt mộng, bây chết với tau!

Lũ gà quang quác xào xạc chạy dạt. Chơi chạy theo quơ sào thêm vài vòng nữa chúng mới tản mác ra xa. Quay lại, thấy Lượm còn đuổi theo bèn gọi:

- Thôi mi ơi! Trộ tụi hắn một trận rứa đủ rồi. Mi với tau vô lấy mấy nhánh nè tủ lên mấy vồn ni là tụi hắn hết tới phá.

Hai đứa phủ mấy vồn đậu xong, quay về phía đụn rơm. Có hai con gà đang say máu đánh nhau. Lông gà bay tơi bời giữa đám rơm rác và bụi bặm. Con gà thắng thế lông màu vàng rộm, đang nhảy choi choi tới tấp tấn công con gà trống vàng pha tía. Chơi kêu lên:

- Đá độ ngon dữ! Tau mà có một con gà đá ngon cỡ ni thì kiếm được bộn tiền tuần tới nì!
- Tau bắt hắn nghe!
- Để tau!

Hai con gà say máu mải mê, không để ý có người mon men lại gần. Chơi chụp được con gà vàng, túm hai cánh lại và nắm chặt hai chân. Con gà hung hăng cố vùng vẫy, kêu quang quác. Chơi phải tréo hai cánh lại nó mới chịu đứng im, chỉ còn kêu nho nhỏ trong cổ họng. Lượm chạy lại.

- Ơ … đồ gà mái!
- Gà ni mà mi nói là gà mái? Bộ nắng mới làm mi loá mắt răng?
- Loá mắt chi! Bộ mi không thấy cái mồng của hắn có chút ti, mà lông lá chi mô cụt ngủn ri?
- Cần chi có mồng! Mi không thấy hắn đá hay dễ sợ. Rứa là gà đá rồi!
- Ờ thì đá hay, nhưng hắn là gà mái!
- Gà mái? Mi có khi mô thấy gà mái có cựa dài như ri, có đuôi dài như ri, đá hay như ri…

Cả hai đứa gân cổ lên cãi nhau về con gà. Làm sao chứng minh được đó là gà mái hay gà trống. Trâu thì dễ quá, chẳng cần coi lông coi đuôi coi sừng coi móng, cứ nhìn vào bộ phận tiểu tiện của nó là biết ngay. Gà thì khác. Bởi vậy cả hai đứa to tiếng với nhau không đứa nào chịu thua. Chơi lấy một khúc cây làm cọc cắm cạnh đụn rơm rồi dùng giây buộc một chân gà, giữ nó không cho chạy xa. Được thả, con gà khoan khoái vỗ cánh phành phạch rồi vươn cổ gáy dài. Chơi la lên:

- Mi nghe không? Hắn gáy! Chẳng lẽ gà mái của mi lại gáy, hử?
- Tau cóc cần hắn gáy hay không gáy. Hắn là gà mái!

Hai đứa vừa đi vào bếp vừa tiếp tục cãi.

- Tau chắc chắn hắn là gà trống. Hắn đá được nì, hắn gáy được nì, gà trống là cái chắc!
- Hắn không có mồng, hắn là gà mái!
- Gà trống!
- Gà mái!
- Trống!
- Mái!

Cả hai hầm hè như sắp sửa… đá nhau. Vô bếp lấy mo cơm bới ra đồng giữ trâu, thằng Chơi còn hậm hực:

- Xì! Gà mái mà gáy với đá!
- Hừ! Gà trống mà cóc có mồng!
- Tau nói gà trống, mi mần chi được tau?
- Tau nói gà mái, mi mần chi tau?
- Mần chi?
- Mần chi?

Mụ Ao đang sàng gạo, ngạc nhiên thấy hai đứa sửng cồ gân cổ cãi nhau. Mụ quát:

- Cái chi mà sáng sớm bét mắt đã om sòm rứa? Hai đứa bây có câm họng không? Trưa trật trưa trề rồi, lo đem trâu ra đồng chớ ở đó mà cãi với cọ!

Chơi và Lượm chỉ con gà cột cạnh đụn rơm và giải thích lý do cãi nhau. Mụ Ao bảo:

- Con gà đó là gà trống nhưng không có mồng nên coi giống gà mái. Có chi mà phải cãi. Bây thiệt đa sự!

Tưởng vậy là yên, nhưng chú Xuân đi qua nghe vậy thì lại bảo:
- Bậy nà! Con gà ni là gà mái nhưng bộ tịch cục mịch hung hăng như gà trống. Đã rứa lại còn ưa đá nhau.

- Bộ sáng sớm ông súc miệng mấy cút rồi răng mà nói năng chi lạ rứa?
- Bậy nữa! Tui ra ruộng chừ đây chơ ai mà súc miệng sớm sủa mấy bựa cắt hái ni!
- Rứa chơ răng ông nói con gà trống ni là gà mái? Bộ ông chưa từng chộ gà mái mô có bộ mã sặc sỡ như ri răng?
- Tui chưa thấy, nhưng tui cũng biết chơi gà đá gà chọi. Đừng nói với tui con gà ni là gà trống.

Hai đứa trẻ hết cãi nhau, đứng ngẩn nhìn hai vợ chồng chú Xuân và mụ Ao lời qua tiếng lại về con gà. Chú Xuân tính nóng không chịu ai cãi lý, nhất là một người đàn bà, dù là vợ mình. Chú quạu:

- Mụ biết chi! Mụ không cắt cổ gà được, chỉ biết nhổ lông mổ bụng moi gan móc mề chặt đầu chặt cánh bỏ vô nồi. Hừ!

- Còn ông thì răng? Tui không mổ bụng moi gan móc mề thì mấy người lấy chi ăn?

Mụ Ao quay vào bếp ấm ức sụt sịt khóc với mấy ông táo chụm đầu nhau đội om nước chè sôi sùng sục trong khi mấy que củi reo cười nổ lách tách lập loè ánh lửa. Chơi và Lượm đưa mắt nhìn nhau rồi bỏ đi.

Hai đứa ôm con gà, leo lên lưng trâu ra đồng. Hôm nay chúng không đi về phía độn mà lại rẽ xuống ruộng Tổ Cu, nơi ông Thất và đám thợ gặt làm việc. Chúng cho trâu ăn luẩn quẩn, đợi khi ông Thất nghỉ tay lên uống nước và hút thuốc thì ôm con gà lại gần.

