Showing posts with label Tường Thuật. Show all posts
Showing posts with label Tường Thuật. Show all posts

Tuesday, August 7, 2018

Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ giới thiệu lợi ích thực tập Tỉnh Thức tại Học Khu Colton Joint - Đoàn Hưng / SBTN


Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ giới thiệu lợi ích thực tập Tỉnh Thức tại Học Khu Colton Joint


Vào sáng Thứ Năm 2 tháng 8, tại trường Trung Học Grand Terrace thuộc Học Khu Colton Joint (Quận Hạt San Bernadino, Nam California), Tiến Sĩ Giáo Dục Bạch Xuân Phẻ đã có buổi thuyết trình với đề tài “Phát Triển Kỹ Năng Chuyên Môn Của Giáo Viên Nhờ Vào Sự Tỉnh Thức”. Có khoảng 100 giáo viên đến tham dự hai buổi thuyết trình. Và họ đã tỏ ra rất thú vị, quan tâm đến đề tài này.
Tiến Sĩ Phẻ là giáo viên dạy môn Hóa Học tại trường Trung Học Mira Loma- Sacramento. Đồng thời, anh là người thực hành và giảng dạy về  “Sự Tỉnh Thức”, là thành viên của Instructional Leadership Corps member -Chương trình Giáo viên dạy Giáo viên của Stanford và Hiệp Hội Giáo Chức California (California Teacher Association- CTA). Kể từ năm 2014, anh cùng CTA đã tổ chức những khóa huấn luyện “ Tỉnh Thức” cho khoảng trên 2,000 giáo viên thuộc nhiều học khu California, thuộc mọi thành phần sắc tộc, tôn giáo khác nhau. Những giáo viên này thấy được sự lợi lạc, nên sau đó đã đem sự thực hành “Tỉnh Thức” đến với học sinh của mình trong các trường học ở California và cả tiểu bang khác.
Có thể gọi Sự Tỉnh Thức bằng nhiều tên gọi: Mindfulness, hay Chánh Niệm, hay Tĩnh Tâm, hay Trực Giác Bén Nhạy… Sự Tỉnh Thức được hiểu một cách đơn giản như là khả năng nhận biết rõ ràng những gì đang xảy ra ngay trong giây phút hiện tại, mà không phán xét chúng. Đó là khả năng quan sát những gì đang xảy ra trước mắt, nghe những âm thanh đang đến bên tai, cảm nhận những xúc chạm đang đến trên từng bộ phận cơ thể trong giây phút hiện tại. Đi xa hơn nữa, đó là khả năng nhìn thấy được những tình cảm vui, buồn, ghét, thương đang khởi lên trong tâm thức, hay những dòng suy nghĩ không ngừng xuất hiện trong trí óc của chúng ta.
Vì sao Sự Tỉnh Thức lại quan trọng đối với một học sinh? Tiến Sĩ Phẻ đã kể lại rằng trong cuộc đời dạy học 16 năm của mình, đã có 5 học sinh của anh tự tử vì không thể chịu nổi những cảm giác căng thẳng, tuyệt vọng trong gia đình, trường học. Ở độ tuổi trung học, lẽ ra là lứa tuổi chỉ có niềm vui, do chưa phải đối diện với những căng thẳng trong cuộc sống “cơm áo gạo tiền”. Vậy mà ngay trên đất nước Hoa Kỳ giàu có, khoa học kỹ thuật phát triển nhất hành tinh này, các em học sinh đã phải trải qua những cảm xúc tiêu cực mạnh đến nỗi các em không còn muốn sống nữa. Nếu biết làm chủ được những cảm xúc hủy diệt đó, có thể các em đã không tự kết liễu đời mình. Thực tập Sự Tỉnh Thức sẽ giúp cho các em rèn luyện khả năng làm chủ bản thân này.
Nói đến sự quan trọng của việc làm chủ cảm xúc, Tiến Sĩ Phẻ nhắc lại câu chuyện của một người, từng tiếp xúc với 14 tù nhân bị các bản án nặng do phạm tội đại hình. 14 tù nhân đang phải thọ những án tù tổng cộng đến 426 năm. Họ được hỏi đã suy nghĩ bao lâu trước khi quyết định thực hiện hành vi tội ác đã dẫn đến tù tội. Câu trả lời: người suy nghĩ lâu nhất là 5 phút, còn người suy nghĩ nhanh nhất chỉ là 2 giây! Tổng cộng lại, 14 người đã suy nghĩ trong khỏang 14 phút trước khi hành động, và cái giá phải trả là 426 năm tù! Nhiều người trong số họ đã cảm thấy hối tiếc, cho rằng nếu lúc đó mình tỉnh táo hơn, kiểm soát được cảm xúc tốt hơn, thì có thể giờ này họ đã không phải chịu cảnh tù đày.
Nếu có thực tập Sự Tỉnh Thức, có thể họ đã không như vậy. Bởi vì khi đối đầu với những điều bất như ý gây ra sự giận dữ, mất tự chủ, những người này đã hành động như một “phản ứng” (reaction) mà không kịp suy nghĩ, cân nhắc. Nếu có Sự Tỉnh Thức, thì giữa hoàn cảnh và hành động sẽ có Sự Tỉnh Thức làm bước trung gian, cho nên họ sẽ “đáp ứng” (response) lại hoàn cảnh một cách khôn ngoan, tự chủ hơn. Vài giây tỉnh thức có thể làm thay đổi cả một đời người!
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh những lợi ích khác nhau của việc thực hành Sự Tỉnh Thức đem đến cho các em học sinh trong học tập. Khả năng tập trung của các em cao hơn. Các em tiếp thu kiến thức tốt hơn. Khả năng sáng tạo, đáp ứng nhanh những tình huống khác nhau  tốt hơn. Đối với giáo viên cũng thế. Một giáo viên có thực hành Sự Tỉnh Thức sẽ là một giáo viên vui vẻ, trầm tĩnh, hướng dẫn học sinh trong tình thương yêu. Và để giúp các em thực hành Sự Tỉnh Thức, bản thân người giáo viên cũng phải là người có kinh nghiệm về sự thực hành này.
Theo Tiến Sĩ Phẻ, để có khả năng Tỉnh Thức trong học tập, giảng dạy, giáo viên và các em học sinh phải thường xuyên thực hành hằng ngày. Giống như việc các em phải đánh răng mỗi ngày, chứ không thể viện cớ “hôm qua đã đánh răng rồi thì hôm nay không cần đánh nữa”. Mà sự thực hành Tỉnh Thức có thể bắt đầu từ những điều hết sức đơn giản, và không mất nhiều thời gian. Tiến Sĩ Phẻ đã cho các giáo viên thực hành tại chỗ chỉ trong vòng 2 phút. Ngồi thẳng lưng trong tư thế thư giãn. Ngồi yên lặng thảnh thơi trong hai phút mà không làm việc gì, không chờ đợi bất cứ điều gì, và xem như mình không là gì quan trọng cả. Chỉ cần 2 phút như vậy, sẽ thấy tâm trí của mình nhẹ nhàng như vừa được làm mới trở lại.
Một yếu tố quan trọng của việc thực hành Sự Tỉnh Thức đó là tìm một đối tượng để tập trung tâm ý của mình lại, giống như cái neo (anchor). Ý nghĩ của một người vận hành liên tục như một con ngựa bất kham, phải luyện tập cho nó biết dừng lại để nghỉ ngơi. Tiến sĩ Phẻ cho rằng hơi thở là “cái neo” rất tốt cho việc tập trung dòng suy nghĩ. Bởi vì không ai có thể sống mà không hít vào, thở ra. Sự hít thở là đơn vị thời gian căn bản của sự sống, và luôn có sẵn trong mọi con người. Các em học sinh có thể tự tạo cho mình những giây phút tĩnh lặng ngay trong lớp bằng cách trở về theo dõi hơi thở. Chỉ cần làm quen với công việc này, khả năng lấy lại sự tập trung của các em sẽ tốt hơn.
Một phương tiện đơn giản khác để tập trung tâm ý đó là những bước chân. Tiến Sĩ Phẻ đã hướng dẫn các giáo viên thực tập bước chân chậm rãi trong Sự Tỉnh Thức. Ý thức được từng nhịp chân khi dở bàn chân lên, đưa bàn chân lên phía trước, và đặt bàn chân xuống đất. Anh cũng kể lại kinh nghiệm của anh và các em học sinh trong lớp học có một bạn vừa tự tử. Hôm đó, anh và các em vào lớp với tâm trạng buồn bã. Anh nói với các em rằng anh không thể dạy học ngay trong lúc đó, và muốn đi bộ một chút cho tâm hồn thư thái hơn, và đề nghị các em đi theo nếu muốn. Và không ngờ, cả lớp cùng bước đi theo anh. Anh đã chỉ cho các em đi chậm rãi trong Sự Tỉnh Thức để vượt qua cảm giác buồn rầu, thất vọng.
Chỉ trong một buổi nói chuyện chưa đến 1 giờ, các giáo viên dự buổi thuyết trình đã nắm được nhiều điều bổ ích về Sự Tỉnh Thức. Một giáo viên lớn tuổi người Mỹ trắng sau giờ thuyết trình đã đến cảm ơn Tiến Sĩ Phẻ đã cho ông một công cụ rất tốt để hướng dẫn các em học sinh của mình trong tương lai.Tiến Sĩ Phẻ cho biết những buổi huấn luyện về Sự Tỉnh Thức tại các học khu khác nhau thường có rất đông các giáo viên tham gia, và thường xuyên nhận được những nhận xét tích cực như vậy.
Tiến sĩ Phẻ rất mong được giới thiệu chương trình huấn luyện của mình đến với những đoàn thể thanh thiếu niên của cộng đồng Người Việt Hải Ngoại. Những lợi ích đem lại cho các em là vô cùng to lớn, trong một xã hội Mỹ ngày nay ngày càng có nhiều áp lực, căng thẳng trong đời sống thường ngày. Sự căng thẳng, áp lực đến với những người thuộc mọi lứa tuổi, trong đó có cả các em học sinh từ tiểu học đến trung học. Sự Tỉnh Thức sẽ là một hành trang hữu ích cho các em từ thuở cắp sách đến trường, cho đến cả giai đoạn trưởng thành ra đời sau này.
                                                       Đoàn Hưng / SBTN

