“I Have A Dream” – Giấc Mơ Tỉnh Thức
Uyên NguyênTổng thống Barack Obama, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, hai cô con gái Sasha và Malia và Marian Robinson tham quan Đài tưởng niệm quốc gia Martin Luther King Jr. trước lễ trao tặng tại Washington, DC, Chủ nhật, ngày 16 tháng 10 năm 2011 (Ảnh: Chuck Kennedy)
__________________
“I Have a Dream”*, chả là chẳng phải điều này vẫn là giấc mơ của Mỹ? Giúp người Mỹ luôn tỉnh thức?
Sự vĩ đại của một quốc gia kết tinh trên nền tảng văn hóa qua quá trình lịch sử phát triển từ ngày lập quốc cho đến một thời điểm nhất định hiện tại chứ không phải chỉ là một chế độ chính trị của một chính phủ hay một nhiệm kỳ tổng thống nào đó. Riêng với Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, còn là một điểm kết tụ nhiều luồng văn hóa dị biệt. Cho nên tổng thống Donald Trump nói “Make America Great Again”, nếu hiểu theo nghĩa tích cực là khôi phục lại sự vĩ đại của đất nước vốn đã được tiền nhân kiến tạo đang mai một, sói mòn. Và nói như thế là kích động công dân ủng hộ ông, cùng bắt tay nhau tạo nên cái sự vĩ đại theo cách nhìn, cách nghĩ của ông và những người ủng hộ. Điều đó dễ hiểu thôi. Như Việt Nam ngày nay, nếu có ai có thể làm được điều này: “Make Việt Nam Great Again,” hẳn nhiên sẽ được nhiều người ủng hộ nhưng, đồng thời chúng ta cũng phải công nhận một điểm chung rằng, cũng sẽ có người chống. Vậy thì việc chê bai hay chống các chính sách của Trump, chỉ trích tổng thống Trump v.v… là chuyện bình thường. Bình thường hơn nữa là khi ông phê phán những chính sách, những vị tổng thống tiền nhiệm, hiện tượng này đâu phải chưa có tiền lệ. Bởi phải thấy cái gì đó mà mình tin rằng mình làm hay hơn, thì lẽ tất ông mới mạnh dạn ra ứng cử để thay đổi, để đưa ra những ý tưởng chính sách mới mẽ của mình. Thất bại là một chuyện khác, và sau nữa.
Cứ để ông ấy làm xong vai trò tổng thống của ông với số phiếu ông từng có được, đó là trách nhiệm của ông. Trách nhiệm của chúng ta là làm sao chứng minh lá phiếu của mình có giá trị. Giá trị ở đây bao gồm “yes”, hay “no” cho vị tổng thống này. Và trên hết, kết quả của nó, thái độ cộng tác của mỗi công dân Hoa Kỳ sau kỳ bầu cử là sự thể hiện trách nhiệm. Trách nhiệm đó trước hết là lời nói, rồi đến hành động trong mối tương quan cộng đồng mình đang chung sống. Việc lên tiếng minh bạch những chính sách đúng hoặc sai của quốc gia, đứng đầu là tổng thống cũng là một trong muôn một trách nhiệm công dân. Cuộc sống luôn có tám ngọn gió lớn, được – mất; danh thơm – tiếng xấu; ca tụng – khiển trách; hạnh phúc và đau khổ. Tất cả như những cặp đôi hoàn hảo mà không ai không từng trải qua.
