Showing posts with label Tâm Huy. Show all posts
Showing posts with label Tâm Huy. Show all posts

Friday, April 3, 2020

Phật Tử Việt Nam: Hai Yếu Tính, Một Cuộc Đời

 Phật Tử Việt Nam: Hai Yếu Tính, Một Cuộc Đời

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

IMG_0060
Cư Sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang (Ảnh: Quảng Pháp)
Phật Giáo không chủ trương một thứ vương quốc toàn cầu nằm dưới sự thống trị của quyền lực tôn giáo để chi phối tất cả chính sách và hoạt động của những nước Phật Giáo thành viên khác trên thế giới. Chính đây là yếu tố cực kỳ quan trọng góp phần vào việc để cho Phật Giáo đi vào lòng dân tộc của từng quốc gia mà Phật Giáo được truyền bá vào một cách trọn vẹn. Người Phật tử, Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, là công dân của mỗi đất nước có quyền tự quyết hoàn toàn về các hoạt động của Phật Giáo trong mỗi quốc gia đó mà không phải lệ thuộc vào bất cứ quyền uy tôn giáo toàn cầu nào khác. Đó cũng là yếu tố then chốt làm cho người công dân Phật tử giữ vững được lập trường dân tộc tự quyết của mình trước mọi hoàn cảnh và sẵn sàng hy sinh cho sự sống còn của dân tộc bản địa.
Trước khi Phật Giáo truyền vào Việt Nam trong khoảng một hoặc hai thế kỷ trước Tây Lịch, trên mảnh đất nằm ở phía đông nam của Châu Á trông ra Biển Thái Bình bao la này đã có một dân tộc Lạc Hồng hiện hữu. Như thế nói theo ngôn ngữ khoa học, trong dòng máu của người Phật tử Việt Nam có hai nhiễm sắc thể: Người Việt Nam và người Phật tử. Trên danh nghĩa là hai yếu tính, nhưng thực tế đó chỉ là cuộc sống của một người, một người Phật tử Việt Nam.
Vậy thì một người Phật tử Việt Nam (xuất gia tu sĩ và tại gia cư sĩ) ứng xử như thế nào trong tư cách và vai trò một người Phật tử là công dân nước Việt?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta không thể không biết đến quyền và bổn phận của một công dân và hạnh nguyện của một Phật tử.
Thực thể công dân luôn gắn liền với thực thể quốc gia. Công dân luôn có hai yếu tính: quyền và trách nhiệm của một con người sống trong một quốc gia. Quyền công dân mà Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự và Chính Trị của Liên Hiệp Quốc gọi là dân quyền, là quyền lợi mà một người dân phải có và phải được nhà nước bảo vệ. Đó là quyền sống và làm việc hợp pháp trong một quốc gia, là quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do tôn giáo, tự do hội họp, và tự do sinh hoạt chính trị.
Bổn phận của một công dân nước Việt là làm một người dân tốt. Khái niệm này có vẻ rất mơ hồ và người ta có thể diễn giải theo nhiều cách tùy tầm nhìn và thế đứng, nhất là đối với các cơ chế chính trị điều hành đất nước.
Thế nào là người công dân tốt?
Chúng ta có thể hiểu nghĩa một người công dân tốt, trong quan điểm lịch sử chung của dân tộc trải dài từ mấy ngàn năm qua, mà không đứng trên một thể chế chính trị, một chủ nghĩa, một hệ thống lý thuyết, hay một ý thức hệ nào cá biệt, gồm hai yếu tố: Tốt đối với tự thân, và tốt đối với đất nước và dân tộc.
Tốt đối với tự thân là gì? Là một người sống đạo đức, biết làm lành lánh dữ, biết nhân quả nghiệp báo, biết nhân nghĩa lễ trí tín, có lòng nhân ái, làm tròn trọng trách đối với gia đình vợ chồng con cái, không làm ra những điều sai trái, tội lỗi gây phương hại đến bản thân, gia đình và xã hội.
Tốt đối với đất nước là sao? Là biết đem tài đức của cá nhân để đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển con người và xã hội, và biết tận sức để bảo vệ nền đạo đức và văn hóa truyền thống của dân tộc, cũng như biết hy sinh để giữ gìn biên cương lãnh thổ mà bao đời tiền nhân đã dày công kiến tạo.
Mỗi người dân là thành tố cơ bản để hình thành cộng đồng dân tộc, giống như từng viên gạch trong một ngôi nhà. Mỗi người phải là một công dân tốt ngay chính trong tự thân họ thì dân tộc đó mới phát triển bền vững, giống như mỗi viên gạch phải là từng viên gạch nung chín bền chắc thì cơ đồ của ngôi nhà mới tồn tại lâu dài. Từng cá nhân tốt thì cộng đồng xã hội và dân tộc sẽ tốt. Từng cá nhân xấu thì cộng đồng xã hội và dân tộc sẽ xấu theo. Một người dân xấu sẽ ảnh hưởng xấu đến một số người dân khác. Một số người dân xấu khác đó rồi sẽ tác động xấu đến nhiều người dân khác xấu nữa. Đó là nguy cơ bất an của một cộng đồng xã hội và dân tộc. Đặc biệt, nếu cá nhân xấu mà đảm trách chức vụ lớn lao trong cơ chế chính trị điều hành đất nước thì tác hại của cái xấu còn rộng lớn và nguy hiểm gấp nhiều lần.
Quan điểm về phương hại xã hội cũng cần phải được hiểu cho đúng. Điều cần phải phân biệt cho rõ là phạm trù xã hội. Xã hội là cộng đồng dân tộc gồm các cá nhân của từng người dân chứ không phải là một tập thể nhân sự của cơ chế chính trị, hay một đảng chính trị điều hành đất nước. Tập thể nhân sự của cơ chế chính trị, hay đảng chính trị đang điều hành đất nước không phải là toàn xã hội. Vì vậy, khi tập thể nhân sự của cơ chế chính trị, hay đảng chính trị điều hành đất nước không còn đóng đúng vai trò lãnh đạo bởi dân, vì dân và cho dân thì người dân có quyền lên tiếng chống đối hay có quyền đòi hỏi bầu cử một chính quyền hợp pháp khác. Như thế, một người dân lên tiếng chống đối chính quyền hay đòi hỏi chính quyền phải thực thi những quyền lợi cho công dân của mình như quyền tự do, quyền làm người, các quyền chính trị và dân sự mà công ước quốc tế đã thừa nhận thì không có nghĩa là người dân đó xấu.
Ngày nay, một số chính quyền trên thế giới thường viện dẫn lý do gây phương hại an ninh quốc gia để ngăn chận sự lên tiếng chống đối hay đòi hỏi chính quyền thi hành các quyền lợi công dân của họ. Nhưng thế nào là phương hại an ninh quốc gia? Trả lời cho câu hỏi này thì phải xem mục đích và phương thức lên tiếng và đòi hỏi quyền công dân của người dân. Nếu mục đích chống đối chính quyền của người dân không nhắm đến việc lật đổ cơ chế chính trị cầm quyền bằng bạo lực thì hành động đó không thể bị kết tội là phương hại đến an ninh. Còn nữa, nếu người dân chỉ lên tiếng và đòi hỏi một cách ôn hòa qua phương thức bất bạo động những quyền lợi công dân chính đáng thì cũng không thể gọi đó là hành động phương hại an ninh. Tất nhiên, nếu vì lý do bảo vệ an ninh quốc gia mà cơ chế chính trị điều hành đất nước lại sử dụng bạo lực hay vũ lực để trấn áp và giết hại người dân lên tiếng đòi hỏi các quyền công dân chính đáng của họ bằng phương thức bất bạo động, thì cũng cần phải đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc là chính quyền đó có còn đủ tư cách đại diện người dân để điều hành việc nước hay không. Các cuộc cách mạng tại những nước Bắc Phi và Trung Đông trong vài năm gần đây là một điển hình cụ thể về thái độ của người dân đối với các chế độ độc tài quân phiệt bất chấp nguyện vọng, quyền lợi công dân, và tiếng nói chính đáng của dân tộc họ.
