Showing posts with label Phạm Công Thiện. Show all posts
Showing posts with label Phạm Công Thiện. Show all posts

Friday, February 26, 2021

Phạm Công Thiện: Chữ “Lòng” Trong Ngôn Ngữ và Tư Tưởng Triết Lý Của Nguyễn Du

 

1. Triết Lý Việt Nam Về Chữ “Lòng”

Tất cả chủ quan đều phải được đặt lại từ nền tảng của chủ thể và tất cả chủ thể đều phải đặt lại từ chủ thể tính của chủ thể, cũng như tất cả khách quan phải xuất hiện từ căn bản của khách thể, và khách thể từ khách thể tính. Cả chủ thể tính và khách thể tính đều dính líu liên hệ mật thiết nhau trong lòng thể tính, thể tính đã được thiết lập từ thể tính của cái “lòng” trong tiếng nói quê hương. Bản tính của “trong” là “lòng” mà thể tính của lòng thì không chủ quan và cũng không khách quan, không năng và cũng không sở, không phải là chủ thể và cũng không là khách thể. Do đó, sự liên hệ tương giao giữa chủ thể và khách thể phải sụp đổ khi chúng ta thực hiện ý nghĩa nguyên vẹn của “trong” và thành tựu nguyên nghĩa của “lòng”.

Chúng ta không thể xem coi “lòng” như một vật thể hay đối thể hoặc đối tượng. Điều kiện khả tính của đối tượng là đối tượng tính và đối tượng tính chỉ thành hình qua tượng tính và tướng tính mà chủ thể tính đã cho xuất hiện nhờ sức mạnh tạo tượng đúc hình của trí tưởng tượng sáng tạo.

Trí tưởng tượng có tính cách sáng tạo là do bản tính của trí tưởng tượng nằm ở chỗ mở ra thu nhận khoảng trống bao la trong veo phát dậy “trong lòng”. Chỉ sáng tạo được vì đã nhìn thấy, trông thấy “trong lòng”. Nguyễn Du đã trông thấy những gì trong lòng để thốt ra một câu thơ bình thường nhất mà lại kỳ lạ nhất trong thi ca và tư tưởng Việt Nam:
Trăm năm trong cõi người ta

Ai trăm năm? Ai trong, ai ngoài?  Ai trong cõi người ta? Trí tưởng tượng có tính cách siêu thể và siêu việt, cho nên vẫn vụt thoát ra cõi ngoài kia: tưởng tượng chỉ là tưởng tượng vì tượng được tưởng phóng đẩy ra ngoài nhờ sức kéo lùi lại của vô hình phát khởi từ trong lòng.

Sáu chữ trăm năm trong cõi người ta đã dẫn chúng ta đi khá xa. Bây giờ chúng ta hãy bắt đầu lại nơi gần gũi hơn. Chừng như trải qua bao nhiêu trang giấy, chúng ta đã đi ra ngoài Truyện Kiều của Nguyễn Du? Làm thế nào để đi được vào bên trong thi ca của Nguyễn Du? Truyện Kiều đã bắt đầu bằng một câu thơ sáu chữ: “Trăm năm trong cõi người ta” chúng ta đã đi vào bên trong câu thơ này chưa? Đây là ngưỡng cửa, cánh cửa có đóng hay khép lại? Cửa chỉ mở được khi nào “cửa lòng” của mình đã mở sẵn đó rồi.

Muốn đi vào bên trong bất cứ cái gì thì mình phải có khả năng tưởng tượng và tư tưởng thích ứng thể nhập và tính nhập vào trong cái “tính tương cận”. Cái tính gần gũi nhất của khả tính “đi vào bên trong” là chiếu rọi những khả tính tiềm ẩn của chính chữ “trong” trong câu thơ đầu tiên của Truyện Kiều: mình phải học cách đi lọt vào trong lòng của chữ “trong”.

“Trong lòng” có nghĩa là trong lòng sự việc, trong lòng sự thể, trong lòng sự tính và trong lòng sử tính của sự việc, sự thể, sự tình, từ đó mình mới hiểu được cái “trong lòng” của sự, vật, việc, thể, cái, con; mới hiểu thế nào là hiện thể, thế nào là hữu thể, sinh thể, vật thể và đối thể? Từ đối thể mới phản hiện lên đối tượng? Phải chăng Truyện Kiều đã vô tình trở thành “đối tượng” của sự phân tích triết học? Không thể như thế được. Triết lý và Triết học đúng nghĩa là Triết Lý và Triết Học thì không bao giờ có đối tượng, vì chữ ghép “đối tượng” và “đối thể” và “đối vật” chỉ là những ý niệm được tạo ra từ sự vận hành của chính Triết Học Tây phương trong một giai đoạn nhất định của Sử Tính Triết Học.

Chúng ta lại đi xa ra ngoài câu thơ đầu của Truyện Kiều. Chúng ta hãy trở lại những gì nhãn tiền, gần gũi nhất, và chúng ta hãy biết rằng bây giờ hiện nay ngay giây phút này chúng ta đang làm gì. Cái gì gần gũi nhất? Chúng ta đang làm cái gì? Trước mắt mình là câu thơ sáu chữ của Nguyễn Du: trăm năm trong cõi người ta… Mình đang đọc câu thơ đầu tiên của Truyện Kiều, mình đang tìm hiểu ý nghĩa của câu thơ… Ý nghĩa gì? Tại sao có nhu cầu tinh thần muốn tìm hiểu ý nghĩa thi ca Nguyễn Du? Nhu cầu tinh thần là gì? Muốn tìm hiểu là gì? Thế nào là tìm hiểu?

Nếu chúng ta cố gắng trả lời những câu hỏi này thì chúng ta khó lòng tới được bên trong câu thơ đầu của Truyện Kiều. Chúng ta vẫn sẽ đi bên ngoài sự việc, thay vì đi vào trong lòng sự việc. Tuy nhiên, nếu chúng ta lại tự đắc ung dung nhảy vọt vào thi ca và tư tưởng của Nguyễn Du mà vẫn chưa chuẩn bị đầy đủ tinh thần cảm thức thích ứng thì khó lòng hiểu được Nguyễn Du. Muốn hiểu được Nguyễn Du thì mình phải có lòng tìm hiểu. Thế nào là có lòng? Chỉ có lòng được là sau khi hay đang khi trải qua bao nhiêu cơn biến động tâm thức, những sự đau lòng khôn nguôi mà Nguyễn Du gọi là:
“Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

2. Chữ “Lòng” Trong Ngôn Ngữ và Tư Tưởng Triết Lý Của Nguyễn Du

Bây giờ chúng ta phải bắt đầu lại bằng cách khác nữa, giống như chúng ta chưa từng bắt đầu. Phải chăng chúng ta đột nhiên được sáng ý lên rằng cái việc muốn đi vào bên trong thi ca và tư tưởng Nguyễn Du là việc vô cùng khó khăn. Tại sao khó khăn, mặc dù Nguyễn Du rất dễ hiểu? Một cậu hay cô học sinh bé nhỏ, chỉ cần một ông thầy bà cô đứng đắn giải nghĩa cho đôi chút thì có thể coi như đã hiểu Nguyễn Du một cách dễ dàng, bao nhiêu giáo sư trung học và đại học đã giảng dạy về Truyện Kiều một cách sáng suốt sâu rộng, bao nhiêu nhà học giả thông thái đã viết bao nhiêu thiên khảo cứu uyên bác minh bạch về Nguyễn Du và về sự nghiệp thi ca của bậc đại thi hào dân tộc.

Tuy nhiên, dẫu thế thì tại sao chúng ta vẫn cảm thấy rằng không phải dễ dàng hiểu được Nguyễn Du. Dụ như lúc mình đọc câu thơ đầu: “Trăm năm trong cõi người ta…” có gì khó hiểu đâu, chỉ thoáng nghe nhạc điệu của câu thơ buồn buồn, có cái gì rất là bồi hồi, rồi mình tiếp tục đọc tới và cứ bình thản đọc tới hết 3254 câu thơ, và sau cùng ngừng lại câu thơ cuối cùng:
Mua vui cũng được một vài trống canh…

Mặc dù Nguyễn Du nói “mua vui” nhưng thực ra mình chỉ thấy vui gượng mà thôi, vì sau khi vừa mới đọc xong câu thơ cuối cùng, sau khi trải qua trên ba ngàn câu thơ, đôi mắt mệt, cảm thức mơ màng, tâm thức y hệt như câu thơ hay nhất của Nguyễn Du:
Tưởng bây giờ là bao giờ,
Rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao…

Thế rồi, cái lòng mình cảm thấy như trải qua bao nhiêu bể dâu, hiện tại, ở đây, nơi này, phút giây này, mình đang tỉnh thức, thức tỉnh thực sự, đang mở mắt rõ ràng, thế mà vẫn đâu đó “còn ngờ chiêm bao…”.

