Saturday, March 7, 2020

GS Dương Thiệu Tống: Giáo Dục Phục Vụ Văn Hóa Dân Tộc

Giáo Dục Phục Vụ Văn Hóa Dân Tộc 

GS Dương Thiệu Tống

GS.TS Dương Thiệu Tống sinh năm 1925 tại làng Vân Đình, Hà Tây. Ông vào nghề dạy học năm 1945, năm 1957 đỗ cử nhân Luật khoa, năm 1963 là thạc sĩ giáo dục, năm 1968 là tiến sĩ giáo dục. Từ năm 1945 đến năm 1968 ông vừa làm thầy giáo, vừa làm sinh viên. Giảng dạy môn Anh văn tại các trường Đào Duy Từ (Thanh Hóa), Ngô Quyền (Hải Phòng), Quốc Học Huế. Nguyên hiệu trưởng các trường Quốc Học Huế, Trung học kiểu mẫu Thủ Đức. Từ năm 1969 ông làm giảng sư, rồi giáo sư diễn giảng tại ĐH Sư phạm Sài Gòn, đồng thời làm Tổng thư kÝ kiêm phó khoa trường Văn khoa, ĐH Vạn Hạnh….
Những tác phẩm chính của GS.TS Dương Thiệu Tống là: Tâm trạng Dương Khê và Dương lâm, Khảo luận về nền văn hóa giáo dục Lạc Việt, Trắc nghiệm tiêu chí, Trắc nghiệm và do lường thành quả học tập, Thống kê ứng dụng trong nghiên cứu giáo dục….
Một nền giáo dục quốc gia không thể vay mượn của một quốc gia nào khác vì giáo dục phải phản ánh những biến chuyển trong môi trường xã hội và nhân bản của một dân tộc. Các dân tộc có những nếp sống khác nhau tất nhiên phải có những nếp suy tưởng, những thái độ và những mong ước khác nhau. Vì vậy văn hóa của mỗi dân tộc đều có tính chất khác biệt mặc dầu chính thể hoặc lý tưởng chính trị của các quốc gia có thể có những điểm tương đồng. Giáo dục phản ánh sự khác biệt văn hóa ấy. Sự cưỡng ép thống trị văn hóa của một quốc gia đối với một quốc gia khác cũng giống như sự xâm nhập của một vật lạ trong cơ thể con người, không chóng thì chầy thế nào cũng gặp sức kháng cự mãnh liệt, cuối cùng sẽ bị tống khứ hoặc đưa đến sự hủy hoại của toàn thể cơ thể. Nhưng văn hóa của một dân tộc không phải bất di bất dịch mà phải luôn luôn biến chuyển.
Sự biến đổi của văn hóa nhanh hay chậm tùy theo mỗi dân tộc và chính sự biến đổi ấy tạo nên một nhiệm vụ mới của giáo dục: giáo dục không phải chỉ có nhiệm vụ truyền bá nền văn hóa cổ truyền của dân tộc mà còn có bổn phận đào luyện ở con người những thái độ và ý thức giá trị mới để thích nghi với xã hội mới đồng thời góp phần vào công việc tạo dựng một nền văn hóa canh tân.
Thế nào là văn hóa dân tộc?
Cụ Trần Trọng Kim viết về những đức tính của người Việt Nam như sau:
«Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép… Tuy vậy vẫn có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát hay khiếp sợ, nhưng đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật. Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và hiếu danh, thích chơi bời, mê cờ bạc… kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người, hay nhớ ơn…»[1]
Trải qua bao nhiêu thế hệ với những thăng trầm của lịch sử và sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, nếu những đặc tính nêu trên còn tồn tại một phần nào ở lớp người Việt Nam trong xã hội hiện tại khiến cho người Việt Nam ngày nay dù ở đâu cũng có những cá tính khác biệt với các dân tộc khác thì quả đã có một cái gì tạo nên khuôn mẫu ấy. Cái khuôn mẫu gồm những cá tính tốt và xấu ấy phải chăng là kết quả của những tương quan xã hội và cũng chính là những thành tố của văn hóa dân tộc. Nhưng thế nào là văn hóa dân tộc? Thật là khó mà định nghĩa vì tính chất bao quát của danh từ ở đây ta thử đi tìm định nghĩa của danh từ trên quan điểm của các nhà nhân chủng học. Sở dĩ ta lựa chọn quan điểm này vì khoa nhân chủng học và khoa giáo dục đều đề cập đến phương thức sống của con người, những tiêu chuẩn và ý thức giá trị liên hệ và sự truyền thụ các phương thức sống ấy cho các thế hệ kế tiếp. Tóm lại, cả hai đều chú trọng đến các giá trị căn bản của văn hóa. Vậy xét trên quan điểm của các nhà nhân chủng học thì văn hóa là một tập thể phức tạp bao gồm tất cả những gì liên hệ đến con người, từ những tư tưởng, cảm xúc đến vật chất. Nói chung, văn hóa là tất cả những gì con người thâu nhận được trong tương quan xã hội do sự tiếp xúc, bắt chước lẫn nhau. Nó tạo thành những mẫu mực chung cho thái độ, ý thức giá trị, ước vọng của một xã hội và khiến cho mỗi dân tộc có sắc thái riêng biệt so với các dân tộc khác.
