Tuesday, March 31, 2020

BUỔI CHIỀU QUA CẦU NGÂN SƠN NHỚ VÕ HỒNG

BUỔI CHIỀU QUA CẦU NGÂN SƠN
NHỚ VÕ HỒNG 
Kỷ niệm bảy năm ngày nhà văn Võ Hồng mất
(31/03/2013 - 31/03/2020)


Nhà văn Võ Hồng (Ảnh: TTD)
Cách đây mấy năm, trên một chuyến xe đò muộn về thăm quê. Khi xe đi ngang qua cầu Ngân Sơn, thì lúc ấy đã 5 hay 6 giờ chiều. Dù đã nhiều lần đi qua đây, nhưng có lẽ buổi chiều cuối xuân năm ấy, là buổi chiều mà tôi đã nghĩ nhiều nhất về Võ Hồng.
Tôi tưởng tượng rằng, hồi còn nhỏ chắc mỗi chiều ông vẫn thường ra đứng ở nơi này, để nhìn ráng đỏ nơi rặng núi phía Tây kia? Rồi nhìn bóng chiều xuống chậm trên dòng sông này? Chắc phải vậy! Vì trong tác phẩm của Võ Hồng thì cái đẹp của thiên nhiên và cái đẹp của đất trời, tôi cho là những cái đẹp mà Võ Hồng đã viết hay nhất. Nhưng trong cái đẹp đó, Võ Hồng luôn luôn đưa vào thiên nhiên một chút sầu, hay ngậm ngùi cho một cái gì đó đã hay đang sắp mất đi trên cuộc đời này. Tại ông bi quan chăng? Hay tại vì cái đẹp mong manh của những buổi chiều tà trên dòng sông tuổi thơ dạo nào cứ ám ảnh ông mãi.
Nhưng chính nhờ có được kinh nghiệm nội tâm ấy, mà thiên nhiên với Võ Hồng không phải chỉ để thưởng ngoạn thôi, mà ông còn cho ta thấy một giá trị nữa, quan trọng hơn. Đó chính là, thiên nhiên cũng rất cần cho ta như một người bạn thân thiết vậy, vì cái đẹp của thiên nhiên có thể làm cho ta vơi bớt đi những đau khổ mà chắc rằng không nhiều thì ít, mỗi người trong chúng ta đang âm thầm gánh chịu. Trong truyện ngắn Hãy Đến Chậm Hơn Nữa, Võ Hồng đã viết: “… Anh đã hưởng được gì ở cuộc đời? Nghe một tiếng chim tu hú vào đầu mùa hè, ngửi một mùi thơm của hoa mù-u trong buổi chiều, nhìn những con chuồn chuồn đảo lộn trên nền trời sau cơn mưa. Những niềm vui ấy quá nhỏ so với nỗi khổ đang đè nặng của anh…”
Dường như khi về già, sống cô độc giữa phố phường ồn ào và đầy bụi bặm, thì tiếng con chim tu hú lạ lùng ở vùng quê Ngân Sơn đã quá xa xôi đó, lại sống dậy một cách mãnh liệt trong ông:
Ðâu phải chỉ người mới không sai hẹn
Cuối tháng giêng, tu hú gọi vang trời.
Hai câu đó trích từ tập Hồn Nhiên Tuổi Ngọc, tập thơ mới nhất mà Võ Hồng đã viết cho tuổi thơ. Trong tập thơ này, ta thấy Võ Hồng muốn trao đến cho tuổi thơ một điều rất giản dị: điều giản dị đó là, hãy bắt đầu quan sát rồi rung động trước mọi vẻ đẹp mà tuổi thơ đã có dịp nhìn thấy hàng ngày. Chẳng hạn có thể là một gốc khế già đứng khiêm tốn trong khu vườn, một cây bàng hiu quạnh bên vệ đường, hay niềm vui chứa chan khi cơn mưa đầu mùa chợt đến.
Chính những sự vật mà tuổi thơ đã từng rung động đầu tiên này sẽ rất cần thiết. Vì từ đó, tâm hồn chúng ta mới có thể giao cảm được với cái đẹp của thiên nhiên và của đất trời. Ta có thể kết luận mà không sợ sai rằng, tình người, tình nhân loại hay bất cứ thứ tình cao cả nào khác, cũng phải được khởi đầu bằng những rung động đơn sơ ấy.
Một đám mây trắng bay cô độc trong buổi chiều tà, sẽ chẳng có nghĩa gì cả đối với một người đang náo nức đợi giờ đến nhà hàng. Nhưng chắc rằng, nếu một người biết rung động trước cái đẹp của thiên nhiên và đất trời, thì khi nhìn đám mây trắng họ sẽ chạnh lòng nghĩ đến biết bao sự đau khổ của con người: những kẻ bơ vơ không nhà không cửa, rồi sẽ không có một nơi nào để trở về khi đêm tối đang đến:
Chiều ngồi tựa cửa
Nhìn áng mây xa,
Về đâu lát nữa
Hỡi mây không nhà?
(Hồn nhiên tuổi ngọc)
Phải chăng đây cũng là những gì mà Võ Hồng đã từng muốn thể hiện trong các tác phẩm của ông?