Nguyễn Du bắt đầu bằng thời gian và chấm dứt bằng thời gian, mở đầu với trăm năm và chấm dứt với thời gian ngắn ngủi trong một vài trống canh. “Một vài trống canh” hay đúng hơn ở trong một vài trống canh, mình đã sống qua mười lăm năm dâu bể của Thúy Kiều và bao nhiêu cơ sự tang thương khác nữa.

Trong Truyện Kiều, nơi bốn câu đầu tiên đã xuất hiện chữ “lòng”:
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

và nơi bốn câu thơ cuối cùng thì cũng thị hiện lại chữ “lòng”:
Thiện căn ở tại lòng ta…

Phạm Công Thiện

Trích “Nguyễn Du – Đại Thi Hào Dân Tộc“.

Wednesday, July 1, 2020

Phạm Công Thiện: TRÁCH NHIỆM CỦA TUỔI TRẺ VIỆT NAM VỚI QUÁCH TẤN

TRÁCH NHIỆM CỦA
TUỔI TRẺ VIỆT NAM VỚI QUÁCH TẤN

Đối với Quách Tấn, tôi đã nói hết những gì cần nói trong hệ TƯ TƯỞNG. Tản Đà chấm dứt thế kỷ 19 và Quách Tấn là thi hào vĩ đại nhất ở thế kỷ 20. Cho mãi đến năm 1970 này, tôi cũng chưa thấy ai đủ sức mạnh tâm linh đứng ngang hàng Quách Tấn.

Từ năm 1932, ngày "trọng đại" mà Hoài Thanh cho rằng "một cuộc cách mạng về thi ca đã nhóm dậy" ngày đó, đối với tôi, cũng chính là ngày tang tóc của cảm thức tâm linh Việt Nam.
Trước năm 1932, cảm thức tâm linh Việt Nam đã bị Tàu đục khoét cho đến độ tan rã, chỉ có Tản Đà là người cuối cùng cứu vớt lại, sau năm 1932 chỉ còn Quách Tấn cứng đầu đi tới và tàn bạo khinh miệt tất cả cuồng phong từ Tây phương thổi tới.

Đứng bên Quách Tấn có Hàn Mặc Tử, mặc dù Hàn Mặc Tử là một nhà thơ Tây phương hơn cả những nhà thơ Tây phương vĩ đại ở Tây phương, nhưng nhờ định mệnh tàn khốc và cơn đau linh thiêng đã xô đẩy Hàn Mặc Tử đến cảm thức hố thẳm toàn triệt của buổi chiều vàng vọt ở Đông phương; nhờ thế, Hàn Mặc Tử đã đến kịp với Quách Tấn trong tiết nhịp vĩnh cửu của Việt Nam.

Hàn Mặc Tử đi xuống và Quách Tấn đi lên, giống như sự lên và xuống, cả - Heraclite và Larmenide: hai người chỉ là một, một người đau một lần rồi chết rồi một người đau suốt đời rồi chết một lần. Hai người đã nhìn thấy vĩnh cửu trong một lần đau và một lần chết. Song, ĐAU và CHẾT có nghĩa gì đối với hai đứa con Đông phương nhất của Đông phương. Việt Nam nhất của Việt Nam.

Đang lúc cả một thời đại đâm đầu ngu xuẩn chạy theo Tây phương từ thơ Mới đến thơ Tự Do, chỉ có một người điềm nhiên bất động đứng lại với - quê hương: QUÁCH - TẤN.
Hôm nay tôi không muốn nói thể thơ mà thôi, tôi muốn nói cả - Hồn thơ: có ai cảm nhận hồn thơ Dân tộc như Quách Tấn ? Có ai cảm dưỡng hào khí của Thiền tông Việt Nam như Quách Tấn? Quách Tấn xứng đáng là kẻ nối dòng của Không lộ thiền sư, Vạn hạnh thiền sư, Ngộ ấn thiền sư và tất cả những thiền sư thi sĩ đã nuôi dưỡng linh hồn của cả một dân tộc, linh hồn của một Lý Thường Kiệt đánh Tống và Trần Hưng Đạo đánh Nguyên. Sau Nguyễn Du, sau Tản Đà, chỉ còn có Quách Tấn, và Quách Tấn còn hơn cả Nguyễn Du và Tản Đà vì chính Quách Tấn đã chịu thảm kịch bi đát nhất gấp trăm ngàn lần Nguyễn Du và Tản Đà, Nguyễn Du chỉ chịu đựng cảm thức tan nát của Trung hoa, Tản Đà chỉ chịu đựng cảm thức tan nát của Trung hoa và Tây phương , còn Quách Tấn lại chịu đựng cảm thức tan nát của Trung hoa, Tây phương cận đại và Tây phương hiện đại, Tây phương của Hippies và nôn mửa.

Hàn Mặc Tử là một người chịu ảnh hưởng Tây phương một cách sâu thẳm và tốt đẹp nhất; ở Việt Nam tôi chỉ thấy một người Ki-tô giáo đúng nghĩa ; Hàn Mặc Tử. Hàn Mặc Tử là người tín hữu Ki-tô giáo duy nhất : Kierkegaard đã đau đớn vì không tìm thấy một tín hữu Ki-tô giáo như vậy ( nếu Kierkegaard còn sống đến thế kỷ 20 và gặp thấy Hàn Mặc Tử thì chắc chắn Kierkegaard chết một cách thỏa mãn).

Còn Quách Tấn là một Phật tử trọn vẹn, đã thu tóm tất cả những thơ mộng của Phật giáo vào trong cuộc đời trầm lặng của mình. Quách Tấn đã đi ngược lại tất cả phong trào thời thượng. 

Tất cả thi sĩ Việt Nam từ tiền chiến cho đến bây giờ đều là một lũ hèn họ chạy theo ngoại bang bằng cách này hay cách khác. Quách Tấn là người duy nhất can đảm lì lợm sống chết với những gì còn lại với quê hương.

Thẩm mỹ học Tây phương đã thành tựu trong trận chiến tranh Việt Nam sau Rimbaud và Hoelderlin, Tây phương đã lặng chìm. Rimbaud ước mộng trở về Đông phương nguyên vẹn và Hoelderlin mơ mộng quay về với nguồn sông Indus ở Ấn Độ. Đang khi đó một lũ vong bản đua đòi chạy theo xác chết của Tây Phương ; từ đám thơ mới tiền chiến ở Việt Nam cho đến đám thơ tự do ở miền Nam tất cả đám thi sĩ hèn mọn đều là những kẻ tiếp tay cho Tây phương tàn phá Việt Nam.

Những gì tôi nói hôm nay về Quách Tấn, tôi nói với tất cả thẩm quyền của một kẻ hiểu biết Tây phương nhiều nhất.

Tôi không muốn nói nhiều, tôi xin để lại trách nhiệm cho thanh niên Việt Nam hiện nay, trách nhiệm của những đứa con dân tộc đối với một thiên tài can đảm đã chịu đựng một mình, nuôi dưỡng một mình tất cả di sản tâm linh cao cả nhất của quê hương.

PHẠM CÔNG THIỆN
( Viện Đại học Vạn Hạnh 29/7/1970)"


Vài nét về Quách Tấn
trên Thivien.net 
(Tiểu sử đầy đủ tại Thư Viển mở ở https://vi.wikipedia.org/wiki/Qu%C3%A1ch_T%E1%BA%A5n) 

Quách Tấn (1910-1992) là tên thật, tự Đăng Đạo, hiệu Trường Xuyên, sinh tại Bình Định. Trong nhóm thơ Bình Định hồi ấy, gọi là Bàn thành tứ hữu (bốn người bạn thơ ở thành Đồ Bàn), ông cao niên hơn cả, hơn Hàn Mặc Tử hai tuổi, hơn Yến Lan năm tuổi, hơn Chế Lan Viên tới mười tuổi... Các bạn thơ đó của ông là những cây bút kiệt xuất của phong trào Thơ Mới sôi động khi ấy. Nhưng Quách Tấn lại làm thơ theo lối cũ: thơ luật Đường. Người ta coi Hàn là rồng, Chế là phượng, Yến Lan là lân, cả ba tượng trưng cho tung hoành, đĩnh đạc thì ông tự nhận mình là rùa, tượng trưng chậm chạp và vất vả (Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia) cho đủ long ly quy phụng. Hai tập thơ đầu Quách Tấn xuất bản lúc Thơ Mới đang thắng thế hầu hết là thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt.

