Showing posts with label Vĩnh Hảo. Show all posts
Showing posts with label Vĩnh Hảo. Show all posts

Friday, August 2, 2024

Vĩnh Hảo: Báo ân Cha Mẹ

Nhận được hình hài này từ cha mẹ, một khi con trưởng thành và có đủ nhận thức, con biết con cần phải phát triển từ thể chất đến tinh thần; vì không tự tiến về phía trước với sự bảo bọc, dìu dắt của cha mẹ, chính là vô ân.

Trong suốt những năm tháng dưới sự nuôi nấng dạy dỗ của cha mẹ, con luôn cảm nhận được tình thương bao la, vô điều kiện của cha mẹ dành cho con, dù hình thể của con đẹp hay xấu, lành lặn hay tật nguyền; dù tánh tình của con ngoan hiền hay bướng bỉnh, thông minh hay chậm lụt; và dù khi bước chân vào trường đời, con thành công hay thất bại.

Nhận thức về công ơn, cảm nhận về tình thương của cha mẹ như thế, con biết con cần phải sống như thế nào để không phụ lòng cha mẹ.

Về thể chất, con biết tự chăm sóc bản thân, không phung phí sức lực và thời giờ vào những trò chơi vô bổ làm hại đến sức khỏe; không tàn phá hủy hoại thân thể bằng sự nghiện ngập say sưa, rượu chè hút xách.

Về tinh thần, con biết phân biệt thế nào là tốt-xấu, thiện-ác; biết tuân thủ những luật tắc và lề thói căn bản đạo đức của làng nước; biết những gì là hủ tục cần vượt bỏ, những gì là mỹ tục cần áp dụng, triển khai.

Đối với gia đình, con hiểu đây là nền tảng để xây dựng xã hội, quốc gia; vì vậy, gia đình cần sự hòa hợp êm ấm, trên dưới thuận thảo với nhau trong tình thương yêu và cảm thông; mỗi thành viên gia đình phải tự thể hiện đúng chức năng và vai trò của mình đối với các thành viên khác để có cuộc sống hài hòa, an vui.

Đối với xã hội, con ý thức rằng giữa cá nhân, gia đình và xã hội có sự tương quan chặt chẽ; cá nhân và gia đình có thể ảnh hưởng tốt/xấu đến xã hội và xã hội cũng luôn tác động tốt/xấu đến cá nhân và gia đình. Trong tương quan đó, con phải biết tương nhượng và chia sẻ quyền lợi một cách công bằng chứ không phải lúc nào cũng chỉ biết thủ lợi về phần mình; ngược lại cũng không để xã hội chèn ép, áp bức, lợi dụng năng lực cá nhân. Con biết để trở thành người hữu dụng trong xã hội, con phải hết lòng cống hiến khả năng, công sức và thời giờ của mình để góp phần làm lợi ích cho tha nhân, vì làm lợi ích cho tha nhân cũng chính là làm lợi ích cho con và gia đình.

Đi xa hơn, ngoài phạm vi xây dựng hạnh phúc gia đình, xã hội với việc sinh nhai và giao tiếp thường ngày, con cũng tự ý thức trách nhiệm đối với quốc gia, dân tộc. Dân tộc là trên hết, thể chế và đảng phái chính trị chỉ là nhất thời[1].

Là công dân của một nước độc tài, con phải luôn ý thức rằng độc tài kềm hãm sự phát triển quốc gia, cưỡng đoạt sự tự do của dân tộc; vì vậy con cần phải góp phần vào tiến trình cải cách xã hội, giải thoát dân tộc ra khỏi chế độ độc tài ấy, bất kể phải trải thời gian bao lâu.

Là công dân một nước dân chủ, mà sự tự do phồn thịnh được thừa hưởng từ tiền nhân và tổ phụ lập quốc, con luôn nhớ ơn, trân quý và tận lực bảo vệ di sản ấy, không để vuột mất bởi sự manh động của bất kỳ cá nhân, dòng tộc, thiểu số vị kỷ hay đảng phái nào có khuynh hướng độc tài, vụ lợi, phi luân. Con ý thức trách nhiệm và quyền hạn của con trong phổ thông đầu phiếu[2]: sử dụng lá phiếu một cách thận trọng, đúng đắn, với ý thức tự do, với tinh thần dân chủ, bầu chọn người lãnh đạo có đạo đức và có chính sách ích nước lợi dân; không bầu chọn kẻ độc tài mị dân, tham nhũng, lạm quyền.

Khi con chính thức bước vào cuộc đời với niềm tin nơi chân-thiện-mỹ, với trí thức và kinh nghiệm của một con người có phẩm cách được huấn dục từ cha mẹ hiền thiện, con biết những điều con suy nghĩ, nói năng và hành động như trên là cách báo ân tốt nhất mà con có thể.

Nhưng nếu không may, cha mẹ của con là những người không hiền thiện, không chánh tín[3], không chánh kiến[4], con cũng xin giữ vững phẩm cách đạo đức và hành xử chính trực của con như là cách để đền đáp ân nặng sinh dưỡng của cha mẹ. Con sẽ không mù quáng tin và nghe theo những điều bất thiện, bất chánh của cha mẹ để kéo cả gia đình vào chỗ đạo đức suy đồi, băng hoại, mà cần phải kiên nhẫn thuyết phục cha mẹ hướng về nẻo thiện chân.

Hướng về cha mẹ hiện tiền hay đã là cổ nhân, con xin tạc dạ tri ân và nguyện báo đền ân sâu bằng từ bi, trí tuệ và bằng sự lợi hành không mỏi mệt đối với tha nhân, đối với trần gian thống khổ này.

California, mùa Vu Lan năm 2024
Vĩnh Hảo


[1] Quan nhất thời, dân vạn đại. Ngạn ngữ này có thể hiểu là khi ra làm quan thì chỉ làm quan một thời gian, cuối cùng cũng trở về làm thường dân như mọi người; cũng có thể hiểu rằng chính quyền hay chức quyền chỉ một thời, còn dân mới là trường cửu.