Photos - Hình ảnh - Hưng Đoàn.

Thursday, June 28, 2018

TUỔI TRẺ DẤN THÂN - LỄ KHAI MẠC TRẠI HUẤN LUYỆN CỦA MIỀN QUẢNG ĐỨC VÀ MIỀN LIỄU QUÁN

Lễ Phát Nguyện - Ảnh Trần Quốc Tiến

TUỔI TRẺ DẤN THÂN - LỄ KHAI MẠC TRẠI HUẤN LUYỆN CỦA MIỀN QUẢNG ĐỨC VÀ MIỀN LIỄU QUÁN

Westminster (Bồ Đề Media) - Tại đất trại Bodhi Youth of American Harmony Pine Youth Camp, 23001 Big Pines Hwy, Valyermo, CA 93563. Vào lúc 11:00 giờ sáng, thứ Sáu ngày 22 tháng 6 năm 2018, hai Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Quảng Đức (Nam California) và Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Liễu Quán (Bắc California) đã tổ chức Lễ Khai Mạc liên Trại Huấn Luyện Sơ Cấp Lộc Uyển – Cấp I - A Dục. Tại huấn huyện này là để đào tạo nhân sự cho tổ chức Gia Đình Phật Tử. Chúng tôi được biết có 129 trại sinh Lộc Uyển và 41 trại sinh A Dục với hơn 50 huynh trưởng trong Ban Quản Trại.
Lễ Khai Mạc  - Ảnh Trần Quốc Tiến 

