Showing posts with label Chánh niệm. Show all posts
Showing posts with label Chánh niệm. Show all posts

Friday, December 15, 2023

Doãn Hưng | Việt Báo: TS Bạch Xuân Phẻ Chia Sẻ Cách Hướng Dẫn Chánh Niệm Cho Tuổi Teen

bach-xuan-phe
Garden Grove (VB)- Vào ngày Chủ Nhật 7 tháng 12 2023, tại Trung Tâm Thực Hành Chánh Niệm Nam Cali (MPC), Tiến Sĩ Giáo Dục Bạch Xuân Phẻ đã có buổi chia sẻ về cách hướng dẫn cho các em tuổi teen thực hành chánh niệm. Cùng tham dự buổi chia sẻ còn có chị Chơn Nguyên, y tá của Học Khu Centralia (Buena Park), huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, nhiều bậc phụ huynh có con em đang ở tuổi teen, tăng thân Xóm Dừa, Nụ Hồng…

Thực hành chánh niệm để giảm căng thẳng, điều trị một số triệu chứng bệnh tâm lý, tăng khả năng tư duy trong học tập… đã ngày càng trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ trong thập niên qua. Chánh niệm ngày nay xuất hiện trong trường học, bệnh viện, quân đội và cả nhà tù ở Mỹ. Nhiều phụ huynh gốc Việt biết lợi ích của chánh niệm, nhưng không biết làm sao để thuyết phục con em ở tuổi teen chịu thực hành tại nhà. Trong buổi chia sẻ, TS Phẻ và chị Chơn Nguyên đã trình bày một số nét chính về lý do nên thực hành chánh niệm, một số hình thức thực hành phù hợp với tuổi teen, và cách truyền thông giữa cha mẹ và con em.

TS Phẻ dạy môn Hóa tại một trường trung học ở Sacramento. Anh xúc động kể lại câu chuyện về một người học trò của mình tự tử vì cha không chấp nhận sự thật rằng em là người đồng tính. Và trong cuộc đời đi dạy của mình, TS Phẻ còn chứng kiến thêm nhiều trường hợp các em học sinh khác tự sát vì không thể kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực về cuộc đời. Điều này thôi thúc anh hướng dẫn cho các em thực hành chánh niệm trong lớp học. Bởi vì nếu có thể kiểm soát được sự căng thẳng, nỗi tuyệt vọng, các em đã không đi đến hành động tự hủy hoại cuộc đời như vậy.

Hiểu một cách đơn giản, chánh niệm là khả năng có thể nhận diện được những thứ diễn ra trong tâm thức của mình ngay trong giây phút hiện tại mà không phán xét. Nếu làm được điều này, các loại cảm xúc tiêu cực giống như những người khách, sẽ đến rồi đi chứ không thể làm chủ được chúng ta, điều khiển chúng ta có hành động ngoài sự kiểm soát của lý trí. Và đây cũng là lợi ích đầu tiên của việc thực hành chánh niệm.

Chơn Nguyên cũng đồng ý với TS Phẻ khi ví chánh niệm giống như cho tâm trí của mình được hưởng một kỳ “vacation”. Một sự tĩnh lặng dù chỉ trong vài phút có thể giúp trí não phục hồi khả năng tư duy nhạy bén, giúp các em học sinh tập trung tốt, từ đó có kết quả học tập tốt hơn. Một số chuyên gia về não bộ cho rằng các em học sinh ở mọi lứa tuổi đều nên thực hành ngồi tĩnh tâm theo dõi hơi thở. Nguyên tắc đơn giản là (Age + 1) các em bao nhiêu tuổi thì có thể ngồi được bao nhiêu phút: 6 tuổi thì có thể ngồi trong 7 phút, 12 tuổi thì ngồi 13 phút… Chơn Nguyên kể rằng khi cho các em thực hành ngồi yên vài phút trước khi giờ học bắt đầu, chính các em cảm nhận lợi ích của việc này, và sau này thỉnh thoảng còn nhắc cô cho thực hành thêm. Các thầy cô giáo khác cũng chia sẻ rằng chỉ sau một vài phút thực hành chánh niệm đầu giờ, các em học sinh ổn định nhanh hơn, giờ học bắt đầu nhanh hơn.

Còn một số nguyên nhân rất hữu lý khác có thể dùng để thuyết phục các em thực hành chánh niệm. Các em muốn học giỏi, mơ ước vào các đại học danh tiếng? Các em có biết rằng đại học Harvard trong năm nay vừa mở một trung tâm thực hành chánh niệm mang tên thiền sư Thích Nhất Hạnh? Các em muốn trở thành bác sĩ, y tá để giúp người trong vấn đề sức khỏe? Các em có biết rằng tại bệnh viện UCLA có hướng dẫn thực hành chánh niệm cho bệnh nhân và y tá?