Nếu đi tìm một định nghĩa chi tiết hơn thì: «Văn hóa là sự kết hợp các ý tưởng, lý tưởng, tin tưởng, khả năng, dụng cụ, sản phẩm mỹ thuật, các phương thức tư tưởng, tập quán và các định chế trong đó mỗi con người sinh trưởng. Lối sống của mỗi con người, các trò chơi họ ham thích, âm nhạc họ ưa chuộng, những câu chuyện họ kể, những danh nhân họ thờ phụng, cách nuôi dưỡng con cái, tổ chức gia đình, các phương tiện di chuyển và thông tin; tất cả những thứ ấy và muôn vàn những thứ khác không thể đếm được đều bao gồm trong nền văn hóa dân tộc».[2]
Xem như thế thì cá tính của con người Việt Nam mà cụ Trần Trong Kim đã mô tả ở trên, đề cập đến khả năng, thái độ, sự ham thích của người Việt Nam cũng là những thành tố (éléments) của văn hóa trong muôn vàn các thành tố khác được tạo lập nên qua những tiếp xúc xã hội. Phạm vi của văn hóa cũng lớn như vậy thì không phải những thành tố nào của văn hóa cũng đáng được phát huy và truyền thụ từ thế hệ này qua thế hệ khác vì nếu có những thành tố tạo nên sức mạnh của một dân tộc thì cũng có những thành tố, nếu không kịp sửa đổi, sẽ ngăn chặn bước tiến của xã hội.
Thế nào là những thành tốvăn hóa dân tộc?
Để giải thích sựbiến chuyển của văn hóa dân tộc, ta thử tìm một cách phân loại các thành tố văn hóa như sau:
1) Những thành tố phổ quát. Những thành tố phổ quát là những thành tố một phần nào có tính cách cố định, ít chịu sự thay đổi và được mọi người trong xã hội chấp nhận. Nói chung, đó là những thành tố khá vững chắc đa được thử thách qua thời gian do những sự tiếp xúc xã hội mà thành. Mọi sự thay đổi trong các thành tố này sẽ gặp sức kháng cự khó có thể thành tựu được. Trong loại thứ nhất này ta có thể kể những phong tục, tập quán, lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo.
2) Nhữnq thành tố đặc thù. Những thành tố đặc thù là những thành tố riêng biệt cho một nhóm người trong xã hội, là tất cả những gì mà chỉ một nhóm người trong xã hội có thể biết và làm. Một thí dụ của thành tố đặc thù ấy đã được cụ Trần Trọng Kim đề cập đến khi mô tả cá tính của phụ nữ Việt Nam như sau:
«Đàn bà thì làm lụng và đảm đang, khéo chân khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy gia đạo làm trọng, biết chiều chồng nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quý là tiết, nghĩa, cần kiệm».
Những thành tố phổ quát và đặc thù kể trên được tạo thành qua không gian và thời gian do những tiếp xúc xã hội, do giáo dục học đường và giáo dục gia đình. Do các thành tố ấy phát sinh một hệ thống tư tưởng vững chắc làm nền tảng cho ý thức giá trị của xã hội Việt Nam. Từ đó ta mới có thể minh định được những tiêu chuẩn căn bản để xác định cái «xấu» và cái «tốt» trong hành vi của mỗi con người. Những gì đi ngược lại với những tiêu chuẩn giá trị ấy sẽ bị dè bỉu, khinh khi và gặp sức chống đối mãnh liệt của xã hội.