- Thưa ôn, ôn coi con gà ni là gà trống hay gà mái?
- Ơ…hai thằng ni! Bựa ni bây trở chứng răng mà ôm gà ra ruộng?
- Ôn ơi, tụi con bắt được con gà ni ở mô bay tới đập lộn với gà nhà mình. Con gà lạ lắm ôn ơi! Ôn coi dùm hắn là gà mái hay gà trống?

- Ngó không giống gà trống!
Lượm vui mừng la lên:
- Rứa thì là gà mái!
Ông Thất nhìn lại con gà rồi nói:
- Ngó cũng không giống gà mái!

Chơi và Lượm đực mặt nhìn nhau. Ông Thất hỏi:
- Hai đứa bay từng thấy con gà mô như con gà ni chưa?
Cả hai đứa lắc đầu. Ông Thất lại hỏi:
- Rứa thì làm răng bây nói đây là con gà?
- Rứa ôn nói con chi?
- E là một giống chim chi khác chớ gà rừng cũng không như ri. Ôn khôn biết được.

Hai đứa trẻ nhìn nhau, tiu nghỉu. Ông Thất bập bập điếu thuốc vấn sâu kèn, chiêu một ngụm nước chè tươi, nói như cho phép:

- Bây đập trâu qua bên lò dầu tìm hỏi ông Bác coi. Chắc ông biết rành. Nghe ông mới về đi săn chim quí. Ông thạo về chim lắm. Ông là bác vật mà!

Chơi và Lượm được lời bèn dẫn trâu lội qua suối Thanh Khê sang lò dầu tìm gặp ông bác vật. Thực ra, ông là bác sĩ thú y nhưng thuở đó ngành này chẳng mấy ai thành công nên bác sĩ Tâm quay về phụ giúp cha là bác sĩ Tín làm lò nấu dầu khuynh diệp mà dân trong vùng gọi nôm na là dầu tràm, vì dùng hương liệu cất từ cây tràm mọc rất nhiều phía chân núi Thất Giới và dọc theo suối Thanh Khê. Suốt mấy tỉnh miền Trung nhà nào cũng dùng dầu tràm vì mùi hương dịu nhẹ vị the dễ chịu, và công hiệu không kém dầu Nhị Thiên Đường.

Bác sĩ Tâm có thú mê chim. Trại Dầu nuôi mấy trăm bồ câu đủ loại, từ loại đưa thư cho đến loại nuôi ăn thịt cung ứng bồ câu ra ràng cho mấy mệ mấy phủ Tôn thất dưới Huế. Ông thường vào rừng tìm săn các loại chim quý, và bất cứ ai bắt được giống chim lạ nào đem đến đều được mua với giá rất hậu. Nghe nói ông có tìm được giống chim trĩ trắng – bạch trĩ, xưa từng được dùng triều cống sang Tàu – nhưng không nuôi lâu được, và ông phải nhồi bông bày trong phòng khách.

Hôm đó bác sĩ Tâm không vào rừng mà ở nhà quan sát đám chim két mỏ đỏ lông lục biếc pha vàng nghệ ở đâu mới đến cãi nhau chót chét dành ăn trên mấy ngọn cây keo.

Khi Chơi và Lượm lò dò vào cổng trại Dầu, ông Bác đang đong đưa trên võng mắc giữa hai gốc mít lớn trái sum suê. Chơi nhẹ thả con gà lạ xuống sân, buộc một đầu giây vào gốc ổi. Lũ gà trong trại không để ý gì đến con gà lạ, nhưng con này lại trương lông trương lá vươn cánh hùng hổ đánh đuổi bốn năm con gà mái đứng gần.

- Mi thấy chưa, hắn là gà trống.
- Tau nói là gà mái. Mái thấy mái thì không ưa. Nếu hắn là trống thì đã xè cánh kè kè mấy mệ mái tê rồi chớ mô có đánh đuổi!

Nghe tiếng nói chuyện, ông Bác mở mắt hỏi:
- Bây đem gà bán, hả?
Chơi khúm núm vòng tay xá:
- Thưa ông Bác, tụi con mô dám. Tụi con xin tới trình ông Bác coi dùm con gà ni vì nghe ông Bác rành về chim.
Nó vẫy tay ra hiệu Lượm ôm con gà tới gần rồi giơ lên.

- Xin ông coi dùm đây là con gà thiệt phải không. Nếu là gà thì là gà trống hay gà mái. Nếu không phải gà thì hắn là giống chim chi?

Bác sĩ Tâm tánh cũng bình dân. Vả lại thấy hai đứa chăn trâu thắc mắc về một con gà là giống vật thường thấy ở nhà quê thì ông cũng biết là chuyện lạ, nên vui vẻ nhổm dậy cầm con gà rẽ cánh bới lông tìm vết.

- Hừ, ông cũng không biết được. Ông không nói ngay được. Ông chưa thấy con gà mô lông như ri. Bây coi lông trên lưng hắn nì. Đầu lông tròn thì là gà mái, đầu lông nhọn là gà trống.

Chơi và Lượm cúi nhìn sát đám lông trên lưng gà. Có cả lông đầu tròn lẫn lông đầu nhọn.

- Hừ, kỳ quặc! Kỳ quặc! Mà cái mồng thì lớn như gà trống! Ông Bác cũng thắc mắc tự hỏi.
- Thưa ông Bác, có cách chi biết con gà ni là trống hay mái?

- Ờ…cách rõ ràng phân minh nhất là đem mổ bụng coi bộ phận bên trong. Thấy có chùm trứng là gà mái, thấy hai hòn dái là gà trống.

Lượm la lên:

- Ui cha! Đừng mổ bụng hắn!
- Rứa thì ông chịu!

Hai đứa lí nhí vái chào bác sĩ Tâm rồi lủi thủi ôm gà ra về, mỗi đứa nằm ngửa trên lưng một con trâu, có hai con bò lẽo đẽo theo sau. Lượm ôm con gà vào lòng. Hơi ấm gà truyền sang bụng thằng bé, nhưng lòng nó không vui. Một con gà lạ không ai biết được trống hay mái, thật là kỳ quặc, đúng như lời ông bác vật nói lúc bới lông tìm vết. Chơi chợt nhỏm người xoay lưng lại:

- Tau nghĩ ra rồi. Tau có cách chứng cho mi thấy đây là con gà trống!
- Cách chi?
- Mi có chịu hắn là gà trống nếu tau đem đi đá độ mà hắn ăn?
- Chịu là cái chắc! Gà mái mà đá cái nỗi chi!