Tham dự Lễ Khai Mạc có Hoà thượng Thích Minh Hồi, Viện chủ Như Lai Thiền Viện, San Diego, CA; Thượng toạ Thích Từ Lực, Trụ Trì Chùa Phổ Từ, Hayward; Thượng toạ Thích Tịnh Mãn, Trụ trì Tu Viện Từ Vân; Đại đức Thích Đạt Tín, Cố vấn GĐPT Liên Hoa; Đại đức Thích Chân Quang, Yang Shou Temple, Sư Cô Thích Nữ Ngọc Liên và Thích Nữ Hoa Liên, Pháp viện Minh Đăng Quang và Tổ đình Giác Nhiên; Sư cô Thích Nữ Phổ Châu, Cố vấn GĐPT Chánh Hoà, và Sư cô Thích Nữ Phổ Thanh, chùa Phổ Từ.

Về phía tổ chức GĐPT, chúng tôi nhận thấy có sự hiện diện của Huynh trưởng Cấp Dũng Tâm Hoà - Lê Quang Dật, cố vấn trại; Huynh trưởng Cấp Dũng, Tâm Đăng - Nguyễn Văn Pháp; Huynh trưởng cấp Tấn Quang Ngộ - Đào Duy Hữu, Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ, và Huynh trưởng cấp Tấn Quang Dũng - Hồ Chí Cường, Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Miền Khánh Hoà, từ Dallas Texas, Huynh trưởng cấp Tấn Minh - Quang Lê Văn Thẩm, Huynh trưởng cấp Tấn Tâm Tường - Lê Đình Cát,  cũng nhưng những hàng huynh trưởng cấp Tấn, Tín, và Tập khác của tổ chức. Chúng tôi, con thấy sự có mặt của những vị khách quý, ân nhân và Phật tử trong vùng.
Buổi Lễ Khai Mạc được điều khiển bởi hai huynh trưởng Tâm Định - Nguyễn Xuân Hiệp và Tâm Thường Định - Bạch Xuân Khoẻ.  
Huynh trưởng Trại trưởng Cấp Tấn Nguyên Thuyết - Lê Minh Thi, đã nói về hiện tình đất nước, bên kia Thái Bình Dương là quê Cha đất Tổ… “đang bị điêu linh thống khổ, nơi có đồng bào ruột thịt của chúng ta đang quằn quại dưới những làn roi tàn bạo độc tài của chế độ Cộng Sản và đã kêu gọi… Trong giây phút nầy chúng con chúng tôi xin quý liệt vị dành một phút để cầu nguyện cho đồng bào tại quê hương Việt nam sớm thanh bình trong tình thương yêu đồng loại.”
Chị cũng không quên nhắc với trại sinh rằng: “Bước vào ngưỡng cửa của nghề làm Huynh Trưởng không khác nào chúng ta đang xây dựng một ngôi nhà.  Nền móng có kiên cố thì ngôi nhà mới được đứng vững. Để hoàn thành sứ mạng thiêng liêng cao cả đó, người Huynh Trưởng phải kiên cường, chịu đựng, khắc phục và hiểu rõ nhiệm vụ của mình để làm điểm tựa tiến bước trên con đường tu học, phục vụ Lý Tưởng của Tổ Chức GĐPT Việt Nam.
Sau kỳ trại này, các Anh Chị đã tự khoác lên vai mình trọng trách hướng dẫn đàn em và phục vụ Tổ Chức trọn đời.  Cuộc hành trình này đầy những khó khăn, nhọc nhằn, gian khổ nhưng không kém phần , cao quý. Các Anh Chị sẽ là những Anh Chị Trưởng hướng dẫn các em và xây dựng tiền đồ của Tổ Chức Gia Đình Phật Tử việt Nam ngày thêm vững mạnh.  Tương lai của các em, tương lai của Tổ Chức đều trông chờ các Anh Chị.
Hành trang hôm nay của các Anh Chị bước vào Nghề Trưởng là hương thơm Diệu Pháp vọng về từ vườn Lộc Uyển quyện lẫn vào dũng khí của một A Dục Vương hùng mạnh. Chúng tôi hy vọng với sự tận tâm, tận lực, và tình thương yêu của các anh chị trong Ban Quản Trại, các Anh Chị trại sinh sẽ nỗ lực hết mình để gặt hái được những thành công kết quả”
Sau đó Huynh trưởng Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Quang Ngộ Đào Duy Hữu đã căn dặn các Lam viên hãy yêu thương, đoàn kết, đùm bọc nhau và lấy Lý tưởng Lam phụng sự cho Đời cũng như Đạo Pháp và Dân Tộc. Anh nhắc lời của bác Tâm Minh – Lê Đình Thám, “Không có thành tựu miên viễn nào lại không nhắm đến hàng ngủ thanh thiếu niên, họ sẽ là những người sẽ tiếp nối chúng ta trong mai sau…” Rồi anh nhấn mạnh tinh thần Tự giác cũng như gởi gắm, "BHD Hoa Kỳ mong các anh chị em trại sinh ghi nhớ lời dạy của Chư Tôn Đức, lắng nghe sự truyền đạt của giảng viên, biểu lộ ý thức tự giác, tự đặc mình trong những điều kiện sinh hoạt khắc khổ, tìm cách khắc phục mọi khó khăn thực tiễn đời sống trại sinh và luôn rèn luyện tư cách, tác phong để trở thành người Huynh trưởng hũu dụng sau này.
Rồi trong Đạo từ của Hoà thượng Viện chủ Như Lai Thiền Viện kêu gọi tất cả các Lam viên khắp nơi hãy đoàn kết, yêu thương nhau với tiền đồ của dân tộc và cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam được trường tồn.
Sau phần trao còi lệnh từ huynh trưởng Trại trưởng đến huynh trưởng Trưởng khối sinh hoạt Bửu Thành Phan Thành Chinh, Huynh trưởng Diệu Ngọc - Cao Ngọc Điệp nói lời cảm tạ qúy Chư Tôn Đức quý anh chị HTr các Cấp đã không ngại đường xá xa xôi về đây để Chứng Minh, tham dự lễ khai mạc Trại.
Nhìn thấy một Ban Quản Trại hùng hậu, hiền hoà như vậy, lòng cảm thấy lâng lâng nhẹ nhõm. Chúng tôi ra về mà nghe văng vẳng bên tai ca khúc Bài Ca Tuổi Trẻ của nhạc sỹ Phan Văn Hưng:

Từ khắp những phương trời
Và muôn lối đi trong đời
Gặp nhau trong tâm hồn Việt Nam sáng ngời

Mồ hôi trên cánh đồng
Mẹ ru trên núi sông
Tình quê hương ta ôm ấm trong lòng

Chúng ta là bước người xông pha,
Chúng ta là những lớp phù sa
Chúng ta là ngọn đuốc bừng to
Chúng ta là TỰ DO!!!

Bạn hỡi… ơ… ơi!
Hành trang ta đem trong ta,
Một khối óc, một tấm lòng, một giấc mơ…

Xuân Nhị, Bồ Đề Media/Việt Báo.

Xin chia sẻ một vài hình ảnh của Trại. 
Lễ Phật Buổi sáng và Câu chuyện dưới cờ - Ảnh Trần Quốc Tiến 

Chụp hình Lưu niệm trước Cổng trại - Hình Trần Quốc Tiến
Htr. Tâm Thường Định chỉ bày cách thở 5 hơi sâu và chậm - Ảnh Trần Quốc Tiến 
Đêm Cầu Nguyện Cho Quê Hương Việt Nam 


Friday, June 8, 2018

Hoằng Pháp: Dạy Thiền Trong Tù, Học Đường, Nhạc Thiền…

Hoằng Pháp: Dạy Thiền Trong Tù, 
Học Đường, Nhạc Thiền…
MINDFUL 1_Trien Lam Sach
Triển lãm sách Lotus Media

MINDFUL 2 Nghiem Phu Phat_Vo Ta Han_Ngo Tin
Từ trái, ba nhac sĩ: Nghiêm Phú Phát, Võ Tá Hân, Ngô Tín


MINDFUL 3 Vuong Huong_Nam Tran_Thay Thien Tam_Thu Vang
Từ trái: Vương Hương (đàn piano), Nam Trân, Thầy Thích Thiện Tâm, Thu Vàng


MINDFUL 4_Hong Sam_HK Quang
Thảo luận sôi nổi. Hình phải: nhà báo Huỳnh Kim Quang. Hình trái: Hồng Sâm (áo vàng)


MINDFUL 5_NT Huy_BXP_Vo Ta Han_Ngo Tin_Triet Tran
Từ trái: Nguyễn Thanh Huy, Bạch Xuân Phẻ, Võ Tá Hân, Ngô Tín, Triết Trần

MINDFUL_hinh Luu Niem
Lưu niệm

WESTMINSTER, Calif. (VB) – Một buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau đã thực hiện hôm Thứ Bảy ngày 2 tháng 6/2018 tại Viet Bao Gallery ở thành phố Westminster đã hoàn mãn với nhiều kết quả tốt đẹp.

Buổi sinh hoạt với nhiều chủ đề -- “để chia sẻ, học hỏi, thảo luận một số đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, Giáo dục, Văn học Nghệ thuật Phật Giáo, và Ra Mắt Sách chung” -- đã gợi ra nhiều suy nghĩ cho có thể là những hướng đi hoạt động tương lai của những người quan tâm về hoạt động Phật pháp.

Ban đầu là trình bày và thảo luận đề tài liên quan đến công việc Hoằng pháp, trong đó Thầy Thích Thiện Tâm nói về việc làm tuyên úy và dạy Thiền tỉnh thức trong các trại giam cho tù nhân, và rồi Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định) nói về việc dạy Thiền này cho các giáo viên và học sinh.

Những con số thống kê được nêu lên, và người tuyên úy Phật giáo trong tù thực ra vẫn phải mượn chiếc dù phái đoàn Thiên chúa giáo để vào trại giam hướng dẫn Thiền cho tù nhân, vì hệ thống trại giam California hiện thời chưa công nhận Phật giáo là tôn giáo – và chỉ mới công nhận 5 tôn giáo: Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Đạo Thổ Dân Bản Xứ. Thầy Thiện Tâm đã thường xuyên vào hướng dẫn  tù nhân trong 7 trại tù, và thấy trại nào cũng cho người Việt trong đó.

Trong khi Tâm Thường Định chia sẻ kinh nghiệm rằng những người hoằng pháp nên hướng tới tuổi trẻ nhiều hơn, vì bản thân anh trong các năm dạy ở trung học đã biết hay quen trực tiếp 5 em học sinh tự sát, và đó là những điều làm anh xúc động. Anh nói hiện thời đang có nhiều thiếu niên Mỹ gốc Việt  trong các trại giam, và chính phủ tốn kém trung bình 230,000 đôla/năm cho một thiếu niên trong tù.

Tham dự trong buổi sinh hoạt có nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát, nhạc sĩ Võ Tá Hân, nhạc sĩ Ngô Tín, nhac sĩ Vương Hương… Các ca sĩ Nam Trân, Thu Vàng, Diệu Trang, Ngọc Mai… đã trình diễn các ca khúc xuất sắc.