II
Những ngày tôi bắt đầu bước chân vào trung học. Dạo đó, dường như tôi đang theo học lớp đệ ngũ hay đệ tứ thì phải. Hình bóng Võ Hồng đã trở thành thân yêu nhất trong đời sống tôi. Thân yêu nhất không phải vì ông là một ông Giáo sư dạy hay hay dạy giỏi, mà chính là nhân cách và tâm hồn phiêu bồng của ông. Có lẽ hồi ấy, tôi cũng chưa biết gì về tác phẩm của ông – tôi chỉ thấy ông mang một phong độ khác hẳn với những giáo sư khác, ở những giáo sư khác tôi thấy có gì quá tầm thường và quá an phận (có lẽ với tuổi hồi ấy, tôi đã đòi hỏi quá nhiều, đòi hỏi những gì mà chính vị đó không thể có được). Riêng Võ Hồng, người đã mang đến cho tuổi thơ tôi những xao xuyến, hoài nghi, những chất vấn về thân phận phù ảo của kiếp người – và cũng từ đó ông đã gợi cho tôi thấy một chút mộng mơ nào đó của đất trời. Hình như Gandhi đã nói đâu đó rằng, những gì mà tuổi thơ ta đã sống, thì những điều đó sẽ điều động ta suốt một đời. Tuổi thơ ngồi trong lớp học, vào những giờ của Võ Hồng, tôi thấy ông thường bâng quơ nhìn qua khung cửa sổ. Ngôi trường cạnh bên dãy núi, có những ngôi tháp cổ, cây phượng trước sân trường. Sau này khi có dịp đọc văn Võ Hồng, tôi thấy ông viết đúng như tôi đã thấy vào cái thời thơ ngây ấy “mấy ngôi cổ tháp đứng ở sân sau trường lặng lẽ suy tư. Những cây sao thân cao mọc ở ven chân núi thong thả để rơi từng cánh hoa màu trắng xuống những bụi gai thấp. Nơi này thỉnh thoảng ngồi trong lớp nhìn qua cửa sổ tôi thấy một con sóc chuyền cành”. Tôi đã nhìn thấy và đã xúc động Võ Hồng từ những điều vu vơ trên. Có những buổi chiều tan trường, tôi thấy ông thường lửng thửng bước ra khỏi sân trường sau cùng. Gương mặt của ông lúc đó trông buồn buồn. Sau khi những bước chân, những tà áo cuối cùng đã vắng bóng. Vào những khi như vậy, tôi thường có dịp đứng nghe ông nói chuyện. Ông nói đến nỗi buồn của cuộc sống, nỗi cô độc của kiếp người cùng những ly tan của cuộc sống. Có thể nói đó là những nỗi ám ảnh lớn trong toàn thể cuộc sống của Võ Hồng. Sống và khổ đó là những gì quá tầm thường và quá quen thuộc. Những gì của thực tại muôn đời và thực tế muôn nơi, xảy ra ở khắp mọi chân trời. Nhưng dường như, bất cứ lúc nào chúng ta nghe nói đến tiếng Khổ, thì nỗi xúc động trong ta sẵn sàng bừng dậy. Bởi vì càng lớn lên, ta thấy kiếp người càng buồn và vô nghĩa thêm ra.
Vào khoảng năm 1960-1962 khi anh Phạm Công Thiện còn ở Nha Trang, anh đang tu chùa Hải Đức. Tôi nhớ, vào một buổi chiều mưa, anh trở về chùa một mình, anh có đọc cho tôi nghe hai câu thơ:
Mưa chiều thứ Bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.
Tôi được anh cho biết, là anh đã làm hai câu thơ trên từ nhà Võ Hồng trên đường trở về chùa. Sau đó, nếu tôi không lầm, thì hình như Võ Hồng cũng viết một câu truyện ngắn Hoa khế lưng đồi bắt nguồn từ cảm hứng hai câu thơ trên của anh Phạm Công Thiện, cũng cây khế trỗ bông ấy và ngọn đồi ấy “những cây khế ở lưng đồi trổ hoa tím, những chùm hoa hình khối lục lăng mường tượng những ngôi cổ tháp”. Vào khoảng thời gian ấy, tôi thấy mỗi chiều Võ Hồng thường lên chùa thăm anh Phạm Công Thiện. Hai người thường ngồi nói chuyện với nhau trong một vùng cây rậm nhìn xuống chân đồi. Tôi không biết hai người nói với nhau những gì. Nhưng thôi cần gì phải biết, tôi cứ tưởng tượng theo những nhân vậtcủa Võ Hồng như thế này một người từ phố lên mang cả cái mệt mỏi và hiu quạnh của đời sống tẻ nhạt với “nhiều uẩn ức, nhiều bức thúc, nhiều dày vò. Thân phận con người quằn quại trong những đau khổ muôn hình”. Còn một người đang ở trên núi, thì sẽ đem hết cái tịch liêu, những hoài vọng triền miên của tuổi trẻ mình để nói chuyện với nhau. Và rồi, đến một lúc thì thế nào anh Phạm Công Thiện cũng sẽ như một nhân vật nào đó của Võ Hồng “nhẹ nhàng kéo tôi vào một nẻo suy tư nào đó với anh, về một chân lý, một tư tưởng triết học. Lịch sử Ấn Ðộ dày quá khứ và quá khứ đó dày tư tưởng”.
Tôi có thể tưởng tượng như trên, để viết lại một ít hoài niệm mà tôi đã biết về Võ Hồng vào khoảng thời gian xa xôi ấy.
Ðứng trước chiến tranh, Võ Hồng cũng như tất cả những người cầm bút khác, đều nói lên lòng đau đớn của mình. Nhưng Võ Hồng thì khác, ông thâm trầm hơn, ông đưa chúng ta đến một trầm tư thê thảm, trước thân phận đau buồn của quê hương “…chòi canh cao bay phất phơ lá cờ. Một người lính ngồi ôm súng nhìn không gian chập chùng đồi núi. Lô cốt. Trại lính. Người dân không có thì giờ nghỉ ngơi. Hai mươi năm đủ để tạo một thế hệ. Người lính đang ngồi trên chòi canh đó, có thể là con của người lính mà tôi đã gặp hai mươi năm trước. Các thế hệ nối tiếp nhau đã truyền cho nhau tiếng nói và cây súng. Nước chảy dưới cầu. Những đồi cát nằm giữa dòng sông”. Những giòng lặng lẽ trên đang bay lất phất trong những làng mạc, những đồi núi chập chùng của quê hương. Một buổi chiều mùa đông âm u nào đó, trong một chuyến xe đò băng ngang qua những vùng âm u của quê hương, rồi nhìn những người trẻ tuổi đang cầm súng đứng trong mưa, thì những giòng trên mới thấm vào trái tim buốt giá của ta. Có phải bóng đêm đang vồ chụp xuống trên những mái đầu xanh của những đứa con tại Việt Nam?
Tôi đọc văn thường không để ý lắm đến cách hành văn hay bố cục (có lẽ tôi không biết gì nhiều hơn tác giả). Tôi chỉ đọc những gì trong đó thấy có bóng dáng của mình. Như bây giờ đang là buổi xế trưa, những buổi trưa thức dậy nghe bỗng xiêu đổ lạ thường. Ánh nắng vàng vọt của buổi chiều qua cửa sổ. Một người con gái vừa ra đi để rồi không bao giờ gặp lại. Tất cả chỉ còn lại một cái gì thật mơ hồ, thật xa xôi. Giọng hát từ đâu vọng lại, ta không cần biết nó hay, nó dở thế nào. Nhưng chiều nay, nghe tiếng hát đó, bỗng nghe ta trong ngậm ngùi của nỗi đời ly biệt “nhưng chiều nay giọng hát trầm trầm và sai giọng ấy, mỗi lần nghe đến là Doãn tưởng rằng như mình đang dự vào buổi chiều cuối cùng của trái đất khi nhân loại bị phóng xạ nguyên tử đang cầu kinh”… Tôi đã đọc câu chuyện Vết Hằng năm tháng vào một buổi xế trưa. Những nét mặt quen thuộc của thuở ấu thơ, những nét mặt xa lạ, những cái bắt tay, những buổi họp vừa tan, chỉ còn lại bàn ghế trơ vơ. Ngày đi, tháng đi và năm đi. Những tà áo hồng cũng đã xa dần, xa dần… đó là gì? Ðó là vết hằn của tháng năm. Trong đời sống hằng ngày, tôi đã nghe và cảm thấy như thế, nhưng tôi chưa có dịp nói được. Khi đọc Võ Hồng, tôi thấy ông đang nói thay mình. Tôi đọc và buồn đến nghẹn thở. Tôi cũng tưởng như mình đang sống trong những ngày cuối cùng của trái đất.
Tác phẩm của Võ Hồng, ta có thể ví như những tấm gương. Trong đó phản chiếu những tâm tư của một đời người, nhất là trong hoàn cảnh đau buồn của Việt Nam hiện nay. Sống và phản ứng lại cuộc sống-đó là tất cả những gì ta bắt gặp nơi Võ Hồng. Những hy vọng, tuyệt vọng, đau khổ, hạnh phúc, những bất lực của thân phận con người. Một chút xanh mộng nào đó mà ta đang hoài vọng. Vào một đêm mưa, một người con gái đến gõ cửa, nàng kể cho ta nghe một mối tình câm lặng, người yêu của nàng vừa nằm xuống vĩnh viễn – đang khi đó, ngoài trời những cơn gió đầu mùa thổi đến làm lạnh lòng người. và làm rụng những lá me bên kia đường. Ta chợt nghe một chút nồng ấm của cuộc đời, một đốm lửa vừa nhóm lên trong đêm mưa lạnh. Cho dù ta vẫn biết cuộc đời vốn là ảo mộng “từng cơn gió lạnh lùa vào phòng. Nước trên tàn cây me rơi lộp độp xuống mặt đất từng hồi mỗi khi có cơn gió lạnh ào tới. Liên giã từ tôi, và tôi lẳng lặng đưa nàng xuống sân”.
Tôi lẩm nhẩm suy nghĩ: Hãy an nghỉ, Adul Rahim. Hãy ngủ yên giấc ngủ vĩnh cửu của anh. Cái thân tứ đại vốn là giả họp. Anh đã có lần nói với tôi như vậy và chắc là anh không tiếc. Liên nó đang nghĩ đến anh và nó đang yêu anh đó. lúc sống, anh không dám hỏi và chắc là nó cũng không trả lời. Nhưng hôm nay anh không còn nữa và do đó nó đang lặng lẽ yêu anh”.
Và sống là gì? Có phải vẫn luôn luôn là hoài niệm? The mission of man on earth is to remember. Sứ mạng của con người trên mặt đất này là hoài niệm. Henry Miller đã nói như thế. Mỗi khi ta bắt đầu hoài niệm thì mọi sự đều tiêu tan hết. Ta không biết đố ky, không còn hận thù, lòng thương yêu sẽ bắt đầu ngự trị. Bởi vì khi ấy ta sẽ nhận ra sự phù ảo của kiếp người trên trần gian này. Mọi sự rồi sẽ đi qua, ta bỗng muốn ghì ôm trong tay những mong manh phù ảo ấy, bao nhiêu là kỷ niệm thương yêu thuở nào chợt bay về trong trí nhớ: những người tình, những con đường ta đã đi qua, bây giờ “tâm hồn tôi chợt thấy âm u. Con đường kỷ niệm. Những thôn xóm yên lặng nằm hai bên đường như chưa bao giờ biết đến sự thay đổi. Mái nhà xám đen và vách đất cũng xám đen”.