- Rứa thì tuần tới có trận đá gà bên La Chữ, tau sẽ xin Mợ cho hai đứa đem gà đi đi chọi.
Vậy là hai đứa đi đá gà.

Đây là trận cáp độ giữa mấy con gà nòi của mấy làng lân cận, hàng năm mở vào ngày rằm tháng năm tại sân đình làng La Chữ. Những tay nuôi gà chọi lo o bế mấy con gà nòi suốt mùa Xuân, nay có dịp đem thi thố võ nghệ. Gà đá nuôi rất công phu. Phải có sân đủ rộng để gà chạy nhảy bay lên bay xuống. Sân phải trải cát để cựa gà không bị mòn vì đất đá cứng. Gà phải được cho ăn lúa tốt cùng các loại ngũ cốc khác trộn thêm thân chuối non băm nhuyễn pha cám. Hai tuần trước khi ra trận, gà phải được nhốt riêng không được chung đụng với gà mái, sợ…hao tổn sinh lực. Nhiều tay chơi gà trước khi lâm trận đã bôi mắm nêm hoặc muối ớt giã nhuyễn vào cựa gà để…đầu độc đối thủ. Cựa gà được mài giũa thật bén, chưa kể còn một lưỡi dao quắm nhỏ xíu buộc chặt cạnh cựa để thêm đòn độc.

Tới sân chọi, Chơi ngó quanh tìm một đối thủ xứng đáng. Hai đứa chú ý tới một con gà màu tía đẹp rực rỡ chói lói mặt trời mùa hè, đang nghênh ngang đi qua đi lại lắc lư bộ mồng đỏ chót trên đầu và hai cái bìu đỏ rực dưới cổ. Đó là Tía Thép, con gà nòi nổi tiếng ác, từng đoạt giải vô địch tại Huế năm ngoái trong dịp Hội chợ Canh nông, nhờ những cú đá song phi thần tốc nhằm vào cổ đối phương. Những cú song phi có kèm dao quắm hạ đo ván địch thủ trong nháy mắt. Cũng chính con Tía Thép này một tháng trước đây sổng chuồng bay vào rừng, báo hại kéo theo luôn cả trăm mệ mái tơ mái ghẹ của mấy trại từ La Chữ, An Đô, Văn Xá tới Liễu Nam … rần rần chạy theo.

Tía Thép nghiêng đầu liếng mắt ngó con gà lạ trong tay Chơi, rồi quay đi xù lông đập cánh vươn cổ gáy một tràng dài. Thái độ khinh bạc đó làm Lượm chùn lòng. Khi chàng gà biết mình là một … hùng kê đẹp mã, thì tha hồ diệu võ dương oai, và hùng tính của nó tăng lên gấp bội. Lượm hích Chơi:

- Đừng cáp độ gà mình với con Tía Thép đó. Ngó hắn chắc ăn quá! Tau sợ…
- Sợ chi! Con gà mình sẽ đá hắn bay tưng!

- Mi điên! Con Tía Thép đó là tay giết gà như chớp. Hắn chém chết vô số gà, hung bạo hơn cả thần dịch. Không con gà mô cự nổi hắn vài hiệp.

Chơi nhất định cáp độ con gà lạ với Tía Thép, mặc những lời lải nhải của bạn. Tía Thép đã được cáp độ với Đơn Hùng Tín, một con gà nòi đem từ Đà Nẵng ra. Đúng như lời Lượm, tới hiệp thứ ba thì Đơn Hùng Tín bị chém đứt cuống họng bởi cú đá song phi của Tía Thép, giữa những tiếng reo hò tở mở của đám dân làng. Trong khi Đơn Hùng Tín nằm giẫy đành đạch thì Tía Thép vỗ cánh phành phạch cong bộ lông đuôi mặt trời lưả đỏ lên, hùng hổ vươn cổ gáy râm ran. Lượm lại hích cùi chỏ vào hông Chơi:

- Ác ôn chưa! Thôi cuốn giò rút êm cho rồi. Tau sợ quá!

Nhưng tới phút đó thì Chơi cũng liều thí mạng…gà. Hắn vỗ vỗ vào lưng con gà như để trấn an, rồi thả gà vào sân. Lượm hồi hộp nghe tim đập đồm độp như gà mổ mo trong ngực. Tía Thép nghênh ngang tiến vài bộ, xong đưa cẳng thép cào mặt đất. Cựa nó sắc bén cùng lưỡi dao quắm vạch rõ nhiều lằn trên nền đất sét nện. Nó lại tung đất lên tạo thành một cái hố nhỏ như thể đào huyệt chôn địch thủ. Tía Thép chẳng thèm ngó con gà vừa được thả vào. Con gà lạ thản nhiên bước tới như không hề nghĩ sắp phải đương đầu với một đồng loại hung hãn đang say men chiến thắng. Chắc nó cũng chẳng biết là đang bước gần tay đao phủ thủ sẽ hành quyết mình trong phút chốc.

Khi con gà của Chơi và Lượm tiến đến trước mặt Tía Thép, tim Lượm thót lại. Nó nghĩ con gà sẽ lăn đùng ra chết tức tưởi ngay dưới cú song phi đầu tiên. Nhưng lạ chưa! Khi Tía Thép ngẩng đầu lên nhìn đối thủ, hai mắt nó bỗng ánh lên một tia sáng lạ lùng. Không phải ánh lửa mắt một dũng sĩ giác đấu hung hăng, mà là ánh lửa tình tứ của một gã…si tình. Mắt Lượm chẳng phải quáng gà. Giữa ban ngày ban mặt có đông đủ bá quan văn võ mấy làng và bàn dân thiên hạ, chàng Tía Thép đứng sững một giây ngây dại nhìn đối thủ, rồi bỗng xoè một bên cánh đi rè rè biểu diễn điệu múa ve vãn của loài gà, cổ họng phát ra những âm thanh cúc cúc âu yếm dịu dàng. Thiên hạ sững sờ ngạc nhiên đứng im, há hốc miệng, nhất là những người đã tố xả láng đặt tiền vào Tía Thép.