Trong những người tham dự cũng thấy có Đào Ngọc Phong, Phùng Anh Kim, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Lê Quang Dật, Huỳnh Kim Quang, Phan Tấn Hải, Hồng Quang, Phan Trung Kiên, Hồng Sâm, anh Doãn Quốc Hưng, anh Hoàng Mai Đạt (Nhật báo Viễn Đông), và Thảo Nguyễn của Đài Asian World Media. … Người MC của chương trình là Tâm Thường Định BXP, Triết Trần, Phan Thành Chinh… Có sự âm thầm đóng góp Triển lãm tượng Ngài Tổ Sư Đạt Ma của anh Tâm Nghĩa Ngô Văn Quy.

Trong buổi sinh hoạt ngoài Thầy Thích Thiện Tâm là  tăng sĩ, không thấy có Thầy nào khác tham dự, tuy rằng theo nhà báo Nguyễn Thanh Huy, Thư Mời đã trao tận tay nhiều tu sĩ. Có thể vì các thầy khác bận Phật sự khác. Và do vậy, thay vào các đạo từ là những ca khúc, và các nhạc sĩ như Nghiêm Phú Phát và Võ Tá Hân đã tâm sự và nêu lên vấn đề âm nhạc cho Phật giáo.

Thực tế, nhiều tu sĩ không quan tâm tới âm nhạc  vì truyền thống giới luật, nhưng như các nhạc sĩ và các huynh trưởng Gia Đình Phật Tử phân tích hôm Thứ Bảy, không có âm nhạc sẽ không hấp dẫn được thanh thiếu niên. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát cũng kể rằng trước 1975, anh từng được Thầy Thích Quảng Liên, Giám đốc hệ thống trường Bồ Đề tại VN, trao nhiệm vụ tổ chức sinh hoạt âm nhạc cho học trò. Nghĩa là, cũng có những vị trong Giáo hội quan tâm tới âm nhạc, nhưng như anh nói, cả nhiều thập niên không có những bước tiến lớn nào về vai trò âm nhạc trong các giáo hội, tuy rằng có những nhạc sĩ, như anh Võ Tá Hân, sáng tác gần một ngàn ca khúc. Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát cũng mời gọi mọi người tập hát một ca khúc ngắn nhan đề Hiện Pháp Lạc Trú do anh phổ thơ của Thầy Nhất Hạnh.

Nhà báo Huỳnh Kim Quang nêu câu hỏi về tình hình “không công nhận Phật giáo là tôn giáo” có phải riêng trong tù hay ngoài xã hội trong tiểu bang California.

Thầy Thích Thiện Tâm nói, cấp Liên bang thì công nhận Phật giáo là tông giáo, nhưng tiểu bang vẫn có quyền không công nhận, vì nếu công nhận California sẽ phải thuê tuyên úy Phật giáo cho các trại tù… Thầy Thiện Tâm nói cộng đồng có thể kiện lên Liên bang để buộc tiểu bang công nhận Phật giáo, nhưng như thế lại tốn kém và mất thi giờ.

Tâm Thường Định nói rằng, như thế là, tất cả chúng ta đều cần đi bầu, vì lá phiếu là sức mạnh.

Tâm Thường Định mời nhà báo Phan Tấn Hải nói về công việc hoằng pháp bằng song ngữ. Nhà báo PTH nói rằng anh chẳng có gì bí mật, chỉ có một đam mê là đọc Kinh Phật, viết chú giải và tu  học ngày đêm thôi. Còn chuyện viết song ngữ rất vất vả, vì thế hệ thứ nhất như anh viết rất chậm, chỉ mong thế hệ thứ một rưỡi như bạn Tâm Thường Định, nhưng nếu để sang thế hệ thứ 2 thì họ không còn hiểu tiếng Việt nhiều nữa. Do vậy, việc hoằng pháp thực sự là những người như nhà báo Huỳnh Kim Quang, đang hoạt động cho giáo hội, quen biết hàng trăm vị sư, sẽ làm hiệu quả hơn.

Nhà báo Huỳnh Kim Quang nói rằng bản thân anh khoa học kỹ thuật kém, nên tự thấy hạn chế về kỹ năng hoằng pháp trên mạng, thêm nữa công việc hoằng pháp cần tới quý tăng ni, và anh thực sự lạc quan vì bây giờ quý Thầy cô đã mở chùa trên khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, đã tổ chức các đơn vị Gia Đinh Phật Tử có thể tới hàng chục ngàn thiếu niên, nhưng trong hướng tương lai cần nuôi dưỡng thế hệ sau, cần người tiếp cận giới trẻ, như việc làm của Thầy Thiện Tâm, hay như Làng Mai hiện giờ đã mở hàng trăm đạo tràng (tăng thân) khắp thế giới, thành công rất lớn.

Anh Trần Đức Châu góp ý rằng anh bi quan, vì quan trọng nhất là thân giáo, mà những việc làm của quý Thầy thực sự chưa lạc quan, vì nhìn kinh nghiệm suy yếu của Phật giáo Trung Hoa và PG Nhật Bản tại Hoa Kỳ thì cũng hình dung ra tương lai PGVN nơi đây cũng mệt, vì các em ở hải ngoại đi chùa  thường khi chỉ để làm hài lòng ba mẹ thôi.

Nhạc sĩ Võ Tá Hân nói về những kỷ niệm vui buồn trong đời sáng tác nhạc Thiền của anh, một chuyên gia ngân hàng nhiều thập niên sống ở Đông Nam Á vì công việc, tới khi về hưu mới về Quận Cam an trú.

Anh Đoàn Tâm Thuận nói rằng những kinh nghiệm trong Gia Đình Phật Tử cho anh biết rằng nếu không có âm nhạc, là không giữ được trẻ em.