Lý do để khuyên các em nên thực hành chánh niệm là vậy. Còn các em nên bắt đầu thực hành như thế nào là phù hợp? Theo dõi hơi thở là một hình thức đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để bắt đầu. Hơi thở giống như cái neo để buộc tâm trí dừng lại trong giây phút hiện tại. Theo dõi được hơi thở vào ra một cách nhẹ nhàng, tâm trí sẽ có được những giây phút tĩnh lặng, thảnh thơi hết sức cần thiết. TS Phẻ đã hướng dẫn một số phương pháp theo dõi hơi thở có thể áp dụng cho các em học sinh. Ngồi thẳng lưng nhưng buông lỏng trên ghế, theo dõi hơi thở vào ra để làm tâm lắng xuống. Việc theo dõi hơi thở có thể được kết hợp với nuôi dưỡng lòng yêu thương, từ bi với người khác. Và người đầu tiên mà mình cần thực tập thương yêu đó chính là bản thân mình. Thực tập khi bắt đầu ngồi theo dõi hơi thở với lời cầu nguyện: “ Thở vào, tôi nguyện cho tôi được bình an. Thở ra, tôi nguyện cho tôi được bình an…”. “Thở vào, tôi nguyện cho cha mẹ tôi được bình an…”. “Thở vào, tôi nguyện cho những người chung quanh tôi được bình an…”

Thực hành chánh niệm có thể được thực hiện với những hình thức khác sinh động hơn. Thí như thực hành những động tác thể dục kết hợp với hơi thở điều hòa. Hay đi chậm rãi, theo dõi những bước chân đưa lên, đặt xuống. Chơn Nguyên có hướng dẫn cách ăn một trái quýt trong chánh niệm. Ăn quýt chậm rãi, sử dụng tất cả những giác quan để thưởng thức nó. Mắt nhìn nhận thức màu sắc, hình dạng của trái quýt. Tay bóc trái quýt cảm nhận được vỏ trơn láng, những múi quýt mềm và hơi nhám với những sợi sơ. Mũi ngửi được hương thơm của những trái quýt. Khi cắn vào cảm nhận được được vị chua, ngọt của từng múi quýt. Ăn quýt như vậy sẽ ngon hơn rất nhiều! Và ăn quýt cũng có thể kết hợp với việc nuôi dưỡng lòng biết ơn. Ăn quýt mà nhìn thấy mặt trời, thấy đất, thấy người nông dân… Biết bao nhiêu công sức mới có được trái quýt mà ta đang ăn, từ đó mà biết ơn người, ơn đời.

Cha mẹ nên sử dụng cách thức truyền thông, đối thoại ra sao để khuyên bảo con em mình thực hành chánh niệm? TS Phẻ cho biết nhiều em học sinh tâm sự rằng không thể nói chuyện được với cha mẹ, thường xuyên xung khắc với cha mẹ vì không có sự cảm thông. Nói chuyện còn chưa được, nói chi đến khuyên bảo? Vì vậy, hãy nói với các em bằng lòng yêu thương và sự cảm thông. Và cách thuyết phục hay nhất có lẽ là thân giáo, là hành động của chính bản thân mình. Trẻ em thầm lặng quan sát hành vi của cha mẹ, và bị ảnh hưởng nhiều từ điều này. Vì vậy, để khuyên các em thực hành chánh niệm, cha mẹ cần thực tập trước, và cho thấy điều này đem lại những lợi ích qua cách hành sử thường ngày của chính mình.

Một trong những cách để tương tác với các em hữu hiệu đó là qua các bài hát. Những người Mỹ thực hành chánh niệm theo phương pháp của Làng Mai có những bài hát đơn giản, dễ thương, có ý nghĩa, có thể nhắc nhở các em về chánh niệm. Trong buổi chia sẻ, mọi người hát chung với nhau những bài hát về sự hân hưởng thiên nhiên, là bước khởi đầu của chánh niệm:

Tìm từ cuộc đời nhiều hạnh phúc đáng quí
Có ngay đất này
Tìm từ mặt trời từng hạt nắng lấp lánh
Và dòng nước nói cùng ai
Gió thì thầm điều gì và nước cùng hòa ngàn lời
Hát câu yêu đời

Hay là:

Người là mây bay xanh màu trời ánh biếc
Cất cánh chim ngang trời bay vút xa ngàn khơi
Người là cành hoa thơm ánh mặt trời ấm áp
Trái đất sẽ ươm mầm cho những chồi xanh…

Kết thúc buổi chia sẻ, TS Phẻ kêu gọi mọi người cùng tham gia phổ biến cách thực hành chánh niệm đến với các em tuổi teen. Những buổi hướng dẫn tuổi teen thực hành chánh niệm tại MPC là một dự án trong tương lai, và cần có sự góp sức của nhiều người. Chúng ta giống như những người đi gieo hạt mầm chánh niệm. Nếu đầy đủ các yếu tố thuận lợi, hạt mầm rồi đây sẽ đâm chồi, nẩy lộc thành cây trái. Những khu vườn chánh niệm, là nơi nương tựa bình an cho thế hệ mai sau, đang bắt đầu từ ngày hôm nay.

Doãn Hưng    

Doãn Hưng | Việt Báo    
 

Wednesday, November 22, 2023

Thông Báo Buổi Chia Sẻ Cách Hướng Dẫn Tuổi Teen Thực Hành Chánh Niệm Dec 12

 Thông Báo Buổi Chia Sẻ Cách Hướng Dẫn Tuổi Teen Thực Hành Chánh Niệm Dec 12

B X phe in seminar

 Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ đang hướng dẫn các thầy cô giáo thực hành chánh niệm


Trung Tâm Thực Tập Chánh Niệm Nam California (MPC) xin mời quí vị phụ huynh con em tuổi teen, các nhà hoạt động cộng đồng trẻ  đến tham dự buổi hội thảo “Chia Sẻ Về Cách Hướng Dẫn Tuổi Teen Thực Hành Chánh Niệm”, được tổ chức vào ngày Chủ Nhật 10 Tháng 12 2023.