Trong chớp mắt, con gà của Chơi và Lượm xông tới thọc chiếc cựa nhọn vào ngực chàng dũng sĩ đa tình dại…mái. Tía Thép nhào ngửa, giẫy đành đạch. Thế là tiêu tan sự nghiệp. Tàn đời một anh hùng mã thượng. Chủ cuộc đá gà nhấc bổng con gà của Chơi và Lượm lên, hô to:

- Dứt đấu! Con gà ni đoạt chức vô địch!
Đám đánh cá vào Tía Thép tức tối xông ra xỉa xói:
- Gian! Chơi gian! Đập hai thằng dịch vật phá thúi ni cho tau! Tổ cha bây nghe!
Họ xông ra khỏi vòng rào, nhổ phăng mấy cọc tre, lăm lăm nhào tới chực đánh Chơi và Lượm. Ông chủ cuộc đá gà chọi vội xua hai đứa:

- Chạy mau bây ơi! Mau lên không thì u đầu sứt trán lọi giò bây ơi!

Chơi chụp con gà ôm chặt vào lòng rồi cả hai te còng chạy vun vút nhảy cóc qua mấy vồn sắn băng khỏi đám ruộng khoai lang Văn Xá, mới bỏ xa được đám người đuổi theo. Hai đứa chạy tiếp tới khu mộ cụ cố Trần thì đi chậm lại rồi rẽ vào nghỉ chân. Chơi vừa thở vừa hỏi:
- Răng, mi chịu hắn là gà trống chưa?
- Chịu! Chừ hắn là vô địch gà đá, hé?
Cả hai đứa vừa thở vừa lăn ra cười vang.
Khu mộ cụ cố Trần có những cây chim chim và kiền kiền đại thụ cao vút sum suê bao quanh một ngôi lăng kiên cố có đôi kỳ lân đá chầu đàng trước. Mấy tàng lá lấp lánh ánh bạc. Tiếng cười reo vui của Chơi và Lượm vang vang rung động cả cây cành, trong khi nắng long lanh nhún nhảy phụ hoạ trên mấy tàng lá rậm rạp.

Con gà giương mắt ngơ ngác nhìn. Bỗng nó rùng mình run nhẹ rồi kêu cục cục nho nhỏ trong cổ họng. Lượm lo lắng nghĩ con gà quí hẳn trúng độc từ cựa Tía Thép. Lượm đưa tay đỡ con gà trong tay Chơi. Một vật tròn ấm rơi vào lòng bàn tay. Con gà bỗng vươn cổ cất tiếng:

- Cục cục cục cục … tác ! Cực cực cực cực … ác ! Vừa đau vừa … vừa rát! Cục cục cục cục ….

Lượm cúi xuống. Một quả trứng nâu hồng ấm áp nằm gọn trong lòng tay.


Lửa Phượng


Cuối tháng Năm. Tháng Năm chưa nằm đã sáng. Dậy sớm. Ra hiên trước đón không khí trong lành ban mai. Cỏ cây còn mơ màng ẩn hiện trong ánh sáng trắng mờ nhạt thoáng dịu hồng đọng trên vòm cây xanh trước ngõ. Tàng cây nổi bật trên nền mái đỏ ngôi nhà bên kia đường và nền trời còn trắng đục. Con lộ cát sỏi trắng xô xố tưởng có tuyết phủ nhẹ.
Vài cánh cò liệng qua, đáp xuống vạt cỏ. Màu trắng nổi bật lên nền xanh. Có tiếng chim hồng y lảnh lót. Ngước mắt nhìn, hình hồng y đỏ rõ nét trên cành lá lục. Và phút chốc mặt trời vụt đáp tiếng chim gọi: cây cành bùng sáng những tia bình minh hồng vàng rạng rỡ, soi rõ mấy chùm hoa đỏ rực: Phượng!
Chỉ mới mấy chùm lác đác, mà rưng rức một niềm đau xé lòng ….

Hè về! Hè về!!!

Mầu hoa phượng chói lói, sinh sống như sắc máu người.
Ấy là lời kêu kỳ bí của mùa hè; trong nắng chói chang, mùa hè thét lên những tiếng lửa.
 (Xuân Diệu, Hoa Học Trò, tản mạn)

Lửa Phượng! Phượng! Trái tim của mùa Hè.
Dưới ánh nắng, Phượng chói lói bùng lửa, những cánh hoa bung rộ đón nhận tình yêu của nắng, để lại vết xước trong tim hoa, hay vết thương từ mũi tên bay vút cắm ngập cho tình nở rộ bằng những giọt máu đỏ hồng …

Hoa không thể nở không có nắng, và người không thể sống không có tình yêu. A flower cannot blossom without sunshine, and a man cannot live without love. (Max Muller, triết gia Đức, tu sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, chuyên về Đông phương, đọc và viết tiếng Phạn, chú trọng về Phật giáo, câu trích dẫn từ Wisdom of Buddha)
Hoa là ngôn ngữ chân thật nhất của Yêu Thương …Flowers are love’s truest language (Soren Kierkegaard, triết gia Đan Mạch thế kỷ 19)

Ơi Phượng ! Phượng yêu !

Yêu người ! Yêu Phượng ! Yêu hoa đầu mùa. Yêu mầu rực rỡ, yêu ai mù loà … (Phạm Duy, Phượng Yêu)

Phượng hay Phượng vĩ, Phượng vỹ, Soan tây, Điệp tây hoặcHoa Nắng, Hoa Học trò… Tên khoa học Delonix regia, họFabaceae, đại mộc sinh sống ở vùng nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới. Tên thông dụng trong tiếng Pháp Flamboyant, tiếng Anh Flame of the ForestRoyal Poinciana. Tự điển Tropicana, Color Cyclopedia of Exotic Plants and Trees của Alfred Byrd Graf, D. Sc. ấn hành 1978, và Tự điển Cây Cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ quyển I tập 2 ghi Phượng đại mộc, vỏ trắng nhánh xéo, lá rụng vào mùa khô, 2 lần kép; thứ diệp mang vào 20 cặp tam diệp; hoa to, đỏ; cánh hoa có cọng, cánh cờ cam có đốm trắng; tiểu nhụy 10, chỉ cao 10 cm, rời nhau. Trái rất to, dẹp, cứng, dài 20-60 cm, rộng 4-5 cm; hột dài, đen, có vân nâu, rất cứng. Trồng vì hoa sặc sỡ, gốc Madagascar.
Phượng cao vừa phải, khoảng 5 thước hoặc có khi đến 12 thước, mọc vùng khô thiếu nắng thì rụng lá, nhưng vùng có đủ mưa thì luôn xanh tươi.
Hoa Phượng lớn, có 5 cánh đỏ thắm hay màu hỏa hoàng, cánh thứ 5 gọi là cờ luôn thẳng vút nổi bật màu trắng với lốm đốm chấm đỏ và vàng.