Chuyện Trở về, Võ Hồng đã đưa ta vào những hoài niệm mênh mông của tháng ngày quá khứ ấy. Ai đã từng sống mà không có quá khứ. Cho dù quá khứ có thể im lìm hay xót xa đi nữa. Nhưng tất cả, tất cả sẽ làm ta ngậm ngùi. Thời gian vẫn là nỗi ám ảnh đen tối nhất của con người. Chúng ta sống bằng những khoảng thời gian. Sự sống được đánh dấu bằng những lần thay đổi, một nơi chốn mà ta vừa ra đi, bỏ lại những thành phố, những con đường, một người tình đã mất. Có nghĩa gì với khoảng đời trong năm hay mười năm là khoảng thời gian đủ để biến một đời nguời. “Từ ngày Bảo mất đi, tôi không muốn trở lại thành phố này. Những con đường, những đồi thông sẽ nhắc đến những ngày cũ”. Ðó là chuyến trở về của một người, về để làm gì? Trở về dể hoài niệm. Hoài niệm những tháng ngày quá khứ ấy. Những ngày mà người tình chưa mất. Sự trở về như thế, thật là êm đềm nhưng cũng thật là xót xa “bao nhiêu năm tháng đã trôi qua. Tôi muốn tìm lại một cái gương để soi bóng mình. Tôi muốn nhìn lại bóng dáng mình bước những bước cô đơn trên con đườnh heo hút này”…
Tôi liên tưởng đến chuyến trở về của Jérôme trong La porte étroite của André Gide. Trong phần cuối của cuốn truyện. Khi Alissa đã mất. Mười năm sau, Jérôme trở về thành phố Prevence, nơi em Alissa tức là Juliette đang sống với chồng con ở đấy. Jérôme trở về đến nơi khi (bóng chiều dâng lên bàng bạc, mọi vật trong phòng mờ dần, và trong bóng đêm như đương cùng nhau sống dậy và ngậm ngùi kể lại chuyện xưa. Tôi mơ màng thấy lại gian phòng Alissa”… (Khung cửa hẹp, bản dịch của Vân Mồng tr 182).
Thời gian với bao nhiêu là thay đổi, bao nhiêu bể dâu đã xảy ra và con người chợt nhìn lại mình, thấy mình đã già đi, nắng đã xế… và rồi thời gian đưa đến cái chết. Cái chết là đìều khủng khiếp nhất của kiếp người. Hình như trong đời sống thường nhật, ta đi lui đi tới, ngược xuôi lên xuống, tranh chấp mà quên đi cái chết, quên đi không nghĩ đến hay ta cố làm ngơ. Ta không dám đối mặt thẳng với nó.
Nhưng cuối cùng nó vẫn đến, nó đến sừng sững trước mặt ta. Nếu mỗi phút giây trong đời sống thường nhật, ta thường nghĩ đến cái chết, sống với cái chết, ăn ngủ với cái chết, thì chắc chắn mọi sự sẽ không tan hoang như ngày hôm nay. Bởi vì nghĩ đến cái chết, ta sẽ biết thương yêu nhau, thương yêu mọi thảm hoạ, mọi bi kịch trên trần gian này, ngay đến những gương mặt thù hận cũng sẽ không còn nữa. Ta thù hận. Bởi nhiều khi ta cứ ngỡ ta sống đời đời (làm như cuộc đời người dài hằng sáu trăm, bảy trăm lần khoảng thời gian đó”. Tất cả đều là cuộc chơi trong ván bài của sanh tử. Ðứng trước cái chết ta thấy gì “đứng trước cái chết, lòng tự ái không có tiếng nói nữa. Ðối với người giã từ cuộc sống để ra đi mãi mãi, giả từ hết mọi ghét thương, âu lo mừng giận, anh thấy lòng thương tràn đầy”. Mọi sự đều phải dừng trước cái chết, mọi tranh đấu khác đều không quan trọng, chỉ có một điều quan trọng duy nhất, đó là cuộc tranh đấu với cái chết. tranh đấu với cái chết là lúc ta lên đường đi đến sự thất bại lớn lao của cuộc đời “Phú thất bại trong cuộc tranh đấu lớn, cuộc tranh đấu cuối cùng, tranh đấu với cái chết”.
Truyện Dấu chân sa mạc trong Con suối mùa xuân. Võ Hồng ghi lại đời của một người đàn bà. Cô Ba. Người đàn bà ấy đã sống bằng tất cả hung hăng của cuộc đời mình chê bai, thù ghét, gieo rắc bực dọc, hành hạ người khác và tự hành hạ chính mình. Giàu sang nhưng bỏn sẻn. Nhưng vào những ngày cuối đời, khi da đã nhăn, tóc trên đầu đã bạc, thì mọi sự đi đến một cách tang thương, canh bạc đã kết thúc” Tôi thương xót cho cô Ba đang đóng vai người bại trận đó, bơ vơ lạc lõng hơn bất cứ người bại trận nào khác, bởi lẽ cô sống cô đơn. Không có ai để thở than sau đó. Không có ai để bàn tính cân nhắc trước đó. Trước mặt, sau lưng, bên phải,bên trái đều là sa mạc.”. Con người hung hăng ấy rồi ra cũng phải bại trận. Cuối cùng tìm về một ngôi chùa -điều mà khi còn xuân cô ầm ĩ chê bai- về đó, như một con gấu đã hết khí lực “như thế, cô bước đi giữa cuộc đời còn sót lại, lạc lõng mơ hồ như người đi trong giấc mộng. Tất cả đều chập chờn hư ảo. Chặng cuối cùng của người lực sĩ yếu sức”.
Con gấu ấy trở về để làm gì? “con gấu mò về cửa tam quan, cúi nhìn xuống thân phận mình và gối đầu lên cái chết”. Ðó là một trong những câu văn đã gây xúc động lớn cho tôi. ta sinh ra ở đời, sống với nhau, để rồi một ngày nào đó, sẽ cùng nhau rời bỏ trần gian hiu quạnh này.
Phải có một tấm lòng thật bao la tràn đầy tình thương thì mới viết được những câu chuyện như vậy. Ở đây, ta nên lưu ý đến một điều là, tình thương đối với Võ Hồng (cũng như những nghệ sĩ nhân bản khác) không phải xuất phát từ những luân lý. Vì một tình thương như vậy chỉ là hậu quả của tập quán xã hội. Tình thương ở đây vượt lên trên tất cả, nó nảy nở một cách tự nhiên từ trong trái tim của ta. Tự nhiên, đó là điều khó khăn nhất mà ta phải đạt đến. Nói như Khrishnamurti (tình yêu tự hiến dâng tràn đầy tựa như đóa hoa hiến dâng hương thơm).
Võ Hồng quê ở Phú Yên, xứ sở của núi non trùng điệp. Quê hương của những ngưới nông dân điền dã. Quanh năm lận đận với những mảnh khoai trên rừng, những thửa ruộng ngoài đồng. Bầu bạn với cây cuốc, cái cày. Lam lũ và cực nhọc vô cùng, nhưng đời sống vẫn bao hàm trong cái thơ mộng nguyên thủy của đồng quê. Chỉ có những ai đã sinh ra và lớn lên ở những nơi khô cằn miền Trung thì mới thấy được cái thơ mộng này: “ở đây tất cả đều trầm mặc, trang nghiêm. Rừng già màu xanh tối, đứng bao vây những sườn núi an phận. Rẫy lúa, rẫy bắp, đất thổ trồng đậu xanh đậu phụng. Con trâu, con bò. Suối nước chảy qua khe đá, con chim hót trên cành. Và linh hồn của cả cái cảnh hoang sơ này là sự yên lặng rộng lớn bao trùm từ khoảng cao đến miền xa”…
Có lẽ từ một quê hương như thế, Võ Hồng mới đủ chất liệu để viết những câu chuyện về quê hương một cách đặc sắc. Như truyện Tình yêu đất chẳng hạn. Ðọc Tình yêu đất ta thấy lại cái gì chất phác, điền dã của nông dân Việt Nam. Ðó vẫn là đìều khó khăn đối với những con người thành phố hôm nay, xung quanh chỉ thấy những tòa nhà đồ sộ những công viên, những quán cà phê đèn xanh đèn đỏ, mà quên đi đời sống kia. Ta có thể quả quyết rằng, đời sống nông dân Việt Nam đúng nghĩa, là đời sống vô cùng thơ mộng.
Còn gì thơ mộng hơn khi cuốc đất mà vẫn nghe được tiếng chim sơn ca rung rinh trên tầng cao, suối chảy róc rách quanh vườn. Lảo Túc trong Tình yêu đất đã tóm thâu tất cả những thơ mộng ấy. Mọi sự đều phản bội Lão, đứa con duy nhất cũng bỏ Lão mà đi, người vợ thì luôn luôn hiếp đáp Lão. Lão còn lại chỉ có mảnh đất. Lão sống với mảnh đất đó, bởi vậy “Lão thương đất như thương con, như thương chính da thịt mình”. Suốt đời lão chỉ còn có mảnh đất, bởi đất không gian dối như lòng người “đất không phản bội người, chỉ có người mới phản bội đất. Người giậm chân nguyền rủa rồi bỏ đi. Ðất vẫn ở lại; nhẫn nại trung thành. Khi người về, người cứ tưới mồ hôi xuống là đất lại nảy ra lá xanh, đơm hoa, kết quả”. Ðời sống của Lão Túc cũng được kết thúc trên mảnh đất của Lão. Một bữa đi ra đám đất, một con rắn từ trong bụi rậm trườn ra và cắn Lão chết. Cho đến khi chết mà Lão vẫn còn ám ảnh đất, miệng vẫn thì thào: “Miếng đất Gò Ðình”.
Tác phẩm của Võ Hồng thật nhiều và quá nhiều khía cạnh. Tôi chỉ nhìn thấy một khía cạnh nào đó thôi, như đã thấy ở trên.
Hồi còn ở Nha Trang, cũng như bây giờ mỗi khi có dịp về thành phố ấy, tôi thường ghé lại thăm ông. Ðời sống của ông lúc nào cũng hiu quạnh, nhưng ông bảo là có sống như thế, sáng tác mới là điều cần thiết, để làm vơi đi phần nào nỗi buồn trên. Ở đời mọi sự đều phù ảo, bởi vậy sáng tác cũng là một cách đùa rỡn với cái phù ảo ấy. Tôi đã có lần nghe ông nói như vậy. Và tôi tin chắc rằng ông vẫn còn tiếp tục đùa rỡn hơn nữa trong nỗi đời hiu quạnh còn lại của ông.
(Tạp chí văn, số đặc biệt về Võ Hồng / 74)

