Showing posts with label Hoàng Ngọc Tuấn. Show all posts
Showing posts with label Hoàng Ngọc Tuấn. Show all posts

Monday, March 30, 2020

Những Mảnh Vụn Ý Nghĩ Về Một Khu Vườn Âm Thanh

Lời dẫn: KHU VƯỜN ÂM THANH. Trong những ngày cả thế giới đang lo âu về dịch bệnh, tôi thường đi ra vườn, ngắm nhìn cây lá, lắng nghe tiếng nước chảy, tiếng chim hót... để tìm sự bình an trong tâm hồn. Hôm nay tôi bỗng nhớ lại, cách đây hơn 15 năm, tôi có viết một tản văn về một khu vườn âm thanh. Tôi chép lại ở đây để chia sẻ cùng các bạn.

NHỮNG MẢNH VỤN Ý NGHĨ VỀ 
MỘT KHU VƯỜN ÂM THANH
1.
Từ xa xưa, vườn là một nơi chốn của tâm linh. Phật Thích Ca đã sinh ra từ vườn Lumbini, giác ngộ dưới gốc cây bồ đề, thuyết pháp lần đầu tại vườn Saranath (Lộc Uyển), và nhập niết-bàn trong vườn ở Kusinara. Chúa Jesus, trước ngày bị đóng đinh trên thập tự giá, đã vào vườn Gethsemane để cầu nguyện một mình trước Thượng Đế. Người Hồi giáo xem khu vườn là tượng trưng cho hình ảnh của thiên đường, và đó là nơi để trầm tưởng, vì thế, hình dáng của khu vườn Islam phải tuyệt đối cân phương, cây cối phải luôn luôn xanh tươi – màu xanh lá cây là màu của Islam – và trong vườn luôn luôn có một hồ nước, theo như lời trong kinh Qur’an: “Jannat tajri min tahtiha al-anhar” (“dưới những vườn cây, có những dòng sông chảy”)...
2.
Trong đời sống thường nhật của chúng ta hôm nay, vườn là một vũ trụ của thiên nhiên nằm gọn trên một mảnh đất nhỏ. Vườn là một tiểu vũ trụ của chúng ta. Bước vào vườn, chúng ta cảm thấy mình đang trở về với thiên nhiên...
Trải qua bao nhiêu thế kỷ, từ đông sang tây, chúng ta đã ứng dụng khoa học và óc thẩm mỹ vào việc xây dựng những khu vườn. Chúng ta đã đem những chất liệu từ thiên nhiên về mảnh đất của mình và uốn nắn, sắp xếp, chăm bón cho chúng phát triển theo một trật tự nào đó phù hợp với óc thẩm mỹ của mình nhưng đồng thời không đánh mất tính nguyên sơ của thiên nhiên. Vườn, do đó, biểu hiện một hoà điệu giữa thiên nhiên (nature) và văn hoá (culture).
3.
Những người không hiểu trọn vẹn cái hoà điệu thiên-nhiên/văn-hoá của vườn vẫn thường tưởng rằng vườn chỉ là một cái gì đó để nhìn ngắm. Nói đến vườn, họ thường nói đến vẻ đẹp của hoa lá, cây trái, và nghệ thuật cắt tỉa, bài trí. Hầu hết khách thưởng ngoạn đều cảm thấy thoả mãn khi chụp ảnh những khu vườn đẹp. Hàng ngàn khu vườn đẹp trên thế giới đã được tái hiện trên những tấm bưu thiếp (postcard). Chúng chỉ còn là một cái gì để nhìn.
4.
Có lẽ rất ít người đến một khu vườn để thực sự lắng nghe và thưởng thức âm thanh của nó. Có lẽ càng ít người hơn nữa đến một khu vườn để thu âm thanh (thay vì chụp ảnh).
5.
Đa số người quên rằng mỗi khu vườn — ngay cả một khu vườn chỉ có cát và sỏi — vẫn có một thứ âm thanh — một thứ âm nhạc — của riêng nó.
6.
Đi qua những khu vườn khác nhau, chúng ta có thể nghe những âm thanh — âm nhạc — khác nhau. Tiếng côn trùng. Tiếng nước chảy. Tiếng lá reo. Tiếng gió thổi. Tiếng người nói. Tiếng xe cộ từ bên ngoài vẳng lại. Tiếng chim hót. Tiếng gà gáy. Tiếng những chiếc phong linh kêu trong gió... Và muôn vàn âm thanh khác.
Từng giờ phút trong ngày và đêm, âm thanh — âm nhạc — của mỗi khu vườn luôn luôn thay đổi. Mỗi khu vườn có một bản nhạc bất tận của riêng nó.