Trong một xã hội ổn cố thì hai thành tố kể trên đủ để tạo nên nhân cách con người mà xã hội mong đợi. Nhưng trong một xã hội biến chuyển bị chi phối bởi các nền văn hóa ngoại lai như xã hội Việt Nam ngày nay thì những mẫu số chung ấy càng ngày càng hiến hoi. Nền văn hóa của một xã hội như thế lại còn bao gồm một loại thành tố thứ ba nữa mà ta tạm gọi là những thành tố xâm nhập.
Những thành tố xâm nhập. Những thành tố này xâm nhập vào nền văn hóa cổ truyền của một dân tộc do những biến cố hay những phát kiến mới trong xã hội hay do ảnh hưởng của các nền văn hóa ngoại lai. Sự hiện hữu của các thành tố này giải thích cho sự biến chuyển của văn hóa dân tộc. Chúng dần dần xen vào và tác dụng đến các thành tố phổ quát và đặc thù.
Sự xâm nhập này, tùy theo cường độ của nó, sẽ gây nên những xung đột giữa cũ và mới. Cuộc khủng hoảng xã hội do đó phát sinh. Cuộc khủng hoảng ấy lại càng trầm trọng trong hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất khi hai lực lượng, một bên bao gồm những thành tố phổ quát và đặc thù, một bên là các thành tố xâm nhập, đều mạnh mẽ, chống đối nhau kịch liệt, không bên nào chấp nhận bên nào. Sự xung đột ấy tạo nên tình trạng chia rẽ, mất tin tưởng giữa lớp người này và lớp người kia. Kết quả là nền văn hóa dân tộc khó có cơ phát triển để theo kịp với những đòi hỏi của xã hội mới. Trường hợp thứ hai nguy hại hơn nữa, khi nền văn hóa diễn biến trong một tình trạng trên không chẳng dưới không rễ, các yếu tố phổ quát và đặc thù dần dần tan rã trước sự xâm nhập mạnh mẽ của những nền văn hóa ngoại lai hỗn tạp hay trước những đòi hỏi thúc bách của những biến cố xã hội nội tại. Kết quả là một tình trạng giao động xã hội trầm trọng, ý thức giá trị của xã hội cổ truyền tan biến đảo lộn. Trong một xã hội như thế, khi mà những giá trị xã hội hầu như mất hẳn, hay nói cách khác, cái «xấu», cái «tốt» của hành vi và thái độ con người không có tiêu chuẩn để xác định, thì giáo dục đã mất hẳn cái giá trị thực tại và đối tượng chân chính của nó. Do đó, minh định nhiệm vụ của giáo dục trong một xã hội, như xã hội Việt Nam ngày nay, đang bị đe doạ bởi sự tan rã dần dần các giá trị văn hóa cổ truyền và sự xâm nhập của những nền văn hóa ngoại lai, là việc làm khẩn thiết nếu muốn cho giáo dục giữ vẹn ý nghĩa của nó.
Nhiệm vụ của giáo dục.
Trước những biến chuyển của văn hóa và sự xung đột giữa những giá trị cũ và mới, giáo dục có ba đường hướng chính để lụa chọn:
Quan niệm thứ nhất: Tôn trọng và phát huy nền văn hóa cổ truyền.
Đây là quan điểm của Bộ giáo dục Việt Nam được trình bày tại Đại hội giáo dục toàn quốc năm 1964. Để giải thích nhu cầu văn hóa lồng trong nguyên tắc «Dân tộc» của nền giáo dục Việt Nam. Dự án hệ thống giáo dục đã viết:
«Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục dân tộc nghĩa là phải tôn trọng và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. Về phương diện văn hóa tâm lý dân tộc, lịch sử, địa lý nhân văn, dân tộc ta có những sắc thái riêng biệt cần phải khảo cứu và khai triển.»