Vậy còn hạnh nguyện của người Phật tử là gì?
Người Phật tử, gồm những người xuất gia tu hành và những cư sĩ sống tại gia, là những người phát nguyện nương tựa vào Tam Bảo — Phật, Pháp và Tăng — để thực hành Chánh Pháp hướng đời mình đến mục tiêu giác ngộ vô minh và giải thoát khổ đau.
Hạnh nguyện của người Phật tử cũng có hai lãnh vực: đối với tự thân và đối với tha nhân. Đối với tự thân thì người Phật tử nỗ lực thực hành lời Phật dạy qua ba phương cách: Giữ gìn giới luật, tu tập thiền định, và phát huy trí tuệ. Cả ba phương pháp tu đều nhắm đến mục đích cuối cùng là giác ngộ vô minh để giải thoát đau khổ. Lãnh vực tự tu để đạt giác ngộ cho mình gọi là tự giác. Đối với tha nhân thì người Phật tử đem kiến thức và kinh nghiệm tu tập Chánh Pháp của chính mình để giới thiệu đến cho người khác cùng thực hành, giống như sau khi nhờ lương y và thuốc hay chữa trị được bệnh tật có hiệu quả thì người bệnh nhân giới thiệu thầy thuốc và cách chữa bệnh này cho những người khác cùng được lợi lạc. Đó là lãnh vực giác tha, tức là giúp người khác giác ngộ. Việc giới thiệu Phật Pháp đến cho người khác, cho cộng đồng xã hội và dân tộc cùng tu tập gọi là hoằng pháp, tức là làm cho Chánh Pháp lan rộng ra khắp nơi.
Tại sao phải thực hành lời Phật dạy? Vì để giải khổ. Đời sống con người dù có giàu sang phú quý, hay khỏe mạnh thể chất đến đâu thì cũng không thể không có phiền não khổ đau. Khổ đau đến từ hai ngả: thân và tâm. Thân đau bệnh là khổ. Thân thiếu ăn đói khát là khổ. Thân ham muốn mà không có được thỏa mãn là khổ. Thân bị cô thế, bị hiếp đáp, bị hàm oan là khổ, v.v… Tâm lo lắng là khổ. Tâm suy nghĩ buồn bực là khổ. Tâm phiền não việc nhà, việc làm ăn, việc công, việc tư là khổ, v.v… Thân tâm làm việc quá độ, bế tắc, áp lực, căng thẳng là khổ, v.v… Nhiều chứng bệnh, nhiều đau khổ thuốc uống không hết, bác sĩ trị không lành. Hơn nữa trạng huống tâm thức ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cơ thể vật chất. Trong những tình huống đó, thực hành Phật Pháp bằng việc quán sát sự vô thường của cuộc đời, thực chứng các pháp là vô ngã, là không có tự tánh cố định, tịnh tâm thiền định buông xả bớt những lo âu phiền não, tiết chế ba nghiệp thân, miệng, ý, làm nhiều việc thiện nguyện, để chuyển đổi nghiệp lực, v.v… giúp giảm thiểu hay tiêu trừ khổ đau.
Tại sao phải hoẳng pháp? Tự thân chứng nghiệm được lợi ích lớn lao của Phật Pháp trong đời sống hàng ngày thì lẽ tự nhiên là chúng ta muốn đem Phật Pháp giới thiệu cho người thân, bằng hữu, và người chung quanh để cùng được lợi lạc. Hơn nữa, Phật Pháp không chỉ giúp giải khổ cho cá nhân mà còn giúp xây dựng và phát triển cộng đồng xã hội, dân tộc và đất nước. Chẳng hạn, một người dân là Phật tử biết nghe lời Phật dạy không trộm cắp tài của người thì không những bản thân người đó có được cuộc sống thanh liêm trong sạch được mọi người tin yêu kính mến mà còn làm gương tốt cho con cháu, anh em, gia đình, và giúp cộng đồng xã hội bớt đi tệ nạn trộm cắp, tham nhũng, hối lộ, làm động lực phát triển thịnh vượng quốc gia xã tắc. Một thí dụ khác, là một người công dân Phật tử biết giữ gìn lời Phật dạy không uống rượu say sưa thì không những bản thân người đó được khỏe mạnh, sáng suốt, tránh được nạn say rượu hành hung gia đình và lái xe gây nguy hiểm cho người khác, mà còn giúp cho cộng đồng xã hội giảm thiểu tệ nạn say rượu hành hung và uống rượu lái xe gây bất ổn xã hội. Thêm một ví dụ khác, một người công dân Phật tử làm theo lời Phật dạy không nói dối thì không những có được phẩm đức cương trực và mọi người tin tưởng mà còn giúp cộng đồng xã hội xây dựng và phát triển niềm tin yêu và quý trọng lẫn nhau.
Làm sao ứng xử hài hòa giữa bổn phận của một công dân nước Việt và hạnh nguyện của một người Phật tử?
Từ lý thuyết cho đến thực tế cả hai vai trò đều không có gì chống trái nhau. Tại sao? Bởi vì ước vọng của người công dân nước Việt là làm sao để trở thành một người dân tốt và có thể đem hết khả năng của mình ra để góp phần xây dựng và phát triển đất nước, trong khi nguyện vọng của người Phật tử Việt Nam cũng là mong muốn đem Chánh Pháp để giúp xây dựng và phát triển con người theo chiều hướng thăng hoa, hạnh phúc và an lạc, trong đó có chính mình, và cộng đồng dân tộc. Một người công dân tốt là người sống đạo đức, làm tròn bổn phận và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và đất nước. Một người Phật tử tốt cũng là người sống đạo đức, biết phục thiện, biết tu tập Chánh Pháp để giảm trừ tham sân si, biết từ bi thương yêu mọi người, và biết nỗ lực góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng xã hội.
Trong Chánh Pháp của đức Phật, một người thành Phật là trước hết trở thành một con người toàn thiện cho tự thân và cho cộng đồng xã hội. Một người thành Phật chỉ đem lại lợi ích cho tha nhân và cộng đồng nhân loại chứ không bao giờ đem lại bất cứ điều gì thiệt hại cho con người. Bằng chứng cụ thể là đức Phật Thích Ca Mâu Ni, xuất hiện tại Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 trước Tây Lịch, chỉ đem lại lợi lạc to lớn cho đất nước và xã hội Ấn Độ chứ tuyệt nhiên không gây ra một bất lợi nào. Lịch sử truyền bá Phật Giáo trên thế giới từ hai mươi lăm thế kỷ qua cũng thế, chỉ cho thấy sự lợi ích thiết thực khi Phật Giáo được truyền vào các dân tộc và chưa hề có sự chống trái nào giữa Phật Giáo và dân tộc bản địa ấy. Đặc biệt là tại Việt Nam, có thể nói là Phật Giáo truyền bá vào Việt Nam sớm hơn so với một số quốc gia Á Châu khác kể cả Trung Quốc, Tây Tạng, Đại Hàn, Nhật Bản, v.v… ít nhất là vào một hai thế kỷ trước Tây Lịch và trong suốt quá trình lịch sử có mặt tại Việt Nam cho đến nay, Phật Giáo Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào công cuộc dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.