[2] Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu của một thể chế dân chủ cho phép mọi công dân không phân biệt nam nữ, sắc dân, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, tôn giáo hay không tôn giáo… đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền tham gia bầu cử và có giá trị lá phiếu bình đẳng như nhau.

[3] Niềm tin chân chánh sau khi trải qua sự sàng lọc của trí thức và suy nghiệm chín chắn, dựa trên nguyên lý nhân quả; tức là không mê tín, không cuồng tín.

[4] Chánh kiến 正見: sự hiểu biết chân chánh về bản chất cuộc đời, bản chất của sinh-tử – một trong tám chi Thánh đạo (Bát Chánh Đạo hay Bát Thánh Đạo); khác với Chính kiến 政見: ý kiến hay quan điểm về chính trị, hay quan điểm riêng về việc nước. Đọc chánh hay chính đều được, nhưng nghĩa của 2 chữ chánh/chính ở trên hoàn toàn khác nhau. Chữ trước, chánh là chân chánh, ngay thật; chữ sau, chánh là chánh trị, chính trị, là việc trị nước, hay (theo Tự Điển Hán Việt của Thiều Chửu): “mọi hoạt động của chính phủ, chính đảng, đoàn thể xã hội và cá nhân ở trong nước (nội chính) cũng như về quan hệ quốc tế.” 


Paying Back Our Parents' Debt


After we reach adulthood and full consciousness, having inherited this body from our parents, we recognize the need to advance both physically and spiritually. It would be unappreciative to not move on under our parents' protection and direction.

We always sense our parents' unending, unconditional love for us over the years of being raised and instructed by them—regardless of whether we are attractive or not, entire or crippled, well-behaved or uncooperative, smart or slow. Their affection never wavers as we venture out into the world, success or failure.

We become aware of how much we owe our parents and the depth of their love, and we come to understand that we must live in a way that honors their sacrifices.

On a physical level, we learn self-care and how to avoid wasting our time and energy on pointless activities that are bad for our health. We don't ruin our bodies with overindulgence, drug addiction, or alcohol consumption.

We acquire the ability to distinguish between right and wrong, virtue and vice, on a spiritual level. We follow the fundamental moral precepts of society, understanding which customs should be abandoned and which should be preserved and encouraged.

We view the family as the cornerstone of society and the country. As a result, the family needs harmony, with each member showing the other love and understanding. For the family to live in harmony and delight, each member must play their part toward the others.

In terms of society, we acknowledge the close ties that bind individuals, families, and society together. Families and individuals have the power to favorably or badly impact society, and society in turn has the power to positively or negatively influence families and individuals. Instead of constantly pursuing our own interests, we must learn how to fairly share and yield in this partnership. Similarly, we ought not permit society to subjugate or take advantage of our own abilities. We must commit our skills, time, and energy to improving the lives of others if we want to be a valuable member of society. After all, helping others helps us and our family.

Beyond the confines of the family, society, everyday tasks, and interpersonal relationships, we also need to consider our duty to our country and its citizens. Political groups and regimes are ephemeral; the nation is eternal.

As citizens of a dictatorship, we have to remember that these kinds of governments rob their inhabitants of their freedom and impede national progress. Hence, regardless of how long it takes, we must aid in the process of social reform and freeing our people from such a dictatorship.

We always recall with gratitude and preserve this legacy as citizens of a democracy, where the freedom and prosperity we enjoy are a legacy of our predecessors and the country's founders. We cannot allow it to be lost as a result of the careless acts of any one person, group, minority, or political party that has unethical, authoritarian, or selfish tendencies. We understand our role and rights in a democracy with universal suffrage: to exercise our right to vote responsibly, accurately, and freely in a spirit of democracy, selecting honest leaders and policies that advance the interests of the country and its citizens. We don't cast our votes for crooked people, demagogues, or power abusers.

I believe that living, speaking, and behaving in these ways are the finest ways for me to pay back my parents when I enter life with faith in truth, goodness, and beauty, armed with knowledge and the experience of a person reared with virtue by compassionate parents.

But in the unfortunate event that my parents are unkind, unfaithful, or hold incorrect opinions, I will continue to uphold my moral principles and honorable behavior as a means of making up for the significant debt I incurred during my birth and upbringing. I refuse to mindlessly adopt my parents' unhealthy or immoral practices, which could bring the family to disaster and moral decay. Rather, I will gently convince them to go in the direction of morality and truth.

I express my sincere thanks to my parents, living or deceased, and promise to honor their great debt with kindness, discernment, and unceasing deeds that help others and lessen suffering in this world.

California, Vu Lan Season 2024
Vĩnh Hảo

Sunday, May 23, 2021

Vĩnh Hảo: BƯỚC QUA LỊCH SỬ

 BƯỚC QUA LỊCH SỬ


Vĩnh Hảo

 

Poole Bus Station - Poole, Dorset

(Photo: Poole Bus Station)

 

 

Cơn đại dịch quét qua địa cầu gây điêu đứng và làm xáo trộn cả đời sống của nhân loại. Nó tước đi những sinh mệnh, làm đảo lộn nếp sống của từng cá nhân, gia đình, xã hội, quốc gia và quốc tế. Nó không phân biệt, nể trọng hay nhường nhịn ai; không kỳ thị trí thức hay bình dân, giàu hay nghèo, già hay trẻ, nam hay nữ, khỏe mạnh hay yếu đuối. Nó ly cách từng cá nhân, chia lìa những gia đình, khoanh vùng từng xã hội; và như lưỡi hái khổng lồ của tử thần, nó phạt ngang, san bằng tất cả những gì nằm trên lối đi thần tốc của nó.

Hơn ba triệu người nằm xuống (1) dưới lưỡi hái này kể từ khi dịch bắt đầu lây lan; và số nhân mạng tử vong vẫn còn tăng lên từng ngày ở quốc gia này, quốc gia kia, dù các khoa học gia đã bào chế và sản xuất được thuốc chủng ngừa từ cuối năm trước.