III
Khi còn sanh tiền, mỗi lần gặp tôi Võ Hồng thường nói: “Quê ông cách quê tôi 50 cây số. Mình là dân nhà quê với nhau cả mà”.
Võ Hồng quê ở làng Ngân Sơn, huyện Tuy An, Nằm phía bắc tỉnh Phú Yên. Từ Tuy An đi đến đỉnh đèo Cù Mông là tỉnh Bình Định, quê của tôi. Đúng là khoảng chừng năm mươi cây số.
Hầu hết, người dân của hai tỉnh này đều sống bằng nghề nông, nên hồi nhỏ ngày nào tôi cũng đi giữa ruộng đồng, nương rẫy. Khi lớn lên rời bỏ quê hương ra sống nơi các thành phố lớn, mỗi lần có dịp ra khỏi thành phố mà bất ngờ thấy được dòng sông, đồng lúa xanh là tôi cũng mơ ước như Võ Hồng đã mơ ước trong truyện ngắn Trầm mặc cây rừng của ông: “Bỏ tôi giữa cảnh ấy, tôi sẽ tìm lại quá khứ êm đềm của những ngày thơ ấu, cũng bờ ruộng cỏ ướt sương đêm, cũng dòng nước chảy róc rách”.
Những năm đầu thập niên của thế kỷ 20, những làng quê nghèo như làng Ngân Sơn của Võ Hồng thì tấm lịch và cái đồng hồ dường như vẫn rất còn xa lạ. Nhưng chính vì không biết đến cái đồng hồ và tờ lịch nên những đứa trẻ ở vùng quê này ngồi trông đợi cái Tết đến vô cùng thơ mộng dưới cái nhìn của Võ Hồng trong Ngày xuân êm đềm:
Đối với tâm hồn ngây thơ của nó, cảnh và vật nói nhiều hơn tháng ngày. Nghe con Tu Hú kêu nó nghĩ đén những cái vú dẻ chin vàng ngọt lịm và nó nghĩ “tháng Ba mùa gặt tới”.
Nhìn bà hàng xóm gánh đôi thúng xếp đầy những trái bắp nếp luộc hơi nóng lên ngun ngút, nó cảm nghe mùi ngọt thơm của hột bắp dẻo nghiền tan dưới răng và nó nói thầm “tháng Tám rồi sắp mưa lụt”. Còn ngày Tết thì luôn luôn được báo bằng những dãy cúc, vạn thọ”.
Người dân quê chuẩn bị đón tết rất sớm, Trong ngày xuân êm đềm Võ Hồng cho biết “manh nha từ đầu tháng mười một với những cơn mưa nhẹ, mưa gieo cải, cái Tết thấp thoáng mơ hồ với những rò cãi, ngò, xà lách, tàn ô nằm vuông vắn ở hầu hết mọi sân nhà, cái Tết lớn dần lên với những bụi hoa vạn thọ, cúc đại đóa, thược dược phát chồi sum xuê và bắt đầu ra nụ”.
Đó là việc của người lớn. Còn trẻ con thì niềm vui duy nhất là xin tiền mẹ để đi mua cho được con gà cồ làm bằng đất nung, có khoét cái lỗ ngang hông, khi thổi thì phát ra tiếng gáy như con gà cồ thật.
Nhưng bây giờ đời sống đô thị đã tràn ngập khắp nơi, tất nhiên những con gà cồ đất cũng không còn nữa, nên tác giả ngày xuân êm đềm chỉ còn biết “ngậm ngùi nhìn cái di tích của thời ấu thơ êm đềm không còn nữa, có còn chăng cũng chỉ trong ký ức bề bộn của chàng mà thôi”.
Nhưng có một cái mà đời sống đô thị không thể nào xóa bỏ được, đó là nắng xuân. Trong một truyện ngắn khác có tên là lễ cúng trường Võ Hồng đã ghi lại cái nắng của một buổi sáng cuối năm nơi làng quê Ngân Sơn của ông. Tôi nghĩ rằng, bất cứ làng quê nào, vào cuối năm cũng đều có một buổi sáng nắng rất đẹp chẳng khác nào làng quê của Võ Hồng như thế này: “Thật là đẹp những ngày nắng đầu mùa. Nắng vàng nhẹ, không khí trong suốt khiến cảnh vật sáng tưng bừng. Đứng ở bến đò Thiện Đức có thể nhìn thấy rõ bầy bò lội qua bến đò gạch cách đó hai cây số. Bờ tre ở Phú Hội, rặng dương ở Mằng Lăng hiện lên thành một dải xanh ngăn ngắt và dãy núi cát ở mũi Vũng Lắm màu vàng nhạt, sáng óng ánh mặt trời”.
Trong thi ca hiện đại cũng có nhiều câu thơ nói về nắng, ví dụ như trong Lửa Thiêng của Huy cận: “ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung”, hay trong tập Mưa Nguồn của Bùi Giáng” một buổi trưa nắng vàng in trên tóc.”
 Dùng nắng để diễn tả tâm trạng vui buồn, hay cái đẹp trên mái tóc người con gái thì ta thường bắt gặp. Nhưng dùng nắng để diễn tả giọng nói của người con gái thì, nếu tối không lầm chỉ có Võ Hồng. Trong truyện ngắn Hoa Khế Lưng Đồi ông viết: “giọng nói ấy như có chứa ánh nắng trên đồng lúa chín màu vàng, là hơi thở của những chùm hoa màu đỏ”.
Vậy là đúng như Võ Hồng đã phát biểu trong tác phẩm Trầm Tư của ông: “nghệ thuật là thấy được cái nhỏ nhất chưa ai thấy, nghe được cái nhẹ nhất chưa ai nghe và diễn tả bằng ngôn ngữ chưa ai dùng. Là tránh xa những vết cũ”.
Ở đây, trên đồi cao vắng vẻ vào những buổi sáng hay buổi chiều cuối năm, tôi vẫn thường ngồi nhìn những vạt nắng nơi các rặng núi bên kia đồi, rồi tự nói lê thê với chính mình rằng, mai này “đi lìa xa xứ sở của mặt trời” thì có lẽ cái mà tôi luyến tiếc nhất hông gì khác hơn là một chút nắng đẹp của những buổi chiều cuối năm nơi một làng quê của tuổi thơ mà bây giờ đã quá xa xôi.
IV
Tôi vốn được sanh ra và lớn lên nơi một vùng quê có nhiều núi non. Lớn lên, đọc được Võ Hồng thì tôi mới thấy quê của ông sao mà giống quê tôi quá chừng! Cũng những sườn núi, cũng những con suối chảy róc rách qua khe đá. Nhưng đặc biệt nhất là sự im lặng của núi rừng cô tịch. Sự im lặng mà tuổi thơ tôi đã cảm nhận được trong những buổi trưa hè ngồi dưới gốc cây trước chùa, nhìn những đám mây trắng bay la đà đỉnh núi cao sau chùa. Võ Hồng viết: “Ở đây, tất cả đều trầm lặng nghiêm trang. Rừng già màu xanh tối đứng bao quanh những sườn núi an phận. Rẫy lúa, rẫy bắp, đất thổ trồng đậu xanh đậu phụng. Con trâu, con bò. Suối nước chảy qua khe đá. Con chim đứng hót trên cành. Và linh hồn của cái khung cảnh hoang sơ này là một sự im lặng rộng lớn bao trùm từ khoảng cao đến tận miền xa…”
Hầu hết người dân quê của hai tỉnh này đều là những nông dân chân lấm tay bùn. Cứ từ tháng Mười Một Âm Lịch, tức là sau mùa lụt thì họ đều túa ra đồng cày cấy. Đến tháng Tám sau khi gặt xong vụ Hè Thu, thì họ lại vào núi để làm đất thổ trồng bắp, sắn nước,đậu xanh,đậu phụng,… Võ Hồng đã chia sẻ nỗi cực nhọc của người dân quê ông bằng một nhân vật vô cùng độc đáo có tên là Lão Túc, có thể nói là độc đáo nhất trong những truyện ngắn viết về người nông dân Việt Nam,”… có khác gì cuộc đời của Lão đâu? Hội hè đình đám, Tết nhất, giỗ chạp, giọng cười bên ấm trà, câu chuyện vui trong khói thuốc… Tất cả chỉ là những món trang điểm nhất thời. Lầm lì, chịu đựng, cán cuốc bóng nhẵn trong bàn tay, ánh nắng rung rinh đốt nóng trong mắt, đó mới là cuộc đời thực sự của Lão…”
Nhưng để bù lại những gian lao vất vả mà người dân quê phải gánh chịu, thì họ lại có nơi chốn để trở về, đó là ngôi chùa. Dường như bất cứ làng quê nào của Việt Nam cũng đều có chùa. Làng quê của Võ Hồng cũng không nằm ngoại lệ. Ông cho biết con đường đi vào ngôi chùa của làng ông như thế này: “Chùa Châu Lâm ở cách biệt nơi chân núi, xa xóm cỡ cây số rưỡi nhưng đối với tuổi thơ của tôi như vậy là xa hun hút. Bởi vì muốn đi tới chùa, chúng tôi phải đi bọc vòng chân núi, đi theo một con đường quanh co có nhiều bụi gai bàn chải mọc đầy. Cảnh vật khác hẳn cảnh vật trên xóm, bụi cây âm u rất nhiều. Chim hót tứ phía”.
Ngôi chùa của làng quê Võ Hồng cũng như bao nhiêu chùa làng quê khác đều giống ở chỗ là rất nghèo: “Ấp tôi ít dân lại nghèo nên chùa không thể nào giàu được. Hình như tài sản của chùa chỉ có hai miếng đất thổ, và để có lúa ăn, nhà chùa phải làm rẽ bảy giạ giống ruộng”. Nhưng chính cái nghèo này mà ngôi chùa mới gần gũi, gắn bó với người dân quê chân lấm tay bùn: “Chùa nằm ở chân núi thì người đi đường ghé chân nghỉ mệt, người lỡ đường có thể nghỉ qua đêm. Nhà chùa nằm ở cánh đồng thì anh đi cày, chị đi cấy, kẻ chăn bò ghé xin nước uống, mượn chỗ nằm nghỉ lưng ở hiên sau, ở chái liêu. Cửa Tam Quan suốt ngày không đóng”.
Nhưng vì sao hầu hết những ngôi chùa của Phật Giáo đều được xây cất ở trên núi, nếu ở dưới đồng bằng thì lại tránh xa xóm làng. Có lẽ không ai lí giải điều này hay và thơ mộng hơn Võ Hồng: “Thành đường nhiều Tôn giáo thường đi theo sát tập thể quần chúng, nhằm hoàn thành công tác mục vụ. Chùa chiền Phật giáo thì không. Như cố ý xa lánh, như cố gắng tìm một thâm sơn, xít gần lại với thiên nhiên, núi rừng, nên khi người tìm đến thì đồng thời cũng là dịp người gắn với thiên nhiên. Cùng với tiếng chuông, tiếng mõ tụng niệm, màu xanh của lá cây, sự tĩnh mịch của đá,của đất, sự bao dung của khoảng trời cao cũng góp phần giải khổ, cũng nhẹ thổi đến niềm an vui, niềm hi vọng, niềm tin…”
Bởi vậy, theo Võ Hồng thông điệp của những ngôi chùa ở thôn quê muốn gởi đến cho người nông dân cũng rất giản dị: “Bà con nông dân gần gũi với chùa, thương kính ông Phật, không phải vì hiểu giáo lý Phật giáo. Những tiếng Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Nhị Nhân Duyên đa số đều không biết, không hiểu, mà chỉ biết theo các thầy làm lành lánh dữ, cố gắng theo gương các thầy mà bớt phạm sát sanh. Triết lý vốn sáng mà lạnh. Rất hay nói, rất êm để nghe, mà phàm nói hay thì ít làm.”