Phượng vườn nhà LaiHồng June 5


Phượng xuất thân từ những khu rừng già Madagascar. Trong rừng rậm, Phượng chen chúc khó sống và có cơ nguy tuyệt chủng, nhưng cơ may hoa rực rỡ với tàng cây cành lá mượt xanh tỏa rộng cho bóng mát, nên được đưa trồng khắp nơi trên thế giới. Người khám phá Phượng là Thống đốc French West Indies, vùng đảo Caribbean trong Đại Tây dương, thế kỷ 18. Tên ông là M. de Poinci, và từ đó Phượng mang tên Poinciani.
Cây Phượng được đưa vào Việt Nam thế kỷ 19, dưới thời Pháp thuộc. Thích hợp với khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới, được trồng nhiều tại Huế, Saigon, Hà Nội và Hải Phòng…. trong công viên, dọc vỉa hè các đường lớn, và nhất là tại các trường học. Hải phòng có tên là Thành phố Hoa Phượng, và dạo sau này có Lễ Hội Hoa Phượng hằng năm vào khoảng tháng 5 là tháng Phượng bắt đầu rộ.


Đường Hoa Phượng đỏ và vàng Hải Phòng


Con đường trong hình trên cho thấy Phượng Vàng. Loại hoa vàng này có tên khoa học là Delonia regia var Flavida, khó trồng và ít hoa hơn Phượng đỏ, hoa toàn màu vàng nhưng cánh cờ lại trắng lốm đốm vàng, rất lạ.

Không nên lẫn lộn Phượng Poinciana Delonix regia với câyĐiệp, Điệp cúng, Phượng ta, Kim Phượng, là tiểu mộc thân có gai, ra hoa quanh năm trong khi Phượng Vỹ đại mộc và chỉ ra hoa mủa hè.
Hết hè, Phượng có trái, dài như lưỡi kiếm, bên trong có hạt dài xếp hàng ngang. Lá Phượng lăn tăn xếp đối từng đôi hai bên cọng, dính vào một cuống dài và tạo thành một chùm dài như lông chim, xanh mượt. Hoa và lá trông giống một chim Phượng đầu đỏ (hay vàng) và đuôi xanh dài, vì vậy được đặt tên là Phoenix/ Phượng vỹ.

Tìm hiểu sự tích liên hệ Hoa Phượng, thấy có truyền thuyết của ViệtNam và Úc.
Chuỵện người Hải Phòng kể ngày xưa có một võ sư tuyệt luân không vợ con, nuôi 5 con trai suýt soát tuổi nhau để truyền nghề.Y phục võ sinh toàn màu đỏ rực. Một năm, nước có loạn, do một tướng cướp võ nghệ song toàn nhưng rất hung hiểm. Võ sư xin triều đình cho đi dẹp loạn cứu dân lành. Chưa lên đường thì tên cướp bất thần kéo thủ hạ xông vào nhà, dùng võ lực của đám đông uy hiếp bắt trói võ sư, nhưng chưa vội giết, mà thả về với điều kiện phải dâng năm mươi cân thịt bò tơ cùng một nong xôi gấc và năm vại rượu, đích thân khiêng đến nơi đóng quân trên ngọn đồi giữa làng.
Võ sư được dân làng giúp làm thịt bò để ông hì hục khiêng lên núi. Dân làng cung cấp nếp và quả gấc nấu xôi, vừa lúc năm người con nuôi trở về từ trường thi, muốn cùng cha xông lên núi diệt giặc cướp, nhưng võ sư đã có sách lược. Ông vẫn một mình đội nong xôi thật lớn vất vả lên núi. Tên cướp mưu toan sẽ hành hạ và sau đó đầu độc võ sư, vì biết ông vừa uy dũng vừa mưu lược. Khi võ sư vất vả đến nơi với nong xôi gấc vĩ đại, tên tướng cướp vung gươm đâm võ sư ngã gục, nhưng võ sư đã gượng vùng dậy rút lưỡi gươm phóng thẳng vào ngực tên phản loan.Đồng thời, năm chàng con nuôi ẩn trong nong xôi vĩ đại kịp thời vung kiếm chém tên cướp, và đánh đuổi đám thủ hạ.
Dân làng an táng võ sư, và năm người con nuôi trồng năm cây quanh mộ, một giống cây có lá đẹp như thêu và lớn lên cho bóng mát rợp. Cả năm lần lượt qua đời, và năm cây bên mồ đơm hoa, một loại hoa đỏ thắm như màu áo võ sĩ. Hoa có năm cánh rực rỡ, và tàng cây đầy hoa trông xa như một nong xôi gấc vĩ đại đỏ rựcKhi kết quả, trái có hình y hệt những lưỡi gươm treo lủng lẳng trên cành. Tình Phượng trong chuyện kể này liên hệ Cha Con tình sâu nghĩa nặng.
Chuyện kể của Úc có tính cách huyền thoại. Tại Úc, thổ dân Úc Aboriginal di dân từ Châu Phi sang Á xuống Úc trên 50 ngàn năm trước, có huyền thoại Poinciana Woman khắc trên đá, theo nghệ thuật Kakadu Rock, ghi lại hình ảnh một thiếu nữ thổ dân bị sát hại, ẩn thân vào cây Phượng, có khoảng 100 năm kể từ ngày được du nhập từ Madagascar vào Úc.


Poinciana Woman, hình Shelz Keast
Chuyện khác là một vở bi kịch tình yêu nam nữ thuở thiếu thời, do Shez Keast – người chụp hình trên – có xem nhưng không nhớ rõ chi tiết chỉ biết là một cuộc tình tan vỡ trong màu Phượng.

Ơi Phượng! Phượng yêu!!!