Hãy thử nhìn những con số của dịch cúm năm 1918: khoảng 500 triệu người bị lây nhiễm, và khoảng ít nhất là 50 triệu người tử vong trên toàn thế giới (2). Số người chết năm xưa so với ngày nay thật quá khủng khiếp. Nhưng ngày nay đọc lại từ sử liệu, chỉ thấy tử vong trên những con số. Hình ảnh chết chóc sẽ được gợi lên bằng phép toán so sánh thật nhanh: năm ấy và năm nay, con số và người chết. Mức độ xúc cảm sẽ không nhiều, nếu không muốn nói là vô cảm.

Thống kê về tử vong trong chiến tranh, thiên tai, ôn dịch… ở khắp nơi trên thế giới với cấp số nghìn, muôn, ức, triệu không thể nào chính xác, để rồi con số cuối cùng lưu vào sử chỉ là ước tính. Những con số trên trang sử, dù chuẩn xác hay chỉ ước tính, cũng đã lược bỏ đi danh tánh, tuổi tác, giới tính, chức nghiệp… của từng phận người. Và, sử đã không ghi được nỗi thống khổ cùng tận của những con người bằng xương bằng thịt, có ý thức, xúc cảm và tình thương, phải đau đớn quằn quại khi mất đi một phần cơ thể, hoặc mất đi người thân yêu trong gia đình. Sử không ghi được máu đổ nơi chiến trường hay hậu phương, không ghi được nước mắt lăn dài trên những gương mặt sầu đau khổ nạn. Sử cũng không mô tả được nỗi âu lo, niềm hy vọng, thất vọng và từng giây phút căng thẳng của những người ở tuyến đầu lửa đạn hay đại dịch: người lính ở trận tiền, y sĩ y tá nơi phòng cấp cứu bệnh viện, trực tiếp chứng kiến, cảm nhận và chia sẻ nỗi đớn đau và cái chết với đồng đội, với bệnh nhân. 

Có những cơn đau làm oằn cả thân, rồi mau chóng mang đi một đời người. Có những cơn đau vật vã kéo dài như hành hạ xác thân trong nhiều kiếp. Có những cuộc chia ly vội vàng không kịp nói lời từ giã, và những cuộc từ biệt đã biết từ nhiều ngày trước. Có những lời trăng trối đứt quãng theo hơi thở phập phều, và những lời nhắn nhủ ngắn gọn chỉ được gửi qua vị y sĩ. Có những cái chạm tay qua mặt kiếng, hay vẫy tay từ một khoảng cách xa thẳm như từ hai thế giới cách biệt. Những lời nghẹn ngào. Những tiếng khóc lặng câm, đau buốt ở tận tim gan. Sự đau đớn và khiếp hãi của bệnh nhân khi đối diện với cái chết là không cùng tận; niềm đau mất mát của người thân ở lại cũng không cùng tận. 

Cái khổ của sinh, già, bệnh, chết đã được nói nhiều trong kinh điển các tôn giáo, trong sử sách, văn chương, báo chí, lời truyền giảng… Nhưng nếu không trực tiếp ở ngay tuyến đầu của chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, người ta khó có thể khởi lên niềm trắc ẩn, xót xa hay phát lòng từ bi ảnh hưởng lên hành động cứu giúp, vỗ về. Khi khổ nạn chưa đến với bản thân, người ta hãy còn thờ ơ, không quan tâm gì lắm; cho đến khi dịch bệnh lan đến bạn bè, hàng xóm, người thân, mới để ý và tin rằng nó có thật. Và rồi khi khổ nạn ấy đến với chính tự thân, lời trăng trối cũng không kịp cất lên, niềm hối hận cũng muộn màng không thể chân thành biểu lộ. Tin tức từ các phương tiện truyền thông đại chúng đến lúc này mới được ghi nhận là có thật, mà căn bệnh nguy hiểm đang hành hạ xác thân, hăm he tước đi mạng sống của mình còn thật hơn.

 

Cho nên, sống trên cuộc đời khổ đau này, cần phải học và phát triển lòng thương. Thiếu lòng thương, người ta sẽ mất đi sự nhạy cảm, đồng cảm với khổ nạn của kẻ khác. Thiếu lòng thương, người ta chỉ biết có mình, niềm đau của mình, mà không hề biết rằng có những người khác cũng đau khổ, có khi còn trăm lần hơn. Lòng thương là chất liệu có sẵn trong mỗi con người, là sức mạnh vô song có thể vực dậy được những gì đã ngã đổ của tự thân và gia đình; xa hơn, có thể làm vơi đi những khổ đau bệnh hoạn của xã hội, cứu vớt an ủi những số phận hẩm hiu nghèo đói. 

Hạt mầm thương yêu có sẵn, nhưng không tạo môi trường tốt đẹp và thích hợp thì mầm ấy cũng không thể nứt lên cây, cho ra hoa trái. Bởi vậy tình thương, hay lòng từ bi, cần phải trau luyện và nuôi lớn. Lòng từ bi nên được ứng dụng vào tất cả mọi sinh hoạt của con người, từ cá nhân đến gia đình và xã hội, từ giáo dục đến y tế, kinh tế. Động lực và chức năng của lòng từ bi là nâng dậy. Từ sự nâng dậy ấy, nhân gian sẽ an vui hơn, cuộc đời sẽ hạnh phúc hơn.

Hãy nghe lời nguyện tha thiết phát khởi từ lòng yêu thương con người và cuộc đời, được tụng đọc mỗi sáng trong chốn thiền môn: “Vào những lúc tật dịch tràn lan, con sẽ hóa hiện thành thuốc men (dược thảo), cứu chữa cả những bệnh trầm kha; gặp khi nạn đói hoành hành, con sẽ hóa hiện thành lương thực để cứu người đói lạnh cơ khổ. Bất cứ điều lợi ích (thiết thực) nào, con nguyện sẽ không từ nan” (3).