7.
Một người mù vẫn thưởng thức được những vẻ đẹp khác nhau của những khu vườn vì có thể nghe những vẻ đẹp.
Có lần, bạn tôi kể cho tôi một câu chuyện như thế này:
Anh chở một người bạn đi chơi. Dọc đường, thấy một khu vườn rất đẹp, anh ghé vào xem. Đến khi đang tản bộ trong khu vườn ấy, anh mới giật mình và hối hận vì đã quên rằng người đồng hành của mình bị mù. Thế nhưng, trong lúc anh đang loay hoay tìm lời để xin lỗi, thì người đồng hành nở một nụ cười rất tươi và nói: “Ôi, vườn này đẹp quá!”
Người mù ấy đã nghe được vẻ đẹp của khu vườn.
8.
Trong đêm tối, hầu hết những khu vườn lớn nhỏ đều đóng cổng, không ai đến viếng, vì người ta tưởng không còn gì để thưởng thức nữa. Kỳ thực, đêm tối lại chính là lúc chúng ta có thể thanh thản lắng nghe thứ âm nhạc tuyệt diệu của thiên nhiên trong vườn.
Dưới mưa, cũng thế, mọi khu vườn lớn nhỏ đều không còn ai. Thế nhưng, đó cũng chính là lúc chúng ta có thể nghe một giai điệu khác, một tiết tấu khác, của vườn.
9.
Manuel de Falla, một nhạc sĩ lừng danh của Tây-ban-nha, đã lắng nghe âm nhạc của vườn đêm, và đã viết nên nhạc phẩm bất hủ Noches en los Jardines de España (Những đêm tối trong những khu vườn ở Tây-ban-nha) cho đàn piano độc tấu (1909), và sau đó ông khai triển thành một hoà khúc cho đàn piano và dàn giao hưởng (1915).
Trước đó không lâu, Claude Debussy, một nhạc sĩ lừng danh của Pháp, đã lắng nghe âm nhạc của khu vườn dưới mưa, và đã viết nên bài Jardin sous la pluie (Vườn dưới mưa), một nhạc phẩm ngoại hạng cho đàn piano độc tấu (1894).
Trong hậu bán thế kỷ 20, Takemitsu Toru, một nhạc sĩ lừng danh của Nhật Bản, đã sáng tác những nhạc phẩm kiệt xuất sau những giờ tản bộ trong những khu vườn. Vườn là nền tảng mỹ học và cảm hứng âm nhạc của ông. Những nhạc phẩm của Takemitsu để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong ký ức tôi là In an Autumn Garden (1973, Trong vườn mùa thu), Garden Rain (1974, Mưa trong vườn), A Flock Descends into the Pentagonal Garden (1977, Một bầy chim đậu xuống vườn ngũ giác), và Spirit Garden (1996, Vườn linh hồn), nhạc phẩm cuối cùng trước khi ông nhắm mắt.
10.
Takemitsu kể chuyện một lần ông tản bộ qua khu vườn Islam của đền Alhambra ở Granada, Tây-ban-nha. Cấu trúc quá cân phương và không khí lặng ngắt trang nghiêm của khu vườn ấy không cho ông một cảm hứng nào. Thình lình, có tiếng bước chân một người đàn bà đi nhanh qua vườn và một cơn gió thổi làm mặt nước trong hồ rung rinh. “Chỉ đến lúc ấy, âm nhạc mới nẩy sinh.” Takemitsu nói.
11.
Ban ngày, bạn hãy lắng thử nghe những nhạc phẩm ấy của Manuel de Falla, Claude Debussy, và Takemitsu Toru, rồi ban đêm, hay khi trời mưa, bạn hãy thử vào trong một khu vườn để lắng nghe âm nhạc của thiên nhiên. Sau đó, bạn hãy ghi lại những cảm tưởng của mình.
12.
Ban ngày, nếu bạn không lắng nghe khu vườn của bạn, thì nó chỉ là một khu vườn của màu sắc và đường nét. Ban đêm, hay khi trời mưa, bạn không còn nhìn thấy điều gì rõ ràng trong khu vườn của bạn nữa, thì nó có thể trở thành một khu vườn âm thanh cho bạn thưởng thức.
13.