Rồi lớn lên rời bỏ quê hương, rời bỏ ngôi chùa xưa, đi vào sống những thành phố tranh sống ồn ào nhưng lúc nào theo Võ Hồng, Đạo Phật cũng “hiện diện êm đềm” quanh ông: “Đạo Phật hiện diện êm đềm quanh ta. Trong một thời gian dài, cứ chừng năm giờ sáng là nằm trong giường tôi nghe được tiếng gõ mõ tụng kinh của ông láng giếng ở sau nhà. Bốn giờ sáng, bà con khu Hồng Bàng – Xóm Mới nghe tiếng chuông chùa Linh Thứu. Bà con xón Mã Vòng – Phường Củi nghe tiếng chuông chùa Long Sơn. Bà con đường Đồng Nai nghe tiếng chuông chùa Hải Đức. Những bà con phải sống xa quê hương, ngoài nỗi nhớ cô bác họ hàng, ngôi nhà tổ tiên, khu vườn cây lá, ắt có lúc chợt nhớ những hương thơm của hoa bưởi, hoa cau, tiếng con trâu, con nghé ọ kêu mẹ, tiếng mái chèo khua nước trên sông, tiếng gà gáy vang lại từ thôn xóm xa… và tiếng chuông chùa.”
Và sau cùng, xin được trích ra đây lời tâm sự của Võ Hồng, một nhà văn lớn hiện đại đã phát biểu về Đạo Phật một cách cảm động như thế này:
“Tôi không phải là Phật tử. Không biết tụng kinh. Nhưng tôi lại dễ xao xuyến dạt dào mỗi lần nghe tiếng kinh tiếng mõ. Những lúc đó tôi tự nhiên trút bỏ mọi ảo vọng ở đời mà cuối xuống nhìn thân phận yếu đuối nhỏ mọn của mình. Chỉ một hơi thở thôi, cuộc đời chỉ là một hơi thở mà thôi, rất nhẹ và rất mong manh, chỉ cần hơi thở ngừng lại nửa phút là rũ bỏ tất cả”.
Tết năm nay, tôi có đi thăm viếng một số chùa ở Nha Trang. Đi đến chùa nào cũng thấy đông đảo Phật tử đi lễ Phật đầu năm. Tôi bồi hồi xúc động và nghĩ rằng, chính những ngôi chùa trầm mặc đã nuôi dưỡng sức sống mãnh liệt cho dân tộc từ hai ngàn năm nay.Đúng như hai câu thơ mà trong những năm gần đây bỗng được mọi người nhắc đến rất nhiều:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông.
(Huyền Không)
V
Võ Hồng vẫn thường nhắc đi nhắc lại lý do mà ông theo đuổi sự nghiệp văn chương:
“Tôi đền ơn cho quê hương, tôi trả hiếu cho quê hương bằng cách suốt những năm dài nhẫn nại tay cầm bút”.
Nhưng Võ Hồng “báo hiếu” hay “đền ơn” cho cái quê hương nghèo khổ của ông như thế nào?
Tất nhiên Võ Hồng cũng chẳng có phép lạ nào để làm cho những kẻ suốt đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” này sung sướng hơn lên cho được. Nhưng trong tư cách một người cầm bút ông chỉ có một cách duy nhất là, nói cho những người đồng hương biết rằng, dù đời sống cần lao khổ cực, nghèo khổ, nhưng họ có một giàu sang khác mà những người dân ở thành phố không thể có được. Trong truyện ngắn Mẹ và Em Võ Hồng đã để cho một thanh niên trí thức hiện đang sống và làm việc tại thành phố nhưng vốn cũng xuất thân từ nhà quê nghèo khổ đã tự so sánh về hai đời sống mà anh đã trải qua:
“Dĩ vãng nào của anh cũng được đặt vào một nền khung cảnh có cây cối làm nền. Anh dễ tưởng tượng ra một khuôn mặt thân yêu, dễ sống lại một tâm trạng êm đềm hay xót xa khi mắt anh bắt gặp một khung cảnh quen thuộc. Một bờ ao, một ngôi chùa, một hàng dậu bìm leo hoa nở hình chuông. Một dòng sông. Ký ức của anh trái lại, rất ít bén nhạy khi anh nhìn một dãy phố, một công thự, một kiểu ô tô. Có lẽ vì văn minh không lặp lại còn thiên nhiên thì không đổi thay, cho anh đắm tâm hồn vào sự trầm lặng lớn lao kia cho vơi bớt đi những ưu tư phiền muộn từng dày vò khối óc muốn vỡ tung của anh. Người mẹ màu xanh, thiên nhiên trầm tĩnh dịu dàng, anh biết chỉ ở giữa thiên nhiên anh mới cởi bỏ được những xáo trộn của tâm tư mà hòa mình theo nhịp sống thanh thản vô tư của cây cỏ”.
Có lẽ chính vì thế mà trong tác phẩm của Võ Hồng ta mới thấy một bà mẹ nhà quê suốt đời ngồi trông ngóng người con đi làm thuê làm mướn nơi xứ lạ quê người vô cùng thơ mộng:
“Cây xoan trước cửa nở hoa nó ra đi bây giờ lại nở hoa, phải một kỳ nữa thì nó mới trở về. Con Tu Hú báo hiệu mùa múi giẻ chín. Phải một kỳ Tu Hú kêu nữa thì nó về. Cây ổi xá lị nó xin giống ở Đồng Tròn về trồng năm kia, năm nay đã ra được hai trái. Sang năm nó về ổi sẽ chín đầy cành”.
Nếu từ cái làng quê Ngân Sơn nghèo khổ thì Võ Hồng mới sáng tạo ra được những nhân vật như Lão Túc trong truyện Tình Yêu Đất mà quanh năm suốt tháng lúc nào cũng: “lầm lỳ, chịu đựng, cán cuốc bóng nhẵn trong gang bàn tay, ánh nắng rung rinh đốt nóng tròng mắt” hay bà Xự trong đập đồng cháy khi chiến tranh ùa tới mọi người đều ra đi nhưng riêng bà Xự thì “ngồi yên trên ngạch cửa, hai dòng nước mắt lặng lẽ chảy trên gò má. Bỏ nhà của mà đi, bỏ ruộng nương, bỏ vườn tược, bỏ khúc sông và cái bến nhỏ này mà đi. Không, tôi không muốn đi đâu hết. Năm mươi tuổi đời rồi, tôi muốn ngồi yên một chỗ, nằm yên một chỗ mà chết cũng được. Chết là gì? nhắm hai con mắt lại, nhẹ nhàng buông xuôi hai tay” thì chỉ mới nói lên được lòng kiên nhẫn sắt son của con người đối với đất đai làng mạc quê hương. Nhưng phải đợi đến truyện ngắn Niềm Tin Chưa Mất thì theo tôi mới là tâm sự mà Võ Hồng, người con của Ngân Sơn Phú Yên muốn gửi đến cho thời đại mà chúng ta đang sống, một thời đại mà Võ Hồng đã cho là “một xã hội nhiễm độc mà dối trá đã trở thành điển – lệ, mà thù hằn đã trở thành khí giới phổ thông”.
Câu chuyện giản dị như thế này, tác giả người xưng “tôi” trong câu chuyện cùng học chung một lớp ở trường làng Ngân Sơn với người bạn tên Tộc. Tộc tướng mạo xấu xí lại còn học dở nhưng lại rất tốt bụng, sống rất tự nhiên, không hề biết che giấu cái xấu của mình, Võ Hồng nhận xét đầy xúc động: “Tôi có cảm tưởng tâm hồn anh hiền lành như cây xanh, cây ổi, cây bàng nào đó đang sức lớn. Đâm chồi, ra lá, nứt hoa. Cây cứ bình tĩnh làm nhiệm vụ của mình, không cần nhìn xem những phản ứng của các cây héo, giấu giếm những cây gãy, mà cũng không thấy nó hãnh diện vì chồi xanh non mướt hay nở đầy cành”.
Vì học quá dở nên Tộc không lấy nổi bằng yếu lược, phải nghỉ học. Mấy năm sau, lúc đang học trường huyện về thăm nhà thì dân làng Ngân Sơn kể lại Tộc mất tích và xóm trên đầu làng cô Lành con của ông Câu Hò cũng mất tích vào đúng đêm đó. Người làng đồn rằng Tộc và cô Lành rủ nhau bỏ đi hoang nhưng không biết đi đâu?
Mấy chục năm sau, khi tác giả đang dạy học tại Nha Trang bỗng nhận được thư của Tộc từ Ban Mê Thuột gửi xuống. Trong thư Tộc cho biết có đọc được “mấy truyện của anh viết về những ngày thơ ấu của chúng ta còn học ở trường Ngân Sơn”. Đặc biệt Tộc cho biết hiện nay anh rất khá giả có Vila ở Đà Lạt và có cả xe ô tô nữa”.
Đọc xong thư Tộc, tác giả cho biết: “niềm vui khi đọc thư Tộc, tôi giữ cho đến suốt ngày. Tôi cảm thấy bớt đơn chiếc và cuộc đời dễ sống hơn. Tộc đại diện cho một nhân cách miễn nhiễm, không tà khí. Lúc nào cũng nghĩ tốt cho người, không ác ý, không đối phó, không bị lôi cuốn, và sẵn sàng làm điều tốt cho người, không mưu tính, không mặc cả. Tôi tin chắc rằng sự làm giàu của Tộc rất trong sạch”.
Sau cùng, tác giả phải công nhận rằng, chính người bạn mà ngày trước ở trường làng Ngân Sơn ai cũng xem thường và thường đem ra bỡn cợt thì cũng chính người bạn đó nay lại giúp tác giả tin cậy vào cuộc đời này hơn:
“Tâm hồn tộc như cái phòng trống trơn, không có xó kẹt, không có bóng tối. Tộc làm những điều mình nói và có thể nói cả những điều mình làm, và có thể nói vả những điều mình nghĩ nữa. Trong một xã hội nhiễm độc mà dối trá đã trở thành điển lệ, mà thù hằn đa trở thành khí giới phổ thông quả tình nhân cách của Tộc vươn lên nhưng chồi cây mạnh giúp tôi tin cậy ở cuộc đời”.
Phạm Công Thiện, một người bạn vong niên của Võ Hồng đồng thời cũng là một người đầy thẩm quyền về tư tưởng triết lý Tây Phương của Miền Nam trước 75 khi đọc Niềm tin chưa mất đã không ngần ngại so sánh Tộc với các nhân vật trong tiểu thuyết của các tác giả Tây Phương:
“Đó là Tộc của Võ Hồng, là Dilsey của Faulkner, là lão già đánh cá của Hemingway. Đó là hình ảnh thực sự của con người trần gian này. Con người ấy không phải là Vua là Chúa là kẻ thông minh xuất chúng. Người ấy chỉ là một con người rất tầm thường, rất Conformister, có thể rất là Idiot nữa. Chính những con người ngu si như vậy sẽ cứu lấy trần gian ra khỏi hố sâu, chính những con người tầm thường như Tộc, như Dilsey như lão già đánh cá của Hemingway. Chính những con người tầm thường này sẽ gầy dựng lại một thế giới mới giữa trần gian đỗ vỡ này”.
Và để kết thúc những tản mạn về Võ Hồng, tôi xin được trích một đoạn nữa trong lá thư của Phạm Công Thiện gửi Võ Hồng, thư đề ngày 18 tháng 01 năn 1963, xem như Phạm Công Thiện đã nói lên được toàn thể văn nghiệp của Võ Hồng trong một câu ngắn gọn, súc tích:
“… Nhưng đọc anh, tôi mới sực nhớ rằng, mỗi người đều mang nặng một bi kịch đau thương của cuộc đời và trong những gì tầm thường nhất cũng đều chứa đựng một cái gì cao quý thiêng liêng nhất, một cái gì mà thiếu nó thì cuộc đời này không đáng sống nữa”.