Với lòng từ bi được trau luyện và nuôi dưỡng ấy, chúng ta đối diện và đối kháng với thảm họa dịch bệnh hôm nay bằng trái tim và bàn tay nhân ái. Bất cứ điều gì có thể góp phần vào việc phòng ngừa và chống lại dịch bệnh, chúng ta sẽ tận lực thực thi, vì điều này sẽ cứu mạng rất nhiều người, trong đó có cả bản thân và gia đình chúng ta. Chúng ta không quên tri ân những nhà khoa học suốt mấy chục năm qua đã vùi mình vào các chương trình nghiên cứu về vi trùng để kịp bào chế thuốc chủng ngừa cho dịch bệnh ngày nay. Chúng ta biết trân quý, biết ơn và hết sức ca ngợi lòng hy sinh, ý thức trách nhiệm và lòng nhân ái của những y sĩ, y tá, y công ở tuyến đầu đại dịch. 

Trăm năm sau, hình ảnh cao đẹp và bi tráng của các nhà khoa học và những người ở tuyến đầu dịch bệnh sẽ được nhắc qua loa trong sách sử; và người đời sau cũng sẽ nhìn thấy những con số lây nhiễm, tử vong, ở nước này nước kia với một thoáng bi thương, hoặc hoàn toàn vô tâm vô tình. Người viết sử chỉ khách quan ghi nhận các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ cho nên sách sử là những trang giấy khô chết, chứa đựng dữ liệu, sự kiện. Người đọc sử có trách nhiệm nghiên cứu và rút tỉa những bài học từ lịch sử khô chết ấy để tránh tái diễn những thảm họa khó thể lường trước ở tương lai.

Đã khắc ghi bài học lịch sử ấy rồi thì tiếp đến, cần nhớ rằng bài học vỡ lòng của tiến bộ là hãy quên đi quá khứ. Bám víu vào những sai lầm lịch sử sẽ ngăn cản bước đi của người trí tuệ hiện tại, ảnh hưởng tiêu cực đến các thế hệ mai sau.

 

Nơi trạm xe buýt cuối ngày, chuyến xe cuối cùng chuẩn bị lăn bánh. Những người đến trễ và những người muốn ngủ lại nơi băng ghế chờ đợi, sẽ bị bỏ lại. Cơ hội tái diễn cho một chuyến xe khác, có thể là ngày hôm sau. Nhưng hôm sau, nào ai đoán được chuyện gì sẽ xảy ra. Người ta cần phải bước qua, bỏ lại lịch sử phía sau, bằng không sẽ bị bỏ lại bên lề lịch sử.

 

California, ngày 23 tháng 05 năm 2021

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

 

______________

 

 

  1. Theo số liệu thống kê từ Worldometer, https://www.worldometers.info/coronavirus/ tính đến ngày 23/5/2021, trên thế giới đã có 167,362,130 ca lây nhiễm, 148,377,916 trường hợp được hồi phục, và 3,475,053 trường hợp tử vong vì COVID-19.

  2. Theo CDC (Centers for Disease Control and Prevention – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh), đại dịch cúm năm 1918 là đại dịch nghiêm trọng nhất trong lịch sử gần đây. Nó được gây ra bởi một loại vi-rút H1N1 với gen có nguồn gốc từ gia cầm. Mặc dù không có sự đồng thuận về nguồn gốc của virus, nhưng nó đã lây lan trên toàn thế giới trong giai đoạn 1918-1919. Tại Hoa Kỳ, nó lần đầu tiên được xác định ở các quân nhân vào mùa xuân năm 1918. Người ta ước tính rằng khoảng 500 triệu người hoặc một phần ba dân số thế giới đã bị nhiễm vi-rút này. Số người chết ước tính lên tới ít nhất 50 triệu người trên toàn thế giới với khoảng 675.000 người xảy ra ở Hoa Kỳ. (Nguồn: https://www.cdc.gov/flu/pandemic-resources/1918-pandemic-h1n1.html

Theo Wikipedia, đại dịch năm 1918 được ghi vào sử với tên gọi là Spanish Flu (cúm Tây Ban Nha). Nhưng kể từ năm 2015, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO – World Health Organization) đã yêu cầu các nhà khoa học nên tránh dùng địa danh hay tên gọi cá biệt của một chủng loại nào đó để đặt cho một loại virus hay đại dịch nhằm tránh sự kỳ thị chủng tộc cũng như tác hại về kinh tế đối với địa phương ấy.

“Tật dịch thế nhi hiện vi dược thảo, cứu liệu trầm kha; cơ cẩn thời nhi hóa tác đạo lương, tế chư bần nổi. Đản hữu lợi ích, vô bất hưng sùng.” Đoạn này trích từ bài “Phát Nguyện Văn” (mà thiền môn Việt Nam gọi nôm na là Sám Qui Mạng) của Thiền sư Di Sơn, đời Đường bên Trung Hoa. Để tỏ lòng tôn kính, môn đồ lấy tên ngọn núi (Di Sơn) để gọi thay vì gọi thẳng tên là Thiền sư Kiểu Nhiên. Bài Phát Nguyện Văn này được đưa vào nghi thức tụng niệm để tụng đọc vào mỗi thời công phu sáng tại các chùa miền Trung và Nam Việt Nam.

Sunday, December 20, 2020

Vĩnh Hảo: Khởi Đầu và Kết Thúc

 

Ai cũng tin rằng tương lai sẽ như vầy, như vầy, đúng như hôm qua và hôm nay đã trù liệu, hoạch định và tiến hành; bởi vì cái nhân gieo xuống với sự trợ duyên của các yếu tố phụ thuộc chung quanh, một cách khoa học và kinh nghiệm, cùng với thời gian vừa đủ để một tiến trình được khai mở, phát triển, chắc hẳn có nhiều phần mang lại kết quả tương xứng, hoặc bội phần, hoặc bội bội phần.