Con cái ở tuổi teens (đang lớn) có thể  “cắt đứt” nhịp cầu thông cảm với cha mẹ vì một chuyện nhỏ. Các phụ huynh đa số đều gặp chuyện này, và họ loay hoay tìm cách nối lại nhịp cầu yêu thương, thông cảm với các con ở lứa tuổi có tâm lý rất nhạy cảm, phức tạp và đang muốn tự lập. Các em không còn là “các cô cậu” dễ thương như trước, mà sẵn sàng có ý kiến trái ngược hoặc chống đối bố mẹ! Khi bị căng thẳng quá mức và có vấn đề tâm lý, các em có thể rơi vào tình trạng trầm cảm, đôi khi bỏ học v.v…


Khoa học và thực tế đã chứng minh rằng việc thực hành chánh niệm đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho các em ở lứa tuổi teen: giảm căng thẳng trong học tập cũng như đời sống thường ngày; giúp ổn định tâm lý; tăng cường khả năng tập trung, suy luận lôgic trong học tập; phát triển lòng nhân từ…Hiện nay nhiều trường học ở Hoa Kỳ cũng như Châu Âu đã khuyến khích việc hướng dẫn thực hành chánh niệm cho các em học sinh. Vấn đề quan trọng là làm sao để có thể thuyết phục được các em chịu thực tập, cũng như tìm ra các phương pháp thực tập thích hợp với tuổi teen


Trung tâm Thực tập Chánh Niệm MPC tại Quận Cam đã tổ chức mấy buổi hội thảo do tiến sĩ tâm lý Xuyến Đông trình bầy, mục tiêu để giúp phụ huynh hiểu các vấn đề tâm lý của con em. 


Trong buổi chia sẻ kỳ này, người tham dự sẽ nghe Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ chia sẻ kinh nghiệm giúp các học sinh thực hành chánh niệm. Là một giáo sư trung học ở Sacramento, một nhà hoạt động giáo dục, Tiến Sĩ Phẻ đã thực hiện các buổi huấn luyện cho thầy cô giáo thuộc nhiều học khu California, hướng dẫn những phương cách phù hợp để khuyến khích các em học sinh tuổi teen thực tập cách sống có ý thức.


Chi tiết cụ thể về buổi chia sẻ như sau:
- Thời gian: Chủ Nhật ngày 10 tháng 12 năm 2023, từ 10:00 AM đến 12:00 PM
- Địa điểm: Trung Tâm Thực Tập Chánh Niệm Nam California (MPC) 12221 Brookhurst Street Ste.240 Garden Grove (trên lầu  cơ sở Tommy Mai Financial).


Để thuận tiện cho việc chuẩn bị tổ chức, quí vị có nhu cầu tham dự xin ghi danh trước qua số điện thoại hoặc email:
Hưng Doãn - Cell: 310 985 0908- Email: nguoivietnam06@gmail.com
Chân Huyền – Cell: 714 801 9088 - Email: ChanHuyen@gmail.com


Trân Trọng
Ban Tổ Chức


Nguồn: https://vietbao.com/a317513/thong-bao-buoi-chia-se-cach-huong-dan-tuoi-teen-thuc-hanh-chanh-niem-dec-12

Sunday, January 5, 2020

CHÁNH NIỆM TRONG ĐỜI THƯỜNG - LỜI NÓI ĐẦU; Foreword - Mindfulness in Everyday Life


LỜI NÓI ĐẦU, CHÁNH NIỆM TRONG ĐỜI THƯỜNG (Cư sĩ Tâm Diệu, Nguyên Giác và Tâm Thường Định biên tập, cúng dường Ngày Đức Phật Thành Đạo, PL 2563) - Sắp ra mắt.

Foreword

For those who are still not acquainted with Mindfulness in its true essence, its practice and popularity might seem like part of another fad. However, Buddhists have been practicing it for countless time, for wonderful reason and for the greater good. Mindfulness grants its practitioner the ability to be in true contact with the people and situations at hand; it is awareness, which is obtained by paying attention on purpose, in the present moment, and without any judgement.

The practice of mindfulness on a daily basis, in everyday situations, can help us be more alert and in turn it can assist us to make more conscious and less reactive decisions. It can help us analyze our reactions in certain situations, so that we can respond in the best way possible at all moments. It gives a clarity of mind that so many of us are needing right now. Its benefits are so great, many therapists are currently using Mindfulness to help clients cope with anxiety, stress, or depression.This informative and practical collection will guide you through the concept of Mindfulness in everyday life, in leadership, and will also provide examples of its practice throughout many areas, ranging from the lives of spiritual masters, to how it could positively impact our current, hectic world. Bringing Mindfulness into each of our lives, be it that we are religious or not, will prove to offer benefits that can enrichen our own lives, and those of everyone who surrounds us.      

Views, thoughts, and  opinions expressed in each article belong solely to their author, and  not necessarily to others  and the editors.

 May all be safe
May all be well
May all be at ease
May all be happy.