Xin đọc thơ của Ông ở đây.

Monday, April 20, 2020

Phật Giáo Việt Nam: Chính Trị, Lịch Sử và Chủ Nghĩa Hư Vô Quốc Tế

Phật Giáo Việt Nam: Chính Trị, Lịch Sử 

và Chủ Nghĩa Hư Vô Quốc Tế

Phạm Công Thiện


Thầy Phạm Công Thiện và Thầy Thích Tâm Tưởng, Trụ Trì chùa Viên Thông, 
Long Beach, California, USA

(Tham luận đọc vào ngày chủ nhật 23-12-1984
tại Thiền Viện Quốc Tế Los Angeles International Buddhist Meditation Center
vào dịp Ðại Hội Khoảng Ðại Kỳ IV của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ
tổ chức tại Los Angeles, Calitomia-USA)
___________________

Bước Chân Thứ Tám Lên Đường Thực Hiện Việc Trở Về Sự Im Lặng


I. PHẬT GIÁO VIỆT NAM, CHÍNH TRỊ, LỊCH SỬ VÀ CHỦ NGHĨA HƯ VÔ QUỐC TẾ.
Với tất cả nỗi vui mừng và lòng xúc động ít khi xảy ra trong đời sống quá máy móc của xã hội Tây phương hiện nay, tôi xin kính chào toàn thể các tiểu bang Huê Kỳ hiện đang có mặt tại đây để cùng nhau thảo luận và nhất là quyết định những vấn đề trọng đại của Phật giáo và của Quê hương Việt Nam.
Thể tính có một đại hội là quyết định, chứ không phải chỉ là hội thảo lý luận liên miên chung quanh những đề tài tạo ra do óc tưởng tượng bệnh hoạn của những người đánh mất thể tính của Phật Giáo và thể tính của Quê hương. Hơn nữa, đại hội tôn giáo, nhất là Phật Giáo thì không thể nào giống như một đại hội chính trị, vì chính Phật Giáo quyết định thể tính của chính trị. Ðó là bài học thứ nhất của Phật Giáo, nhất là Phật Giáo Việt Nam, mà tất cả chúng ta có sứ mạng tối cao rao truyền giữa sự sụp đổ toàn diện của nền văn minh hiện nay.
Khoa học chính trị và những thể chế chính trị đều xuất phát từ triết học Hy Lạp (nhất là từ Platon và Aristote). Và ngay cả từ lòng sâu thẳm của Tư Tưởng Hy Lạp, thể tính của chính trị, cái Ousia của Polis, là nhận cho ra nơi lưu trú (Topos) của sự cộng sinh tính thể (Synousia) của cái con vật được quyết định bởi Tiếng Nói, tức là con người con vật chính trị, tức là con vật được lưu trú chung nhau trong một thị tứ tính thể luận (Polis Ontologique), tức là phương sở (Topos) cho sự Xuất Hiện, Bùng Vỡ của Chân Lý (theo nghĩa Hy Lạp, Alétheia), cái gì đó giựt đứt xé rách ra ngoài sự che đậy uyên nguyên (Léthé) và trả con người trở lại thể tính con người, trả về quê hương trở về thể tính của quê hương.
Bài học thứ nhất mà Ðức Phật đã dạy cho chúng ta (nhất là chúng ta những Phật tử Việt Nam) là Phật Giáo quyết định Chính Trị (tôi nói: Phật Giáo, chứ không nói đến những tôn giáo khác, và Phật Giáo khác những tôn giáo khác ở điểm đầu tiên, tức là điểm này), toàn thể Lịch Sử Việt Nam đã chứng minh điều đó (và cái gì chứng minh cho Lịch Sử cũng chính là Phật Giáo, vì Phật Giáo không phải là một tôn giáo có tính cách lịch sử, nhưng trái lại những tôn giáo khác đều là tôn giáo có tính cách lịch sử).
Bài học thứ hai mà chúng ta, những Phật tử Việt Nam, là Phật Giáo quyết định lịch sử, tất cả mọi môn sử học, đều được quyết định bởi ý niệm căn bản về Thời Gian, và thể tính của thời gian là chính tính thể; thể tính của tính thể là cái LÀ (Tó òn), và thể tính của cái đang là là cái KHÔNG LÀ (tó mé òn); từ mấy ngàn năm, tất cả các tư trào Tây phương và Ðông phương cứ hội thảo hý luận liên miên lẫn quẩn loay hoay giữa cái Là và cái Không Là, từ Aristote cho đến Hegel và Karl Marx, từ Anaximandre cho đến ngày hôm nay, tất cả triết học, tất cả trào lưu tư tưởng chỉ quanh quẩn trong mê cung vô cùng tận của cái có, và cái không, của cái là và cái không là, và từ đó con người không còn biết ăn nói cho đàng hoàng, con người từ con vật biết nói biến thành con vật ba hoa mồm mép lãi nhãi, ham rủ rê nhau hội thảo hội họp đánh mất Tiếng Nói Chân Thực; chính trị không ra chính trị, tôn giáo không ra tôn giáo, miệng thì cứ nói Quê Hương và Dân Tộc hoặc Ðạo Pháp và Dân Tộc, nhưng không cái gì ra cái gì, tất cả đều trở thành ba hoa lãi nhãi người ta tỏ vẻ nghiêm trọng tha thiết thảo luận cái này hay cái kia, nhưng thực sự thì không ai thực sự để ý ai, không ai thực sự dám sống chết với cái mình nghĩ, cái mình nói và cái mình sống.
Tất cả nẽo đường đều mất lối, tất cả mọi giá trị đều bị đảo ngược, đó là Chủ Nghĩa Hư Vô mà Việt Nam hiện nay đang bị thống trị. Ðó là bài học thứ ba mà chúng ta, những người Phật tử Việt Nam, phải rao truyền ở xã hội Tây phương: Phật Giáo phá vỡ tất cả loại hình thức chủ nghĩa hư vô quốc tế.
Tôi xin lập lại ba bài học Ðức Phật đã dạy cho chúng ta mà chúng ta có thể mang đến cho xã hội Tây phương:
– Phật Giáo quyết định chính trị;
– Phật Giáo quyết định lịch sử;
– Phật Giáo quyết định thể tính của Chủ Nghĩa Hư Vô Quốc Tế.
II. “THỰC TẾ” là gì? Ý Nghĩa của “THỰC TẾ” Trong Phật Giáo.
Người ta có thể trách tôi trừu tượng triết lý viễn vông xa lìa thực tế. THỰC TẾ! THỰC TẾ, THỰC TẾ là gì? Chính vì hiểu sai mấy chữ Thực Tế mà nước Việt Nam đã bị lường gạt và ru ngủ và hiện nay đang đưa cả dân tộc xuống chỗ sụp đổ toàn diện. Tôi xin cung kính nhắc lại cho quý vị biết rằng Karl Marx vẫn là một triết gia (dù Marx tự cho là đã vượt qua mọi triết học truyền thống). Và có ai ngờ chính cái anh triết gia trừu tượng dù tự nhận là cụ thể, tên là Marx, đã đưa quê hương Việt Nam đến tình cảnh hiện nay. Tôi muốn trở về chữ THỰC TẾ trong Phật Giáo, THỰC TẾ, chữ Phạn gọi là Bhùtakoti, cái biên tế của sự thực; trong Bát Nhã Phật Giáo, một vị Bồ Tát không nên bao giờ lưu trú lại với Thực Tế, và Thực Tế của Phật Giáo là Thực Tế của mọi thực tế chính trị, lịch sử và mọi chủ nghĩa. Ðó là bài học thứ ba của Ðức Phật mà chúng ta có thể mang đến cho xã hội Tây phương.
Hướng đi của Phật Giáo Việt Nam là Ði Tới Giác Ngộ, đi tới sự Tỉnh Thức. Mà Giác Ngộ Tỉnh Thức có nghĩa là thể hiện thực hiện một Sự Quyết Ðịnh Vĩ Đại Nhất của kiếp người, một đại Thệ Nguyện cho tất cả chúng sinh; trong bất cứ mọi trường hợp nghịch cảnh lớn lao nhất vẫn như bất động, với lòng từ bi vô biên và với trí Bát Nhã vô hạn, tự giải thoát mình và giải thoát tất cả chúng sinh, vì mình là chúng sinh. Giác ngộ, vì lợi ích cho tất cả chúng sinh. Ðó là Phát Bồ Ðề Tâm.
Xã Hội Tây phương hiện đang rơi vào những cơn khủng hoảng ở đủ mọi bình diện, giữa các trào lưu tư tưởng triết lý, ý thức hệ của nhân loại. Hướng Ði của Phật Giáo Việt Nam là Quyết Ðịnh Ði tới Giác Ngộ, Quyết Ðịnh Ði tới Nhất Thiết Chủng Trí. Nhìn tới gương sáng của Phật Giáo Thiền Tông Nhật Bản và hiện nay của Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng, và nghĩ tới ảnh hưởng to lớn vĩ đại quyết định của Thiền Nhật và Mật Tây Tạng đối với tất cả trào lưu khoa học, triết học, nghệ thuật của xã hội Tây phương, Phật Giáo Việt Nam quyết định tiếp tục thể tính trung thực của mình (vừa Thiền vừa Mật vừa Tịnh, vừa Nguyên Thủy, vừa Ðại thừa và Kim Cang thừa) để soi sáng con đường trở về quê hương và để đem lại sự an bình, bình thản tâm linh cho Tây phương. Ðó là điều tôi cho rằng không thể nào một Ðại Hội Phật Ciáo không quyết định, thay vì cứ quanh quẩn chuyện vô minh, như ai là hội chủ, ai là chân tu, quy chế phải như thế nào, biểu quyết ra làm sao, tất cả mọi tranh luận chia năm xẻ bảy kết bè lập nhóm mà tôi cho rằng đáng khinh bỉ, và ngu xuẩn, tất cả những thứ ấy đáng cho đại hội liệng vào sọt rác chính trị và lịch sử.
Nam Mô A Di Ðà Phật Om Mani padmé Hum.
PHẠM CÔNG THIỆN