Tuy vậy, kinh nghiệm, với những kết quả thực tế của một số sự việc, công trình, cũng cho thấy rằng, không phải lúc nào quả phải theo nhân. Bài học vỡ lòng của nhân-quả dạy chúng ta rằng các yếu tố ngoại tại có khi cũng rất quan trọng để dẫn đến kết quả như ý hay bất xứng ý. Tất nhiên khi nông gia cấy lúa xuống ruộng, đã theo kinh nghiệm lâu năm của cha-ông và nghề nghiệp: biết chọn giống tốt, biết lúc nào gieo mạ, cấy mạ, đưa nước vào ruộng, xả nước khỏi ruộng, xịt thuốc trừ sâu, v.v… Nhưng cũng nông vụ nầy, năm ngoái trúng mùa, năm nay bão giông lũ lụt lại thêm các đập thủy điện xả nước, lúa sẽ bị mất trắng.

Hạt lúa là nhân, cây lúa trổ bông là quả; những điều kiện hỗ trợ, tiếp sức cho hạt lúa nẩy mầm, lớn lên và trổ đòng đòng là duyên. Nhân chỉ có một; quả thường nhiều hơn cái nhân ấy; và duyên thì vô hạn, vô tận. Bởi vì, duyên của một cái nhân này có khi lại là nhân của một cái quả nào đó, hoặc là quả của một cái nhân khác. Chính vì tương quan chồng chéo đan xen như thế giữa các sự thể, nhà Phật gọi là trùng trùng duyên khởi, trùng trùng tương duyên – qua đó, sự sinh khởi của bất cứ sự thể, sự kiện, sự vật nào, từ hữu hình đến vô hình, đều có sự tương trợ và tác thành bởi vô số điều kiện nhân duyên khác. Một sự thể vừa là quả, vừa là nhân, cũng vừa là duyên cho một hay nhiều sự thể khác. Một sự thể vừa là chủ thể, mà cũng vừa là đối tượng của một chủ thể khác. Mỗi chủ thể đều có tác động đồng thời chịu tác động, gián tiếp hay trực tiếp, thuận hay nghịch, từ một hay nhiều, hay vô số đối tượng và chủ thể khác không phải là nó. Vì vậy, thực ra không có sự thể nào tự sinh khởi, cũng không có sự thể nào có tự tính riêng biệt của nó (vô tự tính). Không gì hiện hữu một cách độc lập. Tất cả đều tùy thuộc vào nhau (tương thuộc), hỗ trợ nhau (tương duyên), và làm nhân cho nhau (tương sinh). Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không[1]. Nhưng cũng chính vì tất cả sự thể đều tùy thuộc hỗ tương, không sự thể nào có tự tính độc lập, nên thực sự không có gì là nhân, là duyên, là quả. Từ chỗ này, Đại sư Long Thọ nói: không gì được sinh ra hay diệt đi; không gì thường hằng hay đoạn diệt; không gì đồng nhất hay dị biệt; và không gì đến hay đi[2]. Bát-nhã Tâm kinh cũng nói: “Bởi vì tướng của các pháp là không (tự tính), nên không có sinh-diệt, dơ-sạch, tăng-giảm” là vì thế[3].

Nghiệm sâu từ đó, không phải để chối bỏ thực tại vô thường của thế giới tương đối, hay cố gắng truy tìm thực tại tuyệt đối vượt khỏi biên tế trần gian; mà chỉ để thực tập một cách nhìn vượt khỏi những nhị nguyên, đối đãi.

May ra, ở chỗ tận cùng bế tắc của đường ngôn ngữ[4], có thể thấy thấp thoáng đâu đó chỗ kỳ tuyệt của bản tâm, nơi đó, không có chỗ khởi đầu và kết thúc.

Suy cho cùng, một sát-na, một ngày, một tháng, hay một năm cũng thế. Không có sự bắt đầu hay kết thúc của không gian và thời gian. Không sinh nên không diệt. Vô thủy nên vô chung.

Nơi ruộng đồng kia, lúa nẩy mầm.
Và mùa xuân lại đến.

California, ngày 20.12.2020
Vĩnh Hảo

(www.vinhhao.net)

[1] Kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ I), nguyên lý Duyên khởi được nêu như sau:
“Vì cái này có nên cái kia có
Vì cái này không nên cái kia không
Vì cái này sinh nên cái kia sinh
Vì cái này diệt nên cái kia diệt.”

[2] Bát bất (tám cái không) mà Long Thọ (Nāgārjuna) nêu lên như là tiêu đề cho toàn bộ Trung Quán Luận:

“Bất sinh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất
Năng thuyết thị nhân duyên
Thiện diệt chư hí luận
Ngã khể thủ lễ Phật
Chư thuyết trung đệ nhất.

Tạm dịch:
Không sinh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đến cũng không đi
Tuyên thuyết pháp nhân duyên
Khéo diệt mọi hí luận
Con cúi đầu lạy Phật
Bậc đạo sư đệ nhất.

[3] “Thị chư pháp không tướng: bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.”
[4] “Ngôn ngữ đạo,” (con đường của ngôn ngữ văn tự), chữ dùng của Đại Trí Độ Luận, trong “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt,” nghĩa là cắt đứt con đường ngôn ngữ, dập tắt chỗ vận hành của tâm.

Vĩnh Hảo: Khởi Đầu và Kết Thúc

 Vĩnh Hảo: Khởi Đầu và Kết Thúc

Ai cũng tin rằng tương lai sẽ như vầy, như vầy, đúng như hôm qua và hôm nay đã trù liệu, hoạch định và tiến hành; bởi vì cái nhân gieo xuống với sự trợ duyên của các yếu tố phụ thuộc chung quanh, một cách khoa học và kinh nghiệm, cùng với thời gian vừa đủ để một tiến trình được khai mở, phát triển, chắc hẳn có nhiều phần mang lại kết quả tương xứng, hoặc bội phần, hoặc bội bội phần.