Phật Giáo rất dễ bám rễ sâu trong lòng dân tộc vì có một giáo nghĩa rất phù hợp với đời sống con người ở mọi thời đại, mọi quốc độ, cũng như các Phật tử, xuất gia và tại gia, nhờ thấm nhuận giáo pháp Phật Đà mà có một phong thái sống rất uyển chuyển và dễ thích nghi với môi trường bản địa mới. Giáo pháp của Phật chỉ dạy cho con người biết rõ bản chất của cuộc sống là khổ, nguyên nhân gây khổ là vô minh và các hành tác của nghiệp lực bất thiện. Giáo pháp ấy cũng chỉ cách làm sao để con người có thể giải thoát khổ một cách cụ thể và hiệu quả. Giáo pháp ấy cũng nói đến kết quả an lạc, niết bàn, có được từ sự tu tập Chánh Pháp. Khổ thì ai cũng có, dân tộc nào cũng có, xã hội nào cũng có. Giải thoát khổ thì ai cũng muốn, dân tộc nào cũng mong cầu, và xã hội nào cũng nhắm tới để thành đạt. Chính như thế mà Phật Giáo được người Việt Nam tiếp nhận một cách hoan hỷ ngay từ những năm tháng đầu mới truyền bá vào đất nước này.
Đó là nói về mặt cá nhân con người, còn mặt quốc gia dân tộc thì sao? Phật Giáo đóng góp được gì vào công cuộc xây dựng và phát triển quốc gia dân tộc Việt Nam?
Phật Giáo không chủ trương một thứ vương quốc toàn cầu nằm dưới sự thống trị của quyền lực tôn giáo để chi phối tất cả chính sách và hoạt động của những nước Phật Giáo thành viên khác trên thế giới. Chính đây là yếu tố cực kỳ quan trọng góp phần vào việc để cho Phật Giáo đi vào lòng dân tộc của từng quốc gia mà Phật Giáo được truyền bá vào một cách trọn vẹn. Người Phật tử, Tăng, Ni và cư sĩ Phật tử, là công dân của mỗi đất nước có quyền tự quyết hoàn toàn về các hoạt động của Phật Giáo trong mỗi quốc gia đó mà không phải lệ thuộc vào bất cứ quyền uy tôn giáo toàn cầu nào khác. Đó cũng là yếu tố then chốt làm cho người công dân Phật tử giữ vững được lập trường dân tộc tự quyết của mình trước mọi hoàn cảnh và sẵn sàng hy sinh cho sự sống còn của dân tộc bản địa. Lịch sử đóng góp của các Phật tử Việt Nam vào công cuộc bảo vệ nền văn hóa dân tộc, sự toàn vẹn lãnh thổ và lãnh hải của quốc gia mình trong suốt chiều dài trên hai ngàn năm qua là bằng chứng cụ thể.
Trong suốt chiều dài lịch sử đó, Phật Giáo Việt Nam chưa bao giờ mưu cầu hay có hành động độc tôn tôn giáo. Vào thời cực thịnh của Phật Giáo trong các triều đại Lý, Trần, cũng chính những vị minh quân Phật tử là những người đi tiên phong và hậu thuẫn toàn diện cho việc truyền bá tư tưởng Khổng Giáo và học thuyết Nho Gia để làm nền tảng cho các chương trình giáo dục chính thức trong hệ thống học đường nhà nước hầu đào tạo nhân tài ra giúp nước. Khi Phật Giáo bị thế lực Khổng Nho trong giai cấp quan lại triều đình lấn lướt và tranh đoạt ảnh hưởng thì Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam âm thầm hoằng pháp trong nhân gian với việc xây dựng chùa chiền đình miếu tại thôn làng địa phương để bảo vệ văn hóa và Chánh Pháp trong lòng dân tộc.
Đức Phật không dùng quyền lực chính trị để truyền bá Chánh Pháp hầu chuyển mê khai ngộ cho nhân sinh, vì Ngài biết rõ rằng các chủ thuyết chính trị, các quyền lực thế tục không thể là giải pháp cứu cánh đưa tới giác ngộ và giải thoát. Nhưng phong thái nhân cách siêu việt và phương thức khai mở trí tuệ của Ngài cho quần chúng đã ảnh hưởng rất lớn đến giai cấp Sát đế lợi cầm quyền và mở đầu cho cuộc cách mạng xã hội toàn diện đất nước Ấn Độ thời bấy giờ cũng như nhiều quốc gia khác về sau này. Nhờ tuệ giác siêu việt và thân chứng giải thoát cứu cánh của chính cá nhân, cũng như một phần thừa hưởng di sản văn hóa dân chủ của đất nước Ca Tì La Vệ, đức Phật thiết lập nề nếp sinh hoạt dân chủ hoàn hảo cho Tăng Đoàn ngay trong những năm đầu hóa đạo của Ngài. Đây có thể nói là một trong những sinh hoạt tập thể mang tính dân chủ đầu tiên của nhân loại được duy trì cho đến ngày nay trong Tăng Đoàn đệ tử Phật. Pháp Yết Ma (karma) của Tăng Già là một trong những phương thức thể hiện trọn vẹn tinh thần bình đẳng và dân chủ nhất trong lịch sử loài người. Trong Pháp Yết Ma, sự đồng thuận của tập thể đạt đến mức tuyệt đối với mọi thành viên có mặt đều phải hoan hỷ tán đồng một Phật sự nào đó. Nếu có bất cứ sự bất đồng nào thì Yết Ma không thành và do đó phải bắt đầu lại tiến trình thảo luận để tìm giải pháp dung hòa. Lời đức Phật dạy tôn giả A Nan về bảy phương thức làm hưng thịnh quốc gia để gián tiếp can ngăn vua A Xà Thế (Ajatasattu) định xâm chiếm nước Bạc Kỳ (Vajji) là một trong những chứng liệu hiếm hoi cho thấy tầm nhìn cao rộng và thích đáng của đức Phật đối với phép trị quốc an dân.
Chính nhờ thừa hưởng truyền thống dân chủ lâu đời đó mà Phật Giáo luôn luôn tôn trọng sự tự giác và tinh thần dân chủ trong sinh hoạt tập thể. Hội Nghị Diên Hồng lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam để tìm sự thống nhất ý chí toàn dân chống lại cuộc xâm lăng của giặc Nguyên Mông được vị minh quân Phật tử Trần Thánh Tông tổ chức là bằng chứng cụ thể của tinh thần dân chủ Phật Giáo áp dụng trong sinh hoạt quốc gia đại sự.
Tự do, dân chủ và nhân quyền là những giá trị phổ quát được nhân loại thừa nhận trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10 tháng 12 năm 1948, và Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự và Chính Trị được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 16 tháng 12 năm 1966. Đối với Phật Giáo điều này không có gì mới lạ vì đức Phật đã công nhận từ lâu giá trị làm người và quyền bình đẳng trong xã hội, cũng như thể thức sinh hoạt dân chủ để mang lại thịnh vượng cho tập thể hay một quốc gia.