Tuesday, April 7, 2020

Nguyên Tánh Phạm Công Thiện: Một Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ

Một Buổi Sáng Đọc Thơ Tuệ Sỹ

Nguyên Tánh Phạm Công Thiện


Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá
Tuệ Sỹ
Hình như Tuệ Sỹ làm thơ rất nhiều; Nghe nói lúc băng rừng vượt núi trong thời gian đấu tranh bí mật để liên lạc giao kết với mặt trận rừng núi cao nguyên, trên những ngọn đèo trùng điệp của quê hương, Tuệ Sỹ đã làm rất nhiều thơ; hình như có người đã giữ lại nhiều tập thơ chưa xuất bản và không chịu phổ biến. Tôi chỉ được đọc đi đọc lại hai bài thơ của Tuệ Sỹ. Hình như hai bài thơ này đã được làm trước khi cộng sản vào chiếm miền Nam (và đã được phổ biến nhiều lần trên các báo chí hải ngoại hiện nay). Thơ của Tuệ Sỹ không phải chỉ có thế, hiển nhiên. Tuy nhiên, chỉ nội hai bài thơ cũng đủ nói lên thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ.
Thế giới thơ mộng lặng lẽ của Tuệ Sỹ không có nhan đề; hai bài thơ đều không có tựa. Một người đã từng quen biết Tuệ Sỹ nhiều chắc chắn phải ngạc nhiên: Tuệ Sỹ không để lộ ra bất cứ hình ảnh hay chi tiết gì có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với đời sống cá nhân thường nhật của mình. Có lẽ đặc tính thứ nhất của thơ Tuệ Sỹ là không có “cá tính”. Đi ngược lại với thói quen phê bình thơ văn của phần đông (ai cũng muốn đi tìm “cá tính” của mỗi thi sĩ), tôi nghĩ rằng cái việc thể hiện cái “không có cá tính” trong thơ là điều khó khăn nhất cho một người làm thơ. Cá tính được cụ thể hóa qua những hình ảnh chi tiết của đời sống cá nhân thường nhật; ngay đến những bài thơ khách quan lạnh lùng của thi hào Hy Lạp hiện đại Cavafy cũng mở rộng rõ ràng tiểu sử đời sống cá nhân thường trực hàng ngày của chính đương sự; ngay cả những bài thơ tuyệt tác của thi hào thế kỷ XVI-XVII của Anh John Donne, gọi là nhà thơ “siêu hình” nhưng cũng để lộ những nét sâu đậm của đời sống cá nhân thường nhật. Trái lại với Tuệ Sỹ, đời sống cá nhân thường nhật đã vắng mặt; còn cá tính đã được bôi sạch hay đã được ẩn giấu nhẹ nhàng đâu đó. Về hai bài thơ không nhan đề, tôi xin gọi bài A và bài B để tiện điểm danh; hai bài thì đều không có chấm phết; trong bài A chỉ có dấu chấm hỏi bất ngờ duy nhất:
Chẳng một lần lầm lỡ không ư?
Câu hỏi mà cũng chẳng phải câu hỏi: câu hỏi trên chỉ để nhấn mạnh một cách tương phản một cái gì dứt khoát nhất nằm ở câu thơ thứ năm:
Một lần định như sao ngàn đã định
Chúng ta hãy để ý hai chữ “một lần” trong câu trên và trong câu hỏi: mấy chữ “một lần” mang tất cả sức nặng gợi nghĩa của chữ Đức “Einmal” (một lần) trong thơ của Rainer Maria Rilke. Tuệ Sỹ đã sử dụng bốn lần mấy chữ “một lần” trong bài thơ A (trong câu 5, câu 6, câu 11 và câu 12) và mỗi lần dùng “một lần” trong câu đầu thì câu kế tiếp cũng vang lên “một lần” nữa. Xin đọc một lần nữa:
Một lần định như sao ngàn đã định
Lại một lần nông nổi vết sa cơ(câu 5 và câu 6)
Một lần ngại trước thông già cung kỉnh
Chẳng một lần lầm lỡ không ư?(câu 11 và câu 12)
Chúng ta cũng cần để ý những chữ “định”, “nông nổi” “ngại”, “lầm lỡ” đi theo sau mấy chữ “một lần”. Một lần định, một lần nông nổi, một lần ngại, một lần lầm lỡ. Như thế có nghĩa là gì? Không có gì than tiếc cả, ngược lại. “Định” chỉ có ý nghĩa là “định” mỗi khi “định” được thực hiện bi tráng giữa những nông nổi, những ngại ngùng, những lầm lỡ vô định. Đây chẳng phải là cái ngờ vực bất hủ của Descartes (đã được an nhiên xác định trước từ dự tưởng về nền tảng bất di dịch tuyệt đối của chân lý như là “xác thực tính”, tức là “Certitudo” trong ý nghĩa siêu hình của tuyệt điểm triết lý Descartes, nghĩa là “Fundamentum Absolutum Inconcussum Veritatis” (theo nghĩa vừa dịch trước khi dẫn). Cũng chẳng lưỡng lự theo điệu đã được nuôi dưỡng trong tư tưởng Long Thọ thì không thể rơi vào Chủ quan tính hay Khách quan tính như thế (mà Cá tính chỉ là hậu quả tất yếu của Siêu Hình Học Tây Phương cận đại và hiện đại về Chủ Thể Tính; và Khách quan tính cũng chỉ là hậu quả đương nhiên của Chủ Thể Tính tương đối và tuyệt đối của Kant và Descartes và tuyệt đối nhất là của Hegel). Xin trở lại bài thơ A, và xin đọc lại hai câu mở đầu:
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
Và xin đọc lại hai câu cuối của bài thơ:
Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