Tuy vậy, kinh nghiệm, với những kết quả thực tế của một số sự việc, công trình, cũng cho thấy rằng, không phải lúc nào quả phải theo nhân. Bài học vỡ lòng của nhân-quả dạy chúng ta rằng các yếu tố ngoại tại có khi cũng rất quan trọng để dẫn đến kết quả như ý hay bất xứng ý. Tất nhiên khi nông gia cấy lúa xuống ruộng, đã theo kinh nghiệm lâu năm của cha-ông và nghề nghiệp: biết chọn giống tốt, biết lúc nào gieo mạ, cấy mạ, đưa nước vào ruộng, xả nước khỏi ruộng, xịt thuốc trừ sâu, v.v… Nhưng cũng nông vụ nầy, năm ngoái trúng mùa, năm nay bão giông lũ lụt lại thêm các đập thủy điện xả nước, lúa sẽ bị mất trắng.

Hạt lúa là nhân, cây lúa trổ bông là quả; những điều kiện hỗ trợ, tiếp sức cho hạt lúa nẩy mầm, lớn lên và trổ đòng đòng là duyên. Nhân chỉ có một; quả thường nhiều hơn cái nhân ấy; và duyên thì vô hạn, vô tận. Bởi vì, duyên của một cái nhân này có khi lại là nhân của một cái quả nào đó, hoặc là quả của một cái nhân khác. Chính vì tương quan chồng chéo đan xen như thế giữa các sự thể, nhà Phật gọi là trùng trùng duyên khởi, trùng trùng tương duyên – qua đó, sự sinh khởi của bất cứ sự thể, sự kiện, sự vật nào, từ hữu hình đến vô hình, đều có sự tương trợ và tác thành bởi vô số điều kiện nhân duyên khác. Một sự thể vừa là quả, vừa là nhân, cũng vừa là duyên cho một hay nhiều sự thể khác. Một sự thể vừa là chủ thể, mà cũng vừa là đối tượng của một chủ thể khác. Mỗi chủ thể đều có tác động đồng thời chịu tác động, gián tiếp hay trực tiếp, thuận hay nghịch, từ một hay nhiều, hay vô số đối tượng và chủ thể khác không phải là nó. Vì vậy, thực ra không có sự thể nào tự sinh khởi, cũng không có sự thể nào có tự tính riêng biệt của nó (vô tự tính). Không gì hiện hữu một cách độc lập. Tất cả đều tùy thuộc vào nhau (tương thuộc), hỗ trợ nhau (tương duyên), và làm nhân cho nhau (tương sinh). Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không[1]. Nhưng cũng chính vì tất cả sự thể đều tùy thuộc hỗ tương, không sự thể nào có tự tính độc lập, nên thực sự không có gì là nhân, là duyên, là quả. Từ chỗ này, Đại sư Long Thọ nói: không gì được sinh ra hay diệt đi; không gì thường hằng hay đoạn diệt; không gì đồng nhất hay dị biệt; và không gì đến hay đi[2]. Bát-nhã Tâm kinh cũng nói: “Bởi vì tướng của các pháp là không (tự tính), nên không có sinh-diệt, dơ-sạch, tăng-giảm” là vì thế[3].

Nghiệm sâu từ đó, không phải để chối bỏ thực tại vô thường của thế giới tương đối, hay cố gắng truy tìm thực tại tuyệt đối vượt khỏi biên tế trần gian; mà chỉ để thực tập một cách nhìn vượt khỏi những nhị nguyên, đối đãi.

May ra, ở chỗ tận cùng bế tắc của đường ngôn ngữ[4], có thể thấy thấp thoáng đâu đó chỗ kỳ tuyệt của bản tâm, nơi đó, không có chỗ khởi đầu và kết thúc.

Suy cho cùng, một sát-na, một ngày, một tháng, hay một năm cũng thế. Không có sự bắt đầu hay kết thúc của không gian và thời gian. Không sinh nên không diệt. Vô thủy nên vô chung.

Nơi ruộng đồng kia, lúa nẩy mầm.
Và mùa xuân lại đến.

California, ngày 20.12.2020
Vĩnh Hảo

(www.vinhhao.net)

[1] Kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ I), nguyên lý Duyên khởi được nêu như sau:
“Vì cái này có nên cái kia có
Vì cái này không nên cái kia không
Vì cái này sinh nên cái kia sinh
Vì cái này diệt nên cái kia diệt.”

[2] Bát bất (tám cái không) mà Long Thọ (Nāgārjuna) nêu lên như là tiêu đề cho toàn bộ Trung Quán Luận:

“Bất sinh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất
Năng thuyết thị nhân duyên
Thiện diệt chư hí luận
Ngã khể thủ lễ Phật
Chư thuyết trung đệ nhất.

Tạm dịch:
Không sinh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đến cũng không đi
Tuyên thuyết pháp nhân duyên
Khéo diệt mọi hí luận
Con cúi đầu lạy Phật
Bậc đạo sư đệ nhất.

[3] “Thị chư pháp không tướng: bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.”
[4] “Ngôn ngữ đạo,” (con đường của ngôn ngữ văn tự), chữ dùng của Đại Trí Độ Luận, trong “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt,” nghĩa là cắt đứt con đường ngôn ngữ, dập tắt chỗ vận hành của tâm.