From  your publishers


LỜI NÓI ĐẦU
Với những người chưa quen thuộc với Chánh Niệm trong ý nghĩa chơn chánh, việc thực tập và tính phổ biến của Thiền pháp này như dường một phần của cơn sốt phong trào. Tuy nhiên, Phật tử đã tu tập pháp này từ rất xa xưa, vì những lý do tuyệt vời và lợi ích lớn lao. Chánh niệm cho người tu tập khả năng tiếp xúc chơn thực với người và cảnh chung quanh; đó là ý thức đạt được bằng sự chú tâm vào mục tiêu, trong khoảnh khắc hiện tại, và không đưa ra phán đoán nào.
Tập Chánh niệm hàng ngày, trong các cảnh đời hàng ngày, giúp chúng ta tỉnh giác hơn, và như thế sẽ có nhận biết rõ hơn, giảm các quyết định có tính phản ứng. Nó có thể giúp phân tích các phản ứng của chúng ta trong các hoàn cảnh nào đó, để chúng ta có thể đáp ứng trong cách tốt nhất trong mọi khoảnh khắc. Nó làm tâm ý thức rõ ràng hơn, điều mà nhiều người đang cần hiện nay. Lợi ích Chánh niệm quá lớn: nhiều bác sĩ trị liệu đang dùng Chánh niệm giúp bệnh nhân đối phó với lo âu, căng thẳng, hay trầm cảm.
Tuyển tập các bài viết thực dụng và nhiều thông tin này sẽ giúp độc giả ứng dụng Chánh niệm trong đời sống hàng ngày, trong lãnh đạo, và cũng sẽ đưa ra các mô thức thực tập trong nhiều lĩnh vực, từ đời sống của các vị thầy tâm linh, cho tới cách nó có thể ảnh hưởng tốt vào thế giới đầy dao động của chúng ta hiện nay. Đưa Chánh niệm vào trong từng cuộc đời chúng ta, cho dù chúng ta có tôn giáo hay không, sẽ dẫn tới lợi ích làm phong phú chính cuộc đời chúng ta, và lợi ích cho cả những người quanh ta.
Quan điểm, suy nghĩ và ý kiến trong các bài viết là của riêng từng tác giả, không nhất thiết của những người khác và của nhóm biên tập.
Nhóm biên tập trân trọng gửi lời chúc an lành tới tất cả độc giả.