Một khu vườn âm thanh thì hoàn toàn khác với một không gian dành cho tác phẩm sắp đặt âm thanh (sound installation), nơi người ta chiếm một khoảng không gian và gắn vào đó một hệ thống phát ra những âm thanh thu sẵn.
Nhạc phẩm Soniferous Garden (1998, Vườn âm thanh) của Hildegard Westerkamp không phải là một vườn âm thanh, mà chỉ là một tác phẩm sắp đặt âm thanh hết sức kỳ công. Bà đã thu sẵn vào băng nhựa những âm thanh từ những ngôi đền ở Ấn Độ, gồm tiếng chuông, tiếng tụng kinh, tiếng cầu nguyện, tiếng OM... Bà pha trộn chúng vào tiếng nước chảy ở Goa và Canada, tiếng phong linh, tiếng thở nhẹ, trên nền âm trì tục (drone) kéo dài, lúc thì lớn lên, khi thì tan vào sự im lặng. Thỉnh thoảng lại có giọng của Swami Brahmananda nói “Thượng Đế là gì?”, giọng vài người Ấn Độ đọc tên các thần linh của đạo Hindu, giọng của chính Westerkamp nói chữ “im lặng” và đọc một câu của Kirpal Singh: “Khi không có âm thanh, thính giác trở nên tinh nhạy nhất”. Thỉnh thoảng có những đoạn hoàn toàn im lặng, và khán giả được mời đọc đồng thanh tiếng OM... Và tất cả những âm thanh này được phát ra bên trong toà nhà Indira Gandhi National Centre for the Arts ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 25 tháng 12 năm 1998.
Nhạc phẩm A Soniferous Garden (1999, Một vườn âm thanh) của Richard Windeyer lại càng không phải là một vườn âm thanh! Đó chỉ là một tác phẩm được viết sẵn dưới dạng tổng phổ hoàn chỉnh. Các nhạc công vừa thổi các loại kèn, sáo, tiêu, vừa bước đi quanh hoa viên Victoria Park ở Kitchener, Ontario, Canada, trong kỳ đại hội Open Ears Festival of Music & Sound, tháng 5 năm 1999. Khán giả vừa lắng nghe vừa bước theo các nhạc công. Tất nhiên người ta có thể nghe những âm thanh thiên nhiên và tiếng người nói, tiếng bước chân... xen vào dòng nhạc hoà tấu, nhưng tựu trung đó vẫn chỉ là một nhạc phẩm được viết theo lối cổ điển và được trình diễn di động.
Một khu vườn âm thanh thì khác. Nó vẫn là một khu vườn bình thường, với những âm thanh tự nó phát ra. Những âm thanh ấy đến từ thiên nhiên và không bao giờ ngừng nghỉ, cho đến khi khu vườn biến mất. Chúng ta có thể treo thêm trong vườn những chiếc phong linh, những cái chuông, những cái lục lạc, hay những chiếc đàn aeolian... Nhưng chúng ta đừng điều khiển chúng. Hãy để cho thiên nhiên điều khiển. Chúng sẽ tạo nên âm nhạc mỗi khi gió thổi qua, mưa rơi xuống, một con chim hay một con chuồn chuồn ngẫu nhiên chạm vào...
14.
Để có một khu vườn âm thanh phong phú, hãy chăm bón cho cây lá, hoa trái tươi tốt để chim chóc và côn trùng có nơi vui sống và sinh sản; hãy nuôi những con cá, những con ếch nhái no đủ, sung sướng trong những hồ nước; hãy chừa ra những khoảng trống cho gió luồn qua, cho nắng soi vào, cho mưa tưới xuống...
15.
Tất nhiên chúng ta có thể, và nên, thưởng thức vẻ đẹp của vườn bằng cả năm giác quan. Chúng ta nhìn ngắm các sự vật trong vườn, ngửi mùi hương, sờ vào hoa lá, nếm một trái cây, và lắng nghe âm thanh chung quanh mình. Thế nhưng, trong năm giác quan, sự nhìn ngắm và lắng nghe gắn liền với hai nghệ thuật lớn của văn hoá nhân loại: mỹ thuật và âm nhạc.
16.
Trước hết là âm nhạc. Vũ trụ đã khởi đầu bằng một âm thanh.
HOÀNG NGỌC-TUẤN, Sydney 2004.