Thursday, September 17, 2020

Vĩnh Hảo: SAU THỊNH NỘ LÀ LẶNG IM



SAU THỊNH NỘ LÀ LẶNG IM


Vĩnh Hảo


Lửa. Lửa lại bùng cháy trên những cánh rừng bạt ngàn miền tây. Khói cuồn cuộn, lan xa hàng nghìn dặm, kéo qua tận miền đông. Tro bụi mịt mù, bao phủ hết bầu trời, làm cho nền trời lúc giữa trưa mà ửng lên màu vàng cam, có khi đỏ ối như ráng chiều hoàng hôn. Hai vầng nhật nguyệt dường như bị che khuất suốt những ngày cuối hạ. Tro tàn theo gió cuốn đi thật xa, rời bỏ núi rừng, rồi rơi lả tả trên những cánh đồng, sông suối, cỏ cây, nhà cửa, xe cộ... khắp các vùng. Không khí như bị đặc quánh lại với mùi khét lẹt của khói. Lệnh giãn cách xã hội và mang khẩu trang chưa được cởi mở hoàn toàn, lại càng cần thiết hơn trong lúc này, khi con người mong tìm nơi trú ẩn an toàn để thở được không khí trong lành.

Lửa là một trong bốn yếu tố to lớn (bốn đại: đất, nước, gió, lửa), có mặt trùm khắp thế giới vật chất, hữu hình. Không đâu mà không có lửa, cũng như không đâu mà không có đất, nước, gió. Lửa là nhu cầu thiết yếu của loài người từ thời nguyên thủy cho đến ngày nay, để thắp sáng, sưởi ấm và làm chín thức ăn. Từ cuối thế kỷ thứ 7 trước kỷ nguyên, một giáo phái tôn thờ lửa được thành lập gọi là Hỏa giáo (1). Lửa trong kinh Phật thì có khi được ẩn dụ như sự bùng cháy của tâm sân hận (2); có khi được dùng để nói về một nguy hiểm tiềm tàng (3); và trong một thi kệ của Thiền sư Khuông Việt thì lửa được dụ cho Phật tính (4).

Dù trong ẩn dụ tốt hay xấu, tính năng của lửa là từ một đốm nhỏ có thể làm bùng lên thành một trận lửa to lớn. Nhìn tiêu cực, và cụ thể, lửa thường được ví với sự nóng nảy, giận dữ, sân hận. Như vậy, tâm sân hận dù nhỏ, cũng có thể bùng phát thành cơn thịnh nộ lớn, gây tổn hại cho mình hoặc hủy diệt cả người khác.

Nhìn những cơn bão lửa thực tế đang cuồng nộ gieo rắc kinh hoàng cho con người và muông thú trên các cánh rừng, người thực hành chánh pháp có thể dùng đó làm bài học quán niệm, theo dõi và kiểm soát lòng sân hận của mình. Chỉ một niệm sân nhỏ thôi, cũng cần phải nhận biết, cẩn trọng, xem chừng, đừng cho nó manh động, tăng trưởng. Quán sát sâu xa hơn, có thể nhận ra cội nguồn của tâm sân hận chính là ái ngã, vị ngã — chỉ thích những ai và những gì làm vừa lòng mình; không chấp nhận những ai và những gì làm trái ý mình. Bất mãn, nổi sân, bẳn gắt, khó chịu với người khác cũng chỉ vì yêu thích, cưng chiều, bảo vệ “cái tôi” và “những gì thuộc về tôi” của mình.

Do đó, sự thịnh nộ của bão lửa, dù là thiên tai hay nhân họa, có phần nào được hiểu như là phóng ảnh từ nội tâm con người. Quá vị kỷ sinh ra thù ghét; quá tự tôn sinh ra kỳ thị; quá tư kiến sinh ra thành kiến. Từ đó, phừng phừng đốt lên những ngọn lửa dữ. Chiến tranh tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa, ý thức hệ, đảng phái... cũng chỉ vì không thể kiểm soát được đốm lửa sân nhỏ. 

Lửa, luôn hữu dụng nếu biết kiểm soát. Người ta có thể cất lửa vào một đầu que diêm, hay nhốt lửa tiềm ẩn trong một cái hộp quẹt. Đốt nhang cúng Phật, đốt củi sưởi ấm, nhen lửa nấu cơm... lửa có hại ai đâu. Hại hay không là do mình biết hay không biết kiểm soát, chế ngự.


Nhưng khi một ngọn lửa chưa bật lên, khi một niệm chưa khởi, thì cái gì, là ai ở nơi ấy?


Tất cả cơn thịnh nộ của địa chấn, cường triều, cuồng phong, hỏa tai... rồi sẽ lắng xuống. Không có gì tự sinh ra, và cũng không có gì sinh mãi không diệt. Lửa không thể cháy mãi. Sóng không thể dâng mãi. Niệm thiện hay niệm ác cũng chỉ là những ba động trên bề mặt bản tâm. Sau cơn thịnh nộ, là im lặng.


California, ngày 16 tháng 9 năm 2020

 Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

_________


  1. Theo Wikipedia: “Hỏa giáo hay Bái hỏa giáo (cũng còn được gọi là Hiên giáo, Hỏa hiên giáo, Đạo Zoroast, Đạo Mazda hay Mazde, Hỏa yêu giáo) là tôn giáo do nhà tiên tri Zoroaster (Zarathushtra) sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN tại miền Đông Đế quốc Ba Tư cổ đại. Đây là một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại, với bộ kinh chính thức là kinh Avesta (Cổ kinh Ba Tư) tôn vinh thần trí tuệ Ahura Mazda là thần thế lực cao nhất. Các đặc điểm nổi bật của Hỏa giáo, bao gồm lòng tin vào một đấng cứu rỗi sẽ tới cứu giúp nhân loại, thiên đàng và địa ngục, và tự do ý chí được cho rằng đã ảnh hưởng đến các hệ thống tôn giáo sau đó như: Do thái giáo đền thờ thứ hai, thuyết ngộ đạo, Kitô giáo và Hồi giáo.”

  2. “Một đốm lửa sân có thể đốt cháy cả rừng công đức,” (Kinh Phật).