Tuesday, December 10, 2019

Chánh Ngữ Trong Đời Và Đạo Nguyên Giác

Chánh Ngữ Trong Đời Và Đạo
Nguyên Giác

Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ. 
Trong Trường A Hàm, Kinh DA 24 (Kinh Kiên Cố), bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, có ghi lời Đức Phật dạy: “Ta chỉ dạy các đệ tử ở nơi thanh vắng nhàn tĩnh mà trầm tư về đạo. Nếu có công đức, nên dấu kín. Nếu có sai lầm, nên tự mình bày tỏ.(1)
Xin bày tỏ sai lầm trong ấn bản Kinh Pháp Cú Tây Tạng, nơi trang 44, khi ghi về Bát Chánh Đạo, người viết đã ghi thiếu hai chữ “Chánh ngữ” trong tám chi phần. Bây giờ đã bổ túc xong, cả bản trên mạng, bản PDF và cả trên bản giấy lưu hành ở Amazon (2). Người viết trân trọng cảm ơn người chỉ ra lỗi thiếu sót này là Tỳ Khưu Minh Trí Buddhayana, một bạn thân trong việc làm thiện nguyện từ nhiều thập niên và gần đây thọ đại giới tại một ngôi chùa Miến Điện ở vùng Austin, TX. Đồng thời cũng xin cảm ơn Cư sĩ Tâm Diệu, người phụ trách Thư Viện Hoa Sen và nxb Ananda Viet Foundation, đã bổ túc hai chữ “Chánh ngữ” vào các ấn bản hiệu đính. Người viết xin sám hối trước Tam Bảo, và kính xin chư tôn đức sử dụng bản mới trên mạng, nếu có sử dụng. Bài này sẽ viết về đề tài Chánh ngữ.
.
Nơi đây, xin trích dẫn một số lời Đức Phật dạy về Chánh ngữ -- các Kinh sau đây do Thầy Thích Minh Châu dịch (3).
--- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. (Kinh SN 45.8)
--- Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói với lời từ tâm. (Kinh AN 5.198)
--- Này các Tỷ-kheo, có mười đề tài để nói chuyện này. Thế nào là mười? Câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về không tụ hội, câu chuyện về tinh tấn, câu chuyện về giới, câu chuyện về định, câu chuyện về tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Này các Tỷ-kheo, có mười đề tài để nói chuyện này. Này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy tiếp tục nói những câu chuyện liên hệ đến mười đề tài để nói chuyện này, thời các Thầy có thể với ánh sáng (của mình) đánh bạt ánh sáng của mặt trăng, mặt trời, những vật có đại thần lực, có uy lực, còn nói gì của các du sĩ ngoại đạo. (Kinh AN 10.69)
--- Này các Tỷ-kheo, chớ có nói lời tranh luận nhau: “Ông không biết Pháp và Luật này. Tôi biết Pháp và Luật này. Sao Ông có thể biết Pháp và Luật này? Ông theo tà hạnh. Tôi theo chánh hạnh. Ðiều đáng nói trước, Ông lại nói sau. Ðiều đáng nói sau, Ông lại nói trước. Lời nói tôi tương ưng. Lời nói Ông không tương ưng. Ðiều Ông quan niệm, trình bày đã bị đảo lộn. Quan điểm của Ông đã bị thách đố. Hãy đi giải tỏa quan điểm của Ông. Hãy tự thoát khỏi bế tắc nếu Ông có thể làm được”. Vì sao? Những câu chuyện ấy, này các Tỷ-kheo, không liên hệ đến mục đích, không phải căn bản cho Phạm hạnh, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. (Kinh SN 56.9)
.
Như thế, Chánh ngữ là một chìa khóa quan trọng để vào Pháp, vì là lời đúng sự thật, lời về viễn ly và giải thoát. Là ngón tay chỉ trăng, là ký hiệu để chở ý, do vậy khi chữ và lời minh bạch nói lên được Chánh pháp hẳn luôn luôn là kết quả từ các lựa chọn qua rất nhiều suy nghĩ, so sánh, đối chiếu giữa các chữ và lời. Đó cũng là một tiến trình để nhận ra khổ đế của những người dịch và ghi chú về kinh điển, khi lọc ra các chữ không vừa ý, lọc ra các ý bất toàn… để chọn các chữ thích nghi nhằm trình bày lời Đức Phật dạy. Thấy chữ này không chính xác, thấy chữ kia bất toàn – đó là nhận ra khổ đế trong khi dịch và viết. 
Không nương vào lời nói và chữ viết, chúng ta sẽ rất gian nan để thọ nhận và hiểu đúng Phật pháp. Ngày hôm nay chúng ta học Phật là nhờ công của các vị tiền bối đã dịch kinh điển ra tiếng Việt. Nhưng chọn đúng chữ để dịch lại là một tiến trình rất mực khó khăn. Bởi vì, hễ dịch sai la không giữ được Chánh ngữ. Lời nói và chữ viết nhiều khi đa nghĩa, thường gặp tình huống không gói trọn ý. 
Thí dụ, chữ dukkha thường được dịch là khổ. Đức Phật nói rằng ngài dạy về khổ và về chấm dứt khổ. Trong tiếng Anh thường dịch gần nghĩa, bằng chữ suffering. Tự điển Pali-English Dictionary (2008) nói rằng chữ dukkha không có chữ tương đương trong tiếng Anh, vì bao gồm cả những bất như ý trong cả thân và tâm. Một số học giả tùy nơi lại dịch là stress (căng thẳng), pain (đau đớn), unsatisfactoriness (không như ý), unhappiness (không hạnh phúc)… Tiếng Việt mình nói là “khổ” cho gọn, nhưng hàm cả nhiều nghĩa “bất như ý” hay “không vui”…