===========
Photo: trích từ tạp chí National Geographic.

Friday, December 22, 2017

MÓN QUÀ TUYỆT VỜI CHO TÔI - Hoàng Ngọc-Tuấn

Trung Tâm Tạm Giam Di Dân - Photo: Tác giả cung cấp.

MÓN QUÀ TUYỆT VỜI CHO TÔI
Hoàng Ngọc-Tuấn

Hôm nay, với tư cách của một nghệ sĩ tình nguyện, tôi vác đàn guitar vào Trung Tâm Tạm Giam Di Dân ở Villawood để giúp vui cho những người tị nạn (bị tạm thời xem như là “di dân bất hợp pháp”) đang ở trong đó. Có những người đã bị tạm giam nhiều năm rồi mà vẫn chưa được xét duyệt xong để được công nhận là người tị nạn. Cuộc sống của họ trong đó tất nhiên rất buồn, và đã có vài người tự tử...

Để được cho phép vào làm công việc từ thiện này, tôi phải mất nhiều tuần lễ để trải qua khá nhiều thủ tục giấy tờ và an ninh, và khi vào trong đó tôi phải bị khám xét rất cẩn thận (kể cả cây đàn guitar cũng bị scan để bảo đảm không có chứa vũ khí hay chất nổ, và họ tạm giữ cái iPhone của tôi, vì không ai được chụp hình trong phạm vi của trại giam). Tôi cũng được các nhân viên an ninh dặn dò rất chi tiết về những gì không nên làm hay không nên nói (để tránh gây kích động hay nổi loạn). Trung tâm đó có khoảng hơn 1,000 người tị nạn (và chỉ có 1 đứa trẻ con), phần đông đến từ Syria, Iraq và một số nước ở Trung Đông và châu Phi, và vài người từ các nước châu Á.