  3. “Có bốn thứ tuy trẻ nhỏ, nhưng không thể xem thường. Những gì là bốn? Vương tử Sát-lợi, tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường. Rồng con, tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường. Đốm lửa tuy nhỏ, nhưng chớ xem thường. Tỳ-kheo tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường.” (Tạp A-hàm, Tam Bồ Đề, Kinh số 1226. Việt dịch: Thích Đức Thắng; Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ)

  4. Bài kệ của Thiền sư Khuông Việt (933-1011), với ý rằng vì chúng sinh sẵn có tánh Phật nên tu hành mới thành Phật quả; nếu không có tánh Phật thì dù tu hành bao nhiêu đời kiếp cũng không thể thành Phật. Bài kệ đã dùng lửa trong cây làm ẩn dụ: 

“Mộc trung nguyên hữu hỏa,

Hữu hỏa, hỏa hoàn sanh.

Nhược vị mộc vô hỏa,

Toản toại hà do manh.

Dịch:

Trong cây sẵn có lửa,

Có lửa, lửa mới sanh.

Nếu bảo cây không lửa,

Cọ xát làm gì sanh.



Sunday, August 23, 2020

Vĩnh Hảo: Hiếu

Hiếu

Vĩnh Hảo

Thời nay mà còn nói đến chữ “hiếu” sẽ có người cho là cổ hủ, lỗi thời. Kỳ thực, đạo hiếu, đạo làm con[1] thời xưa đã bị chê là lỗi thời theo sự xuống trào, mất ảnh hưởng của Việt-Nho từ giữa thế kỷ 19 rồi, không phải đợi đến ngày nay.
Nhưng điểm cốt lõi của hiếu thì thời nào cũng còn giá trị. Có thể người ta dị ứng với chữ “hiếu” thôi, chứ đổi thành “thương,” thành “kính yêu,” thì không ai phủ nhận. Con cái nào lại chẳng thương, chẳng kính cha mẹ! Vậy, đừng kêu gọi hiếu nữa, mà hãy lấy chất liệu thương yêu, kính trọng đó ra mà tiếp xử với cha mẹ. Làm được như thế thì đông phương hay tây phương, tình cảm của con cái dành cho cha mẹ vẫn luôn là gương đẹp để soi, đồng thời rọi chiếu vào gia đình, xã hội chung quanh.
Chỉ có điều là tình cảm kính yêu ấy được bộc lộ như thế nào. Thương, không thể chỉ nói suông bằng lời. Không thể cứ mơ mộng như con nít quấn quýt bên cha mẹ, chỉ cần biết thương là đủ rồi, không cần phải làm bổn phận chi hết[2]. Thương không phải là bổn phận, nhưng để biểu lộ tình thương thì phải có hành động. Con cái tây phương hay đông phương khác gì nhau đâu: thương cha mẹ thì phải làm điều gì đó để cha mẹ an tâm, hạnh phúc, hãnh diện… về sự trưởng thành (từ nhân thể đến nhân cách) của đứa con mà mình sinh ra và nuôi dạy bao năm trường. Ở những xứ sở có quỹ an sinh xã hội dành cho người già, và trẻ nhỏ đã được huấn luyện tính tự lập trước khi đến tuổi thành niên, có thể cha mẹ chẳng đòi hỏi gì nơi sự chu cấp, phụng dưỡng từ con cái; nhưng trong tâm lý tình cảm tự nhiên, cha mẹ nào lại không mong có sự thương yêu, kính trọng, chăm sóc, thậm chí chỉ thăm hỏi từ những đứa con! Thương yêu, chăm sóc ấy là hành động, không phải là chữ nghĩa, ngôn từ suông. Lòng thương ấy mới có thể gắn kết tình cảm thiêng liêng của gia đình, làm chất liệu nền tảng tác động vào xã hội. Xã hội không có tình thương là một xã hội rời rạc, phân rã, khó có thể thành tựu được những mục tiêu công ích và lý tưởng chung.
Người hành đạo, dù là đạo nào, đi vào cuộc đời không phải vì lợi ích bản thân, gia đình, mà trên hết phải vì lợi ích cho số đông. Có thể có những trường hợp ngoại lệ của một cá nhân bất kính với cha mẹ, không làm nên tích sự gì trong gia đình, mà lại thành công ở mặt nào đó ngoài xã hội. Nhưng sự thành công của một người thiếu vắng tình thương, thiếu sự tôn kính, biết ơn đối với cha mẹ, thì thành công ấy cũng chỉ là thành công nhỏ nhoi, tô bồi cho bản ngã và lợi ích cá nhân, không thể nào là một sự thành công vẻ vang, mang lại an vui, phúc lạc cho toàn thể. Không thương, không kính, không một lần nghĩ ơn cha mẹ, thì đừng nói chuyện thương ai, cứu giúp ai.
Cho nên, vẫn cứ phải nói tới nói lui về một thứ tình cảm thiêng liêng, rất đẹp, không bao giờ lỗi thời, đó là niềm thương kính dành cho cha mẹ. Chữ hiếu: lỗi thời; kêu gọi con cái phải báo hiếu đền ơn cha mẹ: lỗi thời; tạm cho là như vậy. Nhưng tình cha, tình mẹ, như suối nguồn từ non cao chảy về, là bất tận. Bất tận thì không bao giờ lỗi thời.
Chúng ta đã biết phải làm gì đối với cha mẹ, dù có hay không có sự yêu cầu: hãy thương kính và làm gì đó để biểu hiện niềm thương kính ấy khi cha mẹ còn sống; đừng để mai sau, một lúc nào đó trong đời, ôm lòng hối hận đã chưa bày tỏ trọn vẹn tình cảm của mình như bao nhiêu người con khác trong quá khứ, vì cứ nghĩ “hiếu” là lỗi thời.
California, ngày 22 tháng 8 năm 2020
Vĩnh Hảo
www.vinhhao.info
_____________________________
[1] “Công cha như núi Thái sơn/Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/Một lòng thờ mẹ kính cha/Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con,” hoặc “Thờ cha kính mẹ hết lòng/Ấy là chữ Hiếu, dạy trong luân thường…” ca dao tục ngữ Việt.

[2] “Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát nước thì uống. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ…” (Bông Hồng Cài Áo, của Nhất Hạnh, 1962).