Do vậy, suy nghĩ nhiều nhất về Chánh ngữ chính là những người dịch và ghi chú về kinh luận. Không dễ gì tìm được chữ như ý để ghi lại lời Đức Phật.
Một chữ khác cũng khó dịch là “sati” – chúng ta thường dịch cho gọn, có khi là “tỉnh thức” và có khi là “chánh niệm.” Chữ “tỉnh thức” mang cả nghĩa đời, và đôi khi nghĩa đạo; thí dụ nghĩa đời, trên một chuyến xe buýt vài chục hành khách, có thể người “tỉnh thức” nhất lại là một anh trong nghề móc túi chờ sơ hở của người khác để hành nghề, và đó là bất thiện. Nhưng chữ “chánh niệm” lại không đầy đủ nghĩa.
Dựa theo các kinh trong Tạng Pali, chữ “sati” có nhiều nghĩa, như: ghi nhớ, nhận ra, ý thức được, khởi tâm tác ý, tâm tỉnh thức, tâm trong trẻo, hiện diện của tâm… trong khi tiếng Anh thường gặp là “mindfulness” và theo Wikipedia định nghĩa chữ này là “bringing one's attention to experiences occurring in the present moment” (chú tâm vào kinh nghiệm đang xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại), nghĩa là mang cả nghĩa đời, khi kỹ năng chú tâm này được các chiến binh bắn tỉa sử dụng để giết người.
Do vậy, Chánh ngữ là một lựa chọn chữ nghĩa rất gian nan (rất mực khổ đế). Vì hễ ghi sai một chữ, là tự lòng mình băn khoăn liền, huống gì là sót tới hai chữ.
Đôi khi, dịch theo nghĩa nào cũng đúng, và hễ chọn chữ này là lại rời chữ kia. Như trường hợp Kinh Pháp Cú Pali, bài kệ 348.
Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch là:
“348. "Bỏ quá, hiện, vị lai,
Đến bờ kia cuộc đời,
Ý giải thoát tất cả,
Chớ vướng lại sanh già." (4)
Nghĩa là, hãy buông bỏ cả quá khứ, hiện tại và vị lai mới tới bờ giải thoát được. Buông bỏ có nghĩa là rời bỏ tất cả sản phẩm ngũ uẩn, thân tâm trong ba thời (như 4 chữ phương châm của Thiền Tào Động: phóng hạ thân tâm, tức buông bỏ thân và tâm).  
Hầu hết các dịch giả đều dịch y hệt như Thầy Minh Châu, trong đó có quý ngài: Narada Thera, Acharya Buddharakkhita, Ajahn Munindo, Bhikkhu Ānandajoti, Daw Mya Tin…
Bài kệ đó là lời Đức Phật nói, khi chàng nghệ sĩ gánh xiếc Uggasena. Anh này là con của một nhà đại phú, say mê một cô vũ nữ trong một gánh xiếc lưu diễn nên chạy theo, kết hôn với cô và học nghề xiếc với cha của cô. Anh trở thành một nghệ nhân giỏi, trình diễn các màn trên cột cao. Một lần, khi gánh xiếc này tới Rajagaha để trình diễn trong 7 ngày, Đức Phật biết rằng đã tới cơ duyên độ anh này, nên ra đứng xem. Khi Uggasena trèo lên ngồi cột cao, trình diễn và đột nhiên thấy không ai chú ý tới anh để hoan hô, nên cảm thấy rất buồn. Đức Phật lúc đó mới nói với anh: “Hỡi Uggasena, người trí nên rời bỏ tất cả dính mắc vào các uẩn, và hãy tìm giải thoát ra khỏi vòng tái sinh.”
Rồi Đức Phật đọc bài Kệ 349. Nghe xong, chàng Uggasena, trong khi còn ngồi trên cột cao, đắc quả A La Hán. Anh trèo xuống và xin xuất gia theo Đức Phật.
Bài kệ đó được Thanissaro Bhikkhu dịch hơi khác đi trong tiếng Anh: hãy rời bỏ phía trước (thay vì vị lai), rời bỏ phía sau (thay vì quá khứ), rời bỏ cái trung gian (thay vì hiện tại)… you let go of in front, let go of behind, let go of between…. A.R. Bomhard cũng dịch như Thanissaro. (4)
Cả hai cách dịch đều đúng, vì ý Đức Phật nói là hãy buông bỏ tất cả sản phẩm ngũ uẩn/thân tâm trong bất kỳ thời nào và không gian nào. Nhưng người dịch tìm được chữ như ý là một lựa chọn gian nan, trong khi đi tìm Chánh ngữ.
Khi đối chiếu bài Kệ 348 trên với Tương Ưng Bộ, Kinh SN 1.1, có thể chúng ta sẽ thấy một nghĩa rất minh bạch.
Kinh này, trích bản dịch của Thầy Minh Châu là:
“— Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.
--- Thưa Tôn giả, làm sao không đứng lại, không bước tới, Ngài vượt khỏi bộc lưu?
--- Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.” (5)
Có thể hiểu rằng “bước tới” là mơ tưởng về (hay chạy đi tìm) một ngũ uẩn/thân tâm tương lai, và “đứng lại” là nuối tiếc quá khứ hay nắm giữ hiện tại…  không trôi giạt thì sẽ chìm.