Hoa là ngôn ngữ chân thật nhất của Yêu Thương …Flowers are love’s truest language (Soren Kierkegaard, triết gia Đan Mạch thế kỷ 19)


Phượng ghi nhiều kỷ niệm thiếu thời. Cấp tiểu học chơi cùng hoa, đá nhị cái, vặt nhị đực nhai cùng cánh hoa ngọt dịu, vặt cánh chơi trò nấu ăn, vò búp thổi phồng đập lên trán, kết hoa lên đầu làm cô dâu …Đám con trai thì ăn hoa nụ, chua chua chan chát nhưng lại thú vị, tuổi nhỏ thấy gì cũng ăn! Ăn hạt Phượng non mỏng xanh lục nhạt ngòn ngọt bùi bùi, và hạt già luộc chín bỏ vỏ ăn nhân trắng mòng mọng dòn bùi.
Lên trung học, bắt đầu biết làm dáng, các cô cũng nhai cánh hoa nhưng để môi thêm mầu, không kết hoa làm cô dâu nữa mà hái hoa kết tràng dài làm giây đeo cổ tặng nhau, nam sinh hái nguyên cành tặng nữ sinh, nữ sinh cũng tặng nữ sinh, rồi ép hoa vào sách vở, vào lưu bút cuối năm kèm vài vần thơ học trò…
Mấy câu dưới đây thật ngây thơ, không thấy tên tác giả, trong bàiMãi Trong Tôi Ngôi Trường Ấynhặt từ một blog có tên cadasa e-learning:

……. Đến khi hoa phượng nở
Đỏ rực cả sân trường
Cũng là khi ve khóc
Cho tình bạn chia ly ……


Mấy câu này cũng rất thanh thoát, trong bài Hè của Hằng Nga, trích từ blog enmuathu
Hè về phượng nở vấn vương
Bạn bè mỗi đứa một phương xa rời
Cổng trường khép kín lại rồi
Sân trường áo trắng tạm thời chia xa


Những cánh Phượng trên đường là nguồn rung cảm diệu vợi:
Bước chân chiều qua ngõ
Dẫm lên cánh phượng sầu
Sắc hoa màu thắm đỏ
Gợi nhớ bóng hình nhau
Cánh phượng còn in dấu
Trong day dứt ngậm ngùi
Bóng hình xưa lãng đãng
Giữa quên, nhớ, buồn, vui …
(Hồng Vũ Lan Nhi, Cánh Phượng Sầu)
Sắc hoa tưởng niệm, như Thụy Du, trong Sắc Hoa Màu Nhớ:
Cánh phượng nào của ngày xưa trong trang vở
Bông phượng nào lưu luyến buổi chia ly
Cánh phượng tặng nhau người còn nhớ
Tuổi hoa niên run rẩy nói câu gì?

Bất cứ nơi nào có Phượng là có những mối Tình Phượng, hồn nhiên, thánh thiện từ tình bạn cùng hay khác lớp khác trường, chỉ đơn giản là tình bạn, như trong bài thơ tìm thấy lại từ .. cả nửa thế kỷ trước, dưới tên ghi Hoài Nam, đăng trong Đặc san Phượng Vỹ Houston:
Trường Đồng Khánh có đôi lầu hồng tím
Chạy song song tìm vạt cỏ nhung xanh
Với đôi hàng Phượng Vỹ đứng giao cành
Ươm hoa đỏ trời xanh màu thân mật

Chiều, gió lộng, nhạc ru người ngây ngất
Sáng sương rơi tha thướt ánh bình minh
Tôi yêu nơi chôn dấu biết bao tình
Từng đôi bạn xóa hình trong nắng nhạt

Thế là hết mấy năm trời ăn học
Cả trường hồng cùng bè bạn rời xa
Một chuyến tàu.. thôi hết sẽ chia lìa
Trong khi Phượng ưu sầu rơi huyết lệ…

Và không biết bao nhiêu mối tình nở rộ mỗi mùa Phượng. Tình hè, tình chia tay, thất tình.. hay kết tình một đời …
….… Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu…….
(Hoàng Nhuận Cầm, Chiếc Lá Đầu Tiên)

Bài thơ Chút Tình Đầu của Đỗ Trung Quân được phổ biến nhiều nhất hằng năm, tứ thơ đẹp của tuổi học trò tăng thêm phần tuyệt diệu qua nhạc của Vũ Hoàng với tựa đề Phượng Hồng:
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu??? Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám/ Thuở chẳng ai hay thầm lặng – mối tình đầu …..
….. Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.


Nơi hoa bừng nở là nơi hy vọng hiện hữu. Where flowers bloom so does hope (Lady Bird Johnson, phu nhân Tổng thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson))
Luôn có ngàn hoa cho những ai muốn thấy…There are always flowers for those who want to see them (Henri Matisse, họa sĩ)

Phượng, trong Sắc Hoa Màu Nhớ, nhạc và lời Nguyễn Văn Đông, phổ biến mạnh tại miền Nam và hải ngoại:
….. Hoa Phượng rơi đón mùa Thu tới
Ngàn phượng rơi bay vương tóc tôi…
… Nhưng lòng vẫn nhớ, một trời vẫn nhớ
Đời đời…. Phượng rơi… rơi trong lòng tôi ….

Một bài thơ khác cũng được phổ nhạc - Thời Hoa Đỏ - tác giảThanh Tùng của Hải Phòng thành phố Phượng, do Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc, rất thịnh hành trong nước:
Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng cho lòng ta yên …..

….. Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa của một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ …..

….. Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh lùng
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim…..


Ơi Phượng! Phượng yêu!!!!!!!!!!
Bởi yêu Phượng nên có Bài Ca Tháng Sáu, lần này ký tên thật, viết từ 1991 thời làm báo bên tiểu bang xanh mãi ngàn xanh Washington, mà vết sướt trong tim hoa, mới, mới, mới, bởi mũi tên bắn xé lòng vì hoa!!!!!
đêm qua tôi mơ
trở về mái trường xưa hồng tím
như tìm về kỷ niệm tháng năm xưa
thời thơ ấu
dưới bầu trời tháng sáu
lối cỏ rêu phong
còn in dấu gót chân son

tôi đã gặp
những khuôn mặt thân quen ngày cũ
ríu rít vui mừng như một lũ chim non
những đôi mắt long lanh khuất sau vành nón
có thơ lồng trong lá
“mát mặt anh hùng khi nắng hạ
che đầu thiếu nữ lúc mưa xuân”

bạn và tôi
ngơ ngẩn đứng tần ngần
ngắm nắng tháng sáu ươm tơ vàng trên tàng phượng đỏ
để tóc thề trong gió nhẹ bay bay …
tay trong tay
ta ngất ngây say nhạc ve sầu ra rả
nghe đâu đây rộn rã bài ca