Tất nhiên tôi phải ngạc nhiên và ngừng lại suy nghĩ: tôi không bao giờ thấy Tuệ Sỹ có tóc (chỉ sau ngày cộng sản nhốt tù thì tóc mới mọc lên). Thầy tu không có tóc lại làm thơ với hình ảnh trữ tình lặp đi lặp lại hai lần trong bài A (“vén lại tóc xa xưa”)và một lần trong bài B (“Treo gót hài trên mái tóc vào thu”). Tóc ở đây là tóc của ai? Của một thiếu nữ? Tầm thường quá và không hẳn là thế. Dù là thầy tu đi nữa thì đôi lúc cũng mơ mộng như mọi người cho vui nhẹ trong không khí khổ hạnh? Tóc của đàn ông? Cũng không hẳn thế? Thôi thì cứ gọi tóc của thơ, đủ rồi. Có thể tạm chẻ sợi tóc ra làm tư và gọi là “tóc của tục đế, thế đế” theo tinh thần của Long Thọ “Chân đế hay đệ nhất nghĩa đế thì phải cần đến Tục đế hay Thế đế, vì “Niết Bàn không khác mảy may nào cả với Luân Hồi”: tuyệt đỉnh cao siêu nhất của Phật Giáo). Bỏ triết lý và tôn giáo qua một bên, và xin trở lại thế giới của Tuệ Sỹ và xin đọc lại từ đầu với 6 câu mở đầu bài:
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
Miền đất đỏ trăng đã gầy vĩnh viễn
Từ vu vơ trong giấc ngủ mơ hồ
Một lần định như sao ngàn đã định
Lại một lần nông nổi vết sa cơ
Cách hạ vần cuối rất rộng rãi (.ưa, .ồ, .ơ, iễn, .ịnh) chữ “Này” bắt đầu câu thơ để gọi. Thơ là gọi: gọi tên, hay đúng hơn: gọi sự có mặt, gọi sự hiện diện. Thơ thường khi cũng gọi sự vắng mặt, làm cho sự vắng mặt được có mặt. Đêm là sự vắng mặt của ban ngày.
Này đêm rộng như khe rừng cửa biển
“Đêm rộng” ở đây không có nghĩa là đêm lớn rộng, mà có nghĩa là mở rộng ra như khe mở rộng ra rừng và cửa mở rộng ra biển; đêm rộng là đêm mở rộng ra ngày mai như câu thơ 13 trước câu thơ cuối:
Và câu cuối:
Ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến
Hai bàn tay vén lại tóc xa xưa
Câu cuối 14 lặp lại câu thứ hai như điệp khúc quyết định: “Hai bàn tay” chớ không phải một bàn tay. Thiếu nữ vén tóc thường khi chỉ vén có một tay chỉ có tráng sĩ tóc dài theo điệu “thử địa biệt Yên Đan” mới vén tóc bằng cả hai tay nhất quyết: “nhất khứ bất phục hoàn”. Mấy chữ “xa xưa” cũng có thể hiểu ngược lại thời gian thông thường là “xa xưa của tương lai”, vì chính mấy chữ “ngày mai nhé” đã được mấy chữ “xa xưa” mở rộng chân trời như “cửa biển”, hay ẩn giấu chân trời và mở rộng thời gian như “khe rừng” hay “sao ngàn”: mỗi “một lần”, mỗi một bước chân của Thời gian là cô đọng lại Thời gian tinh túy “vĩnh viễn” (không phải “vĩnh viễn” theo điệu “cái hiện tại đứng ở lại” của thần học thánh Augustin “Nunc Stans” mà theo nghĩa “hiện tại thu phối vĩnh cửu” của thuật ngữ Heidegger: Augenblick-Augenblitz”: tia chớp xé rách thời gian của Héraclite và khi mở Vĩnh cửu, cái Một mở rộng và thu phối cái Tất cả (Hen Panta) theo nhịp Hoa Nghiêm Kinh “một lần” bao dung tất cả lần”). Quan niệm “Nunc Stans” xuất phát từ tư tưởng Hữu Thể, còn “Vĩnh Viễn” của Tuệ Sỹ nằm gọn trong sự vắng mặt của Không Tính. Tuy vậy, Tuệ Sỹ không bao giờ sử dụng danh từ Phật học trong thơ (khác hẳn với những thi sĩ thích làm thơ “thiền”, dù Tuệ Sỹ đã từng làm việc chơi “tay trái” là dịch giỡn bộ Zen của Suzuki. Thực ra ít có người tu chứng cùng hiểu Thiền như Tuệ Sỹ). Mấy chữ “không như” và “không hư” trong câu thơ 8 và 10 chẳng có liên hệ mảy may gì với chữ “không” trong “Không tính” của Bát Nhã và Thiền. Sự vắng mặt nói lên sự có mặt nào đó.
Bây giờ đọc lại trọn bài thơ A (gồm 14 câu, mỗi câu 8 chữ), chúng ta tự hỏi nhà thơ muốn nói gì? Đọc thơ mà thấy rằng tác giả muốn nói rõ cái gì thì chẳng còn là thơ nữa. Nhưng có lẽ câu thứ 5 (“một lần định như sao ngàn đã định”) và hai câu cuối: (“ngày mai nhé ta chờ mi một chuyến/ hai bàn tay vén lại tóc xa xưa”)cũng gợi chủ ý cho ta rất nhiều? Như trong bài B: (“Một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng/ người thấy ta xô dạt bóng thiên thần”)đã gợi chủ ý cho tất cả bài B. Có lẽ đặc tính thứ hai trong thơ của Tuệ Sỹ là trừu tượng hóa bản thân cụ thể, trừu tượng hóa cá tính. Tôi dùng mấy chữ trừu tượng ở đây trong ý nghĩa đẹp nhất và thơ mộng nhất, như nhà thơ vĩ đại Paul Valéry đã “trừu tượng hóa” nhân vật tản văn thường mang tên là “Monsieur Teste”. Tuệ Sỹ không hề đọc Valéry mà thường đọc đi đọc lại một nhà thơ trái ngược hẳn với Valéry là Heine. Điệu thơ Đường Tống cũng đã được dấu kín lặng lẽ trong thơ Tuệ Sỹ, mặc dù Tuệ Sỹ đã từng thuộc nằm lòng cả thế giới Tống Đường. Nói rằng thơ của Tuệ Sỹ hay hoặc không hay thì lố bịch. Chỉ có thể nói rằng thơ của Tuệ Sỹ đáng được chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần và suy nghĩ lan man hoặc cảm nhận tùy hứng. Ít nhất có một người làm thơ đáng cho ta đọc giữa “sống chết với điêu tàn vờ vĩnh”để cho chúng ta còn có được “một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng”. Đặc tính thứ ba và cuối cùng của thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính Mệnh Quê Hương.
Nguyên Tánh
California, ngày 18 tháng 11, 1988