Chính đó là chất liệu và động lực để cho người Phật tử Việt Nam luôn luôn tích cực góp phần xây dựng một xã hội Việt Nam công bằng, tự do, dân chủ và tôn trọng phẩm giá con người. Cuộc vận động nhân quyền và bình đẳng tôn giáo dưới chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm vào năm 1963, cuộc vận động quốc hội lập hiến để thiết lập nền dân chủ vào năm 1966 tại miền Nam, cuộc vận động hòa bình cho dân tộc vào những năm đầu thập niên 1970 tại miền Nam Việt Nam, và cuộc vận động nhân quyền từ sau năm 1975 dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam của Phật Giáo Việt Nam nói chung và Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất nói riêng là thể hiện tinh thần khai phóng, bình đẳng, dân chủ và tôn trọng phẩm giá con người trong truyền thống Phật Giáo.
Tăng sĩ Phật Giáo không làm chính trị. Hãy nhìn vào thực tế lịch sử để thấy rằng các vị Tăng sĩ Phật Giáo chỉ vận động cho tự do, bình đẳng, dân chủ, và nhân quyền cho người dân mà không mưu cầu hay đòi hỏi quyền lợi hay địa vị chính trị nào. Không có vị giáo phẩm lãnh đạo nào sau các cuộc vận động nói trên ra ứng cử hay đảm nhận chức vụ này địa vị kia trong chính quyền. Điều cần lưu ý là trong tất cả mọi cuộc vận động nói trên của Phật Giáo Việt Nam từ năm 1963 đến nay, Phật Giáo không bao giờ chủ trương lật đổ bất cứ chế độ nào. Phật Giáo chỉ đòi hỏi chính quyền nào chà đạp quyền tự do, bình đẳng, dân chủ và nhân quyền thì hãy trả lại cho người dân những quyền căn bản phải có đó mà thôi. Một điều nữa cũng cần thấy rõ là Phật Giáo không chủ trương chống đối với tâm thù hận và hành động bạo lực đối với bất cứ cá nhân, chính quyền, tôn giáo, đảng phái hay chủ nghiã nào trong suốt các cuộc vận động nói trên.
Vậy tại sao Phật Giáo phải vận động?
Vì quyền lợi của người dân và vì xây dựng và phát triển đất nước.
Quyền lợi gì của người dân? Quyền tự do, bình đẳng, dân chủ, và nhân quyền mà mọi người dân đều đáng phải được có, và các chính quyền tự nhận là “cộng hòa,” “dân chủ” phải có trách nhiệm thực thi các quyền tự do, bình đẳng, dân chủ, và nhân quyền cho mọi công dân. Khi những quyền phải có này của người dân không được thực thi hay bị chà đạp thì người Phật tử với tư cách là những công dân có quyền đứng lên vận động và đòi hỏi các chính quyền phải nghiêm chỉnh thi hành.
Xây dựng và phát triển đất nước như thế nào? Một đất nước muốn văn minh, tiến bộ, giàu mạnh, có nội lực dân tộc vững chắc để bảo vệ quyền tự quyết dân tộc, đủ sức chống lại các cuộc xâm lăng của ngoại bang, và giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ thì dân tộc trong đất nước ấy phải có tự do, bình đẳng, dân chủ, và nhân quyền. Các cuộc vận động nhân quyền, tự do và dân chủ từ 50 năm qua tại Việt Nam của Phật Giáo không ngoài mục đích giúp xây dựng nội lực dân tộc để chống lại các cuộc xăm lăng của ngoại bang, gồm có các cuộc xăm lăng văn hóa, ý thức hệ và quân sự. Cũng như khi lãnh thổ của đất nước Việt Nam bị xâm lăng thì người Phật tử Việt Nam phải có bổn phận và trách nhiệm bằng cách này hay cách khác để bảo vệ. Các Phật tử Việt Nam như minh quân Trần Nhân Tông, danh tướng Lý Thường Kiệt, danh tướng Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, danh tướng Trần Hưng Đạo, hiền thần Nguyễn Trãi, v.v… đã đóng góp xứng đáng công lao cho công cuộc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ. Trong lịch sử Việt Nam có rất nhiều gương sáng của những người cư sĩ Phật tử tham gia vào công việc điều hành quốc sự đã là những minh quân, hiền thần, danh tướng, và chính khách đạo đức biết hy sinh cho đại sự quốc gia dân tộc. Người cư sĩ Phật tử được khuyến khích tham chính để đem tài đức của mình ra xây dựng và phát triển đất nước.
Nhiều người nghĩ rằng tham chính là làm chính trị là trái với tinh thần từ bi trí tuệ của đạo Phật. Có lẽ quan niệm này bắt nguồn từ sự chứng kiến những thủ đoạn, ác tâm, dã tâm, vị kỷ, đảng phái, chủ nghĩa cá nhân và ý thức hệ trong chính trường đã và đang xảy ra mỗi ngày trên thế giới và ngay trên đất nước Việt Nam. Nhưng, điều đó không có nghĩa rằng tự thân chính trị là xấu, và tất cả những người làm chính trị đều xấu. Chính trị là quyền căn bản mà mọi người dân đều phải có và các chính quyền phải có trách nhiệm bảo vệ quyền ấy cho mọi công dân, theo Công Ước Quốc Tế Về Quyền Dân Sự và Chính Trị của Liên Hiệp Quốc. Như thế, làm chính trị không phải là xấu mà là cái quyền của người dân để giúp dân giúp nước. Đối với hàng ngũ cư sĩ Phật tử việc tham chính được khuyến khích vì để đem ra thi hành tinh thần từ bi trí tuệ và lợi tha xây dựng và phát triển xã hội. Nhiều nhà chính trị nổi danh hiện nay được cả thế giới kính nể vì hành xử trong sạch và tấm lòng vì dân vì nước thực sự của họ, như Cố Tống Thồng Nam Phi Nelson Mandela vừa từ trần đầu tháng 12 năm 2013, như nữ Dân Biểu Miến Điện Aung San Suu Kyi là một Phật Tử làm rạng danh dân tộc Miến Điện của bà.
Tuy nhiên, tất cả những thứ tự do, dân chủ và nhân quyền bên ngoài xã hội đều tương đối và giới hạn. Có nhiều người suốt đời vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền, nhưng lại bị trói buộc trong cái vỏ ốc của vị kỷ nhỏ hẹp và bị nô lệ bởi lòng tham lam, thù hận và si mê để đến nỗi chỉ biết có thứ tự do, dân chủ và nhân quyền của cá nhân mình mà quên mất tự do, dân chủ, và nhân quyền của người khác. Khi chính con người chưa tự giải thoát ra khỏi xiền xích vô minh, vị ngã, chưa tự làm chủ được thân tâm trước những thao túng của tham, sân, si và chưa thăng hoa đời mình lên giá trị nhân bản thực sự, thì không thể có được sự tự do, dân chủ, và nhân quyền đích thực cho chính họ cũng như cho những gì họ làm với người khác.
Thực hành Chánh Pháp giác ngộ và giải thoát của đức Phật có hiệu quả sẽ giúp người Phật tử đạt được tự do thực sự trong chính mình đối với tất cả mọi trói buộc của lòng vị ngã, tham lam, thù hận và si mê. Thực hành Chánh Pháp trí tuệ và từ bi của đức Phật, người Phật tử sẽ biết lắng nghe và tôn trọng ước nguyện và phẩm giá của người khác. Đó chính là những yếu tính cơ bản từ trong nội thể của một người để có thể thể hiện ra bên ngoài lối sống tự do, dân chủ và tôn trọng nhân phẩm của người khác.
Như thế, bằng phẩm đức của người Phật tử có tu tập và đạt được lợi lạc trong Phật Pháp, người Phật tử Việt Nam sẽ sống có ý nghĩa và góp phần xứng đáng trong vai trò và bổn phận của một người công dân nước Việt.
Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