Nói cách khác, nhiệm vụ của giáo dục theo quan niệm trên là khảo cứu và khai triển các thành tố phổ quát và đặc thù của văn hóa Việt Nam hầu duy trì những đặc tính cổ truyền của dân tộc. Quan điểm trên vấp phải những khuyết điểm sau:
Quan niệm chật hẹp về văn hóa. Tâm lý dân tộc, lịch sử dân tộc, địa lý nhân văn, thành tố tách rời khỏi văn hóa dân tộc mà chính là những thành tố nằm trong văn hóa. Ta cũng có thể nói rằng đây có lẽ là khuyết điểm do sự mập mờ của lối hành văn, nhưng dù cho các thành tố ấy có được khai triển từ danh từ văn hóa chăng nữa thì cũng chưa đủ để giải thích những nhu cầu văn hóa mà giáo dục Việt Nam cần phải thỏa mãn. Sự sơ xuất này giải thích cho sự thiếu sót của các chương trình giáo dục Việt Nam từ trước đến nay. Sự hiện diện của các môn quốc văn, lịch sử, địa lý Việt Nam, trong chương trình học, việc sử dụng tiếng Việt làm chuyên ngữ, chưa đủ để chứng minh chúng ta đã có một nền giáo dục phục vụ văn hóa dân tộc, nhất là khi việc giảng dạy môn quốc văn trong các học đường Việt Nam chỉ có tính cách tầm chương trích cú và việc giảng dạy các môn sử địa chỉ chú trọng đến việc học thuộc lòng các sự kiện.
Khuynh hướng duy trì nguyên trạng của văn hóa.
Quan niệm cho rằng giáo dục chỉ có nhiệm vụ truyền thụ nền văn hóa truyền thống ngày nay không còn thích hợp cho một xã hội biến chuyển. Quan niệm ấy mặc dầu không phủ nhận sự tiến hóa của xã hội, nhưng cho rằng những sự khác biệt của xã hội trong quá trình diễn tiến ấy chỉ có tính cách phù du. Chân lý từ ngàn xưa bao giờ cũng là chân lý có giá trị vĩnh cửu, thích hợp với mọi biến chuyển xã hội. Những chân lý ấy có thể tìm thấy trong truyền thống văn hóa dân tộc mà giáo dục có nhiệm vụ truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Quan niệm duy trì nguyên trạng của văn hóa, như biểu lộ qua lời giải thích của Bộ giáo dục trong kỳ Đại hội 1964 phản ánh cái triết lý giáo dục ấy. Nó sai lầm ở chỗ là đề cao các thành tố phổ quát của văn hóa mà phủ nhận lực lượng của thành tố xâm nhập đang làm lung lay đến cội rễ các thành tố khác. Nó cũng nguy hiểm ở chỗ là kéo dài tình trạng chia rẽ giữa cũ và mới và tăng cường sự chống đối giữa những lực lượng đối nghịch.
Quan niệm thứ hai: Gạt bỏ những khác biệt để tạo nên một xã hội ổn cố.
Đây là quan niệm giáo dục tại các nước độc tài dù dưới hình thức nào. Để thực hiện mục tiêu ấy, nhóm thống trị cưỡng ép sự chấp nhận một hệ thống giá trị của họ để duy trì hay tạo lập một xã hội ổn cố theo ý họ muốn. Chế độ độc tài xưa và nay đều theo khuynh hướng ấy. Trong trường hợp ấy, giáo dục là công cụ của nhà nước, và chương trình giáo dục hướng đến mục tiêu là duy trì chính sách độc tài mà không chấp nhận sự thay đổi. Cố nhiên, quan niệm giáo dục như thế không thích hợp với một xã hội gọi là dân chủ, tự do.
Trước hai quan niệm cực đoan về giáo dục phục vụ văn hóa dân tộc vừa kể trên, một đàng thì cố gắng duy trì nguyên trạng, một đàng thì đạp đổ tất cả để tạo dựng một nền văn hóa mới không chấp nhận sự thay đổi và sự dị biệt về ý thức giá trị, ta nhận thấy cả hai đều không thích hợp cho xã hội Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại.
Bây giờ ta thử xét qua một quan niệm thứ ba mà cũng là quan điểm của kẻ viết bài về nhiệm vụ của giáo dục trong vai trò phục vụ văn hóa dân tộc.
Quan niệm thứ ba.
Quan điểm thứ ba này gồm có 2 phần:
Giáo dục có nhiệm vụ lựa chọn và phát huy các thành tố phổ quát vá đặc thù của văn hóa dân tộc.