“trời hồng hồng
sáng trong trong
ngàn phượng rung nắng ngoài song …”

lần theo dấu cỏ
thấy trên vỏ cây sù sì
xác ve ghì gốc phượng
thân đã chết mà tình còn vướng mắc
lòng bâng khuâng
trong khoảnh khắc
thấy sự còn mất

chợt tỉnh giấc
bất giác nắm trong tay
cả một khoảng đầy hư vô …

Hư vô, hư vô …..
Ơi Phượng! Phượng yêu!!!!
Hư vô, hư vô ….. bởi hoa nở nhắc nhở mười ba la mật:

"Hoa: Ðây là hình tượng ẩn dụ sự tu hành mười ba la mật. Sự tu trì này là nhân để nhập pháp giới, thành tựu mọi công hạnh của bồ tát đạo. Hình ảnh đóa hoa nở khai là hình ảnh của tâm bồ đề khai mở trong tâm thức người. (Thầy Hằng Trường, thuyết giảng về Kinh Hoa Nghiêm)

Hoa bang, 25 tháng 6, 2013


Siêu Trăng



Thứ bảy, 29 Tháng 6 2013 16:51


Trăng trườn mình trên mặt sóng
rạng rỡ trời đông ngời ngời ánh sáng
biển dềnh cao
ghềnh đá lao xao

bào ảnh tuôn trào
nghe màu sắc chao động
thấy muối mặn trong gió luồn lồng lộng




             Super Moon Cap Canaveral FL

Trăng!  Siêu Trăng!
có phải trăng về trong vọng giác
hay tôi đôi khi lạc vào cõi vô minh huyền hoặc
Trăng soi rõ tôi
tôi nhập vào trăng
và âu yếm trăng ôm trọn thân tâm tôi
Tôi bước theo trăng
và trăng dẫn lối
từ bóng tối u minh tôi theo trăng
và trăng theo tôi
Trăng trời đông nhắn gửi đến trời tây
có thấy đêm nay
trong tận cùng thăm thẳm của tâm can
cõi vĩnh hằng bất hứa nhân gian
ánh trăng vàng ngời ngời vô lượng
rộ rỡ lẽ vô thường …


SÁNG
             tn mn

Sớm mai ra vườn
quấn quít hương hoàng lan ngào ngạt
ngước mặt ngóng vầng dương
mắt vương lưới nhện giăng mắc trên nhánh phượng
còn ướt màu đêm đen
chân dẫm nhẹ lên đường chen hoa trên cỏ
bước dưới hoa … hoa rơi rơi đỏ áo
hoa chào người và người cũng chào hoa
cúi nhìn long lanh hạt sương trên cánh phượng đỏ
và ngước con chim sâu nho nhỏ nhí nhảnh chuyền cành
lay động …
lung linh
quỳ bứng một cụm cây xanh
tay ấn sâu cảm thấy đất rùng mình
bình minh vụt rạng
ánh sáng chan hòa
Trời Đất bao la niềm hoan lạc
một ngày mới bắt đầu
bằng mấy câu tản mạn …

                           Trn th LaiHng

                           Hoa bang 19 tháng 6, 2013


ĐOẢN CA TỬ KỲ
(Thoát ý từ bài Bá Nha khóc Tử Kỳ)

Gió Xuân về với bao bằng hữu thân quý, 
nhưng còn đâu người tri âm! 
Giây tơ đành đứt đoạn mà tình vẫn tràn đầy.
Tử Kỳ không còn nữa. Cứ đàn, Bá Nha ơi !
Xưa thân quý tụ trọn một người, nay thân quý tỏa rộng chan hòa, từ thiên nhiên cây cỏ.
* * *
Ức tính khi niên xuân
Giang thượng tằng hội quân
Kim nhật trùng lai phỏng
Bất kiến tri âm nhân. 
…..
Tử Kỳ, Tử kỳ hề!
Nhĩ, ngã thiên kim nghĩa
Lịch tận thiên nhai vô túc ngữ
Thử khúc chung hề bất phụ đàn
Tam xích Dao cầm vị quân tử
Nhớ mùa Xuân năm ngoái
trên sông gặp tri âm
năm nay ta trở lại
tìm đâu thấy cố nhân !!!
…..
Tử Kỳ ! Tử Kỳ hề !
Ôi tình nghĩa tâm giao
nghìn vàng tìm không dễ
đành vỡ khúc ly tao …
Thốt đoái Dao cầm phượng vĩ hàn
Tử Kỳ bất tại, hướng thùy đàn?
Xuân phong mãn diện giai bằng hữu
Dục mịch tri âm, nan thượng nan.
Đập vỡ đàn xưa phượng lẻ đôi
Tử Kỳ đâu nữa, đàn cho ai !
Gió Xuân đầy mặt bao bè bạn
tìm kẻ tri âm khó khó thay !!!!!!!
Gió Xuân về với bao bằng hữu thân quý, nhưng còn đâu người tri âm !!! Giây tơ đành đứt đoạn mà tình vẫn tràn đầy.
Tử Kỳ không còn nữa.  Cứ đàn, Bá Nha ơi !!!!!

Xưa thân quý tụ trọn một người, nay thân quý tỏa rộng chan hòa, từ thiên nhiên cây cỏ hoa lá chim muông cho đến hòn sỏi tảng đá mặt đất, nhất là trên giòng trường giang từng cọng hưởng chuyên chở tiếng đàn đến người tri âm. Tất cả tưởng vô tình mà thực hữu tình cảm thọ dưới mắt nhìn, tai nghe, xúc cảm ….
Trong gió có hương hoa hòa tỏa tự cây cành, chuyên chở cả thanh hương sắc vị. Gió kia tửng thở theo nhịp đàn, mang cung điệu đến người cùng cảm nhận. Hoa kia từng cười theo sóng nhạc thắp tươi màu lửa sống.  Cành lá kia từng run rẩy vẫy chào âm ba rung động.  Chim kia từng lắng lựa cung bậc nhịp nhàng hòa điệu.  Mây kia từng ngừng trôi đọng giọt thánh thót bổng trầm.
Viên sỏi tròn lăn trần theo cung nhạc, trong khi đất râm ran chan hòa dâng chuyền chuyển mạch.  Lửa mặt trời tỏa rạng tin yêu, và trăng diễm tuyệt từng nét diệu huyền tắm đẫm sóng vàng rạt rào loang bờ cát trắng.

