Ngô Thế Vinh: Thay Lời Dẫn Kỳ Tái Bản Lần 2 (CLCD-BĐDS), Một Chút Riêng Tư
Bác sĩ Ngô Thế Vinh (Ảnh: Uyên Nguyên)
Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng một dữ kiện tiểu thuyết do Văn Nghệ xuất bản lần đầu tiên năm 2000, tái bản năm 2001 và sau đó đã tuyệt bản. Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch một ký sự doVăn Nghệ Mới xuất bản tháng 03-2007 và sau 9 tháng sách được tái bản, cùng với một audiobook với giọng đọc thuần Nam Bộ của Ánh Nguyệt, nhạc đệm của Đoàn Văn nghệ Dân tộc Lạc Hồng, phần hòa âm do Tuấn Thảo phụ trách. Một bản tiếng Anh cũng đã hoàn tất, sẽ ra mắt trong một tương lai gần.
Đây là ấn bản thứ ba 2008 của cuốn CLCDBĐDS với nhiều hình ảnh mới và thông tin cập nhật. Tác phẩm tuy được viết từ trước năm 2000, nhưng vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự.
Trung Quốc thì vẫn không ngừng xây những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam trên một vùng địa chấn không ổn định. Với các trận động đất trên quy mô lớn nơi hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam vừa qua, không thể không gây lo ngại về thảm họa một cơn hồng thủy do vỡ đập đối với các quốc gia hạ nguồn.
Rồi lại một kế hoạch không kém táo bạo có tên “Dự án Cải thiện Thủy lộ Thượng nguồn sông Mekong” cũng của Trung Quốc qua việc dùng chất nổ/ dynamite phá vỡ những khối đá trên các khúc sông nhiều ghềnh thác rồi cho tàu vét / backhoe dồn xuống những hố sâu để mở rộng lòng sông từ Vân Nam xuống tới Lào để cho những con tàu trọng tải từ 500 tới 700 tấn chở đầy hàng hóa thặng dư của Trung Quốc dễ dàng di chuyển từ giang cảng Tư Mao xuống tới tận Chiang Khong Chang Sean Thái Lan và xa hơn nữa xuống tới Luang Prabang và thủ đô Vạn Tượng Lào và trên đường về sẽ chở những nguyên liệu và khoáng sản đáp ứng nhu cầu phát triển nhảy vọt của Trung Quốc. Và ngay những bước đầu triển khai kế hoạch đã giết hại vô số loài cá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên sự cân bằng thủy học với dòng nước chảy nhanh và siết hơn gây xụp lở hai bên bờ sông hủy hoại các loại hoa màu trồng ven sông gây tác hại tức thời trên sinh cảnh và đời sống cư dân hạ nguồn.
Thế rồi chỉ hai ngày trước khi bước sang năm 2007, thêm một sự kiện đã gây chấn động cho các nhà hoạt động bảo vệ môi sinh khi Tân Hoa Xã loan tin, ngày 29-12-2006, lần đầu tiên Bắc Kinh đã hoàn tất hai chuyến tàu tải đường sông chở 300 tấn dầu thô xuất phát từ cảng Chiang Rai bắc Thái lên tới giang cảng Cảnh Hồng tỉnh Vân Nam.
Tiếp theo chuỗi những con đập thủy điện bậc thềm khổng lồ Vân Nam đã và đang gây tác hại trên đời sống của hơn 60 triệu cư dân hạ nguồn, thì sự kiện này được coi như thêm một đòn giáng chí tử trên sinh mệnh của con sông Mekong, khi dòng sông được khai thác sử dụng như một thủy lộ chiến lược vận chuyển dầu khí từ Trung Đông tiếp tế cho các tỉnh vùng kỹ nghệ tây nam Trung Quốc thay vì phải đi qua eo biển Malacca.