Thursday, March 26, 2020

Hãy Để Tất Cả Thế Giới Bị Tiêu Diệt Và Chỉ Xin Chừa Lại Đà Lạt

Hãy Để Tất Cả Thế Giới Bị Tiêu Diệt Và Chỉ Xin Chừa Lại Đà Lạt

Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện)



Tôi đã đánh mất ý niệm thời gian. Tôi bắt đầu để ý quan tâm đến những ngày tháng ghi trong lịch và thường hay ngó đồng hồ; tôi cũng thường hay hỏi tuổi tác của người khác. Đó là những dấu hiệu bệnh hoạn tâm thần: sự sợ hãi hoảng hốt càng lúc càng trở nên trầm trọng trước cái gì vụt thoáng bay mất mà tôi không thể nào níu kéo lại được, như trước sự bỏ đi biệt tăm biệt tích của một hơi hám đàn bà nào đó đã chết đi chầm chậm trong những ngày nằm một mình ngó lên những bóng ma mộng mị lai vãng tới lui qua lại trong gian phòng nhỏ. Tôi đã chạy trốn tất cả qúa khứ hay chính tất cả qúa khứa đang chạy trốn tôi ? Có một cái gì vô cùng bí mật đã xô đẩy tôi trở về Los Angeles sau hai chục năm trời, một cái gì lạ lùng như sức hút mãnh liệt của vòng trôn ốc tinh cầu, một cái gì bất ngờ đã bôi sạch hết những gì đã tàn phá tôi từ mười ba năm nay. Năm 1970, đang lúc được mời đi dự hội nghị quốc tế ở đại học đường Jeruralem, một cái gì đó xẩy đến bất ngờ khiến tôi bỏ hết tất cả, và hoàn toàn không chuẩn bị, tôi đã lấy máy bay đi trở về Paris và bỏ làm Khoa trưởng Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của Đại học Vạn Hạnh. Từ năm 1970 cho đến nay. 13 năm lưu lạc như lục bình trôi sông, từ Paris cho đến Munich và ở lại Toulouse gần mười năm. Thế rồi bây giờ ngồi đây trong gian phòng nhỏ ở Los Angeles, cánh mái tam quan của chùa Việt Nam đầy những con bồ câu bay lượn tứ tung và cả khu cửa sổ mở vút lên tận trời cao mà chiều hôm qua tôi đã đứng rón rén ngó lên một đám mây nhỏ thong dong một mình giữa cả một bầu trời mênh mông vô hạn
Mười ba năm tôi đã quên hẳn quê hương và mất hết mọi liên lạc với tất cả những gì gọi là Việt Nam. Tôi còn tệ hơn cả một tên vong quốc. Tất cả gốc rễ chằng chịt nuôi dưỡng tôi lớn khôn đến ngày hôm nay đã bị chém đứt hết. Tôi căm thù mấy chữ “dân tộc tính”. Tất cả lịch sử Việt Nam đã chết trong tôi. Tôi muốn tất cả nước Việt Nam bị tiêu diệt và chỉ chừa lại thành phố Đà Lạt mà thôi. Chỉ có Đà Lạt mới xứng đáng là Việt Nam trong tất cả mọi ý nghĩa thiêng liêng nhứt và thơ mộng nhất của Việt Nam. Hãy để tất cả thế giới bị tiêu diệt và chỉ xin chừa lại Đà Lạt và Tây Tạng. Đối với tôi Đà Lạt là Tây Tạng, cái gì cao nhứt và hoang vu nhứt của đời tôi: sông Cửu Long bắt nguồn từ vùng núi cao của Tây Tạng. Chỉ những đạo sĩ mới giải phóng Tây Tạng trong tương lai, cũng như chỉ những thi sĩ mới giải phóng toàn thể nước Việt Nam trong nay mai, và hành động đầu tiên quyết định tất cả là giải phóng Đà Lạt trong tâm thức của từng người Việt Nam. Tất cả những chiến tranh vũ trang phải được dẫn đạo bằng mặt trận đầu tiên và mặt trận quyết định cuối cùng. Mặt trận thi ca. Khi toàn dân Việt Nam không còn được tự do thong dong để mơ mộng, khi cả một chính quyền chỉ đẻ ra những tên thợ thơ, những tên làm thơ tuyên truyền, những tên đã giết chết hết những gì thơ mộng nhứt của Việt Nam thì lúc ấy có cái gì linh thiêng nhứt và hùng mạnh nhứt như vũ bão ngấm ngầm mấy ngàn năm heo hút của sông Nhị Hà và sông Cửu Long sẽ bất ngờ bừng vỡ lên như cơn động đất toàn diện, và tất cả Mùa Xuân của Việt Nam sẽ bừng dậy như cả rừng đào đỏ máu của Đà Lạt. Chỉ có Thơ và Tơ Tưởng (chữ của Hàn Mặc Tử) mới giải phóng Việt Nam. Thơ ca ở đây không có nghĩa là những bài, những bài ca ngớ ngẩn mất dậy của một lũ văn nghệ ngu xuẩn chỉ đùa chơi lố bịch với ngôn ngữ hấp hối: và Tơ Tưởng ở đây không phải chỉ là triết lý ý thức hệ nông cạn của thứ chủ nghĩa Marx-Lenine rẻ tiền, và của cả thứ chủ nghĩa triết lý phân tích ngôn ngữ hay thực dụng coca-colaism. Chỉ có thi sĩ mới có được tơ tưởng lớn nhất mới chuẩn bị mở đường về Quê Hương. Tất cả còn lại chỉ là một hơi thở tàn tạ trong trái tim của một con chim én bị bắn rớt vào một buổi chiều hoang vu nhất mặt đất. Từ khi con người có trên mặt đất này, con người đã tìm mọi cách để xua đuổi phỉ báng thi sĩ. Người ta thường sung sướng tự mãn cho rằng thi sĩ chỉ biết mơ mộng và không thực tại thực tế thực tiễn. Lời kết án ấy trở nên qúa sáo, đến nỗi người ta còn có can đảm xử dụng mà không hề thấy mắc cỡ về sự ngu xuẩn của mình. Người ta làm như người ta hiểu Thơ là gì, hiểu Mơ Mộng là gì, và hiểu Thực Tại là gì. Thực là khôi hài.
Có một câu của Heidegger đã không ngớt ám ảnh tôi từ trên mấy chục năm nay. “Thơ ca không phải chỉ là một đồ trang sức phụ hoạ đời sống, cũng không phải là một cơn xúc động nhiệt tình nhất thời hay chỉ là một sự quan tâm thích thú và tiêu khiển mua vui giải sầu. Thi ca là nền móng căn bản cơ sở chống đỡ lịch sử, vì thế thơ ca không phải chỉ là một phát hiện văn hóa, và hoàn toàn không phải chỉ là “diễn đạt” của một thứ “linh hồn văn hóa”. Những giòng ấy quyết định một cái gì trầm trọng nhứt trong lịch sử con người trên mặt đất: Chính Ngôn Ngữ kiến lập tạo thành thế giới. Và chỉ khi nào thế giới phát hiện thì mới có cái gọi là Lịch Sử. Ngôn ngữ không phải chỉ có mục đích diễn đạt truyền thông, mà hơn cả mọi sự, Ngôn Ngữ chính là biến cố quan trọng nhứt khai mở khả tính tối thượng của đời sống con người trên mặt đất. Lúc thành kính chiêm ngưỡng Holderlin, Heidegger có tư tưởng quyết định: ”Thơ ca là Ngôn ngữ Uyên nguyên (Ur-Sprache) của một dân tộc có sử tính”. Đối với Holderlin, thi sĩ là kẻ đạo đạt “tiếng nói của dân tộc”, là kẻ bị hất ra ngoài đời sống tầm thường của thế nhân và đứng giữa những thần linh và loài người. “Nhưng chỉ ở chỗ giữa này mà lần đầu tiên mới quyết định con người là ai và con người an định đời sống mình ở đâu. Con người chỉ thực sự là con người khi con người biết lưu trú một cách thơ mộng trên trái đất (Holderlin). Chỉ có thi sĩ là tạo dựng lại mọi sự “bằng Ngôn Ngữ và qua bên trong Ngôn Ngữ.” Phải phá vỡ tất cả Ngôn Ngữ mất gốc rễ của Việt Nam hiện nay. Chỉ có cuộc Cách Mạng Ngôn Ngữ mới là cuộc Cách Mạng duy nhứt dẫn đầu tất cả mọi thứ, và hiển nhiên chỉ có thi sĩ mới làm được sự chuyển hóa toàn diện trong ngôn ngữ Việt Nam bằng cách lắng tai nghe trong Im Lặng của sư Cô Đơn cùng cực, lắng tai nghe Tiếng Nói của Dân Tộc âm thầm trổi dậy từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, Tiếng Nói phát lên từ sự sụp đổ toàn diện của tất cả mọi giá trị, của mọi truyền thống. Holderlin đã đau đớn nhắn lại những thi sĩ nhân loại rằng thời đại này là thời đại mà “những thần linh đã đi mất và thần linh mới chưa tới.” Thi sĩ phải chịu đứng giữa cái gì linh thiêng nhứt đã mất và cái gì linh thiêng khác chưa xuất hiện. Vì thế thi sĩ phải bị hất ra ngoài lịch sử để dựng lại lịch sử uyên nguyên của Dân Tộc. Thi sĩ không nô lệ vào sự tất định của lịch sử, vì chính thi sĩ là sự thể hiện sự tự do toàn triệt của Sáng Tạo; sự tự do toàn triệt này không phải là sự phóng túng nghệ sĩ lông bông mà chính là tất yếu tính nội tại của tất cả sử tinh. Câu thơ mộng của Holderlin không ngớt ám ảnh tôi gần mười năm nay “Hãy để thi sĩ tự do thong dong như những con chim én”. Viết tới đây tôi nhớ tới Nguyễn Du hay Hàn Mặc Tử, và tôi hình dung tưởng tượng Nguyễn Du hay Hàn Mặc Tử đang đầu thai sống lại tại đất Việt Nam, và thử tưởng tượng họ đang làm gì. Tôi không biết, chỉ một điều mọi người đều biết: Tất cả những con chim én đều sẽ lần lượt bị tắt thở ở quê hương.
Nguyên Tánh
(Phạm Công Thiện)
trong tập Đà Lạt Tưởng Niệm Dưới Mặt Đất