Dẫu đập vỡ đàn nhưng âm vang còn vọng mãi trong thân tâm, trong Trời, Đất.
Đời đã có và đã không.  Nay không nhưng từng đã có.

Có với không, vô thường mà vẫn nhất như.
Tử Kỳ không còn nữa, nhưng từng đã và đang có đó.  Cứ đàn, Bá Nha ơi !!!!!

Trần thị LaiHồng
Hoa Bang, tháng 5, 2010, Giỗ Đầu VõĐình

Chú thích
• Nghe hòa đàn cổ nhạc Bá Nha Khóc Tử Kỳ
http://www.conhacquehuong.com/threads/2366-Ba-Nha-khoc-Tu-Ky
• Bài thơ theo bản nhạc Cao Sơn Lưu Thủy của Bá Nha khóc Tử Kỳ, TrầnThị LaiHồng chuyển ngữ


Vng Vc Trăng Lăng Nghiêm
            Trn th LaiHng

Lễ Phật Đản 2557.
Không đến Chùa, nhưng ra biển nhìn trăng, nương theo ngón tay Như Lai.
Tâm thấy Trăng bằng mắt.  Tâm thấy trăng bằng Trái Tim.  Như Oslo trong Finger Pointing to the Moon :  Chân lý không bao giờ có thể nhận biết, mà chỉ có thể được cảm nhận.
Lội xuống biển.  Sóng âu yếm ôm vòng vỗ về hai chân trần.  Cúi xuống vốc nước đầy hai tay.
Cúc thủy, nguyệt tại thủ*
(Vốc nước, trăng trong tay)

Trăng nằm trong tay tôi, nhưng chỉ một sát na, rồi tuôn chảy dài qua kẽ ngón,  hòa chìm vào bọt sóng ẩn hiện từng mảnh huyền diệu đang vang vỡ reo cười …
Biển động.  Cát vẫn là cát, sóng vẫn là sóng, trăng vẫn là trăng .  Dấu chân trên cát hiển hiện hôm nay cũng vẫn là dấu chân ngày nào …

Thủy triều đang dâng theo trăng. Và trăng rạng rỡ ngời ngời vô lượng, liên tưởng hai câu trích trong một bài dài :
 Hạo hạo Lăng Già nguyệt
Phân phân Bát Nhã liên  **
và cao hứng phóng chuyển ngữ bên ánh trăng cùng tiếng sóng rì rào :
vằng vặc Trăng Lăng Nghiêm
ngạt ngào Sen Bát Nhã

Bởi chỉ trú chí Bát Nhã Tâm Kinh.  Theo tâm luận của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc : “Tâm Kinh 260 chữ, nhưng mỗi chữ là một nhát búa khắc trên vách núi đá cao.  ‘Ngũ uẩn giai không’ là cốt lõi của Tâm Kinh, trái tim của trái tim, và trong bốn chữ đó, chữ KHÔNG/Synyata là cốt lõi của cốt lõi.” ***
“Yết-đế , yết-đế , Ba-la yết-đế . Ba-la-tăng yết-đế, Bồ-đề tát-bà-ha".
 (Này Trí Huệ ! Đi, đi, đi qua bờ bên kia, dắt qua bờ bên kia, Bồ đề Ta bà ha ): Trí huệ đáo bỉ ngạn.”

Đứng bên bờ Đại Tây dương, tôi không muốn đáo bỉ ngạn qua Châu Âu, mà chỉ đợi một ngày bên Thái Bình dương, được đáo bỉ ngạn Tây phương, vượt sóng trùng dương về quê hương.   Nhưng nghiệm lại, thì trong ta có nước, trong nước có ta, khoa học là H2O, và đâu đâu cũng có, như trong Đất Nước Gió Lửa, như …  cõi ta bà này, và trong ba ngàn cõi ấy, đâu chẳng phải là nhà !!!!!!!  Atvatya !

đáo bỉ ngạn Thái Bình
con thuyền Bát Nhã về quê hương
chở một cõi vô thường

em về, em trở về
nắm bắt tình quê hương …

trong mỗi vầng trăng đầy
em nhìn thấy anh bằng trái tim
tìm nghe bằng đôi mắt

tay níu bắt mùi hương
vô thường nếm bất nhị

niềm vui không nguyên nhân
và nỗi đau dẫu bất khả phân
sóng thần và biển cả

atvatya … như thật
atvatya … có thật

    Trn th LaiHng
     Hoa bang, Pht Đn 2557

Chú thích :
* Cúc Thủy Nguyệt Tại Thủ, thư pháp của Thiền sư Kogetsu Tani Nhật, thế kỷ 17 (1571-1643), trích dẫn từ Thư pháp Linh tự Đông phương, John Stevens, blog hoasontrang
**  
          Hạo hạo Lăng Già nguyệt,
          Phân phân Bát Nhã liên...
          月,
         蓮。
         Trích hai câu từ nguyên bài Truy tán Pháp Vân tự Tì-ni-đa-lưu-chi thiền sư    追讚法雲寺毘尼多流支禪師  của Lý Thái Tông, nguồn Wikisource
*** BS Đỗ Hồng Ngọc, Nghĩ Từ Trái Tim



ChCòn Tiếng Sóng
                   Trn th LaiHng
ngày nào
chưa phải ngày xưa …
cát từng ghi dấu chân
thật gần
chim từng bay song đôi
người ơi !  người ơi !
mà ngày nay
người đã xa, đã về, đã tới               
cát cũng còn in dấu chân
một mình
một mình lẻ bước
bên trời mây nước
và trăng
nhưng chim thì gãy cánh
mà vẫn còn bay bổng…

bốn năm
bốn năm
một ngàn bốn trăm sáu mươi ngày trôi
bốn năm rồi …
tôi một mình gọi nhỏ
chim ơi !  biết đâu tìm *
nghe âm vang lời chuông vọng
ngân nga
ngân nga
lắng lòng nghe chuông gióng
hòa  tiếng sóng đồng vọng …
còn chi
còn chi
chỉ còn tiếng sóng
chỉ còn tiếng sóng trong lòng ..


     Hoa bang, Phật Đản 2557
* Thơ Phạm Thiên Thư Vết Chim Bay

No comments:

Post a Comment