Monday, March 4, 2019

Giới Thiệu 4 Tác Phẩm Mới Của Lotus Media

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Giới Thiệu 4 Tác Phẩm Mới Của Lotus Media

Dường như niềm vui đến bất ngờ luôn làm cho người ta thích thú và khó quên.
Vào một ngày Thứ Sáu cuối tuần rất bận rộn lại đột nhiên nhận được một lần tới 4 tác phẩm do người bạn đem tới tặng. Mở nhanh từng cuốn để xem mặt mũi ra sao thì thấy đó là 4 tác phẩm: Tạp Chí Hoa Đàm Số 5, với chủ đề “Phật Giáo với Dân Tộc”; “Thiền Trong Hành Động,” do Đạo Sinh dịch Việt; “Những Bước Thăng Trầm” do Phạm Kim Khánh dịch Việt; và “Bóng Bay Gió Ơi” của nhà văn Nguyễn Thị Khánh Minh. Tất cả đều được Lotus Media xuất bản vào đầu năm 2019 tại Hoa Kỳ.
Cái tên Lotus Media khá mới mẻ với giới mộ điệu chữ nghĩa sách báo. Họ là những người bạn trẻ rất có tâm huyết đối với nền văn hóa dân tộc và Phật Giáo Việt Nam tại xứ người. Họ thuộc thế hệ một rưỡi và hai của cộng đồng người Việt tị nạn tại Mỹ. Họ đều thành đạt học vấn và nghề nghiệp. Bây giờ họ muốn làm điều gì đó để đóng góp lại cho cộng đồng, cho đất nước và cho Đạo Pháp. Họ không chỉ thao thức mà còn tràn đầy nhiệt huyết để làm những gì họ có thể làm được. Những người bạn trẻ này tôi đã có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe nguyện ước của họ. Tôi quen vài vị trong nhóm, gồm Nguyên Túc Nguyễn Sung, Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ, Nhuận Pháp Trần Lâm, và Quảng Pháp Trần Minh Triết. Lotus Media được những người bạn trẻ này gầy dựng nên gần đày. Nhưng họ đã xuất bản trên một chục đầu sách.
Hoa Đàm là một cái tên có lẽ không mấy xa lạ đối với giới Phật Giáo tại Hoa Kỳ. Họ là nhóm Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử trẻ đã có mặt hơn hai chục năm nay và có nhiều đóng góp trong lãnh vực truyền thông, báo chí, sách vở và tài liệu về Phật Giáo. Vài năm nay, Hoa Đàm chọn cách cho ra đời các tạp chí chuyên đề như Giáo Dục Phật Giáo — số 1, tháng 3 năm 2015; Truyền Thông Phật Giáo — số 2, tháng 6 năm 2015; Phật Giáo và Môi Sinh — số 3, tháng 6 năm 2016; Văn Học Phật Giáo — số 4, tháng 2 năm 2017; và mới đây nhất là Phật Giáo với Dân Tộc — số 5 đầu năm 2019.
Cuốn sách thứ nhất là Tuyển tập Hoa Đàm 5 “Phật Giáo với Dân Tộc” nói đến mối tương quan tương duyên của Phật Giáo và Dân Tộc Việt Nam trài dài trên hai ngàn năm lịch sử, với 16 bài viết được Nhóm Hoa Đàm kết tập mà trong đó có những tác giả lớn như Thích Đức Nhuận, Thích Nhất Hạnh, Thích Mãn Giác, Lê Mạnh Thát, v.v… Chẳng hạn, bài “Tương Lai Văn Hóa Việt Nam” của Thích Nhất Hạnh được viết tại hải ngoại vào năm 1982, là thời điểm của cao trào người Việt bỏ nước ra đi; thời điểm của di chứng chiến tranh đang đến hồi mưng mủ; thời điểm tuổi trẻ Việt Nam vừa mới sinh ra nơi xứ người chưa biết nguồn gốc của mình là đâu. Thiền Sư Nhất Hạnh viết rằng:
“Vì biến cố lịch sử năm 1975, hàng triệu người Việt đã rời bỏ đất nước họ và hiện thời đang sinh sống tản mác ở các quốc gia trên thế giới. Tiêu cực mà nói, đó là số phận của những người Việt phải sống kiếp lưu vong. Tích cực mà nói, đó là cơ hội ngàn năm một thuở để người Việt có thể đóng góp vào sự chuyển đổi tình trạng thế giới, tạo thêm cơ hội để bảo tồn sự sống của hành tinh xanh. Ra quốc ngoại để sống một cuộc đời lây lất lưu vong hoặc để đem văn hóa Việt làm chất liệu xúc tác văn hóa thế giới, cái đó tùy ở chí khí của mỗi người.” (PG với DT, tr. 85)
Hoặc trong “Bài Thơ Vận Nước và Tư Tưởng Chính Trị Của Thiền Sư Pháp Thuận” của Giáo Sư Lê Mạnh Thát đã nêu bật vai trò hộ quốc an dân của các Thiền Sư đã góp phần xứng đáng trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt trên mấy ngàn năm qua. GS Lê Mạnh Thát nhấn mạnh rằng:
“Vào thế kỷ thứ mười, lịch sử tư tưởng nước ta sau bao nhiêu năm thăng trầm đã hoàn tất được việc xây dựng một lý luận chính quyền với bài thơ Vận Nước của Thiền Sư Pháp Thuận. Chính quyền, hay nói rõ hơn, quyền lực của một nước nhà độc lập, xuất phát từ đâu và làm sao bảo vệ? Thiền Sư Pháp Thuận trả lời rất rõ ràng là chính quyền xuất phát từ sự đoàn kết của toàn dân chung quanh những vị lãnh đạo có tài có đức và được bảo vệ bởi chính sự đoàn kết và lãnh đạo tài đức ấy.” (PG với DT, tr. 27)
Cuốn sách thứ hai là “Thiền Trong Hành Động” [Meditation in Action] của tác giả Chogyam Trungpa Rinpoche do Đạo Sinh dịch ra tiếng Việt. Đại Sư Chogyam Trunpa Rinpoche là người sáng lập Đại Học Phật Giáo đầu tiên tại Hoa Kỳ có tên Naropa University tại thành phố Boulder thuộc tiểu bang Colorado vào năm 1974.
Học giả Samuel Brecholz nhận định về Đại Sư Chogyam Trunpa Rinpoche và tác phẩm Meditation in Action trong lời giới thiệu cuốn sách này như sau:
“Trunpa Rinpoche đã trình bày Phật Pháp theo ngôn ngữ và cách nói của những người ông gặp. Ông đã sử dụng tiếng Anh theo cách có thể làm Phật Pháp trở nên dễ hiểu; và các hành giả phương Tây có thể tiếp cận theo cách mà họ chưa bao giờ gặp trước đây. Ông là người tiên phong trong việc tạo ra ngôn ngữ gọi là “Tiếng Anh tạp Phật Giáo” (Buddhist hybrid English) có thể truyền đạt trực tiếp và chính xác.” (Thiền Trong Hành Động, tr. 14)
Trong cuốn “Thiền Trong Hành Động,” Trunpa Rinpoche đã giới thiệu một cách rất súc tích những điểm cốt lõi của Đạo Phật như Từ Bi, Trí Tuệ, Nhẫn Nhục và Thiền Định. Ông cũng chỉ ra cách làm sao để thực tập những tinh yếu của Phật Pháp này để giúp người đọc không những hiểu mà còn thực hành Phật Pháp.
Cuốn sách thứ ba là “Những Bước Thăng Trầm” của Hòa Thượng Narada Mahathera do Phạm Kim Khánh dịch Việt. Trong lời giới thiệu của Lotus Media cho biết rằng:
“Nguyên tác quyển sách nhỏ này, tựa đề “The Eight Worldly Conditions,” được Đại Đức Narada Mahathera soạn thảo vào năm 1970, trước khi Ngài lâm trọng bệnh tại Việt Nam. Bản dịch được xuất bản lần đầu tiên vào dịp Lễ Phật Đản 2516/1972, và từ đó được tái bản nhiều lần, ở Việt Nam cũng như tại hải ngoại.”
Dịch giả Phạm Kim Khánh là người nổi tiếng với nhiều dịch phẩm giá trị đã được ấn hành từ trong và ngoài nước trước năm 1975 đến nay, mà trong đó dịch phẩm phổ biến nhất là “Đức Phật và Phật Pháp” [The Buddhia and His Teachings] cũng của Ngài Narada Mahathera do Phạm Kim Khánh dịch.
Trong dịch phẩm “Những Bước Thăng Trầm” do Phạm Kim Khánh dịch và Lotus Media vừa xuất bản, Hòa Thượng Narada Mahathera viết về “Tám Pháp Thể Gian,” gồm được và thua, danh thơm và tiếng xấu, ca tụng và khiển trách, hạnh phúc và đau khổ. Ấn bản của Lotus Media cũng đăng nguyên tác Anh Ngữ để cho những ai không rành tiếng Việt có thể đọc được. Ngài phân tích bản chất vào sự lợi hại của tám cặp đôi này để rồi đưa ra những lời khuyên dựa vào tinh thần của giáo lý đức Phật đã dạy. Trong một đoạn Ngài viết rằng:
“Thế gian đầy chông gai và đá nhọn. Ta không thể dẹp sạch gai và đá. Nhưng nếu phải đi trên đó bất kể những trở ngại thì, thay vì dời gai và đá – chuyện mà ta không thể làm – tốt hơn nên mang giày và thận trọng đi từng bước. Chúng ta sẽ được an toàn.”(Những Bước Thăng Trầm)
Lời khuyên thật chí tính và chí lý làm sao!
Cuốn sách thứ tư là “Bóng Bay Gió Ơi” của nhà thơ và nhà văn Nguyễn Thị Khánh Minh cũng do Lotus Media xuất bản vào đầu năm 2019. Sách dày 350 trang, bìa màu, ruột in bằng loại giấy đặc biệt. Sách được NXB Sống in lần đầu vào năm 2015. Lần tái bán này do Lutus Media thực hiện, với nội dung có phần hiệu đính so với lần xuất bản đầu. Tác phẩm gồm trên 40 bài viết về nhiều đề tài theo cảm hứng của tác giả trải dài từ năm 2009 tại Sài Gòn đến năm 2018 tại Hoa Kỳ. Phần sau của tác phẩm là 7 bài giới thiệu của nhiều tác giả như Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Thiệp, Phan Tấn Hải, Lê Giang Trần, Nguyễn Lương Vỵ, Tô Đăng Khoa, và Trịnh Y Thư. Trong tác phẩm này bàng bạc những câu thơ, những bài thơ của tác giả, vốn là nhà thơ đã có nhiều tác phẩm được xuất bản từ trong và ngoài nước, và của nhiều nhà thơ khác.
Trong bài “Bóng Bay Gió Ơi,” Nguyễn Thị Khánh Minh đã tâm sự với độc giả về thế giới chữ nghĩa của chị:
“Hồi nào đến giờ, tôi thích viết và đọc những gì được lay động, thôi thúc bởi ngẫu hứng thuần nhiên. Lời của các thi sĩ, văn sĩ làm tôi bay lên, tan theo cơn gió cảm xúc, hay pha mình theo muôn sắc của cõi tâm chan hòa cõi nhân gian của họ, còn hơn là đông cứng nhìn cuộc sống qua những khối hình hộp của triết thuyết. Tôi sợ mê lộ giáo điều. Bởi có những vô lý rất hợp lý của nhà thơ mà triết gia bó tay. Những “vô lý” mà chỉ có ngôn ngữ Thơ mới tung hê được…”(Bóng Bay Gió Ơi, tr. 279)
Đang chăm chú lần từng trang sách, bỗng mắt tôi khựng lại nơi những dòng chữ này và lòng tràn ngập bình an:
“Tôi ra hiên nhà xếp những tượng Phật nhỏ và những chậu bonsai vào một chỗ an toàn. Trời lạnh lắm, trong cái bóng đêm đang hờm sẵn giông bão, tôi thấy yên lòng khi dừng lại nơi vệt sang của ánh đèn đọng trên bàn chân tượng Phật ngồi, những ngón chân thanh thản, những ngón tay tạo nên hai vòng ấn quyết trầm lắng. Bát Phong chỉ là một hơi nhẹ thoáng qua, lý gì đến ngọn quái phong Santa An, tôi cười một mình. Đấy là góc thềm, một góc tối, nơi những nếp áo đá của Phật lay động dưới bàn tay, là chiếc thuyền đưa tôi qua những phúg giây chòng chành của tâm lẫn đời sống.” (Bóng Bay Gió Ơi, tr. 102)
Tất cả như những chiếc bóng bay theo gió vào cõi vô biên.
Cảm ơn các tác giả và Lotus Media đã trao cho cuộc đời những tặng vật quý giá.
Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

Sunday, June 10, 2018

NGHĨ VỀ TRUYỀN THÔNG VÀ PHẬT GIÁO - Huỳnh Kim Quang

Nguyệt San Chánh Pháp do cư sỹ Tâm Quang Vĩnh Hảo chủ biên

NGHĨ VỀ TRUYỀN THÔNG VÀ PHẬT GIÁO 

Huỳnh Kim Quang


bao_chi_phat_giao00
Trong đạo Phật có câu nói rất phổ biến là “Nhất niệm thông tam giới,” một niệm biến khắp ba cõi – cõi dục, sắc, và vô sắc. Một niệm tức là một móng tâm, một ý nghĩ khởi sinh từ tâm. Điều này cho thấy hai ý nghĩa: làn sóng vi ba khởi sinh từ tâm dù vô hình vô tướng vẫn có thể lan xa khắp ba cõi, và qua đó, ảnh hưởng của một niệm có thể bao trùm cả cõi không gian rộng lớn vô cùng.


Quan điểm này có thể nhìn thấy rõ nhất trong thế giới truyền thông ngày nay. Chỉ trong chớp mắt, trong một cái nhấp tay hay cái bấm tay trên máy điện toán hay điện thoại cầm tay thì một bản tin, một sự kiện, một hình ảnh có thể đi khắp thế giới và ảnh hưởng đến hàng tỉ người trong “ngôi làng toàn cầu.”[1]

Những chữ và hình ảnh mà chúng ta đọc hay nhìn thấy được trên các máy điện toán, các máy truyền hình, các điện thoại di động đều được cấu thành bởi những ký hiệu mã hóa hay những điểm phân giải vi tế. Khi chúng ta đọc được chữ hay nhìn được hình ảnh trên màn ảnh của máy điện toán, máy truyền hình, hay điện thoại cầm tay, chúng ta chỉ nhìn thấy chữ và hình sau khi được tập thành hoàn chỉnh, nếu không thì chúng ta không thể đọc được chữ hay nhìn thấy được hình gì cả. Thực tế, chữ và hình đó chỉ là phần được biến thái của mã số hay điểm phân giải do nhà lập trình máy tạo ra, giống như Duy Thức Học nhà Phật gọi là “thức biến” từ dạng nguyên bản của các chủng tử nằm trong A Lại Da Thức thành thiên hình vạn trạng của năng tri và sở tri. Chúng là kết quả của một quá trình chuyển biến thần tốc và vi tế đến mức mắt thường của chúng ta không thể thấy. Chúng thực sự không phải là cái mà chúng ta gọi là hiện thực như thực của sự kiện, hay của một pháp đang diễn ra dù là trước mắt của chúng ta. Đó là thế giới ảo, thế giới mà chúng ta có thể nhìn thấy hay nghe những biến tướng của chúng nhưng không thể bước vào đó để cảm nhận như cuộc sống hiện thực.

Điều kỳ lạ đến không thể tưởng tượng được là chính thế giới ảo của truyền thông đó đã ảnh hưởngtoàn diện đến cuộc sống của nhân loại trong thế kỷ 21, mà trong đó có Phật Giáo.

Nhờ kỹ thuật tin học hiện đại, truyền thông đã đi một bước dài chưa từng thấy trong lịch sử từ lãnh vực thông tin đại chúng với truyền hình, báo chí, truyền thanh vào sâu và xa trong thế giới thầm kín của từng cá nhân con người qua các dạng trang mạng xã hội,  Facebook, Twitter, blog, Friendster, hi5, Tagged, Flixster, Classmates, Bebo, Orkut, Netlog, Google+, Linkedln, Tumblr, v.v… Nói là mạng xã hội vì qua những trang mạng cá nhân này, con người có thể tự mở cửa nhìn vào xã hội và ngược lại xã hội cũng có thể nhìn vào sinh hoạt của từng cá nhân con người một cách tương đối dễ dàng và thuận lợi. Ở đây, thế giới tư ẩn của mỗi cá nhân đã được phô bày ra trước xã hội có thể là tự nguyện và cũng có thể là không tự nguyện. Từ đó nhiều nhà xã hội học như Brian Jung, từ University Hospitals tại Cleveland tiểu bang Ohio, quan tâm đến quyền tư ẩn bị xâm phạm.[2]

Theo thăm dò của Trường Cao Đẳng Tiểu Bang Georgia có chủ đề “Những Ảnh Hưởng Tiêu Cực Của Truyền Thông Xã Hội Đối Với Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên” được công bố trong năm nay, nói rằng giới trẻ Mỹ tuổi từ 8 tới 18 đã vào các trang mạng xã hội từ 45 phút tới 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày. 51 phần trăm trẻ em cho biết họ đã bị trang mạng bắt nạt, ngược lại 49 phần trăm trẻ em cho biết họ đã quấy rầyngười khác trên mạng. Trong khi đó cũng theo thăm dò nói trên thì 72 phần trăm những người làm cha mẹ lo ngại con em họ phát hiện ra những thông tin không chính đáng trên mạng.[3]

Trong khi đó, thăm dò của Viện Nghiên Cứu Toàn Cầu Pew có chủ đề “Trang Mạng Toàn Cầu Ảnh Hưởng Tốt Về Mặt Giáo Dục Nhưng Cũng Ảnh Hưởng Xấu Về Mặt Đạo Đức Tại Các Nước Đang Trỗi Dậy Và Phát Triển,” được công bố hôm 19 tháng 3 năm 2015 cho thấy rằng 64 phần trăm người sử dụng Internet tại 32 quốc gia đang trỗi dậy và phát triển cho rằng trang mạng toàn cầu có ảnh hưởng tốt về mặt giáo dục, với ít nhất một nửa nói rằng rằng nó có ảnh hưởng tốt về mặt quan hệ cá nhân (53%) và kinh tế (52%). Cũng theo thăm dò của PEW nói trên, 42% số người trả lời cho biết trang mạng toàn cầu có ảnh hưởng xấu về mặt đạo đức, ngược lại chỉ có 29% cho là có ảnh hưởng tốt. Thăm dò của PEW nhấn mạnh rằng không một quốc gia nào được thăm dò có đại đa số người cho là Internet có ảnh hưởng tốt về mặt đạo đức.[4]

Tất nhiên, các phương tiện truyền thông đại chúng như Internet, truyền hình, báo chí, và các trang mạng xã hội đã và đang đem đến cho con người nhiều điều bổ ích và tiện lợi. Chẳng hạn, nhờ truyền thông đại chúng và mạng xã hội, chúng ta có được vô số tin tức cập nhật từng phút từng giờ trên khắp thế giới. Bao nhiêu kiến thức phổ thông và chuyên môn về nhiều lãnh vực từ giáo dục, sức khỏe đến mọi nhu cầu của cuộc sống, cũng như hàng khối dữ liệu, sách báo, phim ảnh quý báu mà nếu không có internet, truyền thông và mạng xã hội hiện đại thì một đời người chắc chắn không thể nào sưu tìm ra được.
Đối với Phật Giáo, thế giới tục đế là tương đối và vì vậy luôn luôn có tốt và xấu, có thiện và ác cùng hiện hữu. Tự bản chất, thế giới truyền thông được hình thành và phát triển trong mối tương quan tương duyên của nhiều điều kiện và không có tự tính cố định. Chúng cũng luôn luôn biến đổi và vô thường trong từng sát na chứ không phải chỉ trong giờ phút. Nó là thế giới ảo luân diễn trong ba cõi không thật. Nhìn sâu vào bản chất cả truyền thông và con người dưới tuệ nhãn của nhà Phật đều là không thật, chỉ như những ảo ảnh chợt hiện chợt tắt trên màn hình kỹ thuật số. Cả hai đều đang đóng vai của những diễn viên trên sân khấu cuộc đời mà đạo diễn chính là tâm thức con người. Tâm thức ấy có khi thiện và cũng có lúc ác. Nhưng kỳ thật cái tâm chủ nhân ông tạm thời đó cũng chỉ là trạng huống biến thể của một thế lực vô hình vô tướng nhưng năng lực thì thật là kỳ diệu vô song mà mắt người không thấy được, giống như luồng điện kích động cho những mã số và điểm phân giải hoạt động trên máy điện toán và màn ảnh truyền hình.