Sunday, March 22, 2020

Phạm Công Thiện – Nỗi Cô Đơn Của Hoài Khanh

        Phạm Công Thiện – Nỗi Cô Đơn Của Hoài Khanh

Thơ Thân Phận của Hoài Khanh – Hương Tích Phật Việt xuất bản tại Hoa Kỳ, 2014

THAY LỜI TỰA: Nỗi cô đơn của Hoài Khanh


Thôi nước mắt đã ghi đời trên đá
Và cô đơn đã ghi dấu trên tay
217Chiều 30 Tết, sương mù xuống nhiều, hai người lang thang trên mấy nẻo đường ở Đà lạt…
Hoài Khanh bỏ Biên hòa và lên Đà lạt ăn Tết với tôi. Bạn bè dăm đứa hắt hiu cuối trời… Hôm đó, tôi đi vắng. Hoài Khanh bơ phờ đứng chờ tôi. Vừa bước về nhà, chợt thấy Khanh, tôi rưng rưng ôm anh mà hôn… Xa nhau bao ngày, bây giờ lại trùng phùng nơi cảnh trời thơ mộng vào ngày cuối năm. Ngày trước khi chia tay nhau chúng tôi có ngờ đâu lại gặp nhau trong một khung cảnh thiên đàng, giữa mùa hoa đung đưa, dưới bầu trờ đầy mây trắng lê thê trong hơi xuân mơ hồ của Đà lạt. Chúng tôi dẫn nhau lang thang trên những đường phố tối tăm nhất, lắng nghe tiếng chó sủa và lắng nghe tiếng lòng mình rạo rực đau khổ vì quá bơ vơ, vì quá lạc lõng giữa sa mạc loài người. Người này nắm tay người kia, dắt nhau đi, lê thê như hai người mù đi xin ăn giữa phố chợ: chúng tôi đi ăn mày một chút tình thương giữa con người, một chút giao cảm, một chút rộng lòng, một ánh lửa ấm áp giữa đêm lạnh nhất và đen tối nhất của ngày cuối năm. Người ta chết và không hạnh phúc.
Cuộc đời đã quá nhiều ngộ nhận. Đêm ba mươi Tết không mưa. Chúng tôi nhắc đến những người bạn khác, nhắc đến Bùi Giáng, Hoàng Trúc Ly, … Mỗi người bơ phờ ở một góc trời, ôm một nỗi lòng tha thiết, nồng nàn dâng trọn hồn mình cho đời.
Hoài Khanh ở với tôi được vài ngày, rồi không hiểu sao, tôi lại đuổi Khanh về Biên hòa… Tôi chịu anh không được. Ngày anh đến, tôi hôn anh. Ngày anh đi, tôi muốn anh đi cho phức mắt.
Mấy ngày anh ăn Tết với tôi ở Đà lạt, anh chỉ im lặng và ít nói. Chúng tôi thương nhau lắm. Thế mà chỉ nhìn nét mặt của anh và chỉ nghe sự im lặng của anh, tôi kinh hoàng đi. Tôi muốn đuổi anh đi ngay, tôi muốn đuổi một hình ảnh hãi hùng: tôi muốn được thanh bình trong tâm hồn trong những ngày này. Bởi vì đây là hình ảnh bi đát của Đời, của con người, của một kẻ bị đày giữa bãi đất hoang tàn của nghĩa địa trần gian. Nhìn nét mặt Khanh, tôi thấy sự Chết, tôi thấy Bệnh hoạn, Đau khổ, Quằn quại, Khắc khoải, Ray rức, Xao xuyến, Hãi hùng, Hoang liêu, Cô đơn; tôi thấy sự Chiến bại, sự Thất vọng của con người. Nghe sự im lặng của Khanh, tôi cảm thấy Thượng đế, tôi cảm thấy Quỷ ma, tôi cảm thấy Tiếng nói của một ngàn đêm, hai ngàn đêm, triệu ngàn đêm, tiếng nói của muôn triệu ngàn đêm vọng về hiu hiu trong lòng nhân thế. Tôi không muốn nghe, cũng như bao nhiêu người khác cũng không muốn nghe, bởi vì đó là tiếng nói của sự thật: Tiếng nói của dòng sông vạn ngàn năm chảy trôi về biển. Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù…
Tôi muốn trốn thân phận con người, tôi không muốn nhìn hình bóng lẻ loi của một kẻ bị đày ở cuối trời miên viễn… Tôi lẩn trốn vì thấy mình không thể… không thể được. Không thể trốn. Chỉ còn cách tự tử như Hemingway trong một cơn khủng hoảng thác loạn. Nếu không làm thế thì đứng lại mà trừng mắt ngó nhìn nét mặt Khanh, lắng nghe sự im lặng của Khanh và đừng chạy trốn nữa.
Thế rồi cách đây một tuần, lúc về Sài gòn, tôi có ghé lại Biên hòa để gặp Khanh. Khanh chỉ ở một mình, trong một căn nhà tồi tàn, tôi nhìn lên vách và gặp những bức tranh của Michel Ange, của Van Gogh và Picasso, những bức ảnh của Pasternak, Evtushenko, Salinger, Hemingway và Camus, rồi tôi nhìn Khanh. Bỗng nhiên, tôi thấy tất cả sự vật ngừng lại, cả thế giới đứng lặng lờ và Hoài Khanh cũng đứng lặng lờ như một bức ảnh treo tường; tôi bay ra ngoài thế giới này và có cảm tưởng như là một hồn ma trở về viếng lại thế giới loài người, ngắm lại những hình ảnh bất di bất dịch của con người giữa dòng đời trôi chảy và trong một thoáng giây, tôi lắng nghe được tiếng nói miên man của sự im lặng đưa vọng ra từ đôi môi bất động của những bức ảnh kia và bỗng nhiên tôi thấy sống lại và không còn là hồn ma nữa, tôi nhìn mấy ngón tay, nhìn lại người mình đã mang lại xác người và tôi nhìn lại Hoài Khanh, tôi thấy anh không còn là một bức ảnh nữa. Anh cũng cử động như tôi và anh mở miệng cười. Tôi cũng mở miệng cười, nụ cười của một người mà linh hồn vừa mới thoát ly ra thể xác.
Đà lạt ngày 26 tháng 4 năm 1962
Phạm Công Thiện