Anh Lê Quang Dật cao hứng đứng lên, hát vang bài ca “Buông bỏ…” và nói rằng, anh đi đâu và sinh hoạt với nhóm nào, anh cũng hát bài này.

Bạn Triết  Trần giải thích về hoàn cảnh làm nhà xuất bản Lotus Media, vì mấy năm trước thấy các nhà xuất bản Phật giáo như An Tiêm, Văn Nghệ đóng cửa… và rồi Thầy Tuệ Sỹ hối thúc quý vị giới trẻ phải làm việc đi chớ, “quý vị không in được thì cứ viết, cứ gửi bản thảo về, rồi tôi in cho”… Đó là một nguyên  nhân trực tiếp để bạn Triết làm việc in ấn trên mạng Amazon.

Bạn Triết Trần nói, “Có lẽ trong một kiếp xa xưa nào, tôi từng là con mọt trong Tàng Kinh Các, cứ gặm kinh sách mãi, nên bây giờ phải cống hiến lại bằng cách in kinh sách.”

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nói rằng anh sực nhớ rằng “hôm nay là ngày 2 tháng 6, và tôi nhớ một ngày trong tháng 6/1963, tôi có cơ duyên và chính mắt tôi chứng kiến nơi góc đường Phan Đình Phùng/Lê Văn Duyệt Hòa Thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân, sao không thấy hải ngoại mình làm gì để tưởng niệm…”

Nhà báo Nguyễn Thanh Huy nói, mấy năm trước có kỷ niệm 50 năm Bồ Tát Thích Quảng Đức, và nhà báo Phan Tấn Hải nói rằng bản thân anh và vài người bạn đã dịch một cuốn sách tổng hợp các hồ sơ  giải mật của chính phủ Mỹ về năm 1963.

Nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nói, anh có phổ nhạc bài thơ “Lửa Từ Bi” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, và anh mời ca sĩ Diệu Trang lên hát bài này.

Chị Hồng Sâm, Giám đốc Đài Truyên Hình Asian World Media, trình bày rằng bản thân chị vẫn làm từ thiện tại Việt Nam và hiện nay chị đang bảo trợ 130 em mồ côi tại quê nhà. Chị Hồng Sâm là bạn học cùng trường với Bạch Xuân Phẻ tại một trường trung học ở Nebraska. Chị nói về một chương trình vui học cho trẻ em trên chương trình Viet Youth ở truyền hình AWM. Độc giả quan tâm xin gọi: 888-316-1606.

Cũng nên nhắc rằng, chương trình cũng độc đáo với sự góp mặt lặng lẽ của họa sĩ Ann Phong: 4 tấm tranh sơn dầu trừu tượng với đề tài Đức Phật của nữ họa sĩ treo trên các bức tường đã tạo không khí trang nghiêm, thanh nhã, và đạo vị.

Được biết, chương trình này có sự bảo trợ và giúp đỡ của: BHD GĐPT Hoa Kỳ và BHD Miền Quảng Đức,  Việt Báo, Thư Viện Hoa Sen / Ananda Viet Foundation, Asian World Media, Nguyệt San Chánh Pháp, Thao Bach Foundation.


Nguồn: Việt Báo





Friday, January 20, 2017

Về với TÂM XUÂN - Phạm Duy, Phạm Thiên Thư và Đạo Ca

Tranh vẻ của hoạ sỹ Lê Hùng.
Về với TÂM XUÂN - Phạm Duy, Phạm Thiên Thư và Đạo Ca

“Vui như ngày hội!” Đó là lời tâm sự của một vị trong Ban tổ chức và một khán thính giả đến sớm như tôi, mà tình cờ nghe được. Giữa sự náo nhiệt, thân thiện và nhiều năng lượng trong văn phòng Việt Báo, chúng tôi đang ngồi tạm trên chiếc ghế của nhà báo lão thành Nguyễn Thanh Huy để đợi người anh Ngô Đức Chiến và anh Phan Tấn Hải; nhân tiện tôi nảy ý định viết về buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật này như là một món ăn tinh thần gởi gắm cho nhau.

Sự nhộn nhịp trong việc chuẩn bị cho buổi Nhạc thính phòng vui nhộn như ba ngày Tết. Chúng tối thấy có Hoạ sỹ giáo sư Ann Phong, chị là hội trưởng (president) của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA - Vietnamese American Arts & Letters Association), người nhỏ con như vậy mà cũng vất vả pha trà cho khách. Cô bạn Hoà Bình Lê xinh xắn vui vẻ và hoạt bát lo mọi việc trước khi giờ trình diễn. Bên cạnh đó những anh chị trong ban tổ chức thân thiện chào hỏi lẫn nhau và làm việc thật nhịp nhàng.  Rồi sự có mặt sớm của nhà văn Nhã Ca, ca sỹ Khánh Ly, và quý anh chị trong ban nhạc đang tập dợt lần cuối đã làm cho không khí càng vui nhộn.
Lâu lắm rồi, từ khi chúng tôi tổ chức chương trình nhạc thính phòng cuối cùng, Tiếng Lòng tại trường đại học UC Davis Mondavi Performance Art Center, với dàn nhạc âm hưởng do anh Thomas Ngô, nay mới có dịp nghe lại nhạc thính phòng tại miền Nam California. Tuy chưa hoàn toàn đúng nghĩa là nhạc thính phòng có tâm vóc, nhưng rất ấm áp và đầy thân tình. Chúng tôi được biết chương trình Tâm Xuân là để vinh danh nhạc sỹ Phạm Duy và nhà thơ Phạm Thiên Thư tại hội trường Việt Báo Gallery đã hết vé, nhưng người bạn thật dễ thương, cô Hoà Bình Lê, đã ưu ái dành cho 2 chiếc vé xinh xắn. Ôi đó cũng là tấm lòng của người bạn đầy tử tế dành cho người bạn ở xa tận Miền Bắc California vậy.