Tôi đã được dặn dò rằng chỉ nên đàn, hát và nói những chuyện lạc quan để mang niềm vui đến cho họ. Vì thế, tôi đã chuẩn bị sẵn một số bài hát và bản đàn vui, và tôi bắt đầu bằng vài lời tự giới thiệu vắn tắt rằng “tôi là một nhạc sĩ, cũng là một người tị nạn từ Việt Nam, đã sống 34 năm ở Úc, hôm nay tôi tình nguyện đến đây để chia sẻ những bản nhạc vui”, rồi tôi đàn bản “Foug Ennakhel” (nhạc Iraq), rồi tiếp theo là bản “Hal Asmar Elloun” (nhạc Syria). Khán giả thích lắm, họ vỗ tay theo nhịp và có vài người đứng lên nhảy múa. Khi mỗi bản đàn kết thúc, họ vỗ tay ầm ĩ rất vui. Thế rồi có một người tị nạn từ Syria đứng dậy hỏi tôi làm sao mà biết những bài dân ca của Syria và Iraq. Tôi giải thích rằng tôi đã từng có nhiều năm tiếp xúc với người Trung Đông ở Úc và tôi đã học thuộc một số bản nhạc Trung Đông. Họ khen rằng “ông chơi đàn guitar mà nghe như đàn al-Oud, nghe rất thích!”

Rồi có một người đứng lên yêu cầu tôi đàn hoặc hát một bản dân ca Việt Nam. Tôi bèn chơi bản “Trống Cơm”, và khán giả rất khoái chí. Bản đàn chấm dứt, họ vỗ tay tưng bừng và yêu cầu tôi hãy hát một bài. Tôi bèn dịch nghĩa lời ca “Qua Cầu Gió Bay” cho họ hiểu, rồi tôi hát. Cứ thế, họ lại tiếp tục yêu cầu, và tôi hát tiếp những bài “Lý Ngựa Ô”, “Người Ơi Người Ở Đừng Về”...

Đang vui như vậy thì bỗng có một người đứng lên yêu cầu tôi kể về hành trình tị nạn của tôi. Một nhân viên an ninh nghe như thế bèn ra hiệu để nhắc nhở tôi đừng kể chuyện buồn thảm. Tôi bèn nói vắn tắt đại khái rằng “Vì không thể sống dưới chế độ Cộng Sản đầy áp bức, bạo ngược, bất công, nên tôi đã phải tìm cách vượt biển rất nhiều lần, và tôi đã từng bị ở tù nhiều lần, trước khi tôi vượt biển thành công từ Việt Nam đến Phi Luật Tân. Cuộc vượt biển cuối cùng ấy rất gian nan, nhưng các bạn của tôi và tôi đã được tàu đánh cá Phi Luật Tân cứu vớt. Sau khi trải qua 7 tháng rưỡi ở trại tị nạn, tôi được nhận vào Úc như một người tị nạn. Tôi đến Úc ngày 23/12/1983, và từ đó tôi bắt đầu làm lại cuộc đời. Tôi đã sống ở Úc với một tinh thần lạc quan và hy vọng. Tôi đã trở lại trường đại học, rồi sau khi tốt nghiệp, tôi đã làm việc như một nhà giáo và một nhạc sĩ trong xã hội Úc. Đồng thời, tôi cũng tiếp tục dùng tiếng Việt để viết văn, làm thơ, vì tôi yêu tiếng mẹ đẻ...”

Khán giả im lặng lắng nghe tôi nói. Tôi cố gắng nói tiếng Anh thật chậm rãi, vì tôi biết rằng có nhiều người rất kém tiếng Anh, dù họ được học tiếng Anh trong trại.

Khi tôi nói xong, có một người đứng lên xưng tên là Erkin, chuyên viên điện toán, tị nạn từ Iraq; và với vốn tiếng Anh khá giỏi, anh ta hỏi: “Sau nhiều năm sống ở Úc, ông có còn suy nghĩ nhiều về quá khứ của ông, về quê hương cũ của ông không?”
Tôi đáp: “Có, vì tôi sinh ra ở Việt Nam. Suốt đời tôi vẫn là một người Việt Nam, dù tôi là công dân Úc.”

Erkin hỏi: “Ông vẫn suy nghĩ về quê hương cũ của ông, vậy thì ông đã làm gì cho những ý tưởng đau buồn đó?”
Tôi đáp: “Tôi ra đi nhưng không bao giờ quên thân phận của những người ở lại, và vì thế, tôi luôn luôn tìm cách tranh đấu cho tự do và nhân quyền của họ.”