Như đã nói ở trên, các thành tố phổ quát và đặc thù tạo nên một mô thức văn hóa cho một dân tộc, khiến cho dân tộc này có những đặc tính khác biệt với các dân tộc khác. Thiếu các thành tố này, con người trở thành vong bản, chủ nghĩa quốc gia mất tất cả lý do tồn tại của nó. Khi con người cùng sống chung trên một giải đất, chung một lịch sử, một ngôn ngữ, những phong tục và tập quán chung, cùng chia sẻ những tư tưởng, những khát vọng chung, tất cả những yếu tố ấy tạo nên tinh thần quốc gia dân tộc và sự hãnh diện được sống chung trong tập thể của mình. Những đức tính ấy chỉ có thể có khi giáo dục thành công trong nhiệm vụ truyền bá và đề cao các truyền thống văn hóa dân tộc, khiến cho người thanh niên không phải chỉ biết học thuộc lòng một mớ dữ kiện lịch sử, địa lý, phê bình một áng văn hay mà còn phải hiểu rõ những phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam qua không gian và thời gian, biết thưởng thức những công trình nghệ thuật cổ truyền Việt Nam để từ đó phát triển nền nghệ thuật ấy một ngày thêm tốt đẹp. Cái mô thức văn hóa được tạo dựng do các thành tố phổ quát và đặc thù ấy sẽ là căn bản trên đó chúng ta lựa chọn mẫu mực con người cần phải đào tạo qua hệ thống giáo dục quốc gia.
So với quan điểm của Bộ giáo dục vào 1964 như trình bày ở phần trên, thì hai quan điểm dường như không khác nhau bao nhiêu vì cả hai đều chú trọng đến sự đề cao các thành tố phổ quát và đặc thù của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, có những điểm dị biệt cần phải nêu ra ở đây. Quan điểm thứ ba này chủ trương rằng:
Sự truyền bá văn hóa cổ truyền chỉ là một giai đoạn trong quá trình phát triển văn hóa dân tộc, không phải là nhiệm vụ duy nhất của giáo dục.
Không phải tất cả những thành tố phổ quát và đặc thù của văn hóa đều đáng được khai triển và truyền thụ cho các thế hệ mai hậu. Vấn đề đặt ra cho các nhà giáo dục là lựa chọn những thành tố thích hợp với sự tiến hóa xã hội và loại bỏ những tập quán, phong tục làm trở ngại cho sự canh tân.
Quan niệm duy trì nguyên trạng của văn hóa, như trình bày ở quan điểm thứ nhất, là một quan niệm sai lầm và là nguyên nhân của sự xung đột giữa các ý thức giá trị đối nghịch và tình trạng chậm tiến của nước ta ngày nay.
Do đó, nhiệm vụ của giáo dục vừa kể còn phải được bổ túc bởi một nhiệm vụ thứ hai là:
Phát huy ở mỗi con người những thái độ và ý thức giá trị mới để tạo dựng một nền văn hóa canh tân.
Quan niệm duy trì nguyên trạng của văn hóa dựa trên giả thuyết rằng chân lý tự ngàn xưa bao giờ cũng là chân lý, có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh và nhu cầu của xã hội tân tiến. Quan niệm ấy đưa đến một triết lý giáo dục đặt nặng vai trò của tri thức (intel- lectualism), phủ nhận sự liên hệ giữa hoàn cảnh xã hội hiện tại và giáo dục. Ngày nay với sự «bùng nổ» của kiến thức, với tiến bộ vượt mức của khoa học kỹ thuật, với tương quan càng ngày càng rõ rệt giữa sự phát triển cá nhân và môi trường văn hóa, con người đã dần dần đi xa với tập quán cổ truyền để tạo nên những hình ảnh riêng của chân lý, của cái đẹp, cái tốt. Cơn khủng hoảng về cái gọi là Chân, Thiện, Mỹ, về ý thức giá trị nói chung, được phản ánh rõ rệt trong các xã hội tân tiến ngày nay nhất là Hoa Kỳ, và đó là vấn đề khó khăn nhất mà giáo dục Hoa Kỳ đang phải đương đầu. Cơn khủng hoảng ấy xảy ra là vì văn hóa Hoa Kỳ là một nền văn hóa hỗn tạp, cái mô thức văn hóa khó có thể tìm thấy vì những mẫu số chung hiếm hoi do sự khác biệt về địa phương, giai cấp, tôn giáo, nếp sống thôn quê và thành thị. Trạng thái thiếu một mô thức văn hóa chung ấy lại phải đương đầu với sự tiến bộ quá nhanh chóng của kỹ thuật xâm nhập vào đời sống con người qua các tiện nghi tối tân, máy móc, khiến cho sự thay đổi về các hình thái kỹ thuật của văn hóa đã vượt xa mức thay đổi về ý thức giá trị, phong tục, tập quán và các định chế xã hội. Vậy cái khó khăn của giáo dục Hoa Kỳ là vấn đề tạo nên cái mô thức văn hóa mới (problem of aculturation) nghĩa là tạo nên những thái độ và ý thức giá trị mới trong một nền văn hóa mới. Đó là mối quan tâm đặc biệt của các nhà giáo dục Hoa Kỳ hiện tại, một mối quan tâm mà các nước bị gọi là chậm tiến nhưng có một nền văn hóa lâu đời và phong phú như chúng ta, đáng lý không phải bận tâm quá nhiều. Ông cha của chúng ta qua bốn nghìn năm lịch sử, đã tạo nên cho đất nước một mô thức văn hóa khiến cho chúng ta, từ Bắc chí Nam, đã có những tập quán, những nếp sống, nếp suy tưởng và khát vọng chung mà chúng ta ngày nay tuy đã bị mất mát ít nhiều vẫn còn cảm thấy hãnh diện. Nhưng qua một thế kỷ tiếp xúc với tây phương, với sự xâm nhập không thể tránh được của các luồng tư tưởng ngoại lai, kể từ Bắc chí Nam, cái mô thức văn hóa ấy đang bị đe dọa tan biến dần dần nhường chỗ cho sự áp đảo mạnh mẽ của các thành tố xâm nhập làm lay động đến cội rễ các thành tố phổ quát và đặc thù. Nguy hại hơn nữa là trong tình trạng ấy, giáo dục Việt Nam đã thờ ơ, hầu như bất động trong việc bảo trì các mô thức văn hóa cổ truyền và phát huy các mô thức ấy theo chiều hướng thích hợp với những biến đổi xã hội. Trong khi các xã hội tây phương như Hoa Kỳ biến đổi nhanh chóng do các biến cố nội tại (sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật) thì mối đe dọa trầm trọng cho xã hội Việt Nam là sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai. Sự xâm nhập này không phải là hoàn toàn bất lợi, trái lại, có thể là điều kiện cần thiết cho xã hội tiến lên theo kịp với đà tiến bộ thế giới. Nhưng nó chỉ có lợi khi ta đã có căn bản lựa chọn. Căn bản ấy chính là mô thức văn hóa thích nghi và vững chắc. Trái lại, nó trở nên vô cùng nguy hại nếu ta bó tay chịu sự xâm nhập ồ ạt mà không có căn bản để lựa chọn. Đó là một thực trạng xã hội ngày nay mà ta đành phải chấp nhận. Trong tình trạng ấy quan niệm duy trì nguyên trạng văn hóa chỉ là một cố gắng nguy hiểm và không thực tế. Nó không thực tế ở chỗ là cái mô thức văn hóa cổ truyền đang bị lung lay tận gốc rễ mà giáo dục học đường chịu một phần trách nhiệm, và xã hội cũng như giáo dục gia đình đã không góp phần cho sự bảo trì các giá trị cổ truyền mà nhiều khi đã ngược lại. Nó nguy hiểm vì sẽ tạo nên sự chống đối và chia rẽ trầm trọng giữa lớp người cũ và mới, giữa lớp trẻ và già. Nó lại càng nguy hiểm hơn nữa khi lớp thanh thiếu niên hiện tại đã thiếu những mẫu mực trong lớp đàn anh để chúng noi theo. Họ đang sống trong một môi trường văn hóa, xã hội khác hẳn với môi trường trong đó cha anh của họ đã sống và được nuôi dưỡng. Hoàn cảnh đặc biệt ấy tạo cho giáo dục một nhiệm vụ mới là chuẩn bị cho thanh thiếu niên những thái độ và ý thức giá trị mới để thích nghi với xã hội mới và góp phần vào việc tạo dựng một nền văn hóa canh tân. Nhiệm vụ này không mâu thuẫn với nhiệm vụ căn bản kể trên là lựa chọn và bảo trì các thành tố phổ quát và đặc thù của văn hóa. Trái lại, hai nhiệm vụ ấy bổ túc cho nhau để xác định vai trò của giáo dục trong sứ mạng phục vụ văn hóa dân tộc. Phối hợp hai nhiệm vụ vừa kể, quan điểm thứ ba này có những đặc điềm sau:
  • Tính cách bảo thủ của quan điểm: Quan điểm này có tính cách bảo thủ vì nó hướng đến sự bảo tồn cácgiá trị cổ truyền trong văn hóa dân tộc, phát huy các thành tố ấy để tạo nên một mô thức văn hóa vững chắc.