Nhưng làm sao con người có thể thoát được tác động của thế giới truyền thông, dù nó cũng là sản phẩm do chính con người tạo ra, trong cuộc sống tương đối và nhiều hệ lụy này? Đây có lẽ cũng là điều mà nhiều người đang quan tâm.

Đức Phật đã nói từ lâu rằng con người là kẻ thừa tự những gì do chính họ tạo ra. Chiêm nghiệm lời Phật dạy và nhìn vào thực tế chúng ta thấy con người tạo ra máy điện toán, điện thoại cầm tay, trang mạng toàn cầu, truyền hình, báo chí, v.v… Rồi cũng chính con người ở một bình diện nào đó là nạn nhân của những sản phẩm kia. Điều mà đức Phật gọi là do con người tạo ra chính là hành động tạo tác của thân, miệng và ý, hay nói theo thuật ngữ nhà Phật là ba nghiệp. Trong 3 nghiệp này thì chủ chốt nhất là tâm. Vì vậy, để giải nghiệp thì phải bắt đầu từ tâm. Tâm nghĩ điều lành thì miệng sẽ nói điều lành và thân sẽ làm điều lành. Nhờ đó mà cuộc sống cá nhân và cộng đồng xã hội sẽ được nhờ, sẽ được an ổn, hòa bình. Đây là điều kiện chính yếu và quan trọng nhất để xây dựng và phát triển truyền thông theo chiều hướng cải thiện và xây dựng con người và xã hội.

Trong ý nghĩa này, nhà làm truyền thông cần nên có cái tâm. Cái tâm mà thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều gọi là, “Thiện căn ở tại lòng ta…” Đó là cái tâm lành mà nhà truyền thông nên nghĩ đến khi viết hay đưa một bài viết, một bản tin, một hình ảnh lên các phương tiện truyền thông để phổ biến đến đại chúng. Nghĩ cho người khác là tâm vị tha của nhà Phật. Nó phát xuất từ tấm lòng biết nghĩ cho tha nhân, biết cảm thông và thương tưởng đến đồng loại, cũng như biết điều mình sắp làm sẽ có tác dụng như thế nào đến cá nhân con người và xã hội chung quanh. Trong thế giới tương đối này, chúng ta sống được là nhờ tất cả những điều kiện, những duyên từ bản thân đến gia đình và cộng đồng xã hộigộp lại, tuyệt nhiên trong đó không có một điều kiện nào đóng vai trò độc lập duy nhất làm cho chúng tatồn tại. Do đó, nhà truyền thông thực hiện quyền tự do ngôn luận không phải là muốn nói gì, muốn viết gì cũng được, mà phải biết nghĩ đến người khác, biết tôn trọng các quyền cơ bản của người khác, theo khuôn khổ luật pháp của quốc gia mà mình đang sống, và không làm hại đến tha nhân và cộng đồng xã hội. Chính vì thế, ngoài cái tâm ra, nhà truyền thông còn cần có cái trí để biết cách hành xử quyền tự dongôn luận của mình sao cho hợp tình hợp lý. Cái tâm là từ bi. Cái trí là trí tuệ. Đó là hai cái bánh của cỗ xe Đạo Phật mà nhà truyền thông Phật Giáo đang lái trên đường trung đạo đưa mình và người ra khỏi sự trói buộc của nghiệp lực bủa vây để vươn đến cuộc sống an lạc, giải thoát và phát triển toàn diện.

Khi đức Phật sắp nhập niết bàn, Thầy A Nan hỏi đức Phật sau này ghi lại những lời dạy của Phật thì lấy gì làm bằng cho người khác tin, đức Phật dạy Thầy A Nan nên bắt đầu mỗi bài kinh bằng câu: “Như thị ngã văn,” tức là “Tôi nghe như vầy.” Tôi là Thầy A Nan. Nghe như vầy là nghe đức Phật giảng như thế nào thì tụng lại, ghi lại như thế đó, không thêm không bớt. Nguyên tắc này có thể ứng dụng thích đáng cho lãnh vực truyền thông. Nghe như thế nào, thấy như thế nào thì kể và viết lại như thế đó, tức là tôn trọng sự thật. Không tôn trọng sự thật, nhà truyền thông tự mình phá đổ niềm tin của khán thính độc giả, của quần chúng. Nhà truyền thông không còn được tin tưởng nữa thì vai trò và chức năng truyền thông của người đó cũng tự động mất hiệu năng.

Tuy nhiên, tôn trọng sự thật và phương cách trình bày sự thật để quần chúng chấp nhận đòi hỏi đến kỹ thuật chuyên môn và kinh nghiệm đầy đủ. Vì thế, nhà truyền thông cũng cần phải có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm dồi dào để hoàn tất nghiệp vụ một cách tốt đẹp và nâng cao thành quả của công tác truyền thông.
Trong thời đại mà truyền thông chiếm ngự hết mọi sinh hoạt của từng cá nhân con người đến cộng đồng xã hội, những Phật tử, tăng, ni và nam nữ cư sĩ, không thể không sử dụng đến truyền thông để hỗ trợ cho công cuộc hoằng pháp và góp phần xây dựng và phát triển con người và xã hội. Tất nhiên, cho đến thời điểm này đã có nhiều thành quả rất đáng khích lệ trong việc dùng truyền thông để hoằng pháp với hàng ngàn trang mạng toàn cầu, trang mạng xã hội, đài truyền hình, đài phát thanh, báo chí, tạp chí, sách vở, tài liệu, v.v… do cá nhân, chùa viện hay tổ chức Phật Giáo của nhiều nước thực hiện.

Dù vậy, dường như đối với Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước đều chưa thật sự vận dụng đúng mức vai trò và chức năng của truyền thông cho công cuộc hoằng pháp có hiệu quả rộng lớn không những trong giới Phật Giáo mà còn đối với quần chúng và xã hội bên ngoài. Chẳng hạn, có rất nhiều chùa và tổ chức Phật Giáo làm nhiều Phật sự ý nghĩa, nhưng vì không có người viết tin, viết bài có nội dung thuyết phục để phổ biến trên các phương tiện truyền thông nên, đã không đánh động được sự tham gia đông đảo hơn nữa của quần chúng Phật tử các giới. Qua việc này có thể hiểu thêm một điều nữa là nếu các vị trú trì một ngôi chùa có khả năng viết bản tin, viết bài Phật pháp có chất lượng để phổ biến trên các cơ quan truyền thông thì sẽ giúp ích nhiều hơn nữa sự hiểu biết Phật Pháp và xây dựng vững chắc hơn niềm tin của Phật tử.

Khi các phương tiện truyền thông tin học, kỹ thuật điện toán, kỹ thuật số phổ biến rộng rãi thì giới Phật tử, xuất gia và tại gia, cũng cần phải cảnh giác cao độ đối với việc lạm dụng hay bị lạm dụng quá đáng để gây ảnh hưởng không tốt cho uy tín của Phật Giáo.