Sunday, March 1, 2020

Phạm Công Thiện: Buổi chiều nắng hạ đọc thơ Tuệ Sỹ

Buổi chiều nắng hạ đọc thơ Tuệ Sỹ

Phạm Công Thiện



Thầy Tuệ Sỹ
Tôi đang ngồi nơi giảng đường của chùa Diệu Pháp ở California tại Huê Kỳ, chung quanh đầy tiếng chim kêu trên những cây chanh, những cây bằng lăng và những cây thông, cây tùng và những bông mộc lan trắng đang nơủ đầy hàng cây trên đồi dọc theo đường thoải xuống dưới kia thành phố Monterey Park.
Ngồi trên đồi cao nhìn ra xa có những rặng núi “như quáng nắng, như giấc mộng, như thành phố giữa sa mạc”…
Tôi muốn giành buổi chiều ngày hạ hôm nay để đọc lại thơ cua Tuệ Sỹ, một người bạn trẻ tài ba mà tôi đã quen biết thân thiết từ lúc Tuệ Sỹ mới khoảng 19 tuổi; rồi từ năm 1966, từ Paris tôi trở về Sài Gòn và ơủ lại cho đến năm 1970, trong bốn năm trời, dường như không có ngày nào chúng tôi không gặp mặt nhau và chia xẻ vui buồn với nhau trên mọi bình diện. Tôi lìa Việt Nam từ năm 1970 cho đến hôm nay, như thế có nghĩa rằng 24 năm nay tôi đã xa lìa Tuệ Sỹ và chưa được dịp gặp lại. Trong thời gian ấy, Tuệ Sỹ bị Cộng Sản nhốt tù từ năm 1979 cho đến năm 1981, và sau cùng từ năm 1984 cho đến năm nay, mười năm liên tục, Tuệ Sỹ vẫn bị Cộng Sản nhốt tù và bị xưủ tưủ hình, rồi giảm xuống chung thân hay hai chục năm cấm cố. Lần cuối cùng tôi gặp Tuệ Sỹ thì Tuệ Sỹ mới 26 tuổi. Chiều nay, tôi giựt mình chợt nhớ rằng năm nay Tuệ Sỹ đã 50 tuổi rồi. Thế thì không còn là chú tiểu Tuệ Sỹ mà là một đại thượng tọa Thích Tuệ Sỹ! Dù trong cảnh tù ngục đói khổ trăm điều, thiền sư thiên tài Tuệ Sỹ vẫn bất khuất và hùng khí vẫn ngùn ngụt cao ngất như đỉnh Trường Sơn mà nhà thơ Tuệ Sỹ vẫn trọn đời ngưỡng vọng yêu thương trên những con đường oanh liệt khai mở cho Sử Tính quê hương được vượt thoát ra ngoài chế độ Cộng Saủn, cái chế độ hoang phế tàn tạ mà Tuệ Sỹ gọi là “tha ma mộ địa”. Chúng ta hãy lắng nghe bài thơ “Ngục Tối” của Tuệ Sỹ:
Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay
Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa
Lạnh trăng tà lụa trắng trải rừng cây
Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỉ
Quì run run hôn mãi lóng xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn ta theo đốm lửa ma trơi.
Bốn câu thơ cuối đã nói hết tất ca thế giới điêu tàn cua Cộng Sản Việt Nam hiện nay:
Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỉ
Quì run run hôn mãi lóng xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn tan theo đốm lửa ma trơi
Hai câu thơ cuối cùng của bài “Ngục Tối” nói lên ý chí hực lưa đốt cháy tất cả gỗ mục của tâm thức hạ liệt:
Khi tâm tư vẫn chưa là gỗ mục
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời
Bốn câu thơ cuối của bài “Giao Hưởng Bóng Tối” rực sáng lên đôi mắt trí huệ “đáo bỉ ngạn” của Tuệ Sỹ:
Ôi tiết nhịp thiên tài hay quỉ mị
Xô hồn ta lảo đảo giữa tường cao
Trưa dài lắm ta luân hồi vô thủy
Đổi hình hài con mắt vẫn đầy sao
Tuệ Sỹ còn có những bài thơ ngắn “Năm Tàn” mà âm vang phơi phới như ngọn gió rừng:
Lận đận năm chầy nữa
Sinh nhai ngọn gió rừng
Hàng cà phơi nắng lụa
Ngần ngại tiếng tha phương
(Năm Tàn)
Bài Trầm Mặc đưa chúng ta đi vào sự trầm mặc ung dung, không hẳn bi quan và không hẳn lạc quan, coi cuộc đời “như quáng nắng, như giấc mộng, như thành phố giữa sa mạc: tất cả sự hiện khởi, tồn tục và biến mất đều như vậy” (như câu kệ của Long Thọ mà Tuệ Sỹ đã trích dịch trong quyển Triết Học Về Tánh Không của mình):
Anh ôm chồng sách cũ
Trầm mặc những đêm dài
Xót xa đời khách lữ
Mệnh yểu thế mà hay
(Trầm Mặc)
Bài Thoáng Chốc ửng hiện lên âm hưởng thơ mộng, huyễn, bào, ảnh của Kim Cương Kinh, phối hợp bình đẳng với lòng Đại Bi sâu thẳm:
Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khoé môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao.
(Thoáng Chốc)
Tình yêu chỉ thực sự tình yêu, tình người chỉ thực sự là tình người, vì trực thức rằng tất cả đều là khoảnh khắc chiêm bao. Mỗi khi mình trực nhận rằng chính mình cũng là “khoảnh khắc chiêm bao” thì sự bừng dậy tỉnh thức toàn diện vụt chợt tới và từ đó mình đứng dậy lao thân vào hành động thuần túy của một bậc Bồ Tát để giải thoát con người ra khỏi tất cả lao lung của đời sống. Tuệ Sỹ đã sẵn sàng đi vào tù để chuyển y tâm thức khả dĩ phá tung tất cả tù ngục nhân sinh.
Chúng ta hãy đọc bài “Tôi vẫn đợi” cua Tuệ Sỹ:
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
Một vì sao bên khoé miệng rưng rưng
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sư
Dài con sông tràn máu lệ quê cha
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái bình dương
Người ở lại với bàn tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bong
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi khép lại hàng mi về Cõi Mộng
Như sương mai như bóng chớp mây chiều.
(Tôi vẫn đợi)
Một bài thơ lục bát cuủa Tuệ Sỹ có những câu khó quên:
… Sầu trên thế kỷ điêu linh
Giấc mơ hoang đảo thu hình tịch liêu
Hận thù sôi giữa nắng chiều
Sông tràn núi lở nước triều mênh mông
Khói mù lấp kín trời Đông
Trời ơi tóc trắng rũ lòng quê cha
Con đi xào xạc tiếng gà
Đêm đêm trông bóng Thiên hà buồn tênh.
Bài thơ cuủa Tuệ Sỹ mà tôi yêu thích nhất là bài “Một bước đường”:
Một bước đường thôi nhưng núi cao;
Trời ơi, mây trắng đọng phương nào?
Đò ngang neo bến đầy sương sớm;
Cạn hết ân tình nước lạnh sao?
Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi.
Cho hết đêm hè trong bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa.
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng Thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh
Tôi không thể làm việc phê bình thơ; tôi chỉ muốn cho Thơ của Tuệ Sỹ tự hiện diện từ chính nơi tự tánh cuủa Thi Ca, không cần sự can thiệp trực tiếp hay gián tiếp cuủa một cái gì khác bên ngoài, như chính Tuệ Sỹ đã tự nói trong hai câu đầu một bài thơ chữ Hán do Tuệ Sỹ làm:
Tự tâm tự cảnh tự thành chương
Tự đối bi hoan diệc tự thưởng
(Tác Thi Sự)
và Thi sĩ Vân Nguyên đã dịch:
Cô độc cảnh tâm thơ tự xuất
Tự ngắm buồn vui tự thưởng thức
hay dịch sát nghĩa:
Từ lòng mình, tự cảnh vật, tự thành chương cú
Tự đối mặt với những buồn vui rồi tự mình thưởng thức
Thay vì “chương cú” như Vân Nguyên đã dịch sát nghĩa, tôi muốn dịch thoát trùng khơi là “chương khúc”… Nhưng Vân Nguyên đã tài tình chuyển là “THƠ TỰ XUẤT”.
Mấy chục năm qua, Tuệ Sỹ đã làm rất nhiều thơ, nhưng Ni Cô Tuệ Hạnh chỉ thu nhặt được mấy chục bài và cho in lại với nhan đề thi tập là Ngục Trung Mị Ngữ, do Quaủng Hương Tùng Thư xuất bản. Đặc biệt trong thi tập này có 18 bài thơ mà Tuệ Sỹ làm thẳng bằng chữ Hán, có một bài làm xúc động tâm hồn tôi đến cực điểm, bài Cúng Dường:
Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn
Thượng Tọa Viên Lý dịch lại như sau:
Hai tay nâng chén cơm tù
Dâng lên từ phụ bậc thầy nhân thiên
Thế gian huyết hận triền miên
Bưng bình cơm độn lặng yên lệ trào.
Nhà thơ Vân Nguyên cũng có dịch như sau:
Dâng chén cơm tù lên
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian tràn oán hận
Ôm chén lòng khóc thầm.
Tất cả hành động chính trị thường tình đều phiến diện; ý thức chính trị toàn diện chỉ được thể hiện nơi một con người vừa là thi sĩ vừa là thiền sư đạo sĩ vừa là nhà hành động nhập thế với tinh thần “vô công dụng hạnh” của bậc Bồ Tát, hành động tích cực mãnh liệt toàn triệt mà vẫn giữ cảm thức viễn ly và viễn mộng. Vì không tham vọng ích kỷ mù quáng cho nên mới nuôi dưỡng cảm thức viễn ly, vì không bị kẹt dính vào tham, sân và si của thế tục cho nên mới hàm dưỡng viễn mộng. Làm chính trị mà biết mơ mộng và sống thơ mộng, biết viễn ly và viễn mộng, khó thấy lắm trong lòng thực tại bi đát cuủa quê hương hiện nay.
Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ thi nhân với pháp khí phi thường là Trí Huệ Bát Nhã cùng với lòng Đại Bi Thơ Mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của Ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng dẫn đường soi sáng Thế Mệnh của Sử tính quê hương.
Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 50 năm của Tuệ Sỹ, qua đài phát thanh Nhà Nước Úc Châu SBS, và nhờ lời mời của nhà thơ Ngọc Hân, vị phụ trách chương trình Việt ngữ của đài SBS, tôi xin thân yêu gửi một quà tặng bí mật đến thiền sư thi sĩ Tuệ Sỹ: tất cả năng lực tâm linh và tinh thần của vũ trụ được súc tích cô đọng trong câu đại thần chú đạo sư Tây Tạng Liên Sinh Bồ Tát: OM AH HUM VAJRA GURU PADMA SIDDHI HUM!
California, ngày 20 tháng 6, 1994.
Phạm Công Thiện