Monday, March 30, 2020

Thích Từ Lực: Ai Là Tâm Minh Của Thế Kỷ 21?

Ai Là Tâm Minh Của Thế Kỷ 21?
Thích Từ Lực
(Trích Phổ Hương Tình Thầy, Tủ sách Phổ Hòa sắp xuất bản nhân mùa tưởng niệm Cư Sĩ Tâm Minh Lê Ðình Thám.
Tựa: Thị Nghĩa 
Trần Trung Đạo, bạt: Tâm Nghĩa Ngô Văn Quy (Calvin Ngo), Bodhi Media chủ trương và thực hiện.)
Giữa khung cảnh an tĩnh của lúc đầu Xuân, kẻ hậu học xin cúi đầu tưởng niệm bậc tiền bối hữu công: cụ Tâm Minh Lê Ðình Thám. Chắc bạn rõ, không phải là sự ngẫu nhiên mà tôi ngồi đây, trong căn chái nhỏ, để viết về con người và sự đóng góp của cụ đối với Phật giáo nói chung và đối với tổ chức Gia đình Phật tử nói riêng. Thật là một con người đầy đạo tâm và sức sống. Lắm lúc, vì hơi ốm yếu, tôi đã mong ước mình có được phần nào tâm chí vững mạnh và đầy lý tưởng của cụ.
Một câu chuyện xưa: Tôi xin phép được bắt đầu với bạn bằng một câu chuyện xưa. Lúc tôi mới vào chùa, làm điệu, có tham dự những buổi học tập kinh điển và giới luật hàng tuần. Có khi vào buổi tối, sau giờ đi học ở trường, mà cũng có khi vào ngày cuối tuần. Tôi còn nhớ, hôm đó, thầy Tịnh Từ, hiện nay là Viện trưởng tu viện Kim Sơn, dạy chúng tôi về bản văn “Ðại thừa Kim Cang Kinh luận” do hòa thượng VIên Giác của tòng lâm Giác Hải ở Vạn Giả, Nha Trang dịch giải. Thầy thường tìm cách lồng vào bài học là các câu chuyện ở chùa để gián tiếp dạy bảo anh em chúng tôi.
Thầy kể lại rằng, cụ Tâm Minh lúc đó rất lưu tâm đến việc đào tạo Tăng tài để gánh vác công việc Phật sự mai sau. Và vì nhờ am hiểu cả hai nền tân học và cựu học, tức là Hán văn và Tây học cho nên cụ được quý Ôn mời dạy cho quý Thầy tại Phật học đường Báo Quốc. Chúng ta đừng quên, cụ vừa là một Phật tử thuần thành gần gũi với giới bình dân và cũng là một bác sĩ y khoa của hàng trí thức khoa bảng. Bản chất của cụ là một con người thông minh, ham học nhưng đồng thời cũng rất khiêm nhượng, tôn kính chư Tăng. Do đó, mà trước khi bước lên bục hay ngồi vào bàn để giảng dạy, cụ đều đảnh lễ chư Tăng, mà lúc đó là học trò của cụ trên nguyên tắc, và chắc chắn có thầy tuổi còn kém hơn cụ rất nhiều.
Ðã gần hai mươi năm trôi qua, vậy mà tôi vẫn chưa quên sự xúc động của tôi lúc đó. Hẳn nhiên, tôi đã biết gì đến hạn khiêm cung của bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa đâu. Tôi chỉ hình dung ra một con người, có đôi mắt sáng, đầy sự cương quyết trong lòng, và đặc biệt hơn hết, có cả trái tim của một vị Bồ Tát sống đúng với Chánh pháp. Tôi nghĩ, chưa kể đến những điều hiểu biết mà cụ trao truyền cho các học tăng, chỉ cần thái độ khiêm cung đó cũng đủ chất liệu cho một bài học vô giá rồi. Trong chúng ta, ai cũng có một bản ngã rất lớn lao mả qua bao đời kiếp ta đã tìm đủ mọi cách để củng cố, để tô bồi thêm. Khó khăn hơn nữa là khi có quyền hạn trong tay, ở vào một địa vị cao hơn người khác một chút, là ta đã để cho cái “bản ngã vị kỷ” đó tự tung tự tác, không kể gì đến sự tương kính, nhường nhịn. Khó thay cho chúng ta mà cũng đáng phục thay thái độ sống của một người cư sĩ Phật tử biết trọng Phật, kỉnh Tăng với hiểu biết của trí óc và chân thành của con tim.
Con người lý tưởng: Năm tháng trôi qua, xúc động của hôm đó và hình ảnh cụ Tâm Minh tiếp tục ở lại trong lòng, sáng bước với cuộc đời tu hành của tôi. Tôi thường quan niệm, con đường Phật giáo là con đường hài hòa giữa mình với ta. Phật đã ché định giới luật và chỉ bày cách sống cho cả hai giới tại gia và xuất gia. Trên hết, trên con đường phụng sự lý tưởng giác ngộ, Tăng Ni và tín đồn cần có sự tương kính, hỗ trợ lẫn nhau, làm đẹp cho nhau. Do đó, tôi thường tìm cơ hội để tần gũi, tìm hiểu, học hỏi ở những vị cư sĩ đạo tâm, chuộng đời sống bình dị để có thể tích cực tu tập Chánh pháp. Nhân duyên đưa đẩy, tôi lại chọn con đường sinh hoạt với tuổi trẻ, mà trong đó có hình ảnh của Gia đình Phật tử, của chiếc áo lam thân yêu đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ lúc còn bé.
Lại thêm một lần không ngờ, đầy thích thú, khi tôi phát giác ra cụ Tâm Minh cũng là một trong những người đầu đàn thành lập và nuôi dưỡng tổ chức Gia đình Phật tử Việt Nam. Thì ra, cụ không chỉ là một người gần gũi với chư Tăng mà cũng là một con người đầy lý tưởng, muốn tạo một sức sống cho những người trẻ tuổi biết đạo đức, biết tôn quý những giá trị tinh thần. Chúng ta hãy độc lại mục đích của tổ chức áo Lam: “Ðào tạo những thanh thiếu niên trở thành những công dân tốt của xã hội, sống theo tinh thần Phật pháp”. Thật là một việc làm rất ý nghĩa và đem lại lợi ích lớn lao cho gia đình và xã hội. Dĩ nhiên, chính các nhân của các huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử đã được thánh hóa, chuyển hóa khi theo đúng đường lối này.
Càng tìm hiểu thêm về con người của cụ, chúng ta càng kính phục sự hoạt động bền bỉ, đầy hăng sau của cụ. Một trong những nhân chứng sống mà tôi được tận tai nghe là hòa thượng Mãn Giác. Với giọng bình dân của người miền Trung, hòa thượng kể cho một số anh em tăng sinh trẻ tuổi nghe về cụ Tâm Minh và các hoạt động của Gia đình Phật tử lúc đó. Thầy nói: “Cụ Tâm Minh hăng hái lắm. Ra khỏi phòng mạch là đi thẳng về chùa, rồi hội họp với lớp trẻ lúc đó, như Võ Ðình Cường, chị Hoàng Thị Kim Cúc, có cả thầy Minh Châu nữa, lúc đó chưa xuất gia. Bộ tướng thì nhỏ người mà răng làm việc quá sức hăng say. Các thầy, ai cũng thương cụ”. Ðã hơn 50 năm trôi qua, cho đến hôm nay hình ảnh con người đầy nhiệt huyết của cụ vẫn có thể làm mẫu mực cho chúng ta.
Nuôi dưỡng tuổi trẻ: Có một câu hỏi hơi thừa nhưng chắc chắn là không vô ích mà chúng ta có thể đặt ra ở đây: tại sao cụ tâm Minh và những người tiên phong lúc đó lại đặt nặng vấn đề nuôi dưỡng và giáo dục tuổi trẻ? Có người hy hiến cả đời mình cho tuổi trẻ không biết nhọc mệt, không than van gì cả. Trải qua 20 năm sống ở xã hội Tây Phương, chắc chắn đa số chúng ta đã thấy tuổi trẻ ở quốc gia nào mà bị băng hoại thì sẽ kéo theo một sự đổ vỡ lớn lao và lâu dài trong các sinh hoạt tại quốc gia đó. Ðối với cộng đồng Việt Nam chúng ta cũng vậy, có nuôi dưỡng thanh thiếu niên giữ được những nét truyền thống văn hóa thì chúng ta mới có hy vọng ở một tương lai tốt đẹp hơn. Hơn nữa, giáo lý nhà Phật lại có nền tảng hợp với sức sống của tuổi trẻ và tinh thần khoa học hiện đại thì chúng ta lại có nhiều triển vọng hơn và, dĩ nhiên, rất an tâm, đầy tin tưởng khi chọn con đường giáp dục tuổi trẻ. Vả lại, con đường mà Gia đình Phật tử Việt nam đã trải qua suốt nửa thế kỷ nay đã để lại nhiều chứng tích tốt đẹp và chứng nghiệm hùng hồn không ai chối cải được.
Nhìn lại đội thiếu niên hay một chúng thiếu nữ quây quần bên nhau trong một lớp Việt ngữ, hay trong một khóa Phật pháp, chúng ta có cảm tưởng gì? Có hy vọng không? Rằng mai đây, các em lớn lên sẽ có thể đóng góp gì cho xã hội các em đang sống? Phải nói là chúng ta tràn trề hy vọng chứ. Tương quan nhân quả cho phép chúng ta nhận định như vậy. Bây giờ, các em đến với những sinh hoạt đạo đức tâm linh và học hỏi được những điều hay lẽ phải thì mai đây các em sẽ đem ra áp dụng trong đời sống và có thể làm đẹp cuộc đời, làm tốt cho con người. Vì vậy, bao nhiêu công trình mà người trước, và ngay cả bây giờ, quý anh, chị huynh trưởng các cấp đang đầu tư vào công cuộc nuôi dưỡng và giáo dục tuổi trẻ sẽ không vô ích chút nào; trái lại, hướng dẫn được tuổi trẻ theo con đường chơn chánh thì chúng ta vẫn còn có nhiều triển vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Hoài niệm người xưa mong mỏi cho hôm nay: Cả hai, bạn à. Chúng ta sắp sữa bước vào thế kỷ 21 với những tiến bộ quá mau của kỹ thuật, khoa học, trong khi đó, giá trị của đạo đức tâm linh lại theo đà xuống dốc thảm hại. Theo luật chung của cuộc đời thì phải vậy, Hơi có nhiều tiền một chút thì mình lại ham chơi, quên ngồi thiền, xao lãng việc tìm hiểu về đời sống tâm linh. Nhưng ai kia thì có thể như vậy, chứ chẳng lẽ mình lại nhắm mắt, bỏ đàn em đang trông chờ sự thương yêu dẫn dắt của chúng ta!
Tôi thiết tha nhắc lại hình ảnh của cụ Tâm Minh là để chúng ta, trước hết học hỏi ở một con người lý tưởng, ham phụng sự, sau nữa, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm một hướng đi thích hợp với tuổi trẻ. Chúng ta cần học hạnh khiêm nhường của cụ và học cách nhường nhịn lẫn nhau. Theo tôi, hơn lúc nào hết, bây giờ chúng ta cần có những con người biết hy sinh cho lợi ích chung và có thể dung hòa cho cả hai thế hệ vốn dĩ luôn luôn có sự xung đột, khác biệt. Họ đang ở đâu? làm gì? Nếu có thể đốt nến mà tìm ra được những con người đó thì bạn có chịu đi với tôi để cầu thỉnh, để gần gũi mà học hỏi những đức tính tốt của họ không?
Thật là may mắn nếu ở trong một tập thể mà có được hình ảnh những Phật tử biết uyển chuyển để có thể chấp nhận những ý kiến bất đồng. Rồi cũng trong chiều hướng vị tha, phóng xả, cố đem hết sức mình dâng hiến cho tổ chức mà họ sẵn sàng ngồi lại để cùng làm việc với nhau thì đó là những viên ngọc vô giá. Ðầu năm, đốt nén tâm hương, tưởng niệm cụ Tâm Minh như là một lời cần nguyện chân thành: xin anh linh của Cụ soi đường cho đàn hậu tấn, cho màu Lam vững bước tiến trên đường dẫn dắt tuổi trẻ, thương yêu tuổi trẻ.