Chương trình tổ chức rất đúng giờ vào lúc 7:30PM (âu đó cũng là điểm son của người Việt tại Nam California). Trong hội trường Việt Báo – Việt Báo Gallery trên đường Moran, Westminster, CA, chúng tôi thấy sự trang hoàng thật là thanh tao, đầy nghệ thuật. Họa sỹ Lê Hùng đã khéo léo vẽ 2 bức tranh của nhạc sỹ Phạm Duy và thi sỹ Phạm Thiên Thư lên tường thật đẹp. Bên cạnh đó, tranh trừu tượng của hoạ sỹ Cao Bá Minh đầy mầu sắc và có hồn được trưng bày trong hội trường nhỏ gọn. Và có mấy ai biết đằng sau những bức tranh treo ngay thẳng của hoạ sỹ Cao Bá Minh là sự leo trèo của hoạ sỹ Ann Phong.
Tranh vẻ của hoạ sỹ Cao Bá Minh.
Chúng tôi được biết ban tổ chức gồm có những anh chị dễ thương và có học vị. Nhưng quan trọng hơn là ai cũng có tấm lòng với nghệ thuật, với cộng đồng, với nhạc Phạm Duy trong đó có: Các nhà xuất bản (Producers) Hòa Bình Lê, Quỳnh Trang Nguyễn, Thiên Phượng Phạm, Janine Trang Nguyễn. Cô emcee trong chiếc áo dài Việt Nam duyên dáng, đầy tự tin và quyến rủ, Ysa Le, cũng là điểm son của chương trình. Cô là Giám đốc điều hành (Executive Director) của VAALA. Nơi đây là chiếc cầu cho nhiều thế hệ cũng như giữa Đông và Tây. Sứ mệnh của hội  “là kết nối và làm phong phú hoá các cộng đồng qua nghệ thuật và văn hoá Việt Nam.” (This mission is to connect and enrich our communities through Vietnamese art and culture).
Emcee duyên dáng Ysa Lê dẫn chương trình.
Phần trình diễn, các ca sỹ: Kim Tước, Phạm Duy Hùng (con trai của cụ Pham Duy), Thương Linh, Phạm Hà, Trần Đại Phước, Lan Hương, Bích Liên, và Nhóm Cát Trắng. Ngoài ra, cũng có vài bài Khán Giả cùng hát. Phần hoà âm phối khí do người nhạc sỹ trẻ, Hoàng Công Luận điều khiển.  Anh là nhạc sỹ năng động, tài hoa và đa dạng--đầy triển vọng trong âm nhạc Việt Nam mà chúng ta cần ủng hộ và nâng đở. Anh bạn chúng tôi, kỷ sư Ngô Đức Chiến, rất có cảm tình về người nhạc sỹ trẻ này. Ngoài nhạc sỹ Hoàng Công Luận ra, có nhạc sỹ Piano: Sỹ Dự, Violin/keyboard: Hoàng Công Luận, Bass/ Acoustic Guitar: Lê Từ Phong và Percussion: Gary Wing. Phần âm thanh có anh Tuệ Nguyễn và ánh Sáng/design có Tuệ Nguyễn và Thiên Phượng.
Như chúng ta đều biết, cụ Phạm Duy, tên thật Phạm Duy Cẩn, là nhạc sỹ, nhà nghiên cứu âm nhạc lớn của Việt Nam. Ông mất ngày 27 tháng 1, 2013, hưởng thọ 91 tuổi. Vì thế Ban tổ chức chọn tháng chạp này có lẽ là nhân ngày giỗ thứ tư của ông.
Chương trình nhạc thính phòng, TÂM XUÂN - Phạm Duy, Phạm Thiên Thư và Đạo Ca, và giới thiệu CD ĐẠO CA do bác sỹ Bích Liên hát. Chúng tôi được BTC cho biết là Chương trình được xem như là sự tưởng niệm cố nhạc sỹ Phạm Duy đã khuất và vinh danh thi sỹ Phạm Thiên Thư vẫn còn ở Việt Nam.  Số tiền lời nếu có sẽ được xung vào thư viện đại học UCI Library để lưu giữ tài liệu về nhạc sỹ Phạm Duy hoặc ủng hộ Phạm Duy Foundation.
Chương trình Tâm Xuân - Phạm Duy, Phạm Thiên Thư và Đạo Ca có hai phần, phần đầu về Nhạc Phạm Duy và con người trong cuộc sống, gồm có: Người Tình Già / Rong Ca 1 được hợp ca. Sau đó, sự trình diễn của Phạm Hà, Chiều Về Trên Sông. Tiếp theo là Tâm Ca 1: Tôi Ước MơTạ Ơn Đời do Ca sỹ lão thành Kim Tước. Đây là một sự ngạc nhiên cho chúng tôi, ở cái tuổi này mà giọng cô và lối trình diễn vẫn còn thu hút lòng người. Bài Tôi Ước Mơ, thơ của Nhất Hạnh, do Phạm Duy viết vào năm 1965 lại đưa ta về với chiến tranh chết chóc, nhưng đẹp làm sao khi chúng ta phải nói lên những ước mơ và hy vọng.
Sáng nay vừa thức dậy
Nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong vườn tôi
Vô tình khóm tường vi
Vẫn nở thêm một đoá.
Tôi vẫn sống ! Tôi vẫn ăn ! Và tôi vẫn thở
Tôi vẫn sống ! Tôi vẫn ăn ! Và tôi vẫn thở
Nhưng biết bao giờ
Tôi mới được nói thẳng
Những điều tôi ước mơ? Biết bao giờ?
Biết bao giờ?
Tôi mới được
Tôi mới được
Nói những điều
Nói những điều
Tôi ước mơ, tôi ước mơ
Tôi ước mơ, tôi ước mơ...
Nhạc sỹ Hoàng Công Luận, violin và ca sỹ lão thành Kim Tước.
Tiếp theo là bài nhạc Giọt Mưa Trên Lá được nhóm Cát Trắng thể hiện nhịp nhàng và Đường Chiều Lá Rụng do Trần Đại Phước, từ Dallas, Texas, hát với cả tâm can. Sau đó anh mời phu nhân của mình là chị Lan Hương cùng song ca Nghìn Thu. Hai người hát như quấn quít vào nhau từng câu từng chữ, ôi... Tình ta biến hóa trong từng sát na; Tình luôn lai vãng đi về cõi chung vậy.