“Nước Mỹ không vĩ đại như chúng ta tưởng”, thật ra ý này thì không chỉ nghe được gần đây. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rick Scott, cựu Thống đốc bang Florida, trong một bài viết “Chúng ta cần chiến đấu cho những giá trị đã làm nước Mỹ vĩ đại”, đăng trên tờ Washington Examiner hôm 28 tháng Mười, 2019. Sau khi liệt kê một số đề mục theo ông là chính đáng cho chính sách quốc gia, cuối bài ông nói: “nếu quả được như vậy, thì ‘đó là điều tuyệt vời, nước Mỹ đã trở lại’” (If so, I will smile and say “that’s great, America is back.”). Chúng ta hẳn nhiên hiểu điều “trở lại” ông vừa nói. Có khác gì ý niệm “great again”
Kim Bellard, một nhà tư vấn độc lập có nhiều kinh nghiệm trong ngành chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm, trong một bài phân tích “America the Not-So-Great”, viết trên Tincture, nói rằng: “Hầu hết người Mỹ – bao gồm cả bản thân tôi – nghĩ rằng chúng ta sống ở đất nước vĩ đại nhất trên trái đất. Rốt cuộc, chúng ta có nền kinh tế lớn nhất, quân đội hùng mạnh nhất, văn hóa đại chúng phổ biến nhất, và dĩ nhiên là Giấc mơ Mỹ. Chúng tôi đã có Phố Wall và Thung lũng Silicon, Walmart và Amazon, Hollywood và Nashville. Chúng tôi có – tốt, chúng tôi đã từng có – thành phố lớn nhất, tòa nhà cao nhất và sản lượng sản xuất lớn nhất. Nhưng khi nói đến một số điều cơ bản, chúng tôi không làm tốt lắm… Chúng ta nên làm tốt hơn và rằng… nếu chúng ta thực sự yêu đất nước của chúng ta, chúng ta cần đòi hỏi hỏi mọi quyền lợi nhiều hơn cho đất nước, và cho cả bản thân chúng ta nữa”.
Most Americans — myself included — think we live in the greatest country on earth. After all, we have the biggest economy, the most powerful military, the most pervasive popular culture, and, of course, the American Dream. We’ve got Wall Street and Silicon Valley, Walmart and Amazon, Hollywood and Nashville. We have — well, we used to have — the biggest city, the tallest building, and the largest manufacturing output. But when it comes to some of the basics, we’re not doing so well.
Từ những phân tích của Kim Bellard, cũng không khác những điều ta thán của bao nhiêu công dân Hoa Kỳ trong một xã hội còn có nhiều sự bất cập và cái nhìn của ông cũng không ngoài ý nghĩ cần làm một cái gì đó để đất nước này được khá hơn. Nói “làm cho khá hơn”, từ lăng kính của một công dân như Kim Bellard chứ không nói là “vĩ đại” như cách của những nhà chính trị gia.
Cách đây không lâu, 2018, Cộng đồng người Việt trước nguồn tin Tổng thống Trump muốn trục xuất người Việt tỵ nạn chiến tranh khỏi Hoa Kỳ, điều này từng gây ra phẫn nộ và qua đó, vượt xa giới hạn không chỉ là bày tỏ niềm thất vọng, không ít những lời cáo buộc nặng nề như là “vô nhân đạo”, “bắt tay nồng thắm với CSVN” v.v… từ những nhân vật tiếng tăm và uý tín của cộng đồng.
Riêng năm ngoái trên tờ Boston Herlad, nhà báo Jeff Robbins đã có bài phân tích, đúng hơn là những lời chỉ trích, mỉa mai về những chính sách của chính phủ với tựa đề chỉ đích danh tổng thống Trump, “President makes America look not so great.” Và Jeff Robbins đã viết hàng loạt bài báo với nội dung, tinh thần tương tự như vậy chứ không chỉ là một.
Cũng cùng năm ngoái, quanh sự kiện này, Tờ Newyork Times làm một chuyên mục lấy ý kiến độc giả, với cái tiêu đề thật ấn tượng “Please Stop Telling Me America Is Great”. Đây không phải là chuyện giựt tít mà là một đề tài nghiêm túc để mọi tầng lớp công dân có thể đóng góp quan điểm của mình. Và không chỉ riêng tờ báo này mà nhiều cơ quan truyền thông báo chí quốc tế uy tín cũng dành nhiều thời giờ và giấy mực để bình luận và phân tích. Thậm chí còn chỉ ra thời điểm nào được cho là nước Mỹ không còn vĩ đại như xưa. (The time when America stopped being great, BBC)
Vậy thì vấn đề ở chỗ từ “cuộc nổi loạn chính trị” của Donald Trump, với khẩu hiệu “Make American Great Again”, hoặc ở một chỗ khác, lúc khác ông nói đầy đủ hơn “Together we will make America great again”, tự nó đã là một đòn tâm lý đánh trúng vào lòng mong mỏi vô bờ của con người. Những quyền lợi mà chúng ta “expect-deman” như phân tích của Kim Bellard luôn luôn là một nhu cầu, lợi ích không của người này thì cũng của người khác ở một xã hội mà thực tế có sự chênh lệch giàu nghèo.