Thông điệp đặc biệt từ Đức Đạt Lai Lạt Ma về đại dịch Coronavirus




Thông điệp đặc biệt từ Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma về đại dịch Coronavirus

My dear brothers and sisters,
I am writing these words in response to the repeated requests from many people around the world. Today, we are passing through an exceptionally difficult time due to the outbreak of the coronavirus pandemic.
In addition to this, further problems confront humanity such as extreme climate change. I would like to take this opportunity to express my admiration and gratitude to governments across the world, including the Government of India, for the steps they are taking to meet these challenges.
Ancient Indian tradition describes the creation, abiding and destruction of worlds over time. Among the causes of such destruction are arms and disease, which seems to accord with what we are experiencing today. However, despite the enormous challenges we face, living beings, including humans, have shown a remarkable ability to survive.
No matter how difficult the situation may be, we should employ science and human ingenuity with determination and courage to overcome the problems that confront us. Faced with threats to our health and well-being, it is natural to feel anxiety and fear. Nevertheless, I take great solace in the following wise advice to examine the problems before us: ‘If there is something to be done—do it, without any need to worry; if there’s nothing to be done, worrying about it further will not help.
Everyone at present is doing their best to contain the spread of the coronavirus. I applaud the concerted efforts of nations to limit the threat. In particular, I appreciate the initiative India has taken with other SAARC countries to set up an emergency fund and an electronic platform to exchange information, knowledge and expertise to tackle the spread of Covid-19. This will serve as a model for dealing with such crises in future as well.
I understand that as a result of the necessary lockdowns across the world, many people are facing tremendous hardship due to a loss of livelihood. For those with no stable income life is a daily struggle for survival. I earnestly appeal to all concerned to do everything possible to care for the vulnerable members of our communities.
I offer special gratitude to the medical staff—doctors, nurses and other support personnel—who are working on the frontline to save lives at great personal risk. Their service is indeed compassion in action.
With heartfelt feelings of concern for my brothers and sisters around the world who are passing through these difficult times, I pray for an early end to this pandemic so that your peace and happiness may soon be restored.
With my prayers,
Dalai Lama
Thekchen Choeling
Dharamsala, HP, India
March 30, 2020
_______
Nguyên Không Tuấn Khanh lược dịch ý chính:
“Tôi có được sự an ủi lớn lao, nhờ vào lời khuyên trí tuệ để quán sát những vấn đề trước chúng ta: “Nếu việc gì có thể làm được-thì hãy làm, không cần lo lắng; Nếu không làm gì được nữa, lo lắng sẽ không giúp ích gì”
Mọi người hiện đang cố gắng hết sức để ngăn chặn sự lây nhiễm coronavirus. Tôi hoan nghênh những nỗ lực phối hợp của các quốc gia để hạn chế mối đe doạ. Đặc biệt, tôi cảm kích Ấn Độ khởi đầu liên kết với các quốc gia SAARC khác để thành lập quỹ khẩn cấp và trạm điện để trao đổi thông tin, kiến thức và chuyên môn nhằm khắc phục sự lây lan của Covid-19. Đây sẽ phục vụ như một mô hình để đối phó những khủng hoảng như vậy trong tương lai.
Tôi biết rằng hậu quả của việc cần thiết phong tỏa – lockdowns toàn thế giới, dẫn đến nhiều người đang đối mặt với những khốn khó to tát do mất sinh kế. Đối với những người không có cuộc sống thu nhập ổn định, họ phải chống chọi từng ngày để sống còn. Tôi tha thiết kêu gọi tất cả những ai quan tâm hãy làm bất cứ điều gì có thể làm để chăm sóc những thành viên yếu kém dễ bị tổn thương trong cộng đồng của chúng ta.
Tôi đặc biệt tri ân các nhân viên y tế-bác sĩ, y tá và các nhân viên trợ giúp khác, những người đang làm việc trên tuyến đầu cứu sinh mạng có nguy cơ lớn đối với cá nhân họ. Tinh thần phục vụ cống hiến của họ thực sự là hành động đong đầy tình thương đáng xúc động.
Với cảm xúc chân thành thương lo cho anh chị em trên khắp thế giới đang trải qua thời kỳ gian khó này, Tôi cầu nguyện đại dịch này sớm kết thúc. Mong sớm khôi phục bình an và hạnh phúc của các bạn.
Lời cầu nguyện của tôi”
(SAARC: South Asian Association for Regional Cooperation – Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á)

Những Mảnh Vụn Ý Nghĩ Về Một Khu Vườn Âm Thanh

Lời dẫn: KHU VƯỜN ÂM THANH. Trong những ngày cả thế giới đang lo âu về dịch bệnh, tôi thường đi ra vườn, ngắm nhìn cây lá, lắng nghe tiếng nước chảy, tiếng chim hót... để tìm sự bình an trong tâm hồn. Hôm nay tôi bỗng nhớ lại, cách đây hơn 15 năm, tôi có viết một tản văn về một khu vườn âm thanh. Tôi chép lại ở đây để chia sẻ cùng các bạn.

