Friday, December 15, 2023

Doãn Hưng | Việt Báo: TS Bạch Xuân Phẻ Chia Sẻ Cách Hướng Dẫn Chánh Niệm Cho Tuổi Teen

bach-xuan-phe
Garden Grove (VB)- Vào ngày Chủ Nhật 7 tháng 12 2023, tại Trung Tâm Thực Hành Chánh Niệm Nam Cali (MPC), Tiến Sĩ Giáo Dục Bạch Xuân Phẻ đã có buổi chia sẻ về cách hướng dẫn cho các em tuổi teen thực hành chánh niệm. Cùng tham dự buổi chia sẻ còn có chị Chơn Nguyên, y tá của Học Khu Centralia (Buena Park), huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, nhiều bậc phụ huynh có con em đang ở tuổi teen, tăng thân Xóm Dừa, Nụ Hồng…

Thực hành chánh niệm để giảm căng thẳng, điều trị một số triệu chứng bệnh tâm lý, tăng khả năng tư duy trong học tập… đã ngày càng trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ trong thập niên qua. Chánh niệm ngày nay xuất hiện trong trường học, bệnh viện, quân đội và cả nhà tù ở Mỹ. Nhiều phụ huynh gốc Việt biết lợi ích của chánh niệm, nhưng không biết làm sao để thuyết phục con em ở tuổi teen chịu thực hành tại nhà. Trong buổi chia sẻ, TS Phẻ và chị Chơn Nguyên đã trình bày một số nét chính về lý do nên thực hành chánh niệm, một số hình thức thực hành phù hợp với tuổi teen, và cách truyền thông giữa cha mẹ và con em.

TS Phẻ dạy môn Hóa tại một trường trung học ở Sacramento. Anh xúc động kể lại câu chuyện về một người học trò của mình tự tử vì cha không chấp nhận sự thật rằng em là người đồng tính. Và trong cuộc đời đi dạy của mình, TS Phẻ còn chứng kiến thêm nhiều trường hợp các em học sinh khác tự sát vì không thể kiểm soát được những cảm xúc tiêu cực về cuộc đời. Điều này thôi thúc anh hướng dẫn cho các em thực hành chánh niệm trong lớp học. Bởi vì nếu có thể kiểm soát được sự căng thẳng, nỗi tuyệt vọng, các em đã không đi đến hành động tự hủy hoại cuộc đời như vậy.

Hiểu một cách đơn giản, chánh niệm là khả năng có thể nhận diện được những thứ diễn ra trong tâm thức của mình ngay trong giây phút hiện tại mà không phán xét. Nếu làm được điều này, các loại cảm xúc tiêu cực giống như những người khách, sẽ đến rồi đi chứ không thể làm chủ được chúng ta, điều khiển chúng ta có hành động ngoài sự kiểm soát của lý trí. Và đây cũng là lợi ích đầu tiên của việc thực hành chánh niệm.

Chơn Nguyên cũng đồng ý với TS Phẻ khi ví chánh niệm giống như cho tâm trí của mình được hưởng một kỳ “vacation”. Một sự tĩnh lặng dù chỉ trong vài phút có thể giúp trí não phục hồi khả năng tư duy nhạy bén, giúp các em học sinh tập trung tốt, từ đó có kết quả học tập tốt hơn. Một số chuyên gia về não bộ cho rằng các em học sinh ở mọi lứa tuổi đều nên thực hành ngồi tĩnh tâm theo dõi hơi thở. Nguyên tắc đơn giản là (Age + 1) các em bao nhiêu tuổi thì có thể ngồi được bao nhiêu phút: 6 tuổi thì có thể ngồi trong 7 phút, 12 tuổi thì ngồi 13 phút… Chơn Nguyên kể rằng khi cho các em thực hành ngồi yên vài phút trước khi giờ học bắt đầu, chính các em cảm nhận lợi ích của việc này, và sau này thỉnh thoảng còn nhắc cô cho thực hành thêm. Các thầy cô giáo khác cũng chia sẻ rằng chỉ sau một vài phút thực hành chánh niệm đầu giờ, các em học sinh ổn định nhanh hơn, giờ học bắt đầu nhanh hơn.

Còn một số nguyên nhân rất hữu lý khác có thể dùng để thuyết phục các em thực hành chánh niệm. Các em muốn học giỏi, mơ ước vào các đại học danh tiếng? Các em có biết rằng đại học Harvard trong năm nay vừa mở một trung tâm thực hành chánh niệm mang tên thiền sư Thích Nhất Hạnh? Các em muốn trở thành bác sĩ, y tá để giúp người trong vấn đề sức khỏe? Các em có biết rằng tại bệnh viện UCLA có hướng dẫn thực hành chánh niệm cho bệnh nhân và y tá?