Vấn đề cần nhìn nhận ở đây là, sự đòi hỏi nhu cầu quyền lợi của bất kỳ cá nhân nào phải luôn luôn đi kèm với quyền lợi phát triển chung của xã hội, đất nước. Vì vậy một quốc gia vĩ đại hay không, hiểu một cách phổ quát nó là trách nhiệm của một cộng đồng chung sống cùng tạo nên và vì vậy, tại sao khẩu hiệu “Make American Great Again” có vẻ xuôi tai nhiều người, ở mọi thời. Từ đó luôn có những phản ứng phụ qua những cuộc biểu tình, những lời chỉ trích, phê phán ở tầm lớn có và nhỏ cũng có đối với những chính sách của quốc gia. Đó cũng chỉ là chuyện bình thường. Ở đây liệu chúng ta có cần tranh cãi về khái niệm tự do nói chung của mọi thứ tự do trong bản Hiến Pháp, bởi nó luôn luôn tạo ra hai hiệu ứng cùng lúc mà bất cứ ai cũng phải chịu chung sự vận hành của nó. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump cũng không ngoài và những người phát biểu quanh những sự kiện liên quan ông cũng không ngoài, một khi chấp nhận vào cuộc tranh cãi, tranh luận. Ở đây chính văn hóa và tinh thần tranh cãi, tranh luận như thế nào mới là điều đáng được tôn trọng, nó đồng thời cũng chính là một trong những yếu tính kiến tạo sự vĩ đại của một quốc gia dân tộc mà chúng ta đang đề cập.
Tôi thích lời kết của một bài báo trên VOA (02/06/2015), của một bạn đọc nhận định về “Nước Mỹ Vĩ Đại”: “Thay đổi một thể chế chính trị cần vài năm. Cải tổ một nền văn hóa cần vài thế hệ cho đến vài thế kỷ để trở thành một nước vĩ đại.”
Bằng một cái nhìn tổng quát, xuyên suốt, ở đây chúng ta hiểu nội hàm, hay thước đo cho tính vĩ đại trong trường hợp này, lại luôn luôn đi kèm với câu hỏi lừng danh như một chân lý: “Ask Not What Your Country Can Do For You – Ask What You Can Do For Your Country.” (John F. Kennedy’s, January 20, 1961).
Giữa trận cuồng dịch hiện nay, rất dễ để nhìn ra đâu là nghĩa cử vĩ đại của mỗi công dân Hoa Kỳ và đất nước Hoa Kỳ, từ những việc rất nhỏ bé và tầm thường.
Cái tâm lý cầu tiến để đạt được và muốn có hơn là chuyện dễ hiểu. Mà cầu tiến cho một quốc gia thì đó chẳng phải là một đức tính tốt hay sao? Hơn là cái kiểu tuyên truyền trịch thượng kiểu như là “Hồ chí minh vĩ đại” mà ta vẫn nghe ra rả loa phường ở một đất nước càng ngày càng có nhiều vấn nạn bế tắc, vì nơi đó tôn sùng chính quyền, đảng và thần tượng lãnh đạo hơn cả quốc gia của mình. “Việt Nam Muôn Năm”, câu khẩu hiệu tuyên truyền sáo rỗng, tuy ai cũng muốn như vậy thật, nhưng muôn năm như thế nào thì đó là điều cần suy nghĩ.
Và, hình như không phải là nhiệm vụ một vai hai gánh mà đau đáu vẫn có một niềm ao ước tha thiết, thường trực khác nữa của rất nhiều người Việt trong và ngoài nước, đó là “Make Viet Nam Great Again”.
Mặc Cốc 28 tháng Ba, 2020
Uyên Nguyên
Uyên Nguyên
_________________________________________________
* “Tôi có một giấc mơ” (“I Have a Dream“) là bài diễn văn nổi tiếng nhất của Martin Luther King, Jr., khi ông nói, với sức mạnh thuyết phục của tài hùng biện, về ước mơ của ông cho tương lai của nước Mỹ, khi người da trắng và người da đen có thể sống chung hoà thuận như những con người bình đẳng. Ngày 28 tháng 8 năm 1963, King đọc bài diễn văn này từ những bậc thềm của Đài Tưởng niệm Lincoln trong cuộc Tuần hành đến Washington vì Việc làm và Tự do. Đó là thời điểm quyết định cho Phong trào Dân quyền Mỹ.