Trong khi đó, nếu không giữ được Chánh kiến, trong rất nhiều trường hợp, chữ nghĩa chính là cạm bẫy lôi chúng ta vào sinh tử luân hồi. Như trường hợp Giả Đảo (779 - 843), một nhà thơ Trung Quốc thời nhà Đường. Ông nguyên là một nhà sư, sau hoàn tục, thi làm quan.
Một lần, ông nghĩ ra hai câu thơ, và suy tính không biết nên dùng chữ “thôi” (đẩy) hay chữ “xao” (gõ):
Ðiểu túc trì biên thụ ,
Tăng xao nguyệt hạ môn
(Dịch: Chim ngủ trên cây bên ao, nhà sư gõ cửa dưới ánh trăng.)
Gặp nhà thơ Hàn Dũ, được đề nghị dùng chữ “thôi” – nghĩa là: nhà sư đẩy cửa dưới ánh trăng.
Họ Giả mê thơ tới mức, truyền thuyết kể là cứ đêm trừ tịch hàng năm, Giả Ðảo gom hết thơ làm trong năm bày lên án, đốt hương, rót rượu vái lạy rằng: “Ðây là nỗi khổ tâm của ta trong suốt năm nay!”
Mê thơ tới mức như thế, dù thơ hay cỡ nào, cũng vẫn là chìm vào bộc lưu thôi. Bởi vì thơ, nếu không hướng về giải thoát, sẽ không gọi là Chánh ngữ.
Trong khi đó, chúng ta nhìn thấy chuyển biến rõ rệt trong đời nhà thơ Nguyễn Du (1765-1820), từ một thời lãng mạn tuổi trẻ tới cuối đời là hiển lộ các hiểu biết sâu sắc về Phật pháp. 
Trong tác phẩm “Hoan-trung Cổ-nguyệt-đường Xuân Hương nữ-sử tập: Lưu Hương Ký” do GS Nguyễn Ngọc Bích phiên âm và chú thích có ghi lại mối tình ngắn ngủi (khoảng hơn hai năm, 1802-1804/5) giữa Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương (1770? – 1840?). Theo GS Hoàng Xuân Hãn trong tác phẩm Hồ Xuân Hương Poèmes (in ở Paris), và theo nghiên cứu của GS Nguyễn Ngọc Bích trong Lưu Hương Ký, thơ Hồ Xuân Hương có nhắc tới Nguyễn Du qua cách gọi “Nguyễn-hầu” (ông họ Nguyễn) và nhắc chức vị “Cần-chánh học-sĩ” (Nguyễn Du được vua phong làm “Cần-chánh-điện học-sĩ) cũng như dưới đề bài thơ có ghi “Hầu Nghi-xuân Tiên-điền nhân” (Ông người [làng] Tiên-điền [huyện] Nghi-xuân). 
Trong khi đó, Nguyễn Du có bài thơ Mộng Đắc Thái Liên (Mộng Thấy Hái Sen) dài 5 đoạn, mỗi đoạn 4 dòng và mỗi dòng 5 chữ được hiểu là đề tặng Hồ Xuân Hương. Trong đó, có những câu rất tình tứ trong văn phong Nguyễn Du, như “Cộng tri liên liên hoa, Thùy giả liên liên cán. Kỳ trung hữu chân ti, Khiên liên bất khả đoạn” (Nguyễn Ngọc Bích dịch là: Hoa sen ai chẳng ưa? Cuống hoa, mấy ai thích? Trong cuống vướng bao tơ, Vấn vương bao giờ dứt?) – nghĩa là, những câu thơ rất nặng nghiệp, đọc lên là biết nhiều kiếp lai sinh cũng khó dứt nổi tơ vương.
Nhưng tới cuối đời, trong bài thơ Phân Kinh Thạch Đài, cụ Nguyễn Du đã có một phong thái rất mực nhẹ nhàng. Thiền sư Đại Lãn trong một bài trên báo Giác Ngộ, nhan đề “Nguyễn Du và Phân Kinh Thạch Đài” đã phân tích về bài thơ dài này.
Cuối bài thơ là 4 dòng:
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kì trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,
Chung tri vô tự thị chân kinh .”
(Nhà phân tích Đại Lãn dịch nghĩa là: Ta đọc Kim Cương hơn nghìn biến, Áo chỉ trong kinh không tỏ nhiều. Cho đến dưới đài đá phân kinh, Cuối cùng “Vô tự” biết là chân kinh.) (6)
Kinh vô tự, tức là Kinh không có chữ. Đây là văn phong Thiền Tông. Trong bài vừa dẫn, Đại Lãn cũng dẫn thơ Nguyễn Du trong bài đề động Nhị Thanh:
"… Mãn cảnh giai không hà hữu tướng
Thử tâm thường định bất ly Thiền..." 
(Đại Lãn dịch: …Mọi cảnh đều không, có tướng sao? Tâm này thường định, chẳng lìa Thiền…”)
Đây chính là chỗ Thiền Tông thường nói. Định nơi đây là không có xuất, không có nhập, vì là Định của Tự Tánh. Và Tự Tánh đây có nghĩa là vô tự tánh, là rỗng rang, là tịch lặng trong mọi thời, bất kể đang đi đứng nói cười…
Đại Lãn giải thích trong bài trên: “Đích thị là Cụ đã tự giới thiệu cho mọi người biết là Tâm cụ không bao giờ lìa Thiền định, có nghĩa là cụ luôn luôn ở trong thiền định. Vậy thì những việc làm của Cụ đó không phải là một việc làm của hành giả đang hành Thiền tu tuệ đó là gì!? Vì cốt tủy của bộ kinh Kim Cương chính là một phương pháp tu để trụ tâm và hàng phục Tâm mình qua công án: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm? (Nên trụ vào không chỗ, mà sinh tâm mình.)”. (6)
Như thế, Nguyễn Du sau một thời lãng mạn, đã về nghiên cứu tu học, đã tụng Kinh Kim Cương hơn cả ngàn lần, và ngộ ra rằng Kinh vô tự (Kinh không chữ) mới là chân kinh, nghĩa là Chánh ngữ thật sự chính là sự tịch lặng của tâm. Và khi nói thường định, nghĩa là thường trực, là luôn luôn (là bất kể khi đi đứng nói cười) an nhiên trong định, có nghĩa là dù khi có tiếng động hay khi không có tiếng động, tất cả đều hiển lộ trong gương tâm chiếu sáng bất động. Nghĩa là, Có (Hữu) và Không (Vô) hiển lộ trong tâm qua tánh sáng của gương sáng bất động, dù có cảnh trần hay không có cảnh trần, bản tính lặng chiếu của tâm vẫn không đổi.