Sau đó là cô ca sỹ trẻ, giản dị nhưng có giọng hát cao vút, Thương Linh thể hiện tuyệt vời, Bên Ni Bên Nớ, như gọi hồn về...
Đêm chớm ngày tàn, theo tiếng xe về, lăn về viễn phố
Em hỡi sương rơi, ngoài song đêm hạ, ôi buồn phố xá
Hoang liêu về chết tha ma, tiếng chân gõ guốc xa xa...
Sau nữa là anh Phạm Duy Hùng hát bài Kiếp Sau, và Chỉ Chừng Đó Thôi y như lời hẹn họ với Bố mình và tưởng niệm người anh, nhạc sỹ Duy Quang đã khuất.

Một chi tiết nhỏ tế nhị khác mà người viết muốn chia sẻ ở đây đó là sự có mặt của nữ ca sỹ Khánh Ly ở dưới khán giả. Khánh Ly được cô Emcee Ysa mời lên sân khấu có vài lời về nhạc sỹ Phạm Duy và được khán giải yêu cầu hát, cô ca sỹ nổi tiếng giọng trầm (alto) này nhẹ nhàng từ chối một cách từ tốn và cảm ơn nhạc sỹ Phạm Duy nói riêng và những nhạc sỹ khác như Trịnh Công Sơn, Trầm Tử Thiêng, Vũ Thành An, Ngô Thuỵ Miên, Lam Phương, Nguyễn Đình Toàn, Trần Dzạ Từ v.v... nói chung đã giúp bà tạo nên sự nghiệp ca hát trong khoảng 50 năm qua. Khánh Ly còn nói lời cảm kích và kính phục đến với nữ ca sỹ Kim Tước trước khi xin về làm lại người khán giả hiền hoà trong đêm nay. 

Ca sỹ Khánh Ly nói cảm ơn Phạm Duy và những nhạc sỹ đã làm lên tên tuổi bà. 
Đến đây, phần đầu chương trình được kết thúc với Hát Với Tôi: Tâm Ca 10 do nhóm Cát Trắng cùng song hành với khán giả. Nói chung, tất cả ca sỹ đều thể hiện hết khả năng của mình, như Đại thi hào Nguyễn Du đã từng nói, “Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” là vậy. Nhạc của Phạm Duy thật đa dạng, phong phú và là tinh hoa của âm nhạc Việt Nam. Giáo sư toán học Hạo Nhiên cũng đồng tình; anh tâm sự: “Kho tàng tác phẩm Phạm Duy cực kỳ lớn, và nhờ đêm nhạc Tâm Xuân và CD Đạo Ca của cô Bích Liên tôi biết được thêm một mảng âm nhạc hay mà nhiều ý nghĩa của nhạc sĩ. Nghe Đạo Ca và những bài phổ thơ Phạm Thiên Thư, tôi càng tin là Phạm Duy có tư duy triết lý rất sâu, rất đậm, về cuộc sống, tình yêu, và cả cái chết."

Chỉ phần đầu thôi, chúng ta đã thấy vẻ đẹp và sự chan hoà giữ thơ và nhạc, giữa người đi và kẻ ở. Giữa có và không, giữa còn và mất. Thôi thì chép lại vần thơ cũ của bốn năm trước như là tưởng niệm nhạc sỹ Phạm Duy vậy.

TIỄN CỤ PHẠM DUY Một nhạc sỹ danh tài đất Việt Trăng mười lăm sáng tỏ Nghe tin Ông ra đi Người nhạc sỹ lâm li Vui buồn theo vận nước Những tác phẩm ông viết Dân ca và quê hương Thân phận hay yêu thương Nhạc cũng đều đa dạng Ông luôn làm cách mạng Cho âm nhạc Việt Nam Khảo cứu người vẫn làm Những công trình giá trị Thế rồi Ông ra đi Nghìn Thu như lời hứa "Tình âm dương chan chứa Xoay trong vùng tử sinh". Tiễn người một kiếp sinh linh Tài hoa một cõi mộng tình thiên thu.

Phần 2 là Đạo Ca, là những tuyệt tác. Chương trình được giới thiệu bằng giọng của nhạc sỹ Phạm Duy và nhà thơ Phạm Thiên Thư được chiếu trên màn hình (projected screen) cho mọi bài hát.  Chắc có lẽ chúng tôi sẽ viết trong một bài khác chi tiết hơn khi có thời gian. Nhân đây chúng tôi cảm ơn bạn Hoà Bình Lê, bác sỹ Bích Liên, Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) và ban tổ chức đã có một buổi sinh hoạt văn học, âm nhạc đầy ý nghĩa này. Chúng tôi tạm mượn, lời bài Đạo Ca I - Pháp Thân, thơ Nhất Hạnh, nhạc Phạm Duy để kết thúc bài viết này.

… Mai sau chờ nhau nhé, đầu thai vào kiếp hoa
Chốn mây mờ phiêu bạt, chờ đợi… chim hót ca.
A ha, ta tuy hai ma một! A ha, ta tuy một mà hai!
A ha, ta tuy hai ma một! A ha, ta tuy một mà hai!

Bạch X. Phẻ
Sacramento, một ngày mưa gió. 01.20.2017.
Anh NĐChiến và tác giả - Photos: BXK