Erkin nói: “Các nhân viên xã hội làm việc ở đây luôn luôn khuyên bảo chúng tôi rằng hãy quên đi tất cả những nỗi buồn trong quá khứ, hãy lạc quan và sống với niềm hy vọng. Thế nhưng, ông đã là công dân Úc, ông đã là người tự do, mà ông vẫn không quên quá khứ đau buồn, thì làm sao chúng tôi có thể quên đi quá khứ đau buồn để sống lạc quan và hy vọng giữa những bức tường của trại giam này?”

Một nhân viên an ninh liền ra hiệu cho tôi, sợ rằng không khéo tôi sẽ bị lôi kéo vào những chuyện buồn.

Tôi bèn nói: “Erkin và các bạn thân mến, tôi không quên quê hương cũ của tôi, tôi không quên thân phận của những người ở lại, tôi không quên những hình ảnh đau buồn trong quá khứ, và tôi luôn luôn biết rằng Việt Nam vẫn đang là một thảm trạng, nhưng tôi luôn luôn sống và tranh đấu trong một tinh thần lạc quan to lớn, với một niềm hy vọng to lớn, rằng mọi sự sẽ thay đổi, và tương lai của quê hương tôi sẽ tốt đẹp. Không ai có thể sống với những nỗi buồn. Chúng ta chỉ có thể sống trong niềm vui và niềm hy vọng vào tương lai. Nỗi buồn vẫn còn đó, nhưng niềm vui và niềm hy vọng thì to lớn hơn. Nỗi buồn là bóng tối. Niềm vui và niềm hy vọng là ánh sáng. Ánh sáng mang đến sức sống cho muôn loài trên trái đất. Khi tôi nằm trong các trại tù ở Việt Nam, khi tôi đang lênh đênh trên đại dương, và khi tôi còn chờ đợi trong trại tị nạn, tôi vẫn không ngừng nuôi giữ ánh sáng trong lòng. Chính vì tôi đã sống và vươn lên trong ánh sáng, cho nên hôm nay tôi tình nguyện đến đây để mang một thông điệp ánh sáng đến chia sẻ với các bạn. Chúng ta hãy cùng hát. Chúng ta hãy cùng vui. Chúng ta hãy cùng hy vọng rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn hôm nay. Tôi chúc cho các bạn sớm được tự do để sống trong xã hội Úc và xây dựng một tương lai tươi sáng. Tôi xin Thượng Đế ban phước lành cho tất cả chúng ta.”

Các nhân viên an ninh liền vỗ tay ầm ĩ và reo lên: “Bravo! Bravo!”, và tôi liền đàn và hát lại bài ca vui “Foug Ennakhel”: “... Foug ennakhel foug foug / Yaba foug ennakhel foug / Madri lamah / Khedda yaba madri elgoumar foug...”

(... Trên những ngọn cây cau
Cha ơi, trên những ngọn cây cau

Con không biết cái gì đang toả sáng

Khuôn mặt của nàng hay vầng trăng rạng rỡ...)


Tất cả khán giả cùng vỗ tay hát theo, và buổi sinh hoạt kết thúc. Khi tôi chào tạm biệt và bắt tay mọi người, Erkin đến nắm lấy tay tôi và nói: “Cảm ơn ông rất nhiều. Tôi hiểu những điều ông nói. Đó là món quà rất tốt cho chúng tôi.” Erkin nói với một nụ cười rất tươi.

Tôi ôm đàn ra về, mang theo nụ cười của Erkin và nhiều nụ cười của những người tị nạn. Đó là món quà tuyệt vời cho tôi trong mùa Giáng Sinh này.

Sydney, 22/12/2017
Hoàng Ngọc-Tuấn