Trong Kinh SN 35.242 (Kinh Đàn Tỳ Bà), Đức Phật kể về một nhà vua nghe tiếng đàn tỳ bà, nhận ra tiếng đàn khả ái, khả lạc, mê ly, say đắm, hấp dẫn nên ra lệnh triều đình đi tìm tiếng đàn, chẻ cây đàn tỳ bà làm cả trăm mảnh, nhưng cũng không tìm ra, vì tiếng đàn là do nhiều nhân duyên mới thành. (7)
Tương tự, trong Kinh Sn 5.6 trong Kinh Tập, thuộc nhóm kinh Đức Phật cho chư tăng ni trong các năm đầu dùng làm Kinh  nhật tụng, trích:
1070. [Đức Phật] Hỡi Upasiva, hãy tỉnh thức, nhìn về không một pháp nào, nương tựa “không một pháp nào” mà vượt qua dòng nước lũ. Rời dục lạc, bỏ nói năng, ngày đêm liên tục nhìn cho cạn kiệt tham ái.” (8)
Và nội dung Kinh Kim Cương mà cụ Nguyễn Du đọc tụng cả ngàn lần, chỉ là nói lên thực tướng là không một pháp nào, và nếu nói nương tựa thì chỉ là “tâm không trụ vào bất kỳ chỗ nào” (vô sở trụ) mới là vượt qua cả ba thời, vì không níu vào bất kỳ sản phẩm nào của ngũ uẩn – nơi vô sở trụ cho dù nói hay nghe thì cũng là bản nhiên tịch lặng, là thường định. 
Trong cái nghe như thế, các pháp hiển lộ chỉ là cái được nghe; trong cái nhìn như thế, các pháp chỉ là cái được thấy. Và tâm rỗng rang, không có ai đang nghe, không có ai đang nhìn. Chỉ là gương tâm hiển lộ, và gương tâm không là cái gì hết. Không thêm gì được, và không bớt gì được trong cái nghe, cái thấy như thế.
Như thế, trong thực tướng, âm thanh không từ đâu tới và cũng không đi về đâu. Các pháp như thế tự thân là Niết Bàn. Y hệt khi lửa tắt, lửa không về đâu. Khi nghe trong tâm rỗng rang như thế, là lìa sanh diệt. Mắt không phải là phiền não của cái được thấy, và ngược lại. Tai không phải là phiền não của cái được nghe, và ngược lại. Không có gì là phiền não của nhau, không có gì trói buộc của nhau, vì tự thân các pháp là Niết Bàn. Như vậy, phiền não từ đâu sanh ra? Câu trả lời: Dục tham là cội nguồn phiền não. Nhưng nhìn suốt tận cội nguồn, dục tham thực tướng vẫn là rỗng rang vô tướng.
Trong A Hàm, Kinh SA 250, bản dịch của hai Thầy Tuệ Sỹ và Thích Đức Thắng ghi lời ngài Xá Lợi Phất:
“…chẳng phải mắt kết buộc sắc, cũng chẳng phải sắc kết buộc mắt, cho đến, chẳng phải ý kết buộc pháp, cũng chẳng phải pháp kết buộc ý. Ở đây dục tham kết buộc chúng... Cho nên Đức Thế Tôn nói hãy đoạn tận dục tham, thì tâm được giải thoát. Cho đến, ý và pháp lại cũng như vậy.” (9) 
Làm thế nào đoạn tận dục tham? Đức Phật dạy là hãy để các pháp như nó là, để cái được thấy chỉ như cái được thấy, để cái được nghe chỉ như cái được nghe… thì tức khắc lúc đó, tâm sẽ tịch lặng, sẽ như tường vách, ngôn ngữ đoạn tận, cũng là khi Chánh ngữ trở thành vô tự. Không phải là có chữ hay không có chữ, mà chỉ là các pháp như thế thì cứ thấy nghe như thế, tức là nghĩa Như Thị.
Trường hợp thấy tịch lặng khó khăn, hãy dùng một cách khác: nhìn vào cội nguồn của tâm để rồi sẽ thấy bản nhiên rỗng rang vô tự tánh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông, bản Việt dịch của ngài Nhẫn Tế Thiền Sư, trích như sau:
Sau này, có vị tăng hỏi: “Đệ tử mỗi đêm ngồi thiền, tâm niệm tán loạn, chưa biết cách nào nhiếp phục. Xin thầy chỉ bảo”.
Ngài Quốc Thanh Tịnh trả lời: “Nếu ban đêm ngồi tịnh mà niệm niệm lăng xăng, thì lấy cái tâm lăng xăng đó cứu xét cái chỗ lăng xăng. Thấy là nó không có xứ sở, thì cái tâm niệm lăng xăng đó đâu còn! Cứ xét ngược lại cái tâm, thì cái tâm cứu xét đó đâu có tại chỗ nào. Trí chiếu soi vốn không, cái cảnh để duyên cũng tĩnh lặng vậy. Chiếu mà chẳng chiếu, tuyệt không có cảnh để chiếu soi vậy. Cảnh, Trí đều tịch diệt, tâm lượng an nhiên. Ngoài chẳng tìm cầu lấy sự tán loạn, trong chẳng trụ nơi định tĩnh. Hai đường dứt bặt, một Tánh suốt nhiên. Đây là yếu đạo về nguồn vậy.” (10)
Đó là khi lời và chữ, khi tất cả những cái được nghe về nơi tự thân tịch lặng. Đó là khi, bạn đứng nơi góc rừng, nhìn và nghe cảnh gió thổi, mưa gào, cây nghiêng ngả… mà nhận ra không ai đang thấy và không ai đang nghe, nơi dòng vô thường chảy xiết mà tâm không dính gì tới ba thời.  
Một lần nữa, xin trình bày, rằng người viết có sai lầm cần bày tỏ. Thiếu sót hai chữ “Chánh ngữ” đã hiệu đính, đã bổ túc xong. Nhưng nếu chỉ viết một câu để xin lỗi, tự thấy là không đủ trân trọng. Do vậy, bài này ghi lại các suy nghĩ riêng trong nỗ lực sống và viết với Chánh ngữ. Tất cả những bất toàn xin được sám hối cùng Tam Bảo và độc giả. 

GHI CHÚ:
(2) Kinh Pháp Cú Tây Tạng, bản trên mạng và PDF: https://thuvienhoasen.org/p16a32358/6/kinh-phap-cu-tay-tang 

bản trên Amazon: www.amzn.com/1077971230/ 

(4) Kinh Pháp Cú, Kệ 348, bản dịch HT Minh Châu: https://thuvienhoasen.org/p15a7964/pham-21-26
Bản dịch Bomhard (trang 62 bản giấy, trang 72 bản điện tử): https://archive.org/details/Dhammapada_201307/page/n71 
(6) Đại Lãn. Nguyễn Du và Phân Kinh Thạch Đài: https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=12565B 
(10) Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông: https://thuvienhoasen.org/p17a1224/quyen-iii