NHỮNG MẢNH VỤN Ý NGHĨ VỀ 
MỘT KHU VƯỜN ÂM THANH
1.
Từ xa xưa, vườn là một nơi chốn của tâm linh. Phật Thích Ca đã sinh ra từ vườn Lumbini, giác ngộ dưới gốc cây bồ đề, thuyết pháp lần đầu tại vườn Saranath (Lộc Uyển), và nhập niết-bàn trong vườn ở Kusinara. Chúa Jesus, trước ngày bị đóng đinh trên thập tự giá, đã vào vườn Gethsemane để cầu nguyện một mình trước Thượng Đế. Người Hồi giáo xem khu vườn là tượng trưng cho hình ảnh của thiên đường, và đó là nơi để trầm tưởng, vì thế, hình dáng của khu vườn Islam phải tuyệt đối cân phương, cây cối phải luôn luôn xanh tươi – màu xanh lá cây là màu của Islam – và trong vườn luôn luôn có một hồ nước, theo như lời trong kinh Qur’an: “Jannat tajri min tahtiha al-anhar” (“dưới những vườn cây, có những dòng sông chảy”)...
2.
Trong đời sống thường nhật của chúng ta hôm nay, vườn là một vũ trụ của thiên nhiên nằm gọn trên một mảnh đất nhỏ. Vườn là một tiểu vũ trụ của chúng ta. Bước vào vườn, chúng ta cảm thấy mình đang trở về với thiên nhiên...
Trải qua bao nhiêu thế kỷ, từ đông sang tây, chúng ta đã ứng dụng khoa học và óc thẩm mỹ vào việc xây dựng những khu vườn. Chúng ta đã đem những chất liệu từ thiên nhiên về mảnh đất của mình và uốn nắn, sắp xếp, chăm bón cho chúng phát triển theo một trật tự nào đó phù hợp với óc thẩm mỹ của mình nhưng đồng thời không đánh mất tính nguyên sơ của thiên nhiên. Vườn, do đó, biểu hiện một hoà điệu giữa thiên nhiên (nature) và văn hoá (culture).
3.
Những người không hiểu trọn vẹn cái hoà điệu thiên-nhiên/văn-hoá của vườn vẫn thường tưởng rằng vườn chỉ là một cái gì đó để nhìn ngắm. Nói đến vườn, họ thường nói đến vẻ đẹp của hoa lá, cây trái, và nghệ thuật cắt tỉa, bài trí. Hầu hết khách thưởng ngoạn đều cảm thấy thoả mãn khi chụp ảnh những khu vườn đẹp. Hàng ngàn khu vườn đẹp trên thế giới đã được tái hiện trên những tấm bưu thiếp (postcard). Chúng chỉ còn là một cái gì để nhìn.
4.
Có lẽ rất ít người đến một khu vườn để thực sự lắng nghe và thưởng thức âm thanh của nó. Có lẽ càng ít người hơn nữa đến một khu vườn để thu âm thanh (thay vì chụp ảnh).
5.
Đa số người quên rằng mỗi khu vườn — ngay cả một khu vườn chỉ có cát và sỏi — vẫn có một thứ âm thanh — một thứ âm nhạc — của riêng nó.
6.
Đi qua những khu vườn khác nhau, chúng ta có thể nghe những âm thanh — âm nhạc — khác nhau. Tiếng côn trùng. Tiếng nước chảy. Tiếng lá reo. Tiếng gió thổi. Tiếng người nói. Tiếng xe cộ từ bên ngoài vẳng lại. Tiếng chim hót. Tiếng gà gáy. Tiếng những chiếc phong linh kêu trong gió... Và muôn vàn âm thanh khác.
Từng giờ phút trong ngày và đêm, âm thanh — âm nhạc — của mỗi khu vườn luôn luôn thay đổi. Mỗi khu vườn có một bản nhạc bất tận của riêng nó.
7.
Một người mù vẫn thưởng thức được những vẻ đẹp khác nhau của những khu vườn vì có thể nghe những vẻ đẹp.
Có lần, bạn tôi kể cho tôi một câu chuyện như thế này:
Anh chở một người bạn đi chơi. Dọc đường, thấy một khu vườn rất đẹp, anh ghé vào xem. Đến khi đang tản bộ trong khu vườn ấy, anh mới giật mình và hối hận vì đã quên rằng người đồng hành của mình bị mù. Thế nhưng, trong lúc anh đang loay hoay tìm lời để xin lỗi, thì người đồng hành nở một nụ cười rất tươi và nói: “Ôi, vườn này đẹp quá!”
Người mù ấy đã nghe được vẻ đẹp của khu vườn.
8.
Trong đêm tối, hầu hết những khu vườn lớn nhỏ đều đóng cổng, không ai đến viếng, vì người ta tưởng không còn gì để thưởng thức nữa. Kỳ thực, đêm tối lại chính là lúc chúng ta có thể thanh thản lắng nghe thứ âm nhạc tuyệt diệu của thiên nhiên trong vườn.
Dưới mưa, cũng thế, mọi khu vườn lớn nhỏ đều không còn ai. Thế nhưng, đó cũng chính là lúc chúng ta có thể nghe một giai điệu khác, một tiết tấu khác, của vườn.
9.
Manuel de Falla, một nhạc sĩ lừng danh của Tây-ban-nha, đã lắng nghe âm nhạc của vườn đêm, và đã viết nên nhạc phẩm bất hủ Noches en los Jardines de España (Những đêm tối trong những khu vườn ở Tây-ban-nha) cho đàn piano độc tấu (1909), và sau đó ông khai triển thành một hoà khúc cho đàn piano và dàn giao hưởng (1915).
Trước đó không lâu, Claude Debussy, một nhạc sĩ lừng danh của Pháp, đã lắng nghe âm nhạc của khu vườn dưới mưa, và đã viết nên bài Jardin sous la pluie (Vườn dưới mưa), một nhạc phẩm ngoại hạng cho đàn piano độc tấu (1894).
Trong hậu bán thế kỷ 20, Takemitsu Toru, một nhạc sĩ lừng danh của Nhật Bản, đã sáng tác những nhạc phẩm kiệt xuất sau những giờ tản bộ trong những khu vườn. Vườn là nền tảng mỹ học và cảm hứng âm nhạc của ông. Những nhạc phẩm của Takemitsu để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong ký ức tôi là In an Autumn Garden (1973, Trong vườn mùa thu), Garden Rain (1974, Mưa trong vườn), A Flock Descends into the Pentagonal Garden (1977, Một bầy chim đậu xuống vườn ngũ giác), và Spirit Garden (1996, Vườn linh hồn), nhạc phẩm cuối cùng trước khi ông nhắm mắt.
10.
Takemitsu kể chuyện một lần ông tản bộ qua khu vườn Islam của đền Alhambra ở Granada, Tây-ban-nha. Cấu trúc quá cân phương và không khí lặng ngắt trang nghiêm của khu vườn ấy không cho ông một cảm hứng nào. Thình lình, có tiếng bước chân một người đàn bà đi nhanh qua vườn và một cơn gió thổi làm mặt nước trong hồ rung rinh. “Chỉ đến lúc ấy, âm nhạc mới nẩy sinh.” Takemitsu nói.
11.
Ban ngày, bạn hãy lắng thử nghe những nhạc phẩm ấy của Manuel de Falla, Claude Debussy, và Takemitsu Toru, rồi ban đêm, hay khi trời mưa, bạn hãy thử vào trong một khu vườn để lắng nghe âm nhạc của thiên nhiên. Sau đó, bạn hãy ghi lại những cảm tưởng của mình.
12.
Ban ngày, nếu bạn không lắng nghe khu vườn của bạn, thì nó chỉ là một khu vườn của màu sắc và đường nét. Ban đêm, hay khi trời mưa, bạn không còn nhìn thấy điều gì rõ ràng trong khu vườn của bạn nữa, thì nó có thể trở thành một khu vườn âm thanh cho bạn thưởng thức.
13.
Một khu vườn âm thanh thì hoàn toàn khác với một không gian dành cho tác phẩm sắp đặt âm thanh (sound installation), nơi người ta chiếm một khoảng không gian và gắn vào đó một hệ thống phát ra những âm thanh thu sẵn.
Nhạc phẩm Soniferous Garden (1998, Vườn âm thanh) của Hildegard Westerkamp không phải là một vườn âm thanh, mà chỉ là một tác phẩm sắp đặt âm thanh hết sức kỳ công. Bà đã thu sẵn vào băng nhựa những âm thanh từ những ngôi đền ở Ấn Độ, gồm tiếng chuông, tiếng tụng kinh, tiếng cầu nguyện, tiếng OM... Bà pha trộn chúng vào tiếng nước chảy ở Goa và Canada, tiếng phong linh, tiếng thở nhẹ, trên nền âm trì tục (drone) kéo dài, lúc thì lớn lên, khi thì tan vào sự im lặng. Thỉnh thoảng lại có giọng của Swami Brahmananda nói “Thượng Đế là gì?”, giọng vài người Ấn Độ đọc tên các thần linh của đạo Hindu, giọng của chính Westerkamp nói chữ “im lặng” và đọc một câu của Kirpal Singh: “Khi không có âm thanh, thính giác trở nên tinh nhạy nhất”. Thỉnh thoảng có những đoạn hoàn toàn im lặng, và khán giả được mời đọc đồng thanh tiếng OM... Và tất cả những âm thanh này được phát ra bên trong toà nhà Indira Gandhi National Centre for the Arts ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 25 tháng 12 năm 1998.
Nhạc phẩm A Soniferous Garden (1999, Một vườn âm thanh) của Richard Windeyer lại càng không phải là một vườn âm thanh! Đó chỉ là một tác phẩm được viết sẵn dưới dạng tổng phổ hoàn chỉnh. Các nhạc công vừa thổi các loại kèn, sáo, tiêu, vừa bước đi quanh hoa viên Victoria Park ở Kitchener, Ontario, Canada, trong kỳ đại hội Open Ears Festival of Music & Sound, tháng 5 năm 1999. Khán giả vừa lắng nghe vừa bước theo các nhạc công. Tất nhiên người ta có thể nghe những âm thanh thiên nhiên và tiếng người nói, tiếng bước chân... xen vào dòng nhạc hoà tấu, nhưng tựu trung đó vẫn chỉ là một nhạc phẩm được viết theo lối cổ điển và được trình diễn di động.
Một khu vườn âm thanh thì khác. Nó vẫn là một khu vườn bình thường, với những âm thanh tự nó phát ra. Những âm thanh ấy đến từ thiên nhiên và không bao giờ ngừng nghỉ, cho đến khi khu vườn biến mất. Chúng ta có thể treo thêm trong vườn những chiếc phong linh, những cái chuông, những cái lục lạc, hay những chiếc đàn aeolian... Nhưng chúng ta đừng điều khiển chúng. Hãy để cho thiên nhiên điều khiển. Chúng sẽ tạo nên âm nhạc mỗi khi gió thổi qua, mưa rơi xuống, một con chim hay một con chuồn chuồn ngẫu nhiên chạm vào...
14.
Để có một khu vườn âm thanh phong phú, hãy chăm bón cho cây lá, hoa trái tươi tốt để chim chóc và côn trùng có nơi vui sống và sinh sản; hãy nuôi những con cá, những con ếch nhái no đủ, sung sướng trong những hồ nước; hãy chừa ra những khoảng trống cho gió luồn qua, cho nắng soi vào, cho mưa tưới xuống...
15.
Tất nhiên chúng ta có thể, và nên, thưởng thức vẻ đẹp của vườn bằng cả năm giác quan. Chúng ta nhìn ngắm các sự vật trong vườn, ngửi mùi hương, sờ vào hoa lá, nếm một trái cây, và lắng nghe âm thanh chung quanh mình. Thế nhưng, trong năm giác quan, sự nhìn ngắm và lắng nghe gắn liền với hai nghệ thuật lớn của văn hoá nhân loại: mỹ thuật và âm nhạc.
16.
Trước hết là âm nhạc. Vũ trụ đã khởi đầu bằng một âm thanh.
HOÀNG NGỌC-TUẤN, Sydney 2004.

===========
Photo: trích từ tạp chí National Geographic.