  • Tính cách cấp tiến của quan điểm: Quan điểm ấy cũng có tính cách cấp tiến vì nó nhằm đến sự đào luyện những thái độ và ý thức giá trị mới hầu góp phần xây dựng một nền văn hóa canh tân.
  • Tính cách xây dựng của quan điểm: Quan điểm này cũng còn có tính cách xây dựng và khách quan vì nó sẵn sàng thâu nhận những cái hay cái tốt trong cái cũ và loại bỏ những cái gì xấu, không thích hợp trong cái cũ lẫn mới.
KẾT LUẬN
Nói đến tương quan giữa văn hóa và giáo dục thì chắc chắn mọi nhà tư tưởng dù Tây phương hay đông phương đều có thể đồng ý với nhau rằng mục tiêu của giáo dục là đào luyện ở con người những kiến thức, thái độ, ý thức giá trị và kỹ thuật liên hệ đến văn hóa dân tộc. Cũng không ai phủ nhận rằng học đường là một đơn vị xã hội có nhiệm vụ đặc biệt gây ở thanh thiếu niên ý thức trách nhiệm bảo vệ sự liên tục của văn hóa để đừng bao giờ bị mất mát. Nhưng sự khác nhau trong các tư tưởng giáo dục xưa và nay là ở quan niệm căn bản về nhiệm vụ giáo dục trong vai trò phục vụ văn hóa dân tộc. Giáo dục phải chăng chỉ có nhiệm vụ bảo trì và truyền thụ di sản văn hóa dân tộc, hay ngược lại, giáo dục có nhiệm vụ cải tạo lại xã hội bằng cách phát huy những thái độ mới, hệ thống giá trị mới trong một nền văn hóa mới? Quan niệm của kẻ viết bài không thuộc về hai cực đoan ấy. Dù đặt tầm quan trọng ở nhiệm vụ phát huy những thành tố phổ quát và đặc thù của nền văn hóa dân tộc, quan niệm ấy vẫn phải chấp nhận một thực trạng xã hội đang đổi thay do sự xâm nhập của những thành tố ngoại lai. Vậy, nhiệm vụ của nhà giáo dục trong xã hội hiện tại là lựa chọn và phát huy các thành tố phổ quát và đặc thù của nền văn hóa cổ truyền. Công việc phát huy ấy không phải chỉ thực hiện bằng lời nói, bằng những giáo điều khô khan, mà phải thể hiện qua chương trình giáo dục, phương pháp giảng dạy, tổ chức học đường, các hoạt động giáo dục khác và ngay ở cả tư cách, thái độ của chính ông thầy. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, nhà giáo dục còn có nhiệm vụ chuẩn bị thanh thiếu niên đương đầu với những biến chuyển xã hội và văn hóa, có ý thức và biết suy tư về những đổi thay ấy. Cả hai nhiệm vụ trên đều liên hệ mật thiết với nhau vì con người không thể lựa chọn và suy tư nếu không có một khởi điểm nào đó. Khởi điểm ấy chính là cái mô thức văn hóa tạo thành do những thành tố phổ quát và đặc thù của nền văn hóa dân tộc, trong đó bao gồm cả một hệ thống giá trị cổ truyền đã giúp cho xã hội chúng ta còn tồn tại cho đến ngày nay qua bao nhiêu cuộc thăng trầm của lịch sử.
Dương Thiệu Tống
trích Tạp Chí Tư Tưởng Số, 01-09-1969. Chuyên đề về: GIÁO DỤC (Dương Thiệu Tống phụ trách)
* B. O, Smith, W. O. Stanley, J. H. Shores, Fundamentals of Curriculum Development (New York: World Book Co, 1957) tr. 4-5.
_________________________________________________________________
[1] Trần Trọng Kim Việt Nam Sử Lược (Tân Việt, 1954) tr.18
[2] Trần Trọng Kim Việt Nam Sử Lược (Tân Việt, 1954) tr.18