Và rồi chỉ mới đây thôi, Biển Đông lại có nguy cơ dậy sóng khi Quốc Vụ viện Trung Quốc ngày 03 tháng 12 năm 2007, đã phê chuẩn việc thành lập huyện Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh đã thực sự khống chế toàn vùng Biển Đông chỉ với lý lẽ của kẻ mạnh. Chính B.A.Hamzak giám đốc Viện Nghiên Cứu Hàng Hải Mã Lai đã là tác giả của một từ ngữ rất gợi hình: “Tây Tạng Hóa Biển Đông” được báo chí và giới ngoại giao sử dụng khi nói tới tình huống các nước Đông Nam Á một hôm thức dậy thấy Biển Đông đã nằm trong tay Hoa Lục giống như cảnh ngộ của quốc gia Tây Tạng vào thập niên 1950.
Với cái nhìn toàn cảnh trong mối tương quan toàn vùng, để thấy rằng cho dù là một dòng sông – sông Mekong, hay Biển Đông với các hải đảo hay là vùng biên giới trên đất liền, thì chủ đề nhất quán của tác phẩm vẫn là “mối đe dọa – như một ám ảnh lịch sử, do tham vọng bành trướng không ngưng nghỉ của nước lớn Trung Quốc”. Và nan đề của Việt Nam bước sang Thế kỷ 21 vẫn là Trung Quốc chứ không phải giữa những người Việt với nhau.
Thêm một chút riêng tư cho lời dẫn kỳ tái bản lần này. Trong chuyến trở lại thăm Đồng Bằng Sông Cửu Long tháng 09/ 2006, tôi có dịp được gặp nhà văn Sơn Nam. Sau lần bị tai nạn gãy xương đùi, tuy đã được phẫu thuật chỉnh hình nhưng sự đi lại của Bác vẫn khó khăn, sức khoẻ thể lực suy yếu nhưng trí tuệ của Bác thì rất minh mẫn. Tuy là lần đầu tiên được gặp, nhưng “văn kỳ thanh” do đã được đọc có thể nói gần toàn bộ những tác phẩm của “ông già người Việt trong xóm Miên – như ý nghĩa bút hiệu Sơn Nam” viết về Miền Tây Nam Bộ. Trong lần gặp ấy, tôi có đem về từ Mỹ bộ DVD phim “Mùa Len Trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh phỏng theo một truyện ngắn trong tác phẩm “Hương Rừng Cà Mau” để tặng bác. Bác rất vui và cho biết Bác cũng đã hơn một lần đọc cuốn CLCDBĐDS. Bác cầm trên tay cuốn sách ấn bản lần hai của Nhà Xuất Bản Văn Nghệ với bìa ngoài đã khá cũ. Bác nhắc lại một gợi ý trước đây là nên phổ biến cuốn sách ở Việt Nam và nếu có thể thì tới ở với Bác chừng ít ngày để cùng duyệt lại nội dung cuốn sách. Nhưng rồi đã không có cơ hội đó cho đến ngày bác mất ở tuổi 82 [13-08-2008], Con Chim Quyên Sơn Nam đã cất cánh bay cao và chẳng còn đâu một ông già Nam Bộ kề cà kể Chuyện Xưa Tích Cũ về một vùng đất thời khẩn hoang mà chắc còn nhiều điều chưa kịp viết ra, và các thế hệ sau cũng không bao giờ còn cơ hội được biết tới.
Về cuốn sách CLCDBĐDS, tôi và có lẽ cả nhà văn Sơn Nam cùng hiểu rất rõ rằng với một nội dung nguyên vẹn không cắt xén – như một nguyên tắc, lại đụng tới những vấn đề nhậy cảm nhất là với nước lớn Trung Quốc, tác phẩm ấy sẽ không thể nào xuất bản được ở Việt Nam trong một tương lai gần khi mà bối cảnh chánh trị vẫn không có ổn định và cả chưa có tự do ngôn luận như hiện tại.
Vẫn từ hải ngoại, những giòng chữ viết này cho ấn bản lần thứ ba xin gửi tới nhà văn Sơn Nam như một tỏ lòng tưỏng nhớ, nhớ tới những trang sách viết của Bác về một nền Văn Minh Miệt Vườn tuy với một lịch sử còn rất non trẻ nhưng lại đang có nguy cơ vĩnh viễn trở thành quá khứ.
NGÔ THẾ VINH
California 10 / 2008
California 10 / 2008
Nguồn: Uyên Nguyên