Lý do để khuyên các em nên thực hành chánh niệm là vậy. Còn các em nên bắt đầu thực hành như thế nào là phù hợp? Theo dõi hơi thở là một hình thức đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để bắt đầu. Hơi thở giống như cái neo để buộc tâm trí dừng lại trong giây phút hiện tại. Theo dõi được hơi thở vào ra một cách nhẹ nhàng, tâm trí sẽ có được những giây phút tĩnh lặng, thảnh thơi hết sức cần thiết. TS Phẻ đã hướng dẫn một số phương pháp theo dõi hơi thở có thể áp dụng cho các em học sinh. Ngồi thẳng lưng nhưng buông lỏng trên ghế, theo dõi hơi thở vào ra để làm tâm lắng xuống. Việc theo dõi hơi thở có thể được kết hợp với nuôi dưỡng lòng yêu thương, từ bi với người khác. Và người đầu tiên mà mình cần thực tập thương yêu đó chính là bản thân mình. Thực tập khi bắt đầu ngồi theo dõi hơi thở với lời cầu nguyện: “ Thở vào, tôi nguyện cho tôi được bình an. Thở ra, tôi nguyện cho tôi được bình an…”. “Thở vào, tôi nguyện cho cha mẹ tôi được bình an…”. “Thở vào, tôi nguyện cho những người chung quanh tôi được bình an…”

Thực hành chánh niệm có thể được thực hiện với những hình thức khác sinh động hơn. Thí như thực hành những động tác thể dục kết hợp với hơi thở điều hòa. Hay đi chậm rãi, theo dõi những bước chân đưa lên, đặt xuống. Chơn Nguyên có hướng dẫn cách ăn một trái quýt trong chánh niệm. Ăn quýt chậm rãi, sử dụng tất cả những giác quan để thưởng thức nó. Mắt nhìn nhận thức màu sắc, hình dạng của trái quýt. Tay bóc trái quýt cảm nhận được vỏ trơn láng, những múi quýt mềm và hơi nhám với những sợi sơ. Mũi ngửi được hương thơm của những trái quýt. Khi cắn vào cảm nhận được được vị chua, ngọt của từng múi quýt. Ăn quýt như vậy sẽ ngon hơn rất nhiều! Và ăn quýt cũng có thể kết hợp với việc nuôi dưỡng lòng biết ơn. Ăn quýt mà nhìn thấy mặt trời, thấy đất, thấy người nông dân… Biết bao nhiêu công sức mới có được trái quýt mà ta đang ăn, từ đó mà biết ơn người, ơn đời.

Cha mẹ nên sử dụng cách thức truyền thông, đối thoại ra sao để khuyên bảo con em mình thực hành chánh niệm? TS Phẻ cho biết nhiều em học sinh tâm sự rằng không thể nói chuyện được với cha mẹ, thường xuyên xung khắc với cha mẹ vì không có sự cảm thông. Nói chuyện còn chưa được, nói chi đến khuyên bảo? Vì vậy, hãy nói với các em bằng lòng yêu thương và sự cảm thông. Và cách thuyết phục hay nhất có lẽ là thân giáo, là hành động của chính bản thân mình. Trẻ em thầm lặng quan sát hành vi của cha mẹ, và bị ảnh hưởng nhiều từ điều này. Vì vậy, để khuyên các em thực hành chánh niệm, cha mẹ cần thực tập trước, và cho thấy điều này đem lại những lợi ích qua cách hành sử thường ngày của chính mình.

Một trong những cách để tương tác với các em hữu hiệu đó là qua các bài hát. Những người Mỹ thực hành chánh niệm theo phương pháp của Làng Mai có những bài hát đơn giản, dễ thương, có ý nghĩa, có thể nhắc nhở các em về chánh niệm. Trong buổi chia sẻ, mọi người hát chung với nhau những bài hát về sự hân hưởng thiên nhiên, là bước khởi đầu của chánh niệm:

Tìm từ cuộc đời nhiều hạnh phúc đáng quí
Có ngay đất này
Tìm từ mặt trời từng hạt nắng lấp lánh
Và dòng nước nói cùng ai
Gió thì thầm điều gì và nước cùng hòa ngàn lời
Hát câu yêu đời

Hay là:

Người là mây bay xanh màu trời ánh biếc
Cất cánh chim ngang trời bay vút xa ngàn khơi
Người là cành hoa thơm ánh mặt trời ấm áp
Trái đất sẽ ươm mầm cho những chồi xanh…

Kết thúc buổi chia sẻ, TS Phẻ kêu gọi mọi người cùng tham gia phổ biến cách thực hành chánh niệm đến với các em tuổi teen. Những buổi hướng dẫn tuổi teen thực hành chánh niệm tại MPC là một dự án trong tương lai, và cần có sự góp sức của nhiều người. Chúng ta giống như những người đi gieo hạt mầm chánh niệm. Nếu đầy đủ các yếu tố thuận lợi, hạt mầm rồi đây sẽ đâm chồi, nẩy lộc thành cây trái. Những khu vườn chánh niệm, là nơi nương tựa bình an cho thế hệ mai sau, đang bắt đầu từ ngày hôm nay.

Doãn Hưng    

Doãn Hưng | Việt Báo    
 

No comments:

Post a Comment