Tóm lại, truyền thông Phật Giáo gánh vác một sứ mệnh thật khó khăn, nhất là trong thời đại tin học bùng nổ hiện nay với tình trạng ngày càng phức tạp của thế giới ảo.  Sứ mệnh khó khăn đó là vừa chu toàn chức năng truyền thông hiện đại với việc bắt kịp những tiến bộ và đổi thay nhanh chóng từng ngày, vừa giữ gìn được truyền thống phẩm chất giải thoát và giác ngộ của Phật Giáo. Nhưng, có làm được như thế, truyền thông Phật Giáo mới có thể xứng đáng góp phần vào việc xiển dương Chánh Pháp của đức Phật giữa thời đại tin học, điện tử, kỹ thuật số biến đổi và tiến bộ phi mã.

Friday, February 16, 2018

Vũ Điệu Thời Gian và Bước Nhảy Tâm Thức

Vũ Điệu Xuân - ảnh Uyên Nguyên

Vũ Điệu Thời Gian và Bước Nhảy Tâm Thức

Huỳnh Kim Quang



Nếu Trái Đất mỗi ngày không múa điệu nghê thường lả lướt quanh Vầng Thái Dương rực rỡ thì có lẽ con người cũng chẳng chiêm ngưỡng được vẻ đẹp kỳ diệu của xuân hạ thu đông.
Và nếu tâm thức con người không hòa điệu bước nhảy theo vũ khúc thiên thu của trời đất thì làm gì có cảnh rộn ràng vui tươi của ngày Tết theo truyền thống văn hóa Việt.
Xuân, vì vậy, là hương sắc tuyệt trần của sự phối ngẫu nhiệm mầu giữa tâm, cảnh và thời gian. Chả thế mà danh thần Nguyễn Trãi, trong bài thơ “Hải Khẩu Dạ Bạc Hữu Cảm,” đã từng có lần nhìn sắc xuân đến say đắm:


Nhãn biên xuân sắc huân nhân tuý
(Sắc mùa xuân xông vào mắt khiến cho lòng say đắm)


Xưa nay, tao nhân mặc khách đều mê say hương sắc của nàng xuân. Cho nên người ta mới phong tước cho nàng xuân là chúa xuân, biểu tượng cho cái đẹp mê hồn của thiên nhiên. Trong bốn mùa, xuân hạ thu đông, thì xuân không chỉ là vũ điệu khởi đầu của thời gian, mà còn là bước nhảy êm ả, đẹp đẽ, và tươi tắn nhất, với muôn ngàn thảo mộc nẩy mầm đơm hoa và trái đất như khoác lên chiếc xiêm y muôn sắc sặc sỡ.
Nhưng, tùy tâm và cảnh của mỗi người mà xuân mang dáng dấp khác nhau. Vị hoàng đế anh minh của Nhà Trần đã 2 lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông, là Trần Nhân Tông, có lần diễn tả cảm trạng về một chiều xuân trong bài Xuân Vãn:


Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.
Như kim khám phá đông hoàng diện,
Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng.


Chiều Xuân
Thuở nhỏ chưa thấu lẽ Sắc Không,
Xuân phơi trăm đóa gửi chuyện lòng.
Gương mặt chúa Xuân nay đã tỏ,
Nệm cỏ ngồi xem rụng cánh hồng.
(Bản dịch của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ)


Tâm sự của vị tị tổ dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử có khác với cảm nhận của thế nhân khi thưởng xuân. Nhà tu liễu ngộ được lẽ sắc không của vạn pháp thì an nhiên tự tại mà ngắm xuân chứ không rộn ràng, động tâm như người đời.
Trong khi đó, thi hào Nguyễn Du dù đọc Kinh Kim Cang cả ngàn lần mà có lúc cũng rơi lệ trong đêm xuân khi cảm thân phận lữ khách tha hương ngàn dặm trong bài thơ Xuân Dạ của ông:


Hắc dạ thiều quang hà xứ tầm?
Tiểu song khai xứ liễu âm âm.
Giang hồ bệnh đáo kinh thì cửu,
Phong vũ xuân tùy nhất dạ thâm.
Kỳ lữ đa niên đăng hạ lệ,
Gia hương thiên lý nguyệt trung tâm.
Nam Đài thôn ngoại Long Giang thủy,
Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm (kim).


Đêm Xuân
Đêm đen Xuân đến biết tìm đâu
Bóng liễu bên song chạnh nỗi sầu
Dừng bước giang hồ, thân ủ bệnh
Xót đời mưa gió, mệnh chìm sâu
Đèn khêu năm tháng bao nhiêu lệ
Mắt nuối quê hương mấy nỗi đau
Nam Đài tiếng sóng Long Giang gọi
Kim cổ lạnh tràn đưa tiễn nhau.
(Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dịch Việt)
Tâm trạng ngày xuân của thi hào Nguyễn Du lúc làm lữ khách tha hương ngày xưa sao nghe giống tâm trạng của người Việt tị nạn ly hương ngày nay quá! Nhưng biết làm sao, khi quê hương còn xa vời vợi. Quê xa không phải vì đường xa, mà vì lòng người hai bờ chính kiến xa cách nhau diệu vợi.
Mấy ngày cận Tết, mỗi đêm đi làm về khuya ngang qua những con đường đèn mờ vắng vẻ, lòng người tha hương bỗng nghe cô quạnh lạ thường. Nhớ những cái Tết năm xưa ở quê nhà rộn rịp và gia đình bà con sum vầy ấm áp.

Đèn khêu năm tháng bao nhiêu lệ
Mắt nuối quê hương mấy nỗi đau


Xuân về trên đất Mỹ lại nhằm vào mùa đông giá rét lạnh lùng. Cái giá rét của ngày xuân ở xứ người càng thấm thía hơn khi màn đêm phủ xuống thân phận cô liêu của kẻ tha hương. Thi sĩ Pierre Emmanuel của Pháp đã diễn tả triết lý cao siêu vi diệu đến khó hiểu của những đêm tối cô liêu qua bài thơ “Seuls Comprennent Les Fous” (Chỉ Những Người Điên Mới Hiểu) mà nhà thơ Phạm Công Thiện đã dịch xuất thần như sau:


Một chút tình thương trong máu
Một hạt chân lý trong hồn
Cũng như một chút hạt kê cho chim sẻ
Để sống trườn qua một ngày đông lạnh
Người có nghĩ rằng
Những bậc thánh cao siêu nhất lại cân nặng hơn?
Tại sao vĩnh cửu lại màu xanh lá cây?
Ôi đau đớn không lời
Cành dương xỉ còn khép lại…
Kẻ nào chưa cảm thấy trong lòng mình ru khẽ lên những chiếc lá đầu mùa
Thì không bao giờ biết được vĩnh cửu.
Ôi đêm tối
Mi là hương vị bánh mì trên lưỡi ta
Mi là cơn mát rượi hồn của quên lãng trên hình hài ta
Mi là dòng suối không hề cạn chảy về niềm im lặng của ta
Vào mỗi buổi chiều là rạng đông của nỗi chết trong ta.
Ca hát mi làm gì
Cầu nguyện mi làm gì
Bởi vì chỉ một giọt nước mắt cô liêu
Cũng chứa đọng mi trọn vẹn
Ôi đêm tối


Phải chăng “Những chiếc lá đầu mùa” của thi sĩ Emmanuel là những chiếc lá mùa xuân, biểu tượng của hy vọng và vĩnh cửu? Thì ra, trong cái u tối rợn người của đêm đen cũng còn “một chút tình thương trong máu,” hay “một hạt chân lý trong hồn.”
Đó cũng chính là hình ảnh đóa mai mùa xuân vừa nở sau đêm đông bão bùng giá rét của Thiền sư Mãn Giác đời Nhà Lý:


Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.


Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
(Hòa Thượng Thích Thanh Từ dịch)


Bởi thế, không có bước nhảy của tâm thức con người hòa cùng vũ điệu thời gian thì xuân chỉ là xuân của bốn mùa, xuân hạ thu đông, trơ cùng tuế nguyệt. Dù có lá xanh mơn mởn khoe sắc hay hoa vàng rực rỡ thắm tươi thì nào ai hay biết ẩn hiện trong đó là hương sắc gì, là nụ cười chưa tắt trên môi, hay ngấn lệ còn nóng hổi mới vừa rơi từ khóe mắt.
Vũ điệu mùa xuân đang tung tăng trên khắp nẻo đường của người Việt lưu cư. Xin mời mọi người mở ngỏ tâm thức để cùng nhảy với vũ điệu của mùa xuân Mậu Tuất đang về.